Chương 45

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tất nhiên Châu và Thùy nghe được những tiếng còi khẩn thiết kêu gọi tiếp cứu đó. Không khí yên ắng quá mà. Tiếng còi như xé rách bầu trời mà dội tới tại hai anh em, đang đứng chờ đợi bên bờ suối. Châu ngơ ngác lắng tai nghe:

- Suỵt, cái tiếng gì quen quen quá.

Thùy lẩm bẩm:

- Cái tiếng gì... giống tiếng còi tu huýt... còi tu huýt...

Hai anh em nhìn nhau, cùng nói một lượt:

- Cái còi tu huýt của Sông Hương. Họ gặp chuyện rắc rối rồi. Nhanh lên.

Châu phóng về phía trước, hét to:

- Sông Hương! Phan! Tụi mình tới cứu đây!

Thùy chạy theo Châu, hét to cũng không kém:

- Tụi em tới đây! Hai người đang ở đâu? Tiếp tục thổi còi nữa đi!

Toe. Toe. Toe. Toe.

Châu và Thùy vừa chạy vừa đoán hướng tiếng còi. Họ sợ chưa tìm ra chỗ của Phan mà tiếng còi tắt
ngúm rồi thì cũng đành bó tay. Nhưng rất may là tiếng còi đều đặn vang lên, khi to khi nhỏ, khi mạnh khi yếu, nhưng hình như người thổi còi không hề biết mệt mỏi, cứ thổi không ngừng. Tiếng còi càng lúc càng gần. Có lẽ họ sắp tới chỗ Phan và Sông Hương rồi. Châu tranh thủ giữa phần lặng của hai hồi còi, gào lớn:

- Phan! Sông Hương! Tụi mình tới cứu đây!

Thùy vừa thở vừa nối lời liền:

- Tụi em đang tới đây! Anh Phan!  Chị Sông Hương!

Tiếng còi im bặt, rồi có tiếng Phan văng vẳng đáp lại:

- Châu ơi! Thùy ơi! Cứu mình với!

Thùy xanh mặt, giọng cô run rẩy hẳn:

- Vậy là anh Phan gặp chuyện. Chớ không phải chị Sông Hương. Cầu trời anh ấy không sao hết.

Nhanh đi anh Châu ơi!

Từ xa, họ thấy Sông Hương đúng vẫy vẫy tay liên hồi. Cô không thổi còi nữa - có lẽ là hết hơi rồi.

Sau đó, Sông Hương chạy tới đón họ. Thùy hỏi ngay:

- Anh Phan đâu? Ảnh bị gì vậy?

Sông Hương chỉ về phía cái bẫy của thợ săn:

- Phan rớt xuống cái bẫy nớ.

Bây giờ thì Châu và Thùy mới để ý thấy cái đầu Phan nhô lên khỏi miệng hố. Phan giơ tay lên, vừa
vẫy vừa la to:

- Châu! Cậu tìm cách đưa mình lên khỏi đây, nhanh lên! Dưới này có kiến lửa! Kiến cắn mình đau quá!

Châu đi tới miệng hố, nhìn xuống và nghiên cứu. Thợ săn đào cái hố này để bẫy những con thú dữ, như gấu, beo... Thậm chí hươu, nai rớt xuống cũng khó mà nhảy vọt lên. Cái hố vuông vức, mỗi cạnh khoảng một thuốc rưỡi, chiều sâu của nó ngang cổ Phan. Rớt xuống dưới đó, con thú chỉ biết loay hoay trong cái rọ chật hẹp, chúng không có thế để phóng lên trên mà chạy trốn.

Châu nói với Phan:

- Mình đang suy nghĩ cách cứu cậu có hiệu quả hơn. Kéo cậu lên thì mình không đủ sức, mà hổng
chừng mình lại bị cậu kéo tụt xuống dưới luôn thì nguy to.

Phan sốt ruột:

- Được rồi, cậu suy nghĩ nhanh lên. Kiến lửa cắn ngứa quá.

Châu cố nín cười, cậu ta đảo mắt nhìn quanh, mặt mũi lộ vẻ khẩn trương thật sự. Rồi cậu ta reo lên:

- A, mình thấy rồi. Vật cứu tinh của cậu kia rồi!

Châu chạy tới chỗ những cành cây gãy nằm ngổn ngang trên mặt đất – vì cơn mưa lớn tối hôn trước – lượm lên một cành nhỏ khá dài, nhưng có vẻ vừa dẻo dai vừa chắc chắn. Cậu ta thả cành cây đó xuống hố, tạo một độ nghiêng thích hợp để Phan có thể “bò” theo cành cây, lên trên mặt đất.

Phan bước lên cành cây, hai tay vịn chặt lấy đầu cành, nhún nhún thử mấy cái "rắc.” Cành cây gãy
đôi và Phan loạng choạng nhảy xuống hố để khỏi té.

Thùy kêu lên, giọng trách móc:

- Sao anh lượm cây gì ốm tong ốm teo vậy? Anh lượm cây khác đi.

Sông Hương ghé mắt nhìn kỹ và nói:

- Không phải mô. Cành cây ni dẻo và chắc chắn lắm nợ. Thợ săn hoặc dân làng thường dùng hắn để làm cùng tên, hoặc cây lao nhọn. Nhưng Châu lượm phải cành khô rồi. Cành khô thì rất giòn và dễ gãy. Châu nên lựa cành nào lớp da cây hãy còn xanh một xí.

Nghe lời Sông Hương, Châu bươi bươi trong đám cành lá ngổn ngang, lấy ra một cành khác, na
ná giống cành cũ, nhưng lần này, lớp da cây bị tưa ra hãy còn màu xanh tươi. Châu đưa Sông Hương coi:

- Cành này được không?

Sông Hương gật đầu:

- Được.

Châu bèn thả cành cây xuống hố, độ nghiêng y hệt như lần trước.

Phan cũng nhún nhún thử mấy cái và cố gắng bò nhanh bằng hai chân lẫn hai tay. Khi Phan lên tới miệng hố, Châu chia tay cho Phan nắm rồi cậu ta kéo mạnh Phan một phát. Thế là thoát!

Vụ cứu hộ kẻ bị mắc bẫy thợ săn thành công mỹ mãn. Đợi Phan nói “cảm ơn” xong, Châu quay qua hỏi Sông Hương:

- Bạn nói thợ săn thường chế tạo cung tên hoặc cây lao bằng cành cây này? Vậy bạn nói thử xem cây lao này của ai?

Châu đưa cho Sông Hương xem cây lao mà cậu ta và Thùy lượm được ở bên kia bờ suối. Phan cũng xúm vào xem. Cô gái mân mê hai chữ Q.T. được khắc rất nhỏ nơi đuôi cây lao, giọng nói chợt hạ thấp hơn:

- Thợ săn hoặc dân làng không bao giờ khắc tên của họ lên cây tên hoặc cây lao như ni. Có lần mình thấy một tên lính Pháp bị thương, được cáng ngang nhà mình. Đuôi cây tên thò ra khỏi ngực tên lính.

Mình thấy một cái tên được khắc trên nó.

Phan dò hỏi:

- Vậy chủ nhân cây lao này là một nghĩa quân. Phải không?

Sông Hương buồn bã gật đầu. Ba anh em ngơ ngác nhìn nhau. Phan kết luận:

- Vậy bóng ma rừng là một nghĩa quân.

Sông Hương ngước nhìn Phan:

- Chừ thì tui mới dám chắc chắn như rứa.

Thùy kêu lên khe khẽ:

- Trời ơi, em muốn gặp một nghĩa quân chống Pháp. Một người sống cách đây một trăm năm. Họ ăn mặc có giống như lời miêu tả trong bài thơ “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” không?

Châu nói:

- Về quần áo thì anh không biết, nhưng về tinh thần thì anh nghĩ là giống. Họ yêu nước. Họ muốn được độc lập và tự do. Họ chiến đấu để tiêu diệt bọn thực dân Pháp. Anh có cảm giác bóng ma rừng là một con người như vậy.

Thùy vẫn còn cảm xúc:

- Em không thấy ghét bóng ma rừng nữa. Em mến phục anh ta. Tụi mình phải tìm cho ra chỗ ở
của anh ta. Anh ta không thể sống lẩn lút trong rừng mãi được.

Phan nói bằng giọng ỉu xìu:

- Muốn vậy thì tụi mình phải về nhà để ăn com trưa chớ. Anh đói lắm. Đám kiến lửa nó cắn hết máu của anh rồi. Sau khi no bụng, tụi mình sẽ trở qua đây cùng với một kế hoạch quy mô hơn.

Ai nấy đều đồng ý đề nghị của Phan.

Bốn bạn trẻ nhanh chân về nhà Sông Hương. Và sau khi vội vã nói những lời chia tay, Phan, Châu, Thùy chui qua chiếc gương thời gian để trở về hiện tại. Trên tay Châu vẫn còn cầm theo cây lao vút nhọn của bóng ma rừng. Cậu ta biết mười mươi đó là một hiện vật quý hiếm mà chưa có Viện Bảo Tàng nào có được để trưng bày.

Nơi bàn cơm, ông Đặng săm soi cây lao với nét mặt thích thú. Vài phút sau, ông nói:

- Hiện vật này thực sự vô giá. Thị trường đồ cổ kiếm không ra nó đâu. Mâm vàng chén ngọc thì
hằng hà sa số, nhưng một cây lao của nghĩa quân chống Pháp năm 1903 thì không thể có được. Hèn gì bà Ngọc bả khoái chui qua bển. Bà cũng có tâm trạng hoài cổ đó chớ.

Đắm chìm trong suy nghĩ thêm vài giây nữa, ông Đặng ngước lên nhìn ba đứa con mà ông rất mực yêu thương:

- Rồi tụi con có gặp anh ta không? Có thấy bà Ngọc không?

Thùy vừa gắp một miếng cá chiên vừa trả lời:

- Dịch vụ “tìm người lạc” chưa thành công đầu ba. Tụi con đói bụng quá, về ăn cơm rồi mới lên kế hoạch tiếp theo.

Châu nuốt vội miếng cơm, nói tiếp:

- Tụi con định ăn cơm xong là tụi con đi qua bển liền. Để di Ngọc đói khát lâu ngày cũng tội nghiệp.

Bà Phương góp chuyện:

- Mẹ thắc mắc là tại sao anh ta lại bắc cóc bà Ngọc. Để đòi tiền chuộc hả? Biết con tin này có tiền chuộc không? Hay là anh ta phải nuôi cơm con tin mệt nghỉ?

Phan thận trọng đưa ra lời giải thích theo ý cậu:

- Con cho rằng anh ta bắt dì Ngọc chỉ vì tưởng dì là bọn do thám thôi. Chỗ ở của anh ta rất bí ẩn.

Anh ta sợ dì phát hiện ra chỗ ở của anh ta rồi về báo cáo với sếp Tây. Anh ta sẽ bị bao vây và bị bắt. Tốt nhất là anh ta ra tay trước.

Ông Đặng gật gù:

- Có lý. Nhìn bà Ngọc là thấy ngay một tên do thám chính hiệu.

Bà Phương bật cười:

- Anh này. Trước mặt các con mà anh lại đi nói như vậy.

Ông Đặng vui vẻ nói:

- Thấy sao thì anh nói dzậy hè. Hồi sáng sớm nay, tình cờ “đụng” bà nơi chân cầu thang, anh giựt mình suýt quăng tờ báo mà bỏ chạy. Một cục đen thui lui như cục chả giò bị chiên quá lửa. Biết đâu bóng ma rừng tưởng bà Ngọc là... Tây đen, thì sao?

Cả nhà cười rộ lên. Bà Phương cầm đũa giá giá ông Đặng:

- Em không muốn anh nói xấu bà chị họ “yêu quý” của em nữa.

Ông Đặng nhìn Thùy nháy mắt:

- Tuân chỉ.

Phan sực nhớ ra cục hổ phách mới hái còn nằm trong túi quần, cậu móc ra, đưa cho ông Đặng:

- Ba, con tặng ba.

Ông Đặng huýt sáo một tiếng, cầm lấy cục hổ phách, săm soi:

- Chà, đẹp quá ta. Con hái cho ba hả? Cảm ơn con.

Châu và Thùy cùng ngạc nhiên:

- Ủa, hái hổ phách hồi nào vậy?

Phan giải thích:

- Sông Hương tình cờ nhìn thấy nó nằm trên thân cây, kêu mình hái. Mình nghĩ, đi rừng về mà có món quà nhỏ tặng ba thì cũng hay. Nên mình leo lên hái. Ba nè, ba có thấy mấy đốm đen đen ở trong cục hổ phách không? Một con bọ rùa và hai con bọ cánh cứng đó. Cục hổ phách nào cuốn theo vài con côn trùng thì rất có giá.

Châu chọc ghẹo, nhưng giọng có vẻ mỉa mai:

- Hèn gì. Vì cục hổ phách đó mà cậu bị sụp hố thợ săn phải không? Đáng đời cậu. Không có mình là cậu toi đời luôn, bị thợ săn tới bắt cậu luôn.

Bà Phương hoảng hốt nhìn Phan:

- Con bị sụp bẫy thợ săn hả? Con có sao không? Chân có chảy máu không?

Bà Phương tưởng Phan bị bẫy sắt kẹp nghiến vào bàn chân đó mà. Cậu ngượng nghịu né ánh mắt lo âu của bà Phương, ngó qua chỗ Châu:

- Dạ, không sao. Con chỉ rớt xuống cái hố sâu, khoảng thước rưỡi thôi. Nhờ có Châu, cậu ta đã nghĩ ra một cách rất thông minh để cứu con lên. (Cái mặt Châu nhơn nhơn và cái mũi cậu ta phình lên xẹp xuống thấy ghét hết sức) . Nhưng không phải vì cục hổ phách, mà vì con mải mê đi theo dấu chân người. Con không thận trọng khi dẫm lên mớ lá rừng khô che sơ sài trên miệng hố.

Thùy búng tay cái tróc:

- Vậy là anh mắc bẫy bóng ma rừng rồi đó. Anh ta dụ anh đi theo dấu chân giả đó. Chỗ ở của anh ta không phải bên này suối, mà là bên kia suối. Anh Châu lượm được cây lao ở bên kia suối. Anh Châu đòi đi thám thính một mình nhưng em cản lại, tới đó thì tụi em nghe tiếng còi kêu cứu của chị Sông Hương.

Phan đồng tình:

- Vậy một lát tụi mình càn quét toàn bộ khu rừng bên kia suối. Biết đâu sẽ gặp hắn? Theo lời cha Sông Hương thì khu rừng bên này chẳng có dấu vết nào khả nghi đâu.

Châu hăng hái nhìn Phan và Thùy:

- Vậy là mình đoán đúng rồi. Chắc chắn bóng ma rừng đang giam giữ dì Ngọc ở bên kia suối. Mà nè, hội nữa tụi mình kết hợp một công đôi ba việc luôn. Tức là vừa tìm kiếm dì Ngọc cho mẹ, vừa tìm kiếm hổ phách cho ba. Đồng ý không nè?

- Đồng ý.

Cơm nước xong xuôi, Thùy được miễn công việc rửa chén. Ba anh em hội ý nhau, có cần phải đem
theo thiết bị hiện đại nào nữa không. Thùy nói:

- Em thấy mình không cần mang theo đèn pin nữa, nhưng trên gác xép có cây kèn đồng nằm lăn lóc trong một ngăn tủ. Để em đem cây kèn đồng theo. Gặp thú dữ mà thổi lên một cái, nó cũng phải ngất xỉu.

Châu vỗ đốp đốp lên đầu mấy cái:

- Mình có một cái ống dòm, ba mua cho lâu rồi nhưng còn khá tốt. Chỉ cần có nó thôi cũng đủ. Mình leo lên ngọn cây và đưa ống dòm lên mắt. Khà khà, bóng ma rừng khó thoát khỏi tầm nhìn của mình.

Phan thích thú:

- Cậu có ống dòm thiệt hả? Hay quá. Còn đợi gì mà không chịu đi lấy nó chứ?

Châu nhanh nhẹn chạy ùa về phòng riêng.

- Vài phút sau, ba bạn trẻ đã sẵn sàng cho cuộc chiến đấu bước vào giai đoạn hai. Với cái ống dòm và cây kèn đồng trong tay, họ tin chắc lần này họ sẽ chiến thắng được bóng ma rừng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro