Các tội phạm trật tự quản lý kinh tế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của các tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thông qua hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý nền kinh tế.

 Đặc điểm của các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế:

 Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là các tội diễn ra trong lĩnh vực kinh tế hoặc có liên quan đến kinh tế.

- Đặc điểm của tội phạm và người phạm tội:

Theo thống kê của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế dù chỉ chiếm từ 12%- 15% trong tổng số tội phạm xảy ra trên toàn quốc nhưng thiệt hại về kinh tế chiếm đa số trong tổng số thiệt hại về tài chính do tội phạm gây ra.

+ Đa số các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế khi phát hiện đã diễn ra một thời gian khá dài, tỷ lệ tội phạm ẩn thường rất cao, dễ lẫn lộn với các vi phạm hành chính, vi phạm dân sự.

+ Đối với các tội buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, trốn thuế…người phạm tội thường có quan hệ với những người có trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý kinh tế, quản lý các giá trị vật chất; hoạch định chính sách kinh tế, xã hội nhằm “nuôi dưỡng” sự tồn tại và phát triển của loại tội phạm này. Vì vậy trong thực tế, bên cạnh và đồng thời sau các vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, kinh doanh trái phép, trốn thuế đều có tham nhũng (hối lộ, cố ý làm trái ,….) và ngược lại.

+ Người phạm tội, nhất là người có chức vụ, quyền hạn thường lợi dụng các yếu tố nghiệp vụ quản lý kinh tế, tài chính mà bản thân người đó là những nhà chuyên môn để lợi dụng và cũng chính là điều kiện để tội phạm thực hiện hành vi phạm tội.

- Đặc điểm về tuyến, địa bàn, ngành hàng: Thực tế cho thấy tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nhất là các nhóm tội buôn

lậu, buôn bán hàng cấm, buôn bán hàng giả thường hoạt động theo các tuyến, địa bàn và tập trung vào các ngành hàng nhất định. Đối tượng hoạt động phạm tội trên tuyến thường dựa vào các tuyến chính sau đây:

+ Lợi dụng các tuyến giao thông (đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không, đường bộ), bưu điện và tuyến đường ống (xăng dầu)… để hoạt động.

+ Lợi dụng cung, cầu hợp pháp và bất hợp pháp để chuyển hàng cấm, hàng giả. Tuỳ theo tính chất và phạm vi hoạt động của từng loại đối tượng đấu tranh mà ta xác định và phân loại tuyến trọng điểm khác nhau: có những tuyến hoạt động xuyên quốc gia như qua đường biên giới, qua cảng biển, cảng hàng không, bưu điện quốc tế vào nội địa và ngược lại hoặc cũng có những tuyến chỉ nằm trong phạm vi nội địa từ địa phương này sang địa phương khác.

+ Địa bàn: Các tội phạm này phải có phạm vi về địa bàn nhất định, thường xảy ra trên các địa bàn có các hoạt động kinh tế. Địa bàn có thể là một khu vực địa lý hoặc không phụ thuộc về mặt hành chính, cũng có thể rất trừu tượng không có ranh giới về địa lý (các cơ quan của các Bộ, ngành,…). Địa bàn trọng điểm về kinh tế là một khu vực tập trung nhiềuhàng hoá, các giá trị vật chất của nhà nước, của tập thể và của tư nhân hoặc là nơi thuận lợi tạo “nguồn hàng”, “vận chuyển tập kết hàng” cũng là nơi bọn tội phạm tập trung hoạt động. Địa bàn cũng là một phạm vi về không gian của các tổ chức quản lý, kinh doanh như các ngành ngân hàng, tài chính, thuế, quản lý thị trường, công ty tài chính, chứng khoán.

+ Ngành hàng: Dưới góc độ kinh tế, ngành hàng là tập hợp từ những luồng hàng và những mạch hàng cùng chủng loại, cùng tính chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các tác nhân nhất định. Thực tế cho thấy, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế tác động tới nhiều loại hàng hoá khác nhau vì vậy cần có các biện pháp cụ thể, phù hợp trong cuộc đấu tranh phòng chống đối với từng loại hàng hoá cụ thể.

  Dấu hiệu pháp lý chung của tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế:

 -  Khách thể của tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xâm phạm đến các quan hệ xã hội bảo đảm cho sự ổn định và phát triển nền kinh tế quốc dân. Đó là chế độ quản lý, điều hành toàn bộ nền kinh tế của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích của nhà nước, của các tổ chức kinh tế, quyền và lợi ích, tính mạng, sức khoẻ của người tiêu dùng,… được thể chế hoá trong những quy định pháp luật của nhà nước.

- Mặt khách quan của tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Mặt khách quan của các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được thể hiện ở các hành vi cố ý vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế ở các mức độ khác nhau với mục đích vụ lợi. Hành vi phạm tội được thực hiện có thể là hành động hoặc không hành động và  đã gây ra hoặc  đe doạ gây ra thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân hoặc cho từng ngành, lĩnh vực nhất định. Hậu quả có thể ở những mức độ rất khác nhau (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) như: làm rối loạn thị trường, mất cân đối cung cầu, làm  ảnh hưởng xấu  đến nền sản xuất hàng hoá trên  đất nước; thậm chí có những tội phạm còn làm cho người tiêu dùng thiệt hại không những cả về vật chất, sức khoẻ mà có khi còn nguy hiểm đến tính mạng…. Đối với một số tội, hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

- Chủ thể của tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Chủ thể của các tội phạm này có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Trong một số tội, chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong các cơ quan, tổ chức kinh tế (chủ thể đặc biệt).

- Mặt chủ quan của tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi thực hiện hành vi, người phạm tội đều ý thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhưng vẫn cố ý thực hiện tội phạm và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc với ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Mục đích và động cơ phạm tội chủ yếu là vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro