Chương 23

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bốn bạn trẻ đi dọc bờ suối, không một người nào ngoảnh đầu nhìn lại căn lều gỗ của ông Hãi Hùng. Thoạt đầu họ im lặng để thở cho đã, hoặc để sắp xếp những suy nghĩ của riêng mình sau trận đụng độ kinh khủng vừa qua. Phan và Châu thay nhau đá những hòn sỏi nhỏ xuống suối. Thùy chắp tay sau lưng, đủng đỉnh như đang đi tản bộ. Bên cạnh cô là Sông Hương, lặng lẽ nhìn xuống đất với vẻ mặt trầm ngâm. Hàng lông mày cong cong của cô hơi nhíu lại.

Phan nhớ lại cảnh vừa rồi, cậu nghĩ mình chưa bao giờ nói năng rất hùng hồn như vậy. Chỉ tiếc rằng phần tiếp theo mình nhát như thỏ để. Nếu cậu Châu đừng hét lên câu: "Chạy đi bà con ơi!". Thì mình sẽ không rút lui nhanh chóng như một kẻ hèn nhát. Mình sẽ xuống tấn và áp dụng các đường quyền của Karate, của Teakwondo... để trấn áp đối phương. Mình sẽ áp dụng những cú đá liên tiếp của Hồng Gia Quyền. Chắc chắn kẻ đồ tể không thể chịu nổi các chiêu thức đó. Thôi để lần sau ... Biết có lần sau nào không?

Trong khi Phan đang miên man với những cú đánh tưởng tượng thì Châu lại mơ màng và "méo mó nghề nghiệp" khi nghĩ tới bài báo độc nhất vô nhị của mình. Chàng phóng viên một mình thâm nhập vào nơi giết mổ lậu gia súc. Một mình đối mặt với kẻ sống ngoài vùng pháp luật. Giá mình mang theo chiếc máy chụp hình - vật bất ly thân của người viết báo - mình sẽ làm một phóng sự ảnh với khoảng hai mươi tấm hình, phô bày sự thật về chân dung ông Hãi Hùng, kẻ đồ tể có máu lạnh, kẻ tàn sát loài rái cá, đẩy chúng vào con đường diệt vong! Biết đâu... biết đâu sẽ có một tấm ảnh đoạt giải Pulitzer's hàng năm của Mỹ?

Thùy chẳng nghĩ gì cả. Cô quay mặt nhìn dòng suối đang cười ha ha dưới ánh nắng mặt trời, với những luồng nước xoáy cuộn hùng vĩ. Cô say sưa ngắm bầy rái cá ngụp lặn trong nước. Một con đầy râu ria trồi cái đầu ướt mẹp lên, ghếch mõm vào cái đuôi mập bóng của con khác gần đó. Một con lười biếng thả mình theo dòng nước, thỉnh thoảng quẫy quẫy cái đuôi và dạt ngang vào trong bờ đá. Ba bốn con nằm phơi nắng ở phía bên kia, những thân mình tròn mấy cứ núng na núng nính, thấy phát ghét. Một trăm năm sau, làm sao con người nhìn thấy được khung cảnh này?

Sông Hương là người thực tế nhất trong bốn bạn trẻ. Cô vẫn còn kinh hoàng về điều mình đã chứng kiến tận mắt. Cô không ngờ rằng, để có dăm bảy bộ da rái cá phơi khô, chú Hãi Hùng đã giết lũ rái cá thật tàn bạo. Những cái chày gỗ nặng trịch nằm lăn lóc trên sàn dùng để làm gì nếu không phải để đập đầu chúng? Những con dao mũi nhọn dùng để làm gì? Con dao phay to lớn bén ngót dùng để làm gì, có phải để róc xương chúng không? Sông Hương rùng mình. Cô thốt lên thành tiếng:

- Có lẽ tụi mình phải trở lại một lần nữa để ăn cắp hết mớ dao của ông ta.

Phan liếc nhìn cô gái:

- Bạn tình nguyện dẫn đầu nhé? Chỉ cần mình nhớ lại cảnh ổng vung con dao lên trước mặt cậu Châu, là mình hết muốn gặp lại ổng.

Châu cũng thú nhận:

- Lúc đó mình hoảng quá. Mình cứ tưởng ổng cho mình ăn một nhát dao phay rồi chớ. Té ra ổng chỉ hù dọa để tụi mình sợ mà thôi. Cảnh này chỉ có trong phim kinh dị rợn tóc gáy của Hitch Cock.

Thùy nheo nheo mắt nhìn, rồi chỉ về phía một tảng đá lớn cách xa bờ khoảng chục thước:

- Cái gì kia? Hình như nó đang ngọ nguậy?

Bốn bạn trẻ tò mò tới gần. A, một con rái cá nhỏ xíu!  Mắt nó nhắm tít vì chói nắng, thỉnh thoảng nó lết lết nhưng không phải hướng ra dòng suối mà hướng vào đất liền. Thùy quỳ xuống bên cạnh nó, vuốt ve lớp da bị khô nước của nó:

- Chắc nó lạc mẹ, và nó chưa biết rành phương hướng. Thay vì bò ra thì nó lại bò vô bờ. Nắng làm khô da nó hết trơn rồi. Anh Châu, theo anh nó bao nhiêu tuổi?

Châu quan sát kỹ con rái cá con, xòe tay ra đo chiều dài nó. Không được hai gang. Khoảng ba tấc. Cậu ta trả lời:

- Nó mới sinh ra được hai tháng là cùng.

Phan chìa tay ra, nói với Thùy:

- Em cầm nó lên, đưa cho anh.

Châu cảnh báo:

- Coi chừng nó cắn đó.

Nhưng con rái cá này hiền lành còn hơn cả ...ma xơ nữa. Nó nằm im, mặc cho Thùy rón rén ẵm nó lên như ẵm con chó con. Thùy trao nó cho Phan. Cậu nhe răng cười hề hề với nó rồi chuyền qua cho Sông Hương. Cô nhẹ nhàng đón lấy và nói:

- Chắc nó bị dòng nước chảy xiết tách rời khỏi mẹ, và bị cuốn vào bờ đá.

Thùy đứng lên, phủi phủi hai tay:

- Vậy chúng ta hãy giúp nó, trả nó về với mẹ nó.

Châu dang rộng tay tỏ vẻ bất lực:

- Làm sao tìm được mẹ nó? Biết mẹ nó là ai? Chẳng lẽ cắm bảng "Ai thất lạc con xin tới đây nhận"? Thua!

Phan góp ý:

- Hay là chúng ta cứ để nó ở lại đây. Nhưng đặt nó gần bờ suối hơn một chút. Nó sẽ sống sót và thích nghi với môi trường chung quanh.

Thùy lắc đầu nguầy nguậy:

- Không. Chúng ta không bỏ nó được. Chúng ta phải cứu loài rái cá. Chúng ta phải cứu con này. Nếu không ai muốn nuôi, em sẽ nuôi nó cho.

Sông Hương trả con rái cá cho Thùy:

- Được rồi, đừng lo dữ rứa. Chị sẽ cùng nuôi nó với em. Chị sẽ không bỏ nó lại đây một mình mô.

Thùy nhoẻn miệng cười với Sông Hương tỏ vẻ biết ơn. Bốn bạn trẻ sánh vai nhau trở về nhà. Trên đường về, con rái cá được truyền liên tục từ tay người này sang tay người khác. Tới phiên Châu, cậu tung nhẹ con rái cá lên và chụp thật gọn. Hình như nó "chịu" trò đùa này và cái mặt nó nhăn nhăn như đứa trẻ đang cười. Thùy càu nhàu:

- Anh đừng tung nó lên như vậy. Nó đang bịnh đó. Nó ói ra cho anh coi.

Châu chu miệng "chút" nhẹ lên trán con rái cá con:

- Nó cũng thích giỡn giống như mấy đứa trẻ nhỏ. Ờ nè, chúng ta có tên nào hay hay đặt cho nó không? Mèo chó còn có tên, huống gì... rái cá?

Sông Hương mỉm cười:

- Tui chưa nghe nói rái cá có tên bao giờ. Nhưng ý kiến của Châu hay đó. Tụi mình kêu nó là Cún hỉ?

Phan, Châu và Thùy cùng bật cười. Châu nói:

- Cún là tên dành cho chó, cũng như Miu là tên dành cho mèo. Tụi mình đặt cho nó cái tên hiện đại một chút đi. Thí dụ như Phi Thuyền?

Phan và Thùy cười to hơn, trong khi Sông Hương tròn mắt hỏi:

- Phi Thuyền nghĩa là cái chi?

Phan trả lời xuê xoe cho Sông Hương dễ hiểu:

- Phi thuyền là một cỗ máy to lớn, người ta cưỡi nó bay lên mặt trăng để thám hiểm trên đó. Cái tên đó nghe khô khan quá. Mình muốn một cái tên nên thơ hơn.

Thùy nêu ý kiến:

- Tụi mình bắt được nó bên bờ suối đá. Vậy thì cứ gọi nó là Suối Đá. Cái tên rất nên thơ, phù hợp với yêu cầu của anh Phan rồi đó.

Cuối cùng bốn bạn trẻ thống nhất gọi con rái cá con là Suối Đá theo đề nghị của Thùy. Đi thêm một đoạn, đột nhiên Phan dừng lại:

- Thùy à, rái cá là loài thú thiên nhiên và nó tự nhiên kiếm ăn để duy trì cuộc sống. Bây giờ nuôi nó trong nhà, chúng ta sẽ cho nó ăn cái gì đây?

Thùy ve vuốt cái đầu tròn nhỏ bóng lưỡng của Suối Đá:

- Cho nó uống sữa và ăn cá.

Sông Hương kinh ngạc kêu lên:

- Cho nó uống sữa bò hả? Rứa là sang quá rồi. Thời tui, chỉ có người Tây mới uống sữa bò. Người Việt nghèo lắm, lấy mô ra sữa bò cho con rái cá ni uống?

Thùy bối rối:

- À... không sao đâu, tụi mình sẽ cho nó uống sữa đậu nành cũng được. Một ngày ba hộp. Chỉ có ba ngàn thôi.

Sông Hương lại hỏi tiếp:

- Ba ngàn của các bạn là chừng mô tiền của tui?

Thùy thật sự lúng túng:

- Em không biết, nhưng rẻ lắm. Chị đừng lo chuyện đó nghe.

Châu chọc ghẹo Thùy:

- Ngoài việc cho con rái cá uống sữa đậu nành, anh chắc em sẽ mượn chiếc xe đẩy trẻ để đẩy nó đi chơi vòng vòng quanh sân.

Thùy giãy nảy:

- Thôi được rồi, xì-tốp ngay, không được chế giễu em nữa! Em sẽ cho nó bơi bơi trong nước chớ không cho ngồi trong xe đẩy trẻ đâu. Em sẽ mượn chị Sông  Hương một cái thao to, để nó có thể sống thoải mái trong đó.

Châu quay qua nhìn Sông Hương:

- Bạn có cái thau nhôm nào khá lớn không? Thau giặt đồ cũng được.

Sông Hương suy nghĩ:

- Nhà tui không có thau nhôm, chỉ có một cái thau bằng gang, mà thầy tui thường dùng nó để tắm nước nóng mỗi buỗi tối.

Thùy nói:

- Cho em mượn đỡ vài tiếng thôi, tới khi nào tụi mình nghĩ ra một nơi khác để giấu nó.

Sông Hương gật đầu ưng thuận. Bốn bạn trẻ tiếp tục đi về nhà Sông Hương. Phan ra hiệu cho cô gái đi lấy cái thau tắm bằng gang, chỉ chỉ về phía chuồng bò rồi ba anh em nhẹ chân lẻn vào trong đó trước.

Chuồng bò được chia ra làm hai phần. Cỗ xe bằng gỗ "ngự" chình ình ở phía bên trái. Con bò đực đứng nhai cỏ trệu trạo chiếm lĩnh phần bên phải. Vốn đã quen với thái độ bất cần đời của chàng "Red bull thứ thiệt", ba anh em phớt lờ sự có mặt của nó mà chỉ lăng xăng, quan tâm tới con Suối Đá thôi.

Thùy vẫn ẵm con rái cá khư khư trong tay, chờ đợi Sông Hương đem cái thau gang tới. Trong lúc đó, Châu lẻn về nhà để lấy một hộp sữa đậu nành trong tủ lạnh. Chỉ vài phút sau, mọi người có mặt đầy đủ quanh cái thau đầy nước.

Thùy thả con rái cá con vô thau. Gặp nước nó mừng rỡ lắm, nhưng vì yếu sức, nên chỉ quẩy quẩy cái đuôi tỏ vẻ khoái trá. Bất chợt, nó kêu lên mấy tiếng khá to. Bốn bạn trẻ nhìn nhau chưng hửng. Chết rồi! Nó kêu la om sòm như vầy là lộ bí mật hết còn gì! Thùy cho ngón trỏ suỵt suỵt nó:

- Ê, đừng có kêu to chớ. Người lớn biết là nguy hiểm lắm đó.

Con Suối Đá vẫn vô tư trồi lên, hụp xuống trong cái thau và nó lại kêu thêm mấy tiếng nữa. Sông Hương nhìn ra bên ngoài chuồng bò:

- Tui sợ thầy me tui biết chuyện này quá. Các bạn tính toán sao cho êm thấm hỉ. Đừng để thầy me tui bắt tui đem nó ra bờ suối và quăng xuống đó.

Thùy gật gật đầu:

- Được rồi. Nó uống sữa xong là no nê ngay. Nó không kêu la nữa đâu.

Thùy nhờ Châu giữ cái đầu con Suối Đá ngửa lên, cô vạch miệng nó ra để trút sữa đậu nành vô. Mới đầu, Thùy trút sữa hơi nhiều làm cho nó bị sặc, nó lắc lắc cái đầu và ho dữ dội. Nhưng vị ngọt của sữa làm nó chú ý. Sau khi hết ho, nó liếm liếm hai bên mép và Thùy tiếp tục đổ sữa từ từ vào trong miệng nó. Uống được khoảng nửa hộp, con rái cá cảm thấy no. Nó lại lắc lắc cái đầu và muốn chuồi ra khỏi bàn tay Thùy. Hiểu ý, Thùy thả cho nó bơi tự do.

Phan, Châu và Sông Hương thở phào sau khi coi con rái cá uống sữa xong. Phan thắc mắc:

- Chừng nào mới cho nó ăn cá? Chẳng lẽ nó cứ uống sữa suông như vậy sao?

Thùy nhìn Châu. Cậu ta tự tin trả lời:

- Một ngày nó sẽ được ăn ba bữa chính và ba bữa dặm. Bữa chính ăn cá. Bữa dặm uống sữa. Khoảng ba tiếng nữa, chúng ta sẽ cho nó ăn một con cá tươi.

Sông Hương bối rối:

- Hôm ni nhà tui không ăn cá. Chị Mừng chỉ làm một món mắm ruốc xào xả, ăn kèm với rau sống đó tề. Ngoài ra, chị Mừng còn nấu nồi canh mướp với mùng tơi và tôm khô vụn. Hôm ni nhà tui chỉ ăn như rứa thôi.

Thùy mỉm cười:

- Không sao. Lát nữa tụi em sẽ về nhà lấy một con cá tươi trong tủ lạnh. Anh Châu nói ba tiếng nữa mới cho nó ăn bữa chính mà.

Sông Hương im im không trả lời, khuôn mặt nhẹ nhõm. Phan cầm nửa hộp sữa đậu nành dở dang lên:

-Cái hộp này thì sao? Cho nó uống tiếp nữa không? Để thêm sáu tiếng nữa có bị thiu không?

Thùy lắc đầu:

- Không thiu đâu. Trên vỏ hộp có ghi kìa, anh đọc đi. Sau khi khui sữa, vẫn có thể để được mười tiếng đồng hồ. Hàng hiệu mà anh Phan!

Sông Hương nhìn ra ngoài, cô kêu khẽ:

- Hình như chị Mừng đang đi tới đây tề. Chúng ta giấu nó mau lên!

Phan và Châu lật đật bưng cái thau đem đi giấu trong góc chuồng, lấy rơm phủ lôm chôm bên ngoài. Chị Mừng đẩy cửa chuồng bò, bước vào trong và ngạc nhiên khi thấy bốn bạn trẻ đứng vây quanh con bò đực, nói chuyện phiếm. Chị Mừng hỏi to:

- Sông Hương? Em làm cái chi ở đây rứa? Răng không ra ngoài chơi cho thoáng mà lại đứng gần con bò? Răng chịu nổi, hỉ?

Ý chị Mừng muốn nói là con bò không được thơm tho lắm vì nó được tắm lần cuối cùng là vào cuối mùa mưa năm ngoái! Sông Hương giải thích bằng giọng nói thật vô tư:

- Các bạn em muốn quan sát giống bò kéo xe. Họ chưa khi mô chộ kỹ một con bò đực có sừng cả.

Chị Mừng vui vẻ:

- Rứa cũng được. Nhưng đừng đứng gần quá hỉ.

Thình lình, ở trong góc chuồng, phía sau mớ rơm rạ, con rái cá Suối Đá buồn tình kêu thét lên mấy tiếng. Thùy giật bắn người. Chị Mừng hoảng hốt nhìn Phan và Châu:

- Chi rứa? Chi rứa? Con chi ở trong nớ kêu lên ghê dữ rứa?

Sông Hương lấp liếm:

- Ơ... con chi mô... thạch sùng hắn tặc lưỡi đó nờ.

Biết không thể giấu chị Mừng được, thùy kéo tay chị đi theo cô:

- Chị Mừng, em cho chị coi cái này, nhưng chị không được la om sòm nghe. Em nuôi một con rái cá con trong thau. Nó bị lạc mẹ, thấy thương lắm.

Phan, Châu, và Sông Hương đành đi sau họ. Châu nhanh tay kéo dạt mớ rơm qua một bên. Con rái cá trồi cái đầu tròn quin lên khỏi mặt nước, trố đôi mắt nhỏ lên, ngơ ngác nhìn họ. Chị Mừng đan hai bàn tay vào nhau(biết ngay chị cũng là một người yêu thương loài vật) ríu rít nói vì thích thú và bất ngờ:

- Ui cha, răng nó dễ thương rứa. Con ni ước chừng mới sinh ra được một tháng thôi chớ mấy. Em nuôi nó làm phước, kẻo thiếu hơi mẹ nó không sống được.

Rồi chị đổi sang giọng quở mắng:

- Nhưng cái thau ni dùng để pha nước nóng cho thầy em tắm vào buổi túi mà! Túi ni thầy em sẽ tắm bằng cái chi? Hử?

Thùy đỡ lời:

- Chị Mừng, em mượn cái thau một chút xíu thôi rồi lát nữa em trả liền. Nó bị phơi nắng hơi lâu nên da nó khô hết trơn nè. Em ngâm nó vô thau để nó không bị mất nước và mát mẻ trở lại.

Sông Hương níu áo chị Mừng, cam đoan:

- Tụi em sẽ trả cái thau liền. Chị Mừng đừng méc thầy me em, hỉ?

Chị Mừng không hề rời mắt khỏi con rái cá nhỏ:

- Không. Chị không méc mô. Nó dễ thương quá. Nhưng chị không đứng chỗ ni lâu được, chị phải lấy một ít rơm và coi chừng chảo mắm ruốc xào xả nữa. Các em cứ ở chơi hỉ?

Bốn bạn trẻ cùng "dạ" với sự biết ơn.

Chị Mừng ra ngoài và nhẹ nhàng khép cánh cửa chuồng bò lại. Sông Hương để bàn tay lên ngực, còn Thùy cười toe toét chiến thắng. Phan nhìn Châu:

- Tụi mình tính cách nào khác đi. Để lát nữa còn trả cái thau cho Sông Hương.

Châu quay đầu nhìn quanh quẩn:

- A, hay lắm, phía trên chuồng bò cũng có một cái gác xép chất rơm hả? Tuyệt vời. Tụi mình sẽ lấy một cái thùng sắt ở nhà, đem qua bên đây. Rồi tụi mình sẽ giấu cái thùng trên gác xép. Như vậy, lỡ cha Sông Hương vào chuồng kiểm tra con bò, thì ông cũng không biết con rái cá đang sống trên gác chứa rơm. Nghe có được không?

Thùy gật đầu:

- Được. Nhưng lúc này lấy cái thùng không tiện, vì bây giờ là giờ mẹ em thường lẩn quẩn dưới nhà. Mẹ em sẽ thấy tụi mình cầm cái thùng và sẽ hỏi tùm lum cho coi.

Phan kết luận:

- Vậy tụi mình sẽ lấy cái thùng sắt khi mọi người ngủ trưa. Bây giờ tụi mình về.

Châu dặn dò Sông Hương:

- Bạn cứ phớt lờ nó, coi như không hề có nó ở đó. Khoảng ba tiếng nữa, mình cầm một con cá đem qua đây cho nó ăn. Bạn không cần phải theo mình ra đây.

Sông Hương gật đầu:

- Tui hiểu rồi.

Bốn bạn trẻ rời khỏi chuồng bò sau khi Sông Hương quan sát bên ngoài thật kỹ. Trước khi khép cánh cửa lại, Thùy còn giơ tay lên vẫy vẫy tạm biệt con Suối Đá, mặc dù cái thau gang đã bị đống rơm khô che khuất hoàn toàn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro