Chương 3-1: Lời nói dối đầu tiên.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuối con đường lát đá, cánh cổng Hưng Đạo vương trại dần hiện lên trong ánh nắng chiều nhạt. Màu vàng của ba chữ Hưng Đạo vương treo trên cao như hòa cùng ánh vàng cam của nắng.

Tôi thong dong cưỡi ngựa trở về. Trên những cành lá cây xanh mướt, tiếng chim ngói ríu rít đến bao nhiêu cũng không thể lấp đầy được cảm xúc tôi hiện giờ.

Nhìn những tia nắng vương trên tà áo dần khiến cho màu áo đỏ càng thêm rực rỡ, trong lòng tôi bỗng cảm thấy thật trống vắng.

Đấy là lúc tôi nhận ra mình đang nhớ nhà, nhớ mẹ Ngọc của tôi.

"Diệp tiểu thư."

Tôi gật đầu đáp lễ với những người gia nô khác. Theo quy tắc lễ nghi ngày xưa, để thể hiện sự tôn trọng với đối phương, mọi người thường sẽ dùng họ để xưng hô với nhau. Đương nhiên điều này không áp dụng với tôi.

Nếu đúng với quy tắc đó, họ nên gọi tôi một tiếng Nguyễn tiểu thư. Nhưng từ bé chưa từng có ai gọi tôi như vậy nên cũng không có mấy tình cảm với cái tên đó. Mỗi lần có ai gọi tôi là Nguyễn tiểu thư, tôi đều cảm thấy thiếu tự nhiên vô cùng.

Khi còn sống Ngọc rất ghét điều này, cho rằng cách gọi đó khiến cho bà quên đi gốc gác, tổ tiên của mình. Tất nhiên họ không thể gọi tôi là Lý tiểu thư, cuối cùng quyết định lấy chữ đầu trong tên là chữ Diệp.

Trần Quốc Tuấn và thầy tôi đều biết điều này, cũng không ngăn cấm gì. Điều đó khiến cho người ngoài đều nghĩ là tôi họ Diệp và lầm rằng tôi là người nước Tống ( rung Quốc).

*Theo wikipedia: Họ Diệp được ghi nhận là khởi tạo nguồn từ vùng đất mang tên Diệp (nay là Diệp huyện), ngày nay nó ở vùng Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Hai người Trần Quốc Toản và Trần Quốc Kiện hồi lâu cũng tìm được đường đến đây. Vì chỉ đứng cách cánh cửa có vài bước chân, tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng Trần Quốc Toản đang nói với những người canh gác trước cửa.

"Phiền các vị thông truyền một tiếng với Hưng Đạo vương."

Dù là chàng ấy đang nói với những người canh gác nhưng thực chất tôi mới là người có quyền quyết định có cho họ vào bẩm báo hay không. Năm vị tùy tướng kia đều không có ở đây, những người gia nô kia cũng đều cần phải hỏi qua ý kiến của tôi.

Tôi đưa dây ngựa cho một người hầu dắt đi, giả điếc tay chỉ lên cái cây.

"Con chim to quá."

Thực ra trên cây đó vốn không hề có con chim nào cả. Chúng đều đã vì tâm tình tình không vui của tôi mà đuổi đi đi hết rồi. Bây giờ tôi biết cảm xúc của mình đang không ổn định, rất khó để có thể tìm ra lý do nào chính đáng để giả vờ tiếp.

Từ trước đến giờ tôi nói dối không giỏi, nếu không muốn nói là dở tệ. Tệ đến nỗi khiến cho bất kì ai nghe thấy lời nói dối đó đều lắc đầu ngao ngán và lười vạch trần. Vậy mà sau này vẫn có một người tình nguyện tin hết những lời nói dối ấy của tôi một cách vô điều kiện

Nhưng lời nói dối cuối cùng của tôi lại khiến cho người đó tổn thương suốt quãng đời về sau.

Chả cần nói tôi cũng biết hai người họ muốn gặp Trần Quốc Tuấn để làm gì. Chỉ có thể là hai lý do. Một là xin ông thu nhận hai người họ, hai thì chắc có lẽ vẫn là vế đó.

Mặc dù đang đứng quay lưng lại với hai người nhưng thi thoảng tôi vẫn đưa mắt lén liếc về sau quan sát tình hình. Khi nhìn kỹ hai người thiếu niên trước cửa, tôi mới hiểu được lý do tại sao họ bị ngăn không được tham dự hội nghị Bình Than.

Trần Quốc Toản và Trần Quốc Kiện đều là người tập võ nhưng nhìn thế nào trông vẫn có chút đuối hơn hẳn so với những vị tướng tôi từng gặp. So với những người như Trần Bình Trọng hay thầy tôi, dáng vóc càng mỏng hơn, tuổi cũng kém hơn nhiều.

Dù sao thì những người đó cũng đã ra chiến trường nhiều năm, đương nhiên có nhiều khác biệt. Chẳng ai có thể ngờ người thiếu niên sau lưng tôi vài năm nữa sẽ là phó tướng uy phong đến nhường nào.

Tôi đi một vòng tiếp tục giả điếc, chân thì gẩy vào đống lá khô rơi dưới sân. Mấy người hầu khác hiểu ý, chạy tới quét sạch đám lá rụng.

Tiếng chổi xào xạc át đi tiếng thở dài của tôi. Mái ngói đỏ nung xui xẻo được điểm những đường nét điêu khắc hình sóng nước kia trở thành đối tượng cảm thán tiếp theo của tôi.

"Chỗ này mới sửa đẹp thật."

Những người hầu khác không có mệnh lệnh của Hưng Đạo vương chắc chắn sẽ không để cho hai người bọn họ vào. Cộng thêm người duy nhất hiện tại có quyền vào phòng ông khi đang bàn chuyện việc quân là tôi thì đang cố tình tỏ ra không để ý đến. Họ chỉ có thể dùng giáo chắn ngang trước cửa.

Trần Quốc Toản và Trần Quốc Kiện không thích hành động đem con bỏ chợ này của tôi. Dần trong ánh mắt nam nhân áo đen kia xuất hiện ngọn lửa tức giận cháy âm ỉ.

Đúng rồi hãy tức giận lên và về phủ tự huy động gia nô trong nhà làm quân đội riêng nhé.

Tôi rất hào hứng với công việc xây dựng lòng quyết tâm này của Trần Quốc Toản. Vui vẻ đi mấy vòng sân chỉ chỗ này, khen chỗ kia đẹp rồi mới quay lại tiến về phía cửa, cúi mình.

"Cung tiễn hai vị hầu gia."

Tự nhiên hai người họ cúi xuống hành lễ. Tôi cảm thấy không đúng, liền quay ra phía sau. Trần Quốc Tuấn và Trần Bình Trọng sau khi bàn chuyện xong, ông rất cảm kích liền đích thân tiễn chàng về.

Hai người họ nãy giờ đứng từ xa chứng kiến hết tất cả màn diễn giả điếc đó của tôi, giờ đây mới thong thả đi ra.

Tôi quỳ xuống hành lễ.

"Bái kiến đức ông. Bái kiến hầu gia"

Trần Quốc Tuấn vẫy tay cho tôi đứng dậy. Trần Bình Trọng muốn đỡ tôi, bàn tay đưa ra đã rút lại, chủ yếu là vì tôi không có ý hợp tác với ngài.

Hưng Đạo vương ra hiệu cho tôi đứng lại gần ông, quả thật Trần Quốc Tuấn rất hài lòng với đứa trẻ này. Tuy là phận nữ nhi nhưng những chuyện tính toán sổ sách làm rất chu toàn Còn luôn chăm chỉ tập luyện, võ công tiến bộ rất nhanh. Những sự cố gắng trong thầm lặng của con bé ông đều biết thông qua lời kể của gia nô trong nhà cả.

Trần Quốc Tuấn nhìn về phía hai người thiếu niên kia, dựa vào độ tuổi cùng với những điều mà tôi đã từng kể, trầm giọng hỏi.

"Có phải là Trần Quốc Toản mà con từng nói không?"

Tôi lễ phép trả lời.

"Dạ thưa đúng ạ."

Trần Quốc Tuấn cảm thấy đáng tiếc, đều là nhân tài trẻ của Đại Việt cả. Tuy người không nói ra, tôi cũng đã ngầm hiểu ý.

"Người đâu tiễn hai vị hầu gia về phủ. Hôm nay Hưng Đạo vương không tiếp khách."

Tôi vừa dứt câu, chẳng biết mây giông đen nghịt kéo từ đâu đến. Một tiếng sấm nổ chói tai, vầng sáng xé rách bầu trời. Mưa như trút nước đổ xuống ầm ầm.

Tôi lấy ô từ người hầu đứng che cho Trần Quốc Tuấn. Trần Bình Trọng để ý vai áo tôi bị ướt, liền lấy ô che cho tôi. Trần Quốc Tuấn có chút không hài lòng khi thấy hành động đó.

"Trời mưa lớn, vất vả cho Bảo Nghĩa hầu rồi."

Trần Bình Trọng nhìn tôi có chút không nỡ, nhưng vẫn chắp tay cúi mình hành lễ.

"Tuân mệnh quan gia là trọng trách của bổn hầu, không dám than vất vả."

Trong làn nước mưa mờ nhạt, tôi thấy bóng chàng xa dần, dần biến mất trong cơn mưa. Không hiểu sao khi nhìn ngài ấy rời đi, trong lòng tôi liền dâng lên một cảm giác bất an. Đáng sợ hơn một điều, những linh cảm xấu của tôi thường rất đúng.

Người hầu vừa định tiễn hai vị hầu gia trẻ tuổi về, một tiếng sấm lại nổ chói tai.

Trần Quốc Tuấn đành phải nói.

"Cho người về báo tin cho Chiêu Thành vương. Đường trơn nguy hiểm, hai vị cứ ở lại đêm nay, sáng mai hẵng về."

Trần Quốc Kiện và Trần Quốc Toản vẫn cúi người, chắp tay đồng thanh nói.

"Tạ ơn đức ông."

Rồi vương gia quay về phía tôi.

"Diệp Dung, con sắp xếp chuyện này đi."

Tôi cúi mình vâng lời. Để người hầu khác đưa vương gia về phòng, còn mình tôi đưa ô về phía hai vị hầu gia.

"Hai vị mời theo tôi."

Ngay khi Trần Quốc Tuấn vừa về phòng, ông liền triệu gọi Nguyễn Địa Lô. Đã là tùy tướng được ông tin tưởng, tác phong hành động cũng rất nhanh nhẹn. Không mất quá nhiều thời gian, Nguyễn Địa Lô đã cúi mình, sẵn sàng chờ lệnh.

Trần Quốc Tuấn nhìn nước chè vẫn còn nóng bốc hơi trong chén, hỏi.

"Ngươi là người trực tiếp dạy dỗ con bé, nói xem ngươi thấy nó là đứa như thế nào?"

Nguyễn Địa Lô đương nhiên biết câu hỏi này có ý nghĩa gì.

"Dạ bẩm ngài, Diệp Dung là một đứa sáng dạ, tiếp thu nhanh, làm việc cũng rất cẩn trọng, có khiếu tốt của một xạ thủ. Vì còn trẻ người non dạ nên đôi lúc nóng tính nhưng vẫn biết kiềm chế."

Trần Quốc Tuấn rất vừa ý với câu trả lời này. Ông liền ra lệnh.

"Tám điều ta từng nói với ngươi, giờ hãy thực hiện đi."

Nguyễn Địa Lô chắp tay, vâng lệnh.

"Tuân lệnh đức ông."

Tôi vừa đi vừa giẫm lên bóng của mình đang phản chiếu dưới ánh nước. Nhìn những hạt mưa lớn rơi trên mặt nước, nhớ đến cái đêm tôi ngồi bên bờ hồ Gươm. Thầm nghĩ liệu tôi nhảy vào một vũng nước nào đó kết hợp với mấy tiếng sét động trời kia, mở mắt ra liệu có trở về tương lai không.

Ý nghĩ vừa dứt, một vũng nước lớn trước mặt tôi liền xuất hiện một cách không thể nào trùng hợp được hơn. Vậy là mặc dù tay tôi vẫn đang che ô cho hai vị hầu gia kia cùng những người hầu khác, liền nhảy mạnh lên phía trước.

Chân tôi vừa chạm mặt đất, nước bắn tung tóe ướt hết cả váy. Chờ đợi tôi không phải là chiếc giường ấm ở nhà mà là tiếng kêu tru tréo của Trần Quốc Kiện.

"Tự nhiên cô bị làm sao thế?"

Trần Quốc Toản đã nhanh chóng lùi ra sau chắn được làn nước. Còn Trần Quốc Kiện kém may mắn hơn, không hiểu tại sao bạn mình đột ngột lùi ra sau, đến lúc nhận ra thì đã ăn trọn cơn bão táp. Quần áo ướt nhẹp trông rất thảm.

Tôi đưa hai tay cầm chắc ô hơn, tiến về phía Quốc Kiện lúng túng nói.

"Xin lỗi, tôi không thấy anh ở đó."

Trần Quốc Kiện tức điên nhưng không thể làm gì vì đây là địa bàn của tôi. Anh ta đứng thù lù ở đấy nãy giờ vậy mà bị nói là không thấy.

Tôi quan sát sắc mặt của Trần Quốc Toản. Chỉ thấy đôi mắt vốn trong trẻo kia giờ đã đục ngầu, nói dễ hiểu hơn chẳng có một cảm xúc gì.

Trần Quốc Toản trong tưởng tượng của tôi là một người thiếu niên trẻ yêu nước với tính cách hùng hổ như sấm, không phải trầm lặng như vậy. Tôi lại tiếp tục thở dài thêm một lần nữa.

Tôi dẫn hai người họ vào một gian phòng vừa đủ lớn, cho người hầu khác kiếm một bộ quần áo sạch cho Trần Quốc Kiện, dặn dò mấy câu rồi rời đi.

Lát nữa tôi còn phải chuẩn bị bữa tối cho hai người họ. Đúng là tự nhiên đang rảnh rỗi lại tự bày thêm việc cho mình.

Tôi đang ở dưới bếp kiểm tra việc nấu ăn cho hai vị khách. Lướt nhìn qua một hồi, chắc chắn mọi việc đã ổn liền phủi tay rời đi.

Tôi vừa bước ra, một cô hầu gái nhỏ lại nói với tôi.

"Bẩm cô, Nguyễn đại nhân cho gọi cô."

Tôi liền theo bước cô gái đó, đúng lúc tôi đang có chuyện muốn hỏi người.

"Con chào thầy ạ."

Thầy không nhìn tôi, tay chỉnh cho bấc nến cháy rõ. Dưới ánh sáng lờ mờ từ ngọn nến yếu ớt, tôi không thể nhận rõ sắc mặt người đang thế nào. Chỉ thấy ánh nến hơi lay chuyển.

"Thầy hỏi con, con dẫn hai vị kia đến đây à?"

Tôi thành thật đáp.

"Là con không cẩn thận, vì cứu người mà để lộ thân phận. Hai người bọn họ muốn con dẫn đường, con đã không làm theo. Có lẽ là hai vị ấy đã tự tìm được đường tới ạ."

Ánh nến dần cháy mạnh hơn. Người tiếp tục hỏi tôi.

"Chuyện đó không sao. Đức ông cũng không cấm con để cho người ngoài biết mình là người của ngài. Con đã cứu ai vậy?"

Tôi vẫn tiếp tục trả lời đúng theo những gì đã diễn ra.

"Nay con có gặp An Tư công chúa ở chợ bị bọn vô lại bắt nạt nên đã ra tay giúp đỡ ạ."

Thầy đương nhiên biết chuyện về An Tư công chúa vì tôi đã kể cho Trần Quốc Tuấn nghe về cô.

"Con là người sinh ra ở thời khác, vậy nói xem con thấy việc gả công chúa để đổi lấy thời gian cho quân ta có đúng không?"

Đôi mắt đang chớp nhẹ của người trong phút chốc dừng lại, bình tĩnh đợi chờ câu trả lời của tôi. Tôi cảm thấy hôm nay thầy hơi khác lạ nhưng vẫn nói lên quan điểm của mình.

Nếu xét về phía tình cảm cá nhân, tôi cảm thấy thương tiếc cho số phận của những người con gái trẻ sinh ra trong hoàng gia, trở thành quân cờ trong bàn cờ chính trị tranh giành, mãi không thể tự định đoạt số phận riêng mình.

Nhưng vì đại cuộc, đôi khi lợi ích của bản thân nên được đặt sang một bên khác. Nếu là tôi, tôi sợ mình sẽ chẳng có đủ can đảm để làm như công chúa, âu thật đáng khâm phục.

"Dạ thưa thầy, công chúa hay thánh thượng đều là lớn lên bằng công sức của trăm dân, ăn cơm cũng là từ hạt gạo của người dân làm ra. Công chúa dù cao quý đến mấy cũng là con dân Đại Việt, cũng nên làm tròn trọng trách của một người dân với quê hương."

Người không hỏi nếu là tôi thì sao mà hỏi là tôi thấy thế nào. Nếu tôi trả lời dài dòng chắc chắn sẽ bị trách phạt.

Dây thần kinh của Nguyễn Địa Lô giãn ra một chút. Ông tin con bé này hoàn toàn có thể vượt qua bài kiểm tra mà Hưng Đạo vương sắp giao cho nó.

Bàn tay ông nhấc ấm chè lên, tôi đã kịp cầm lấy trước rót vào chén cho người.

"Thầy cứ để con."

Tôi nhìn người chầm chậm uống chén trà, do dự liệu có nên hỏi ông về điều tôi đang suy nghĩ. Thầy nhận ra ánh mắt ngần ngại đó của tôi. Sau khi uống cạn liền đặt chén xuống.

"Con có chuyện gì muốn hỏi thì nói đi."

Tôi chưa nói vào vấn đề chính, mở đầu bằng một câu hỏi khác.

"Có phải Trần Di Ái về nước rồi đúng không ạ?"

Thầy gật đầu, quả thật có chuyện này. Con bé này nói thế còn nhẹ, sự thật là bị bắt sống lôi lên triều đình xử tội. Thánh thượng nể tình máu mủ ruột thịt, giữ lại mạng sống cho Trần Di Ái. Phạt đến phủ Thiên Trường làm lính hầu, đêm nay chính là ngày bị áp giải đưa đi.

*Đại Việt sử ký toàn thư chép (1282): Mùa hạ, tháng 4, bọn Trần Di Ái về nước.
Tháng 6, trị tội Trần Ải, Ải phải đồ làm binh khao giáp ở Thiên Trường, Lê Tuân Phải đồ làm Tống binh.
* Cho độc giả nào đã quên (chương 1-3) có ghi Trần Di Ái và Trần Ải là một người.

Tôi rót cho người thêm một chén chè, e dè hỏi.

"Lát nữa làm xong việc đức ông giao cho con, liệu con có thể đi..."

Tôi ngừng lại, cân nhắc tìm từ phù hợp.

"Dạy cho hắn một bài học ạ."

Ánh mắt thầy không hề thay đổi, như biết trước tôi định hỏi chuyện này.

"Qua giờ Tý con có thể đi."
( 23h- 1h sáng hôm sau)

Nghe vậy đôi mắt tôi sáng rực lên, vui vẻ đứng dậy vâng lời. Trước khi rời đi, thầy nhìn tôi đầy nghiêm khắc, dặn dò thêm một câu.

"Nhớ! Tuyệt đối không được giết người."

Tôi vâng dạ rồi đá chân sáo đi. Khi bóng tôi vừa khuất, Nguyễn Địa Lô mới có thể thở phào. Hưng Đạo vương đã sắp xếp chuyện này ổn thỏa, coi như một phần thưởng nhỏ cho con bé.

Thái sư quả thật đã đề ra bài thơ mà con bé từng nói. Thời gian Trần Di Ái về nước cũng trùng hợp chính xác, chứng thực được việc con bé sinh ra hơn bảy trăm năm sau là sự thật.

Tuy nhiên nếu như con bé lén đêm hôm rời đi không có sự xin phép với ông, sẽ cho người chặn sẵn lôi về đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Lệnh bài của con bé cũng sẽ bị tịch thu.

Hưng Đạo vương tuyệt nhiên không bao giờ cho phép bên cạnh mình có kẻ tự tung hành động sau lưng ngài. Khi đó người thầy như ông muốn cũng không thể cứu được học trò của mình.

Tôi đi về phía gian phòng của vương phi. Trên đường đi tình cờ gặp Yết Kiêu vừa mới luyện tập trở về. Tôi cúi người chào ngài.

"Yết Kiêu đại nhân."

Yết Kiêu gật đầu đáp lại, hỏi tôi.

"Dạo này Diệp tiểu thư luyện tập với thầy thế nào?"

Tôi cười lịch sự trả lời.

"Dạ vẫn ổn ạ."

Cuộc nói chuyện của chúng tôi chỉ diễn ra ngắn ngủi trong ba giây. Đợi ngài ta rời đi, tôi mới cúi xuống nhìn mũi giày ướt nhẹp bởi nước mưa của mình.

Khi Yết Kiêu không ở đây, tôi đã từng nói với Trần Quốc Tuấn về tương lai của ông. Trong trận chiến sắp tới, không phải lúc nào quân ta cũng chiếm được thế thượng phong.

Trong một lần quân ta do Hưng Đạo vương chỉ huy rút theo lối chân núi để lên thuyền. Khi đó thủy quân đã tàn, chỉ còn một mình Yết Kiêu vẫn giữ thuyền tới cùng đợi chủ tướng, kiên kiên quyết không thấy người thì đến chết cũng không rời đi. Nếu không có ông, Trần Quốc Tuấn e là đã chẳng có thể bảo toàn được tính mạng.

* Đoạn này hơi phức tạp, mọi người hiểu đơn giản đây là lịch sử trước khi thay đổi mà nữ chính đã học ở tương lai. Đúng là Yết Kiêu sống thọ đến 59 tuổi nhé.

Nhưng cũng vì trung thành đến giây phút cuối cùng mà ông bị trúng trọn một mũi tên từ thuyền của kẻ địch mà tử trận. Tôi kể đến đó, thấy hốc mắt của Trần Quốc Tuấn đỏ hoe như đang rất xúc động.

Hảo cảm của tôi với Yết Kiêu rất tốt, thật sự không dám đi ra nói với người ta rằng ngài sắp chết đấy, tuyệt đối không được.

Mưa càng lúc càng to như bão, tiếng sấm chớp giằng xé trên bầu trời, lại một mạng người Đại việt nữa sắp phải ngã xuống vì đất nước.

Tôi trở về gian phòng của vương phi. Cơm canh nóng hổi đã được bày sẵn gọn gàng trên mâm. Vương phi đang đợi tôi tới cùng dùng bữa. Người vừa nhìn thấy tôi trong bộ dạng ướt nhẹp thì đứng dậy đầy sốt sắng.

"Sao lại để người ướt lạnh như vậy, mau đi thay y phục đi kẻo ốm."

Rồi cô đẩy tôi cho đám người hầu. Sau khi đã thay xong một bộ đồ khô ráo ấm áp, tôi cùng vương phi ăn tối. Vương phi gắp thức ăn cho tôi. Cô nhìn vết chai do cầm cung của tôi đang đỏ tấy lên thì lo lắng nói.

"Ăn nhiều lên mới có sức mà tập luyện."

Nhìn miếng cá kho đã được gỡ xương cẩn thận trong bát cơm, bụng tôi liền thấy đói cồn cào. Đũa vương phi không hề di chuyển, ánh mắt cô dày đặc như làn sương mù.

Đây không phải là lần đầu tiên người nhìn tôi như vậy. Tôi ăn hết hai bát cơm, đũa đang tính gặp một miếng rau. Vẫn là không nhịn được nữa, liền đặt đũa xuống.

" Từ khi em tới đây, chị lúc nào cũng đối với em rất tốt. Nhưng chị cứ thường xuyên nhìn em bằng ánh mắt đầy do dự đó."

Tôi nhận lấy cốc nước từ người hầu.

"Giữa em và chị còn có chuyện gì không thể nói với nhau sao?"

Vương phi thở dài, người hơi khựng lại. Đôi mắt hạnh xinh đẹp chuyển ánh nhìn ra làn mưa giữa đêm tối. Cô không nói gì, trầm lặng như đang hồi tưởng về quá khứ.

Một hồi sau tôi mới nghe thấy giọng cô đầy nét buồn bã.

"Vốn là không muốn biết, vì chị sợ câu trả lời sẽ khiến cho mình hối hận. Nhưng vẫn là không thể kiềm nổi mà hỏi em."

Tôi yên lặng chờ đợi câu hỏi.

"Từ bé có rất nhiều kẻ nói với chị rằng mẫu thân chị là kẻ tội đồ của họ Lý. Chị không bao giờ tin điều đó. Em cứ nói thật với chị, sau này hậu thế sẽ nhận định thế nào về bà, về triều đại nhà Lý?"

Cốc nước trong tay hơi run. Tôi biết sớm muộn gì cô cũng sẽ hỏi tôi câu này, lại không ngờ là đêm nay.

Tiếng mưa rơi vang trên mái ngói, chảy thành từng dòng nước nhỏ trước cửa. Tôi cố gắng không nghĩ nhiều, rốt cuộc một cô bé lớn lên bị kẻ ngoài nói mẫu thân mình là kẻ tội đồ, để mất giang sơn trăm năm của tổ tiên vào dòng họ của kẻ khác đã lớn lên như thế nào trong chốn hoàng cung sâu thẳm kia?

Tôi sắp xếp những lời muốn nói trong đầu, trả lời với cô.

"Chị yên tâm. Nhà Lý rơi vào bước đường cùng như vậy không phải là do mẫu thân của chị gây ra. Điều này hậu thế ai cũng biết, dù là họ Lý hay họ Trần, đều được lịch sử ghi nhận có công lao lớn xây dựng, bảo vệ đất nước."

Điều này chẳng có gì đáng để những người ngoài cuộc như tôi nuối tiếc cả. Nếu như vương thất nhà Lý tại thời điểm đó không thể chăm lo tốt cho bá tánh của mình thì để họ Trần lên thay thế là việc làm hết sức đúng đắn.

Nhưng hiện tại trước mặt tôi là một hậu thế nhà Lý mang họ Trần, là người trong cuộc của dòng chảy lịch sử này. Tôi đã cân nhắc đặt mình vào trong vị thế của vương phi, giúp an ủi cô phần nào.

Khóe mắt vương phi hơi đỏ. Tôi lúng túng nắm lấy tay cô.

"Có phải em nói hơi nhiều rồi không?"

Vương phi xúc động ôm lấy tôi, nghẹn ngào nói.

"Không... Cảm ơn em đã nói cho chị biết điều này. Giờ chị không còn cảm thấy nuối tiếc bất cứ điều gì nữa."

"Con bé đã nói vậy với vương phi ư?"

Một gia nô áo đen khác đang chắp tay quỳ dưới sàn, lời lẽ chắc chắn.

"Dạ bẩm đức ông, không sai một chữ."

Trong căn phòng chỉ có vài ánh nền lờ mờ, Trần Quốc Tuấn cho gia nô kia lui xuống.

Trần Quốc Tuấn quay sang phía Yết Kiêu.

"Ngươi thấy con bé nói đúng hay không?"

Yết Kiêu không mất quá nhiều thời gian đã đáp lại.

"Quả thật không sai ạ."

Trần Quốc Tuấn miết nhẹ chén trà, ông cũng cho rằng điều con bé là phải. Một người tướng giỏi rất cần những người trung thành, thông hiểu đại cuộc như vậy.

__

Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản sinh ra trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, sinh ra trên đất của người Tống. Hơn ai hết chàng biết rõ nhất chiến tranh kinh khủng thế nào.

Cái ngày mà cha mẹ chàng ngã xuống vì bảo vệ cho sự yên bình của giang sơn, kìm hãm thế giặc, kéo dài thời gian chuẩn bị cho Đại Việt, chàng còn quá nhỏ để nhớ được dung mạo người. Chỉ có thể theo tàn quân nước Tống trở về Đại Việt. Từ bé chàng đã đem nỗi hận giết cha giết mẹ, cướp nước của giặc Thát khắc sâu vào trong lòng, đến chết cũng không quên.

Nghĩ đến cảnh người dân lầm than, chàng không thể nào bình thản coi như không có chuyện gì xảy ra cả.

Đêm nay là lần tiên chàng mơ thấy cha chàng. Dù chẳng có thể nhìn rõ dung mạo người, nhưng lời cha vang vọng chân thật như chính cha đang ở đây.

"Con trai, cha đã đi xa, con ở lại không được bao giờ quên đi cha mẹ con và những binh sĩ năm xưa kia chết như thế nào. Không bao giờ được hèn nhát trốn tránh quân thù. Gặp giặc là phải đánh, thế mới không phụ lòng mẹ con, không phụ lòng nghĩa sĩ tử trận, không phụ lòng thánh thượng và chính là không phụ lòng con."

Nhưng khi chàng mở mắt ra, cha đã đi. Chỉ còn một màu đen của đêm tối. Mưa lớn đã tạnh, từng cơn gió lạnh thổi rít qua khe cửa. Chàng không thể ngủ thêm được nữa, đẩy cửa bước ra.

Có tiếng những hạt nước đọng lại trên lá cây rơi xuống trong đêm khuya thanh vắng. Sau cơn mưa dài, trời lại trong hơn.

Ánh trăng mờ ảo phủ lên vai chàng. Trần Quốc Toản nhìn lên màn đêm. Trong lòng chàng tự hỏi đến bao giờ mới đến cái ngày mà chàng lập được chiến công báo đáp ơn thánh thượng, đến khi nào chàng mới có thể để cha trên trời tự hào về mình.

Tôi kiểm tra phía sau mình, đảm bảo không có ai đang bám theo. Thời này không có nhiều ánh đèn điện đường, một khi trời đã tối là đen kịt hẳn.

Trần Quốc Kiện vừa đi giải quyết nỗi buồn trở về, thấy trên con đường dài có một bóng dáng áo trắng, tóc đen dài thả xõa bay trong gió. Chàng ta cảm thấy sống lưng mình lạnh toát. Trên khuôn mặt như giấu đi vẻ kinh hãi, cố gắng đứng yên nhìn cho kỹ.

Bóng áo trắng cứ vậy di chuyển không một tiếng động, như lướt đi trong màn đêm.

Đang đi bỗng tôi đầm sầm phải thứ gì đó như cơ thể của một người. Trên trán liền truyền đến một cảm giác đau nhói. Tôi suýt xa ôm trán, thấy Trần Quốc Kiện cũng đang nhăn nhó ôm mặt.

Tôi lảo đảo lùi mấy bước, cảm giác đằng sau lưng có một cánh tay lớn đưa ra. Nhưng vì là người có học võ, tôi nhanh chóng đứng vững lại, tà áo trắng lướt nhẹ qua cánh tay người đó.

Tôi thì thào bằng giọng nói nhỏ nhất có thể.

"Đêm khuya anh đang làm gì ở đây đấy?"

Quay ra thấy Trần Quốc Toản không biết đã đứng sừng sững sau lưng tôi khi nào. Vầng trăng trắng chiếu sáng trên khuôn mặt đẹp như bức họa, cánh tay vẫn giữ nguyên như định đỡ ai.

"Ôi trời, hết hồn. Anh là ma à? Đứng đằng sau tôi khi nào thế?"

Trần Quốc Kiện thôi không xoa mặt nữa, đôi lông mày vẫn nhăn chặt.

"Câu đó tôi phải hỏi cô đấy! Nữ nhi như cô không ở yên trong phòng, giờ này lảng vảng đi bắt ma à?"

Tôi đưa tay bịt cái miệng đang nói của Trần Quốc Kiện lại, không để ý thấy ấn đường Trần Quốc Toản nheo lại.

"Be bé cái mồm anh thôi. Tôi đi chơi đêm một tí thì có sao chứ, anh quản được à?"

Trần Quốc Kiện gắng đẩy tay tôi ra, ú ớ nói chữ được không.

"Cô bị điên à? Đêm khuya vắng vẻ, một mình thân nữ nhi cô đi rất nguy hiểm."

Trần Quốc Toản đi ra trước mặt tôi. Ánh mắt chàng nhìn thẳng vào đôi mắt phượng của nữ nhân đối diện.

"Nếu Diệp tiểu thư muốn đi chơi đêm, bổn hầu có thể theo hộ tống tiểu thư."

Tôi rút tay lại. Lườm Trần Quốc Kiện, miệng anh ta to như cái loa phóng thanh vậy.

"Cảm ơn ý tốt của hai vị hầu gia. Có điều tôi không cần ai bảo vệ cả, hai vị nên về phòng nghỉ ngơi sớm đi."

Rồi tôi phất tay áo đi thẳng. Tự nhủ sau này sẽ không bao giờ mất cảnh giác trong bất kì trường hợp nào nữa.

Đi được mấy bước. Không được rồi, tôi dậm chân mạnh xuống đất. Có những lời vẫn phải cần nói ra cho xong.

"Chuyện chiều nay tôi chỉ tuân theo lệnh của Hưng Đạo vương thôi, hai anh đừng giận tôi. Nếu như các anh muốn được ra trận, được đức ông và quan gia tin tưởng thì hãy cứ kiên quyết với lựa chọn của mình. Đừng vì lời nói của người khác mà lay chuyển."

Công tác truyền bá tư tưởng vậy đã đủ ổn chưa?

Quả thật Trần Quốc Tuấn cũng đã e ngại độ tuổi của hai vị hầu gia và nghi ngờ lời tôi đến nỗi hỏi lại tôi rất nhiều lần để kiểm tra. Tôi là trường hợp đặc biệt, vì ông đã biết số tuổi thật sự của tôi.

Trần Quốc Toản gật đầu với tôi. Dường như lúc nào chàng cũng như giữ trong lòng hàng ngàn những suy nghĩ, chẳng bao giờ muốn cho người ngoài biết. Nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được tâm tình thật của chàng dựa vào ánh mắt quyết tâm kia.

Và đương nhiên chàng sẽ chẳng vì một vài lời nói của tôi hay cái lắc đầu của Trần Quốc Tuấn mà bỏ cuộc. Dù sao tôi vẫn không muốn vì chuyện chiều nay mà hai người họ sinh ra ác cảm với tôi.

Trần Quốc Kiện cười nói.

"Cô đi cẩn thận, chúng tôi sẽ không để bụng đâu."

Tôi cắn răng đi trước. Trong lòng thầm nghĩ liệu sẽ có một cách nào đó, dù chỉ là một phần trăm nhỏ nhoi để tôi có thể thay đổi số phận đau lòng kia của chàng hay không.

Nhưng lịch sử vẫn mãi sẽ luôn là như vậy, sẽ chẳng có một từ nếu như. Và cũng sẽ chẳng có một sự lựa chọn khác cho chàng cả. Tương lai đã định sẵn chàng sẽ hi sinh vì Đại Việt, còn tôi thì chỉ có thể đứng ngoài nhìn bánh xe lịch sử vẫn quay, chẳng thể dừng lại.

Nãy giờ tôi chỉ quay ra đằng sau nhìn, quên mất không để ý đằng trước. Tôi là người học xạ tiễn, trước giờ thính giác vẫn luôn rất nhạy bén. Đi được một lúc, tôi liền cảm thấy đằng sau như đang có người bám theo. Dựa vào động tĩnh rất khẽ, người này chắc chắn có biết võ công, dáng vóc có vẻ rất cao.

Khóe môi tôi khẽ cong lên. Không mất qua lâu đã cắt đuôi được người đó, men theo lối nhỏ khác để trèo lên những viên đá rồi dùng sức nhảy qua tường nhà không phát ra một tiếng động.

Trần Quốc Toản sững người, chỉ trong một cái chớp mắt ngắn ngủi, bóng dáng nữ nhân kia lại biến mất thêm một lần nữa. Vài giọt nước rơi xuống lách tách, trời lại tiếp tục đổ mưa, gió càng lúc càng lạnh hơn.

___

Tôi chống tay lên mặt, vẫn chưa giải thích được cảnh tượng đang diễn ra trước mắt.

Đoàn người áp giải Trần Di Ái, không biết có thể gọi là đoàn người được không. Một tên trọng tội phản quốc của triều đình, chỉ có trên dưới năm kẻ đi theo quản lý.

Tôi cảm thấy kì lạ, mất một lúc liền nhận ra đây đều là do Trần Quốc Tuấn một tay sắp xếp cả.

Trần Di Ái bị trói chặt hai tay, cúi người lê bước đấy nhục nhã. Một tên đá vào chân hắn nghe tiếng bốp rất vang.

"Nhanh lên! Lề mề như con rùa."

Mấy tên áp giải thấy trời lại tiếp tục đổ mưa. Đường dài khó đi, càng sốt ruột hơn. Bỗng từ trong bóng tối xuất hiện một bóng áo trắng dài, tóc đen thả xõa ướt nhẹp. Khuôn mặt trắng cắt không còn một giọt máu.

Bọn chúng kinh hãi để lại Trần Di Ái một mình, la hét bỏ chạy.

"Có ma! Có ma!"

Trần Di Ái tâm không ngay. Sợ hãi không dám ngẩng mặt lên nhìn, chân run rẩy đứng không vững. Lưỡi kiếm dài lạnh như băng chĩa thẳng vào mặt hắn. Một Giọng nói uy lực còn lạnh hơn cả nhiệt độ từ lưỡi kiếm sắc lẹm ấy.

"Ngẩng đầu lên."

Đồng tử Trần Di Ái giãn mạnh. Sấm chớp nổ vang trời đất lóe sáng một vùng. Từ ánh sáng chớp nhoáng đấy có thể thấy một nữ nhân nhan sắc kinh diễm với đôi mắt phượng dài.

Trái lại với vẻ ngoài đó, trên khuôn mặt xinh đẹp ấy lại không có một cảm xúc gì. Khí thế không hề tầm thường, sự uy hiếp từ đôi mắt phượng kia khiến trời vốn lạnh càng thêm lạnh thấu tim gan, khiến cho hắn ta không thể thở nổi.

Nước mưa theo thanh kiếm chảy dài trên đầu hắn, chảy xuống sống lưng lạnh toát. Gió thổi mạnh khiến cho mái tóc đầy nước của cô bay trong gió.

___

" Hắt xì!"

Một người hầu e ngại nhìn tôi. Trên khuôn mặt như đầy vẻ lo lắng hỏi.

"Tiểu thư ổn chứ? Có cần con mời thầy thuốc đến xem không?"

Tôi lấy khăn lau mũi, lại quay ra phía khác hắt xì thêm mấy cái.

"Tôi không sao. Cô mau đi lấy đồ đi."

Tôi ra phía sau rửa mặt cho thêm tỉnh táo. Kiểm tra kỹ trên mặt không còn chút phấn trang điểm nào. Đêm qua tôi chỉ ngủ có ba tiếng. Bình thường với sức khỏe của tôi, chuyện đó hoàn toàn có thể chịu được. Nhưng vì dầm mưa nhiều tiếng, thân thể tôi đầy suy nhược và đau nhức.

Mấy người hầu khác nhìn thấy tôi, ai cũng ngỡ ngàng đến há hốc cả miệng. Tôi lại dùng khăn đỏ buộc kín mặt mình lại như khi ra ngoài hôm trước, tránh để lây bệnh cho người khác.

Khi tôi quay trở lại, thấy người hầu trên tay đã bê đủ mâm thức ăn. Tôi sải bước đi trước, mấy người hầu khác đi theo sau.

Trần Quốc Toản và Trần Quốc kiện đang ngồi ở bàn đá giữa sân gian phòng. Ánh nắng ban mai nhẹ nhàng đậu trên mặt bàn đá trắng.

Tôi sai mấy người hầu khác dọn đồ ăn sáng ra. Trần Quốc Kiện dõi theo động tác của họ, ngạc nhiên khi thấy trên bàn có ba bộ bát đũa. Anh ta chỉ vào chiếc bát, hỏi tôi.

"Có thêm khách à?"

Tôi ngồi xuống gắp thức ăn vào chiếc bát đó, lại quay lưng về phía họ. Hôm nay vương phi dùng bữa cùng Trần Quốc Tuấn, nếu giờ tôi về phòng mình ăn sáng, chắc chắn sẽ không kịp giờ đến doanh trại.

Tôi cởi khăn che mặt, vừa ăn vừa hít nước mũi đang cố chảy ra vào trong.

"Mấy anh ăn đi, cứ kệ tôi."

Tôi nghe thấy giọng nói chậm rãi của Trần Quốc Toản.

" Tiểu thư cứ quay lại dùng bữa, chúng tôi không dễ bị lây bệnh đến vậy."

Trần Quốc Kiện phá lên cười.

"Đáng đời cô. Ai bảo đêm hôm dở chứng đòi đi chơi."

Nhưng khi nhìn thấy nữ nhân áo đỏ quay mặt lại, tiếng cười Trần Quốc Kiện nghẹn lại.

Khuôn mặt nữ nhân kia trắng xanh, đôi mắt thâm quầng, môi nhợt nhạt không còn chút sức sống. Tôi lại quay ra phía khác, dùng khăn che mặt hắt xì.

Trần Quốc Kiện lúng túng gắp thức ăn cho tôi.

"Cô ăn nhiều vào."

Tôi gật đầu im lặng ngồi ăn, không còn sức để cãi nhau với anh ta.

Đôi lông mày Trần Quốc Toản chau lại. Chàng đưa cốc nước ấm cho tôi.

"Sau này đừng đi muộn như vậy. Hay là tiểu thư về nghỉ trước đi."

Tôi lắc đầu, giọng khàn lạc đi.

"Tôi ổn. Lát nữa tôi còn phải theo lệnh Hưng Đạo vương tiễn các anh về tận cửa hầu phủ, xong chuyện còn nhiều việc khác phải làm."

Trần Quốc Kiện e ngại nhìn tôi.

"Làm gia nô của Hưng Đạo vương cũng vất vả thật."

Vì là lệnh của Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản không thể làm gì thêm. Ba người chúng tôi cứ ngồi ăn như vậy, không một ai nói gì.

Được một lúc Trần Quốc Kiện không thể chịu được cái bầu không khí im lặng này nữa, lên tiếng bắt chuyện. Hai con người này thần sắc cứ nhứ sản xuất chung lò vậy, muốn đoán tâm tư của họ là điều khó nhất trên cuộc đời này.

"Hai người có biết chuyện về Trần Di Ái chưa?"

Đũa tôi dừng lại, giả vở hỏi.

"Có chuyện gì vậy?"

Quốc Kiện tiếp tục hùng hổ kể chuyện như chính minh đã chứng kiến tận mắt.

"Cả kinh thành Thăng Long đang bàn nhau ầm ầm lên kia kìa. Người ta nói oan hồn của lộ Lạng Châu quay trở về đòi mạng của hắn."

Nghe thấy cái tên kia, sắc mặt Trần Quốc Toản lạnh xuống mấy phần, bàn tay cầm đũa nắm chặt đến gân xanh nổi lên.

"Vậy hắn chết rồi đúng không?"

Trần Quốc kiện vỗ tay xuống mặt bàn, bất bình nói.

"Được vậy thì đã tốt quá! Khi người dân phát hiện ra thì hắn đã bị đánh đến bầm dầm tím tái, đưa về đến phủ Thiên Trường thì đã phát điên rồi. Hắn cúi đầu không dám nhìn ai, miệng cứ lẩm bẩm nói rằng có ma nữ muốn giết mình."

Anh ta huých vào vai tôi. Mặc dù dùng lực rất nhẹ, vết thương ở vai dầm nước cả đêm liền đau nhói. Đôi mắt tôi hơi nheo lại, rất nhanh đã khôi phục như cũ.

"Cô có tin chuyện có ma nữ đấy không?"

Tôi cố gắng không tỏ ra có gì khác lạ. Bản thân cảm thấy rất thích thú với cái danh xưng ma nữ mới của mình, trả lời anh ta.

"Tin chứ, quả báo nhãn tiền."

Quốc Kiện quay ra nhìn bạn mình, thấy anh lắc đầu. Trần Quốc Toản trước giờ không tin những chuyện ma quỷ như vậy, mọi việc đều là nhân mà ra cả. Còn Quốc Kiện ư, sau đêm qua anh ta căn bản đã không còn tin nữa.

Giọng nói Quốc Kiện nghiêm túc không có chút gì là đùa cợt.

"Tôi thấy bộ dạng cô bây giờ nhìn giống ma quỷ hơn."

Khoản này tôi đồng tình với Trần Quốc Kiện, đến sáng nay khi ngủ dậy nhìn thấy bản thân trong gương còn phải giật mình.

Trần Quốc Toản liếc nhìn anh ta.

"Chú tập trung ăn đi."

Quốc Kiện thôi không nói nữa, im lặng dùng bữa.

Tôi đã ăn xong, đứng dậy hành lễ.

"Hai vị hầu gia cứ thong thả. Tôi sẽ chuẩn bị sẵn xe ngựa đợi các vị ở cửa chính."

Rồi tôi rời đi. Đến khi tới chỗ người khác không còn thấy nữa, đưa tay sờ ra sau vai. Nhìn bàn tay dính đầy máu của mình, tôi cười nhạt. Cuối cùng cũng có dịp để bộ áo giao lĩnh đỏ của tôi hoàn thành nhiệm vụ của nó.

Trần Quốc Kiện đi trước Trần Quốc Toản. Vừa đi gần đến cửa liền nghe tiếng Quốc Toản gọi. Anh ta nhìn Quốc Toản đầy khó hiểu.

Trần Quốc Toản chỉ vào khuỷu tay áo của anh.

"Tay chú dính bẩn kìa."

Trần Quốc Kiện đưa khuỷu tay lên gần mắt kiểm tra. Trên nền áo xanh đậm, xuất hiện một vết ướt đen nhỏ. Quốc Kiện ngửi kỹ, ngạc nhiên nhận ra.

"Là mùi máu."

Cả hai bất giác hướng mắt ra nữ nhân đang đứng cạnh con ngựa đen trước cổng. Tôi kiểm tra xe ngựa, đảm bảo không có vấn đề gì. Từ đằng sau, bàn tay bỗng bị ai đó nắm chặt.

Tôi khó chịu giật tay lại, nhìn thẳng vào đôi mắt đen sâu thẳm kia.

"Hoài Văn hầu xin tự trọng. Ngài nghĩ mình đang làm gì vậy?"

Từ chỗ của vương phi tôi được biết Trần Quốc Toản là con trai duy nhất của Vũ Uy vương Trần Nhật Duy và vương phi Trần Ý Ninh. Chàng chính là cháu nội của vua Trần Thái Tông, là hoàng thân quốc thích đích thực.

Cha mẹ chàng đều là những vị tướng trên chiến trường quốc tế cùng với những tướng sĩ nước Tống, cuối cùng hy sinh để bảo vệ Đại Việt và cả nước Tống khỏi quân Mông Nguyên. Trong Hịch tướng sĩ về sau, Trần Quốc Tuấn cũng cũng có nhắc đến trận đấu này.

Chàng ra đời trên đất nước Tống. Cùng với tìm hiểu ở tương lai của tôi, khi tàn quân của nước Tống lánh nạn qua Đại Việt, chàng cũng trở về nước và kết hôn với một vị công chúa nước Tống luôn. Tên vị công chúa ấy là gì thì tôi cũng không nhớ rõ nữa.

*Thân thế thật sự của Trần Quốc Toản đến nay vẫn chưa rõ.
Truyện sẽ được tham khảo theo một trong những khả năng của sách "sử ta chuyện xưa kể lại".

Một người có vợ như chàng nắm tay một tiểu thư chưa chồng giữa đường là tôi, quả thật khiến cho tôi rất bất bình. Mấy người ngày xưa động vào nhau một tí là đã đòi gả cho nhau. Tôi không muốn vị công chúa nước Tống đó cho người đến đánh ghen với tôi đâu.

"Hai vị lên xe trước đi, tôi cưỡi ngựa đi bên cạnh. Có chuyện gì thì cứ gọi."

Trần Quốc Toản kiên quyết tiếp tục nắm lấy tay tôi.

"Xe ngựa rộng rãi. Diệp tiểu thư đang bệnh, cứ lên ngồi với hai chúng tôi đi."

Tôi nhìn tay mình đang bị nắm, giọng nói đầy giễu cợt.

"Hầu gia đây nắm tay tôi như vậy, không biết phu nhân ở hầu phủ sẽ thấy như thế nào?"

Động tác của chàng dừng lại, che giấu đi ý cười trong ánh mắt mà nói.

"Tiểu thư yên tâm, bổn hầu vẫn chưa lập thất."

Ánh mắt của tôi vẫn không thay đổi, dù cho sau này sử sách chép có vài phần sai sót về chàng thì tôi cũng không muốn quan tâm.

Một lần nữa giật mạnh tay chàng ra. Vết thương ở vai vừa mới băng bó lại cảm thấy đau, may sao vẫn không chảy thêm máu.

Trần Quốc Toản cảm thấy bực mình, nét trầm ổn thường ngày đã biến mất. Nữ nhân này thật quá cứng đầu, cứng đầu đến mức khiến cho người ta cảm thấy bất lực.

Tôi vừa định lên ngựa, một cơn chóng mặt khiến cho tôi lùi mấy bước xuống.

Trần Quốc Kiện thở dài.

"Thôi cô cứ lên ngồi đi. Không ai làm gì cô đâu."

Cuối cùng dù cho không tình nguyện thì tôi cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài lên xe ngồi cùng với hai người họ.

Tôi ngồi sát vào phía cửa ra vào để dễ nhìn ra ngoài. Còn hai người họ cố gắng ngồi gần nhau hơn, giữ khoảng cách phù hợp với tôi.

Ba người cùng nhau ngồi trên chiếc xe ngựa nhưng mỗi người lại theo đuổi một suy nghĩ riêng.

Đi đường một lúc, Trần Quốc Kiện buồn chán muốn vén nhẹ rèm cửa ngắm nhìn đường phố. Bàn tay vừa đưa lên chưa kịp chạm vào đã bị Trần Quốc Toản ngăn lại.

Chàng chỉ tay về phía nữ nhân bên cạnh.

Quốc Kiện nhìn theo hướng tay, thấy nàng đã dựa vào một góc xe, hơi thở đều đều.

Nữ nhân này khi thức, lời lẽ sắc bén luôn khiến cho người khác không thể bắt bẻ được, giờ khi ngủ mới lộ ra vẻ dịu dàng hiếm có.

Xe ngựa vừa xóc nảy lên một cái, nàng liền ngã về phía trước. Trần Quốc Toản vội đưa tay ra, lần này đã đỡ được nàng ấy. Chiếc cằm nhỏ được che bởi tấm khăn đỏ nằm gọn trong bàn tay to lớn của chàng.

Quốc Kiện cúi xuống, thấy nàng ta vẫn ngủ say không biết gì.

"Anh định để cho cô ấy ngủ trong cái tư thế kì cục này à?"

Không cần anh nói, Trần Quốc Toản liền để nàng dựa vào bờ vai rộng lớn của mình. Nhìn nữ nhân cạnh mình đôi mắt phượng vẫn nhắm nghiền, tiếng thở nhỏ ổn định, một nụ cười thoáng qua trên đôi môi chàng.

Tôi bị đánh thức bởi tiếng giật dây cương dừng lại của người đánh xe. Vừa mở mắt ra, đã thấy toàn thân mình dựa vào vai của Trần Quốc Toản.

Tôi giật mình, vội đứng dậy.

"Ôi thần linh, tổ tiên, ông bà cha mẹ ơi."

Thật sự là tôi rất kinh hãi với cái cảnh tượng này.

Trần xe ngựa khá thấp, đầu tôi liền bị va phải. Đợi chờ tôi không phải là một cơn đau mà là một cảm giác mềm mềm. Trần Quốc Toản rút tay lại, khi này khuôn mặt thanh tú của chàng dường như chỉ cách mắt tôi một khoảng rất nhỏ.

Trần Quốc Kiện khoanh tay cố gắng nhịn cười, đôi mắt hồ ly cong lên.

"Làm gì mà cô phải gọi cả tổ tông lên thế?"

Tôi trợn mắt nhìn hai người kia, muốn nói gì đó nhưng lại không biết phải nói điều gì. Cuối cùng nhìn bàn tay đã đỡ cho mình một trận, lí nhí nói.

"Cảm ơn anh."

Xe ngựa dừng trước cửa Chiêu Thành vương phủ. Hai vị hầu gia xuống xe trước. Tôi theo sau, vừa bước ra thấy Trần Quốc Toản đưa tay ra có ý muốn đỡ tôi. Tôi chần chừ một chút, vẫn là tự mình nhảy xuống.

Tôi ngáp một cái, không quên hành lễ.

"Tôi tiễn hai vị hầu gia đến đây thôi. Diệp Dung xin về trước phụng mệnh với Hưng Đạo vương."

Nhờ ngủ được một giấc ngắn trên xe, tinh thần tôi đã tỉnh táo hơn. Lần này chỉ một lần dứt khoát tôi đã có thể yên vị trên lưng hắc mã. Tôi vừa định giật cương rời đi, Trần Quốc Toản đã gọi tôi lại.

"Diệp Dung."

Tôi thấy lạ với cách xưng hô này nhưng vẫn cố tỏ ra không ngạc nhiên. Trước giờ vẫn một tiếng tiểu thư, hai tiếng tiểu thư, đây là lần tiên ngài ấy gọi thẳng tên tôi.

Trần Quốc Toản kéo lấy tay tôi, từ trong áo rút ra một chai thuốc nhỏ đặt vào tay tôi, kiên nhẫn giải thích cách dùng.

"Tối về rửa sạch vết thương rồi bôi lên. Thuốc này cầm máu rất tốt."

Nhìn chai thuốc bằng sứ màu ngọc xanh trong tay, tôi khó hiểu nhìn chàng.

Trần Quốc Toản tưởng tôi vẫn không biết cách dùng, giải thích thêm một lần nữa.

Đầu tiên là tôi cảm thấy chưa quen với sự quan tâm đột ngột này, thứ hai là...

"Anh biết từ khi nào?"

Trần Quốc Kiện chỉ vào khuỷu tay.

"Cô cũng biết lựa đồ quá đấy, nếu không chúng tôi cũng không biết được."

Tôi kín đáo thở phào, không phải hai người biết chuyện tôi đêm khuya đi hù ma Trần Di Ái thì tốt.

Trần Quốc Toản dặn dò tôi, ánh mắt đầy nhẫn nại.

"Sau này bị mệt thì nên nói ra, giữ trong lòng chỉ khiến bản thân phải chịu thiệt."

Hình như có chút quá phận?

Dòng suy nghĩ vừa vụt qua, tôi ngỡ ngàng nhận ra từ bao giờ bản thân mình lại bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của những người ở đây vậy. Chỉ là một câu quan tâm thôi mà, sao lại khiến tôi nghĩ nhiều đến vậy.

Đám hoa cúc dại nở rộ trắng kín hai bên đường, Trần Quốc Toản mỉm cười. Một tay chắp ra sau lưng, phong thái đĩnh đạc khó có thể tìm thấy ở một chàng thiếu niên trẻ. Một nụ cười đem đến cảm giác yên bình như làn nước mùa thu.

"Bồn hầu thất lễ, muốn hỏi tiểu thư năm nay đã bao nhiêu tuổi?"

Tôi ngơ ngác nhìn chàng thiếu niên trước mặt, đây mới chính là Trần Quốc Toản - vị thiếu niên trẻ anh hùng trong kí ức tuổi thơ của tôi.

Bất giác tôi cũng mỉm cười theo.

"Trọng thu (tháng 8) năm nay tôi tròn mười lăm."

Trần Quốc Toản hơi ngạc nhiên, tiếp tục hỏi tôi.

"Là ngày bao nhiêu?"

Mất một lúc để tôi suy nghĩ, nếu đổi ngày sinh ở thời hiện đại ra lịch âm thì sẽ là ngày 15. Phủ Hưng Đạo vương trăm công ngàn việc, làm gì có ai để ý đến sinh nhật tôi chứ. Đến chính bản thân tôi cũng sắp
quên mất rồi.

"Ngày 15, không biết hầu gia hỏi điều này làm gì?"

Trần Quốc Kiện không biết chui ra từ đâu. Chiếc quạt trên tay càng quạt mạnh hơn. Đến tận sau này tôi vẫn không hiểu cái sở thích dùng quạt kể cả khi trời lạnh của anh ta có ý nghĩa gì.

"Trùng hợp vậy sao? Tôi cũng sinh ngày 15 trọng thu, vậy là ba chúng ta bằng tuổi nhau đó."

Tôi cũng không bất ngờ lắm vì đã biết điều này từ trước. Nhìn mặt trời đã sáng rõ cao qua ngọn cây, đáp lại.

"Vậy sao? Sao tôi thấy anh lúc nào cũng gọi Hoài Văn hầu là anh?"

Trần Quốc Kiện hỏi ngược lại tôi.

"Cô cũng vậy đó thôi, lúc nào cũng gọi tôi là anh. Quốc Toản sinh trước tôi một tháng, gọi như vậy thì có vấn đề gì?"

Tôi phì cười. Quốc Kiện thật sự không hề biết che giấu cảm xúc của mình, vui buồn gì cũng thể hiện rõ hết trên khuôn mặt. Tôi lại càng cảm thấy cảm mến những người như vậy hơn. Đến chính bản thân tôi đôi khi cũng cảm thấy mệt mỏi với lớp ngụy trang của mình.

"Vậy Hoài Nhân hầu muốn tôi gọi ngài là gì? Hầu gia? Ngài, ông?"

Tôi liệt kê một hồi, dừng lại hỏi.

"Hay là cậu tớ đây?"

Trần Quốc Kiện cảm thấy buồn nôn với cái cách xưng hô kia, lắc lắc cái quạt.

"Lằng nhằng! Cô cứ gọi thẳng tên tôi là Quốc Kiện, chúng tôi cũng sẽ gọi cô là Diệp Dung."

Tôi gật đầu đồng ý rồi cưỡi ngựa trở về. Cái tên sinh ra cũng chỉ để gọi thôi. Suốt ngày cứ hầu gia, tiểu thư thì thật là xa cách.

"Được, cứ như vậy đi."

Trần Quốc Kiện thấy tôi rời đi thì cũng đi vào trong phủ của mình cách đó không xa, để lại Trần Quốc Toản đứng trầm ngâm trước cửa. Mắt chàng cứ dõi theo cho đến khi cả đoàn người khuất bóng.

Cung môn bán yểm kính sinh đài,
Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai.
Vạn tử thiên hồng không lạn mạn,
Xuân hoa như hử vị thùy khai?

Dịch nghĩa

Cửa cung khép hờ, lối đi rêu mọc,
Giữa ban ngày mà sâu lặng, ít người qua lại,
Muôn tía nghìn hồng rực rỡ suông mà thôi,
Hoa xuân đẹp như kia vì ai mà nở?

Cung viên xuân nhật ức cựu- Trần Thánh Tông.

Trần Quốc Toản bước qua cửa phủ, một gia nô đã đứng đợi sẵn.

"Bẩm công tử, ông lớn kêu người đến gặp ở thư phòng."

Trần Quốc Toản gật đầu, ánh mắt trầm xuống mấy phần.

"Ta biết rồi."

Chiêu Thành vương nhấp một ngụm trà nóng, trên khuôn mặt không một cảm xúc. Hương trần bì được đốt xen lần cũng những loại thảo dược khác nhàn nhạt lan tỏa khắp căn phòng.

Ngay khi Trần Quốc Toản tới trước cửa, một giọng nói đầy nghiêm nghị vang lên.

"Quỳ xuống."

Chàng quỳ xuống, trên khuôn mặt không có một chút sự chống đối nào với yêu cầu kia.

Chiêu Thành vương nhìn đứa cháu cứng đầu của mình, cơn giận liền bùng nổ.

"Cha con đã mất, giao quyền nuôi dạy con cho ta. Giờ đến người chú này cũng không nói nổi con ư?"

Trần Quốc Toản chắp tay, đầy kiên quyết.

"Xin chú cho con theo đánh giặc cùng người."

Chiêu Thành vương bất lực, ly trà đặt xuống bàn rất mạnh.

"Chuyện này không phải ta đã nói với con rồi sao. Tuổi con còn rất nhỏ, chiến trường nguy hiểm. Nếu có chuyện gì xảy ra, sau này ta gặp phụ mẫu con ta biết phải ăn nói sao?"

Rồi ngài thở dài. Ông đã chăm sóc cho thằng bé từ khi nó chỉ còn là đứa trẻ còn ẵm ngửa, thật sự không nỡ để nó lao vào nguy hiểm khi còn quá trẻ như vậy.

"Con nghe lời ta đi. Hôm qua con đến tìm Hưng Đạo vương, ngài ấy là người như thế nào mà để cho con làm phiền. Ta biết lý do con gặp ngài làm gì, người Thát to hơn con gấp vạn lần, con định đánh giặc như thế nào với cái cơ thể đấy?"

Trần Quốc Toản ngẩng mặt lên, trong ánh mắt tràn đầy ngọn lửa quyết tâm.

"Vậy nếu con rèn luyện chăm chỉ hơn, chú sẽ cho con theo người ra trận chứ?"

Chiêu Thành vương muốn Trần Quốc Toản thấy khó mà lùi, phủi tay áo rời đi.

"Vậy nếu con có thể khuân được đá tảng, bắn được liên tục mười tên trúng hồng tâm, cưỡi ngựa không biết mỏi thì khi đó chúng ta sẽ nói tiếp chuyện này."

Trần Quốc Toản hướng theo bóng lưng chú mình rời đi, dập đầu mạnh xuống sàn.

" Con nhất định sẽ làm được!"

*Chiêu Thành vương: mình không tìm thấy tài liệu lịch sử nào về ông. Có lẽ ông là một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết "lá cờ sáu chữ vàng" của tác giả Nguyễn Huy Tưởng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro