Phần I: 4.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lần đầu tôi đi Dala là khi tôi học lớp tám. Một người bạn thân thiết với gia đình tổ chức đám cưới và mời cả nhà đi, tiện tham quan Dala một chuyến. Ngày ấy tôi chẳng quan tâm cảnh trí làm gì cả, chỉ lo nghĩ về được đi chơi và đi xa. Quả thật Dala là nơi xa nhất trên đất nước này tôi từng đặt chân đến. Cuộc đời bó hẹp của tôi đã đi được Miền Tây - Tigi, Miền Đông - Tam giác Sagon, Dona và Barivuta, và Nam Trung Bộ - Bithu. Đất nước mình lớn nhưng tôi không đủ sức và chí để đi. Tôi bó mình lại, như trước giờ bó mình trong căn nhà nhỏ, bó trên đường đi đến lớp học chính và lớp học thêm, bó trong con đường đời được vạch sẵn với vô số thứ đã từng rất quan trọng bị vứt xó hai bên. Do đó chuyến đi Dala như một làn gió tươi mới thổi vào cuộc đời tầm thường của tôi. Những hình ảnh cây cối um tùm trải dài hút mắt một màu xanh thẫm đầm thắm trìu mến, hình ảnh cung đường lượn vòng uốn lượn đầy ghê rợn với một thằng nhóc lái xe đạp hay bị tai nạn, và cái sương mù ẩn hiện của đường phố Dala hằn sâu tâm trí của tôi lớp tám. Ba ngày đám cưới ấy, thứ đọng lại nhiều nhất không phải là sự vui vẻ của mọi người, cái tráng lệ của nhà hàng hay sự hào nhoáng của buổi tiệc mà là cái nét xuân thì quyến rũ và bí ẩn đến khó hiểu của nàng. Nàng mờ ảo ẩn hiện sau làn sương, vén váy đi từng bước để lộ đôi chân yêu kiều. Gương mặt nàng nổi bật bởi cặp môi đỏ màu hoa hồng, đậm đặc như rượu vang Bordeaux mà căng tràn sức sống. Đôi mắt nàng đen láy và mơ màng như những cánh rừng thông ngủ được hàng trăm năm trên mảnh đất Dala. Từ ấy tôi đã say đắm Dala, say cuồng, say đến điên loạn. Có điều nó không bao giờ có dịp lộ ra suốt thời phổ thông bởi việc học hành và những thứ xảy ra hằng ngày. Cứ vùi dần tình cảm của tôi cho Dala xuống sâu mãi đến năm hai đại học, cái tuổi hai mươi phơi phới yêu đời ấy, tôi mới dám bứt mình ra mà đi Dala một chuyến với lũ bạn.

Quả thật trên con đường đơn cô, ánh đèn đường làm bạn còn ánh trăng sao nhảy múa vui vẻ trên đầu, con người dễ chìm vào việc suy nghĩ về những ngày xưa cũ. Hiện tại tôi lái xe xuyên qua một thị trấn. Nhà cửa vẫn còn ngủ say: Sự im lặng bị tiếng xe máy của tôi quấy động cùng những tiếng chó sủa văng vẳng. Gió vẫn lùa và sương vẫn ùa nhưng năng lượng từ bát mì lót dạ đã giúp tôi trụ vững so lúc đầu. Tiếng động cơ nghe rát giữa đêm. Nói gì thì nói chiếc xe Sirius đen này vốn từng là sở hữu của bố tôi, và được tặng lại cho tôi khi tôi lên đại học, nó đã gắn bó với tôi bảy năm. Một con chó có tuổi thọ trung bình là bảy năm, và trong bảy năm ấy bạn có bao nhiêu kỉ niệm với con vật cưng của bạn thì cũng có bấy nhiêu với chiếc xe của tôi: Bị tai nạn vài lần, hỏng lóc máy phải "đại phẫu" một lần, bao lần thủng ruột hết xăng lê lết hàng cây số dưới cái nắng trưa Sago,... Gắn bó.

Tôi quý nó vậy đó nhưng mẹ tôi cứ bảo rằng: "Bố con nói rằng con nên đổi xe." kể từ hồi tôi đi làm. Bà nói: "Con lớn rồi, công ty nhiều người, nhiều quý nhân, nhiều đàn bà. Xe con đẹp thể hiện con có tiền, có tiềm lực. Người ta sẽ nể con vài phần." Bà nói mà tôi có cảm tưởng bố tôi viết sẵn, nhét vào trong đầu bà để bà đọc lại cho tôi nghe bằng cái giọng hẫng và nhừa nhựa như chất dẻo ấy. Dĩ nhiên tôi cương quyết không đổi. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ vui hơn nếu đi xe mới vì chiếc xe này là một thứ đã gắn bó với tôi qua bốn năm đại học, nó đã theo đi khắp Dala trong lần gặp gỡ thứ hai. Với việc đã phải bỏ lại quá nhiều thứ để mà đi trên con đường bố muốn, dường như đây là thứ duy nhất tôi giữ được cho mình và chắc chắn sẽ không để mất nó. Dù cho mỗi lần về nhà mẹ tôi lại tua lại những đoạn thoại mà bố đã nhồi vào sẵn có độ dài càng ngày càng tăng thì tôi nhất quyết phải giữ cái xe này đến cùng cho đến khi nào không sửa được nữa thì thôi. Đó là quyết tâm, là hiệu lệnh, là để giữ lại một cái gì đó của mình và cho mình. Đã quá đủ cho cái cuộc đời này rồi. Tôi lên ga, tăng tốc lên năm mươi cây số, rồi sáu mươi, rồi bảy mươi giữa đường phố thị khuya vắng. Răng nghiến chặt dưới lớp khẩu trang, mắt căng ra bị chà xát bởi gió. Những hình ảnh xung quanh hòa quyện rồi tạo thành một mớ hổ lốn nhà cửa, cây cối trôi tuột qua đôi mắt. Tất cả như tan đi rồi hòa quyện lại một cách siêu thực rồi lại vỡ ra thành những hình khối như tranh Picasso. Tám mươi. Càng sớm tới Dala thì tôi càng sớm được giải thoát, không còn gì níu giữ, không còn gì kiềm hãm. Tôi sẽ bán cái điện thoại, cầm chứng minh rồi kiếm một công việc tay chân nào đó. Tôi sẽ làm lụng. Có thể sẽ cực khổ, sẽ mệt mỏi. Sẽ không còn những sáng cà phê rề rà một cách tao nhã nhằm giết thời gian, sẽ không còn những trưa ăn cơm văn phòng tẻ nhạt, sẽ không còn những tối nhạt nhẽo chơi game vô hồn hay ăn nhậu vô độ. Sẽ chào tạm biệt căn nhà ngột ngạt ám thuốc lá đầy u uất ấy và không phải dẫn tấm thân mỏi mệt về gặp nó mỗi tháng một lần. Rồi tôi sẽ vẽ lại, đầu tiên là bút chì 2B, rồi tô màu sáp, rồi màu nước, rồi dành hàng tiếng để ngắm nhìn Hồ Xuân Hương, dạo quanh rừng thông cuối tuần, mỗi sáng sẽ chạy bộ. Ôi lòng ta sẽ hát ca lại lần nữa, rồi nó sẽ ngắm nhìn cuộc đời này lần nữa. Rồi nó sẽ Cháy lên lần nữa như năm ấy ta mười tám. Ta đến đây hỡi Đà

Vụt qua trước mắt tôi là một ánh đèn đỏ! Dừng. Hoăc chết. Tôi siết hết cỡ thắng tay, đạp cật lực thắng chân. Lốc máy muốn banh ra, lốp bốc khói. Tôi ngoặc tay rồi thả người. Xe trượt vào lề vài mét. Tôi thì lăn trên đường vài vòng. Tim đập như trống trận. Tôi ngẩn người lên thì thấy chiếc xe cắt đầu kia đang lảo đảo chạy. À, say. Lúc bốn giờ sáng. Thở hồng hộc, tôi cảm thấy người rực như đang xông hơi. Tôi lết về phía chiếc Sirius, dựng nó lên rồ máy kiểm tra. May phước nó vẫn nổ máy bình thường! Tôi ngồi lên yên, cảm thấy mông hơi nhức. Chắc là có trầy sơ sơ hay bầm dập chỗ nào đấy nhưng thật may là không có va chạm. Cứu thương lúc nửa đêm về sáng tại cái vùng hiu quạnh này? Thà đâm cho tôi chết nhanh còn hơn. Đỡ đau đớn. Đỡ kéo dài. Tôi lấy thuốc ra hút để lấy lại bình tĩnh. Được nửa điếu thì dập. Cảm thấy đã tỉnh tảo, tôi tự trách mình tại sao lại quá bất cẩn như vậy. Việc đi Dala đã là vượt rào rồi vì đáng lẽ ra cuối tuần này tôi phải về. Thân cô trên đường trường lấy ai coi sóc, rồi nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao? Vừa rồi là nhờ may mắn không thì có lẽ tôi đã được đưa về nhà bằng xe tang. Thở mạnh như để trút nỗi bực dọc, tôi khởi động xe để tiếp tục lên đường. Gió lạnh pha sương lại nổi lên giúp tôi dịu lại. Và được tầm vài trăm thước, chiếc xe bắt đầu kêu "Xạch! Xạch!". Lúc đầu tôi không để ý lắm vì gió lấp đầy lỗ tai. Nhưng khi tiếng gió giảm dần cường độ tỉ lệ thuận với sự giảm tốc độ của xe, tôi nhận ra rằng xe hết xăng.

Chép miệng thở dài, tôi ngẩn mặt lên thì thấy bầu trời sao đã biến mất tự lúc nào.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro