Chương 9: Bình thủy tinh có vết nứt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chiều hôm sau cơn mưa lớn lại đổ xuống đúng hẹn. Hạt mưa rơi xuống sân trường bắn lên như đài phun nước tí hon. Lam cầm ô chạy như bay ra nhà xe.

- Trời ơi, ướt hết quần rồi! - Nó than.

Ống quần tây bị nước mưa bắn lên trở nên ẩm ướt bám dính vào bắp chân khiến nó nhíu mày khó chịu.

- Giờ mày đi học thêm à?

Lam gật đầu, vẫy tay với Ly:

- Tao đi trước nha.

Nhỏ mỉm cười:

- Học vui vẻ!

Trên đời có một số chuyện xui xẻo sẽ ập đến bất ngờ khiến không ai trong chúng ta kịp trở tay. Lam vừa ra khỏi cổng trường đột ngột bị một xe khác lao tới cực nhanh đâm thẳng vào. Tai nạn diễn ra quá nhanh khiến nó không kịp có hành động gì, thậm chí trong một thoáng chốc nó còn không nhận thức được điều gì đã xảy ra, chỉ đến khi sự đau đớn xuất hiện khắp cơ thể ý thức của nó mới dần trở nên rõ ràng. Mặt nó trắng bệch ra, toàn thân lạnh buốt như băng tuyết, run rẩy mãnh liệt. Nó hét không ra tiếng, rúm ró nằm co quắp dưới đường cùng chiếc xe bị hư hỏng nặng. Nước mưa rơi đầy lên mặt, lên tóc, lên trên những vết thương lớn nhỏ, nông sâu, dài ngắn khắp người. Nó đau đến không thở nổi, nước mắt cứ thế trào ra. Tiếng nức nở khe khẽ phát ra từ cổ họng bị tiếng mưa đè mất.

Đám đông chứng kiến cảnh tượng xôn xao bình luận:

- Trời đất ơi! Thằng tóc đỏ kia chạy xe kiểu gì đấy?

- Lại coi con bé kia có sao không. Khổ vậy ấy chứ!

- Giờ này học sinh nó ra đông mà phóng vèo vèo kiểu đấy không tông trúng ai mới lạ.

- Ai gọi cấp cứu đi!

- Hay chở con bé kia vào viện trước đã.

Một bác gái tốt bụng tiến lại gần hỏi han nó:

- Cháu gái, cháu còn tỉnh táo không?

Nó gắng gượng trả lời rất nhỏ:

- Dạ còn.

- Cháu ráng lên, một chút vào bệnh viện là không sao nữa, đừng sợ nha cháu.

Lần đầu tiên trong đời bị tai nạn nguy hiểm như vậy sao có thể không sợ nhưng nó vẫn cố nặn ra một nụ cười yếu ớt, đáp lại bác gái:

- Dạ.

- Cháu ngồi dậy được không? Để bác đỡ cháu.

- Người cháu đau lắm!

- Ôi! Vậy thì cháu chịu khó nằm một lát, xe cấp cứu sẽ tới nhanh thôi.

Dưới cơn mưa lớn có một bóng dáng cao lớn chạy vụt ra khỏi cổng trường. Gương mặt tuấn tú lộ rõ vẻ hoảng hốt. Những bước chân vội vã như đang đè nén vô vàn cảm xúc hỗn loạn trong lòng. Chỉ một quãng đường ngắn mà cậu tưởng mình phải băng qua một vòng trái đất xa xôi. Lam nghe thấy tiếng Duy gọi mình, sau đó dáng hình cao lớn và rắn rỏi của cậu dần dần hiện ra trong tầm mắt đã nhòe đi không rõ vì nước mưa hay nước mắt của nó. Vừa nhìn thấy Lam, Duy lập tức lao đến:

- Lam ơi! Lam! Lam! Cậu sao rồi? Cậu vẫn ổn chứ? Cậu nghe tôi gọi không? Cậu trả lời tôi đi!

Duy đưa tay ra định chạm vào Lam nhưng rồi lại đổi ý nhanh chóng rút về. Bây giờ, đối với Duy, Lam giống một món đồ vô cùng quý giá nhưng lại mong manh, dễ vỡ, chỉ một cái chạm nhẹ cũng sẽ khiến nó bị tổn thương nghiêm trọng, thậm chí hoàn toàn tan biến như bọt biển. Cậu nhìn nó bằng ánh mắt đau lòng, tim đau buốt như bị kim châm.

- Tôi đau quá! Hu hu hu!

- Cậu đừng khóc mà! Khóc nhiều đau mắt đấy.

- Tôi không khóc, là do nước mưa chảy vào mắt thôi.

- Vậy cậu nhắm mắt lại đi.

- Không, tôi sợ lắm! Lỡ như không...

Duy cắt ngang lời của Lam, cậu đanh giọng:

- Cậu tuyệt đối không được nói ra những lời xui xẻo.

Cảnh tượng trước mắt như lặp lại bi kịch trong quá khứ khiến Duy cực kỳ sợ hãi. Cậu cố hết sức mới giữ được bình tĩnh. Vết thương sâu hoắm trong tim ngỡ đã được thời gian chữa lành nhưng không, hóa ra chỉ bởi bấy lâu cậu đã quen chung sống với nỗi đau mà nó gây ra nên chẳng còn cảm giác, cho đến khi lần nữa chạm đến mới phát hiện vết thương vẫn mưng mủ đớn đau. Điều này tương tự việc một chiếc bình thủy tinh bề mặt sáng loáng có một vết nứt trên thân, bình thường sẽ không có vấn đề gì, nhưng chỉ cần đổ nước vào bên trong, nước tức khắc sẽ rỉ ra từ vết nứt ấy. Có người chỉ bị đau một chút đã muốn cho cả thế giới biết nhưng cũng có người dù đau đến cùng cực cũng không muốn để một ai hay. Duy là một bức tranh tuyệt mỹ trong mắt tất cả mọi người, chỉ riêng cậu biết rằng đằng sau bức tranh rực rỡ với những nét vẽ hoàn hảo kia là bao màu sắc tối tăm và nét vẽ xấu xí đã được dày công che phủ. Nếu như cơn mưa có thể xóa sạch đi quá khứ, cậu thành tâm cầu nguyện nó sẽ không lặp lại vào hôm nay. Cậu không muốn mất đi một người mình thương yêu nữa. Cảm giác ấy quá kinh khủng. Nếu được, hãy để cậu gánh lấy hết thảy!

...

Hành lang bệnh viện vào lúc chạng vạng đã sáng đèn. Cảm giác lạnh lẽo bao trùm bốn phía. Mùi thuốc tẩy đặc trưng lan tỏa trong không khí.

Y tá trẻ mỉm cười:

- Bạn của em bị gãy chân phải. Còn lại đều là vết thương ngoài da, sẽ mau lành lại. Tạm thời không cần quá lo lắng.

- Phải bó bột chị ạ?

- Ừ. Em có muốn vào xem bạn không?

- Thôi ạ, có mẹ cậu ấy đến rồi. Em cảm ơn chị. Em xin phép về trước.

- Không vào thật sao? Vừa rồi con bé còn hỏi chị em đâu rồi đấy.

- Chị nói với cậu ấy em có việc phải về trước, ngày mai em vào thăm cậu ấy nha chị.

Nhìn bóng lưng chàng thiếu niên rời đi dưới ánh tà dương với bộ dạng chật vật, người y tá trẻ bỗng nhiên muốn quay trở lại thời học sinh.

Vừa mưa xong nên mặt đường ẩm ướt, hơi đất bốc lên chui vào khoang mũi. Lá cây rơi xuống nằm úp đầy đường, ánh đèn nhiều màu trải dài. Các hàng quán vỉa hè tất bật sắp bàn ghế, căng ô, bày hàng. Quang cảnh dần trở nên nhộn nhịp.

Tâm trạng đã được thả lỏng nhưng trái tim vẫn nặng nề như cũ. Duy lang thang trên con phố. Điện thoại bỗng đổ chuông:

- Mày đang ở đâu đấy? Tao sang chở mày về.

- Nay em họ tử tế thế! - Cậu cười khẽ nhưng ánh mắt lại chẳng hề có ý cười.

Nhật Anh hừ một tiếng:

- Có người lo cho mày năn nỉ tao mãi nên tao mới rủ lòng thương, đừng tưởng bở. Đang ở đâu nói mau, tao sang.

- Cậu ấy thế nào rồi?

- Cậu ấy nào? Tự nhiên hỏi tao. Tao không biết. Muốn thì tự đến xem. Mày tuổi chó hay tuổi ngựa mà chạy nhanh thế? Mới đó đã mất hút. Sợ gặp mẹ vợ tương lai hay gì?

- Nhật Anh, mày hiểu tao mà. Tao không sợ bất cứ điều gì sẽ đến, tao chỉ sợ phải nhìn lại quá khứ lần nữa. Tao chịu không nổi, thật đấy!

Đầu dây bên kia thoáng im lặng một lúc rồi truyền đến giọng nói nghiêm trọng của Nhật Anh:

- Duy, mày đang đâu?

Xe dừng lại trước một quán tạp hóa nhỏ với cái bảng hiệu cũ kĩ. Nhật Anh rút chìa khóa, đi thẳng vào trong. Thấy có khách, ông chú chủ quán rời mắt khỏi bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc đang chiếu trên tivi, đánh tiếng:

- Mua gì đấy nhóc?

- Chú lấy cháu mười lon bia ạ.

- Lấy loại nào?

- Nào cũng được chú.

Nhật Anh xách túi nilon nặng trĩu bia đi ra tới cửa chợt khựng lại:

- Chú lấy cho cháu bao thuốc lá nữa ạ.

Bà Trân đang chiên cá thì nghe tiếng con trai thưa:

- Thưa mẹ con mới về. Hôm nay nhà mình có khách mẹ ơi.

Mùi cá chiên thơm phức bay từ phòng bếp ra tới phòng khách.

- Cháu chào cô Trân. - Duy lễ phép cúi đầu chào mẹ Nhật Anh.

Bà Trân đon đả:

- Ối dào! Lâu lắm rồi cháu trai cưng mới sang đây chơi với cô. Sắp quên mặt bà cô già này rồi phải không?

- Cháu đâu dám quên, tại dạo này cháu bận học nhiều.

- Chậc! Cháu học ít thôi, cháu thông minh sẵn cần gì phải học nhiều. Như thằng Bi nhà cô mới phải học nhiều này, mà chẳng bao giờ cô thấy nó học hành nghiêm chỉnh, suốt ngày lo mấy chuyện đâu đâu không.

Nhật Anh bất mãn nói:

- Con có học mà, chẳng qua lúc con học thì mẹ không thấy, đến lúc còn vừa chơi chút xíu mẹ lại xuất hiện đấy chứ.

Bà với lấy cái muôi múc canh gõ vào đầu con trai một cái rõ đau:

- Chỉ giỏi lý do lý trấu!

- Úi da! Đau, mẹ!

- Mở tủ lạnh lấy quả dưa hấu mẹ mới mua hồi trưa ra bổ cho anh ăn, nhanh lên!

- Sao lại bắt con bổ? Ai ăn người nấy bổ đi chứ. Với lại mẹ bảo mua cho con ăn mà, sao giờ lại cho nó.

- Mẹ thấy con muốn ăn đòn thay cơm rồi đấy. Giờ có vác thây đi bổ dưa cho anh hay không? Để mẹ chiên xong cá mà còn thấy con  lảng vảng ở đây thì chết với mẹ.

Cậu ta gào lên:

- Rốt cuộc con hay nó mới là con trai của mẹ vậy? Mẹ thiên vị vừa vừa phải phải thôi chứ. Con bỏ nhà đi bây giờ.

Bà Trân cười hố hố, tỏ vẻ chẳng thèm đếm xỉa, phẩy tay như các cô hàng lợn đuổi ruồi:

- Ông tướng đi tôi còn mừng thêm. Ở nhà chỉ giỏi ăn với phá, chẳng phụ giúp gì được cho mẹ. Suốt ngày ồn ào đau hết cả đầu!

Bà hất hàm bảo con trai:

- Ngăn trên cùng, ôm lên phòng khách mà bổ cho mát.

Nhật Anh không có quyền từ chối, vùng vằng ôm dưa xách dao đi.

Rồi bà quay sang cười dịu dàng với Duy bảo:

- Cháu đi lên phòng khách ngồi xem tivi một lát, đợi cô chiên nốt con cá rồi cô cháu mình ăn cơm tối.

Bà tặc lưỡi:

- Chậc, bố thằng Nhật Anh đi suốt, ngày nào cũng như ngày nào, chỉ có hai mẹ con lủi thủi ăn với nhau, chán chết! Mà có khi lễ lộc bố nó cũng chẳng về được. Nhiều khi nhìn quanh nhà cửa trống trải cô buồn lòng.

- Dạ thôi ạ, vậy cháu ngại lắm.

Duy ở lại bếp phụ lau sơ qua bàn ăn và sắp bát đũa. So với việc xem một tập phim hay chương trình nào đó vào lúc này thì cậu cảm thấy mình cần một cuộc trò chuyện với ai đó để khỏa lấp sự trống trải trong lòng hơn.

- Tầm một hai năm nữa là Nhật Anh nó lên thành phố học rồi. Nghĩ đến cảnh một thân một mình ở nhà cô lại nẫu hết ruột gan.

Duy mỉm cười:

- Vậy mà em nó đòi đi, cô lại bảo mừng thêm.

Bà Trân bật cười. Ẩn sau tiếng cười khanh khách ấy là bao nỗi âu sầu. Bà não nề thở dài thườn thượt:

- Cô mạnh miệng thế thôi chứ nó đi thật cô khóc nức mất. Cô chú lớn tuổi cả, vất vả thuốc thang bao bận, chạy ngược chạy xuôi, thầy này bà nọ, mãi miết lăn lộn mới có được mụn con. Cô thương nó còn không hết nữa là!

Cậu nói đùa:

- Vậy thì đừng cho Nhật Anh học đại học nữa cô, học xong lớp mười hai ở nhà bán đất với cô. Mấy đứa trên lớp hay đùa rằng giờ không học mốt cạp đất mà ăn, nhưng đất nhà Nhật Anh cạp ba đời không hết nên cứ yên tâm cô ạ.

- Ối dồi ôi! Ai đồn mà đúng thế không biết. - Bà tủm tỉm.

- Nhưng học hành là phải đến nơi đến chốn, Nhật Anh có đòi nghỉ cô cũng cầm chổi quét nó tới cổng trường đại học bằng được. Mình thân làm bố làm mẹ, con nó có thể không nghĩ nhưng mình phải nghĩ. Bố mẹ ai chẳng muốn cho con mình điều tốt đẹp nhất, đúng không cháu?

- Dạ.

Bỗng dưng muốn khóc. Duy cảm thấy hai mắt mình nóng lên, sống mũi cay xè như bị sặc ớt. Có cái gì đó nghèn nghẹn tắc lại trong cổ họng và siết chặt trái tim của cậu. Nó giống như một chất độc mạnh nhất, nguy hiểm nhất, đang từng bước ăn mòn, hủy hoại cơ quan hô hấp của cậu, khiến cậu gần như không thở nổi. Cậu khịt mũi, vội quay mặt đi để che giấu điều bất thường của bản thân.

- Mẹ ơi, con bổ giống bình thường mẹ hay bổ mà sao nó lạ quá. - Nhật Anh gọi vọng xuống.

- Ơi! Cái thằng này nhờ có việc cỏn con mà cũng không xong được nữa, sau này ra đời làm cái gì ăn không biết. - Bà Trân đáp lại bằng giọng ghét bỏ nhưng trong đôi mắt lại ánh lên niềm hạnh phúc, cưng chiều vô bờ bến.

Nhật Anh lăng xăng chạy xuống bếp với đĩa dưa hấu không ra hình dạng gì trên tay:

- Mẹ ơi ăn không?

- Không ăn, chiều mẹ ăn nhiều rồi.

- Một miếng thôi mà, dưa hấu đặc biệt do chính tay con trai siêu siêu siêu đẹp trai và tài giỏi của mẹ bổ đấy. Dưa hấu limited!

- “Lí mít tịt” với chả “lì mít tít” cái gì mẹ không biết, mẹ không ăn, con để anh ăn đi! À, không! Con ăn hết đi!

Cậu ta sướng run người, hô lên:

- Á! Cuối cùng mẹ cũng nhận ra đâu mới là con ruột của mình rồi sao? Con yêu mẹ nhiều!

Cậu ta còn ngẫu hứng cất giọng hát hai câu:

- Mẹ yêu ơi con yêu mẹ nhiều. Mẹ luôn là Phật sống của đời con.

Thế nhưng cậu ta lại bị chính mẹ yêu của mình dội thẳng cả Thái Bình Dương vào mặt:

- Con ơi, tỉnh lại đi con! Dưa bổ xấu còn chảy nước từa lưa thế kia thì con ăn hết giùm mẹ cho đỡ phí tiền, để mẹ bổ nửa quả còn lại cho Duy ăn.

Suýt nữa, Trần Nhật Anh đã đi bán muối vì bị sặc dưa hấu:

- Oái oái oái! Con nuốt hạt dưa hấu rồi, cây có mọc lên trong bụng con không ta?

Bà Trân thâm thúy trả lời:

- Đất tốt thì hạt mới nảy mầm con ạ.

Bà nhìn sang Duy nháy mắt, cất cao giọng hỏi:

- Đúng không cháu trai nhỉ?

Duy gượng cười, khàn giọng đáp:

- Chuẩn ạ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro