Chương 34

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tối nào Sông Hương cũng đóng kín cánh cửa trên gác xép trước khi ngủ, nên mẹ cô không biết rằng tối hôm đó, cô thức tới gần nửa đêm để xếp cò giấy.

Khi Sông Hương chui qua chiếc gương thời gian, gác xép của Nhà nghỉ Thiên Nhiên đã sáng choang ánh đèn điện từ lúc nào. Cô ngồi xếp bằng trên sàn gỗ miệt mài xếp từng con cò giấy xinh xắn với đủ màu sắc khác nhau...

Sở dĩ giấy thủ công có nhiều màu, vì Thùy chu đáo dùng kéo cắt các tờ giấy lớn ra thành mười hai miếng nhỏ, rồi trộn lẫn các màu sắc với nhau. Sau đó Thùy xếp hai mươi bốn miếng giấy đủ màu vào thành một chồng. Mỗi ngày Sông Hương chỉ cần sử dụng một chồng giấy xếp sẵn mà thôi. Thiếu thì tính sau.

Sông Hương canh đồng hồ. Cô bắt đầu xếp con cò thứ nhất từ chín giờ tối, tới mười một giờ hai mươi thì cô hoàn thành con cò giấy cuối cùng. Lâu ghê đi nờ. Hy vọng tối mai Thùy sẽ rảnh và Thùy sẽ đi lên gác xép, xếp trước giùm cho Sông Hương năm bảy con cò. Phần còn lại cô sẽ lo liệu sau và cô sẽ được đi ngủ sớm.

Sông Hương che miệng ngáp. Rồi cô nhẹ tay hốt đám cò giấy cho vào trong bao xốp. Cô nhìn quanh căn gác xép, bụng rất muốn tắt đi ngọn đèn điện sáng choang trên đầu, nhưng không biết phải làm sau. Sáng hôm sau, nếu gặp Phan, cô sẽ nhờ Phan chỉ cho cách tắt đèn mới được. Yên bụng rồi, cô chui qua chiếc gương thời gian để trở về căn gác xép cũ kỹ của cô. Ngáp thêm một cái nữa, Sông Hương thổi nhẹ cây đèn dầu rồi khẽ khàng lên giường nằm. Mắt cô ríu lại và cô chìm vào giấc ngủ thật nhanh.

Sáng hôm sau, tới khi hai mẹ con Sông Hương bắc ghế treo những con cò giấy mới lên sợi dây thép, họ mới biết quán của họ bị mất một con cò đỏ. Sông Hương hỏi:

- Me ơi, răng có một khúc chỉ trắng còn dính vô sợi dây thép rứa? Me giựt chỉ không đúng cách à?

Bà mẹ ngạc nhiên:

- Mô có. Túi qua, trước khi con Mừng đóng cửa, me con chộ con cò đỏ treo ở chỗ nớ. Mắt me thấy rõ mà.

Sông Hương hoảng hốt nhìn ra ngoài cửa:

- Me ơi, có khi mô ăn trộm vô nhà mình khng me?

Bà mẹ nhìn quanh quất như kiểm lại số hàng hóa ở trong nhà rồi trả lời:

- Đồ đạc thì không mất thứ chi. Nhưng để me hỏi con Mừng. Ơi Mừng ơi!

Tiếng chị Mừng ''dạ'' thiệt to từ sau bếp vọng lên nhà trên. Chị đang quét sân sau, tiếng cây chổi cột bằng cành tre khô miết mạnh trên đất nghe xoèn xoẹt.

Bà mẹ lớn tiếng:

- Mi lên trên ni, tau muốn hỏi mi một chuyện.

Vừa thấy mặt chị Mừng, Sông Hương méc ngay:

- Chị Mừng, túi qua nhà mình có ăn trộm vô. Hắn lấy một con cò giấy đỏ. Chị Mừng nhìn tề. Khúc chỉ trắng bị đứt còn đó tề.

Bà mẹ nói tiếp:

- Túi qua mi có nhớ đóng cửa không?

Chị Mừng gật đầu:

-Dạ có. Con cũng khép cửa lại như mọi khi. Nếu thầy có về khuya thì...

Bà mẹ thở ra:

- Từ hôm ni, tau phải dặn thầy mi đừng đi chơi khuya nữa. Cửa chỉ khép hờ thì không an toàn, phải móc thêm một cái then qua. chắc mấy đứa con nít chớ không phải ăn trộm đâu.

Sông Hương giựt nhẹ sợi chỉ đứt để lấy nó đi:

- Con cũng nghĩ như me. Chắt là con nít. Nhưng mới chút xíu tuổi đã đi ăn cắp thì không tốt rồi, phải không me?

- Ừ.

Chị Mừng đứng phụ hai mẹ con Sông Hương cột những con cò giấy lên sợi dây thép, sau đó chị trở ra quét sân tiếp.

Mọi chuyện lắng xuống cho tới khi chị Mừng đi chợ về. Thả cái rổ rau xuống đất, chị Mừng quính quíu đi nhanh lên nhà trên:

- Thưa cô, ở ngoài chợ, con biết được một tin ni rất dễ sợ. Quán tạp hóa ở làng bên cũng có những con cò giấy hệt như của nhà ta! Họ cũng tặng cho mỗi khách hàng một con cò giấy như nhà ta! Thưa cô, con nghi quá, chắc là túi qua họ...

Bà mẹ Sông Hương ngắt lời:

- Mừng, mi không được nghi ẩu. Không biết chính xác thì đừng có nghi ngờ người khác mà tội nặng đó.

Sông Hương hỏi:

- Chị Mừng có chộ mấy con cò giấy đó không?

Chị Mừng quả quyết:

- Có chớ. Chị mượn họ một con, coi kỹ lắm. Cò giấy của hắn không có màu sắc đẹp đẽ như cò giấy nhà ta. Cò giấy của hắn bằng giấy vở tập viết. Lem luốc lắm. Nhưng cách xếp giấy thì giống y hệt.

Sông hương nhíu mày:

- Để từ từ con hỏi ý kiến các bạn con cái đã. Cũng không có chi gấp. Cò giấy nhà mình vẫn đẹp mã hơn, me không sợ mât khách đâu.

Ăn sáng xong, Phan, Châu và Thùy chui qua chiếc gương thời gian để gặp Sông Hương, hỏi thăm tình hình buôn bán của bà mẹ cô gái sau khi thực hiện chương trình "khuyến mãi cho khách hàng thân thương". Sông Hương vui vẻ khoe rằng số người tới mua tăng lên rõ rệt. Nhưng rồi nét mặt cô nhuốm vẻ băn khoăn:

- Có một chuyện ni rất khó hiểu, tui cần nhờ ba bạn giúp đỡ.

Ba bạn trẻ sốt sắng nhận lời giúp ngay.

Sau khi nghe Sông Hương kể lể mọi chi tiết về vụ mất một con cò giấy đỏ, tiếp theo là vụ cái tạp hóa làng bên tung ra chiêu bài khuyến mãi cò giấy y hệt, Châu buột miệng nói ngay:

- Hay quá, cách đây một trăm năm mà cũng có" gián điệp kinh tế" ta ơi!

Sông Hương thắc mắc:

- Gián điệp kinh tế là chi?

Châu cố gắng giải thích một cách đơn giản:

- Là người của quán này tìm cáchănhững bí mật của quán kia. Theo mình,phpháp điều tra tối ưu là tiếp cận đối tượng.

Thùy vội giải thích cho Sông Hương hiểu ý của Châu:

Tụi em phải qua làng bên, tới cái quán đó, để tìm hiểu coi kẻ nào có thể là kẻ tình nghi.

Sông Hương đòi đi theo. Thùy cản:

- Không được. Nhìn chị là biết ngay chị người Huế. Bể mánh hết. Tụi em mặc đồ đen, y vọng họ tưởng tụi em từ làng khác tới.

Quả thật, ngẫu nhiên sáng nay Phan, Châu, Thùy đều mặc áo thun và quần jean sẫm màu. Nhờ vậy mà trên quãng đường từ nhà Sông Hương qua tuốt làng bên kia, gần cả cây số, không một ai để ý tới ba người bạn trẻ.

Bước vòng qua quán, ba bạn trẻ kín đáo dò xét. Quán xá gì mà không dám mở cửa sổ, khung cảnh tối tăm và ngột ngạt. Bà chủ trạc bốn mươi, tóc bới, mặc đồ bà ba đen, phụ trách chuyên cân, đong, đo, đếm. Ông chủ già hơn, mái tóc bạc được cắt ngắn gọn ghẽ, nét mặt khắc khổ. Ông ta phụ trách chuyện phát ra những con cò giấy.

Lũ cò giấy được chất một đống trên cái bàn gỗ. Số cò này nhiều gấp đôi số cò Sông Hương xếp mỗi ngày.

Một người phu kèo nài:

- Tui mua tới mười lăm xu, sao cho tui có một con cò dzậy? Hàng xóm tui mua mười sáu xu,nhiều hơn tui một xu, được ông cho hai con lận!

Ông chủ đưa thêm một con cò:

- Muốn hai con thì tui cho hai con. Nè!

Phan tới gần, hỏi mua vài cây đèn cầy. Bà chủ lấy ra bốn cây nhỏ xíu như đèn cầy chơi Trung Thu, nói:

- Ba xu cả thảy.

Phan moi trong túi ra ba xu- theo đúng bài bản của Sông Hương - đưa cho bà chủ và nhận được một con cò giấy. Ba bạn trẻ "ồ" lên, chụm đầu lại, trố mắt nhìn nó như nhìn người ngoài hành tinh. Họ trầm trồ bàn tán và tiện thể thì ngước lên hỏi ông chủ quán:

- Ai mà giỏi giang quá dzậy bác? Tụi tui đi học ở trường huyện mà chưa hề thấy món đồ chơi nào tinh xảo như nó.

Ông Mười Tân được dịp khoe ngay:

- Thằng con trai của tao xếp giấy đó. Nó bằng tuổi tụi mày, nhưng khéo tay lắm. Nó chỉ học chữ quốc ngữ của mấy ông Tú trong làng, mà nó sáng trí lắm.

Thùy cất giọng ngây thơ:

- Ảnh học cách xếp giấy nơi mấy ông Tú hả bã? Ông Tú nào dzậy? Con muốn xin theo học với được hôn bác?

Ông Mười Tân trề môi dài thậm thượt, hăng máu lên:

- Ông Tú nào mà biết xếp món đồ chơi cách tân như dzầy? Hổng có ông Tú nào hết! Nó bắt chước theo mẫu con cò giấy của mụ Huế ở làng bên đó. Nó mượn mẫu của bà bán hột é. Nó ngó sơ qua là biết làm liền. Nó thức một đêm, ngồi tại đây nè, tháo ra tháo dzô là làm được ngay. Tao đố tụi mày dám tháo con cò này ra?

Châu lè lưỡi:

- Í, ai ngu? Lỡ tháo ra, hư mất tiêu con cò rồi sao? Thôi, uổng lắm.

Có thêm vài người bước vào mua đồ, ba bạn trẻ đành cáo lui.

Ra ngoài, đi được một quãng, Thùy nói:

- Em tin chắc thằng con trai ổng là đứa ăn cắp con cò màu đỏ. Động cơ cạnh tranh quá mạnh mẽ. Tối hôm qua, hắn lẻn vô nhà chị Sông Hương lấy con cò. Về nhà, ngay trong đêm đó, hắn nghiêng cứu cách xếp con cò. Và sáng nay, hắn tung những con cò đó ra.

Phan nói tiếp:

- Đúng. Các thời điểm trong vụ này rất lô-gích. Chiều hôm qua, quán của mẹ Sông Hương khuyến mãi cò giấy. Tối hôm qua, mất một con cò giấy. Sáng nay, quán của đối thủ khuyến mãi cò giấy giống y hệt. Họ ra tay quá lẹ. Không để thời gian trống.

Châu đề nghị:

- Chúng ta quay lại theo dõi thằng con trai ổng đi.

Thùy nói:

- Khoan, đợi em chút.

Cô tạt vào một hàng nước xập xệ bên hàng rào thưa, xìa ra một xu tiền mua me và hỏi gì gì đó. Bà già bán nước trả lời một hơi. Thùy toét miệng cười và cầm mấy trái me, bước về phía Phan và Châu đang đứng chờ.

Thấy cái nhướng mắt dò hỏi của Phan và Châu, Thùy nói:

- Y chóc. Chính hắn chớ không ai khác. Hắn tên Hiếu. Bà bán nước hột é đâu có cho hắn mượn. Của cháu nội bả mà. Vậy con cò nào mà hắn tháo ra tháo dzô suốt đêm? Hắn đi lấy cắp chớ ở đâu ra?

Châu lên kế hoạch:

- Tụi mình đánh phủ đầu hắn đi. Hắn không dám chai mặt chối tội đâu.

Ba bạn trẻ đập tay vào nhau, nhất trí với ý kiến của Châu.

Trong lúc canh chừng tên Hiếu, họ lột me ăn thử và thấy loại me dốt này ngon cực kỳ. Lớp cơm bột màu trắng đục có vị chua chua ngọt ngọt. Phan ngậm từng đốt me trong miệng, nhằn nhằn lớp cơm bột và ăn ngon lành. Thùy tiện tay nhét vào túi áo sơ mi của Phan, biểu để dành cho Sông Hương.

Ba bạn trẻ đứng chờ khoảng nửa tiếng thì thấy một cậu trai trạc tuổi họ, đi ra khỏi nhà bằng cửa sau. Hiếu đó. Họ bấm nhau đi theo. Hiếu hơi nhỏ con, thấp hơn Châu vài phân và da ngăm ngăm đen. Cái áo bà ba hai túi và hai cái quần tiều lửng ngang đầu gối làm cậu ta nhỏ hơn tuổi của mình. Hiếu te te tới chỗ một đám thiếu niên khoảng mười ba tới mười lăm đang chơi đánh đáo ở một bãi đất trống. Vừa đi, cậu ta vừa vặn vẹo bàn tay, bẻ mấy ngón tay cho đỡ mỏi.

Phan tăng tốc, cậu đuổi kịp hắn và gọi to:

- Hiếu! Hiếu!

Hắn giựt mình quay lại, nét mặt ngạc nhiên nhìn ba thiếu niên lạ mặt. Phan lạnh lùng nói tiếp:

- Tụi tao muốn nói chuyện với mày.

Châu áp tới, khoác lấy khuỷu tay hắn, chơi trò bắt cóc trên tivi:

- Lại đây, tụi mình nói chuyện.

Thế là Hiếu bị kẹp giữa ba thiếu niên lạ mặt, nhưng chẳng một ai để ý tới điều này. Đứng dưới một cây thị râm mát và sai trái, Phan đánh phủ đầu:

- Mày cất con cò đỏ ở đâu?

Hiếu tái mặt:

- Tao... tao đâu có cất cái gì ...

Phan nghiêm giọng:

- Tụi tao nhìn thấy hết. Mày có biết tụi tao cũng đã nhắm con cò đỏ đó không? Mày ra tay sớm hơn tụi tao một bước. Thôi dzậy cũng được đi. Nhưng bây giờ mày biết làm rồi, thì trả con cò đỏ đí cho tụi tao. Giữ nó riết để làm gì hả?

Hiếu hoảng hốt:

- Tao..

Châu xen vào, khuôn mặt rất ngầu:

- Nếu mày không đem ra đây, tao sẽ nói với đám bạn của mày biết, tối qua mày tới nhà mụ Huế ăn cắp một con cò đỏ. Mã tà sẽ lục soát nhà mày. Lúc đó thì đừng hòng chối.

Hiếu mếu máo;

- Tao giấu nó đằng sau nhà. Để tao dìa lấy cho tụi mày.

Phan khoanh tay:

- Dìa lấy đi. Tụi tao đứng đây đợi Nè, đừng để cho tía mày dính vô chuyện này nghen? Hổng có lợi cho ổng đâu.

Hiếu chạy đi. Vài phút sau, cậu ta chạy lại, moi con cò giấy màu đỏ từ nơi lưng quần ra, đưa cho Phan. Cậu vỗ vai hắn:

- Tụi tao bỏ qua hết cho mày. Đừng lo. Và nhớ kỹ nghen, giang sơn nào, anh hùng nấy. Quán chạp phô của má tao hổng cướp khách hàng của tía mày đâu.

Ba bạn trẻ hùng dũng nện mạnh chân, bước đi, để lại mình Hiếu ngơ ngác nhìn theo. Cậu ta không biết ba thiếu niên kia là loại người nào, sao có vẻ ngang tàng quá. Chắc là con cái của ông chánh ông lý nào đó. Tốt nhất là đừng dây vô họ. Có ngày bị đám mã tà đánh tét đít.

Hiếu thở một hơi thật dài, lầm lũi bỏ đi.

Thùy đưa trả Sông Hương con cò màu đỏ bị đứt dây chỉ, cô gái mừng rỡ, ánh mắt lộ vẻ khâm phục hoàn toàn:

- A, trời ơi, răng các bạn hay rứa? Người mô lẻn vào nhà tui mà ăn cắp nó rứa?

Châu thử lòng Sông Hương:

- Con trai ông chủ quán đó chớ ai? Hắn thú nhận tội lỗi rồi. Mã tà đang giam hắn ở trong nhà tù, sắp sửa trừng phạt hắn đó.

Sông Hương kêu lên :

- Bạn nói chi?

Cô gái đưa bàn tay che miệng, nét mặt hoảng hốt xen lẫn đau khổ:

- Không, đừng làm rứa. Tội hắn lắm. Để tui tới nhà tù, xin các chú mã tà tha cho hắn. Tui sẽ nói là tui cho hắn, tui tặng hắn, chớ không phải hắn ăn cắp của nhà tui mô.

Thùy liếc Châu một cái sắc lẻm:

- Anh này kì quá! Chọc ghẹo người ta nghe dzô dziên(*) hết sức!

(*) Vô duyên

Rồi Thùy quay qua an ủi Sông Hương:

- Chị đừng nghe lời anh Châu. Ảnh chọc chị đó. Tụi em chỉ đòi lại con cò thôi, chớ có làm gì hắn đâu. Nhìn hắn sợ thất kinh là tụi em thấy tội nghiệp rồi.

Phan nói thêm vào:

- Chỉ là cạnh tranh buôn bán, chớ không có ác ý đâu.

Ánh mắt Thùy chợt sáng lên:

- Mà nè, tụi mình hết độc quyền những con cò này rồi. Bây giờ tụi mình nghiêng cứu loại hàng khác đi. Chị Sông Hương ,qua bên tụi em, tụi em sẽ bày cho chị xếp một con vật khác. Chịu hông?

Sông Hương mỉm cười:

- Chịu.

Mười phút sau, bốn bạn trẻ có mặt trên gác xép của Nhà Nghỉ Thiên Nhiên. Thùy mở cuốn ORIGAMI tập ba ra, chỉ vào hình con hải cẩu và nói to:

- Em chọn con này. Nó có hình dáng tương đối giống con rái cá, cũng hay đó chớ?

Sông Hương đồng ý ngay:

- Nó dễ thương lắm. Tui cũng thích con rái cá nữa.

Thùy hăng hái phân công:

- Vậy chúng ta xếp giấy liền bây giờ hén. Lúc nào cũng phải đi trước thời đại, đó là bản lĩnh của con người hiện nay! Anh Phan và anh Châu chuẩn bị chỉ trắng, chuẩn bị kéo, cắt giấy thủ công ra.

Châu vội vàng chỉ vào tấm hình số 1:

- Đâu cần cắt giấy thủ công nữa? Nhìn nè. Cỡ giấy của nó cũng bằng cỡ giấy con cò. Thôi cứ lấy mớ giấy của con cò làm cho hết đi!

Thùy cười cười:

- Ý kiến của lão hà tiện thì lúc nào cũng hay.

Sông Hương binh vực Châu ngay:

- Bạn Châu nói đúng. Để mớ giấy ni dư làm chi? Phí lắm. Chứ tui thích xếp con rái cá hơn là con cò.

Phan, Châu và Sông Hương ngoan ngoãn thực hành từng nếp gấp một, theo sự chỉ dẫn tận tình của Thùy. Những con rái cá - nguồn sống của người dân cách đây một trăm năm - hiện ra thành hình dạng. Cũng chất giấy thủ công đó, cũng các màu sắc đó, nhưng phiên bản con rái cá hình như sống động hơn, thân thương hơn. Phan và Châu phải công nhận như vậy.

Xếp xong hai lượt giấy, tổng cộng là tám con rái cá, Thùy nói:

- Tụi mình tạm ngưng được rồi. Tám con rái cá này là để thăm dò thị trường thôi. Trong quán mẹ chị Sông Hương vẫn còn hơn hai chục con cò bay lả bay la kia mà. Nếu khách hàng đòi lấy con rái cá nhiều hơn, tụi mình sẽ xếp thêm.

Vì Phan, Châu và Thùy có việc cần phải phụ với dì Ngọc ở dưới nhà, họ không thể theo Sông Hương trở về quá khứ được . Cô gái cầm tám con rái cá giấy chui qua chiếc gương thời gian một mình.

Cô ngước khuôn mặt tươi tắn lên, cười chào tạm biệt ba bạn trẻ rồi biến mất. Mặt gương lung linh như gợn sóng.

Cánh cửa thời gian khép lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro