Chương 1-1: Những người ở lại.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hà Nội hơn 700 năm sau.

Tại tiệc chia tay các sinh viên đại học khóa cuối, tôi cùng mấy cô bạn uống rượu say đến mức trời đất cũng chẳng hay.

Lắc lắc ly rượu trong tay, thấy chiếc đèn trước mặt mình từ một chiếc biến thành hai. Tôi tự nhủ rằng ly này đã đạt tới giới hạn của mình rồi. Tôi đặt ly rượu xuống bàn rồi rời đi trước. Tay dùng khăn lau bớt đi vết rượu lại vô tình làm lem đi lớp son đỏ.

Rời khỏi buổi tiệc, một mình tôi lang thang trên con đường ven hồ Gươm. Bầu trời Hà Nội lúc này đã bị bao phủ bởi màn đêm tối đầy tĩnh mịch, chỉ còn le lói vài ngôi sao. Ánh sáng từ những biển hiệu quảng cáo trở thành nguồn sáng chính giúp soi đường. Gió mát thổi lay chuyển những cành lá của cây lộc vừng, đồng thời giúp cho tôi tỉnh táo hơn. Ánh đèn cam hắt sáng nơi tháp rùa rêu phong tạo nên một khung cảnh đầy cổ kính.

Tôi lại gần hồ. Mặc cho tà váy đỏ dài mình đang lê dưới nền đường, tay vứt túi xách sang một bên. Tiếng túi xách bị ném đi vang lên tiếng keng chói tai của dây khóa ma sát với nền đất.

Tôi ngồi phịch xuống đất, soi bóng mình dưới hồ. Từ trong ánh nước phản chiếu hình ảnh một cô gái với lớp trang điểm kĩ càng nhưng giờ lại trông thảm hại hơn bao giờ hết. Mascara nhòe đi trông như mắt của hai con gấu trúc, đầu tóc thì bù xù, son đỏ lem một đường dài đến tận má.

Hình ảnh kỳ dị của bản thân làm cho tôi bất giác phì cười, trông chẳng khác gì như một nhân vật chính trong phim kinh dị cả.

Nếu như có một đứa trẻ nào ở đây, chắc chắn sẽ bị dọa đến khóc thét vì nghĩ tôi là ác quỷ bắt cóc người khác.

Tiếng cười của tôi giữa đêm khuya vắng vẻ lại tự dọa cho chính bản thân bị giật mình. Đang cười thì bỗng nhiên hai hàng nước mắt tôi cứ chảy ra, từng giọt nước mắt lớn rơi xuống phá vỡ mặt hồ tĩnh lặng.

Cuộc đời sinh viên này thật quá ngắn, ngắn đến nỗi cảm giác như chỉ cần chớp mắt thôi đã qua nhanh rồi. Tôi rút từ trong túi xách một chiếc vé máy bay. Nhìn rõ điểm đến và thời gian, trong lòng càng nặng nề hơn.

Hai ngày nữa tôi sẽ bay đến Mỹ để định cư với gia đình. Tôi chăm chú nhìn về phía tháp rùa giữa mặt hồ, từng kí ức tuổi thơ dần hiện về. Tôi sống ở Hà Nội hơn hai mươi ba năm, thật sự không nỡ rời đi.

Tôi nấc một tiếng. Tự nhiên đang cười rồi lại khóc, xem ra tôi đã thật sự say rồi. Tay tôi loay hoay bấm điện thoại gọi cho chú lái xe riêng nhờ tới đón. Đầu máy bên kia vừa nhấc lên tôi đã lầm bầm một mình.

"Giá như bây giờ được quay về ngày xưa không phải đi làm thì đã quá."

Tôi vừa dứt lời thì thấy một bóng hình sáng chói, sáng đến nỗi không sao nhìn rõ được khuôn mặt khiến cho hai mắt cảm thấy đau nhức. Tôi không tài nào phát giác được cảm xúc của người đó, chỉ có thể tạm xác định anh ta hoặc cô ấy mặc một bộ quân phục đỏ rực như màu của ánh lửa cháy về đêm.

Thứ ánh sáng đó càng lúc càng tỏa mạnh hơn. Trong không gian chói lòa ấy, tôi nghe thấy tiếng voi gầm vang trời, tiếng vó trăm ngựa dồn dập.

Lá cờ sáu chữ vàng tung bay trong gió, tiếng gươm đao vang vọng đâu đây.

Tôi dụi dụi mắt, đảm bảo bản thân mình không bị ảo giác. Người đó chẳng nói gì, đột nhiên lại bước đến gần chỗ tôi, nửa quỳ xuống rồi đưa tay về phía tôi.

Tôi toan hét lên thì một bàn tay đó đã đẩy mạnh vào lưng. Không thể nào yêu cầu một con sâu say rượu ngồi vững được, tôi ngã lăn xuống hồ nước. Vì đã quá khuya và vắng vẻ, không ai phát hiện ra tôi đã ngã xuống hồ.

Nước hồ xộc vào mũi lạnh ngắt. Tôi cố gắng dùng lực đạp chân thật mạnh bơi lên. Nhưng không hiểu tại sao càng bơi lại càng có cảm giác như mặt nước ngày càng cách xa mình, mãi không thể ngoi lên được.

Rồi xung quanh dần tối sầm lại. Tôi càng giãy giụa lại càng cảm thấy như có ai đó đang kéo mình sâu xuống. Ngay khi áp lực nước cùng cảm giác toàn thân như bị xé toạc làm tôi hoàn toàn tuyệt vọng thì từ trong ánh nước lờ mờ thấy một người phụ nữ bơi lại gần mình rồi nhanh chóng kéo tôi lên. Người đó bế tôi lên bờ, đầy hốt hoảng.

"Trời ơi! Con cái nhà ai lại để cho ngã sông như vây."

Tôi vừa được cứu lên, vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tai nghe chữ được chữ không.

"Cháu có sao không?"

Tôi định thần lại. Người phụ nữ này ăn nói thật kì lạ. Rõ ràng bản thân tôi ngã xuống hồ, tại sao lại nói tôi ngã xuống sông?

Vừa ho sặc sụa, nôn ra bao nhiêu là nước, tôi vừa cố gắng dùng toàn bộ tâm trí để phân tích chuyện gì đang xảy ra.

Người phụ nữ đứng trước mặt tôi có chất giọng trong trẻo như tiếng chuông vang. Dung mạo xinh đẹp thanh khiết như hoa hoa sen trắng, làn da trắng ngần như ngọc.

Nước sông thấm ướt lớp áo màu đen khoác bên ngoài của cô, bên trong là lớp váy màu trắng. Nhìn bộ đồ trông rất quen, hình như tôi đã thấy trong bảo tàng. Tôi để ý khi cô nói chuyện, lộ ra hàm răng màu đen.

Hàm răng màu đen.

Khoan đã cái gì màu đen cơ?

Tôi không khỏi thấy kì lạ, đây là thủ đô Hà Nội phát triển nhất của Việt Nam, khó có thể thấy một người trẻ như vậy theo tục người Việt cổ nhuộm răng. Tôi không có ý chê bai gì, quan niệm về vẻ đẹp của mỗi thời không giống nhau.

Cuối cùng tôi đưa ra một khả năng có vẻ khả thi nhất về người phụ nữ như bước ra từ mấy bộ phim lịch sử này.

"Ở gần đây có lễ hội nào à?"

Cô gái đó lúc này mới thôi sốt sắng, giọng nói cũng trở dịu dàng dễ nghe hơn. Bàn tay vuốt gọn lại mái tóc ướt sũng.

"Cháu là người ở kinh thành tới à? Làm gì có hội nào đâu."

Là cô ta đang nói đùa hay tôi hoàn toàn bị sặc nước đến ngu người rồi? Tôi năm nay hơn hai ba tuổi. Có thể vì bảo dưỡng kỹ mà tôi mang vẻ ngoài trẻ hơn những người cùng tuổi, nhưng tuyệt đối không đến mức đó.

Rồi tôi giật nảy mình, người phụ nữ này cũng trâu bò quá đấy chứ. Tại sao vừa rồi cô ấy có thể nhẹ nhàng bế thốc tôi lên như vậy, trông không có vẻ gì là khó khăn. Tôi là một thanh niên trưởng thành, nhấn mạnh là người lớn nặng gần năm mươi lăm cân, chứ không phải một đứa trẻ.

Tôi lúi húi nhìn tay chân mình, phát hiện ra tay mình sao lại bé thế này. Lại quay xuống nhìn đôi chân dài giờ chỉ còn một khúc ngắn củn. Nhắm mắt lại rồi lại mở mắt ra, vẫn bé như vậy. Tôi vội vã từ mặt cỏ ướt bò về phía sông nhìn xuống, kinh hãi hét lên.

Trước mắt tôi lúc này là một bé gái chừng năm tuổi có đôi mắt to tròn và cặp má bánh bao, nhìn trông rất là dễ thương. Rồi tôi kinh hoàng nhận ra, đây chính là diện mạo khi còn nhỏ của tôi. Bộ dạng của tôi khi lớn lên không thể dùng từ dễ thương để miêu tả được.

Tôi sờ lên khuôn mặt đã từng rất quen thuộc nay lại có phần xa lạ của mình, lại quay lại nhìn xung quanh.

Khi tôi rời tiệc đã là rất khuya, mà bây giờ lại là giữa trưa. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, bầu trời trong vắt không sợi dây điện hay máy bay. Không gian xung quanh toàn là cây xanh lại vô cùng yên tĩnh và trong lành, chẳng có một chút khói bụi hay tiếng xe, lại càng không có bóng dáng của nhà cao tầng. Không thể có chuyện tôi rớt xuống hồ nửa ngày mà khi vớt lên vẫn còn nguyên vẹn như vậy được.

Điên chết mất. Tôi hoàn toàn không thích mình trong bộ dạng hai mét bẻ đôi như vậy, lại còn ở một nơi lạ hoắc.

Tôi run sợ hỏi người phụ nữ.

"Cho hỏi đây là đâu?".

"Là lộ Lạng Châu."

Lần này thì tôi sợ thật rồi. Mặt tôi tái xanh rồi lại trắng, toàn thân toát mồ hôi lạnh. Lộ Lạng Châu là cách gọi ngày xưa của tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn nhà Trần.

Ha ha. Phải rồi là nhà Trần, tận hơn bảy trăm năm trước cơ đấy. Đùng một phát từ sinh viên đại học thế kỉ hai mốt tân tiên hiện đại giờ lại ngồi ở đây, trong bộ dạng một đứa con nít vắt mũi chưa sạch.

Chắc là tôi đang nằm mơ.

Đáng thất vọng cho tôi vì đây không phải là giấc mơ, bàn tay đang nhéo má truyền đến một cơn đau nhói. Tôi lại tiếp tục bấu vào tay chân mình.

Người phụ nữ đó vẫn tiếp tục ngồi nhìn tôi làm trò hề với biểu cảm khóc mếu máo không xong, cười cũng chả nên hồn.

"Cháu nhà ở đâu? Con cái nhà ai? Tên là gì?"

Một tá câu hỏi đổ xuống khiến tôi nhức hết cả đầu. Tôi suy nghĩ đại một lý do, nếu nói tôi là người xuyên không chắc chắn sẽ bị cho là một kẻ điên. Để xem nào, Hà Nội 700 trăm năm trước chẳng phải là kinh thành Thăng Long đấy sao.

"Tôi.. à... cháu ở Thăng Long bị lạc đến đây, cháu không có bố mẹ hay người thân. Tên cháu là Diệp Dung."

"Mấy tuổi?"

Dù không muốn tin tôi vẫn phải đáp lại.

"Năm tuổi ạ".

Người đó vẫn tiếp tục kiên nhẫn hỏi tiếp.

"Kể tên thì phải kể cả họ chứ."

"Cháu không có họ."

Ai biết họ của tôi bây giờ có phạm vào chữ húy nào của vua không chứ, thôi thì cứ nói tạm vậy đi.

Cô gái ấy tự giới thiệu bản thân.

"Ta tên là Ánh Ngọc. Rồi cháu định ở đâu?"

Tôi lắc đầu giả bộ đáng thương mong nhận được sự giúp đỡ của cô. Một đứa trẻ năm tuổi sẽ chẳng tồn tại được nếu không có sự chăm sóc của một người lớn, nhất là khi tôi không biết gì về nơi này. Khắp nơi chỉ toàn là rừng cây, tôi không muốn mình sẽ trở thành bữa tối của bất kì con dã thú nào ở đây cả.

Ngọc thấy vậy chỉ thở dài.

"Thật là đứa trẻ đáng thương, mới vài tuổi đã mồ côi."

Từ mồ côi ấy thốt ra từ khuôn miệng xinh đẹp kia nghe thật là chướng tai. Đừng nói thế chứ, bố mẹ tôi còn sống rất khỏe mạnh chỉ là giờ vẫn chưa sinh ra thôi, cứ đợi thêm cỡ bảy trăm năm nữa đi.

Nói đoạn cô ấy lại ngồi xuống xoa đầu tôi.

"Ta là một góa phụ, sống một mình rất cô đơn. Con có muốn ở với ta không?"

Thiếu điều tôi lấy trống ra gõ ăn mừng. Thật sự dễ dàng vậy sao? Xem ra vấn đề ăn ở không còn gì đáng ngại rồi. Tôi không quen biết ai ở đây. Ở với người phụ nữ này là phương án tạm thời tốt nhất.

Tôi nhìn cô gái mỉm cười hiền hậu trước mặt. Phải nói là dung mạo của cô rất xinh đẹp, kiều diễm, mang đậm nét đoan trang, thanh nhã của người phụ nữ thời xưa, nếu ở thời của tôi chắc chắn vẫn sẽ là một đại mỹ nhân.

Tôi đưa bàn tay bé nhỏ của mình nắm lấy bàn tay cô. Ngọc dẫn tôi đi. Ánh nắng nhạt chiếu trên gò má của cô, tôi bất giác cảm thấy mình hoàn toàn có thể tin tưởng về người xa lạ này.

Tôi ở với Ngọc gần tám năm. Cuộc đời tôi sau này có rất nhiều nuối tiếc, nhưng nuối tiếc lớn nhất vẫn là không thể chăm sóc cô như tôi đã từng hứa.

__

Nhìn bản thân, lại quay vài vòng, cảm thấy không vui. Không hiểu tại sao thường dân thường lại hay mặc màu đen- một màu đen nhàm chán với chiếc áo trắng bên trong. Bộ đồ như cộng thêm cho tôi chục tuổi và làm tôi nhìn chẳng khác nào mấy thầy đồ cho chữ năm mới cả.

Ngọc ngồi trên chiếc ghế gỗ cao, nhìn thấy tôi mặt đầy phụng phịu. Cô đưa một ly chè lên môi nhấp rồi lên tiếng.

"Có đồ mặc là tốt rồi. Ta thấy con mặc cũng đẹp đó chứ."

*Sứ thần nhà Nguyên Trần Cương Trung trong Sứ Giao thi tập miêu tả:" Người trong nước đều mặc màu đen, áo đen có bốn vạt, cổ tròn bằng là. Phụ nữ cũng mặc áo đen, song áo trắng bên trong lộ rõ ra ngoài, ôm lấy cổ, rộng bốn tấc là khác biệt. Các màu xanh, đỏ, vàng, tía tuyệt nhiên không có" hoặc "Dân đều đi chân đất (...) da chân họ rất dày, leo núi như bay, gai góc cũng không sợ"

Tạm chấp nhận thôi chứ tôi không thích bộ dạng của mình lúc này một chút nào cả. Tôi đã rất hào hứng khi biết bản thân mình sẽ có cơ hội để được mặc những bộ giao lĩnh hay áo bốn vạt quây truyền thống của quê hương mình. Tà áo thướt tha với đủ sắc màu đã khiến cho tôi mê đắm ngay từ những lần đầu chiêm ngưỡng. Tôi không thích những màu trầm tối u buồn, thích nhất là màu đỏ tươi hoặc hồng.

Ngọc chỉ vào một chiếc ghế khác kêu tôi ngồi xuống. Một người hầu dùng hai tay kính cẩn đưa một chiếc lược cho cô. Đó là một chiếc lược sơn mài được chế tác rất công phu, tỉ mẩn. Dưới ánh sáng từ cửa sổ, phần được khảm sơn mài bắt sáng óng ánh nhìn rất là đẹp.

Tôi ngồi ngay ngắn để cho Ngọc chải tóc. Bàn tay mềm mại của Ngọc nhẹ nhàng dùng chiếc lược thơm mùi dầu bưởi thanh ngần ấy rẽ từng lọn tóc của tôi.

Phải nói Ngọc rất khéo tay, từng động tác của cô đều rất khéo léo như sợ chỉ cần bản thân mạnh tay một chút cũng sẽ khiến cho cô bé trong lòng mình bị đau.

Người hầu thân cận nhất bên cạnh Ngọc tên Hương, tầm mười bốn tuổi, là một cô gái trẻ lanh lợi. Chỉ có điều cô ấy luôn nhìn tôi chằm chằm với ánh nhìn đầy phán xét kể từ khi tôi xuất hiện tới giờ.

Nói ra thì số tôi cũng đỏ. Lúc Ngọc dẫn tôi vào nhà, tôi đã quan sát thấy rằng nguyên mấy gian nhà lớn trải dài lại chỉ có một mình cô ở. Nhà dưới còn có hơn chục người hầu. Xem ra gia thế người chồng đã mất của cô có thân phận không hề tầm thường, cũng thuộc dạng khá giả.

Tôi thầm cảm ơn ông trời. Nếu đổi lại là một gia đình làm nông bình thường nào đó nhặt được tôi, tôi sẽ phải è lưng ra giúp họ làm việc đồng áng mất. Làm gì có chuyện cơm bưng nước rót, ăn mặc không phải lo như thế này. Với một người sinh ra và lớn lên ở thủ đô Hà Nội, tôi rất ít có cơ hội tiếp xúc với các công việc như chăn nuôi hay cày cấy. Lại nhìn bàn tay trắng mịn không một vết chai của mình, thật là may quá.

Hương đưa tôi một bát nước gừng nóng giải hàn. Tôi nhanh chóng cầm lấy, bàn tay chạm vào bát truyền đến một luồng nhiệt ấm áp.

Tôi thầm thán phục trong lòng. Chiếc bát trong tay tôi có men xanh lục như màu lá bèo. Tuy không tròn hoàn hảo như bát đĩa sản xuất hàng loạt bây giờ nhưng hình dáng lại toát lên vẻ mềm mại và thanh thoát. Dưới đôi tay của người thợ lành nghề, những nét hoa văn mảnh như vẽ. Từng đóa sen sinh động ẩn hiện trên trên lớp men xanh.

Liệu khi tôi tìm cách trở về được tương lai, có thể đem theo bát này làm kỉ niệm được không?

*Tham khảo miêu tả "gốm gia dụng thờ Lý"- bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.

Mùi gừng cay cay trong bát nước tỏa ra cùng hơi nóng nghi ngút làm cho người ta cảm thấy dễ chịu. Là một đứa trẻ ngoan ngoãn, đương nhiên tôi liền đưa cho Ngọc trước. Cô ấy cũng dầm nước như tôi, cần phải giữ gìn sức khỏe chứ.

"Người uống trước đi."

Ngọc đang tết tóc cho tôi thì dừng lại. Trên môi nở một nụ cười dịu dàng như ánh nắng mùa thu làm cho tôi ngây người.

"Nhóc con khỏi lo cho ta, cứ cầm lấy."

Tôi đưa bát nước gần lên miệng uống, mùi gừng cay nồng lan tỏa khắp khoang miệng. Đang uống thì Hương nãy giờ vốn im lặng dường như không thể chịu nổi nữa mới lên tiếng.

"Bẩm bà, sao bà lại dắt con này về đây? Người ngoài sẽ nói thất tiết."

Tôi suýt thì sặc. Ngọc xinh đẹp của tôi tốt bụng cưu mang một đứa trẻ không cha mẹ là tôi. Người ta không ca ngợi thì thôi lại còn nói gì chứ. Suy nghĩ một chút, tôi chợt hiểu ra, chồng của Ngọc đã mất. Theo lệ ngày xưa thì cô sẽ phải ở vậy mà giữ tiết cả đời.

Sờ lấy bộ đồ vừa in trên người khiến cho tôi không khỏi nghi ngờ. Ở đây không hề có bóng dáng của trẻ con vậy mà lại có sẵn một bộ đồ bé như vậy cho tôi.

Tôi đoán chủ nhân thật sự của bộ đồ này khả năng cao là con gái của Ngọc. Chỉ là bé gái đấy giờ ở đâu, tôi chỉ biết lắc đầu, mong không phải là lý do mà mình đang nghĩ tới.

Một người góa phụ sống trong xã hội phong kiến cổ hủ, đầy rẫy các quy tắc và sự trọng nam khinh nữ, một ngày nọ lại dẫn một đứa trẻ không lại lịch như tôi về nhà để nuôi. Là người thân thiết lâu thì không nói, chứ những kẻ độc mồm độc miệng hẳn sẽ đồn thổn tôi là con hoang. Nói rằng cô đã phản bội chồng mình, ăn ở với người đàn ông khác rồi sinh ra tôi.

Tôi cũng để ý, những người khác trên đường khi nhìn thấy tôi, trên mặt họ chẳng có chút thiện cảm gì cả.

Khuôn mặt tươi tắn của Ngọc lúc này liền trở nên thật trầm lặng. Đôi mắt u buồn nhìn ra xa, bàn tay đang thoăn thoắt thắt tóc bỗng khựng lại. Giọng nói của cô hơi run, nghẹn ngào nhưng lại vô cùng mạnh mẽ và kiên định.

"Ngươi đừng nói thế, ta không làm gì hổ thẹn với chàng. Ta mặc cho người đới xỉa xói cũng mặc. Vì ta biết chàng ấy yêu ta, dù xa cách tới đâu chắc chắn chàng ấy sẽ luôn lựa chọn tin tưởng ta."

Rồi Ngọc đưa khăn lên chấm nước mắt. Đôi mắt gần như tràn đầy bởi lệ đấy thật khiến cho người ta cảm thấy xót thương, đau lòng thay cho cô gái này.

"Một đứa trẻ đáng thương không cha mẹ như thế sao ta có thể làm lơ. Mai Nhiên khi mất cũng chỉ trạc tuổi con bé."

Vậy là điều tôi nghi ngờ đã đúng. Quả thật chủ nhân ban đầu của bộ đồ này không phải tôi. Sẽ luôn có một lý do nào đó mới khiến cho tôi trở về quá khứ gần bảy trăm năm trước này, chỉ là giờ tôi chưa cách nào biết được.

Trong khoảng thời gian mà tôi chưa tìm ra cách trở lại tương lai thì hiện tại Ngọc vừa là ân nhân, vừa là người thân duy nhất của tôi. Người đối xử chân thành với tôi, tôi cũng sẽ không phụ lòng bất kì ai.

Tôi với lấy chiếc khăn trên tay Ngọc, giúp cô lau đi hai hàng lệ.

"Người đừng khóc. Người xinh đẹp như vậy, phải cười nhiều mới đúng chứ."

Ngọc nhìn tôi đầy ngỡ ngàng. Đứa bé này tuy nhỏ tuổi nhưng cách ăn nói lại có đôi phần trưởng thành. Ngay từ lần gặp đầu tiên, nhìn thấy cô bé lạc lõng như vậy, bản năng làm mẹ của cô dường như trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chỉ trong một khoảnh khắc lại nhận thấy đứa bé này dường như đang xoa dịu chỗ trống sâu thẳm nhất trong con tim của mình.

Ngọc bế tôi vào lòng ôm chặt, tay cô nhè nhẹ xoa đầu tôi.

"Ta đâu có khóc, ngoan nào. Chắc giờ con cũng mệt. Con theo Hương về phòng nghỉ trước nhé."

Rồi Ngọc quay ra nói với Hương.

"Ngươi sắp xếp cho con bé ở gian phía nam đi."

Tôi nhìn Ngọc lại một lần nữa, đảm bảo rằng cô không còn khóc. Đôi chân nhỏ nhảy xuống khỏi ghế. Hương dẫn tôi về phía một khu nhà yên tĩnh gần với phòng của Ngọc.

Đó là một gian phòng đơn giản và ấm cúng. Tường nhà làm bằng gỗ quý, nền nhà lát một lớp gạch màu cam nhạt. Trong phòng có một chiếc giường nhỏ với tấm chăn mỏng màu tím nhạt. Bên cạnh là chiếc bàn gỗ hương đặt sát với cửa sổ. Đối diện với cửa phòng có một cây gì đó tôi không rõ tên, chỉ biết tán cây của nó rất rộng. Bóng cây gần như đã bao phủ cả góc nhỏ của sân, vượt qua cả mái ngói.

Tôi nằm lên giường, cuốn chăn kín hết mặt. Chiếc chăn tím dường như được bảo quản rất cẩn thận. Mùi thơm nắng của chăn thật khiến cho tinh thần tôi dễ chịu hơn phần nào. Hôm nay đã có quá nhiều chuyện xảy ra làm cho tôi lúc này dường như đã kiệt quệ hẳn. Chẳng cần mất nhiều thời gian, tôi đã chìm vào giấc ngủ.

Tôi ngủ một lèo đến đến tối muộn, bị đánh thức bởi tiếng kêu của một con gà dở hơi nào đó. Khi bước chân ra khỏi phòng thấy Ngọc đứng đợi bên ngoài gọi tôi ra ăn cơm. Sau khi dùng bữa xong, chúng tôi ngồi trên chiếc phản trước cửa nhà chờ cho xuôi cơm.

Tôi ngẩng đầu lên nhìn bầu trời, mặt trăng của bảy trăm năm trước đã sáng như vậy rồi ư. Bầu trời trước đây của tôi khi ngẩng đầu lên chỉ thấy toàn là nhà cao tầng, nay lại có thêm nhiều những ngôi sao lấp lánh. Một cảm xúc là nỗi buồn hay là sự lo lắng không rõ ràng xuất hiện trong lòng. Tôi nhớ tới gia đình, tới bạn bè của bản thân, giờ lại cách xa nhau nhiều thế kỷ.

Nhưng dù sao giờ đã ở đây thì phải sống cho thật tốt. Có những việc vẫn cần phải chuẩn bị trước.

Đầu tiên là xác định thời gian, sẽ khá khó khăn vì người Việt cổ sử dụng lịch âm, nếu có hỏi thì tôi cũng không rõ là giai đoạn thời gian nào. Vậy thì hỏi tên vua, cái này cũng không được vì thường dân không được phép gọi tên thật của vua.

Tôi có hỏi thì nhận được câu trả lời là năm Thiệu Long thứ 14 cùng cái nhìn đầy kỳ dị của Hương.

Cô ấy nói vậy thì tôi cũng không biết được vì tôi không nhớ Thiệu Long là niên hiệu của vị vua nào cả. Tạm thời chuyện thời gian cứ để qua một bên, bao giờ có sự kiện lịch sử nào lớn xảy ra khắc sẽ biết. Còn một vấn đề nữa là tôi không biết chữ ở thời đại này. Hình như họ vẫn nói tiếng Việt, chỉ khác là sử dụng là chữ Nôm.

*Thời Trần sử dụng chữ Nôm, Tiếng Việt trung đại (theo Wikipedia).

Tôi bám vào váy Ngọc, năn nỉ.

"Người dạy con học chữ nhé."

Ngọc lúc này đang phẩy phẩy cái quạt cọ nhìn tôi đầy ngạc nhiên.

"Mới năm tuổi thì cũng không cần vội."

Năm tuổi chỉ là cái tuổi của thân xác này thôi. Chứ tôi đã gần hai ba tuổi, hoàn toàn đủ thông minh để học chữ.

Tôi lăn lại gần Ngọc ôm chân cô.

"Đi mà, con muốn học lắm."

Nét mặt Ngọc trần đấy ý nuông chiều, gật đầu chấp thuận.

Người ngày xưa ngủ khá sớm. Có lẽ do buổi tối không có đèn điện hay các hoạt động giải trí gì. Vì trưa nay ngủ quá nhiều, tôi trằn trọc lăn qua lăn lại trên chiếc giường cứng không có nệm. Mỗi lần lăn qua lại phát lên tiếng kẽo kẹt chói tai. Đêm đầu tiên tại nơi xa lạ luôn là một đêm dài vô tận.

Tôi chìm đắm trong đống suy nghĩ lộn xộn trong đầu. Hoàn toàn vẫn chưa tin được điều chỉ có trong phim ảnh là xuyên không về quá khứ đã thật sự xảy ra với mình.

Mới sáng hôm qua tôi vẫn còn đang bình yên kéo cây vĩ cầm trong phòng ngủ ấm áp của mình, vui vẻ mặc áo cử nhân nhận bằng tốt nghiệp đại học, giờ đây lại lạc về quá khứ gần bảy trăm năm trước. Cơ thể này giờ lại quá xa lạ.

Hiện tại tôi chưa thể xác định mình đã trở về khoảng thời gian nào. Chỉ có thể áng chừng là nhà Trần thông qua tên gọi nơi ở và trang phục. Lo sợ rằng nếu là giai đoạn đầu của thời Trần là chiến tranh loạn lạc sẽ rất khó khăn để tồn tại.

Còn nếu là cuối thời Trần thì tình hình đất nước khi đó lại vô cùng khó khăn. Triều đình trên dưới đã mục rữa, bọn quan lại ăn xương nuốt máu bằng của cải của nhân dân. Nếu ở giữa bắt đầu từ thời Anh Minh thịnh thế thì mới có thể đảm bảo cuộc sống sắp tới của mình ổn định, không tiếng súng đạn được.

*Anh Minh thịnh thế tức thời kì hưng thịnh nhất của nhà Trần, bắt đầu từ khi vua Trần Anh Tông lên ngôi (1293) cho đến hết thời vua Trần Minh Tông trị vì (1314-1329).

Là lửa, xung quanh chỉ toàn là lửa. Từng ngọn lửa lớn như những con ác quỷ tử thần điên cuồng nuốt trọn tất thảy.

Những ngôi nhà, những cánh đồng nay chỉ còn là những đống đổ nát. Thây người chết như ngả rạ, nằm la liệt khắp nơi. Mùi thịt người cháy bốc lên cùng cảm giác buồn nôn khiến tôi say sẩm mặt mày. Tôi thấy Ngọc đang nằm dưới đất, khuôn mặt lấm lem vết máu, giữa ngực còn có một mũi tên.

"Lý Diệp Dung! Con nghe mẹ nói, con nhất định phải sống! Phải sống để nhớ lấy kẻ thù của chúng ta là ai. Nỗi hận hôm nay nhất định phải trả bằng máu!"

Tôi bật dậy khỏi giường, trên trán vương một lớp mồ hôi mỏng. May quá chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ kinh khủng. Tôi quyết định không ngủ nữa. Thắp một ngọn nến nhỏ rồi bước đi ra ngoài. Bóng nến soi dài bóng tôi trên con đường lát gạch.

Tôi gõ cửa phòng của Ngọc rồi đẩy cửa bước vào. Lúc này Ngọc vẫn chưa ngủ, cô mặc một bộ đồ ngủ trắng mỏng thêu hoa cúc. Trên tay đang cầm một quyển sách, nghiêng mình theo ánh nến vừa đọc vừa trầm tư suy nghĩ. Bàn tay như đóa hoa ly, từng ngón tay thon dài lật từng trang giấy.

Ánh sáng từ ngọn nến hắt lên từng ngũ quan hoàn mỹ như băng tạc của cô. Ánh Ngọc, ý nói người mang dung mạo xinh đẹp, trong trắng như ánh sáng của ngọc quý, cái tên này như sinh ra dành riêng cho cô vậy. Với nhan sắc ấy nếu nói là thiếu nữ chưa chồng cũng khiến cho người khác tin mất.

Tôi cất tiếng gọi nhỏ, xen giữa vào dòng suy nghĩ của cô.

"Con không ngủ được."

Ngọc nhìn tôi hơi giật mình. Từ quyển sách chuyển ánh nhìn sang tôi. Cô đặt sách sang một bên, vén chiếc chăn trên người mình, nằm xích vào phía trong.

"Con đừng sợ, sau này đây sẽ là nhà của con. Lại đây với ta nào."

Tôi bước lên giường ôm lấy cô. Cảm nhận mùi hương hoa bưởi thơm nhẹ từ mái tóc đen của Ngọc, tôi bỗng thấy thật yên tâm và an toàn. Ngọc lấy chiếc quạt phẩy nhẹ, tay kia xoa lưng tôi.

Tôi vẫn trằn trọc không ngủ được vì cơn ác mộng vừa rồi cùng với nhiều nỗi lo lắng cho tương lai của bản thân. Ngọc vẫn nhẹ nhàng như vậy, trầm ngâm một lúc rồi cất tiếng hát. Giọng hát cô đầy ấm áp và tình yêu thương.

"À ơi
Con cò, cò bay lả, lả, bay la
Bay từ từ cửa phủ,
Bay ra, ra cánh đồng
Tình tính tang, là tang tính tình."

Đến đây giọng hát ấy lại có chút nghẹn lại.

"Duyên tình rằng, ấy duyên tình ơi,
Rằng có nhớ, nhớ hay chăng?
Rằng có biết biết hay chăng?"

Trong tiếng hát ru và vòng tay che chở của Ngọc, tôi cuối cùng cũng có thể yên lòng say giấc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro