Chương 1-3: Những người ở lại.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa xuân vạn vật đâm chồi nảy lộc qua, mùa đông giá rét lại đến. Thời gian như dòng nước chảy không quay đầu, là đau hận hay là nuối tiếc âu cũng chỉ còn là quá khứ. Tám năm cứ như vậy mà từ từ đi qua, niềm tin về cơ hội quay trở về cũng theo năm tháng nhạt dần.

"Tiểu thư!"

Tiếng gọi đột ngột của Hương phá vỡ giấc mộng trưa của tôi. Cô nhìn tôi đang nằm vắt vẻo trên cái cây gần phòng mà không khỏi tức giận.

"Bẩm cô! Có phải cô hái hết mấy trái xoài xanh trên cây không?"

Chuyện là chiều khi rảnh tôi có đi ngang qua. Trông thấy cây xoài xanh, nhìn rất chướng mắt. Nhà tôi không thiếu thứ quả gì, ngặt nỗi bọn trẻ trong làng lại cứ nằng nặc đòi ăn.

Ban đầu ý định là ôn lại một chút kỉ niệm tuổi thơ hái một, hai quả để chiều tụi nhỏ một chút. Ai dè càng hái càng hăng. Mấy đứa bé lại càng cổ vũ nhiệt tình, khen chị gái giỏi quá. Cứ vậy mà cao hứng đến lúc tôi dừng lại thì ôi thôi, cây xoài đã từng chi chít quả nay còn lại toàn là cành không trông rất thảm.

Mắt vẫn nhắm hờ, tôi lầm bầm.

"Ai biết gì đâu."

"Có phải cô làm vỡ cái ly gốm của phu nhân không?"

Phải nói là trình độ làm đồ gốm ngày xưa không kém gì kỹ thuật hiện đại sau này. Từng chiếc bát hay cốc đều được chế tác tỉ mẩn, tráng men mịn láng bóng. Tôi vừa cầm nhẹ lên đã trượt tay rơi mất.

Tôi lại lầm bầm tiếp.

"Ai biết gì đâu."

Hương tiếp tục lên tiếng chất vấn tôi.

"Dạ, vậy có phải con chó của nhà bà Trương là cô chọc cho nó tức điên lên mới tới trước cửa nhà ta sủa ầm ĩ không?"

Chỉ là khi đó nhìn mặt con chó trông đần độn quá, không nhịn nổi lấy nước hắt vào nó thôi. Để về đây an toàn, tôi đã phải vận hết công lực vắt chân lên cổ mà chạy đó.

"Cái gì ta cũng không biết."

Hương nhìn tôi đôi đầy uất ức như sắp khóc đến nơi.

Tiểu cố nội này của phu nhân lớn lên dung mạo rất xinh đẹp. Cũng được xem là quốc sắc thiên hương. Nếu ở kinh thành danh tiếng nhất định không kém với phu nhân năm đó.

Nhưng không biết vì sao, kể cả Ngọc và chồng cô đều không phải người giữ chức quan gì lớn, thường ngày bà cũng chỉ dạy cho cô cầm kỳ thi họa của nữ nhân. Vậy mà nàng ta càng lớn lại càng toát ra phong thái đặc biệt của một ái nữ con nhà quan võ.

Dáng người nàng cao ráo, thanh thoát và mềm mại. Khi nàng nở nụ cười, lộ ra hai lúm đồng tiền sâu trên má. Là một nụ cười dường như có thể tỏa sáng cả một thế giới tối tăm, khiến cho những người khác cũng thấy vui vẻ lây.

Trái ngược với vẻ ngoài dịu dàng ấy, trên khuôn mặt nhỏ nhắn là một đôi mắt phượng rực rỡ như ánh lửa về đêm. Bất kỳ ai khi gặp đều như bị hớp hồn trước dung mạo và khí chất hiên ngang, kiêu hãnh như đóa hoa lựu hạnh nở đỏ rực của nàng.

Ấy vậy mà nàng lại rất nghịch ngợm, tinh ranh khiến cho trên dưới nhà gà bay chó sủa. Tuy mùa đông đã trôi qua nhưng tiết trời vẫn còn rất lạnh mà nàng ta chỉ mặc một bộ y phục trắng mỏng đang phủ kín trên cành cây bay bay theo chiều gió, trông rất tự do, tự tại.

Đang không biết xử trí ra sao thì một giọng nói đầy nghiêm nghị vang lên.

"Diệp Dung!"

Tôi giật bắn người đến nỗi suýt trượt ngã. May sao tay vẫn kịp bám chặt vào thân cây. Ngọc dẫm lên lá cây bước tới chỗ tôi, bước chân nhẹ nhàng, mềm mại. Nếu nói từng nơi cô bước qua nơi đó lại nở một bông sen trắng tinh khiết thì cũng không phải là nói quá.

Khuôn mặt trắng ngần như tuyết ngước nhìn cảnh một tiểu thư của gia đình có gia giáo lại đang nằm đung đưa trên cây. Y phục trắng nay đã bị va quẹt lấm bẩn trông rất khó coi. Thấy ánh mắt trong trẻo đó thay đổi thần sắc, khuôn mặt thanh tú như đang viết ba chữ "không hài lòng" mà tôi sợ hãi nhanh chóng nhảy xuống.

Cành cây nơi tôi nằm liền rung mạnh, tiếng chuông gió bằng trúc mà tôi được Ngọc tặng khi sinh nhật năm ngoái vang lên leng keng.

Ngọc phủ lá cây dính trên đầu tôi xuống.

"Ta kêu con đi học đàn. Sao lại bày trò quậy phá như vậy hả?"

Tôi gãi gãi tai. Ngọc có điều không biết, tôi tốt nghiệp Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam. Những thứ như đàn, sáo hay hát, múa đều không phải vấn đề gì quá khó khăn đối với tôi.

Kể từ sau khi tôi thuần thục chữ viết, một số tập thơ đơn giản, Ngọc lấy từ trong rương cũ ra một cây đàn nhị khảm xà cừ hình những đóa hoa sen đã phủi bụi từ lâu. Cô nói rằng cây đàn này là của cô từ thời con gái được mẹ mình truyền lại. Sau khi chồng mất, cô đã không chạm đến nó một lần nào nữa, giờ giao lại cho tôi. Tôi học nhạc cụ mới rất nhanh đến nỗi Ngọc không ngờ được.

"Con học xong rồi mà. Mẹ không tin để con biểu diễn cho người xem."

Tôi chạy vào trong phòng lấy đàn ra rồi ngồi tỏ vẻ mình là một tài nữ thanh tú. Tay trái giữ dọc nhị, bấm dây đàn, tay phải kéo cung vĩ. Ngọc cũng khoan thai ngồi xuống thưởng thức.

Từng thanh âm như nước chảy tuôn ra, lúc nhẹ nhàng mềm mại, lúc lại vô cùng mạnh mẽ và phóng khoáng đem theo một sức mạnh lớn vô tận. Tôi kết thúc đoạn nhạc bằng một chuỗi âm thanh da diết, rồi lại như phóng vút lên bầu trời.

Đang lúc hí hửng vì chỉ có bản thân mình mới biết khúc nhạc này. Là một bản nhạc thời hiện đại đã được tôi biến tấu sao cho hợp cảnh, trở nên trầm ấm, da diết hơn, không còn sự sôi động của nhạc trẻ hiện đại nữa.

Đôi lông mày lá liễu của Ngọc lúc này mới thả lỏng.

"Nếu con cứ chuyên tâm cầm kỳ thi họa, học thêm may vá như vậy, sau này sợ gì không kiếm được được tấm chồng tốt để dựa vào."

Tôi hốt hoảng. Bản thân chỉ mới có mười bốn tuổi. Nói là còn độ tuổi còn ăn chơi, chứ thời này đã chồng con ê hề rồi.

Không! Tôi còn đang tận hưởng cuộc sống độc thân, hạnh phúc này lắm. Sao lại bàn đến chuyện chồng con chứ. Ngay lập tức bàn tay tiếp tục kéo nốt khúc nhạc còn lại, vừa đàn vừa ỉ ôi.

"Diệp Dung số khổ, còn trẻ mà đã bị người nhà đuổi đi lấy chồng."

Rồi tôi cười hì hì đưa cây đàn cho Hương cầm, nắm lấy cánh tay Ngọc rồi năn nỉ.

"Con không lấy chồng đâu. Con gái bé nhỏ chỉ muốn ở với mẹ mãi thôi."

Ngọc không có ý gì là đồng ý với thỉnh cầu của tôi cả. Dung mạo của người phụ nữ đã sắp ngũ tuần tuy không còn giữ được những nét xuân tươi trẻ nhưng dần lại càng mặn mà, đằm thắm hơn.

Ngọc từ tốn giải thích cho tôi hiểu.

"Làm gì có chuyện con gái lớn lại không gả đi."

Nhìn khuôn mặt mếu máo như sắp khóc của tôi. Ngọc chỉ đành tạm gác chuyện đó sang một bên.

"Chuyện này tạm thời không nói nữa. Vụ năm nay chín lớn, thóc gạo nhà ta chất đầy kho, ăn đến đời nào cũng không hết. Tuy đông qua nhưng vẫn còn rất lạnh, việc trồng trọt lại khó khăn. Lát nữa con và ta ra chia người làng mỗi người một ít, coi như là chút tình cảm láng giềng."

Rồi cô gõ nhẹ vào đầu tôi, vẫn luôn là giọng nói đầy ấm áp như ngày đầu tôi đến. Tôi giả vờ kêu đau xoa xoa trán.

"Cũng coi như là chuộc tội con quậy phá hết cả cái làng này."

Tôi cười hì hì, nắm lấy tay cô rồi theo người ra ngoài. Đã nhiều năm như vậy trôi qua, trong mắt tôi Ngọc vẫn xinh đẹp, dịu hiền như ngày chúng tôi gặp lần đầu tiên.

"Đội ơn phu nhân, đội ơn tiểu thư."

Người dân được phân phát gạo cho thì vui mừng khôn xiết. Từng người, từng người quỳ rạp xuống cảm ơn Ngọc.

Ngọc lúng túng đỡ những người già đứng dậy.

"Các vị xin đừng nói thế. Theo nghĩa đây là việc con nên làm. Cảm ơn mọi người đã bỏ qua cho hai mẹ con chúng con ạ."

Kinh thành Thăng Long.

Sau cuộc chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ nhất, Đại Việt bước vào thời kỳ yên bình khoảng hai thập niên. Có được điều đó là nhờ những chiến lược ngoại giao khéo léo của nhà Trần cùng việc nước ta hàng năm vẫn gửi những cống vật để xoa dịu hòa khí giữa hai nước. Quan trọng hơn hết là quân Nguyên cần tập trung lực lượng để chấm dứt cuộc chiến tranh Nam Tống.

Đại hãn nước Nguyên khi đó là Hốt Tất Liệt có cử sứ giả sang dụ vua Trần qua chầu nhưng vua lấy lý do sức khỏe yếu mà khất mãi không đi. Cử chú của mình là Trần Di Ái cùng Lê Mục, Lê Tuân sang sứ nước Nguyên. Hốt Tất Liệt liền phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, thay thế vua Trần hiện tại nhằm lập nên một chính quyền bù nhìn. Trần Di Ái biết thì mừng lắm, muốn dựa vào sức mạnh của nước Nguyên để làm vua, nếu thất bại thì trối rằng do bị ép.

* Đại Việt sử ký toàn thư chép(1281): Sai chú họ là Trần Di Ái(tức là Trần Ải) và Lê Mục, Lê Tuân sang sứ nước Nguyên. Nhà Nguyên lập Di Ái làm lão hầu, cho Mục làm Hàn Lâm học sĩ, Tuân làm thượng thư, lại sai Sài Xuân đem 5.000 quân hộ tống về nước.
Nguyên sử q.209 chép rằng nhà Nguyên lập Trần Di Ái làm An Nam quốc vương thay cho Trần Nhân Tôn.

Nhà Nguyên cấp cho năm ngàn binh hộ tống về nước. Nói cho sang là vậy, chứ bọn chúng đi tới đâu thì giết chóc, cướp phá đến đó.

*Lưu ý thêm một lần nữa, toàn bộ câu truyện đều là hư cấu. Những tình tiết sắp tới sẽ có yếu tố bạo lực có thể gây ám ảnh, vui lòng cân nhắc trước khi đọc.

Trong phút giây yên bình chỉ tràn ngập tiếng cười hạnh phúc ấy. Từ xa một người hốt hoảng chạy về từ đầu làng, có vẻ như vừa từ trên núi kiếm củi xuống.

Anh ta vừa chạy làm củi rơi dọc đường, vừa dùng hết sức hét to.

"Bà con ơi có giặc! Có giặc!"

Theo sau anh ta là một đoàn quân đông như kiến. Vó ngựa quân đi đến đâu, cỏ cây bị giẫm nát tới đó. Những con người ngồi trên lưng ngựa ấy to lớn gấp đôi người Đại Việt chúng tôi, trên tay mang đủ thứ vũ khí sắc nhọn.

Anh chàng vừa chạy về báo tin ấy chỉ trong một giây ngắn ngủi đã ăn trọn một mũi tên của quân giặc. Chả kịp nói gì hơn đã ngã rạp xuống đất, máu nhuộm đỏ cả một khoảng đất trống.

Tôi như chết lặng giữa đám đông hoảng loạn. Đầu óc tôi dần tê rần đi. Dường như tôi không còn thể nghe thấy gì nữa, từng giây phút như kéo dài đến vô tận.

Bọn ác quỷ đó không có ý định dừng tay. Chúng cướp bóc lương thực. Chúng đập phá khắp nơi. Chúng đốt rụi những nơi từng là tổ ấm của những gia đình nhỏ.

Ngôi làng yên bình trong phút chốc trở thành biển lửa, oán khí ngập tràn khắp nơi.

Nếu có một nơi để so sánh với địa ngục thì chắc chắn là nơi này. Già trẻ gái trai chết thảm dưới lưỡi gươm của chúng.

Có tiếng van khóc của một bà mẹ ôm chặt đứa con đỏ hỏn trong lòng. Bà mẹ quỳ xuống, kinh hãi dập đầu, khóc lóc cầu xin.

"Con cắn rơm cắn cỏ lạy các ông tha cho chúng con."

Vừa dứt lời người mẹ đã tắt thở bởi lưỡi kiếm sắc lẹm cứa quá cổ, máu tươi tuôn ra bắn đầy vào mắt tôi. Cảm giác thứ chất lỏng màu đỏ đấy vẫn còn nóng dính trên mặt, tim tôi dường như đã ngừng đập vài giây.

Máu đỏ chảy dần xuống dưới, thấm ướt cổ áo. Mùi tanh nồng tràn đầy trong bầu không khí.

Đứa trẻ sơ sinh trong lòng bị một cái bóp chết dễ dàng của một trong những bọn ác quỷ đó. Chúng cười, giọng cười dường như từ địa ngục sâu thẳm vang tới.

Chúng cười trên máu thịt của con dân Đại Việt chúng tôi. Bàn chân dơ bẩn của chúng giẫm đạp lên xương cốt người dân của tôi.

Tiếng người gào thét ai oán cùng giọng cười ấy hòa trộn cùng nhau một cách quỷ dị, đáng sợ.

"Mẹ ơi cứu con!"

"Ôi con tôi, con tôi!"

"Cha ơi!"

"Nóng quá, nóng quá!"

"Ta nguyền rủa các ngươi trời tru đất diệt, chết không được yên thân!"

Độc ác thay, tàn bạo thay!

Là quân Mông Nguyên. Vào thời Trần hung bạo như vậy chỉ có thể là quân Mông Nguyên, là bọn phản quốc Trần Di ái. Sao tôi không nhận ra từ sớm chứ. Ký ức về lần gặp Lý Chiêu Hoàng trên chùa quay trở về xoay vòng trong đầu tôi như chiếc đèn kéo quân.

Hơi thở ứ nghẹn lại trong cổ, một mình tôi lần lượt tận mắt chứng kiến máu chảy thành sông. Một vài giây trôi qua, lại thêm một bá tánh Đại Việt ngã xuống.

Đồng bào của tôi, máu thịt của tôi...

Một bàn tay nắm chặt lấy tay tôi. Ngọc kéo tay tôi bỏ chạy.

Trên đường có một thứ gì đó dưới đất nắm lấy tà váy tôi. Nhìn xuống là một đứa trẻ. Ánh mắt nó tràn đầy kinh hãi, hoảng loạn và tuyệt vọng. Nó cứ nhìn tôi như vậy chưa đầy một giây cũng đã ra đi. Chính ánh mắt đấy đã khiến cho tôi ám ảnh suốt nhiều năm sau.

Ngọc dùng hết sức kéo mạnh tôi đang thất thần chạy đi. Chúng tôi chạy về nhà. Ngọc dáo dác nhìn quanh, thấy một cái hố nhỏ hồi trước dùng để đào giếng thì nhanh chóng đẩy mạnh tôi ngã xuống. Bàn tay còn lại phủ rơm kín lên tôi.

Không biết từ đâu cô rút ra một con dao. Tôi thất kinh nắm lấy tay cô.

"Mẹ đi đâu thế? Còn không mau trốn đi."

"Không Diệp Dung, mẹ sẽ ra đánh lạc hướng chúng. Con phải trốn kĩ đi, đừng để bị phát hiện."

Tôi gào khóc sợ hãi.

"Không! Mẹ không được đi. Con không để mẹ đi đâu hết. Chúng ta hãy cùng nhau trốn đi."

Ngọc quát lớn, là lần đầu tiên người lớn tiếng với tôi như vậy.

"Đừng ngu ngốc như vậy! Chỗ bé như vậy sao có thể chứa hai người được chứ. Mẹ vì con chết không hối hận!"

Tôi hoàn toàn không giữ được tỉnh táo nữa, càng ngày càng gào khóc to hơn. Ngọc là người thân duy nhất của tôi ở đây, tôi không thể để mất cô được.

"Không được đâu! Không được, đừng mà mẹ, đừng mà..."

Ngọc lay tôi tỉnh táo lại.

"Lý Diệp Dung! Con nghe mẹ nói, con nhất định phải sống! Phải sống để nhớ lấy kẻ thù của chúng ta là ai. Nỗi hận hôm nay nhất định phải trả bằng máu!"

Nói xong Ngọc nhìn tôi một lần cuối. Trong ánh mắt chỉ tràn đầy tình mẫu tử ấy, một giọt lệ ứa ra từ đôi mắt xinh đẹp. Giọt lệ rơi xuống chảy dài trên má tôi, nóng rát như thiêu cháy lớp da.

"Con ngoan đừng sợ. Mẹ yêu con nhiều lắm. Mẹ nhất định phải bảo vệ con gái của mẹ."

Ngọc phủ rơm kĩ hơn. Rồi cô cũng đi mất.

Và rồi người chẳng quay trở về nữa...

Tôi dùng hai tay bịt kín miệng ngăn không cho tiếng khóc nức nở của mình không bật ra. Trong cơn hỗn loạn ấy tôi chỉ nghe thấy tiếng dao gươm xa dần, tiếng Ngọc cũng yếu dần đi.

Tin tức truyền về kinh thành rất nhanh, vua Trần Nhân Tông cho quân tới đón đánh. Trần Di Ái sợ hãi bỏ chạy sang nước Nguyên. Chỉ còn Sài Xuân vào chầu.

Tình hình ngoại giao giữa hai nước lúc này trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đây cũng chính thức là lần đụng độ đầu tiên giữa quân ta và quân Nguyên.

Không biết đã được bao lâu, tiếng gươm đao cũng không còn có thể nghe thấy. Có tiếng bước chân lại gần, tôi sợ đến mức toàn thân run rẩy không kiểm soát được.

Người đó dường như cảm nhận được sự sợ hãi đó của tôi, lại gần đống rơm bới tung lên.

"Còn người sống! Là người của chúng ta!"

Trần Bình Trọng thân chiến bào xanh lam, bên hông giắt một thanh kiếm dài. Khuôn mặt như tượng tạc dính một vệt máu tươi. Gió thổi mạnh khiến cho dải lụa búi tóc của y bay tứ tung.

Chàng thấy một cô bé mặc áo giao lĩnh trắng, trốn co ro dưới hố nhỏ. Toàn thân lấm lem bùn đất. Khuôn mặt đầy kinh hãi, run rẩy, trông vô cùng đáng thương.

Binh lính chia nhau tản ra tìm kiếm những người còn sống sót, nghe theo lệnh chàng mà kéo đến đông hơn.

Nỗi sợ còn chưa biến mất, nay lại càng nhiều người đang nhìn mình khiến cho tôi càng thêm hoảng loạn. Tay chân tôi cứng đờ, không thể di chuyển.

Tôi ôm chặt đầu mình hét lên.

"Mấy người là ai? Tránh xa tôi ra!"

Mấy người lính nhìn nhau đầy ngạc nhiên. Họ không ngờ một cô gái bé nhỏ tuy đang run rẩy dưới chân họ nhưng lại có thể hét lớn đến vậy. Một người lính trong số đó lên tiếng.

"Tiểu thư đừng sợ. Chúng tôi là viện binh của triều đình. Vị ngày chính là Bảo Nghĩa hầu, chỉ huy của chúng tôi."

Bảo Nghĩa hầu ư? Người này nghe qua có vẻ rất quen, nhưng trong tức khắc tôi lại không thể nhớ ra đã từng đọc thấy tên y ở đâu cả.

Trần Bình Trọng ra hiệu cho người lính đó im lặng. Chàng quỳ nửa gối xuống nhìn tôi. Ánh mắt sâu thẳm đổ lên người cô gái trước mặt, y cất giọng nhẹ nhàng.

"Tiểu thư không sao chứ? Có tự đứng lên được không?"

Tôi vẫn nhìn anh ta đầy nghi ngờ. Giọng nói ấy thật sự không hợp với một người chỉ huy đang đứng trước mặt quân lính cả.

Thấy tôi không phản ứng gì, y đã luồn tay qua người tôi rồi kéo lên. Sau khi chắc chắn tôi đã đứng vững, y nhanh chóng rút tay lại lùi ra sau, giữ khoảng cách phù hợp với tôi.

Chàng quan sát kĩ cô gái trước mặt mình. Trong giây lát có chút sững sờ, khí chất của cô gái này không giống với một người lớn lên ở vùng núi hoang sơ.

Tôi định thần lại, là viện binh của triều đình đến hay sao? Vậy mẹ tôi đâu rồi, họ có kịp cứu cô không? Đẩy mạnh đám lính chen qua, tôi vụt chạy ra khỏi nhà.

Trần Bình Trọng vội đuổi theo tôi. Nữ nhân trước mặt chàng khi chạy, mái tóc hất mạnh khiến cho suối tóc đen xổ tung ra phủ lên đôi vai gầy của nàng. Chiếc trâm bạc dùng để búi tóc cũng rơi xuống đất.

Chàng nhặt chiếc trâm bạc lên quan sát. Chiếc trâm bạc nằm gọn trong bàn tay to lớn của chàng được chạm khắc hình một chùm hoa bưởi nở rộ. Chàng không khỏi ngỡ ngàng, trâm bạc hoa bưởi này, thế gian chỉ tồn tại hai chiếc duy nhất. Sao nữ nhân này lại sở hữu nó?

Tôi càng chạy càng kinh hoàng, vấp phải tay của một ai đó khiến tôi ngã xuống. Toàn thân tôi đập mạnh xuống nền đất, mặt bị đá cứa vào chảy máu.

Trần Bình Trọng vội vàng định đỡ tôi dậy, nhưng tôi lại tiếp tục đẩy mạnh cánh tay y ra.

Cả một ngôi làng đã từng rất yên bình nay chỉ còn là một đống đổ nát. Những mảnh vỡ của đồ đạc, thóc gạo vương vãi khắp nơi. Mấy người lính khác đang dùng nước dội tắt những đám lửa cháy còn sót lại.

Khoảng đất trước mặt tôi tràn đầy oán khí và tang thương. Thây người chết nằm la liệt khắp nơi. Mắt của họ vẫn còn mở, trên khuôn mặt vẫn còn nỗi oán hận.

Mùi của thịt người cháy bốc lên làm tôi dâng lên một cơn buồn nôn khó chịu. Tôi luống cuống bò về chỗ những thi thể đang chất đống lên. Tay bới lật từng thi thể một, hết người này đến người khác.

Trong đó có cả người mẹ vẫn ôm chặt đứa con của mình, những cụ già đã từng mỉm cười hiền từ, từng tức giận khi tôi bày trò nghịch ngợm và cả những người đàn ông tay còn đang nắm chặt lưỡi rìu đốn củi để bảo vệ gia đình những giây phút cuối cùng.

Làm ơn đi!

Lạy tất cả thần thánh khắp mọi phương.

Hãy phù hộ cho mẹ con nhất định còn sống.

Cuối cùng một dung mạo quen thuộc khiến cho hàng rào tâm lý cuối cùng của tôi hoàn toàn sụp đổ.

Ngọc của tôi khuôn mặt lấm lem máu, áo giao lĩnh trắng nhuộm một màu đỏ, giữa ngực còn có một mũi tên. Cảnh tượng này rất giống với giấc mơ vào ngày đầu tiên tôi tới đây.

Hơn ba mươi mạng người sống khỏe mạnh cứ như vậy mà kết thúc bằng một cách đầy khốc liệt và đau đớn nhất.

Đấy là lúc tôi nhận ra mình đã chẳng còn nhà để về nữa. Và cũng là lần đầu tiên một đứa trẻ sinh ra trong hòa bình như tôi hiểu được hai từ chiến tranh là gì.

Đại Việt năm 1281, Lý Diệp Dung mười bốn tuổi không còn nhà để trở về.

Tôi ôm lấy thân thể đã lạnh ngắt của Ngọc, hét lên đầy đau đớn.

"Mẹ!"

Người mẹ xinh đẹp đã từng ôm tôi vào lòng khi không ai cần tôi hết. Người đã từng hiền từ hát ru mỗi đêm lạnh cô đơn. Người đã từng vì tôi mà bỏ qua mọi sự phán xét, định kiến của người ngoài mà lựa chọn yêu thương tôi như con ruột. Người từng nhìn tôi bằng ánh mắt đầy nuông chiều hay nghiêm nghị mỗi khi tôi viết sai một chữ nào đó hoặc bày trò quậy phá.

Mẹ của tôi, Ngọc của tôi, người thân duy nhất của tôi ở nơi xa lạ đã không còn trên thế gian này nữa.

Tôi khóc đến mức không sao bình tĩnh thêm được nữa. Tiếng khóc đau đớn của một cô gái ôm xác mẹ của mình giằng xé trái tim của Trần Bình Trọng. Chàng chẳng biết mình nên làm gì, cứ đứng như chết lặng mãi ở đó.

Những người lính khác, trên mặt ai cũng mang một nỗi niềm chua xót. Những cảnh chia ly như vậy họ đã chứng kiến quá nhiều.

Nỗi đau chiến tranh ngàn đời vẫn vậy, luôn là thứ khiến cho người mạnh mẽ nhất cũng phải gục ngã. Người đã mất không chỉ là không còn nữa, thứ họ để lại cho người sống là một nỗi đau theo mãi suốt cuộc đời.

Trong lòng giờ chỉ còn sự thống khổ và tuyệt vọng. Nâng bàn tay đã tưng xoa đầu tôi đầy yêu thương chạm vào má.

Bàn tay ôm trọn khuôn mặt tôi giờ đây đã lạnh ngắt chẳng còn một chút hơi ấm nào cả, khi thả ra thì rơi thõng xuống nền đất đầy máu.

Tôi nấc lên, lệ chảy như mưa. Tôi lay lay thi thể Ngọc. Ngọc vẫn nằm im bất động. Khuôn mặt trắng bệch đã chẳng còn chút sự sống nào.

Tôi nức nở, ôm chặt lấy người, dùng tay áo lau đi vết máu trên khuôn mặt cô.

"Mẹ... mẹ ơi... đừng mà."

Tôi tự trách bản thân mình vô dụng, chẳng thể làm gì để bảo vệ người thân của mình. Liên tục lấy tay đấm mạnh thùi thụi vào ngực. Như vậy thì tôi sống có nghĩa lý gì chứ?

Trần Trọng Bình giật mình. Y vừa tức giận vừa đau lòng giữ tay tôi lại quát lớn.

"Cô điên à? Người chết thì đã chết, người sống vẫn phải sống."

Tôi nhìn y đầy đau đớn, lại càng khóc to hơn. Sao giờ các anh mới đến, tại sao bây giờ mới đến.

Câu nói cuối cùng của mẹ như một dòng điện xoẹt qua tâm trí. Người vẫn nhìn tôi đầy ấm áp như vậy cả khi những giây phút cuối cùng trước khi chia ly.

"Lý Diệp Dung! Con nghe mẹ nói, con nhất định phải sống. Phải sống để nhớ lấy kẻ thù của chúng ta là ai. Nỗi hận hôm nay nhất định phải trả bằng máu."

Tôi khép nhẹ vòng tay người lại, dùng tay áo lau sạch nốt vết máu còn lại trên mặt cô, để người nằm xuống.

Dùng chút sức lực cuối cùng đứng thẳng lưng, nhìn lại cảnh tượng đau thương này. Tôi không những phải nhớ, mà còn khắc ghi sâu vào trong xương tủy.

Cuối cùng đôi mắt đầy những tia máu nhìn lên bầu trời mà thề.

Con nhớ rồi!

Con là con của mẹ, là con cháu họ Lý, mang dòng máu của người Đại Việt. Kẻ thù của con là giặc Nguyên, là bọn phản quốc Trần Di Ái. Từ giờ trở đi Lý Diệp Dung tôi và đất nước này là một. Tấm thân này dù cho hi sinh vì giang sơn của Đại Việt cũng không thấy tiếc.

Đến đây thì bầu trời trước mặt của tôi cũng trở nên tối sầm lại. Tinh thần bị giày vò cả ngày hôm nay cũng đã đạt đến cực hạn. Tôi ngã gục xuống bất tỉnh, hoàn toàn mất hết sức lực.

Trần Bình Trọng vội đỡ lấy nữ nhân ấy, để nàng dựa vào lồng ngực của mình. Nàng nằm gọn trong lồng ngực lớn của chàng, y phục ướt đẫm bởi nước mắt và máu.

Ngay lúc ấy trái tim vốn chỉ có sự giá băng và chiến trường khốc liệt của vị tướng quân ấy bỗng có một tia ấm áp thoáng qua.

Chàng bế ngang cô rời khỏi nơi đau khổ này trước sự ngỡ ngàng của những người lính khác. Từng bước chân dài đầy vững vàng ra lệnh.

"Hồi kinh! Những người còn lại hãy an táng cho họ cẩn thận."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro