Sinh viên ơi, bạn xấu hổ không?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

( Hanna: Trước giờ chỉ toàn chia sẻ bài của người khác cho mọi người đọc, hôm nay mình sẽ đăng bài viết của mình. Mong các bạn ủng hộ! )

Bỗng nhận ra bản thân còn sướng hơn nhiều người lắm. Hôm nay đọc bài báo về Cụ già với gương mặt đầy nếp nhăn mếu máo dưới trời mưa năn nỉ từng người dừng đèn đỏ mua hộ ông từng tờ vé số.

Hình ảnh ấy ông cụ ấy còn gợi cho tôi nhớ chuyện về một chú nọ. Buổi trưa hôm ấy khi tôi vừa tan học ra đến cổng trường thì thấy một chú khoảng 50 tuổi đang nằm quằn quại trên mặt đất, xùi cả bọt mép, cạnh bên là chiếc xe ba gác. Có người biết cách nên đã lấy chanh treo trên xe của chú cắt ra cho chú ngậm.

Một lát sau chú tỉnh lại thì mọi người đỡ chú lên lề đường ngồi và tản đi gần hết. Tôi thấy vậy nên mới đậu xe vào và đem chiếc xe ba gác của chú lên lề đường. Sau một hồi hỏi thăm thì tôi mới hỏi chú là chú có người thân gì ra đón chú về không. Chú bảo

- Chú đạp xe từ Vĩnh Long, qua cầu Cần Thơ, mới sang đến đây ( Ngay cổng trường ĐH Cần Thơ) thì trưa nắng và mệt quá nên mới bị vậy".

Lúc đó tôi sững người, nhìn chiếc xe cồng kềnh của chú và nhìn bọc chanh vắt vẻo trên cổ xe. Có thể chú biết trước mình đi mệt sẽ bị co giật nên mới mang theo chanh và dao sẵn như vậy ... Tôi thấy thế mới hỏi "Chú đã ăn gì chưa?". Chú nói chưa.

- Vậy con mua gì cho chú ăn nha?

- Thôi, con khỏi đi mắc công. Lát chú về ghé tiệm cơm chay ăn cho rẻ.

Lúc ấy tôi định đi rồi nhưng chẳng biết sao tôi nán lại nhìn chú và tự hỏi: " Có khi nào chú không còn tiền để ăn nên mới để bụng đói đến mức như vậy?"

Thế nên tôi mới lục túi mình, còn 50 nghìn đồng. Tôi nhớ như in 50 nghìn ấy. Đó là gần cuối tháng, 50 nghìn cuối cùng tôi còn sót lại. Tôi đem nó lại đưa chú và nói "Chú cầm tiền để lát mua gì ăn nha.". Nhưng chú không lấy, chú đẩy lại cho tôi và bảo:

- Con là sinh viên mà, đâu có tiền nhiều. Con cho chú xin 10 nghìn ăn cơm là được.

Tôi lúc ấy nghe thế thì sắp khóc đến nơi rồi. Nhưng tôi cũng chỉ còn 50 nghìn ấy thôi. Tôi mới quay ra ngoài, hỏi xin 1 cậu con trai lạ, cũng cùng giúp chú lúc nãy. Bạn ấy có 20 nghìn lẻ, tôi xin bạn ấy rồi đem vào đưa chú. Nhưng chú bảo:

- Chú chỉ xin 10 nghìn thôi".

Tôi " Tụi con không có 10 nghìn chú ơi". Thế chú mới cầm lấy và cảm ơn chúng tôi rối rít. Chú bảo:

- Chú cũng nghèo, con cũng nghèo. Chú biết ơn tụi con lắm.

Chẳng biết sao lúc đấy là tôi khóc luôn tại chỗ. Có mấy anh Grabber gần đấy nhìn tôi như bệnh, nhưng chẳng biết sao tôi cứ khóc.

Sau hôm ấy, tôi mới thức tỉnh bản thân đang lún sâu vào tiệc tùng, vào những cuộc vui "overnight" với đám bạn và để ý đến chuyện chi tiêu của bản thân. 20 và 10 nghìn, hơn nhau 10 nghìn, nhưng chú ấy còn chẳng muốn nhận. Thế mà sinh viên chúng ta mỗi lần cà phê, trà sữa, tiệc tục, tăng 2 với bạn bè là ăn đứt vài trăm. Ấy là chưa kể đến những bạn có người yêu, ngày lễ nào cũng phải tặng quà thật hoành tráng mới chịu, đến quốc tế thiếu nhi, trung thu các kiểu mà cũng chẳng tha... Tôi đang không có nên thôi cho qua đi!

Bây giờ suy nghĩ lại mới thấy, khi ấy tôi đã xấu hổ biết bao. Chẳng phải tôi xấu hổ vì đã khóc tại đó đâu. Tôi xấu hổ là vì bản thân khi ấy đã tiêu sài hoang phí biết bao. Các bạn sinh viên ơi, bạn có xấu hổ không? Còn tôi thì tôi xấu hổ lắm đấy. Trong khi giới trẻ chúng ta vui vẻ với tiệc tùng, với những cuộc đi chơi, thì đâu đó, có những người đã đi qua cả cuộc đời tuổi trẻ vất vả nhưng vẫn còn phải vật lộn kiếm sống. Họ đã ở độ tuổi mà lẽ ra được như ông bà chúng ta, được dừng lại nghỉ ngơi sau cả đời làm lụng khổ cực...

Đến nay, sau cuộc gặp gỡ với chú đạp xe ba gác thì tôi đã thay đổi cả suy nghĩ và hành động của mình nhiều. Đúng thật là bản thân chúng ta chẳng biết mình đang sung sướng đến nhường nào. Bạn luôn kêu ca rằng buồn chán, rằng không có thứ này, không có thứ kia. Luôn đòi hỏi mua quần áo, giày hiệu, ăn uống ở những nơi sang chảnh để check-in,... Nhưng hãy luôn nhớ rằng tiền đó chẳng phải do bố mẹ bạn in ra, mà là do họ đã đổi lấy từ mồ hôi và công sức đấy... Hãy thức tỉnh đi!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro