Chương 25

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kẻ đồ tể dùng một cây tre ngắn khoèo bộ da rái cá treo trên bức vách xuống. Ông ta quăng nó cho dì Ngọc. Dì chụp lấy, giơ lên coi, nhưng vì trong căn lều tối tăm quá nên dì đành ôm nó vào trước ngực. Dì bước nhanh tới gần cửa và săm soi bộ da trên cánh tay nung núc mỡ của dì:

- Da mềm mại lắm. Theo anh, tui cần mấy tấm da mới đủ? Ba tấm hay bốn tấm? Anh bán bao nhiêu một tấm?

Ông Hãi Hùng lầm lì tới gần dì Ngọc. Ông ta để tay lên vai dì, đẩy dì quay một vòng tròn đủ 360° rồi trả lời cộc lốc:

- Bốn tấm.

Dì Ngọc hất tay ông ta ra:

- Buôn bán cho chân thật nghen, cha nội. Tướng người ta mi-nhon vậy mà cần tới bốn tấm da? Gì dữ vậy?

Ông Hãi Hùng chỉ nói gọn lỏn:

- Bốn tấm nhỏ.

Dì Ngọc thở hắt một hơi:

- Hứ. Nói chuyện với cha nội mệt quá. Trong đầu nghĩ ngợi gì cứ nói quách ra hết đi. Đừng nói nửa câu rồi dừng lại. Bao nhiêu một tấm đây?

Ông Hãi Hùng nhìn dì Ngọc soi mói:

- Hăm tám xu.

Dì Ngọc giãy nảy lên như con giun gặp nước sôi:

- Trời ơi, hăm tám xu là bao nhiêu? Muốn mấy đồng thì cứ nói toẹt ra, đừng bày đặt xu với xiếc nữa. Tui không biết tính đâu.

Ông Hãi Hùng thò tay giựt lại tấm da rái cá:

- Hăm lăm xu. Không mua thì thôi.

Dì Ngọc hết hồn, níu chặt tấm da lại, ôm sát vào ngực:

- Mua chớ. Hăm lăm xu. Đồng ý. Nhưng mà là bao nhiêu? Tính luôn giùm đi.

Ông Hãi Hùng lép nhép hai cái môi như đang tính toán, rồi trả lời:

- Một đồng.

Dì Ngọc nhìn xoáy vào đôi mắt nhỏ xíu của kẻ đồ tể, lẩm bẩm:

- Một đồng. Được rồi, bây giờ tui gởi lại anh tấm da này, tối nay tui sẽ quay lại trả tiền cho anh và lấy bốn tấm da. Buôn bán chân thật nha. Cấm tráo hàng.

Dì Ngọc nhét tấm da rái cá vào bàn tay ông Hãi Hùng và ngoay ngoắt đi ra cửa. Dì lẩm bẩm vừa đủ cho ông ta nghe:

- Hứ, buôn bán gì mà chẳng biết tiếp thị, chẳng biết chiều ý "thượng đế" gì hết ráo.

Ông Hãi Hùng đi theo dì Ngọc ra tận cửa, và đứng nhìn theo. Ông ta không hiểu người phụ nữ này là ai, người của làng nào tới đây mua hàng. Mặt mũi thì coi cũng đặng, nhưng tính tình nường ta coi bộ hơi... khùng. Hăm lăm xu cũng hổng biết là bao nhiêu, mà bày đặt hỏi tới bốn tấm da một lượt. Để coi thử tối nay nường ta có quay lại đây hay không ...

Ông Hãi Hùng nhún vai, đem những tấm da treo trên vách ra phơi ngoài trời. Ánh nắng ngọt ngào trải xuống khắp vùng đất lòng chảo quanh căn lều của ông. Nếu được nắng giòn, những xâu thịt rái cá phơi khô sẽ cứng hơn và khi nướng lên sẽ thơm hơn. Ông Hãi Hùng nhe răng cười một mình khi nghĩ tới những miếng khô rái cá nướng trong bữa cơm trưa nay.

Trong khi đó, tình hình về con Suối Đá vẫn tiến triển tốt đẹp. Nó ngoan ngoãn sống trong thau nước, nhưng thỉnh thoảng cũng kêu lên vài tiếng như muốn gọi những bạn bè mới của nó tới chơi với nó. Sông Hương đứng bán hàng mà cứ căng tai nghe ngóng mọi âm thanh ngoài chuồng bò. Tiếng the thé của con Suối Đá làm cô muốn đứng tim. Rất may là khoảng cách tương đối xa, thành ra ai cũng tưởng tiếng chó sủa ăng ẳng vọng tới.

Tới khoảng mười giờ, Sông Hương thoáng thấy bóng dáng Châu đi xuống cầu thang gỗ và lẻn ra cửa sau. Rồi Châu đi dọc theo bức vách chuồng bò, tay cầm một cái gói nhỏ và cậu ta mất hút sau cánh cửa. Sông Hương cố gắng theo dõi Châu. Khoảng năm phút sau, cậu ta trở ra ngoài, cẩn thận đóng cửa và băng qua khoảng sân đầy nắng. Lúc Châu chuẩn bị lên cầu thang gỗ, cậu ta quay lại tìm Sông Hương. Bắt gặp ánh mắt cô gái, cậu ta toét miệng cười, nháy mắt và nhanh nhẹn bước lên các bậc thang. Sông Hương thở ra một hơi nhẹ nhõm.

Khoảng một giờ trưa, Sông Hương ngồi vá áo trên gác xép chờ Phan, Châu và Thùy. Lâu lâu cô lại nhìn giờ trên cái đồng hồ điện tử đeo nơi cổ tay.

Họ xuất hiện thật đúng giờ, và trên tay Phan không phải là cái thùng sắt như dự tính, mà là một cái chậu tắm của em bé bằng nhựa, màu đỏ.

Phan chìa cái chậu nhựa ra cho Sông Hương coi, phân trần:

- Mấy thứ đồ để trong nhà kho khó lấy quá. Chúng chồng chất lên nhau thành một núi kim loại cũ. Thùy nhìn thấy cái chậu tắm này ở trên gác xép, nằm úp trên đầu tủ. Rất may là nó chưa bị nứt hay bị lủng.

Sông Hương rờ rờ cái chậu tắm:

- Chậu tắm à? Răng nó nhỏ rứa?

Thùy giải thích:

- Chậu tắm của em bé mà. Bữa nào em cho chị coi cái chậu tắm của người lớn, dài tới hai thước lận, chớ đâu có nhỏ như vầy. Thôi chúng ta tròng áo dài vô rồi xuống chuồng bò. Em nhớ con Suối Đá quá.

Châu phẩy tay:

- Khỏi tròng áo dài chi cho mệt. Anh thấy có một số người đâu thèm mặt áo dài gì đâu? Họ chơi quần vải ú màu đen thì mình chơi quần jean màu đen. Miễn đen đen là được à.

Sông Hương lưỡng lự rồi gật đầu:

- Không mặc áo dài cũng không can chi. Chỉ có người Huế di cư vô trong ni mới mặc áo dài. Còn người địa phương thì họ thường xuyên mặc bà ba.

Thùy hối:

- Vậy chúng ta xuống dưới, nhanh đi.

Bốn bạn trẻ nối đuôi nhau rón rén lòn ra cửa sau. Chị Mừng đang nằm trên chõng che, bật ngồi dậy nhìn. Phan để ngón trỏ lên môi, suỵt một tiếng nhỏ. Cậu chỉ tay về hướng chuồng bò. Chị Mừng hiểu ý gật đầu rồi nằm xuống lại.

Phan, Châu, Sông Hương và Thùy men theo bức vách đất bên hông chuồng bò và lọt vào bên trong êm thắm. Thùy lơn tơn tới trước, giành kéo dạt mớ rơm khô qua một bên. Cô nói chuyện với nó, giọng tự nhiên ngọng nghịu hẳn như khi nói chuyện với đứa trẻ sơ sinh:

- A, Suối Đá sương sương đây rồi! Em nhớ chị Chùy của em không? Chị Chùy nhớ em quá. Chị Chùy cho em uống sữa đậu nành nghen?

Thùy ngước nhìn Châu, giọng trở lại bình thường:

- Anh Châu giúp em một tay đi. Anh ẵm nó lên, để em vạch miệng nó ra và đổ sữa vô. Anh quay cái mặt nó về phía em nè.

Con Suối Đá bắt đầu ghiền sữa đậu nành rồi hay sao. Lần này nó không bị sặc và nó nuốt sữa ừng ực cứ như khát lắm. Nó uống sạch bách nửa hộp sữa đậu nành còn lại. Rồi nó kêu the thé lên. Thùy vội vàng dỗ dành nó:

- Ủa, no nê rồi mà sao kêu la om sòm dzậy? Cưng có ngủ trưa không? Thôi, nằm xuống ngủ trưa nghen? Hay là muốn chị Chùy ru cưng ngủ? Hả?

Châu nhẹ tay tưng tưng con rái cá để nước nhỏ xuống nền đất. Cậu ta nói:

- Anh nghĩ nó không buồn ngủ đâu. Mà nó muốn phơi nắng đó. Em phải nhớ, mỗi ngày một con rái cá phơi nắng vài tiếng đồng hồ. Dầm mình miết trong nước, nó không chịu được.

Thùy quay sang nhìn Sông Hương:

- Nắng thì ở đây thiếu gì?  Nhưng chúng ta biết phơi nó ở đâu?

Sông Hương nhíu mày suy nghĩ rồi trả lời:

- Hay là tụi mình đưa nó ra phía chuồng bò? Chỗ nớ có nắng chiều, nhưng ôn đi qua mệ đi lại, coi chừng thiên hạ nhìn thấy nó chừ.

Châu ẵm con rái cá bước đi ra cửa:

- Mình không sợ thiên hạ của bạn đâu. Trong thời mình, ai muốn nuôi con vật gì cũng được. Thậm chí người ta nuôi rắn, nuôi cá sấu trong nhà cũng chẳng ai chê bai. Ai muốn đi theo mình thì đi, không ép.

Công nhận Châu nhà ta vừa nói một câu nghe thấy ghét thiệt. Nhưng Phan, Sông Hương và Thùy không chấp, lặng lẽ đi theo. Họ vòng ra bên kia chuồng bò, tức là sát mí với đường đất và Châu thả con rái cá xuống vạt cỏ khô. Chu cha, có thấy nó sướng rơn lên như thế nào, cái mình tròn nu của nó lăn qua lăn lại như một con chó nhỏ như thế nào mới thấy quyết định của Châu là đúng đắn. Con rái cá rất cần nắng như nó cần nước. Không thể bắt nó đằm mình trong nước suốt ngày được.

Bốn bạn trẻ ngồi chen chúc trong bóng mát xiên xiên dưới mái chuồng bò.

Sông Hương hái một cọng bông cỏ khô và tước tước những sợi tơ của nó. Cô hỏi:

- Hồi nữa ai sẽ đem cá tươi qua cho con rái cá ăn? Mỗi ngày nó ngốn hết ba con cá, có tốn tiền các bạn lắm không?

Thùy trả lời:

- Thời tụi em, cá tươi không mắc đâu. Loại cá nhỏ mà anh Châu cho nó ăn hồi sáng là cá đối. Loại cá này rẻ rề hà, vì nó có xương nhiều. Một ký có thể cân được hơn hai chục con. Như vậy mất cả tuần lễ con Suối Đá mới ăn hết một ký cá.

Sông Hương thắc mắc:

- Cá đối có xương nhiều như rứa? Răng mẹ em lại mua?

Thùy mỉm cười:

- Tại chị chưa ăn thử món cá đối sốt cà chua của mẹ em nên chị chưa biết. Mẹ em làm theo công thức chế biến cá hộp nên xương cá mềm rụm hà. Chị cứ gắp con cá lên mà cắn ngang, rồi ăn kèm với bánh mì. Thơm ngon không thể tả. Ngày mai em sẽ biếu chị một dĩa cá đối sốt cà chua để chị thưởng thức.

Sông Hương liếm môi:
- Tui thích lắm. Tui rất muốn được ăn những món ngon của các bạn. Nhưng tui sợ me tui thắc mắc rồi hỏi tới hỏi lui. Làm răng tui trả lời?

Phan nói:

- Không sao đâu. Chỉ là một dĩa cá kho, chẳng ai hỏi gì đâu. Chuyện hàng xóm biếu xén món nọ món kia cho nhau là chuyện bình thường, phải không Sông Hương?

Sông Hương gật đầu thú nhận:

- Ừ, thỉnh thoảng me tui biểu tui bưng chén chè hột sen, loại sen trồng ở ngoài Huế đó nghe, đem biếu ôn nớ bà tê (*). Có lần, thầy tui và bạn của thầy bắt được một con nai tơ. Hắn bị què nên không chạy nhanh được. Lần nớ, thầy tui chia thịt nai cho hết làng, mỗi nhà một xí(*) lấy thảo.

(*) Ông nọ bà kia

(*) Một tí, một chút

Thùy nói:

- Vậy thì khỏe. Trưa mai em sẽ bưng qua cho chị. Nhưng em sẽ lựa cái dĩa đất xoàng xoàng thôi, chị đừng nói em không tôn trọng chị nghe?

Sông Hương nhéo nhẹ lên tay Thùy:

- Ai mà nói rứa?

Bốn bạn trẻ ngồi im, em dõi con rái cá đang lim dim hưởng ánh nắng nóng rát của mặt trời trưa. Tình cờ, Sông Hương ngước mắt về phía đường đất, cô hoảng hốt nói to bằng cái giọng run run:

- Thôi chết rồi, thầy tui về rồi tề. Thầy đang ở trên đường, đi cùng với một ông mặc áo the đen, tay chống cây gậy. Chúng ta đem con rái cá vô chuồng bò giấu đi, rồi nhớ trả cái thau lại cho tui.

Bốn bạn trẻ vội vàng đứng dậy. Châu nhanh tay ẵm con Suối Đá lên, họ đi vòng trở ra phía trước chuồng bò và chạy ào ào vô bên trong. Con bò đực chậm rãi quay đầu lại, ngạc nhiên nhìn họ bằng đôi mắt hiền lành và thơ mộng. Phan bưng cái thau gang, trút hết nước qua chậu tắm bằng nhựa rồi đưa thau gang cho Sông Hương.

Cô định cầm nó đi ra ngoài. Nhưng cha cô đã rẽ vào trong sân nhà nên cô đành để nó lại đó. Cô nhanh nhẹn đi ra đón cha:

- Thầy. Răng hôm nay thầy về nhà sớm rứa?

Cha Sông Hương quay lại nhìn con gái:

- À, con. Lúc ở trong rừng, thầy bước lên mấy bậc tảng đá để băng qua suối. Thầy bước hụt chân, té xuống nước nên quần áo ướt hết cả. Mấy khớp xương trong người thầy đau nhức nên thầy về tắm nước nóng rồi nghỉ ngơi.

Sông Hương kêu to, đủ để Phan, Châu và Thùy nghe:

- Tắm? Thầy muốn tắm nước nóng ngay bây chừ? Răng thầy tắm sớm rứa? Thôi thầy thay đồ ướt ra, con xuống bếp pha cho thầy ấm trà để thầy uống.

Cha Sông Hương mệt mỏi nói:

- Cũng được. Con giỏi quá.

Ông đang chà chà đôi guốc mộc xuống hiên trước thì nghe tiếng rái cá kêu the thé bên tai. Ông ngẩng lên:

- Cái chi rứa? Tiếng chi rứa?

Sông Hương đáp bằng giọng rất ngây thơ:

- Có chi mô. Con chẳng nghe tiếng gì cả. Thầy đi vô thay đồ đi thầy.

Tiếng rái cá vẫn phát ra từ phía chuồng bò. Cha Sông Hương quay trở lại, ông đi về phía ba anh em đang ẩn trốn, miệng nói to:

- Lạ hè. Thầy nghe hình như là tiếng chó sủa ăng ẳng. Con chó nhà mô đi lạc rồi trốn trong nớ phải không?

Cha Sông Hương đẩy mạnh cánh cửa chuồng bò. Sông Hương đột ngột giơ tay ra như muốn cản lại, nhưng đã trễ. Ông bước hẳn vào bên trong. Chẳng có gì lạ hết. Cỗ xe hoàn toàn trống rỗng. Con bò đực như phớt lờ sự việc, đang ung dung nhai cỏ cho đỡ buồn. Chẳng có con chó nào đi lạc cả.

Cha Sông Hương nghiên nghiên ngó ngó:

- Rõ ràng thầy nghe tiếng chó ăng ẳng từ trong chuồng bò mà. Úi trời, răng cái thau tắm của thầy lại nằm chỗ ni? Ai quăng nó ra chỗ ni?

Sông Hương run giọng giải thích:

- Con. A không, con không quăng... Con đem nó vô đây để lấy rơm chùi nó. Con đang chùi cho nó sạch đó thầy.

Cô làm bộ lượm vài cọng rơm vương vãi trên nền đất và chùi chùi trong lòng cái thau gang. Cha cô vỗ nhè nhẹ lên vai cô:

- Con giỏi lắm. Hôm ni con làm hai điều tốt cho cha con rồi. Để thầy xách nó ra hiên sau cho, rooof con tráng sạch nó và pha nước nóng cho thầy tắm hỉ?

Sông Hương khẽ "dạ" một tiếng. Cô nhìn quanh chuồng bò một vòng và đi theo cha cô ra ngoài.

Đợi hai cha con đi xa xa, Phan, Châu, Thùy mới ló đầu ra khỏi đống rơm chất cao trên gác xép. Thùy vuốt ve cái đầu con rái cá, thở dài:

- Em tưởng tụi mình tiêu rồi. Sao hôm nay Suối Đá nổi hứng kêu dữ vậy? Em đâu ngờ nó kêu to hơn cả chó con khát sữa.

Con Suối Đá ngóc cái đầu lên cao và tiếp tục kêu thêm mấy tiếng. Phan, Châu, Thùy cùng để tay lên môi, nhìn nó chăm chú:

- Suỵt. Đừng kêu nữa. Im đi.

Châu nói:

- Không được rồi. Nếu cứ để Suối Đá ở đây sẽ có người phát hiện ra. Chị Mừng và Sông Hương không thể bao che cho chúng ta mãi được.

Phan đồng ý với nhận xét của Châu:

- Đúng. Chúng ta phải đem nó qua chiếc gương thời gian, về thời của chúng ta. Hy vọng những con người văn minh sẽ không phản đối chuyện chúng ta nuôi một con rái cá trong nhà. Vậy Thùy ẵm con Suối Đá đi. Anh mang cái chậu tắm về cho.Ba anh em rón rén leo xuống cái thang tre dựng đứng nơi góc tối của chuồng bò. Thùy lần từng bước một cách vất vả và lọng ngọng, bởi một tay cô ẵm con rái cá và một tay cô vịn chặt thanh tre. Phan đứng sẵn ở dưới đỡ lấy con rái cá cho cô. Sau đó ba anh em lom khom chạy băng qua sân trước để vòng qua sân sau.

Họ gặp Sông Hương tại đó. Cô gái ngạc nhiên;

- Các bạn đem con Suối Đá đi mô?

Châu trả lời:

- Tụi mình đưa nó về thời của tụi mình.

Thùy giải thích thêm:

- Ở chỗ tụi em, nó sẽ được an toàn hơn.

Sông Hương vuốt ve cái lưng mềm mại và bóng mượt của con Suối Đá:

- Ừ, tui cũng nghĩ rứa. Khi mô rảnh, tui sẽ qua bên nớ thăm các bạn và thăm nó.

Phan, Châu, Thùy chưa kịp từ biệt Sông Hương thì con rái cá nhỏ lại kêu lên mấy tiếng. Sông Hương hối thúc:

- Chết rồi! Chúng ta lên cầu thang đi. Nhanh lên!

Bốn bạn trẻ vội vã phóng lên cầu thang gỗ. Sông Hương lên cuối cùng. Khi họ an toàn khuất đằng sau cánh cửa, mẹ cô gái đứng nơi chân cầu thang, hỏi vọng lên:

- Sông Hương! Mẹ vừa nghe tiếng con ho phải không?

Sông Hương đằng hắng vài tiếng:

- Dạ. Không hiểu răng con bị ngứa họng quá me ơi.

Con rái cá nghịch ngợm kêu thêm hai tiếng nữa khiến Sông Hương phải làm bộ ho khúc khắc y như thiệt. Bà mẹ cô gái chắc lưỡi bước ra phòng ngoài nói chuyện với ông chồng đang lim dim mắt vì mệt:

- Nếu sáng mai nó vẫn ngứa cổ ho như rứa thầy làm ơn mời thầy lang Chơn Bình ở làng bên tới bốc thuốc cho nó. Tui nghe đồn thầy lang Chơn Bình chữa bệnh mát tay lắm...

Vừa lúc đó chị Mừng tới gần:

- Thưa thầy, nước nóng của thầy có rồi. Mời thầy đi tắm rồi nghỉ ngơi sớm.

Cha Sông Hương gật đầu:

- Ừ, được. Cảm ơn hỉ.

Mẹ Sông Hương nói chuyện với chị Mừng:

- Mi ra ngoài trước coi quán cho tau. Để tau chà lưng xối nước cho thầy.

Chị Mừng lễ phép trả lời:

-Dạ.

Cha Sông Hương ngồi vào trong cái thau gang được đổ đầy nước nóng. Ông khoát khoát nước lên vai, lên ngực, giọng sảng khoái:

- Chưn tui yếu rồi. Trợt lên cục đá có một xí mà té nhào xuống nước. Không có anh Tú Quyền đỡ lên, dám nước cuốn tui trôi ra bến sông Bé lắm.

Mẹ Sông Hương không nói gì, bà im lặng lắng nghe rồi nói:

- Răng hôm nay con Sông Hương nhà mình cứ ho lúc khúc từng chập. Sắp tới mùa mưa là hắn lại như rứa.

Cha Sông Hương hơi nhớm người ra trước, chìa cái lưng ra cho bà vợ chà xát thật mạnh để máu lưu thông khắp cơ thể:

- Tui lại nghe tiếng ho của nó giống chó kêu ăng ẳng.

Mẹ Sông Hương đồng tình:

- Phải. Hình như không đúng là giọng của nó. Con Mừng cũng rứa. Hôm nay mặt mũi nó cứ nhớn nha nhớn nhác. Tui chẳng hiểu cái chi cả. Hai đứa con gái đều có tâm trạng bất thường như mọi ngày.

Cha mẹ Sông Hương không biết rằng cô con gái cưng của họ đang  đứng nghe lỏm những lời nhận xét của họ về cô.  Cô chỉ mỉm cười rồi quay ra phòng ngoài để giúp chị Mừng trông coi hàng quán.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro