Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiếng hô vang đầy phẫn nộ của hàng trăm sinh viên gần như làm rung chuyển cả một con phố. Dòng người chen chúc nhau, đông như sóng tràn, tay giơ cao biểu ngữ, miệng hô to khẩu hiệu đòi quyền lợi. Những tấm áp phích bằng vải phủ lớp sơn màu đỏ thẫm, cùng với những dòng chữ lớn, thể hiện rõ khát vọng giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ.

Hoài Lam đứng ở rìa đám đông, lòng ngập tràn lo lắng.

Chỉ mới vài phút trước, cô vẫn đang chuẩn bị về nhà, về với chăn ấm nệm êm, vậy mà giờ đây, cô lại đứng giữa cuộc biểu tình hỗn loạn này.

Chuyện là, Hoài Lam trở về sau một ngày học tập, cô thong thả bước đi, lòng không vội vã.

Nghe nói hôm nay bên khoa luật biểu diễn văn nghệ, nhưng cô lại không có thời gian đi xem, có lẽ lúc này, buổi biểu diễn đã kết thúc rồi. Bầu không khí trong trường vẫn còn dư âm của những tiếng cười nói rôm rả và những bản nhạc ngân vang.

Hoài Lam hít một hơi thật sâu, cảm nhận sự bình yên thoáng qua giữa lòng Hà Nội náo nhiệt.

Ngay lúc này, cô nghe thấy một tiếng gọi lớn:

"Cô Lam! Chờ chút!"

Cô ngoảnh đầu lại, là Minh Đăng, bạn cùng lớp của cô.

Cậu thanh niên có khuôn mặt lưỡi cày hớt hải chạy về phía cô, trán lấm tấm mồ hôi.

Nhìn dáng vẻ khác thường của cậu, Hoài Lam cảm thấy có điềm không lành, cô nhíu mày: "Có chuyện gì thế?"

Minh Đăng thở hổn hển, nói không nên lời, phải mất một lúc mới thốt ra được: "Lính Pháp vừa đánh sinh viên bên khoa luật!"

"Đánh sinh viên? Sao lại như vậy?" Hoài Lam ngạc nhiên, mắt mở to.

Minh Đăng siết chặt tay, phẫn nộ nói: "Bọn chúng tới quấy rối, đòi vào xem biểu diễn. Đây là chương trình do sinh viên tổ chức để gây quỹ ủng hộ những gia đình bị thực dân áp bức, chứ không phải là trò tiêu khiển của bọn chúng. Chúng tôi từ chối, thế là chúng làm loạn cả lên. Một sinh viên đứng lên phản đối, sau đó bị bọn lính lao vào đánh đập dã man, vì sợ bị liên lụy nên chẳng ai dám can thiệp."

Hoài Lam sững người, lồng ngực như bị ai đó bóp nghẹt. Cô không thể tin được những gì mình vừa nghe.

"Bạn sinh viên ấy thế nào rồi?" Cô vội vàng hỏi.

"Bị thương rất nặng, hiện đã được đưa đến bệnh viện rồi, nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc đâu." Minh Đăng nói, ánh mắt đầy căm phẫn: "Mấy ngày nay, chúng tôi nghe được vài đồn đoán về việc dinh công sứ đã có những hành động bất lợi cho học sinh và sinh viên. Gần đây học sinh, sinh viên đã làm được nhiều việc, hết viết báo rồi lại xuống phố tuần hành. Nhất định tên công sứ đang muốn mượn tay bọn lính để đối phó với chúng ta, có lẽ sau này sẽ còn lắm chuyện hơn..."

"Các bạn sinh viên đã tập hợp ở công viên, định sẽ họp hành rồi kéo đến dinh công sứ để nêu yêu sách. Đã quyết định thời gian là ngay bây giờ, cô Lam đi không?" Minh Đăng vừa nói vừa vội vàng cất bước.

Hoài Lam cảm thấy máu trong người sôi sục. Cô đã từng nghe về những cuộc đàn áp của thực dân Pháp, nhưng giờ nó đang diễn ra trước mắt cô, ảnh hưởng trực tiếp đến bạn bè của cô.

Cô không thể đứng ngoài cuộc được!

Cô trả lời: "Đi chứ!"

Rồi cô nhanh chóng theo sau.

Ở công viên cạnh Viện đại học Đông Dương, số đông sinh viên đến từ các khoa khác đã có mặt và bàn tán xôn xao. Hoài Lam nghĩ, hẳn là họ cũng đã biết chuyện rồi.

Công viên này tạm được dùng làm nơi tập hợp của anh em sinh viên. Sau khi Hoài Lam và Minh Đăng tới nơi không lâu, một vài sinh viên ở các trường lân cận cũng đến.

Người Việt có cơ hội học tới đại học vốn ít, số sinh viên người Việt theo học ở Viện đại học Đông Dương lại càng ít hơn, đa số đều là con cháu của những gia đình giàu có hoặc là tay sai của Pháp.

Thế nên, số lượng người tham gia cuộc biểu tình lần này cũng chẳng có bao nhiêu.

Nền trời đã ngả màu xám sẫm. Những ngọn đèn quanh công viên bật sáng. Đoàn người thảo luận một lúc, sau đó mang theo cờ và biểu ngữ, kéo cả về phía dinh công sứ.

Với tinh thần căng thẳng, tay Hoài Lam siết chặt cặp da, mắt nhìn xung quanh. Ven đường, có nhiều người đứng xem, có người tò mò, có người xì xào bàn tán, cũng có người sợ hãi lẩn tránh.

Cô nhíu mày, rồi im lặng đi theo đoàn người.

Họ tới dinh công sứ.

Trời đã tối, bóng đêm đè xuống, tâm trạng của mọi người càng thêm căng thẳng.

Nhóm sinh viên đến trước cánh cổng đen cao lớn của dinh công sứ, có một trung đội lính cầm súng đứng đấy.

Những mũi lê nhọn hoắt đang chĩa vào ngực nhóm trẻ nhiệt huyết, bọn lính lầm lì nhìn họ với vẻ nghiêm nghị. Kể cả vậy, nhóm sinh viên vẫn bừng bừng thét lên, đòi kéo vào dinh công sứ. Bọn lính vẫn không chịu hạ súng.

Đôi bên ở thế giằng co trong chốc lát.

Sau khi bàn bạc với nhau, nhóm sinh viên quyết định cử năm đại diện đứng ra thương lượng. Nhưng năm người ấy vẫn bị bọn lính chặn lại. Cuối cùng, một tên lính cao lớn bước ra, hống hách nói tiếng Việt bằng thứ giọng lơ lớ, khó nghe của mình:

"Ngài công sứ đã về nhà riêng rồi. Mời các người về đi!"

Năm đại diện ôn tồn giảng giải. Họ nói, nếu công sứ không ở đây thì xin mời thư ký thay mặt ra gặp cũng được. Nhưng tên lính kia vẫn lạnh lùng lắc đầu:

"Không được."

Gã có vẻ đắc ý, như thể giờ đây, mọi quyền hành đều nằm trong tay gã, chỉ một mình gã là đủ để đối phó với đám đông sinh viên.

Bị từ chối, nhóm bạn trẻ lại nhốn nháo hẳn lên.

"Không được, công sứ không gặp là không được!"

"Phải vào gặp, nhất định phải vào gặp!"

"Không có công sứ thì gọi thư ký ra gặp mặt!"

"Các bạn! Cứ xông vào rồi lại bàn sau!"

Những tiếng nói của họ vang vọng trong không trung. Trên đường lớn, vô số đầu người đang nhúc nhích và chen chúc nhau. Có vài người định xông lên nhưng bị cản lại.

Một đại diện lớn tiếng nói: "Các bạn! Phải bình tĩnh, chúng ta phải bình tĩnh!"

"Trật tự! Trật tự!" Một số người khác hưởng ứng.

"Trật tự quái gì! Cứ xông vào rồi bàn sau!" Có người nói vậy.

"Không được, bọn chúng có súng!" Một người khác trả lời.

Những tiếng hô "trật tự" lần lượt vang lên. Tiếng ồn ào dần lắng xuống. Mọi người đã bình tĩnh lại. Trên khoảng trời tối mịt bắt đầu lất phất mưa phùn.

"Các bạn! Làm thế nào bây giờ? Họ không cho chúng ta vào, công sứ cũng không chịu cử người ra gặp chúng ta! Về hay chờ đợi?" Một trong năm đại diện lớn tiếng nói để mọi người có thể nghe thấy.

"Không về!"

Tất cả sinh viên đều kiên quyết đáp vậy.

Rồi lại có tiếng quát lên: "Phải gặp được người trong đó! Phải hỏi cho rõ việc binh lính đánh sinh viên! Phải đòi lại công bằng cho đồng bào ta, cho bạn bè ta! Yêu sách của chúng ta nhất định phải được giải quyết!"

Lúc này, tên lính hống hách ban nãy bước đến gần năm đại diện:

"Các bạn. Trời mưa rồi, tôi khuyên các bạn nên về đi." Thái độ của gã đã ôn tồn hơn trước: "Tôi sẽ chuyển lời của các bạn đến ngài công sứ. Các bạn có chờ ở đây suốt đêm cũng vô ích."

"Không được! Không được!"

Cả con đường lại hỗn loạn, nhốn nháo, rồi lại dần lắng xuống dưới hiệu lệnh của năm đại diện.

"Được rồi. Chúng ta cứ chờ ở đây, không đi đâu cả. Cần phải làm cho ra lẽ mọi chuyện. Không được như ý, ta quyết không đi!" Một đại diện nói lớn.

Dứt lời, ai nấy đều vỗ tay hưởng ứng.

Trong đám đông, Hoài Lam cũng ra sức vỗ tay. Mưa rơi không ngớt, đầu tóc cô ướt sũng. Thỉnh thoảng, cô lại đưa tay gạt đi nước mưa trên mặt, trên trán, nhưng vẫn không nhìn rõ nét mặt của các bạn xung quanh. Cô chỉ có thể nhìn thấy lưỡi lê sắc bén của bọn lính, nhìn thấy hai ngọn đèn đường sáng chói trước cổng dinh công sứ, nhìn thấy đám người đen ngòm đang không ngừng di chuyển, chen chúc nhau trên đường.

Trung đội lính canh cửa thấy họ vẫn kiên quyết như vậy thì cũng không thèm thuyết phục nữa, chúng chỉ đứng yên đấy, bất động như tượng.

"Sao vẫn im hơi lặng tiếng thế này?"

"Tên công sứ đó định trốn đến bao giờ?"

Vài người sốt ruột kêu lên.

Mưa ngày càng nặng hạt, rơi xuống đầu, xuống người những thanh niên ấy.

Hoài Lam cảm nhận được giá lạnh thấm qua từng lớp áo, rồi thấm cả vào người cô. Cô rùng mình, nhưng rồi lại nghĩ: Chẳng lẽ mới có thế này mà đã không chịu được?

Cô khoanh tay, ưỡn ngực, thẳng lưng.

Đám đông im lặng chờ đợi, ngay lúc này, chợt có người lên tiếng: "Nếu như không có kết quả, chúng ta quyết không trở về. Chúng ta cũng có thể như các bạn sinh viên ở các miền, các tỉnh khác. Các bạn ấy đi tuyên truyền, mang theo cả hành lý, luôn sẵn sàng nếu bị lính bắt giam. Lẽ nào chúng ta lại không đứng chờ được một buổi tối?"

Hoài Lam thoáng bất ngờ.

Từng lời, từng tiếng ấy đập vào tai cô một cách rành rọt. Cô đột nhiên xúc động. Bản thân cô cũng không biết vì sao. Người ấy chỉ nói những câu rất bình thường, mà chính cô cũng có thể nói được. Vậy mà giờ đây, nó đã khiến cô quên đi tất cả, quên đi căn nhà sáng sủa, có kẻ hầu người hạ, có chăn ấm nệm êm.

Cô cảm thấy, nếu như người ấy giao cho cô làm một việc gì, thì dù có là nhảy vào dầu sôi lửa bỏng, cô cũng sẵn lòng.

"Là Thanh Trúc nhà ông Trịnh đó."

Có tiếng người thì thầm.

Thanh Trúc?

Nghe vậy, Hoài Lam ngoảnh đầu, cố nhìn kỹ người tên Thanh Trúc ấy qua màn mưa.

Giữa biển người đông đúc, Thanh Trúc nổi bật như một ngọn đuốc bừng sáng giữa đêm tối.

Cô ấy không hề tỏ ra lúng túng hay khó chịu khi phải chịu mưa, chịu rét.

Thanh Trúc đứng đó, lặng lẽ và vững vàng, đôi mắt luôn nhìn chăm chăm về phía dinh công sứ đằng sau cánh cổng. Mái tóc dài buông nhẹ sau lưng, bộ áo dài trắng trên người thấm đẫm nước mưa, thấp thoáng lộ cả da thịt. Tuy vậy, đối lập với sự mềm yếu bên ngoài, dáng vẻ mạnh mẽ của cô ấy khiến Hoài Lam nghĩ rằng, đây không phải là một cô gái bình thường, mà là một người dám sống chết vì lý tưởng.

Đám đông im lặng như tờ, không còn một lời phàn nàn hay sốt ruột nào được thốt ra.

Rõ ràng, mỗi lời mà Thanh Trúc nói, dù chỉ là ngắn gọn, nhưng chúng lại chứa đựng sức lay động vô cùng to lớn.

Cô ấy tựa như một bức tượng vững chãi giữa dòng đời biến động, khiến trái tim Hoài Lam rung lên niềm kính phục cùng sự tò mò sâu sắc.

Trong lòng Hoài Lam, ngay khoảnh khắc này, Thanh Trúc không chỉ là người đấu tranh vì quyền lợi của sinh viên, mà còn là người đại diện cho một lý tưởng cao cả mà Hoài Lam chưa từng dám mơ tới.

Mưa vẫn rơi mãi, nặng hạt, xối xả, phũ phàng dội xuống nhóm thanh niên đầy lòng nhiệt huyết, như muốn ghi lại ở họ một dấu ấn khó phai.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro