Chương 29

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiễn chiếc xe chở đoàn khách du lịch ra khỏi cổng, ông Đặng sánh vai bà Phương thả bộ vào bên trong. Ông giơ tay bẻ một cành bông bụp Singapore màu vàng cam, với những cánh bông xòe bự như cái tô, đưa cho bà Phương. Giọng ông âu yếm:

- Em có mệt lắm không?

Bà Phương cầm cành bông bụp ngắm nghía rồi lắc đầu. Ông Đặng nói tiếp:

- Nhưng em có vẻ không được vui.

Bà Phương thở dài:

- Em bực mấy đứa nhỏ quá, suốt ngày chỉ bu quanh con rái cá hoang quanh nhà kho. Nói thì tụi nó cho rằng em hẹp hòi, nhưng không nói thì gai mắt. Tụi nó coi trọng con thú hoang đó hơn công việc gia đình.

Ông Đặng vỗ vỗ lên tay bà Phương như an ủi:

- Anh cũng nhìn thấy điều đó. Anh cũng định nói với tụi nó, nhưng không phải về công việc gia đình, mà về cuộc sống của loài thú hoang. Không thể nuôi thú hoang theo kiểu "úm" một con chó con được. Phải thả nó về môi trường thiên nhiên của nó. Phải để nó tự phát triển, tự đấu tranh để sinh tồn.

Bà Phương trầm ngâm:

- Anh còn nhớ hồi tụi mình học cấp ba không? Thằng Út ở nhà em rất khoái nuôi chim, nhưng ba em không cho tiền nó mua chim về nuôi. Thế là anh đi bẫy chim sẻ cho nó. Những con chim sẻ tầm thường, màu lông xám xịt, cho không ai thèm lấy, trừ mỗi thằng Út. Vậy mà lạ ghê, nó nuôi con nào là chết con đó.

Ông Đặng giải thích:

- Sẻ là giống chim chỉ sống trong khoảng trời đất bao la. Nhốt nó vào lồng, tức là giam cầm nó, tức là bắt nó sống trong ngột ngạt và tù túng. Nó chết là phải. Con rái cá này cũng vậy. Còn nhỏ thì nó không nhớ tới thiên nhiên, nhưng lớn lên, bản năng thú hoang thôi thúc, nó sẽ chết dần chết mòn đi trong cái thùng sắt chật hẹp đó.

Bà Phương ngước nhìn chồng:

- Anh phải phân tích cho tụi nó hiểu.

Ông Đặng gật đầu:

- Ừ, anh sẽ nói với tụi nó Nhân tiện ... hai ba ngày nay, anh thấy bà Ngọc "biến mất" hơi thường xuyên đó nghe. Có lần, điện thoại reng mà không ai trả lời, anh phải nhấc máy giùm cho bả. Hễ bả muốn đi đâu thì phải nhờ người khác trực giùm, chớ bỏ mặc quầy tiếp tân là không được.

Bà Phương tủm tỉm cười:

- Ờ, em biết rồi. Bả mới có ông bồ nào đó ở thời quá khứ, thành ra thỉnh thoảng bả lên gác xép, qua thăm ổng thôi. Chớ bả không đi đâu hết Nhưng em cũng sẽ nhắc khéo bả, dạo này bả dễ "tủi thân" lắm, dễ hờn giận còn hơn con Thùy nhà mình.

Tiếng đá sỏi dưới chân họ lạo xạo theo từng nhịp bước đi. Một đàn chim trăng trắng bay vút qua bầu trời âm u. Ông Đặng chép miệng:

- Mau thiệt, mùa mưa sắp trở lại rồi... Mưa lất phất đi chơi còn thú vị, mưa to và dầm dề thì khách khứa chỉ có nước nằm nhà thôi.

Bà Phương lạc quan:

- Mưa ở vùng cao cũng có nhiều cảnh đẹp nên thơ hơn mưa ở thành phố chớ. Biết đâu khách du lịch sẽ rất khoái đi chơi trong rừng khi trời mưa?

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, mây đen kéo tới nhiều hơn, trời tối sầm và mưa bắt đầu rơi xuống lắc rắc. Những hột mưa đầu mùa to tướng, rớt lộp bộp trên những chiếc lá cây bám đầy bụi mùa nắng. Bắt đầu chỉ là một hai đợt nước rào rào ra mắt chiếu lệ, rồi đột ngột mưa trút xối xả tối trời tối đất. Gió thổi mạnh làm những ngọn cây lắt lay không ngớt. Chung quanh nhà nghỉ Thiên Nhiên giờ đây là một màn nước trắng xóa, tầm nhìn xa không đầy năm thước.

Ba anh em Phan, Châu, Thùy ngồi trong phòng khách chung nhìn ra ngoài. Phan phá tan sự im lặng bao trùm giữa họ:

- Thường, hễ mưa to như vầy, gió thổi lồng lộng như vầy, mình chỉ thích nằm trùm mền coi ti vi hoặc nghe radio. Thậm chí tin quốc nội, tin quốc ngoại gì mình cũng nghe tuốt.

Châu gõ gõ mấy ngón tay vào không khí:

- Mình chỉ thích ngồi trước máy và chơi bất cứ một game nào cũng được. Đôi khi ... vừa nghe mưa gào thét vừa chơi Solotaire cũng thú vị lắm.

Thùy nghiêm trang hẳn:

- Nếu vào lúc khác, có thể em sẽ thích coi tivi như anh Phan hoặc chơi game như anh Châu, tiếc rằng lúc này em chỉ nghĩ tới con Suối Đá mà thôi. Em muốn biết nó có lạnh lẽo hay không, có sợ hãi không. Em muốn che dù chạy tới nhà kho trong đó với nó, cho tới khi trời tạnh hẳn.

Phan liếc nhìn Châu. Cậu ta hơi cau mày:

- Em bị con rái cá ám ảnh hơi nhiều đó. Nó là một con thú hoang, có có thể chịu được nắng khô cũng như mưa lũ. Không có em, nó cũng chẳng sao cả. Em chẳng cần phải lo cho nó thái quá.

Thùy hất mặt lên, giọng gây sự:

- Thái quá nghĩ là sao? Lo lắng cho con Suối Đá mà gọi là thái quá hả?

Ông Đặng xuất hiện ngay sau lưng họ. Nãy giờ ông đã nghe hết tất cả:

- Ba nghĩ anh con nói đúng. Loài thú hoang dã có thể tự bảo vệ nó trước mọi thời tiết, hoặc mọi thay đổi của thiên nhiên. Nó không cần con "úm" kỹ như vậy. Nó cần môi trường tự nhiên của nó. Nó cần bờ suối đá quen thuộc - mà nó có thể nép mình bên dưới một tảng đá nào đó để tránh cơn gió lạnh tạt vào. Nó cần bạn bè- những con rái cá đồng lứa, hiểu được tiếng kêu của nó và đáp trả lại tiếng kêu của nó.

Thùy ngắt lời:

- Ý của ba là muốn con đem trả con Suối Đá lại chỗ cũ phải không? Không đời nào! Con phải giữ nó, và nó là con rái cá duy nhất còn sống sau một trăm năm! Con phải giữ gìn một loài thú hoang sắp tuyệt chủng!

Ông Đặng không tỏ vẻ giận dữ trước thái độ của Thùy:

- Mục đích của con là đúng, nhưng phương tiện của con thì sai rồi. Con không thể giữ rịt nó ở đây mà gọi là duy trì nòi giống của nó được.Chỗ của nó là Vườn Quốc Gia. Đó mới là môi trường tự nhiên của nó. Trong đó họ nuôi nhiều loài rái cá khác nhau. Có cả một cặp rái cá mà hoàng thân Thái Lan gửi tặng.

Thùy vẫn căng thẳng:

- Ba nói vậy chỉ vì ba muốn tống khứ con Suối Đá đi chỗ khác mà thôi. Nó chưa làm phiền ai hết. Chưa có người khách nào than phiền về nó mà. Và ba đã hứa nếu không có ai phàn nàn thì ba vẫn để yên cho con nuôi nó.

Ông Đặng thở dài. Phan thấy thương cha quá bèn đỡ lời:

- Thùy, ba nói như vậy chỉ vì lợi ích của con rái cá đó. Em thử nghĩ coi, vài tuần sau, nó sẽ là một thanh niên rái cá cường tráng như em mong muốn, nhưng nó sống quá cô đơn. Nó phải có cặp thì nòi giống nó mới phát triển được.

Thùy lườm Phan:

- Tới phiên anh "theo đuôi" ba, anh phản bội em phải không?

Châu nhíu mày:

- Thùy nói năng như vậy đó hả? Người lớn nói thì em nên nghe.

Thùy bịt chặt tai, vụt đứng lên khỏi ghế:

- Em không cần nghe ai nói hết. Em biết ai cũng ghét em mà.

Thùy giận dỗi đi về phòng riêng, những bước chân nện mạnh xuống sàn nhà làm ông Đặng, Phan và Châu cùng nhìn theo cô, nhưng không ai gọi cô lại để dỗ dành. Họ thấy cô hơi cứng đầu cứng cổ, chỉ khăng khăng làm theo ý thích của mình mà không chịu lắng nghe lời khuyên của người lớn. Châu nói:

- Kệ nó đi ba. Một lát nữa nó cũng nguôi hà. Tính nó hổng giận dai được đâu.

Ông Đặng đặt tay lên vai Phan và Châu:

- Lát nữa trời tạnh mưa, hai đứa đi với ba ra vườn nghen? Gió mạnh như dzậy thể nào cũng có cành gãy, trái rụng. Cha con mình dọn vệ sinh và chặt tỉa bớt cho vườn cây gọn gàng sạch sẽ

Phan và Châu cùng "dạ". Ông Đặng đi lên cầu thang, chắc ông muốn kiểm tra các phòng một lượt trước khi đón một đoàn khách vào ngày mai. Châu đề nghị:

- Tụi mình rủ nhỏ Thùy qua bên Sông Hương chơi đi. Biết đâu ở bên đó không mưa, tụi mình có thể đi chơi được.

Phan không muốn đứng dậy:

- Cậu cứ rủ Thùy đi chơi đi. Mình thích ngồi đây ngắm mưa. Mình thường cho rằng cảnh mưa gào gió thét như thế này chỉ có trong phim ảnh, không ngờ hôm nay nó hiện ra trước mắt mình. Nó làm mình có một cảm xúc thiệt khó tả.

Châu vỗ nhè nhẹ lên vai Phan thông cảm với vẻ kẻ cả:

- Mình hiểu. Cậu lạnh không? Có cần thêm áo không?

Phan đẩy tay Châu ra:

- Cậu đừng làm mình quê nha. Giờ này mà lạnh lẽo gì? Cậu cứ đi với Thùy đi.

Châu đứng lên, cậu ta tới trước phòng riêng của Thùy và gõ cửa nhè nhẹ:

- Thùy ơi, mở cửa cho anh.

Giọng Thùy vẫn còn hờn giận:

- Mở cửa làm gì? Anh muốn quăng nó đi thì anh cứ việc tới nhà kho và thực hiện ngắn gọn trong vòng ba mươi giây. Gọi em làm gì?

Châu rủ rê:

- Đi qua Sông Hương hỏi thăm bạn ấy đã nói chuyện với kẻ đồ tể chưa. Nếu chưa thì tụi mình cùng đi với bạn ấy.

Im lặng kéo dài khoảng một phút, rồi Thùy ngập ngừng trả lời:

- Đi thì đi.

Và cánh cửa bật mở, Thùy xuất hiện với cặp mắt hơi đo đỏ. Chắc là nãy giờ ngồi khóc tỉ ti trong đó. Thùy hỏi ngay:

- Anh Phan không đi với tụi mình sao?

Châu dùng ngón cái chỉ chỉ về phía phòng khách chung:

- Không. Đang ngồi ngắm mưa mơ mộng. Chàng tới tuổi biết buồn rồi.

Thùy bĩu môi:

- Anh không biết buồn hả? Đừng có xạo xự mặt bự nghe.

Châu cười hề hề:

- Mặt anh ốm tong, nhỏ xíu, bởi vậy anh đâu có xạo xự mặt bự.

Hai anh em Châu và Thùy leo lên gác xép và chui qua chiếc gương thời gian. Sông Hương không có ở đây. Họ nhìn ra ngoài khung cửa sổ phía trước bàn học. Trời nắng chang chang, dù có nhiều đám mây lờ lững như những nùi bông gòn trắng nõn. Châu nhún vai và bước xuống cầu thang để tìm Sông Hương. Thùy vội vã theo sau anh trai.

Họ bắt gặp Sông Hương đang ngồi trên một khúc củi to ngoài sân trước, nói chuyện với kẻ đồ tể. Hai anh em giựt mình, định quay lui nhưng Sông Hương đã thấy họ, cô gái ngoắc tay và gọi to:

- Đừng sợ. Lại đây nì. Chú Hãi Hùng không làm chi hai bạn mô.

Châu và Thùy bước tới gần, cố làm ra vẻ can đảm - dù trong bụng run muốn chết. Thì ra Sông Hương đang "phỏng vấn" kẻ đồ tể:

- Răng nữa? Chú nói tiếp khúc nớ đi. Họ cũng muốn nghe chuyện của chú mà.

Ông Hãi Hùng liếc nhìn hai anh em, ngần ngừ giây lát rồi kể:

- Lúc đó trời tối thui rồi, tự nhiên tui nghe tiếng gõ cửa bộp bộp. Hổng biết giờ này ai còn lội rừng tới nhà tui mua mỡ rái cá nữa? Tui bèn hé cánh cửa coi bà con cô bác nào cần mình. Thì bà điên đó xông đại dzô nhà, cười he hé và giơ mười móng tay đỏ chót như máu đòi xé xác tui. Hồn vía tui thất kinh. Tui nhào ra ngoài thiệt nhanh, vắt giò lên cổ và chạy trốn trong rừng mấy tiếng đồng hồ mới dám dzìa nhà.

Châu và Thùy nhe răng ngoác tận mép tai, chỉ dám cười thầm chớ không dám cười ra tiếng. Ái chà, kẻ đồ tể dám gọi dì Ngọc là bà điên! Gan cóc tía đó nghe!

Ông Hãi Hùng nói tiếp:

- Sáng sớm hôm qua, tui đi chợ mua mớ rau xanh, vừa xách giỏ dzìa còn cách nhà khoảng chục bước, bất thình lình bà điên đó lại xuất hiện, lần này bả rượt theo tui ra tới tận bờ suối. May là người điên sợ nước, nếu không, dám bả nhào xuống suối bơi theo tui rồi! Ông bà ông vải vẫn còn phù hộ tui!

Sông Hương tủm tỉm cười nhìn Châu và Thùy:

- Lý do là rứa đó nợ. Dì Ngọc làm chú Hãi Hùng sợ hãi, chớ không phải chú Hãi Hùng mắc bệnh "ô môi" mô!

Kẻ đồ tể tự ái:

- Tui khỏe mạnh như dzầy mà mắc bệnh cái gì? Chỉ có bả mới bị điên thôi. Đừng làm mai tui với bà điên đó. Có ngày bả xé xác tui ra làm trăm mảnh, bả quăng xuống suối cho lũ rái cá nhai ráo.

Rồi ông ta đứng lên:

- Thôi cô Sông Hương nghỉ khỏe nghen, tui dzìa đây.

Nhìn theo tướng đi khệnh khạng của ông ta, Châu không còn thấy ông ta chảnh và đáng ghét nữa. Đó là một con người quê mùa, ít học, chơn chất, bình dân. Nếu so với thời nay, mức độ tham lam và tàn nhẫn của ông ta cũng chẳng có gì đáng kể. Thủ đoạn đánh bắt của ngư dân thời nay còn cao siêu hơn, họ chơi dây điện, chơi mìn, chơi hóa chất độc hại ... Vì cái lợi trước mắt, không những họ tiêu diệt hết nguồn lương thực có trong sông biển, mà họ còn hủy hoại môi trường sống của con người!

Tiếng Sông Hương cắt đứt tư tưởng của Châu:

- Tui nhường cho hai bạn muốn trả lời răng với dì Ngọc thì trả lời. Tui không dám mô. Không lẽ tui nói với dì ấy rằng: Chú Hãi Hùng tưởng dì là một bà điên? Dì giận tui chết.

Thùy búng ngón tay tróc tróc:

- Chị Sông Hương đừng lo, em sẽ nói cho. Ờ, em méc chị chuyện này nè, ba mẹ em, và cả hai ông anh yêu quý nữa, muốn em thả con rái cá về lại bờ suối. Nhưng em dứt khoát không đồng ý đâu.

Sông Hương nhìn Thùy:

- Tui dốt nát, có biết chi mô. Nhưng tui thấy Thùy cũng không nên nhốt nó trong thùng. Nhốt như rứa, răng nó lớn nổi?

Thùy giận dỗi:

- Vậy là chị về phe họ luôn, phải không? Chẳng ai thương con Suối Đá của em hết.

Sông Hương vẫn nói ngang ngang:

- Thương nó mà để cho nó chết dần chết mòn trong thùng răng được? Không ai tước đoạt tự do của người khác mà gọi là thương. thầy tui giảng, ông vua mô cũng nói yêu nước thương dân, nhưng giao dân cho người Pháp cai trị bằng một chế độ khắc nghiệt. Rứa thì không phải thương dân rồi.

Thùy chẳng biết cãi làm sao, ngồi buồn xo. Châu cảm thấy tội nghiệp em gái, cậu an ủi theo kiểu nước đôi:

- Bây giờ nó còn nhỏ, em nuôi nó cũng được. Nhưng vài tuần nữa em nên thả tự do cho nó. Nó sẽ rất biết ơn em.

Thùy không trả lời. Cô thò tay bức cọng cỏ khô, lơ đãng suy nghĩ. Một con châu chấu nhỏ màu xanh từ dưới bụi cỏ phóng vút lên và búng đi đâu mất. Một con cào cào màu nâu loay hoay trên phiến lá cỏ rồi cũng búng mình mất tiêu. Một trăm năm sau, biển xanh có thể hóa thành nương dâu, nhưng lũ châu chấu và cào cào kia chẳng có gì thay đổi. Chúng vẫn nhỏ bé, vẫn là miếng mồi ngon của những con vật khác.

Chỉ một cái búng mình, chúng dễ  dàng thoát khỏi nguy hiểm.

Chỉ một cái búng mình, chúng được thiên nhiên che chở.

Chỉ một cái búng mình, chúng được tự do.

Và Thùy bắt đầu hiểu rằng con rái cá của cô cũng rất cần tự do.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro