Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phía sau Nhà nghỉ Thiên Nhiên là một vườn điều rộng. Vườn điều kéo dài hơn hai trăm thước, với khoảng tám trăm gốc điều lớn đang xòe tán rộng, cành lá sum suê. Trong vườn có vài đứa nhỏ đang đi lom khom mót hột điều khô đem về nướng ăn.

Ông Đặng nói:

- Mới vừa rồi, ba thuê một số dân địa phương tới hái điều. Cứ vài ngày họ tới hái một lần. Hái xong, họ lặt hột điều và tư thương lái xe lam tới cân hột điều tại chỗ. Mới mùa đầu tiên ba thu hoạch được cả tấn hột.

Phan hỏi:

- Vườn điều là của mình, còn khu rừng phía sau là của ai hả ba?

Ông Đặng giải thích:

- Khu rừng chồi này là của nhà nước, bên Kiểm lâm đã gặp và bắt ba cam kết không phá rừng. Nhưng họ lại cho phép ba mượn rừng để làm du lịch.

Thùy chen vào:

- Miễn là mình không phá rừng phải không ba?

Ông Đặng cười xòa:

- Ừ. Phải rồi. Cốt là để mình giữ rừng cho họ.

Bốn cha con bước chân vào rừng. Chỉ là khu rừng hoang nhưng theo lời ông Đặng, rừng đã có trên một trăm năm nay rồi. Nhờ công tác Kiểm lâm tốt, bọn ăn cắp rừng không chặt phá tung hoành như bọn lâm tặc ở Bình Thuận. Thú lớn không nhiều, chỉ có thú nhỏ và chim chóc. Tiếng chim hót ríu rít trên ngọn cây nghe đinh tai nhức óc.

Phan thích thú hòa vào khung cảnh thiên nhiên và cậu chỉ có thể nhìn thấy trong tivi, chương trình Thế Giới Đó Đây. Đôi mắt soi mói lên từng cành cây, kẻ lá, nhưng tâm trí Phan bắt dầu nghĩ ngợi lung tung. Sao lạ quá, mình không hề cảm thấy ghét ổng một chút xíu mà như mình đã tưởng tượng. Vậy mà lúc ngồi trên xe, mình hình dung ra khuôn mặt lạnh tanh và xa cách của ổng và mình chỉ muốn quay về. Ổng xúc động và vui mừng thật sự khi gặp mình. Ai cũng có thể thấy điều đó.

Phan buột miệng hỏi ông Đặng:

- Trong rừng có cọp không ba? Châu và Thùy bật cười. Ánh mắt ông Đặng lấp lánh niềm vui:

- Cọp chỉ có thời khai sơn phá thạch, hoặc trong rừng nguyên sinh. Đây chỉ là rừng chồi, rừng non, thành ra ba chưa nghe nói có cọp trong rừng này. Nhưng nếu dân kinh tế phá rừng nhiều quá, cọp mất chỗ cư trú, có thể chúng sẽ di dời qua khu rừng chồi này.

Vào sâu trong rừng mới khoàng vài trăm thước, Phan và Châu chưa nhìn thấy con thú nhỏ nào - trừ dăm ba con sóc đang ngồi nhai nhai trên cành cây - thì Thùy chợt kêu lên:

- Ba! Thôi mình về đi ba!

Ông Đặng dừng chân lại:

- Có chuyện gì vậy con?

Thùy giơ hai tay lên ôm đầu:

- Con... quên mang nón rồi.

Ông Đặng ngạc nhiên:

- Trời này mà đột nón cái gì? Nắng không lọt xuống tới mặt đất nữa kìa.

Thùy vẫn che đầu:

- Đội nón hổng phải để che nắng, mà là che... cứt chim.

Phe nam giới hiểu ý, cười ồ lên và xoay người một trăm tám mươi độ để trở về con đường cũ. Thùy nói đúng, đi dưới những cành cây có bầy chim đậu lại nghỉ chân, nếu không mang nón dễ bị ăn "đạn" lắm! Phan ngoái đầu nhìn lui vào khu rừng chồi âm u, cậu hỏi:

- Phía sâu trong đó có gì nữa hả ba?

Ông Đặng cũng nhìn lui theo hướng cậu con trai:

- Đi sâu vô nữa con sẽ thấy một dòng suối gọi là suối Bàu Cỏ. Suối khá lớn và nước chảy xiết. Để băng qua bên kia bờ suối, người ta dựng một chiếc cầu treo vào rễ cây rừng, cột với tre nứa. Nhưng cầu tre cũ kỹ đó bị phá rồi. Họ đang xây dựng chiếc cầu khác, hiện đại hơn, thơ mộng hơn. Đó là một cây cầu dây.

Châu hỏi:

- Ủy ban xã đề nghị ba bỏ tiền ra xây dựng cây cầu dây, phải không ba?

Ông Đặng gật đầu:

- Phải.

Châu ngạc nhiên:

- Tại sao hồi đầu ba không nói họ xây dựng cây cầu tre? Hay cầu ván đóng đinh? Hay cầu khỉ? Hay cầu xi măng? Mà lại là cây cầu dây hả ba?

Ông Đặng giải thích:

- Cây cầu cũ vốn là cầu treo, có dáng vẻ thanh mảnh, thích hợp với khung cảnh rừng và suối. Mình đem cây cầu xi măng vô đây coi sao được? Vả lại, ba muốn biến nó thành một địa điểm tham quan của nhà nghỉ, biến nó thành một loại hình độc đáo. Ba suy nghĩ nát óc, mới tìm ra đáp án và loại cầu dây.

Phan vẫn còn thắc mắc:

- Lỡ nó bị đứt dây thì sao hả ba?

Ông Đặng cười lớn:

- Làm gì mà đứt dây? Ba bắt họ phải dùng toàn là dây thừng bên đôi bện ba. Dây chắc lắm. Một đàn voi đi ngang qua đó còn được.

Phan hỏi tiếp:

- Còn dòng suối này chảy ra đâu hả ba?

Ông Đặng quơ tay đánh một vòng, giải thích:

- Càng ra gần sông lớn, dòng suối chảy càng êm, cuối cùng đổ ra ngã ba sông Bé. Tiếng là "bé" nhưng lòng sông rộng lắm. Ba nghe dân địa phương kể lại, hồi đó thực dân Pháp xây một bến sông rất lớn ở đây, để tàu bè mang cao su, trà và cà phê về " mẫu quốc" cho thuận tiện, hoặc tàu bè những nưóc khác tới thu gom hàng hóa dẽ dàng hơn. Tàu buồm các nước ra vào tấp nập . Tới khi Việt Minh lên nắm chính quyền, việc buôn bán không còn nữa. Bến sông chấm dứt hoạt động và nó bị bỏ hoang cho tới nay.

Thùy lên tiếng rủ rê:

- Bữa nào tụi mình ra bến sông bỏ hoang đó chơi, nghe hai anh?

Châu và Phan cười cười, tỏ vẻ đồng ý.

Khi bốn người về nhà, bà Phương đã dọn cơm ra bàn rồi. Chắc vừa nhìn thấy bốn cha con từ xa, bà chuẩn bị múc cơm múc canh vào tô rồi bưng ra ngay.

Sau khi rửa ráy mặt mũi, chân tay và thay quần áo, gia đình ông Đặng cùng quây quần bên mâm cơm thật đầm ấm. Bà Phương luôn tay gắp thức ăn vào chén của chồng và của ba đứa nhỏ. Ông Đặng khề khà khể chuyện hài hước về đề tài du lịch cho cả nhà cười.

Thỉnh thoảng Phan nhìn ba, càng nhìn cậu càng cảm thấy ba gần gũi và thân quen, như ba chưa từng bỏ rơi cậu, như giữa hai cha con không hề có khoảng thời gian mười lăm năm dài đằng đẵng. Cũng có giây phút Phan ngậm ngùi nghĩ tới mẹ. Một câu hỏi ray rứt: giờ này mẹ đang làm gì? Nếu mẹ ngồi vào ghế bà Phương, thay chỗ cho bà Phương, thì tình huống có khác đi chăng?
Bữa ăn chấm dứt, Thùy cùng bà Phương dọn bàn và rửa chén. Ông Đặng xoa xoa cái bụng bự rồi về phòng ngủ trưa. Châu cũng có thói quen chợp mắt một tiếng. Phan không biết làm gì, cậu ra phòng tiếp tân nhìn ngắm bâng quơ rồi đi lang thang trong nhà.

Tầng trệt gồm một phòng tiếp tân trang nhã, có điện thoại đặt trên quầy đăng ký mới tinh; một phòng khách rộng lớn với chiếc tivi màu to mấy chục inch; một phòng ăn chung thoáng mát được kê khoảng ba dãy bàn dài; ba phòng ngủ đơn giản (dành cho gia đình) ; một phòng bếp được lau chùi bóng loáng và một dãy rest-room rất sạch sẽ, tỏa mùi long não thoang thoảng.
Ngay bên hông cũng có một dãy phòng nhỏ hơn, dành cho khách trọ bình dân hơn. Dãy phòng này tiện lợi cho khách ở chỗ : căn phòng nào cũng có hai cánh cửa. Cửa trước mở nhìn ra sân vườn, cửa hậu mở nhìn vào trong phòng khách chung, dành cho người nào muốn đi rest-room vào ban đêm.

Trên lầu dành cho khách du lịch đăng ký đi theo đoàn gồm sáu phòng ngủ sang trọng nằm đối diện hai bên hành lang. Cuối hành lang có một cầu thang gỗ dẫn lên cái gác xép nhỏ.
Phan định đặt chân lên thang, nhưng rồi ngần ngừ dừng lại. Dù sao, đây cũng không phải là nhà của cậu. Tuy ba và bà ấy tiếp đón cậu rất chân tình, thân mật, nhưng biết đâu họ cũng chỉ xem cậu như là một người khách quý mà thôi. Cậu đừng làm bất cứ điều gì phật lòng họ. Nghĩ vậy, Phan trở xuống tầng trệt, vào phòng riêng và bắt chước Châu đánh một giấc.

Hai giờ chiều, toàn thể gia đình lại tụ họp trong phòng khách để nghe ông Đặng phân công việc. Tất cả phải khẩn trương để hôm sau chuẩn bị đón đoàn khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Đặng nói:

- Châu và Thùy, hai con biết rõ nhiệm vụ rồi đó. Nhưng hôm nay có thêm Phan, ba muốn nhắc lại để các con nhớ, làm việc cho thiệt ăn ý với nhau. Châu và Thùy phụ trách các phòng ngủ của khách, xem thử gối nệm đầy đủ chưa. Đừng để khách thiếu thốn một thứ gì. Nhớ mở hết cửa sổ ra cho thoáng gió. Còn Phan, con kiểm soát đồ đạc trên gác xép đã được dọn dẹp ngăn nắp chưa. Hai tháng nay, bận rộn quá nên chẳng ai rớ tới nó cả. Có những món đồ nặng, cần tới sức con trai của con đấy.

Phan "dạ" rồi nhanh nhẹn đi theo Châu và Thùy lên tầng trên.

Ở riêng trong phòng ngủ của khách, vừa kiểm tra nệm gối, Châu vừa nói với Thùy:

- Em thấy sao? Cậu ta cũng không tới nỗi đáng ghét đấy chứ?

Thùy tròn mắt nhìn Châu, kinh ngạc:

- Anh thấy anh ấy đáng ghét? Tại sao vậy? Anh ấy có làm gì đâu?

Châu dang tay, nói với vẻ vô tư nhất trên trân trần đời:

- Nếu không đáng ghét, thì tại sao ba lại bỏ rơi cậu ta?

Thùy thở dài. Trời ơi, người gì mà ngốc quá không biết! Chẳng lẽ cô nói vào mặt Châu rằng, ba ruột của anh cũng đã bỏ rơi anh, vậy ba ruột của anh có ghét anh không? Cô không thể nói như vậy được. Châu sẽ khóc lóc và bỏ ăn bỏ ngủ suốt cả tuần lễ, chớ đừng nói chỉ có ba ngày!

Thùy đành giải thích với trí hiểu biết của một cô bé mười bốn tuổi:

- Anh Châu ơi, tình cảm vợ chồng là chuyện của người lớn, anh không phán xét được đâu. Nên nhớ, lúc ba bỏ ảnh, ảnh mới một tháng tuổi. Còn nhỏ xíu thì ảnh biết làm gì đâu mà anh bảo là đáng ghét chứ? Nè, hồi ở nhà cũ, tụi mình ghét cay ghét đắng nhà bên cạnh vì họ thường quăng rác qua cổng nhà mình, thường xua mấy con chó ỉa bậy trước cổng nhà mình. Từ chỗ ghét người lớn, tụi mình ghét luôn hai đứa con nít. Chớ bọn nó có làm gì tụi mình đâu?

Châu chống chế:

- Em giảng mo-ran nhiêu đó đủ rồi. Anh nói cậu ta không đáng ghét, tức là cậu ta cũng khá dễ mến. Em hài lòng chưa? Thùy nhoẻn miệng cười: 

- Anh nói anh Phan dễ mến hả? Ừ. Được. Em hài lòng.

Trong lúc đó, Phan hăm hở đi tới cuối cầu thang, leo cầu thang gỗ lên gác xép. Trong đầu cậu tưởng tượng tới một thế giới của phù thủy, của ma quái, của pháp thuật. Chỉ cần mở nắp một cái rương, mụ phù thủy sẽ bay lên và cất tiếng cười the thé. À không, bên trong chiếc gương sẽ là một cây đũa phép thuật. Cậu sẽ vung cây đũa lên, hoa hồng từ nóc gác xép rơi xuống như mưa...
Cánh cửa nhỏ khép lại, ngăn cách Phan với thế giới hiện đại bên ngoài. Cậu nhìn quanh. Khung cảnh tương đối sạch sẽ nhưng chưa gọn lắm. Mấy món đồ nặng nề và cồng kềnh còn nằm giữa lối đi. Chiếc gương soi mặt đặt trên cái bàn đập vào mắt cậu. Một chiếc gương hình ô van gắn chặt trong cái khung gỗ cũ kỹ. Màu sơn đã bị tróc nhiều. Chợt, hình ảnh lung linh trong gương làm cậu chú ý.

Phan đi tới đứng trước mặt gương và thấy... một cô gái vừa mỉm cười vừa chải mái tóc thật dài. Nụ cười của cô gái biến mất. Hai người trố mắt nhìn nhau. Cô gái đưa tay lên bụm miệng có vẻ sợ hãi rồi dường như muốn chạy đi. Theo phản xạ, Phan đưa tay ra định giữ cô gái lại. Bỗng, thân người cậu bị chúi về phía trước. Cậu bị hút vào trong gương thật mạnh và bị xô ra ngoài phía đằng sau chiếc gương. Phan loạng choạng cố giữ thăng bằng, rồi cậu nhận thấy mình đang ở trong căn phòng của cô gái và cách bài trí trong phòng xưa thật là xưa.

Cô gái bước lui, nghiêm giọng hỏi Phan bằng thứ tiếng Huế êm nhẹ như ru:

- Anh là ai? Anh ở mô tới đây?

Phan cố giấu ngạc nhiên, trả lời:

- Tôi là Phan, tôi đang ở trên gác xép của nhà tôi. Rồi tôi thấy cô...

Cô gái dịu dàng ngắt lời:

- Tui là sông Hương. Lúc nãy, tui nhìn vô gương chải đầu, tui không thấy mặt tui mà tui thấy mặt anh. Răng lạ rứa? Tui không hiểu làm răng anh bước qua đây được?

Phan buột miệng, không biết cậu trả lời cô gái hay trả lời cho chính mình:

- Tôi hiểu rồi. Gác xép của tôi chính là... phòng ngủ của cô. Và tôi đã bước vào phòng cô qua chiếc gương này. Chiếc gương đã kéo tôi qua đây.

Phan cắn môi nhìn quanh rồi hỏi tiếp:

- Năm này là năm nào?

Sông Hương chơm chớm mắt:

- Năm ni là năm mô mà anh cũng không biết nữa hỉ?

Năm 1901 Phan kêu to lên:

- Năm 1901? Sao lại có thể như vậy được? Tôi đang sống năm 2001 mà?

Đến lượt Sông Hương nhíu mày, nói to:

- Không lẽ anh là người của tương lai? Của một trăm năm sau? Không lẽ anh thua tui một trăm tuổi? Chuyện ni thiệt vô lý.

Phan đã hiểu ra, cậu giải thích:

- Có lý đấy. Hoàn toàn có lý. Mặc dù chúng ta sống cách nhau một trăm năm; nhưng chiếc gương kỳ diệu này có thể giúp chúng ta đi ngược vào thời gian quá khứ hoặc tiến thẳng vào thời gian tương lai. Vậy thì chúng ta...

Phan im bặt. Có tiếng phụ nữ gọi từ dưới vọng lên:

- Sông Hương? Con đang nói chuyện với ai rứa? Xuống nhà phụ me bán hàng đi con.

Sông Hương ra dấu cho Phan im lặng, cô lớn tiếng trả lời:

- Con có nói chuyện với ai mô? Con xuống liền đây me ơi.

Sông Hương đẩy Phan tới chỗ chiếc gương, nói:

- Anh ở đây không được.

Anh về nhà anh đi. Khi mô rảnh, khi mô có dịp, tui sẽ mời anh qua đây chơi. Tui rất muốn biết về thời tương lai của anh.

Phan gật gật đầu và chúi người tới trước cho chiếc gương hút cậu vào bên trong.

Chỉ tích tắc sau, Phan thấy mình đứng một mình trên gác xép. Phan xoay người, nhìn vào gương. Trong gương vẫn là khuôn mặt của cậu. Lạ quá! Hình như mình mới gặp một cô gái nào đó? Hình như mình đã ở trong thế giới phù thủy của một trăm năm trước? Phan lắc đầu, cậu ngắm nghía chiếc gương lần nữa rồi bắt tay vào công việc dọn dẹp những món đồ gỗ nặng nề mà lúc nãy Thùy không nhấc lên nổi...

Dọn xong căn gác xép, Phan thấy hai người anh em của mình đang còn loay hoay làm việc, cuộc bèn xuống dưới rồi ra ngoài phụ ông Đặng cuốc cỏ quanh sân trước. Giữa sân, ngay trước mặt nhà nghỉ là một khối bê tông cao hai thước, mỗi cạnh vuông vức khoảng một thước. Phan cầm cuốc đi giáp một vòng khối bê tông để coi nó có cái gì. Chẳng có gì hết, bốn bề là mặt xi măng xám xì xám xịt, trừ mặt day vô cửa thì có thêm cái vòng bằng sắt để trang trí. Vậy thôi. Phan gõ gõ vào khối bê tông, hỏi:

- Cái này để làm gì vậy ba? Ông Đặng ngước lên, ngắm nghía nó một lát rồi trả lời:

- Ba không biết. Theo lời người chủ trước thì khối bê tông có cả một trăm năm nay rồi. Hình như tổ tiên của họ để lại. Họ không nỡ phá. Nhưng ba định ít bữa nữa ba cũng phá đi cho nó đẹp cái mặt tiền.

Phan im lặng, cậu chợt nghĩ tới Sông Hương, nghĩ tới chiếc gương kỳ diệu trên gác xép. Tại sao điều lạ lùng này lại xảy ra với cậu? Giống hệt như một giấc mơ vừa thoáng qua. Mọi người trong gia đình ba cậu có biết về nó không? Có biết về Sông Hương không? Phan đều tay cuốc cỏ rồi cố cất giọng kể chuyện một cách tình cờ:

- Ba ơi, hồi nãy con dọn dẹp trên gác xép, thấy có chiếc gương cũ rích nhưng rất đẹp. Chiếc gương của nhà mình phải không ba?

Ông Đặng dừng tay:

- Vậy hả? Ba không biết. Chắc là của người chủ trước. Ba sắm toàn gương mới toanh, con thấy rồi đó.

Phan suy nghĩ mông lung. Có nên nói cho ba cậu biết không? Ồ, không, ba sẽ cho rằng cậu nằm mơ, hoặc nhìn thấy ảo ảnh, hoặc... điên! Nhưng còn Châu và Thùy? Cậu không thể giấu bọn họ được. Có thể Thùy đã kê chiếc gương vào chỗ đó. Có thể Thùy cũng phát hiện ra căn phòng là bên kia chiếc gương. Biết đâu, bọn họ sẽ cùng cậu có những chuyến phiêu lưu ngược thời gian, những cuộc phiêu lưu cực kỳ lý thú qua chiếc gương kỳ diệu này...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro