Chương hai: Đăng trình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xung quanh chỉ toàn là gió và cát.

Biên độ nhiệt ở nơi này tương đối lớn, đặc biệt vào mùa hè như thế này, ban ngày khoảng ba lăm độ Celsius, đêm đến thì hạ xuống dưới hai mươi độ. Với một người sống ở khu vực quanh năm đều trên hai lăm độ thì hai mươi đã là quá sức. Lạnh. Và khô. Hai hồ nước trước mặt cứ như là tranh vẽ, rất đẹp nhưng dường như chẳng có tác dụng gửi chút độ ẩm nào theo gió.

Nhưng đó là cảm nhận của Ngô Kỷ sau khoảng một tháng nữa, còn hiện tại anh vẫn đang loay hoay với việc bảo vệ luận văn tốt nghiệp và chuẩn bị đồ đạc.

Luận văn thì anh đã hoàn thành xong, việc thuyết trình cũng chẳng quá khó với anh. Một đề tài mà anh thuộc nằm lòng: Văn học võ hiệp phản ảnh xã hội qua những mặt như thế nào. Có thể xem anh ăn nằm với những tiểu thuyết võ hiệp từ lúc có hứng thú đọc sách, rồi đến một ngày Kỷ nhận ra những tiểu thuyết này chẳng chỉ để miêu tả chuyện đánh nhau. Bắt đầu từ đó, niềm đam mê văn học nảy mầm trong anh. Một tác phẩm anh đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần đọc anh càng thấy xã hội hiện đại hiện ra trong những trang giấy về xã hội cổ đại. Những triết lý, quan niệm tồn tại muôn đời, những cách đối nhân xử thế, những nhức nhối tồn đọng. Anh hiểu ra rằng, chỉ cần có con người thì với bản tính của họ, những vấn đề đó sẽ luôn xảy ra: ân oán, tình yêu, lòng nhân ái, yêu nước, tham nhũng, đấu tranh, anh hùng, tiểu nhân, vân vân vê vê.

Đã rất nhiều lần Kỷ tự tay sáng tác tiểu thuyết võ hiệp cho Việt Nam, tổng cộng anh đã hoàn thành 4 truyện, đều không quá dài. Truyện đầu tiên anh sáng tác năm lớp mười một, mặc dù trình độ viết có lên tay qua từng truyện, Kỷ vẫn không hài lòng với bất kì truyện nào của anh. Một hôm Kỷ vô tình xem được một đoạn phim quảng cáo của một công ty du lịch, anh mới vỡ lẽ ra rằng những tác phẩm của anh viết còn thiếu một chút. Đó là tính phiêu lưu. Tính phiêu lưu chưa đủ để người ta có thể cảm nhận được sự rộng lớn của thế giới hay đủ sức để thuyết phục người ta bước chân ra khỏi cái nơi vốn dĩ họ đã cư ngụ biết bao năm mà nhìn thế giới. Anh tự hỏi rằng những tác giả nổi tiếng kia làm cách nào có thể sáng tạo đến thế, viết thuyết phục đến thể. Rồi anh chấp nhận rằng khả năng mình chưa được rèn luyện tốt bằng người và cho rằng cách tốt nhất để có thể truyền tình phiêu lưu vào những con chữ câu văn của mình chỉ có thể là chính mình trải nghiệm sự phiêu lưu đó. Mà anh sẽ dùng từ "phiêu bạt", bởi phiêu lưu là liều lĩnh, đối mặt với nguy hiểm, còn phiêu bạt là lang thang, là trôi dạt, nay đây mai đó nơi đất khách quê người, mà dưới con mắt của Kỷ thì nó còn lắm hiểm nguy hơn cả từ "phiêu lưu".

Vậy thì lần này tốt nghiệp xong, anh sẽ bắt đầu một cuộc hành trình phiêu bạt, để tự thân trải nghiệm, để nếm món ăn đa vị của xã hội, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hút hồn của thiên nhiên, để lắng nghe tiếng lòng của vạn vật, anh cũng mang theo hi vọng tìm hiểu được xuất thân của ba mẹ, tìm được người thân của mình. Một công tùm lum chuyện!

Vấn đề cần quan tâm là đây là lần đầu anh đi xa, mà nhất định phải đi bằng xe máy. Việt Nam có cái văn hóa đi phượt rất tuyệt vời. Bạn có thể đi du lịch bằng ô tô, xe khách, xe lửa, máy bay, nhưng cái thú chẳng thể nào bằng khi bạn đi bằng xe máy. Ngồi xe máy ta sẽ có tầm nhìn rộng nhất với cảnh vật trên đường. Nắng và gió. Mưa và bụi. Tất cả đều được cảm nhận toàn diện. Chiếc xe máy nhỏ nhắn có thể đỗ lại bên đường bất cứ lúc nào để nghỉ ngơi, để ngắm cảnh đẹp, để có những bức ảnh tuyệt mĩ. Ngô Kỷ phải tìm hiểu những thứ cần mua, vật dụng cần đem theo, tham khảo kinh nghiệm của những bạn kinh nghiệm phượt đầy mình chia sẽ trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Lại nói tới hai người biết được điệu nhạc vũ Hạ Tiên, hai ngày sau khi gửi e-mail cho bọn họ, Kỷ nhận được hồi âm của người nam gãy đàn bầu đệm nhạc tên Lâm Hùng. Trong thư Lâm Hùng trả lời ngắn gọn rằng anh là phụ trách mảng âm nhạc của đài truyền hình. Hôm đó nhìn thấy cô gái tên Vũ Ngưng múa trong phòng tập của đài, liền nhớ tới một phần trong kịch bản quay phóng sự là nhà đài sẽ có tiết mục văn nghệ tặng do bản làng người Bố Y, thành thử đã mời cô ấy tham gia. Thì ra Vũ Ngưng là thực tập sinh của đài truyền hình. Trùng hợp là theo Vũ Ngưng, điệu múa này phải có đàn bầu đệm nhạc, mà Lâm Hùng có biết gãy đàn bầu, nên Vũ Ngưng đã hướng dẫn anh gãy đàn và cùng biểu diễn với cô. Cảnh đó đã được hoàn thành xong từ ba tháng trước, hiện tại thì cô gái kia đã rời khỏi đài truyền hình. Lâm Hùng chỉ biết được nhiêu đó, còn về nguồn gốc điệu nhạc vũ như thế nào thì anh không biết, chỉ nghe Ngưng nói là mẹ cô dạy cho. Lâm Hùng còn để lại cho Kỷ số điện thoại lúc anh ta còn làm việc với Ngưng, hi vọng có thể giúp được cho Kỷ. Kỷ viết lại một e-mail cảm ơn sự nhiệt tình của Lâm Hùng rồi lập tức bấm số mà Lâm Hùng cung cấp, nhưng kết quả chỉ là "ò í e, số máy quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được".

Mẹ cô gái kia và mẹ mình có quan hệ gì? Mọi sự đều nằm trên cô gái ấy rồi, Kỷ thầm tính toán. Anh đã thử gọi lại số điện thoại kia vài lần những ngày sau đó nhưng vẫn "ò í e". Có thể cô ấy đổi số điện thoại rồi, nhưng chắc sẽ không đổi e-mail chứ! Chỉ còn cách đợi hồi âm của cô qua thư điện tử mà thôi, dù sao cũng nên chuẩn bị lên đường.

Trung tuần tháng Sáu, Kỷ đã hoàn thành xong việc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, chỉ còn đợi có kết quả trong hai tuần nữa là anh có thể yên tâm xuất phát. Qua một người bạn, Kỷ tậu được một con Dream Thái thuộc những đời cũ nhất nhưng trông vẫn còn rất ngon lành. Kỷ không có nhiều bạn khi anh lên đại học vì sự ra đi của ba mẹ đã làm anh hơi khép mình với xung quanh một chút. Đó là một người bạn cấp ba của anh, gia đình nó có cả một chuỗi đại lý xe máy, tìm một chiếc xe máy cũ, ngon và rẻ là chuyện quá dễ dàng. Với số tiền Kỷ kiếm được qua việc làm thêm trong bốn năm đại học, cùng tài sản để lại của ba mẹ, anh dư sức mua hơn chục chiếc xe đời mới nhất, xịn nhất. Tuy nhiên, là một con người luôn thích những giá trị cổ, Kỷ muốn có một chiếc xe xưa một chút, chạy tốc độ tàn tàn thôi, không cần quá nhanh để anh có thể chậm rãi mà hưởng thụ cảnh sắc trên đường.

Những ngày này, mỗi tối Kỷ đều đến một võ đường, chẳng phải để tập võ mà để lau dọn và nấu ăn có mọi người ở võ đường đấy. Võ đường Vệ Hoàng, cách nhà Kỷ hai cây số. Cách đây ba năm về trước, Kỷ tình cờ để ý thấy cái võ đường cũ kĩ này. Thật ra con đường ấy anh đã đi ngang biết bao nhiêu lần rồi, có thể nào không thấy nó? Nhưng thật sự đó là một võ đường với vẻ ngoài hết sức khiêm tốn, khiêm tốn đến mức người ta còn chẳng tin đó là cái cổng nhà của một ngôi nhà xập xệ nghèo nàn nữa là nói chi tới một võ đường, một địa điểm cần phải rộng rãi khang trang để võ sinh tập luyện. Cái cửa gỗ hai cánh kiểu cổ, hai mép có hai vòng sắt dùng để gõ hoặc kéo cửa, mang cái màu của gỗ mục lẫn màu của thời gian. Phía trên là một bức hoành phi rộng gần bằng lối vào, nền đen chữ vàng đã bị mất màu kha khá, viết bằng tiếng Tàu: Vệ Hoàng võ quán. Ngày ấy, Ngô Kỷ đã có biết cơ bản về tiếng Trung Quốc, anh cũng tìm hiểu những từ hay dùng trong các tiểu thuyết võ hiệp nên nhận biết được dòng chữ trên bức hoành phi. Tự hỏi rằng bao lâu nay đi ngang qua, nhìn thấy nó mà không có chút ấn tượng. Bỗng một ý nghĩ vụt qua cái đầu đầy ắp những ý tưởng lang bạc đó: "Muốn hành tẩu giang hồ thì cần phải biết võ công chứ!" Vây là chẳng cần nhiều lời, Kỷ trở thành môn sinh của võ sư Hoàng Phủ Lâm, chẳng màn đến cái cổng xập xệ mục nát kia.

Người xưa có câu rằng không nên đánh giá bất kì thứ gì qua vẻ bề ngoài của nó. Chẳng sai! Cái cổng ấy dẫn tới một lối đi dài và hẹp, ẩm mốc, cứ tưởng như địa đạo Củ Chi mà không cần ngồi chồm hổm hay bò để đi vậy. Chừng mười lăm giây sau, một sân tập rộng rãi, lộ thiên hiện ra trước mắt. Nó không quá rộng, nhưng ước chừng một trăm người chạy nhảy, quần ẩu cũng không thành vấn đề. Thì ra võ đường này đã có từ thời rất lâu, khi trước cả thời Quang Trung hoàng đế nổi danh đến tận chục năm. Khi ấy vùng này dưới trướng cai trị của chúa Nguyễn, võ đường được thành lập bởi các thị vệ lão làng trong phủ chúa nhằm đào tạo, cung cấp thị vệ chất lượng cao cho phủ chúa. Vì không phải dùng để luyện binh, nên võ đường chỉ cần đủ rộng để trăm người luyện quyền, còn khi tập thực chiến, cung tên, cưỡi ngựa thì thời đó đất rộng thú đầy, muốn thì cứ ra ngoài mà tiến hành luyện tập. Cái tên Vệ Hoàng cũng mang nghĩa bảo toàn sự an nguy của chúa. Sau này, khi thành Gia Định trở nên ngày càng đông đúc, dân cư xây nhà xung quang võ đường, người trong võ đường cũng chẳng còn quyền lực để ngăn dân, nên nhà dân đã bao vây lấy võ đường, khiến nó như chẳng tồn tại.

Tuy đã theo học được ba năm, nhưng có vẻ như số trời đã định cũng như Kỷ đã qua lứa tuổi tập võ nên tiến bộ của anh cực kì chậm chạp. Nửa năm đầu Kỷ còn cố gắng hết sức để tập luyện, nhưng anh cứ như một người gỗ mà phải làm động tác uốn dẻo. Thầy Lâm cũng kiên nhẫn dạy bảo anh, nhưng thực sự xương cốt của Kỷ đã dần cứng cáp, thành ra chẳng thể làm những động tác đặc thù. Dần dần, Kỷ dời từ sân tập xuống nhà bếp. Mỗi lần đến võ đường, anh nấu ăn là chủ yếu, tập võ cốt chỉ để rèn luyện thân thể khỏe mạnh thêm một xíu, như đi tập thể hình ở các phòng gym vậy, chứ còn đánh đấm thì đến tiểu sư đệ mười ba tuổi vô sau anh tận một năm anh còn đấu chẳng lại. Võ thuật của Vệ Hoàng, vì để chiến đấu bảo vệ an nguy của chúa Nguyễn, chủ yếu nghiên về thực chiến, lấy nhanh nhẹn, mạnh mẽ làm tâm pháp, một kích đách ngã địch hoặc bắt giữ, tránh đêm dài lắm mộng, có thể gây tổn hại đến chúa nếu sơ suất. Sư phụ của võ sư Hoàng Phủ Lâm nghe kể rằng ngày ấy cũng nổi danh một vùng Lục Tỉnh, đến cả những viên tướng nước Pháp cũng đến đàm đạo về võ thuật. Lại nói về chính Hoàng Phủ Lâm, có thể xem ông là chân truyền còn lại duy nhất của thầy ông. Những vị đồng môn khác đều đã hi sinh trên chiến trường, riêng ông được thầy căn dặn phải ở lại mà giữ võ đường, nên võ công của ông thật không thể chê vào đâu được. Thấy Kỷ một lòng muốn học võ, ông cũng nhiệt tình chỉ dạy. Nhưng tiếc là số trời chẳng cho Ngô Kỷ giỏi võ, nên ông đành để anh làm võ sư nơi bếp vậy.

Gần đây Kỷ đã báo với thầy và các đồng môn về kế hoạch chu du cũng như tìm người thân của mình. So với những đồng môn cùng lứa, có lẽ Kỷ là người nhập môn trễ nhất, nhưng ba năm tình cảm cũng thật là sâu đậm. Huống chi Kỷ có khiếu nấu ăn, anh đi rồi thì võ đường sẽ quạnh hiu xứ bếp, sẽ chẳng có món ngon mà dùng, nên nghe tin ấy mọi người đều buồn. Bởi vậy, thầy phạt anh là từ giờ cho đến lúc xuất phát phải đến võ đường thường xuyên hơn, nấu thật nhiều món ngon để mọi người thưởng thức. Bên cạnh đó, thầy anh biết anh đi một mình, nên trên đường sợ rằng gặp lũ lưu manh hay cướp đường nên đã đích thân chỉ cho Kỷ những ngón đòn tự vệ, phản công đơn giản mà hiệu quả, chẳng cần động quá nhiều xương cốt.

Một người mà không thể không nhắc tới trước khi Ngô Kỷ lên đường, đó là Ngọc Trâm. Từ hôm gặp mặt nói chuyện ở trường đại học, Kỷ đã xác định rằng mình sẽ một mình đi, sẽ đi bằng bất cứ giá nào dù không có Trâm. Sau cú điện thoại của cô mà anh không bắt máy, hôm sau, Kỷ gọi lại cho cô. Trong điện thoại, Trâm xin lỗi vì hôm trước đã nặng lời với anh, đã không tôn trọng anh. Trâm hỏi rằng Kỷ có muốn suy nghĩ lại chuyện rời xa cô để đi đây đó không. Rốt cuộc giờ Kỷ đã hiểu, Trâm vốn chẳng hiểu con người anh, chẳng thể nào hiểu nổi giấc mơ của anh. Sau một hồi dằn vặt, Kỷ vẫn dứt khoát nói rằng anh vẫn sẽ đi dù có bất cứ giá nào. Cũng thật kì lạ, con người ta có thể trải qua vui buồn cùng nhau biết bao năm, để rồi một ngày nhận ra những vui buồn kia chẳng làm ta hiểu rõ nhau hơn. Mỗi con người đều là đặc biệt, là duy nhất, ai cũng muốn có người sẽ thấu hiểu sự duy nhất của mình. Kỷ hiểu rằng dù cho cố gắng để tiếp tục ở bên nhau thì cả hai sẽ không còn vui vẻ như xưa nữa, và sự gượng ép này luôn dẫn đến một kết cục của sự kết thúc. Thôi thì cứ để nó kết thúc sớm. Cô ấy sẽ sớm tìm được người cô ấy có thể hiểu được và có thể hiểu cô ấy. Cả Kỷ cũng sẽ thế. Cuộc đời luôn vận động và biến chuyển mà. Mọi thứ rồi sẽ tốt thôi, anh tự nhủ.

Thời tiết tháng sáu là một sự mâu thuẫn lớn. Vào lúc sáng sớm, bầu trời trong xanh nhàn nhạt như ngọc thạch không gợn một vầng mây, khiến người ta có cảm giác thời tiết hôm nay sẽ rất đẹp, đúng là một màu trời tuyệt vời để bắt đầu một ngày mới. Sau khi mặt trời qua khỏi thiên đỉnh, chẳng biết có phải nhờ sức mạnh của Thủy Tinh hay không, nhưng chỉ trong vài hơi thở, mây xám mây đen lũ lượt kéo về từ hướng Tây Nam, lại cứ tưởng tượng như thiên binh thiên tướng cưỡi mây tụ lại để đối phó với con khỉ đá Tôn Ngộ Không. Mưa rào rào đổ xuống. Sài Gòn thì biết rồi, mưa to thì sẽ ngập đường, chẳng khác nào đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng bên ngoài mưa cứ mưa, người trong nhà nóng cứ nóng. Xem chừng cơn mưa càng làm tăng thêm cái nóng của cái mùa này.

Loay hoay trong căn nhà nhỏ ở góc hẻm, mồ hôi Kỷ nhễ nhại tuôn ra cùng với cơn mưa bên ngoài. Anh đang kiểm tra lại lần cuối những đồ cần thiết mang theo trong chuyến đi lần này. Anh di chuyển bằng xe máy nên không thể mang theo quá nhiều đồ đạc, chỉ đem vài ba bộ quần áo, công cụ vệ sinh cá nhân, ba cuốn sách cùng cái máy tính xách tay và vài thứ linh tinh cần thiết khác. Gần một tháng nay phía Đan Huy ngoài Hà Nội vẫn chưa có tin tức gì có vẻ khả quan, nghe bảo sau đợt nghị quyết về an toàn thông tin quốc gia vì một vụ lùm xùm, muốn truy cập vào khối dữ liệu đó cần phải thông qua những cơ quan cấp cao hơn và phải có người uy tín đứng ra bảo đám bí mật quốc gia. Đan Huy đang nhờ ba anh để thông qua các thủ tục, nhưng sẽ mất thêm thời gian. Thông tin đó không làm Kỷ chán nản, anh cũng đang cần thời gian để du lịch một phen. Ngô Kỷ tin rằng ông trời đã cho mình thấy được điệu múa của ba mẹ thì ông ấy sẽ giúp anh tìm được người thân thôi. Gần một tháng qua, ở võ đường Kỷ đã học được không ít chiêu võ thực dụng từ thầy, cũng bỏ ra không ít công sức để nấu ăn cho các sư huynh đệ trong môn. Ngày cuối cùng Kỷ ở võ đường, mọi người đều bùi ngùi không nỡ xa anh. Dù biết bây giờ kĩ thuật hiện đại, muốn liên lạc hay gặp nhau chẳng phải khó, Kỷ cũng sẽ trở lại vào một ngày không xa, nhưng giờ phút chia ly luôn là một thời điểm gây buồn, sau này gặp lại, hai phía đều đã khác nhiều so với lúc chia ly. Vì ta ở bên nhau, nên rất khó nhận ra sự thay đổi, nhưng khi xa nhau rồi, khi gặp lại, thật khó để thích nghi với sự khác biệt ở mỗi người. Chẳng phải ngày tốt nghiệp cấp ba, mọi người đều biết sẽ dễ dàng hẹn gặp nhau mà vẫn khóc như trẻ con bị giành kẹo hay sao?

Ngày hôm trước, giảng viên hướng dẫn luận văn đã báo rằng Ngô Kỷ đã hoàn thành khá tốt trong buổi bảo vệ và đã được xét tốt nghiệp đại học, một tháng nữa sẽ được cấp bằng cử nhân. Lẽ nào Kỷ sẽ ngồi yên một tháng để lấy cái bằng kia hay sao? Thế là chẳng băn khoăn nhiều, Kỷ cuốn gói sẵn sàng lên đường. Kiểm tra lại đồ đạc lần cuối xong, Kỷ thở dài ra một hơi, lau mồ hôi đã ướt khắp khuôn mặt. Cuối cùng, ngày mai tới, mình sẽ bắt đầu chuyến đi của cuộc đời, sẽ đi tìm người thân của ba và mẹ. Đứng tư thế chống nạnh, nhìn ra ngoài trời đang mưa tầm mưa tã, Ngô Kỷ biết rằng đường đi sắp tới sẽ thật khó khăn đây. Chắc chắn là sẽ gặp rất nhiều sóng gió mưa bão. Đến ngày xuất phát, sau này đọc được ở cuốn nhật ký hành trình của Kỷ một đoạn như thế này:

"Hai tám tháng Sáu, năm 2016.

Khởi hành từ lúc tờ mờ sáng, đã ra khỏi thành phố vào lúc trời chưa sáng hẳn. Con chiến mã này cũng không tồi lắm. Chạy một hơi mấy nghìn dặm ra đến vùng Phan Thiết, cũng nên ghé khách điếm nghỉ ngơi, mai sẽ đi thăm thú nơi này. Đây là ngày đầu tiên ta bước chân ra giang hồ. Khi xuất môn, sư phụ có dặn ta giang hồ hiểm ác, võ công ta lại không cao, cần chú ý quan sát, đánh được thì đánh, đánh không lại thì chạy. Anh hùng không phải là liều mạng. Ngày đầu cuộc hành trình khá là bình yên, ta hiện đang trú lại một khách điếm nhỏ ven bờ biển, ngày mai ta sẽ tập làm ngư dân xem sao. Ta bỗng nhớ đến một bài thơ, thật hợp với tâm trạng ta lúc này:

Đêm đêm ta dõi mấy tầng cao
Tìm một không gian mới lạ nào
Lấp lánh Quê Trời thơ hẹn bến
Giam mình Quê Đất mãi hay sao.

Nhân loại ra đi chẳng một lần
Hợp tan nào khác mảnh phù vân
Trên đà tốc độ siêu quang ấy
Một chuyến đăng trình một hóa thân.

(Vũ Hoàng Chương)

Ta chẳng chịu giam mình ở mãi một nơi đâu. Giang hồ rộng lớn. Đi một bước là học được một bồ. Một chuyến đăng trình một hóa thân mà"


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro