Con dơi - Thái Trí Hằng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CON DƠI

Tác giả: Thái Trí Hằng

Dịch: amelia

Biên dịch: Darth Athox

Biên tập: Tử Uyển Thanh

Nguồn: www.tangthuvien.com

Tối hôm qua Văn Hiền lái xe đưa tôi và Tiểu Kiệt từ Đài Bắc đi suốt đêm về nhà anh ấy ở Nam Bộ chịu tang.

Bà của Văn Hiền đã mất hồi cuối tuần, sáng sớm hôm nay sẽ cử hành tang lễ ở nhà lễ tang.

Sau khi lễ tang kết thúc, thi thể bà sẽ được hỏa táng, tro cốt đặt trong tháp linh cốt mà nhà nước xây dựng.

Vì Tiểu Kiệt mới có bảy tháng tuổi, người nhà lo rằng tham gia tang lễ có thể tạo thành xung sát với nó.

Vì vậy để đứa cháu dâu là tôi ở lại trong nhà chăm sóc Tiểu Kiệt.

Sau cả ngày bận rộn, Văn Hiền với mọi người trong nhà sau khi trở về bèn ngồi dưới lầu uống trà nói chuyện phiếm.

Tôi ngồi trên cái giường trong căn phòng nhỏ ở tầng hai, ôm Tiểu Kiệt vừa bú no sữa, nhẹ giọng ru nó vào giấc ngủ.

Ngoài trời sắc trời dần tối, có vẻ thật xa cách với tiếng ồn ào rầm rĩ chen chúc của thành phố lúc đêm khuya.

Làng chài nhỏ lúc này thật vằng vẻ, chỉ mơ hồ nghe được tiếng ếch với côn trùng kêu vang.

Bầu không khí vắng vẻ đột nhiên bị quấy nhiễu, trên không trung vang lên tiếng đập cánh khiến tôi không khỏi ngẩng đầu nhìn lên.

Chỉ thấy một bóng dáng màu xám nhanh chóng bay vòng quanh căn phòng.

Hình dáng nó không giống như chim, chắc là....

Nó là dơi!

"Á!"

Tôi quá mức kinh hãi, lập tức hét ầm lên.

Tiểu Kiệt trong lòng cũng bị tôi dọa phát sợ, cũng khóc lớn.

Tôi cúi đầu xuống, nhắm mắt lại, ôm chặt Tiểu Kiệt, da đầu tê dại, toàn thân run lên, lông tóc dựng đứng.

Bên tai vang lên tiếng leo cầu thang gấp gáp, cửa phòng bật mở.

"Sao thế em?" Giọng Văn Hiền đầy vẻ căng thẳng.

"Có..." Hàm răng tôi run lên cầm cập. "Có dơi."

"Ở đâu?"

Tôi vẫn cúi đầu nhắm mắt, chỉ dùng tai phải chỉ lên trên.

Vốn tưởng rằng Văn Hiền sẽ lập tức đuổi nó đi nhưng không ngờ một lúc sau vẫn không có bất cứ động tĩnh gì.

Tôi cố lấy dũng khí mở mắt ra, từ từ ngẩng đầu, chỉ thấy anh đang ngồi bên cạnh tôi.

"Con dơi ấy bay rồi sao?" Giọng tôi vẫn còn đang run.

"Dơi vẫn còn, có điều không cần sợ." Anh có vẻ như đang rất hưng phấn. "Đó là bà anh."

Tôi kinh ngạc, không biết là vì con dơi vẫn còn trong phòng? Hay là do câu nói của Văn Hiền?

"Đừng sợ." Văn Hiền nhẹ nhàng ôm lấy vai tôi.

"Anh mau đuổi nó đi!"

"Không." Không ngờ anh lại mỉm cười. "Bà anh hóa thành con dơi, bay về nhà gặp anh đấy."

"Anh nói gì thế?" Tôi ngây người.

Văn Hiền không trả lời tôi, chỉ ngẩng đầu nhìn con dơi, thì thào tự nói.

"Đúng rồi, bà còn chưa được thấy Tiểu Kiệt, bà nhất định rất muốn thấy Tiểu Kiệt."

Văn Hiền ôm Tiểu Kiệt từ trong lòng tôi ra, để Tiểu Kiệt ngồi lên đùi mình, nâng khuôn mặt bé lên.

"Tiểu Kiệt ngoan nào, đừng khóc. Cụ đến thăm con đấy."

Tôi lại kinh hãi, muốn ôm Tiểu Kiệt lại nhưng hai tay vẫn còn đang run, không dùng sức nổi.

Còn Tiểu Kiệt, không hiểu sao lại ngừng khóc.

Tôi trốn sau lưng Văn Hiên, co người lại, híp mắt, hai tay nắm lấy vai anh, lén nhìn lên không trung.

Con dơi kia vẫn bay quanh không trung như trước, dường như không tìm được đường nào để rời khỏi.

Nó càng bay càng nhanh, nhịp tim đập của tôi cũng càng lúc càng nhanh.

Đột nhiên, con dơi đột nhiên hạ xuống, lao thẳng về phía Văn Hiền và Tiểu Kiệt.

Tôi theo phản xạ, lập tức cúi xuống, không ngừng hét lên.

"Em đã chứng minh giọng mình rất cao và to." Văn Hiền cười nói: "Có thể ngừng hét được rồi."

"Con dơi đâu?"

"Đi rồi."

"Thật chứ?"

"Ừ." Văn Hiền nói: "Bà nội đi rồi."

"Sao anh lại gọi con dơi là bà nội?" Tôi kinh hồn, lên tiếng phủ định.

"Em từng nghe qua chuyện này chưa?" Anh nói: "Người thân hay người yêu sau khi chết sẽ hóa thành con dơi bay về nhà gặp những người mà họ mong nhớ khi còn sống."

"Em chưa từng nghe chuyện này bao giờ." Tôi hỏi. "Anh nghe được ở đâu vậy?"

"Cái này là bà nội kể cho anh."

"Sao không hóa thành các loại chim như chim én chim sẻ gì đó, sao lại phải hóa thành dơi?"

"Em có thành kiến gì với dơi sao?"

Tôi vốn chẳng có thành kiến gì với dơi,, tôi chỉ cảm thấy hình dạng nó thật quá khó coi.

Có người ghét chuột, lại có người sợ chuột, còn tôi thì vừa ghét lại vừa sợ.

Nếu con chuột ấy còn biết bay, vậy so với chuột thường còn đáng sợ hơn gấp mười lần.

Đối với tôi mà nói, con dơi chẳng khác nào chuột biết bay.

Lần đầu tiên tôi tận mắt thấy dơi là khi ở Niệm Quốc, khi đó nó cũng bay vòng quanh gian nhà.

Tôi sợ đến ngây người, miệng há hốc mà hét không ra tiếng, toàn thân cứng đờ, người nổi da gà.

Nó đột nhiên lao xuống phía tôi, cách chóp mũi tôi chỉ chừng năm cm thì lại lượn lên.

Lại bay vòng quanh gian nhà một vòng, cuối cùng tìm được khe hở ở cửa sổ, bay ra.

Sau khi con dơi bay đi ba phút, thân thể không cách nào cửa động của tôi mới khôi phục tri giác, lúc này cũng mới phát ra âm thanh nổi.

Tôi bắt đầu khóc lên hu hu, tiếng khóc làm cho mẹ và em trai giật mình.

Thật ra tôi không phải con gái hay khóc, thậm chí có thể nói là đứa con gái hầu như không bao giờ khóc.

Cho dù khi cha mất, tôi cũng không khóc thành tiếng, chỉ rơi nước mắt thôi.

Nhưng lần đó, tận mắt thấy con dơi xong, lại khiến tôi khóc liền hai tiếng đồng hồ, cơm tối cũng bỏ.

Dơi là động vật đáng sợ như thế, bởi vậy câu chuyện người thân hay người yêu sau khi mất đi sẽ hóa thân thành dơi quay về, tôi không những cảm thấy rất khó tin mà từ tận đáy lòng cũng không muốn tin tưởng.

"Anh tin vào chuyện này sao?" Tôi hỏi Văn Hiền.

"Ừ." Anh gật đầu. "Vì cái này là do bà kể."

Thần sắc Văn Hiền vô cùng chắc chắn, tôi bèn ngừng biểu lộ nghi vấn đối với câu chuyện này.

Tình cảm của Văn Hiền với bà anh rất tốt, vì có thể nói anh do bà một tay nuôi lớn.

Bà anh có bảy đứa cháu trai, bốn đứa cháu gái. Văn Hiền không phải cháu đích tôn, cũng không phải cháu út, anh xếp thứ năm.

Theo ý thuyết, đáng ra không có lý do gì để bà nội đặc biệt yêu quý anh, nhưng bà lại có duyên với anh.

Trong số mười một đứa cháu trai cháu gái, chỉ có Văn Hiền là thuận tay trái, mà bà anh, vừa hay, cũng thuận tay trái.

Tất cả mọi người đều nói đây là bởi Văn Hiền được bà nội nuôi nấng.

Sau khi Văn Hiền được sinh ra, cha mẹ anh đều rất bận rộn, vì vậy bà nội tình nguyện tới chăm sóc cho anh.

Lúc trẻ con, bú sữa, ăn cơm, tắm rửa, thay tã, mọi thứ gần như đều do bà anh làm.

Khi đi nhà trẻ, bà cũng là người dắt tay anh tới trường, tan học cũng tới nhà trẻ đón anh.

Khi lên tiểu học, anh luôn ngủ trưa cùng bà nội, trừ phi phải ở trường cả ngày.

Khi học cấp ba, có lần Văn Hiền ham chơi quên luôn thời gian, mười một giờ rưỡi mới về đến nhà.

Văn Hiền len lén bước vào cửa, phát hiện bà nội lúc bình thường chín giờ đã ngủ say không ngờ lại đang ngồi trong sân chờ anh.

Bà thấy Văn Hiền rồi, không hề nói gì, chỉ nắm tay anh dắt vào trong nhà.

Vừa bước vào trong nhà đã thấy cha anh tay lăm lăm cây roi dài, ngồi trên ghế sô pha.

"Thằng chết bầm" Cha thở phì phò đứng dậy giơ cây roi lên: "Đi chơi đâu mà đến giờ mới về?"

"Con đi ngủ đi." Bà nội nói.

"Mẹ." Cha anh nói: "Mẹ đừng xen vào."

"Bảo con đi ngủ đi, không nghe thấy gì à?" Bà cao giọng nói: "Đi ngủ đi."

Cây roi trong tay cha anh hơi rung rung, nhưng chỉ đành trừng mắt nhìn bà dắt tay Văn Hiền lên trên lầu.

Bà nội dắt anh lên tới phòng trên tầng hai mới buông tay.

"Mau ngủ đi." Bà xoa đầu anh. "Mai con còn phải học đấy."

Ngày Văn Hiền phải rời nhà tới Đài Bắc học đại học, bà nội kiên quyết tiễn anh.

Khu vực quanh nhà không có tàu hỏa, Văn Hiền phải ngồi xe bus đến ga tàu trong thành phố gần đó, đón tàu lên Đài Bắc.

Cha anh nói con trai lớn rồi, để nó đi xe một mình là được, nhưng bà nội nói gì cũng không chịu.

Cha anh đành phải theo bà, cùng Văn Hiền ngồi xe một giờ đến ga tàu ở thành phố gần đó.

Khi đợi tàu ở ga, bà kéo tay Văn Hiền đi ra vài bước, sau đó nhỏ giọng nói:

"Khoản tiền này cho con." Bà nhét một chút tiền vào trong lòng bàn tay anh. "Đừng để cha con biết đấy."

Mãi tới tận khi tàu hỏa vào ga, bà vẫn luôn nắm chặt tay anh.

Khi Văn Hiền vừa tốt nghiệp đại học, anh với tôi cũng trờ thành người yêu.

Không bao lâu sau, anh đưa tôi về nhà gặp bà, vì bà luôn bảo muốn gặp tôi.

Tôi và Văn Hiên vừa bước vào sân, bà lập tức đẩy cửa, bước về phía tôi.

"Đẹp quá." Bà nắm lấy hai tay tôi, quan sát kỹ toàn thân. "Đẹp quá."

Ăn tối xong, bà lại len lén kéo tôi ra sân, lấy ra một cái nhẫn phỉ thúy, đưa cho tôi.

"Cháu không thể nhận được." Tôi kinh ngạc, ra sức xua tay, hơn nữa xem ra cái nhẫn này giá trị không nhỏ.

"Nhận được chứ." Bà trực tiếp đeo nhẫn vào ngón tay tôi, sau đó cười nói: "Vừa lắm."

Ngày tôi và Văn Hiền kết hôn, sau khi tiệc cưới kết thúc, bà lặng lẽ bước vào trong phòng nhìn tôi, nói:

"Thằng nhóc Văn Hiền này, bà đã coi nó từ nhỏ đến lớn, tính tình nó cương trực thẳng thắn, dễ xúc động, con phải dạy dỗ nó cho tốt. Nếu con gặp chuyện ủy khuất gì thì phải nói với bà, đừng cãi nhau với nó nhé. Vợ chồng là duyên nợ cả đời, phải nâng đỡ lẫn nhau, thông cảm cho nhau, cùng chịu khó chịu khổ."

"Con hiểu mà." Tôi gật đầu.

"Cám ơn con." Bà đột nhiên rơi nước mắt. "Sau này Văn Hiên phải nhờ con chăm sóc rồi."

"Bà." Viền mắt tôi cũng đỏ lên. "Ngàn vạn lần đừng nói thế."

Khi tôi mang thai Tiểu Kiệt bốn tháng, bà lừa cha Văn Hiền, một mình lên Đài Bắc thăm tôi.

Bà mang theo hai bao lớn đầy thuốc bổ với nguyên liệu nấu ăn, vừa đến nhà đã mang hết vào trong bếp.

"Lần mang thai đầu tiên rất khổ cực, cần đặc biệt chú ý." Lúc gần đi, bà nắm tay tôi, căn dặn ngàn vạn lời.

"Phải chăm sóc thân thể cho tốt, không được nâng vật nặng, không được để quá mệt, phải nhớ ăn đồ bổ."

Tôi nhớ mình chỉ gật đầu liên tục.

Sau khi Tiểu Kiệt ra đời, bệnh tình của bà nặng thêm, bắt đầu ra vào bệnh viện nhiều lần liền.

Tiểu Kiệt vừa đầy tháng, Văn Hiền biết bà rất muốn thấy cháu, định mang Tiểu Kiệt về nhà thăm bà.

"Giờ bà đang bệnh, đừng để cháu nó tới đây thấy bà , như vậy không tốt cho trẻ con." Bà nói.

"Không sao đâu." Văn Hiền nói qua điện thoại.

"Con không hiểu rồi, làm vậy không tốt cho việc nuôi dạy nó." Bà nói. "Chờ bà khỏe lên rồi hãy nói."

Nhưng tình hình của bà càng lúc càng xấu đi, vì vậy bà chưa từng gặp Tiểu Kiệt.

Trước khi mất một tháng, bà luôn nằm trong bệnh viện.

Trong khoảng thời gian này, Văn Hiền từ Đài Bắc về thăm bà bốn lần, nhưng lần nào cũng vậy, bà đều không mấy tỉnh táo.

Làn cuối tới gặp bà, bà nắm tay Văn Hiền, nhưng lại gọi tên ông nội anh.

Tối hôm bà mất, điện thoại Văn Hiền kêu vang, là cha anh gọi tới.

Cha nói bà sắp mất rồi, miệng không ngừng gọi tên Văn Hiền.

Văn Hiền lập tức bảo cha đặt di động ra gần tai bà, rồi thần sắc nặng nề rời phòng khách, ra ban công.

"Bà. Con Văn Hiền đây. Bà, bà đừng sợ, cứ buông lỏng thôi. Bình thường bà vẫn hay thành tâm kính bái Quan Thế Âm Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát nhất định sẽ đến đón bà. Bà phải nhớ kỹ, đi theo Bồ Tát, đi với người, người nhất định sẽ mang bà tới thế giới tây phương cực lạc. Bà nội ơi, bà đừng sợ gì, Bồ tát sẽ chiếu cố cho bà. Bà ơi, bà có nghe thấy gì không? Bà ơi, bà ơi, bà ơi..."

Cha anh nói bên đầu kia điện thoại, bà đã ra đi rồi, thần sắc rất thoải mái.

Văn Hiền tắt di động, sau đó ngồi xuống, lặng lẽ rơi nước mắt ở một góc ban công.

Tôi không biết làm sao để an ủi Văn Hiền, vì vậy để anh một mình ở ngoài ban công ấy.

Đêm hôm đó, Văn Hiền gần như không ngủ.

Văn Hiền nói không cách nào thấy mặt bà lần cuối là tiếc nuối lớn nhất trong đời anh.

Anh cũng tin rằng, không cách nào gặp mặt mình lần cuối trước khi ra đi, bà chắc chắn cũng rất tiếc nuối.

"Nhưng giờ bà đến thăm anh rồi, cả anh với bà đều sẽ không tiếc nuối nữa." Văn Hiền mỉm cười.

"Hơn nữa bà thấy Tiểu Kiệt khỏe mạnh đáng yêu như vậy, chắc chắn cũng rất hài lòng."

Lúc này tôi mới phát hiện, tuy anh vẫn nở nụ cười nhẹ nhàng, nhưng mặt đầy vệt lệ, viền mắt cũng đỏ bừng.

Từ khi bà mất tới giờ, tôi gần như không thấy Văn Hiền cười.

Anh thường giữ bộ dạng đăm chiêu, thi thoảng lại lén lút rơi nước mắt.

Mà lúc này, thần sắc anh vô cùng thoải mái, nụ cười dù nhẹ nhưng lại đầy thỏa mãn.

"Lần đầy tiên thấy dơi là khi anh đang học cấp hai, có một con dơi bay loạn khắp nơi trong nhà."

Văn Hiền nói với tôi. "Anh đoán chắc nó đuổi theo côn trung nên không cẩn thận xông vào trong nhà."

Văn Hiền nói khi đó anh lập tức vào phòng tắm lấy khăn mặt, sau đó vẫy vẫy cái khăn.

Định đuổi con dơi về phía cửa sổ, để nó bay ra được theo hướng cửa sổ ấy.

"Con đang làm gì thế?" Bà quát to. "Mau ngừng lại!"

Văn Hiền hoảng sợ, ngừng vẫy cái khăn.

"Lại đây, ra ngồi cạnh bà." Bà nói: "Đấy là ông nội con."

Phản ứng của Văn Hiền lúc đó cũng hệt như tôi, chẳng hiểu ra sao, song vẫn ngồi xuống bên cạnh bà.

Vì vậy, Văn Hiền với bà cùng ngồi trên ghế sô pha, nhìn con dơi bay vòng vòng trên không trung.

Sau khi bay một hồi, con dơi đột nhiên chuyển hướng bay sang phía bà, khi sắp đụng phải bà thì lại nhanh chóng bay vòng lên.

Giống như máy bay phô diễn kỹ năng vậy.

Sau khi con dơi bay khỏi, Văn Hiền quay đầu lại muốn hỏi, chỉ thấy bà đang khóc, không ngừng lau nước mắt.

Ông nội anh mất chỉ mười ngày trước khi con dơi xuất hiện.

"Ông đang làm ruộng một mình đột nhiên cơ tim bị tắc nghẽn, bất ngờ ra đi. Bà đợi ông về nhà ăn trưa không thấy bèn ra đồng tìm, mới phát hiện ông đã mất."

Bà khóc rất thương tâm, hơn nữa còn tự trách, hối hận không thôi, suốt một tuần liền gần như không ăn không uống không ngủ.

Cha của Văn Hiền lo thân thể bà không chịu đựng được bèn đưa bà vào viện nằm truyền nước ba ngày.

Không ngờ bà vừa về nhà lại thấy có dơi.

"Người thân hay người yêu chết đi sẽ hóa thành dơi, bay về thăm những người họ thương yêu khi còn sống." Bà nói với Văn Hiền. "Đây là chuyện ông nói cho bà."

Tuy bà nước mắt lưng tròng, nhưng khi kể lại chuyện này, khuôn mặt lại nở nụ cười thỏa mãn.

"Ông con còn nói, nếu ông đi trước bà, ông nhất định sẽ hóa thành dơi bay về nhà gặp bà."

Bà mỉm cười rất thoải mái: "Ông không gạt bà, thực sự đã về gặp bà rồi."

Văn Hiền nói, vốn anh không quá tin vào chuyện này, nhưng khi thấy thần sắc thỏa mãn và nụ cười của bà, hơn nữa sau khi thấy con dơi, bà cũng không còn suốt ngày như người mất hồn nữa, anh cũng bắt đầu tin.

"Sau đó bà còn nói với anh, tương lai có ngày bà mất, bà cũng sẽ hóa thành dơi bay về nhà thăm anh." Văn Hiền cười. "Kết quả bà cũng không lừa anh."

Tôi nghĩ, Văn Hiền đã tin tưởng từ đáy lòng vào chuyện người thân hay người yêu sau khi chết sẽ hóa thân thành dơi.

Nhưng tôi vẫn cảm thấy câu chuyện này thật khó tin.

"Nhưng mà chuyện này thật quá..." Rốt cuộc tôi không nén nổi nghi hoặc.

"Quá khó tin phải không." Văn Hiền nói. "Cũng như người ở miền biển, lúc ăn cá thì không lật cá vậy. Chuyện này thực ra cũng chỉ là một loại tâm tình đơn giản."

"Tâm tình ra sao?"

"Muốn an ủi người còn sống và cảm thương cho người đã mất."

Tuy rằng tôi không hiểu nhưng lại cảm nhận được.

Khi tôi học cấp hai, cha qua đời, tới nay vừa tròn hai mươi năm.

Khi cha mất tôi không kịp tới thấy mặt cha lần cuối, điều này đã luôn canh cánh trong lòng tôi suốt hai mươi năm.

Nếu cha cũng có thẻ hóa thành dơi về gặp tôi, vậy có lẽ tiếc nuối trong lòng tôi cũng có thể tan bớt.

Chỉ tiếc là từ sau khi cha qua đời, tôi chưa bao giờ thấy dơi bay vào trong nhà mình.

Cha sẽ biến thành dơi về nhà gặp tôi chứ?

Sau khi lễ tang cho bà kết thúc, hôm sau một nhà ba người chúng tôi quay về Đài Bắc.

Tâm tình Văn Hiền bình tĩnh hơn nhiều, cũng không len lén rơi nước mắt nữa, rốt cuộc tôi cũng có thể yên tâm.

Còn về chuyện con dơi, tôi không thể tiếp thu nhưng cũng khắc sâu vào trong đầu.

Hỏi thử mấy người bạn xem họ có từng nghe qua chuyện đó không?

"Người thân hay người yêu mất đi sẽ hóa thành dơi? Chưa từng nghe." Mấy người bạn đều vô cùng kinh ngạc.

"Quỷ hút máu mới hóa thành dơi được chứ?"

Tôi cũng lên mạng sưu tầm tin tức, kết quả thật giống với suy đoán của tôi.

Ở Trung Quốc, vì chứ "Bức" với chữ "phúc" đồng âm nên con dơi cũng là hạnh phúc, là tượng trưng cho phúc khí.

Còn có cả truyền thuyết dơi có thể giúp Chung Quỳ dẫn đường, để Chung Quỳ diệt yêu trừ ma.

Ở phương Tây, con dơi lại là tà ác, là tượng trưng cho bóng tối, hóa thân của quỷ hút máu.

Cho dù là phương Đông hay phương Tây, đều không có truyền thuyết nào liên quan đến chuyện người thân hay người yêu sau khi chết sẽ hóa thành dơi.

Có lẽ đúng như Văn Hiền nói, chuyện về con dơi đó thật ra chỉ là một loại tâm tình.

Một tâm tình muốn an ủi người còn sống và thương cảm cho người đã khuất.

Hai tuần sau, Văn Hiền lái xe đưa tôi và Tiểu Kiệt về nhà tôi.

Lộ trình xa hơn so với về nhà Văn Hiển, vì nhà tôi ở cực nam của Đài Loan.

Lần này tôi về là vì chuyện an táng lại cho cha.

Tuy cha đã khuất hai mươi năm rồi, nhưng hình bóng ông vẫn còn hiện rõ trong lòng tôi.

Khi cha tôi qua đời được vài năm, tôi thường mơ thấy ông, cũng thường vô duyên vô cớ nhớ tới ông.

Chỉ cần nghĩ đến hay mơ thấy cha, tôi luôn khóc không ngừng.

Từ sau khi kết hôn, số lần vô duyên vô cớ nhớ tới cha ít đi nhiều, cũng rất ít khi mơ thấy ông.

Nhưng mỗi khi cha xuất hiện trong giấc mộng, sau khi tỉnh lại luôn phát hiện gối với chăn đều đã ướt đẫm.

Cha tôi được an táng tại nghĩ trang công cộng vừa tròn hai mươi năm, đơn vị quản lý kiến nghị chúng ta đem di hài lên hỏa táng.

Mấy năm gần đây, đất đai ở Đài Loan càng lúc càng khan hiếm, việc thổ táng truyền thống cũng dần được thay thế bằng hỏa táng.

Mẹ tôi quyết định đem di cốt của cha đi hỏa táng, lại đem tro cốt của cha an táng trong chùa.

Ngày tôi về nhà thì di cốt của cha đã được đưa lên, cũng gần ngày hỏa táng.

Lần này là Văn Hiên ở lại nhà chăm sóc cho Tiểu Kiệt, em tôi lái xe đưa tôi với mẹ tới nơi hỏa táng.

Khi di cốt của cha được đẩy vào trong lò hỏa táng, tôi đột nhiên quỳ rạp xuống đất.

"Cha, lửa sắp tới rồi, cha đừng sợ, mau tránh đi. Sẽ nhanh thôi. Cha, phải cẩn thận đấy. Cha, xin lỗi, đã khiến cha phải chịu khổ rồi. Cha ơi. Cha..."

Trong cơn đau buồn, tôi gần như khóc không thành tiếng.

"Chị." Em trai đỡ tôi đứng dậy. "Đừng đau lòng nữa."

"Cha." Tôi mắt đẫm lệ nhìn nó, phảng phất như thực sự thấy được cha.

"Chị." Viền mắt nó đỏ lên. "Là em đây mà."

"Ừ." Tôi lấy lại tinh thầnh, nhanh chóng lau nước mắt đi.

Em trai tôi năm nay đã ba mươi tuổi rồi, khuôn mặt hình dáng cũng càng ngày càng giống cha.

"Tĩnh Tuệ." Mẹ đem đàn đựng tro của cha cho tôi. "Em trai con sẽ lái xe, giờ chúng ta phải tới Chùa Tây Như. Sau này cha con sẽ ở đó."

Tôi cẩn thận từng chút một ôm lấy tro cốt của cha, tay cầm nén hương, lên ngồi ghế trước.

"Dọc đường con cứ gọi cha càng tốt, vậy cha con mới theo chúng ta tới Chùa Tây Như được.

Mẹ ngồi dưới ghế sau dặn dò tôi.

"Mẹ." Tôi gật đầu. "Con biết.

Tôi cúi đầu nhìn đàn tro cốt, vô thức ôm chặt lấy nó.

Đã qua hai mươi năm rồi, không ngờ giờ tôi lại có thể thân cận với cha như vậy.

oOo

"Cha, con Tĩnh Tuệ đây. Giờ chúng ta sẽ tới Chùa Tây Như, đó là một ngôi chùa ở Lâm Viên Hương, huyện Cao Hùng. Ngôi chùa đó thờ đức Thích Ca Mâu Ni Phật, trong chùa có rất nhiều pháp sư. Cha, sau này ngày ngày cha đều có thể nghe các pháp sư niệm kinh phật rồi, tốt quá. Cha, cha nhất định phải theo sát nhé. Cha, cha nhất định phải theo sát nhé."

Xe đi rồi, tôi bắt đầu thì thào tự nói, dắt cha tôi đi theo.

Khi còn bé, cha mang tôi ra ngoài, sợ tôi lạc đường nên luôn dặn tôi phải theo thật sát.

Không ngờ giờ lại tới lượt tôi dặn cha phải theo sát.

Nhớ hồi học lớp một, có lẽ còn nhỏ hơn, lần đầu tiên cha mang tôi tới cửa hàng siêu thị Đại Thống chơi.

"Tĩnh Tuệ, trong siêu thị Đại Thống có rất nhiều người, con phải đi theo cha. Theo sát vào đấy."

Tôi gật đầu, bước sát theo ba, không dám đi xa.

Lần đầu tiên thấy thang cuốn, tôi sợ tới mức không dám bước lên, nhưng cha đã bước lên trước rồi.

"Cha." Mắt thấy bóng lưng cha càng lúc càng xa, trong lòng hoảng hốt, khóc ầm lên. "Cha."

Cha tôi quay đầu lại thấy tôi còn đang ở dưới, bất chấp thang cuốn đang đi lên, nhanh chóng lao xuống.

"Xin lỗi, xin lỗi." Ba tôi vừa nói vừa nhanh chóng tránh những người khác trên thang cuốn.

Còn khoảng bốn năm bậc thang thì cha tôi nhảy xuống, rồi ôm lấy tôi.

"Tĩnh Tuệ ngoan nào." Cha há miệng thở dốc. "Cha đây, cha đây, đừng sợ."

"Cha. Xin lỗi." Tôi khóc thút thít. "Con không dám bước lên."

"Không sao." Cha tôi mỉm cười. "Cha ôm con lên."

Cha ôm lấy tôi, lại bước lên thang cuốn, tới lầu hai.

"Để cha dắt tay con." Tới chỗ thang cuốn từ tầng hai lên tầng ba, cha nói:

"Chúng ta cùng lên nào."

"Cha..." Tôi nhìn cái thang cuốn một cái. "Con sợ lắm."

"Đừng sợ." Cha nói: "Sau này con còn phải lên thang cuốn một mình mà."

Tôi chỉ đành sợ hãi giơ tay phải lên, cha nắm chặt lấy tay tôi.

"Nhìn chân trái của cha này. Cha đếm một hai ba, chúng ta cùng bước chân trái lên nhé." Cha mỉm cười nói.

"Một... Hai... Ba!"

Tôi với cha gần như đồng thời giơ chân trái lên, bước lên thang cuốn.

"Đơn giản đúng không." Cha mỉm cười.

"Vâng." Tôi gật đầu.

Thật ra tôi vẫn hơi sợ, nhưng bàn tay to lớn của cha đã tiếp thêm dũng khí cho tôi.

Sau khi tôi tới Đài Bắc học đại học, thi thoảng lại một mình đi dạo trong siêu thị.

Khi sắp bước lên thang cuốn, thường thường không hiểu sao lại nhớ tới cha.

"Một... Hai... Ba!" Giọng nói của cha như vang lên bên tai tôi. "Đơn giản đúng không."

Tôi cũng bởi vậy mà ngây ngẩn đến mức làm cản trở người phía sau, điều này khiến tôi cảm thấy thật xấu hổ.

Sau này khi tới siêu thị, tôi chỉ đi thang máy, không bước lên thang cuốn nữa.

Mãi tới khi sau khi quen Văn Hiền, tôi mới lại đi thang cuốn.

oOo

"Cha, con đường này trước đây cha thường đèo con qua, nhưng giờ đường càng ngày càng rộng rồi. Có lẽ cha cũng không biết đường nữa rồi. Phía trước có ngã tư, chúng ta phải tạm dừng lại thôi. Cha, cha phải theo sát nhé. Cha, phải theo sát nhé."

Tôi càng nói, con mắt càng mơ hồ, nói xong những lời sau nước mắt đã chảy xuống bên môi.

Ôm ba trong lòng, tay phải cầm hương, tôi chỉ đành dùng ống tay áo chật vật lau đi dòng nước mắt.

Tôi phải giữ cho tầm mắt được rõ ràng, vì còn phải dẫn đường cho cha.

Con đường này tôi đã quá quen thuộc rồi, cho dù có được mở rộng tới đâu, ký ức trong tôi cũng sẽ không phai mờ.

Khi còn bé cha thường dùng những ngày nghỉ, giúp cửa hàng tạp hóa đem hàng tới Cao Hùng, kiếm thêm một khoản thu nhập trợ giúp cho gia đình.

Cha lái một chiếc xe tải nhỏ, phía sau trùm vải bạt, sau xe chất đầy hàng hóa, luôn đi qua con đường này.

Trước khi đi, cha luôn cười nói: "Ai muốn lên xe trước nào?"

Tôi với em trai tranh nhau lên xa, cha thường thường ôm tôi lên xe trước rồi lại ôm em trai tôi lên.

Hai đứa trẻ con chủ tiệm tạp hóa cũng muốn lên, cha cũng bế họ lên xe.

"Xuất phát thôi!" Khi xe khởi động, bốn cái miệng của đám trẻ con chúng tôi đồng thanh nói.

Chúng tôi dồn đống giữa chỗ hàng hóa, dọc đường nghịch hình dán, vừa trò chuyện vừa cười, chơi đùa rất thoải mái.

Mùi cà rốt, ớt, tỏi... trong đống tạp hóa luôn xộc ra khiến chúng tôi chảy nước mắt ròng ròng.

Cũng như tôi bây giờ vậy, nhớ tới cái mùi trước đây, không hiểu sao nước mắt cứ chảy dài.

Nếu là mùa hè, sau khi cha chuyển hàng xong sẽ luôn đem bốn đứa nhóc chúng tôi đi ăn kem.

Nếu là mùa đông, vậy sẽ dẫn chúng tôi đi ăn bát mỳ nóng hổi.

"Tĩnh Tuệ." Cha sẽ hỏi tôi. "Có ngon không."

"Vâng." Tôi luôn ra sức gật đầu rồi đáp: "Ngon lắm ạ!"

Cha mỉm cười hài lòng, ánh mắt ôn nhu, thần sắc thỏa mãn, sau đó vuốt ve đầu tôi.

Bất kể là hè hay đông, chỉ cần cùng cha đưa hàng tới Cao Hùng, tôi đều rất vui vẻ và hạnh phúc.

Sau này khi lớn lên, bạn học hay đồng nghiệp thường hẹn tôi tới những quán ăn nghe đồn có món ngon.

"Tĩnh Tuệ, có ngon không?" Khiến tôi không hiểu sao lại nhớ tới cha, liền lẩm bẩm nói

"Cũng khá ngon. Nhưng đi ăn kem hay ăn mỳ với cha mới thực sự là ngon."

"Tĩnh Tuệ." Bạn học hay đồng nghiệp luôn nghi hoặc hỏi lại: "Cậu điên rồi à?"

Tôi phải nhanh chóng nở nụ cười, nếu không nước mắt sẽ tràn qua đê.

oOo

"Cha, qua con đường này phải quẹo trái. Cha, đây là đường mới mở, trước đây cha chưa từng đi qua. Cha, cha đừng căng thẳng, cũng đừng sợ, chỉ cần đi theo, sẽ không lạc đâu. Cha, cha phải theo sát nhé. Cha, phải theo sát nhé."

Tôi nói xong, đột nhiên quay đầu nhìn lại phía sau, chỉ thấy mẹ ngồi ở ghế dưới.

Nhớ lại hồi học tiểu học, ngày đầu tiên tới trường, ăn sáng xong tôi không chịu đi giày ra ngoài.

"Tĩnh Tuệ." Cha ôn nhu hỏi tôi. "Sao lại không muốn tới trường?"

"Cha." Tôi cúi đầu, nhẹ giọng nói: "Con không dám đi xa một mình như thế."

Mẹ mắng tôi là nhút nhát, còn nói nếu tôi không chịu đi mau sẽ dùng roi đánh tôi.

"Con nhà mình còn nhỏ, có sợ cũng bình thường mà." Cha nắm lấy cây roi trong tay mẹ, nói:

"Tĩnh Tuệ đừng sợ, cha đưa con đi. Chỉ cần đi với cha, con sẽ không lạc đâu."

Trường học nông thôn luôn nằm ở nơi hẻo lánh, đi chừng mất chừng hai mươi phút, hơn nữa có một đoạn đường tôi chưa từng đi qua.

Cha nắm tay tôi tới trường, tôi cảm thấy như đi bộ đường xa chứ chẳng phải tới trường học.

"Tĩnh Tuệ." Cha nói: "Hôm nay cha đưa con đi, nhưng từ ngày mai con phải tự đi."

"Vâng." Tôi rất thất vọng.

Cha hẳn nhận ra tôi thất vọng, hôm sau trước khi đi học, cha nói với tôi:

"Hôm nay cha cũng đưa con đến trường."

"Hay quá!" Tôi rất vui vẻ, vỗ tay thốt lên.

"Có điều cha không thể dắt tay con được, cha đi phía sau." Cha mỉm cười nói.

"Con không được quay đầu lại đâu đấy."

Tuy biết cha nhất định sẽ đi theo sau tôi, nhưng tôi rốt cuộc không nhịn nổi, quay đầu lại.

"Không được quay đầu lại mà." Cha đứng cách tôi mười bước, mỉm cười nói.

"Vâng." Tôi cũng cười, lè lưỡi với cha.

Sau đó, ngày ngày, cha đều theo sau tôi đến trường, mà số lần tôi quay đầu lại cũng càng ngày càng ít.

Một tuần trôi qua, tôi đã chẳng hề quay đầu lại."

"Tĩnh Tuệ ngoan lắm." Sau khi tan học về nhà, cha nói: "Con đã có thể đi học một mình rồi đấy."

Cuối cùng tôi cũng đủ can đảm để một mình đến trường, suốt mấy ngày đều tự đi đến trường.

Nhưng có hôm đang trên đường đến trường, tôi đột nhiên quay đầu, không ngờ lại phát hiện ba vẫn ở phía sau, cách tôi chừng mười bước.

"Cha!" Tôi chạy về phía cha, giơ cao hai tay.

"Là cha sai." Cha ôm lấy tôi. "Cha vẫn thấy lo cho con."

"Cha." Tôi ôm chặt lấy cha. "Cha đừng lo mà, con có thể tự đến trường."

"Tĩnh Tuệ ngoan quá." Cha xoa xoa đầu tôi.

Khi học đại học và làm việc ở Đài Bắc, thường đi trên những con phố náo nhiệt.

Thi thoảng tôi đột nhiên quay đầu lại, dường như trong tiềm thức tôi vẫn luôn mong rằng, chỉ cần quay đầu lại là có thể thấy cha.

Nhưng mỗi lần quay đầu lại tôi luôn chỉ thấy những khuôn mặt xa lạ, bóng dáng cha vẫn chẳng thấy đâu.

"Cha, con đường này tương đối hẹp, cha phải đi theo cẩn thận nhé. Cha, ngã ba phía trước chúng ta sẽ rẽ trái, sau khi rẽ trái là tới đường 17. Cha, giờ chúng ta rẽ trái rồi, con đường hiện giờ là đường 17. Cha, cha phải theo sát nhé. Cha, cha phải theo sát nhé."

Khi tôi học cấp hai, ba mắc bệnh, phải vào nằm viện, tôi với mẹ từng đón taxi vào viện thăm cha.

Dọc đường đi, mẹ không nói một lời, sắc mặt căng thẳng, tôi chưa bao giờ thấy mẹ như vậy.

Bầu không khí trong chiếc xe nhỏ bé đầy vẻ hỗn loạn và bất an, tôi chỉ đành chuyển ánh mắt ra ngoài cửa sổ.

Hình ảnh lưu lại ấn tượng sâu sắc nhất là cứ cách một khoảng lại có một chữ viết trên nềm màu lam --- 17.

Cha nằm viện hai tuần, tôi chỉ theo mẹ tới thăm cha có một lần.

Ký ức về lần đó chỉ có mùi thuốc sặc mũi, sàn nhà lạnh lẽo, phòng bệnh chẳng chút ánh nắng.

Ba tôi nằm trên giường bệnh, yếu ớt và cô đơn.

Không gian trong bệnh viện tạo cho tôi cảm giác chẳng hề có hơi ấm, đầy những áp lực, bầu không khí nơi nơi đều nhuốm vẻ bi thương.

Hơn nữa như có sức ép rất lớn đè lên không gian này, khiến nó không còn là hình tứ giác mà trở nên vặn vẹo uốn khúc.

Trong bệnh viện, trái tim tôi luôn đập mạnh hẳn, hít thở không nổi.

Cha tôi đã ung thư thời kỳ cuối, bác sĩ nói cơ hội trị khỏi hết sức mờ mịt, khuyên mẹ tôi chuẩn bị tâm lý cho tốt.

Vào những năm chưa có bảo hiểm sức khỏe toàn dân, vào bệnh viện chữa trị phải tốn một khoản tiền lớn.

Cha ở bệnh viện được hai tuần rồi kiên trì muốn xuất viện về nhà, không muốn tạo thành gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Sau khi về nhà, cha luôn nằm trên giường tĩnh dưỡng, rất ít khi xuống giường.

Mẹ luôn luôn dặn dò tôi, cha cần phải nghỉ ngơi, không có việc gì thì đừng tới quấy rầy cha.

Nhưng mỗi ngày, sáng sớm trước khi ra ngoài đến trường, tôi luôn tới trước giường cha, ngồi xuống, nhẹ giọng nói: "

"Cha. Con đi học đây."

"Ừ." Cha gật đầu, mỉm cười: "Phải học hành chăm chỉ đấy."

"Con biết." Tôi nói: "Cha, tạm biệt."

Tan học về nhà rồi, cặp sách còn chưa bỏ xuống tôi đã tới bên giường cha, ngồi xuống nói:

"Cha. Con tan học về rồi."

"Ừ." Cha gật đầu mỉm cười. "Giờ có mệt không?"

"Không mệt."

"Tĩnh Tuệ ngoan." Cha vuốt ve đầu tôi." Bỏ cặp sách xuống, rửa mặt nghỉ ngơi đi."

"Vâng."

Tuy lo rằng sẽ đánh thức cha, nhưng mỗi ngày, trước khi tôi đến trường hay sau khi tan học về nhà, tới bên giường cha, cha luôn tỉnh táo. Tôi cảm thấy, dường như cha đang chờ tôi.

Có hôm khi tôi tan học về nhà, tới bên giường, lại phát hiện cha nhắm mắt, dường như đang ngủ.

Khi tôi nhanh chóng quay người lại, chuản bị rời khỏi, cha lại đột nhiên mở mắt nói:

"Ha ha, Tĩnh Tuệ. Cha còn tỉnh mà."

"Cha." Tôi lập tức ngồi xuống bên giường. "Con tan học về rồi."

"Ừ." Cha xoa xoa đầu tôi. "Đi cất cặp sách đi, rửa mặt nghỉ ngơi một chút."

Sau khi ăn cơm tối xong, tắm rửa xong, tôi thường đem sách vở tới bên giường cha học bài.

Tôi không tạo thành bất cứ âm thanh nào, ngay cả khi giở sách cũng vô cùng cẩn thận, tránh kinh động tới cha.

Nhưng cha vẫn luôn mỉm cười quan sát tôi học bài, tôi chỉ cần quay đầu sang phải là nhất định sẽ thấy được ánh mắt của cha.

"Tĩnh Tuệ." Cha nói. "Đã khuya rồi, con nên ngủ đi."

"Vâng." Tôi lập tức thu dọn sách vở, ngồi xuống bên giường cha. "Chúc cha ngủ ngon."

Tôi cảm thấy học bài bên giường cha sẽ khiến cha hài lòng, vì vậy trong lúc cha tĩnh dưỡng ở nhà, tôi không xem ti vi, không ra ngoài chơi với bạn học, mỗi ngày, đến tối đều tới bên giường cha học bài, cho tới khi cha nhắc tôi phải đi ngủ mới thôi.

Đây là chuyện duy nhất mà tôi có thể làm để khiến cha tôi hài lòng.

Thế nhưng, cha càng ngày càng gầy, sắc mặt cũng càng lúc càng vàng như sắc nến, hai tròng mắt vốn trong veo càng lúc càng mờ đục.

Thứ duy nhất không thay đổi là nụ cười ấm áp của cha mỗi khi thấy tôi.

Trong khoảng thời gian này, tôi chỉ thấy cha khóc có một lần, một lần duy nhất.

Đó là một buổi tối, khi tôi tới bên giường cha đọc sách, nghe cha gọi tôi:

"Tĩnh Tuệ. Lại đây ba bảo."

"Dạ." Tôi lập tức đặt sách xuống, đứng dậy tới bên giường cha rồi ngồi xổm xuống.

"Con có biết vì sao cha đặt tên con là Tĩnh Tuệ không?" Cha hỏi.

"Không biết ạ." Tôi lắc đầu.

"Cha mong con luôn tĩnh lặng mà thông tuệ." Cha nói.

"Con hiểu rồi ạ." Tôi gật đầu.

"Con luôn rất ngoan ngoãn, lại hiểu chuyện, cũng hệt như tên vậy." Cha xoa đầu tôi nói.

"Con đã 14 tuổi rồi, càng lớn càng xinh đẹp. Cha rất tự hào, cũng rất vui."

Tôi vâng một tiếng, có hơi xấu hổ.

Cha cứ nhìn tôi, ánh mắt tuy chăm chú nhưng cũng rất ôn nhu.

"Không biết con trai nhà ai có phúc lấy được Tĩnh Tuệ nhà ta, cho dù có là ai thì nó cũng nhất định là đứa con trai may mắn nhất trên thế giới này." Cha thở dài nói. "Cha rất muốn thấy con kết hôn, muốn gặp được chồng của con, muốn thấy được đứa con trai may mắn nhất ngoài thế giới kia là ai. Thế nhưng..."

Cha ngừng lại một chút rồi đột nhiên nghẹn ngào nói: "Thế nhưng cha không thấy được rồi."

"Cha." Tôi trong lòng đau xót, nước mắt tràn mi trào ra.

"Tĩnh Tuệ." Cha khóc, hai hàng lệ chảy xuống. "Cha xin lỗi con, mong con tha thứ cho cha."

Tôi chuyển từ ngồi xổm thành quỳ, vươn hai tay ra ôm lấy cha, khóc lên thất thanh.

"Tĩnh Tuệ." Cha vỗ nhẹ vào lưng tôi. "Giờ có thể khóc, nhưng sau này không được khóc nữa. Cuộc đời con còn dài, phải học cách kiên cường. Hiểu không?"

"Con hiểu ạ." Tôi đứng thẳng dậy, ngừng khóc, dùng tay lau nước mắt.

Cha lấy ra một tờ giấy, tay trái nâng mặt tôi, tay phải cẩn thận lau đi những giọt nước nơi khóe mắt tôi.

"Không được khóc nữa." Cha mỉm cười. "Phải kiên cường lên."

Tôi cố nén nước mắt lại, ra sức gật đầu.

Hai tháng sau khi cha tôi về nhà tĩnh dưỡng, một buổi chiều nọ, chúng tôi đang học thể dục ở sân trường.

Một cô giáo từ một góc sân trường khác chạy tới, như đang rất sốt ruột.

"Trương Tĩnh Tuệ có đây không?" Cô chạy tới trước mặt chúng tôi thì ngừng bước, hơi sau không tiếp nổi hơi trước.

"Có." Tôi giơ tay lên trả lời.

"Quả nhiên em ở đây, hèn gì cô tới phòng học tìm không thấy em." Cô ấy nói. "Mẹ em gọi điện thoại nói cha em sắp không xong rồi, bảo em mau về nhà."

"Sắp không xong?" Trong lúc nhất thời tôi còn chưa hiểu được.

"Mau về nhà đi." Cô quát to.

Tôi rốt cuộc cũng hiểu câu đó có ý gì.

Tôi cất bước chạy như điên, từ sân trường ở phía nam chạy thẳng tới chỗ để xe ở phía bắc.

Khi tới nơi để tôi đã mồ hôi đầm đìa, hơi thở nặng nề, nhưng tôi không dừng lại, trực tiếp bước lên xe.

Hai chân tôi không ngừng tăng tốc, con đường vốn đi xe mất 15 phút, lần đó tôi chỉ mất không tới 10 phút.

Vừa về tới nhà đã nghe thấy tiếng khóc từ trong truyền ra, trái tim vốn đang đập nhanh gần như ngưng bặt lại.

Tôi cuống quít xuống xe, tiện tay thả bừa xe đạp xuống.

Nhưng đột nhiên hai chân tôi như nhũn ra, toàn thân ngã sấp xuống đất, không bò dậy nổi.

Tôi chỉ có thể miễn cưỡng bò trên mặt đất, bò tới cửa nhà, bò qua bậc cửa, cuối cũng cũng có thể đứng dậy.

Bất chấp khuỷu tay với đầu gối đều đã rách da, tôi lao thẳng vào trong phòng cha.

Chỉ thấy mẹ với em trai đang ngồi bên giường khóc lớn.

Tôi tới bên giường cha, ngồi xuống nhìn ông, chỉ thấy cha nằm đó, hai mắt nhắn lại.

Tôi chờ lâu, rất lâu, chờ cha mở mắt nói: "Ha ha, Tĩnh Tuệ. Cha còn tỉnh mà."

Nhưng ba vẫn không mở mắt.

"Cha." Cuối cùng tôi không nhịn được, khẽ lắc lắc tay cha.

Tay cha tôi rất lạnh, không còn hơi ấm như khi xưa xoa đầu tôi.

Tôi lặng lẽ nhìn cha, không khóc thành tiếng, cũng không rơi lệ.

Tôi cảm thấy mọi thứ trước mắt đều thật không chân thực, chẳng khác nào một giấc mộng, mà bản thân mình đang lơ lửng trong đó.

Cha tôi ra đi chỉ ba phút trước khi tôi về nhà.

Câu cuối cùng mà tôi nói với cha là: "Cha. Con đi học đây."

Câu cuối cùng cha nói với tôi là: Phải học hành chăm chỉ đấy."

Tới tận 20 năm sau, không kịp thấy mặt cha lần cuối vẫn là tiếc nuối và hối hận lớn nhất trong cuộc đời tôi.

Trước khi ra đi không được gặp tôi, có phải cha cũng cảm thấy tiếc nuối và hối hận không?

Nếu như không phải trùng hợp lúc tôi phải học thể dục, nếu tôi chạy nhanh hơn, đạp nhanh hơn, nếu như...

Các loại "nếu như" khác nhau cứ quanh quẩn trong đầu tôi suốt hai mươi năm.

Tôi luôn rất muốn biết, trước khi ra đi, cha sẽ nói gì với tôi?

Cha, cha sẽ nói gì với con?

Cha, cha muốn nói gì với con?

"Cha, chúng ta sắp lên cầu Song Viên rồi đấy. Có điều cầu Song Viên năm ngoái bị bão với lũ đánh gãy rồi, giờ chỉ còn một cây cầm tạm thôi. Cha, cha phải theo sát nhé, nghe nói cây cầu tạm đó là hai con đường một chiều, rất hẹp, chỉ cho xe nhỏ đi qua. Cha, cha nhất định phải theo sát nhé, em trai nói trên cầu có rất nhiều xe máy, không tiện mở xe. Cha, cha nhất định phải theo sát nhé. Cha, nhất định phải theo sát nhé."

Có lẽ ấn tượng của người bình thường đối với gió bão đều luôn mang chút sợ hãi hay bất an.

Nhưng ký ức trong đàu tôi về gió bão, đa số đều rất đẹp.

Mà những ký ức đẹp đẽ đó, đều do ba tạo cho tôi.

Ngôi nhà của chúng tôi là kiến trúc truyền thống, căn phòng rất cũ kỹ, đêm bão, nóc nhà nhất định sẽ dột.

Ba sẽ giữ cho cửa sổ đóng chặt, sau đó dò xét khắp nơi, tìm đồ đựng nước hứng nước mưa nhỏ từ nóc nhà xuống.

Vì vậy trên mặt đất, thậm chí trên bàn hay trên giường luôn bày đầy thau chậu với thùng nước.

Có khi cả cốc súc miệng cũng phải dùng tới.

Ngoài phòng gió thổi vù vù, lay động cả căn nhà, căn phòng như lúc nào cũng có thể sụp đổ.

Có cơn gió to thổi rơi cả ngói, tôi sợ hãi trốn sau lưng ba, hỏi:

"Cha ơi, gió lớn vậy, nhà chúng ta có bị đổ không?"

"Chỉ cần cha ở đây, nhà của chúng ta sẽ không đổ đâu." Cha xoay người lại ôm lấy tôi, mỉm cười.

Nụ cười của cha khiến tôi cảm thấy thật an toàn, căn phòng cũ kỹ cũng dường như kiên cố hẳn lên.

"Tới chơi đại phú ông nào."

Từ lần đó trở đi, cứ đêm gió bão, cha sẽ chơi "đại phú ông" với tôi và em trai.

Ba người chúng tôi nằm sấp trên mặt đất, đổ xúc xắc, theo điểm trên xúc xắc mà đi.

Ngoài phòng tuy cuồng phong gió bão nhưng trong phòng lại đầy tiếng cười vui xen lẫn tiếng nước rơi tí tách.

Nếu mất điện, ba sẽ thắp nến, chúng tôi tiếp tục chơi, hứng thú chẳng hề giảm.

Nhà tôi ở cạnh biển, lúc bình thường gặp lúc triều lớn, đi đường cũng thấy nước, lúc bão thì càng không cần phải nói.

Cho dù bão qua đi, trên đường nước lũ vẫn chưa lui.

Cha lo tôi ra ngoài một mình gặp chuyện không hay, dắt tay tôi đến trường, dọc đường chúng tôi phải lội nước liên tục.

Nếu gặp chỗ nước sâu cha sẽ cõng tôi lên lưng, cẩn thận lội từng bước một.

Tấm lưng cha rất rộng, khiến tôi cảm thấy an tâm, có lần tôi không cẩn thận còn ngủ gật mất.

Sau này em trai tôi cũng bắt đầu học tiểu học, cha liền một tay nắm tay tôi, một tay nắm tay em trai tôi, lội nước đến trường.

Chỉ cần có cha, cuồng phong bão táp, nước lũ ngập lụt, tất cả đều chẳng đáng sợ, tôi thậm chí còn chờ mong ngày bão đến.

Sau khi cha qua đời, đêm đầu tiên có bão, trong nhà dột khắp nơi.

Khi gió to thổi làm căn nhà của chúng tôi run lên bần bật, tôi cũng sợ tới phát run.

"Cha ơi. Nhà chúng ta sắp sụp rồi." Tôi ôm chặt lấy chăn bông, lui lại mép giường. "Sắp sụp rồi."

Cả đêm đó tôi không ngủ, sợ rằng tỉnh lại thì nhà chẳng còn thấy đâu.

Khi học đại học, mỗi đêm có bão, tôi luôn lôi kéo bạn cùng phòng chơi Đại Phú Ông cùng mình.

"Sao cậu lại chơi cái trò trẻ con này?" Bạn cùng phòng cau mày: "Cậu còn chưa lớn sao?"

Không phải tôi chưa lớn, chỉ có điều thật quá hoài niệm bầu không khí vui vẻ khi chơi Đại Phú Ông với cha.

Nhưng không có ai chịu chơi với tôi, mấy người bạn thà buồn chán ngồi nhìn mưagió ngoài cửa sổ còn hơn.

Trong ngày bão đầu tiên sau khi quen Văn Hiền, anh gọi điện cho tôi, hỏi tôi có an toàn không?

"Vẫn tốt. Chỉ có điều..." Tôi không muốn Văn Hiền cười mình trẻ con bèn đổi giọng: "Không có gì."

"Chỉ có cái gì?" Văn Hiền như đang rất gấp gáp: "Em mau nói đi."

"Em muốn chơi Đại Phú Ông." Tôi nói.

"Được." Anh nói. "Em chờ anh chút."

Nửa tiếng đồng hồ sau, anh mang một hộp Đại Phú Ông còn chưa mở nắp tới chỗ tôi ở.

"Đã khiến em đợi lâu rồi." Anh nói: "Nhiều tiệm đóng cửa quá, anh chạy qua năm tiệm mới mua được."

"Cám ơn." Nhìn Văn Hiền đầu tóc ướt đẫm, tôi rất cảm động, cũng thấy thật có lỗi.

Khi Văn Hiền chơi Đại Phú Ông với tôi, trần này không dột nước nhưng con mắt tôi lại ươn ướt.

oOo

"Cha, qua cầu rồi. Cha, qua cầu rồi."

Nước mắt đột nhiên chảy ròng xuống, chảy suốt không ngừng, không cách nào ngừng.

Ngày đưa tang cho cha, tôi lặng lẽ theo sau quan tài, cả ngày không nói năng gì.

Đạo sĩ dẫn đường lại căn dặn lần nữa, lúc qua cầu phải hô lớn: qua cầu rồi."

Nghe nói cầu với sông hay có ác linh chết thảm chiếm giữ, linh hồn người chết sẽ không dám qua cầu.

Người nhà phải không ngừng la lên: qua cầu rồi. Trấn an người chết đừng sợ, cũng dẫn dắt người chết qua cầu.

Hôm đó tôi không nói nửa lời, nhưng lại hô mấy chục câu: "Qua cầu rồi."

Đây là ký ức sâu sắc nhất của tôi trong ngày đưa tang cha, cũng gần như là ký ức duy nhất.

Sau khi cha qua đời, tôi chưa từng khóc một tiếng, người trước người sau đều như vậy.

Bởi vì tôi từng hứa với cha, không được khóc nữa, phải kiên cường lên.

Thế nhưng rơi lệ đối với tôi có thể coi là động tác phản xạ, không bị não bộ khống chế.

Tôi sẽ ra sức ngăn dòng nước mắt chảy xuống, chỉ khi nào ở một mình hoặc nơi không ai nhìn thấy mới yên tâm cho nó tuôn ra.

Một khi phát hiện mình sắp rơi lệ, nước mắt sẽ luôn trào ra như bài sơn đảo hải.

Có lẽ vì vậy, ngày đưa tang cha tôi không cẩn thận nghe thấy vài người thân nói với mẹ:

"Cha mất, con nhóc Tĩnh Tuệ không ngờ lại chẳng khóc, cũng chẳng nhỏ giọt nước mắt nào, đúng là bất hiếu."

Mẹ không hề phản bác, chỉ nói tôi tính tình quật cường từ nhỏ đã không chịu nghe lời mình.

Mẹ còn bảo không biết phải dạy tôi thế nào.

Tôi vô cùng tức giận, ngoại trừ tức giận những người thân kia dùng tiếng khóc to hay nhỏ, tiếng khóc nhiều hay ít để so sánh lòng hiếu thảo ra, càng không thể tha thứ cho mẹ, không ngờ chẳng những không phản bác mà còn nói những lời phụ họa người thân kia nữa.

Từ đó trở đi, quan hệ giữa tôi với mẹ trở nên rất căng thẳng, hầu như không nói chuyện với mẹ.

Bầu không khí quỷ dị đó kéo dài suốt hai năm.

oOo

"Cha, đã đến Lâm Viên Hương rồi. Nơi này hơi nhiều xe, em trai sẽ đi cẩn thận, cha cũng phải cẩn thận theo sát nhé. Cha, em trai đã lớn rồi, không còn là đứa trẻ nghịch ngợm đáng ghét nữa, cha có thể yên tâm rồi. Cha, con đường phía trước phải rẽ phải sang đường Phượng Lâm. Cha, chúng ta rẽ phải rồi. Cha, phải theo sát nhé."

Em trai nhỏ hơn tôi bốn tuổi, là con trai duy nhất trong nhà, từ nhỏ mẹ đã cực kỳ cưng chiều nó.

Khi còn bé, em trai tôi quả thực rất bướng bỉnh, hơn nữa còn rất thích trêu chọc tôi, thật đáng ghét.

Một ngày trước kỳ kiểm tra thứ hai năm lớp một, sách giáo khoa với vở tôi không ngờ lại đầy những nét nguệch ngoạc của em trai.

"Là em vẽ phải không?" Tôi cố nén cơn giận hỏi em trai.

"Đúng vậy." Em trai tôi cười xấu xa. "Vẽ đẹp đấy chứ."

Cơn giận của tôi bùng lên. "Bốp" một tiếng, tát cho em trai một cái rất vang.

Em trai khóc lóc chạy đi, sau đó ra mách mẹ.

Mẹ cầm roi đến, chẳng cần giải thích, đánh tôi một roi rất đau.

Tôi biết quan niệm trọng nam khinh nữ, mẹ nhất định sẽ bất công, thậm chí cưng chiều em trai mà thiên vị.

Nhưng sao mẹ có thể chẳng hỏi một câu đã lấy roi đánh tôi chứ?

Tôi xoa xoa tay chân sưng đỏ, nghiến răng nghiếm lợi thầm thề.

"Mai mình nhất định sẽ cố ý để không điểm kiểm tra, cho mẹ chịu khổ."

Ngay buổi tối trước khi đi ngủ, cha một mình sang tìm tôi.

"Tĩnh Tuệ." Cha nói: "Cha biết con chịu oan ức, nhưng cuộc thi ngày mai con phải làm thật tốt đấy nhé."

Tôi mở to hai mắt nhìn cha, kinh ngạc, không hiểu vì sao cha lại biết tâm sự của mình?

"Tính con rất giống cha." Cha mỉm cười: "Vì con là do cha sinh ra."

"Vâng." Tôi đành đáp ứng.

"Con cho rằng mẹ chỉ quan tâm tới em trai, không quan tâm đến con nên cố ý muốn làm bài kiểm tra hỏng cho mẹ chịu khổ."

Cha hỏi. "Có phải con nghĩ vậy không?"

Tôi sửng sốt mất mấy giây, sau đó từ từ gật đầu.

"Nếu con đã cho rằng mẹ vốn không quan tâm tới con, vậy con thi hỏng, mẹ sao phải buồn khổ?"

"Con..." Tôi lập tức nghẹn lời.

"Người không quan tâm đến con sẽ chẳng buồn phiền gì vì con. Nếu con cố ý thi hỏng, người chịu khổ chỉ có chính con mà thôi."

"Nhưng nếu mẹ quan tâm tới con, con cần gì phải dùng một bài kiểm tra hỏng để làm khổ người quan tâm tới mình chứ?" Cha lại nói: "Vậy chẳng phải rất ngốc sao?"

Tôi nhìn cha, không đáp.

"Cha biết mẹ con tương đối thương em trai, nhưng mẹ cũng rất quan tâm đến con đấy, vì vậy ngàn vạn lần đừng làm chuyện ngốc nghếch." Cha nói. "Bài thi ngày mai nhất định phải làm tốt đấy, nếu không cha sẽ rất buồn."

"Vâng." Tôi gật đầu.

"Em trai còn nhỏ, con phải tha thứ cho nó. Con cũng muốn giúp cha dạy dỗ nó cho tốt, đúng không?"

"Vâng." Tôi lại gật đầu.

Khi cha tôi mất, em trai tôi mới học lớp bốn tiểu học, tôi rất lo lắng sau khi mất đi sự quản giáo nghiêm khắc của cha, đứa em trai nghịch ngợm của tôi liệu có đi học mấy thói xấu hay không?

Khi em trai học cấp hai, tối nào tôi cũng quan sát nó, cũng hạn chế nghiêm ngặt thời gian nó xem ti vi.

Nhưng khi nó lên cấp ba tôi cũng phải rời nhà đến Đài Bắc học đại học, không cách nào theo dõi nó nữa.

Khi tới Đài Bắc học, ngoại trừ lo cho mẹ mệt nhọc ra, lo lắng nhất chính là em trai.

Quả nhiên, em trai tôi sau khi lên cấp ba bắt đầu nổi loạn, ham chơi, lại không chịu nghe dạy dỗ.

Năm em trai học lớp 11 lại càng thêm trầm trọng, sau khi tan học ở ngoài chơi đến khuya mới chịu về nhà.

Nghe mẹ nói em trai mê chơi điện tử, có khi còn trốn học không tới trường, thành tích xuống dốc không phanh.

Khi đó tôi đang học năm thứ ba, có hôm tôi cố ý về nhà định giáo huấn em mình.

Kết quả tôi đợi ở phòng khác tới tận hai giờ sáng nó mới về nhà.

"Em đi chơi đâu?" Tôi nổi giận đùng đùng. "Không ngờ giờ mới chịu về!"

"Không liên quan đến chị." Nó lạnh lùng trả lời, chẳng buồn nhìn tôi.

Tôi giận tới mức toàn thân run lên lẩy bẩy, giơ tay phải lên muốn tát nó một cái.

Nhưng lại phát hiện em trai đã cao khỏe hơn mình rồi, khuôn mặt vốn trẻ con cũng dần chín chắn.

Đường nét khuôn mặt nó cũng dần mang vẻ của cha, tôi từ từ bỏ tay phải xuống, lẳng lặng nhìn nó.

"Nhìn cái gì." Em trai nói.

Viền mắt tôi dần dần ướt đẫm, ánh mắt mơ hồ, đó là khuôn mặt của cha, là cha đây rồi.

"Cha." Hai đầu gối tôi quỳ xuống đất. "Cha, con xin lỗi, không dạy dỗ được em nó."

Em trai tôi bị hành động này làm cho kinh ngạc, vốn đang định quay người đi khỏi, bước chân lại ngưng lại.

"Cha, con xin lỗi. Con không nghe lời cha, không dạy dỗ em cho tốt. Là con bất hiếu. Cha, em trai học thói xấu cũng là lỗi của con, xin cha phạt con thôi. Cha, con thực sự không biết nên dạy dỗ em thế nào, con thực sự không biết, cha dạy con với, con nên làm gì bây giờ?'

Tầm mắt tôi đã trắng xóa, chỉ có thể nghẹn ngào la lên: "Cha ơi, cha, cha ơi..."

"Đứng lên đi." Em trai kéo tôi đứng dậy.

"Cha, con không dám." Hai đầu gối tôi vừa rời đất lại lập tức quỳ xuống: "Cha, xin cha mắng con đi, đánh con cũng được. Cha, là con không đúng, con không dạy được em nó. Cha ơi.."

Em trai lại kéo tôi đứng dậy, nhưng đầu gối của tôi vẫn không chịu rời mặt đất.

Cuối cùng, không ngờ nó cũng quỳ xuống.

"Chị." Nó đưa mặt tới trước mắt tôi. "Chị nhìn kỹ đi, là em đây,"

"Không phải cha à?" Tôi lấy tay lau nước mắt. "À. Là em. Em, em phải học thật tốt, được không? Cha đã rất buồn rồi, em đừng khiến cha đau lòng thêm nữa. Chị van em đấy, van em đấy, được không?"

"Được rồi." Em trai tôi nói: "Em hiểu rồi."

"Thật chứ?" Tôi gần như lập tức nín khóc, mỉm cười: "Em sẽ học hành chăm chỉ chứ?"

"Vâng." Em trai tôi gật đầu.

"Em trai, cám ơn em." Tôi nói cám ơn liên tục. "Cám ơn em, cám ơn, cám ơn."

"Chị." Viền mắt nó đột nhiên đỏ lên. "Chị đừng nói vậy."

Em trai ngừng chơi điện tử, học hành cũng chăm chỉ hơn nhiều, sau đó thuận lợi đỗ vào hệ điện máy của đại học.

Sau khi tốt nghiệp đại học, em trai tôi nhập ngũ, sau khi hoàn binh lại tới sở nghiên cứu.

Sau khi tốt nghiệp sở nghiên cứu, em tôi tới làm kỹ sư điện tử ở viện khoa học Tân Trúc, công việc rất ổn định.

Năm ngoái em tôi quen một cô gái, em ấy là giáo viên cấp một, tình cảm hai người rất tốt.

Cha, em trai nói cuối năm nay nó sẽ tới cầu hôn người ta, cha nhất định sẽ rất hài lòng.

Cha, em con đã thành người, đã có trách nhiệm, cha không cần lo lắng nữa rồi.

Cha, cha không cần lo lắng nữa rồi.

"Cha, con đường phía trước phải rẽ trái, qua đường Thủy Nham. Cha, chúng ta rẽ trái rồi, cha phải theo sát nhé.

Cha, đây là thôn Nghiễm Ứng ở gần chùa Tây Như. Cha, chùa Tây Như là do mẹ chọn đấy.

Mẹ nói trong chùa không khí thanh tịnh, ngày ngày lại có pháp sư niệm kinh phật, cha nhất định sẽ rất yên bình.

Cha, 20 năm nay mẹ rất khổ cực, tự lực nuôi nấng con và em trai. Cha, xin cha yên tâm, con với em vẫn luôn hiếu thuận với mẹ. Cha, con đường này không thẳng mà hơi cong cong. Cha nhất định phải theo sát nhé. Cha, cha nhất định phải theo sát nhé. Cha, cha nhất định phải theo sát nhé."

Cha qua đời năm 39 tuổi, lúc đó mẹ mới chỉ 38.

Còn tôi 14 tuổi, học cấp hai, em trai chỉ mới 10 tuổi, học lớp bốn.

Theo lý thuyết, ba người chúng ta nên sống nương tựa lẫn nhau, nhưng suốt hai năm sau khi cha qua đời, tôi với mẹ luôn sống giữa bầu không khí chiến tranh lạnh, ngay cả một tiếng "mẹ" tôi cũng chẳng gọi bao giờ.

Có lẽ bởi mẹ luôn thiên vị em trai, lại luôn trách mắng tôi, thậm chí đánh tôi, khiến tôi bất mãn.

Có lẽ vì tôi trách mẹ không kiên trì để cha ở lại trong viện, đánh cược với cơ hội mờ mịt kia.

Có lẽ bởi tôi không được thấy mặt cha lần cuối, không hiểu sao lại giận cá chém thớt lên mẹ.

Có lẽ bởi tôi đang tuổi nổi loạn...

Nói chung, hôm đưa tang cha, khi mẹ không phản bác câu nói bất hiếu của người thân, tôi không ngờ lại bắt đầu oán hận mẹ.

Cha qua đời được một năm hai tháng, tôi cũng tốt nghiệp trung học, tham kỳ thi vào trường cấp ba Cao Hùng.

Đi xe bus đến Cao Hùng phải mất hơn một tiếng, nhưng học sinh ở quê tôi đa số đều chọn đi đi xe bus đến trường.

"Con không muốn đi xe bus." Tôi nói. "Con muốn thuê phòng ở Cao Hùng."

"Đi xe được rồi." Mẹ nói. "Hầu hết những người khác đều đi xe bus cả mà."

"Mỗi ngày đi xe bus đều mất hơn hai tiếng, còn cả thời gian chờ xe nữa." Tôi ngắt lời mẹ.

"Mẹ có biết thời gian đó con có thể đọc được bao nhiêu sách không? Mẹ có biết không?"

Mẹ không thèm nhắc lại, lặng lẽ tiếp nhận sự thật là tôi muốn ở lại Cao Hùng.

Khi thuê phòng ở Cao Hùng, lúc nghỉ tôi rất ít khi về nhà, ngoại trừ khi phải về nhận phí sinh hoạt.

Nhưng tôi rất không muốn về nhà, rất không muốn thấy mẹ.

Thậm chí tôi đã từng tan học bắt xe về nhà lấy phí sinh hoạt rồi lại lập tức quay người đi luôn.

Cơm cũng chẳng ăn, đừng nói tới ở lại nhà qua đêm.

Mỗi khi tôi đột nhiên về nhà, mẹ thường không nói gì, chỉ lấy từ trong ví ra chút tiền đưa cho tôi.

Có hôm tôi tan học xong bèn trực tiếp tới trạm bắt xe, định về nhà lấy tiền nộp tiền thuê nhà.

Vừa về nhà, thấy mẹ đang trong bếp nấu cơm.

Tôi đi tới sau lưng mẹ, định mở miệng đòi tiền, sau đó cầm tiền đi luôn.

Nhưng lại phát hiện mẹ thái rau vài cái xong không ngờ lại đờ người ra.

Mẹ đờ người ra một lúc, sau đó lại tiếp tục thái rau, thái vài cái xong lại đờ người ra lần thứ hai.

Cứ cắt rau rồi lại đờ người ra như vậy, cuối cùng mẹ cắt vào tay.

"Á!" Tôi hoảng sợ hét lên.

Mẹ nghe thấy tiếng tôi hét bèn quay đầu lại nhìn, ánh mắt có vẻ mê man.

"Mẹ cắt vào tay rồi." Tôi chỉ vào ngón cái bên tay trái đang chảy máu của mẹ.

"À." Mẹ cúi đầu xem xét. "Không sao."

"Chảy máu rồi đấy..."

"Rửa một chút là được." Mẹ quay người về phía vòi nước, xả nước lên ngón tay cái. "Đi rửa mặt, nghỉ ngơi một lát. Đợi chút nữa là ăn cơm được rồi."

Tôi rời phòng bếp, bước vào phòng khách, ngồi trên ghế, nhớ tới khuôn mặt và ánh mắt lúc vừa rồi của mẹ.

Trái tim bỗng đau ê ẩm, không khỏi cúi đầu, che mặt, len lén khóc.

Trước đây, chi tiêu trong nhà luôn dựa vào tiền luơng của cha để chống đỡ, mẹ thì chuyên tâm vào việc gia đình.

Sau khi cha qua đời, mẹ mượn chút tiền, mở một cửa hàng, ban ngày buôn bán nhỏ; tối thì sửa quần áo giúp người ta, kiếm chút tiền công nhỏ nhoi.

Không bao lâu sau bắt đầu có người tới cửa, khuyên mẹ tái giá, nhưng mẹ không hề để ý đến.

Có lần thậm chí mẹ còn cầm chổi đuổi thẳng bà mối ra khỏi cửa, từ đó về sau không có bà mối nào dám bước vào trong nhà nữa.

Mẹ chỉ là một người phụ nữ bình thường mà thôi, lại hạ quyết tâm, muốn tự lực nuôi nấng tôi và em trai.

Nhưng cha qua đời mới hai năm, mẹ lại như già đi mười tuổi.

Khuôn mặt mẹ như nhiều lần trải qua đau thương, ánh mắt trống rỗng, khi thái rau tâm thần cũng mơ hồ.

Có lẽ mẹ đột nhiên nhớ tới cha, có lẽ phiền não về cuộc sống trong tương lai.

Có lẽ phiền não về việc làm sao nuôi nấng tôi và em trai trưởng thành, có lẽ phiền não vì nợ nần trong gia đình...

Sau khi phải chịu nỗi đau thương lớn, mẹ chẳng những không có thời gian chữa thương mà còn phải càng thêm kiên cường.

Mẹ đã kiên cường như vậy, mà tôi lại oán hận mẹ tới hai năm, tôi thật xấu hổ vô cùng.

Khi nước mắt chảy tới bên môi, tôi đột nhiêm cảm thấy mình trưởng thành hơn, hơn nữa, tôi cũng phải lớn lên.

Tôi không biết thời nổi loạn ấy bắt đầu từ lúc nào, nhưng tôi rất chắc chắn nó kết thúc khi tôi 16 tuổi.

Tôi đã 16 tuổi, đúng ra nên giúp mẹ gánh vác trọng trách trong gia đình.

"Mấy ngày nữa con sẽ về nhà." Ăn cơm xong, tôi nói: "Sau này con sẽ đi xe bus tới trường."

"Đi xe bus phải mất hơn hai tiếng, chẳng phải con bảo sẽ làm mất thời gian học bài sao?" Mẹ nói.

"Con có thể học luôn trên xe."

"Nhưng nói vậy, sau này con sẽ phải dậy rất sớm."

"Không sao." Tôi nói: "Dậy sớm tốt cho sức khỏe."

Mẹ không nói thêm lời nào, chỉ dặn dò tôi cơm nước xong nên mau đi xe về Cao Hùng.

Ăn xong, tôi đứng dậy thu dọn bát đũa.

"Để đấy đi." Mẹ cũng đứng lên. "Để mẹ làm cho."

"Đây là việc con nên làm.” Tôi nói.

Tôi với mẹ cùng sóng vai rửa bát, chúng tôi không nói chuyện, chỉ nghe tiếng nước chảy rì rì.

"Mẹ." Một lúc sau, cuối cùng tôi cũng mở miệng. "Con xin lỗi."

Mẹ tôi cứng người lại, tay cũng ngừng rửa bát.

"Mẹ." Tôi lại nói. "Xin lỗi. Trước đây con không hiểu chuyện."

"Đừng nói vậy."

"Mẹ." Ánh mắt tôi dần mơ hồ. "Con xin lỗi. Xin mẹ tha lỗi cho con."

"Đứa bé ngốc này." Mẹ nói: "Có gì mà xin lỗi mẹ."

"Mẹ..." Tôi đã nghẹn ngào.

"Đừng nói nữa." Mẹ nói: "Mau rửa bát đi rồi ra bắt xe, về muộn quá không hay đâu."

"Vâng." Tôi gật đầu.

Tôi với mẹ rửa bát xong nhưng vẫn sóng vai đứng trước bệ rửa, cũng quên luôn đóng vòi nước.

Khi sắp tốt nghiệp cấp ba, tôi phân vân có nên tiếp tục học hay không.

Ở quê rất nhiều cô gái sau khi tốt nghiệp cấp ba thì bắt đầu đi làm, tôi nghĩ mình cũng nên đi làm.

Hơn nữa, gia cảnh tôi không tốt, nhà lại đang mang nợ, em trai còn nhỏ, cha cũng mất rồi.

Nếu như tôi còn tiếp tục học thì gánh nặng của mẹ sẽ quá lớn.

"Mẹ." Tôi quyết định. "Sau khi tốt nghiệp cấp ba con sẽ đi tìm việc làm."

"Nói chuyện ngốc gì vậy?" Mẹ nói: "Thành tích của con tốt vậy, đương nhiên phải học đại học."

"Hả?" Tôi kinh ngạc.

"Nếu con không học tiếp, cha con nhất định sẽ trách mẹ."

"Nhưng mà..."

"Tĩnh Tuệ." Giọng nói của mẹ rất kiên định. "Mẹ nhất định sẽ giúp con học tiếp."

Sau mấy tháng khó nhọc, tôi rất may mắn trúng tuyển đại học.

Ngày tôi tới Đài Bắc học, mẹ giúp tôi chỉnh trang hành lý, dặn tôi phải tự chăm sóc bản thân.

Mẹ theo tôi tới ga tàu, tôi phải đi xe tới Cao Hùng rồi lại từ Cao Hùng đón tàu hỏa lên phía bắc.

"Áo này con mặc đã nhiều năm rồi, cũng cũ lắm rồi." Mẹ sờ sờ góc áo tôi.

"Tới Đài Bắc rồi nhớ mua thêm vài bộ quần áo, đừng tiếc tiền."

"Con vốn xinh đẹp sẵn rồi, mặc cái gì chẳng được." Tôi mỉm cười.

"Con bé ngốc này." Mẹ lấy từ trong ví ra một ít tiền, nhét vào tay tôi. " Con gái tuổi con nên mặc quần áo đẹp vào."

Tôi nhét tiền trở lại ví mẹ, nhưng mẹ vẫn cố đưa tôi, hai người cứ đưa đẩy nhau một lúc.

Tôi thuận thế nắm tay mẹ lại, không cho mẹ có cơ hội đưa tiền nữa.

Sau đó tôi và mẹ cứ nắm tay nhau, không hề nói gì, lặng lẽ chờ tàu.

"Mẹ." Sau khi tàu vào ga, tôi nói: "Con sẽ học thật tốt, mẹ cũng giữ gìn sức khỏe."

"Con đã lớn vậy rồi, lại sắp đi học đại học." Mẹ nói. "Cha con mà biết nhất định sẽ rất tự hào."

Tôi lên tàu, cất hành lý, chọn một chỗ cạnh cửa sổ, ngồi xuống.

Qua cửa sổ, tôi thấy mẹ vẫn đứng yên ở đó nhìn tôi, ánh mắt không nỡ xa rời.

Tàu chuyển động, tôi mỉm cười vẫy tay với mẹ.

Khoảnh khắc khi mẹ vừa biến mất trong tầm mắt, tôi rốt cuộc cũng không nhịn nổi, nước mắt chảy xuống ròng ròng.

Thân hình mẹ gầy yếu như vậy, không biết mấy năm nay đã trải qua những gì.

Khi tốt nghiệp đại học, Văn Hiền trở thành bạn trai tôi.

"Lúc rảnh nhớ mang bạn trai về nhà chơi đấy." Mẹ nói.

Văn Hiền mang tôi về nhà gặp bà nội anh, tôi vốn định sau đợt đó sẽ đến phiên tôi dẫn anh về nhà gặp mẹ.

Có điều, Văn Hiền sắp nhập ngũ rồi, tôi nghĩ chờ anh xuất ngũ rồi tính, vì vậy lại ngừng lại.

Lần đầu tiên tôi đưa anh về nhà gặp mẹ là sau khi anh xuất ngũ một tháng.

Mẹ dùng tiền nhờ người làm một bàn thức ăn rất phong phú, gọi cả em trai mới lên năm thứ ba đại học về.

Thậm chí còn mời mấy người chú bác dì cậu về.

"Chỉ là bạn trai thôi mà, sao lại làm như bàn mời con rể thế?" Dì tôi cười nói.

Trong bữa tiệc, Văn Hiền rất cẳng thẳng, dẫu sao bữa ăn này cũng như một đống trưởng bối giúp mẹ vợ kiểm tra con rể.

Cách làm cầu kỳ của mẹ khiến tôi dở khóc dở cười.

"Mẹ ơi." Tôi len lén hỏi mẹ. "Mẹ cảm thấy Văn Hiền ra sao?"

"Con thích là được." Mẹ trả lời. "Mẹ không ý kiến."

"Mẹ." Tôi rất muốn biết nhận xét của mẹ. "Mẹ nói một chút xem nào."

"Mẹ thực sự không có ý kiến." Mẹ nói: "Nếu con thích nó thì mẹ cũng thấy nó rất tốt."

Mãi cho tới giờ, mẹ chẳng bao giờ nói rõ về ưu điểm hay khuyết điểm của Văn Hiền.

Mẹ luôn giục tôi chóng lập gia đình, nhưng tôi với Văn Hiền quen nhau chín năm rồi mới kết hôn.

Ngày cưới, sáng sớm Văn Hiền đã lái xe tới nhà đón tôi.

Theo tập tục, tôi và Văn Hiền phải mặc lễ phục, quỳ lạy mẹ.

Hai đầu gối vừa chạm đất, không hiểu sao tôi lại nước mắt lưng tròng, mẹ cũng rất kích động, liên tục lau nước mắt.

Mẹ định mở miệng nói, lại nói chẳng thành lời.

Người khác khuyên mẹ nên thoải mái, đừng khóc nữa. Mẹ lấy lại bình tĩnh rồi nói với Văn Hiền:

"Con bé Tĩnh Tuệ này, tính cách tuy quật cường nhưng lại rất hiền lành hiểu chuyện. Cha nó mất sớm, mẹ lại kém khoản kiếm tiền, cuộc sống của nó thực sự rất khổ, mẹ thật có lỗi với nó. Văn Hiền, mẹ van con, sau này nhất định phải cho nó ăn sung mặc sướng, đừng để nó chịu khổ, phải đối xử tốt với nó. Mẹ van con đấy, van con sau này đối xử tốt với Tĩnh Tuệ, van con đấy."

"Mẹ, mẹ đừng nói vậy." Văn Hiền sợ hãi đáp. "Con nhất định sẽ đối xử tốt với Tĩnh Tuệ."

"Mẹ." Nước mắt tôi rơi xuống như mưa, cúi người dập đầu một cái thật vang, nghẹn ngào nói. "Mẹ."

Cha, mẹ năm nay 58 tuổi rồi, tuy không còn trẻ nhưng vẫn rất kiên cường.

Cha, không nhờ sự kiên cường của mẹ, không biết con với em trai sẽ ra sao nữa.

Cha, xin cha hãy yên tâm, con với em trai nhất định sẽ rất hiếu thuận với mẹ, sẽ không để cho mẹ chịu khổ nữa.

Cha, xin cha hãy yên tâm.

"Cha, cha thấy ngôi chùa phía trước không? Là chùa Tây Như đấy. Cha, sau này cha sẽ ở chùa Tây Như này nghe giảng kinh Phật, tiện thể tu hành luôn nhé, con sẽ thường xuyên tới thăm cha. Cha, con đã lập gia đình rồi, cũng sinh một đứa bé trai, cha chắc hẳn sẽ rất hài lòng. Cha, tới chùa Tây Như rồi. Chúng ta xuống xe thôi. Cha, cha phải theo sát nhé. Cha, phải theo sát nhé."

Cha, cậu con trai may mắn nhất trên thế giới xuất hiện năm con học năm thứ tư, anh ấy tên Văn Hiền.

Tên con và tên anh ấy hợp lại là "văn tĩnh" và "hiền tuệ". (lặng lẽ và thông tuệ)

Suy nghĩ đầu tiên của con khi lên học đại học ở Đài Bắc là cố gắng không nhận tiền của mẹ.

Bốn năm học đại học con đều ở ký túc xá, ngày ba bữa đều ăn tại cửa hàng ăn của trường học cho thuận tiện.

Ngoại trừ thi thoảng một mình đi xe bus ra ngoài thành phố đi dạo, con hầu như không ra ngoài chơi đùa gì.

Hoạt động đón tân sinh viên của khoa, con không tham gia.

Hoạt động vui chơi của khoa trong bốn năm, con không tham gia đến một lần.

Có vài bạn học vì vậy mà nói con không thích giao tiếp, con cảm thấy thật có lỗi với họ, nhưng cũng chỉ mong họ tha lỗi.

Nếu cha thấy đôi tay trải qua biết bao gió bão phong suơng, hẳn cha cũng hiểu cho chuyện không thích giao tiếp của con.

Con học hành rất chăm chỉ, vì nếu thành tích tốt, xin học bổng cũng dễ dàng hơn.

Học phí mỗi học kỳ con đều xin quỹ khuyến học cho vay, dự định sau khi tốt nghiệp bắt đầu đi làm thì trả lại khoản tiền này.

Con trong hệ là sinh viên vừa học vừa làm, mỗi tháng có thể kiếm được vài ngàn đồng tiền công.

Tuy chuyện tình yêu có thể nói là chuyện tất yếu trong đại học, nhưng con chẳng hứng thú gì với việc có bạn trai, cũng chẳng có thời gian.

Để ngăn chặn những chuyện phức tạp không cần thiết, khi gặp người khác phái tôi luôn xị mặt

Khi học năm thứ hai, có hôm tôi đang học ở hệ vừa làm vừa học, có bạn học len lén đưa tôi tờ giấy.

Tôi cúi đầu nhìn, trên giấy viết:

"Anh nguyện dùng một vạn năm, đợi em mỉm cười như ánh mặt trời ấm áp đầu xuân."

Tôi ngẩng đầu lên nhìn qua phía anh, là một cậu con trai rất tự tin, kiểu tóc với cách ăn mặc đều thật tuấn tú.

"Là vì cậu không có một vạn năm cho nên mới nói vậy." Tôi nói.

"Hả?" Cậu ta ngạc nhiên.

"Nếu anh thật sự có một vạn năm, anh mới không nguyện dùng nó để chờ nụ cười của tôi." Tôi nói.

"Mấy chữ này rất động lòng người, nhưng tình cảm hoàn toàn không chân thành, làm gì có ai dùng thứ mình vốn không có để đổi lấy cái mình muốn. Câu này phải thay vài chữ."

"Cái này..." Bạn học kia muốn nói lại thôi.

"Nếu đem một vạn năm đổi thành một giờ, sau đó thật chân thành, yên lặng đợi nụ cười của cô gái kia, tôi nghĩ cô gái ấy hẳn sẽ rất cảm động." Tôi đưa trả tờ giấy lại cho anh. "Cho cậu tham khảo đấy."

Cậu ta vẻ mặt bối rối, sau khi cầm tờ giấy lập tức quay người ra khỏi lớp học.

Từ đó về sau, bạn học trong khoa đặt cho tôi một biệt danh – cô nàng sắt đá.

Ý là người muốn theo đuổi tôi chẳng khác nào đụng đầu vào đá.

Biệt danh này đối với tôi có thể nói là bùa hộ mạng, có thể ngăn cản nam sinh theo đuổi.

Nhưng trong trường rất nhiều nam sinh viên, ngoài trường nam sinh lại càng nhiều, bọn họ không biết biệt danh này.

May là tôi không tham gia hoạt động, cũng không gia nhập câu lạc bộ, lại ở ký túc xá, rất ít khi ra ngoài.

Thời gian nhàn rỗi đa phần dùng để làm bài tập và đọc sách, vì vậy cơ hội gặp người khác phái cực ít.

Ngay cả như vậy, thi thoảng tôi vẫn có người theo đuổi.

Năm thứ ba, có một anh chàng mỗi đêm đều chờ ở cửa ký túc xá tặng hoa cho tôi nhưng rốt cuộc tôi vẫn lắc đầu từ chối.

Chỉ cần tôi lắc đầu ý bảo không nhận hoa, anh ta bèn cười một cái rồi tiện tay ném bó hoa đi.

Sau đó nhét hai tay vào túi, quay người đi khỏi, cũng không quay đầu lại.

Đêm nào anh ta cũng tới, hơn nữa số hoa trong bó cũng ngày càng nhiều.

Mãi tới tối thứ bảy, rốt cuộc tôi không nhịn nổi nữa, lúc anh ta quay người định đi, tôi bèn gọi lại.

"Sao vậy?" Anh ta ngừng bước, quay người lại đối diện với tôi, mỉm cười.

"Cha mẹ anh kiếm tiền chẳng dễ, đừng phung phí như vậy." Tôi nói. "Có lẽ anh cho rằng làm vậy rất ngầu, rất tiêu sái, nhưng hành vi này ngược lại lại lộ ra khuyết điểm trí mạng của anh."

"Khuyết điểm gì?" Khuôn mặt anh ta vẫn giữ nụ cười.

"Người chẳng quý trọng hoa, chắc hẳn cũng không quý trọng cô gái như bông hoa."

"Cái này..." Nụ cười của anh ta cứng lại.

"Sau này có chơi trò ngầu thì nhớ kỹ điểm này." Tôi nói. "Nói cho anh tham khảo."

Đêm thứ tám, anh chàng kia không xuất hiện nữa, tôi rốt cuộc cũng thở phào một hơi.

Năm thứ tư đại học, học viện chúng ta có một chuyến thực tế ngoài trường học.

Đối tượng tham gia là sinh viên năm thứ tư trong khoa, hơn nữa lại miễn phí, tôi bèn tham gia.

Buổi trưa khi dùng cơm, mười người dùng chung một bàn ăn, đa số các bàn thì mọi người trên bàn đều cùng khoa.

Nhưng trong bàn của tôi có một nam sinh khoa ngoài.

Trong các món ăn có một món là cá, khi có người dịnh lật cá để ăn, tôi bật thốt lên một tiếng.

"Tĩnh Tuệ." Bạn cùng phòng ngồi cạnh tôi hỏi: "Sao vậy?"

"Ở quê tôi, ăn cá tuyệt đối không được lật." Tôi nói. "Người ta kiêng cái này."

"Chuyện này tôi biết." Nam sinh lật cá cười nói: "Nghe nói lật cá thì sẽ lật thuyền."

"Lật cá thì sẽ lật thuyền?" Một nam sinh khác cười nói. "Đúng là mê tín quá mức rồi."

"Cô nàng sắt đá ở nông thôn, vốn có rất nhiều điều mê tín với kiêng kỵ." Nam sinh thứ ba cũng cười to.

"Có điều chúng ta đã lật con cá này rồi, vậy rốt cuộc cái thuyền nào sẽ lật?"

"Ở đây có nhiều bàn lật cá thế này, không khéo mai trên trang nhất các báo là tin một loạt thuyền bị lật."

Người thứ tư là nữ, là người cùng khoa với chúng tôi.

"Tớ lật cá về là được chứ gì." Nam sinh vừa lật cá lại lật nó lại một lần nữa. "A? Thuyền đáng lẽ bị lật nhưng lại lật lại, sợ bóng sợ gió một hồi rồi."

Sau khi nói xong, gần như tất cả mọi người đều mỉm cười.

"Được rồi!"

Nam sinh duy nhất ở hệ ngoài đột nhiên vỗ bàn một cái, trên bàn lao xao một hồi.

Mọi người trên bàn chúng tôi đều ngạc nhiên, tiếng cười ngưng bặt lại.

Ngay cả bàn bên cạnh cũng nhìn sang với ánh mắt hiếu kỳ.

"Các cậu có hiểu cảm xúc của những người sống ven biển không?"

Cậu bạn vừa vỗ bàn sắc mặt tái mét, tuy giọng điệu bình thản nhưng dường như đang cố nén cơn giận.

"Trong biển rộng mịt mờ, sinh mạng rất mỏng manh. Sóng gió đột nhiên kéo đến chẳng chút dấu hiệu, gặp phải mạch nước ngầm không biết cũng có thể bị lật thuyền. Một khi thuyền lật vậy chỉ có nước táng thân trong biển rộng, vậy vợ con đang ở nhà đau khổ chờ đợi mình bình an trở về nên làm gì?

"Các cậu có hiểu cảm xúc của vợ con đợi chồng, đợi cha trở về không? Cậu ta lại hỏi.

"Chỉ cần thuyền cập cảng, họ sẽ tới gần bến tầu ngóng đợi. Chỉ cần hơi chậm một chút, họ sẽ lâm vào cơn khủng hoảng, miệng thì thào tự nói: tổ tiên phù hộ. Nếu thuyền bình an về cảng, trên bến tàu khắp nơi đều là cảnh sung sướng vui vẻ của người chồng một tay nắm tay vợ, một tay ôm con cái. Đối với những người bắt cá mà nói, đánh bắt được nhiều chỉ là thứ yếu, bình an trở về mới là quan trọng nhất."

"Chỉ cần người thân đang trên biển, người nhà sẽ nơm nớp lo sợ, nhưng người thân lại phải quanh năm suốt tháng trên biển. Mỗi khi thấy cá lại nhớ tới thuyền, những người đánh cá lo nhất là lật thuyền, vì vậy khi ăn cá họ không dám lật cá, sợ nó gợi ra nỗi sợ hãi ở sâu nhất trong đáy lòng. Người ở cạnh biển nhưng không đánh bắt cá để sống có thể thông cảm cho cảm xúc đó, vì vậy bọn họ cũng không lật cá. Dần dà mới hình thành nên thói kiêng không lật cá khi ăn của người dân miền biển. Tuy nói là kiêng kỵ nhưng thật ra là một loại cảm xúc. Một loại cảm xúc mong bản thân bình an trở về sum họp với vợ con hay hy vọng người thân bình an trở về."

"Các cậu có biết mình đang cười nhạo cảm xúc đó không? Các cậu có biết không?"

Cậu ta như ngồi không yên, đứng dậy nói: "Cảm xúc như vậy đáng cười hay sao? Đáng cười hay sao?"

Cậu ta càng nói càng to giọng, tới những lời sau hai nắm tay đã xiết chặt lại.

"Mẹ kiếp!"

Tay trái cậu ta đập mạnh lên bàn một cái, kết lại một câu rồi quay người bỏ đi.

Bầu không khí trên bàn chúng tôi trở nên rất bối rối, mọi người hai mắt nhìn nhau, không ai động đũa.

Một lát sau, tôi phá bầu không khí bế tắc đó bằng cách ăn hết cơm trong bát, uống nửa bát canh.

Nói với bạn cùng phòng là mình no rồi, sau đó đứng dậy rời khỏi.

Ra khỏi nhà hàng, nhìn quanh khắp nơi, thấy nam sinh hệ ngoài kia đang đứng dưới tán cây xa xa.

Tôi do dự một chút, quyết định đi về phía cậu ta.

"Cậu ở vùng ven biển đúng không?" Tôi bước tới cạnh cậu ta hai bước, hỏi.

Đang chăm chú nhìn về phía trước nên cậu ta giật mình một cái, quay đầu lại nhìn tôi.

"Đúng vậy." Cậu ta nói: "Nhưng nhà tớ không đánh bắt cá."

"Tớ cũng ở cạnh biển." Tôi nói. "Hơn nữa nhà tớ cũng không đánh bắt cá."

"Thật trùng hợp." Cậu ta cười nói: "Hai ta đều là người ven biển, nhà không đánh bắt cá."

"Nhưng tớ sẽ không nói tục."

"Xin lỗi." Cậu ta đỏ mặt. "Tớ quên mất ở đó còn có nữ."

"Bạn tớ không có ác ý, chỉ đùa thôi." Tôi nói.

"Tớ cũng biết." Cậu ta thở dài. "Vừa rồi tớ đã quá xúc động."

"Có điều cậu nói đúng, ăn cá không lật cá bề ngoài là kiêng kỵ nhưng thật ra là một cảm xúc."

"Cậu cũng thấy thế à?"

"Ừ." Tôi nói. "Trước đây không cảm thấy, nhưng giờ thì tin rằng chuyện đó không phải kiêng kỵ mà là cảm xúc rồi."

Sau đó tôi kể với cậu ta chuyện về cô hàng xóm nhà tôi.

Khi tôi còn học tiểu học, có đêm cô hàng xóm đột nhiên chạy sang, mặt đầy kinh hãi.

Cô nói đáng lẽ thuyền của chồng cô ấy đã về cảng từ chập tối nhưng trời đã tối đen rồi mà còn chưa về.

Cha tôi bảo mẹ ở với cô ấy, sau đó nói mình sẽ tới cảng hỏi thăm xem, bảo cô ấy đừng sốt ruột.

Nhưng cha đi mãi đến khuya mới về nhà, còn thuyền của chồng cô ấy mãi vẫn chưa thấy đâu.

"Làm sao đây?" Cô ấy khóc lớn. "Làm sao bây giờ?"

Cha bảo tôi với em trai đi ngủ, cha với mẹ thức chờ tin tức cùng cô.

Vài ngày sau, rốt cuộc xác định được thuyền của chồng cô hàng xóm xảy ra tai nạn song lại không phát hiện thi thể.

Tai nạn thuyền bè thường đều là vậy, bởi biển rộng mịt mờ, rất khó tìm được xác.

Người vợ cho dù tiếp nhận sự thực là chồng mình đã mất, nhưng luôn ôm một chút hy vọng, có lẽ chồng mình đã được cứu, có lẽ lạc tới đảo hoang đơn độc.

Một năm sau, cô ấy mang theo ba đứa con tái giá, đứa con đầu mới có 7 tuổi.

"Ở quê tớ thỉnh thoảng cũng nghe được chuyện như vậy." Cậu ta nghe xong bèn nói.

"Cậu có thể coi chuyện ăn cá mà không lật cá như một loại cảm xúc, tớ thực sự rất phục." Tôi nói.

"Có gì đâu." Cậu ta xấu hổ nói. "Đúng rồi, để tớ tự giới thiệu trước, tớ là Thái Văn Hiền, văn trong văn chương, hiền trong hiền nhân."

"Tớ tên Trương Tĩnh Tuệ." Tôi nói. "Tĩnh trong văn tĩnh, tuệ trong hiền tuệ."

"Thật chứ?" Cậu ta ngạc nhiên, "Tên chúng ta hợp lại chính là văn tĩnh và hiền tuệ rồi."

Tôi cũng kinh ngạc.

Mấy năm nay, nếu tự giới thiệu tôi luôn nói tôi là văn trong văn tĩnh, hiền trong hiền tuệ.

Vì cha đã nói, văn tĩnh mà hiền tuệ là ý nghĩa của tên tôi.

Tôi chưa bao giờ nghĩ tới sẽ có ngày gặp được văn trong văn tĩnh, hiền trong hiền tuệ.

Cha, đây là người cha chọn cho con sao?

"Tớ nghe mọi người gọi cậu là cô nàng sắt đá." Cậu ta hỏi. "Cậu thích sắt đá hay sao?"

"Hả?" Đột nhiên nhớ tới cha, tâm tình tôi cũng hơi mơ hồ "Không phải ý đó."

"Vậy sao họ lại gọi cậu là cô nàng sắt đá?"

"Bạn học trong khoa đều biết ý nghĩ của biệt danh này, cậu cứ hỏi bừa một người là rõ."

"À." Có lẽ cậu ta cảm thấy mình dẫm phải đinh rồi nên sau khi nói xong không dám nhắc lại.

Tuy cho rằng cậu ta cũng không tồi nhưng mấy năm nay tôi đã sớm tạo thành thói quen vũ trang hạng nặng khi đối diện với người khác phái.

Lời tôi vừa đáp gần như do phản xạ, cho nên tôi cũng cảm thấy hơi áy náy.

"Đã đến giờ lên xe rồi." cậu ta nhìn đồng hồ rồi lập tức đứng lên. "Đi thôi."

"Ừ." Tôi cũng đứng dậy, sau đó nói: "Người ta bảo tôi là cô nàng sắt đá là bởi..."

Tôi nghĩ cách giải thích ngọn nguồn của biệt danh này nhưng lại thấy khó mở miệng.

"Không sao." Cậu ta mỉm cười. "Tớ sẽ hỏi bạn cùng khoa của cậu."

"Có điều đừng hỏi những người ngồi cùng bàn ăn với mình." Tôi nói.

"Không sai." Cậu ta mỉm cười. "Bọn họ chắc đang muốn đánh tớ."

"Cậu tự biết là tốt rồi." Không ngờ tôi cũng mỉm cười đáp lại.

Nhưng cậu ta không biết, muốn tôi mỉm cười với một cậu con trai xa lạ là chuyện khó khăn tới cỡ nào.

Hai ngày sau, vào buổi chiều, khi tôi vừa tan học, ra khỏi phòng, không ngờ lại thấy cậu ta, tôi giật mình một cái.

"Xin lỗi." Cậu ta nói. "Tớ hỏi thăm được thời khóa biểu với phòng học của cậu nên tới chờ cậu."

"Cho hỏi có chuyện gì?" tôi hỏi.

"Tớ biết vì sao cậu lại bị gọi là cô nàng sắt đá rồi."

"Cậu tới để nói với tớ chuyện này sao?" Nếu đã biết tôi là sắt đá, sao cậu còn đá vào?

"Không." Cậu ta nói. "Vừa hay tớ có hai vé xem phim, muốn mời cậu đi xem cùng."

"Nếu cậu đi mua hai vé xem phim vậy cậu sẽ có hai vé." Tôi nói. "Cái này sao gọi là 'vừa hay' có hai vé được?"

"Cậu nói đúng, cái này không phải 'vừa hay', tớ muốn mời cậu đi xem phim nên mới mua hai vé." Câu ta hỏi: "Cuối tuần này, chiều thứ sáu cậu có rảnh không?"

"Cái này..." Tôi hơi chần chừ.

"Ai da!" Cậu ta đột nhiên xoa xoa cẳng chân.

"Cậu sao thế?"

"Tớ đá phải cục sắt rồi." Cậu ta mỉm cười.

Tôi ngẩn người, lập tức hiểu ý cậu ta, nhưng lại không biết nên phản ứng ra sao?

"Nếu vừa hay cậu cũng rảnh, nếu vừa hay cậu không ngại, mời cậu đi xem phim cùng tớ."

Cậu ta mỉm cười. "Giờ có thể dùng từ 'vừa hay' rồi."

Tôi nhìn cậu ta, do dự xem có nên từ chối hay không? Hay nên từ chối ra sao?

"Mời cậu nể tình chúng ta vừa hay là văn tĩnh mà hiền tuệ, cùng đi xem phim đi."

Tôi không hề do dự, từ từ gật đầu.

Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu lúc đó vì sao mình lại đồng ý?

Cha, cha nhất định đang lén giúp Văn Hiền, phải không?

Cuối tuần, chiều thứ sáu, chúng tôi hẹn nhau xem phim ở một rạp chiếu trên tầng của siêu thị.

Rạp chiếu phim ở trên tầng cao nhất của siêu thị, ngồi thang máy lên tầng cao nhất xong còn phải đi thang cuốn lên.

Khi đang bước lên thang cuốn, tôi đột nhiên nhớ tới cha, chân trái vừa giơ lên hơi lắc lư, thân thể mất trọng tâm.

"Cẩn thận."

Anh nắm tay tôi, kéo khẽ một cái, chân trái tôi nhanh chóng đặt lên thang cuốn bình an.

Bàn tay tay anh cũng ấm như tay cha, hơi âm này cũng như hơi ấm của cha.

Ánh mắt tôi dần mơ hồ, tôi ráng sức nhịn, tuyệt đối không thể để cho nước mắt rớt xuống.

"Xin lỗi." Thấy thần sắc của tôi, cậu ta hoảng sợ nói. "Tớ không có ý kéo tay cậu."

Cậu ta luôn miệng xin lỗi, tôi thì cứ lắc đầu liên tục, nói với cậu ta, không phải thế, không phải thế.

Hôm đó chiếu phim hài, nhưng tôi lại như xem một bộ phim bi kịch tới tận cùng.

Cha, hôm đấy cha nhất định cũng đang ở đó, phải không?

Văn Hiền tuy dễ xúc động nhưng không lỗ mãng, tính cách cũng rất cẩn thận chu đáo.

Sau khi biết thói quen sinh hoạt của tôi, anh bèn theo tôi tới tan học rồi thì theo tôi về ký túc xá.

"Mai tớ có thể đi ăn cùng cậu không?" Cứ tới cửa ký túc xá anh sẽ nói vậy.

"Ừ." Tôi gật đầu.

"Cám ơn." Anh mỉm cười.

Tuy những cuộc gặp giữa chúng tôi luôn bình thản, nhưng mỗi ngày đều có chút tiến triển, thẳng thắn mà nói, tôi rất thích anh.

Hai tháng sau khi đi xem phim là đến lễ tốt nghiệp, sau khi kết thúc lễ tốt nghiệp, anh tới tìm tôi, mang theo năm bó hoa.

Bó hoa chúc mừng tốt nghiệp thường rất lớn, anh chỉ đành hai nách kẹp hai bó, hai tay ôm lấy ba bó.

Bộ dáng anh lúc bước đi rất chật vật, như người máy bị hỏng linh kiện với thiếu pin.

"Nhiều người tặng hoa cậu vậy sao." Tôi rất ngạc nhiên.

"Những bó hoa này không phải người khác tặng tớ." Anh ló mặt ra sau mấy bó hoa. "Nhiều người ngại phiền phức, không muốn mang hoa về nhà nên cứ vứt bừa đi. Tớ thấy tiếc quá nên..."

"Nhiều hoa như vậy, cậu làm sao để mang về?"

"Tớ chưa nghĩ tới chuyện này." Anh mỉm cười bối rối. "Tớ chỉ thấy những bông hoa này rất đẹp, nếu không quý trọng chúng, chúng sẽ rất buồn."

Ngay lúc đó, tôi hiểu mình đã gặp người con trai may mắn nhất trên thế giới mà cha nói.

Vì người biết quý trọng hoa nhất định cũng sẽ trân trọng cô gái như hoa.

"Cậu có thiếu bạn gái không?" Tôi hỏi.

"Hả?" Anh cũng ngạc nhiên vì câu hỏi của tôi.

"Cậu có thiếu bạn gái không?" Tôi hỏi lại.

"Rất thiếu."

"Tớ làm bạn gái của cậu được không?"

"Đương nhiên là được." Anh mỉm cười hài lòng.

Hai tháng sau khi tốt nghiệp, Văn Hiền phải nhập ngũ, còn tôi tốt nghiệp xong, nửa tháng sau thì tìm được việc.

Hai tháng trước khi nhập ngũ, Văn Hiền mang tôi về nhà anh gặp bà nội.

Sau khi theo anh về Đài Bắc, anh nói với tôi: "Bà anh muốn chúng ta chóng kết hôn."

"Hả?" Tôi kinh ngạc. "Chúng ta mới quen nhau mấy tháng thôi mà."

"Anh hiểu." anh nói. "Có điều bà nói nếu chúng ta quen nhau càng lâu, càng bất lợi với anh."

"Là sao?"

"Vì bà biết nếu em quen anh càng lâu sẽ càng phát hiện ra nhiều khuyết điểm của anh." Anh mỉm cười.

Tôi biết Văn Hiền nói đùa, nhưng dù thế nào, trong sáu năm tôi không thể kết hôn.

Tôi vừa tốt nghiệp đại học, em trai cũng chuẩn bị vào học, nó còn phải đi học bốn năm, thêm hai năm nhập ngũ nữa.

Chờ em trai tôi có thể tự lo cho mình, tôi mới có thể nghĩ tới chuyện kết hôn được.

Vay tiền quỹ khuyến học để học bốn năm đại học, tôi còn nợ chính phủ hơn mười vạn, phải trả khoản tiền này trước đã.

Tôi cũng phải nộp học phí và phí sinh hoạt giúp em trai, còn phải trả những khoản nợ của nhà giúp mẹ.

Trong sáu năm tới, trong lòng tôi chỉ muốn ở Đài Bắc nỗ lực làm việc kiếm tiền.

Trong sáu năm sau khi tốt nghiệp, mẹ, bà của Văn Hiền, thậm chí cả em trai tôi đều giục tôi chóng kết hôn.

Văn Hiền ngược lại, chưa từng giục tôi.

Vì tôi đã từng nói, Văn Hiền là người cẩn thận và chu đáo.

Sáu năm làm việc giúp tôi trả hết khoản nợ đã vay để đi học, nợ nần của gia đình cũng trả hơn một nửa.

Có điều em trai tôi sau khi xuất ngũ lại thi đỗ vào sở nghiên cứu, phải học thêm hai năm nữa.

"Có thể..." Tôi nhìn Văn Hiền, ấp úng nói: "Đợi em thêm hai năm nữa không?'

"Hả?" Anh trợn tròn hai mắt, kêu lên: "Đợi em thêm hai năm?"

"Xin lỗi." Tôi cúi đầu, nhỏ giọng nói: "Em trai em mới thi đỗ vào sở nghiên cứu..."

"Anh đùa thôi mà." Anh mỉm cười: "Bà anh nói cô gái tốt như em, có đợi tám đời cũng chưa chắc tìm được. Giờ anh chỉ cần chờ có tám năm, đã lời lắm rồi."

"Cám ơn." Tôi rất cảm động. "Em rất xin lỗi."

"Em ngốc." Văn Hiền mỉm cười, ôm lấy vai tôi.

Em trai tôi tốt nghiệp sở nghiên cứu rồi tới Tân Trúc làm, một tháng sau, nó chạy từ Tân Trúc về Đài Bắc tìm tôi.

"Chị." Em trai tôi vui vẻ mở một quyển sổ ngân hàng. "Chị xem."

Tôi cầm lấy xem xét, một khoản tiền lương mấy vạn đồng được ghi vào trong sổ.

"Em đã bắt đầu kiếm được tiền rồi." Giọng điệu em trai tôi vẫn rất vui vẻ.

"Được rồi." Tôi nói. "Có điều phải làm việc thật tốt, phải làm đến nơi đến chốn, phải nỗ lực..."

"Chị, em biết rồi. Em nhất định sẽ nỗ lực làm việc." Em trai tôi ngắt lời. "em chỉ muốn nói, chị có thể kết hôn với anh Văn Hiền rồi."

"Cái này..."

"Chị." Em trai nói. "Em xin lỗi vì đã làm liên lụy đến chị, làm chị mãi vẫn chưa thể kết hôn. Giờ em đã bắt đầu tự kiếm tiền được rồi, xin chị chóng kết hôn đi."

"Chị chưa lấy chồng không phải vì em." Tôi nói: "Là vì chị muốn làm bà xử nữ già nên mới không lấy chồng."

"Chị đã 30 tuổi rồi, quả thực có thể coi là gái già ." Em trai tôi nói. "Nhưng chị còn là xử nữ ah?"

"Cái thằng này!" Gương mặt tôi nóng bừng, kêu lên một tiếng.

Em trai tôi cười ha ha, không ngờ đã 26 tuổi rồi mà nó vẫn còn nghịch ngợm như hồi bé.

"Chị." Em tôi ngừng cười, kéo tay tôi. "Những năm gần đây chị đã vất vả rồi."

"Ài, nói những lời này làm gì."

"Chị. Học phí em học đại học với học ở sở nghiên cứu đều là do chị vất vả kiếm được, em thật sự rất cảm ơn chị. Em..." Viền mắt em trai tôi đỏ lên. "Chị, cám ơn chị."

"Chúng ta là chị em mà, không cần khách khí."

"Chị." Em trai tôi dụi dụi khóe mắt. "Chị."

Em tôi tuy đã trưởng thành nhưng nó lúc này vẫn khiến tôi nhớ tới thời gian khi cha vừa mất. Khi đó em trai tôi thường xuyên tỉnh lại lúc nửa đêm, khóc lóc chạy tới giường tôi lay tôi dậy.

"Chị ơi." Em trai tôi dụi dụi khóe mắt. "Cha đi đâu rồi?"

Tôi chỉ có thể đau xót, ráng mỉm cười, nhẹ nhàng vỗ vỗ lưng trấn an nó.

Sau đó ôm nó chìm vào giấc ngủ.

Cha ơi, đứa nhóc hay bật tỉnh khóc lúc nửa đêm cuối cùng cũng trưởng thành rồi.

Cha ơi, em trai bắt đầu làm việc kiếm tiền rồi, cha nhất định đang rất hài lòng.

Trong hai năm em học ở sở nghiên cứu, con đã giúp mẹ trả hầu hết các khoản nợ nần.

Có lẽ đã thật sự tới lúc có thể kết hôn rồi.

Hôm sau em tôi quay về Tân Trúc, Văn Hiền hẹn tôi đi ăn, tôi nghĩ mình nên tiện đó hỏi ý Văn Hiền một chút.

"Có thể đợi một năm nữa không?" Văn Hiền nói.

"Hả?" Tôi hơi ngạc nhiên. "Vì sao?"

"Em trai em vừa bắt đầu làm việc, chúng ta đợi một năm nữa, chờ nó ổn định rồi mới kết hôn."

Tôi đột nhiên cảm thấy, người may mắn nhất trên thế giới này không phải là anh, mà là tôi.

Sau khi em trai đi làm một năm, một buổi tối nọ, Văn Hiền tới tìm tôi.

"Tĩnh Tuệ." Anh vừa mở miệng đã nói. "Em lấy anh nhé."

"Em chỉ có một điều kiện."

"Điều kiện gì anh cũng đồng ý với em."

"Mong anh đồng ý với em, anh nhất định..." Tôi nghẹn ngào nói. "Anh nhất định phải sống thật lâu, thật lâu."

"Anh đồng ý." Anh gật đầu. "Anh sẽ không từ mọi thủ đoạn, mặt dạn mày dày mà sống sót."

Chín năm sau khi quen Văn Hiền, mùa thu năm tôi 31 tuổi, tôi với anh cuối cùng cũng kết hôn.

Năm nay tôi 34 tuổi, đầu năm, con tôi – Tiểu Kiệt ra đời, giờ đã bảy tháng tuổi.

Còn tôi với Văn Hiền cũng vừa kết hôn tròn ba năm.

Cha, mẹ luôn nói mắt con giống cha, còn Văn Hiền nói mắt Tiểu Kiệt giống con.

Vậy mắt Tiểu Kiệt hẳn giống cha rồi.

Cha, chắc chắn cha rất muốn thấy Tiểu Kiệt, phải không?

Cha, chắc chắn cha cũng rất muốn thấy Văn Hiền, phải không?

"Cha, phía trước có gốc cây, qua gốc cây đó là phải rẽ phải. Cha, chúng ta rẽ phải rồi, vào một căn nhà ba tầng, cha phải theo sát nhé. Cha, nơi này có cầu thang, phải đi bộ lên tầng hai. Cha, chúng ta đang lên tầng rồi, cha phải theo sát nhé. Cha, đã lên đến tầng hai rồi, phía trước là một hành lang, trên hành lang, trên hành lang có một bức Địa Tạng Bồ Tát. Cha, đi tới cuối hàng lang này cần rẽ phải. Cha, chúng ta rẽ phải rồi, cha phải theo sát nhé. Cha, chúng ta tới nơi rồi. Cha, chúng ta tới nơi rồi."

Pháp sư dẫn chúng tôi đi trong chùa Tây Như, dọc đường tôi vẫn không ngừng gọi cha theo sát.

Cuối cùng tới tháp Linh Cốt nơi cất giữ tro cốt, chúng tôi mới dừng bước.

Khi pháp sư đưa tay định nhận lấy đàn tro trong lòng tôi, tôi đột nhiên không muốn buông ra.

"Cha." Tôi cúi đầu gọi một tiếng, nước mắt chảy dài.

Đàn tro cốt của cha được cất giữ cẩn thận rồi, ba người chúng tôi hai tay chắp lại, bái lạy.

Tôi muốn nói với cha vài lời, nhưng một câu cũng chẳng thốt lên nổi, nước mắt vừa ngừng rơi lại chảy xuống.

"Tĩnh Tuệ." Mẹ nhỏ giọng gọi tôi. "Chúng ta đi thôi."

"Vâng." Tôi gật đầu, lau lau khóe mắt.

Trên đường trở về phải đi qua bức tượng Địa Tạng Bồ Tát.

"Con thắp hương cho Địa Tạng Bồ Tát đi." Mẹ tôi nói. "Cầu bồ tát phù hộ cho cha con."

Ba người chúng ta mỗi người thắp một nén hương, quỳ xuống trước mặt Bồ Tát. Tôi lặng lẽ khấn trong lòng:

"Tín chủ Trương Tĩnh Tuệ, xin cúi lạy Địa Tạng Bồ Tát. Cha tín chủ tên là Trương Nhân Tường, sinh giờ dậu mùng tám tháng tư năm dân quốc 40. Hiện giờ tro cốt của cha tín chủ đang được an bài tại đây, mong Bồ Tát độ hóa giúp cha con khỏi phải chịu nỗi khổ luân hồi, sớm siêu thoát nơi tây phương cực lạc. Cám ơn Bồ Tát. Cám ơn."

Em trai và tôi cùng đứng dậy nhưng mẹ vẫn quỳ trên mặt đất, miệng vẫn không ngừng khấn bái.

Chúng tôi đợi một lúc, tới lúc khóe mắt mẹ bắt đầu ngân ngấn lệ, thần sắc cũng dần kích động

"Me." Tôi nhỏ giọng nói. "Bồ Tát nhất định sẽ phù hộ cho cha."

Tôi với em trai một phải một trái đỡ mẹ dậy, sau đó đi xuống tầng, rời khỏi ngôi chùa.

Trong hơn một tiếng đồng hồ lộ trình tới chùa Tây Như, tôi gần như thấy lại cả cuộc đời mình. Mọi người nói cuộc sống luôn thay đổi, giờ tôi mới thấm thía câu nói đó.

"Tĩnh Tuệ." Mẹ nói. "Mẹ muốn dặn con một chuyện."

"Chuyện gì?"

"Sau này nếu mẹ chết, con hãy đưa mẹ đi hỏa thiêu, tro cốt cũng đặt ở chùa Tây Như nhé."

"Mẹ." Tôi nhíu mày. "Giờ nói cái này thì sớm quá."

"Cuộc đời rất khó nói, cha con còn chẳng nói đi mà đã đi rồi." Mẹ thở dài.

"Mẹ."

"Người ai cũng phải chết, chỉ sớm hay muộn mà thôi." Mẹ nói. "Nói chung con nhất định phải nhớ kỹ, hiểu không?"

"Vâng." Tôi gật đầu.

"Vậy mẹ an tâm rồi."

Trên đường lái xe về nhà, ba người chúng tôi không hẹn mà cùng nói về những chuyện của cha khi còn sống.

Những phần lưu lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng ba người chúng tôi không giống nhau, có điều, vậy ngược lại, lại càng tốt.

Vì ghép lại là có thể tạo thành cha hoàn chỉnh.

"Người thân hay người yêu chết đi sẽ hóa thành dơi, bay về nhà thăm những người mà mình yêu mến khi còn sống."

Đột nhiên tôi nhớ tới truyền thuyết kia bèn hỏi: "Mẹ, mẹ từng nghe chuyện này chưa?"

"Mẹ từng nghe những người thế hệ trước nói." Mẹ tôi đáp.

"Thật vậy sao?" Đôi mắt tôi sáng lên.

"Ừ." Mẹ nói.

"Vậy sau khi cha con qua đời, có con dơi nào bay vào trong nhà không?" Tôi hỏi.

"Có mà. Chẳng lẽ con quên rồi à?" Mẹ có vẻ rất nghi hoặc. "Khi đó con nhìn thấy con dơi xong đã khóc rất lâu, có an ủi thế nào cũng vô dụng, con cứ khóc mãi."

"Hả?" Tôi kinh ngạc. "Con thấy dơi là lúc cha còn sống mà."

"Không." Mẹ tôi lắc đầu. "Đó là chuyện sau khi cha mất."

"Nhưng mà..." Tôi ngạc nhiên đến nỗi lắp ba lắp bắp. "Con nhớ là..."

"Con nhớ lầm rồi." Mẹ nói rất chắc chắn. "Hôm con dơi ấy bay vào nhà là một tuần sau khi cha mất. Mẹ không nhớ nhầm đâu, vì mẹ cũng thấy con dơi ấy mà."

Hóa ra chuyện tôi thấy dơi không phải lúc cha còn sống mà là một tuần sau khi cha mất.

Vậy lần đầu tiên mà tôi thấy dơi đó là hóa thân của cha?

Lẽ nào cha cũng hóa thành dơi, bay về nhà thăm tôi?

"Khi cha con vừa mất, mẹ cảm thấy mình không chống đỡ nổi." Mẹ tôi nói. "Thậm chí mẹ còn nghĩ tới việc tự tử, nhưng mẹ không thể bỏ rơi hai chị em con được. Một tuần sau, con dơi đó bay vào trong nhà, mẹ hỏi con dơi ấy mình nên làm gì? Nó bảo mẹ, nó rất xin lỗi, mong mẹ kiên cường lên, nhất định phải nuôi các con khôn lớn."

"Con dơi ấy bảo mẹ?" Tôi kinh ngạc. "Nhưng mà."

"Con bé ngốc này." Mẹ tôi mỉm cười. "Con dơi ấy chính là cha con."

Mẹ như nhớ tới con dơi hồi 20 năm trước, thần sắc rất thoải mái.

"Mẹ." Tôi hỏi. "Mẹ tin vào truyền thuyết ấy sao?"

"Cho dù truyền thuyết đó có đúng hay không, nếu không có con dơi kia mẹ cũng chẳng lấy đâu ra dũng khí với sức lực để sống sót, đương nhiên cũng không thể nuôi hai con khôn lớn thành người."

Mẹ cũng như bà nội Văn Hiền, tin vào truyền thuyết về con dơi ấy từ tận đáy lòng.

Tôi đột nhiên hiểu thêm một chút về truyền thuyết ấy.

Sau khi cha qua đời, trong lòng mẹ cảm thấy cha sẽ rất lo lắng cho mẹ, cũng rất lo cho tôi và em trai.

Vì vậy mẹ muốn cha hiểu, mẹ nhất định sẽ kiên cường, nhất định sẽ nuôi lớn hai chị em chúng tôi.

Mẹ tin rằng con dơi ấy là hóa thân của cha, cho nên mới nói hết với con dơi, muốn cha yên tâm.

Thật ra mọi dũng khí và sức lực đều do mẹ tự sinh ra.

"Tĩnh Tuệ." Mẹ lại nói. "Con có biết khi con thấy con dơi đó đã nói sao không?"

"Con có nói gì à?" Tôi rất bối rối.

"Con vừa khóc vừa gọi cha." Mẹ nói.

"Con hoàn toàn không có ấn tương," Tôi kinh ngạc. "Con cho rằng mình sợ đến nỗi không nói nên lời."

"Có lẽ khi đó con còn nhỏ nên không nhớ rõ." Mẹ tôi nói. "Sau khi cha qua đời., con không khóc thành tiếng, mẹ nghĩ chắc đó là do tính con, chắc chỉ len lén rơi nước mắt. Thế nhưng, sau khi thấy con dơi, không ngờ con lại khóc lớn như vậy. Khi đó mẹ nghĩ, có lẽ con biết đó là cha về thăm con nên mới khóc lóc như vậy."

Suốt 20 năm qua, tôi luôn cho rằng sau khi cha qua đời, mình không khóc thành tiếng, hóa ra từ lâu rồi tôi đã khóc, vì con dơi kia.

"Tĩnh Tuệ." Mẹ tôi nói: "Cha con đã từng hóa thành dơi về gặp con, vì vậy con không cần cảm thấy tiếc nuối cả đời vì không thể gặp mặt cha lần cuối. Hiểu không?"

"Mẹ..."

Tiếc nuối và hối hận suốt 20 năm đó đã sớm cắm sâu vào trong lòng tôi như lưỡi dao sắc nhọn.

Không ngờ cha đã từng về, cha đã từng hóa thành dơi về thăm tôi.

Tôi đột nhiên bật khóc, hơn nữa càng khóc càng ấm ức, càng khóc càng lớn tiếng.

"Con gái ngốc." Mẹ vỗ nhẹ lên lưng trấn an tôi.

Cuối cùng tôi cũng hiểu.

Không cách nào thấy mặt người đã khuất lần cuối, người còn sống nhất định sẽ tiếc nuối cả đời; hơn nữa cũng sẽ cho rằng người đã khuất cũng sẽ tiếc nuối và hối hận như vậy.

Khi con dơi bay vào trong nhà, người còn sống và người đã khuất gặp nhau, sẽ không còn tiếc nuối và hối hận nữa.

Văn Hiền nói không sai, truyền thuyết về con dơi kia cũng như chuyện kiêng kỵ lúc ăn cá không được lật cá.

Thật ra cũng là một loại cảm xúc, cảm xúc muốn an ủi người còn sống và thương cảm cho người đã khuất.

Chuyện luôn canh cánh trong lòng tôi suốt 20 năm nay giờ rốt cuộc cũng tiêu tan.

Khi chúng tôi về nhà đã là giờ cơm tối.

Tôi với mẹ nhanh chóng bước vào bếp, làm vài món ăn đơn giản.

Em trai tôi và Văn Hiền thì ngồi nói chuyện trong phòng khách, Tiểu Kiệt ngủ trong nôi.

Sau khi ăn tối xong, mẹ nói muốn dẫn em trai ra cửa hàng mua đặc sản quê mình cho bạn gái nó.

"Mẹ, không cần đâu." Em trai nói. "Cần gì khách khí như vậy."

"Không thì con dẫn nó về nhà chơi đi." Mẹ tôi nói.

"Được." Em trai tôi lập tức đứng dậy. "Mẹ, hai mẹ con mình đi mua thôi."

"Hả?" Mẹ tôi kinh ngạc.

"Con thấy lần đội hình của nhà mình khi anh rể tới lần trước rồi." Em trai tôi mỉm cười.

"Con không muốn mang em ấy về nhà, khiến em ấy bị dọa tới phát khiếp đâu."

Mẹ tôi mỉm cười mắng một tiếng rồi cùng em trai tôi ra ngoài.

Tôi ôm Tiểu Kiệt vừa bú sữa xong, ngồi trong phòng khách cùng Văn Hiền.

Trên tường phòng khách treo di ảnh của cha, đó là bức hình chụp cha mấy năm trước khi mất.

Tuổi cha khi chụp bức ảnh đó hẳn cũng khoảng tuổi tôi lúc này.

Tương lai tôi sẽ già đi, nhưng cho dù tôi già thế nào, cha sẽ vĩnh viễn trẻ trung như khi chụp ảnh.

Tôi đang chăm chú nhìn vào bức ảnh chụp cha, đột nhiên thấy trên tấm kính loáng thoáng một hình ảnh đang di động.

Tôi ngẩng đầu lên nhìn, không ngờ lại thấy một con dơi.

Con dơi nhanh chóng bay vài vòng trên không trung, nhưng khi qua chỗ di ảnh của cha tôi thì lại chậm lại.

Có lẽ là bởi trong đầu còn lưu lại hình ảnh cha vừa nhìn thấy, có lẽ là bởi con dơi vừa hay bay qua chỗ cha tôi, có lẽ là bởi ánh mắt tôi đã mờ dần...

Tôi như thấy cha, không phải trên mặt phẳng, là là hình ảnh lập thể.

"Cha em đến thăm em đấy." Vẻ mặt Văn Hiền có hơi bối rối. "Nếu em sợ, thì... để anh đuổi nó đi cho."

"Anh điên rồi à?" Tuy tôi cười nhưng nước mắt lại tràn qua khóe mắt, chảy xuống bên môi. "Đấy là bố vợ anh đấy."

"Cha. Đây là người con trai may mắn nhất trên thế giới, anh ấy tên Văn Hiền, tên anh ấy với con hợp lại là văn tĩnh mà thông tuệ." Tôi nắm tay Văn Hiền. "Chúng con kết hôn từ ba năm trước, Văn Hiền luôn đối xử rất tốt với con, con vẫn luôn hạnh phúc, mong cha yên tâm."

Tôi ngẩng đầu lên nói chuyện với con dơi.

Không, đó không phải con dơi hình dáng xấu xí, đó là cha tôi.

Đó là người cha thích nhẹ nhàng xoa đầu tôi, đó là người cha tôi đã 20 năm rồi không được gặp.

"Cha. Đây là cháu ngoại của cha." Tôi để Tiểu Kiệt trong lòng ngồi thẳng dậy, nâng khuôn mặt con lên. "Nó tên là Tiểu Kiệt, giờ nó đã bảy tháng rồi, con mắt nó rất giống cha."

"Cha. Mẹ rất khỏe, em cũng rất khỏe, xin cha đừng lo lắng. Cha, chúng con đã cầu xin Địa Tạng Bồ Tát độ hóa cho cha, cha cứ ở lại chùa Tây Như nghe giảng kinh, tu hành, đừng lo lắng nữa. Cha, cha ơi, cha..."

Con dơi đáp xuống, bay ngược chiều kim đồng hồ tới trước mặt tôi và Văn Hiền rồi lại bay lên.

Bay hai vòng trên không trung rồi lại đáp xuống, thuận theo chiều kim đồng hồ, lướt qua tôi và Văn Hiền.

Sau đó bay ra theo hướng cánh cửa đang mở một nửa.

Cuối cùng biến mất trong bầu trời đêm.

~ The End ~

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro