108

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dì cầm cốc giấy hắn đưa uống một hớp, nhiệt độ vừa phải, nuốt nước, bỗng nhận ra bao năm qua con trai mình vẫn vậy, không hay nhiều lời nhưng luôn chăm sóc người khác chu đáo. Cũng vì quá tốt, quá chín chắn nên thỉnh thoảng dì bỗng quên mất, thực ra tuổi đời hắn chẳng có bao nhiêu.

“Mẹ uống thuốc chưa?” Xuân Trường ngồi bên mẹ mình chốc lát rồi khẽ hỏi.

Dì gật nhẹ: “Trước khi đến đây mẹ đã uống rồi.”

Dường như cuộc trò chuyện giữa mẹ con họ bao giờ cũng thế, Xuân Trường không giỏi nói chuyện, không giỏi khuyên nhủ, càng không giỏi tìm chủ đề khiến người ta thư thái vui lòng, lần nào cũng lặng lẽ đứng ở nơi dì có thể chạm đến, như một cái bóng vững vàng kiệm lời.

Dì nhìn chằm chằm bóng đen dưới chân mình hồi lâu, chợt nghe hắn hỏi: “Chuyến đi thế nào ạ?”

Dì sửng sốt và bất ngờ lắm. Dì tưởng Xuân Trường sẽ đi thẳng vào vấn đề, hỏi mẹ và ông ta nói gì, không ngờ nhiều năm trôi qua, thế mà hắn đã học được cách rào trước đón sau.

“Vui lắm, không mệt, rất thoải mái.” Dì nở nụ cười nhẹ nhàng trông vẫn ôn hòa dễ gần như thuở nào, chẳng qua dằn vặt tâm lý nhiều năm khiến dì thêm phần mỏi mệt hơn xưa: “Ông cũng thích lắm, tìm được hai bạn cờ, còn quen một bà cụ biết chơi piano.”

Xuân Trường đáp “Dạ”, nghiêng đầu nhìn cửa phòng bệnh và nói: “Thế sao mẹ phải về để gặp ông ta?”

Nụ cười mẹ anh khựng lại, hồi lâu sau mới khẽ thở dài. Dì biết, khéo léo tí tẹo thôi chứ con trai dì vẫn giữ cái tính bướng bỉnh, thẳng như ruột ngựa không biết vòng vo.

“Mẹ muốn thử xem.”

“Thử gì ạ?”

“Thử nghe theo đề nghị của bác sĩ, xem mẹ có khá lên thật hay không.”

“Sao tự dưng lại muốn thử?”

Dì hé miệng, muốn nói vì mẹ biết người xung quanh mệt mỏi cỡ nào, biết con mệt mỏi đến đâu. Nhưng quãng thời gian năm sáu năm xa xứ sống nơi đất khách chặn ngang trước mặt, khiến những lời ấy toát lên vẻ yếu ớt kiệt quệ, không nói thành lời. Chưa kể, dì vẫn đột ngột căng thẳng chỉ vì đôi câu vài lời, chẳng phải hồi phục hoàn toàn.

Dì bị hỏi mà á khẩu, toan nói đùa rằng có ai nhìn chằm chằm mẹ mình vặn hỏi như con không? Nhưng bỗng nhớ tới lời bác sĩ từng nói, rằng trong mối quan hệ mẹ con hiện giờ, dì giống người vai dưới hơn, ỷ lại vào con trai hơn chứ không phải đang chăm sóc cho con. Dạo trước cũng thế, chẳng qua không nắm rõ được điều ấy, mà chỉ cho rằng Xuân Trường tự lập quá, dì muốn chăm sóc cũng chẳng chen tay vào được.

Về sau tại chồng cũ mà khiến dì trở nên sợ hãi đa nghi, thấy ai cũng dối trá, chẳng ai đáng để vun đắp tình cảm. Ngoại lệ duy nhất là con trai của mình.

Thế nên dì không nhận ra rằng dì đã biến con trai mình thành tấm phao cứu mạng, khát vọng sống còn thôi thúc dì siết chặt, chỉ sợ quay đi quay lại đã muốn luôn tấm phao duy nhất.

Thấy mẹ mình ngẩn người mãi chẳng trả lời, Xuân Trường mím môi cụp mắt. Khuỷu tay hắn tì trên đầu gối, mười ngón đan hờ vào nhau. Một lát sau hắn hỏi tiếp: “Mẹ nói chuyện với ông ta thế nào rồi?”

“Ai cơ?” Dì ngơ ngác mất một lúc mới hiểu hắn đang nói đến chồng cũ, dì hoàn hồn và đáp: “Không giống như những gì mẹ tưởng.”

Xuân Trường quay đầu nhìn mẹ mình, dì cau mày ngẫm nghĩ: “Mẹ cứ tưởng mẹ sẽ khó chịu lắm, lo lắng toát mồ hôi gì gì đó, nhưng không hề. Ông ta thay đổi nhiều lắm, suýt chút nữa mẹ đã không nhận ra. Quả thực cuộc sống của ông ta bây giờ vô cùng tồi tệ, mẹ không còn gì để giận nữa.”

Lần này anh không đáp mà im lặng hồi lâu, lâu đến mức chính dì đứng ngồi không yên, dì đưa mắt nhìn con trai.

“Xuân Trường?”

“Vâng.”

“Có phải con thấy mẹ nực cười lắm không?”

Xuân Trường nhếch miệng, trông chẳng giống cười. Hắn nói: “Không phải nực cười mà con đang không hiểu nổi.”

“Không hiểu điều gì?” Mẹ anh dịu giọng hỏi.

Xuân Trường chẳng ngước mắt lên, giọng nói lạnh nhạt: “Ngay cả ông ta mà mẹ cũng có thể bảo rằng bỏ đi, vậy vì sao con không thể?”

Trong lòng dì chợt xoắn chặt như bị ai chọc cái móng tay nhọn nhất vào tim.

Mặc dù hắn nói năng thẳng thắn nhưng chưa từng hỏi vậy. Sợ dì nôn nóng mất ngủ hoặc suy nhược thần kinh. Hắn kiềm chế bản thân, nói bóng nói gió bao năm qua, hôm nay là lần đầu tiên không chịu nổi nữa.

“Con khó chấp nhận hơn cả bố đẻ mình ư?”

Giọng điệu hắn rất đỗi bình tĩnh, như chỉ đang thắc mắc thật. Càng là thế, cõi lòng dì càng xoắn chặt nhức nhối.

Một lần bị rắn cắn mười năm sợ dây thừng, mấy năm nay dì tự chui đầu vào ngõ cụt chính bởi sợ mình nuôi con không thành hồn, sợ Xuân Trường lệch lạc giống chồng cũ… Cuối cùng, vì dì không mong con trai giống ông ta một chút xíu nào.

Nhưng dì không ngờ, quanh đi quẩn lại vòng vo mãi, ấy thế mà cuối cùng Xuân Trường lại đặt mình và ông ta lên cùng một cán cân. Còn dì thì nghẹn họng chẳng biết phải phản bác thế nào.

Dì muốn nói đương nhiên không phải, sao có thể như vậy? Con khác một trời một vực.

Ấy nhưng dì mù mờ nhìn xung quanh và nhận ra rằng mọi thứ mình làm trong những năm nay dường như đang đứng về phía đối lập với quan điểm này, mỗi một phản ứng của mình như đang gào thét “Sơ sảy tí thôi con sẽ biến thành kẻ cặn bã đó đấy”.

Đáng sợ nhất là nếu Xuân Trường không hỏi thì thậm chí dì còn chẳng nhận ra điều ấy.

Nhưng mà…

“Mẹ không có ý đó thật mà.” Dì uống một hớp nước, siết chặt cốc giấy, chậm rãi kìm chế cảm xúc. Quá trình gặp mặt chồng cũ ban nãy đã cho dì kinh nghiệm, theo bản năng hồi tưởng lại khoảnh khắc lúc ấy, cố gắng tự tưởng tượng mình thành một người ngoài cuộc. Người ngồi trước mặt không phải con trai mình, mà là một chàng thanh niên trẻ tuổi xa lạ đang thử thổ lộ tâm tình với dì.

Dì không dễ gì lo lắng nữa, khá hơn nhiều so với mấy năm trước rồi. Chẳng qua vẫn rất khó chịu…

Mấy năm nay nhằm tránh cho tâm trạng chập chùng bất ổn, và cũng nhờ thuốc, đã lâu rồi dì không tự sắp xếp suy nghĩ của mình, hay nói cách khác, đã lâu rồi không có hành động “suy nghĩ”, thế nên vào lúc này, có vô vàn lời muốn nói nhưng dì chẳng biết thốt ra thế nào.

Im lặng một lúc lâu, rốt cuộc cũng tìm được câu mở đầu: “Thực ra mẹ từng thử rồi.”

Xuân Trường ngước mắt lên.

Hành động ấy như một lời cổ vũ, dì nắm chặt cốc tiếp tục nói: “Thực sự mẹ từng thử thấu hiểu, có lần trạng thái tạm ổn không cần dùng thuốc, mẹ đã nghĩ rất nhiều ngày trời. Mẹ nghĩ là… vì sao người làm cha làm mẹ đều hi vọng con cái mình có thể êm ấm kết hôn và sinh một đứa trẻ? Mẹ của mẹ, bà ngoại con trước đây cũng từng nói với mẹ. Bà nói rằng nghĩ đến sau này về già, bà không còn nữa, mình mẹ lẻ loi trơ trọi thì phải làm sao bây giờ? Nếu có người ở bên thì tốt rồi, một người đáng tin và biết chăm sóc mẹ, là bà yên tâm. Thật lòng mẹ cũng nghĩ thế, mẹ chỉ muốn vậy thôi…”

Dì dừng lại, vành mắt ửng đỏ. Mẹ anh cúi đầu uống hớp nước rồi nói tiếp: “Con của mẹ hồi bé côi cút một mình, chẳng ai chăm sóc. Thực ra cứ trách bố con cũng chẳng ích gì, chính mẹ còn không đủ tư cách, chẳng gần gũi với con bằng một người không cùng huyết thống. Nhưng ông già lắm rồi, sức khỏe không được như xưa. Kể cả là mẹ thì sau này cũng phải đi trước. Nếu khi đó con vẫn chưa kết hôn thì lại tiếp tục côi cút một mình mất. Bình thường không nói làm gì nhưng tới khi ngã bệnh thì sao? Gặp rắc rồi thì sao? Sau này già rồi thì sao?”

Anh bỗng nhúc nhích: “Kết hôn cũng không thể nói chắc được điều gì.”

“Mẹ hiểu.” Mẹ anh nói chậm lắm, luôn mang theo giọng mũi: “Con xem, mẹ đã nghĩ cả rồi. Sau đó mẹ còn tự nói với mình, thực ra kết hôn chẳng có nghĩa lý gì cả, kết thúc rồi sẽ rời xa thôi, bản thân mình là minh chứng sờ sờ đây thôi. Thế nhưng mẹ còn có con, sau này con có ai đây? Lúc ấy mẹ cứ nghĩ mãi nghĩ mãi, rất nhiều ngày không dứt ra nổi.”

Xuân Trường trầm ngâm hồi lâu, hỏi: “Ngày xưa mẹ đến đón con là vì muốn khi mình 70 – 80 tuổi có người chăm sóc ư?”

“Đương nhiên không phải rồi.”

“Vậy tại sao mẹ ép con?” Xuân Trường nói.

Hắn không hề chất vấn, giọng điệu nhẹ nhàng, thờ ơ hờ hững trước sau như một, toát lên cảm giác bất đắc dĩ và kiêu ngạo. Nhưng dì nghe xong sững người.

“Ông cũng chưa từng kết hôn, chưa từng sinh con, giờ vẫn có người chăm sóc đấy thôi. Mà bố chỉ có một người giúp việc ở bên.” Ngón cái anh vuốt ve đốt ngón tay, nói mê mải: “Ai biết sau này sẽ gặp chuyện gì, lập kế hoạch trước nhiều năm thì có ích gì?”

“Không thử một lần sao biết được?” Dì nói.

“Năm 18 tuổi con đã thử rồi.” Xuân Trường đáp.

Mẹ anh bỗng nói không thành lời.

18 tuổi là một vết rách, từ đó về sau Xuân Trường không còn đón sinh nhật nữa. Dì và ông Tư, giáo sư, bạn học hay hàng xóm, bất kể ai thử chuẩn bị cho hắn đều bị chối từ. Tuồng như hắn sợ cái ngày đó, thậm chí căm ghét cái ngày đó.

Chỉ cần nghĩ đến chuyện ấy là dì quặn thắt cõi lòng.

Dì vội vàng cúi đầu uống vài hớp nước.

Hành lang chẳng ấm áp gì, mới một lúc mà nước đã nguội ngắt. Xuân Trường duỗi tay cầm cốc giấy của mẹ, đứng dậy bước về phía phòng uống nước.

Trong những năm nay, dì từng vô số lần nhìn bóng lưng của hắn. Có lẽ là cả tầng này vắng vẻ quá mà trông càng lặng lẽ cô độc hơn. Hành lang dài dằng dặc, phòng uống nước ở đầu bên kia.

Bỗng chốc sinh ra một ảo giác. Dường như bóng lưng cô độc ấy sẽ mãi mãi bước trên con đường chật hẹp, chẳng bao giờ đến được điểm cuối.

Dì siết chặt bàn tay, bỗng đứng dậy đi theo.

Xuân Trường vào phòng uống nước pha nước ấm, miệng cốc mịt mù hơi nóng, phả lên máy lọc nước inox một lớp sương trắng. Khóe mắt hắn trông thấy mẹ đi theo, đứng cạnh hắn.

Vài giây sau, hắn nghe thấy mẹ khẽ khàng hỏi: “Cứ phải là Minh Vương sao con?”

Xuân Trường sững sờ, suýt chút nữa bị nước nóng dội vào ngón trỏ.

Hắn cụp mắt vội vàng tắt vòi nước, cầm cốc nước hơi nóng đứng đó hồi lâu mới bảo: “Vì sao không thể là em ấy ạ?”

Vì sao có thể cư xử bình tĩnh với cả bố ruột của anh mà nghe tên em vẫn nhạy cảm đến vậy?

Mặt mũi dì cắt không còn giọt máu, nom tái nhợt: “Vì mẹ đã thật lòng coi thằng bé như con trai.”

Dì hiểu Trần Minh Tuấn mang tâm tính thương nhân sẽ đối xử tốt với Xuân Trường, nhưng khó mà được như mình. Còn dì thì khác, từng có một quãng thời gian rất dài thật lòng coi Minh Vương như con trai thứ hai, ruột thịt. Không phải vì dì yêu bố cậu sâu đậm, mà vì coi thằng bé như một Xuân Trường thứ hai.

“Trước đây mẹ từng nói với con rồi nhỉ? Mẹ được nghe rất nhiều chuyện hồi bé của thằng bé, mẹ thấy nó giống y đúc con khi nhỏ, nhưng nó được nuôi nấng thành thế kia, còn con bị mẹ nuôi thành thế này. Mẹ hay nghĩ, nếu mẹ có thể làm một người mẹ đủ tư cách, chăm sóc con, chiều chuộng con nhiều hơn thì có phải con cũng sẽ lớn lên giống nó không, sẽ cười sẽ quậy sẽ cáu kỉnh. Không phải mẹ nói tính tình nó tốt hơn con, mà mẹ cảm thấy… nếu được vậy thì phải chăng con sẽ trưởng thành muộn hơn, lo nghĩ ít hơn và cười nhiều hơn.” Mẹ anh nói.

Dì thực lòng coi Minh Vương như con trai, sao chấp nhận nổi sự thật hai đứa con trai của mình yêu nhau?

Xuân Trường nghe mẹ nói xong chẳng lên tiếng nữa, mà chỉ im lặng đứng đó, thừ người nhìn chằm chằm dòng nước khẽ lay trong cốc, rất lâu sau bỗng mở miệng: “Trước đó mẹ đã gặp em ấy chưa?”

Dì không theo kịp: “Gặp ai cơ?”

“Trần Minh Vương.”

“…Mẹ chưa.”

“Mẹ nên gặp một lần đi.” Xuân Trường nói.

“Vì sao?”

“Một tháng trước lúc con gặp em, em đã chẳng cười, chẳng quậy, chẳng cáu kỉnh nữa rồi.” Hắn nhếch môi cười tự giễu: “Tốn năm sáu năm để tạo ra một Xuân Trường nữa.”

Hơi thở dì khựng đứng, trái tim như bị ai xé toạc, chảy máu ồ ạt. Cảm nhận đau đớn quá, chẳng biết vì Xuân Trường nói ra những lời ấy hay vì biến Minh Vương thành “Xuân Trường”. Hoặc có lẽ… là vì quanh đi quẩn lại biết bao năm, đã ép tất cả mọi người biến thành “Xuân Trường”.

Dì chợt nhớ đến chàng thanh niên trẻ tuổi mình trông thấy ngoài cổng bệnh viện, ngỡ ngàng há hốc mồm hỏi: “Thằng bé đến đây ư?”

“Có đến, nhưng con không cho em lên.” Xuân Trường nói.

Theo bản năng dì muốn hỏi điều ấy, cũng may đã kịp dừng lại trước khi thốt ra khỏi miệng, nếu không càng thêm lúng túng mất thôi. Dì định hỏi “Có phải các con quay về bên nhau không”, nhưng chẳng thể hỏi thành lời. Vì ngay đến chồng cũ dì còn nói bỏ đi được, thì không biết phải dùng lập trường gì để hỏi những lời ấy.

Dường như chỉ cần hỏi ra miệng, đồng nghĩa với việc gộp hai con vào chung với chồng cũ, mà đây chắc chắn là điều dì không muốn thấy nhất.

Không tìm được lập trường để hỏi, nhưng Xuân Trường đã chủ động mở lời: “Có lẽ con không yêu ai khác được đâu.”

Mẹ anh sững người.

“Con muốn bên em thật lâu và không muốn bỏ lỡ năm tháng nào hết.” Xuân Trường nhìn mẹ: “Nếu mẹ không thể chấp nhận thì sau này chỉ có một mình con đến tìm mẹ thôi, không bao giờ thay đổi hết. Nếu mẹ có thể chấp nhận, vậy thì hai bọn con cùng đến.”

Hắn dừng lại một chốc rồi nói tiếp: “Không phải trưng cầu ý kiến mà là con thông báo với mẹ một tiếng.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro