CHƯƠNG 23: SÁCH (3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vậy trong chương trước tôi đã giới thiệu với các bạn hai cách đầu tiên để đọc sách hiệu quả thì trong chương này chúng ta sẽ cùng đi tiếp đến cách thứ ba:

3) Ghi chép trong lúc đọc

Các bạn chắc hẳn ít nhiều đều đã nghe qua khái niệm "Đọc sách chủ động" rồi thì ghi chép trong lúc đọc sách là một phần của việc đọc sách chủ động. Tôi sẽ giới thiệu sơ khái niệm đọc sách bị động và chủ động nhé. Đọc sách thụ động là khi chúng ta tiếp thu kiến thức một cách tràn lan, không có chọn lọc. Đó là khi bạn cầm một quyển sách lên và đọc từ đầu đến cuối mà không hề suy ngẫm gì về những ý tưởng mà tác giả đề cập trong cuốn sách. Theo tôi thì nói một cách dễ hiểu là đọc mà không suy nghĩ đấy. 

Còn đọc sách chủ động là cách đọc mà khi xem xét những tư tưởng cuốn sách đề cập, người đọc luôn đối chiếu, đánh giá nó. Mọi sự chấp nhận hay phản đối đều được người đọc dựa trên cơ sở sự đánh giá, đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm; được nhận thức theo thế giới quan, tình cảm của mình. Từ những nhận thức đó mà rút ra những kết luận cần thiết cho bản thân người đọc.

Ngoài ra thì tôi sẽ giưới thiệu luôn hai phương pháp đọc phổ biến khác đó là đọc nông và đọc sâu. Như cái tên đã thể hiện ý nghĩa, đọc nông là khi người đọc chỉ khai thác nội dung, tư tưởng cuốn sách ở trình độ chấp nhận hoặc có phê phán chung chung mà chưa thể hiện được sự nghiền ngẫm cuốn sách một cách thấu đáo. Khi đọc những cuốn sách giải trí thì cách đọc này là phù hợp, đỡ tốn công sức.Như lúc bạn đọc truyện tranh Shin, Conan hay Doraemon gì các thứ thì không cần đòi hỏi phải khai thác tư tưởng gì nhiều đâu, cứ nhẹ nhàng thoải mái là được. 

Còn đọc sâu là cách đọc đòi hỏi phải nghiền ngẫm sâu sắc nội dung cuốn sách để hiểu cặn kẽ, lĩnh hội có phê phán những tư tưởng mà cuốn sách đề cập. Đây cũng là cách đọc quan trọng được sử dụng trong tự học mà tôi đã đề cập ở chương trước ngay bước đầu tiên để đọc sách hiệu quả đấy. Hãy nhớ rằng để tự học hiệu quả thì bạn cần phải đọc sâu và hiểu rõ nội dung cũng như tư tưởng mà tác giả đang đề cập đến từ đó nhận ra thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.

Việc ghi chép những suy, nghĩ hay ý kiến của mình lên trang sách là một cách giúp chúng ta đọc chủ động và hiểu sâu hơn. Đặc biệt thì như V.I. Lenin đã khuyên chúng ta: "Sau lần đọc đầu tiên phải ghi lại những chỗ chưa hiểu hoặc chưa rõ ràng để trở lại đọc lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư..." nên bạn hãy ghi chép lại những điểm mà mình chưa rõ ý tác giả hay những khi bạn có quan điểm trái chiều với tác giả. Vừa đọc vừa nghiềm ngẫm và đối chiếu với kiến thức của mình như thế giúp bạn tiếp thu kiến thức một cách chủ động và có chọn lọc.

Đương nhiên là trong một quyển sách chúng ta không thể và cũng không cần nhớ hết từng chương hay từng đề mục được nhưng chúng ta cần phải nhớ những gì là quan trọng và hữu ích với chính mình. Nên hãy có một cây viết chì và vài tờ note mỗi khi bạn đọc sách để có thể dễ dàng ghi chú cũng như đánh dấu lại những đoạn mà bạn thấy ý nghĩa hay tâm đắc. Đọc sách không phải là chuyện một lần là xong đâu nên bạn cứ yên tâm là khả năng cao sau này bạn sẽ quay lại và đọc những gì mình đã viết hay đã đánh dấu ngay lúc đó đấy.

Và cảm giác khi quay lại đọc những dòng ghi chú của mình thú vị lắm các bạn thân mến. Đơn giản là bởi vì khi ấy thì suy nghĩ của chúng ta đã khác đi rất nhiều và đọc lại những dòng đó là cơ hội cho chúng ta có thể nhìn lại những tư tưởng hay ý nghĩ của mình trong quá khứ. Nhưng điều đặc biệt nhất mà khi tôi quay lại đọc một quyển sách mà tôi có ghi chép khá nhiều là việc tôi nhớ gần như 80% nội dung của quyển sách đó! Trong khi với một quyển sách khác mà không ghi chép gì thì tôi thấy đọc lần hai mà cứ như là lần đầu tiên vậy! (trong đầu chẳng có một mống ký ức gì về việc đã từng đọc luôn)

Vậy nên đừng quên lấy một cây bút chì ghi chú vào những trang sách suy nghĩ và cảm giác của bạn nhé. Điều đó sẽ khiến bạn đọc sách một cách chủ động hơn thay vì bị động tiếp thu kiến thức. Nếu như bạn quý sách thì việc ghi lên note rồi dán vào cũng rất lí tưởng đấy. Sau này khi bạn lấy ra đọc lại cũng sẽ thấy dễ dàng hơn khi để tìm đúng chỗ bạn muốn vì như tôi đã nói đấy, chúng ta hiếm khi nào mà thấy thích hết nội dung của một cuốn sách cả. Cũng giống như lúc chúng ta xem phim thì sẽ có người thích cảnh phim này trong khi có người lại thích cảnh phim khác.

Theo tôi thì vừa đọc sách và ghi chép như thế thì việc mà tôi thấy hứng thú nhất chính là cái cảm giác như đang đàm đạo với tác giả vậy. Đọc một quyển sách mà không đối chiếu với kiến thức hay trải nghiệm của chính mình thì trông có vẻ như chúng ta đang nghe một người giáo viên đứng trên bục đang giảng bài thao thao bất tuyệt. Nhưng khi ghi chép lên những trang sách thì tôi thấy giống như hai người đang ngồi thảo luận với nhau về những kiến thức và kinh nghiệm vậy. Thế là có cảm giác chỉ cần ngồi ở nhà và bỏ ra một ít tiền là có thể đi vào thế giới và sống cuộc đời của những bậc vĩ nhân cũng như đàm thoại với họ rồi. Cái này như là một phép màu luôn vậy.

Có lẽ bạn đã biết một số cách thức cơ bản để đọc sách hiệu quả nhưng vẫn còn rất nhiều người trong chúng ta băn khoăn về việc làm sao để chọn sách đây? Làm sao để chọn được sách hay? Làm sao chọn được sách đúng? Mà mỗi khi bạn có hứng mua sách rồi vào mấy nhà sách lớn như Fahasa hay Nguyễn Huệ mà không biết nên chọn cái gì là đứng nguyên này chưa bốc được một cuốn nào luôn đấy.

Mỗi người đọc sách vì một nhu cầu hay với một sở thích khác nhau nên việc bạn biết rõ mục đích chọn sách của mình là gì thì quá tốt rồi. Nhưng tôi nhận thấy là không phải ai trong chúng ta cũng biết nên chọn sách gì ngay từ lần đầu tiên quyết định đọc sách và khi mới quyết định đọc sách thì tôi cũng chỉ nghĩ muốn đọc nâng cao kiến thức thôi chứ cũng chẳng biết mục đích gì cả. Nếu bạn không có mục đích cụ thể thì không có vấn đề gì hết nên bạn đừng lo lắng vì chúng ta ai cũng thế thôi. 

Việc mấy trang mạng luôn có mấy lời khuyên kiểu "Phải có mục đích rõ ràng khi đọc" thì bạn không cần quan tâm đâu vì chưa đụng vào quyển sách nào thì bảo đào đâu ra mấy mục đích rõ ràng cơ chứ. Việc trên cũng giống như khi hỏi bạn thích học môn nào trong khi bạn chưa giở được quyển sách giáo khoa của môn nào ra cả thì có quỷ mới biết đấy. Vậy bạn cần làm gì? Cứ chọn đại sách gì cũng được rồi đọc thôi. Câu trả lời đôi khi đơn giản đến khó ngờ như vậy đấy bạn thân mến.

Còn việc chọn sách hay như thế nào thì thời đại công nghệ thông tin thế này thì bạn chỉ cần lên Google search từ khóa "Review sách hay của thời đại" rồi vô đọc và tìm cuốn sách mình ưng thôi. Cái này chính tôi đã làm rồi và có hiệu quả thật sự đấy chứ tôi không chỉ nói suông đâu. Nếu mới quyết định đọc sách thì việc xem review những quyển sách hay rất hữu ích với bạn đấy. Bạn cứ thử đọc review đi và chắc chắn rằng trong mười quyển sách thì cũng sẽ có vài quyển khiến bạn hứng thú. 

Sau khi đã đọc review rồi thì bước tiếp theo là ghi lại tên những quyển sách mà mình hứng thú ra tờ giấy note rồi đi thẳng đến tiệm sách mua liền hay là lên Shopee, Tiki, hay nhà sách Fahasa đặt mua. Và bạn có thể làm liền trong hôm nay luôn đấy vì dám lắm là nếu để sang ngày mai là bạn đã có thời gian việc ra thêm một đống lí do là "Ờm..Tuần này chi tiêu còn hơi eo hẹp nên chưa đủ mua sách" hay "Bây giờ cũng chưa phải lúc thích hợp lắm...Đợi khi nào thiên thời, địa lợi, nhân hòa đi rồi hẵng mua",....

Và trong lúc đọc sách thì đừng hy vọng quyển nào cũng sẽ hay hoặc hợp ý bạn vì theo kinh nghiệm của tôi thì mới đầu khi tôi chỉ đọc review sơ sơ mà chọn đại 30 cuốn thì chỉ có khoảng 10 cuốn là làm tôi thấy ấn tượng thôi còn mấy cuốn còn lại là đọc kiểu gì vẫn không thấy hứng thú cho lắm. Việc này sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm đọc sách của bạn đấy vì đây là vấn đề về "Hiệu ứng của sự mong đợi" mà trong tiếng Anh có thể bạn hay gặp "Expectation" đấy.

Hiệu ứng này nói đơn giản là khi sự mong đợi về một sự vật hay sự việc nào đó cao mà kết quả thâó hơn sự kỳ vọng đó thì bạn sẽ thấy chán nản và thất vọng. Ngược lại nếu như kỳ vọng của bạn thấp mà kết quả vượt ngoài mong đợi thì bạn sẽ cảm thấy vui mừng và hạnh phúc. Giống như đối với một đứa không học bài mà vô thi ra được 7 điểm là nó cảm tạ trời Phật hay có khi vui nguyên một ngày luôn rồi. Nhưng cũng trường hợp đó đối với một đứa học bài chăm chỉ mà chỉ ra có 9 điểm là có thể buồn rười rượi cả một ngày trời là chuyện bình thường.

Vậy nên trước khi đọc sách, hãy nhớ chuẩn bị tâm lí rằng cuốn sách bạn cầm trên tay có thể không hợp với bạn đấy! 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro