Chương 18

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Dì Ngọc đang quét sân. Cái chổi chà trong tay dì cứ xoèn xoẹt đưa đi đưa lại trên nền đất. Dì Ngọc đã lấy theo một số vật đồ đạc của Nhà nghỉ Thiên Nhiên, trong đó có cái chổi chà quét sân này. May là ngôi nhà của dì nằm ở cuối làng, chớ nằm ở giữa làng chắc ngày nào cũng có người tới ngó cái chổi chà.

Một đứa con gái khoảng mười hai tuổi thập thò phía sau hàng rào nhà dì Ngọc. Đứng ngó riết cũng chưa thấy đã, con nhỏ chõ miệng vô hỏi;

- Thím Hai ơi, thím Hai đang quét sân bằng cái gì dzậy?

Dì Ngọc ngưng tay, quay lại nhìn nó. Dì giơ tay ngoắc ngoắc nó:

- Lại đây. Ngó cho đã đi.

Hình như con nhỏ không biết sợ người lạ, nó lại liền. Nó rờ rờ cái chổi chà:

- Cái này là cái gì dzậy thím Hai?

Dì Ngọc trả lời nó:

- Cái chổi đó. Có hai loại chổi. Loại quét sân trong nhà là chổi bông cỏ. Loại quét ngoài sân là chổi chà.

Con nhỏ chỉ vào cái chổi trên tay dì Ngọc:

- Đây là cái chổi chà hả? Mừ tại sao gọi nó là chổi chà? Nó đâu có chà xuống đất đâu? Thím hai lấy nó ở đâu ra dzậy?

Dì Ngọc đành nói trớ:

- Bà con của tao mua giùm tao. Họ ở trên thành phố lớn lắm. Ở thành phố người ta quét nhà, quét sân bằng loại chổi này.

Con nhỏ tỏ vẻ hiểu:

- Thì ra dzậy. Chắc bà con của thím Hai là người Tây.

Nói xong con nhỏ bỏ chạy đi mất tiêu. Dì Ngọc dựa cán chổi vào đùi, nhìn theo bóng dáng nó. Lạ thiệt. Tây thì Tây chứ làm gì sợ dữ vậy? Theo sách vở, Tây nó chỉ ăn bơ sữa ăn pho mát, chớ đâu có ăn thịt người. Đúng là loài người "nguyên thủy". Thấy cái gì cũng sợ, nhưng chẳng biết gì hết ráo.

Có tiếng cười đùa văng vẳng từ xa. Tiếng quen lắm. À, mấy đứa cháu nhỏ tới thăm dì Ngọc của tụi nhỏ đây.

Dì Ngọc xăng xái đi tới hàng rào trồng bông "sớm nở tối tàn" để đón Phan, Châu, Sông Hương và Thùy. Giống bông "sớm nở tối tàn" này ở thành phố không hề có. Màu bông hồng tươi. Hình dáng lại giống bông rau muống. Nụ lớn nụ nhỏ chi chít giăng khắp hàng rào. Sáng là nở bung ra hết một loạt rất đẹp. Chiều tối là cụp xuống rồi tàn luôn. Đời hoa chỉ đúng có một ngày. Dì Ngọc đã hỏi ông chồng xem cây bông này tên bông gì, mà ổng không biết. Thế là cùng dì tự đặt cho nó tên bông "sớm nở tối tàn".

Thùy nói to:

- Biết ngay là dì Ngọc đang mong tụi cháu mà! Tụi cháu có mang theo cách những thứ mà dì căn dặn đây.

Dì Ngọc xởi lởi:

- Vô trong nhà đi. Ở ngoài này nắng lắm. Thằng Châu đâu? Sao nó không qua đây chơi?

Thùy trả lời:

- Tụi cháu chia ca trực điện thoại mà. Mỗi đứa trực hai tiếng. Đang ca trực của ảnh nên ảnh phải ở nhà.

Dì Ngọc mở toang hết mấy cánh cửa sổ cho ánh nắng vàng rọi sáng khắp nhà. Không khí cụ trong căn phòng khách khá mát mẻ. Nhưng hình như đèn dầu ăn hột vịt treo trên các bức vách hơi bị nhiều. Sông Hương thắc mắc:

- Răng dì Ngọc sắm nhiều đèn dầu ăn rứa? Thắp đèn nhiều hao dầu lắm.

Dì Ngọc phủi phủi mấy cuốn sách để trên bàn:

- Trời, hổng thắp nhiều đèn dầu ăn hả, tao sợ ma thấy tía! Buổi tối nào gió thổi nhiều, mấy ngọn đèn dầu chập chờn lung linh làm tao tưởng mình đang ở trong nhà ăn xác. Tao muốn bỏ chạy về bển. Nhưng ổng dỗ dành cho tao hết biết. Ổng có tư tưởng lầm phóng khoáng chất như Tây vậy. Ổng hổng tin có ma. Đâu? Mấy đứa mang cái gì cho tao đâu?

Thùy đặt một bao xốp thức ăn ảnh xuống bàn:

- Mẹ con nói ở nhà dì Ngọc không có ăn tủ lạnh giá, nên mẹ con soạn ít thôi. Một khoang giăm- bông, một khoanh chả lụa, hai cây xúc xích lại Vissan và một lon bia. Mẹ con nói dì Ngọc cứ ăn xả láng trong một buổi thôi, đừng để dành qua hôm sau hết ngon. Rồi cần gì đó thêm thì dì Ngọc cứ điện thoại.

Thùy toét miệng cười sau khi lỡ miệng nói ra hai chữ "điện thoại".

Dì Ngọc mở bao xốp ra coi, miệng hít hà:

- Ăn ba cái đồ "fast-food" này riết mà ghiền hồi nào hổng hay. Bây giờ mới nghỉ ăn có vài ngày đã thấy thèm hết biết.

Thùy hỏi:

- Mấy hôm nay, trong bữa cơm dì Ngọc có nấu thịt không?

Dì Ngọc rổn rảng trả lời:

- Tiền đâu mà đi chợ mua thịt ăn? Ở đâu họ không xài tiền như mình. Họ xài tiền xu, tiền cắc gì đó. Thua luôn. Tao mới hỏi xin ông chồng tao một ít tiền cắc, ổng nói phụ nữ không cần giữ tiền làm gì. A, một quan niệm sai lầm. Nhưng tao không chấp người "nguyên thủy" đâu.

Phan quay sang nhìn Sông Hương:

- Ngày mai bạn mang một miếng khô rái cá qua cho dì Ngọc giùm mình. Mình không có mười sáu xu để trả cho bạn, nhưng mình sẽ trả bạn bằng cái khác.

Thùy trêu chọc:

- Anh Phan, anh định trả cái khác là cái gì vậy? Bật mí cho em biết được không?

Phan ấp úng:

- Thì... anh sẽ trả lại cho Sông Hương ...ơ... đường hay sữa gì đó.

Sông Hương đỏ bừng mặt lên:

- Tui không lấy đường, không lấy sữa mô. Mỗi ngày tui sẽ mang "khô rái cá" tới cho dì Ngọc. Nhưng tui không muốn bạn trả tiền.

Dì Ngọc phẩy tay:

- Xời ơi là xời, chỉ mười sáu xu một miếng thịt, vậy mà tao cũng không có nổi mười sáu xu! Thiệt là chán! Nè, tụi bây muốn làm gì thì làm đi. Để tao ăn mớ đồ nguội này cho sướng miệng cái đã! Nhịn thêm một phút nữa cũng không được.

Nói là làm, dì Ngọc kéo ghế ngồi phịch xuống, thò tay vào bao xốp lấy ra khoanh giăm-bông, khỏi cần xắt to xắt nhỏ làm gì cho mắc công, cứ để y khoanh vậy mà dì chấm muối tiêu, rồi há miệng cắn một cái thật to. Nhồm nhoàm. Nhồm nhoàm. Tiếp theo dì Ngọc lôi lon bia ra, mở nắp "bựt" và ngửa mặt lên trời tu một hơi. Ực. Khà... Sao hôm nay cái lon bia Tiger nó ngon lạ ngon lùng!

Ba bạn trẻ kéo nhau đi ra ngoài sân để dì Ngọc được tự nhiên hơn. Họ đi lang thang trong mảnh vườn nhỏ được chăm sóc chu đáo. Thùy hỏi:

- Chị Sông Hương có biết gì về ông chồng của dì Ngọc không? Ổng có hay tới quán chạp phô nhà chị để mua đồ không? Ổng sống khá giả không?

Sông Hương bứt một chiếc lá nơi tầm tay của cô:

- Tui quen hết mọi người sống trong cái làng ni. Ai ra răng ra răng, tui biết hết. Ông chồng dì Ngọc là một người chăm chỉ. Sáng mô cũng dậy sớm quét tước từ trong nhà ra ngoài sân. Đi làm xong là về thẳng nhà. Ông làn trong khu chế biến cao su, tiền lương nhiều hơn phu đồn điền cao su, tiền lương nhiều hơn phu đồn điền cao su đó nờ. Nhưng tính ông hơi tằn tiện. Không dám ăn uống chi hết. Người ta nói...

Thấy Sông Hương im bặt, Thùy sốt ruột hỏi:

- Người ta nói sao, chị Sông Hương?

Sông Hương lúng túng bứt thêm một cái lá nữa:

- Mấy người họ tới mua hàng hay bán hàng, thường hay tụm lại nói chuyện lung tung. Tui nghe câu được câu mất. Nhưng đại khái là... ông có vợ ở ngoài quê rồi. Làm lụng được bao nhiêu tiền lương, ông gởi về quê hết cho cha mẹ ông và cho vợ ông. Rứa đó. Tui không biết có nên tin vào những lời ngồi lê đôi mách hay không.

Thùy nhìn Phan. Cậu nhún vai. Thùy nói:

- Lời đồn đại có thể quá sự thật. Nhưng thường, không có lửa lấy đâu có khói. Thì chắc là có như vậy, người ta mới bàn tán. Em đọc trong những truyện ngắn viết vào những năm đầu thế kỷ XX, người chồng đi làm, lãnh lương được bao nhiêu giao hết cho vợ. Vì người vợ là "tay hòm chìa khóa" trong nhà. Hoặc như trong thơ Tú Xương, ông nhường những toan tính tiền bạc lại cho bà vợ "quanh năm buôn bán ở mom sông". Nếu ông ta từ chối, không đưa tiền cho dì Ngọc giữ, hẳn là ông ta có một lý do riêng nào đó.

Phan lên tiếng:

- Có thể. Nhưng anh đề nghị chúng ta đừng nói cho dì Ngọc biết. Cứ để dì vô tư hưởng những điều mà dì thích thú. Có thể điều này không kéo dài lâu đâu.

Sông Hương gật đầu:

- Tui cũng nghĩ rứa. Dì Ngọc không phù hợp với cuộc sống kham khổ ni. Nếu dì không khéo những người chung quanh sẽ biết ngay dì không phải là người của thời họ. Dì Ngọc là người của tương lai. Lúc nớ sẽ có nhiều điều phiền phức xảy ra. Họ sẽ đòi đi qua chiếc gương thời gian để sống trong thời tương lai. Thầy me tui sẽ bực bội. Thầy me tui sẽ bắt tui dời chiếc gương thời gian đi. Và chúng ta sẽ không còn gặp nhau nữa.

Phan hơi bị bất ngờ trước lập luận của Sông Hương. Cậu kêu lên:

- Sông Hương, bạn nói đúng lắm. Bạn phân tích rất hay. Bạn thấy trước điều mà mình chưa nhìn thấy.

Sông Hương mỉm cười e thẹn:

- Có lẽ tui bị ảnh hưởng bởi trí thông minh của các bạn.

Thùy cố ý hỉnh hỉnh lỗ mũi:

- Chà! Anh khen chị. Chị khen anh. Chúng ta khen nhau. Nè, nói nghe nè, nhất trí là tụi mình không nói với dì Ngọc bất cứ chuyện gì, hén? Cứ để mặc dì ấy sống ở đây, tới khi nào dì ấy chán thì thôi, hén?

Phan nói:

- Nhất trí. Anh sẽ thông tin cho cậu Châu sau.

Còn Sông Hương chì gật đầu.

Dì Ngọc thò đầu ra khỏi một khung cửa sổ, vẫy vẫy tay ngoắc Phan, Thùy và Sông Hương tới gần. Ba bạn trẻ thong thả tiến lại. Dì Ngọc nói to:

- Ngon lắm. Nhưng sau khi ăn uống xong xuôi, tao mới thấy một vấn đề nảy sinh. Mấy cái bao xốp dơ và cái lon bia này không thể quăng thùng rác được. Ông chồng tao sẽ hỏi xem nó là cái gì, mấy công tao phải giải thích lôi thôi. Đổ bể ra hết. Vậy hai đứa nè. Lát nữa tụi mày về bển thì rinh luôn đống của nợ này cho tao. Cần phải dọn dẹp sạch sẽ bãi chiến trường trước khi ổng đi làm về.

Phan và Thùy "dạ,dạ'' rồi cùng Sông Hương đi vô trong nhà dọn dẹp cái bàn đọc sách của ông chồng dì Ngọc.

Dì ngồi dựa lưng trên cái ghế mây, mắt lim dim, tay vỗ bụng:

- Hay lắm. Tuyệt vời lắm. Chiếc gương thời gian của tụi mày đã tặng tao một điều kỳ diệu. Khi khổng khi không tách có được một người chồng tuyệt vời và một cuộc sống tuyệt vời. Vậy mà có lần tao định rinh chiếc gương đi bán đó chớ.

Sông Hương kinh hãi nhìn Phan và Thùy. Cả hai gật đầu nhè nhẹ xác nhận chuyện đó. Dì Ngọc vẫn vô tư nói tiếp:

- Nhưng tao đã lầm. Tao rất thích thời quá khứ này. Chỉ còn một điều khó chịu là vấn đề ăn uống hơi thiếu thốn. Vậy tụi mày gắng mang đồ "tiếp viện" cho tao thường xuyên nghen. Bây giờ tao phải vô bếp nấu cơm cho ông chồng của tao cái đã. Hôm nay cho ổng ăn gì đây? Ổng ăn uống tằn tiện lắm. Tao chẳng hiểu tiền lương của ổng dùng để làm chuyện gì.

Dì Ngọc đứng lên, vừa đi vào trong bếp vừa núc ních cái vòng số ba quá cỡ của dì. Sông Hương cầm bao xốp đựng rác trong tay. Phan và Thùy chào to dì Ngọc một tiêng rồi ba bạn trẻ thong thả rời khỏi nhà.

Sông Hương chỉ cái bóng của họ đang in xuống mặt đường, nói với Thùy:

- Nắng xiên như ri là tới giờ chị Mừng lo cơm nước cho thầy me rồi. Hồi sáng ni chị Mừng đi chợ mua một ký cá tươi lắm. Mấy con cá nhỏ xí, chớ không khổng lồ như con cá bơn mô. Tui nghe me tui dặn chị Mừng làm món cá kho tiêu....

Phan im lặng ngắm nhìn khuôn mặt nghiêng nghiêng của Sông Hương. Rồi cậu nhìn xuống cái đồng hồ điện tử hiệu Casio của mình. Tội nghiệp. Muốn biết giờ, Sông Hương phải nhìn bóng nắng. Lỡ hôm nào trời mưa, trời không có nắng thì sao? Sông Hương sẽ nhìn cái gì để canh giờ?

Phan sẽ đề nghị Châu và Thùy mua đóng góp chút ít tiền với cậu, và ba anh em sẽ mua tặng cho Sông Hương một cái đồng hồ điện tử dành cho nữ. Có cái đồng hồ, hy vọng cuộc sống của Sông Hương sẽ vui hơn, nhiều ý nghĩa hơn.

Những phát minh mới của khoa học kỹ thuật là dùng để phục vụ cho con người. Tuy Sông Hương không phải là con người của thế kỷ XXI, nhưng cô cũng là một con người, và cô xứng đáng hưởng thụ những phát minh tiên tiến đó, như Phan, như Châu, như Thùy... vậy.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro