37

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

10 năm trước, khoảnh sân này thậm chí còn chật chội hơn bây giờ.

Khu tập thể sau vườn thuốc nam vừa được sơn mới, thoạt nhìn gọn gàng và đẹp đẽ, đè bẹp những ngôi nhà cũ kĩ trong ngóc ngách xó xỉnh, bác Tư là một hộ trong số bị đè bẹp ấy.

Nhưng thời ấy tóc ông chưa hói, tinh thần phấn chấn, sức khỏe dồi dào. Ông trồng đủ các loại hoa hoa cỏ cỏ trong những chiếc bồn sứ vại gốm xếp dưới chân tường, còn nuôi một con mèo tên là “Đội trường”, đỡ cho mấy con chuột quậy banh nóc nhà.

“Đội trưởng” là con mèo khôn nhất bác Tư từng nuôi, hiểu tiếng người hơn cả chó, chỉ đâu đánh đấy. Hồi đó nhờ nó mới lừa được Xuân Trường vào nhà.

Xuân Trường hồi 5-6 tuổi không thích nói chuyện giống y như bây giờ, lúc nào cũng rầu rĩ. Nhưng dù gì vẫn còn bé, rất dễ bị thu hút sự chú ý và rất dễ mềm lòng, chỉ cần “Đội trưởng” nằm nhoài trên chân hắn thôi là hắn chịu chết.

Các hộ gia đình trong vườn thuốc nam đã làm hàng xóm với nhau mấy chục năm nay nên hiểu nhau lắm. Các ông bà già không có trò gì giải trí bèn thích tụ tập tán dóc và chơi cờ với nhau, bàn chuyện nhà này nhà kia trong những khi rỗi rãi.

Bác không thích ngồi lê đôi mách, nhưng có niềm đam mê với cờ, và rồi dần dần nghe được hết mọi chuyện về bệnh tình của bà ngoại Xuân Trường. Ông vốn quen biết với nhà họ, cộng thêm rất thích Xuân Trường, thường đi lại với nhau nên coi hắn như một cháu trai.

Ông thường ra lệnh cho “Đội trưởng” nằm bò trên bờ tường, thấy Xuân Trường đi ngang qua nó bèn nhảy bổ xuống như hổ vồ mồi.

Xuân Trường đang đi, rất hay bị một con mèo đột nhiên rơi xuống đầu. Rõ ràng hắn đã phanh lại ngay lập tức, nhưng con mèo ấy cứ ngã nhoài trên giày hắn, tròn tròn mềm nhũn.

Bác Tư rất thích xem cảnh ấy: đứa trẻ hoảng hốt sững sờ, đi không được mà ở chẳng xong, đành đứng đơ tại chỗ so găng với con mèo. Lúc này, ông sẽ gào lên giải vây, tiện thể kéo Xuân Trường vào sân.

Đôi lúc là bữa cơm nhỏ, đôi lúc là ăn bữa sáng giản đơn với cháo, đôi lúc sẽ hấp vài con cá hoặc nấu một bát canh, ông nghĩ mọi cách để bắt Xuân Trường ăn.

Bé con vừa xí hổ ngại ngùng vừa bướng bỉnh cứng đầu, bạn hỏi nó có ăn cơm không, nó sẽ gật đầu rầu rĩ đáp: “Có ạ.”

Bạn hỏi nó vì sao không về nhà, nó sẽ trưng cái mặt nghiêm trang và nói: “Ra ngoài chơi.”

Ông ấn tượng nhất với ngày hôm ấy, vào lúc nhá nhem tối, chân trước ông mới nghe đồn gần đây bà ngoại Xuân Trường không nhận ra ai hết, đến cháu ngoại cũng nhận nhầm và khóa cửa không cho cháu vào, chân sau đã thấy Xuân Trường đứng ngay ngoài bờ tường nhà mình.

Khi ấy hắn gầy lắm, cẳng chân cẳng tay dài đuỗn, ngờ ngợ trông thấy bóng hình của thời kì thiếu niên. Hắn xách balo, ngón tay quấn quấn dây đeo chìa khóa trên cổ, cuộn tròn xoắn xuýt. Nhìn cái biết ngay có chìa khóa mà chẳng làm được gì.

Ông vỗ vai hắn, khom lưng hỏi hắn: “Có ăn cơm không?”

Ban đầu hắn hơi lưỡng lự, nhưng cuối cùng vẫn gật đầu đáp: “Có ạ.”

Tối muộn rồi con hẻm nhỏ mới lên đèn, nhà nhà thơm ngát mùi thức ăn, giờ là thời điểm đậm đà hương vị cuộc sống đời thường nhất trong một ngày.

Hắn đứng ngoài bờ tường nhà người khác, nói: “Ông ơi, cháu xem mèo tí được không ạ?”

Ông ngơ ngẩn một lúc lâu, rồi vuốt mép album cong cong, nói: “Cháu biết cái tính của nó rồi đấy, khó mà bắt nó chủ động mở miệng yêu cầu thứ gì đó, từ bé đã vậy rồi.”

"Nó nói với ông muốn xem mèo thì có nghĩa là nó thực sự không còn nơi nào để đi nữa.”

Ánh mặt trời ban trưa chói chang gai mắt, nhưng ngả mình xuống căn nhà này thì chỉ có khoảnh sân lộ thiên mấy mét vuông hứng sáng thôi, còn lại toàn tối tăm.

Đây là góc nhỏ hẻo lánh nhất vườn thuốc nam, là nơi duy nhất Xuân Trường của bây giờ sẵn lòng gần gũi, cũng là nơi duy nhất chịu giữ hắn lại trong suốt một khoảng thời gian dài đằng đẵng.

Minh Vương bỗng thấy khó chịu quá.

Đây là lần đầu tiên cậu mắc kẹt trong thứ tâm trạng gần như cô độc vì những chuyện mà một người khác đã trải qua.

Người trong bức ảnh dừng chân ở khoảng thời gian đó, không biết gì về những chuyện ngoài bức ảnh. Minh Vương nhìn hắn im lặng thật lâu, rồi mở miệng nói: “Cô Dân rất tốt, rất dịu dàng, cháu cứ tưởng…..”

“Cháu gặp mẹ thằng bé rồi à?” ông hỏi.

Minh Vương nín bặt, mãi sau mới nói: “Dì đang qua lại với bố cháu, thực ra cháu với Trường không chỉ là bạn học, hiện giờ 2 nhà chúng cháu đang ở chung.”

“À à à.” Ông tức thì hiểu ra, lẩm bẩm nói: “Ông bảo mà, Trường chưa dắt ai tới đây bao giờ. Thảo nào. Thế 2 đứa bay coi như là anh em nhỉ?”

Trong thoáng chốc, Minh Vương cảm giác cái từ “Anh em” này nghe cứ ngượng nghịu sao sao. Quái cực kì luôn, mà rõ ràng lúc trước chính cậu đã nói với Xuân Trường rằng mình từng muốn có một anh em trai.

Nhưng quả thực không tìm thấy cách miêu tả nào khác.

Cậu chần chừ vài giây, gật đầu bảo: “Coi như thế đi ạ.”

Dứt lời, cậu lại bồi thêm câu nữa: “Tóm lại rất thân luôn.”

Ông cười rộ lên. Bình thường cụ hay đanh mặt quắc mắt như cú vọ, nhìn dữ ơi là dằn, nhưng chỉ cần cười thôi là sẽ để lộ nét hòa ái nhân từ, thậm chí còn hơi trẻ con.

Bác  bảo: “Cháu với Trường đứa nào lớn hơn?”

“Chắc là cậu ấy, cháu sinh tháng 12.” Minh Vương nói.

“À, nó đầu năm.” Ông nói: “Thế mày phải gọi nó là anh rồi, sao ông chưa bao giờ nghe thấy mày gọi hả?”

Minh Vương: “………”

Ông xụ mặt làm bộ không vui.

Minh Vương dỗ dành: “Lần sau, lần sau chắc chắn sẽ gọi ạ.”

“Mấy thằng nhóc con tụi bay cứ thích dối trên lừa dưới.”

Minh Vương: “………”

Ông nói đùa đôi câu rồi tiếp tục chìm vào hồi ức. Ông ngẫm nghĩ và bảo: “Mẹ nó đổi được một mái ấm khác thì tốt rồi, ông cũng coi như nhìn con bé ấy lớn lên, học hành vô cùng chăm chỉ, hiếu thắng chẳng chịu thua kém ai bao giờ. Thời 20 tuổi hấp ta hấp tấp, sau này lớn lên trầm tính hơn hẳn, cứ như chẳng biết giận bao giờ, do hoàn cảnh gia đình mà ra.”

“Trước kia bố nó ham mê cờ bạc, nợ chồng nợ chất. Mẹ nó làm giáo viên thì sao mà trả nổi, toàn nhờ sau này mẹ nó đi làm ăn buôn bán mới dần dần bù vào lỗ hổng. Rồi sau đó đầu óc ngoại Trường bị bệnh, sức khỏe kém, chạy chữa tốn biết bao nhiêu tiền, còn có thêm đứa bé phải nuôi nữa, sao mà nó dừng lại được đây?”

“Nó rất áy náy với thằng Trường, có vài lần đến đón con mà mắt sưng phù to như quả óc chó, khóc đấy.” ông chẹp chẹp miệng: “Ông chưa từng thấy con bé khóc nhiều như thế suốt 20 năm qua. Thực ra khi đó nó làm ăn dư dả hơn ba thằng Trường, nhưng thằng đấy ấy à, lo nghĩ nhiều, trọng sĩ diện.”

Ông chỉ chỉ bé trai giống hệt Xuân Trường trong ảnh, nói: “Thực ra hồi bé nó cũng khổ lắm, không cha không mẹ. Sau đó…. Sau đó nó với mấy đứa bé nữa được người ta nhặt về nuôi.”

“Cô nhi viện ạ?” Minh Vương hỏi.

“Không chính quy.” Ông lắc lắc đầu: “Như nhặt con chó con mèo thôi, thấy chúng nó đáng thương thì cho miếng cơm manh áo. Tên của nó được đặt vào lúc ấy, cùng họ với người nhặt nó. Vài năm sau bị giải tán vì không chính quy, những đứa bé ấy tản đi, chỉ còn mỗi mỗi bố nó vẫn ở lại vùng này.”

“Lúc ấy bố nó đang học cấp 2 và ở nội trú trong trường. Lên đến cấp 3 chẳng hiểu thế nào mà yêu đương nhăng nhít với mẹ nó , tốt nghiệp Đại học thì kết hôn luôn. Hồi bé bố nó hay bị bắt nạt, lớn lên muốn tỏa sáng, muốn ra thành phố, ra nước ngoài, muốn làm chuyện lớn, nên không bằng lòng ở nhà chăm nom con cái.”

“Vì chuyện Xuân Trường mà 2 đứa nó cãi vã không biết bao nhiêu lần, nhưng chẳng ra trò trống gì cả.” ông bảo: “Có một lần bố nó đổi tính, không muốn bắt Xuân Trường chạy tới chạy lui nữa bèn chủ động dọn tới vườn thuốc nam với Xuân Trường 1 năm, khi đó Xuân Trường chưa tốt nghiệp tiểu học, bà ngoại nó vừa mới qua đời, 2 bố con ở đây luôn.”

“Ban đầu thì rất tốt, chí ít thằng bé không gặp phải tình trạng bị nhốt ngoài đường nữa, nhưng càng về sau thì càng không ổn.” Ông nói: “Cái kiểu như thằng bố nó thì làm sao biết chăm sóc người khác, thế là Trường lại chạy tới chỗ ông. Có một lần ông thấy sau gáy nó bị bỏng cả mảng, ở nhà ông 2 ngày liền, vừa sốt vừa nôn. Rồi nó được mẹ đón đi, không bao lâu sau đó, ông bỗng nghe tin bố mẹ nó ly hôn.”

Minh Vương nhớ tới vết sẹo sau cổ anh, nhíu mày hỏi: “Có nhẽ nào….. bố cậu ấy làm bỏng?”

“Lúc ấy ông có hỏi rồi, nó bảo không phải, không như kiểu mạnh miệng đâu, nó mạnh miệng thì ông nhìn cái biết ngay.” Ông nói: “Tuy bố nó là thứ chả ra gì, nhưng sẽ không làm những chuyện thế đâu.”

“Thế sao lại bị bỏng ạ?” Minh Vương thắc mắc.

“Không biết.” Ông lắc đầu nói: “Trường nó bướng lắm, miệng chặt, nó không nói thì chẳng ai biết được. Ông cũng không dám nhắc, sợ chạm vào làm lòng nó khó chịu. Nó khổ như thế rồi, hiếm khi nào được vui, sao ông có thể làm nó buồn được.”

Ông thích nói dông dài, kể chuyện ngày xưa lẻ tà lẻ tẻ, rối như mớ bòng bong. Nhưng Minh Vương vẫn trông thấy một góc của thời thơ ấu anh qua những lời kể ấy.

Cuối cùng cậu đã hiểu tại sao quan hệ giữa Xuân Trường và mẹ quái gở đến thế, vì không có cảm giác thuộc về. Hắn có thể thấu hiểu nỗi đau và niềm áy náy của mẹ nên luôn bảo vệ cô, nhưng hắn không tài nào coi cái nơi có mẹ như nhà mình.

Cùng là khó chịu, nhưng bố chỉ lo Minh Vương khó chịu sẽ phớt lờ ông, còn dì lại lo Xuân Trường khó chịu sẽ bỏ đi.

Vì hắn luôn luôn bỏ đi.

Minh Vương ngờ rằng: đối với Xuân Trường, nơi hắn từng, có lẽ chẳng thấy cảm giác thuộc về như khi ở kí túc xá của trường. Chí ít khi ở kí túc xá, hắn biết mình sẽ cư trú mấy năm, biết dỡ hành lý ra thì khi nào mới phải thu lại.

Ngoài cổng có người cưỡi con xe đạp lỗi thời chậm rãi chạy ngang qua, lúc rẽ vào ngõ thì bấm chuông inh ỏi.

Minh Vương giật mình, đứng thẳng người dậy.

Di động trong túi quần bỗng rung lên, cậu móc ra thì thấy có người thông qua group chat lớp thêm bạn với cậu, thông tin xác thực viết là “Cẩm Nhung”.

Minh Vương ấn chấp nhận, đối phương lập tức gửi tin nhắn.

[Cẩm Nhung: Vương  ơi cậu đi đâu thế? Có giáo viên đến kiểm tra nghỉ trưa, hôm nay đến phiên tớ trực.]

Giờ nghỉ trưa của trường có quy định không thể tùy tiện ra vào phòng học. Lúc nào cũng có giáo viên đi kiểm tra, bắt được sẽ bị trừ điểm kỉ luật.

Bấy giờ Minh Vương mới nhớ rằng giờ nghỉ trưa sắp hết, cậu đã chuồn ra ngoài nửa tiếng.

[Minh Vương: Xin lỗi lớp trưởng nhé, về ngay đây.]

[Cẩm Nhung: Nhanh lên]

[Cẩm Nhung: Tớ nói cơ thể cậu không khỏe nên tới phòng y tế lấy thuốc rồi, đừng để lộ]

[Minh Vương: Cảm ơn]

Cậu nhỏ toan cất di động, phút chót bỗng nghĩ tới một chuyện.

Cậu hỏi: Lớp trưởng, kí túc xá của trường còn xin được nữa không?

[Cẩm Nhung: …….]

[Cẩm Nhung: Nhưng có thể sẽ phải xếp phòng sau cùng]

[Minh Vương: Ok. Cám ơn]

Cậu đánh tiếng chào hỏi bác Tư, rồi vội vã chạy về trường học. Cậu vừa bước ra ngoài cổng, bỗng lùi về hỏi: “Ông ơi, con mèo tên Đội trưởng đâu rồi ạ?”

“Qua đời mất rồi.” ông nói: “Mèo già.”

Minh Vương rũ mắt gật gật đầu.

Cậu thả điện thoại vào túi quần, chạy vội về trường.

Đúng lúc chạy ngang qua phòng máy, cậu trông thấy một bóng lưng quen quen. Xuân Trường vừa bước ra khỏi phòng máy tính, đang đi về lớp.

Trong khóm hoa trước phòng học có một con mèo hoang vọt ra, hai ba bước nhảy lên cửa sổ. Bước chân Xuân Trường khựng lại chốc lát, ngẩng đầu nhìn chú mèo hoang.

Vào giây phút ấy, Minh Vương như thấy hình ảnh của mười năm về trước, bé trai trong bức ảnh cũ kĩ bất tri bất giác vượt qua thời gian, rồi đột nhiên trở nên rõ nét.

Nhưng chú mèo hay va vào chân hắn đã qua đời tự lúc nào.

Minh Vương dừng chân, rồi tăng tốc chạy tới gần Xuân Trường.

Sân trường ngày hôm ấy vẫn yên ả như mọi khi, tiếng chuông kết thúc giờ nghỉ trưa chưa cất lên, đến chú chim còn đang cuộn mình ngủ vùi trong tổ ấm. Chàng trai bổ nhào từ đằng sau tới là sự sống duy nhất chuyển động trong khung cảnh im ắng ấy.

Xuân Trường thấy cổ mình bị người ta vồ vập mà cúi xuống theo quán tính, cả hai loạng choạng vài bước. Hắn kinh ngạc ngoảnh đầu, thấy Minh Vương nở nụ cười xán lạn.

Hắn nghe người ấy nói rằng: “Trường này, hay tụi mình cùng ở nội trú đi.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro