Chương 46

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trưa hôm đó, trong lúc mọi người sốt vó lên vì lo tìm kiếm dì Ngọc thì dì ta đang ngồi ung dung giữa một chòi lá hoang, gặm cánh gà rừng một cách thích thú.

Chòi lá hoang đổ nát đó nằm giữa một khu đầm lầy. Không hiểu sao ở giữa đầm lầy lại mọc lên được chòi lá này. Hay thiệt! Bóng ma rừng chọn nó làm nơi trú ẩn đã mấy tháng nay. Lối ra vào duy nhất là một cây cầu khỉ chênh vênh, nối từ bờ đất vào tới trước cửa chòi. Bước trên cây cầu giống như đi trên cái răng lung lay của bà già chín chục tuổi, hổng biết nó rụng xuống lúc nào. Bây giờ có cho tiền, dì Ngọc cũng không dám bỏ trốn. Lỡ cầu khỉ sập, dì rớt “bụp” xuống đầm lầy là thấy ông bà ông vải luôn.

Bóng ma rừng cũng biết vậy nên anh ta không lo lắng chuyện di Ngọc bỏ trốn. Sau khi đẩy dì Ngọc ngồi xuống tấm phản mục, anh ta chỉ gầm gừ de dọa:

- Ngồi im đó. Đừng la hét uổng công bởi chẳng có ai nghe đâu. Ta không muốn giết người vì cái tội đi làm do thám cho Tây.

Dì Ngọc bực tức, quát to lên:

- Tao nói rồi. Tao không đi do thám do théo gì hết. Tao đi hái hổ phách. Thả tao ra. Để tao đi bán cục hổ phách vừa mới hái được.

Sực nhớ tới cái túi vải, dì Ngọc nhìn quanh và la bai bải bằng cái giọng thất thanh:

- Mày làm mất cái túi vải của tao rồi. Đồ quỷ sứ! Đồ trời đánh! Đồ... ma rừng! Đi kiếm cái túi vải của
tao đem về đây. Ở trong đó có năm cục hổ phách quý của tao. Đền cho tao năm cục hổ phách. Nhanh lên!

Anh ta không nói thêm lời nào, lẳng lặng bước ra khỏi căn lều đổ nát, đi thật nhanh trên cây cầu
khỉ lung lay như một diễn viên xiếc và chuồn êm. Dì Ngọc tất tả đi ra theo, nhưng dừng lại nơi đầu cầu và hét lớn:

- Ê, bóng ma rừng! Nhớ mang cái gì về cho tao ăn! Tao đói lắm rồi!

Nhìn theo bóng dáng rầu rĩ của người thanh niên đang lầm lũi đi vào trong rừng, dì Ngọc chép miệng và thở hắt ra một hơi. Công toi cho cục hố phách mới hái. Tưởng đâu sáng nay dì sẽ kiếm được bộn tiền để ăn xài xả láng, chơi bời thỏa thích, thì gã ôn dịch này bắt cóc dì, đem vô trong vùng đầm lầy hoang vắng, cách thời hiện tại những một trăm năm. Biết kêu cứu làm sao bây giờ? 

Dì Ngọc ngồi phịch xuống tấm phản. Chu choa, tấm phản chao nghiêng qua bên phải như muốn đổ nhào. Dì le lưỡi và gường gượng tì kéo sức mạnh qua bên trái để lấy lại thế cân bằng cho tấm phản. Hú hồn, lỡ tấm phản sụp và cả căn lều sụp luôn xuống đầm lầy là nguy to. Phen này gặp gỡ... hà bá cũng đỡ tủi.

Dì Ngọc nhìn quanh. Chòi lá trống rỗng, không có vách. Tứ bề gió thổi lồng lộng. Ngoài tấm phản mà dì đang ghé nhẹ cặp mông đô vật bên trên, hầu như chẳng còn thứ gì được gọi là đồ đạc. Cái bếp thời nguyên thủy nằm chình ình ngay giữa nền đất. Tro bếp lạnh tanh. Dì Ngọc lắc đầu, nhìn mớ tro bếp xam xám mà đầu óc dì nổi lên những tư tưởng u ám. Chà, cái gã này chắc cả chục ngày nay không
nấu cơm. Vậy trưa nay gã ăn cái gì? Và gã cho mình ăn cái gì? Hay là gã sẽ lấy thịt của... mình làm bữa ăn trưa thịnh soạn của nó?

Ngồi một hồi, gió mát thổi hiu hiu khiến dì Ngọc buồn ngủ. Chẳng thèm phủi bụi đất trên mặt phản, dì thận trọng nằm xuống, duỗi dài hết hai chân hai tay ra cho thoải mái. Đầu óc dì lại nghĩ ngợi lơ mơ. Đồ trời đánh, phải chi nó đừng bắt cóc mình thì giờ này mình có bốn năm cục vàng rồi. Có vàng trong tay, mình sẽ về thành phố vài tháng để “tút” lại cái dung nhan mùa hạ của mình. Sau đó mình sẽ mở quán karaoke, ngay trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Mình sẽ kinh doanh có lời. Mình sẽ là một bà chủ trẻ tuổi và thành đạt...

Và giấc ngủ nhẹ nhàng kéo tới, kéo dì Ngọc chìm vào trong những cảnh tượng tương lai tràn đầy một màu hồng ảo tưởng...

Khi nghe mụ đàn bà tri hô thất thanh rằng mụ ta bị mất cái túi vải, Quyết Thắng biết ngay cái túi bị rơi đâu đó bên bờ suối, nơi anh ta chụp lấy cổ mụ ta và lôi đi qua bên này suối. Phải đi lấy lại cái túi đó, trước khi người khác lượm được. Nếu để kẻ thứ ba lần mò ra chòi lá này, anh sẽ hết đường sống, nói gì đến chuyện chiến đấu để giải thoát đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.

Nghĩ vậy, Quyết Thắng đi nhanh ra khỏi cái chòi, thoăn thoắt băng qua cây cầu khỉ và trở vô trong rừng.

Quyết Thắng là một chàng thanh niên chỉ mới hai mươi tuổi, quê quán ở miền ngoài. Từ khi chàng
cất tiếng khóc chào đời, tình hình đất nước đảo điên.

Vua Tự Đức mất (1883), vua Dục Đức lên ngôi mới được ba ngày, thì hai vị đại thần là Nguyễn Văn
Tường và Tôn Thất Thuyết phế đi. Sau đó, hai ông này đưa em ruột vua Tự Đức lên ngôi, tức là vua Hiệp Hòa.

Bốn tháng sau, vua Hiệp Hòa bị lộng thần giết chết. Trong triều không thể một ngày thiếu vua, các đại thần tốn con nuôi của vua Tự Đức lên ngôi, tức là vua Kiến Phúc. Lúc đó, ngài mới mười lăm tuổi.

Ở ngôi chỉ được một năm thì ngài thọ bịnh nặng mà mất.

Em ruột vua Kiến Phúc được triều đình đưa lên ngai vàng, tức là vua Hàm Nghi. Năm đó ngài mới mười hai tuổi (1884). Một năm sau, ở tuổi mười ba, vua Hàm Nghi xuất bôn để lãnh đạo phong trào chống Pháp, lập căn cứ tại Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Nghĩa quân đi theo ngài rất đông. Khắp mọi miền, cả đàng ngoài lẫn đàng trong, người ta ùn ùn kéo nhau vô Quảng Bình để thần phục dưới chân vua Hàm Nghi, vị vua nhỏ tuổi nhưng đầy khí tiết, thà sống khổ cực trong rừng sâu núi thẳm mà được tự do, còn hạn sống sung sướng trong cung vàng điện ngọc mà phải chịu cúi đầu làm nô lệ.

Ba năm sau (1888), tên phản thần Trương Quang Ngọc lập mưu, bắt được vua Hàm Nghi và giao nạp cho Pháp. Ngài bị người Pháp đưa đi an trí tại Thuận An một thời gian ngắn, sau đó, bị đày sang An-giê-ri.

Căn cứ tan vỡ. Nghĩa quân tan tác như rắn mất đầu. Họ lũ lượt kéo nhau ai về nhà nấy để tiếp tục công việc ruộng nương, tiếp tục sống trong ách đô hộ của thực dân Pháp.

Sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, triều đình tôn anh trai của vua Kiến Phúc và vua Hàm Nghi lên ngôi, tức là vua Đồng Khánh. Tiếc thay, ngài chỉ ở ngôi vỏn vẹn được ba năm, rồi thọ bịnh nặng mà mất vào năm 1888.

Triều thần lại đưa con trai vua Dục Đức lên ngôi, tức là vua Thành Thái (1889). Ngoài mặt ngài tỏ ra thuận thảo với người Pháp, nhưng trong bụng ngài
hoàn toàn bất phục họ. Suốt những năm dài trị vì, ngài cố tình chểnh mảng việc triều chính, ít khi đưa quân đi dẹp phiến loạn theo lệnh của quan toàn quyền Pháp.

Dân chúng nổi loạn khắp nơi. Nghĩa binh tự động hợp lực lại thành từng nhóm, lớn có nhỏ có,
đánh Pháp từng trận lẻ tẻ nhưng cũng gây thiệt hại nhiều cho chúng. Nhiều hội kín mọc lên, với mục đích chống Pháp, giải thoát đất nước khỏi sự nô lệ.

Lúc bấy giờ, Quyết Thắng tròn hai mươi tuổi. Anh ta đã đủ khôn lớn để hiểu được tình thế rối ren
của đất nước. Anh ta gia nhập nghĩa quân, dưới sự lãnh đạo của ông Báo Điền, một nông dân già từng rời bỏ ruộng nương, đi theo vua Hàm Nghi ròng rã ba năm trời.

Cách đây ba bốn tháng, ông Báo Điền bị trúng đạn súng cối của Pháp. Mạng ông còn, nhưng ông bị liệt toàn thân. Gia đình vội vàng đưa ông về quê chạy chữa. Nghĩa quân ráng trụ lại được năm bảy chục người, đánh Pháp thêm dăm ba trận nữa rồi cũng giải tán ai về nhà nấy.

Lòng căm hờn sôi sục, Quyết Thắng đi lang thang cố tìm một minh chủ khác để đầu quân. Bị truy đuổi gắt gao, anh ta lẩn trốn trong rừng, đói khát như một con sói hoang. Sói hoang đói mồi có
thể tấn công người, còn Quyết Thắng đói bụng chỉ biết lén trộm của dân làng miếng cháy cơm nguội hoặc nải chuối xanh chín giú. Cơ cực và tuyệt vọng chỉ khiến anh ta thêm căm thù bọn thực dân Pháp.

Lạc vào khu rừng chồi này, Quyết Thắng cảm thấy yên lòng đôi chút. Vùng này ít có đồn lính Pháp, mà bọn mã tà thì lười biếng chảy thây. Vùng này lại tập trung nhiều phu đồn điền cao su. Nếu cần phải đứng lên để tập hợp họ lại, thuyết phục họ gia nhập nghĩa quân đánh Pháp, chắc chắn anh ta sẽ được một quân số hùng hậu.

Nhưng rồi mùa mưa tới đã làm hỏng mọi tính toán của Quyết Thắng. Kiếm cho được miếng ăn
trong mùa mưa quả là khó khăn! Thú rừng biến đâu mất hết! Cây trái rụng đầy trên nền đất và hôm sau thì nhũn nát cả! Chỗ ở cho bản thân anh ta còn không có, lấy đâu chỗ trú thân cho nghĩa quân?

Buổi sáng hôm đó, trong lúc bắt cá hoài không được con nào, Quyết Thắng lại bị một mụ đàn bà do thám. Dứt khoát phải chặt đuôi cái đám phản bội này, chớ anh ta không để đám lính lê dương kéo vô đây. Sau khi bắt được mụ ta nhốt vào đầm lầy, giờ thì Quyết Thắng phải đi tìm cái túi vải của mụ ta nữa.

Tìm không thấy cái túi vải, Quyết Thắng biết có người đã lượm được nó. Và lát nữa đây, thế nào quân Pháp sẽ kéo tới bao vây. Anh ta nên đề phòng trước là hơn.

Đám cứu viện cho mụ đàn bà do thám chỉ là bốn đứa nhóc trạc mười lăm tuổi. Hừ, mới nứt mắt đã đi làm cho Tây rồi. Anh ta bực bội nghĩ bụng như vậy.

Tại sao chúng không phát huy tinh thần bất khuất của vua Hàm Nghi mà tham gia đánh Pháp? Có phải bơ béo, sữa ngọt đã làm mờ mắt chúng không? Có phải bánh mì trắng đã làm chúng quên mất chúng là ai? Cần phải cho chúng một bài học nhỏ để chúng nhớ đời.

Và Quyết Thắng đã gài bẫy cho một thằng nhóc có vẻ mặt sáng sủa nhất rơi xuống hố của đám thợ săn. Đáng kiếp nó. Những tên kia phải mất nửa canh giờ mới có thể kéo nó lên. Cho chúng chừa cái tật sục sạo trong rừng để tìm bắt nghĩa quân.

Sau đó Quyết Thắng thất thểu bỏ đi. Anh ta đói bụng quá. Nhưng anh ta còn phải kiếm miếng ăn
nhét vào miệng mụ đàn bà lắm điều. Luật nhân đạo của nghĩa quân là không để tù binh đói khát. Biết đâu sau khi ở đây dăm ba ngày, mụ ta sẽ được hoàn cải. Mụ ta sẽ tiết lộ mọi đường đi nước bước trong đồn binh Pháp? Biết đâu được?

Sau khi lùng sục trong các bụi cây rậm rạp, Quyết Thắng tìm thấy một con gà rừng bị cành cây đè trúng. Nó nằm thoi thóp, hé mở kêu không ra tiếng. Anh ta đẩy cành cây lên và thế là bữa trưa cho mụ tù binh đã có sẵn...

Dì Ngọc gặm cánh gà rừng một cách thích thú.

Dì nhai rau rát những phần sụn mềm, chỉ nhả xuống đất những phần khó nhá. Hết cặp cánh, dì
tiếp tục gặm cái cổ béo nẫn của nó. Dì thận trọng nhai nhuyễn những đốt xương cổ và nuốt cái “ực” dễ dàng. Dì liếm láp mấy ngón tay bóng mỡ rồi chần chừ nhìn cái đầu và cặp cẳng. Có nên ăn ráo không?

Dì Ngọc liếc ra bên ngoài. Bóng ma rừng ngồi chồm hổm ủ rũ sao thấy tội quá. Tưởng hắn là bọn lục lâm thảo khấu, nào ngờ chỉ là gã thanh niên trạc đôi mươi, lầm lì ít nói và đôi mắt buồn rầu khó hiểu.

Hắn đem con gà rừng về, hì hục mãi mới nhen được bếp lửa củi rừng, bọc đất sét nướng chín con gà rồi róc hết da đem cho dì ăn nguyên con. Mới đầu dì cũng quợn(*) vì hắn chẳng thèm cắt tiết moi ruột gì hết ráo, nhưng con đói quặn lên thì dì đành phải liều mà ăn. Thử miếng thứ nhất. Họi lạt lạt. Thử miếng thứ hai. Hơi ngọt ngọt. Thử miếng thứ ba. Ôi sao mà... ngon quá. Thử miếng thứ tư. Thử miếng thứ năm. Giờ đây con gà chỉ còn cái đầu, cặp chưn và bộ lòng. Dì Ngọc đúng lên, đi tới gần nguoi thanh niên

- Ê, bóng ma rừng. Tao chừa cho mày chút xíu nè. Ăn không mậy?

Mặt anh ta cau có:

- Bà ăn hết đi. Không đời nào nghĩa quân đi ăn đồ thừa của bọn do thám.

Dì Ngọc đánh “bép” lên vai hắn, làm hắn chúi chủi muốn té nhào xuống đất:

- Cái thằng này, mày có lỗ tai hông dzậy? Tao đã nói tao không phải do thám. Tao chẳng biết gì về nghĩa quân nghĩa queo với do thám do théo. Tao là người của tương lai. Tao là người dân Việt Nam độc lập tự do. Nhớ kỹ đó.

Quyết Thắng đứng lên, lảng đi chỗ khác. Giọng anh ta khá cộc cằn:

- Bà nói năng lảm nhảm cốt để lung lạc tui phải không? Coi chừng tui quăng bà xuống đầm lầy bây giờ.

Dì Ngọc lót đôi dép mủ trên đất, ngồi xếp xuống, chống tay lên đầu gối nhìn bâng quơ ra ngoài kia:

- Tao nói thiệt mà mày không tin thì thôi. Mày chống Pháp, cũng giống như bộ đội thời tao chống
Mỹ. Mày đừng tưởng tạo không biết chuyện “chính chị chính em”. Tao cũng rành sáu câu nghen mậy. Mày muốn làm gì thì làm, nhưng đừng lôi tạo dzô vụ này.

Quyết Thắng mỉa mai:

- Tui biết ngay bà dùng lối nói vòng vo tam quốc để dẫn tui tới điệp khúc “Tao không phải là do
thám”. Tui không tin bà đâu. Viện binh của bà tới nhanh lắm. Tui theo dõi bốn đứa nhóc đó và gài bẫy cho một thằng rớt xuống hố thợ săn. Nó không trặc chưn thì cũng què giò. Tụi nó không cứu được bà đâu.

Dì Ngọc nhìn chằm chằm vào mặt bóng ma rừng:

- Mày nói sao? Có bốn đứa nhóc tới cứu viện cho tao? Thiệt không? Tụi nó khoảng mười lăm tuổi, phải không? Mày gài cho một đứa rớt xuống hố hả?

Đồ khốn nạn! Mày hại mấy đứa cháu cưng của tao rồi!

Dì Ngọc bật đúng lên nhanh không ngờ. Dì phóng tới và chộp cổ áo bóng ma rừng. Một hoạt cảnh cũ nhưng hai nhân vật đổi vai cho nhau. Dì rít lên:

- Mày làm gì mấy đứa cháu tao? Tụi nó tới đây tìm tao, sao mày hại tụi nó?

Quyết Thắng lạnh lùng gỡ tay dì Ngọc ra:

- Bọn nhóc nó là quân do thám. Nếu chúng tìm được lối tới đây, những mũi tên của tui sẽ không tha cho chúng đâu.

Bây giờ dì Ngọc mới để ý tới cây cung và túi tên được mang trên cây cột chống bằng gỗ của cái chòi lá. Cung tên đều là cành cây rừng, nhưng được vót rất nhọn. Hắn đeo cung và túi tên lên vai. Mặt hắn đằng đằng sát khí làm dì Ngọc hoảng sợ. Dì than thầm trong bụng:

Phan ơi, Châu ơi, Thùy ơi, phen này mấy đứa bây chắc tiêu rồi!...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro