Chương 32

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Sau khi mua nguyên bộ ORIGAMI sáu tập, Thùy lôi một chồng báo cũ đem vào phòng và cô cảm thấy say mê trò chơi xếp giấy tới nỗi quên cả giờ cơm trưa.

Thùy lật tập số một ra, trang đầu tiên là cách xếp một ngôi nhà. Được đây. Hình như trên gác xép có một con búp bê nhỏ xíu, nằm lăn lóc trong ngăn tủ. Cô sẽ xếp một ngôi nhà cho búp bê ở thật đàng hoàng. Thùy ngồi bệt trên nền gạch bông, xé báo, tỉ mỉ xếp theo từng lời hướng dẫn cụ thể trong sách. Thật ra xếp một ngôi nhà không khó lắm, rất dễ nữa là khác, nhưng cô thích xếp đi xếp lại nhiều lần cho quen tay. Cô làm một hơi năm ngôi nhà với năm kích thước khác nhau. Ngôi nhà thứ nhất có chiều ngang mười phân. Ngôi nhà thứ hai rộng bằng cuốn Từ điển Anh Việt. Ngôi nhà thứ ba chỉ nhỉnh hơn một chút vì cô canh khung giấy chưa được đúng. Ngôi nhà thứ tư rộng ba mươi phân và ngôi nhà thứ năm bằng cái màn hình máy vi tính của Châu.

Mải mê xếp giấy, Thùy không nghe tiếng gõ cửa của Châu. Chờ lâu quá, cậu ta tự động mở cửa bước vào và la trời:

- Trời đất ơi! Em định mở tiệm tạp hóa hả Thùy? Hay là tiệm bán đồ hàng mã?

Thùy chẳng thèm ngước lên nhìn cậu ta:

- Em đã nói là anh đừng có lân la tới xin em mà!

Châu ngồi chồm hổm, cầm một ngôi nhà lên ngắm nghía:

- Ai sẽ ở trong ngôi nhà này? Nếu em muốn, anh sẽ tặng em một lũ gián để chúng làm khách trọ sộp của em.

Nghe nói tới gián, Thùy hét lên:

- Anh Châu, anh mà bắt gián thả vô nhà của em, em méc ba đó!

Nghe ồn ào trong phòng em gái, Phan đi vô coi thử có chuyện gì. Tới phiên cậu chưng hửng trước năm ngôi nhà được đặt la liệt trên sàn. Cậu trợn mắt:

- Nói chơi làm thiệt hả Thùy? Rồi em sẽ để đâu cho hết? Mới năm cái nhà giấy mà chật nghẹt phòng của em rồi!

Thùy ngước nhìn Phan, nhoẻn miệng cười, nói thật điệu:

- Anh Phan, anh đem hết lên gác xép giùm em đi. Gác xép là nơi để ta cất những món đồ mà ta thấy nếu để dưới này thì chật chội quá.

Châu "chời chời" mấy tiếng liền, giả bộ xỉu xuống đất.

Phan ngồi xếp bằng cạnh em gái, cậu hỏi:

- Đem nhà giấy lên cất trên gác xép phải không? Bỏ con búp bê nhỏ xíu dzô ngủ trong đó phải không?

Thùy tròn mắt nhìn Phan;

- Ủa, sao anh đoán trúng ý em quá dzậy?

Phan cầm tập một lên, lật lật mấy trang rồi chỉ vô hình con cò:

- Nè, em xếp một chục con cò đi. Mình sẽ treo toòng teng nơi khung cửa sổ trên đó. Nhìn xa xa, dám người ta tưởng một bầy cò trắng đang bay qua nhà mình.

Thùy sáng mắt lên:

- Có lý! Hay quá ta ơi! Em sẽ xếp liền ngay bây giờ. Nhưng bầy cò của em đặc biệt hơn có thiệt. Trên bộ lông của nó có chữ đó nghen.

Rồi cô xua tay đuổi hai anh trai:

- Hai anh đem năm ngôi nhà lên trên đó giùm em đi. Cho con búp bê nhỏ nằm trong ngôi nhà bự nhút nghe. Em sẽ đem đám cò giấy lên sau.

Châu tóm lấy ba ngôi nhà nhỏ. Phần Phan là hai ngôi nhà bự. Hai bạn trẻ nhanh nhẹn bước lên cầu thang. Dì Ngọc ngồi nơi quầy, nhìn theo thắc mắc:

- Mấy đứa định chơi trò gì dzậy? Lớn tướng hết rồi mà còn chơi xếp nhà hả?

Châu ngoái đầu trả lời:

- Nhỏ Thùy đó, chớ tụi con mà thèm chơi mấy cái thứ này!

Vài phút sau, Phan và Châu thả mớ nhà giấy xuống đất để tìm chỗ thích hợp cho nó. Phan chỉ khoảng sàn trong ngay bên dưới cửa sổ:

- Chỗ đó được không? Bên dưới là dãy nhà, bên trên một bầy cò bay thẳng cánh. Cậu thấy sao?

Châu đang lục lọi trong ngăn tủ tìm búp bê, liếc nhìn về phía cửa sổ và gật đầu:

- Chỗ đó được rồi. Hổng chừng cô nàng Sông Hương nhìn thấy và bắt đầu mê tít. Hồi đó thì làm gì có nghệ thuật xếp giấy Nhật Bản?

Phan kéo cho năm ngôi nhà giấy dựa lưng vào tường, ngay dưới cửa sổ:

- Nếu Sông Hương thích thì biểu Thùy làm cho bạn ấy một cái. Dễ ợt mà.

Hai cậu vừa bàn tán tới đó thì đột nhiên chiếc gương thời gian phát ra tín hiệu lạ. Mặt gương lấp lóe lấp lóe như muốn người khác phải chú ý tới nó. Phan và Châu cũng tới gần. Hai cậu đứng nhìn về mặt gương lung linh mờ ảo, Và cuối cùng hai cậu nhìn thấy Sông Hương đang tủm tỉm cười ở bên kia.

Sông Hương hỏi:

- Tui qua chơi với hai bạn được không?

Châu nhanh nhảu:

- Sông Huơng qua đây đi. Tụi mình có cái này muốn khoe với bạn đó.

Sông Hương chớp mắt:

- Cái chi rứa?

Châu khoát tay:

- Thì qua bên đây đi.

Sông Hương chúi đầu vào gương. Phan và Châu vội vàng dạt ra hai bên. Chỉ một tích tắc sau, cô đã có mặt trên gác xép của ba bạn trẻ. Châu chỉ cho Sông Hương thấy năm ngôi nhà giấy của Thùy ở trên sàn gỗ. Cô để tay lên miệng, nén một tiếng kêu kinh ngạc. Cô tới gần và ngồi xổm xuống để ngắm cho kỹ ngôi nhà bự nhất. Phải mấy phút sau, cô mới có thể nói ra tiếng:

- Ui chao, răng mà đẹp rứa. Trong đời tui, cho khi mô tui chộ được một ngôi nhà đồ chơi đẹp như ri. Có luôn một người tí hon ngủ trong nớ.

Phan nói:

- Không phải người tí hon đâu. Búp bê đó.

Sông Hương ngước lên nhìn Phan bằng cặp mắt khâm phục:

- Búp bê? Có phải bạn nói tiếng Pháp không? Tui chộ một tấm hình trong sách của thầy tui, vẽ một đứa trẻ ôm búp bê. Chừ tui mới thấy tận mắt một búp bê thiệt sự.

Châu giới thiệu:

- Một tay Thùy xếp mấy cái nhà giấy này đó. Nó đang xếp bầy cò giấy ở trong phòng. Sông Huơng có muốn xuống dưới không?

Cô gái nhìn bộ áo dài của mình, lắc đầu:

- Thôi, tui ở đây thôi. Hay là Châu xuống dưới nớ kêu Thùy lên đây, bày tui xếp giấy với.

Phân tán thành:

- Ờ đúng rồi. Cậu xuống nói Thùy mang "đồ nghề" lên đây đi. Trên này gió mát lắm. Làm được con cò nào, tụi mình treo con cò đó lên cửa sổ luôn, cho nó bay bay.

Châu vui vẻ chạy nhanh ra cửa và bước xuống chiếc cầu thang gỗ.

Phan ngồi xếp bằng bên cạnh Sông Hương. Cô gái nhỏ nhẹ xin phép:

- Phan nì, cho tui ôm con búp bê một chút xíu được không?

Phan gật đầu:

- Được chớ, đâu có sao.

Cậu lấy con búp bê ra khỏi ngôi nhà giấy, đưa cho Sông Hương. Cô gái thích thú và ẵm nó thật cẩn thận như ẵm một em bé mới sinh. Cô lấy ngón tay rờ nhè nhẹ trên mặt nó rồi lẩm bẩm:

- Da nó cứng ngắc, nhưng bóng láng và trơn tru. Lông mi nó cong cong. Mũi nó cao ghê hỉ? Dân Tây có khác. Môi nó đỏ chót như mấy bà đầm xòe. Tóc nó màu vàng chói, y hệt tóc của những người nước ngoài mà mình chộ ngoài bến sông.

Phan cố nín cười. Cậu cảm thấy tội nghiệp Sông Hương, một cô gái sống cách đây một trăm năm, không hề biết chút gì về cuộc sống văn minh và tiện nghi của con người hiện tại. Nếu không vì sự an toàn cho cả hai bên, thì cậu đã tặng Sông Hương con búp bê cũ kỹ này rồi!

Có tiếng chân bước lên cầu thang rầm rầm.Phan và Sông Hương quay ra nhìn.

Thùy xuất hiện cùng với nụ cười tươi rói trên môi. Còn Châu đang khệ nệ ôm một mớ giấy báo theo sau. Thùy sà tới chỗ Phan và Sông Hương, tíu tít:

- Chị thấy mấy ngôi nhà này đẹp hông? Em xếp giấy đó. Nè, em đang xếp mấy con cò dở dang. Lát nữa anh Phan và anh Châu treo tụi nó nơi cửa sổ, đểcó vẻ như tụi nó đang bay bay.

Sông Hương cầm tay Thùy:

- Em chỉ cho chị xếp con cò với hỉ. Chung quanh làng chị, cò nhiều biết mấy. Nhưng chị cũng muốn có cò giấy để treo trong nhà.

Thùy vui vẻ:

- Rồi. Bây giờ mọi người tránh chỗ ra bớt để em làm mẫu cho chị Sông Hương bắt chước. Chị coi nè nghe.

Thùy xé giấy báo thành từng hình vuông và chỉ Sông Hương kích thước của mỗi con cò. Loại cò thường thường thì dùng hình vuông có cạnh là hai mười phân. Muốn xếp cò lớn hơn thì cạnh hình vuông phải dài hơn.

Sông Hương gật đầu lia lịa. Cô hiểu khái niệm hình vuông qua cách Thùy xé giấy báo. Rồi Thùy bắt đầu chỉ từng bước một. Miệng nói, tay làm, Thùy đúng là một bản sao của người hướng dẫn viên trong chương trình "Khéo tay hay làm" của đài truyền hình. Chỉ mất khoảng mười phút, con cò giấy đầu tiên của Sông Hương hình thành. Cô mừng rỡ nói:

- Tui làm được rồi nì. Đẹp không? Cho tui con cò ni luôn hỉ?

Thùy vui vẻ đồng ý ngay:

- Chị lấy đi. Chị thích con cò nào cứ việc lấy thoải mái.

Sông Hương giải thích:

- Tui vừa nảy ra ý định như ri. Bất cứ ai tới hàng quán của me tui mua đồ, sẽ được tặng một con cò giấy đem về nhà chơi. Các bạn thấy được không?

Chậu reo lên:

- A, một hình thức khuyến mãi. Bà con ơi, cách đây một trăm năm cũng biết khuyến mãi nghen!

Trong lúc Sông Hương thiệt tình gom thêm vài con cò giấy mà Thùy đã làm trước đó thì Phan nghĩ một lát và can thiệp:

- Không được. Sông Hương không thể đem mấy con cò này về nhà được.

Châu và Thùy ngạc nhiên ,cùng hỏi một lượt:

-Tại sao?

Phan giải thích:

- Mọi người nhìn đi. Đây là báo của thời hiện tại. Nè, tin tức nào cũng đăng ngày tháng rõ ràng.

Cậu giựt lấy một con cò trên tay Sông Hương và đọc to lên mẩu tin:
"Theo các hãng tin nước ngoài, ngày mười tháng sáu năm hai ngàn lẻ một, tổng thống Mỹ đã viếng thăm các nước...". Như vậy không được. Ít nhất thì nhà nào cũng sẽ treo vài con cò giấy, họ sẽ tò mò đọc coi đây là cái gì, họ sẽ biết những tờ giấy này là báo của thời tương lai. Lúc đó, thảm họa sẽ xảy ra, khó mà lường nổi.
Châu và Thùy im lặng, công nhận đúng. Sông Hương ngần ngừ rồi buồn bã đặt những con cò giấy xuống sàn. Chợt Thùy reo:

- Không sao. Vẫn còn một cách giải quyết. Trên kệ sách của em còn nhiều giấy thủ công lắm. Hồi đó em mua rất nhiều giấy thủ công và giấy in bông để dán tường, nhưng ba mẹ không cho. Em quăng một sấp ở đó. Em sẽ lấy cho chị Sông Hương. Chờ em một chút nghe.

Phan và Châu vỗ tay hoan hô khi Thùy đúng lên, lao nhanh ra cửa.

Vài phút sau, Thùy xuất hiện, thở hổn hển. Trên tay Thùy là mớ giấy thủ công lẫn giấy in bông nặng trịch. Cô cười tươi và quặng phịch chồng giấy xuống sàn. Sông Hương tròn mắt trầm trồ:

- Ui chao, giấy chi mà đẹp rứa. Bầy cò của tui sẽ đẹp lắm. Tui e cò thiệt cũng không đẹp bằng.

Bốn bạn trẻ cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ chăm chỉ lao động. Phan và Châu phụ xỏ sợi chỉ vào đầu từng con cò, để Thùy và Sông Hương tập xếp giấy cho quen tay. Con cò của Sông Hương có đủ màu: đỏ, vàng, xanh dương, xanh lá cây, tím, nâu, hồng, cam... Cô sung sướng ve vuốt những con cò giấy và hớn hở nói với ba bạn trẻ:

- Quán của me tui sẽ khuyến mãi những con cò giấy ni cho bất cứ ai tới mua hàng. Nhưng khuyến mãi là cái chi?

Châu giải thích:

- Khuyến là khuyến khích. Mãi là mua. Chiêu thức "mua một món hàng, tặng một đồ chơi" tức là mình khuyến khích khách hàng tới mua hàng hóa của mình. Sông Hương hiểu không?

Cô gái gật đầu:

- Tui hiểu rồi. "Mua một món hàng, tặng một đồ chơi" tức là khuyến khích các ôn các mệ tới mua hàng hóa của mình.

Phan đề nghị:

- Tụi mình qua bển, giúp Sông Hương treo bầy cò giấy trong quán, làm sao cho thiệt bắt mắt, làm sao để khách hàng tới một lần là muốn tới nữa.

Sông Hương đan hai tay vào nhau, vẻ mặt cảm kích:

- Ôi, các bạn tốt với tui quá. Cảm ơn các bạn nhiều hỉ.

Thế là bốn bạn trẻ hốt hết mớ cò giấy thành phẩm, cho vô bịch xốp bự để mang qua bên kia chiếc gương.

Phan căn dặn Sông Hương:

- Nói nghe nè. Để phòng hờ mọi hớ hênh có thể xảy ra, mỗi lần bạn muốn xếp thêm lũ có giấy, bạn chịu khó chui qua gác xép của tụi mình hen? Đây là giấy thủ công, đây là giấy bông, đây là cuộn chỉ trắng, bạn muốn xài giấy nào thì xài. Nhưng bạn hứa là giữ kỹ bí mật. Nếu không chiếc gương thời gian sẽ gặp nguy đó.

Sông Hương trịnh trọng hứa với ba anh em, rằng cô sẽ giữ kín bí mật hoàn toàn. Rồi bốn bạn trẻ đập tay vào nhau, và lần lượt chui qua chiếc gương để trở về thời của một trăm năm trước.

Bà mẹ của Sông Hương tỏ ra hết sức kinh ngạc trước những con cò giấy nhiều màu sắc rực rỡ đấy ấn tượng này. Bà và cô con gái đứng trố mắt nhìn Phan, Châu, Thùy khéo léo xỏ sợi chỉ trắng cho lũ cò, rồi treo chúng đung đưa trên dây thép.

Gian quán của mẹ Sông Hương giờ đây sáng hẳn lên.

Phan chỉ Sông Hương và bà mẹ cách giựt nhẹ đầu sợi chỉ để lấy con có giấy xuống thật dễ dàng. Hai má con dượt đi dượt lại mấy lần thuần thục, mới yên tâm.

Nhìn đàn cò giấy sống động trong căn phò nhỏ, Sông Hương xúc động nói với bà mẹ:

- Me ơi, các bạn còn cho con giấy đẹp, rồi con xếp con cò ni. Các bạn còn tốt quá, phải không me?

Bà mẹ Sông Hương mỉm cười nhìn Phan, Châu, Thùy:

- Ừ. Các cháu tốt với con gái tui quá. Tui cảm ơn nhiều hỉ.

Ba bạn trẻ đồng thanh:

- Dạ, không có gì đâu.

Bốn bạn trẻ kéo nhau ra sân trước nhà Sông Hương nói chuyện. Họ đứng dưới bóng mát cũ thiên bách, cách khối bê tông hình vuông vài thực và quan sát thái độ của những người tới đây mua hàng.

Người nào ra khỏi cửa cũng cười toe toét, tay cầm sợi chỉ treo toòng teng một con cò giấy. Họ vừa đi vừa giơ con cò lên cao để ngắm nghía. Rồi họ khoe om sòm với những người khác đi trên đường.
Châu nói:

- Từ bây giờ đến tối, coi bộ mẹ Sông Hương sẽ cho khách hàng hết mớ cò giấy đó quá. Tụi mình phải phụ bạn ấy xếp thêm mới được.

Sông Hương nhìn Châu:

- Không, tui không muốn làm phiền các bạn mô. Một mình tui làm được rồi. Tui sẽ làm những con cò nhỏ hơn để khỏi tốn giấy của các bạn.

Thùy phản đối:

- Làm cò nhỏ hơn sẽ không đẹp đâu. Nè, cứ một tờ giấy thủ công lớn thì tụi minh xếp được mười hai con cò. Hai tờ giấy thủ công lớn thi tụi mình xếp được hai mươi bốn con cò. Dư sức khuyến mãi mà.
Sông Hương lúng túng:

- Nhung hai tờ thủ công lớn thì mất hết của các bạn bao nhiêu tiền?

Thùy nhoẻn miệng cười:

- Một tờ năm trăm. Hai tờ một ngàn. Anh Châu bao được mà.

Châu cũng cười cười:

- Sông Hương đừng lo lắng chuyện giấy. Mình sẽ tặng bạn mỗi ngày hai tờ giấy. Và chỉ hai tờ mà thôi nghen. Nếu phát sinh thêm, cậu Phan sẽ ứng ra.

Phan gật đầu và bốn bạn trẻ lại đập tay vào nhau, cười thật giòn giã.

Lúc đứng trước gương để chia tay, Sông Hương nói:

- Túi ni(*) tui sẽ chui qua bên tê để xếp thêm cò giấy. Các bạn cứ để mặc tui ngồi làm việc một mình cũng được. Nhưng các bạn nhớ bật đèn sáng giùm tui hỉ.

(*) tối nay

Thùy hứa:

- Nếu rảnh, em sẽ xếp một mớ và để sẵn bên đó cho chị.

Châu thì nói:

- Chúc mẹ bạn buôn may bán đắt.

Phan chỉ mỉm cười nhìn Sông Hương, giơ hai ngón tay hình chữ V lên, rồi quay người chui qua chiếc gương và biến mất trưóc đôi mắt mở to ngơ ngác của cô gái.

Sông Hương cũng bắt chước giơ hai ngón tay lên trước mặt. Cô nhìn chữ V chằm chằm ,miệng lẩm bẩm:

- Nghĩa là chi rứa?

----------------------------------------------
Mấy bữa nay mình dò lại truyện mới phát hiện bị thiếu mất một chương, cái bạn thông cảm hỉ 😂, bạn nào thấy có lỗi chính tả nhớ báo lại giúp mình nhe ❤

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro