NGẢI TÓC

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trời đùng đục, nước đùng đục. Dòng sông mọi hôm xanh trong nay ngả màu vì bóng mây chiều hằn in dưới đáy. Cả một vùng sông bừng lên hương hoa bưởi dù bấy giờ đã tháng mười hai, thoảng trong đó là mùi cỏ hương nhu, mùi chanh và mùi bồ kết. Một nhóm đàn bà trẻ con người gội tóc đầu sông, kẻ giặt áo cuối sông, cả một vùng lanh lảnh tiếng nói cười, hò hát.

Minh khom người, cúi đầu lau mái tóc dài óng đẫm nước. Cái dáng gầy nhẳng trông như chật vật hơn với mái tóc dài quá khoeo ấy, thế mà lúc nước còn rỏ lắm Minh đã loay hoay tìm đường, đạp sỏi đi lên.

Trời cuối năm gió lộng, mây bàng bạc giờ ráng đỏ như màu pha không đều, nơi vón cục đỏ quạch, chỗ loang loãng nhạt nhòa. Minh bới tóc lên cao, bê thau quần áo men theo đường đê về, dọc đường gặp một hai người quen, chào hỏi dăm câu rồi lại lầm lũi. Xóm này không ai lạ gì Minh, người hai mươi sáu tuổi không chồng không con, người mà người ta không biết nên gọi là đàn bà hay con gái.

Trông Minh chẳng đến nỗi, thậm chí ngày xưa còn có kẻ tặng cho cái danh hoa khôi vì dáng vẻ thướt tha và mái tóc dài óng mượt mà thoảng hương hoa bưởi. Người ấy vậy mà hai mươi sáu tuổi chưa chồng, hồi độ trăng rằm còn từng vướng án ngộ sát chồng sắp cưới. Nghe đâu do gã nọ giở trò chốn bờ bụi, duyên lại là duyên mai mối nên Minh chẳng ưng bụng bao nhiêu. Giữa chừng Minh vơ đá đập vào đầu, gã lăn đùng ra chết. Chuyện năm ấy ầm ĩ cả xóm. Người ta truyền tai nhau cái tin Minh khắc chết chồng, duyên tình mai sau sẽ lận đận. Tận bây giờ họ vẫn mang ra mua vui trong những cuộc trà dư tửu hậu dù người trong cuộc chỉ phải đi cải tạo rồi nhận án treo.

Hồi mới đi cải tạo về tóc Minh ngắn cũn, rồi mười năm qua đi, tóc cứ dài còn người thì gầy gò, héo hon mãi. Đường tình duyên của Minh từ dạo ấy cũng hiu hẩm hẳn, vắng luôn những kẻ từng thề non hẹn biển, rào trước đón sau. Minh cũng mặc, vẻ lãnh đạm; dường như chỉ thiếu việc đi chùa là người ấy trở thành ni cô. Minh cũng từng nghĩ đến chuyện quy y nhưng ngày xưa bà ngoại hãy còn và cậu em Minh - Thông - đang tuổi ăn tuổi lớn. Vào am mà lòng còn đau đáu chuyện thế tục thì vào am làm gì!

Bây giờ Thông rời làng cưới vợ lập nghiệp rồi, có khi đã quên hẳn Minh nhưng ý nghĩ làm ni chưa từng bén lại. Bảo là suy nghĩ nhất thời cũng không phải, biết đâu chừng Minh chán, chán đến độ chẳng thiết làm ni luôn rồi?

Cái người không thiết cả việc làm ni ấy bấy giờ vừa vắt áo quần lên sào hong gió xong, đang thắp đèn cho sáng căn nhà và nỗi cô độc vào ban đêm. Bâng quơ ngó ra ngoài qua cửa sổ, vậy mà lại bắt gặp bóng đen thu lu nép vào bức vách. Thở dài khép hai cánh gỗ sơn xanh lại, khép cả tiếng lũ ếch nhái réo gọi bên ngoài.

Minh mở hiệu may nhỏ, đêm đêm, tiếng đạp bàn máy kẽo kẹt, tiếng bánh quay và suốt chỉ quay đều đều vẫn hằng vang vọng. Người bên máy may cả một tiếng thở dài cũng không buông, nhịp hít vào thở ra nhẹ tênh như không. Quá mười giờ, đèn trong nhà tắt phụt. Bóng đêm đổ sập, ùa vào cả người bên trong lẫn bên ngoài, hai kẻ chỉ cách nhau một bức vách. Minh thao thức không ngủ, không biết vì nỗi niềm rạo rực, thèm khát tình thương yêu bất chợt dấy lên vì cô độc quá, hay vì tủi cho người đứng bên ngoài. Trăn trở đến tầm mưa rỉ rả, khi khoảnh đất bên ngoài đã lầy lội và tiếng dép giẫm sình ọp ẹp vang lên lòng Minh mới buồn buồn, nhoi nhói.

Đèn nhà lại rạng, được một lúc thì cả cửa cũng mở ra một cánh, cánh còn lại để hờ không khép, mặc kệ gió đập. Trước hàng hiên, người thanh niên cuộn mình dúi mặt vào đầu gối, thở khò khè mệt mỏi. Bị Minh vỗ nhẹ vai, cậu chàng giật mình như phải bỏng, ngỡ ngàng nhìn rồi ngỡ ngàng theo Minh vào trong. Suốt lúc ấy cả hai vẫn im lặng. Đôi mắt Minh như mờ sương, long lanh nước, rười rượi buồn tựa hồ thu trong lời Nguyên từng nói. Đôi mắt của người thanh niên, Nguyên, lại đùng đục và đầy ắp bóng tối. Nguyên tìm một góc nhà ngồi xuống, ôm ghì lấy chiếc áo còn âm ấm Minh vừa đưa cho, nhắm lại đôi mắt đã mỏi đến rát.

Đêm ấy chòm xóm không ai biết nhà Minh có hai người, khác với bình thường - một người một bóng vò võ với nhau. Minh luôn quen một mình một cõi, vừa may, vừa thêu, vừa vá. Giữa đêm lại thêm một người khiến Minh tự nhiên nghĩ xa. Mai sau làm gì nhỉ, hay là ăn đời ở kiếp với chiếc máy may? Hay là thuê đất lên liếp trồng rau, lại bỏ cặp gà cặp vịt lấy trứng, làm giống. Hay là dắt díu nhau lên tỉnh làm ăn. Hay là.. Hay là… Chục vạn câu hay là chấm hết bằng tiếng thở dài não nề, trách mình sớm biết không thể nên duyên còn nghĩ ngợi nhiều. Đàn bà có chồng như đeo gông vào cổ, bấy năm trường một mình một bóng không sung sướng, cớ gì phải cưới gả ở cái độ lỡ làng này.

Mà lấy chồng thì thêm nhiều miệng ăn, cùng túng quá lại phải bán tóc. Minh tiếc lắm mái tóc dài của mình, tự dặn với lòng nếu không vào đường cùng thì sẽ không bán.

Trở mình, tặc lưỡi thêm mấy lượt, cuối cùng Minh cũng chập chờn mộng mị.

Sớm ra mặt trời chưa khỏi con sào nhà đã trống huơ trống hoác. Nguyên có lẽ đi từ hồi tang tảng, chiếc áo mượn đắp đêm mưa cũng biệt tăm theo. Đoán chừng về sau, với cả hai vậy là đã đủ, dù lòng Minh sau khi hụt hẫng, cơn bồn chồn đêm nọ lại đến. Mỗi lần như vậy Minh đều kéo tóc qua va để lên mũi ngửi. Hương hoa bưởi không mấy nhuần nhị, thuần chất nữa, có lẽ lá nấu quá lửa hoặc đã xen nhầm lá gì vào. Hương nhu, bạc hà hay lá chua rừng, lá chanh…?

Cái mùi tạp loạn ấy khiến Minh nhớ đến mái tóc đàn ông mình giật hồi năm mười lăm tuổi, cũng xen nhiều thứ lá nào bưởi nào chanh nào hương nhu. Lắc đầu xua cái cảnh đen tối đó đi, Minh lủi thủi đi đun nước gội đầu hai ba lượt, chừng khi tóc nồng hương bưởi mới lòng mới lại được vỗ về.

"Xoẹt"

Chiếc kéo được mài bấy lâu như chỉ đợi khoảnh khắc này. Người đàn bà đưa tay, lưỡi kéo chạy đi một đường ngọt và sắc lẻm. Đầu nằng nặng giờ như trút bỏ mũ giáp, chợt nhẹ hẫng. Mớ tóc hôm qua Minh còn ngồi trước hiên nhà chải chuốt, ấp iu giờ nằm gọn trong tay người đàn bà lạ mặt. Lòng Minh nhoi nhói. Minh muốn xin lại một lọn tóc nhưng nghĩ đến phần tiền học sắp đóng cho Thông, đành bấm bụng cam chịu. Thôi vậy. Được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

- Tóc nặng hơn hai lạng, dài ba mươi phân, trả em ba trăm là cao đấy.

- Năm trăm, phải giá thì em bán không em sang hàng khác ạ. - Minh mặc cả.

- Chỗ chị trả cao nhất rồi, em tìm hết chục hàng phiên hôm nay chả có nữa đâu. Không thì chị trả bốn trăm rưỡi chứ không cao hơn được.

- Bảy nhăm đi ạ, em còn sắm sửa cho cậu em đi học cả năm. Nó vừa lên trung học, mình em nuôi nó túng lắm.

- Thế bốn trăm tám cho chẵn đấy. Khổ thân!

Ấy là lần đầu tiên Minh bán tóc, vào năm mười lăm tuổi, trước ngày đầu thú vì ngộ sát mấy hôm. Quang cảnh chợ phiên hôm ấy ra sao, mặc cả từng đồng thế nào Minh hiển nhiên còn nhớ rõ, vô thức để chúng ám cả vào những giấc mơ.

Bố mẹ mất trong tai nạn khi còn làm công nhân trên tỉnh, Minh và Thông từ đấy được gửi cho bà nội chăm. Họ nội Minh và nhất là bà cụ, từ ngày Minh còn đi học đã lời ra tiếng vào bảo con gái còn học lắm, gả chồng lại chẳng bỏ phí. Năm lớp bảy, thấy Minh nghỉ học dành dụm tiền cho Thông lên đại học sau này, trông bà có vẻ hài lòng lắm. Bà thôi đay nghiến việc củi gạo mắm muối và những khoản tiền mọn mằn như mọi khi. Bà cười nhiều hơn. Và tình yêu của bà vẫn dành nhiều cho đứa cháu trai.

Ít năm nữa, phải nài nỉ lắm Minh mới được học may ở một bà góa trong xóm. Chồng bà mất ở Quảng Trị, để lại cậu con trai độc đinh kém Minh hai tuổi. Nguyên. Người đã dốc lòng dạy Minh lại những thứ dang dở, đã gom góp sách vở cũ cho Minh đọc những khi rỗi rãi, đã một thời ấp iu mái tóc của Minh như chính Minh vậy, giờ cũng chẳng còn bé nữa rồi.

Lần đầu Minh bán tóc cũng là lần đầu tiên Nguyên khóc. Cậu chàng vò vò mái tóc ngắn cũn của Minh, rồi gục vào vòng tay Minh, thủ thỉ tự dằn lòng:

- Năm sau tóc chị lại dài thôi. Em cố chờ tóc chị dài lại.

Nhưng năm sau, vào trại cải tạo, tóc Minh không được quyền dài nữa.

Bà nội mất năm Minh lên mười tám, khi Thông đến ngưỡng trung học còn Nguyên đã yên chí trong trường phổ thông trên tỉnh. Minh đã học xong nghề may từ lâu, về nhà mở hiệu sửa quần áo. Thỉnh thoảng Minh vẫn mang quà vặt sang biếu người đàn bà góa bụa tốt tính nọ, và trong đôi ba lần thỉnh thoảng ấy, Nguyên lại gặp Minh.

Dưới hàng cau thắm nắng đầu ngày, thiếu nữ mười tám với mái tóc ngang eo vẫn hay nghiêng vành nón lá chào Nguyên, gửi lại cho Nguyên chùm khế, ít bánh tro ngày đoan ngọ hay những chùm hoa bưởi ngan ngát mùi tháng ba. Tháng ba đượm mùi của "yên hoa tam nguyệt", mùi của Đường thi trong quyển sách nào xưa, mùi của những chuyến thư tay nồng nàn màu mực tím, và mùi luyến lưu của những mối tình ngây dại. Ngây như niềm cảm mến của Nguyên dành cho Minh năm mười sáu, dại như chữ tình của Nguyên dành cho Minh năm hai mươi bốn. Và ngây dại như Nguyên - từ một người tài hoa trở thành kẻ điên vì yêu say đắm đứa đã lỡ thì lại mang trên mình tội danh không từng chối bỏ.

Dân trong xóm vẫn hay Nguyên nửa điên nửa tỉnh, và cũng hay Minh là người làm thần trí cậu thanh niên mê muội. Nói trắng ra cũng chỉ khi gặp lại người thương mến Nguyên mới điên dại. Trong nhà Nguyên đầy những trang thơ và tranh chì hoài thai trong cơn say tình. Nguyên viết nhiều, vẽ vội. Người chỉ hiểu nửa chữ bẻ đôi như Minh nhìn không thấu những thứ Nguyên giấu trong thơ, nhưng bức vẽ cô thiếu nữ áo chàm ngồi trước bậu cửa chải tóc ấy, Minh không thể nào quên được.

Minh của cái tuổi mười tám đó vẫn thường cuộn những lọn tóc rối thành vòng vắt lên cái móc con khuất trong vách. Mấy độ người ta đi ngang rao mua tóc rối lông vịt, mớ tóc ấy Minh đổi thành kẹo đường cho cậu em và Nguyên. Tình thương quấn trong những lọn tóc vẫn còn óng dù đã rụng theo Nguyên và Minh đến tận bây giờ. Trong khi Minh ngày càng quên nhiều hơn nhớ vào tuổi duyên lỡ, Nguyên vẫn còn đau đáu giữa nhớ và quên, giữa hình bóng hằng làm mình điên đảo và tương lai dựng vợ gả chồng.

Mãi đến hai mươi bảy tuổi, Minh cuối cùng cũng tìm được bến đỗ. Người đàn ông xóm bên từng có một đời vợ, sau đôi lần gặp gỡ do mai mối đã phải lòng Minh. Phải lòng, chẳng bằng gọi là phải số. Minh sang sông, đò ngang tròng trành, không áo hoa hay chỉ một ngày hợp hôn nhỏ bé. Minh đành lòng chắp vá với người đàn ông vừa quen biết nửa năm, không biết để nương náu đời mình hay chỉ để người thanh niên nọ tỉnh giấc nam kha.

Dẫu rằng, cái tỉnh ấy cũng chỉ là một thoáng không mụ mị giữa cơn bí tỉ.

"Chừng nào tóc chị còn dài. Chừng năm tháng ấy tôi hoài chữ yêu".

Trang thư cuối cùng Nguyên gửi cho Minh đề đầy những dòng thơ như rượu. Minh đọc nửa hiểu nửa không rỉ nước mắt. Nửa không là chữ tình. Nữa hiểu là chữ duyên. "Duyên mình là duyên tóc mây. Tóc mây đành đoạn thời tay rã lìa"...

Nguyên ra đi giữa cơn đau và những đòn roi trừ tà. Minh bế trong tay đứa con đầu lòng với người đàn ông mình vốn không nhiều tha thiết, người ngã quỵ vì tin dữ, mắt đỏ hoe, trợn trừng nhưng ráo hoảnh. Người ta đồ rằng Nguyên trúng ngải tóc của Minh, để rồi say, rồi lụy. Một cuộc tế bái trục ngải, trừ tà diễn ra nhằm đêm ba mươi không trăng, những lá bùa vàng nguệch ngoạc mực đỏ như máu dán khắp nhà và trên thịt da người thanh niên lồ lộ. Dân trong xóm vây xem đông nghịt, vậy mà đêm im phăng phắc, cả lũ dế cũng phập phồng quên cả ri ri. Giữa cái vòng túm tụm ấy, Nguyên cởi trần nằm cuộn người, quằn quại theo những đòn roi trừ tà giáng xuống. Chốc chốc gã đạo sĩ lại cho Nguyên uống nước phép, rồi lại đánh, lại ú ớ kêu rên, lại uống, lại đánh, lại kêu rên... mãi cho đến khi tà ngải xuất ra làm người Nguyên tím bầm.

Ngải trục hết, sinh khí cũng chẳng còn. Bà góa ngồi khóc bên xác con, hết lời rủa sả ả độc phụ bà từng xem như con gái, rủa sả thứ bùa ngải yếm con bà bao năm nay, để nó lú lẫn, khi tỉnh khi mê rồi bị tà ma bắt mất.

Tiếng xì xầm bắt đầu dậy. Bấy nhiêu con người bàn nhau về mái tóc dài quá khoeo của người đàn bà vừa theo chồng nọ, về sự si tình của gã trai ngoài hai mươi tuổi, về những cuộc "đi lại" mờ ám cái dạo Nguyên lên tỉnh, còn Minh ở lại hết lòng phụng dưỡng một người dưng.

Hôm đưa tang Nguyên, Minh đứng xa xa, bên vệ đường trông theo linh cữu. Người đàn bà tóc điểm bạc rũ rượi khóc cho đứa con trai độc đinh bạc mệnh, cho dòng họ bạc phước và số phần hẩm hiu. Độ ấy cũng tháng ba, tóc Minh xõa dài quá khoeo, yên lặng xuôi chảy như con sông trong cái nắng mơ màng. Có hay trong mắt người dân xóm, mái tóc ấy như con rắn trườn dài. Người ta sợ hãi lánh xa, tản hết đi kẻo lại dính ngải.

Minh bàng hoàng, ngơ ngác, vuốt tóc rồi thất thần quay đầu tránh ánh nhìn săm soi của nhóm đưa tang. Đứng trên đê ngoảnh lại, lòng sông mùa ấy khô cạn, rong rêu lồ lộ bong lên. Mùi cát tanh tưởi. Mùi rêu khô dưới nắng. Những thứ mùi muôn đời quen thuộc bỗng trở mình lạ lẫm trong cái nắng tháng ba trống rỗng, vắng xa.

Hai chín cuối tháng, chợ phiên họp. Trời âm u mịt mờ, mưa phùn ẩm ướt, dấp dính. Người đàn bà mặc áo chàm đôi chỗ thâm thẫm nước, đội nón lá len lỏi trong đám người đi chợ, đến hết hàng này đến hàng khác mặc cả. Những hàng chị ta ghé lại tất cả đều là hàng mua tóc. Sau rốt người đàn bà nọ cũng thở dài, miễn cưỡng thỏa hiệp với cái giá bảy trăm cho mái tóc dài sáu mươi phân nặng trịch của mình.

Trước khi người thiếu phụ xén tóc buộc mớ tóc bồng mới mua được bằng sợi dây nhiều màu, người đàn bà nhỏ nhẻ hỏi xin lại một lọn nhỏ. Chị ta gói tóc mình vào chiếc khăn thêu hoa cúc trắng chuẩn bị sẵn, kéo sụp vành nón xuống rồi bỏ đi. Thoảng trong mưa phùn lành lạnh là hương hoa bưởi khiến người ta không dưng luyến lưu, nuối tiếc.

Bên tai vẳng lại mấy tiếng rao lơi, người đàn bà càng gục mặt. Quen thói đưa tay vuốt lại mái tóc, vậy mà chạm phải chỉ có mấy giọt mưa xuân mềm như tóc hôm nào, nhưng hương đâu còn nữa.

- Tóc dài sao không bán hở em?

- Chồng em quý lắm, có túng em cũng không nỡ bán.

Bước chân người đàn bà thoáng sựng lại, rồi nghĩ thế nào chị ta lại lắc đầu, chầm chậm rời khỏi khu chợ huyên náo.

Một phần tóc đốt thành tro, một phần tình bỏ, không lo lỡ làng.

Một ngày bên bến sông vắng, gió lồng lộng thốc thổi vạt áo chàm, cuốn đi mùi tóc và mùi vải cháy. Minh đốt, cứ đốt, đóa hoa cúc thêu trên khăn tay co cụm dần rồi hóa ra bụi tro bay khắp khuỷnh nước. Miên man dõi mắt, Minh chợt nhớ đêm qua sau cuộc má áp môi kề có phần cuồng say, vội vã, chồng quen tìm tóc mà dúi đầu vào ngủ, thế nào lại tìm chẳng thấy. Gian nhà một thoáng bỏ lặng, chỉ còn tiếng nước mưa dột nhỏ vào cái thau nhựa Minh vừa mua ở chợ sớm nay. Chồng buồn buồn hôn lên mái tóc ngắn cũn dài ngắn lởm chởm của Minh, thỏ thẻ điều gì bằng giọng ngà ngà, hơi ngọng nghịu.

Bên bờ sông vắng nơi xóm cũ, người đàn bà lẳng lặng đốt tóc, đốt xong lại gục đầu rũ rượi khóc như đứa trẻ lên ba.

Cần Thơ,

02.09.2020

Ngọc Nhữ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro