Chương 1: Hành lý cần những gì?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"...Em đi cùng anh nhé!", Ngô Kỷ nhìn cô bạn gái của mình bằng ánh mắt đầy hi vọng.

Đó là Ngọc Trâm, bạn gái của Kỷ. Khi Kỷ mới bước chân vào đại học, nỗi đau mất bố mẹ khiến anh không thể nào hòa nhập được với môi trường mới này, chính Trâm đã từ ban đầu ở bên cạnh Kỷ, cùng anh vượt qua những đau đớn. Hiện tại cả hai đều sắp hoàn thành luận văn tốt nghiệp, qua nửa tháng nữa bảo vệ thành công luận văn là có thể chấm dứt hành trình mười sáu năm ăn học. Kỷ học khoa văn còn Trâm học kinh doanh. Bao nhiêu đắng cay vui buồn của những năm tháng đại học hai người đều trải qua cùng nhau. Một đoạn tình cảm này, một tấm chân tình này của Trâm có lẽ cả đời Kỷ sẽ không tìm được ai có thể sánh bằng.

"Anh không thể không đi được sao? Em không thể đi được. Ba mẹ em sẽ không cho đâu! Họ hàng thể nào mà chẳng bảo em theo trai bỏ ba mẹ chứ! Cũng đâu có gì quan trọng mà anh phải đi như vậy chứ?". Trâm lên tiếng trả lời, chỉ cho rằng Kỷ chỉ suy nghĩ nhất thời, thể nào anh ấy cũng nghĩ lại và không đi.

Chỉ nghe Kỷ đáp lại bằng giọng cứng rắn:

"Sao không quan trọng chứ? Anh đã không biết gì về những người trong gia đình ngoại trừ ba mẹ suốt hai mươi hai năm trời. Đây là cơ hội để anh tìm hiểu và tìm lại người thân! Không phải mình cũng đã từng nói rằng sau khi tốt nghiệp cả hai sẽ đi du lịch một vòng rồi sau đó mình sẽ về lấy nhau ư? Chúng ta có thể thực hiện hai việc cùng lúc!"

Chưa đợi chữ "lúc" của Kỷ nói xong, Trâm lên giọng:

"Anh đang nghiêm túc đấy à? Hay là anh lại ảo tưởng về chuyện tiêu diêu giang hồ gì đấy của anh? Anh thôi đọc những tiểu thuyết đánh đấm vô nghĩa đấy đi!"

"Anh đang nói thật. Và những tiểu thuyết ấy chẳng phải vô nghĩa! Chẳng phải em đã nói..."

Trâm lại cướp lời Kỷ: "Lúc đấy chỉ là nhất thời nói ra thôi, chúng ta còn phải đi làm kiếm tiền. Em còn sự nghiệp ở đây, làm sao mà đi được. Em còn có ba mẹ để lo lắng. Anh thì hay rồi, không còn ba mẹ, muốn đi đâu thì đi.", nói đến đây, biết mình lỡ lời nên Trâm im bặt.

Kỷ đứng trơ ra nhìn Trâm, cuối cùng thở dài: "Em chẳng hiểu được đâu. Anh cũng chưa hiểu được. Suốt bao năm em đã bên cạnh anh những lúc anh cần nhất, nhưng đến tột cùng, mình vẫn chưa hiểu được nhau. Cảm ơn em!". Nói rồi Kỷ đi một mạch về nhà, bỏ Trâm đứng lại thẫn thờ, vô cùng hối hận vì những lời mình đã nói ra.

Sau lần ăn bún chả, Kỷ vội vàng về nhà, tìm kiếm lại di vật của ba mẹ. Không thể nào lầm được, Kỷ biết chắc như vậy. Hạ Huyền Tiên Nữ! Hay còn được gọi là Hạ Tiên cho gọn, đấy là tên của điệu nhạc cũng là tên của điệu múa mà Kỷ học được từ ba mẹ. Khúc ca là do mẹ anh sáng tác cho ba anh, còn vũ điệu lại chính do ba anh biên đạo tặng mẹ anh. Hai người dạy qua dạy lại thế nào, từ trước đến giờ chỉ thấy ba đánh đàn còn mẹ nhảy múa. Những tưởng trên đời này, sau khi ba mẹ qua đời chỉ còn mình Ngô Kỷ biết đến chúng, nào ngờ hôm ấy trên ti vi lại phát sóng cả hai cũng lúc.

Ngô Kỷ đã nhiều lần hỏi ba mẹ về gốc gác của mình, nhưng đều không nhận được câu trả lời. Tuy vậy, Kỷ cũng tự suy ra một ít manh mối, nhưng chẳng dẫn đến đâu. Giờ đây Kỷ xâu chuỗi lại những gì mình biết thì xem ra cũng khá liên kết với nhau. Ba mẹ gặp nhau năm 1979, mẹ là người miền Bắc, ba là người Trung Quốc chính gốc, năm 1979 lại là năm xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Rất có khả năng rằng ba mẹ gặp nhau trong thời chiến loạn. Mẹ Kỷ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Nhu, một cái tên rất Việt Nam, lại biết chơi đàn bầu, chứng tỏ mẹ là người Kinh, không phải người dân tộc vùng núi. Mẹ lại hiểu biết khá sâu về y khoa, phải chăng năm ấy mẹ ở quân y mà biết ba? Nhưng khi ấy mẹ lại còn rất trẻ, chưa đầy hai mươi thì sao có thể tốt nghiệp y khoa? Quan trọng hơn là khúc nhạc cùng điệu múa kia là do ba mẹ tự sáng tác cho nhau, nhưng sao lại có người biết để quay trên ti vi? Điều đó chứng tỏ khi xưa ba mẹ từ vùng cực Bắc mà di cư xuống Nam, lúc sáng tác ca vũ có chỉ cho người khác học được.

Vậy địa phương trên ti vi rất có thể có người quen biết ba mẹ trước khi hai người xuôi nam!

Di vật của ba mẹ Kỷ còn lại chẳng nhiều, chỉ là cây đàn bầu luôn nằm trong tủ kính, cái vòng tay bằng ngọc thạch ba mua tặng mẹ năm nào cùng khoảng hơn 10 tấm ảnh cỡ nhỏ cũ kĩ. Cây đàn bầu và cái vòng tay không có gì đáng chú ý, Kỷ chăm chú nhìn vào tập ảnh lẫn lộn ảnh trắng đen và ảnh màu. Nói ra thì ba mẹ Kỷ đã sống rất hạnh phúc bên nhau, nhưng rốt cục cũng chỉ có được một tấm ảnh chung là tấm ảnh gia đình lúc Kỷ tốt nghiệp trường cấp hai. Tấm ảnh đó được lồng khung treo ở phòng khách. Còn trong những tấm ảnh cũ này, trắng đen thì chỉ có mẹ, còn ảnh màu thì là ảnh Kỷ khi còn nhỏ xíu. Xem ra có thể ba di cư sang đây chẳng mang theo hành lý gì!

Sau khi mẹ theo ba mà đi đến thế giới bên kia, Kỷ đã hụt hẫng đến nỗi chẳng nhìn ngó vào những tấm ảnh hay thậm chí là gom di vật của ba mẹ lại. Gần bốn năm nay căn nhà vẫn ở nguyên trạng vốn dĩ của nó, Kỷ chỉ đi lại khu tầng trên của mình cùng nhà bếp, lâu lâu lại vào quét dọn phòng ba mẹ nhưng không động vào vật gì. Đây là lần đầu tiên Kỷ được nhìn thấy những tấm ảnh trắng đen đó. Chúng được mẹ cất kỹ trong một chiếc túi vải xanh còn nhiều tuổi hơn mấy tấm ảnh. Có lẽ chúng đã gần 50 năm tuổi, những đốm trắng do hư hại của thời gian chiếm diện tích khá nhiều, nhưng thật may là gương mặt người vẫn còn rõ. Có hết thảy 5 tấm ảnh trắng đen. Ba trong chúng lưu lại hình ảnh của một cô gái khoảng mười sáu, mười bảy tuổi. Cô đều cười rất tươi trong cả ba tấm, nét cười trên môi hiện lên trên cả đôi mắt trong như nước mùa thu. Một nét đẹp thanh tân nhưng đằm thắm tỏa ra từ nụ cười ấy. Chẳng trách ba chịu rời nước theo mẹ lưu lạc trời Nam, mẹ ngày ấy thật đẹp, Kỷ cảm thán nhận ra ngay đó là mẹ mình. Khi Kỷ biết rung động trước cái đẹp thì mẹ Kỷ đã ngoài tứ tuần, tuy nhiên anh đoán rằng mẹ đã từng rất xinh đẹp, nhưng cũng không ngời mẹ thời trẻ lại xinh đẹp đến như vậy.

Hai tấm hình còn lại mỗi tấm chụp hai người. Một tấm là hình mẹ anh cùng một người phụ nữ đứng tuổi. Cách ăn mặc của hai người khá chênh lệch: mẹ Kỷ mặc một bộ đồ Tây bình thường, còn người phụ nữ kia mặc chiếc áo dài nhung, trên cổ đeo một chuỗi ngọc trai, cổ tay có đeo vòng vàng, trông toát lên vẻ quý phái. Kỷ không xác định rõ được có nét giống nhau giữa mẹ và bà ấy hay không. Tấm này mẹ không cười! Tấm còn lại có hai thiếu nữ trạc tuổi nhau và hai nàng đều đang cười rạng rỡ, một người dĩ nhiên là mẹ Kỷ, người kia lại trong có nét hao hao giống mẹ anh. Nhìn kỹ thêm một hồi nữa, Kỷ khẳng định cô gái kia rất có thể là chị em của mẹ anh khi ấy, hay chính là người dì ruột của anh.

Có thể bà ấy vẫn còn sống! Nếu tìm được bà ấy thì sẽ biết được gia đình bên ngoại rồi! Kỷ vô cùng phấn khích về những gì anh phát hiện và suy luận được.

Mình phải ra Bắc thôi. Kỷ nói. Sau một lúc sắp xếp lại các dữ kiện, Kỷ với tay lấy chiếc điện thoại và gọi đến một người.

"A lô, Huy à, Ngô Kỷ đây."

Đầu bên kia trả lời: "Kỷ đấy à? Lâu quá rồi chúng ta không nói chuyện nhỉ? Dạo này mày sao rồi?"

"Ừ, tao vẫn khỏe. Hôm nay tao gọi mày là có việc nhờ mày đây!"

"Chuyện gì mà Hồ Chí Minh không làm được phải nhờ đến ngoài Hà Nội này đây?"

Kỷ tường thuật ngắn gọn nhưng đầy đủ lại cho Đan Huy nghe những manh mối và suy luận của mình cùng dự định ra Bắc tìm người thân, sau đó nói:

"Tao nhớ bác Tùng từng làm ở Cục Lưu trữ có phải không? Tao muốn nhờ mày tìm địa chỉ của mẹ tao hồi ấy có được không? Tao nghĩ hồi điều tra dân số năm 79 chắc vẫn còn hộ khẩu của mẹ tao."

Bên kia tỏ vẻ kinh ngạc:

"Trời đất, mẹ mày vô Nam biết bao lâu rồi, làm sao kiếm ra được đây? Tao cũng không chắc là Cục Lưu trữ có lưu lại chi tiết tài liệu của năm đó không nữa! Mày hỏi khó tao quá!"

"Giúp giùm tao đi! Hơn hai mươi năm nay tao cứ thắc mắc về gia đình nội ngoại, nhưng ba mẹ tao cứ im lìm, chẳng nói lời nào về hai bên họ hàng cả! Tao cũng muốn tìm lại người dì kia của tao. Năn nỉ mày đó, chỉ có mày mới giúp được tao thôi."

"Thôi được rồi, để tao thử xem. Nể tình tình bạn từ nhỏ của tao với mày đấy. Nhưng tao nói trước có lẽ sẽ lâu vì ba tao ổng về hưu được vài năm rồi. Muốn động đến tài liệu của Cục chẳng phải chuyện dễ dàng, lại còn là tài liệu năm 79 nữa, càng lâu thì càng khó đó!"

Giọng Kỷ vui mừng hẳn ra:

"Không sao, tao sẽ chờ tin của mày. Tháng nữa tao mới được tốt nghiệp, khi ấy tao mới bắt đầu ra Bắc. Tao còn dự định nhân việc này đi du lịch xuyên Việt một chuyến xem sao."

"Mày tính đi du lịch bụi à? Nghe cũng hay đấy! Tao đây cũng muốn đi lắm mà năm sau mới được ra trường. Tao học trễ một năm mà. Mày tính đi một mình hay sao?"

"Tao cũng chưa biết nữa. Mai tao sẽ rủ bạn gái tao xem sao. Hồi đó chúng tao có hứa hẹn sau tốt nghiệp sẽ đi du lịch với nhau."

"Ừ, cũng nên có người đi chung. Coi bộ cũng khá lâu đấy. Tao không dám hứa sẽ tìm ra được cho mày trong bao lâu, nhưng tao sẽ cố gắng nhanh nhất để giúp mày."

"Cảm ơn mày! Mày cứ từ từ mà tìm giúp tao nhé, cũng chưa vội đâu. Thôi chào mày nhé, tạm biệt!"

Bên đầu kia đáp lại một câu tạm biệt rồi dập máy. Kỷ thỏa mãn đi ngủ. Trong giấc mơ Kỷ thấy mình mặc bộ quần áo dân thường thời Lý – Trần, hông trái đeo trường kiếm, hông phải dắt đoản đao, cưỡi trên lưng một con lừa mà đi lên rừng xuống biển. Ngay cả khi trong mơ Kỷ vẫn cảm thấy được mình thật là trẻ con.

Sáng hôm sau Kỷ hẹn gặp Ngọc Trâm ở trường, anh hớn hở kể lại những phát hiện của mình và nói ra ý muốn Trâm cùng anh đi sau khi tốt nghiệp. Nhưng những câu trả lời của Trâm khiến anh vô cùng đau lòng và thất vọng.

"...Hay là anh lại ảo tưởng về chuyện tiêu diêu giang hồ gì đấy của anh? Anh thôi đọc những tiểu thuyết đánh đấm vô nghĩa đấy đi!"

Ảo tưởng? Kỷ biết thật là trẻ con khi cứ luôn ấp ủ trong lòng rằng một ngày nào đó anh có thể được như những nhân vật kia mà đi ra thế giới, làm việc nghĩa, thế mới xứng đáng với chữ "hiệp" mà anh tâm niệm. Xã hội bây giờ khác với xã hội thời xưa mà anh thường đọc được trong sách, chẳng có ngựa để cưỡi, chẳng có những môn võ xuất quỷ nhập thần. Nhưng Ngô Kỷ chẳng gọi chuyện như thế là ảo tưởng, anh gọi nó là ước mơ. Ước mơ một ngày nào đó sẽ đi khắp nơi, ngắm nhìn thế giới, gặp gỡ thật nhiều người, kết thật nhiều bạn ở mọi nơi anh tới và quan trọng là phải giúp đỡ được mọi người. Có lẽ nó sẽ chẳng giống như những chuyến hành hiệp của các hiệp khách, nhưng không phải cũng là chu du và hiệp nghĩa hay sao? Kỷ tin rằng chỉ cần mình tin rằng chính mình đang đi ra giang hồ thì thế giới ngoài kia chính là giang hồ trong mắt anh! Kỷ đã từng nói cho Trâm nghe ước nguyện này của mình. Phải chăng Trâm luôn nghĩ rằng Kỷ đã luôn nói đùa?

Tiểu thuyết đánh đấm vô nghĩa? Câu nói này của Trâm như đánh một đòn thật đau vào mặt Kỷ. Luận văn tốt nghiệp của Kỷ là về ý nghĩa đa diện của văn học võ hiệp. Như thế chẳng khác nào cô ấy bảo mình toàn làm chuyện vô nghĩa – Kỷ đau đớn nghĩ.

Ngọc Trâm đã trở thành người thân cận duy nhất của Kỷ khi ba mẹ anh lần lượt qua đời. Mà bởi vì vậy, khi biết được người thân nhất của mình lại không hiểu gì về mình, lại cho rằng những gì mình đang làm là vô nghĩa thì còn gì đau lòng hơn? Kỷ đã tin tưởng rằng trên đời này của anh chỉ có Trâm hiểu rõ anh nhất, tin tưởng rằng Trâm sẽ ủng hộ mình. Nhưng không. Anh đã nhận được câu trả lời. Cô ấy đã luôn xem rằng mình nói đùa, thậm chí gạt bỏ luôn lời ước hẹn. Cô ấy có thể không đi cùng mình, nhưng cũng không được nói những lời như vậy chứ?

Kỷ thất thểu đạp xe về căn nhà hai tầng trong góc hẻm của mình, trên đường không ngừng nghĩ về những thời gian đẹp đẽ bên Trâm. Càng nghĩ thì anh càng không tin rằng Trâm đã nói ra những lời ấy. Kỷ bước chân vào nhà thì đã là lúc mặt trời đứng bóng. Chuông điện thoại anh lúc này vừa vặn vang lên. Là Trâm. Kỷ nghĩ ngợi một lúc rồi từ chối cuộc gọi. Hiện tại không nên nói chuyện với cô ấy – Kỷ thầm quyết định. Năm phút sau chuông điện thoại anh lại vang lên, nghĩ rằng lại là Trâm, Kỷ định tắt ngay nhưng nhìn kỹ lại màn hình thì là Đan Huy.

"A lô, Huy à. Kỷ nghe!"

Bên kia cất lên tiếng của Huy:

"Ừ, tao đây. Tao mới hỏi chuyện ba tao. Ông ấy bảo đúng là Cục Lưu trữ có lưu lại số liệu thống kê của những năm trước, nhưng muốn Cục khai mở những tài liệu đó thì phải có trường hợp điều tra đặc biệt vì chúng chưa được số hóa, muốn tra ra tên của bác Nhu thì cũng phải tốn rất nhiều thời gian. Ba tao bảo ông có thể liên hệ Cục trưởng tại nhiệm để tiếp cận tài liệu. Hồi đó ổng là lính của ba tao, chịu nhiều ơn huệ của ba tao nên chắc sẽ dễ dàng hơn, nhưng tìm ra tên của mẹ mày là một vấn đề lớn. Hiện tại chưa biết quê quán của bà ấy ở đâu, phạm vi tìm kiếm sẽ rất rộng."

Kỷ ậm ừ rồi trả lời:

"Mấy bức ảnh này đều được chụp ở những nơi có vẻ là thành thị, có thể thu hẹp được phạm vi không? Trước năm 79 thì chắc chưa có nhiều nơi đô thị hóa đâu nhỉ?"

"Chắc thế! Được rồi, mày thử gửi cho tao những tấm ảnh kia xem. Để coi thử có nhận biết được đó là thành thị nào không."

"Được", Kỷ trả lời chắc chắn, "mọi sự nhờ mày vậy! Lát tao sẽ gửi liền co mày."

Đan Huy ở đầu bên kia đột nhiên nghĩ ra điều gì đó, "a" lên một tiếng rồi nói:

"Phải rồi, giấy khai sinh của mày thì sao? Ba mẹ mày ghi quê quán như thế nào? Rồi còn hộ khẩu nhà mày nữa?"

Kỷ đáp:

"Tao đã từng nghĩ tới cái này rồi. Nhưng nhớ lại trong giấy khai sinh của tao, quê quán của ba mẹ đều ghi là ở Hồ Chí Minh. Hai người vào đến đây năm chín mươi hai. Tao cho rằng khi ấy sự kiện sụp đổ của Liên Xô năm trước làm cho chính phủ lo lắng, trị an trở nên rối ren. Cũng không biết bằng cách nào ba mẹ lại có thể đăng kí hộ khẩu quê quán tại Sài Gòn này luôn. Bởi vậy, bó tay!"

"Được rồi, đành vậy", giọng Huy có vẻ còn thất vọng hơn cả Kỷ, "có thông tin gì tao sẽ gọi cho mày. Bye."

Kỷ nói lời tạm biệt rồi cúp máy. Hôm trước khi tìm thấy những bức hình cũ của mẹ anh, Kỷ đã lấy cuốn sổ tay của mình ghi chép lại những tìm kiếm của mình và vạch ra các bước tiếp theo. Sau khi tích dấu hoàn thành cho việc liên lạc với Đan Huy, Kỷ nhìn tới bước liền kề: xem lại toàn bộ chương trình ti vi hôm đó – chương trình có vũ điệu "Hạ Huyền Tiên Nữ".

Tối ấy Kỷ đã ráng nán lại thật lâu ở quán bún chả để chờ đợi xem tên chương trình, cuối cùng cũng đợi được khi nghe người dẫn nhắc lại tên chương trình: "Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi kì ba của chuỗi phóng sự 'Huyền bí cực Bắc' với chủ đề 'Giải trí và các lễ hội'. Phần 4 cũng là phần cuối sẽ đề cập đến tình hình kinh tế và phương thức sản xuất của người dân miền cực Bắc Tổ quốc. Mời các bạn theo dõi phần tiếp theo vào khung giờ này tuần sau. Hãy cùng chúng tôi khám phá sự bí ẩn của đồng bào cực Bắc nước Việt."

Sau một lúc tìm kiếm trên mạng, Kỷ đã tìm được đoạn phim chiếu lại chương trình tối đó. Đoạn phóng sự kéo dài chỉ hơn 31 phút, đến phút thứ 23, người ta giới thiệu về các điệu múa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc. Lần được điểm qua các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Đến phần giới thiệu về dân tộc Bố Y, một dân tộc có số dân cực ít thì sau khi điệu múa truyền thống tập thể của họ là đến đoạn phim làm Kỷ giật mình ngày đó. Kỷ tự hỏi phải chăng mẹ mình là người tộc Bố Y, nhưng bác bỏ ngày vì mẹ mình họ Nguyễn cơ mà! Vả lại trông mẹ có đầy đủ đặc điểm trên khuôn mặt để khẳng định bà là người tộc Việt. Vậy sao điệu múa cùng tiếng đàn kia lại xuất hiện trong phần của tộc Bố Y?

Kỷ chăm chú nhìn vào cô gái đang uyển chuyển đưa mình theo tiếng đàn bầu tạo thành điệu "Hạ Huyền Tiên Nữ". Đàn bầu? Rõ ràng đàn bầu thường chỉ được dùng bởi người Kinh thôi mà! Kì quái, Kỷ nhăn mặt, vẫn chăm chú nhìn cô gái. Cô có nước da rám khỏe, chẳng trắng như các người mẫu quảng cáo kem dướng da nhưng cảm giác thật mịn màng, đặc biệt là đôi tay mảnh khảnh chuyển động nhịp nhàng theo điệu múa càng làm toát lên sự thanh thoát của làn da. Khi ống kính phóng lại gần cô gái, lòng Kỷ đột nhiên xao động. Chẳng phải cô ấy xinh đẹp thật xuất sắc mặc dù không thể phủ định rằng sự sắp xếp những mắt, mũi, môi trên khuôn mặt trái xoan kia thật sự rất dễ nhìn. Kỷ xốn xang là bởi vì anh nhìn thấy mẹ mình trong từng động tác của cô gái đó. Lúc ở quán bún chả vì ngồi khá xa màn hình nên Kỷ không có cảm xúc như lúc này. Mỗi một cái đưa tay lên, hạ tay xuống, xoay người hay đá chân đều gợi nhắc lại cảnh mẹ mình khi xưa ở tại căn nhà này múa lên cho mình và ba xem. Nhưng mà cô ta không có vẻ nào giống người đồng bào Bố Y ngoại trừ bộ váy mặc trên người, và cả nước da khỏe khoắn. Cô ấy rất giống người Kinh!

Đoạn nhạc đệm cho điệu Hạ Tiên một lần nữa kéo Kỷ ngồi xem đến phần credits của tập phóng sự. Lần này Kỷ để ý đến từng dòng của đoạn credits.

"Điệu múa tại bản làng người đồng bào dân tộc Bố Y: Hạ Huyền Tiên Nữ

Trình bày: Nguyễn Vũ Ngưng

Đệm nhạc: Lâm Hùng"

Những dòng credits này thu hút toàn bộ sự chú ý của Kỷ. Anh vội vàng bấm tạm dừng đoạn phim và lấy sổ tay ghi mau cái tên cô gái và người đệm nhạc. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là điệu múa đoàn làm phim tặng cho đồng bào Bố Y và người múa là cô gái họ Nguyễn. Phải nói rằng họ Nguyễn là một cái họ cực kì đặc biệt ở đất Việt Nam vì đến gần một nửa người dân Việt Nam mang họ này. Một đám bạn cỡ chục đứa đi chung với nhau, thể nào cũng lọt vào hai, ba đứa cùng mang họ Nguyễn. Đặc biệt khi ở nước ngoài, hễ thấy ai có cái họ "Nguyen" mà bọn không học tiếng Việt không thể đọc được thì chắc chắn trăm phần trăm đó là người Việt Nam. Vì những lý do lịch sử, rất nhiều dòng họ đã đổi sang họ Nguyễn, bởi thế họ Nguyễn chỉ có thể là người Việt, hay nói cách khác là người Kinh. Kỷ chưa thấy trường hợp nào có họ Nguyễn mà là không phải người Kinh, nếu có thì cũng chỉ là con lai mang một nửa dòng máu Kinh.

Lấy số điện thoại của đài truyền hình, Kỷ gọi ngay trong trưa hôm đó cho họ. Sau khi năn nỉ ỉ ôi, anh chỉ có được e-mail của hai người trên vì nhà đài không được phép tiết lộ thông tin cá nhân khi không được phép. Vậy mà người ta vẫn rao bán thông tin đầy rẫy, Kỷ nghĩ một câu như vậy, nhưng rồi cũng không để ý nhiều. Anh thuộc dạng luôn có thể chấp nhận mọi thứ xảy ra với mình, có thể buồn bực, có thể đau khổ, nhưng anh chẳng trách ai. Như khi ba mẹ anh lần lượt nhắm mắt xuôi tay, Kỷ đã chạm đến đáy của cái vực đau khổ không đáy (đáy của thứ không đáy thì nó sâu đến chừng nào nhỉ?), nhưng anh cũng chẳng than trách số phận hay than trách ông trời, Kỷ tự mình chịu tổn thương và cũng tự mình chấp nhận là ba mẹ đã ra đi rồi, có tổn thương nữa hay có trách ai thì cũng không thay đổi được điều gì. Anh biết rằng cuộc sống luôn vận động, và mình cần phải sống tiếp. Dòng sông cuộc đời luôn chảy, mỗi con người là mỗi con thuyền di chuyển trên dòng sông ấy. Nếu ta không chèo thì nước vẫn đưa ta đi, nước vẫn vận động. Bởi thế khi biến cố xảy ra, con người mệt mỏi, muốn buông xuôi thì hãy để mái chèo xuống mà nghỉ ngơi, ăn miếng bánh uống miếng nước, rồi lại tiếp tục cầm chèo lên mà chống. Nếu không mà cứ vứt mái chèo đi, thả trôi theo dòng chảy cuộc đời thì đến một lúc ta chẳng thế định vị được bản thân đang ở đâu trong cuộc đời này, và rồi đến lúc nhìn thấy phía trước là con thác thì ta chẳng còn gì để mà lèo lái rẻ hướng. Kết cục không cần nói cũng biết. Có e-mail thì sẽ gửi e-mail vậy dù thời gian hồi âm chắc sẽ lâu, có khi người ta lại nghĩ mình gửi thư rác, bấm xóa một nút là công toi. Nhưng chẳng cách nào khác.

Dùng cả buổi trưa để viết hai cái e-mail gần giống nhau, đại khái hỏilàm sao họ biết được điệu múa và điệu nhạc Hạ Tiên rồi xin thông tin liên lạc đểKỷ có thể nói chuyện trực tiếp, bụng Kỷ sôi lên ùng ục vì cả buổi sáng anh cũngchưa ăn gì. Nhìn ra bầu trời mùa hè cao vợi trong xanh nhưng nắng gắt gỏng, Kỷchán nản quyết định ngủ một giấc đợi trời dịu nắng sẽ ra ngoài ăn. Anh cũng nênđi chợ nữa, không nên ăn ở ngoài mãi như thế này. Trước khi chìm vào giấc trưaoi ả, trong đầu Kỷ lặp đi lặp lại câu hỏi: Hành lý cần những gì?�

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro