Giã từ vũ khí Q1-c1-c12

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giã từ vũ khí

Quyển 1 - Chương 1

Vào cuối hạ năm ấy chúng tôi đóng quân trong một ngôi nhà ở một làng trông sang sông và trông sang cánh đồng bằng chạy dài đến chân núi. Lòng sông trong vắt nhiều sỏi, đá cuội, long lanh ngời dưới ánh nắng mặt trời và nước thì ngả màu xanh cuồn cuộn chảy.

Trước nhà, những đoàn quân tiến qua và làm tung bụi phủ lớp lớp lên lá. Thân cây cũng vướng đầy bụi. Năm ấy lá lại rụng sớm hơn mọi năm, đồng thời chúng tôi lại thấy những đoàn quân tiến trên đường; bụi lại bay; lá lại rơi rụng theo gió; đoàn quân tiếp tục đi để rồi sau đó con đường lại trở nên vắng vẻ và trắng phau dưới tàn lá.

Cánh đồng ngập lúa. Ở đây có nhiều vườn cây, xa tít chân trời là rặng núi trơ trọi ngả màu nâu. Trong rặng núi này chiến sự tiếp diễn và về đêm chúng tôi thấy được ánh lửa của trọng pháo. Trong đêm tối, ánh lửa loé lên như sấm chớp ngày hè, nhưng đêm lại mát và không có cảm giác là lại sắp có cơn giông.

Đôi khi trong đêm tối, chúng tôi nghe thấy tiếng binh sĩ qua nhà cùng những khẩu trọng pháo có máy kéo. Ban đêm xe và người tấp nập. Trên đường những con lừa mang những thùng đạn dược nặng trĩu hai bên hông, cạnh những quân xa chở đầy người, và trong sự tấp nập ấy có nhiều xe khác phủ bạt di chuyển chậm chạp. Ban ngày, những cỗ trọng pháo được kéo đi, toàn thân được nguỵ trang bằng những cành lá xanh; những xe kéo cũng được nguỵ trang bằng giây nho và lá xanh. Bên này sông, về phía Bắc, là một cánh rừng dẻ, xa hơn nữa là một trái núi. Có lần,giao tranh đã diễn ra để tranh giành ngọn núi này nhưng không có kết quả và về mùa thu, khi mưa đến, lá lại đổ, cành cây dẻ và thân cây trơ trọi sậm đen vì mưa thu.

Vườn nho cũng thưa lá, trơ trụi và cả đồng quê ướt át, thâm nâu, như tàn chết với mùa thu. Sương phủ trên sông, mây quanh đỉnh núi, trên đường thì nước bùn tung tóe theo bánh lăn của quân xa và đoàn binh sĩ choàng áo tơi, cũng bị lấm láp ướt át. Súng của họ bị ướt, và dưới áo tơi, họ đeo hai túi đạn ở dây thắt lưng và mang hai túi đạn bằng da màu xám đựng đầy băng đạn 6,5 ly làm áo choàng phồng lên khiến cho đoàn người đang đi trên đường giống như những người có mang sáu tháng rồi.

Trên đường có những chiếc xe nhỏ màu xám chạy qua rất nhanh. Thông thường thì có một vị sĩ quan ngồi phía trước cạnh người lái và nhiều sĩ quan khác ngồi phía sau. Những chiếc xe nhỏ này lại làm bắn bùn nhiều hơn xe tải. Nếu có một sĩ quan nhỏ bé ngồi giữa hai vị tướng, nhỏ bé đến nỗi ta không thấy mặt, chỉ thoáng thấy chỏm chiếc mũ kết cùng chiếc thắt lưng hẹp của ông và nếu chiếc xe đó đặc biệt chạy nhanh thì đó có thể là nhà vua. Ngài ngự tại Udine và hàng ngày vi hành như vậy để xem tình hình chiến sự. Và tình hình thì ngày càng trầm trọng.

Khi tiết trời sang đông, mưa càng rơi tầm tã ngày đêm và mưa đưa tới bệnh dịch thổ tả. May là bệnh này đã bị chặn đứng lại được và sau cùng chỉ có bảy ngàn người bỏ mạng thôi.

Q1 - Chương 2

Năm sau, quân đội chiến thắng liên tiếp. Ngọn núi nằm bên kia thung lũng và trên sườn đồi cây dẻ đã bị chiếm giữ. Cũng chiến thắng cả ở phía bên kia đồng bằng trên vùng cao nguyên chạy đến miền Nam. Tháng tám thì chúng tôi qua sông, ngụ tại một căn nhà nhỏ ở Gorizia. Nhà này có một máy nước, có nhiều cây rậm rạp, mát mẻ, nằm trong một ngôi vườn chung quanh có vách tường bao bọc, và một giàn hoa nho nở tím cả một bên cạnh nhà. Lúc bấy giờ chiến trận xảy ra ở dãy núi bên kia, cách xa gần một dặm. Thành phố trông rất đẹp và ngôi nhà của chúng tôi cũng rất dễ chịu. Con sông chảy sau nhà và thành phố đã bị chiếm một cách dễ dàng nhưng dãy núi nằm phía bên kia sông khó mà có thể chiếm được. Riêng tôi vui mừng khi thấy bọn Áo tỏ vẻ muốn về thành phố một ngày nào đó nếu chiến tranh chấm dứt bởi vì họ oanh tạc để phá huỷ trọn thành phố mà chỉ vì mục tiêu chiến lược mà thôi. Dân chúng ở lại thành phố, ở đây có bệnh viện, tiệm giải khát, cùng trọng pháo ở các góc phố. Vào cuối mùa hạ với những đêm mát trời, với những trận đánh trong rặng núi bên kia thành phố, với những thanh cầu mang nhiều vết đạn trái phá, với đường hầm sập cạnh con sông nơi xảy ra chiến trận, với cây cối bao bọc chung quanh công viên và con đường trồng cây chạy dài đến công viên; tất cả những cái đó với việc có gái chơi trong thành phố, với việc Hoàng thượng ngủ trong xe mà khi đi ngang qua, xe không còn chạy mua nữa, bây giờ người ta thỉnh thoảng thấy khuôn mặt, chiếc cổ dài và râu xám giống như chòm râu mọc lún phún dưới hàm con dê, bao nhiêu thứ đó hợp cùng vẻ lạ kỳ ở bên trong của những ngôi nhà mà một vạt tường đổ vì đạn trái phá khiến cho vôi vữa, gạch vụn đổ xuống vườn nhà và đôi khi ở cả ngoài đường cùng với chiến dịch may mắn ở Cacrô, tất cả những điều đó đổi thay còn thì mọi việc bình thường làm cho mùa thu khác hẳn với mùa thu trước dù chúng tôi vẫn đóng ở miền quê. Và bộ mặt chiến tranh cũng thay đổi.

Cánh rừng sồi trên ngọn núi phía sau thành phố đã biến đâu mất. Vào mùa hạ, lúc chúng tôi tiến vào thành phố thì khu rừng còn xanh tươi, nhưng giờ đây chỉ còn trơ lại mấy gốc cây cụt ngủn cùng những thân cây gãy đổ và mặt đất bị đào xới tung lên. Một hôm, vào cuối mùa thu, đến khu rừng sồi ngày trước, tôi thấy một đám mây trên đỉnh núi. Mây kéo đến nhanh, khiến mặt trời chuyển thành màu vàng sậm. Cảnh vật nhuộm một màu xám ngắt và bầu trời phủ đầy mây. Mây sà xuống núi rồi bất chợt bao quanh chúng tôi và chúng tôi nhận ra đó là tuyết. Tuyết rơi lả tả theo chiều gió, phủ đầy mặt đất trơ trọi, những gốc cây nhô lên đen sậm. Tuyết bám vào súng và dần dần những lối mòn, dẫn tới những chòi lá sau các chiến hào hiện ra trong tuyết.

Sau đó, trở về thành phố, tôi ngắm tuyết rơi từ cửa sổ của căn nhà dành cho sĩ quan. Tôi nghỉ ở đó với một người bạn, hai cái ly và một chai rượu Asti. Ngồi nhìn tuyết rơi chậm chạp, nặng nề, chúng tôi biết rằng năm nay tình hình chiến sự thế là đã xong. Phía trên thành phố chưa kiểm soát được một ngọn núi nào hết. Ở bên kia sông cũng chẳng chiếm được ngọn nào cả. Việc ấy đành phải để sang năm vậy. Bạn tôi nhìn thấy cha tuyên uý bước rón rén trên đường bùn lầy để xuống phố. Thấy vậy bạn tôi bèn đập vào cửa sổ cho vị linh mục chú ý. Người ngước mắt nhìn lên thấy chúng tôi liền mỉm cười. Bạn tôi làm hiệu mời vào nhưng ông lắc đầu đi thẳng.

Tối đó, trong buổi ăn chung, sau món mì Ý ai nấy đều ăn một cách hối hả và nghiêm trang, hoặc là họ dùng nĩa xúc mì lên để cho những sợi mì rời nhau ra từng sợi một gọn gàng, rồi mới cho vào mộm hoặc là cứ đưa mì lên đút từ từ vào miệng. Chúng tôi tự rót rượu từ bình có lót rơm chung quanh, bình để lỏng trong một cái máng sắt, ngón tay trỏ ấn cổ bình xuống là một thứ rượu vang đỏ tươi ngon lành chảy vào cái ly cũng cầm ở trong tay đó.

Có người ở ngoài đi vào, khi cánh cửa mở ra, tôi nhìn thấy ngoài trời tuyết đang rơi và nói:

- Tuyết bắt đầu rơi, chắc là bây giờ sẽ không còn tấn công nữa.

- Chắc vậy – Viên thiếu tá đáp lại – Anh nên đi nghỉ phép, anh hãy đến Naples, La Mã, Sicily…

- Nên đến Amalfi – Viên trung uý nói – Để tôi viết cho anh lá thư giới thiệu anh với gia đình ở Amalfi. Ở đó mọi người sẽ coi anh như con cái.

- Nên đi Palermo.

- Không, hắn phải đi Capri mới được.

- Tôi mong anh đến thăm gia đình tôi tại vùng núi Abruy.

- Tôi thì thích cho anh đi viếng Abruzzi và thăm gia quyến ở Capracotta – Cha tuyên uý nói.

- Hãy để cha nói về Abruzzi, nới đó có nhiều tuyết hơn ở đây nữa. Hắn ta đâu có muốn thăm viếng những người dân quê. Nên để cho hắn đến những trung tâm văn hoá và văn minh.

- Hắn ta còn cần phải có gái đẹp nữa chứ. Để tôi cho nhiều địa chỉ ở thành phố Naples. Nơi có nhiều cô tuyệt đẹp – mà đều có những bà mẹ đi kèm. Ha! Ha! Ha!

Viên đại uý nói rồi xoè bàn tay ra, ngón cái đưa lên và những ngón kia xoè ra như khi ta làm hình bóng bằng các ngón tay rọi lên tường vậy. Trên tường in bóng bàn tay viên đại uý. Ông lại nói bằng thứ tiếng Ý lóng “Khi anh ra đi thì anh bằng như thế này”. Ông chỉ ngón tay cái. “Khi trở về thì anh còn bằng thế này”. Ông ta chỉ ngón tay út. Ai nấy đều cười ầm lên.

- Xem này – đại uý nói tiếp, ông lại xoè bàn tay ra nữa. Và một lần nữa ngọn nến lại in bóng bàn tay ông lên tường. Đại uý bắt đầu đưa thẳng ngón tay cái lên rồi gọi thứ tự năm ngón tay khởi sự từ ngón cái – Này là anh cả (ngón cái), anh hai (ngón trỏ), anh ba (ngón giữa), anh tư (ngón đeo nhẫn) và em út (ngón út). Khi ra đi anh bằng anh cả, khi trở lại thì anh cả chỉ còn là em út.

Tất cả lại cười to lên, viên đại uý có vẻ đang thành công với trò chơi các ngón tay…

- Anh nên đi nghỉ phép ngay là hay hơn – thiếu tá bảo tôi.

- Tôi thích đi cùng để hướng dẫn cho anh – viên trung uý nói.

- Bao giờ về, nhớ mang theo cái máy hát.

- Mang cả những đĩa nhạc ca kịch hay.

- Mang đĩa Caruso, hắn hát như sủa ấy.

- Cậu có ao ước được rống như Caruso không? Hắn rống, tôi bảo hắn rống mà.

- Tôi thích anh đi Abruzzi – cha tuyên uý nói – Anh có thích dân cư ở đó, và tuy lạnh nhưng quang đãng, khô ráo. Anh có thể ở gia đình tôi, cha tôi là một thiện xạ nổi tiếng - Ở người khác la lối phản đối, nhưng ông vẫn tiếp tục nói - Ở đó săn bắn rất tốt. Rồi anh sẽ thấy thích dân chúng và dù thời tiết lạnh, nhưng trời trong sáng và khí hậu khô, anh có thể tạm nghỉ ở gia đình tôi, cha tôi là một nhà thiện xạ.

- Nào ta đi thôi – vị đại uý nói – Chúng ta đến nhà thờ trước khi cửa đóng.

- Xin chào cha – tôi chào cha tuyên uý.

- Chào anh – vị tu sĩ đáp lại.

Chương 3

Khi tôi trở lại mặt trận thì chúng tôi vẫn còn đóng tại thành phố đó. Trong những vùng quanh đấy người ta có đặt thêm nhiều đại bác và xuân đã đến. Cánh đồng xanh rờn, trên giàn nho đã có những mầm non nho nhỏ. Cây dọc theo đường bắt đầu trổ lộc và gió mát từ biển thổi vào. Tôi lại thấy thành phố với ngọn đồi xưa và toà lâu đài cũ kỹ nằm trong một hẻm đất trên đồi với những rặng núi màu nâu thẫm, hai bên sườn đã có hơi điểm màu xanh non. Trong thành phố đã có thêm súng, vài bệnh viện mới. Ngoài đường người ta gặp những người đàn ông, thỉnh thoảng vài người đàn bà Anh và thêm một vài ngôi nhà nữa mới bị bắn phá. Tiết trời ấm áp như mùa xuân, tôi đi xuống con đường nhỏ đầy cây, người tôi ấm lên nhờ ánh nắng phản chiếu trên tường. Tôi nhận thấy chúng tôi vẫn ởtrong ngôi nhà cũ và mọi vật quanh tôi đều giữ y nguyên như khi tôi rời chúng để ra đi. Cửa mở, một anh lính ngồi trên chiếc ghế dài dưới ánh nắng mặt trời. Một chiếc Hồng thập tự lưu động đang đợi ở cửa bên. Bên trong, khi bước chân vào, tôi ngửi thấy hơi lạnh ở sàn đá và mùi thuốc men bệnh viện. Tất cả vẫn nguyên như trước khi tôi ra đi – chi trừ có điều bây giờ là mùa xuân. Tôi nhìn vào cửa của gian phòng lớn, và thấy viên thiếu tá đang ngồi ở bàn viết, cửa sổ mở rộng, ánh sáng tràn vào căn phòng. Ông ta không thấy tôi và tôi cũng không biết là mình nên vào để tường trình mọi việc với ông ta hay là nên đi thẳng lên gác trước để rửa ráy đã. Tôi quyết định lên gác trước.

Cửa phòng của tôi ởchung với trung uý Rinaldi nhìn ra sân. Cửa sổ mở toang. Giường tôi được trải một tấm nệm và đồ đạc của tôi thì treo trên tường, chiếc mặt nạ phòng hơi ngạt đựng trong một cái hộp sắt hình chữ nhật, chiếc mũ sắt cũng treo cùng một chiếc giá trên tường. Chiếc rương của tôi nằm sát dưới chân giường và đôi ủng mùa đông, da giày bóng loáng vì dầu mỡ nằm trên đó. Cây súng tôi đoạt được của tên Áo chuyên môn bắn trộm, với nòng súng xám xanh hình bát giác, báng súng màu nâu sậm treo giữa hai chiếc giường. Tôi chợt nhớ ra chiếc ống rất hợp, khóa bỏ trong rương. Trung uý Rinaldi nằm nghỉ bên giường kia. Khi tôi bước vào phòng, anh thức giấc và ngồi nhỏm dậy.

- Chà – anh nói – đi chơi thế nào?

- Tuyệt!

Chúng tôi bắt tay nhau, anh choàng tay qua cổ tôi và hôn.

- Cậu bẩn thật – anh bảo – tắm rửa cho sạch sẽ đi. Nhưng hãy kể liền bây giờ cho tôi nghe xem cậu đã đi những đâu và làm những gì nào.

- Tôi đi khắp nơi. Milano này, Florence, La Mã, Naples, Villa San Gionvanni, Messina, Taormina…

- Cậu liệt kê như bảng chỉ dẫn xe lửa ấy. Cậu có nhiều chuyện phiêu lưu thú vị không?

- Có chứ.

- Ở đâu?

- Milano, Firenze, Rome, Napoli…

- Thôi đủ rồi. Nói rõ xem ở đâu hay nhất.

- Ở Milano.

- Vì đó là nơi đầu tiên chứ gì.

- Cậu gặp nàng ở đâu? Ở Cova à? Cậu đi đâu? Và cảm thấy thú vị ra sao? Kể mau nghe coi. Cậu có ở lại suốt đêm với nàng không?

- Có.

- Không đáng kể. Hiện giờ ở đây chúng ta có nhiều gái đẹp, nhiều nàng mới chưa từng thấy ở mặt trận từ trước đến giờ.

- Tuyệt quá.

- Cậu không tin à? Chiều nay tớ sẽ đưa đi xem ngay. Trong thành phố còn có nhiều cô người Anh nữa. Tớ hiện đang yêu cô Barkley. Tớ sẽ giới thiệu cậu với cô ấy. Tớ sẽ cưới nàng.

- Thôi để tớ còn phải đi tắm rửa rồi lên trình diện. Giờ còn việc gì làm nữa không?

- Từ ngày cậu đi nghỉ phép đến nay chẳng có gì ngoài bệnh tê cóng nẻ, vàng da, lậu, những vết thương tự gây ra, sưng phổi và hạ cam cứng và mềm. Mỗi tuần lại có người bị những mảnh đá vỡ gây thương tích. Chỉ có một vài người bị thương thật sự. Tuần tới chiến tranh lại bắt đầu. Có thể thế…Nghe cấp trên nói vậy. Sao, cậu bảo có nên cưới Barkley không? Dĩ nhiên là sau chiến tranh kia.

- Được hẳn đi chứ - tôi vừa nói vừa đổ nước đầy bồn tắm.

- Đêm nay cậu hãy kể mọi việc cho tớ nghe nhé – Rinaldi bảo tôi – Bây giờ tớ phải ngủ lại cho khoẻ khoắn, tươi tỉnh để đến thăm nàng Barkley chứ.

Tôi cởi áo choàng và sơ mi rồi ngồi trong bồn nước lạnh tắm. Vừa lấy khăn kỳ cọ mình mẩy, tôi vừa nhìn chung quanh gian phòng, nhìn ra cửa sổ rồi nhìn Rinaldi đang nằm dài trên giường, đôi mắt nhắm lại. Anh từ Amalfi đến, trạc tuổi tôi, đẹp trai. Anh rất yêu nghề giải phẫu và hai chúng tôi là đôi bạn chí thân. Khi tôi nhìn, anh mở mắt ra hỏi:

- Cậu có tiền không?

- Có.

- Cho tớ vay 50 đồng lia.

Tôi lau tay khô rồi với lấy ví trong chiếc áo choàng treo trên tường. Rinaldi cầm lấy tiền gấp lại rồi cứ nằm trên giường mà nhét tiền vào túi quần đùi ghết. Anh mỉm cười bảo:

- Tớ phải làm cho cô Barkley tưởng là giàu có mới được. Cậu là bạn chí thân của tớ đồng thời cũng là vị cứu tinh của tớ về vấn đề tiền bạc.

- Thôi yên đi – tôi bảo hắn.

Đêm đó trong buổi ăn chung, tôi ngồi gần cha tuyên uý. Ông ta tỏ vẻ thất vọng và bỗng nhiên cảm thấy bị chạm tự ái khi biết tôi không đi Abruzzi. Ông đã viết thư cho cha ông biết tôi sẽ đến đó, gia đình ông đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón tôi. Chính tôi cũng cảm thấy ân hận như ông nhưng tôi chẳng hiểu tại sao tôi lại không đến Abruzzi. Thực ra thì tôi cũng đã có ý định đi đến đó. Tôi cố gắng giải thích cho vị linh mục hiểu lý do thế nào mà định một đàng lại đi một nẻo. Sau cùng ông hiểu ra và biết rằng trong thâm tâm tôi rất muốn đi và mọi việc đều tạm ổn. Tôi đã uống nhiều rượu không kể cà phê và rượu Strega. Tôi lè nhè giải thích vì sao chúng tôi không làm những điều chúng tôi muốn làm; chúng tôi không bao giờ làm như thế cả.

Hai chúng tôi nói chuyện với nhau trong khi những người chung quanh thi nhau tranh luận. Thực ra tôi đã có ý định đi Abruzzi. Tôi không thấy một nơi nào mà đường sá đóng băng cứng như sắt, thời tiết thì lạnh, khô và tuyết vừa khô vừa nhẹ rơi lấm tấm như bụi mù, mà người ta thấy những vết chân thỏ rừng trên tuyết. Tôi chẳng đi đến nơi nào như thế cả, ngoài những nơi quyện đầy khói thuốc, của những quán rượu, những đêm khi gian phòng quay cuồng và phải nhìn vào tường để thấy nó dừng lại; những đêm say mèm, nằm trong giường thấy cõi đời này chỉ có thế, khi mình cảm thấy tỉnh táo lạ thường và chẳng biết mình nằm cạnh ai và trong bóng đêm mọi vật đều hư hư thực thực. Rồi bỗng nhiên mình lại quá lo lắng và ngủ thiếp đi để rồi sáng ra thức giấc với những ý tưởng lo lắng trở lại, tất cả những gì đã xảy ra hôm qua đều biến đi đâu mất, cuộc đời hiện ra với những đường nét rõ ràng sắc nhọn và đầy khó khăn hoặc đôi khi là một cuộc cãi nhau về giá cả. Cũng có lắm lúc lòng lại thấy thoải mái, thích thú và ấm áp. Rồi đi ăn điểm tâm, cơm trưa hoặc đôi khi quên hết mọi chi tiết nhỏ nhặt và sung sướng được đi dạo phố. Nhưng rồi một ngày khác lại bắt đầu và tiếp theo là đêm với cuộc sống không thay đổi. Tôi cố gắng nói lên sự khác biệt giữa ngày và đêm. Tôi muốn diễn tả cho mọi người biết đêm hơn ngày biết bao chỉ trừ khi nào ban ngày trong sáng và lạnh, nhưng tôi không sao nói lên được điều ấy; và bây giờ tôi cũng không sao diễn tả được cảm nghĩ đó. Nhưng ai cũng đã từng có ý nghĩ đó sẽ biết. Vị linh mục không hề có ý nghĩ đó như tôi nhưng ông ta đã hiểu được thực ra tôi đã có ý muốn đi Abruzzi nhưng tôi không đi được. Chúng tôi tuy vẫn là bạn, với nhiều ý thích giống nhau, nhưng giữa chúng tôi đã có điểm khác nhau. Ông luôn luôn biết những điều mà tôi không được biết và những điều mà khi học tôi không thể nào nhớ nổi, và dù sau đó có học lại đi chăng nữa tôi cũng chẳng hề biết gì cả. Lúc này tất cả đều dự bữa ăn chung. Khi ăn xong thì cuộc tranh luận lại tiếp tục. Hai chúng tôi ngừng nói chuyện. Vị đại uý lớn tiếng nói:

- Cha không được vui…

- Tôi vui chứ - vị linh mục trả lời.

- Cha không vui. Cha muốn bọn Áo thắng – Đại uý nói tiếp. Mọi người lắng tai nghe.

Vị linh mục lắc đầu trả lời:

- Không.

- Cha muốn chúng tôi đừng bao giờ tấn công cả. Có phải rằng cha muốn chúng tôi đừng bao giờ tấn công địch không?

- Không phải thế, chúng ta đánh nhau, tôi nghĩ chúng ta nên đánh chứ.

- Ta phải tấn công! Cha tán thành đi. Chúng ta sẽ tấn công.

Cha tuyên uý gật đầu.

- Thôi hãy để cha yên – thiếu ta bảo – Cha rất tốt.

- Vả lại nữa cha cũng không thể làm gì được trong cuộc chiến này – viên đại uý nói.

Tất cả chúng tôi đều rời bàn đứng dậy.

Chương 4

Sáng ra tiếng đại bác ở vườn bên đánh thức tôi dậy và ánh nắng đã tràn vào phòng qua cửa sổ. Tôi trỗi dậy ra khỏi giường, đến bên cửa sổ đưa mắt nhìn ra ngoài. Những con đường trải sỏi ẩm ướt, cỏ xanh hãy còn đẫm sương đêm. Tiếng đại bác nổ hai lần và mỗi lần như thế khiến không khí chuyển động, lay động cửa sổ và làm vạt áo ngủ của tôi bay phần phật. Tôi không thấy súng nhưng chắc là nó đang nhắm thẳng về hướng chúng tôi. Thật là khó chịu khi ở gần chúng nhưng cũng thật là hạnh phúc vì chúng không nổ to hơn nữa. Khi đưa mắt nhìn ra vườn, tôi nghe có tiếng ô tô rồ to ngoài đường. Tôi mặc quần áo, đi xuống nhà dưới, vào bếp uống tí cà phê rồi đi ra nhà xe.

Mười chiếc xe đậu cạnh nhau dưới mái kho dài. Đó là những xe Hồng thập tự đầu tròn và mui nặng trịch sơn xám, giống như xe vận tải. Những người thợ máy đang làm việc trên một chiếc xe đậu trong sân. Ba chiếc khác được đưa lên trạm cấp cứu trên núi. Tôi hỏi người thợ:

- Này, có bao giờ địch nã trọng pháo vào những khẩu đại bác của ta không?

- Thưa không, vì những khẩu đại bác được ngọn đồi nhỏ che khuất.

- Còn mấy chiếc xe này thì như thế nào?

- Cũng còn dùng tạm được. Chiếc này không được tốt nhưng những chiếc khác đều dùng được – Anh dừng tay và mỉm cười nhìn tôi – Ông đi phép về ạ?

- Phải.

Anh chùi tay vào chiếc áo choàng ngoài rồi cười hỏi tôi:

- Ông nghỉ thoải mái chứ?

Những người thợ khác cũng cười theo.

- Thoải mái lắm – Tôi đáp – Còn chiếc xe này bị hỏng gì vậy?

- Nó chẳng dùng được, bị hỏng hết.

- Lần này làm sao?

- Phải thay séc măng ạ.

Tôi để cho họ làm việc. Chiếc xe trông ảo não và trống rỗng, đầu máy bi .tháo ra từng mảnh nằm ngổn ngang trên chiếc ghế. Tôi đi vào để xem xe. Tất cả đều khá sạch sẽ, một vài chiếc vừa được lau chùi cẩn thận, còn những chiếc khác bám đầy bụi. Tôi xem xét kỹ những bánh xe để tìm những vêt móp hay nứt. Tất cả đều trông có vẻ khả quan. Dĩ nhiên là dù tôi có đến đây xem chúng hay không thì mọi việc vẫn vậy thôi chứ không có gì khác cả. Tôi đã tưởng tượng và cho rằng tình trạng của những chiếc xe này, việc sơ tán, đều tuỳ ở tôi. Quả thật chúng tôi được phân công vận chuyển bình an các thương binh và các bệnh nhân ở các trạm cấp cứu, chở họ từ trên núi đến trạm cứu thương địa phương rồi lại đưa họ đi đến các bệnh viện chỉ định sẵn trên thẻ của họ. Nhưng dĩ nhiên sự có mặt của tôi không cần thiết lắm.

Tôi hỏi một trung sĩ cơ khí:

- Trung sĩ có gặp khó khăn gì về phụ tùng xe không?

- Thưa không ạ.

- Hiện kho xăng ở đâu?

- Dạ vẫn ở chỗ cũ.

- Vậy thì tốt lắm.

Nói xong tôi trở vào nhà uống thêm một ly cà phê ở bàn ăn chung. Cà phê có màu hơi xám, ngọt lịm sữa đặc. Ngoài cửa sổ, buổi sáng mùa xuân trông rất đẹp. Người ta sẽ có cảm giác khô ở mũi, thế có nghĩa là ngày sẽ nóng. Hôm đó tôi đi xem xét các trạm trên núi và khi trở lại thành phố, trời đã xế chiều.

Mọi việc có vẻ tiến triển khả quan khi tôi vắng mặt. Tôi nghe nói sắp sửa đánh nhau lại. Chúng tôi được phân công tấn công ở thượng nguồn. Thiếu tá giao cho tôi tổ chức các trạm cấp cứu khi tấn công. Chúng tôi sẽ mở cuộc tấn công băng ngang qua sông đi vòng lên đường đèo hẹp rồi chiếm lĩnh các vị trí ở sườn đồi. Những chiếc xe tải thương phải ẩn đỡ càng gần sông càng tốt và sẽ được bảo vệ. Dĩ nhiên việc chọn lựa là do bộ binh nhưng chính chúng tôi thi hành. Đó là một trong những trường hợp gây ra cảm giác sai lầm là đã góp phần vào cuộc chiến đấu.

Người tôi đầy bụi và vấy bẩn, tôi liền lên phòng tắm. Rinaldi dang ngồi trên giường cầm quyển “Văn phạm Anh văn của Hugo”. Anh ăn mặc chững chạc, mang đôi ủng đen, mái tóc chải mượt. Thấy tôi anh bảo:

- Tuyệt quá, anh với tôi đến thăm cô Barkley nhé?

- Tớ không đi đâu.

- Đi, cậu hãy đi cho tớ vui và cô ấy có ấn tượng tốt đẹp.

- Thôi được rồi. Đợi một phút tớ thay quần áo đã.

- Cứ tắm rửa đàng hoàng rồi hãy ra.

Tôi đi tắm, chải đầu rồi chúng tôi đi.

- Này, khoan đã – Rinaldi bảo – Có lẽ chúng ta nên uống tí gì đi đã – Anh mở rương lấy ra chai rượu.

- Tôi không uống Strega đâu.

- Không phải Strega, Grappa mà.

- Thế thì được.

Anh rót ra hai ly, chúng tôi chạm cốc, ngón tay trỏ đưa lên. Rượu Grappa rất mạnh.

- Ly nữa nhé?

- Ừ thì nữa.

Chúng tôi cạn ly thứ hai, Rinaldi cất chai rượu, chúng tôi bước xuống cầu thang. Ở thành phố, đi bộ nóng nhưng mặt trời bắt đầu lặn nên thấy dễ chịu. Bệnh viện Anh đặt ở một biệt thự to lớn do người Đức xây cất trước chiến tranh. Cô Barkley đang ở trong vườn với một cô y tá khác. Chúng tôi thấy bộ đồng phục trắng của họ qua cành cây kẽ lá, bèn tiến về phía họ. Rinaldi đưa tay chào. Tôi cũng chào nhưng vừa phải thôi.

Cô Barkley hỏi tôi.

- Chào ông, ông không phải là người Ý chứ?

- Ồ không ạ.

Rinaldi nói chuyện với hai cô y tá kia. Họ đang cười đùa vui vẻ.

- Không phải người Ý mà lại ở trong quân đội Ý, thật là một chuyện kỳ.

- Đó không hẳn là quân đội, mà chẳng qua chỉ là đội cứu thương thôi.

- Dù sao việc ấy cũng kỳ lạ. Sao ông lại làm thế?

- Không biết nữa – tôi đáp – Bao giờ cũng có những việc không giải thích được.

- Ồ, thế ư? Thưở bé người ta đã giáo dục tôi với ý tưởng trái ngược như thế.

- Vậy thì quý lắm.

- Bộ chúng ta định tiếp tục nói chuyện theo lối này sao?

- Không.

- Thế dễ chịu hơn, ông nhỉ?

- Cây gậy gì thế? – Tôi hỏi.

Cô Barkley người dong dỏng cao. Nàng mặc bộ quần áo theo tôi nghĩ là đồng phục y tá. Tóc nàng màu hung hung, da nâu và mắt màu tro. Tôi thấy nàng rất đẹp.

Nàng đang cầm cây gậy mây giống như cán roi ngựa bọc bằng da. Nghe tôi hỏi, nàng đáp:

- Chiếc gậy này của một thanh niên bị giết chết năm ngoái.

- Xin lỗi.

- Anh ấy rất dễ thương, sắp cưới tôi thì bị tử thương trong trận Somme.

- Khủng khiếp quá.

- Ông có dự trận đó không?

- Không.

- Tôi có được nghe kể lại. Thật ra ở dưới này không có trận nào như thế cả. Họ gởi cho tôi chiếc gậy nhỏ này. Mẹ chàng trao lại cho tôi. Họ gởi chiếc gậy cùng đồ đạc khác nữa…

- Cô và anh ấy hứa hôn với nhau lâu chưa?

- Tám năm. Chúng tôi cùng sống trong một gia đình.

- Nhưng sao lại không tổ chức cưới?

- Cũng chẳng biết làm sao nữa – nàng đáp – Chính tại tôi quá ngốc. Tôi cũng có thể để chàng tổ chức. Nhưng tôi nghĩ như thế không hay cho anh ấy.

- Tôi hiểu.

- Ông đã từng yêu ai chưa?

- Chưa – tôi đáp.

Chúng tôi cùng ngồi xuống chiếc ghế dài. Tôi nhìn nàng, nói:

- Cô có mái tóc đẹp quá!

- Ông thích ư?

- Thích lắm!

- Tôi đã có ý định cắt hết tóc khi anh ấy chết.

- Đừng, không nên.

- Tôi muốn làm một cái gì đó để kỷ niệm cho anh ấy. Ông thấy đó, tôi chẳng quan tâm gì đến mái tóc và muốn tặng nó cho anh ấy. Nếu trước kia tôi biết được anh ấy muốn những gì, tôi sẽ làm cho anh ấy mãn nguyện. Hoặc là tôi lấy anh ấy, hoặc là điều gì khác bất kỳ. Bây giờ thì tôi đã hiểu tất cả. Nhưng anh ấy muốn ra trận, và lúc ấy tôi không hề biết gì cả.

Tôi im lặng.

- Lúc ấy tôi chẳng hiểu biết gì cả. Tôi cho là không tốt đôi với anh ấy; tôi cho rằng có lẽ anh ấy không thể chịu đựng được cuộc sống đó. Thế rồi anh ấy hy sinh và hết mọi chuyện.

- Làm sao biết được.

- Ồ, biết chứ. Hết thật rồi.

Chúng tôi nhìn Rinaldi đang nói chuyện với cô y tá kia.

- Cô ấy tên gì nhỉ?

- Ferguson, Helen Ferguson. Có phải bạn anh là bác sĩ không?

- Vâng, hắn tốt lắm.

- Thế thì hay quá, khó kiếm được bác sĩ giỏi ở một nơi sát mặt trận như thế này. Vì chúng ta ở sát mặt trận có phải không?

- Vâng, gần lắm.

- Thật là một mặt trận buồn thảm, nhưng ở đây lại rất đẹp. Có phải họ đang mở một cuộc tấn công không?

- Vâng.

- Vậy là chúng ta lại phải làm việc. Bây giờ thì không có việc gì cả.

- Cô làm y tá đã lâu chưa?

- Từ cuối năm 1915. Tôi bắt đầu làm nghề này thì anh ấy cũng nhập ngũ. Hồi tưởng lại, có lần tôi có ý nghĩ rồ dại là có một ngày nào đó anh ấy sẽ vào bệnh viện tôi làm với một vết gươm, một cuộn băng quấn ngang đầu hoặc một viên đạn trên vai, một điều gì đấy đẹp đẽ.

- Mặt trận này đẹp đấy chứ!

- Vâng – Nàng đáp – Người ta không thể tưởng tượng được tình trạng nước Pháp ra sao. Nếu tưởng tượng được, mọi việc không thể nào tiếp tục được. Tôi tưởng thế nhưng thực ra anh ấy không bị một vết gươm nào mà xác anh ấy bị tan tành từng mảnh.

Tôi không biết nói gì.

- Ông cho rằng trận chiến sẽ kéo dài mãi không?

- Không.

- Điều gì sẽ dẫn tới kết thúc?

- Người ta sẽ nhượng bộ.

- Chính chúng ta sẽ nhượng bộ. Chúng ta sẽ thất bại ở Pháp.Họ không thể nào cứ tiếp tục làm những gì như ở trong trận Somme mà không nhượng bộ một ngày nào đó.

- Nhưng họ không thất bại ở đây.

- Ông cho là không à?

- Không, hè năm rồi, họ thu nhiều thắng lợi.

- Họ có thể vẫn thất bại – Nàng đáp – Ai cũng có thể thất bại được cả.

- Cả quân Đức cũng vậy.

- Không – nàng nói tiếp – Tôi không tin thế.

Chúng tôi đi về phía Rinaldi và cô Ferguson.

Rinaldi hỏi cô Ferguson bằng tiếng Anh:

- Cô thích nước Ý chứ?

- Thích lắm – cô đáp lại bằng tiếng Anh.

- Không hiểu gì cả - Rinaldi lắc đầu nói.

Tôi dịch ra tiếng Ý cho anh. Anh lắc đầu nói:

- Không hay. Cô có yêu nước Anh không?

- Không thích lắm, vì tôi là người Tô Cách Lan như ông đã biết.

Rinaldi nhìn tôi ngơ ngác không hiểu gì.

Tôi nói lại bằng tiếng Ý cho anh.

- Cô ấy là người Tô Cách Lan cho nên cô yêu nước Tô Cách Lan hơn là yêu nước Anh.

- Nhưng Tô Cách Lan cũng thuộc về Anh quốc cơ mà.

Tôi dịch lại cho cô Ferguson.

- Chưa hẳn thế - cô đáp.

- Không đúng thế à?

- Không, chúng tôi không thích người Anh.

- Không thích người Anh? Vậy thì cô không thích cô Barkley à?

- Ồ, chuyện đó lại khác. Ông không nên hiểu mọi việc theo từ ngữ như thế được.

Một lúc sau chúng tôi chào nhau rồi chia tay. Trên đường về nhà, Rinaldi bảo tôi:

- Cô Barkley thích anh hơn tôi. Điều đó thấy rõ quá. Nhưng con bé Tô Cách Lan trông rất dễ thương.

- Ừ, dễ thương thật – tôi đáp – Nhưng thực ra khi nãy tôi chẳng chú ý đến cô ta. Anh thích cô ấy phải không?

- Không – Rinaldi đáp.

Chương 5

Chiều hôm sau tôi lại đi thăm cô Barkley. Nàng không có ở ngoài vườn. Tôi bèn đi về phía cửa hông của bệnh viện nơi có nhiều xe đậu. Tôi gặp bà y tá trưởng, bà ta bảo là cô Barkley đang bận.

- Đang chiến tranh mà, chắc ông hiểu.

Tôi đáp là rất thông cảm.

- Ông là người Mỹ ở trong quân đội Ý phải không? – Bà hỏi.

- Thưa bà vâng.

- Việc xảy ra như thế nào mà ông tham gia quân đội Ý? Sao ông không nhập ngũ ở bên Mỹ?

- Tôi cũng không biết nữa – tôi đáp – Bây giờ còn tiến hành được không ?

- Tôi e là không được. Vì sao ông gia nhập quân đội Ý?

- Vì tôi ở Ý, nói tiếng Ý.

- Ừ, tôi đang học tiếng Ý đấy, tiếng ấy rất hay.

- Có người bảo là chỉ cần học trong hai tuần lễ thì phải.

- Ờ, tôi không học xong trong hai tuần đâu. Tôi đã học nhiều tháng rồi. Nếu muốn, ông có thể đến thăm cô ấy sau bảy giờ. Giờ đó cô ấy sẽ rảnh, nhưng nhớ đừng dẫn theo cả một lô bạn Ý nhé.

- Ngay cả vì cái thứ ngôn ngữ đẹp của Ý cũng không được hay sao?

- Không. Cũng chả cần đến bộ đồng phục đẹp của họ nữa.

- Thôi, chào bà.

- Chào Trung uý.

Tôi vẫy tay, chào bằng tiếng Ý rồi đi ra. Thật khó chào người ngoại quốc như dân Ý mà vẫn không thấy khó chịu. Cách chào của người Ý có vẻ không bao giờ thông dụng ở ngoại quốc.

Ngày hôm đó trời nóng nóng bức. Tôi đi ngược theo dòng sông đến đầu cầu ở Plava. Cuộc tấn công sẽ bắt đầu ngay tại đấy. Năm rồi người ta không thể nào tiến xa được vì chỉ có con đường độc đạo dẫn từ đèo đến cầu nổi, con đường đó lại ở dưới họng súng máy và họng trọng pháo trong khoảng gần một dặm. Từ năm trước con đường này không đủ rộng để có thể dùng vào mọi việc chuyên chở cần thiết cho cuộc tấn công; bọn Áo rất có thể mở một cuộc tàn sát ở đây. Nhưng dân Ý đã vượt qua được và tràn ra ở con đường nhỏ phía đằng xa, chiếm một khoảng độ một dặm rưỡi cách xa nơi bọn Áo đóng trên sông. Nhưng chỗ này là một vị trí hiểm yếu nên bọn Áo quyết chẳng để mất. Tôi cho rằng đó chỉ là một sự nhân nhượng lẫn nhau vì bọn Áo hãy còn đóng giữa phía đầu cầu chạy dài xuống mé sông. Hầm trú ẩn của bọn chúng ở phía trên sườn đồi chỉ cách ranh giới Ý vài thước. Trước kia, ở đấy có một thành phố nhỏ nhưng bây giờ chỉ là một đống gạch vụn đổ nát. Chỉ còn sót lại những mảnh vụn của nhà ga xe lửa và của cây cầu bị phá vỡ mà người ta không thể sửa chữa hoặc dùng được nữa, vì nó đứng chơ vơ lộ liễu trước hoả lực của địch.

Tôi xuống theo con đường hẹp đến tận mé sông. Tôi để xe ở trạm cứu thương dưới chân đồi. Tôi đi qua chiếc cầu nổi được núi che khuất rồi đi xuyên qua đường hầm ở dưới thành phố bị tiêu huỷ, rồi lại lượn quanh theo sườn đồi. Mọi người đều ở trong hầm. Các giàn hoả tiễn dựng đứng để khi cần thì có thể bắn đi, gọi pháo binh tiếp viện hoặc là để ra hiệu lệnh nếu một khi đường dây điện thoại bị cắt đứt. Tất cả chỉ có yên tĩnh, nóng và bụi bặm. Tôi nhìn sang biên giới Áo qua đường dây điện thoại chẳng thấy ma nào cả. Tôi dùng rượu với một viên đại uý tôi quen trong hầm rồi băng qua cầu đi trở về.

Một con đường mới rộng sắp được hoàn thành. Con đường ấy sẽ ăn thông lên rồi uốn khúc lượn xuống phía cầu; khi con đường xong, cuộc tấn công sẽ bắt đầu. Con đường chạy xuống, băng qua khu rừng với những khúc quanh hiểm hóc. Theo kế hoạch thì mọi thứ sẽ đưa xuống con đường mới còn những xe bò, xe Hồng thập tự chở đầy bệnh nhân trở về theo con đường hẹp cũ. Trạm cứu thương ở sát bờ sông phía bên bọn Áo, dưới triền đồi và những người tải thương sẽ khiêng họ trở lại qua cầu nổi. Khi cuộc tấn công xảy ra thì mọi việc sẽ tiến hành như thế. Tôi thấy ở đoạn bằng phẳng của con đường mới có một chỗ ngoặt khoảng một kilômét sẽ bị bọn Áo bắn phá dữ dội. Như thế sẽ vô cùng hỗn độn. Tuy nhiên tôi đã tìm được một nơi có thể làm chỗ ẩn núp cho các chiếc xe tải thương sau khi đã đi qua được khu vực nguy hiểm này và có thể chờ các thương binh được chuyển qua cầu nổi. Tôi thích sẽ được lái xe trên con đường này, nhưng nó chưa được hoàn thành. Con đường trông rộng rãi, chắc chắn dốc vừa phải và những chỗ quành ngoạn mục trông rất kín đáo mà từ nơi đó ta có thể nhìn thấy địch qua những rặng cây và rừng bên sườn núi không nguy hiểm một chút nào, vì xe chúng tôi có phanh thép hơn nữa khi xuống dốc xe chẳng chở gì. Tôi lái xe cho chạy trở lên con đường hẹp.

Hai ngườCi lính gác chặn xe tôi lại. Một quả đạn trái phá vừa rơi trên con đường này và trong khi chờ đợi, ba quả nữa thi nhau rơi xuống đấy. Đó là những quả trọng pháo bảy mươi bảy ly. Chúng xẻ không khí bay đến, tiếp theo là một tiếng nổ chát chúa, sáng rực và khói phủ ngang con đường. Hai người lính vẫy hiệu cho chúng tôi đi. Đi ngang qua chỗ những quả trọng pháo rơi khi nãy, tôi cho xe tránh ổ gà. Tôi ngửi thấy mùi thuốc nổ nồng nặc, mùi đá, đất sét và mùi đá lửa mới bị vỡ. Tôi cho xe chạy trở lại Gorizia, đến biệt thự của chúng tôi, và như đã nói, tôi đến thăm nàng Barkley lúc đó còn đang bận việc.

Tôi ăn vội buổi chiều rồi quay đến toà biệt thự bệnh viện của người Anh. Bệnh viện thật to và đẹp, chung quanh trồng nhiều cây cối rất xinh. Cô Barkley đang ngồi trên chiếc ghế dài ngoài vườn với cô Ferguson. Thấy tôi, họ tỏ vẻ vui mừng; ngồi một lát cô Ferguson cáo lỗi xin phép đi. Cô bảo:

- Thôi anh chị ngồi chơi, không có tôi, anh chị dễ nói chuyện hơn.

- Helen, đừng đi mà – Barkley khẩn khoản.

- Thật ra mình cũng muốn ở lại, nhưng mình bận viết một vài bức thư.

- Chào cô – tôi nói.

- Chào ông Henry.

- Đừng viết gì khiến kiểm duyệt phải ngạc nhiên nhé.

- Đừng lo. Tôi chỉ viết về cảnh đẹp nơi chúng ta đang ở và lòng dũng cảm của người Ý.

- Viết như thế sẽ chóng được huân chương đấy.

- Rất hay. Thôi chào Catherine.

- Lát nữa mình sẽ gặp lại nhau – Barkley đáp.

Cô Ferguson băng mình vào bóng đêm.

- Cô ấy trông dễ thương nhỉ - tôi nói.

- Vâng, chị ấy dễ thương lắm. Chị ấy là một nữ y tá.

- Thế cô, cô không phải là y tá à?

- Ồ không, tôi là “phụ nữ tình nguyện.” Chúng tôi làm việc vất vả nhưng chẳng ai tin chúng tôi cả.

- Sao thế?

- Khi không có việc gì thì họ không tin chúng tôi, còn khi có nhiều việc thì họ mới tin chúng tôi.

- Việc ấy khác với việc của y tá như thế nào?

- Y tá giống như một bác sĩ. Nghề này phải học một thời gian lâu. Còn “phụ nữ tình nguyện” chỉ học một phần của y tá mà thôi.

- À ra thế!

- Người Ý không muốn có phụ nữ ở gần mặt trận. Vì thế chúng tôi sống theo một chế độ đặc biệt. Chúng tôi không ra ngoài bao giờ. Không được ra ngoài.

- Tuy vậy tôi vẫn có thể đến đây chứ?

- Ờ dĩ nhiên, chúng tôi đâu phải là những kẻ bị giam trong nhà tu kín đâu.

- Thôi, chúng ta hãy dẹp chuyện chiến tranh qua một bên đi.

- Khó lắm, biết dẹp nó ở đâu bây giờ?

- Nhưng dù sao chúng ta cũng nên dẹp nó qua một bên là hơn.

- Đồng ý.

Chúng tôi nhìn nhau trong bóng đêm. Tôi thấy nàng rất đẹp, tôi cầm lấy tay nàng. Nàng để yên cho tôi nắm. Tôi nắm lấy bàn tay nàng và choàng tay qua người nàng.

- Đừng – nàng bảo. Nhưng tôi vẫn để yên tay ở chỗ cũ.

- Sao lại đừng?

- Không có gì cả.

- Nào, cô cho phép tôi nhé – Tôi nghiêng mình tới trước để hôn nàng trong bóng đêm, tức thì nhận được cái tát nảy lửa. Nàng đã tát thẳng vào mặt tôi. Nàng đánh vào mũi, vào mắt tôi và phản ứng tự nhiên là nước mắt chảy ra.

- Tôi rất lấy làm tiếc – Nàng nói – Tôi cảm thấy như thế có lợi cho tôi hơn…

- Cô hành động như thế rất phải.

- Tôi rất buồn khi làm như vậy. Thực ra tôi không thể chịu nổi cái cảnh giải trí buổi tối như thế đôi với một nữ y tá. Tôi không cố ý tát ông, tôi làm ông đau phải không?

Nàng nhìn tôi trong bóng tối. Tôi tức giận, tuy nhiên tôi bình tĩnh vì tôi đoán trước những gì vừa xảy ra dễ như đoán nước cờ.

- Không, cô làm như thế là phải lắm. Tôi rất mến cô.

- Tội nghiệp.

- Như cô biết, từ trước đến giờ tôi sống một cuộc đời kỳ cục, và lại không nói tiếng Anh với ai cả. Rồi vì thấy cô quá đẹp. Tôi đã bảo là tôi rất lấy làm tiếc vì hành động vừa qua. Chúng ta rất hợp nhau.

- Vâng – nàng đáp – Và chúng ta đã dẹp chiến tranh sang một bên rồi đấy.

Nàng cười to lên. Lần đầu tiên tôi nghe nàng cười to. Tôi ngắm khuôn mặt nàng.

- Ông thật dễ mến.

- Ờ, không đâu.

- Thật mà. Trông anh thật đáng yêu. Nếu không mắc mớ gì em rất sung sướng được hôn anh.

Tôi nhìn thẳng vào mắt nàng và choàng tay qua người nàng như khi nãy rồi hôn nàng. Tôi hôn nàng đắm đuối, xiết chặt người nàng và cố mở đôi môi nàng ra. Tôi vẫn còn giận và khi tôi ôm nàng trong tay, nàng bỗng rùng mình. Tôi xiết chặt người nàng vào lòng và nghe tiếng tim đập nhanh. Đôi môi nàng hé mở, đầu nàng ngả lên tay tôi rồi bỗng nhiên nàng nức nở khóc bên vai tôi.

- Anh yêu quý, hãy hứa với em là anh sẽ tử tế với em, anh nhé.

Thật kỳ quặc! Tôi thầm nghĩ. Tôi khẽ vuốt tóc nàng và vỗ nhẹ lên vai nàng, an ủi. Nàng vẫn còn khóc.

- Hứa với em anh nhé – Nàng ngước mắt nhìn tôi – Vì chúng ta sắp bước vào một cuộc sống kỳ lạ.

Một lát sau tôi tiễn nàng về đến tận cổng biệt thự, nàng trở vào còn tôi thì về nhà. Khi về đến nhà, tôi lên gác vào phòng. Rinaldi đang nằm dài trên giường. Cậu ta nhìn tôi.

- Chuyện cô Barkley và anh tiến đến đâu rồi?

- Chúng tôi là bạn với nhau cơ mà.

- Trông cậu như một con chó trong cơn động cỡn.

Tôi không hiểu bèn hỏi lại:

- Cái gì?

Cậu ta giải thích cho tôi rõ:

- Cậu đang có cái vẻ thích thú của một con chó khi…

- Thôi, nếu không tí nữa cậu sẽ làm tớ mất lòng – Cậu ta cười to lên.

- Chào anh, tôi đi ngủ đây.

- Thôi, chào em bé.

Tôi lấy chiếc gối lật đổ ngọn nến và ngủ trong bóng tối. Rinaldi lượm cây nến thắp lên và tiếp tục đọc sách.

Chương 6

Tôi phải ở lại trạm cấp cứu hai ngày. Khi trở về thì trời đã khuya; mãi cho đến buổi chiều tối hôm sau tôi mới gặp lại nàng. Nàng không có trong vườn, và tôi phải đợi ở văn phòng. Phòng có nhiều pho tượng bán thân bằng cẩm thạch, đặt trên những trụ gỗ dọc bờ tường. Gian phòng lớn giáp với phòng giấy cũng đặt nhiều tượng như thế. Các pho tượng làm toàn bằng một thứ cẩm thạch tốt, tất cả đều trông giống nhau. Tuy không thích điêu khắc nhưng tượng bằng đồng trông còn có vẻ giống một cái gì, chứ toàn bằng đá thì trông giống như một nghĩa trang. Tuy nhiên, cũng có một nghĩa trang đẹp như nghĩa trang ở Pisa. Còn Gennoa là một nơi chỉ thấy toàn những pho tượng xấu. Toà biệt thự này trước kia là một người giàu có người Đức và chắc là những pho tượng này rất đắt tiền. Tôi tự hỏi không biết ai đã đúc những pho tượng này và giá là bao nhiêu. Tôi cố tìm hiểu xem những pho tượng này là tượng của những người trong gia đình hay của ai. Nhưng tất cả các pho tượng đều tương tự như nhau một cách cổ điển nên tôi chịu.

Tôi ngồi xuống ghế, mũ kêpi cầm trên tay. Chúng tôi được lệnh phải đội mũ sắt ngay cả ở Gorizia, nhưng mũ ấy bất tiện và trông kịch cỡm không tự nhiên, trong một thành phố mà thường dân chưa đi tản cư. Tôi đội chiếc mũ đó khi ở mặt trận và mang theo cả chiếc mặt nạ phòng hơi ngạt của Anh. Chúng tôi vừa mới nhận được vài cái thôi. Đó là những chiếc mặt nạ thực. Chúng tôi còn được lệnh mang theo súng lục tự động ngay cả bác sĩ và nhân viên quân y. Tôi thấy súng chạm vào lưng ghế. Nếu không mang súng có thể bị bắt. Rinaldi mang một bao súng bên trong nhét toàn giấy vệ sinh, còn tôi thì mang một khẩu súng thật. Tôi thấy mình là một tay thiện xạ cho tới ngày sử dụng thật. Tôi mang khẩu Astra 7.65. Nòng súng rất ngắn và khi bóp cò, nó giật mạnh đến nỗi không ai nghĩ rằng nó sẽ bắn trúng đích. Tôi tập bắn với khẩu súng đó, nhắm dưới cái bia ghì súng thật chặt, đến mức cách hia mươi bước tôi tôi có thể bắn trúng như cách một mét. Lúc đầu khi mang súng tôi cảm thấy có vẻ lố bịch, nhưng rồi sau đó tôi quen đi và đeo tự nhiên bên hông trừ khi nào gặp một người nói tiếng Anh tôi mới cảm thấy hơi thèn thẹn mà thôi. Và giờ đây biết tôi đang ngồi trên ghế, người thư ký đứng sau bàn viết nhìn tôi khó chịu, trong lúc tôi nhìn sàn nhà bằng đá, những cây cột với các pho tượng bán thân và những bức hoạ trên tường để chờ Barkley. Các bức họa trên tường trông rất khá, nhưng chúng chỉ đẹp khi bắt đầu ngả sang tranh cổ.

Thấy Barkley đi ngoài hành lang tôi liền đứng lên. Tôi không còn thấy nàng cao nữa, khi nàng tiến về tôi, trông nàng lúc bấy giờ đáng yêu vô cùng.

- Chào anh Henry.

- Chào cô, cô vẫn mạnh chứ? – tôi đáp.

Người thư ký đứng sau bàn lắng tai nghe.

- Cô muốn chúng ta ngồi đây hay đi ra vườn nói chuyện?

- Ta đi ra ngoài đi. Ở ngoài ấy mát hơn.

Tôi bước theo nàng ra vườn. Người thư ký nhìn theo chúng tôi. Vừa đi trên đường trải cát nàng vừa hỏi:

- Mấy bữa nay anh đi đâu?

- Anh bận đi xem xét mấy trạm cấp cứu.

- Anh không thể gởi cho em vài chữ sao?

- Không được, vì không tiện, vả lại anh nghĩ là sẽ trở về mà.

- Anh yêu, anh cần phải tin cho em biết chứ.

Chúng tôi rời con đường trải cát và đi dưới tàn cây. Tôi nắm lấy hai bàn tay nàng rồi ngừng lại hôn nàng.

- Không có chỗ nào để chúng ta có thể đi chơi được sao?

- Không anh ạ, chúng ta chỉ có thể đi bách bộ ở đây thôi. Anh vắng mặt lâu quá.

- Hôm nay là ngày thứ ba. Nhưng anh đã trở về rồi kia mà.

Nàng nhìn tôi.

- Anh yêu em thật chứ?

- Yêu.

- Anh đã nói là anh yêu em phải không?

- Phải (tôi nói dối). Anh yêu em – Thật ra, tôi chưa hề nói như thế với nàng.

- Và anh gọi em là Catherine chứ?

- Em Catherine – Chúng tôi tiếp tục đi một đoạn rồi dừng lại dưới tàn cây.

- Anh nói đi. Anh đã trở về thăm Catherine chiều nay.

- Anh đã trở về thăm Catherine chiều nay!

- Ô, anh yêu, có thật là anh đã trở về với em phải không?

- Phải.

- Em yêu anh như thế đó. Ba ngày đó thật là ghê gớm quá. Anh sẽ không đi nữa chứ?

- Không, anh sẽ trở lại luôn.

- Anh, em yêu anh quá. Anh hãy đặt tay lên đây đi anh.

- Anh vẫn để yên ở đó đấy chứ?

Tôi xoay người nàng lại để có thể thấy mặt nàng lúc hôn và mắt nàng mở to. Tôi hôn lên đôi mắt nhắm lại của nàng. Nàng có vẻ hơi dài dại.

Tôi chẳng hề quan tâm đến con đường phiêu lưu tình ái tôi đang lao vào. Tôi biết là tôi không yêu Catherine mà cũng chẳng có mảy may ý định nào yêu nàng. Tôi chỉ xem đó như một trò đùa, giống như trò chơi bài tây mà thay vì dùng con bài tây, thì ở đây mình dùng lời nói. Giống như trò chơi bài tây, bạn phải làm như bạn đang đánh ăn tiền hoặc lấy một giải thưởng nào đó. Còn trong trò chơi ái tình này, chẳng ai đả động xem giải thưởng sẽ là gì. Điều này rất hợp với tôi.

- Anh ao ước có nơi nào đó để mình có thể đi chơi – Tôi cảm thấy nỗi khó chịu của người đàn ông khi phải đứng âu yếm tình nhân của mình quá lâu.

- Không có nơi nào cả anh ạ - nàng đáp và như sực tỉnh cơn mơ.

- Ta ngồi xuống đây một lát đi.

Chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế đá dài. Và tôi cầm lấy tay Catherine. Nàng không để cho tôi choàng qua người nàng nữa.

- Anh có mệt lắm không? – nàng hỏi tôi.

- Không.

Nàng nhìn xuống đám cỏ.

- Trò chơi của mình xấu quá phải không anh?

- Trò chơi nào đâu?

- Đừng giả vờ nữa anh ạ.

- Không, anh không vờ đâu.

- Anh là một chàng trai tốt và anh cố đùa cũng tài. Nhưng đùa như thế sẽ có hại.

- Thế lúc nào em cũng đoán biết được ý nghĩ của kẻ khác hết sao?

- Không phải là lúc nào cũng thế, nhưng anh nghĩ gì em biết hết. Anh đừng có giả vờ tỏ vẻ yêu thương em. Chiều nay câu chuyện đến đây kể như đã kết thúc. Anh còn gì để nói nữa không?

- Nhưng anh yêu em thật mà.

- Thôi, em xin anh. Việc gì mà phải nói dối khi không cần thiết. Anh đã diễn thật hay màn hài kịch nhỏ vừa rồi và tất cả đều tốt đẹp. Anh thấy đó, em đâu có điên dại. Chỉ thỉnh thoảng hơi hơi thôi.

Tôi xiết chặt tay nàng.

- Catherine yêu quý của anh!

- Catherine! Tiếng ấy giờ đây nghe buồn cười quá nhỉ. Anh không gọi giống ban nãy. Nhưng dù sao anh cũng rất dễ thương và rất tốt bụng.

- Đúng, cha tuyên uý cũng nói anh như thế.

- Anh tốt lắm. Anh sẽ đến thăm em nữa chứ?

- Dĩ nhiên.

- Và anh khỏi phải nói là anh yêu em. Chuyện đó kể như đã xong.

Nàng đứng lên và đưa tay cho tôi nắm.

- Chào anh.

Tôi muốn hôn nàng.

- Không, em mệt lắm.

- Hôn anh đi mà – tôi bảo.

- Em mệt lắm, anh yêu.

- Hãy hôn anh đi.

- Anh muốn lắm hả?

- Ừ.

Chúng tôi hôn nhau. Bỗng nhiên nàng đẩy tôi ra và nói:

- Tbôi chào anh, anh yêu, xin anh hãy vui lòng

Chúng tôi đi ra cửa. Nàng đi vào và tôi đứng nhìn nàng xa dần trong hành lang. Tôi ra về. Đêm nay trời nóng bức và trên núi chiến sự có vẻ sôi động. Tôi ngắm những làn chớp ở trên núi San Gabrielle.

Tôi dừng bước trước Villa Rossa. Các cửa kính đều đóng kín nhưng bên trong vẫn còn thức. Có ai đang hát. Tôi tiếp tục đi về nhà. Khi tôi đang thay quần áo thì Rinaldi bước vào.

- A ha! – Hắn bảo – Công việc chắc hơi trục trặc hả? Em bé có vẻ bối rối.

- Cậu ở đâu về?

- Ở Villa Rossa. Thích lắm bé ơi. Tất cả chúng tôi đều ca hát. Còn cậu khi nãy ở đâu?

- Đi thăm mấy cô ả.

- Nhờ trời tớ chẳng để mấy cô ả ấy nắm cổ đâu.

Chương 7

Chiều hôm sau, từ một tiền đồn trên núi trở về, tôi đậu xe ở một trạm cấp cứu địa phương, mà các thương binh và bệnh nhân được xếp đặt theo những tâm thẻ ghi tên các bệnh viện khác nhau. Khi nãy tôi đã lái xe và bây giờ tôi ngồi trong xe để người lái xe mang giấy tờ bệnh nhân vào. Trời nóng và bầu trời sáng chói một màu xanh, con đường trắng xoá đầy bụi. Tôi ngồi ở chỗ tay lái trong chiếc Fiat, đầu óc nghĩ ngợi mông tung. Tôi ngắm nhìn một đoàn quân đi ngang qua đường. Những người lính nóng nực, mồ hôi nhễ nhại. Có vài người đội mũ sắt nhưng đa số treo mũ lủng lẳng ở ba lô. Hầu hết những chiếc mũ quá to và chụp xuống tận mang tai của những người đội. Tất cả các sĩ quan đều đội mũ sắt và trông có vẻ vừa vặn hơn. Đó chính là nửa quân số của lữ đoàn Basilicata. Tôi nhận ra họ nhờ huy hiệu ở cổ áo có sọc đỏ và trắng. Nhiều người đi lộn xộn, lết bết ở sau đoàn quân. Đó là những người không đi theo kịp tiểu đội của mình. Người họ ướt đẫm mồ hôi, bụi bặm và trông mệt nhọc. Một số người trông rất thảm hại. Một anh lính đi sau đám người đó. Anh ta đi tập tễnh rồi ngừng lại, ngồi bệt xuống bên vệ đường. Tôi xuống xe và hỏi:

- Sao đó?

Hắn nhìn tôi và đứng thẳng dậy.

- Tôi tiếp tục đi đây.

- Anh có sao không?

- ….chiến tranh.

- Chân anh bị đau sao đó?

- Tôi không bị đau chân, tôi bị sa ruột.

- Thế tại sao anh không để xe cứu thương chở anh đi? Sao anh không vào bệnh viện?

- Họ không cho. Trung uý bảo tôi giả vờ, vì tôi đã tháo đai đỡ ra.

- Để tôi khám xem.

- Nó đã sa hoàn toàn rồi.

- Ở phía nào?

- Đây.

Tôi nắn xem và nói:

- Anh ho đi…

- Tôi sợ làm thế nó sẽ sa nhiều hơn. Bây giờ nó đã sưng to gấp đôi so với lúc sáng.

- Anh ngồi xuống đi. Khi nào lấy xong các giấy tờ cho thương binh, tôi sẽ chở anh đi và chuyển cho các thầy thuốc của anh.

- Họ sẽ bảo là tôi cố ý làm như thế.

- Họ không thể giúp gì cho anh cả vì đó không phải là một vết thương. Anh đã bị sa ruột như thế này trước chiến tranh phải không?

- Nhưng tôi đã làm mất đai đỡ rồi.

- Họ sẽ chuyển anh vào một bệnh viện.

- Tôi không thể ở đây được sao, thưa Trung uý?

- Không, tôi không có giấy tờ của anh.

Người lái xe ra với giấy tờ các thương binh trên xe của tôi.

- Bốn người đến bệnh viện 105. Hai người bệnh viện 132. Các bệnh viện ấy ở bên kia sông.

- Anh lái nhé.

Tôi dìu anh lính lên chỗ chúng tôi ngồi.

- Trung uý nói được tiếng Anh chứ? – Anh ta hỏi.

- Dĩ nhiên.

- Trung uý thấy cuộc chiến tranh chó chết này ra sao?

- Một vận đen.

- Chà, tôi tin như anh. Đó là một vận đen. Lạy Chúa! Đúng là một vận đen.

- Anh đã ở Hoa Kỳ phải không?

- Phải, tôi đã ở Pittsburg, tôi biết Trung uý là người Mỹ.

- Phải chăng tôi đã nói tiếng Ý không được khá lắm?

- Tôi đã biết rõ trước Trung uý là người Mỹ.

- Lại thêm một người Mỹ nữa – Anh lái xe nói bằng tiếng Ý và nhìn anh lính bị sa ruột.

- Thưa Trung uý, có phải trung úy cho tôi về lại trung đoàn của tôi không ạ?

- Phải.

- Vị đại uý quân y biết tôi đau ruột. Tôi đã bỏ đai đỡ để bị sưng to hơn. Tôi cho là như thế người ta sẽ không bắt tôi ra trận.

- Tôi hiểu rồi.

- Trung uý có thể đưa tôi đi nơi khác được không?

- Nếu ở gần mặt trận hơn, tôi có thể đưa anh đến một trạm cấp cứu. Nhưng ở đây, ở hậu phương, thì phải có giấy tờ mới vào bệnh viện được.

- Nếu tôi trở lại, họ sẽ bắt tôi phải mổ, rồi sẽ đẩy tôi ra tiền duyên vĩnh viễn.

- Chuyện này làm tôi nghĩ ngợi.

- Chắc trung uý không thích ra tiền duyên vĩnh viễn chứ? – Anh ta hỏi.

- Không.

- Chúa ơi! Thật là một cuộc chiến tranh khốn nạn.

- Nghe này, bây giờ anh nhoài người ngã xuống đường và làm bị thương ở đầu. Khi nào quay trở về, tôi sẽ lượm anh và chở anh vào bệnh viện. Chúng ta dừng lại ở cạnh đường này đi, Aldo.

Chúng tôi dừng lại và tôi đỡ anh ta bước xuống xe.

- Trung uý đón tôi ở đây nhé. Ở đây được rồi Trung uý ạ.

- Lát nữa – tôi đáp.

Chúng tôi tiếp tục đi và độ một kilômét thì vượt khỏi trung đoàn rồi băng qua sông phủ mờ hơi tuyết, chạy mau qua các thành câu, chạy dài theo đường, băng qua đồng bằng để tiếp đó sau khi băng qua sông nước đục ngầu vì tuyết tan, chảy xiết giữa các trụ cầu, chúng tôi theo đường qua cánh đồng tải thương binh vào hai bệnh viện. Tôi lái xe trở về và cho xe không chạy mau để tìm người lính ở Pittsburg khi nãy. Thoạt tiên chúng tôi gặp trung đoàn, chưa bao giờ thấy họ đẫm mồ hôi và chậm chạp như thế. Tiếp theo là những người đi không hàng ngũ. Rồi chúng tôi thấy một chiếc xe cứu thương do ngựa kéo dừng ở bên đường. Hai người đang đỡ tên lính bị đau ruột lên xe. Họ đã trở lại tìm anh. Anh lắc đầu nhìn về phía tôi. Chiếc mũ của anh đã rớt và trán anh rịn máu ở dưới chân tóc. Mũi anh trầy da, bụi bặm đất cát đầy trên tóc và trên vết thương đẫm máu.

- Trung uý xem cục u này – Hắn kêu lên – Không ăn thua gì cả, họ đã trở lại tìm tôi.

Khi tôi trở về biệt thự thì đã năm giờ. Tôi ra chỗ rửa xe để tắm cho mát. Xong tôi vào phòng lập bản tường trình. Tôi ngồi viết trước cửa sổ mở rộng, mặc chiếc quần đùi và chiếc áo lót. Trong vòng hai ngày nữa cuộc tấn công sẽ bắt đầu và tôi phải đi cùng với những chiếc xe đến Plava. Từ lâu rồi tôi không viết thư về Mỹ và tôi biết là trước sau gì tôi cũng phải viết nhưng vì bỏ lâu quá không viết cho nên bây giờ hầu như khó có thể viết được nữa. Hơn nữa không có chuyện gì đáng viết cả. Tôi gởi hai tấm bưu thiếp này có tác dụng lớn rất lạ lùng và huyền bí. Vùng này cũng lạ lùng và bí hiểm. Nhưng tôi cho là nó được chỉ huy khá tốt và nguy hiểm hơn so với những trận đánh bọn Áo trước đây. Quân đội Áo được thành lập để tạo những chiến thắng chống Napoléon , bất kỳ một Napoléon nào. Tôi ao ước có được một Napoléon nhưng thay vào đó chúng tôi có tướng Cardona béo mập, và Vitterio Emmanuele, người nhỏ, cổ dài với bộ râu dê. Bên kia, ở cánh phải, thì có bá tước Aosta. Có lẽ ông ta quá trẻ để làm một đại tướng cừ khôi, nhưng dù sao ông cũng có dáng dấp một người đàn ông. Biết bao người thích ông làm vua mà không được. Ông có vẻ như một hoàng đế. Ông là chú của vua và chỉ huy đoàn quân thứ ba. Còn chúng tôi ở đoàn quân thứ hai. Trong đoàn quân thứ ba có vài khẩu trọng pháo Anh. Lúc ở Milan tôi đã được gặp hai tay súng trong đoàn quân thứ ba. Họ rất dễ thương và chúng tôi đã cùng nhau chung sống một buổi tối đầy thú vị. Họ cao lớn, e thẹn bối rối và biết nhận định thời cuộc. Tôi ao ước được sống trong đoàn quân của họ. Nếu được như thế thì chuyện đã giản dị đi nhiều, và có thể là tôi đã bị giết rồi cũng nên. Không phải vì việc tải thương này, dù rằng ngay cả nghề tải thương cũng nguy hiểm. Đôi khi những người lái xe cứu thương Anh cũng bị giết. Nhưng tôi yên chí mình sẽ không bị chết trong cuộc chiến tranh này, vì cuộc chiến tranh này đối với tôi không có nghĩa lý gì cả. Với tôi nó không nguy hiểm gì hơn trên màn ảnh. Tuy thế tôi vẫn cầu mong Thượng Đế cho nó sớm chấm dứt. Cũng có thể là nó sẽ chấm dứt trong mùa hè này. Cũng có thể là bọn Áo thua trận. Bọn chúng đã từng thua nhiều trận trước. Cuộc chiến tranh này có nghĩa lý gì? Ai cũng bảo là dân Pháp đang ở trong tình trạng kiệt quệ. Rinaldi bảo là dân Pháp đang nổi loạn và nhiều đoàn quân đang diễu hành ở Paris. Tôi hỏi hắn đã xảy ra những gì thì hắn trả lời “Ồ người ta thí đoàn quân ngăn chặn dân chúng lai.” Thời bình tôi muốn đi thắm nước Áo. Tôi muốn đến vùng Rừng Đen. Tôi muốn đến dãy núi Hartz. Tuy nhiên núi Hartz ở đâu tôi không biết. Người ta đang đánh nhau ở núi Carpathes. Tôi không muốn đến đó một tí nào. Dù sao như thế cũng không khó chịu lắm. Tôi có thể đi Tây Ban Nha nếu không có chiến tranh. Vào giờ này mặt trời đang từ từ lặn và không khí mát mẻ. Sau bữa ăn tối tôi sẽ đến thăm Catherine Barkley. Ước gì bây giờ nàng có ở đây với tôi. Ước gì tôi ở Milan cùng nàng. Tôi rất thích ngồi ăn ở Cova rồi xuống Via Manizoni vào buổi tối nóng nôi, đi qua con kênh rồi quay trở về khách sạn với Catherine Barkley. Có thể nàng sẽ nhận lời. Có thể nàng xem tôi như người tình cũ của nàng đã mất. Chúng tôi sẽ đi vào cửa chính. Người bồi khách sạn sẽ giở mũ chào, tôi sẽ dừng lại ở bàn giấy để hỏi chìa khóa và nàng đứng chờ tôi bên thang máy để hai chúng tôi cùng bước vào và chiếc thang máy sẽ từ từ và kêu lách cách khi đến mỗi tầng. Người bồi sẽ mở cửa đứng chờ ngoài đó, và nàng sẽ nhẹ nhàng bước ra theo sau là tôi. Chúng tôi sẽ đi dọc theo hành lang. Tôi sẽ cho chìa khoá vào ổ khóa và mở cửa ra, đi vào gọi dây nói bảo họ mang đến một chai rượu Capri Bianca để trong một cái xô bạc đựng đầy nước đá. Bạn có thể nghe tiếng đá va chạm vào chiếc xô dài theo hành lang. Người bồi đến gõ cửa và tôi sẽ bảo cứ để ngoài ấy vì chúng tôi không mặc quần áo ngoài bởi trời quá nóng. Cửa sổ mở rộng, những con chim én bay lượn lượn trên mái nhà. Sau đó khi đêm xuống, đi ra cửa sổ, chúng tôi sẽ nhìn thấy những con dơi nhỏ xíu đang săn mồi trên mái nhà san sát các ngọn cây. Xong chúng tôi sẽ uống rượu Capri trong phòng cửa khoá lại, vì chỉ mặc một lượt áo mỏng suốt đêm do trời nóng. Và cả hai chúng tôi sẽ yêu nhau đắm đuối suốt đêm nồng nực tại Milan. Những việc đó sẽ phải xảy ra như thế. Tôi ăn vội vàng để đến thăm Catherine Barkley ngay.

Trong bữa ăn họ nói quá nhiều. Tôi uống rượu vì nếu tối nay không uống với họ một tí, họ sẽ không còn coi thân mật như anh em nữa. Tôi nói chuyện với cha tuyên uý về đức giám mục Ireland, một người cao cả mà tôi đã cố làm ngơ trước những lời đàm tiêu về ông. Rất có thể là vô lễ khi mình chẳng hề biết gì về những bất công mà người ta đã giải thích tỉ mỉ nguyên nhân cho mình nghe những nguyên nhân mà cuối cùng mình thấy có vẻ sai lầm. Ông có một cái tên hay, tên đọc lên nghe như đảo Ireland. Nhưng không, không phải chỉ có thế thôi. Có nhiều chuyện hay hơn thế nữa. Họ rót thêm rượu cho tôi. Uống được mấy ly, tôi không còn muốn uống thêm nữa và nhớ ra là sắp sửa phải đi.

Rồi tôi nói:

- Thôi tôi phải đi đây.

- Đúng đấy. Cậu ấy phải đi vì có hẹn. Tôi biết cả - Rinaldi bảo.

- Tôi phải đi đây.

Trên bàn, những ngọn bạch lạp thắp sáng choang. Tất cả các sĩ quan đều có vẻ hân hoan. Tôi bảo:

- Thôi chào các ông.

Rinaldi đi ra ngoài với tôi. Chúng tôi đứng trên thảm cỏ và cậu ta nói:

- Anh không nên đến đó với bộ mặt say sưa như vậy.

- Tôi không say đâu, Rinaldi. Thật mà.

- Cậu nên nhai một vài hột cà phê.

- Lạ nhỉ?

- Anh sẽ lấy cho “em bé” vài hột nhé? Hãy dạo quanh đây chờ anh.

Cậu ta trở lại, tay đầy hột cà phê rang.

- Nhai đi nhé em bé, cầu xin Chúa ban phước lành cho em.

- Thánh Bacchus chứ - tôi bảo.

- Để anh đi xuống phố với em.

- Tôi có sao đâu?

Chúng tôi đi qua thành phố. Tôi vừa đi vừa nhai hột cà phê. Tới cổng có đường chạy dài đến biệt thự bệnh viện Anh, Rinaldi từ giã tôi.

- Chào anh – tôi đáp – Sao anh không vào?

Cậu ta lắc đầu trả lời.

- Không, tôi thích những thú vui giản dị hơn.

- Cám ơn anh đã cho tôi hột cà phê.

- Có gì đâu, em bé. Chả có gì cả.

Tôi bước theo lối đi. Hai bên đường những cây trắc bá vươn cao thẳng tắp và thanh thoát. Ngó lại phía sau, Rinaldi đứng nhìn theo, tôi bèn vẫy tay chào cậu ta.

Tôi ngồi ở phòng tiếp khách trong biệt thự để chờ Catherine Barkley. Có tiếng chân ai đi trong hành lang. Tôi vội đứng lên, nhưng không phải, không phải Catherine Barkley mà là cô Ferguson.

- A, anh mạnh giỏi? Catherine nhờ tôi xuống nói với anh rằng nàng rất lấy làm tiếc không tiếp đón anh tối nay được.

- Thật không may, tôi mong rằng nàng không bị ốm chứ?

- Nàng không được khoẻ.

- Xin cô vui lòng nói lại là tôi rất lấy làm buồn.

- Vâng, tôi sẽ nói lại.

- Theo cô, tôi có nên tìm gặp nàng ngày mai không?

- Nên lắm chứ.

- Cám ơn cô nhiều lắm, chào cô.

Tôi đi ra cửa, lòng bỗng nhiên cảm thấy trống rỗng cô đơn. Tôi đã xem quá nhẹ việc đến thăm nàng. Tôi cũng có hơi say khi nãy và quên bẵng việc đến thăm, nhưng giờ đây khi không gặp được nàng, lòng tôi sao thấy cô đơn trơ trọi.

Chương 8

Chiều hôm đó chúng tôi được tin sẽ có một cuộc tấn công ở thượng nguồn con sông, và chúng tôi phải đem bốn chiếc xe đến. Không ai biết gì về cuộc tấn công đó mặc dù ai nấy đều nói một cách chắc chắn với vẻ hiểu biết sâu rộng về chiến thuật. Tôi ngồi trong chiếc xe thứ nhất và khi chạy qua bệnh viện Anh, tôi bảo lái xe dừng lại. Mấy chiếc kia đỗ sau chúng tôi. Tôi xuống xe và bảo những người lái xe cứ tiếp tục chạy và đợi ở ngã tư Cormons nếu chúng tôi không theo kịp. Tôi theo lối vào, đến phòng khách và hỏi thăm cô Barkley.

- Cô ấy bận việc.

- Liệu tôi có thể gặp cô ấy trong một phút được không?

Họ cho người giúp việc đi báo và nàng tới.

- Anh đến hỏi thăm xem em đã mạnh chưa. Họ đã cho anh hay là em đang bận, thế là…anh xin phép được gặp mặt em.

- Em mạnh hẳn rồi – nàng đáp – Có lẽ hôm qua trời nóng quá cho nên em khó chịu mà thôi.

- Anh phải đi ngay.

- Em sẽ tiễn anh ra đến cửa.

Khi ra tới ngoài, tôi hỏi:

- Em thật mạnh rồi chứ?

- Vâng, anh yêu. Tối nay anh có đến không?

- Không được, anh phải đi ngay vì phải có mặt ngắn ngày ở Plaza.

- Có mặt ngắn ngày à?

- Anh nghĩ không nghiêm trọng gì.

- Bao giờ anh về?

- Ngày mai.

Nàng đưa tay tháo vật gì ở cổ ra rồi đưa tôi.

- Đây là tượng ảnh thánh Anthony – nàng bảo – Anh hãy giữ lấy và đêm mai đến thăm em.

- Em không phải tín đồ Thiên Chúa giáo chứ?

- Không, nhưng họ nói tượng ảnh thánh Anthony sẽ mang lại sự bình yên.

- Anh sẽ vì em mà giữ vật đó. Giã từ em.

- Không – nàng bảo – Đừng nói tiếng giã từ.

- Được.

- Hãy cẩn thận và ngoan anh nhé. Không, anh không thể hôn em ở đây được đâu. Không, đừng anh.

- Thế cũng được.

Tôi nhìn lại và thấy nàng đứng trên bục cửa. Nàng giơ tay vẫy. Tôi hôn tay rồi đưa về phía nàng. Nàng lại vẫy tay, tôi đi xa dần. Tượng thánh Anthony đựng trong một cái hộp bằng kim khí. Tôi mở nắp hộp, trút tượng thánh ra tay.

Người lái xe hỏi:

- Thánh Anthony phải không?

- Vâng.

- Tôi cũng có.

Tay phải anh rời tay lái cởi khuy áo choàng và kéo tượng thánh Anthony ra dưới lớp áo sơ mi.

- Thấy không?

Tôi bỏ tượng thánh Anthony của tôi vào hộp, cả sợi dây chuyền vàng mỏng, rồi nhét vào túi áo ngực.

- Ông không đeo vào người sao?

- Không.

- Tốt hơn hết nên đeo vào người vì tượng Anthony cốt là để đeo.

- Được rồi, đeo thì đeo.

Tôi vừa nói vừa mở móc sợi dây chuyền vàng ra đeo vào cổ rồi cài móc lại. Hình tượng ảnh nằm bên ngoài bộ binh phục của tôi. Tôi mở cổ áo choàng ra, mở khuy áo sơ mi ra cho tượng ảnh vào trong đó. Tôi cảm thấy tượng ảnh nằm trong chiếc bao nhỏ chạm vào ngực tôi lúc xe chạy. Rồi tôi không nghĩ đến nó nữa. Sau này lúc bị thương, tôi không tìm thấy tượng thánh ấy đâu nữa. Có lẽ ai đó đã nhặt tượng thánh Anthony ở một trạm cứu thương nào rồi.

Chúng tôi cho xe chạy nhanh hết sức khi vượt cầu và một lát sau chúng tôi thấy đám bụi của mấy xe trước ở trên đường, đầu dốc. Con đường quanh co thành thử trông ba chiếc xe rất nhỏ. Bụi từ bánh xe tung lên và quấn quyện giữa những tàn lá. Chúng tôi đuổi kịp xe trước vượt qua mặt rồi quẹo sang đường đi lên đồi. Đi xe từng đoàn như vầy không phải là một điều khó chịu nếu ngồi ở xe đầu. Tôi dựa lưng đưa mắt ngắm nhìn khắp vùng. Chúng tôi đang ở dưới chân đồi gần sát bờ sông. Càng lên đến trên những dãy núi cao, đỉnh hãy còn đóng tuyết, hiện ra ở phía Bắc. Nhìn ra sau, tôi thấy ba chiếc xe kia đang leo núi, chiếc sau cách chiếc trước bởi lớp bụi mờ. Chúng tôi gặp một đoàn lừa dài chuyên chở đồ đạc nặng trĩu, những người dắt lừa đi hàng dài bên cạnh, đầu đội mũ đỏ. Họ là những người lính gác.

Đoàn lừa đi ngang qua con đường trống trơn. Chúng tôi cho xe leo qua những ngọn đồi và sau khi vượt qua đèo, chúng tôi xuống một thung lũng. Hai bên đường đều có trồng cây. Qua hàng cây bên phải tôi nhìn thấy con sông nước trong vắt nước chảy mau và cạn. Nước sông rút xuống, người ta trông thấy lớp cát và sỏi sạn với một đường nước hẹp. Đôi khi nước dàn ra trên sỏi thành một lớp lóng lánh. Sát bờ sông có nhiều vũng nước sâu, nước trong xanh như bầu trời. Nhiều đường đất, băng qua sông theo những chiếc cầu đã cong và chúng tôi chạy qua nhiều trại ấp xây bằng đá. Xuống phía Nam, vô số cây đào trỗi lên, giáp bờ tường, như những giá đèn và xa xa có những bức tường thấp trên cánh đồng. Con đường xuôi theo thung lũng một đoạn dài rồi quặt lên đồi. Nó dựng đứng rồi quanh co qua những rừng dẻ và cuối cùng trên cao trở lại bằng phẳng. Tôi nhìn xuống qua khu rừng dẻ thấy phía dưới xa kia con sông lấp lánh nắng ngăn cách hai bên chiến trận. Chúng tôi đi theo con đường quân sự mới, gồ ghề đỉnh đồi và thấy hai rặng núi ở phía Bắc. Núi màu xanh thẫm và đỉnh núi trắng toát rực ánh mặt trời. Theo con đường chạy lên đỉnh đồi, tôi thấy một rặng núi thứ ba phủ tuyết cao hơn. Nó trắng xoá như vôi và nứt nẻ với những mặt phẳng kỳ lạ và sau dãy núi này có những rặng núi xa tít tắp trông rất huyền ảo. Những ngọn núi đó thuộc bọn Áo. Chúng tôi chẳng có ngọn nào giống như thế cả. Ở phía trước con đường đèo rẽ sang phải và nhìn xuống có thể thấy nó lao xuống qua các hàng cây. Trên con đường này người ta thấy có những đoàn quân, những chiếc xe hơi cùng những đoàn lừa và những khẩu súng. Khi xuống đèo chúng tôi luôn luôn giữ cho xe chạy sát vào một bên, tôi có thể nhìn thấy con sông xa tít, dưới kia, những hàng tà vẹt đường xe lửa chạy dài theo sông, chiếc cầu cũ kỹ của đường sắt và xa hơn, dưới chân đồi, bên kia sông là những ngôi nhà đổ nát của thành phố bé nhỏ mà chúng tôi phải chiếm giữ.

Khi chúng tôi cho xe chạy xuống và rẽ sang con đường lớn chạy dọc theo bờ sông thì trời đã gần tối.

Chương 9

Con đường này đông nghẹt và cả hai bên lề đường có nhiều đệm và tấm che làm bằng bẹ ngô. Tất cả phủ chiếu nên trông giống như cửa vào của một gánh xiếc hoặc một bản làng. Xe chạy chậm trong hầm rơm đó rồi chui ra một vùng trống trải trước đây là ga xe lửa. Con đường ở đây nằm dưới bờ sông, suốt dọc theo lề dưới này bộ binh trú trong những hố đào vào bờ dốc. Mặt trời đã lặn, ngước mắt nhìn lên giải đất tôi thấy những quả khí cầu quan sát màu đen của bọn Áo trên những ngọn đồi thuộc phía bên kia, trong ánh chiều tà. Chúng tôi đậu xe bên sân gạch. Những bếp lò và hố sâu được biến thành trạm cứu thương.Ở đó tôi có biết ba bác sĩ. Tôi nói chuyện với thiếu tá và được lệnh cho hay là khi bắt đầu tấn công thì chúng tôi sẽ cho các thương binh lên xe và chở họ về theo con đường có nguỵ trang khi nãy lên đỉnh đèo theo con đường chính. Ở trên đó có một trạm và có nhiều xe khác sẽ lo chuyên chở họ. Thiếu tá hy vọng rằng con đường sẽ không bị nghẽn tắc. Đó là một cuộc hành quân theo độc đạo. Con đường được ngụy trang vì nó nằm ngay dưới hoả lực của bọn Áo, ở bên kia sông. Ở sân gạch này, dải đất bờ sông che cho chúng tôi khỏi súng trường, súng liên thanh bắn sang. Một chiếc cầu gãy nát bắc ngang qua sông. Họ sắp bắc ngang một chiếc cầu khác khi bắt đầu dội bom và có vài đội quân phải lội ngang chỗ nước cạn phía trên khúc quanh sông. Thiếu tá vóc người nhỏ, ria vểnh lên. Trước kia ông đã từng dự trận chiến ở Lybia và mang hai vết thương. Ông bảo rằng nếu công việc tiến hành tốt ông sẽ gắn huy chương cho tôi. Tôi trả lời rằng tôi mong đợi mọi việc sẽ được tốt và ông quá tử tế. Tôi cũng hỏi xem có cái hầm nào lớn để những người lái xe chúng tôi có thể nghỉ lại. Thiếu tá gọi một người lính để dẫn tôi đi theo. Tôi theo anh ta đến một hầm rất tốt. Những người lái xe tỏ ý hài lòng và tôi để họ ở lại đấy. Thiếu tá mời tôi dùng rượu với ông và hai sĩ quan khác. Chúng tôi uống rhum và chuyện trò thân mật. Bên ngoài trời đã tối. Tôi hỏi mấy giờ sẽ tấn công thì được biết lúc nào trời tối hẳn sẽ bắt đầu. Tôi trở về chỗ những người lái xe khi nãy. Họ đang ngồi nói chuyện trong hầm, và khi tôi bước vào thì họ ngừng lại. Tôi trao cho mỗi người một gói thuốc lá Macedonias, những điếu thuốc quấn không chặt tay làm thuốc rơi ra khiến trước khi hút phải vấn hai đầu lại. Anh lái xe Manera bật lửa châm điếu của anh rồi chuyền khắp cho những người chung quanh. Chiếc bật lửa có hình dạng như cái lò sưởi điện hiệu Fiat. Tôi kể lại cho họ nghe những gì tôi đã nghe được khi nãy.

Passini hỏi:

- Tại sao không thấy trạm cứu thương lúc chúng ta trở xuống?

- Trạm ở ngay phía sau chỗ rẽ.

- Con đường này rồi sẽ hư mất – Manera nói.

- Địch sẽ nã trọng pháo phá huỷ con đường đó của chúng ta.

- Có thể lắm.

- Có gì ăn không, hở Trung uý? Khi bắt đầu cuộc tấn công chúng ta chẳng được ăn đâu nhé.

- Được, để tôi đi tìm có gì ăn được không – tôi trả lời.

- Có thể đi dạo quanh hay phải ở lại đây ạ?

- Nên ở lại đây thì hơn.

Tôi trở lại chỗ hầm thiếu tá. Ông bảo nhà bếp đang sửa soạn bữa ăn và các người lái xe có thể đến đó lãnh phần ăn của mình. Ông sẽ cho mượn ga men nếu họ không có. Tôi đáp là chắc có mang theo. Tôi trở về bảo những người lái xe là sẽ đến báo họ khi súp tới. Manera nói anh hy vọng thức ăn sẽ đến trước khi cuộc oanh tạc bắt đầu. Rồi họ im lặng cho đến khi tôi bước ra ngoài. Họ toàn là những người thợ máy và đều oán ghét chiến tranh.

Tôi bước ra ngoài và đến bên chiếc xe để xem xét mọi việc rồi trở lại ngồi trong hầm với bốn người lái xe. Chúng tôi ngồi bệt xuống đất, lưng dựa vào tường hút thuốc. Bên ngoài trời đã gần tối hẳn. Đất trong hầm ấm và khô. Tôi dựa vai vào tường choãi người ra cho thoải mái…

…Bên ngoài những ngọn đèn pha quét các vệt sáng dài trên núi. Ở mặt trận này có nhiều chiếc đèn pha to lớn gắn trên những chiếc xe ô tô. Có đêm người ta gặp chúng trên đường sát mặt trận. Chiếc xe dừng lại cách đường một chút, một viên sĩ quan rọi đèn pha vào giữa đoàn người. Chúng tôi băng qua sân gạch rồi dừng lại ở trạm cứu thương chính. Phía trên cửa ra vào có một mái hiên nho nhỏ kết bằng lá cây xanh, và trong đêm tối từng cơn gió khuya thổi xào xạc trên đám lá khô cháy nắng. Bên trong có ánh đèn. Viên thiếu tá đang ngồi trên một cái thùng gọi điện thoại. Một đại uý quân y bảo là cuộc tấn công sẽ bắt đầu sớm hơn một tiếng đồng hồ. Ông ta đưa mời tôi một ly cô nhắc. Trên những tấm ván thùng dùng làm bàn, các dụng cụ, chậu và chai đậy nút lấp lánh sáng ngời dưới ánh đèn. Gordimi đứng ngay sau tôi. Thiếu tá đứng lên bảo:

- Cuộc tấn công bắt đầu. Người ta lùi theo giờ ban định lúc đầu.

Tôi nhìn ra ngoài. Trời tối đen và những ánh đèn pha của bon Áo đang quét trên rặng núi đằng sau chúng tôi. Tất cả vẫn còn chìm đắm trong yên lặng, phút chốc những khẩu súng ở khắp nơi nhả đạn.

- Tấn công – Thiếu tá nói.

- Thưa thiếu tá, còn vụ ăn uống thì sao? – tôi hỏi nhưng ông ta không nghe, tôi bèn lập lại một lần nữa.

- Chưa thấy mang lên.

Một quả trọng pháo bay tới và nổ ngoài sân gạch. Một quả khác nổ tiếp theo và trong tiếng nổ đó người ta nghe cả tiếng gạch ngói, đất cát đổ rào rào.

- Có gì ăn đấy?

- Còn chút ít mì – thiếu tá nói.

- Tôi sẽ dùng những gì thiếu ta cho.

Thiếu tá ra lệnh cho một người lính. Hắn quay lưng đi ra ngoài rồi trở lại với một cái đĩa sắt đựng mì Ý nấu chín để nguội. Tôi đưa đĩa mì cho Gordini rồi bảo:

- Thiếu tá còn pho mát không?

Thiếu tá lầu bầu gì đó với người hầu cận. Hắn lại chui xuống hầm và trở ra với một mẩu pho mát trắng.

- Cám ơn thiếu tá nhiều lắm – tôi nói.

- Tốt hơn hết là anh đừng nên đi ra ngoài.

Bên ngoài hai người vừa đặt một vật gì đó xuống cạnh cửa. Một trong hai người nhìn vào trong nhà.

- Mang người ấy vào trong này – Thiếu tá bảo – Các anh làm gì vậy? Các anh muốn chúng tôi đi ra ngoài ấy mang hắn ta vào à?

Hai người khiêng cáng xốc nách người bị thương lên rồi khiêng anh ta vào.

- Cởi áo choàng của hắn ra.

Thiếu tá dùng kẹp gắp mấy miếng vải băng. Hai viên đại uý khi nãy cởi áo choàng ra. Thiếu tá bảo hai người khiêng cáng “Các anh đi ra ngoài đi.”

Tôi bảo Gordini:

- Nào, ta đi thôi.

- Tốt hơn anh nên chờ cho đến khi ngưng bắn đã – Thiếu tá quay lại nói.

- Họ đói ạ - tôi nói.

- Tuỳ anh vậy.

Chúng tôi ra ngoài, chạy băng qua sân gạch. Một quả trọng pháo nổ một tiếng ngắn cạnh bờ sông. Một quả nữa bất chợt bay về phía chúng tôi đến nỗi chỉ nghe thấy tiếng đạn rít thôi. Cả hai chúng tôi nằm sấp xuống vừa thấy chớp sáng, tiếng dội, mùi thuốc nổ, tiếng mảnh đạn rít và tiếng gạch vỡ lả tả và tiếng gạch bể rơi lách tách. Gordini đứng lên chạy vào hầm trú ẩn. Tôi chạy theo sau hắn tay cầm miếng phó mát bám đầy bụi gạch. Trong hầm, ba anh lái xe đang ngồi tựa lưng vào tường hút thuốc.

- Này thức ăn đây.

Manera hỏi “Những chiếc xe của mình thế nào?”

- Không sao cả.

- Trung uý có sợ không?

- Kệ nó, có – tôi đáp.

Tôi lấy con dao, mở lưỡi ra, liếc qua liếc lại mấy cái rồi hớt bớt lớp bụi bám trên miếng pho mát. Gordini trao cho tôi đĩa mì Ý.

- Trung uý mở màn trước đi.

- Không – tôi bảo – Để chậu xuống đất, chúng ta cùng ăn chung với nhau vậy.

- Nhưng không có nĩa.

- Thật chó chết – tôi nói bằng tiếng Anh.

Tôi cắt phó mát ra từng miếng rồi để lên trên mì.

- Ngồi xuống ăn đi – tôi bảo.

Họ ngồi xuống rồi chờ tôi. Tôi bốc mì lên, nhiều sợi lại rơi trở xuống.

- Trung uý hãy giơ lên cao.

Tôi đưa tay thẳng lên cho những sợi mì rời ra. Tôi hạ chúng xuống gần mồm mút, dùng răng cắn và nhai. Xong tôi lại cắn một miếng pho mát và uống một ngụm rượu. Rượu có mùi rỉ sắt. Tôi chuyền bi đông cho Passini.

- Bẩn quá – anh nói – Người ta để trong bi đông quá lâu. Tôi có trong xe.

Cả bọn cắm cúi ăn, cằm sát xuống chậu mì, mặt ngửa ra, mút những cọng mì. Tôi ăn một miếng nữa với pho mát và hớp một hớp rượu. Bên ngoài có vật gì rơi xuống làm rung chuyển mặt đất.

- Súng 420 ly – Gavuzzi nói.

- Không có súng 420 ly nào trên núi cả - tôi đáp.

- Chúng có những khẩu Skoda to lớn. Tôi thấy cả nòng súng nữa cơ.

- 305 ly.

Chúng tôi tiếp tục ăn. Người ta nghe một tiếng vút, giống như tiếng đầu máy xe lửa chạy, và tiếp theo là một tiếng nổ long trời làm rung chuyển cả mặt đất. Passini bảo:

- Hầm trú ẩn này không sâu lắm.

- Trước kia nó là cái hầm lớn để chứa bích kích pháo.

- Đúng thế đấy, thưa trung uý.

Tôi ăn nốt miếng pho mát còn lại và uống vội một ngụm rượu. Qua những tiếng ồn ào, tôi nghe tiếng khạc đạn và một tiếng xi…ịt – rồi một lằn chớp loé lên giống như cửa lò cao bất thình lình mở ra, liền theo đó là một tiếng nổ ầm chớp sáng lên, lúc đầu trắng loá rồi đỏ rực kèm theo một luồng khí lạnh. Tôi cố thở nhưng hơi thở bị tắc nghẹn lại và cảm thấy bị ngất đi rồi bị gió cuốn, cuốn đi rất xa ra ngoài. Tôi không còn tự chủ được nữa và có cảm tưởng rằng mình đã chết, và biết rằng mình đã lầm khi nghĩ là mình đã chết mà không thấy như thế. Rồi tôi có cảm giác nổi trôi và đáng lẽ tiếp tục bay thì lại thấy rơi xuống. Tôi thở, tôi tỉnh lại. Mặt đất tung lên và trước mặt tôi một cây sà bằng gỗ bị băm nát. Trong lúc đầu óc bối rối, tôi bỗng nghe có tiếng người kêu hay đúng hơn là tiếng la hét. Tôi cố động đậy mà không sao cử động được. Tôi nghe thấy tiếng súng máy, súng trường bắn ầm ầm bờ bên kia và suốt dọc con sông. Một tiếng nổ lớn bắn người lên. Tôi thấy một quả trọng pháo nổ sáng rực như bay lên toả ra, trôi trong bầu trời. Hoả tiễn lao lên, tôi nghe thấy tiếng bom đạn cùng một lúc. Tiếp đó tôi nghe sát bên tôi có tiếng kêu “Trời ơi! Mẹ! Mẹ ơi!” Tôi bèn trườn tới, vặn mình và cuối cùng duỗi được chân ra, rồi tôi quay được người và sờ vào người ấy. Đó chính là Passini. Khi tôi chạm vào người anh thì anh hét lên. Đôi chân anh ở về phía tôi và giữa cảnh tranh sáng tranh tối, tôi thấy cả đôi chân anh đều bị trúng đạn nát đến tận đầu gối. Một chân thì đã mất hẳn, còn chân kia thì dính lại do gân và một phần của ống quần dài; khúc chân còn lại co rút và rung lên bần bật tựa hồ như nó không còn liền với nhau nữa. Passini cắn vào tay rồi rên rỉ “Trời ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi! Đức Mẹ hãy cứu vớt chúng con! Hãy cứu vớt chúng con! Ôi Giêsu! Hãy bắn con đi! Ôi Chúa hãy giết con đi! Ôi Mẹ ơi! Mẹ ơi! Ôi Đức Mẹ Maria đồng trinh! Hãy bắn con đi! Hãy ngừng lại đi! Ngừng đi! Ngừng đi! Ôi Giêsu! Ôi Maria! Đủ rồi! Đau quá! Ôi!” Rồi anh tức tưởi nghẹn ngào “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” Rồi anh ta im bặt, cắn chặt vào tay mình. Khúc chân còn lại co rút lên.

“Chúa ơi! Chúa ơi!” Tôi khum tay kêu lên. Tôi tìm cách lại gần Passini hy vọng có thể đặt băng cho cầm máu vào chân anh nhưng người tôi vẫn không cử động được. Tôi lại cố một lần nữa, đôi chân tôi cử động được một tí, tôi có thể lấy đà và cố trườn tới bằng cánh tay và khuỷu tay. Lúc này Passini không còn cử động nữa. Tôi ngồi xuống cạnh anh ta, mở áo ngoài ra và cố xé một vạt áo sơ mi của tôi, không đứt, tôi ghé răng cắn vào chéo áo để xé cho dễ. Liền lúc đó tôi nhớ đến đôi xà cạp của Passini. Tôi mang bít tất bằng len và bây giờ Passini chỉ còn lại một chân. Tôi tháo chiếc xà cạp chân còn lại, và trong khi tháo, tôi thấy không cần phải buộc vải cầm máu lại nữa vì Passini đã chết hẳn rồi. Tôi tin chắc là anh đã chết. Bây giờ phải tìm cho ra ba người kia. Tôi ngồi thẳng lên. Khi ngồi dậy được, tôi cảm thấy có một cái gì chuyển động trong đầu và đập vào sau mắt. tựa hồ như ở đôi tròng mắt con búp bê. Tôi cảm thấy dưới chân ẩm ướt, bên trong đôi giầy cũng thế. Biết rằng mình đã bị thương, tôi cúi xuống và cố đặt tay lên đầu gối. Đầu gối tôi không có ở đó. Tay tôi không thấy gì và đầu gối ở dưới ống quyển. Tôi chùi tay vào áo sơ m. Một tia sáng chập chờn từ từ chiếu xuống phía tôi. Tôi nhìn xuống chân và vô cùng kinh sợ. Tôi kêu lên “Chúa ơi! Hãy mang con ra khỏi chốn này!” Tuy nhiên tôi biết còn ba người nữa. Tất cả có bốn người lái xe. Passini đã chết, giờ còn ba. Một người lấy tay tôi và một người khác giở chân tôi lên.

- Còn ba người khác – tôi bảo – Chết mất một người rồi!

- Manera đây, thưa trung uý. Chúng tôi đi kiếm một chiếc băng ca nhưng không có. Trung uý thấy trong người như thế nào?

- Gordini và Gavuzzi đâu rồi?

- Gordini đang được băng bó ở trạm, Gavuzzi đang giữ chân trung uý. Trung uý hãy ôm cổ tôi, trung uý bị thương có nặng lắm không?

- Ở chân. Còn Gordini?

- Không sao cả. Đó là một quả đạn lớn.

- Passini chết rồi.

- Vâng, anh ấy chết rồi.

Một quả trọng pháo rơi gần đó. Cả hai đều nằm xuống và làm ngã cả tôi.

- Xin lỗi Trung uý – Manera nói – Bây giờ trung uý hãy ôm cổ tôi để đừng rớt xuống đất.

- Rồi các anh lại làm ngã tôi nữa…

- Tại vì chúng tôi sợ quá.

- Các anh không bị thương à?

- Cả hai đứa, đứa nào cũng bị chút ít.

- Liệu Gordini lái xe có nổi không?

- Chưa biết được.

Trước khi tới trạm cứu thương họ lại đánh rơi tôi xuống đất một lần nữa.

- Các anh là đồ chó chết – Tôi bảo.

- Xin lỗi trung uý – Manera nói – Chúng tôi sẽ không đánh rơi trung uý nữa đâu.

Ở trạm cứu thương, phần lớn chúng tôi nằm la liệt dưới đất trong bóng đêm. Họ mang những người bị thương vào rồi lại mang những người này ra. Khi người ta mở tấm màn để họ mang các thương binh vào, tôi có thể thấy ánh sáng từ trạm cứu thương hắt ra. Những người chết được đặt nằm riêng một bên. Các bác sĩ đang làm việc, tay áo xắn lên tận vai, và người vấy đầy máu đỏ như những tay đồ tể. Ở đây không đủ cáng. Có vài người bị thương la hét om xòm nhưng đa số đều im lặng. Gió thổi xào xạc qua cành lá trước cửa trạm cứu thương và đêm đã bắt đầu lạnh. Người ta khiêng thương binh tới liền liền. Họ đặt băng ca xuống, khiêng người bị thương ra rồi lại đi ngay. Khi tôi vừa tới trạm cứu thương thì Manera gọi một viên đội y tế để hắn băng bó cho hai chân tôi. Người này nói là đất bám vào vết thương nên máu ra ít. Họ sẽ băng bó cho tôi ngay. Anh ta trở vào trong trạm cứu thương. Lúc nãy quân Anh có đến với ba chiếc xe Hồng thập tự và mỗi xe có hai người bị thương. Gordini đang ngồi cạnh bức tường gạch. Manera và Gavuzzi đi khiêng thương binh và đã trở lại trạm. Manera nói là Gordini không thể lái xe được nữa. Vai Gordini gãy nát và đầu hắn bị thương. Lúc đầu anh không cảm thấy đau đớn nhưng giờ đây một bên vai tê cứng. Một người trong số những người lái xe đến gần tôi, có cả Gordini đi cùng. Gordini trông tái nhợt và yếu. Người lái xe nghiêng mình xuống hỏi tôi:

- Trung uý bị thương có nặng lắm không?

Anh ta người cao lớn và mang kính gọng thép.

- Ở chân.

- Tôi tin là sẽ không nặng lắm. Trung uý có muốn hút thuốc không?

- Cám ơn.

- Tôi nghe họ bảo là trung uý mất hai người lái xe.

- Vâng, một bị chết và người kia vừa dẫn anh vào đây.

- Thật rủi quá. Trung uý có muốn chúng tôi phụ trách mấy chiếc xe này không?

- Đó chính là điều tôi muốn đề nghị.

- Chúng tôi sẽ trông nom xe cẩn thận và đưa về biệt thự. Trung uý ở số 206 phải không?

- Vâng.

- Nới ấy rất xinh và nên thơ. Trước đây tôi có thấy trung uý ở đấy. Tôi nghe họ nói trung uý là người Mỹ?

- Vâng.

- Còn tôi là người Anh.

- Có đúng không?

- Vâng, tôi là người Anh. Trung uý cho rằng tôi là người Ý à? Thật ra trong đơn vị chúng tôi cũng có mấy người Ý.

- Nếu được anh giữ xe hộ cho thì tốt lắm – tôi bảo.

- Chúng tôi sẽ trông nom xe cẩn thận – anh ta đứng lên và nói – Tôi lấy làm ái ngại cho vết thương của anh – Anh ta vỗ vai Gordini.

Gordini nhăn nhó mỉm cười. Người Anh bật ra một tràng tiếng Anh thao thao bất tuyệt:

- Bây giờ mọi việc đã xong, tôi đã gặp trung uý của anh. Hai chiếc xe ấy để chúng tôi lo cho. Các anh đừng lo lắng gì cả.

Anh ta nói thêm.

- Tôi sẽ giúp đỡ mang anh ra khỏi chỗ này. Tôi sẽ tìm gặp các nhân viên y tế. Chúng tôi sẽ mang anh theo chúng tôi.

Anh ta tiến về phía trạm cứu thương, cẩn thận bước giữa đám thương binh. Tôi thấy tấm màn vén lên, ánh sáng ùa ra và anh ta bước vào.

- Anh ta sẽ săn sóc Trung uý – Gordini bảo.

- Franco, anh thấy trong người như thế nào?

- Không sao cả.

Gordini ngồi xuống cạnh tôi. Một lát sau tấm màn che của trạm cứu thương mở ra. Hai người tải thương đi theo người Anh cao lớn khi nãy. Anh dẫn họ lại phía tôi.

- Đây là viên trung uý người Mỹ - Anh nói bằng tiếng Ý.

- Tốt hơn để tôi đợi một tí. Có nhiều người bị thương nặng hơn tôi. Tôi không sao cả.

- Này, này, đừng có làm ra vẻ anh hùng đấy nhé – rồi anh ta nói tiếp bằng tiếng Ý – Nâng chân trung uý cẩn thận. Chân đau lắm đấy. Đó là con trai chính của tổng thống Wilson đấy.

Họ khiêng tôi lên đưa vào trạm. Người ta đang băng bó ở bàn. Viên thiếu tá nho con nhìn tôi giận dữ. Ông ta nhận ra tôi. Ông cầm cái kẹp vẫy qua vẫy lại và hỏi bằng tiếng Pháp:

- Mạnh giỏi hả?

- Mạnh giỏi – tôi đáp lại bằng tiếng Pháp.

- Tôi đưa ông ấy vào đấy – người Anh cao lớn nói bằng tiếng Ý – Con trai cưng bậc nhất của đại sứ Mỹ đấy. Anh ta ở lại đây cho đến khi nào ông sẵn sàng cho phép anh ta đi. Rồi tôi sẽ đưa anh ta về ngay trong chuyến xe đầu tiên.

Anh ta cúi xuống nói với tôi:

- Tôi sẽ tìm viên phụ tá của họ để lo giấy tờ cho Trung uý và mọi việc sẽ được nhanh chóng hơn.

Anh khom người để bước ra khỏi cửa và đi ra ngoài. Viên thiếu tá đang tháo kẹp ra và bỏ vào chậu. Tôi đưa mắt theo dõi tất cả cử chỉ của ông. Bây giờ ông đang băng bó. Những người tải thương khiêng thương binh ra khỏi bàn băng bó.

- Để tôi băng bó cho viên trung úy – một viên đại uý quân y nói. Họ khiêng tôi lên bàn băng bó cứng và trơn. Nhiều mùi nồng nặc xông lên, mùi thuốc lẫn mùi máu. Họ lột quần tôi ra và viên đại uý bắt đầu đọc cho người phụ tá ghi chép trong khi ông ta xem xét “Có vô số vết thương nông bên trái và bên phải bắp đùi, nhiều vết thương sâu ở đầu gối, mặt và chân phải. Da đầu bị rách.” Ông ta sờ vào vết thương và hỏi “Đau không?” “Chúa ơi, đau lắm!” Có thể vỡ sọ. Bị thương trong lúc thừa hành nhiệm vụ. Như thế khỏi bị đưa ra toà án quân sự vì tội tự làm mình bị thương.” Ông ta bảo rồi ông ta hỏi tôi “Anh uống tí rượu mạnh nhé? Sao anh bị thương như thế? Lúc đó anh định làm gì vậy? Tự tử à?” Rồi quay qua người phụ tá “Thêm một mũi phòng uốn ván, và đánh dấu thập lên cả đôi chân. Được rồi, cám ơn.” Rồi quay sang bảo tôi “Tôi lau rửa các vết thương rồi sẽ băng bó lại. Máu anh đông nhanh chóng cực kỳ.”

- Bị thương vì cái gì? – người phụ tá ngẩng lên hỏi.

- Anh bị trúng đạn gì? – viên đại uý quân y hỏi tôi.

- Đạn moochiê rơi xuống hầm – tôi trả lời trong lúc nhắm nghiền mắt lại.

Viên đại uý chùi rửa vết thương làm tôi đau đớn vô cùng. Ông ta vừa xé vải băng vừa hỏi “Có chắc không?”

Tôi cố nằm im và cảm thấy tim đập liên hồi khi ông ta cắt thịt chỗ vết thương, tôi trả lời “Chắc vậy.”

Đại uý quân y vẫn chú ý vào công việc, nói “Anh bị trúng mảnh bích kích pháo của địch bắn sang. Để tôi dò vết thương lấy ra, nếu anh muốn, nhưng chuyện đó cũng chẳng cần gì, có nhức cũng không hại gì. Chưa đau ngay đâu. Này, mang cho anh ấy một cốc rượu. Cú sốc làm dịu đau, nhưng không sao đâu, anh đừng lo, nếu vết thương không bị nhiễm trùng và cũng ít khi bị lắm. Còn trên đầu anh cảm thấy thế nào?”

- Chúa ơi, không thấy gì cả - tôi đáp.

- Nếu thế thì không nên uống nhiều rượu mạnh. Nếu vỡ đầu thì đừng có uống rượu mạnh. Anh cảm thấy trên đầu như thế nào?

Mồ hôi ướt đẫm cả người, tôi trả lời:

- Chúa ơi, đau lắm.

- Tôi đoán chắc, đúng là anh bị vỡ sọ. Để tôi băng đầu anh lại, nhớ đừng cử động. – Đại uý băng đầu cho tôi, đôi tay cử động lanh lẹ, băng quấn thẳng và chắc. Ông nói – Xong rồi, tốt lắm, chúc anh may mắn. Nước Pháp muôn năm!

- Anh ta là người Mỹ - một viên đại uý nói.

- Tôi cứ ngỡ anh ta là người Pháp vì nói thạo tiếng Pháp – Đại uý quân y nói – Trước đây tôi có biết và cứ ngỡ anh ta là người Pháp. Anh ta uống nửa ly cô nhắc.

Họ chuyển thêm thương binh nặng vào và mang thuốc phòng uốn ván tới. Đại uý vẫy tay chào tôi. Họ lại khiêng tôi đi và khi ra phía ngoài, tấm màn cửa quét vào mắt tôi. Ở ngoài, người phụ tá cúi xuống gần tôi hỏi “Tên? Chữ lót? Họ? Cấp bậc? Nơi sanh trưởng? Giai cấp? Đơn vị?” và nhiều thứ nữa. Hắn nói “Tôi rất lấy làm buồn là trung uý bị thương ở đầu như thế, tôi mong trung uý cảm thấy khá hơn. Tôi sẽ gởi trung uý theo xe cứu thương Anh về bệnh viện.”

- Không sao đâu – tôi đáp – Cám ơn anh nhiều lắm.

Cơn đau mà khi nãy viên đại uý có nói đến bắt đầu hành tôi. Và tôi không quan tâm đến chuyện gì xảy ra nữa. Một lúc sau chiếc xe cứu thương Anh đến, họ đặt tôi vào chiếc băng ca, nâng lên ngang tầm xe và đẩy mạnh vào trong. Bên cạnh tôi có một chiếc băng ca nữa đã có người nằm trên rồi. Tôi nhìn thấy chiếc mũi vàng bóng ló ra ngoài băng và thở nặng nhọc. Người ta lại cho những chiếc băng ca khác lên, đút vào những giây đai ở phía trên. Người Anh cao lớn khi nãy đi quanh xe và nhìn vào trong nói:

- Tôi sẽ cho xe chạy nhẹ nhàng, mong rằng ông cảm thấy dễ chịu hơn.

Tôi nghe thấy tiếng động cơ nổ. Anh ta leo lên chỗ ngồi và tôi nghe thấy cả tiếng đạp thắng, tiếng nhấn ga và xe chạy. Tôi nằm im để mặc cho nỗi đau nhức dâng lên theo nhịp xe.

Xe lao dốc chậm lại, vì đường đông, có lúc nó ngừng, có lúc lùi vào chỗ ngoặt. Cuối cùng xe chạy hết tốc lực. Bất chợt tôi cảm thấy có cái gì nhỏ giọt xuống người tôi. Thoạt tiên còn chậm và đều, sau rồi tuôn xuống xối xả. Tôi gọi người lái xe. Anh ngừng xe lại và nhìn vào trong xe qua cái lỗ phía sau chỗ ngồi.

- Cái gì thế?

- Người nằm phía trên tôi bị chảy máu.

- Chúng ta đang ở trên cao. Tôi không thể nào chuyển băng ca một mình được.

Anh cho xe chạy tiếp. Dòng máu vẫn tiếp tục xối xuống. Trong bóng tối tôi không thể nhìn ra nơi những giọt máu tuôn xuống ở vải của chiếc băng ca phía trên đầu tôi. Tôi cố xê người qua một bên để tránh đừng rơi xuống trúng người. Chỗ máu chảy xuống dưới áo sơ mi nóng và rít. Tôi thấy lạnh và chân đau nhức đến nỗi tôi sợ bị ngất. Một lúc sau máu ở phía trên chảy chậm đi rôi sau đó lại tuôn xối xả. Tôi nghe thấy tiếng vải phía trên tôi chuyển động khi người nằm trên đó tìm cách nằm cho thoải mái hơn.

- Hắn có hề gì không? – Người lái xe Anh hỏi lại phía sau – Chúng ta sắp đến nơi rồi.

- Có lẽ hắn đã chết rồi – tôi đáp.

Những giọt máu rơi chậm dần giống như những giọt thạch nhũ rơi sau khi mặt trời lặn. Giữa đêm trường, trong xe lạnh lẽo trên con đường dốc. Đến trạm đầu dốc, họ khiêng chiếc băng ca khi nãy ra rồi đẩy một cái khác vào.

Chương 10

Trong gian phòng bệnh viện ở chiến trường, người ta cho tôi hay có một ông khách muốn đến thăm tôi vào buổi chiều. Ngày hôm ấy trời nóng và trong phòng có lắm ruồi. Người y tá cắt giấy thành từng mảnh dài rồi cột vào một chiếc que để làm chổi xua đuổi ruồi. Tôi nhìn những con ruồi trốn trên trần nhà. Khi người y tá ngừng tay xua ruồi và thiu thiu ngủ thì chúng vội bay xuống. Lúc đầu tôi còn xua chúng đi, sau cùng đành chịu úp hai tay lên mặt mà ngủ. Trời nóng và khi thức giấc chân tôi đau nhức khó chịu. Tôi bèn đánh thức người y tá và anh ta đổ nước khoáng lên vết thương. Giường ngủ từ đó trở nên ẩm và mát. Những người trong bọn chúng tôi không ngủ được, nói chuyện với nhau trong phòng. Buổi chiều luôn luôn yên tĩnh. Vào buổi sáng thì ba y tá và một bác sĩ lần lượt đến thăm thương binh. Họ đưa chúng tôi ra khỏi giường và mang vào phòng băng bó để người ta có thể làm giường trong lúc họ băng lại các vết thương. Việc đi đến phòng cứu thương không lý thú chút nào và sau này người ta có thể soạn giường mà không cần phải chuyển bệnh nhân. Y tá ngừng không đổ nước nữa, tôi thấy giường rất mát mẻ và nhờ anh gãi chân hộ cho đỡ ngứa. Ngay lúc ấy một bác sĩ đưa Rinaldi vào. Anh đi nhanh vào phòng và cúi xuống giường hôn tôi. Tôi thấy anh mang găng tay.

- Thế nào, em bé mạnh chứ? Cậu thấy trong người ra sao? Tớ mang cái này cho cậu đây.

Đó là chai rượu cô nhắc. Y tá kéo cho Rinaldi chiếc ghế và cậu ta ngồi xuống.

- Tớ cũng mang đến nhiều tin vui, cậu sẽ được gắn huy chương. Họ muốn tặng cậu huy chương bạc, nhưng có lẽ chỉ được huy chương đồng mà thôi.

- Vì vinh dự gì mới được chứ?

- Bởi vì cậu bị trọng thương. Hình như nếu cậu chứng tỏ được đã làm một việc anh hùng thì cậu sẽ được huy chương bạc. Bằng không thì chỉ được huy chương đồng thôi. Hãy kể lại cho tớ nghe xem chuyện gì đã xảy ra. Cậu có làm một hành động anh hùng nào không?

- Không – tôi đáp – Chính xác mình đang ăn pho mát thì bị thổi bắn người đi.

- Đừng đùa. Chắc chắn cậu làm một việc gì đó anh hùng hoặc trước hoặc sau. Cố nhớ kỹ lại xem.

- Nhưng không mà.

- Lúc đó cậu có cõng người nào trên lưng không? Gordini bảo là cậu cõng nhiều người trên lưng nhưng thiếu tá ở trạm quân y cho chuyện đó là hoàn toàn vô lý. Ông ấy là người phải ký giấy đề nghị thăng chức.

- Tôi chẳng hề cõng ai hết. lúc ấy tôi không cử động được.

- Chuyện đó chẳng hề gì – Rinaldi bảo.

Cậu ta tháo găng tay ra nói:

- Tôi tin là chúng tôi có thể xin cho cậu huy chương bạc. Cậu có từ chối băng bó trước người khác không?

- Không chắc chắn lắm.

- Không sao. Hãy nhớ là em đã bị thương nặng. Hãy nhớ lại việc khẩn khoản dũng cảm luôn luôn xin ra tiền tuyến. Hơn nữa cuộc hành quân hôm nay đã thành công mỹ mãn.

- Ồ, đã qua sông được rồi à?

- Rất tuyệt. Bắt được gần một ngàn tù binh. Tin này được đăng trong bản tin. Cậu đã xem chưa?

- Chưa.

- Để tớ mang lại. Cuộc hành quân này rất thành công.

- Còn mọi việc ra sao?

- Tuyệt vời. Chúng ta là những người tuyệt vời, tất cả chúng tôi đều bình yên. Ai nấy đều hãnh diện vì cậu. Nào, hãy kể cho nghe xem sự việc đã xảy ra làm sao. Tôi tin chắc rằng cậu được huy chương bạc mà. Nói cho tớ nghe nhanh lên. Nói cho tớ nghe tất cả - Anh ngừng lại nghĩ ngợi rồi nói – Cũng có thể cậu sẽ được một chiếc huy chương Anh nữa, ở đây có một người Anh, để tớ kiếm hắn ta và hỏi xem hắn có gởi gấm gì cậu được không. Hắn có bổn phận và khả năng giứp được cậu. Cậu có đau lắm không? Uống tí rượu nhé? – Y tá đâu cho mượn cái mở nút chai - Ồ, ước gì cậu thấy tớ đã làm gì để tống khứ ba thước ruột non và bây giờ tớ thấy khoẻ hơn bao giờ hết. Tin ấy phải được cho đăng trong tạp chí The Lancet. Cậu dịch giùm và tớ sẽ gởi cho báo The Lancet. Càng ngày tớ càng khoẻ hơn. Tội nghiệp cho em bé của tôi. Cậu cảm thấy thế nào? Ủa, cái mở nút chai đâu? Cậu nằm đây can đảm và yên lặng quá khiến tớ quên rằng cậu đang đau đớn… - Anh đập đôi găng tay vào cạnh giường.

- Thưa trung uý cái mở rượu đây – người y tá nói.

- Mở rượu ra, mang một cái ly lại đây. Này, cậu uống đi. Tội nghiệp, đầu cậu thế nào? Mình đã xem qua giấy tờ của cậu rồi. Cậu chẳng bị vỡ đầu, vỡ sọ gì cả. Tên thiếu tá ở trạm cấp cứu là một tên đồ tể. Ở tay tớ, tớ không làm cậu đau đớn gì cả. Tớ không bao giờ làm cho ai đau cả. Tớ học cách săn sóc nhẹ nhàng hơn và tốt hơn. Mình học rất tiến bộ. Hãy tha lỗi vì nói nhiều quá, em bé nhé. Nhưng tớ rất đau xót thấy cậu bị trọng thương như thế. Đây này, uống đi. Ngon lắm, rượu này giá tới mười lăm đồng “lia” một chai. Vậy thì nó phải ngon mới được. Hiệu “năm ngôi sao” mà. Rời khỏi đây, tớ sẽ đi gặp tên người Anh tớ đã nói khi nãy. Ông ta sẽ xin cho cậu một huy chương Anh.

- Họ không cho như thế đâu.

- Cậu khiêm tốn quá, để mình gọi viên sĩ quan liên lạc, hắn biết cách điều khiển bọn Anh.

- Anh có gặp cô Barkley không?

- Mình sẽ đưa nàng đến đây. Mình sẽ đi tìm nàng ngay bây giờ.

- Thôi đừng đi – tôi bảo – Kể chuyện ở Gorizia cho mình nghe đi. Mấy cô ả thế nào?

- Chẳng có ả nào cả. Hai tuần nay họ không chịu thay người khác. Mình không đến nữa, chán ngấy. Họ không còn là những phụ nữ nữa mà là những chiến hữu cũ của ta.

- Anh không đến đó thật à?

- Tớ chỉ đến xem có gì lạ không. Tớ chỉ ghé qua thôi. Tất cả đều hỏi thăm cậu. Thật là chán, họ ở đấy lâu đến nỗi giờ họ trở thành bạn thân của ta.

- Có thể phụ nữ không thích ra mặt trận.

Rinaldi tự tay rót thêm một ly cô nhắc nữa.

- Tớ không cho rằng rượu này có hại, em bé ạ. Nào, uống đi.

Tôi uống cô nhắc và tôi cảm thấy hơi ấm từ cổ họng chảy xuống. Rinaldi lại rót thêm một ly khác. Bây giờ cậu ta đã bớt nói. Rinaldi cầm ly đưa lên và bảo:

- Uống mừng vết thương anh dũng của cậu. Uống mừng huy chương bạc. Này cậu cho biết là ở đây nằm mãi dưới trời nóng nực như thế này cậu thấy có bực không?

- Thỉnh thoảng.

- Tớ không thể tưởng tượng được nằm như thế nà. Tớ sẽ điên mất.

- Cậu đã điên rồi đấy.

- Tớ mong cậu chóng trở về. Bây giờ tớ cô độc, chẳng có ai cùng trở về phòng sau những cuộc phiêu lưu tình cảm. Không còn ai để trêu ghẹo nữa cả, không còn ai để cho tớ vay tiền, không còn ai ruột rà thân thích và không còn ai ở cùng phòng với mình. Tại sao cậu lại làm cho bị thương vậy?

- Anh có thể đùa với vị tuyên uý cho đỡ buồn.

- Cha tuyên uý ấy à? Không phải chỉ riêng tớ trêu ông ta mà còn có cả Đại uý nữa. Tớ thích ông ấy. Nếu cần phải có một linh mục thì ông này hơn. Ông có ý định đến thăm cậu đấy. Ông ấy phải làm nhiều lễ rửa tội.

- Tôi cũng thích ông ta.

- Ồ, tớ biết điều đó mà. Đôi khi tớ cảm thấy cậu và ông ta có vẻ thích nhau lắm đấy. Cậu có nhận thế không?

- Không.

- Phải, đôi khi tớ cũng thấy thế. Thích cái kiểu của một số người ở sư đoàn I của Brigate Ancona.

- Thôi đừng nói bậy nữa, đi đi.

Rinaldi đứng lên, mang găng tay vào.

- Ồ, tớ thích đùa với cậu, em bé ạ. Tôi thích đùa với em về cha tuyên uý và cô gái người Anh. Thật ra bên trong em, cũng giống như tôi.

- Không, tôi không giống anh đâu.

- Có, cậu giống tớ lắm. Cậu là một người Ý chính cống. Tất cả toang toác ngoài mồm và không để bụng cái gì cả. Cậu đúng là chỉ giả bộ làm ra vẻ người Mỹ mà thôi. Chúng ta coi nhau như anh em và thương mến nhau.

- Hãy ngoan ngoãn lúc vắng mặt mình đấy – tôi bảo.

- Tớ sẽ bảo cô Barkley đến. Không có tôi hai người nói chuyện với nhau thích hơn. Cậu trong sạch và dịu dàng hơn tớ.

- Đừng nói nhảm thế nữa.

- Tớ sẽ gọi nàng đến. Thần tượng đáng yêu và lãnh đạm của em. Thần tượng Anh Quốc cơ mà. Chúa ơi, với một người đàn bà như thế đàn ông không thể làm gì khác hơn là tôn thờ họ như một vị nữ thần. Chả hiểu một người đàn bà Anh còn có tích sự gì khác nữa chăng?

- Anh là một tên Ý dốt nát, ăn nói sỗ sàng.

- Một tên gì chớ?

- Một tên Ý dốt nát chứ gì. Một tên vô tích sự. Một tên vô tích sự trơ trẽn.

- Anh là một thằng dốt nát lố bịch.

Tôi thấy cậu ta như bị kim châm khi nghe thấy tiếng đó, nhưng tôi vẫn tiếp:

- Không hay không biết gì cả. Không từng trải, và ngớ ngẩn lố bịch vì thiếu kinh nghiệm.

- Thực à? Được, nghe này, tớ nói cho cậu biết đôi điều về những cô tình nhân tốt của cậu, về những nữ thần của cậu. Chỉ có một sự khác biệt trong việc lấy một thiếu nữ gia giáo và một người đàn bà. Đôi với một cô gái thì có đau khổ. Tớ chỉ biết thế - Cậu ta đập mạnh găng tay vào giường và nói thêm – Hơn nữa, không bao giờ biết được điều đó có làm cô ta thích thú không.

- Thôi đừng giận mà.

- Tớ đâu có giận. Điều tớ vừa nói chỉ là để giúp ích cho cậu thôi, em bé ạ. Để cậu tránh những điều bực bội khác nữa.

- Có đúng là chỉ có sự khác biệt độc nhất trên không?

- Đúng. Nhưng có hàng triệu tên ngốc như cậu không biết điều đó.

- Anh thật đáng yêu khi nói cho tôi biết điều đó.

- Thôi chúng ta đừng cãi nhau nữa, em bé. Tớ quý cậu vô cùng. Tuy nhiên đừng có ngốc nghếch.

- Không đâu. Tôi sẽ khôn ngoan nghiêm nghị như anh.

- Đừng giận nhé, em bé. Cười cái xem nào. Uống tí rượu đi. Tôi phải đi đây, lần này đi thật đấy.

- Anh tốt quá.

- Đó, cậu thấy không. Trong thâm tâm, chúng ta đều giống nhau. Chúng ta đều là chiến hữu. Thôi hôn một cái trước khi tớ đi.

- Anh thô lỗ quá.

- Đâu phải, đúng ra tớ sướt mướt tình cảm hơn cậu.

Tôi thấy hơi thở của cậu ta gần mặt tôi. “Thôi chào tạm biệt cậu, tớ sẽ đến thăm cậu nay mai.” Hơi thở hắn xa dần. “Tớ không hôn cậu đâu, nếu cậu không thích. Tớ sẽ bảo cô bé người Anh của cậu đến. Chào em bé. Chai rượu cô nhắc để dưới gầm giường đấy. Chóng mạnh lại nhé!”

Nói xong cậu ta đi ra.

Chương 11

Cha tuyên uý đến vào lúc trời chập choạng tối. Họ đã mang xúp lên rồi sau đó dọn dẹp chén bát, và tôi đang nằm lặng ngắm từng dãy giường và đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Những ngọn cây sẽ lay động theo làn gió chiều. Gió thổi qua cửa sổ và trời về chiều mát mẻ. Ruồi đang bám đầy ở trần nhà, trên bóng đèn rủ xuống, ở đầu dây đèn, người ta chỉ bật đèn lên khi cần mang thương binh tới hay làm việc gì khác. Điều ấy làm cho tôi thích thú mỗi khi đêm đến theo sau hoàng hôn. Cảm giác này giống như thức cảm giác được người ta mang mình vào giường sau buổi ăn tối. Y tá tiến lại những dãy giường rồi ngừng lại. Có ai đi theo sau anh ta. Đó là cha tuyên uý. Ông dừng lại, người nhỏ bé, khuôn mặt sạm nâu, cử chỉ bối rối.

- Anh có mạnh không? – Ông hỏi tôi và để mấy gói đồ xuống cạnh giường.

- Thưa cha, tôi vẫn khoẻ.

Ông ngồi xuống chiếc ghế mà khi nãy Rinaldi ngồi rồi đưa mắt bối rối nhìn qua cửa sổ. Tôi nhận thấy khuôn mặt ông có vẻ mệt mỏi chán chường.

- Tôi chỉ ở lại đây được một tí thôi – ông bảo – Muộn rồi.

- Chưa muộn đâu ạ. Họ vẫn còn trêu cha trong bữa ăn nữa không?

Ông mỉm cười.

- Tôi vẫn là đề tài cho họ đùa cợt. – Giọng nói nghe mệt mỏi làm sao – Nhờ trời họ vẫn khoẻ mạnh cả. Thấy anh bình yên tôi mừng lắm. Mong rằng anh không đau đớn nhiều.

Trông ông có vẻ mệt mỏi lạ và từ trước tôi không hề trông thấy thế bao giờ. Tôi nói:

- Không, không, bây giờ tôi không thấy đau ạ.

- Trong bữa ăn, chúng tôi nhớ anh nhiều.

- Tôi mong chóng mạnh lại để còn có thể dự bữa ăn chung. Tôi luôn luôn thích được nghe cha nói chuyện.

- Tôi có mang cho anh vài món lặt vặt – ông vừa nói vừa xách những gói đồ lên – Đây là cái màn, còn đây là chai rượu Vermouth. Anh thích chứ? Còn đây là báo chí Anh.

- Xin cha mở hộ.

Ông có vẻ rất hài lòng. Ông mở mấy gói đồ ra. Tôi cầm chiếc mùng trên tay. Ông giơ chai Vermouth lên cho tôi xem rồi đặt xuống cạnh giường. Tôi cầm lên một tập báo Anh. Tôi có thể đọc tên tờ báo khi quay ra ánh sáng nhờ nhờ ở cửa sổ. Đó là tờ Tin tức thế giới.

- Những tờ kia có hình ảnh – ông nói.

- Còn gì sung sướng cho bằng được đọc những tờ báo này. Ở đâu mà cha có được?

- Tôi cử người về lấy ở Mestre. Tôi sẽ xin thêm nữa.

- Cha đến thăm, thật quý hoá quá. Xin mời cha một ly Vermouth nhé.

- Không, cám ơn anh. Anh nên giữ lấy để mà uống, của anh đấy.

- Không, cha uống với tôi một ly.

- Thôi được rồi. Tôi sẽ mang thêm vào cho anh.

Y tá mang ly tới và mở chai Vermouth. Anh ta làm gẫy nút chai nửa chừng cho nên phải đẩy phần nút chai còn lại vào trong chai. Tôi thấy vị linh mục không được hài lòng nhưng ông nói:

- Thôi cũng được. Chẳng sao cả.

- Xin uống mừng sức khoẻ của cha.

- Cầu cho anh chóng bình phục.

Cha tuyên uý nâng ly và chúng tôi nhìn nhau. Chúng tôi đã từng đàm đạo với nhau rất tương đắc nhưng đêm nay nghe chừng khó khăn làm sao.

- Có việc gì thế cha? Trông cha mệt mỏi quá.

- Tôi mệt mỏi, nhưng thực ra tôi không có quyền làm như thế.

- Có lẽ tại trời nóng.

- Không, bây giờ mới mùa xuân. Tôi thấy buồn chán quá.

- Cha buồn vô cớ?

- Không mà, tôi ghét chiến tranh.

- Tôi cũng chẳng ưa gì – tôi nói.

Ông lắc đầu nhìn ra cửa sổ.

- Anh đừng để ý đến chuyện đó. Anh không thấy rõ nó. Chết, xin lỗi, tôi biết là anh bị thương.

- Chẳng qua đó chỉ là một tai nạn.

- Dù cho có bị thương anh cũng không thấy rõ chiến tranh. Tôi đoán chắc thôi. Chính tôi cũng không thấy cái tai hại của nó. Nhưng tôi thấy được…đôi điều.

- Lúc trước khi tôi bị thương, chúng tôi có đề cập đến vấn đề đó. Passini có nói đến điều ấy.

Cha tuyên uý đặt ly xuống. Ông nghĩ ngợi sang chuyện khác.

- Tôi hiểu bọn họ vì tôi cũng giống như họ - ông nói.

- Dù sao cha cũng khác họ chứ.

- Nhưng thật ra tôi cũng giống như họ mà thôi.

- Bọn sĩ quan không hiểu gì cả.

- Có một vài người thấy được. Có vài người tế nhị và cảm thấy khốn khổ hơn cả chúng ta nữa.

- Đa số không giống thế.

- Đó không phải là do giáo dục hoặc tiền bạc nhưng vì một cái gì đó khác hơn. Dù rằng họ có giáo dục và tiền bạc đi nữa thì những người như Passini đâu có ao ước trở thành một sĩ quan. Tôi cũng thế.

- Nhưng cha cũng được coi là một sĩ quan. Tôi cũng là một sĩ quan.

- Thật ra tôi không phải thế. Anh cũng không phải là một người Ý chính cống nữa. Anh là một người ngoại quốc. Nhưng tâm hồn anh gần sĩ quan hơn gần con người.

- Khác nhau ở chỗ nào?

- Tôi cũng khó diễn tả được. Có nhiều người là du kích. Trong nước này có rất nhiều người như thế. Nhiều người khác lại giống họ.

- Những người du kích sẽ bước những người khia chiến đấu.

- Đúng thế.

- Và tôi sẽ giúp họ.

- Anh là người ngoại quốc. Anh là người yêu nước.

- Còn những người chống chiến tranh? Liệu họ có thể làm cho chiến tranh ngưng lại được không?

- Tôi cũng không hiểu được.

Ông lại nhìn ra cửa sổ. Tôi ngắm khuôn mặt ông.

- Có khi nào họ đầy đủ khả năng để chận đứng chiến tranh không?

- Họ không được tổ chức ngăn chặn mọi việc, nhưng khi họ được tổ chức rồi thì những người lãnh đạo lại phản bội họ.

- Vậy thì không có hy vọng à?

- Không bao giờ lại vô hy vọng. Nhưng có nhiều khi tôi không đủ sức để hy vọng. Tôi luôn cố gắng hy vọng nhưng lại chịu thua.

- Có thể chiến tranh sẽ chấm dứt?

- Tôi hy vọng như thế.

- Vậy cha sẽ làm gì khi ấy?

- Nếu tiện thì tôi sẽ trở lại Abruzzi.

Gương mặt sạm nâu của ông bỗng trở nên rạng rỡ.

- Cha yêu vùng Abruzzi đến thế cơ à?

- Vâng ,rất yêu.

- Vậy khi ấy cha nên về đó.

- Tôi sẽ hạnh phúc lắm. Tôi sẽ sống mãi ở đó để yêu kính Chúa và phụng sự Ngài.

- Và người ta sẽ kính trọng cha – tôi nói.

- Vâng, tôi sẽ được kính nể. Tại sao không chứ?

- Không có lý do gì mà không kính nể cha cả. Cha sẽ được mọi người kính nể.

- Điều đó không thành vấn đề. Nhưng ở quê hương tôi người ta nhìn nhận rằng con người phải yêu mến Chúa. Đó không phải là một chuyện đùa.

- Tôi hiểu.

Ông nhìn tôi mỉm cười.

- Anh hiểu mà lại không yêu Chúa.

- Không.

- Anh không yêu Ngài tí nào sao? – ông hỏi.

- Đôi khi về đêm tôi còn sợ Ngài nữa là khác.

- Anh nên yêu mến Ngài.

- Tôi không yêu nhiều lắm.

- Thực đấy – ông nói – Anh nên yêu Chúa. Những gì anh đã kể cho tôi nghe trong những đêm qua rồi, không phải là tình yêu. Đó chỉ là đam mê và dục vọng. Khi yêu, người ta ao ước được làm một cái gì cho người mình yêu. Người ta muốn hy sinh, muốn phục vụ.

- Tôi không có tình yêu.

- Rồi anh sẽ yêu. Tôi biết rồi anh sẽ yêu và khi đó anh sẽ hạnh phúc.

- Tôi hạnh phúc, lúc nào tôi cũng hạnh phúc.

- Đó là chuyện khác. Anh không hề biết tí gì về tình yêu chỉ trừ khi nào anh có yêu.

- Được rồi – tôi bảo – Hễ khi nào yêu, tôi sẽ báo cho cha hay.

- Tôi đã ngồi lại quá lâu và nói chuyện nhiều rồi – ông tỏ vẻ ái ngại.

- Khoan đã. Cha đừng đi vội. Cha nghĩ thế nào về tình yêu phụ nữ? Nếu thực tôi có yêu một người đàn bà nào đó thì chuyện có xảy ra như cha nói không?

- Tôi không hề biết được chuyện đó vì tôi chưa từng yêu một người đàn bà nào cả.

- Thế còn mẹ của cha?

- Dĩ nhiên là tôi phải yêu mẹ tôi rồi.

- Có phải lúc nào cha cũng yêu Chúa không?

- Ngay từ lúc tôi còn bé đến giờ.

- Thế à? – Không biết phải nói những gì tiếp nữa ,tôi bảo – Cha thật là một thanh niên tốt.

- Tôi còn là một thanh niên, thế mà anh lại gọi tôi bằng cha.

- Đó là vì lễ phép thôi.

Cha mỉm cười.

- Tôi phải đi đây, nói thật đấy. Có đúng là anh không cần gì nữa không? – ông hỏi, mắt ánh lên chút hy vọng.

- Không, chỉ để nói chuyện thôi.

- Tôi sẽ chuyển lời chào của anh trong bữa ăn chung.

- Cám ơn cha về những tặng phẩm đẹp.

- Có gì đâu.

- Cha nhớ đến thăm tôi nhé?

- Vâng, thôi chào anh – Ông vỗ nhẹ lên tay tôi.

- Chào cha – tôi nói bằng giọng địa phương.

- Chào anh – ông đáp lại.

Trong phòng tối om và người y tá ngồi ở chân giường đứng lên, đi ra ngoài với cha tuyên uý. Tôi rất thích ông và mong ông được trở về Abruzzi một ngày nào đó. Ở những buổi ăn chung, người ta trêu cợt ông thế mà ông vẫn tử tế với họ. Tôi nghĩ về cuộc sống ở quê hương ông, ông đã từng kể cho tôi nghe, ở Capracotta cá lội nhởn nhơ như ở hạ lưu, suối lượn qua thành phố. Ở đó người ta cấm chơi sáo ban đêm. Người ta cấm thổi sáo. Tôi hỏi tại sao. Vì ban đêm, tiếng sáo rất nguy hiểm cho các cô thiếu nữ. Nơi đó các bác nông dân đều gọi bạn là Ngài và khi bạn gặp họ, họ kính cẩn giở mũ ra chào. Cha của vị linh mục mỗi ngày đều đi lễ và thường dừng chân tại nhà các bác nông dân dùng cơm. Đó luôn luôn là điều vinh dự đôi với họ. Ở đó đôi với người ngoại quốc, khi muốn đi săn họ phải trình chứng chỉ tỏ rằng họ chưa hề bị bắt lần nào. Ở Gran Sasso D’Italia có cả gấu nữa, nhưng rất xa. Thành phố Aquila rất đẹp. Về mùa hạ, ban đêm trời mát và mùa xuân Abruzzi đẹp nhất ở Ý. Nhưng dễ chịu nhất là mùa thu, mùa săn bắn trong rừng dẻ. Chim chóc đều ăn được vì chúng ăn toàn nho. Không bao giờ bạn phải mang bữa trưa vì các bác nông dân luôn luôn lấy làm hãnh diện nếu bạn ở lại ăn ngay ở nhà họ. Nghĩ ngợi một lát, tôi ngủ thiếp đi.

Chương 12

Gian phòng bệnh viện dài, cửa sổ nằm về phía tay phải. Cửa ra vào ở tận đầu phòng sát với phòng băng bó. Dãy giường tôi nằm trông ra cửa sổ, và dãy giường khác đôi diện với tường. Nếu nằm nghiêng về phía trái tôi có thể thấy cửa phòng băng bó. Lại còn một cửa khác ở cuối phòng mà thỉnh thoảng khách đến thăm ra vào. Nếu có người să”p chết, người ta kéo tấm màn phủ quanh giường để khỏi trông thấy người chết. Chỉ có ghệt của bác sĩ và y tá ló ra dưới chân màn. Đôi khi người ta còn nghe cả tiếng thì thầm to nhỏ. Rồi cha tuyên uý vén màn bước ra và các y tá trở vào khiêng xác người chết ra, trên mình phủ chăn kín mít, qua giữa hai dãy giường, rồi có người đến xếp tấm màn và mang đi chỗ khác.

Sáng hôm đó thiếu tá phụ trách phòng hỏi tôi xem ngày mai có thể đi xa được không. Tôi trả lời được. Ông ta nói tiếp là sẽ chuyển tôi đi vào lúc sáng sớm. Ông bảo tốt hơn tôi nên đi bây giờ trước khi trời nóng bức.

Khi họ nhấc tôi lên khỏi giường để đưa vào phòng băng bó, tôi có thể nhìn qua cửa sổ thấy những nấm mồ mới hiện lên ngoài vườn. Một người lính ngồi ở cửa vườn. Anh đang làm những cây thánh giá và khắc lên đó tên, cấp bậc, đơn vị của người được chôn trong vườn. Cũng có khi anh giúp việc vặt trong phòng và khi rỗi rãi anh làm cho tôi cái bật lửa bằng vỏ đạn của bọn Áo. Các bác sĩ rất dễ thương và có đầy đủ khả năng. Tôi được gởi đi Milan chậm, ở đấy có việc xem xét bằng quang tuyến X tốt hơn và giải phẫu xong tôi sẽ được điều trị bằng máy. Tôi cũng rất muốn đi Milan. Họ muốn đem tất cả chúng tôi càng xa càng tốt vì tất cả các giường đều rất cần cho cuộc tấn công sắp đến.

Buổi chiều trước khi tôi rời khỏi bệnh viện mặt trận, Rinaldi cùng thiếu tá ở câu lạc bộ đến thăm tôi. Họ bảo tôi sắp được đưa vào một bệnh viện Mỹ ở Milan vừa được thành lập. Có vài đơn vị cứu thương Mỹ vừa được gởi tới đó và bệnh viện sẽ phụ trách họ cùng tất cả những người Mỹ ở Ý. Ở đội Hồng thập tự có nhiều người Mỹ. Mỹ đã tuyên chiến với Đức chứ không phải Áo. Dân Ý tin chắc rằng Mỹ sẽ tuyên chiến với Áo nên họ rất quan tâm đến tất cả những người Mỹ đến đây ngay cả trong đội quân Hồng thập tự.

Rồi Rianldi bảo:

- Đừng nói to thế, em bé, ai cũng biết cậu đã từng ở mặt trận. Ồ, em bé đáng yêu ơi, chừng em đi rồi tôi sẽ làm gì?

- Chúng ta phải lên đường – Thiếu tá bảo

Rinaldi tiếp:

- Thật buồn quá. Nghe này, tớ có tin vui cho cậu, cô tình nhân người Anh của cậu mà, cậu biết không? Cô gái người Anh mà đêm nào cậu cũng đến thăm ở bệnh viện đấy. Nàng cũng đi Milan. Có đến đấy với một người nữa và ở tại bệnh viện Mỹ. Họ chưa nhận được các nữ y tá từ Mỹ qua. Hôm nay tôi có nói chuyện với đơn vị trưởng của họ. Ở tại mặt trận có nhiều đàn bà quá. Họ gởi nhiều người trở lại hậu phương. Em thấy chuyện đó thế nào, em bé? Được không? Được chứ? Em sẽ đến sống ở một thành phố lớn, và ở đó làm nũng với cô tình nhân người Anh của em. Tại sao tôi không bị thương kia chứ?

- Biết đâu rồi anh cũng bị thương – tôi bảo.

- Ta đi thôi – thiếu tá bảo – chúng tôi uống rượu làm ồn và quấy rầy Federico. Khoan đừng vội đi. Chúng tôi phải đi. Tạm biệt. Chúc may mắn đủ mọi điều nhé.

- Trở lại mau em bé nhé – Rianaldi hôn tôi – Cậu sặc mùi thuốc sát trùng. Chào em bé nhé.

- Chào anh, chúc anh đủ mọi điều.

Viên thiếu tá vỗ nhẹ vào vai tôi, rồi họ rón rén bước ra. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn say rồi lịm dần trong giấc ngủ.

Sáng hôm sau, chúng tôi rời bệnh viện đi Milan và bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau thì tới nơi. Thật là một cuộc hành trình mệt nhọc. Chúng tôi phải tránh đường khác một lúc gân ở Mestre và trẻ con tới nhìn vào trong xe. Tôi nhờ một cậu bé đi mua hộ một chai cô nhắc nhưng cậu trở lại bảo chỉ có rượu nho thôi. Tôi đành bảo cậu cứ mua và khi cậu mang rượu ra, tôi và người bên cạnh uống say mềm rồi lăn ra ngủ cho đến khi qua Vicenza. Tôi thức dậy và nôn mửa đầy trên xe. Như thế cũng chẳng sao, vì người bên cạnh tôi đã nôn mửa nhiều lần trên xe rồi. Sau đó, tôi thấy không chịu đựng nổi cơn khát nên gọi một người lính đang đi qua lại cạnh xe lửa bảo hắn mang đến cho tôi một ly nước lạnh. Tôi đánh thức Georgetti, chàng say bên cạnh tôi, cho hắn uống một tí nước lạnh. Hắn bảo để nước lên vai cho hắn rồi tiếp tục ngủ. Người lính từ chối không nhận tiền tôi biếu và mang lại cho tôi một quả cam mềm nhũn. Tôi mút lấy nước nhả xác bã ra và nhìn người lính qua lại bên toa xe chở hàng hoá. Một lúc sau, xe lửa giật mạnh và khởi hành.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro