Góc recommend phim.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi biết tới bộ phim The Pianist (2002) rất tình cờ. Một buổi tối, trong lúc lướt youtube một cách chán ngán thì bất ngờ một video với tiêu đề "As the world caves in" hiện lên, đập vào mắt tôi là một cái thumbnail ấn tượng: một người đàn ông đau khổ bước trên con phố điêu tàn, xung quanh vương  vãi hành lí, vật dụng của những người nào đó.


Tôi đã vô cùng tò mò và quyết định ấn vào xem thử. Video cho tôi thấy những phân cảnh phim trong The Pianist, chủ yếu là cảnh người Do Thái, người Ba Lan bị lính Đức Quốc Xã áp bức, đối xử tệ hại. Cả cuộc sống yên bình hằng ngày của họ bị đảo lộn hết lên, người Ba Lan thì mất nhà, mất tài sản, nhịn nhục mà nhìn lũ xâm lược hiên ngang hách dịch trong lòng thủ đô của họ, còn người Do Thái bị gom vào khu riêng, một nơi chật hẹp, hôi hám, không chút lương thực. Tôi sẽ chỉ nói sơ qua hoàn cảnh của hai dân tộc được khắc họa trong bộ phim, chi tiết thế nào các bạn hãy tự trải nghiệm qua bộ phim The Pianist.

Khi biết tên phim, tôi đã hí hửng lên mạng tìm xem và đó là một quyết định sáng suốt. Phim dài hơn 2 tiếng, kể về một nhạc sĩ dương cầm người Ba Lan gốc Do Thái sống ở Warsaw, khi quân Đức chiếm Ba Lan, cuộc sống của anh đã thay đổi hoàn toàn. Từ đời sống đủ đầy, giàu có, gia đình anh bỗng dưng mất tất cả, bị nhét vào khu tập trung dành cho người Do Thái và bắt buộc phải sống trong cảnh đói nghèo, bất công. Một hôm, lính Đức gom tất cả người Do Thái trong khu ra ga xe lửa, khi chuẩn bị lên tàu thì một người cảnh sát Do Thái vội kéo anh ra khỏi đoàn, giục anh chạy thật nhanh và trốn thật kỹ vào. Sau này anh mới biết, gia đình anh cùng toàn bộ người Do Thái trên chuyến tàu đó đã bị đưa thẳng đến lò thiêu và mãi mãi không thể trở lại.

Anh được người bạn dẫn vào công trường làm việc, tại đây những người Do Thái bắt đầu tích lũy súng ống đạn dược để chuẩn bị khởi nghĩa. Được bạn bè giúp đỡ, anh trốn khỏi khu lao động, đến nương nhờ hết người này đến người khác. Khởi nghĩa Warsaw nổ ra, thành phố thủ đô bị quân Đức tàn phá hơn 80%, người nghệ sĩ dương cầm phải lẩn trốn trong những ngôi nhà đổ nát của thành phố.

Tại đây, anh gặp ân nhân tiếp theo của đời mình. Đó là sĩ quan phục vụ trong Wehrmacht, người này không những không giết anh mà còn tôn trọng tài năng của anh.


Người sĩ quan che dấu anh trên tầng áp mái của căn nhà, bên dưới là nơi làm việc của quân đội Đức. Hằng ngày người sĩ quan mang bánh mì cùng mứt lên cho anh, còn chu đáo tặng anh chiếc áo choàng để giúp anh chống lại cơn giá rét của mùa đông.


Và rồi, quân Đức đầu hàng, Ba Lan được giải phóng, chiến tranh kết thúc, người nghệ sĩ dương cầm trở về với công việc năm xưa. Anh cũng cố gắng  tìm tung tích của vị ân nhân người Đức nhưng không được, sau này anh mới biết người kia đã bỏ mạng trong trại tập trung của Liên Xô.

Bộ phim đã khiến tôi khóc sướt mướt không biết bao nhiêu lần, cách xây dựng không gian, âm thanh, diễn xuất đều phải nói là cực đỉnh. Nó lột tả chân thực cuộc sống cơ cực của người Do Thái, Ba Lan dưới thời bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Không những vậy, bộ phim còn khẳng định một chân lý bất hữu rằng tình người dù trong hoàn cảnh khốn cùng vẫn không mất đi vẻ đẹp của nó.

Bộ phim The Pianist dựa trên cuốn hồi kí cùng tên của người nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpilman, những gì đã được thể hiện trên phim, tất cả đều là những khoảng khắc mà ông từng trải qua trong những tháng ngày đen tối. Vị ân nhân người Đức là Đại úy Wilm Hosenfeld, người đã ra tay giúp đỡ nhiều người Do Thái, Ba Lan trong thời gian quân Đức chiếm đóng. Ông được nhà nước Israel vinh danh như một vị anh hùng, được truy tặng huân chương Polonia Restituta của Ba Lan và Huân chương Thập Tự Sắt của Đức. Ông mất trong trại tập trung Liên Xô vào năm 1952.

Tóm lại, The Pianist là một phim đáng xem, khắc họa rõ nét thời kì tăm tối của đất nước Ba Lan trong Thế Chiến II, miêu tả tinh tế tâm lý nhân vật, diễn xuất hoàn hảo, âm thanh chất lượng. Nếu có thời gian, tôi mong mọi người sẽ thưởng thức kiệt tác này. Xin chào và hẹn gặp lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro