CHƯƠNG 2: LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THAM VẤN TÂM LÝ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ngay từ thế kỷ XIX, một loạt các hoạt động mà nhìn bề ngoài có vẻ rất khác nhau như: các phong trào vận động cải cách xã hội và những thay đổi trong phương thức giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; các phong trào đấu tranh trong lĩnh vực y tế để có được những phương pháp điều trị nhân văn hơn cho các bệnh nhân tâm thần; những ứng dụng ngày càng rộng rãi, các trắc nghiệm tâm lí, các liệu pháp tâm lí trong giáo dục hướng nghiệp và trong trợ giúp các đối tượg có khó khăn tâm lí trong cộng đồng… tất cả đã góp phần dẫn đến sự hình thành ngành tham vấn, mà khởi đầu của nó là công tác hướng dẫn nghề, tư vấn nghề.

Chương này sẽ xem xét sự phát triển của ngành tham vấn trên thế giới qua ba giai đoạn hình thành và phát triển của ngành tham vấn mà khởi đầu của nó là sự phát triển của các trường phái tâm lí học và các trắc nghiệm tâm lí từ cuối thế kỷ XIX, được đưa vào ứng dụng trong các ngành trợ giúp như Tâm lí học, Công tác xã hội, Tâm thần học và Tham vấn. Vấn đề công tác tham vấn ở Việt Nam sẽ được chúng tôi khái quát qua vài nét về thực trạng hành nghề tham vấn, giới thiệu về các chủ đề tham vấn, các loại hình tham vấn đang tồn tại hiện nay và thực trạng đào tạo các nhà tham vấn Việt Nam dựa trên các số liệu thu được qua một vài đề tài nghiên cứu của chúng tôi về lĩnh vực này (chủ yếu là những nghiên cứu ở phía bắc) và qua một số tài liệu công bố từ các bài báo, các hội thảo về tham vấn trong gần mười năm qua.

1. Ảnh Hưởng Của Một Số Ngành Trợ Giúp Đến Tham Vấn Chuyên Nghiệp

Theo Belkin (1988), những chuyên ngành trợ giúp có nguồn gốc hiện đại như ngành Công tác xã hội, Tâm lí học, Tâm thần học và Tham vấn trong suốt thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX dù có lịch sử phát triển lúc đầu hơi khác nhau nhưng chúng đều chuyển động một cách chậm rãi hướng đến nhiều kết luận giống nhau về mặt lí thuyết. Ngày nay, có thể coi sự khác biệt giữa các ngành trợ giúp này là không đáng kể trong mối quan hệ ngang hàng với nhau.

Ngành công tác xã hội được hình thành vào đầu thế kỉ XX (kể từ khi trường công tác xã hội đầu tiên trên thế giới ra đời ở Mĩ – 1901). Đó là khoa học ứng dụng, là một dịch vụ xã hội nhằm mục đích hỗ trợ, giúp đỡ cá nhân, nhóm, cộng đồng vượt qua hoàn cảnh khó khăn để thay đổi hiện trạng cuộc sống của họ, giúp các cá nhân và nhóm đối tượng cụ thể đạt được một vị trí ở mức độ phù hợp trong xã hội.

Tham vấn và công tác xã hội đều là những nghề giúp đỡ thân chủ cải thiện cuộc sống và tình trạng của họ. Phạm vi của công tác xã hội rộng hơn. Nó không chỉ nâng đỡ các thân chủ về khía cạnh tinh thần mà nó còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh tế, xã hội, thúc đẩy cá nhân và nhóm xã hội đạt đến vị trí, vai trò xã hội của chính họ. Có thể nói, công tác xã hội đưa ra sự can thiệp ở các lĩnh vực khác nhau nhằm giúp đỡ các cá nhân, gia đình và/hoặc cộng đồng đạt đến sự bình đẳng xã hội. Nhân viên xã hội giúp đỡ đối tượng trong hệ thống gia đình và xã hội một cách khoa học và bền vững. Ví dụ, các nhân viên xã hội giúp thân chủ tiếp cận các nguồn lực ủng hộ các quyền của thân chủ ở cấp chính quyền và làm việc để cải thiện tình hình kinh tế của trẻ em, gia đình và cộng đồng yếu thế, để duy trì và ổn định cuộc sống của họ.

Các nhân viên xã hội thường làm việc cụ thể với các đối tượng bị tổn thương như trẻ em và các vấn đề tồi tệ liên quan đến trẻ, người tàn tật, người nghèo, người cao tuổi, người có liên quan đến các tệ nạn xã hội… Ngành công tác xã hội xem xét vấn đề của thân chủ trong hệ thống gia đình và xã hội để có thể thiết kế các chương trình trợ giúp cho họ một cách khoa học và bền vững. Quan điểm nhìn nhận này đã giúp cho các nhà tham vấn tăng cường sự hiểu biết và tìm các phương pháp trợ giúp những thân chủ của mình trong khung cảnh gia đình và các hệ thống, chính sách xã hội. Chính vì vậy, nghề công tác xã hội và nghề tham vấn có nhiều điểm giao thoa, đôi khi làm việc trên cùng một nhóm xã hội. Trên thế giới, nhiều nhà tham vấn chuyên nghiệp đã bắt đầu công việc như những nhân viên công tác xã hội (và ngược lại) nên họ đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế của ngành công tác xã hội trong đào tạo thực hành nghề tham vấn và trong hỗ trợ trực tiếp với thân chủ của họ.

Quan điểm của ngành công tác xã hội là giúp cho các thân chủ tự đương đầu được với những khó khăn của mình, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình. Quan điểm này đã giúp cho ngành tham vấn xây dựng và hoàn thiện hệ thống thái độ, các kĩ năng và các phương pháp tiếp cận đa văn hóa phù hợp với từng thân chủ. Ngành công tác xã hội được phát triển từ công tác từ thiện, trợ giúp vật chất và tinh thần cho người nghèo, những người không tự đứng vững trong cuộc sống, nên các nhân viên xã hội hình thành được một thái độ tận tụy, trách nhiệm và tôn trọng đối với những người thiệt thòi trong xã hội. Những giá trị này đã ảnh hương sâu rộng tới các nhà tâm lí học, các bác sĩ, hay các nhà tham vấn, thúc đẩy họ không ngừng tìm kiếm, khai thác những sự giúp đỡ tốt cho các thân chủ của họ.

Đối với hoạt động tham vấn, phạm vi của nó cụ thể hơn, tập trung chủ yếu vào các vấn đề tâm lí của các cá nhân, nhóm và gia đình. Tham vấn là một phần của công tác xã hội và là công cụ chủ yếu để các nhân viên công tác xã hội giúp đỡ mọi người đương đầu tốt với những vẫn đề của họ. Các nhà tham vấn học được cách hiểu biết thân chủ của mình qua các hệ thống trợ giúp của ngành công tác xã hội. Các nhà tham vấn có thể hoạt động như một người kết nối, hoặc người giúp đỡ thân chủ tìm đến các nguồn lực có thể mang lại lợi ích cho họ trong cộng đồng.

Những nghiên cứu trong tâm lí học thực nghiệm để kiểm tra sự khác biệt về thể chất và tâm lí con người đã giúp các nhà tâm lí học đưa ra các trắc nghiệm về sự khác biệt giữa các cá nhân. Với những thành tựu này, từ khi ra đời, tham vấn đã sử dụng các trắc nghiệm kiểm tra trí thông minh (đo chỉ số khôn IQ, trắc nghiệm đo năng lực, nhân cách, xúc cảm, các trắc nghiệm phóng chiếu v.v… của tâm lí học để thực hành trong tham vấn hướng nghiệp và sau đó chúng được thích ứng bởi các nhà tham vấn ở các lĩnh vực tham vấn nghề, tham vấn gia đình, tham vấn học đường, tham vấn sức khỏe tâm thần. Hầu hết tất cả các trường phái tiếp cận trong nghiên cứu con người, như phân tâm học, tâm lí học cấu trúc, tâm lí học hành vi, tâm lí học nhân văn,… đều được các nhà tham vấn sử dụng và phát triển cho phù hợp với lĩnh vực tham vấn của mình. Đó chính là nguồn gốc của các liệu pháp theo hướng nhận thức – hành vi và nhân văn ngày nay. Ngoài ra, các kỹ năng tham vấn cơ bản cũng được đề xướng và phát triển bởi các nhà tâm lí học. Sự kết hợp giữa ngành Tâm lí học và Tham vấn đã tạo nên chuyên ngành Tâm lí học Tham vấn.

Tâm thần học, với việc tập trung vào chẩn đoán tâm bệnh học, đã giúp những nhà tham vấn hiểu được các loại bệnh tâm thần khác nhau đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần, mà công việc tham vấn của họ có liên quan. Với việc hướng dẫn chẩn đoán và phân loại các rối loạn tâm thần, thể hiện trong DSM–IV - Bảng phân loại các bệnh tâm thần do Hiệp hội Tâm thần Mĩ soạn thảo (The Diagostic and Statistical Manual of Mental Disorders – DSM–IV), hoặc ICD–10- Bảng phân loại bệnh tật quốc tế lần thứ 10 (International Classifcation of Diseases –10), các nhà tâm thần học đã trợ giúp các nhà tham vấn và các chuyên gia khác trong việc chẩn đoán và phát triển kế hoạch làm việc với các thân chủ. Ngoài ra, sự nghiên cứu đa dạng các triệu chứng bệnh trong lĩnh vực tâm thần đã giúp các nhà tham vấn nhận thức được rằng một số vấn đề sức khoẻ tâm thần có thể có nguyên nhân thực thể cần được chăm chữa kết hợp với việc dùng thuốc, hoặc nhận thức được rằng trong một số trường hợp, cần phải gửi các thân chủ đến các chuyên gia trong lĩnh vực tâm dược học và tâm sinh học trước khi quyết định trợ giúp.

2. Sự Ra Đời Của Ngành Tham Vấn Tâm Lí Trên Thế Giới

Dựa trên các mốc phát triển của các lí thuyết tiếp cận trong tham vấn và sự phát triển toàn diện của hoạt động tham vấn, như sự ra đời của các Hiệp hội tham vấn, công tác nghiên cứu giám sát tham vấn, hay vấn đề chứng chỉ hành nghề… và dựa vào những ảnh hưởng của các ngành khoa học lân cận, những sự kiện chính trị xã hội của thế giới có liên quan đến sự thúc đẩy, phát triển ngành tham vấn chuyên nghiệp, có thể tạm phân ba mốc chính trong lịch sử hình thành ngành tham vấn chuyên nghiệp như sau:

– Giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX sang nửa đầu thế kỷ XX: Ngành tham vấn trong giai đoạn khởi đầu với các nhà tiên phong triển khai các khái niệm cơ bản theo trường phái phân tâm, các lí thuyết nghiên cứu về quá trình phát triển tâm lí con người và sự ra đời của công tác hướng dẫn nghề, sau đó là tham vấn nghề.

– Giai đoạn giữa thế kỷ XX: Ngành tham vấn phát triển mang tính chất chuyên nghiệp với các phương thức trị liệu đa dạng được triển khai.

– Giai đoạn từ cuối thế kỷ XX đến nay: Tham vấn tập trung vào lĩnh vực văn hoá, còn gọi là tham vấn xuyên văn hoá (cross–culture counseling) với các phép trị liệu triết trung.

2.1. Giai đoạn khởi đầu của công tác hướng nghiệp và tham vấn nghề – từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX

Trong thế kỷ XIX, công tác trợ giúp tập trung vào việc cung cấp những phúc lợi căn bản cho người nghèo, hướng đến việc cho lời khuyên và cung cấp thông tin mang tính giáo dục cho mọi người nói chung, giới trẻ nói riêng để họ trở nên sống tốt hơn và có khả năng thích ứng với lao động công nghiệp trong giai đoạn đầu của cách mạng công nghiệp. Vào cuối thế kỷ XIX, sang nửa đầu thế kỷ XX là giai đoạn đầu của công tác hướng dẫn nghề, và sau đó là tham vấn nghề với sự phát triển của phong trào sử dụng các thang đo – trắc nghiệm, của các lí thuyết nghiên cứu về tâm lí cá nhân và sự ứng dụng đầu tiên của lí thuyết Phân tâm học vào quá trình trị liệu những rối loạn tâm lí của con người. Những người có đóng góp cho sự ra đời của tham vấn hướng nghiệp trong giai đoạn này là Francis Galton, Wilhelm Wundt, James Catell, G.Stanley Hall, Alfred Binet, Jesse Davis, Frank Parsons, Robert Yerkers.

Trong suốt thế kỷ XIX, kết quả nghiên cứu của khoa học thực nghiệm ứng dụng cho con người là sự phát triển của các trắc nghiệm tâm lí và giáo dục. Đặc biệt vào cuối thế kỷ XIX, tâm lí học đã ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng của dược học hiện đại, y khoa và thuyết tiến hóa mới. Wilhelm Wundt (1832 –1920) và Francis Galton (1822 – 1911) người Anh, những nhà tâm lí học thực nghiệm đầu tiên đã phát triển những phòng thực nghiệm để kiểm tra sự khác biệt về thể chất của con người như sức mạnh cơ bắp, kích cỡ đầu và thời gian phản ứng. Ví dụ, Galton (1875) đã bắt tay vào nghiên cứu sự khác biệt tâm lí giữa các cá nhân. Định hướng khoa học này trong lĩnh vực tâm lí học đã nhanh chóng phát triển ở Mỹ, nơi mà G. Stanley Hall (l846 – 1924) và James Cattell (1860 – 1940), những nhà tâm lí học thực nghiệm Mỹ lần đầu tiên đã mở phòng thực nghiệm tại Harvard và Đại học Pennsylvania cuối thế kỷ XIX (Cepshew, 1992) và phát triển trắc nghiệm đo nhân cách, trắc nghiệm được áp dụng vào tham vấn nghề. Trong khi đó ở Pháp, Alfred Binet (1857 – 1911) đã phát triển trắc nghiệm kiểm tra trí thông minh đầu tiên cho Bộ Giáo dục, Cộng hòa Pháp nhằm phân biệt những đứa trẻ “bình thường” với những đứa “không bình thường” (Hothershall,1984). Vào đầu thế kỷ XX, những trắc nghiệm về năng lực như: Trắc nghiệm đánh giá thành tựu đạt được ở trường học và trắc nghiệm đánh giá nhân cách được phát triển. Cũng vào thời gian này, Emil Kraepelin (1900) đã phát triển bảng phân loại bệnh tâm thần đầu tiên trên thế giới v.v…

Công tác hướng nghiệp phát triển dựa trên khoa học trắc nghiệm kiểm tra sự khác biệt tâm – sinh lí của các cá nhân đã đánh dấu giai đoạn ứng dụng rộng rãi ban đầu của các công cụ đo lường và nhanh chóng được sử dụng để trợ giúp các cá nhân trong việc ra quyết định chọn nghề. Những công cụ đánh giá cá nhân trên nhanh chóng được sử dụng trong tham vấn nghề và đánh dấu giai đoạn đầu của ngành tham vấn chuyên nghiệp. Ngày nay trắc nghiệm được tìm thấy ở khắp nơi và thường là một phần quan trọng cho việc hiểu sâu hơn thân chủ của chúng ta.

Năm 1907, Jesse Davis (1817– 1955) đã xây dựng cơ sở đào tạo đầu tiên về công tác hướng dẫn nghề tại Michigan. Tuy nhiên, người có ảnh hưởng lớn nhất đến công tác hướng nghiệp ở Mỹ là Frank Parsons (1854 – 1908). Ông đã xuất bản cuốn sách “Cẩm nang hướng nghiệp” nhằm trợ giúp các cá nhân trong việc lựa chọn nghề nghiệp. F. Parsons hi vọng công tác hướng nghiệp được đưa vào trường học – một hi vọng được trở thành hiện thực năm 1908, sau khi ông mất. Năm 1909, cuốn sách “Chọn nghề” được coi là sự cống hiến to lớn mà ông đã để lại cho công tác hướng nghiệp. Phòng tư vấn đầu tiên trên thế giới đã được F. Parsons thành lập ở Boston (Mỹ) vào năm 1908. Parsons cho rằng công tác hướng nghiệp phải được thể hiện trong ba quá trình sau:

– Sự thấu hiểu một cách rõ ràng về bản thân, về khả năng, sở thích hoài bão, nguồn lực cũng như những hạn chế của cá nhân đối với nghề; động lực thúc đẩy cá nhân chọn nghề.

– Sự hiểu biết về những yêu cầu của nghề nghiệp, điều kiện thành công, những thuận lợi và khó khăn, những cơ hội và những triển vọng phát triển trong các giới hạn khác nhau của công việc.

– Hiểu biết về mối liên hệ giữa đặc điểm cá nhân của bản thân và yêu cầu của công việc cụ thể.

Những ý tưởng của F. Parsons trong công tác hướng nghiệp đã thực sự trở thành nguyên tắc của nghề tham vấn sau này. Parsons đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải có một người hướng dẫn chuyên nghiệp, và gợi ý rằng một người hướng dẫn tốt không thể đưa ra các quyết định cho người khác, vì tự mỗi người mới biết phải quyết định điều gì tốt nhất cho chính bản thân mình. Ông cũng cho rằng một nhà tham vấn nên trung thực và tốt bụng với thân chủ và điều đó có ý nghĩa quyết định đối với nhà tham vấn trong việc trợ giúp thân chủ phát triển những kĩ năng phân tích. Với những tư tưởng nêu trên, Parsons không những xứng đáng với danh hiệu là người sáng lập ngành tham vấn nghề, mà còn được coi là người sáng lập của lĩnh vực tham vấn nói chung.

Sang thế kỷ XX, do sự phát triển của trào lưu hướng nghiệp và tham vấn nghề, nên có sự bành trướng rộng hơn của các trắc nghiệm. “Phong trào trắc nghiệm” được triển khai ở nhiều nước thuộc châu u và Bắc Mỹ. Ở giai đoạn này các trắc nghiệm không chỉ trợ giúp trong lĩnh vực tham vấn nghề, mà còn được sử dụng trong quân đội, trong các trường học, các cơ sở kinh doanh và công nghiệp để đo nhân cách – đo các biểu hiện của sự xúc động, bối rối; đo khả năng nhận thức, hứng thú, trí thông minh… Trắc nghiệm đi vào tất cả các loại hình thực hành tham vấn trong xã hội.

Xét từ góc độ phát triển của các lí thuyết tâm lí học, các nhà tiên phong của trường phái Phân tâm là Sigmund Freud, Anna Freud, Melanie Klein, Donald Winnicott, Can Jung, Margaret Lawenferd, Alfred Adler. Phần lớn phép trị liệu phân tâm của S. Freud đều xuất phát từ những khám phá về các quá trình vô thức và các cơ chế phòng vệ, chúng xuất hiện khi con người có xáo trộn về cảm xúc, nhằm để tự vệ trước những kinh nghiệm đau buồn mà con người không đủ sức ứng phó. Học thuyết của Freud đã mở ra một cách nhìn mới về sự phát triển của con người. Các nhà tham vấn đã vận dụng những lí thuyết của Freud để ứng dụng trong việc giúp đỡ thân chủ thoát khỏi những rối nhiễu tâm lí. Những thuật ngữ như: bản năng xung động (vô thức), bản ngã (ý thức) và siêu ngã (siêu thức); các quá trình vô thức, các cơ chế phòng vệ, sự đề kháng và liên tưởng thông suốt, sự chuyển vai… ngày nay đã trở nên quen thuộc đối với các khoa học trợ giúp về tâm lí, đặc biệt là đối với các nhà tham vấn chuyên nghiệp.

Theo E.D. Neukrug, ba nhân tố chính để cấu thành nghề tham vấn xuất hiện trong giai đoạn này là các lí thuyết trắc nghiệm; công tác hướng nghiệp, và các lí thuyết tiếp cận trong trị liệu tâm lí. Trong đó, các lí thuyết tâm lí trị liệu và các phép đo lường tâm lí đã can thiệp sâu vào các loại hình tham vấn khác nhau, làm hoàn thiện hệ thống lí thuyết giúp đỡ căn bản của ngành tham vấn chuyên nghiệp.

2.2. Giai đoạn tham vấn phát triển như một ngành chuyên nghiệp – giữa thế kỉ XX

Năm 1930, E.G. Williamson đưa ra một lí thuyết hoàn chinh về tham vấn với tên gọi là “Tiếp cận đặc điểm và nhân tố”. Williamson đề xuất các bước của một hoạt động tham vấn như sau:

1. Phân tích đánh giá vấn đề và lập hồ sơ về sự tiếp xúc và trắc nghiệm đối với thân chủ.

2. Tổng hợp, tóm tắt và sắp xếp thông tin để hiểu vấn đề.

3. Chẩn đoán, làm sáng tỏ vấn đề.

4. Tham vấn, trợ giúp cá nhân tìm cách giải quyết.

5. Theo dõi sát sao sự tiến triển cùng thân chủ.

Patterson (1973) cho rằng sự khác nhau căn bản của tiếp cận theo đặc điểm và nhân tố so với tham vấn hướng nghiệp giai đoạn đầu thế kỉ là việc xác định được một chuỗi các bước của một hoạt động trợ giúp. Đây chính là tiền thân của “Quá trinh tham vấn”. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nhà triết học, tâm thần học, tâm lí học đã từ châu u sang Mĩ và ngay lập tức những tư tưởng của họ đã ảnh hướng đến tâm lí trị liệu và giáo dục ở đây. Vì vậy có một số phương pháp trị liệu nhân văn – hiện sinh đã được triển khai tại Mĩ.

Aubrey (1977) nhận định về sự phát triển của các học thuyết tâm lí, được vận dụng trong thực hành tham vấn như sau: Nếu phải chọn ra một thập kỉ trong lịch sử có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến các nhà tham vấn thì đó là thập niên 50 của thế kỉ XX. Vào thời gian này, các lí thuyết nghiên cứu về quá trình phát triển tâm lí con người đã cho phép các nhà tham vấn vận dụng nó để giúp đỡ cho các thân chủ của mình. Các học thuyết tâm lí này là cơ sở khoa học cho việc nhận biết, giải thích nguồn gốc của hành vi và các biểu hiện rối loạn tâm lí ở con người, như: Thuyết phát triển tâm lí xã hội; Thuyết phát triển tư duy trẻ em; Thuyết phát triển nhu cầu con người; Thuyết gắn bó mẹ – con; Thuyết tổn thương tâm lí; Thuyết phát triển tư duy, phát triển đạo đức con người v.v…

Hiệp hội Tâm lí học Hoa Kì (APA) được sáng lập năm 1892 như là một Hiệp hội chủ yếu của các nhà tâm lí học kinh nghiệm. Nhưng, bắt đầu vào thập niên 20 của thế kỷ XX, các nhà tâm lí học lâm sàng đã tạo ra ảnh hưởng lớn hơn trong lĩnh vực chăm chữa tâm lí và tham gia vào Hiệp hội với số lượng lớn hơn. Giữa thập niên 40, với sự sửa lại và hợp nhất của rất nhiều Hiệp hội Lâm sàng mới (Finkel, 1994; Kelly. 1994; Young, 1992). Hiệp hội Tâm lí học Hoa Kì đã phát triển phân nhánh tâm lí học tham vấn của APA (phân nhánh 17). Phân nhánh này chia sẻ nhiều điểm chung về lịch sử và mục đích với ngành tham vấn. Điều này cho thấy một thực tế rằng phần đông các nhà tâm lí học hiện nay đang coi mình là những người làm thực hành tâm lí, chứ không đơn thuần là các viện sĩ hay các nhà khoa học lí luận (Whiteley, 1984).

Cũng vào những năm 50 của thế kỉ XX, phương pháp thân chủ trọng tâm của C.Rogers (1902 – 1981) là một bước chuyển từ sự tham vấn có định hướng, do ảnh hưởng của hướng nghiệp, sang tham vấn tập trung vào thân chủ và vấn đề của họ với tập sách Tham vấn và trị liệu tâm lí (Counseling and Psychotherapy), cuốn sách có ảnh hưởng lớn lao đến nghề tham vấn chuyên nghiệp sau này.

Bên cạnh những hướng tiếp cận chính, như tiếp cận phân tâm của S. Freud; tiếp cận thân chủ trọng tâm của C. Rogers, thập kỷ 60 của thế kỉ XX đánh dấu sự ra đời của vô số những cách tiếp cận mới, như tiếp cận xúc cảm thuần lí của Albert Ellis (1961); tiếp cận hành vi của Bandura (1969); phép trị liệu hiện thực của William Glesser (1961– 1965); tiếp cận Gestalt của Fritz Perls (1969); tiếp cận ứng xử học của Bern (1964) và tiếp cận hiện sinh của Arbuckle (1968) và những ngươi khác… Tất cả các hướng tiếp cận tham vấn này đã giúp ích cho sự phát triển rực rỡ của ngành tham vấn trong suốt thế kỉ XX.

Các kiến thức của Tâm lí học thực sự đã ảnh hưởng và trợ giúp rất nhiều cho ngành tham vấn. Ví dụ, Tâm lí học nhân cách giúp làm sáng tỏ các quan điểm, cách nhìn về cấu trúc nhân cách con người đồng thời cũng giúp cho các nhà tham vấn tôn trọng nhân cách của người khác trong mối quan hệ tham vấn. Tâm lí học chẩn đoán cung cấp những phương pháp phổ biến về chẩn đoán tâm lí, giúp làm sáng tỏ các nghi ngờ về những vấn đề tâm lí của thân chủ. Kiến thức của tâm lí học hành vi lệch chuẩn giúp nhà tham vấn nắm được các cách tiếp cận khác nhau về hành vi chuẩn mực, bệnh lí và sai lệch, phân loại được các hành vi lệch chuẩn căn cứ vào các tiêu chí khác nhau. Các kiến thức trong lĩnh vực tâm lí học lâm sàng, tâm lí trị liệu làm cho nhà tham vấn nắm được các cách tiếp cận thực hành khác nhau của từng trường phái đối với thân chủ và vấn đề của thân chủ, từ đó có được cách can thiệp hợp lí. Các lí thuyết trong Tâm lí học phát triển giúp cho các nhà tham vấn hiểu được các quá trình phát triển tâm lí của con người trong các giai đoạn phát triển khác nhau trong cuộc đời mà “Mỗi giai đoạn của đời người vừa hứng thành quả của giai đoạn trước vừa gieo hạt cho giai đoạn sau”, những kiến thức này giúp cho các nhà tham vấn hiểu được mức độ phát triển ở từng lứa tuổi và những giai đoạn khủng hoảng mà con người có thể gặp phải trong các độ tuổi nhất định. Từ đó có những cách thức khác nhau để các thân chủ có thể vượt qua được những khó khăn tâm lí ở giai đoạn đó.

Nhìn chung, ngành tâm lí học tạo nên một kiến thức nền tảng chắc chắn mà các nhà tham vấn có thể sử dụng trong công việc của mình, làm thuận lợi hơn cho công việc của họ với thân chủ. Tâm lí học thực sự là người anh cả của ngành trợ giúp, đặc biệt là ngành tham vấn.

Sự ra đời tiêu chuẩn đạo đức nghề vào thập niên 60 đánh dấu sự hình thành các hiệp hội tham vấn nghề quốc gia. Sự phát triển của công tác đào tạo các nhà tham vấn và tâm lí học trong lĩnh vực thực hành. Công tác giám sát tham vấn ra đời cùng với việc xác định các tiêu chuẩn đánh giá về bằng cấp trong đào tạo tham vấn và việc cấp giấy phép hoạt động cho các nhà tham vấn đã góp phần hình thành nghề tham vấn chuyên nghiệp.

Khi mới ra đời, hình thức tham vấn thường làm là cho lời khuyên, đưa ngay các giải đáp cho khách hàng. Đây là hình thức tham vấn trực tiếp. Vì vậy, nhà tham vấn trở thành các chuyên gia chỉ dẫn, cho lời khuyên. Tuy nhiên, phương pháp này mãi vào đầu những năm 80 (thế kỷ XX), mới được quan tâm và được thẩm định. Các nghiên cứu thẩm định này chỉ ra rằng hình thức tiếp cận gián tiếp (tham vấn) có hiệu quả hơn so với hình thức tiếp cận trực tiếp (tư vấn, cố vấn). Tuy nhiên, tại các trung tâm dịch vụ con người như trường học, các trung tâm điều trị tâm thần, các trung tâm tư vấn, các ban ngành và phúc lợi xã hội, các chương trinh giáo dục và các tiếp cận khác, phương thức truyền thống vẫn là cung cấp dịch vụ trực tiếp thông qua tư vấn, trị liệu trực tiếp với khách hàng (Monroe, 1979; Gutkin & Curtis, 1982; Reynolds, Gutkin, Elliot & Witt 1984).

2.3. Giai đoạn từ cuối thế kỉ XX đến nay – Tham vấn theo xu hướng đa văn hóa

Hiện nay đang có những quan điểm rất đa dạng bàn về việc nhà tham vấn nên dùng phương pháp tham vấn nào. Trên thế giới đang tồn tại rất nhiều cách tham vấn: Một số người theo quan điểm của Phân tâm học tìm những nguồn gốc vô thức, những cơ chế phòng vệ do lo hãi, sự chuyển vai tích cực… Số khác theo phép trị liệu hành vi cảm xúc thuần lí là cho lời khuyên giải thích trực tiếp hành vi của thân chủ do xuất phát từ niềm tin phi lí của thân chủ dẫn đến những cảm nghĩ tiêu cực. Phép trị liệu Gestalt nhấn mạnh nhiều đến kinh nghiệm hiện tại của xúc cảm – tư tưởng cũng được một số nhà tham vấn trên thế giới quan tâm. Quan điểm ttị liệu nhân văn hướng tới việc giúp thân chủ tìm cách khám khá và tự giải quyết vấn đề của mình cũng được nhiều nhà tham vấn nhắc tới…

Giai đoạn hiện nay, một trong những thay đổi lớn nhất của tham vấn là tập trung vào lĩnh vực văn hoá hay còn gọi là tham vấn xuyên văn hoá. Các nhà tham vấn cho rằng sẽ rất khó khăn trong việc giúp đỡ khách hàng nếu nhà tham vấn không nắm được nền tảng văn hóa của khách hàng. Whitfield, McGrath và Coleman (1992, dẫn theo Neukrug) chỉ ra các yếu tố xác định một mô hình văn hoá cụ thể, đó là: 1/ Đặc điểm bản thân cá nhân; 2/Diện mạo và cách ăn mặc; 3/Có niềm tin và hành vi đặc trưng, 4/Mối liên hệ với gia đình và với các đặc trưng quan trọng khác; 5/Cách dành và sự dụng thời gian nhàn rỗi; 6/Cách tiếp thu và sử dụng kiến thức; 7/Cách thức giao tiếp và ngôn ngữ; 8/Những giá trị và các tập tục; 9/Sử dụng thời gian và không gian sống; 10/Thói quen ăn uống và chế biến món ăn theo phong tục tập quán; 11/Công việc và cách thức thực hiện công việc.

Những vấn đề văn hóa liên quan đến gien di truyền, màu da, dòng giống, truyền thống hay vấn đề tiền bạc, quyền lực, vị trí xã hội, vai trò xã hội đều có liên quan đến sự nảy sinh nan đề; cách nhìn nan đề và cách xử lí nan đề của mỗi thân chủ. Khi các nhà tham vấn thiếu hiểu biết về nền tảng văn hóa của thân chủ thì họ dễ đứng trên quan điểm của bản thân để đánh giá thân chủ. Mặt khác, nhà tham vấn sẽ có nguy cơ đánh giá thấp tác động của áp lực xã hội đối với khách hàng, giải thích nan đề của thân chủ theo xu hướng bệnh học mà không tính đến nguyên nhân từ cơ sở văn hóa. Điều này có thể dẫn đến sự chẩn đoán nhầm và có thể gây ra những tổn thương cho thân chủ.

Tham vấn đa văn hoá là hướng tiếp cận thân chủ mà nhà tham vấn có cân nhắc cụ thể đến nền tảng khác biệt về văn hoá truyền thống, hiện tại và những kinh nghiệm của các nhóm khách hàng khác nhau. Sự hiểu biết về nền tảng văn hóa của thân chủ được thể hiện qua thái độ, kĩ năng và phương pháp tiếp cận thân chủ sẽ giúp cho nhà tham vấn lí giải được lí do nào, điều gì khiến họ cảm nhận, suy nghĩ và hành động như vậy. Qua đó sẽ chấp nhận họ hơn và như vậy sẽ giúp cho thân chủ hiểu được điều gì là nguyên nhân gây ra tình trạng hiện tại và từ đó họ có thể tự vượt qua khó khăn của bản thân.

So sánh các giá trị văn hóa trong mối quan hệ tham vấn

Các tiêu chí Người Mỹ gốc Á Người Mỹ gốc Phi Người Mỹ Latinh Người Anh điêng

Ngôn ngữ gốc Ngôn ngữ châu Á/ song ngữ Ngôn ngữ Ebonics Tiếng Tây Ban Nha/ song ngữ Thổ ngữ / song ngữ

Quyền hành / trách nhiệm Xã hội/ Cái tôi được quyết định trước Xã hội có tác động tiêu cực đến con người và văn hóa Thuyết định mệnh văn hóa; ý muốn của Chúa Cái tôi

Quan niệm - Ứng xử (tác động đến tham vấn/ trị liệu tâm lí) Sự kiềm chế cảm xúc, sự tự chủ. Tuân lệnh người có uy quyền. Im lặng là lễ phép. Tìm kiếm lời khuyên. Coi trọng hình thức. Tội lỗi, sự ân hận chi phối hành vi. Coi trọng lời nói. Nghi ngờ người có uy quyền. Các vấn đề trong gia đình được giấu kín trong gia đình. Định hướng hành động. Không tập trung vào kinh nghiệm tuổi thơ. Biểu lộ cảm xúc phù hợp với vai trò giới truyền thống. Khoảng cách giao tiếp giữa hai người gần hơn so với khoảng cách của những người thuộc nhóm văn hóa lớn. Sáng tạo/ trải nghiệm trực quan. Coi trọng cùng nhau chia sẻ. Không can thiệp việc của người khác. Hợp tác, không cạnh tranh. Kể chuyện ẩn dụ về cuộc sống.

Giao tiếp Tuân lệnh người có uy quyền. Tôn trọng người già. Nghi ngờ người có uy quyền. Tuân lệnh người có uy quyền. Giao tiếp bị chi phối bởi vai trò giới truyền thống. Tôn trọng người già. Thường sử dụng phép ẩn dụ.

Mối quan hệ giữa tâm thần/ thể chất Dùng ngôn ngữ cơ thể biểu lộ điều không hài lòng về xúc cảm. Không có đặc trưng chung. Các vấn đề về tâm lí và thể chất có quan hệ gần gũi. Để khỏi bệnh cần phải có sự hòa hợp với thiên nhiên.

Tôn giáo Theo thuyết định mệnh: cuộc sống là do số. Mục sư đưa ra lời khuyên. Dùng Thiên Chúa giáo giải thích. Dùng truyền thuyết dân gian để an ủi. Dùng truyền thuyết dân gian, thuyết siêu nhiên để giải thích sự cân bằng với tự nhiên.

Tập trung vào gia đình Gia đình mở rộng. Vai trò gia đình truyền thống. Gắn bó với gia đình Gia đình mở rộng. Nhạy cảm với vấn đề của con người. Không khắt khe về vai trò giới. Gia đình mở rộng. Gia trưởng/ vai trò giới khắt khe. Gia đình mở rộng/ Bộ tộc. Cấu trúc gia đình thay đổi tùy theo bộ tộc.

Tóm lại, ngành tham vấn thật sự trở nên chuyên nghiệp khi:

– Các học thuyết nghiên cứu tâm lí người phát triển.

– Các hướng tiếp cận trị liệu với cá nhân, nhóm đã thay đổi, hoàn chỉnh cho phù hợp với ngành tham vấn.

– Các tổ chức, các hiệp hội tham vấn ra đời quy định các chuẩn mực đạo đức và pháp lí cho người làm công tác trợ giúp.

– Các phòng khám sức khoẻ tâm thần, các trung tâm tham vấn cộng đồng, hay trường học gia tăng nhu cầu về người trợ giúp tâm lí.

– Các hiệp hội, trường học đào tạo nghề tham vấn phát triển mạnh, đa dạng và công tác giám sát tham vấn theo hướng ngày càng khoa học và kiểm soát chặt chẽ.

– Bằng cấp hóa những người hoạt động trong lĩnh vực tham vấn và xây dựng được những mô hình đào tạo nhà tham vấn chuyên nghiệp theo các hướng chuyên sâu.
3. Điểm Qua Một Vài Nét Về Hoạt Động Tham Vấn Ở Việt Nam

Ở Việt Nam, vào những năm chín mươi của thế kỉ XX, một loạt các hoạt động mà nhìn bề ngoài có vẻ rời rạc, khác nhau như sự hình thành các trung tâm công tác xã hội với các hoạt động giúp đỡ người nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, do sự thay đổi và ảnh hưởng của kinh tế – xã hội; sự xuất hiện các trung tâm tư vấn, các đường dây tư vấn điện thoại và các hình thức tư vấn qua mạng mà ban đầu là miễn phí; việc mạnh dạn sử dụng các sinh viên ngành tâm lí vào các hoạt động chăm chữa tâm thần tại các bệnh viện, phòng khám và sự ứng dụng đa dạng các trắc nghiệm tâm lí vào hoạt động hướng nghiệp tại các trường trung học và cộng đồng… tất cả đã góp phần hình thành nghề tham vấn ở Việt Nam, mà khởi đầu của nó là công tác tư vấn cho lời khuyên.

3.1. Giai đoạn khởi đầu của hoạt động tham vấn ở Việt Nam

Tâm lí học được “du nhập” vào Việt Nam đã được gần 50 năm, với tư cách là một nghề – nghề dạy tâm lí (nghề sư phạm) và nghiên cứu tâm lí. Mặc dù hiện nay ngành Tâm lí học vẫn chưa được cấp mã số cho “nghề trợ giúp tâm lý”. Nhưng các hoạt động trợ giúp tâm lí nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội vẫn phát triển và khẳng định, “chỗ đứng” của mình trong xã hội. Ngày nay, tại các đô thị lớn, khi các cá nhân hoặc gia đình có vấn đề tâm lí họ đều biết tím đến các “bác sĩ tâm lí” để nhờ giúp đỡ.

Sự phát triển của nghề tâm lí với tư cách là một dịch vụ xã hội mặc dù còn quá sơ khai, nhưng trong khuôn khổ của giáo trinh này, chúng tôi cũng khó có thể đưa ra những cứ liệu đầy đủ thể hiện khía cạnh “Lịch sử của nghề trợ giúp tâm lí” ở Việt Nam. Vì vậy, bằng cách mô tả thực trạng các hoạt động tham vấn ở Việt Nam, chúng tôi hi vọng sẽ giúp sinh viên có được một cái nhìn mang tính tổng quát về những khía cạnh khác nhau của nghề trợ giúp tâm lí mà sinh viên có thể làm khi tốt nghiệp ra trường.

Thực tế những hoạt động trợ giúp tâm lí cho những người có khó khăn đã xuất hiện từ rất sớm trong xã hội Việt Nam. Nhìn từ lịch sử, ngành Công tác xã bội, trước 1945 tại một số bệnh viện ở phía Bắc như Bệnh viện Bạch Mai, một số cán sự xã hội (nhân viên công tác xã hội) đã sử dụng tham vấn, như một kĩ năng quan trọng của Công tác xã hội, vào quá trình trợ giúp bệnh nhân tại các bệnh viện. Ở phía Nam, trước năm 1975, cùng với hoạt động Công tác xã hội theo hưởng chuyên nghiệp đã có tồn tại các hoạt động tham vấn cho cá nhân, gia đình tại cộng đồng. Trường đào tạo Cán sự Xã hội Caritas, tại 43 Tú Xương, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình đào tạo nhân viên công tác xã hội, trong đó có cung cấp các kĩ năng trợ giúp và kĩ năng tham vấn cho các học viên. Các hoạt động công tác xã hội, trong đó có tham vấn học đường bị chững lại sau giải phóng.

Chúng tôi cho rằng “nghề tham vấn tâm lí”, mà khởi đầu là công tác tư vấn tâm lí, được xuất hiện vào những năm của thời kì chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường – khoảng cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỉ XX. Vào thời kì này, các hoạt động tư vấn tâm lí thường đi kèm với các chương trình cải thiện cuộc sống và kinh tế cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội. Công tác tư vấn là một phần trong các hoạt động của công tác Từ thiện, Công tác xã hội, nhằm giải quyết những vấn đề mang tính thời đại, như đói nghèo, bệnh tật, mại dâm, người có HIV, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người già không nơi nương tựa…, với những tôn thương tâm lí sâu sắc.

Nếu nhìn hoạt động tham vấn từ góc độ nghề trợ giúp tâm lí, theo đánh giá của ThS. Nguyễn Thi Oanh, “Phòng Tư vấn tâm lí” đầu tiên được thành lập ở Thành phố Hồ Chí Minh là vào năm 1988, do TS. Tâm lí Tô Thị Ánh phụ trách. Các đối tượng tới đây xin tư vấn thuộc mọi thành phần và các nhu cầu trợ giúp cũng đa dạng. Do Trung tâm Tư vấn Tâm lí này có dịch vụ trị liệu tâm lí chuyên sâu nên các khách hàng có nan đề bị trầm trọng đã thường đến đây xin trợ giúp.

Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em (1991) đã được Nhà nước phê chuẩn và ban hành Luật Bảo vệ và Chăm sóc Giáo dục Trẻ em đã góp phần nâng cao trách nhiệm của gia đình, các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc hạn chế vấn đề vi phạm quyền trẻ em và trẻ em làm trái pháp luật. Bằng nghiệp vụ chuyên môn của mình, Ủy ban Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em Việt Nam (tên cũ) đã xây dựng nhiều mô hình chăm sóc trẻ em, trong đó có mô hình Văn phòng Tư vấn, nhằm bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, như trẻ em lang thang kiếm sống ở thành phố, trẻ em trộm cắp, trẻ nghiện hút, trẻ bị bóc lột lao động và tình dục, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa… Vào năm 1995 – 1996, cả nước đã có các văn phòng Tư vấn, như Văn phòng Tư vấn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Văn phòng Tư vấn ở Quảng Tri, ở Huế; Văn phòng Tư vấn ở thành phố Đà Nẵng, ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Những khóa tập huấn gần như đầu tiên về tư vấn trẻ em do ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam tổ chức tại Hà Nội đã đặt nền tảng cho hàng loạt các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực tham vấn cho cán bộ làm việc trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em sau này. Các cán bộ tham vấn tham gia giảng dạy trong các chương trình tham vấn trẻ em vào thời gian đó là TS. Nguyễn Thị Lan, PGS.TS. Trần Thị Minh Đức, TS. Bùi Xuân Mai và một số cán bộ lãnh đạo trong ngành Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em ở Hà Nội.

Vào những năm 1997 – 2000, tại Thành phố Hồ Chí Minh có hàng chục Phòng Tham vấn HIV xuất hiện. Nhiệm vụ của nó chủ yếu là cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc và cho lời khuyên. Ngoài ra, sự xuất hiện của các Trung tâm Tư vấn, như Trung lâm Tư vấn “Tình yêu, Hôn nhân, Gia đình” (thuộc Hội Tâm lí giáo dục học thành phố), Trung tâm Tư vấn Hướng Dương (thuộc Liên đoàn Lao động thành phô) cũng đã góp phần làm tăng lượng khách hàng tới tư vấn trực tiếp hoặc tư vấn qua điện thoại 108 rất đông. Sự xuất hiện của các dịch vụ tham vấn trị liệu trực tiếp nhằm giúp đỡ cho các đối tượng là trẻ em bi lạm dụng tình dục, do Trung tâm Công tác Xã hội, thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam kết hợp với Tiên sĩ Tâm lí Trần Thị Giồng đã dần làm thay đổi tinh chất của hoạt động tham vấn – Từ tư vấn cho lời khuyên chủ yếu bằng điện thoại chuyên dần sang tư vấn trực tiếp, tập trung sâu vào vấn đề tâm lí của người xin trợ giúp. Trong thời gian này Tiến sĩ Giồng cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về tham vấn tâm lí cho các cán bộ, giáo viên và giáo dục viên đường phố, nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng tham vấn cho các đối tượng xã hội làm việc với người bị tổn thương tâm lí, và thật là may mắn, vào cuối năm 1998, chúng tôi – những người làm việc tình nguyện trong nhóm Công tác xã hội phía Bắc, cũng được TS. Giồng tập huấn về tham vấn tâm lí, dưới sự tài trợ kinh phí của tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển – Radda Barnen.

Hiện nay, dịch vụ tham vấn và trị liệu tâm lí xuất hiện ở khá nhiều công ty, cơ quan và trường học. Có thể kể ra một số cơ sở tham vấn, trị liệu, như: Cơ sở thăm khám tâm lí trẻ em N–T của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Công ty Tham vấn Share, Trung tâm Tham vấn Hỗ trợ Tâm lí – Giáo dục CPEC; Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Tâm lí (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); Trung tâm ứng dụng Tâm lí học của Viện Tâm lí học; Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền thống (ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em – cũ); Trung tâm Sao Mai; Trung tâm Tham vấn, Sức khỏe, Tâm thần, Tâm lí và Giáo dục cho vị thành niên, Trung tâm Tham vấn Tâm lí Hoàng Nhân, Trung tâm Tư vấn Tâm lí VALA phòng Tham vấn Tâm lí Hoa Sữa (Trường Trung cấp Kinh tế – Du lịch Tư thục), Công ty Tư vấn An Việt Sơn, Phòng Tư vấn Online (Công ty Tư vấn Đầu tư Y tế – CIHP), các trường phổ thông trung học như trường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo; đường dây tư vấn 1088 hoặc 1900; các cơ sở thăm khám tâm lí – y tế như Khoa Tâm thần (Viện Quân y 103), Khoa Tâm thần nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương), Khoa Tâm thần, (Viện Tâm thần Trung ương Bạch Mai), Bệnh viện ban ngày Mai Hương, Phòng khám Tuna… Đây là những địa chỉ thu hút các khách hàng có nhu cầu tham vấn/trị liệu ở phía Bắc.

Dưới đây chúng tôi xin trình bày kĩ hơn về các chủ đề tham vấn, các hình thức tham vấn và các cơ sở cung cấp dịch vụ tham vấn (chủ yếu là ở phía Bắc). Trên cơ sở đó sẽ đưa ra đánh giá sơ bộ về tình hình hoạt động tham vấn hiện nay ở Việt Nam.

3.1.1. Các chủ đề tham vấn

Vào những năm 90 của thế kỉ XX, công tác giúp đỡ tâm lí chủ yếu là hỏi đáp các vấn đề về pháp luật, chính sách, hôn nhân gia đình nuôi dạy con cái, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Trong khi đó, các vấn đề mất cân bằng tinh thần do cuộc sống thực tế gây nên như: tình trạng nghiện ngập, các hiện tượng xâm hại, khủng hoảng tâm lí, những khó khăn trong học đường, trong đời sống hôn nhân gia đình, vấn đề HIV/AIDS…

– Tham vấn HIV/AIDS

Một trong những loại hình tham vấn được coi là quan trọng ở Việt Nam, đó là tham vấn HIV/AIDS. Ngay từ 1993, cuốn Tư vấn HIV/SIDA (khái niệm tư vấn dùng trong tài liệu này được các tác giả chú giải từ khái niệm Counseling – tham vấn) do GS.TS. Lê Hồng Diên chủ biên xuất bản. Mục đích của giáo trình là giúp các cá cá nhân trong xã hội, đặc biệt là đối tượng có HIV/AIDS tăng cường hiệu biết về HIV/AIDS, hướng dẫn quá trình tham vấn cho người có HIV/AIDS và huy động cộng đồng trong hoạt động tham vấn HIV/AIDS.

Có thể nói, ở Việt Nam công tác hướng dẫn, tham vấn cho người có HIV và truyền thống về HIV được khởi xướng từ các bác sỹ, từ ngành y tế. Những năm gần gây các trung tâm tham vấn HIV/AIDS, một số trung tâm bảo trợ xã hội, các bệnh viện lớn của các thành phố hoặc các tổ chức xã hội khác đều tham gia công tác tham vấn cho người có HIV/AIDS. Phát triển mạnh mẽ các khóa đào tạo về tham vấn HIV/AIDS cho các tình nguyện viên làm công tác này và các dịch vụ trợ giúp vẫn là ở Thành phổ Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Hoạt động tham vấn mạnh mẽ nhất về lĩnh vực chăm sóc tinh thần cho người có HIV và người bị ảnh hưởng vẫn là khối các Nhà chùa (các Sư thầy, Sư cô), các Nhà thờ Thiên Chúa và các Trung tâm nuôi dưỡng người có HIV. Hiện nay, các cơ sở tham vấn HIV/AIDS hoạt động hầu như chưa mang tính độc lập như một dịch vụ nghề mà chúng thường nằm dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, các hoạt động trợ giúp này có tính chất tự nguyện.

– Tham vấn bạo hành

Tham vấn bạo hành phụ nữ cũng là chủ đề được các tổ chức Quốc tế đóng tại Việt Nam như Unicef, Radda barnen, Care, Ngân hàng Thế giới, Hội đồng Dân số, Tố chức Plan quan tâm. Đã có những dự án với sự giúp đỡ của các chuyên gia tham vấn về bạo hành, họ đã tổ chức triển khai tương đối rộng rãi nhiều khoá tập huấn về tham vấn bạo hành. Nhiêu trung tâm tư vấn xuất hiện với sự giúp đỡ của các dự án, chương trình nhằm giúp các cán bộ làm tham vấn có những kiến thức và kĩ năng trợ giúp cho những phụ nữ, trẻ em bị bạo hành trong gia đình. Hình thức tham vấn này chủ yếu qua điện thoại và trực tiếp. Ở nông thôn, các dịch vụ này thường được giúp bởi tổ hòa giải hoặc các chi hội phụ nữ thôn, hội phụ nữ xã. Ở các thành phố lớn, nhiều trung tâm tư vấn hình thành với các dịch vụ tham vấn trả tiền đã thu hút rất nhiều người (chủ yếu là phụ nữ) đến tư vấn.

– Tham vấn tình yêu, tình dục, hôn nhân, gia đình

Trong mười năm lại đây các chủ đề cần tham vấn có liên quan đến việc giải quyết các quan hệ bạn bè, tình yêu, kiến thức về tình dục, như: tình dục tuổi thanh niên, trước hôn nhân, tình dục vợ chồng, lạm dụng tình dục, quấy rối tình dục, bất lực về tình dục; những vấn đề giáo dục con cái, học hành của con cái, xung đột quan hệ vợ chồng, quan hệ đồng nghiệp, các tri thức liên quan tới pháp lý… khá phát triển ở Việt Nam. Những chủ đề tham vấn này phát triển với nhiều loại hình giúp đỡ khác nhau, rất phong phú và đa dạng như: tư vấn qua điện thoại, qua thư, tư vân trên đài báo, tư vấn qua báo chí và tư vấn trực tiếp tại các trung tâm tư vấn. Phát triển nhiều nhất vẫn là tư vấn qua điện thoại. Hiện nay các địa chỉ có dịch vụ tư vấn theo nhóm chủ đề này phải kể đến là đường dây tư vấn 1088, trong đó có tư vấn An Việt Sơn, tư vấn Linh Tâm; tư vấn qua mạng (dự án chát của CIHP), Trung tâm ứng dụng Tâm lí học của Viện Tâm lí học…

– Tham vấn trẻ em làm trái pháp luật

Đây là một loại chủ đề và cũng là đối tượng tham vấn được Nhà nước quan tâm rất sớm. Ngay từ những năm 1996 –2000, trên phạm vi các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện các dự án bảo vệ trẻ em, trong đó có mảng tư vấn trẻ em làm trái pháp luật. Các phòng tư vấn được hình thành tại cộng đồng với các tình nguyện viên làm công tác tư vấn miễn phí cho các nhóm trẻ em, chủ yếu là trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố.

Đặc biệt, hiện nay dưới sự chỉ đạo của Cục V26, các trường giáo dưỡng dành cho vị thành niên vi phạm pháp luật trong cả nước, như Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình, trường sô 3 Đà Nẵng, trường số 4 Đồng Nai và trường số 5 Long An với tổng cộng khoảng 3700 (tập trung nhiều ở nhóm từ 16 đến dưới 18 tuổi) được hưởng các dịch vụ tham vấn trong khoảng 2 năm. Sô trẻ em vào các trường giáo dưỡng chủ yếu có hành vi trộm cắp, cướp của, lừa đảo, gây rối trật tự, đánh người gây thương tích… Xuất phát từ nhận định rằng các em này đang ở giai đoạn tự khẳng định bản sắc cá nhân, nếu thiếu vắng sự hướng dẫn, dạy dỗ và tình yêu thương của gia đình; thiếu vắng sự kiểm soát xã hội thì sẽ gây ra không ít những trở ngại cho quá trình trưởng thành của các em. Vì vậy, dưới sự đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước (như xây phòng tư vấn, hỗ trợ các tham vấn viên làm tham vấn ngoài giờ…), đặc biệt sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, như Unicef, Quỹ Dân số Thế giới, Tổ chức Plan… nhiều khóa tập huấn nâng cao năng lực tham vấn về hiểu biết tâm lí trẻ em nói chung và trẻ em làm trái pháp luật nói riêng; về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục; về HIV/AIDS cho các giáo viên tham vấn của các trường đã được thực hiện. Mục đích là giúp cho các thầy cô hỗ trợ các em thích nghi và đương đầu tốt với cuộc sống trong trường và khi các em tái hòa nhập gia đình và cộng đồng.

Hiện nay hoạt động tham vấn tại các trường là khá quy củ. Các học sinh muốn được tham vấn chỉ cần điền vào phiếu xin tham vấn thì sẽ được xếp lịch tham vấn. Ngoài ra, các trường mở rộng việc nâng cao năng lực tham vấn cho cả các giáo viên chủ nhiệm đã làm giảm đi gánh nặng cho các giáo viên tổ tham vấn; làm cho các cuộc tham vấn bớt mang tính hình thức và hiệu quả hơn, do các giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi nhất với học sinh của họ, nên họ nắm bắt tâm lí của các em sát thực hơn.

3.1.2. Các hình thức tham vấn

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam xuất hiện nhiều hình thức tham vấn khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân. Hiện nay tham vấn là một hoạt động không thể thiếu được trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, được phát triển với nhiều mức độ khác nhau. Tựu chung lại ta có thể khái quát vào các loại hình tham vấn tâm lí sau.

– Tham vấn qua thư / báo in

Trong các hình thức tham vấn, tham vấn qua báo in là loại hình xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam. Các mục “tâm sự” trên các báo thuộc vào hoạt động này. Đây là hình thức tham vấn gián tiếp chủ yếu cho các thân chủ gặp rắc rối trong tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Hình thức tham vấn biểu hiện dưới dạng một bức thư với những vấn đề được thân chủ trình bày ngắn gọn cô đọng, trong đó thân chủ mong muốn toà soạn báo giải đáp thắc mắc về những vấn đề khiến họ đang băn khoăn suy nghĩ và đau khổ. Loại hình tham vấn này thường xuất hiện trên các báo như: Tiền phong, Phụ nữ, Sinh viên, Hạnh phúc gia đình, Thế giới Phụ nữ, Thế giới Đàn ông, hay các mục “Chuyên mục hôn nhân gia đình” báo Sài Gòn Giải phóng, báo Tuổi trẻ, Phụ nữ và Pháp luật…

Tỏi luôn muốn rõ ràng trong mọi vấn đề nên ban đầu khi thực tập tham vấn qua viết thư cho thân chủ tôi sử dụng giọng văn quá cứng. Tôi luôn chú trọng vào thông tin được đưa ra để hiểu vấn đề của thân chủ nhiều hơn. Vì vậy tôi đã đặt ra những câu hỏi mang hàm ý khẳng định, đọc lên có cảm giác bị chất vấn, mà không chú trọng vào cảm xúc của thân chủ. Nên hai lá thư đầu tôi viết cho thân chủ không tốt. Các tư vấn viên ở cơ sở đã giúp tôi nhận ra được điều quan trọng trong bức thư là giúp cho thân chủ thông hiểu vấn đề của mình và chia sẻ được cảm xúc của thân chủ. (LLP, K49, 2007)

Đặc điểm chung của tham vấn qua thư – báo là người trả lời thư phải có kiến thức về tâm lí học, giáo dục học, luật học, y tế… đồng thời biết vận dụng lí thuyết khoa học vào đời sống thục tiễn của cộng đồng trong quá trình tham vấn, nắm được các kĩ năng cơ bản của tham vấn. Tham vấn bằng thư có một số đặc điểm riêng như sau: Khách tham vấn không biết ai ở trung tâm sẽ đọc và xử lí thư của mình, đo đó thư được viết hoàn toàn do bản thân thân chủ tự suy nghĩ, không có một ảnh hưởng nào hay một tác động nào từ phía chuyên viên. Tuy nhiên do không được gặp gỡ để nhận biết được khách hàng qua việc quan sát vẻ mặt, điệu bộ cử chỉ nên có nhiều thông tin về khách hàng bị thiếu. Khi thân chủ có những bức xúc tâm lí chuyên viên tham vấn không thể trấn an, chia sẻ kịp thời với thân chủ. Vì vậy tham vấn qua thư thường kém tính thời sự. Trong tham vấn thư, nếu thân chủ có xảy ra điều gì xấu có liên quan đến tham vấn, chuyên viên tham vấn sẽ chịu trách nhiệm pháp luật với những chứng cớ rõ ràng.

Thông qua việc thu thập ngẫu nhiên các bài tư vấn trên báo – 105 bài (với các bút danh như Thanh Tâm, Tâm Giao, Hà Anh, Hạnh Dung, Con Gái, Hạnh Duyên), chúng tôi nhận thấy có 82 bài (chiếm 78%) là của chị em gửi đến. Như vậy, đối tượng “có vấn đề” chủ yếu là các chị em. Cũng có thể nhiều người đàn ông cũng “có vấn đề” nhưng không bộc lộ và không nhờ tham vấn qua hình thức thư – báo. Đặc điểm dễ nhận thấy qua các bài tham vấn trên báo là các chuyên gia tham vấn mới chỉ dừng lại ở việc chia sẻ và bàn luận sự kiện theo hướng phê phán hay ngợi khen khách hàng. Các ca tham vấn mang đậm sắc thái giáo dục theo các chuẩn mực xã hội, khuyên giải cho khách hàng mà chưa đạt tới trình độ chuyên nghiệp (nhà tham vấn chưa bộc lộ được khả năng chuyên môn thể hiện qua việc hiểu biết tâm lí đối tượng, chưa có kĩ năng tham vấn qua báo, nhiều bài báo mang những giải pháp triết chung không rõ mục đích tham vấn cho đối tượng nào: cho người đang có vấn đề hay cho người sẽ gặp vấn đề tương tự như vậy, hay cho toàn bạn đọc?) Việc các ca tham vấn trên báo ít đi vào tâm tình của chị em, mà lại trưng ra hình ảnh các chị em với các sự kiện được mô tả thật đáng thương và thật kém cỏi và kết hợp với các tên đề được các nhà tham vấn đặt cho nghe rất “thị trường”… khiến cho hiệu quả tham vấn trên báo bị hạn chế

– Tham vấn qua đài

Hiện nay trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong chương trình phát thanh thanh niên từ lúc 10h đến 10h30 vào sáng chủ nhật hàng tuần có mục “Trung tâm tư vấn cửa sổ tình yêu”. Ở đây các thân chủ có vấn đề cần tham vấn gọi điện thoại trực tiếp đến phòng thu và sẽ có các chuyên gia tham vấn làm việc với họ. Cuộc điện thoại này được phát trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam và phát sóng đi toàn quốc. Đây là loại hình tham vấn nhằm đáp ứng nhu cầu nghe đài của quần chúng nhân dân.

Qua việc thu băng để phân tích các ca tham vấn trên đài cho sinh viên học (phân tích chủ yếu các kĩ năng của người tham vấn), chúng tôi nhận thấy hình thức tham vấn qua đài chủ yếu như một cuộc trò chuyện theo xu hướng giáo dục, cho lời khuyên hơn là một cuộc tham vấn theo đúng nghĩa. Điều hạn chế này chủ yếu do sự giới hạn của thời gian tư vấn, sự gián tiếp của tư vấn và tính công khai hóa của các mối quan hệ vốn được gọi là “bảo mật”.

– Tham vấn qua điện thoại

Từ những năm 1980, tham vấn điện thoại đã được sử dụng như là một trong những phương tiện chính giữa thân chủ và nhà tham vấn (hay người trợ giúp). Trong thực tế, McLeod (1993) đã cho rằng đó là hình thức tham vấn hiệu quả nhất. Thân chủ có thể được nhận tham vấn qua điện thoại, được giúp đỡ, cung cấp thông tin và những dịch vụ khác (xem Wallbank, 1997). Những đào tạo chuyên môn đã được thiết lập để làm loại công việc này (Palmer và Milller, 1997).

Năm 1997. Trung tâm tư vấn Tầm lí Giáo dục Tình yêu–hôn nhân và Gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh với 8 đường dây tư vấn đầu tiên ra đời, đã thực hiện: 67437 cuộc tư vấn trả tiền 1800 đồng/phút: 8640 cuộc tư vấn miễn phí;1230 cuộc tư vấn trực tiếp: 198 cuộc tư vấn qua thư;

Các nội dung tư vấn được phân loại

- 10% về vấn đề li hôn

- 70% về tình yêu, tình dục, các vấn đề gia đình, bạo hành.

- 15% về giáo dục trẻ em

- 5% về nội dung khác

(Trích báo cáo của Giám đốc Trung tâm tổng kết năm đầu thực hiện dự án)

Những năm 1990 là thời ki bùng nổ của tham vấn điện thoại 1 “đường dây nóng”, ban đầu cung cấp thông tin và sau đó là tham vấn (Palmer và cộng sự, 1998). Một trong những điểm mạnh của dịch vụ tham vấn điện thoại là khả năng cung cấp sự hỗ trợ và lời khuyên miễn phí và đáng tin cậy. Đội ngũ nhân viên hỗ trợ thường được đào tạo và/hoặc có những hiểu biết cá nhân về những khó khăn điển hình của người gọi điện đang nới chuyện với họ (xem Wallbank, 1997).

Ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, dịch vụ tư vấn qua điện thoại được tổng đài 1088 nối với các trung tâm tư vấn ngày càng phát triển. Công dân trong toàn quốc có thể gọi theo số máy đó và xin “Kĩ năng cuộc sống” hay “Trung tâm tư vấn tâm lí tình cảm”, hay “Trung tâm tư vấn tâm lí giáo dục tình yêu – hôn nhân và gia đình”… giúp đỡ. Tại đây các khách hàng sẽ được các chuyên gia “giải đáp”. Sự ra đời của các trung tâm tư vấn đáp ứng được nhu cầu cung cấp thông tin, xin lời khuyên, tư vấn trẻ giải quyết các vấn đề tình cảm, vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục, các mối quan hệ trong gia đình; quan hệ bạn bè; tình yêu.

Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông (Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em - 18001567), có ngày tiếp nhận tới 500 cuộc gọi của khách hàng. Tổng số phút tư vấn trung bình của một tháng ớ Trung tâm sức khỏe hạnh phúc gia đình là 32.000 phút với 160 ca trực

Chỉ tính riêng ở Hà Nội, khi nhấc máy và gọi đến các tổng đài như 1088 hoặc 1900 để xin tư vấn thì chúng ta sẽ được hướng dẫn để chọn cơ sở cung cấp dịch vụ khác nhau. Các đường dây tư vấn được nhiều người biết đến như 1900585896, 18001567…

Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, để được tư vấn tâm lí, người ta có thể gọi đến 08.8680456, đây là một địa chỉ tư vấn miễn phí về stress, cai nghiện game, tình yêu hôn nhân gia đình, giáo dục giới tính. Trung tâm tư vấn tâm lí giáo dục tình yêu – hôn nhân và gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh thành lập năm 1997 do bà Lê Minh Nga làm Giám đốc. Đường dây tư vấn này gần như được xem là cơ sở tư vấn điện thoại đầu tiên hoạt động mang tính chuyên nghiệp. Với sự giúp đỡ của Hội đồng Dân số Việt Nam, trung tâm tư vấn này đã triển khai dự án “Đào tạo và xây dựng tài liệu tư vấn về bạo hành và sức khỏe sinh sản sử dụng trên điện thoại”. Mục đích của dự án là nhằm đào tạo cho các cán bộ tư vấn của trung tâm các kĩ năng tư vấn về sức khỏe sinh sản và bạo hành, qua đó xây dựng tài liệu để cán bộ tư vấn sử dụng trong công việc của mình.

Có thể nói, hình thức tham vấn qua điện thoại được phát triển khá nhiều ở Việt Nam. Hình thức tham vấn này rất thuận tiện cho khách hàng vì không phải đi lại, ngoài ra việc khách hàng và cán bộ tư vấn không biết nhau cũng làm cho khách hàng cảm thấy thoải mái hơn trong việc nói ra các tâm tư, dồn nén của mình. Thậm chí họ thoả chí chửi trong máy cho “bõ giận”. Tuy nhiên một trong những điểm dở của tham vấn điện thoại là khó đánh giá được hiệu quả tham vấn. Do tính chất của hình thức tham vấn qua điện thoại là người nói và người nghe không biết nhau nên nhiều khách hàng sau khi tham vấn đã không liên hệ lại vì vậy nhân viên tham vấn không biết được kết quả tham vấn của minh như thế nào và khó đưa ra kế hoạch tham vấn tiếp theo.

Đánh giá của các trung tâm tư vấn cho thấy, trong số các khách hàng của các trung tâm tư vấn, phụ nữ có nhu cầu chia sẻ nhiều hơn nam giới; đa số có độ tuổi khoảng từ 35 – 45 tuổi – chiếm khoảng 80 % ở cả nước.

Theo Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền thông (Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em), tháng 7/2006, có hơn 4.000 cuộc gọi của trẻ về đường dây nóng. Các em gọi điện đến phản ánh kết quả thi không tốt; được nghỉ hè nhưng vẫn bị cha mẹ ép học thêm… Theo nhận định của các chuyên gia tư vấn, sự việc trên nếu cứ kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng các em căng thẳng, mệt mỏi, chán nản, cô đơn, giảm hứng thú trong học tập, nhiều khi dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần. Vì vậy, các chuyên gia tư vấn đã lắng nghe, chia sẻ, động viên để trẻ lấy lại lòng tin vào bản thân.

Với việc giảm giá của tin nhắn điện thoại di động, khách hàng thường sử dụng tin nhắn để nói chuyện với nhà tham vấn của mình. Nhìn chung, các nhà tham vấn thật sự miễn cưỡng trong việc đồng ý tham vấn hay trị liệu qua điện thoại cho khách hàng. Thường thì hình thức tham vấn này không được các nhà tham vấn đồng tình.

Cùng với sự phát triển của đường dây tư vấn, ở Việt Nam, bước sang đầu thế kỉ XXI, hình thức tham vấn qua mạng internet đã phát triển rộng rãi, thể hiện qua ba dạng thức tham vấn khác nhau, đó là: tham vấn qua trang web, tham vấn qua email và tham vấn qua chat.

– Tham vấn qua trang web

Đối với dạng tham vấn qua trang web, Thạc sĩ Tô Thị Hạnh cho rằng, cơ sở đi đầu trong tham vấn qua thư điện tử phải kể đến trang web của Công ty Linh Tâm, ra đời năm 2001. Hiện nay trang web này không còn cung cấp dịch vụ tham vấn qua thư nữa, nhưng trong thời gian còn hoạt động, hàng ngày luôn có 20 – 30 thư được gửi tới mong muốn được trợ giúp về tâm lí. Tháng 5 năm 2003, trang web tham vấn về sức khỏe giới tính và tình cảm: www tamsubantre.org đầu tiên ra đời đánh dấu một bước quan trọng cho hoạt động tham vấn nói chung và tham vấn mạng nói riêng ở Việt Nam. Hoạt động chính của web là tham vấn trực tuyến và qua thư điện tử về các chủ đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, HIV/AIDS và tình cảm. Trang web thực hiện tham vấn trực tuyến 7 buối/tuần. Về thư điện tử, khách hàng có thể gửi câu hỏi, khúc mắc tới chương trình bất cứ lúc nào. Trang web là nơi thu hút rất nhiều thanh thiếu niên Việt Nam trên khắp cả nước tìm đọc và chia sẻ, tìm kiếm sự hỗ trợ. Cho tới nay hoạt động của trang web vẫn rất tích cực và ngày càng phát triển.

Hiện nay ở Hà Nội có khoảng 4 trang web tư vấn, tham vấn về sức khỏe giới tính và tâm lí với các hình thức trực tuyến và qua thư điện tử. Nhưng với thực tế nhu cầu sử dụng internet ở Việt Nam hiện nay, trên 14 triệu người trong đó 72% số người trong độ tuổi 18–30 thường xuyên nói chuyện (chat) và 81% số người trong độ tuổi 41 –50 thường xuyên đọc tin tức và với sự ra đời nhiều cơ sở tham vấn thì sự phát triển rộng rãi của tham vấn mạng sẽ là tương lai không xa. Hoạt động tham vấn của các trang web ở Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất phát từ các dự án hỗ trợ về sức khoẻ sinh sản, tình dục, HIV/AIDS nhưng những khúc mắc về vấn đề tâm lí chiếm một tỉ lệ không nhỏ, khoảng 50% các vấn đề khúc mắc của khách hàng và các trang web này chủ yếu là miễn phí.

– Tham vấn qua email

Qua những buổi được hướng dẫn làm thư. lai đã biết cách trên hàng trá lùi nội bức thư cho khách hàng, tôi đã biết cách tiến hành và trả lời một bức thư cho khách hàng. Tôi xác định vấn đề và cảm xúc của khách hàng, xác định vấn đề nào cần phải làm rõ bằng việc đặt câu hỏi cho khách hàng, xem xét các hướng giải quyết cho khách hàng, vì vậy việc trả lời một bức thư đã dễ dàng hơn đối với tôi, câu và từ sáng nghĩa hơn và tôi cũng tránh được những lỗi đã mắc phải trong thư đầu. Tuy nhiên, với tôi thời gian hoàn thành một lá thư còn quá dài. (MKP, k47, 2007)

Giống như tham vấn qua thư tay, khách hàng gửi thư từ hộp thư riêng của họ đến hệ thống nhận – trả thư của trung tâm tham vấn qua mạng (có thể là địa chỉ email tham vấn của trung tâm hoặc là hệ thống nhận thư được thiết kế riêng ở trên trang web, thân chủ chỉ cần đăng nhập thành viên và gửi nhận thư theo mẫu có sẵn). Với các mẫu gửi thư được thiết kế sẵn trên trang web, thường thân chủ phải khai báo một số thông tin để có thể đăng nhập vào hệ thống đã giúp cho nhà tham vấn có được một số thông tin cơ bản về thân chủ. Mặt khác, việc thân chủ có thể gửi nhiều lá thư và những lá thư đó được lưu lại thành một hệ thống cũng giúp thân chủ và nhà tham vấn theo dõi tiến trình tham vấn. Tuy nhiên, hình thức tham vấn này còn gặp nhiều khó khăn do lượng thông tin thường ít và không thể nhận được sự phản hồi ngay của thân chủ và của nhà tham vấn.

Quy trình tham vấn qua email có thể thực hiện theo một số bước sau

Đọc thông tin về thân chủ.

Đọc thư, xác định vấn đề trọng tâm, cảm xúc chủ đạo của thân chủ, định hướng giải quyết vấn đề của thân chủ.

Với những thư đã trao đổi nhiều lần, tham vấn viên cần đọc lại những thư do trao đổi trước để tiếp tục mạch thông tin của ca tham vấn và định hướng hỗ trợ cho khách hàng.

Viết thư trả lời, có thể một tham vấn viên khác đọc lại trước khi gửi đến thân chủ (theo kiểu giám sát chuyên môn).

Cấu trúc của một lá thư qua email cũng tương tự như tham vấn trực tuyến, nó bao gồm một số thủ tục sau:

Chào hỏi, thiết lập quan hệ (thường viết theo mẫu nhất định, như: Chào bạn hay bạn thân mến…).

Chia sẻ cảm xúc chủ đạo và vấn đề của thân chủ (dùng kĩ năng thấu cảm, phản hồi, tóm tắt vấn đề…). Cần trao đổi lần lượt các vấn đề theo thứ tự ưu tiên mà nhà tham vấn sắp xếp, tìm mối liên hệ giữa các vấn đề. Một tham vấn viên “thạo việc” sẽ biết cách trao đối theo logic của vấn đề. Điều này làm dễ dàng cho việc tháo gỡ những vấn đề sau đỏ của thân chủ. Trong mỗi vấn đề được phân tích sẽ giúp cho thân chủ sáng tỏ hơn vấn đề của mình. Có thể dùng câu hỏi đóng hoặc mở để xác định rõ thông tin hoặc gợi mở cho thân chủ.

Cung cấp thông tin (nếu cần).

Giải quyết vấn đề: Gợi ý các giải pháp, phân tích các tình huống, giả thuyết về những khó khăn, thuận lợi của mỗi giải pháp để thân chủ tự lựa chọn.

Cuối thư khuyến khích, gợi mở một số lời chúc. Khuyến khích, gợi mở về việc thân chủ tiếp tục cởi mở chia sẻ thông tin, tiếp tục quá trình trao đổi hay thể hiện sự nồng nhiệt của nhà tham vấn trong vấn đề trợ giúp khách hàng (Ví dụ như: Chúc bạn thành công; Chúc bạn hạnh phúc; Nếu cần chia sẻ, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe bạn…)

– Tham vấn qua Chat

Ở Việt Nam, đây là hình thức tham vấn được thực hiện bởi Công ty Tư vấn Đầu tư Y tế (CIHP). Theo báo cáo tổng kết 4 năm hoạt động của trang web Tâm sự bạn trẻ, dự án “Tư vấn trực tuyến về HIV/AIDS, tình dục và SKSS cho thanh thiếu niên – gọi tắt là CHAT, được Công ty thực hiện với mục đích nhằm tăng cường SKSS và phòng chống HIV/AIDS cho thanh thiếu. Kết quả 4 năm hoạt động của tư vấn Chat đã giúp thanh thiếu niên có được các thông tin đúng về HIV/AIDS, SKSS và tình dục; tạo một diễn đàn lành mạnh trên mạng để thanh niên có thể tham gia thảo luận về các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS, SKSS và tình dục và tư vấn cho thanh thiếu niên về các vấn đề liên quan đến tình dục, HIV/AIDS và SKSS. Ngoài ra, dự án còn tư vấn về tâm lí – tình cảm cũng nhằm phục vụ cho mục tiêu dự án là giúp thanh thiếu niên có được một đời sống tâm lí cân bằng, lành mạnh.

Theo số liệu tông kết của CIHP, số lượng thành viên có nhu cầu tư vấn qua mỗi năm cho thấy từ gần 13,000 thành viên năm 2004 tăng lên 27,962 thành viên vào năm 2005 (tăng hơn 2 lần) đến 57,007 thành viên vào năm 2006 (tăng hơn 2 lần) và hiện tại số lượng thành viên đã đạt mức 72,704 thành viên (tính đến cuối tháng 6/2007). Như vậy sau 3 năm, số lượng thành viên tăng hơn 5 lần, với mức tăng gần 60,000 thành viên. Tính từ tháng 6/2004 đến 6/2007 có 12,180,734 lượt truy cập vào trang web với mức trung bình khoảng 20.000 truy cập mỗi ngày, với mức tăng trưởng gấp đôi sau mỗi năm (ví dụ cuối năm 2006 có 7,000,000 lượt truy cập vào trang web thì đến thời điểm hiện tại đã có 12,180,734 lượt truy cập vào trang web). Trung bình mỗi năm, dự án thực hiện được từ 1,800 đến 2,000 ca tư vấn trực tuyến và từ 7,000 – 9,000 ca tư vấn qua thư. Trong giai đoạn 2004 – 2007, dự án đã thực hiện được khoảng 7,500 ca tư vấn trực tuyến và khoảng 30.000 ca tư vấn qua thư, đáp ứng được 30% nhu cầu tư vấn trực tuyến và 100% nhu cầu tư vấn qua thư của khách hàng.

3.1.3. Các cơ sở cung cấp dịch vụ tham vấn

– Trung tâm bảo trợ xã hội

Theo Từ điển Tiếng Việt (1992): Bảo trợ là đỡ đầu, bảo đảm sự an toàn về thể chất lẫn tinh thần cho một ai đó. Vậy Trung tâm Bảo trợ Xã hội (TTBTXH) là nơi giúp đỡ, cưu mang chăm sóc nuôi dưỡng những người gặp khó khăn hoạn nạn như: Trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người tàn tật, người già… nhằm giúp họ có điều kiện được sinh sống như bao người bình thường khác, phát huy được tiềm năng, năng lực vốn có của mình để vươn lên hoà nhập được với xã hội. Các TTBTXH hiện nay ở Việt Nam đều trực thuộc Bộ Lao động–xã hội, hoạt động theo biên chế nhà nước, mà nguồn cung cấp nhân lực cho các trung tâm này thường do Trường ĐHLĐXH đảm nhân. Các sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng hay đại học thường được về đây làm việc như một cán sự xã hội.

– Nhà mở, nhà tình thương

Những đứa trẻ chủ yếu sống trong cộng đồng được đón vào nuôi ờ nhà mở phần lớn đều mồ côi cha mẹ và có hoàn cảnh hết sức éo le, như trẻ có cha mẹ bị tù đầy, trẻ vô gia cư. Nhà mở là nơi chăm sóc, giáo dục, hướng nghiệp, giúp đỡ trẻ tránh những rủi ro trên đường phố, ngăn ngừa các tội phạm và tệ nạn xã hội đến với các em: trộm cắp, ma túy và bị lạm dụng tình dục. Sau một thời gian nhất định trẻ có thể tái hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Tại đây các dịch vụ tham vấn miễn phí được duy trì thường xuyên.

– Bệnh viện, phòng khám

Xét từ góc độ lịch sử, sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng của ngành trị liệu tâm lí cùng với nỗ lực đấu tranh cho những hình thức chữa trị nhân đạo đối với bệnh nhân tâm thần khiến cho nhu cầu cần người trợ giúp tâm lí trong các bệnh viện, phòng khám gia tăng. Trên thế giới, những nhân viên công tác xã hội, những nhà tâm lí được đào tạo về những kĩ năng tham vấn để có thể đáp ứng nhu cầu này trong bệnh viện. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động trợ giúp tâm lí tại bệnh viện đặc biệt là bệnh viện tâm thần) hay các phòng khám chủ yếu là các nhà tâm lí học lâm sàng và các nhà tham vấn.

Hiện nay, nhiều bệnh viện có dịch vụ trợ giúp tâm lí như Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, Viện Nhi Trung ương, Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Quân đội 103, Bệnh viện Đống Đa, Khoa Tâm lí bệnh viện Nhi đồng II, Phòng khám Tuna… Tại các bệnh viện, phòng khám việc sử dụng những trắc nghiệm tâm lí để chẩn đoán trầm cảm, lo âu, đánh giá hành vi, nhân cách đang ngày càng được phổ biến. Vị trí của nhà tâm lí cũng được ghi nhận trong việc giúp đỡ các bác sĩ tâm thần làm việc với bệnh nhân có rối nhiễu tâm lí. Các nhà tâm lí học hoạt động trong bệnh viện như một nhà tham vấn tâm lí, hoặc là một cán bộ sử dụng trắc nghiệm dưới sự chỉ định của các bác sĩ tâm thần.

– Trung tâm tham vấn (trung tâm tư vấn, trung tâm tư vấn tâm lí, phòng tham vấn)

Hình thức phổ biến của dịch vụ cung cấp tham vấn, trị liệu tâm lí là các phòng khám riêng của các nhà tâm lí lâm sàng, nhà tham vấn tâm lí. Theo thống kê của Bộ Lao động Hoa Kì, tâm lí là một trong những nghề mà tỉ lệ người làm riêng khá cao (4/1O nhà tâm lí làm riêng, trong khi tỉ lệ trung bình cho tất cả các ngành nghề là 1/10)

Các trung tâm này có thể do một nhà tâm lí đứng đầu và làm độc lập hoặc do nhiều nhà tâm lí lập nên và cùng làm việc trong nhóm, hoặc đó là một bộ phận của một cơ quan. Ở Việt Nam, nhìn chung các phòng tham vấn thường nhỏ, có một bàn làm việc với một ghế ngồi để tiếp thân chủ. Diện tích mỗi phòng tối thiểu khoảng 2,5 x 2,5 mét, hoặc một phòng to có vách ngăn kín đáo, yên tĩnh với các trang trí tối thiểu nhằm tạo thuận lợi cho thân chủ và tham vấn viên trao đổi, tâm sự.

Do trung tâm tư vấn ở ngay trong trường nên khi em có vấn đề cần đến các cô làm tư vấn giúp đỡ em thấy thật khó vì chính cô giáo chủ nhiệm nói với em rằng, lúc nào cô cũng thấy em vào đó, em không thấy ngại và xấu hổ à, không sợ bạn bè đánh giá mình sao? Nên mỗi lần vào trung tâm em phải lén lút chứ để mọi người thấy cũng ngại lắm. (Ý kiến học sinh trường THPT NTT, Hà Nội)

– Tham vấn học đường

Nhà tham vấn học đường chuyên nghiệp là một nhà sư phạm được cấp bằng đào tạo về tham vấn học đường với những kĩ năng chuyên biệt để hỗ trợ việc học, nhu cầu phát triển cá nhân, xã hội và nghề nghiệp của học sinh.

Theo Bộ Lao động Hoa Kì, nhà tham vấn học đường giúp học sinh đánh giá khả năng, hứng thú, tài năng và đặc điểm nhân cách của mình để phát triển khả năng học tập thực sự và mục tiêu nghề nghiệp là hỗ trợ cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà tham vấn học đường còn làm việc với những cá nhân và tổ chức khác để đẩy mạnh việc phát triển học tập, hướng nghiệp, vấn đề cá nhân và xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên. Nhà tham vấn học đường sử dụng các buổi phỏng vấn, các buổi tham vấn, các trắc nghiệm đánh giá hứng thú và năng khiếu, và những cách thức khác để đánh giá và tư vấn cho học sinh. Ngoài ra các nhà tham vấn học đường còn tổ chức các buổi trao đổi thông tin nghề nghiệp và các chương trình giáo dục hướng nghiệp.

Trên thế giới, như tham vấn học đường chuyên nghiệp, vốn trước đây thường được gọi là “Nhà tham vấn hướng dẫn”, là những nhà giáo dục chuyên nghiệp có bằng thạc sĩ hoặc cao hơn về tham vấn học đường (hoặc lĩnh vực tương đương), được chứng nhận và cấp bằng bởi bang mà họ làm việc. Họ có những phẩm chất và kĩ năng cần thiết để có thể làm việc với các nhu cầu học tập, cá nhân, xã hội và phát triển nghề nghiệp của học sinh.

Tham vấn học đường thiên về tham vấn giáo dục, nó bị chi phối nhiều bởi những quy định, chuẩn mực trong trường học, nhà tham vấn học đường đôi khi còn được xem là nhà cố vấn học đường. Nhiệm vụ của nhà tham vấn học đường là can thiệp, tham vấn cá nhân và nhóm như hướng dẫn nhóm lớn, tư vấn phụ huynh, giáo viên, những người khác và làm công tác điều phối chương trình. Sau này, mặc dù công tác hướng dẫn tham vấn nghề trong trường học được phát triển. Song các chuyên gia tham vấn nghề đã tán thành việc cần có một cách tiếp cận rộng hơn với tham vấn trong trường học. Điều này có nghĩa là những chuyên gia tham vấn hướng nghiệp không chỉ tập trung quan tâm về ngành nghề, mà còn chú ý đến sự khác biệt lớn trong những nhu cầu tâm lí và giáo dục của học sinh. Nói cách khác, những chuyên gia tham vấn hướng nghiệp phải là những nhà tham vấn học đường. Ở Việt Nam, đôi khi người ta đồng nhất tham vấn học đường là tham vấn nghề hay tham vấn hướng nghiệp.

Ở Hoa Kì, một người muốn trở thành nhà tham vấn học đường phải trải qua các chương trình học như: lịch sử, quy trình tham vấn học đường, làm việc nhóm, nghiên cứu và đánh giá chương trình, một số yêu cầu cho nhà tham vấn học đường… Các học viên phải có 600 giờ thực tập nội trú dưới sự kiểm soát của một nhà tham vấn học đường uy tín và để được thực tập nội trú người học phải có bằng thạc sĩ. Hơn nữa, để được chứng nhận nhà tham vấn ngoài việc phải có bằng thạc sĩ, còn phải có 3 năm kinh nghiệm làm việc được giám sát tại cơ sở.

Ở các nước phát triển, tham vấn học đường, đặc biệt là tham vấn nghề là những hoạt động không thể thiếu trong các trường học, 100% học sinh phổ thông được tiếp cận với nhà tham vấn học đường cũng như tất cả các em tiếp cận bắt buộc với môn Toán hay môn Lịch sử.

Ở Việt Nam, hoạt động tham vấn học đường vẫn còn đang mới lạ và thầm lặng ở các cấp cơ sở. Hình thức trợ giúp học sinh đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam phải kể đến là tư vấn nghề. Những chuyên gia tâm lí học được đào tạo về tư vấn ở Việt Nam đầu tiên là tư vấn nghề vào những năm 1958–1965, hầu hết là được đào tạo ở Liên Xô và các nước Đông u. Nhưng mãi đến năm 1975, tư vấn nghề mới được Viện Khoa học Giáo dục đề cập đến. Khởi đầu 1975–1976, công việc chủ yếu là tư vấn cho những thương binh vừa hết chiến tranh trở về. Năm 1977–1980, tư vấn nghề được tiến hành ở Trường cấp III Thanh Oai, Trường cấp II Hồng Dương, Thanh Oai (đều của Hà Tây), Trường cấp III Bắc Lí (Nam Hà), Trường phổ thông trung học Trưng Vương (Hà Nội). Năm 1980–1981, công tác hướng nghiệp đã được đưa vào trường phổ thông. Từ 1981 đến 1986 tài liệu sinh hoạt hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học được biên soạn.

Từ 1987 đến 1991, do nguyên nhân khách quan nên các phong trào hướng nghiệp ở các địa phương bị sa sút nghiêm trọng, công tác tư vấn tạm thời bị dừng lại. Tháng 3/1991, đầu mối tổ chức chỉ đạo hoạt động lao động – hướng nghiệp toàn ngành được khôi phục lại và trung tâm hướng nghiệp toàn ngành trực thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo được thành lập. Sau đó là việc biên soạn một tập tài liệu “Tư vấn nghề cho học sinh phổ thông”.

Từ năm 2000, Văn phòng Tư vấn Tâm lí Trẻ em thuộc ủy ban Dân số – Gia đình – Trẻ em TP.HCM phối hợp với các UBDSGĐTE và phòng giáo dục – đào tạo các quận thành lập các phòng tư vấn tâm lí học đường ở một số trường trung học cơ sở. Hình thức tham vấn học đường nói chung, và tư vấn nghề nói riêng hiện nay chủ yếu xuất hiện trong các trường phổ thông trung học tư thục, như Trường phổ thông trung học Dân lập Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo.

Kết quả tham vấn tại một số trường phổ thông ở Hà Nội (như Trường phổ thông trung học Nguyễn Tất Thành, Trường phổ thông trung học Trân Hưng Đạo cho thấy bên cạnh nhưng chủ đề về tình bạn, tình yêu thì vấn đề học tập, hướng nghiệp và quan hệ trong gia đình giữa cha mẹ và con cái liên quan đến áp lực học tập luôn là những nội dung khiến các em băn khoăn nhiều nhất – chiếm 57,5%. Tư vấn nghề ở một số trường hiện nay là dùng các Test để kiểm tra các phẩm chất nhân cách của học sinh nhằm tìm ra khả năng của họ trong tương quan với những yêu cầu của một trường học, một nghề nhất định; chỉ dẫn những thông tin tóm tắt về tình hình thi tuyển đại học của các năm trước; đưa ra những lời khuyên về hướng nghiệp… Tuy nhiên cũng có trường kết hợp cả hình thức xem số tử vi để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh!

Tư vấn hướng nghiệp tại trường THPTDL Z.

“Đây là mảng do thấy X phụ trách. Tôi thực sự bất ngờ khi được tiếp xúc với hình thức tư vấn hướng nghiệp ở đây. Tại trung tư vấn hướng nghiệp bắt đầu với học sinh lớp 11, mỗi học sinh sẽ được phát một phếu “Tư vấn hướng nghiệp“ và điền đầy đủ những thông tin trong phiếu đó. Trong phiếu có một số thông tin, bao gồm: phần đầu là những thông tin do học sinh cung cấp: Họ và tên; Ngày, tháng, năm sinh; phút, giờ sinh (rất quan trọng); năng khiếu, sở thích, tính cách… Phần sau là một số thông tin do nhà tư vấn điền vào sau khi đã làm công tác gọi là Hướng nghiệp.

Sau khi nhận đặc phiếu “tư vấn hướng nghiệp“, tư vấn viên sẽ lập một lá số tử vi trên sở họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giờ sinh của học sinh. Người có khả năng “giải mã“ những thông tin trong lá số này chỉ có thầy X. Dựa vào những thông tin này, nhà tư vấn biết được học sinh này phù hợp với nghành nghề nào, nên thi vào trường nào và trên cơ sở đối chiếu với học sinh (gọi từng học sinh lên và trao đổi với thầy xem năng lực, tính cách của em có đúng như những gì thầy giáo nói không, những thông tin phù hợp sẽ được ghi vào phiếu”. Theo như đánh giá của phòng tư vấn thì mức độ chính xác khoáng 70 – 80% “.

(Trích báo cáo thực tập tham vấn của MTP, K49, 2007)

Khi cá nhân có vấn đề và có nhu cầu được giúp đỡ họ sẽ tìm đến các trung tâm tư vấn giúp để được trợ giúp. Tuy nhiên tham vấn học đường đôi khi lại không như vậy. Nhìn chung học sinh tự đến phòng tham vấn học đường là rất ít. Phần nhiều học sinh tới phòng tham vấn trường học là do giáo viên gửi đến. Điều này tạo ra một tâm lí gượng ép, thiếu sẵn sàng hợp tác của học sinh đối với tham vấn viên. Mặt khác, việc giáo viên bộ môn trong trường có cái nhìn về tham vấn học đường khác với nhà tham vấn trong cách giúp học sinh giải quyết vấn đề cũng gây cản trở cho học sinh tiếp cận với tham vấn học đường. Ví dụ như, không ít giáo viên trong trường có quan niệm Phòng Tham vấn tâm lí là nơi chỉ những người có vấn đề mới phải đến, điều này làm cho học sinh rất sợ khi phải đến đây. Ngoài ra, do có khó khăn về địa điểm tham vấn, nên có những trường phải đặt phòng tham vấn tâm lí ở trong phòng hội đồng nhà trường nên đã rất ảnh hưởng đến quá trình tham vấn. Chính điều này cũng làm cho học sinh sợ khi đến phòng tham vấn!

– Tham vấn tại các trung tâm

Nhà tham vấn đối mặt với thân chủ, trong cuộc tư vấn (thuộc loại) này, nhà tham vấn không chỉ hiểu thân chủ thông qua hành vi ngôn ngữ, mà cả hành vi phi ngôn ngữ (cử chỉ, điệu bộ nét mặt…).

Đây là loại hình tham vấn tâm lí được coi là hiệu quả nhất, đồng thời cũng là loại hình tham vấn khó nhất. Có những vấn đề của thân chủ chỉ tham vấn thành công thông qua hình thức tham vấn này. Vì loại hình tham vấn này cho phép khám phá chiều sâu vô thức của thân chủ và xúc cảm, tình cảm của họ.

Đã có nhiều bài báo phản ánh về không gian làm việc của phòng tham vấn trực tiếp, như còn quá chật hẹp, không đảm bảo về tính riêng tư và bí mật trong tham vấn, trị liệu. Ví dụ như ý kiến của TS. Trần Thị Giồng: “Một số trung tâm có nhiều phòng tham vấn tâm lí chỉ có vách ngăn tạm nên tư vấn viên nghe tiếng nói chuyện của nhau rõ mồn một. Rất nhiều cơ sở thiết kế phòng ngồi với nhiều bàn khác nhau trong một căn phòng không có vách ngăn, nên mọi người có thể nhìn nhau và vô tình hay tò mò nghe chuyện của nhau. Thậm chí một số cơ sở còn dùng phòng làm việc để tiếp thân chủ”.

Ở Việt Nam, tham vấn chưa được tổ chức thành một dịch vụ xã hội hoàn chỉnh; quy trình hoạt động chưa triển khai thống nhất về tổ chức, chính sách, cơ chế, lực lượng, đào tạo, pháp lí. Mặt khác, tham vấn là một khoa học mang tính chuyên ngành, việc tồn tại nhiều nguồn lí luận khác nhau, nhiều cách tiếp cận khác nhau – nhiều khi trái ngược nhau, đã làm cho “sự khởi đầu nan” của chúng ta càng khó khăn trong việc xác định phương pháp tiếp cận thực hành.

So với lần thực tập tham vấn qua mạng trước, trong lần thực tập tham vấn trực tiếp này tôi luyện lại các kĩ năng như lắng nghe, thấu cảm, phản hồi và đặt câu hỏi. Điều này giúp tôi nhận ra là việc đưa ra một câu hỏi trực tiếp đòi hỏi người làm tham vấn phải nhanh hơn và cẩn trọng hơn so với khi làm tham vấn qua mạng. Trong tham vấn qua mạng, nếu đánh sai từ nào, câu nào ta có thể xóa đi viết lại, nhưng trong tham vấn trực tiếp thì không thể làm lại được (HTH, K49, 2007)

– Tham vấn tại gia

Nhiều nhà tâm lí học và ngay cả sinh viên tâm lí học chọn cách cung cấp dịch vụ trợ giúp tại chính gia đình thân chủ, hoặc đề nghị thân chủ đến nhà mình để tham vấn, trị liệu tâm lí. Trên thế giới, để được hành nghề độc lập mà không cần giám sát chuyên môn, các chuyên gia phải đạt được trình độ đào tạo và có kinh nghiệm thực hành trung bình 8, 9 năm và phải vượt qua các kì thi để đạt được chứng nhận đủ tiêu chuẩn làm độc lập. Còn ở Việt Nam, các nhà tham vấn tại gia đôi khi chi cần bằng cử nhân tâm lí học cũng “đủ tự tin” để hành nghề. Thông thường công việc của họ là giúp đỡ trẻ em có vấn đề khuyết tật, vấn đề học đường. Công việc của họ đôi khi thuần túy như một “bảo mẫu”, hoặc khá vất và khi phải “chăm sóc” những trẻ tự kỉ, hay chậm phát triển tâm thần. Ngược lại, những nhà tâm lí học có bằng cấp hoặc trình độ khá hơn thường thăm khám tâm lí một cách không chuyên tại nhà. Công việc của họ thường nhằm mục đích duy trì thực hành nghề nghiệp (ví dụ như các giáo viên dạy tham vấn tại các trường đại học có nhận thân chủ tại gia) hơn là nhằm mục đích sinh tồn. Vì vậy các khách hàng của họ thường chủ yếu là “người quen của những người quen”.

3.2. Đánh giá chung về thực trạng hoạt động tham vấn ở Việt Nam

Ở Việt Nam, hoạt động tham vấn chủ yếu mới chỉ dừng lại ở hình thức tự phát của việc ra đời các dịch vụ tư vấn về tình yêu, hôn nhân, gia đình, sức khoẻ sinh sản, phần lớn qua điện thoại. Các hoạt động này xuất phát từ nhu cầu trợ giúp những cá nhân, gia đình không có khả năng đương đầu với những khó khăn của mình. Trong vòng 10 năm trở lại đây, các dịch vụ tham vấn trực tiếp xuất hiện và đáp ứng được nhu cầu trợ giúp tinh thần cho người dân. Tham vấn, tư vấn đang trên đà “trăm hoa đua nở”. Đây là nhũng tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của nghề tham vấn, trị liệu trước những đòi hỏi của nhu cầu chăm chữa tâm lí của xã hội. Một điều ngạc nhiên mà ít ai ngờ đến là tìm đến các dịch và tham vấn/ trị liệu tâm lí qua mạng cũng phải đợi chờ bởi có quá nhiều người đã tìm đến. ThS. Tô Thị Hạnh, người đã trực tiếp làm việc được 4 năm tại công ty tư vấn đầu tư y tế, cơ quan chủ quản của website: www tamsubantre.org, cho biết: “Nhu cầu tham vấn trị liệu là rất lớn, rất nhiều đường dây tư vấn điện thoại mọc lên, ngoài ra còn có nhiều trung tâm làm trực tiếp. Riêng trên mạng internet thì có ngày chúng tôi tiếp nhận từ 10, 20 thậm chí là 30 khách hàng chờ tư vấn. Phần lớn là khách hàng muốn chia sẻ về vấn đề tâm lí.

Đối với lĩnh vực tham vấn và trị liệu tâm lí cho những người có tổn thương tâm lí, chúng ta luôn nhớ đến vai trò tiên phong của các bác sĩ tâm thần trong việc điều trị những người có rối loạn tâm lí. Đặc biệt tên tuổi của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cùng với các cộng sự của ông ở trung tâm nghiên cứu tâm lí trẻ em (N–T) – những người đã đưa việc chữa trị các rối nhiễu tâm lí trẻ em sang hướng không dùng thuốc. Điều này đã làm rõ được vai trò của các nhà tâm lí học, đặc biệt là các nhà tâm lí học thuộc Bộ môn Tâm lí học Lâm sàng và Bộ môn Tâm lí học Tham vấn. Hiện nay, dù Nhà nước chưa cấp mã nghề trợ giúp tâm lí cho ngành Tâm lí học nhưng chỗ đứng của các nhà tham vấn/trị liệu đã tồn tại trong xã hội. Và vị thế này ngày càng được khẳng định.

Tham vấn viên vừa ăn vừa cắn hạt dưa vừa nói chuyện với thân chủ, câu giờ (có ca từ vấn qua điện thoại kéo dài đến sáu giờ/ 1.500 đồng/phút… Nguy hiểm hơn, một số tham vấn viên đem suy nghĩ chủ quan và kinh nghiệm sống của mình áp đặt lên thân chủ hoặc cho những lời khuyên vô bổ.

Tại hội thảo đầu tiên tại Hà Nội (2002) bàn về Thực trạng công tác tham vấn trẻ em, những người tham gia hội thảo đã tập trung thảo luận về cách hiểu, cách sử dụng thuật ngữ Tham vấn và chỉ ra những hạn chế, yếu kém về thực trạng công tác tham vấn, như cho rằng: Nhiều cán bộ tham vấn chưa thực sự phân biệt rõ sự khác nhau giữa Tham vấn, Tư vấn và Trị liệu; Bản thân nhiều cán bộ đang làm công tác tham vấn, nhưng chủ yếu cho lời khuyên, giảng giải vấn đề dựa vào kinh nghiệm cá nhân và đạo đức xã hội; Hiệu quả tham vấn kém chủ yếu là do người tham vấn không nắm rõ hệ thống các tri thức về nghề trợ giúp; các phương pháp tiếp cận còn yếu kém; đa số chưa được đào tạo đầy đủ về các kĩ năng tham vấn, không có các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp chuẩn để định lượng hành vi của nhà tham vấn; hoạt động tham vấn không chịu sự giám sát của bất cứ một tổ chức quản lí nào; các trung tâm tham vấn không có mối quan hệ với nhau về tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ và quy chế quản lí và còn khá nhiều nhà tham vấn không được đào tạo từ chuyên môn Tâm lí học.

Từ năm 2003 đến nay ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khá nhiều cuộc hội thảo liên quan đến tham vấn và trị liệu. Tuy nhiên, những điều được đề cập trong hội thảo đầu tiên về thực trạng tham vấn ở Việt Nam đến nay vẫn còn giá trị. Trong đó, sự thiếu đào tạo chuyên nghiệp là một trong những nguyên nhân cơ bản đưa đến tình trạng yếu kém trong hoạt động tham vấn hiện nay!

Có nhiều lí do để giải thích cho nhận định này, trong đó có sự thiếu chuyên nghiệp trong hành nghề của các cán bộ đang làm công tác tham vấn. Thực tế là đa số cán bộ tham vấn không được đào tạo bài bản nên chưa đạt yêu cầu, hoạt động chủ yếu bằng sự nhiệt tình, bằng kinh nghiệm dẫn đến áp đặt chủ quan quan điểm của bản thân cho thân chủ. Có rất nhiều cán bộ tham vấn, mặc dù đã được học và hiểu rõ bản chất của tham vấn nhưng hành động của họ vẫn giống như một cố vấn, một nhà giáo, một luật sư hoặc đóng vai trò làm cha mẹ, bề trên của thân chủ.

3.3. Vấn đề đào tạo cán bộ tham vấn theo hướng chuyên nghiệp ở Việt Nam

– Đào tạo sinh viên tâm lí học làm tham vấn/trị liệu

Neukrug (1999) cho rằng công tác đào tạo các nhà tham vấn thường mang tính rộng rãi, mặc dù không thường xuyên kỹ lưỡng như đào tạo những nhà tâm lí học lâm sàng. Họ làm tham vấn cá nhân hoặc nhóm, cung cấp và giải thích những đánh giá giáo dục và tâm lí, cung cấp nghề tham vấn chuyên nghiệp, tư vấn trên diện rộng các vấn đề thuộc về giáo dục và tâm lí, đưa ra những hướng dẫn hoạt động thích hợp có tính phát triển cho tất cả các lứa tuổi. Mặc dù các nhà tham vấn nhìn chung không chuyên về tâm bệnh học nhưng họ luôn có một số kiến thức về sự điều chỉnh những sai biệt và biết chuyển các cá nhân đến đâu khi họ cần các phương pháp điều trị sâu hơn. Các nhà tham vấn trên thế giới có một số chức danh như sau: Nhà tham vấn học đường; Nhà tham vấn sức khỏe tâm thần/nhà tham vấn cộng đồng; Nhà tham vấn trong thực hành hướng nghiệp cho sinh viên; Nhà tham vấn phục hồi; Nhà tham vấn tuổi già; Nhà tham vấn hôn nhân và gia đình. Các chức danh này đều đi kèm với các điều khoản quy định nghề nghiệp nhất định và được pháp luật bảo vệ và kiểm soát.

Ngành Tâm lí học ở Việt Nam bắt đầu đào tạo cử nhân từ 1965. Hơn bốn mươi năm qua các cử nhân tâm lí học nhiều thế hệ đã đáp ứng tốt công việc nghiên cứu và giảng dạy tâm lí, bởi mã nghề tâm lí học cho đến nay vẫn là nghiên cứu và giảng dạy tâm lí học.

Môn Tham vấn thời gian qua tại các cơ sở đào tạo đại học chỉ được dạy với tư cách là một môn học trong một chuyên ngành lớn, với thời lượng còn mỏng, trung bình 2, 3 tín chỉ cho một môn. Các cơ sở đào tạo môn Tham vấn chưa có tài liệu thống nhất về nội dung môn học. Mặt khác lớp học thường quá đông, trung bình 70 sinh viên, thậm chí có nơi lên tới 100 – 150 sinh viên trong một lớp. Vì vậy khả năng sinh viên được luyện tập các kĩ năng tham vấn là chưa được đáp ứng, trong khi đó học tham vấn sinh viên cần phải được thực hành nhiều hơn về mặt kĩ năng.

Thực tế cho thấy hầu hết các cơ sở đào tạo tâm lí học ở Việt Nam đều chưa thực sự xuất phát từ quan điểm đào tạo cho người học có một nghề, có khả năng hành nghề. Do đó hầu hết sinh viên tâm lí học ra trường có bằng cử nhân Tâm lí học, Tâm lí giáo dục “với một mớ lí thuyết và không biết dùng vào việc gì khi đi làm”

Ở Việt Nam, nơi có ba Khoa Tâm lí học trong cả nước có đào tạo chuyên ngành Tham vấn theo hướng tâm lí học tham vấn (tham vấn nằm trong Khoa Tâm lí học). Đó là Khoa Tâm lí học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Sư phạm, thuộc Hà Nội và khoa Tâm lí học Trường Đại học Văn Hiến, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực chất môn học Tham vấn với 2 đơn vị học trình chỉ nhằm giới thiệu sơ qua những kiến thức căn bản cho sinh viên chứ không thể đi chuyên sâu, vì chúng ta không thể quên đây là Khoa tâm lí – giáo dục chứ không phải khoa tham vấn, khi ra trường sinh viên làm việc về lĩnh vực tâm lí giáo dục ở các trường phổ thông, cao đẳng và đại học… Tuy nhiên, nếu sinh viên ra truờng làm tham vấn thì họ vẫn có thể làm được vi họ được trang bị kiến thức chuyên ngành tâm lí có liên quan. Nhưng chất lượng và hiệu quả ở đây sẽ không được tốt là điều không tránh khỏi. (Phỏng vấn TS Nguyễn Thị Mùi, 2006)

Khoa Tâm lí học, Trường ĐHKHXH&NV đã và đang có những thay đổi trong đào tạo theo hướng thực hành chăm chữa “bệnh tâm lí”. Trong chương trình cử nhân tâm lí học đã xuất hiện các môn học hướng đến dạy kĩ năng tâm lí, dù bước đầu mới ở dạng “thực hành hoá lí thuyết”. Các môn học như: Tham vấn tâm lí học tham vấn, kĩ năng tham vấn, Phân tích ca, Trị liệu tâm lí, Tâm lí học lâm sàng, Chẩn đoán tâm lí, Tâm bệnh học và hai kì thực tập thực tế chuyên ngành và toàn khoá tại cơ sở đã giúp sinh viên tâm lí học tăng cường “cảm giác nghề nghiệp” và hướng sinh viên đến sự tự giác “học nghề” tại các cơ sở trợ giúp tâm lí.

Việc Khoa Tâm lí học thành lập chuyên ngành Tâm lí học Lâm sàng năm 2001 và tới năm 2008 thành lập thêm chuyên ngành Tâm lí học Tham vấn (mỗi chuyên ngành có 360 giờ học riêng) cho thấy những bứt phá trong đào tạo của Khoa. Tuy nhiên, từ góc độ đào tạo nghề tâm lí theo hướng chuyên nghiệp chúng tôi thấy vẫn còn nhiều điều cần phải bàn.

Như Giáo sư Jeffrey Fagen, Đại học St. John (2006) trong một hội thảo quốc gia về tham vấn tại Hà Nội đã cảnh bảo rằng: “Đào tạo trong trường đại học về tâm lí học chỉ cung cấp khung chương trình nhằm đạt mức cơ bản để làm nghề và việc hoàn thành chương trình học lí thuyết tâm lí không bảo hành cho sự hành nghề thành công”. Vì vậy chúng tôi cho rằng việc thực tập có giám sát của các chuyên gia cơ sở và giảng viên đại học là rất cần thiết cho việc nâng cao tay nghề của sinh viên ngành Tâm lí học.

Xét về nội dung đào tạo, các môn học thuộc lĩnh vực tâm lí học có lượng kiến thức, kĩ năng có thể ứng dụng vào công việc tham vấn và trị liệu là không nhiều (vì hai năm đại học đầu tiên, sinh viên chủ yếu học các môn không thuộc về ngành Tâm lí học), ngoài ra vẫn còn nhiều môn học nhỏ lẻ, mang tính đại cương. Quan trọng hơn, thời gian đào tạo cho người làm tâm lí thực hành là quá ngắn. Hiện nay chỉ với tấm bằng đại học 4 năm, các cử nhân tâm lí học đã có thể được nhận vào làm việc tại các trung tâm tư vấn, bệnh viện, trường học, hoặc hành nghề tâm lí độc lập tại nhà. Trong khi ở các nước có nghề trợ giúp phát triển, để hành nghề tham vấn hay trị liệu tâm lí, một người ít nhất phải có bằng thạc sĩ với vài năm thực hành nội trú có giám sát. Cách đào tạo người làm nghề tâm lí hiện nay ở Việt Nam khiến cho nhiều sinh viên ra trường lúng túng khi phải đương đầu với thân chủ và nan đề của họ. Kết quả là các cá nhân tâm lí học đã không đáp ứng được yêu cầu trợ giúp của các cơ sở thực hành.

– Thực tập tham vấn của sinh viên tâm lí học

Trong bối cảnh phát triển nghề tâm lí hiện nay ở Việt Nam: một số sinh viên khoa Tâm lí học đã tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp ngay từ khi còn học năm 2, 3. Công việc mà sinh viên thường làm là trợ giúp trẻ em có khó khăn về tâm lí, về học đường. Và với bằng cử nhân tâm lí học, sinh viên có thể được nhận làm việc ở các trung tâm tư vấn, trường học, phòng khám tâm lí – y tế, mặc dù các kĩ năng tâm lí chuyên ngành của sinh viên được trang bị ở đại học còn rất mỏng và sơ sài so với yêu cầu của nghề nghiệp. Sự góp mặt của sinh viên trong thực hành nghề trợ giúp tâm lí đang đặt lại vấn đề thực tập thực tế của sinh viên đối với Khoa Tâm lí học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Với quan niệm Tâm lí học là một nghề thì thực tập thực tế của sinh viên cần được nhìn nhận như một phương pháp đào tạo chuyên nghiệp và liên tục, mang tính tích lũy và nâng dần sự phức tạp của việc thực hành kĩ.năng, phương pháp tiếp cận, cũng như sự ý thức' hoá và khía cạnh chuyên môn, đạo đức và pháp lí của nghề… Điều này bắt buộc các chương trình thực tập phải gán với các cơ sở thực hành và phải có quy trình giám sát giáo viên và chuyên viên cơ sở.

Trong một số năm trở lại đây, những cơ sở thăm khám tâm lí và tư vấn tâm lí (như đã nói ờ trên) đang.là những địa chỉ thu hút sự thực hành nghề của sinh viên tâm lí học. Trong điều kiện không phải mọi cơ sở thực tập về tâm lí học ở Việt Nam đều có các nhà tâm lí học được đào tạo ở cấp thạc 'sĩ hay tiến sĩ chuyên ngành. Thì việc đưa sinh viên đến những cơ sở thực hành nhằm cung cấp cho họ một sự.đào tạo mở rộng theo lối kinh nghiệm thực tế với sự giám sát kết hợp của giáo viên đại học là rất khả quan. Tuy nhiên thực tế việc Xây dựng quy trình thực tập của sinh viên, cũng như quan niệm về giám sát sinh viên thực tập đã chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc từ phía giáo viên và cơ sở thực tập.

Hiện nay nhiều chuyên gia tâm lí và các giáo viên dạy đại học vẫn còn coi nhẹ việc dạy sinh viên thực hành và thực tập thực tế ở cơ sở. Vì vậy công tác giám sát sinh viên thực tập không gây được sự quan tâm từ phía các giáo viên có chuyên môn sâu. Điều này có nghĩa là chúng ta hiểu không đúng về vai trò người giám sát, người hướng dẫn sinh viên thực tập. Ví dụ như ở Khoa Tâm lí học, ĐHKHXH&NV, tất cả các giáo viên trẻ nhất, giáo viên mới ra trường ở các bộ môn, như Bộ môn Tâm lí học xã hội, Tâm lí học lâm sàng và Tâm lí học quản lí – kinh doanh đều chịu trách nhiệm xây dựng chương trình và đám nhận việc giám sát thực tập của sinh viên. Có vẻ như các giáo viên trẻ đang cảm thấy bị trút gánh nặng chuyên môn lên đầu vì họ thực sự chưa cảm thấy vững vàng về kiến thức và kĩ năng chuyên ngành, trong khi công tác giám sát thực tập đòi hỏi nhiều kinh nghiệm chuyên môn và quan trọng hơn, người giám sát phải có năng lực hướng dẫn sinh viên thực tập – có kĩ năng giám sát!

Hiện nay nhiều trường đại học có đào tạo tâm lí / tham vấn nhưng có mối quan hệ lỏng lẻo với các cơ sở thực hành tham vấn. Và ngược lại. các cơ sở tham vấn cũng chưa thấy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao tay nghề và khai thác khả năng của sinh viên cho công việc của mình – những người mà họ sẽ tiếp nhận làm việc Vì vậy khi sinh viên xuống cơ sở thực tập họ thường không được hướng dẫn, hay giám sát. Thậm chí có nhiều nơi dù đã có kí kết nhưng khi sinh viên xuống thực tập, cũng không có ai hướng dẫn ý kiến của PGS.TS. Trần Tuấn Lộ, Trường khoa Tâm lí học, Trường Đại học Dân lập Văn Hiến, cho thấy việc đưa sinh viên. đi thực tập và kiến tập đang gặp rất nhiều khó khăn. Sinh viên không có người hướng dẫn vì nhiều tư vấn viên không có kiến thức nền tảng về tâm lí học. Nhiều cơ sở từ chối không nhận sinh viên thực tập vì không có kiến thức và kĩ năng để hướng dẫn. Còn sinh viên ra trường thường khó xin được việc làm vì các cơ sở đều nhận người có kinh nghiệm sống!

Thực tập ở bệnh viện, giáo viên không biết rõ sinh viên thực tập thế nào: cơ sở thực tập thì chẳng ai quan tâm đến sinh viên có đến hay không và muốn làm gì. Trong khi sinh viên thấy có nhiều việc có thể gặp được họ. Ví dụ như hỏi chuyện để làm giảm căng thẳng người nhà của bệnh nhân. (Sinh viên lâm sàng, K.48. 2006).

Có một thực tế trớ trêu là: Thực tập nâng cao tay nghề tại cơ sở của sinh viên thường được đánh giá bằng một báo cáo thực tập, mà nội dung của nó chủ yếu tập trung vào vấn đề lí thuyết, hoặc sao chép các cứ liệu xin được ở bệnh viện, phòng khám nay trường học. Điều này có vẻ như chúng ta đã quên mục tiêu thực tập thực tế của sinh viên tại cơ sở. Nhận xét của những sinh viên được phỏng vấn giúp chúng ta hình dung được thực trạng thực tập của sinh viên ở cơ sở.

Do coi nhẹ quá trình học thực hành của sinh viên nên dường như giáo viên đưa sinh viên đi thực tập trong trách nhiệm là “người bảo vệ” sinh viên, quan tâm đến chuyện ăn ngủ của sinh viên, hơn là người giúp sinh viên củng cố những kiến thức, kĩ năng đã học; giúp sinh viên có thể áp dụng những điều đã học vào thực tế ở cơ sở Tại các cơ sở thăm khám sức khoẻ tâm thần, nơi sinh viên cần đến thực tập thực tế, việc gần như “phó mặc” trách nhiệm giám sát thực tập cho chuyên gia ở cơ sở, trong khi sự liên hệ của các trường đại học với các cơ sở này còn lỏng leo về cam kết, đã dẫn tới hiện tượng sinh viên “tự bơi”, “tự ngụp lặn” để có được cảm giác nghề! Những sinh viên coi trọng việc nâng cao tay nghề thương cảm thấy như bị bỏ rơi trong các đợt thực tập như thế!

Xem xét hiệu quả làm việc của các cử nhân tâm lí học trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, Tiền sĩ Quản Trường Sơn (Bệnh viện Tâm thần Trung ương ghi trong báo cáo nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Tâm lí học. ĐHKHXH&NV, tháng 12/2007, có nhận xét như sau: cái nối bật chưa được của các nhà tâm lí học trẻ là họ có quá ít các kĩ năng thực hành, như kĩ năng hỏi chuyện lâm sàng, kĩ năng quan sát. làm test.v.v… Đứng trước một bệnh nhân tâm thần gọi không nói, hỏi không thưa, các cử nhân tâm lí mới ra trường lúng túng không biết phải làm gì. Cái chưa được thứ hai là các nhà tâm lí học trẻ được đào tạo tại các Khoa Tâm lí học thường có kiến thức chung chung, cơ bản, không chuyên sâu, cái gì cũng biết và rút cục không biết cái gì. Điều này có liên quan đến việc đào tạo đại trà không phân theo chuyên ngành hoặc thời lượng đào tạo theo chuyên ngành và thực tập thực hành tại cơ sở còn quá ít. Cái chưa được thứ ba liên quan đến khả năng làm việc độc lập. Họ thường tuyệt đối hóa kiến thức trong sách vở, ít có khả năng suy nghĩ độc lập… Nguyên nhân là do phương pháp đào tạo ở khoa còn chưa chú ý thúc đẩy tính tích cực sáng tạo của sinh viên. Cái chưa được thứ tư là khả năng làm việc và hợp tác theo nhóm của các cán bộ tâm lí trẻ còn rất hạn chế…”

Việc sinh viên còn ít được luyện kĩ năng tham vấn, ít được thực hành ca phản ánh tình trạng học “chạy”, thiêu hiểu biết thực tế. Ngoài ra, để được làm việc như một nhà tham vấn/ trị liệu thì sự trau dồi những kinh nghiệm thường xuyên đòi hỏi người trợ giúp tâm lí phải tự trả tiền học thêm ngoài luồng là rất nhiều và rất đắt. Như ở khoa Tại chức, Trường Đại học Toulouse II, thường mở những khóa học thêm ngoài luồng để được nâng cao kĩ năng cho người muốn đi sâu vào lĩnh vực thực hành. Ví dụ, với trắc nghiệm Rorschach (trắc nghiệm này được dạy trong chương trình chình khóa của hệ cao học) người học phải trả khoảng 480 euros cho một tuần học (tương đương với 10 triệu đồng, giá tiền năm 2005). Tất cả những đòi hỏi ngặt nghèo đối với người làm tham vấn/trị liệu trên thế giới hầu như không được “cập nhật” đáng kê vào các chương trình đào tạo nghề tâm lí ở Việt Nam. Điều này không thể không ảnh hưởng đến chất lượng chăm chữa tâm lí của các nhà tham vấn đối với các khách hàng của họ.

Nghề tham vấn đòi hỏi sự “trong sáng về đạo đức” của các nhà tham vấn. Vì vậy, khi làm việc với khách hàng họ buộc phải tuân theo những quy tắc đạo đức hành nghề một cách tự nguyện. Các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp giúp làm rõ trách nhiệm của nhà tham vấn với xã hội, mang lại sự yên tâm cho khách hàng và giúp các nhà tham vấn duy trì tính chính trực nghề nghiệp.

Ở Việt Nam, tư tưởng “Dạy tâm lí học là dạy nghề tâm lí” chưa được thực sự quán triệt ở các cơ sở đào tạo. Chương trình đào tạo cho Sinh viên ngành Tâm lí học không nhấn mạnh về đạo đức nghề nghiệp trong gần hết các bộ môn chuyên ngành nói chung và môn Tham vấn, trị liệu nói riêng. Vì vậy, hiện tượng thiếu trung thực trong quảng cáo của một số người làm nghề tham vấn trị liệu nổi lên đáng được báo động.

Những quảng cáo trên mạng và các cơ sở trung tâm tư vân, tham vấn đào tạo nghề của đội ngũ chuyên gia trợ giúp và tính đa năng trong chữa bị tâm lí ở tất cả các lĩnh vực phơi bày rõ nét thực trạng hành nghề tham vấn. trị liệu tâm lý, cũng như khía cạnh đạo đức của người hành nghề trợ giúp hiện nay ở Việt Nam.

Trò chuyện với các chuyên gia tham vấnltrị liệu, nhiều người nói rằng họ cảm thấy rất lúng túng nếu có ai đó nhờ họ tìm giúp một chuyên gia tâm lí cho nan đề của họ hay gia đình họ. Tuy nhiên nếu chúng ta thử dạo qua một số trạng mạng quảng cáo của các trung tâm tham vấn và trị liệu sẽ thấy bất ngờ về tính chất “rao hàng” của các trung tâm này. Với tư cách là khách hàng, liệu có bao nhiêu người tin rằng trên thế giới có những trung tâm tham vấn đa năng? Như có thể “tham vấn về hôn nhân gia đình, khủng hoảng, tâm lí lứa tuổi; vấn đề trẻ vị thành niên, hỗ trợ trẻ rối loạn phát triển, định hướng nhân cách, giá trị sống; tham vấn sức khỏe sinh sản, giới tính, tình dục, HIV; tham vấn cai nghiện; tình cảm đồng tính; tham vấn trẻ chậm phát triển trí tuệ, tham vấn tâm lí cho phụ huynh trẻ chậm phát triển trí tuệ, nhóm thiệt thòi…”. Các trung tâm tham vấn theo kiểu gì gì gì… cái gì cũng… làm tuốt đang được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng.

Việc quảng cáo phóng đại của các dịch vụ trợ giúp tâm lí là một biểu hiện yếu kém trong công tác đào tạo nghề và giám sát nghề. Hiện ở Việt Nam đang tồn tại các quy tắc riêng lẻ do các trung tâm tham vấn, tư vấn tự ban hành và chỉ áp dụng với các thành viên của họ. Việc các tổ chức tham vấn hoạt động độc lập, không có sự liên kết thành một mạng lưới trợ giúp chuyên nghiệp làm cho không kiềm soát được chất lượng dịch vụ của những người hành nghề không được đào tạo. Quan trọng hơn, không bảo vệ được lợi ích của khách hàng và đặc biệt không nâng cao được uy tín và vị thế của nghề trợ giúp tâm lí trong xã hội.

Thực trạng đào tạo tham vấn trong các trường đại học hiện nay khiến chúng tôi hình dung về người học và cơ sở đào tạo như sau: Người học chưa được đào tạo bài bản từ góc độ “nghề”, chưa thể làm việc chuyên nghiệp, nhưng họ hoạt động có hiệu quả trong khuôn khổ được đào tạo. Các cơ sở đào tạo tự tin, nhiệt tình và nuôi dưỡng nhiều hi vọng về nghề nghiệp tương lai.

– Đào tạo tham vấn không chuyên

Với sự giúp đỡ của một số tổ chức Quốc tế, đặc biệt UNICEF đã kết hợp với uy ban DS&GĐVN và với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều khóa học tham vấn cơ bản cho các cán bộ thuộc 2 ngành trên. Đặc biệt năm 2001 đã đào tạo được 30 cán bộ tham vấn thuộc các trường đại học, bệnh viện, đoàn thể tổ chức xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đây là lực lượng nòng cốt sẽ tham gia giảng dạy trong các khoá đào tạo về kĩ năng tư vấn tâm lí ở cấp trung ương và địa phương trong phạm vi cả nước.

Là những người tham gia tập huấn về tham vấn cho các tổ chức, cộng đông có dự án hay cơ sở có dịch vụ tham vấn, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu nâng cao chuyên môn về thực hành tham vấn tại các cơ sở của các tham vấn viên là rất lớn. Gần 100% các nhân viên cơ sở mong muốn được tham gia học các khóa về tham vấn, trị liệu, muốn được có người giám sát khi hành nghề và các hình thức nâng cao tay nghề khác.

Những cơ sở thường ít nhiều có quan tâm đến việc nâng cao kĩ năng và kiến thức cho nhân viên như Dự án tư vấn miễn phí của CIHP, Trung tâm tư vấn An Việt Sơn, phòng tham vấn Viện Tâm lí học, phòng tham vấn tâm lí Hoa Sữa, công ty tham vấn Share, phòng tham vấn Trường phổ thông trung học dân lập Đinh Tiên Hoàng. Thông thường các khóa nâng cao tay nghề hay giám sát hoạt động chuyên môn của cơ sở thường được tập trung vào các vấn đề như kĩ năng tham vấn; tham vấn HIV/AIDS; tham vấn bạo hành, tham vấn lạm dụng (tình dục), tham vấn trẻ em làm trái pháp luật, tham vấn căng thẳng, tham vấn học đường, tham vấn nghề; tham vấn sức khỏe sinh sản, trị liệu qua các trò chơi, kĩ năng sống, sử dụng trắc nghiệm…

Tôi đã từng tham gia khóa học phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng cho 5 ngày do các chuyên gia Úc dạy. Mặc dù kết quả cũng không thu được nhiều như mình mong muốn. Tuy nhiên nếu mình định làm nghề tham vấn, trị liệu thì mình vẫn nên tham gia (Ý kiến của một cử nhân tâm lí hành nghề tham vấn tự do).

Thông thường, các khóa tập huấn đều do các tổ chức phi chính phủ tài trợ, hoặc đôi khi do phía cơ quan chi trả tiền. Nhưng khi được hỏi về mức độ sẵn sàng tham gia tập huấn mà phải tự trả kinh phí đào tạo thì cũng khá nhiều ý kiến cho rằng họ sẵn sàng trả một khoản chi phí cho đơn vị đứng ra tập huấn. Những người hành nghề tham vấn đều mong muốn có thể tham gia vào các khóa học thực sự có chất lượng, để có thể đạt được những kĩ năng nghề nghiệp.

Hàng năm các cơ sở tham vấn trung bình tổ chức cho nhân viên tăng cường khoảng 2,3 đợt tập huấn. Các chuyên viên mới vào nghề thường được học một khóa bài bản. Với các khóa học nâng cao kỹ năng theo một chủ đề nhất định thì ngay cả những người đã từng tham gia, họ vẫn muốn tiếp tục được học lại. Điều này thể hiện trong các khóa học khi chúng tôi nhận ra các học viên cũ trong các khóa tập huấn mới. Những học viên này quan niệm rằng học kĩ năng tham vấn giống như học ngoại ngữ, chỗ nào động đến cũng thấy cần học, càng được học nhiều càng sáng tỏ. Với họ, thích nhất là được làm ca để chuyên gia sửa cho.

Kết quả nghiên cứu cấp Đại học Quốc gia, để tài “Thực hành tham vấn và trị liệu – Thực trạng và giải pháp” tiến hành từ 2007– 2009 của chúng tôi chỉ ra rằng: Đa số những người đang hành nghề tham vấn đều có chung một quan điểm rằng công việc của họ chưa đạt ở trình độ chuyên nghiệp và chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng bởi rất nhiều lý do, trong đó mục tiêu đào tạo ngành học ở bậc đại học có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hành nghề của họ. Hiện nay, mục tiêu đào tạo của ngành Tâm lí học ở các trường đại học còn nặng về lí luận và dàn trải – Đào tạo hướng đến công việc nghiên cứu, hoặc giảng dạy tâm lí, chứ không phải là đào tạo ra những người thực hành, người hành nghề chăm chữa tâm lí. Như vậy trường đại học chỉ là nơi cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản và nền tảng nhất về tâm lí học, còn muốn có thể hành nghề tốt thì bản thân người làm tham vấn, trị liệu và cơ sở phải tự đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Vì mục tiêu đào tạo nghề ờ các cơ sở có dịch vụ tham vấn là đào tạo nhân viên làm việc trực tiếp với khách hàng, nên họ cần tập trung chủ yếu vào việc bồi dưỡng kĩ năng thực hành cho nhân viên. Qua phỏng vấn các chuyên viên tham vấn, trị liệu ở cơ sở chúng tôi nhận thấy hiện có nhiều hình thức đào tạo nâng cao chuyên môn cho nhân viên.

Việc đào tạo người làm tâm lí học ở các trường đại học chưa phù hợp với công việc cung cấp dịch vụ trợ giúp tâm lí cho xã hội nên đã vô tình làm tăng gánh nặng, “đào tạo lại” theo hướng thực hành ở các cơ sở cung cấp dịch vụ tham vấn. Hiện nay ở các trung tâm, phòng khám, phòng tham vấn, phòng trị liệu đang hoạt động tại Hà Nội đều có chung một mô hình đào tạo nâng cao chuyên môn dành cho cán bộ tham vấn, trị liệu, đó là các khóa tập huấn ngắn hạn, trung bình kéo dài khoảng từ 3 đến 5 ngày. Phần lớn các khóa tập huấn nay đều là miễn phí do các tổ chức như Unicef, Plan, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Fort và nhiều tổ chức khác tài trợ, hoặc do các cơ sở làm dự án với nước ngoài có ngân sách dành cho đào tạo cán bộ tham vấn. Chuyên gia tập huấn thường là giáo viên các trường đại học, viện nghiên cứu từng được nhiều tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở Việt Nam tài trợ cho các khóa đào tạo nâng cao chuyên môn và phương pháp giáo dục chủ động. Họ được coi là những chuyên gia đánh giá, tập huấn và giám sát độc lập cho các chương trình này. Các chuyên gia cũng có thể là người nước ngoài được mời vào Việt Nam dạy theo dự án.

Vì các chuyên gia thường không thuộc người của cơ sở nên các khóa tập huấn nâng cao chuyên môn cho các tham vấn viên thường được xác định theo lịch trình cả năm dựa vào nhu cầu của nhân viên hoặc do lãnh đạo ấn định với sự đánh giá ban đầu của chuyên gia. Một số cơ sở không chủ trương đào tạo, tập huấn cho nhân viên mà bản thân nhân viên phải tự đi tìm những nơi có tập huấn để xin học hoặc có thể trung tâm gửi nhân viên của mình đến một cơ sở khác đang mở tập huấn hoặc đi tập huấn ở nước ngoài do các tổ chức của nước ngoài tài trợ.

Hiện nay chưa có một đánh giá tổng thể nào về hiệu quả của các khóa tập huấn trên cả nước. Tuy nhiên những kết quả của các khóa tập huấn nhỏ lẻ của một số trung tâm mà chúng tôi thu được cho thấy nhìn chung các nhân viên đều hài lòng với việc thỉnh thoảng được nâng cao chuyên môn. Qua tập huấn hầu hết các học viên đều cảm thấy có “lớn lên”.

Bên cạnh hình thức đào tạo theo khóa học, một số cơ sở lại duy trì hình thức đào tạo theo kiểu “phi chinh thức”. Các buổi tham vấn thường xuyên cùng chuyên gia trong và ngoài nước, và có thể là các chuyên gia ở chính tại cơ quan đã giúp các nhân viên học hỏi trực tiếp thái độ và kĩ năng để nâng cao tay nghề. Thông thường các nhân viên tham vấn, trị liệu rất hài lòng về các buổi làm việc với sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài như vậy. Hình thức này thường được thấy ở Trung tâm N–T của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Công ty tham vấn Share, Trung tâm tham vấn hỗ trợ tâm lí – giáo dục CPEC, Phòng tham vấn tâm lí Hoa Sữa.v.v…

Phần lớn các tổ chức có hoạt động tham vấn, trị liệu hiện nay chủ yếu duy trì hình thức đào tạo bằng cách tự đào tạo: tự nâng cao chuyên môn với nhau. Những người có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn, tập huấn cho những người mới vào nghề. Điều này cho thấy người làm nghề tham vấn, trị liệu không chỉ học hỏi và nâng cao trình độ của mình bằng sự giúp đỡ bên ngoài, mà họ còn tự nâng cao tay nghề giữa các đồng nghiệp với nhau. Điều này phản ánh một thực tế là các tham vấn viên đang dần tự ý thức được vai trò nghề nghiệp và công việc mà họ đang làm. Hình thức giúp đỡ theo kiểu “người có kinh nghiệm nhiều hơn hướng dẫn người ít kinh nghiệm hơn” thường gặp nhiều nhất ở các cơ sở có tham vấn trực tiếp với khách hàng.

Tự nâng cao chuyên môn của các nhân viên tham vấn có thể thực hiện bằng cách họ liên lạc thường xuyên với bạn bè để được tham gia vào các khóa tập huấn khác nhau. Một số nhân viên khác lại tìm cách quay lại trường học dự giờ thực hành tham vấn với sinh viên, hoặc học ké với lớp cao học những kiến thức, kĩ năng tham vấn mà ở trình độ đại học họ không được học. Một số khác tự nâng cao bằng cách xin ý kiến hoặc trò chuyện liên tục với giáo viên về các trường hợp họ thấy lúng túng. Một số nhân viên tham vấn có thể tự nâng cao kiến thức, kĩ năng bằng cách tự kiếm các ca quen biết làm miễn phí hoặc nhận ca bên ngoài làm thêm. Về nguyên tắc, cả hai trường hợp này đều vi phạm đạo đức hành nghề. Tuy nhiên xét trong hoàn cành ở Việt Nam, bàn luận về vấn đề này sẽ trở thành trò cười khi mà dịch vụ tham vấn hiện chưa có một sự kiểm soát mang tính pháp lí nào!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro