2, Thuỷ quái dưới cầu (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lại nói về trước Giải phóng, vào một mùa xuân năm Dân quốc, thầy cả dẫn dắt đội mò xác gặp sự cố bỏ mình, Quách sư phụ là người sinh ra và lớn lên tại bản địa, quen thuộc con người, càng quen thuộc thổ nhưỡng, vậy nên phải gánh hết trách nhiệm to lớn của đội mò xác lên vai. Lúc ấy cả đội gom lại cũng không được mấy người, toàn bộ đều phải cậy nhờ vào công việc khôngcó chút thơm tho này mà kiếm miếng cơm ăn. Mọi người còn chưa được tính là cảnh sát chính thức, so với các loại công việc mang tính chất thời vụ bấy giờ thì cũng chẳng khác là bao, mỗi tháng kiếm không được mấy đồng, tiền thu vào thậm chí còn không bằng mấy tên chân thối chuyên tuần tra trên phố, vậy nên bình thường đều phải tìm việc khác kiếm thêm thu nhập để chu cấp cho gia đình. Mà câu chuyện 'Thủy quái dưới cầu' của chúng ta xảy ra vào mùa hè năm sau nữa.

Sự việc xảy ra ở ngay đập cầu phụ cận. Đập cầu ngày xưa là nhằm nói đến một loại đập nước ở gần ngã ba sông, bên cạnh đập là một cây cầu lớn bắc qua, được xây vào những năm cuối thời nhà Thanh, có thể cho người và xe qua lại. Trên thực tế thì đập là đập, mà cầu thì chính là cầu, đập nước lớn và cầu lớn là hai cái khác nhau, chẳng qua lại nằm rất sát, cho nên mọi người vẫn quen miệng gộp chung lại thành 'đập cầu'.

Khi đó thời tiết nóng nực cứ như trong lò lửa, đập cầu trên sông cả ngày ngựa xe như nước, người đến người đi, làm ăn mua bán vô cùng tấp nập. Thành Thiên Tân đích thị là một cái tụ bảo bồn, nuôi người nghèo nhưng cũng dưỡng người giàu, mà người giàu càng nhiều thì trộm cắp càng nhiều hơn. Thời bấy giờ thường thường gộp chung ăn trộm và đạo tặc lại làm một, trong xã hội cũ không hề phân biệt rạch ròi hai thứ này với nhau. Trộm tức là nói tới loại hành động chuyên móc túi người qua đường, thuận tay lấy một vài thứ trong cửa hàng mà không trả tiền cũng là trộm, mà đạo tặc thì còn chia ra thành nhiều loại phức tạp hơn. Có loại phi tặc lợi hại chẳng khác chi khỉ vượn, trèo tường vượt nóc dễ như bỡn, đột nhập trăm nhà viếng thăm ngàn căn hộ, bẻ cửa cạy khóa đánh cắp tài vật. Lại còn có thứ thổ tặc chuyên nhập địa mà đào mồ tróc mả, kiếm lời trên thân người chết. Một loại khác chính là thủy tặc, chỉ nghe qua là đủ biết không thể nào rời khỏi nước.

Phía Tây có một tên thủy tặc, người không tên họ, chỉ có một cái nhũdanh gọi là Ngư Tứ nhi, kẻ này không phải là một đạo tặc giỏi giang gì cho lắm, theo như chuyện thành Thiên Tân kể lại mà nói thì còn không bằng một bãi phân chim. Thế nhưng cũng có câu: 'Phân chim mà thành tinh, lão ưng cũng phải tức chết', Ngư Tứ nhi chính là như vậy, bản lãnh không lớn nhưng lòng tham không nhỏ, hắn không có tài nghệ nào, chỉ biết dệt 'lưới tuyệt hậu'.

Trước tiên ta hãy nói qua một chút xem lưới tuyệt hậu là thứ gì?

Thông thường khi đánh bắt cá trên sông, người ta đều phải giăng ra một tấm lưới, lưới đánh bắt có vòng trúc làm chài, quăng xuống sông một lát sau đó kéo lên vậy là có thể vớt được tôm cá dưới sông. Đôi khi có thể bắt được cá, nhưng cũng có khi không có gì, kéo lên chỉ toàn là bùn sình rong rêu rác rưởi dưới đáy cũng là chuyện bình thường. Còn thứ lưới tuyệt hậu mà Ngư Tứ nhi tạo ra, sông rộng bao nhiêu thì lưới rộng bấy nhiêu, ngăn ở giữa sông xong lại dùng cây trúc đóng cọc, lưới cá quấn quanh gậy trúc đến mấy tầng, dùng lưới tạo thành một cái mê cung vây tứ phía, chỉ chừa lại một lỗ hổng ở bên ngoài. Cá từ thượng lưu bơi xuống, đến trước lưới thì bị cản lại nên chỉ còn cách bơi vào trong lỗ hổng được tạo sẵn kia, nhưng bơi vào trong thì lại bị tầng tầng lớp lớp lưới cứ như là mê hồn trận bao vây chặt chẽ, làm cách nào cũng không thoát ra được, hơn nữa mắt lưới này rất nhỏ, cá nhỏ đến đâu cũng chui không lọt, vì vậy mới có tên gọi là "lưới tuyệt hậu". Chiêu này thực sự rất độc, cá dưới sông con này nối tiếp con kia, không đến thì thôi, hễ cứ bơi lại đây thì sẽ bị cái lưới tuyệt hậu này bắt lại.

Ngư Tứ nhi mỗi đêm lén lút đặt lưới, trời còn chưa sáng liền thu lưới lại, sáng sớm bày hàng ra bán, rao cá buổi đêm vừa đánh được, đủ loại cá tôm lớn nhỏ có hết, bỏ cả vào trong một cái thùng gỗ. Nhà nước cấm không cho dùng lưới tuyệt hậu để đánh bắt cá, trên sông thường xuyên cóthuyền qua lại, vướng phải lưới thì rất dễ gặp chuyện không may, Ngư Tứ nhi cũng sợ bị người ta bắt được nên thường xuyên chuyển chỗ lưới cá. Vào một đêm mây mờ trăng khuất, hắn đợi tối trời liền đến dưới đập cầu đặt lưới, xong xuôi đâu đó thì cũng đã là nửa đêm, liền một mình ngồi cạnh cầu hút thuốc lá.

Lúc này có một người kéo xe, mới vừa đưa khách xong nên quay xe trở lại, vừa khéo cũng đi ngang qua cầu. Người kéo xe này biết Ngư Tứ nhi, hai người là láng giềng lâu năm nên cũng có lòng nói với hắn: "Dưới đập cầu nước sâu, ban đêm thường xuyên có người nhìn thấy thủy quái dưới chân cầu, hai mắt của nó cứ như là hai ngọn đèn trên đường vậy. Nghe nói mấy năm trước có một cô gái trầm mình xuống sông, tới nay còn chưa tìm thấy xác, ngày thường mọi người cũng không dám bơi ngang qua khúc này, ông cẩn thận một chút."

Ngư Tứ nhi phun nước bọt: "Mẹ ngươi, chớ có hù ông Tứ này, Tứ gia đây lưới cá nhiều năm như vậy, còn chưa từng thấy cái sông này có cái giống gì khác lạ, nếu đánh trúng cái xác con gái gì đó thật, Tứ gia cũng ôm luôn về làm vợ trong nhà, ít ra cũng có thể "vui vẻ" một chút chứ sao."

Người kéo xe kia mượn chuyện tiến tới xin Ngư Tứ nhi một điếu thuốc, hai người ở trên cầu, anh một câu tôi một câu, chuyện trò qua lại.

Ngư Tứ nhi hỏi: "Hôm nay ông làm cái khỉ gió gì mà trễ như vậy mới về? Không sợ vợ ông ở nhà "ăn vụng" hay sao?"

Trên mặt người kéo xe lộ ra vẻ đắc ý: "Hôm nay kéo tốt, được khá nhiều tiền, tuy nhiên đường cũng hơi xa nên lúc này mới xong việc."

Ngư Tứ nhi không tin: "Lấy cái gì mà ra nhiều tiền? Cái xe kéo rách nát của ông mà cũng làm ra tiền được sao?"

Người kéo xe mắng lại: "Tiên sư thằng trâu bò, cứ làm như ông kiếm được nhiều tiền lắm vậy, lo mà đánh cá của ông đi."

Nói chuyện một hồi, Ngư Tứ nhi cũng cảm thấy buồn ngủ, muốn về nhà chợp mắt, quá nửa đêm lại tới đây thu lưới. Nhưng lúc này lại nghe mặt sông có động, hệt như có người đang lắc lư mấy cây trúc chống lưới vậy. Hai người liền nghi hoặc, đứng dậy nhìn về phía dưới cầu. Mặt sông dưới cầu tối đen một mảng y như mực, chỉ có thể nhìn thấy mấy cây trúc cắm dưới sông không ngừng đung đưa, Ngư Tứ nhi mừng quýnh, đúng là tóm được cá lớn rồi, chỉ vùng vẫy thôi mà cũng khiến cả lưới phải rung chuyển, giống này nhất định không thể nhỏ.

Những năm đầu của thời Dân quốc từng có người bắt được một con ba ba lớn hơn cả cái cối xay ở ngay ngã ba sông, Ngư Tứ nhi thầm nghĩ: "Có thể là ba ba lớn dưới sông, nghe nói trên đầu ba ba có mụn thịt, đem giã lấy nước rồi dùng để rửa mắt sẽ khiến mắt sáng ra, người mù dùng nó liền có thể nhìn thấy đường. Đã đến lúc Tứ gia đổi đời, ngày hôm nay phát tài con mẹ nó rồi!"

Nghĩ tới đây, hắn vội vàng kêu người kéo xe đến phụ một tay. Hai người ở trên cầu kéo lưới, lúc này trời đã tối mịt, kéo hết lưới cá lên trên cầu lớn rồi mà vẫn không thấy rõ trong đó đang bọc lấy cái gì, chỉ biết thứ đó to kềnh một cục, nhìn hình dáng thì không phải cá lớn mà cũng chẳng là ba ba gì sất, lại dường như có cả tay lẫn chân, bốc lên một mùi hôi thối nồng nặc như cá chết, không thể nào ngửi nổi.

Người kéo xe gan bé, đến lúc này cũng có chút sợ, nói với Ngư Tứ nhi: "Anh Tứ, anh làm gì thì cứ làm đi nha, vợ em còn đang ở nhà đợi cửa chờ em về, trời không còn sớm, em xin phép đi trước một bước..."

Miệng thì nói, người đã quay đầu muốn bỏ chạy.

Ngư Tứ nhi tặc đảm bao thiên, vung tay tóm lấy người kéo xe, lại thấy trước tay xe kéo có treo một chiếc đèn bão, hắn thuận tay vơ luôn rồi nói: "Đi là đi đâu? Mượn cái đèn bão của ông, tôi phải nhìn một cái xem thử vớt trúng cái gì dưới sông mới được."

Người kéo xe vốn không muốn cho mượn nhưng lại không nhanh tay bằng Ngư Tứ nhi, thế là chẳng còn cách nào khác bèn phải đi cùng hắn. Hai người mò tới gần, dùng đèn bão soi lên tấm lưới cuốn lấy thứ kia, nhưng ngặt nỗi lưới cá bọc quá kín, không mở ra thì căn bản chẳng thể thấy gì bêntrong được. Ngư Tứ nhi cũng không dám mở lưới ra hết, chỉ vạch ra một chút rồi nhìn vào, vừa thấy, hắn liền sợ hãi kêu lên thất thanh: "Ối cha mẹ ơi, là xác một đứa trẻ!"

Ngư Tứ nhi giăng lưới tuyệt hậu ở ngã ba sông, đêm hôm khuya khoắt đánh lên được xác của một đứa bé. Đứa bé này không lớn, cả người đen thui, thoạt nhìn giống y chang một con khỉ lông dài. Nhưng người kéo xe kia thì sợ hãi không ngớt, đây còn không phải là khỉ nước dưới sông Hải Hà hay sao?

Nghe nói dưới Hải Hà có khỉ nước, giống quái vật này khi trưởng thành mang hình hài như một đứa trẻ, cả người toàn là lông, sau mông còn có một cái đuôi, thi thoảng lại lên bờ, rất sợ ánh sáng và những thứ phát sáng, khi ở trong nước thì rất khỏe, nắm được cổ chân người liền lôi đi không hề lơi tay, khiến nhiều người giỏi bơi lội cũng phải chết đuối.

Đọc đến đây chớ nói không có lửa thì làm sao có khói. Tôi là tôi vẫn không tin, vẫn cảm thấy Hải Hà không thể nào có khỉ nước được. Nếu quả như có cái giống này thật, vậy thì lịch sử sinh vật ắt phải viết lại rồi. Tôi còn nghe người thầy làm cảnh sát đường thủy của mình thuật lại một chút, mới biết được chuyện này không phải là bịa ra cho có, Hải Hà quả thật có khỉ, nhưng không hề giống trong tin đồn một chút nào. Lại nói tới câu cửa miệng: "Không có lửa thì làm sao có khói", suy xét lại từ đầu, căn nguyên rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì?

Cũng phải nói tới trước thời Giải phóng, quả thực có người phát hiện được một thi thể quái vật ở Hải Hà. Cái thi thể ấy mang hình dáng tương tự như một đứa trẻ, có tay có chân, toàn thân mọc đầy lông mao, phía sau mông có một cái đuôi dài, nhìn vào biết ngay chính là một con khỉ. Ai ai cũng rõ, dưới sông chẳng thể nào có khỉ được, dân chúng nghe nhầm đồn bậy, đều gọi quái vật kia là khỉ nước, còn bảo là do trẻ nít chết đuối dưới sông biến thành. Một đồn mười, mười đồn một trăm, câu chuyện về khỉ nước càng lúc càng trở nên quái dị, thậm chí còn có tờ báo đăng lên một tấm ảnh chụp, đúng là khiến cho người ta không muốn tin cũng không xong.

Thực tế cái thi thể vớt lên được ở Hải Hà kia là khỉ quả không sai. Nhưng nó vẻn vẹn chỉ là một con khỉ hết sức bình thường mà thôi, chứ chả phải là cái giống khỉ nước phải gió gì cả. Trước đó có một gánh xiếc lưu động biểu diễn dọc đường nơi đây, có dắt theo mấy con khỉ diễn trò kiếm ăn, nhưng một con trong số ấy không biết ăn nhầm cái gì mà đi đời nhà ma rồi. Đoàn trưởng gánh xiếc bấy giờ mới bảo đem xác nó ra bãi tha ma cho chó ăn, tất nhiên là không ai dựng mộ bia cho một con khỉ đã chết được, mà vị nghệ nhân được sai đi vứt xác khỉ kia cũng thật là thất đức, vì muốn nhẹ việc mà ném thẳng xác con khỉ xuống sông. Hai ngày sau, xác con khỉ dưới sông Hải Hà được vớt lên, những người chứng kiến không khỏi ngạc nhiên quá độ, chẳng hiểu rốt cuộc cái giống này trôi từ đâu tới, mà cũng chính vì thế nên mới phát sinh ra vô số lời đồn đãi. Sau này cho dù nhà nước giải thích ra sao thì ra, trình độ dân trí còn kém, người người vẫn cứ tin rằng dưới sông Hải Hà có khỉ nước ẩn hiện.

Người kéo xe vừa nhắc, Ngư Tứ nhi cũng liền nhớ ngay tới tin đồn về khỉ nước, hai thằng sợ tới mức ngay cả đèn bão cũng quăng, giữa đêm khuya mịt mờ mà chạy thẳng một đường về nhà. Chạy được nửa đường thì đụng phải đội cảnh sát đi tuần đêm, còn bị nghi là trộm cắp nên bắt mất. Nếu không phải hạng người làm chuyện xấu lúc nửa đêm, vậy tối mờ tối mịt thế này rồi còn chạy đi đâu? Cảnh sát tuần tra trước tiên lôi hai tên này ra đánh một trận, sau lại ép hỏi cả hai gây án ở chỗ nào? Ngư Tứ nhi kêu cha gọi mẹ, mở mồm xin tha rối rít, lại đem chuyện mình giăng lưới ở ngã ba sông đánh trúng khỉ nước thuật lại một lần, người kéo xe có thể làm chứng.

Cảnh sát hỏi qua tình huống xong, liền lôi hai người trở lại cầu làm rõ, khi ấy thì trời cũng đã tờ mờ sáng rồi. Nhờ trời sáng nên mới nhìn ra được thứ nằm trong lưới cá, đúng không phải khỉ nước, mà quả thực chínhlà xác của một đứa bé, chẳng qua trên người nó dính không ít rong rêu bùn lầy. Ngư Tứ nhi mới đầu không có nhìn nhầm, tất cả chỉ tại tên kéo xe ở bên cạnh gào to mới khiến cho đầu óc hắn mụ mị, vả lại lúc đêm đen không nhìn thấy rõ, liền lầm tưởng rằng vớt phải quái vật khỉ nước thật, suýt chút nữa thì gan mật cũng bị dọa đến nát bét.

Đợi đến hừng sáng, mọi người mới thấy rõ đứa trẻ chết sình này, đoán chừng là do bị rong rêu dưới đáy sông quấn chặt nên mới không nổi lên được. Thi thể đã lâu nên chuyển sang màu xanh như rong tảo, mặt mũi khó lòng phân biệt, vẻn vẹn chỉ có mỗi hình dáng là còn nhìn ra được đôi chút, trên dưới bốc lên mùi hôi tanh khó ngửi, cũng không hiểu vì sao còn chưa rữa nát. Cảnh sát nhận định không phải do Ngư Tứ nhi và người kéo xe sát hại nên chỉ lấy khẩu cung qua loa, lập hồ sơ vụ án, hạch thêm ít tiền, thấy không còn xơ múi được gì mới thả hai người đi. Xác chết trôi trên sông Hải Hà quá nhiều, vô số người chết trôi mà không có ai tới nhận thân nhân, trong đó có không ít xác trẻ em, phần bị sinh non, phần thì do cha mẹ nó sinh ra nhưng nuôi không được. Những chuyện như thế từ bấy tới giờ vẫn là dân bất lực, quan không màng truy xét, phía dưới không người nào báo án, bên trên càng mừng rỡ mà giả vờ hồ đồ. Tử thi là vớt lên từ dưới sông nên cứ theo như luật cũ, giao hết cho đội tuần sông xử lý. Chính quyền phái người đến tìm Quách sư phụ ở đội tuần sông, bảo ông ta quấn chiếu cho thi thể đứa nhỏ, cột dây hai đầu rồi mang ra nghĩa trang lo liệu. Thế nhưng việc vừa tới tay liền nóng hổi, chính vì xảy ra quái sự rồi!

Theo như phong tục địa phương thì chết đuối không được nhập đất, chết vì nước thuộc về dạng chết yểu chứ không phải chết già nên nhất định phải hỏa thiêu thành tro, gom hết vào trong lọ rồi mới có thể hạ táng. Màcũng không được hỏa táng liền ngay, theo như quy củ thì phải đặt ở nghĩa trang mấy ngày, lỡ như có người nhà đến báo án nhận xác thì còn có đường mà xác minh thân phận của người đã chết. Chẳng qua mùa hè khí trời oi ả khiến tử thi càng bốc mùi nồng nặc, không ai chịu nổi, thế là thứ quy tắc này liền trở nên vô dụng.

Nghĩa trang cũng tương tự như nhà tang lễ bây giờ, nghĩa trang mà đội tuần sông sử dụng gọi là nghĩa trang miếu Hà Long, chỗ này ở ngoài cửa Tây, vị trí tương đối vắng vẻ. Trong miếu có một bức tượng Long Vương gia nặn bằng đất, khoác áo vảy kim tuyến, thân người đầu rồng, dân gian vẫn hay gọi là ông Long Ngũ, là Quảng Tế Long Vương chuyên cai quản sông nước Trường Giang và Hoàng Hà. Quảng Tế Long Vương xếp hạng thứ năm trong các Long Vương, chính vì thế người ta mới xưng là ông Long Ngũ. Tại quải Nguyệt Phong trên Bàn Sơn ở huyện Kế có ngôi Vân Tráo tự, chính là chủ miếu của Quảng Tế Long Vương do hoàng đế sắc phong, nhang khói cực thịnh, truyền thuyết vô số. Long Vương là vị thần phù hộ cho dân gian mưa thuận gió hòa, mà ngôi miếu Long vương ngoài cửa Tây này còn có một câu chuyện về Hạn bạt vẫn được lưu truyền trong dân gian.

Quách sư phụ từng nghe thầy mình kể lại, ngay từ mấy trăm năm trước, thời còn chưa có thành Thiên Tân, nơi đây đã từng xảy ra một trận đại hạn hiếm thấy. Nông dân kiếm cơm từ đất, sợ là sợ trời già không ban mưa, năm đó hạn hán khó lường, chín chín tám mươi mốt ngày không có một giọt mưa buông xuống, đất đai cũng nứt nẻ ra rồi, hoa màu khô héo, hạn đến mức cây cối bốc ra khói, sỏi đá phun ra lửa. Các thôn trang xung quanh sầu lo hết cách, không thể làm gì khác hơn là mời thầy phong thủy về xem. Thầy phong thủy chỉ cần nghe nói, không cần đến tận nơi quan sát mà cũng biết ngay là do cương thi trong một ngôi mộ biến thành Hạn Bạt, vừa mới chạy tới thực địa quan sát, nhìn xuống liền không khỏi sợ hãi, nơi này yêu khí quá nặng, quả nhiên trước nay chưa từng thấy qua, có thể không đơn giản chỉ là Hạn Bạt như vậy, cương thi đã biến thành thi ma, không một ai hàng phục được nữa rồi!

Thôn dân vì tìm đường sống, đành phải dựng lên một ngôi miếu tế bái Hạn ma đại tiên, còn chuẩn bị cả đồng nam đồng nữ để tế sống. Đồng nam đồng nữ là do rút thăm mà ra, con nhà ai bốc trúng thì xem như là xui xẻo. Trong thôn có một bà lão quanh năm ăn chay niệm Phật, cháu gái bà bất hạnh bị chọn làm vật tế sống, bà lão tuy không đành do cháu còn quá nhỏ, nhưng cũng không thể nào tránh khỏi, vì vậy một mình ở trong phòng bái Phật cầu thần, khóc đến mù cả mắt. Đến đêm, bỗng nhiên lại mơ thấy một người tự xưng là ông Ngũ tìm tới tận cửa nhà, khuyên bọn họ không nên dùng đồng nam đồng nữ tế bái Hạn ma đại tiên, ngày mai sẽ có một trận giông tố sấm sét, đó cũng chính là lúc ông ta tới bắt thi ma. Nhưng vẫn biết một tay vỗ khó nên kêu, vậy nên có hai chuyện muốn cậy nhờ. Thứ nhất là mượn tiếng chiêng tiếng trống của mọi người mà tăng phần uy thế, thứ hai là, không thể giết Hạn ma kia được..., bởi vì máu trên người con thi ma này có thể truyền dịch bệnh, một khi giết thi ma sẽ khiến người và vật trong vòng trăm dặm không đường sống sót, chỉ có thể dùng dây thừng ở giếng nước đầu thôn nhằm trói gô nó lại. Sợi dây thừng kia vắtqua ròng rọc kéo gàu múc nước, không biết đã dùng bao nhiêu năm, bao nhiêu đời rồi mà chẳng hề sứt mẻ tí nào, đã thế lại còn tinh tươm hệt như mới, có thể thấy đây chẳng phải vật phàm. Việc họ cần làm là phải tháo dây thừng ra trước, để ông Ngũ cầm dây trói thi ma. Nói xong, người tự xưng là ông Ngũ liền biến mất, không còn thấy tăm hơi.

Bà lão tỉnh giấc, đem chuyện này kể lại cho thôn dân, mọi người bán tín bán nghi, chần chừ luôn mãi, cuối cùng cũng quyết định làm theo lời bà lão nói. Vừa mới qua ngày hôm sau, một tiếng sấm nổ rền rĩ bỗng đột ngột vang lên mà không có một chút dấu hiệu báo trước nào, phòng ốc chấn động, rung lên bần bật, kế đó là cuồng phong gào thét, mưa to tầm tã. Những thôn dân gan to mật lớn thò đầu nhìn lén ra bên ngoài, thấy một con rồng trắng dài hơn chục trượng đang ẩn hiện bên trong tầng mây đen phủ kín cả bầu trời, thân rồng quấn lấy một con quái vật đầu sừng, toàn thân mọc kín một tầng lông đỏ, ngay cả cặp mắt cũng đỏ lòe lòe hệt như hai ngọn đèn lồng. Thôn dân vội vàng khua chiêng gõ trống reo hò trợ uy, đất trời xám xịt, phải qua hơn một canh giờ sau, Hạn ma đại tiên mới bị dây thừng trói chặt, lại bị một tia sét đánh văng thẳng vào cái giếng khô đầu thôn. Nhưng sau đó đất trời rung chuyển, giếng cạn sụp xuống, bị lấp bằng, bọn họ đến giờ mới nhận ra ông Ngũ không phải người thường mà chính là Quảng Tế Long Vương gia hiển linh! Kể từ đó lập miếu Long Vương ngay trên miệng giếng sập, thay nhau thắp nhang cúng bái, hương hỏa không dứt.
Miếu Hà Long có nguồn gốc từ đây, thuộc về loại truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, đến thời Dân quốc thì hương khói liền tắt, tượng ông Long Ngũ tuy vẫn còn tồn tại nhưng những kiến trúc liên quan đều mất sạch, chỉ còn một gian điện thờ lớn là sót lại, chung quanh mọc lên vô số nhà dân. Tới năm 1923, nơi đây trở thành nghĩa trang, đội tuần sông vớt được xác chết trôi thì phần lớn đều đem tới để, thầy dạy của Quách sư phụ có biết chút ít đạo thuật nên thường xuyên thay người nhà nạn nhân lo việc tang lễ, còn biết xem mồ soi mả, các loại âm trạch dương trạch, ngoài ra cũng là một tay làm đồ vàng mã vô cùng giỏi. Bình thường thầy trò hai người đều ở lại ngôi miếu nát, gian điện trước ngăn ra thành hai phòng nhỏ làm cửa hàng vàng mã, hậu điện xem như nghĩa trang, sau khi thầy cả già rồi qua đời thì nơi đây cũng chỉ còn lại một mình Quách nhị gia. Thu nhập từ việc vớt xác và trông coi thi thể người chết không được nhiều cho lắm, cho nên ngoại trừ những lúc đến đội tuần sông làm việc vặt, ông ta đều trở lại nghĩa trang miếu Hà Long làm vàng mã, tay nghề của Quách sư phụ vô cùng tốt, người giấy ngựa giấy do ông ta làm ra trông cứ như là thật vậy.

Ngày đó ở ngã ba cửa sông vớt được thi hài một đứa bé, Quách sư phụ vẫn làm như thường lệ, đem thi hài mang về nghĩa trang, khi tối trời thì liền xảy ra chuyện.

(Sửa lỗi dính chữ muốn sml)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro