Chương 2: Kỷ Hoành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Fang Ying

Chỉnh sửa: Mỹ Liebert

...............

Sau nghi thức chào đón ba quân tướng sĩ khải hoàn về Kinh, Hoàng Đế cùng bá quan văn võ di chuyển vào trong chính điện.

Đế Vương bước lên bậc thang, đến bên cạnh long ỷ, ngồi xuống.

Quần thần trong triều ngay lập tức quỳ xuống hành lễ: "Ngô hoàng vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!"

"Bình thân!" Đế Vương lên tiếng, giọng nói tuy thong thả nhưng vẫn mang theo một cỗ nội lực mạnh mẽ trầm ổn, phong thái không giận mà uy.

"Tạ ơn Hoàng Thượng!"

Hoàng Đế ngồi trên ngai vàng, ngài hạ mắt nhìn xuống triều thần bên dưới. Đôi mắt của Đế Vương âm trầm tựa như đang suy tư gì đó. Ngón tay ngài khẽ vuốt ve đầu rồng được chạm khắc tỉ mỉ trên long ỷ.

Bá quan văn võ đứng phía dưới đều cúi thấp đầu, ngay cả thở cũng không dám thở mạnh.

Đế Vương đang suy nghĩ gì, họ không dám đoán, mà có đoán được thì cũng không dám để lộ ra ngoài.

Không một thần tử nào dám suy đoán tâm tư của quân chủ cả, trừ khi là không muốn tiếp tục sống.

Nhất thời, không khí trong chính điện trở nên thật yên tĩnh.

Ánh nhìn của Hoàng Đế lướt nhanh qua từng người, sau cùng dừng lại trên thân thể của thiếu niên mặc giáp sắt đang đứng giữa chính điện - Kỷ Hoành.

Vị trí này gần như là đối diện với vị Thiên Tử đang ngồi trên ngai vàng, cũng là vị trí giúp cho Hoàng Đế quan sát thần tử của mình một cách rõ ràng nhất.

Kỷ Hoành đứng ở giữa cung điện, y cảm nhận được ánh mắt đang quan sát bản thân của Hoàng Đế một cách rõ ràng.

Tuy vậy trái tim Kỷ Hoành vẫn vững chãi không sợ, tư thế đứng vẫn nghiêm chỉnh không run, lưng thẳng tắp.

Dáng vẻ của y vừa mang theo sự bất khuất của một vị tướng quân đang rong ruổi trên sa trường, vừa mang theo ngạo khí của một thiếu niên mười chín tuổi.

Quả thật là tướng mạo đường đường, phong thái ngút trời!

Hoàng Đế chậm rãi quan sát Kỷ Hoành từ trên xuống dưới.

Thiếu niên này cho dù có đứng ở đâu thì cũng chính là "nhân trung long phượng".

Với trí tuệ cùng tài năng của bản thân, dù cho y có theo văn hay theo võ thì đều đạt được những thành tựu khiến người ta phải ngước nhìn.

Người này nếu như làm quan thì chính là một vị hiền tài của đất nước này.

Có Đế Vương nào lại không yêu thích hiền tài chứ? Trước mắt có sẵn một người hiền tài như vậy, đúng là cầu còn không được!

Nhưng cố tình, người này lại là con cháu của Kỷ gia!

Nghĩ đến đây, Đế Vương khẽ chau mày, ngón tay đang gõ trên đầu rồng vẫn nhịp nhàng theo quy luật.

Ngài đối với Kỷ gia chính là vừa yêu vừa hận!

Yêu là vì Kỷ gia có thể giúp ngài bảo vệ quốc gia cùng con dân của ngài.

Kỷ gia chính là "định hải thần châm" của vương triều Đại Thịnh này!

Quân đội do người Kỷ gia chỉ huy gần như chiếm được sự tin tưởng tuyệt đối từ bá quan văn võ cùng dân chúng của đất nước này.

Quan trọng hơn cả, tướng lãnh của Kỷ gia luôn là mối đe dọa đối với giặc ngoại bang. Khi nào Kỷ gia còn thống lĩnh quân đội, thì ngoại bang sẽ không dám nhòm ngó đến một tất đất của Đại Thịnh.

Mà cái sự uy danh lẫy lừng này của Kỷ gia cũng chính là thứ mà Hoàng Đế bận tâm nhất!

Không có một vị Đế Vương nào lại muốn uy danh của bản thân thấp hơn thần tử của mình cả.

Vậy mà gần đây, địa vị của Kỷ gia trong lòng bách tính lẫn bá quan văn võ còn có trọng lượng hơn cả Đế Vương là ngài đây!

Không biết từ khi nào, Kỷ gia đã bị gán cho cái danh "công cao chấn chủ".

Đối với một vị Hoàng Đế, bốn chữ "công cao chấn chủ" chính là một điều đại kị.

Đã là đại kị, vậy thì phải ra tay diệt trừ!

Mà phương châm của các đời Hoàng Đế đều là nhổ cỏ phải nhổ tận gốc!

Những suy nghĩ ấy chỉ thoáng qua rất nhanh. Hoàng Đế nhắm mắt lại để che đi sát khí của mình, ngón tay đang gõ nhẹ cùng dừng lại, khi mở mắt ra chỉ còn lại vẻ vui mừng của một vi quân chủ khi nhìn thấy tướng tài của mình khải hoàn về dinh.

"Lần này đại thắng trở về, các khanh đã lập được công lớn. Trẫm cùng các đại thần trong triều đều cực kì vui mừng.

Đặc biệt là Kỷ Tiết Soái, Trẫm có lời khen ngợi đặc biệt đối với khanh.

Tuy niên kỷ của khanh còn trẻ, nhưng tài giỏi không thua kém những thế hệ trước của Kỷ gia, thậm chí là so với tổ phụ và phụ thân của khanh còn vượt trội hơn. Đúng là Trường Giang sóng sau xô sóng trước. Nhân tài tầng tầng lớp lớp của Kỷ gia cứ lần lượt xuất hiện thật sự khiến trẫm và giang sơn Đại Thịnh yên tâm.

Lần này công lớn nhất chính là của khanh. Trẫm sẽ trọng thưởng cho khanh.

Trẫm cho Kỷ khanh tự chọn phần thưởng cho mình, hoàng kim vạn lượng hay thăng quan tiến chức, Trẫm đều sẽ đáp ứng!"

Hoàng Đế nhìn Kỷ Hoành với vẻ mặt đầy sự ôn nhu nhẹ nhàng như một vị trưởng bối đang nhìn hài tử của mình đạt được một thành tựu quý giá vậy.

Kỷ Hoành chắp hai tay lại, cúi người nói: "Ra trận giết giặc để bảo vệ Đại Thịnh là trách nhiệm của thần. Thần không dám tự nhận bản thân có công lớn nhất. Trận chiến lần này tất cả tướng sĩ đều có công lao rất lớn, nếu chỉ có một mình thần thì sẽ không thể đánh thắng giặc ngoại xâm. Được Hoàng Thượng tin tưởng và trọng dụng là vinh hạnh của thần. Hoàng Thượng thưởng cho thần thứ gì thì thần sẽ nhận thứ đó, thần không dám đòi hỏi gì cả."

Lời nói dõng dạc, không run không sợ, biết khiêm tốn nhún nhường, quả thật là khiến người nghe dễ chịu!

Hoàng Đế trên long ỷ nghe được thì cười lớn: "Kỷ khanh quả nhiên là tri thư đạt lễ. Tuổi còn trẻ mà đã biết khiêm nhường, không tự cao tự đại. Trẫm quả nhiên không nhìn lầm người mà. Lời hứa trọng thưởng này, Trẫm sẽ giữ. Năm ngày sau trong cung sẽ mở tiệc chiêu đãi các tướng sĩ, đến khi đó khanh đưa ra quyết định vẫn không muộn. Nhớ đừng khiến cho Trẫm phải thất vọng!"

Kỷ Hoành không thể làm gì hơn là cúi đầu tạ ơn: "Thần tạ ơn Hoàng Thượng!"

"Được rồi. Nếu hôm nay không còn ai dâng tấu, vậy thì bãi triều đi!" Hoàng Đế phất tay áo đứng lên rời đi. Khi xoay người đi, long nhan của Thiên Tử vẫn đại duyệt, nhưng trong lòng ngài đang nghĩ gì thì không ai biết được.

Kỷ Hoành cùng với bá quan văn võ sau khi cung tiễn Đế Vương liền rời khỏi Hoàng Cung.

Trên đường từ chính điện tới cổng Hoàng Cung, Kỷ Hoành nhận được rất nhiều lời chúc mừng cũng như lời khen ngợi của những vị đại thần đi cùng.

Người nào đối mặt với y cũng là bộ dáng tươi cười, mở miệng đều là lời khen bay bổng.

Cho dù hiện tại Kỷ Hoành chính là Tiết Soái người người kính ngưỡng, nhưng thật ra y chỉ là một thiếu niên mới mười chín tuổi. Hơn nữa thời gian vào triều của y cũng không dài, vậy nên nhưng cách đối nhân xử thế giữa các vị quan lại với nhau thì Kỷ Hoành đều cảm thấy lạ lẫm.

Một năm trước khi Chân Lạc xâm lược Đại Thịnh, Kỷ Hoành đã đạt danh hiệu Võ Trạng Nguyên, thành tích thi của y k
bỏ xa người đứng thứ hai cả mấy con phố.  Khi đó Kỷ Hoành chính là thiếu niên anh tài được người người mến mộ.

Trận thi đấu chung kết hôm ấy, tất cả các võ sinh phải đấu trên lôi đài trong Hoàng Cung, trước sự chứng kiến của Hoàng Đế cùng bá quan văn võ.

Vì vậy danh hiệu Võ Trạng Nguyên của Kỷ Hoành không phải nhờ gia tộc mới có, mà nó được Đế Vương cùng toàn bộ đại thần trong triều thừa nhận.

Khi đó Hoàng Đế ngay lập tức phong Kỷ Hoành là Võ Trạng Nguyên, sau đó ban cho y một chức quan cửu phẩm trong quân doanh.

Theo như quy định từ xưa đến nay, chỉ những quan lại có chức quan từ chính tam phẩm trở lên mới được vào triều để dâng tấu.

Vậy nên thời gian ban đầu làm quan, Kỷ Hoành cũng chưa có cơ hội mà vào triều để diện kiến Hoàng Đế.

Trong một năm phục vụ tại quân doanh, y đã từ từ chứng minh năng lực của bản thân bằng tài năng cũng như thiên phú cầm quân đánh giặc của mình, khiến cho người khác ngưỡng mộ cùng thán phục.

Chính vì vậy chỉ chưa tới một năm mà Kỷ Hoành từ một võ quan cửu phẩm đã thăng lên hàng thất phẩm.

Việc này khiến cho người khác phải ghen tị đến đỏ mắt. Cũng từ đó mà xuất hiện một vài lời đàm tiếu về nhân phẩm của Kỷ Hoành.

Kỷ Hoành không quan tâm, y cũng  không hề tự cao tự đại, mà còn cố gắng trau dồi bản thân để trở nên tốt hơn, để không phụ lại những gì mình đang có.

Thời gian sau đó, y vẫn luôn nỗ lực dùng những kiến thức về binh pháp mà bản thân đã học được trước đó để nâng cao sức mạnh của quân đội Đại Thịnh. Đồng thời y còn đựa trên địa lý của từng vùng, cũng như đặc điểm chiến đấu của các tộc ngoại bang mà viết ra những chiến lược cùng kế sách đánh giặc khác nhau.

Những chiến lược của y đã được dâng cho Hoàng Đế trên danh nghĩa của Kỷ gia, và nó được ban bố rộng rãi.

Nhờ đó mà năng lực chiến đấu của quân đội ở từng vùng khác nhau cũng như đội quân chủ lực của Đại Thịnh đã tăng lên rất nhiều.

Hơn nữa, một trong những kế sách của Kỷ Hoành đã từng cứu được hơn mười vạn tướng sĩ Đại Thịnh rơi vào bẫy của quân Chân Lạc trong giai đoạn kháng chiến ban đầu.

Tuy rằng sau trận chiến đó đã khiến cho Kỷ Minh, phụ thân của y, bị trọng thương phải trở về Kinh Thành, nhưng cũng nhờ đó mà những vị tướng lãnh chủ chốt khác trong quân doanh khi đó đã đề bạc y với Hoàng Đế, cho y làm người lãnh đạo bọn họ đánh giặc.

Cũng vì vậy, Kỷ Hoành từ quan thất phẩm một bước trở thành Đại Tướng quân nhất phẩm đương triều, được giữ chức Tiết Độ Sứ, nắm giữ binh quyền, chỉ huy hơn năm mươi vạn đại quân đi đánh giặc.

Khi ấy một thiếu niên chỉ mới mười lăm mười sáu tuổi đã được giữ chức quan nhất phẩm cao như vậy, hơn nữa người này còn nắm trong tay binh quyền quan trọng nhất của Đại Thịnh, nên tuy rằng Kỷ Hoành là người của Kỷ gia, cũng như là một Võ Trạng Nguyên, nhưng vẫn bị người khác nghi ngờ cùng đàm tiếu.

Lúc đó, ai cũng đã nghĩ Hoàng Đế có phải bị che mắt rồi hay không!

Nhưng Kỷ Hoành đã dùng trận chiến tại đầm Nguyệt Quang để chứng minh rằng thực lực của y là thật, và Hoàng Đế cũng không phải bị mờ mắt!

Hiện tại, không một người nào dám nghi ngờ thực lực của Kỷ Tiết Soái nữa!

Cũng chính vì những sự kiện trên nên tính đến hiện tại dù Kỷ Hoành đã là một quan viên nhất phẩm, nhưng ngoại trừ lần trở thành Võ Trạng Nguyên, cùng với ba năm trước đây phải vào cung diện Thánh để nhận binh quyền, thì hôm nay chỉ mới là lần thứ ba mà Kỷ Hoành vào triều.

Vì thế y không biết phải đáp lại những lời khen ngợi của các đại thần khác như thế nào.

Kỷ Hoành chỉ có thể cứng ngắc mà đáp lễ bằng mấy câu như: "Đa tạ", "Quá khen rồi", "Thật khách sáo",..... với những người đang bắt chuyện với y.

Kỷ Tiết Soái vốn dĩ đang rất ngầu bỗng nhiên cứng đờ ngơ ngác, biểu tình tuy vẫn lạnh lùng nhưng ánh mắt lại như muốn kêu cứu, khiến cho mấy vị tướng lĩnh đi theo sau y nhịn cười cực khổ.

Tiết Soái của bọn họ khi cầm binh đánh giặc thì rất oai phong, nhưng những lúc bình thường lại có chút ngơ ngác thành thật. Trong quân doanh y thường xuyên bị những tiền bối lớn tuổi hơn mình chọc ghẹo không biết bao nhiêu lần vì cái sự ngơ ngác của mình.

Nhưng thật ra nếu là người quen biết Kỷ Hoành lâu năm đều biết, nếu như ngươi là người quen thân của y, hoặc là ngươi có thể tạo cho y một cảm giác an toàn, thì ngươi hoàn toàn có khả năng bị cái miệng nhỏ này của Kỷ Hoành làm cho tức chết!

"Được rồi! Mấy quan văn các ông vẫn dài dòng như năm nào vậy! Mau giải tán hết đi, ai về nhà nấy! Đứa nhỏ này còn phải về nhà dưỡng thương nữa! Mấy ngày sau vào cung dự tiệc vẫn còn thời gian cho các ông nói chuyện. Vậy nhé, tạm biệt!" Lý Quân tiến lên kéo Kỷ Hoành ra sau lưng mình, rồi ông đưa tay ra xua xua mấy vị đại thần khác như xua ruồi.

Động tác của ông khiến cho những người kia tức đến vểnh râu!

Lý Quân cũng mặc kệ bọn họ, ông nhanh chóng kéo Kỷ Hoành ra khỏi Hoàng Cung.

"Chắc giờ này phụ thân của con đang đợi ở phủ rồi, con mau về đi. Hôm nay cũng là ngày giỗ của mẫu thân con. Về đến nơi thì thắp cho bà ấy một nén nhang, báo cho bà ấy biết con đã khải hoàn trở về rồi. Mẫu thân con mà biết thì sẽ rất vui." Lý Quân vỗ vỗ bả vai của Kỷ Hoành.

"Dạ vâng." Kỷ Hoành gật nhẹ đầu với Lý Quân, "Nghĩa phụ cũng sớm về phủ đi, chắc là nghĩa mẫu với tiểu đệ tiểu muội cũng đang đợi người đấy."

"Được rồi, về đi. Vài hôm nữa sang bên ta ăn cơm của nghĩa mẫu con nấu. Ba năm không gặp, chắc nàng ấy cũng nhớ con lắm đấy!" Lý Quân đỡ Kỷ Hoành lên lưng ngựa, rồi nhìn theo bóng lưng y rời đi, cho đến khi khuất tầm mắt thì ông mới cưỡi ngựa về phủ.

Lý Quân vừa cưỡi ngựa vừa suy nghĩ, nghĩa tử Kỷ Hoành này thật khiến ông lo lắng.

Đứa nhỏ này có tuổi thơ không mấy trọn vẹn.

Ngày y ra đời, cũng là ngày mà mẫu thân y rời xa nhân thế vì khó sinh.

Phụ thân Kỷ Minh cùng mẫu thân Vương Nguyệt Liên của Kỷ Hoành là thanh mai trúc mã, từ nhỏ hai người đã có tình cảm với nhau. Năm Kỷ Minh mười chín tuổi đã cưới Vương Nguyệt Liên làm chính thê.

Đại hôn hai người vừa qua nửa năm thì Vương Nguyệt Liên có tin vui. Hai phu thê đều vui mừng mà chuẩn bị đón đứa con đầu lòng sắp chào đời.

Nào ngờ ngày vui lại chóng tàn.

Ngày đứa bé chào đời, lại là ngày Kỷ Minh mất đi thê tử se tơ kết tóc của mình.

Thê tử mình yêu thương lại qua đời vì khó sinh, vậy nên cho dù Kỷ Hoành là con trai của hai người, Kỷ Minh vẫn luôn có phần trách cứ y đã hại mẹ của mình.

Tình cảm cha con giữa hai người vì thế cũng nhạt nhòa lạnh lẽo.

Hai năm sau, phụ thân Kỷ Hoành cưới Nhị phu nhân vào cửa. Nhị phu nhân này rất biết tranh đấu, một năm sau khi gả cho Kỷ Minh liền sinh cho ông một đôi long phượng thai. Hai đứa nhỏ này vừa chào đời liền được Kỷ Minh hết sức cưng chiều cùng quan tâm.

Vậy nên vốn dĩ Kỷ Hoành đã không được cha thương yêu, nay lại dần dần bị cha lãng quên.

May mắn là những năm đó tổ phụ Kỷ Thịnh của y vẫn còn tại thế. Ông đã thương yêu chăm sóc Kỷ Hoành rất nhiều.

Kỷ Thịnh đã dạy cho y đọc sách, viết chữ, luyện võ, đọc binh thư.

Có thể nói, Kỷ Hoành trở nên tài giỏi như hiện giờ, công lao của tổ phụ y còn nhiều hơn cha của y.

Mặc dù Kỷ Thịnh đã nhiều lần khuyên Kỷ Minh hãy hóa giải gút mắc với Kỷ Hoành, nhưng tính tình cố chấp cùng với tình yêu dành cho thê tử quá cố của Kỷ Minh khiến cho ông không cách nào làm lành với con trai trưởng của mình.

Kỷ Thịnh thấy vậy cũng đành thôi. Con trai đã cố chấp như vậy, có khuyên ngủ nó cũng không nghe, không chừng còn khiến mối quan hệ giữa hai cha con nhà nó càng xấu thêm.

Kỷ Thịnh không khuyên được con mình, nên ông chỉ có thế thay Kỷ Minh làm tròn bổn phận của một người cha.

Đến năm Kỷ Hoành mười tuổi, tổ phụ qua đời, y liền trở thành một đứa nhỏ mồ côi mẹ, cha không thương, mẹ kế cùng em trai em gái thì rắp tâm hãm hại.

Vốn dĩ hai cha con đã có mâu thuẫn với nhau, hiện tại Kỷ Hoành không còn tổ phụ bảo vệ nữa, Nhị phu nhân thì hằng đêm đều thổi gió bên gối Kỷ Minh những lời lẽ không hay đối với Kỷ Hoành, khiến cho Kỷ Minh lại càng ghét Kỷ Hoành hơn lúc xưa.

Một mình Nhị phu nhân vẫn chưa đủ, ngay cả hai đứa con của bà ta cũng đè Kỷ Hoành ra mà ăn hiếp. Hai đứa nhỏ thường xuyên tìm cách hãm hại Kỷ Hoành, sau đó lại đi khóc lóc với phụ thân là Kỷ Hoành hại bọn chúng.

Khi một sự việc gì đó xảy ra, so với đứa nhỏ im lặng không lên tiếng, thì người lớn lại tình nguyện tin tưởng đứa nhỏ đang khóc lóc đến nức nở hơn.

Kỷ Hoành khi nhỏ thường xuyên bị trách phạt oan uổng như vậy. Mỗi lần bị trách phạt thì y cũng chỉ im lặng mà không lên tiếng giải thích.

Bởi vì có nói cũng không ai tin.

Cũng chính vì cái tính tình này của y càng làm cho Kỷ Minh thêm ghét bỏ.

Một đứa bé nho nhỏ chỉ mới mười tuổi lại phải ngày ngày đấu trí đấu dũng với mẹ kế cùng mấy đứa con cùng cha khác mẹ. Lúc nào cũng phải đề phòng bản thân bị vu oan hãm hại, mỗi ngày lại phải chịu sự trách phạt vô căn cứ của Kỷ Minh, khiến cho cuộc sống những ngày đầu sau khi tổ phụ qua đời của Kỷ Hoành tựa như địa ngục.

Sau này khi Lý Quân trở về từ chiến trường đã đến tìm Kỷ Minh để uống rượu thì nhìn thấy tình cảnh của Kỷ Hoành.

Chính ông đã giúp y thoát khỏi cuộc sống địa ngục khi ấy.

Lý Quân khi ấy đã cãi vả một trận rất lớn với Kỷ Minh.

"Não của ngươi đều dành để đọc binh thư hết rồi đúng không? Mấy cái binh pháp như thiên thư kia ngươi đọc qua liền hiểu, vậy tại sao ai sai ai đúng ngươi lại nhìn không ra vậy? Ngươi ra ngoài làm Tiết Soái thì oai phong lắm, về nhà lại bị một nữ nhân cùng hai đứa con nít dắt mũi mà cũng không nhận ra! Hay vốn dĩ ngươi biết tất cả, chỉ là cố tình không nhận ra thôi? Ngươi làm như vậy, không sợ tiên phu nhân sẽ trách ngươi à? Ngươi làm ta quá thật vọng rồi!"

"Chuyện nhà của ta, không đến lượt ngươi quan tâm!" Kỷ Minh đen mặt.

"Được lắm! Vậy bây giờ ta nhận Kỷ Hoành làm nghĩa tử của ta, thế thì ta can thiệp được rồi đúng không?" Lý Quân nói xong liền ôm Tiểu Kỷ Hoành vào lòng muốn đi ra ngoài.

"Lý Quân ngươi đừng không biết lý lẽ như vậy! Ngươi muốn đưa tên nghịch tử đó đi đâu?" Kỷ Minh đuổi theo.

"Người không biết lý lẽ chính là ngươi! Ngươi không thấy con trai của ngươi bị ngươi đánh đến sắp chết rồi hay sao? Không đưa nó đi tìm đại phu, chẳng lẽ để nó cứ quỳ đó rồi chết à? Ngươi mau về quản lại Nhị phu nhân cùng hai đứa con của ngươi đi. Hơn nữa Kỷ Tiết Soái cứ yên tâm, lão tử đây không có hại con của ngài đâu!"

Sau ngày hôm đó, Kỷ Hoành tự nhiên có thêm một nghĩa phụ, hơn nữa có lẽ những lời của Lý Quân có đả động một chút đến Kỷ Minh, nên những ngày sau đó ông cũng không còn vô cớ trách phạt Kỷ Hoành nữa.

Nhưng quan hệ giữa hai người lại càng xa cách hơn xưa.

Nhị phu nhân cùng hai đứa con của bà ta có lẽ cũng đã bị khiển trách nên không dám tiếp tục hãm hại Kỷ Hoành.

Đứa nhỏ Kỷ Hoành này không bị người khác làm phiền nữa liền ngày ngày trau dồi binh pháp, luyện tập võ công. Bên cạnh đó, nghĩa phụ Lý Quân của y còn dạy thêm cho y cách đánh cờ, nghĩa mẫu còn dạy y thêm đánh đàn cùng vẽ tranh. Kỷ Hoành tiếp thu rất nhanh, chỉ trong vài năm đã trò giỏi hơn thầy.

Y dần dần trở thành một thiếu niên văn võ toàn tài được người người ái mộ.

Đến hiện tại, Kỷ Hoành đã trở thành Kỷ Tiết Soái được trăm vạn người kính ngưỡng!

Lý Quân suy nghĩ một hồi thì cũng đi về đến Lý phủ, ông xuống ngựa lắc đầu lầm bầm: "Mong là lão già Kỷ Minh kia sau ba năm không gặp con trai thì quan tâm nó một chút, dù gì thì nó cũng giúp cho địa vị của Kỷ gia lên cao như vậy!"

Kỷ Hoành hoàn toàn không biết những gì mà Lý Quân đã suy nghĩ, trong lòng y hiện giờ chỉ mong về đến nhà để gặp phụ thân của mình.

Dù cho từ nhỏ không được yêu thương, nhưng Kỷ Hoành vẫn luôn luôn kính trọng, cũng như trong thâm tâm y vẫn luôn hy vọng nhận một chút quan tâm của phụ thân thì y đã vui lắm rồi.

"Phụ thân, lần này con đánh thắng trận rồi, liệu người sẽ quan tâm đến con chứ?"

***Hết chương 2***

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro