Eposide 1: Một tiếng xuân về

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một trong những điều buồn cười nhất của con người, ấy là họ luôn nuối tiếc nhiều về quá khứ. Mặc cho ngay tại thời điểm đó, khi kí ức bắt đầu hình thành để sau này trở thành nỗi nhớ, mọi hành động của con người lúc ấy chính là lựa chọn của chính họ. Nhiều khi, điều ta luyến tiếc nhất không phải là kỉ niệm mà chính là sự từng trải của hiện tại khiến ta hiểu những hành động đã qua, nếu có thể hãy thực hiện lại một cách tốt hơn. Suy cho cùng, mọi chuyện rồi sẽ qua nhưng làm gì có cơn mưa nào không làm ướt mặt đất?

Thế là, khi những cơn gió xuân đầu tiên lặng lẽ thổi qua trên nhành mai trước ngõ, vô tình làm rơi cánh hoa vàng mềm mại như phủ một lớp tơ mịn màng, tôi lại chợt nghĩ về những điều đã cũ. Hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình. Vạn vật cứ lặng lờ sống hoặc tồn tại như vốn dĩ nó phải thế. Tuy nhiên, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, vô vàn kí ức thời thơ ấu cứ nắm tay nhau ùa về. Làm dậy nên một cơn sóng ngầm trong tâm thức vốn đã nhạt phai đi ít nhiều của tôi.

Ngày đó, cô bé vẫn chưa vào tiểu học, mái trên gương mặt thò lò mũi xanh đã in hằn một nét thơ ngây trong suy nghĩ của cô gái sau này. Vào những ngày giáp Tết, nó lại vòi vĩnh mẹ mua quần áo mới. Ôi những chiếc áo pull dài tay in hình hai nhân vật Tom và Jerry, những ống quần kaki nhiều túi. Niềm vui của nó khi ấy chỉ đơn giản là có thể xun xoe, hăng hái khoe với bạn bè trong những ngày đầu năm mới. Mày có áo gì đấy? Nhìn tao đây này. Và rồi thích chí cười híp mắt, líu lo đủ chuyện trong khi mồm nhai rau ráu những bánh và kẹo. Có đôi lúc, trong sự non nớt của nó khi ấy, không biết rằng mẹ phải lo toan nhiều thứ trong dịp cuối năm. Tiền chợ, tiền sắm sửa, tiền trả nợ... bủa vây lấy thân hình còm cõi, nét mặt phảng phất âu lo không làm sao che đi được nỗi nhọc nhằn thường nhật. Nhưng rồi, chiều lòng con gái, mẹ lại thu xếp mọi thứ để dắt nó đi chợ vào buổi chiều. Chiếc xe xích lô của bác tài già nua chở hai mẹ con nó chầm chậm lướt qua trên phố, hòa vào dòng người nô nức du xuân.

Chợ họp đông đúc tấp nập. Hàng trái cây bày la liệt những thứ quả tươi ngon, tha hồ cho các bà nội trợ lựa chọn cho mâm ngũ quả đêm giao thừa. Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thanh long... nhiều màu sắc xen kẽ vào nhau trông vô cùng thích mắt. Hàng bánh kẹo với vô khối mẫu mã đa dạng, bao bì bóng lộn dưới đôi tay thoăn thoắt, khuôn miệng xoen xoét ngã giá, mặc cả của người mua kẻ bán. Mẹ nắm tay nó dẫn lên tầng hai, nơi bày bán áo quần. Và có lẽ, sau bao nhiêu năm khôn lớn, đến bây giờ nó vẫn không sao quên được hình ảnh chiếc áo mới lúc đó. Chiếc áo mà mẹ đã rất đắn đo, cân nhắc. Để rồi khi thấy ánh mắt khẩn cầu tội nghiệp của con gái, mẹ đành trả tiền cho cô bán hàng. Một áo pull màu trắng, hình thủy thủ mặt trăng nằm ngay chính diện. Đó là nhân vật hoạt hình mà nó yêu thích nhất suốt những năm tháng ấu thơ. Đến khi theo chân mẹ qua những hàng bán nhang đèn, nó vẫn nhảy chân sáo từng bước. Vui đến mức mà mẹ phải nhắc nhở, tránh nguy cơ lọt thỏm vào một trong những cái ổ gà trên nền chợ nham nhở.

Thời gian như ngựa chạy tên bay, thấm thoắt đã mười năm trôi qua, Tết lại một lần nữa đến gần báo hiệu vòng quay bốn mùa sắp khởi hành từ vạch xuất phát. Tôi đứng lặng hồi lâu bên cửa sổ, nhìn đám lá khế xanh mướt trong ánh nắng sớm mai. Một giọt sương trong veo khẽ trôi theo phiến lá rồi khẽ khàng buông mình lẩn trong đám cỏ. Đã nhiều lần, tôi tự tay sắm sửa áo quần mới cho bản thân khi Tết đến xuân về, đặng có bộ cánh mới đi thăm họ hàng, bè bạn trong những ngày đầu năm. Chưa bao giờ tôi lo nghĩ nhiều về giá cả. Lẽ dĩ nhiên khi cơm áo gạo tiền đã ổn định, người ta có xu hướng xem nhẹ vật chất trong một vài thời khắc đặc biệt. Và đâu phải ngày nào trong năm cũng là Tết.

Mới hôm qua đây thôi, tôi ghé vào một tiệm áo quần thời trang trên đường. Con đường sầm uất, náo nhiệt bậc nhất cố đô. Nhiều mẫu áo thời thượng, chất vải cao cấp đập vào tầm nhìn của tôi. Trong lời giới thiệu chào mời ngọt như đường phèn của cô nhân viên, tôi chọn cho mình một chiếc áo màu trắng. Ra về trong cái cúi chào lịch thiệp, tôi thấy lòng nhẹ bẫng. Một sự trống rỗng lạ lùng dâng lên bên trong trái tim khiến tôi hụt hẫng đi nhiều cảm xúc về Tết. Tại sao giờ đây tôi tự mình mua áo quần, không cần phiền đến mẹ nhưng lại không thấy vui? Tại sao chiếc áo tôi vừa chọn rất đắt tiền nhưng không mang lại điều gì, dù chỉ là một chút tự hào? Vì lẽ gì mà Tết bây giờ đối với tôi không còn hào hứng, náo nức như lúc trước?

Nắng lên cao, những tia vàng óng nồng nàn hương xuân chiếu xuyên qua khe cửa. Tôi đắm mình trong làn không khí thanh sạch, hong khô nỗi buồn trong năm cũ sắp qua bằng những kí ức êm đềm. Và rồi, trong thẳm sâu đôi mắt trong veo của cô nhóc năm nào, tôi chợt nhận ra. Cái nắm tay của mẹ và nỗi niềm trẻ con chính là câu trả lời cho tất cả.

Một tiếng xuân về.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro