Phần I: 3.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Cậu ơi, mì nở hết rồi kìa."

Tôi bị lôi ra khỏi giấc ngủ chập chờn. Đôi mắt lờ đờ nhìn bà chủ rồi gật đầu cảm ơn. Bát mì nghi ngút khói, xộc lên mặt tôi thay cho cái giá lạnh từ nãy giờ hành hạ thể xác. Nhìn quanh một vòng chỉ còn tôi, bà chủ cùng mấy cái ghế con thôi. Tôi xì xụp lấp đầy cái bao tử. Cái ấm của mì đi cùng cái no, cái thỏa mãn của bụng được lấp đầy làm cho cảm lan từ bao tử ra tất các đầu ngón tay ngón chân. Bà chủ biết ý đã cho thêm hành, hẹ, giá cùng vài miếng ớt mỏng. Tôi vốn là người ít ăn cay, thành ra những mảnh ớt như xé toạt mũi và lưỡi tôi. Hít hà xuýt xoa, tôi ráng ăn nhanh. Khốn khổ thay là môi tôi lúc nãy chảy máu, da non chưa lên nên cảm giác bờ môi như có lửa. Tôi tỉnh hoàn toàn khỏi cơn buồn ngủ. Mồ hôi ròng ròng ướt lưng áo, chân nhịp nhịp để giúp cơ thể bình tĩnh trở lại. Hình ảnh xung quanh trở nên nhòe đi bởi nước mắt. Cay! Cay quá! Cay thấu trời xanh! Tôi nhìn xung quanh, thấy ấm trà con chưa dọn của những người khách khác bèn dùng nó súc miệng, lấy cái chát lấn át cái cay. Thở hắt ra, tôi thấy thoải mái trở lại. Gió dịu dàng quạt cho tôi. Quay về chỗ ngồi, tôi lại lấy bao thuốc ra. Điếu cuối của bao thuốc nhàu nát bởi những cái xiết tay từ tôi. Tôi cần điếu thuốc đặt ngang tầm mắt mà quan sát: Điếu thuốc tròn tròn, nhỏ nhỏ, dài cỡ ngón trỏ. Đầu lọc làm từ một loại xơ rẻ tiền nào đấy. Thân điếu thuốc, nơi chứ khoái cảm và tử thần là những mẩu lá thuốc li ti nhồi trong một hình ống đường kính nửa ngón út bao quanh bởi giấy gói trắng. Ngắt một cái, điếu thuốc gãy nhẹ nhàng. Tôi nhìn chăm chăm vào điếu thuốc, tự hỏi bản thân mình tập hút thuốc từ khi nào. Mười tám. Tại sao mình lại tập hút từ lúc đó? Những phần kí ức chậm chạp trồi lên trước mắt: À, việc đó.

Năm ấy tôi mười tám, là một học sinh bình thường với những hoài bão tuổi trẻ. Muốn và mơ nhiều thứ với trái tim ngây thơ. Tính ra cũng thuộc hàng nổi tiếng trong trường vì biết vẽ kí họa, mỗi dịp hội trại là tôi đứng ra lãnh trách nhiệm cho lớp nổi bật nhất trường. Sự tự tin căng tràn trong tôi. Tôi biết là tôi muốn vẽ. Tôi chắc chắc là vẽ nó nằm trong máu tôi, chỉ cần cầm cọ lên là nó tuôn ra không ngừng như suối trào. Bạn bè cổ vũ tôi đi thi Đại Học Mỹ Thuật dữ dội lắm, thậm chí có đứa còn bảo rằng nếu tôi mà không đi thi làm họa sĩ hay cái gì đó tương tự thì "chặt mẹ nó tay cho tao xài đi"! Tôi vui lắm. Trái tim lấp lánh những hi vọng. Dĩ nhiên tôi biết bản thân không bao giờ trở một họa sĩ nổi tiếng được, nhưng chí ít tôi có thể chọn được một việc gì đó phù hợp với bản thân mình, tận dụng được cái thụ cảm mĩ thuật của mình: thiết kề, quảng cáo, trang trí,... Nhất định phải vậy!

Có điều bố tôi phản đối gay gắt khi ông biết ý định của tôi. Ông bảo rằng làm nghề đó cho mấy đứa nhà giàu làm, rằng nghề đó lông bông lắm, không ổn định được đâu, làm sao mà có vợ. Tôi bướng lên, bảo rằng thời đại này khác rồi, rằng tôi có thể làm được vì tôi có khả năng, rằng đâu nhất thiết phải làm họa sĩ đâu, còn những nghề khác có thể tận dụng tài của tôi mà.

Để tôi vẽ lại căn phòng khách nhà tôi nơi diễn ra cuộc cãi vã: Trước hết đó là một căn phòng khách nhỏ, cũ kĩ, ám màu thời gian. Bốn bức tường nhiều phần bong tróc sơn ra. Một màu xanh ngọc bích già nua, không được đánh bóng phủ lên không gian một sự u sầu khó giải thích. Bộ bàn ghế gỗ con màu đen màu đen dùng để tiếp khách pha trà. Ngoài ra còn có thêm một cái tủ ti vi. Sàn lót gạch đầy vết két vết dơ. Trong phòng có ba người: Tôi, Bố và Mẹ. Bố ngồi đối diện tôi, vẻ mặt hầm hầm với mái tóc bạc trên gương mặt bè ngang của ông. Đôi mắt ông dấu sau cặp mắt kính nâu gọng vuông như thể muốn dấu tâm tư thật của mình. Gương mặt nhiều cạnh với xương gò má lồi hẳn lên. Mẹ tôi ngồi cạnh bên bị phủ trong cái bóng của bố, lờ mờ, đờ đẫn, bố bảo là vâng vâng dạ dạ. Cảm tưởng mẹ tôi là một phần của bố nối dài. Còn về phần tôi đang đứng, khoanh hai tay lại. Tôi nhìn thẳng vào mắt bố nhưng không thể nào đoán được ông có nhìn tôi hay không bởi vết lóa từ bóng đèn điện trên cặp mắt kiếng. Tất cả im lặng để cho nhịp thể đều đều mà nặng nhọc của cả ba người lan khắp căn phòng, làm đầy không gian. Tiếng quạt trần quay ở trên đầu chỉ làm bầu không khí thêm ngột ngạt. Đây là lúc chúng tôi đã to tiếng với nhau, lí do với nhau, kể công với nhau xong. Bây giờ ai cũng mệt mỏi với những tâm sự của riêng mình. Tôi đang suy tính rằng phải có cách nào đó để thuyết phục bố, rằng phải có bằng chứng nào đấy để chứng minh khả năng của mình! Tôi hít một hơi thật sâu rồi nói:

"Bố, con muốn cá với bố."

Ông nhướng một chân mày lên.

"Cho con một tuần để con vẽ bức tranh đẹp nhất của mình, con sẽ đưa cho bác Tuân để bác ấy chấm. Nếu bác ấy bảo con đạt thì con sẽ thi trường Mĩ Thuật.

"Còn nếu mày không đạt?"

"Tùy bố."

Ông trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu, rồi gần như toàn bộ sức lực ông dồn vào cơ cổ của mình để thực hiện cái gật đầu như thể bị ai đó ấn xuống. Chỉ chờ có thể, tôi bắn về phòng khép chặt cửa lại mà hoàn thành tác phẩm của cuộc đời mình. Hi vọng, mơ ước, niềm tin, tất cả những thứ tươi đẹp nhất tôi đều dồn nén vào từng nét cọ, tản ra thành từng mảng màu, thể hiện qua bố cục. Suốt tuần lễ điên rồ ấy, tôi không rõ làm thế nào mà tôi có thể thức đến tận một hai giờ sáng nhưng hôm sau vẫn bảy giờ có mặt ở trường không buồn ngủ dù mắt thâm quần thấy rõ, hay việc vẫn hoàn thành đầy đủ bài tập và dự những buổi học thêm nhưng vẫn có thể thức khuya và đặt hết tâm trí vào trong kho báu của tôi. Phải đẹp hơn, sắc sảo hơn nữa. Tôi biết bác Tuân từ nhiều năm nay, chính bác là người tặng tôi bộ dụng cụ vẽ đầu tiên năm tôi tám tuổi. Lại thêm một lí do nữa để dốc sức: Bác Tuân là người mở cửa cho tôi vào con đường mĩ thuật, vậy còn gì tuyệt hơn là để bác xem xét rằng tôi đủ tố chất để đi hết con đường không. Ngày đi học thì cắm đầu vào màu sắc, vào khối hình vài ba tiếng thôi, còn ngày nghỉ thì nhiều hơn - có khi sau khi ăn cơm trưa xong tôi vẽ đến tận khi mẹ bảo ăn cơm chiều, xong xuôi tôi lại vẽ tiếp đến khuya. Cảm tưởng máu của bản thân đang hòa vào màu đỏ, mủ của mình đang hóa thành màu vàng, răng và móng tay móng chân đang chảy vào trong màu trắng, tóc đang biến thành màu đen. Càng gần đến hạn chót, tôi càng vẽ hăng hơn.

Rồi thì cái gì đến cũng đến.

Quán cà phê hai bố con tôi hẹn gặp bác Tuân là một quán cà phê nhỏ và cũng đầy bụi thời gian như căn phòng khách nhà tôi, nhưng có cái ấm cúng kì lạ. Tôi đoán là nhờ hương cà phê cùng khói thuốc lá. Bức tranh màu nước của tôi khá to, khổ tám mươi nhân sáu mươi được gấp gọn bâng trong cái ống chứa tranh dài dài màu đen. Quãng đường từ nhà ra quán chỉ năm phút, nhưng không hiểu vì sao chân tôi run hết cả ra, ngập ngừng bước sau cái tấm lưng to bè bởi ăn nhậu của bố. Ông lừng thững đi đằng trước, nặng nề lết từng bước chân trong cái áo ba lỗ cũ mèn cháo lòng, cái quần lửng đã dùng tám năm cùng đôi dép tổ ong, vừa đi ông vừa rít thuốc. Lúc ấy tôi chưa hút, thành ra mùi thuốc làm tôi khó chịu vô cùng, khói như thể vón thành cục mà chặn đường thở của tôi vậy. Có điều tôi không dám vượt lên ông mà đi, đành chịu trận. Ông đi trước tôi đi sau, ông rít tôi ho. Một cảnh kì lạ như thể ông chủ dẫn vật cưng đi dạo mà xích là những làn khói mỏng manh nhưng không thể đứt. Con đường cứ như kéo ra mãi không dứt, nhưng ngộ làm sao khi mà chúng tôi đến nơi, tôi nhìn lại đồng hồ thì thấy khoảng thời gian di chuyển lúc nãy chỉ lâu hơn thông thường hai phút. Bác Tuân đã đợi sẵn từ lúc nào. Bác hôm nay nhìn nghiêm túc hơn thường lệ - dù bình thường bác trông nghiêm khắc với gương mặt từng trải. Bác thích mặc cái áo khoác gió xanh rêu, từ lần đầu gặp tôi ngày tấm bé tôi đã thấy cái áo ấy, cùng cái mũ bê rê bằng da đã sờn. Đôi mắt bác già dặn, hay nhìn xa xa, cảm giác như thấu được nỗi lòng người đối diện và mang lại cảm giác an tâm cho họ. Tôi cũng không ngoại lệ. Bác và bố ngồi, tôi thì đứng. Cánh tay run rẩy làm tôi mất mấy lần thử mới vặn được nắp ống đựng tranh. Nhắm chặt mắt, hít một hơi thật sâu, tôi mở tờ giấy cuộc tròn ra đầy chậm rãi như thể đang cho bố và bác Tuấn xem bức tranh đẹp nhất thế giới. Mà đúng thế thật! Trong con mắt ngây thơ mười tám tuổi ấy, tôi là tất cả. Ai tôi thân quen đều khen tôi vẽ đẹp cơ mà! Cớ sao mình phải ngại? Đó là khả năng của mình, mình cho cả thế giới xem thì đã sao? Bác Tuân lặng thinh ngắm bức tranh. Được một chút bác chép miệng rồi châm điếu thuốc xong gác nó trên gạt tàn chứ không rít một hơi nào. Sau đó bác bắt chéo chân, chống cằm và nghiêng đầu qua một bên. Về phần bố thì thật ra đây là lần đầu ông thấy bức tranh, có điều ông vẫn không cảm xúc, vệt nắng sớm hữu ý làm sao lại quét qua kính ông làm tôi không rõ ông đang quan sát tôi hay là bức tranh. Còn tôi thì chỉ biết đứng im như pho tượng, gồng cứng những cơ bắp nhằm cho bức tranh không rung rinh dù trái tim đang hùng hục như một cái máy bơm, máu chạy rần rật dưới da. Lo lắng, hồi hộp, sợ hãi, tin tưởng, hi vọng,... Tất cả cảm xúc ấy diễn ra, hội tụ và kết tủa trong tôi trong một phút, một phút thôi nhưng phút đó dài như một cuộc đời. Đến khi tôi cảm giác phải ngồi xuống để bình tĩnh thì bác Tuân rít hơi thuốc dài nhất tôi từng thấy, rồi trong khi hơi khói bao phủ gương mặt, bác nói với giọng êm như ru:

"Ta không nghĩ cháu đủ khả năng thi thố vào Đại Học Mĩ Thuật hay Kiến Trúc."

Giống như xác con ve, dù tôi vẫn đứng đó, cười gượng nhưng bên trong tôi đã chết. Bác Tuân bằng một câu nói mỏng tựa làn khói đã kết liễu một cái gì đấy gì đó rất thiêng liêng trong tôi. Tới giờ, tôi vẫn không rõ cái gì trong tôi đã biến mất nhờ ơn bác, hay vốn dĩ từ cái thứ ấy vốn không có trong tôi? Có điều tôi không muốn biết sự thật: Tôi xé nát bức tranh tại chỗ rồi quẳng thẳng xuống đất trước sự chứng kiến của bác và bố. Bố vẫn cứ lầm lầm lì lì không nói gì, còn bác thì hờ hững nhìn tôi, rồi liếc xuống bức tranh bằng con mắt đang nấp sau sự hư ảo của màn khói. Tôi chạy về nhà với hai nước mắt, rồi cứ mang cái khuôn mặt tèm nhem ấy mà lên phòng hất ngang cái khung vẽ, trút hết toàn bộ những thứ dùng đề vẽ ra sàn nhà. Tôi không nhớ chính xác mình đã làm gì khi đó, nhưng tôi tốn gần một buổi trời để dọn dẹp căn phòng. Tôi quá suy sụp và quyết định nổi loạn. Bố hút, bác hút, để trở nên trơ lì và vô cảm như những người ấy, để biến trái tim non nớt yêu đời trưởng thành và chai sạn đi thì điều hợp logic nhất chính là tập hút thuốc. Và đến năm nhất đại học trường bố chọn, tôi đã hút nửa bao một ngày.

Đó là chuyện quá khứ. Chuyện của hiện tại là tôi đang nằm trên võng mân mê điếu thuốc nhăn nheo bị gãy đôi và đang ngập ngụa trong mớ cảm xúc và kí ức khó khăn lắm mới khơi lại được. Tôi đu đưa võng, nằm thẩn thơ một chút rồi búng điếu thuốc vô dụng và xấu xí kia qua một bên rồi mua một bao thuốc mới. Ra xe, lại châm thêm một điếu. Điếu thuốc rực lên lẻ loi trong bóng đêm lúc ba giờ sáng. Khi đã tỉnh táo hoàn toàn, tôi lên xe rồi lao vào màn đêm tiếp tục cuộc hành trình của mình. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro