Chương 19

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  Tối hôm trước, trong lúc mọi người coi ti vi trong phòng khách chung, Châu lên gác xép một mình. Cậu đứng tầng ngần trước tấm gương, không quyết định được là mình nên bước qua thẳng bên đó, hay nên đứng đây chờ Sông Hương. Cuối cùng cậu lùi lại một bước, kiên quyết chờ cho tới khi Sông Hương chuẩn bị đi ngủ. Mà Sông Hương có thói quen chải tóc thật suông rồi mới lên nằm trên giường.

Vài phút sau, mặt gương chiếu rõ hình ảnh Sông Hương đang tiến tới gần chiếc gương. Cô hơi giật mình khi nhìn thấy khuôn mặt Châu trong đó. Nhưng cô mừng rỡ thiệt sự và cất tiếng hỏi một tràng:

- A, Châu! Bạn làm tui thất kinh! Có chuyện chi rứa? Răng bạn không bước qua đây? Phan và Thùy đâu?

Châu ngượng nghịu trả lời:

- Phan và Thùy đang coi tivi. Mình chỉ muốn hỏi Sông Hương một câu thôi.

Sông Hương mỉm cười:

- Câu hỏi chi mà quan trọng rứa? Chuyện thanh kiếm Bảo Long hay chuyện con rái cá? Hay là chuyện con cá bơn ở Châu Mỹ?

Châu lắc đầu:

- Không phải.Sáng mai mình vô trường mới để nộp hồ sơ. Mình muốn hỏi Sông Hương có muốn đi tham quan trường mới với mình không?

Sông Hương reo lên:

- Muốn chớ. Tui muốn chộ một ngôi trường của thời các bạn lắm. Mấy giờ đi hỉ? Có Phan và Thùy đi chung không?

Châu trả lời:

- Thùy sẽ đi chung với tụi mình, còn Phan phải ở nhà trực điện thoại.

Khuôn mặt Sông Hương hơi nhuốm vẻ thất vọng:

- Rứa à? Thôi cũng được. Mấy giờ tụi mình đi?

Châu dặn dò:

- Bảy giờ sáng. Nhưng nếu Sông Hương không canh được ánh nắng mặt trời thì mình sẽ nhờ Thùy qua bên đó gọi Sông Hương.

Sông Hương bĩu môi:

- Ui trời, tui mà không canh được ánh mặt trời! Bạn coi khinh tui ghê hỉ. Nhưng bạn cứ nhớ nhờ Thùy qua bên ni gọi tui nghe. Tui quên cách mặc quần tây nớ ra răng rồi.
Châu cố nín cười:

- Ừ, vậy thì sáng mai Thùy sẽ qua. Tạm biệt nghe. Chúc Sông Hương ngủ ngon.

Sông Hương đã quen với cách chào mới mẻ này, cô cũng chúc lại:

- Chúc Châu ngủ ngon. Và Phan, và Thùy nữa.

Đó là chuyện của tối hôm trước. Còn bây giờ, nơi sân trước, Phan và Châu đang lau sạch hai chiếc xe đạp trong lúc Thùy chui qua bên kia chiếc gương tìm Sông Hương. Châu chà bóng cái sườn xe màu đen tuyền của cậu, nói:

- Cái xe này là tiền nhuận bút sau một loạt hình chụp về các loài chim sâu của mình. Theo thống kê chưa chính xác thì có khoảng bảy mươi loài chim sâu thường thấy ở rừng Việt Nam. Mình chỉ mới quan sát và chụp được một chục loài.

Phan đang lo o bế chiếc xe đạp màu trắng sữa của Thùy. Cậu nói:

- Mình học tập được cách kiếm tiền của cậu rồi đó. Khi trở về thành phố, mình sẽ nhờ mẹ tìm giúp vài công việc lặt vặt phù hợp với khả năng. Mình muốn đỡ đần mẹ mình tiền học phí. Lên cấp ba, tiền học phí chiếm một khoảng khá lớn trong ngân sách của mẹ mình. Một người anh họ của mình đang học lớp mười hai, nói rằng cha mẹ ảnh phải chi cho cả tiền trường công lẫn trường luyện thi, mỗi tháng là sáu trăm ngàn đồng. Tốn thiệt.

Châu gợi ý:

- Cậu có thể chụp hình gởi báo như mình?

Phan cười:

- Chụp bầy chim sẻ đậu trên dây điện, hay chụp lũ chó chạy rông trong hẻm?

Châu nhét miếng giẻ lau vào dưới yên xe, gãi đầu:

- Ờ há, thành phố làm gì có cảnh thiên nhiên cho người ta quan sát. Bởi vậy, những tấm hình thú vật hoang dã của mình vẫn còn có giá lắm.

Thấy Thùy và Sông Hương từ trong nhà bước ra sân trước, Phan và Châu đứng lên. Hôm nay, giữa bốn bạn trẻ, Châu nổi bật hơn giữa áo sơ mi trắng lốp bỏ trong quần tây xanh. Cái khuy đồng của sợi dây nịt bằng da có chữ C.K lấp lánh trước bụng cậu ta. Sông Hương trầm trồ:

- Châu nì, hôm nay bạn giống hệt một thằng Tây con. Bạn mặc đồ đẹp lắm. Học trò thời bạn đều phải ăn mặc đẹp như rứa à?

Châu hơi đỏ mặt, cậu ta ấp úng:

- Đây chỉ là đồng phục học sinh thôi. Áo sơ mi trắng quần tây xanh là điều bắt buộc mà. Mình không biết nó có đẹp hay không nữa.

Giọng Sông Hương chắc như đinh đóng cột:

- Đẹp lắm. Trong đời tui, tui thấy bộ đồng phục học sinh của bạn là đẹp nhứt.

Phan và Thùy cười nắc nẻ. Châu ngượng nghịu cười theo. Chợt nhớ tới giờ tập trung tại trường, Thùy hối:

- Thôi, bảy giờ rồi. Lên đường đi kẻo trễ. Anh Châu đi một mình nghe. Em chở chị Sông Hương. Chị leo lên yên sau ngồi đi.

Sông Hương ngạc nhiên, chỉ vào chiếc xe đạp:

- Tụi mình đi bằng cái vật ni hả? Nó chỉ có hai bánh xe nhỏ xíu xiu, răng mà chạy cho được?

Phan giải thích:

- Nó được gọi là chiếc xe đạp. Xe đạp chỉ có hai bánh thôi, nhưng người ta ngồi lên yên xe chạy ngon ơ hà. Lát nữa Sông Hương sẽ thấy. Thùy từng đoạt chức vô địch về giải "Đi Xe Đạp Không Té" đó.

Thùy liếc Phan một cái sắc bén, môi cong lên:

- Xí! Anh Phan này! Tự ái dồn cục nghen!

Sông Hương lúng túng ngồi lên chiếc yên xe sau của Thùy. Phan chỉ Sông Hương cách đặt chân lên đồ gác chân ở hai bên trục xe. Rồi Phan còn chỉ Sông Hương cách ôm vào eo Thùy để khỏi té vì mất thăng bằng.

Vài phút sau, hai chiếc xe đạp từ từ lăn bánh rời khỏi Nhà nghỉ Thiên Nhiên. Phan đứng nhìn theo một lát mới quay vào trong, bắt đầu ca trực của mình.

Từ cổng nhà ra tới đường lộ cái (khoảng ba trăm mét) Sông Hương im re không nói một tiếng nào. Thùy hơi ngoái đầu ra sau, hỏi:

- Chị Sông Hương, sau ngồi im thin thít vậy?

Giọng Sông Hương run rẩy trả lời:

- Tui run quá. Tui không quen sống trong thời của các bạn.

Thùy nói to để trấn an:

- Đừng sợ. Có em mà. Luôn luôn có em bên cạnh chị mà.

Ra tới đường lộ cái, Châu và Thùy rẽ phải rồi bắt đầu tăng tốc, trực chỉ trường cấp ba Tân Bình cách đó mười lăm cây số. Hai bàn tay Sông Hương bấu vào bụng Thùy đau điếng. Thùy vừa đau, vừa tức cười, cô hỏi:

- Cái gì vậy chị Sông Hương? Mấy ngón tay chị bấu vô bụng em đau quá!

Sông Hương hơi nới tay ra, nhưng giọng nói của cô đứt quãng vì thở dốc thật tội nghiệp:

- Ui chu cha! Có mấy cái vật chi khổng lồ mà chạy nhanh quá! Gió thổi ù ù làm tui điếc tai và chóng mặt! Tui sợ cái vật nớ cán tui dẹp lép! Tui không muốn đi nữa mô! Tui muốn ở nhà! Tui cảm thấy ngộp thở quá!

Thùy quay sang Châu, nói to để át tiếng một chiếc xe đò:

- Anh Châu, anh đi lên trường trước đi. Em chở chị Sông Hương chầm chậm theo sau. Chị ấy không quen tốc độ nhanh. Em sẽ chờ anh tại cổng.

Châu gật đầu. Vẫn guồng chân với tốc độ ba mươi cây số một giờ và cậu lao tới trước. Thùy ngừng đạp xe. Chiếc xe chạy chậm dần và bây giờ tốc độ của Thùy chỉ còn khoảng mười lăm cây số một giờ. Thùy ngoái đầu ra sau hỏi:

- Em đạp xe chậm như vầy, chị còn thấy sợ không?

Hai bàn tay Sông Hương nới lỏng hơn:

- Chị bớt sợ rồi. Gió bớt thổi vô tai chị rồi. Nhưng ngồi như ri dễ té quá.

Thùy mỉm cười:

- Tại chị chưa quen. Chị biết không, nhiều đứa con nít mới ba, bốn tuổi đã được mẹ nó chở bằng xe đạp rồi. Tụi nó ngồi vịn yên xe rất vững.

Sông Hương cũng mỉm cười:

- Chị thấy đi xe bò là an toàn nhất.

Thùy gật đầu:

- Đúng rồi. Nhưng xe bò chạy chậm rì. Bữa nào chị đi chợ Bình Dương với tụi em nghen? Ba em chở tụi mình bằng xe Jeep. Xe có tới bốn bánh lận, chạy trên đường nhanh vun vút, nhưng mà an toàn lắm.

Chợt, giọng Sông Hương vỡ ra thành một nỗi ngạc nhiên:

- Ô, lạ chưa tề, thời của em vẫn còn trồng cây cao su à? Chu cha, cao su nhiều quá, còn nhiều hơn cả thời chị nữa! Chị tưởng sau một trăm năm, cây chết hết rồi chớ!

Thùy lái xe một tay, còn tay kia giơ ra chỉ hai bên đường:

- Cây cao su thời chị thấm gì so với cây cao su thời em! Phải gọi là rừng mới đúng ý nghĩa của nó. Những rừng cao su bạt ngàn. Tất cả là của công ty cao su Phước Hòa đó. Cuộc sống của công nhân cao su thời nay sướng gấp trăm lần cuộc sống phu đồn điền thời đó.
Sông Hương thắc mắc:

- Rứa thì răng dì Ngọc không lấy chồng là công nhân cao su thời ni, mà phải trở về một trăm năm trước để lấy chồng là phu đồn điền cao su?

Thùy chép miệng:

- Chuyện tình yêu khó nói lắm chị Sông Hương ơi! Chị không nhớ dì Ngọc đã kể gì sao? Ông ta đã nằm mơ thấy dì Ngọc. Ông ta đã biết dì Ngọc là thiên thần của ông ta từ trong giấc mơ. Người ta gọi đó là duyên số.

Sông Hương triết lý theo kiểu xưa:

- Ông Tơ bà Nguyệt đã cột chưn họ lại rồi. Me tui thường hay nói như rứa.

Chẳng mấy chốc, Thùy nhìn thấy trường cấp ba Tân Bình to lớn nằm ngay ngã ba. Hai cánh cổng trường mở toang. Trong sân trường, học sinh đi tới đi lui nườm nượp. Áo trắng quần xanh của nam sinh xen lẫn tà áo dài trắng của nữ sinh rập rờn tung bay trước ngọn gió ban mai, như những cánh bướm lượn lờ.

Sông Hương suýt xoa:

- Đẹp quá! Cảnh đẹp nhứt trong đời chị. Học sinh thời nay ăn mặc đẹp quá. Ước chi một trăm năm sau me chị mới sinh ra chị. Để chị được đi học bằng xe đạp, được mặc áo dài trắng.

Thùy cảm động, cô hứa:

- Bữa nào chị rảnh nhiều thời gian hơn, qua bên em đi. Em sẽ tập cho chị chạy xe đạp. Dễ lắm. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ là chị biết chạy xe đạp ngay.

Sông Hương chơm chớp mắt:

- Chút nữa tập luôn được không, Thùy? Chị xin phép me chị rồi, me chị nói phải về trước giờ cơm trưa. Từ bây chừ mà tới lúc ăn cơm trưa, thì còn lâu lắm.

Thùy toét miệng cười:

- O.K. Được thôi.

Từ trong sân trường, Châu chạy ra cổng tìm Sông Hương và Thùy. Cậu nhìn đồng hồ, nói:

- Bây giờ mới tám giờ. Phải ba mươi phút nữa mình mới xong. Sông Hương và Thùy chờ mình thêm nửa tiếng nữa, được không?

Thùy cũng giơ tay lên coi đồng hồ :

- Còn sớm mà. Không sao đâu. Em sẽ chở chị Sông Hương đi uống sữa đậu nành. Nếu anh có ra sớm hơn thì ghé quán uống nước có bụi tre nghen!

Châu gật đầu, tất tả đi vào trong.

Thùy vỗ vỗ vào yên xe sau, nói với Sông Hương:

- Lên xe đi chị Sông Hương. Tụi mình tới quán nước uống sữa đậu nành, hoặc ăn kem, hoặc ăn bánh Flăn. Tùy ý chị.

Năm phút sau, Thùy và Sông Hương ngồi trong cái quán nhỏ có bụi tre um tùm phía trước. Tiếng nhạc hòa tấu vang lên nhè nhẹ. Sông Hương mơ màng lắng nghe tiếng đàn dương cầm réo rắc của Richard Clederman. Tiếng đàn gõ vào tâm hồn mười lăm tuổi của cô những âm thanh lạ lẫm. Nhưng cũng rất dịu dàng.

Sông Hương thầm nghĩ. Ô, kỳ cục ghê chưa hè. Khung cảnh chỗ ni có khác chi khung cảnh ở nhà mình mô? Nắng rứa đó. Gió rứa đó. Chim hót rứa đó. Nhưng tâm hồn mình đã thấy khác. Hình như mình không còn là mình nữa. Một điều chi kỳ diệu lắm đã len lỏi trong lòng mình. Một điều chi kỳ diệu đánh thức mọi xúc cảm tuổi mười lăm của mình. Mình không biết tên của điều kỳ diệu nớ. Mình sẽ hỏi Phan.

Tự nhiên Sông Hương nghĩ tới Phan. Chàng trai lạ xuất hiện đầu tiên trong đời mình. Qua một chiếc gương thần. Nhưng Phan không còn lạ với mình mô. Bây giờ mình gặp Phan hầu như mỗi ngày. Mình nghe giọng nói của Phan hầu như mỗi ngày. Gặp hoài thành ra ... thân. Nên khi không gặp thì cũng... nhớ. Mình cũng không hiểu vì răng.

Mỗi khi kể chuyện thầy mình và me mình cưới nhau vì tình yêu chớ không phải vì bị tảo hôn, me mình thường ngâm câu: "Chim quyên ăn trái nhãn lồng. Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương ". Mình không biết sau này Phan với mình ra sao ... Liệu mình có được phép nhớ thương một chàng trai trẻ hơn mình tới... một trăm tuổi không?

Nãy giờ Thùy im lặng quan sát Sông Hương. Cô thấy nét mặt Sông Hương hơi mơ màng và hình như đang chìm vào trong một suy tưởng nào đó. Cô cầm muỗng khuấy tan đường trong ly sữa trước mặt. Tiếng đá chạm vào nhau nghe lanh canh, đánh thức Sông Hương thoát khỏi những ý nghĩ của mình. Thùy mỉm cười, nhìn vào mắt Sông Hương, hỏi:

- Chị đang nghĩ gì vậy?

Sông Hương có vẻ lẽn bẽn. Cô không muốn nói thật những điều vừa suy nghĩ cho Thùy nghe. Dị(*) chết. Nhưng cô cũng không muốn nói dối. Vậy cô sẽ nói về một sự thật khác. Sông Hương nhìn đáp lại ánh mắt của Thùy:

- Chị đang nghĩ, cũng giống như dì Ngọc đã nói hôm tê, chiếc gương thời gian đã cho chị những điều kỳ diệu vô cùng. Những điều nớ, cho dù chị có sống hết một cuộc đời e rằng cũng không biết được. Chị đang bị choáng váng, bị ngộp thở trước nó.

(*) Kỳ cục

Thùy đặt bàn tay cô lên bàn tay Sông Hương, bóp nhè nhẹ. Cô hiểu được tâm tình mới mẻ đang xáo trộn trong lòng Sông Hương. Khung cảnh mới mẻ. Cuộc sống mới mẻ. Và tình cảm mới mẻ. Tất cả thật là kỳ diệu. Nó đã làm thay đổi không chỉ một bà dì Ngọc mập bự của cô, mà còn một cô nàng Sông Hương bé nhỏ nữa...

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro