1938

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cảm hứng từ bài hát "1874" của Trần Dịch Tấn và quyển sách "Đối thoại với Socrates" của tác giả Daisetsu Fujita.

Nắng xuống, chiều lên. Hoàng hôn đổ dài trên những mái nhà giáp ranh với bầu trời đằng xa quảng trường, để bóng đen phủ phục trên mặt lộ còn nóng hổi. Phố xá trở mình vào mùa mưa, vậy mà mấy ngày nay nắng nhiều hơn cả mùa khô, vừa nóng lại vừa ẩm. Anh ngồi ở quảng trường, lưng ngả vào ghế đá, chân gác trên xe đạp. Chốc anh phe phẩy quyển sổ lấy ít gió, chốc lại lật tay xem đồng hồ. Chờ đợi làm thời gian dùng dằng, lê thê mãi ở một giây phút. Hẹn nhau bốn giờ mà hơn ba mươi phút người ấy chưa đến, anh sốt ruột đến suýt hờn dỗi vu vơ.

Sống cùng một nơi mà nàng để anh đợi lâu quá!

Đợi trong sốt sắng, vậy nên khi nàng đến anh đánh mất cái bần thần nên có trước người con gái đẹp. Đầu anh chỉ bật lên một chữ "đẹp" rồi thôi, còn lại chỉ là đôi câu trách thầm nhàn nhạt. Nàng không biết. Nàng chỉ cười bẽn lẽn, rút trong túi áo ra tờ giấy kín chữ, so với anh về những dòng hẹn để xác định cả hai là người đối phương cần tìm.

Nàng điềm nhiên ngồi xuống ghế đá trống cạnh xe đạp. Bộ váy áo sang trọng nhưng hơi lỗi mốt khoác lên người nàng có vẻ gì riêng lắm, hẳn là thêm hơi thở cũ kỹ. Dù luôn biết thi sĩ thường có nét dị biệt, anh vẫn bất ngờ vì màu tháng năm trên người nàng, nhuốm trong mái tóc, hàm răng và nét cười hờ hững. Nàng nghiêng đầu:

- Anh muốn mua thơ phổ nhạc?

- Vâng. - anh gật đầu liên tục - Nói đúng hơn, tôi muốn tìm người cùng tôi viết lời.

- Làm sao mà anh biết tôi? Chẳng phải giới văn nghệ các anh không mấy chào đón đàn bà chúng tôi à?

Anh biện bạch:

- Nào có! Thơ Xuân Quỳnh vẫn in trong sách giáo khoa đấy thôi.

- Xuân Quỳnh là ai? Sao tôi chưa nghe tên.

- Cô đùa thế tội tôi. - hơi bất ngờ, anh cười ngơ ngẩn - Nhưng thế này, tôi có nói trong thư rằng mình đọc thơ cô trên báo tháng rồi. Thấy cô để địa chỉ liên lạc cuối bài, tôi lấy làm lạ nên gửi thư thử xem sao, hóa ra có hồi âm thật.

- Thơ tôi đâu gửi cho tòa soạn nào? - nàng ngạc nhiên, ngồi thẳng cả lưng lên - Anh mới đùa tôi đấy.

Tặc tặc lưỡi, anh lấy xấp báo trong rổ xe đạp ra cho nàng xem. Nàng khó tin tròn mắt, tay lướt trên từng câu từng chữ của mình in bằng mực đen. Bài thơ đích thị là của nàng! Nhưng nàng có in bao giờ? Ngoài nàng và người bạn cùng trường nữ sinh ngày trước, nào ai biết nàng là nhà thơ? Chẳng những thế, anh còn biết bài thơ nàng viết thuở ngô nghê này.

Lướt đến dòng ngày tháng phát hành, nàng che miệng cười khúc khích, nói như vỡ lẽ:

- Anh hay thật, in mà cũng làm giả được. Tên báo lạ hoắc, chữ viết sai quy cách thì thôi, đến năm in cũng ghi bừa năm 2020.

Phải kìm chế lắm anh mới không la toáng lên vì giật mình. Tay siết tờ báo còn chưa uốn góc, cố nhoẻn một nụ cười lịch sự, anh gằn giọng:

- Năm nay là năm 2020. Cô có nhầm lẫn gì không đấy?

- Không, hôm trước bố đưa tôi xem quyển lịch Tây, trên đấy viết năm 1938. Đồ của bố thì không sai đi đâu được. Vả thơ tôi chưa từng đăng báo, người đọc chỉ có hai, tôi vừa muốn hỏi lại anh. Tôi túng quá phải bán thơ là thật. Nếu muốn đùa tôi đã cất công chẳng đến đây để bị anh trêu.

Năm 1938?

Cảm thấy bị xúc phạm, anh bảo "chào cô, tôi về" rồi dẫn xe đạp đi một mạch. Nàng đuổi theo dù mang cao gót, vừa đi vừa í ới, đến đại lộ đông xe mới chậm chân.

Nhưng không kịp.

Lúc nghe tiếng thét anh chỉ kịp quay đầu, còn nàng chết trân nhìn xe tải lao gấp đến nơi mình. Anh quẳng cả xe, chạy xộc từ bên kia đại lộ về. Mà lúc anh vừa chạy vừa hối lỗi, chiếc xe đã vụt đi, mạch giao thông vẫn thông thoáng như chưa hề xảy ra tai nạn.

Nàng đứng đó, trong suốt.

Xe tải đã xuyên qua nàng.

...

Từ buổi gặp ấy đến nay anh và nàng không hẹn nhau thêm lần nào, nhưng "1938" với anh vẫn quá ám ảnh. Điệu bộ, tóc tai, áo quần nàng khoác, những thứ tưởng dị biệt do cá tính nghệ sĩ hóa ra lại đến từ một quá khứ chân thật. Cả nàng cũng thế. Có lẽ, chỉ có lẽ thôi, anh đã vướng tâm trí vào một người đáng tuổi cụ kị trong cái dáng dấp hai mươi ba, hai mươi tư.

Anh lục lọi hai lá thư cũ nàng gửi. Một là thư hồi đáp lời mời làm quen của anh, chỉ đôi dòng ngắn ngủi; một là thư tâm tình đơn sơ, có mấy địa danh mà anh chưa nghe đến. Tra vội trên internet, anh bàng hoàng nhận ra những cái tên lạ hoắc ấy vốn là tên cũ của địa phận thành phố anh sinh sống.

Ngả người để lưng ghế bật mạnh về sau, anh vỗ trán thở hắt, nhủ thầm mình vướng phải trò đùa ác ôn của người con gái lạ. Song vì tò mò, địa chỉ nàng trên thư anh vẫn chép cẩn thận vào một quyển sổ nhỏ. Lướt tay trên dòng mực vừa khô, cái bức của trưa hè không đủ làm suy nghĩ của anh ấm lại.

Giờ hành chính, bưu điện vắng người, chỉ có anh và người nhân viên đang loay hoay xem lại địa chỉ người gửi. Mất một lúc để rà soát, đối chiếu với dữ liệu trên hệ thống, anh ta lắc đầu bảo với anh, địa chỉ của nàng không tồn tại.

- Một tháng trở lại đây anh cũng không gửi thư hay chuyển phát gì. - anh ta cau mày khó hiểu - Chắc có lỗi ở khâu nào đó. Anh vui lòng gửi lại thông tin, bưu điện sẽ giải quyết rồi báo cho anh sớm.

Thất vọng nhặt chiếc bút người nhân viên để sẵn lên, anh nghĩ vẩn vơ rồi đặt xuống, thở hắt từ chối:

- Thế thì phiền lắm nên việc cứ để đó đi ạ, không sao đâu.

Chiều mấy hôm sau, sau khi đã "dịch" gần chính xác địa chỉ năm 1938 thành địa chỉ năm 2020, anh với con xe đạp đi một vòng thành phố, cuối cùng cũng tìm thấy tàn tích của một cơ ngơi nằm cạnh đoạn đường sắp được mở rộng. Hỏi thăm đôi ba lần, hình như chủ nhà đã sang nước ngoài, người ta không cách nào liên lạc lại.

Chưa bao giờ mùa hè nóng đến độ này, dù mặt trời bây giờ nằm nghiêng rồi và bóng cây trong thành phố cũng lắm. Anh đạp xe về lại quảng trường Ba Mươi Tháng Tư, cố sắp xếp lại những hỗn độn trong đầu. Tờ báo, bức thư của anh đi lạc, người con gái đến từ năm 1938, tất cả thình lình xuất hiện khiến anh ngỡ như là mộng - giấc mộng cách hiện thực gần một thế kỷ!

Bóng người mặc váy xanh trên quảng trường hôm đó còn in sâu trong tâm trí, nhưng người biết đâu chừng đã khuất vào năm 2020?

Anh lắc đầu, đạp xe trở về phòng trọ.

Mấy đêm liền, anh mất ngủ. Hai mươi lăm tuổi đầu, anh vẫn chênh vênh giữa tiền và đam mê viết nhạc, nhưng khi tâm trí vừa rạng vì một bài thơ thì lại gặp người không nên gặp. Thỉnh thoảng, lúc mơ màng buồn ngủ anh nhủ thầm nàng là hồn ma. Nhưng có hồn ma nào lại chân thật đến vậy: anh trò chuyện với nàng, anh đưa nàng tờ báo và giằng lại, anh từng lỡ chạm được góc váy xanh lơ.

Đêm ấy anh thử cầm bút. Tiếng nhạc trong đầu cứ vẳng về bên tai, phiêu diêu như áo nàng xanh, như nắng quảng trường chiều mùa hè lộng gió. Anh viết rất vội. Tiếng nhạc lại cuộn lên như sóng, nâng ngọn lửa trong anh từ nhen nhóm, bập bùng đến rực rỡ, sáng lòa như bông hoa cháy.

Thế nhưng đến ba giờ sáng, nhạc phẩm anh vẫn thiếu lời ca. Rồi từ đấy đến bảy giờ, anh nằm vật ra nghĩ, hay là mình tìm lại dù người đã cách gần một thế kỷ rồi.

...

- Anh đã tin tôi chưa? Tôi đâu có đùa với anh.

Câu đầu tiên sau khi cả hai hẹn gặp lần nữa ở quảng trường, nàng hỏi anh bằng vẻ đề phòng, ấm ức. Anh thở dài, giải thích cặn kẽ với nàng từ việc tờ báo anh tình cờ đọc được, đến những bức thư anh và nàng gửi xuyên thời không và cuộc kỳ ngộ ở quảng trường nửa tháng trước.

- Tôi không lừa cô làm gì, mà xin gặp cô hôm nay cũng vì nhạc. Tôi vẫn không viết lời được.

- Nên anh muốn nhờ tôi viết lời? - nàng lẩm bẩm - Làm sao tôi biết anh là thật hay mơ mà giúp...

- Tôi cũng vậy, không rõ cô đến từ đâu trong thế giới của tôi. Nhưng nếu thật thì chúng ta cùng gặp, nếu mơ thì có duyên cùng nằm mơ.

Lần đầu tiên, anh cảm thấy nụ cười của chính mình tỏa ra thứ sức mạnh mang tên "thiện chí". Thấy ý nghĩ ấy buồn cười, anh dời mắt khỏi nàng, nhìn ngơ ngẩn vào dòng xe tấp nập dưới đại lộ. Như chợt nhận ra điều gì, anh quay phắt người lại nhìn vào mắt cô gái. Đáy mắt nàng không in xe cộ như anh mà là phố xá thênh thang buổi hoang sơ, là rạp hát bên kia đường, là xe ngựa qua lại và những người từ quá khứ. Đôi mắt trong veo có những gợn buồn mơ hồ ấy gửi đến anh năm 1938 vừa xa lại vừa gần, không ố vàng như ảnh đen trắng lâu năm mà sống động đến độ như cuốn anh về thời đại của nàng. Anh nhắm mắt. Tiếng còi, tiếng tay ga inh ỏi lắng dần, cả đại lộ ồn ào bỗng tĩnh lặng, chỉ còn đôi ba tiếng vó ngựa và bánh xe lộc cộc, tiếng chim ríu rít lãng đãng và tiếng ve kêu ngày hè thanh vắng.

Anh chầm chậm hé miệng cười trước cái nhìn khó hiểu của nàng, rồi nói như khoe một bí mật:

- Nhìn kỹ vào mắt tôi này!

Non mười lăm phút sau, khi tất cả ngỡ ngàng và xúc động qua đi, trông nàng dịu dàng và vui tươi lạ. Không phải vẻ bồn chồn ngày đầu gặp gỡ, không phải dáng điệu tự tin khi nhắc đến những bài thơ, ở nàng bấy giờ có vẻ tò mò của trẻ con giao thoa với sự bừng ngộ phút chốc của một tâm hồn nghệ sĩ.

- Anh chờ tôi một chốc.

Đoạn nàng lấy giấy bút, hí hoáy viết. Được một lúc bút máy đã hết mực, anh tặc lưỡi chìa ra trước mặt nàng một chiếc bút bi, dặn:

- Khi nào cô về thì gửi lại tôi.

Ngày ấy nàng làm thơ, anh viết nhạc. Thỉnh thoảng anh sẽ chơi guitar, để nàng nhìn mình đầy tò mò và ngưỡng mộ. Tiếng guitar vang lên từ phòng trọ mỗi tối, còn người thanh niên đi vắng suốt ngày. Đi làm, đi học lớp kỹ năng, đi nuôi nấng thứ mà chính anh cũng không rõ. Nửa năm không dài nhưng đủ để anh hiểu và yêu tiếng thơ, tiếng lòng nàng, nhưng ngăn cách thời đại khiến anh chần chừ mỗi lần muốn lao vào yêu con người đó. Tình yêu nào không mong có kết quả?! Thời gian của hai người có hạn. Mối giao thời không ở quảng trường rồi cũng có lúc phải đóng lại; mà bọn họ chưa tìm được nơi nào khác như thế. Chỉ cần đi khỏi quảng trường, anh và nàng sẽ biến mất khỏi thế giới của nhau. Anh không cách nào nuôi nấng một tình yêu tuyệt vọng, thứ mầm cây mà chết theo từng ngày nó lớn.

Trời dạo này thường đổ mưa chiều, anh lại bận bịu cho việc thu bản nhạc đầu tiên nên những ngày hò hẹn vơi đi. Thư tay đi lại ít dần. Với nàng, đôi lúc anh nhớ, đôi lúc anh quên, nhưng chưa bao giờ để mong ngóng bè bạn đơn thuần trở thành tương tư. Cho đến khi anh nhận được thư nàng lúc đầu ngày, mặt trời vừa lên còn anh vừa hoàn tất khâu cuối cùng của việc thu âm vào tối hôm qua.

Thư nàng gửi vẫn ngắn gọn như bao lần, kèm bên trong là tấm ảnh đen trắng, ở góc ảnh đề dòng chữ "Tu me manques, mon chéri".

Điện thoại anh ồn ã, phát đi phát lại bản nhạc đầu tay nọ. Thơ của nàng được hát bằng giai điệu của anh, có đôi câu tiếng Pháp nhuốm mùi cũ kỹ, và hình như cùng nghĩa với câu trong thư.

Anh thân yêu, em nhớ anh.

Tâm trí anh dần trống rỗng, chỉ khóe môi là vô thức nở nụ cười. Không biết điều gì thôi thúc, anh tắt nhạc, lục lọi trong đống ảnh cũ thời đại học một tấm ưa nhìn rồi khóa cửa, đạp xe một mạch đến quảng trường, mặc kệ ngoài ấy mưa bụi đang giăng. Từ xa, nhác thấy nàng đứng chờ dưới tượng đài giải phóng, tim anh đập lỡ một nhịp. Anh cố thở chậm lại, rón rén bước đến trước mặt nàng, nói như trêu:

- Sau này gửi thư em đừng viết tiếng Pháp, tôi đọc không hiểu.

- Không hiểu sao anh còn đến đây?

Anh đưa tay phủi mấy giọt mưa trên má cô gái, dúi vào tay cô tấm ảnh của mình, nói như một lẽ đương nhiên:

- Vì tôi nhớ em.

Giây phút nói bốn chữ ấy ra, anh biết mình cuối cùng cũng thỏa hiệp với con tim. Anh sẽ để nó say đắm trước khi héo úa đi, sẽ để nó "thác loạn" một lần bên bờ vực sinh tử.

Anh gọi tình yêu của mình là tình yêu màu xanh vì cái nhẹ nhàng, nhuần nhị đến từ quá khứ. Anh và nàng đều sống hai cuộc đời kể từ đó, một là của mình và một nằm trong mắt đối phương. Nàng nghe anh kể về tương lai của đất nước, thấy những điều ngày sau sẽ đến; anh ghi nhớ từ nàng những góc khuất trăm năm trước, nhìn lại Tổ quốc trong quá khứ từng đau thương. Sự giao hòa thời không càng lúc càng mãnh liệt dù cả hai chỉ loanh quanh ở quảng trường và yêu nhau bằng thư tay mang nỗi nhớ.

Lâu lắm, khi có hứng hay nhàn rỗi nàng lại vẽ cho anh đôi ba bức phác thảo. Con đường nàng đi, ngôi nhà nàng ở, cha mẹ, những người làm công, những xe ngựa chạy như mắc cửi ngày mưa, khung cửa sổ dây trường xuân leo đầy và những buổi bình minh thơ mộng. Anh đắm mình trong quá khứ nàng mang đến, biến nó thành giai điệu và lời ca. Dần dần anh cũng làm thơ. Dù không phải nhờ đến nàng, mỗi bản nhạc anh viết đều đề tên hai đứa: Lam và Việt. Mãi đến khi nàng bảo thừa quá anh mới chịu sửa lại, nhưng nghệ danh của anh bao giờ cũng gạch nối giữa hai tiếng. Lam-Việt

Buổi đầu khi danh tiếng đã khá, những buổi phỏng vấn cứ đến tới tấp. Người ta hỏi anh về Lam-Việt và vì sao nhạc anh mang nét cổ điển "thuần", khác hẳn với dòng nhạc mà đa số nhạc sĩ trẻ theo đuổi hiện tại. Những khi ấy anh chỉ cười trừ rồi đáp đôi câu qua loa. Người ta chỉ biết anh là kẻ viết nhạc nhân danh tình yêu và viết cho người tình của mình, nhưng không ai biết người tình ấy là ai hay anh vốn là nhạc sĩ "điên", say sưa với bóng hồng trong mộng.

Nghe anh kể, nàng cười. Nàng thừa biết người ta sẽ bảo họ điên nếu họ công khai cuộc tình nửa hư nửa thật này, dù là quần chúng năm 1938 hay năm 2020. Dù biết chuyện hai người rồi sẽ có lúc chấm hết, nàng vẫn cảm tạ anh vì để nàng xuất hiện trong cuộc đời làm nhạc của mình, dù một lần duy nhất; để người ta công nhận sự tồn tại của nàng, dù chỉ mơ hồ, thoáng qua.

Đêm ba mươi cùng năm, nàng lại lẻn ra quảng trường khi cả nhà say ngủ. Quảng trường nơi nàng vẫn vắng lặng còn nơi anh lại đông đúc, náo nhiệt hơn bình thường. Không cần nhìn vào mắt anh nàng vẫn lờ mờ trông thấy xung quanh. Thời không lạ lẫm, cảnh vật lạ lẫm vây bủa, hơi thở của nàng bị lèn chặt trong cổ họng. Nàng hoang mang hòa vào dòng người chen lấn ầm ĩ, mắt dáo dác ngó quanh tìm anh. Hơn mười lăm phút trôi qua, trán nàng mướt mồ hôi, người run lên bần bật. Mối quan hệ lạ lẫm, dị biệt bây lâu nay vẫn khiến nàng vừa vui thích vừa lo sợ. Để rồi bây giờ, lần đầu tiên kể từ khi biết nhau, nàng cảm nhận rõ ràng cái mong manh của việc anh tồn tại. Có lẽ hơn nửa năm nay anh vẫn luôn là giấc mộng. Có lẽ nàng là kẻ điên. Có lẽ năm 2020 vốn không hề có những điều như anh kể mà chúng do chính nàng vẽ ra.

Nhìn dòng người rõ ràng dần, nàng không ngừng tự hỏi. Nàng đã sống trong huyễn hoặc suốt nửa năm; hay nửa năm nay mới là hiện thực, còn cuộc đời nàng trước nửa năm này chỉ là trò đùa của trí tưởng tượng?

Người người đếm ngược đón thời khắc giao thừa. Mười, chín rồi tám... Mãi cho đến năm giây cuối cùng phía sau nàng mới nhen lên chút hơi ấm. Vòng tay ở eo siết chặt, người ôm nàng phía sau vừa hô "chúc mừng năm mới" đã vội xin lỗi vì "tìm mãi mà không thấy em".

Nàng bật khóc. Anh thật sự tồn tại chứ không chỉ là giấc mơ của riêng nàng.

Cho đến dạo nọ, thư tay của nàng thưa dần. Anh bắt đầu lo lắng, ngóng trông, gửi nhiều thư hơn và thường đến quảng trường một mình, lẳng lặng ngắm hoàng hôn tê tái. Trời lạnh và nhiều mưa bụi, chiếc áo măng-tô nàng tặng không đủ giữ ấm cho anh trước gió mùa cuối năm. Anh kéo lại khăn choàng, chợt nhớ hình như từ trước đến nay cuộc tình của họ thiếu thốn nhiều quá. Khác biệt về thời đại khiến anh và nàng không thể yêu theo cách bình thường, tâm trí lúc nào cũng trực chờ khoảnh khắc cánh cổng thời không ở quảng trường đóng lại, hoặc một trong hai biến mất vì lý do riêng, hoặc cái chết đột ngột, hoặc... hoặc...

Hai mươi mấy năm sống không tín ngưỡng, tôn giáo, vậy mà tháng ấy anh chăm đến nhà thờ, chùa chiềng kì lạ. Anh bắt đầu dựa dẫm nhiều hơn vào tín ngưỡng, nuôi hi vọng nàng ở năm 1938 bình an. Người ta tích thiện đức cho tương lai, còn anh lại tích thiện đức cho quá khứ.

Lại thêm một tháng tự giam mình ở nhà tìm hiểu những lý thuyết vật lý, vật lý lượng tử khô khan, chừng khi cả tinh thần và thể xác đều kiệt quệ anh mới nhận được thư của nàng vào buổi chạng vạng. Nàng bảo vì lời thầy mẹ, nàng phải lấy chồng. Nàng phản đối gay gắt vì người đàn ông ấy nàng không biết và cũng không yêu, thậm chí nàng còn bạo dạn đề cập với song thân về anh - người đàn ông nàng quen ở thế kỉ XXI. Rồi nàng bị thầy mẹ biệt giam ở chính tòa nhà của mình, mãi mới tìm được người chịu gửi thư giúp. Nàng bảo đêm nay sẽ trốn đến quảng trường. Nàng muốn thử. Nàng muốn một lần thoát khỏi sắp xếp của thầy mẹ, mối mai và cả vận mệnh lạ kì.

Anh siết chặt tờ giấy trong tay đến khi nhàu nhĩ. Nàng đã thế, anh đành phải liều đọ sức với số trời!

Cuộc đọ sức ấy buồn cười đến lạ. Giữa đêm, hai người tìm đủ cách chạy khỏi quảng trường mà vẫn nhìn thấy nhau, nhưng chỉ cần bước chân khỏi lằn xi măng bó vỉa thì một trong hai người lại biến mất. Trời tảng sáng, nàng gục vào lòng anh tuyệt vọng nức nở, còn anh chỉ biết trơ mắt nhìn những chiếc bóng lờ mờ của thế kỷ cũ giằng người mình yêu ra khỏi vòng tay.

Thẫn thờ ngồi bệt đến khi trời hửng nắng, anh cười khùng khục mặc kệ người xung quanh nhìn mình đầy kỳ thị, sợ hãi. Nàng biến mất khỏi cuộc sống của anh rồi. Anh cũng vậy. Đầu anh chỉ vọng đi vọng lại hai câu đó.

Giá mà thời không đừng mở ra. Giá mà anh không đọc tờ báo đó. Giá mà anh không quá đam mê việc viết nhạc. Giá mà anh là một ai khác của thế kỷ XIX, giá mà nàng sinh muộn hơn. Hay nếu anh và nàng chưa từng gặp gỡ, chữ tình không bén, phải chăng nàng đã không đau khổ mà đẹp duyên bên chồng.

Hóa ra đều tại anh quá say mê nhạc. Ngày xưa nếu anh không yêu nghiệp sáng tác, chắc gì đã chịu cảnh hôm nay. Người ta lạc nhau nhưng vẫn nhớ nhau vì cùng sống dưới một bầu trời, còn anh và nàng hình như chẳng có gì chung cả. Anh chỉ có thể ngước nhìn bầu trời khói bụi hôm nay mà tưởng tượng cái trong xanh non trăm năm trước. Nàng dù đầy ắp trong hoài niệm nhưng cũng là quá khứ, không phải quá khứ hôm qua mà là một thế kỷ xa vời, nơi anh không thể chạm vào, không thể nâng niu, bảo vệ.

Anh ngồi giữa quảng trường khóc nấc, chửi bới như kẻ say.

Tròn một năm sau, giữa khi việc viết nhạc được tạm hoãn vô thời hạn, anh nhận được thư nàng. Nhưng người viết không phải nàng mà là một kẻ ở của nhà nàng, người liều tin tưởng mối tình trăm năm của cô chủ.

Với anh, nàng chưa bao giờ là tình cũ. Anh vẫn yêu dù tình yêu ấy bất lực và hèn mọn tột độ. Nên nhận tin nàng tự vẫn trong bệnh viện tâm thần, anh ngây dại ra như hóa đá. Tai ù đi, cổ họng thít chặt, đau như ai cứa vào, anh ngồi bất động trong căn phòng đầy hơi men, không ánh sáng.

Lam, tôi yêu để làm gì mà không thể bảo vệ em, không thể đến mà hèn mọn van xin thầy mẹ em tác thành khi em phải theo chồng, không thể tồn tại cùng em ở năm 1938 để tình yêu là minh chứng cho thần trí minh mẫn? Tôi yêu để làm gì mà khiến em chết để chứng tỏ mình không điên? Tôi yêu để làm gì mà khiến em chết để tình yêu còn sống?

Nỗi đau của nàng cách trăm năm rạch lên tim anh, cấu xé, cào nát cả trí óc. Anh nghĩ rồi mình sẽ điên mất, nhưng không. Anh phải tỉnh. Nếu anh cũng điên để quên hết tất cả, nàng sẽ vĩnh viễn chết đi. Thế nên bằng mọi giá anh phải tỉnh táo để chí ít người con gái tên Lam đó còn sống đến nhiều năm sau nữa, già đi với anh, chết đi cùng anh.

...

Người ta đồn Lam-Việt là nhạc sĩ đào hoa, đa tình không chỉ trong lời ca, tiếng nhạc. Quanh anh có nhiều bóng hồng mà anh cũng chẳng từ chối bao nhiêu. Anh đổi người tình liên tục, tất cả đều có mái tóc dài và nét đẹp tinh khôi, giản dị, thích mặc váy áo xanh lơ.

Anh không biết mình làm thế sẽ nhận lại được gì, nhưng tâm hồn anh trong những năm này không nhận được quá nhiều an ủi. Cánh cửa thời không ở quảng trường vĩnh viễn đóng lại. Địa chỉ cũ của nhà nàng anh từng quay lại thăm hỏi, nhưng tin tức vẫn là số không, nên nguyện vọng bù đắp âm thầm hãy còn bỏ ngỏ. Anh vẫn vừa nhớ vừa hổ thẹn với nàng. Tình yêu càng lớn, hổ thẹn càng nhiều. Có lẽ anh sẽ ôm bí mật và bóng hình của năm 1938 ấy xuống mồ, để anh và nàng cùng tạ thế.

Ngày nọ, khi truyền thông địa phương đưa tin về việc bảo tồn một bệnh viện tâm thần có kiến trúc thời Pháp thuộc, anh giật mình rời tâm trí khỏi cái đê mê của thuốc lá, mắt sát sao nhìn ti vi. Bắt được góc quay gian phòng đặt những hũ đựng tro cốt, lòng anh như bắt được tia hi vọng. Dù là mong manh lắm anh vẫn ước mình được gặp lại nàng. Dù người của thế kỷ trước chỉ còn lại nhúm tro tàn, hơi ấm ngày xưa ấy anh vẫn quyến luyến, vẫn nhớ thương.

...

Sắc màu bốn mùa trên mảnh đất này chưa bao giờ rõ rệt, chỉ mơ hồ giao nhau trong tưởng tượng, những ngày nắng, ngày mưa. Ấy lại là mùa hè, một mùa hè mà anh không còn hoài nghi về nàng như năm hai mươi lăm tuổi mà là khi tuổi ngót bốn mươi hai, anh cố chấp tin tưởng vào sự tồn tại của người đến từ quá khứ, trong chính cuộc đời mình.

Anh yêu nhiều người giống nàng chỉ để mãi mãi nhớ nàng. Anh viết nhạc về thành phố ngày xưa chỉ để lưu lại quảng trường của hai người khi ấy. Anh đến bốn mươi hai tuổi vẫn chưa hóa điên vì sợ quên đi nàng, nhưng vào cái đêm nghe tin trên ti vi ấy anh mới phát hiện, thì ra gần hai mươi năm qua, anh đã quên đi nàng, nhiều lắm. Đáng sợ hơn cả quên lãng là dường như anh còn chẳng đủ sức đong đếm những gì đã quên.

Ngày đến tham quan bệnh viện, anh tần ngần không dám đến gian phòng đặt những hũ tro cốt của bệnh nhân. Rồi anh vẫn đến. Gian phòng âm u, tịch mịch. Đôi ba tia sáng chen vào nhảy nhót trên nền gạch tàu nứt nẻ, mùi cổ xưa như bừng dậy. Anh nhìn thật kĩ hũ đựng, có hũ có tên họ, hình ảnh, bên cạnh đặt kỷ vật; có hũ lại không. Sau cùng khi đã mệt lử, anh tìm thấy hũ tro đề tên Mai Thị Lam nằm ở một góc cuối giá đỡ, cạnh chiếc hũ nứt nẻ là tấm ảnh đã ngả vàng, góc rách bươm chụp anh thời sinh viên, trên người mặc áo sơ mi màu trắng.

Những thứ về nàng mà anh quên, giây phút đó, lại ùa về. Vậy mà thứ anh tìm lại được chỉ là ký ức phủ bụi, còn người con gái năm 1938 và tháng ngày yêu đương đó, anh tìm mãi không thấy. Sau này khi chia xa anh, nàng có lẽ đã buồn bã, đã khổ đau, nhưng dường như không một lời oán trách bởi phía sau tấm ảnh anh tặng, nàng đề đôi dòng nắn nót, chỉn chu.

"Sẽ gặp anh ở thế kỷ của anh
Nửa đời sau em không là day dứt
Dù chỉ mơ duyên đôi ta vẫn thực
Xin nằm mơ hết cả những kiếp người.

Mai Thị Lam - 1938, người đã từng tồn tại trong giấc mơ của Đỗ Việt - 2020".

Anh quỳ sụp, rũ vai nhắm mắt. Quảng trường Ba Mươi Tháng Tư lung linh nắng và vạt áo xanh đeo đẳng suốt gần hai mươi năm thốt nhiên hóa hư vô.

Cần Thơ,
21.09.2020
Nguyễn Hữu Quí

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro