CHƯƠNG 39: TRÍ TUỆ CẢM XÚC

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Ngày nay thì trí thông minh thôi vẫn chưa đủ, chúng ta còn cần trí tuệ cảm xúc để có thể thành công"

Thuật ngữ "Trí tuệ cảm xúc" có lẽ bạn cũng đã bắt gặp đâu đó một lần trong đời rồi. Vậy thì chính xác thì đó là cái gì mà ngày nay các công ty lại coi trọng đến thế? Lợi ích của nó là gì? Và quan trọng hơn cả là làm cách nào để gia tăng trí tuệ cảm xúc? Rất nhiều câu hỏi đang hiện lên trong đầu bạn đúng không? Và trong chương này chúng ta sẽ cùng nhau giải đáp từng câu hỏi một nhé.

Đầu tiên thì định nghĩa của trí tuệ cảm xúc nhìn chung là khả năng nhận dạng, kiểm soát và điều hướng cảm xúc bản thân. Bên cạnh đó thì nó cũng bao gồm việc nhận biết cảm xúc của người khác nữa . Và trí tuệ cảm xúc sẽ thường được nhắc đến nhiều thông qua cái tên "Emotional Intelligence" hay nói cách khác là EQ. 

Chắc bạn đã bắt đầu thấy quen thuộc rồi đúng không vì chúng ta ít nhiều gì thì cũng đã từng nghe đến hay làm bài test về mảng này mà. Rồi với cả bình thường với mấy người mà không giỏi nhìn sắc mặt của người khác để đoán ý thì hay bị chọc ghẹo là EQ thấp đấy.

Vậy thì lợi ích của trí tuệ cảm xúc phải nói là vô cùng rộng lớn. Nhìn tổng thể thì trí tụê cảm xúc sẽ cần thiết cho sự phát triển của cá nhân trên nhiều phương diện. Bên cạnh đó thì nó cũng góp phần to lớn vào việc xây dựng và duy trì những mối quan hệ xã hội. Chưa dừng lại ở đấy, trí tuệ cảm xúc còn góp phần vào thành công về mặt sự nghiệp của một cá nhân.

Vậy thì tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ tự nhận thức về bản thân tốt hơn và họ hiểu được cảm xúc cũng như con người của chính mình. Việc hiểu về bản thân ở một mức độ sâu sắc như thế giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn rất nhiều.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể hiểu về người khác nữa. Chúng ta sẽ trở nên tinh tế hơn trong việc nhận dạng cảm xúc của người đối diện và vì vậy mà có những hành động hay phản ứng phù hợp. Giao tiếp cần khéo léo như vậy chứ đôi khi nói chuyện sai thời điểm một phát là thành vô duyên mấy hồi luôn rồi. 

Vẫn chưa hết nữa, mà tất cả những việc hiểu về chính mình hay hiểu đối phương khiến chúng ta xây dựng được những mối quan hệ bền chặt và vững mạnh. Mà những mối quan hệ này không chỉ gói gọn trong khuôn khổ của gia đình hay người thân, bạn bè mà có thể là khách hàng của bạn. Vì vậy nên các nhà tuyển dụng đang ngày càng coi trọng về mảng trí tuệ cảm xúc của các ứng viên.

Nghe qua một loạt những lợi ích là thấy thích thú không chịu nổi luôn rồi phải không? Vậy không chờ lâu nữa mà chúng ta sẽ cùngvô phần hấp dẫn nhất là cách rèn luyện trí tuệ cảm xúc luôn nhé các bạn thân mến. 

1) Nhận diện và gọi tên cảm xúc của mình

Trước khi 'đọc' được cảm xúc của người khác thì chúng ta cần hiểu được cảm xúc của chính mình trước cái đã. Nhiều khi bạn sẽ nghĩ rằng "Sao tôi lại không hiểu cảm xúc của mình cơ chứ?" nhưng một bài tập cho bạn để thấy sự hiểu biết về bản thân sâu đến đâu là hãy miêu tả cảm xúc của bạn ngay bây giờ. Chắc hẳn là bạn đang ngớ người luôn rồi phải không vì bây giờ thì có thấy gì đâu. Và đa số mọi người sẽ trả lời là "Bình thường" hoặc "Tàm tạm".

Bạn cứ thử thực hành bài tập "Gọi tên cảm xúc" này thì bạn sẽ phát hiện ra rằng vốn từ vựng của mình về vấn đề cảm xúc nó ít ỏi đến đáng thương luôn. Và sự thật là có hơn cả 1000 tính từ dùng để chỉ cảm xúc đấy các bạn thân mến. Và nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những người hiểu rõ về cảm xúc của mình sẽ có xu hướng gọi tên chúng ra một cách cụ thể như "giận dữ", "hoài nghi", "kinh hãi", "lo lắng', "háo hức", "phấn khởi" chứ không phải những từ chung chung như "bình thường", "ổn", "cũng tàm tạm".

Vậy nên hãy học các gọi tên cảm xúc của bạn ra vì đó cũng là một cách để giúp bạn hiểu rõ hơn về cảm xúc của chính mình và nguyên nhân tại sao mình lại cảm giác như thế trong hoàn cảnh như thế. Học về trí tuệ cảm xúc cũng như học về thế giới tinh thần của mỗi người vậy. Rất thú vị và hấp dẫn nên đừng quên thử thực hiện nhé.

2) Nhận thức về hành vi của bản thân

Sau khi đã nhận diện được cảm xúc thì tiếp theo là đến phần hành vi vì đơn giản là cảm xúc sẽ dẫn đến hành động. Và mục tiêu của hiểu về cảm xúc là để điều chỉnh hành động. Bạn hãy để tâm thử khi nào hay việc gì khiến bạn có những cảm xúc tiêu cực như cáu gắt, chán nản hay tức giận. Rồi những việc nào khiến bạn cảm thấy hơi mất kiểm soát với hành vi của mình? Hãy để ý đến những lần như thế vì trí tuệ cảm xúc không chỉ dừng lại ở việc nhận dạng cảm xúc mà trên đó nữa là điều hướng cảm xúc để đạt được những mục tiêu mà mình mong muốn. Hay nói cách khác là sử dụng xúc cảm như một công cụ để hỗ trợ ho cuộc sống của chúng ta chứ không phải để cản trở.

Và để điều chỉnh hành vi của mình thì bạn trước hết cần nhận thức được cảm xúc lúc đó của bản thân. Ví dụ như cảm xúc tức giận là thứ mà rất nhiều người gặp mà đa phần là chúng ta để cơn giận kiềm chế chính mình.

Khi để cơn giận làm chủ thì những hành động quá đáng như chửi người khác hay thậm chí là động tay động chân là vẫn xảy ra bình thương. Nhưng mà sau đó thì sự hối hận day dứt là không thể nào tránh khỏi. Nên khi cơn giận mà tìm đến bạn thì hãy nhận thức điều đó một cách nhanh chóng vì một khi nó đã kiểm soát bạn rồi thì hành động của bạn sẽ diễn ra một cách vượt tầm kiểm soát.

Để nhận thức một cách nhanh chóng thì đừng quên bài tập gọi tên cảm xúc ở trên. Nó không vô dụng đâu bạn mà gọi tên cảm xúc giống như bài tập rèn luyện khả năng nhận dạng cảm xúc vậy. Cảm xúc cũng giống như một nhóm người với những khuôn mặt khác nhau vậy. Bây giờ kêu bạn nhớ mặt và gọi tên của 1000 người bạn thì đâu phải cứ gặp một lượt là nhớ hết đâu. Cảm xúc cũng giống như vậy đấy.

Bạn gặp gỡ chúng càng nhiều hay bạn luyện tập gọi tên chúng nhiều bao nhiêu thì chúng sẽ trở nên quen thuộc bấy nhiêu. 

Và mỗi khi phát hiện mình đang tức giận thì đừng đấu đối kháng với cảm xúc của bạn, đừng bao giờ. Vì rằng có thể chúng ta sẽ thua cho thê thảm mà không ngóc đầu dậy được. Hãy bấm nút tạm dừng trong đầu hay hét thầm với chính mình là "Khoan chậm đã" rồi tránh xa chỗ và người mà bạn đang đối diện hay là những thứ đang châm lên ngọn lửa tức giận trong người bạn. 

Nên nhớ là đừng hét thành tiếng nhé, nguy đấy. Trường hợp mà bạn không thể rời đi nơi đó được vì bạn đang bận trò chuyện với cha mẹ hay sếp gì đó thì bạn có thể im lặng và hít thở ba hơi.

Một khoảng lặng trong giao tiếp đôi khi là vô cùng cần thiết để đôi bên lấy lại bình tĩnh mà không thốt ra những lời làm tổn thương đối phương. Sức nặng của lời nói rất ghê gớm và chúng có thể dễ dàng phá hủy một mối quan hệ mà bạn đã cất công vun đắp bấy lâu.

Vậy nên hãy đặc biệt cẩn trọng đến cảm xúc và hành vi của mình.

3) Chịu trác nhiệm cho cảm xúc của mình

Sau khi tìm hiểu về cách thức nhận dạng và kiểm soát hành vi thì việc cần làm là bạn hãy nhớ rằng chính bạn không ai hết là người chịu trách nhiệm cho cảm xúc của bạn và những hành động của bạn. Có thể bạn sẽ nghi hoặc rằng "Mình đâu có hay đổ lỗi cho ai đâu ta?" mà chúng ta thật sự lại rất hay chối bỏ trách nhiệm liên quan đến vấn đề cảm xúc. Những câu như "Tại hắn làm tôi bực nên tôi mới lỡ lời" hay là "A làm tôi buồn quá" chúng ta sử dụng rất thương xuyên luôn là đằng khác.

Sau chương này thì bạn có thể bỏ hẵng những câu nói đó rồi vì nếu như "Chúng ta không cho phép thì họ cũng đâu làm chúng ta bực bội được". Vì chúng ta để ý hay bận tâm đến hành vi hay lời nói của người khác thì mới sinh ra cảm xúc đấy thôi. Nói như vậy không phải để bảo rằng sống là không cần để tâm việc gì hay ai hết. Chắc chắn là chúng ta phải bận tâm một vài hay nhiều điều trong cuộc sống rồi.

Nhưng cốt loi ở đây là sự nhận thức được rằng bạn làm chủ cảm xúc của mình. Như vậy chúng ta sẽ không ở thế bị động như kiểu "A hành động thô lỗ như vậy thì tôi khổ chết mất" Khi biết chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình thì bạn sẽ đổi thành câu "Nếu cứ để tâm đến hành động của người khác và bắt họ chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình thì tôi mới đúng là khổ chết đấy"

Rất quan trọng luôn đấy nên hãy nhớ chịu trách nhiệm với cảm xúc bạn nhé. Chương sau chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu về cách để hiểu người hay nhận dạng cảm xúc của người khác. Vì cái gì cũng nên bắt đầu từ chính bản thân mình nên bạn đừng quên thấu hiểu và thực hành những phương pháp này để hiểu về chính mình ở một tầng sâu hơn trước khi chạy đi hiểu cảm xúc người khác nhé. Chúc các bạn may mắn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro