Tôi học được gì ở Tây?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ chuyện ĂN: Tối cuối tuần rảnh rỗi, sau khi ăn đồ nướng và không phòng Karaoke nào còn chỗ mặc dù đã 11h đêm, chúng tôi đành rủ nhau đi chơi bowling gần nhà. Tôi vốn không giỏi thể thao, chân tay đều lều khều như mấy que củi nên biết thân biết phận ra counter gọi bia và giỏ khoai tây chiên làm mồi. Vừa cắn miếng khoai nóng giòn, tôi đưa tay dợm chấm tiếp vào bát nước sốt thì anh bạn tôi kéo tay lại. Tôi nhăn trán tỏ ý không hiểu thì anh thì thào: - Đừng double-dip (chấm 2 lần) em ơi. Em chỉ được chấm miếng mới vào bát sốt chung chứ không được chấm miếng em cắn dở vào. Mọi người còn đang ăn chung mà. Hồi còn ở nhà, tôi rất sợ nước mắm. Ai quen tôi cũng biết, tôi thà ăn rau luộc không chứ chẳng bao giờ chấm với cái gì hết. Chẳng may khi gắp mà gắp phải miếng giò hay miếng rau có dính tí nước mắm (do người khác dây rớt vào) thì tôi sẽ nhăn nhó ngay, một phần vì mặn quá, một phần vì có cảm giác bị ăn phải cái gì của người khác. Tôi còn nhớ mẹ tôi thường có thái độ không lấy làm hài lòng lắm (mặc dù không nói ra) khi tôi không chịu ăn nốt phần ăn thừa của bà, hay của em tôi. Với người lớn tuổi, có lẽ đó là thái độ chảnh chọe, học đòi làm sang, lãng phí không cần thiết. Còn tôi, không sao gạt bỏ nổi cảm giác ăn uống chung đụng. Anh bạn tôi giải thích, ở đây trên bàn ăn, dù có nhiều món ăn đến thế nào, bao giờ cũng có riêng 1 serving spoon - Thìa hoặc muôi để mọi người múc riêng thức ăn đó vào đĩa/bát của mình. Họ sợ phải chấm chung, dùng chung đồ vì nói hơi bậy, ai mà biết mồm của chúng mày đã chui vào những đâu, hay tệ hơn, những ai. Điều đó phần nào lý giải vì sao những căn bệnh truyền nhiễm lại có cơ hội lan đi nhanh hơn ở những nước có văn hóa ăn uống chung đụng, bốc bải (bằng tay) hay tệ hơn nữa là GẮP THỨC ĂN cho người khác. Người lớn cứ nghĩ việc gắp thức ăn cho người này người kia là hành động lịch sự, tôn trọng. Điều đó chỉ đúng khi họ quay đầu đũa, hoặc dùng serving spoon múc cho người khác chứ không phải đưa gián tiếp dịch vị từ miệng họ sang miệng người khác như cách họ đang làm. Chưa kể, hồi nhỏ (thậm chí là bây giờ), tôi vẫn rất ghét cái cảm giác bị bất kỳ người lớn nào gắp 1 thứ đồ mà mình không thích vào bát mình. Nếu tôi gắp ra á, thì tin tôi đi, tôi sẽ bị nói là LÁO ngay không thương tiếc. Mà tôi tin, tôi không phải đứa trẻ con duy nhất từng trải qua cảm giác ấy.Đến chuyện MẶC: Nhóm bạn mà tôi chơi cùng có một đặc điểm hơi...vô duyên, đó là bình phẩm, lôi những người trẻ trên đường làm trò đùa. Tuy vậy, tôi cũng học được không ít điều hay ho từ họ. - Này, đố mày biết đứa kia sang đây được bao nhiêu năm rồi? - Anh bạn tôi huých tay, cằm hất hất về một đứa con gái châu Á ăn mặc sặc sỡ, đi giày cao gót đứng chờ tàu điện. - Chịu. Tao cũng mới sang đây mà. Sao mà biết được. - Gà. Nó là FOB (Fresh off boat), mới sang đây giỏi lắm được 6 tháng hoặc gần 1 năm.Nó bảo, mày mà ở đây 1 thời gian nữa là mày nhìn ra ngay ai vừa mới qua, ai đẻ ở đây hoặc qua đây được hơn chục năm rồi. Bởi lẽ, chỉ có người vừa mới qua mới ăn mặc cầu kỳ, chải chuốt quá mức. Nhiều khi tôi cũng phải phì cười với những "quả" áo bó sát, phô ngực, váy xòe ngắn của các "chị" trung niên bên này. Con trai thì khỏi nói, "làm quá" với bộ đồ hip hop, quần ống côn sít rịt. Ngược đời thay, càng những người xách túi hiệu, mang giày gót cao lộc cộc, tay cầm điện thoại xịn lại càng là những người đang đi thuê nhà, lo bữa ăn từng ngày. Chúng nó dạy tôi rằng, đừng có đánh giá người ta qua vẻ bề ngoài. Mấy ông đi ngoài đường, mặc áo bảo hộ, quần sọoc kaki lôi thôi, đi xe ô tô rách thế kia thôi nhưng nhà không biết bao nhiêu tiền đâu mày. Nhìn lại mình, chợt thấy, có phải bây giờ tôi và thế giới đang quan tâm quá nhiều về quần áo, mỹ phẩm hay không khi ai ai cũng mải mê khoe những tấm hình lookbook, streetstyle và bộ sưu tập son của mình?Thực tế hay không thực tếCó hai vấn đề mà tôi thấy người Tây vừa có lý lại vừa mâu thuẫn.Không biết có bao nhiêu bà mẹ Việt Nam dặn dò con mình: "Học giỏi đi con, học dốt sau này ra ngoài chỉ có đi quét rác, bán vé số, làm thợ...(tóm lại là lao động chân tay) thôi con ạ."? Tôi không dám vo viên, nhưng chắc cũng phải hơn nửa trên tổng số. Tuy mức lương các công việc có khác nhau, nhưng thời gian làm việc và quan sát ở đây đủ để tôi thấy mọi người luôn được trả công xứng đáng với những gì họ làm. Bởi thế nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, học sinh ở đây hoặc có thể lựa chọn học lên tiếp bậc Đại học, cao đẳng; hoặc có thể lựa chọn học trường nghề. Theo thiển nghĩ của tôi, lựa chọn thứ 2 thực tế hơn cả.Vì sao?Thời gian học nghề thường ngắn hơn thời gian học Đại học (2-3 năm so với 4-5 năm tùy ngành nghề). Hầu hết các trường nghề đều tạo điều kiện cho sinh viên vừa đi học, vừa đi làm (ở những chỗ trường giới thiệu) và sinh viên được trả tiền công ngay cả khi đi học/ thực tập. Điều này đảm bảo sinh viên vẫn có thu nhập sinh hoạt, vừa làm tăng tay nghề và kỹ năng làm việc của sinh viên để ngay sau khi tốt nghiệp, họ có ngay một công việc chắc chắn. Bởi vậy, không hề có chuyện một người ra làm Ngân hàng có quyền có thái độ rẻ rúng, khinh miệt người làm Thợ điện. Vì nói thật, chưa biết lương ai cao hơn ai. Nói vậy, không phải tôi đang quá tôn vinh người Tây vì xét cho cùng họ là con người, cũng có những điều ngớ ngẩn không giải thích nổi.Thời gian đầu mới sang, còn chưa để ý giá cả, tôi hay đi vào Woolworths (hệ thống siêu thị lớn tại Úc) và mua bất kỳ vỉ trứng 12 quả nào tôi thấy đầu tiên. Có một lần, tôi đi cùng đứa bạn người Trung Quốc, thấy tôi bốc bừa như vậy, nó bảo:- Mày ơi, lấy loại 6 đồng mấy ý làm gì. Đắt. Mua loại này này.Rồi nó đưa cho tôi vỉ trứng trong hộp giấy xi măng (chứ không phải hộp nhựa).- Khác gì nhau hả mày? Sao cái này chỉ có gần 4 đồng?Loại trứng đắt tiền được gọi là trứng "free range", tức là người ta thả gà chạy rông trên đồng, nó đẻ ở đâu thì người ta nhặt trứng ở đấy về bán. Còn loại rẻ tiền là trứng gà "cage", tức là con gà bị nhốt trong chuồng, chỉ có mỗi việc đẻ trứng, còn người nông dân, chỉ có mỗi việc nhặt trứng về bán. Người da trắng sẵn sàng vung tay bỏ ra thêm vài đồng để trả cho sự tự do đẻ trứng của con gà. Họ quan niệm việc nhốt gà và đẻ trứng công nghiệp như thế là phi đạo đức, con gà không có được sự thoải mái mặc dù nó đã phải hy sinh quả trứng của nó vì con người.Hừm. Vớ vẩn quá đi mất. Sớm muộn gì cũng chui vào bụng cả mà!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro