Tâm sự của quá khứ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuộc sống vốn dĩ chẳng bao giờ đẹp ngay cả khi bạn còn nhỏ hay là trưởng thành. Đôi khi bạn dừng lại tự hỏi bản thân rằng đi đường nào mới là đúng? Cũng giống như việc bạn đi trên đường vậy, có hướng rẽ trái và rẽ phải, nếu chỉ cần bạn rẽ một hướng khác thì ắt hẳn rất lâu sau bạn mới về nhà được. 

Ngày còn bé, với một trí tưởng tượng đơn giản là khi lớn lên se trở thành bác sĩ, công an, kỹ sư... Những giấc mơ đó đẹp đúng chứ? Rất đẹp. Nhưng khi bạn lớn hơn, một sự nhận thức vô hình rằng bản thân mình có thể làm được những ngành nghề được mặc định là tốt đó không? Ắt hẳn một vài bạn là không. Tôi cũng vậy. Những năm cấp 1, tôi thường ước mơ được làm bác sĩ, đừng vội cười, tôi biết mình học không giỏi, không hề có tố chất làm bác sĩ nhưng có một điều khiến tôi mơ ước đó chính là lưng và chân đau của mẹ. Tôi chỉ ước mơ đơn giản là làm bác sĩ tôi sẽ chữa bệnh cho mẹ mà không cần mất quá nhiều tiền. Nhưng đến những năm cấp 2 thực sự là khủng hoảng khi kết quả học tập của tôi rất tệ, ở đây tôi dùng từ "rất tệ" bởi vì tôi đánh mất giấc mơ làm bác sĩ của mình. Mẹ tôi cũng chẳng hy vọng gì lắm nên tôi đã từ bỏ ước mơ làm bác sĩ của mình. Những năm cấp 3, kết quả học của tôi chẳng hề có dấu hiệu khả quan, tất cả cũng chỉ tại môn Toán khó nhằn đó, tôi suýt không được tốt nghiệp cấp 3 cũng vì nó. Đúng vậy, tôi chưa từng học giỏi kể cả đến hiện tại, môn Toán cũng làm tôi lao đao 3 lần học lại. 

Tôi vốn là con bé hay nghĩ ngợi, đã vậy hay suy nghĩ tiêu cực. Tôi kể cho các bạn nghe việc ngày trước tôi đi học như thế nào nhé! Quay lại khoảng thời gian 16 năm trước nhé, à không 17 năm trước, ngày tôi còn học mẫu giáo, giáo viên luôn đánh giá tôi là một đứa rụt rè, nhút nhát, không hòa đồng với bạn bè, chậm ăn, lười ngủ, hầu như tôi chẳng được bông hoa sen nào cho phần đánh giá tháng cả. Khi bắt đầu lên lớp 1, tôi không nhớ rõ lúc đó mình đã làm những gì cơ mà mẹ tôi vẫn hay nhắc lại rằng :"Ngày xưa học lớp Lá cô hay chê ỏng chê eo là tiếp thu chậm, không hòa đồng, khi lên lớp 1 thì cô giáo lại khen là hay xung phong giơ tay phát biểu". Nghĩa là ngày đó tôi là một đứa tiếp thu chậm, thực sự tôi không tập trung vào các con số, nói trắng ra là chỉ cần nói con số thôi thì tôi đã cảm thấy buồn ngủ rồi, sự thật đó! Vậy mà ngày đó không hiểu có một phép nhiệm màu nào giúp tôi có đủ tự tin để trả lời những câu hỏi của cô giáo đến cả bố mẹ tôi còn không hề tin vào điều đó cho rằng tôi đang nói dối. Bố tôi lên tận lớp hỏi cô về việc tôi giơ tay phát biểu thì cô xác nhận rằng tôi nói đúng. Điều mà tôi muốn nói ở đây là khi bạn bị mọi người phàn nàn, chê trách quá nhiều, tự bản năng của bạn sẽ tìm đủ mọi cách để chứng minh nhưng có một điều quan trọng đó chính là bạn có muốn làm điều này hay không. 

Sang đến những năm cấp 2, tôi cũng vân giơ tay phát biểu nhưng có vẻ là không khả thi lắm khi năm lớp 6 và lớp 7 tôi bị cô lập, còn chuyện cô lập như thế nào tôi se kể kỹ hơn vào những bức thư sau. Sự tự tin giảm dần cho đến khi năm lớp 8, môn Toán khiến tôi trở thành một đứa ngu ngốc, điểm kiểm tra lẹt  đẹt, lần nào phát bài kiểm tra tôi chỉ muốn ai đó ăn trộm bài kiểm tra hoặc nó cháy rụi hết đi vì thế nào cũng gọi tên tôi đứng lên để phê bình tôi. Thực sự cái cảm giác này đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được. Tôi đã từng bị trầm cảm suốt những năm lớp 8 lớp 9, ngay cả gia đình họ càng không hiểu tôi, cho rằng tôi lười học, cho rằng tôi ham chơi, nhưng tôi...không thể học Toán được. Mọi gánh nặng được trút hết khi tôi đậu vào lớp 10 với điểm số chênh khá lớn so với điểm chuẩn và được học 1 trong 5 lớp đầu của trường. Kết quả học tập vẫn tệ nhưng khi được học với những người bạn cùng với khả năng tiếp thu như mình thì mọi chuyện rất dễ dàng, không ai phân biệt ai học giỏi hay ai học tệ, không phân biệt bạn giàu hay nghèo miễn chơi được với nhau. Khoảng thời gian cấp 3 tựa như nơi tôi tìm ra bản thân, ít nhất còn cảm thấy rằng bản thân mình có sự hiện diện trong lớp.

Đến những năm học đại học, tôi cũng đã có một khoảng thời gian vất vả để có thể tìm và chơi được với một nhóm bạn. Tôi là người không thể chủ động bắt chuyện hay làm quen với ai, càng không thể mở miệng để trò chuyện, đây là nhược điểm mà tôi cho rằng mình cần phải sửa nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn chưa làm được, nhưng chỉ cần bạn tin rằng bạn có thể thì nhất định có thể cơ mà cũng phải rất khó khăn để đấu tranh với cái tôi lớn như thế này. Từ cấp 2 cho đến bây giờ, tôi vẫn không hề có mục tiêu dù rằng tôi sắp ra trường, phải đi kiếm một công việc. Tính tôi cái nữa là không thích những điều mình không thích hay nói thẳng ra là khi làm điều mình không thích thì tôi có xu hướng làm chống đối hoặc không đặt cái tâm của mình vào nó. Khi bạn tôi giới thiệu cho tôi một công việc thì tôi lại không hề nhiệt tình một chút nào, tôi cũng cảm ơn nó vì đã nhớ tới tôi nhưng tôi chỉ sợ làm ảnh hưởng tới nó vì cái sự không nhiệt tình của mình. Đúng vậy, tôi cần phải sửa ngay cái tính này nhưng có một điều rằng: "Hãy làm những công việc mình thích thì bạn sẽ thích nó cả một ngày, bạn sẽ đặt cái tâm vào công việc một cách dễ dàng hơn". Tính tôi không thích gò bó, càng không hẳn thích tự do bay nhảy, tính tôi nguyên tắc nhưng không thích nó quá nguyên tắc kỷ luật. Một cái tính dị hợm chắc chẳng ai có thể chiều được cái tính này. Tất nhiên, khi bạn sống ở môi trường nào thì bản năng các bạn sẽ tự thích nghi ở môi trường đó, lúc đầu có thể ngại ngùng, sợ sệt, nhưng khi đã quen biết mọi người thì việc bạn bung xõa thì chỉ còn là vấn đề về thời gian. Có những thứ bạn cần thay đổi, ai cũng vậy cả. Chỉ là mình sẽ thay đổi như thế nào nhưng vẫn phải giữ bản chất con người mình. Sống ở xã hội này, việc giả tạo là không hề thiếu, ý tôi không hề nói giả tạo là xấu, nó cũng không hẳn là tốt cơ mà khi mà các bạn biết dung hòa, với người như thế nào thì nên thành thật còn với người như thế nào thì phải giả tạo. "Dĩ hòa vi quý" không phải làm hòa cho xong chuyện mà trong đó ngụ ý tốt nhất không nên gây chuyện để rồi làm hòa. Ví dụ một chị đồng nghiệp ở công ty bạn hay nói xấu bạn với mọi người chẳng hạn, thay vì chạy theo mọi người giải thích thì bạn hãy dùng hành động chứng minh rằng mình không phải là người như vậy. Hoặc giúp đỡ mọi người những việc mà bạn cảm thấy có thể làm. Nhưng phải biết nói "Không", việc nói không cũng rất quan trọng trong cuộc sống, bạn phải phân định rõ rằng những điều nên nói có và những điều nên nói không. Nghe thì dễ thôi cơ mà làm được hay không thực sự khó. Cuộc sống đôi khi vận động không hề theo ý mình. Bức thư là nơi chất chứa nỗi niềm, những suy nghi mà tôi viết ra, coi như đây là cuốn nhật ký của mình vậy, mình sẽ gom góp những câu chuyện mình gặp phải trong cuộc sống. 

Hẹn gặp lại. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#ký#nhat