Hồi thứ hai mươi tư: Bí Mật của Đại Lục Vu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tử thi rơi xuống vực sâu, tưởng như đã tan xương nát thịt trong gang tấc. Nào ngờ tâm trí nó rất linh mẫn, tay chụp lấy Ngọc, lựa thế, đạp mạnh một cái vào vách đá. Hướng rơi lập tức thay đổi, đáng lẽ mấy người phải lao vào vách đá phía dưới mà chết không toàn thây, may nhờ lực đạo của cú đạp này, cả bọn lao tới một khóm tre đằng ngà.

Tử thi vội đưa hai chân quắp lấy Ngọc, nó vừa mới tới được khóm tre, lập tức giơ tay bám lấy ngọn cao lớn nhất. Ngọn tre oằn mình, đà rơi của mấy người giảm xuống rõ rệt.

Nhanh như chớp, tử thi lại lăng người một cái, lập tức thân hình Ngọc đã tiếp cận được một ngọn tre thứ hai. Ngọc hiểu ў rất nhanh, vội đưa hai tay chụp lấy ngọn tre này.

Ngọc vốn là con nhà võ, lại thạo ngón cầm nã, ngay khi tử thi lăng người, nàng đã hiểu ý, nàng tự lượng sức mình yếu, tay tóm không chặt nên đưa cả cánh tay mà vừa nắm vừa ôm lấy cây tre này. Mấy đốt tre sắc nhọn khiến cho tay áo nàng rách toạc một đường, một vết cắt hằn sâu trên da thịt, máu tứa ra. Có điều nhờ cách thức vừa ôm vừa tóm như vậy nên Ngọc tận dụng được thế và lực của cả cơ thể, có thể tóm chắc được ngọn tre, không bị tuột ra.

Bây giờ đã có lực giữ của hai cây tre lớn, khiến cho đà rơi của ba người lại càng giảm đi. Cuối cùng sức rơi cũng cạn kiệt, ba người giống như bị treo giữa hai cây tre lớn.

Tử thi kêu lớn:

- Nắm chắc!

Rồi nó buông tay, thân hình rơi xuống phía dưới một chút, sau đó lại đưa tay chụp một thân tre khác.

Ngọc thấy tử thi làm như thế, liền đợi nó bám vũng ở phía dưới rồi thì buông ngọn tre đang giữ, tự gieo thân mình xuống. Đoạn nàng lại bám vào một thân tre khác. Cứ như thế, Ngọc và tử thi luân phiên lăng mình xuống. Qua bốn năm lần thì cả bọn đã tới mặt đất.

Tử thi vừa đáp xuống, lập tức ôm ngang thân Ngọc, chạy như bay về phía mặt nước.

Có một tiếng rít đinh tai vàng óc cất lên. Quyết ghé mắt nhìn lại, chỉ thấy vách đá mà hắn vừa rơi xuống đang chậm chạp chuyển động. Vách đá này giống như một trụ đá lớn, trên đỉnh có một phiến đá lớn. Hắn giật mình nhận ra dường như trụ đá này không phải vật vô tri, nó đang hướng về phía mấy người.

Quyết thấy lạnh sống lưng, phiến đá to lớn đó đột nhiên nứt toác ra làm đôi, lộ rõ hình dạng là đầu một con vật đang há miệng, còn có hai hốc đá đúng ngay vị trí con mắt.

Đột nhiên, hai hốc đá ấy phát sáng. Con mắt này vừa khai mở, lập tức cái đầu bằng đá trở nên linh hoạt hơn hẳn lúc trước. Một con thạch xà.

Quyết kinh ngạc nghĩ:

- Lẽ nào cái hang khi trước mình bước vào chính là cơ thể của con rắn đá này? Lúc mặt đất đột nhiên dốc đứng chính là lúc con rắn này muốn nuốt mình vào bên trong. Chẳng trách khi mình ra đến cửa hàng thì vẫn cửa hang ấy mà mình đã ở trên cao mấy chục trượng.

Quyết thấy ý chừng như con rắn đá muốn nhắm vào mọi người, liền hét lớn:

- Nguy rồi, nó đang tiến đến đây!

Tử thi dường như đã biết trước sự việc, không thèm ngoảnh lại mà cứ cắm đầu chạy. Phía sau, con thạch xà đang nhắm ba người đuổi tới.

Khi mặt nước chỉ cách ba người mấy trượng, con thạch xà vặn người, rồi đột nhiên chuyển động mau lẹ vô cùng. Nó phóng mình với một cái. Tử thi vẫn không ngoái đầu, chỉ nghe tiếng gió mà đoán tình hình, lạng người nhảy tránh. Thêm một bước nhảy dài, cả bọn đã tới bờ nước.

Con thạch xà đáp cú thứ hai. Tử thi lần này không thèm nhảy tránh, cứ thẳng đường mà chạy. Cú đớp thứ hai lại hụt, kình lực của con rắn đang phát ra nửa chừng thì bị hãm lại, thì ra phần đuôi nó bị dính chặt vào mặt đất, không làm sao vươn tới chỗ mấy người được. Lại nói, tử thi cứ nhắm hướng trước mặt mà tiến băng băng trên mặt nước, tưởng như có phép thủy thượng phiêu đi trên mặt nước .

Chỉ trong chốc lát, nó đã lướt trên mặt hồ được hơn một dặm.

Đột nhiên mặt hồ dậy sóng. Từ dưới mặt hồ, có mấy cái miệng lớn lao tới đớp ba người. Quyết nhận ra đây chính là đám rắn dưới hồ, lòng lo lắng vô cùng.

Nhưng tử thi linh hoạt lạ thường, khi hụp người tránh né, lúc nhảy vọt lên cao, lại có lúc đột ngột chuyển hướng. Đám rắn đông đúc đến đâu, hung hãn thế nào vẫn không thể động vào mấy người.

Mặt hồ vốn lô nhô rải rác những hòn đảo nhỏ. Tử thi chọn một hòn, đưa Ngọc và Quyết lên đó. Nơi này cách chỗ con thạch xà mấy dặm.

Vừa đặt chân lên đảo, tử thi liền thả Ngọc ra, nàng mệt mỏi ngồi bệt trên mặt đất mà thở. Máu từ cánh tay nàng tứa ra mỗi lúc một nhiều, vạt áo nàng đã đẫm máu tươi. Nàng nhìn thấy ngay bên cạnh mình có mấy khóm hoa trắng muốt, to bằng đầu ngón tay, thì mừng rỡ ngắt mấy túm lá, cho vào miệng nhai rồi đắp lên vết thương.

Đoạn, Ngọc xé áo quấn lấy vết thương để cầm máu. Loại cây này chính là hạn liên thảo, có công dụng cầm máu rất tốt. Ngọc sớm lăn lộn trong dân gian, nắm rất rõ những kiến thức phòng thân thế này.

Ngồi được một lúc, Quyết chợt thấy tử thi đứng dậy, hắn nói:

- Khoan đã, chúng ta phải nói rõ vài chuyện.

Tử thi đáp:

- Được.

Quyết lại nói:

- Tại sao khi nãy Ngọc lại muốn đẩy tôi xuống hố?

Tử thi đáp gọn:

- Chính là do Phạm Hữu Long nhập vào người nó.

Quyết nghe đến đây lại càng kinh ngạc nghĩ thầm:

- Thì ra người nhập vào Ngọc là cụ Phạm. Nếu như vậy, hiển nhiên tử thi này là "người" xấu. Từ nãy đến giờ mình hồ đồ, để đến nỗi tử thi quái gở này sống dậy được. Lần này mình gây ra tai họa lớn thật rồi.

Quyết nghĩ đến đây định giật mạnh lưỡi mình về, nào ngờ lưỡi hắn dính quá chặt, không tài nào rút ra được. Hắn càng cố gắng, lại càng chịu thêm đau đớn.

Tử thi thấy hắn định rút lưỡi về thì hiểu ý, bèn quát lớn:

- Quyết con, ta là cha của con đây.

Quyết sửng sốt một khắc, rồi lại nghĩ:

- Chắc chắn hắn lừa gạt ta, cụ Tả Ao nói cha ta đã bị Hàng Long Giáo hại chết cơ mà?

Nào ngờ, dường như tử thi đọc được suy nghĩ hắn, liền nói:

- Lạc Vu Điện Súy như ta cuối cùng lại chết trong một đám cháy tầm thường, thực là nực cười.

Tử thi cười lớn một tiếng rồi lại nói:

- Để ta kể cho con nghe về thân thế Phạm Hữu Long. Cụ tổ chín đời nhà ta là Phạm Đình Phong, vốn là người khai mở nghiệp khâm liệm, năm hai mươi tám tuổi cụ đã thành danh trong giới vu nhân. Cụ trời sinh trong thân thể khí âm lấn át khí dương. Người thường không hiểu thường nghĩ cụ ốm đau là do cơ thể bị hen suyễn ăn mòn tâm phế. Sau đó, do tiếp xúc nhiều với tử thi, cụ mới nghiệm ra khí âm trong thân thể mình nếu sử dụng đúng cách thì phát huy uy lực rất lớn. Từ đó cụ dốc lòng mày mò nghiên cứu để làm chủ uy lực này. Đến bốn mươi tuổi, cụ đã lập thành phép âm dương giao hợp thức. Luyện được phép này, ma lực chẳng những có thể tự thăng tiến, mà còn truyền lại được đến đời sau. Vậy nên cha con ta từ khi sinh ra đã có sẵn ma lực, đời sau cao thâm hơn đời trước. Trước khi phát hiện ra khả năng này của mình, cụ Phạm Đình Phong lúc hai mươi tuổi có thành gia lập thất. Có điều được mấy năm mà không có con cái, cụ lo mình sẽ chết đi không ai chống gậy cho nên mới tìm một đứa trẻ để nuôi. Người đó ở nhà thường gọi là Đẻn, tên cúng cơm là Phạm Hữu Long. Phạm Hữu Long vốn không phải là máu mủ nhà họ Phạm nên dù được mang họ Phạm vẫn không đặt là Phạm Đình mà đổi thành Phạm Hữu. Nào ngờ, người ấy là một trong chín mươi chín đứa trẻ bị Hàng Long Giáo thực hiện phép "ấu nhi ngũ hành yểm". Đây là thuật yểm bí truyền của họ Trương phương Bắc. Khi ấy triều Trần dù đang suy nhưng hào kiệt trong nước còn nhiều, nguyên khí nước ta còn mạnh. Nhà Minh muốn xâm chiếm nước ta, bèn tính kế lâu dài, kiếm chín mươi chín đứa trẻ cả nam cả nữ, đem yểm rồi cho các nhà hiếm muộn làm con nuôi. Những đứa trẻ ấy khi lớn lên sẽ làm nội gián cho Hàng Long Giáo. Những đứa trẻ bị ấu nhi ngũ hành yểm đều phải trải qua sự hành hạ cực kỳ đau đớn về thể xác, não bộ cũng bị ảnh hưởng, khiến cho nhận thức lệch lạc. Ví như cha ruột Phạm Hữu Long khi ấy vốn là người trong Hàng Long Giáo, đã sát hại mẹ của Phạm Hữu Long rất dã man, còn ép Phạm Hữu Long phải ăn thịt mẹ mình. Ác nghiệp ấy là một phần trong ấu nhi ngũ hành yểm. Điểm tài tình là sau đó, cha của Phạm Hữu Long trù ếm để tất cả nỗi oán hận của y chuyển thành sự căm thù nước Nam ta. Bọn trẻ này đều được dạy cho "thống khổ tu pháp" để tăng cường pháp lực tự thân. Thống khổ tu pháp là phép tu pháp dựa trên sự đau đớn của bản thân. Lại thêm, phép luyện này dần dần rút hết thiện tâm của đứa trẻ, niềm thù hận cũng càng ngày càng lớn lên mỗi khi phải chịu đựng khổ đau. Thủ đoạn dùng đau đớn vừa làm tăng pháp lực, vừa làm tăng thù hận vừa khéo thỏa được mong muốn của Hàng Long Giáo. Lại nói Phạm Hữu Long từ bé đã giảo quyệt gian manh, che giấu thân phận rất giỏi, ngay cả cụ Phạm Đình Phong cũng không nhận ra. Cụ chỉ thấy y ngoan ngoãn lễ phép thì thương y như con đẻ. Khi cụ đảm nhận chức Lạc Vu Điện Súy thì lại càng ra sức cất nhắc y. Dần dà, khi Phạm Hữu Long lên đến chức Hữu Đại Lạc Vu, y ngấm ngầm tranh ngôi vị Đại Lạc Vu với Hồ Nguyên Tấn khi ấy đang là Tả Đại Lạc Vu. Về sau y đoạt được trường sinh tu pháp của Trần Kình - Đại Lạc Vu thời bấy giờ. Phạm Hữu Long bày kế vu vạ cho Hồ Nguyên Tấn lấy cắp trường sinh tu pháp, dựa vào đó kích động người trong hội coi Hồ Nguyên Tấn như kẻ phản loạn. Từ ấy, Trấn Quốc Hội chia phe đấu đá rất quyết liệt. Hồ Nguyên Tấn tính tình vốn ưa phóng khoáng tự do, dẫu có được cuốn tu pháp này ắt cũng không chịu luyện theo. Điều này cũng chính là điểm nghi vấn mà họ Phạm chúng ta nhiều đời để trong lòng, đến đời ông nội con mới có manh mối. Lại nói hai phe phái trong Trấn Quốc Hội từ ấy thù hận rất sâu, đấu đá mấy năm chưa phân thắng bại. Phạm Hữu Long bèn liên lạc với nhà Minh bên Tàu, giúp cho chúng đánh đổ được Hồ Quý Ly, chính là thân phụ của Hồ Nguyên Tấn. Bấy giờ, vua nhà Minh ngầm phong cho Phạm Hữu Long làm giáo chủ Hàng Long Giáo, các giáo chủ đời sau của Hàng Long Giáo trên thực tế đều chỉ là phó giáo chủ. Phạm Hữu Long lại được các vu nhân trong nước tôn lên làm Đại Lạc Vu, danh vọng đạt đến tột đỉnh trong giới huyền thuật. Từ ấy y đường đường chính chính luyện theo trường sinh tu pháp. Phạm Hữu Long bèn tìm đến long huyệt trong Đông Kinh mà tu luyện, cũng chính ngay cây đa mà con đã thấy. Hắn tu luyện ở đấy, một mặt có thể hấp thụ sinh khí từ long huyệt, mặt khác chính là đã đem thân hãm yểm lấy long huyệt này. Chính huyệt tại Đông Kinh đã bị hãm yểm từ ấy, khiến cho nước Nam ta thiên thời vận nước suy vong, địa thời sinh nhiều chướng khí, nhân thời ngu dốt vô năng. Có điều, trường sinh tu pháp mà Phạm Hữu Long luyện lại bị Trần Kình hủy đi hai trợ thuật. Thứ nhất là thuật "bài thống", nghĩa là thuật loại bỏ bớt những đau đớn kể từ khi hạt giống cây nảy mầm, qua thời kỳ khi sinh trưởng trong cơ thể người luyện, rồi cuối cùng hình thành một rễ giả đâm xuyên qua hậu môn. Thiếu thuật bài thống này, việc tu luyện cơ cực hơn gấp trăm ngàn lần, bởi nó giống như con người ta bị tra tấn bằng cách dùng que nhọn đâm xuyên qua hậu môn vậy. Nhưng càng đau đớn lại càng thích hợp với một người đã từng luyện thống khổ tu pháp như Phạm Hữu Long. Năng lực y càng ngày càng cao, chỉ có điều sự đau đớn càng làm cho y thù ghét người dân Đại Việt. Thứ hai là, bản trường sinh tu pháp mà Phạm Hữu Long đoạt được của Trần Kình bị thiếu mất thuật "thoát xác", nghĩa là thuật giúp cho người luyện có thể đi lại trong thời gian một tháng. Sau đó, hễ cứ đúng ngày trăng rằm lại phải trở về nơi luyện dùng thuật bài thống đem thân mình hòa vào thân cây để hưởng sức sống từ cây kia. Thiếu đi hai thuật này, người luyện trường sinh tư pháp chẳng khác nào bị giam hãm trong tù, lại đau đớn như bị tra tấn.

Tử thi vừa nói vừa đứng dậy, hướng về phía bụi rậm đi tới, đưa cánh tay còn lại lần tìm vật gì đó trong bụi rậm, vừa tìm kiếm, vừa nói tiếp:

- Từ khi Phạm Hữu Long tu luyện ở huyệt ấy, ngoài mặt y đứng ra hiệu triệu người phò trợ đất nước nhưng bên trong thì ngầm giúp giặc phương Bắc. Đất nước ta trải bao cơn binh biến, loạn lạc từ ấy. Thân thế và hành vi của y, chỉ có một vài người, ví như Hoàng Tấn Hùng - Tả Đại Lạc Vu đương thời - vô tình biết được mà thôi. Hùng sợ họa sát thân nên đã theo phò chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Qua chốc lát tử thi cầm lên một que củi, miệng vẫn không ngừng nói:

- Ông nội con khi chết vốn đã nghi ngờ, sau bí mật bàn với ta chuyện ấy. Ta thận trọng cả đời, giả ngông giả cuồng, và nông cạn thiếu suy nghĩ là để Phạm Hữu Long cho ta là kẻ không đáng bận tâm. Ta bí mật tìm hiểu, mãi cũng phát hiện ngọn ngành chuyện xấu xa này. Ta vốn muốn án binh bất động, chờ đến ngày con tròn tuổi truyền nghề, đem tuyệt nghệ cha ông truyền lại cho con rồi hai cha con cùng kêu gọi người trong hội chống lại y. Nào ngờ chuyện bại lộ, ta bị hắn giết rồi đem táng tại đây. Khi ấy Phạm Hữu Long biết rõ thời điểm người nhà họ Phạm suy yếu nhất chính là khi thực hiện "nhập quan ngũ lễ", chính là năm lễ nghi nhà họ Phạm chúng ta đặt ra trong quá trình khâm liệm. Y những muốn chờ ta khâm liệm cho các đám ma thì tranh thủ ra tay hành động. Chính vì vậy nên ta đành phải tạm thời bỏ nghiệp cha ông, đóng cửa không nhận lời ai. Nhà chúng ta có hàng rào cọc tre vây quanh nhà, ấy chính là phép yểm "thập hồn trấn ải", không cho tà khí xâm phạm. Cụ tổ con khi xưa đã kỳ công mất mười tám năm trời mới thực hiện được phép yểm này. Về sau lại mất thêm ba đời nữa mới mở rộng thành đại trận tăng cường uy lực. Phép "vạn hồn trấn ải" bao gồm một vạn tám trăm cây tre đóng bao quanh nhà. Trên mỗi cây đều được phong ếm bùa trừ tà thấm bằng máu người nhà họ Phạm. Trận yểm trấn tà này tuy không phải trận yểm mạnh nhất, nhưng lại có bề dày trước sau bốn đời nhà ta kỳ công bồi đắp, cho nên Phạm Hữu Long và tay chân y không thể nào phá được. Ngay cả việc ám sát ta bằng cách thông thường cũng không thể, vì phép vạn hồn trấn ải không những có tác dụng với yêu ma mà còn có tác dụng với cả người phàm. Chỉ cần ta cứ yên vị trong nhà thì Phạm Hữu Long cũng vô phương đối kháng. Phạm Hữu Long muốn dụ ta tiếp tục khâm liệm cho nên ra sức tạo tin đồn là ta ỷ mình giàu có nên không khâm liệm cho người nghèo. Y thậm chí còn cho người giả làm nhà Âu Dương bên Tàu đến tạ lễ để khích ta trở lại nghề nhằm xóa bỏ căm ghét của làng nước. Kỳ thực, trong thời gian bế quan ta có rời nhà hai tháng để di dời huyệt tại Đông Kinh sang vị trí mới, tránh để Phạm Hữu Long hãm yểm nơi ấy nữa. Đây cũng chính là lúc ta và y chính thức trở mặt thành thù. Phạm Hữu Long muốn cô lập nhà ta nên đã điều vong khắp nơi về làng, gây ra bao nhiêu ám ảnh trong dân gian. Từ ấy xóm làng lại càng căm ghét nhà chúng ta hơn. Có điều nói thế nào ta cũng nắm rõ mục đích của y, nhất định không chịu ra khỏi cửa. Sau cùng y dùng hạ sách dồn nhà họ Trần vào nạn trùng tang, lại cho tay chân của mình là gã thầy bói tên Hậu bày mưu cho họ Trần vô tình hại ta. Phạm Hữu Long biết nhà họ Phạm chịu ơn họ Trần, ta không thể không ra tay cứu giọt máu cuối cùng nhà ấy. Y biết ta có phép tránh trùng tang, phép ấy lại cần xác của những người chết trước đó cho nên dụ Thị Mướp cho người mang quan tài để trước cổng nhà. Đó chính là hôm ta phải đưa con và mẹ về nhà ngoại. Sau đó ta tự thân dùng liệm thuật phong bế bản thân để tránh tà phép xâm hại. Phép liệm lần này ta dùng loại vải bền trừ tà, bản thân nó không bị cháy cho nên con có thể thấy phép yểm vẫn còn ở đây. Có điều tuy lửa không liếm được vào da thịt nhưng sức nóng cũng đủ nung chín cơ thể ta.

Quyết thấy hình dạng tử thi vô cùng kinh khủng, lòng không nén được niềm chua xót.

Tử thi lại nói:

- Cả nước Nam ta chỉ có Nguyễn Tuyến là có thể thuần phục được chuột theo ý mình. Phạm Hữu Long liền sai Nguyễn Tuyến huấn luyện một bầy chuột, sau đó giấu bầy chuột này trong hai chiếc quan tài của Trần Thừa và Trần Túc, lại sai hai vong nhập hồn vào hai cái xác ấy.

Quyết thầm nghĩ:

- Quả đúng như Nguyễn Trác đã nói, chỉ có Nguyễn Tuyến mới huấn luyện được chuột.

Tử thi lại kể:

- Xong xuôi, Phạm Hữu Long cho người ẩn trong đám họ Trần, kích động họ đánh ta, nhân dịp ấy chúng cho người trà trộn vào, thừa cơ đánh gãy hai chân ta khiến ta không thể chạy thoát thân vào trong nhà. Hai cái xác đã bị vong nhập chờ đến khi ta bị đánh một trận thừa sống thiếu chết, đi không nổi nữa thì bật nắp quan tài cho lũ chuột tràn ra. Chúng lại mồi lửa khiến lũ chuột ấy cháy như đuốc sống. Nguyễn Tuyến kể cũng là tay lão luyện trong nghề luyện thú, hắn có thể huấn luyện được bầy chuột đang bị thiêu đốt mà vẫn lao vào đối phương. Đám chuột này vốn không phải là yêu ma, lại cũng không phải là người nên có thể nhân tiện lao vào đốt luôn nhà chúng ta. Mục đích sử dụng bầy chuột ấy, e là Nguyễn Tuyến cũng không nắm được. Dưới tay Phạm Hữu Long có lẽ chỉ có Nguyễn Trác là theo y, số còn lại đa phần không biết con người thật của y. Kết cục là ta bị Phạm Hữu Long thiêu chết theo cách thông thường.

Quyết nghe đến đoạn cha mình bị người ta thiêu chết, trong lòng rất đau đớn. Thế nhưng hắn vẫn còn rất nhiều hoài nghi, liền hỏi:

- Cụ Phạm bị hành hình đau đớn khổ sở còn hơn chết, vậy mà còn gắng gượng để giải lời nguyền trị thủy, há chẳng phải là người trung nghĩa sao?

Tử thi cười ha hả nói:

- Không phải y đại nhân đại nghĩa, mà là vì y muốn sống không được, mà muốn chết cũng không xong. Dù cho y luyện thống khổ tu pháp từ bé, nhưng cảm giác đau đớn và tù túng vẫn khiến y ngày càng điên cuồng. Y tự sát nhiều lần mà không được vì sinh lực của cây thần vốn cuồn cuộn như sông lớn, dù có cố gắng tự tử thế nào đi nữa, sinh lực này luôn nhanh chóng làm lành các vết thương trong khoảnh khắc. Lại thêm người luyện không cần phải hô hấp, khiến cho dìm nước hay làm ngạt thở đều không chết được. Tình cảnh của người luyện pháp công này, thiếu đi hai trợ thuật bài thống và thoát xác, thực là giống như bị đày xuống địa ngục.

Quyết nói:

- Không đúng! Chẳng phải cụ Phạm đã tự sát ngay trước mặt tôi sao?

- Con à, xác ta cũng đã bị y đưa đến đó, y cũng định tự tử bên cạnh xác ta nhưng không thành. Con có biết tại sao y cứ phải đưa cha con chúng ta đến chỗ y để mà tự tử không?

- Tôi không biết.

- Y cần ma lực của người nhà họ Phạm chúng ta. Khi ma lực này ở gần cây chủ, nhất thời âm khí cực mạnh trong cơ thể chúng ta sẽ át đi sinh lực trong cây, khiến sinh lực cây truyền cho y tạm thời trì trệ, nhờ vậy mới có thể tự sát dễ dàng được. Ma lực trên cái xác của ta không đủ. Y cũng từng dùng tay tự móc cổ họng nhưng ngay lập tức cổ họng y liền lại. Cái này gọi là cầu chết mà không xong. Thực là nực cười, lại có người lao tâm khổ tứ đến thế để được chết!

Quyết hỏi:

- Vậy tại sao khi tôi đuổi theo Ngọc, cụ Phạm lại cản tôi, tôi không nghe theo thì cụ khiến cho tôi đau bụng?

Tử thi đáp:

- Đó là cái khéo của y. Con không nhớ khi con rơi xuống nước, y đã làm gì sao?

Quyết thầm nghĩ:

- Cụ Phạm đã dùng cơn đau để giúp mình bình tĩnh, tỉnh táo lại. Lẽ nào cụ Phạm muốn mình tỉnh táo mà đuổi theo Ngọc?

Tử thi lại nói:

- Khi ấy con quá mệt mỏi, kinh thành đang đại loạn, y sợ quanh nơi ấy sẽ có biến nên muốn con đi càng xa càng tốt. Y luyện thống khổ tu pháp cả đời, thừa biết cơn đau loại nào khiến người ta mê man, cơn đau loại nào khiến người ta tỉnh táo.

Quyết lại hỏi:

- Nhưng chẳng phải Chử Cao Sơn là người của cụ Phạm sao? Cụ đã nói thế, mà chú ấy là người tốt.

Tử thi nói:

- Đó chỉ là lời bịa đặt của y, đâu có gì kiểm chứng? Bản thân ta cũng tính đến chuyện liên thủ với Chử Cao Sơn để đấu với Phạm Hữu Long. Có điều tính tình Chử Cao Sơn nóng nảy, hành sự có phần bất cẩn, sợ lộ ra thì lại hỏng việc lớn.

Quyết lại chất vấn:

- Vậy tại sao y lại đưa ông đến đây?

Quyết bây giờ trong lòng chưa biết nên tin ai nên mới gọi tử thi là "ông". Tử thi cúi người, vừa dùng que củi trên tay vạch một đường trên đất, vừa nói:

- Đảo hoang nơi có con thạch xà chính là đại huyệt từ Đông Kinh trôi về.

Ngọc thấy tử thi có hành động lạ, bèn hỏi:

- Ngươi làm gì vậy?

Bấy giờ Quyết cũng không để ý đến hành động của tử thi, đang ngẫm nghĩ những lời tử thi nói, đột nhiên hắn thốt lên:

- Nói dối, ông vừa nói chính huyệt của Đông Kinh ở chỗ cây đa mà?

Tử thi không ngừng dùng que củi vạch trên đất, bây giờ đã thành một vòng tròn lớn, đường kính đến mấy trượng. Vòng tròn này vẽ ra cực kỳ tinh xảo, không chút méo mó, lệch lạc. Nó vừa vẽ vừa từ tốn nói:

- Không sai. Nhưng ta đã điều động âm binh tứ trấn, bí mật đắp một ngọn núi nhỏ. Đây chính là khoảng thời gian ta rời nhà hai tháng, sau đó liền có việc nhà Âu Dương đến nhà ta trả lễ. Ngọn núi này đắp lên, tự nhiên hình thế đất thay đổi, khiến cho sinh khí không còn ngưng tụ ở chỗ cũ nữa, huyệt trên cây đa kia chỉ còn là một phế huyệt. Sinh khí lưu chuyển về ngưng tụ ở nơi đây. Con xem, nơi đây phía đông có Hùng Chưởng Sơn sừng sững làm chỗ dựa Huyền Vũ. Bên trái có dãy Thanh Long Đồng Tu, phải có Bạch Hổ Việt Dã hộ vệ. Minh đường Chu Tước chính là hồ Thí Sĩ rộng bát ngát. Nơi đây vừa khéo Việt Dã cao hơn Đồng Tu, trưởng, thứ, trái, phải tôn ti rõ ràng, địa thế này vừa đẹp để tụ được long huyệt.

Ngọc lại hỏi tử thi:

- Ngươi làm gì vậy?

Tử thi không thèm đếm xỉa đến câu hỏi của Ngọc, vẫn tiếp tục nói:

- Phạm Hữu Long ở dưới cây đa, khi thấy sinh khí ngày càng cạn kiệt, y liền triệu cụ Tả Ao, vốn là bậc kỳ tài về phong thủy hình thế đến để tìm vị trí huyệt kết mới. Khi y phát hiện ra khối núi mới được đắp lên thì đã quá muộn, thế núi đã hình thành, âm binh của y lại không đủ mạnh để san bằng quả núi ấy.

Quyết nghĩ thầm:

- Thì ra việc quan trọng khiến cụ Tả Ao phải từ xứ Nghệ xa xôi tới đây chính là việc này.

Bấy giờ tử thi lại tiếp tục vẽ vòng tròn thứ hai. Nó nói:

- Phạm Hữu Long lại bày ra kế dùng một con rắn lớn nuốt lấy huyệt kết nơi đây. Y bắt được ta mang đến nơi này, lại táng ta xuống huyệt, hy vọng vừa có thể hãm vong ta, vừa dùng xác ta làm vật hút lấy sinh khí, khiến cho sinh khí không những không tụ được mà còn tiêu tán vì thân thể ta nữa. Phép yểm long sinh cửu phẩm thập thú trấn chỉ là trò che mắt người trong hội và để dụ con vào phép tảo táng đấy thôi.

Quyết ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao xác ông được chôn ở đây lại khiến cho sinh khí tiêu tán?

Tử thi cười lớn, nói:

- Họ Phạm chúng ta, mấy đời tiếp xúc tử thi, lại luyện âm dương giao hợp thức vốn lấy âm khí làm chủ. Khi cơ thể ta được đặt vào huyệt tụ sinh khí thì hai luồng khí này giao tranh, nếu pháp nâng ta đủ lớn, thì chính huyệt tại đây cũng bị thân ta yểm cho triệt đi rồi. May mà ta pháp lực không đủ cao thâm, trước khi chết lại kịp thực hiện một phần phép khâm liệm khiến cho cơ thể có một lớp ngăn cách với sinh khí.

Tử thi lại nói, tay vẫn không ngừng vạch vẽ ngang dọc trên khoảng đất trống:

- Trong thân con vốn cũng có âm khí cao, được táng sống vào huyệt tụ âm khí, chẳng những pháp năng không giảm, mà còn tăng tiến vượt bậc.

Rồi thấy Quyết dường như còn chưa tin hẳn, tử thi liền nói:

- Con nghĩ xem ai cho con uống viên Cộng Sinh Dược?

Quyết giật mình nghĩ:

- Làm sao ông ta biết được chuyện mình nuốt phải viên tế?

Nghĩ vậy, nhưng hắn vẫn đáp:

- Chính là Cao Tiến!

Tử thi nói:

- Cao Tiến vốn là người của Hàng Long Giáo, là tay chân Phạm Hữu Long. Con nghĩ tại sao hắn lại cho con uống viên thuốc này?

Quyết lại đáp:

- Viên tễ tự bay trúng miệng tôi, chẳng qua là sự trùng hợp thôi.

Tử thi cười ha hả:

- Đúng là đó chỉ là trùng hợp, nhưng nếu điều đó không xảy ra thì sớm muộn Cao Tiến cũng dụ con uống lấy viên tễ này.

Quyết nghi ngờ:

- Nếu hắn muốn ép tôi uống thì cứ dùng vũ lực, việc gì phải lao tâm khổ tứ bày ra trò này?

Tử thi nói:

- Viên thuốc này có chỗ rất độc đáo, nó cũng có tâm tính như người, một khi bị ép buộc nuốt vào trong người, nếu người chủ có ý không dung nạp thì nó cũng cự tuyệt không chịu lưu lại, quyết không bám rễ trong thân thể con mà sẽ theo đường bài tiết thoát ra ngoài.

Quyết lại nói:

- Sau khi tôi nuốt phải viên thuốc, cũng có ý kinh hãi, đương nhiên không muốn tiếp nhận nó. Vậy tại sao nó không được bài tiết ra?

Tử thi đáp:

- Một khi đã hút được vong mạnh, thì viên thuốc bị vong đó khống chế. Vong hồn rất kiêng kỵ vật xú uế, nếu thoát ra ngoài chung với thứ ô uế, ắt bị hồn xiêu phách tán, làm sao còn đầu thai được nữa?

Quyết lại hỏi:

- Nhưng tôi nuốt viên thuốc này thì có lợi gì cho cụ Phạm?

Trong lòng Quyết vẫn chưa thực sự tin tử thi, vì vậy vẫn gọi Phạm Hữu Long là "cụ Phạm".

Tử thi đáp:

- Dược lực của Cộng Sinh Dược rất mãnh liệt, nếu như con nuốt không viên tễ này thì đi đến đâu thu được âm binh đến đó, âm khí trong thân cũng nhờ đó mà tăng tiến, cái Phạm Hữu Long muốn là ma lực của con ngày càng tăng. Nếu con có ma lực mạnh thì rất có lợi cho y, một là khi con ở gần y thì y có thể tự tử được, hai là khi táng con vào long huyệt thì con có đủ sức để tương tranh với sinh khí. Nếu theo như Phạm Hữu Long sắp đặt thì khi Cao Tiến cho con ăn, sẽ lén đặt Cộng Sinh Dược vào thức ăn. Nào ngờ hôm đó Cao Tiến dự tính một công đôi việc, lập thu binh trận để luyện âm binh, lại đụng phải soái vong quá mạnh so với sức hắn. Cao Tiến vừa sợ mất mạng, vừa có lòng tham muốn đoạt soái vong mới đem viên Cộng Sinh Dược ra thu lấy soái vong. Cộng Sinh Dược này một khi đã có soái vong đủ mạnh ngụ ở trong thì không đủ pháp lực thu lấy âm binh cho người chủ nữa.

Ngọc ở bên cạnh hỏi:

- Tên Cao Tiến muốn thu binh như thế, sao không tự nuốt lấy viên tễ này mà thu lấy âm binh?

Tử thi đáp:

- Hỏi hay lắm. Tên Cao Tiến công lực nông cạn, chỉ giỏi những trò gian xảo vặt vãnh mà thôi. Hắn đâu có đủ pháp lực nuốt viên thuốc này? Quyết con, con mang trong mình dòng máu chín đời tu luyện, bởi thế nên cơ thể mới có thể chịu đựng được. Vả lại hắn làm sao dám nuốt viên thuốc mà làm hỏng việc của Phạm Hữu Long? Cao Tiến bị soái vong bức vào đường cùng, muốn bảo toàn tính mạng nên mới đem Cộng Sinh Dược ra sử dụng thôi. Con nhớ nhé, "Nụ hoa khai, kỳ vọng xuất" chính là khẩu quyết để xuất nhập vong trong Cộng Sinh Dược theo ý mình. Ban nãy trong động, Phạm Hữu Long ép con nói ra mấy câu này là để y có thể thoát ra khỏi cơ thể con.

Tử thi ngừng một chốc lát rồi lại nói:

- Con lại nghĩ xem, ai là người dẫn các con đến nơi có tử huyệt sau khi rơi vào cẩu trận?

Quyết đáp:

- Chính là hình nhân thế mạng.

Tử thi nói:

- Phải lắm, hình nhân thế mạng là của ai? Quyết biết hình nhân này là của cụ Phạm.

Tử thi không chờ Quyết trả lời mà nói tiếp:

- Phạm Hữu Long không có ý tốt đẹp gì, y muốn táng con vào tử huyệt này cũng là vì mục đích muốn tăng ma lực cho con. Y dụ con uống Cộng Sinh Dược thì lại vướng soái vong ám trong ấy khiến cho Cộng Sinh Dược không giúp con gia tăng ma lực, y lại âm mưu tảo táng con. Nhưng kế này rất nguy hiểm, bởi thời gian táng sống rất quan trọng, chỉ chậm vài khắc thì có thể mất mạng ngay. Đương nhiên, lẽ nào y có lòng lo cho con? Y chỉ lo mưu sự của y không thành. Cũng may mà con còn toàn mạng.

Quyết lại hỏi:

- Vậy còn ông thì sao? Sao ông không sớm thoát ra khỏi huyệt mà phải đợi lúc tôi đến?

Đáp:

- Đó là vì thân thể của ta đây bị hãm trong đất đầy sinh khí. Người thường nếu được táng vào nơi sinh khí này thì mừng còn không hết, nhưng ta thì âm khí đầy người, bị chôn ở đây, dù chết rồi nhưng hồn không rời khỏi xác được, lại như bị thiêu đốt trong lò lửa.

Quyết đã trải qua cảm giác này lúc ở trong hố nên mười phần tin đến tám chín.

Tử thi lại nói:

- Chỉ khi con tới, khí lực của con đủ mạnh, phát ra cảm ứng, nhờ cảm ứng này ta mới khó nhọc cử động được. Ta bèn nhờ sức ấy mà vươn tay chụp lấy con, hút âm khí từ tay con mà thoát ra. Sau đó đặt lưỡi con vào huyệt Bách Hội. Lưỡi chính là điểm truyền khí tốt nhất, nếu không phải là lưỡi con đặt đúng vào huyệt Bách Hội của ta thì luồng khí truyền vào không thể đủ mạnh để ta có thể tự do cử động đi lại nói năng thế này.

Tử thi lại tiếp:

- Con đã đến nơi hắn ở, chắc con đã thấy cây đa đó chứ?

Quyết thấy tử thi nói chuyện với mình rất thân thiết, giọng nói ấm áp, chân tình, rất giống với cách nói chuyện của cha hắn. Trong lòng hắn vô cùng xao động.

Quyết nghĩ tới cha mình đã mất, nếu quả đúng được gặp lại thế này, thì thực không dễ dàng. Rồi hắn lại giật mình nghĩ:

- Yêu ma quỷ quái vẫn dùng lời mê hoặc người, biết đâu tử thi này muốn lừa phỉnh mình thì sao?

Trong chốc lát tâm trạng Quyết biến đổi rất nhanh, nhất thời hắn cũng chưa biết tính thế nào.

Tử thi lại nói tiếp:

- Con đã thoát ra ngoài được thế này, hẳn là con biết thân cây rỗng chứ?

Quyết nghĩ:

- Cái này đúng là có thật!

Hắn bèn đáp:

- Có chuyện đó, nhưng nếu đúng thế thì sao?

Tử thi nói:

- Để ta nói cho con biết, thân cây đó khi trước không hề rỗng. Trước đó nó là một cây gạo. Vốn là trước đây Phạm Hữu Long đánh cắp được thuật trường sinh, nhưng trong sách viết phải chọn một cây gạo, không phải là cây đa.

Quyết đáp:

- Điều này không đúng, rõ ràng tôi thấy một cây đa.

Tử thi nói:

- Con thấy một cây đa, là bởi cây đa đó chính là cây thần đa mà một vị cao nhân đã gieo lên đất ấy để tiêu diệt Phạm Hữu Long. Trong tự nhiên, mãnh thú tranh đấu, tiêu diệt lẫn nhau. Cây cối cũng thế, chúng cũng không ngừng tranh giành ánh sáng bằng cách vươn cao hơn, tranh giành địa bàn bằng cách phát tán hạt giống ra xa hơn. Chúng còn biết ký sinh vào nhau để hưởng lợi, ngoài ra chúng còn có thể tiêu diệt nhau khi được trồng chung đất. Nhưng thời gian tranh đấu của cây cỏ diễn ra lâu dài hơn, khó nhận biết hơn. Ngày đó cây gạo chứa Phạm Hữu Long trở thành cây ma, không ai dám đụng vào. Vị cao nhân kia đã gieo dưới gốc cây này một hạt đa. Cây đa là giống thần mộc, làm sao giống gạo tầm thường có thể bì kịp? Chỉ là cách này cũng không phải thượng sách do thời gian quá lâu, mất đến gần trăm năm, cây đa mới đủ lớn mạnh để ôm lấy cây gạo, lại mất thêm trăm năm nữa mới có thể dần dần siết chết cây gạo ấy, lại thêm trăm năm nữa để thân cây gạo mục rữa hết.

Quyết hỏi:

- Vị cao nhân ấy là ai?

Tử thi đáp:

- Ta thực cũng không rõ. Chỉ biết Phạm Hữu Long nằm trong cây gạo, liên tục đấu tranh để chống lại cây đa thần, cuối cùng không thắng được, y bị một nhánh cây dần dần đâm xuyên qua người.

Quyết đáp:

- Không đúng, cây đa có rất nhiều vong hồn kính ngưỡng cụ Phạm. Lẽ nào hồn ma lại không biết đúng sai?

Tử thi đáp:

- Y bị thân đa đâm xuyên qua, phải tự mình chống chọi, khổ cực vô cùng. Y dần dần nghiên cứu, biến đổi trường sinh tu pháp chế ngự được cây đa, cuối cùng, cây đa thần lại biến thành vật nuôi dưỡng y. Con người này có thể khuất phục được giống thần mộc, chẳng phải là kỳ tài sao? Người tài như thế thì việc lừa được người, lừa được ma, có gì là lạ?

Tử thi từ nãy tới giờ miệng nói song tay vẫn không ngừng vạch vẽ trên đất. Chẳng mấy chốc những hình vẽ hiện lên chằng chịt trên hai đường tròn đồng tâm. Bấy giờ nó nói:

- Khi long huyệt tụ về đây, Phạm Hữu Long đã dìm chết rất nhiều người vô tội, khiến cho vong hồn họ không được siêu thoát, quẩn quanh trong hồ, chỉ chờ người nào đến gần thì hại cho chết đuối để mình được thoát kiếp giang trành. Phạm Hữu Long còn đổ thuốc vào hồ Thí Sĩ để nuôi giống quái xà. Con thạch xà trên đảo, chính là con quái xà được Phạm Hữu Long dùng để tiêu tán long huyệt bị trôi từ Thăng Long về đây. Con quái xà này vốn không có gì lạ, chỉ là khi trước nó ngụ tại vùng sông nước này, ngâm mình trong nước thuốc, không cần ăn uống, cơ thể cũng không ngừng lớn thêm. Trong thời gian ấy, con rắn này đẻ rất nhiều lứa. Đám rắn con cũng dần dần lớn lên, ăn sạch các sinh vật trong hồ. Cái hồ này dần dần trở thành cái hồ chết, chỉ có rắn với ma nước. Đám rắn kia ngâm mình trong nước có thuốc, dù đói khát thế nào cũng không chết. Có điều, chúng rất hung dữ, hễ có người nào bén mảng lại gần thì lập tức bị ăn thịt ngay. Vậy nên nhiều năm nay, quanh khu hồ Thí Sĩ này, trong vòng bán kính một dặm, không có người nào dám bén mảng tới, phần thì sợ ma nước, phần thì sợ quái xà.

Quyết thầm nghĩ:

- Hiển nhiên, đám rắn đuổi theo ta lúc ở ngoài hồ chính là những con rắn này.

Tử thi lại kể:

- Về sau, Phạm Hữu Long dùng mồi sống dụ rắn mẹ nuốt lấy vị trí huyệt này, những muốn dùng phép đó mà yểm long huyệt. Nào ngờ nó vừa nuốt lấy huyệt, sinh khí tự cảm ứng, tương tranh với cơ thể con quái xà, cuối cùng con quái và không chịu nổi biến thành đá. Phạm Hữu Long yểm huyệt bằng con quái và không thành, mới tìm cách táng cho con ta vào huyệt ấy. Vừa rồi y nhập vào con bé kia chính là muốn mượn tay nó chôn sống con.

Quyết hỏi:

- Vậy tại sao bây giờ con thạch xà lại có thể cử động được?

Đáp:

- Đó là vì Phạm Hữu Long đã nhập vào con thạch xà này. Có điều y chỉ đủ pháp năng khiến nó cử động một phần. Phần đuôi con rắn lại bị sinh khí thu lấy nên cố định trên đảo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro