Chương 4-3: Trọng trách mới trưởng thành hơn.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Chị Vân, chỗ chị có thuốc giảm đau không?"

Tôi kiếm một chỗ ngồi xuống. Lưng và bụng dưới ngay lập tức truyền đến một cảm giác đau nhức. Cả ngày hôm nay cơ thể của tôi cứ như không còn là của mình nữa.

Trước khi vào doanh trại, tôi luôn nghĩ rằng việc đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nhiệm vụ của mình. Nhưng ngay khi cầm cung tên lên, tôi mới thấy trời đất hoàn toàn quay cuồng trước mắt. Con số trên những trang giấy dường như cũng nhảy ra khỏi vị trí mà nó vốn nên thuộc về.

Đến khi tôi giật mình tỉnh táo lại mới phát hiện ra mình đã ngồi ngẩn ngơ rất lâu chỉ để giải quyết một phép tính đơn giản.

Thời ngày xưa không có quá nhiều sự lựa chọn về đồ dùng vệ sinh cho con gái. Tôi chỉ có thể dùng vải quấn lại để thay thế. May mà hiện tại đang gần vào đông nên tiết trời cũng khá dễ chịu, chứ nghĩ đến cảnh tượng giữa mùa hè mà phải đem theo cảm giác ẩm ướt đó thì đúng là cực hình.

Mấy ngày nay tính nết tôi rất ẩm ương, bất kì binh sĩ nào phạm sai lầm cũng khiến cho tôi cảm thấy tức giận vô cùng mà la mắng họ. Sự kiên nhẫn của tôi càng giảm xuống khi liên tục cứ phải tranh thủ đêm đến vắng người để giặt những món quần áo mà tôi sơ ý làm bẩn nhiều đến chất đống lên.

Thầy tôi đủ nhạy bén để nhận ra sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực đó của tôi, không hài lòng mà gọi ra giảng giải rất lâu về hai chữ nhẫn và dung. Ông nói rằng một vị quân trưởng tốt nên lấy cái tâm ra mà dạy dỗ binh sĩ. Quát mắng liên tục thì sẽ chỉ khiến cho họ oán thoán trong lòng.

Binh thư yếu lược chép: Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa để phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết việc người, coi bốn biển như một nhà, đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ mà không ai địch được...

Đó cũng là bài học đầu tiên trong hành trình làm quân trưởng mà tôi đã học được.

Khi ông hỏi tôi lý do tại sao, tôi lại vô tình mất tập trung mà ngẩn người ra. Chỉ lo rằng đằng sau có thể lại dây dính bất cứ lúc nào. Cuối cùng tôi vẫn nhận lỗi và lui ra.

Tôi không nên mong một người tướng quân năm nay đã hơn bốn mươi tuổi, quanh năm chỉ tiếp xúc với chuyện đao kiếm, lại còn vừa là cấp trên vừa là thầy thấu hiểu về nỗi khổ hàng tháng của con gái. Và rằng trong chuyện này đúng là tôi đã sai thật.

Thêm một chuyện chi bằng bớt một chuyện đi. Dù sao những ngày này cũng sẽ sớm kết thúc thôi.

Nhưng không có nghĩa là tôi sẽ tiếp tục cáu gắt với các binh sĩ nữa. Tôi phải dừng ngay hành động cư xử theo cảm tính này. Cái sai dốt nhất của một người chỉ huy chính là để cho cảm xúc chi phối hành động của mình.

Cẩm Vân đang tập trung bắt mạch cho một ông lão bệnh nhân nhưng vẫn nói vọng ra.

"Ngăn tủ thứ hai từ trái qua phải. Trong có đỗ đen và hồng hoa, đường đỏ trong cái hũ màu nâu."

Tôi mở ngăn tủ gỗ nhỏ ra, quả thật trong đó có những thứ mà chị vừa nói.

Đỗ đen đã được vo sạch và rang khô từ trước để dễ bảo quản. Sau khi đong đếm xong, tôi bắc cái ấm đun thuốc lên rồi bỏ tất cả vào trong đó. Loay hoay mất một lúc cũng nhóm được lửa bếp củi.

May mà hồi đấy mặc dù Ngọc dạy tôi các quy tắc lễ nghi nên có của một vị tiểu thư khuê các nhưng những kĩ năng cơ bản như nấu cơm hay dọn dẹp thì cô đều không bỏ xót cả.

Tuy khi còn ở Hưng Đạo vương trại, tôi đều không phải động tay đến vì đều có người hầu của vương phi làm thay cho. Nhưng ít nhất cũng không phải là một tờ giấy trắng không biết gì cả. Dù mất hơi nhiều thời gian vì không quen tay, mọi việc vẫn đều nằm trong tầm kiểm soát.

Khói thuốc càng lúc tỏa mạnh hơn. Mùi thuốc thì chưa bao giờ dễ ngửi cả, đó cũng là lý do mà đến tận hôm nay tôi mới chịu uống thuốc giảm đau. Đỗ đen và hồng hoa cũng đã nhừ hẳn. Tôi lót chiếc khăn dày vào quai ấm rồi từ từ chắt nước ra.

Ấm cổ ngày xưa đều làm bằng sành, khiến cho việc canh nhiệt độ và lượng nước trở nên vô cùng khó khăn. Trong khi tôi đang lúi húi với công việc của mình thì lại nghe thấy tiếng chị hỏi.

"Dạo này em ngủ ngon hơn rồi chứ?"

Tôi rót thuốc ra một cái bát gốm nhỏ. Hơi nóng tỏa ra khiến cho tôi vô thức nhắm chặt mắt lại.

"Mấy nay bình bình thường rồi ạ."

Cẩm Vân tiễn người bệnh cuối cùng về. Trước khi đó còn không quên ân cần dặn dò họ rất lâu về cách sử dụng thuốc. Chị nhờ một vị quân y khác tiễn họ ra rồi mớ chở vào trong với tôi.

Chiếc ấm trên tay tôi được chuyển qua tay chị.

"Để chị làm cho. Sao em không xin thầy cho em nghỉ bữa nay đi?"

Tôi ngồi xuống, duỗi hai chân ra thật xa để kéo cơ cho dễ chịu hơn. Sau đó thì tranh thủ dùng khăn lau sạch kiếm của mình.

Thầy dạy tôi rằng vũ khí bên mình trân quý như tay chân, phải giữ gìn cẩn thận. Tôi không nghĩ nhiều đến vậy, chỉ đơn giản là việc giữ cho mọi thứ xung quanh sạch sẽ sẽ khiến cho bản thân dễ chịu hơn phần nào. Thi thoảng khi mệt mỏi tôi cũng thường dành thời gian dọn dẹp lán của mình cho khuây khỏa, quét đi quét lại một cài sàn đất một cách vô nghĩa.

"Binh sĩ mỗi lúc càng đông hơn, lượng công việc phải làm thì lại chẳng ít đi. Thầy để cho em quản lý nhiều việc như vậy tức là rất tin tưởng em. Sao em có thể để người phiền lòng những chuyện như vậy chứ."

Cẩm Vân múc nhiều đường đỏ hơn thường ngày, mong rằng nó có thể dễ uống hơn phần nào. Chị khuấy tan đường rồi đưa cho tôi.

"Diệp Dung, như chị đã từng nói những loại thuốc này rốt cuộc cũng chỉ có thể chữa được những thứ bên ngoài. Quan trọng là tâm bệnh, em có thể buông bỏ như vậy thì chị cũng thấy mừng cho em."

Tôi nhận lấy bát thuốc, trái lại với sự mong đợi của chị. Vị ngọt kháy đấy khiến cho tôi sởn hết cả da gà, nhưng vẫn cười nói để chị an tâm.

Có một thời gian tôi thường xuyên mất ngủ, phải liên tục dùng thuốc an thần mới có thể bình tâm lại được. Chỉ cần mỗi khi nhắm mắt lại, cảnh tượng kinh hoàng năm ấy lại hiện về. Lặp đi lặp lại như một thước phim tua chậm đầy ám ảnh.

Gương mặt đầy máu của Ngọc và cả những con người đã phải chết vô tội. Tất cả cứ như một sợi dây xích buộc chặt vào chân tôi, khiến cho tôi chẳng thể nào ngẩng đầu lên được.

Mỗi khi một cơn ác mộng xuất hiện, tôi lại mơ về đứa bé đã từng nắm chặt lấy tà váy của mình. Trong cơn ác mộng đó, thằng bé cứ khóc ầm lên nói rằng tôi hãy đem nó rời khỏi đây, hãy đưa nó trở về nhà, trở về với vòng tay che của mẹ nó.

Rồi tôi thấy trong cảnh hỗn loạn trăm họ lầm than ấy, quân giặc đã dùng một mũi tên cắt đứt sinh mệnh của mẹ tôi.

Đến cả bên cạnh người nốt những giây phút cuối cùng của cuộc đời, tôi cũng không thể làm được.

Và trong màn đêm u tối dường như sẽ chẳng bao giờ khép lại trong tâm trí, tôi thấy Trần Quốc Toản toàn thân đầy máu đang nằm trong vòng tay của mình.

Khuôn mặt của vị phó tướng ấy dần tái nhợt đi những vẫn cố gắng nở một nụ cười dịu dàng mà nói với tôi rằng.

"Nàng đừng khóc, mai là ngày đại thắng rồi..."

Khi tôi tỉnh dậy trong căn phòng trống trải chỉ còn mình mình ấy. Tôi mới thấy nhớ khúc hát ru yêu thương của mẹ. Chỉ có thể tự ôm lấy chính bản thân mà an ủi rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Chưa bao giờ tôi thấy cô đơn đến vậy.

Nhưng vào cái đêm cuối cùng ở trại Hưng Đạo vương, tôi đã nhận thấy rằng mình không thể cứ tiếp tục sống mãi trong quá khứ như vậy. Đoạn kí ức kia nên trở thành động lực cho tôi chiến đấu chứ không phải thứ sẽ kéo tôi xuống đáy vực.

"Còn có một điều em vẫn chưa hiểu được."

Cẩm Vân dựa người vào lưng ghế, dịu dàng hỏi.

"Là chuyện gì?"

Tôi xoáy chặt tà áo đỏ rực trong tay, e dè hỏi.

"Chị biết truyện về tương lai của Yết Kiêu đại nhân chứ?"

Hay nói thẳng hơn là, chị biết Yết Kiêu sẽ hi sinh trong trận chiến Mông Nguyên hai lần này chứ? Chị có biết rằng Yết Kiêu sẽ chẳng thực hiện được lời hứa bên nhau trọn đời trọn kiếp mà những người yêu nhau vẫn thường hay hứa hẹn hay không?

Đôi mắt vẫn đang chớp nhẹ của Cẩm Vân bỗng chốc dừng lại. Nàng nhìn ra xung quanh, đảm bảo không có ai ở gần đây thì chậm rãi nói, không mảy may ngạc nhiên hay kích động gì cả.

"Cái này chị biết."

Phạm Cẩm Vân vốn là sinh viên năm cuối của đại học y, tương lai hay tiền đồ đều xán lạn. Cả ngày của nàng đều dành hết tâm lực để hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học. Lúc nào cũng đắm chìm vào trong tầng lới tài liệu dày cộp, những thứ như lịch sử vốn là muốn cũng không có đủ thời gian để tìm hiểu thêm.

Mẹ nàng thấy con gái vì chạy luận văn tốt nghiệp mà đôi mắt vốn thâm quầng này lại càng đầy mệt mỏi hơn thì kiên quyết bắt cô ra ngoài đi dạo hít khí trời.

Cẩm Vân bị mẹ đẩy ra khỏi nhà rồi đóng cửa sầm lại. Nàng bất lực đành phải nghe lời mà lê kéo cái cơ thể già trước tuổi của mình ra khỏi nhà.

"Dù sao đến nhà sách kiếm sách nào về y dược thì cũng được coi là có ra ngoài rồi chứ nhỉ?". Nàng thầm nghĩ.

Cẩm Vân rảo bước đi tìm quầy sách về y học. Khi vô tình dạo qua quầy sách lịch sử, một quyển sách có bìa xanh được đặt trên kệ cao đã thu hút nàng. Bước chân nàng dừng lại, bàn tay bất giác vươn lên chỗ để sách.

Hiệu sách cuối tuần đông trẻ con hơn hẳn thường ngày, không khí xung quanh đầy ồn ào và náo nhiệt. Nhưng chưa bao giờ trong tâm trí nàng lại tĩnh lặng đến vậy khi đọc đến cái tên của một người.

"Tên Yết Kiêu là được Hưng Đạo vương đặt tên theo loại cá Kình ngày xưa."

*Theo Wikipedia: Ông đã được nhân dân và vua quan nhà Trần gọi là Yết Kiêu (tên một loài cá lớn ngày xưa). Theo Đại Việt sử ký toàn thư tên Yết Kiêu có nghĩa là chó mõm ngắn, ý chỉ thân phận thấp hèn của ông. Mặc dù Đại Việt sử ký toàn thư là nguồn uy tín hơn, nhưng mà thôi khúc này cho tác giả theo Wikipedia đi.

Cẩm Vân trộm cười, sao lại đặt tên người theo loài cá chứ? Nàng thấy cái tên Phạm Hữu Thế cũng đẹp mà. Nếu nàng là người thời đấy, nhất định sẽ gọi bằng tên thật của người ta.

Cẩm Vân chỉ biết sơ qua về lịch sử. Nhưng lại biết rõ nhất về cuộc đời của một chàng trai, âu cũng là duyên phận giữa hai người họ.

"Em định nói với chị rằng rồi một ngày Hữu Thế sẽ ra đi trên chiến trường. Đến cả đền thờ của ngài ấy cũng sẽ chẳng có sự xuất hiện của chị phải không?"

Chị đoán không hề sai, đúng là tôi có ý định hỏi về chuyện này.

"Em chưa nói chuyện đấy với Hữu Thế chứ?"

Tôi vén tóc mái hai bên lên cho chị xem vết sẹo nhỏ ở góc trán của mình.

"Năm ấy em từng định tiết lộ tương lai với mẹ em mà bị ngã đập đầu vào đá nên mất một phần kí ức. Em cứ nghĩ là đấy là hình phạt của việc tiết lộ tương lai, nhưng không ngờ khi nói chuyện với đại tướng lại không bị làm sao cả."

Chị Cẩm vuốt lại tóc mái cho tôi.

"Diệp Dung à."

"Dạ?"

"Thực ra em không phải là người đến từ tương lai đầu tiên mà chị gặp."

Rồi chị nói tiếp.

"Lịch sử có nguyên tắc của nó, đó là điều chị rút ra được sau khi chứng kiến những người giống chị em mình. Mỗi một con người từ khi sinh ra đều đã được định sẵn sẽ có một kết cục riêng. Việc tiết lộ số phận về cái chết với họ là đi ngược lại với nguyên tắc đó. Cũng có những người vì cố chấp muốn thay đổi mà đã..."

Tôi nhìn thẳng vào mắt chị, rất trông chờ câu trả lời kia. Nếu như tôi có khả năng thay đổi số phận người khác thì sẽ ra sao?

"Đã mất mạng." Ba từ ấy như cắt đứt tia hi vọng cuối của tôi.

Vậy nếu như chị đã biết rõ chuyện này, vậy tại sao chị vẫn lựa chọn ở bên Yết Kiêu. Chị không sợ một ngày nào đó sẽ phải trải qua nỗi đau mất đi người mà mình yêu thương hay sao?

Tôi đã từng trải qua nỗi đau kinh hoàng ấy. Thật sự không muốn rồi chị cũng giống như tôi, ân hận và day dứt rất lâu.

"Vậy tại sao chị vẫn lựa chọn bên cạnh ngài ấy?"

Cẩm Vân chống tay nghiêng mình mình nhắm mắt lại cười. Cách cười này rất giống với cách Yết Kiêu hay nhìn chị cười vậy.

"Diệp Dung, nếu như lúc nào cũng chỉ sống vì quá khứ và lo lắng vì tương lai, em sẽ mãi chẳng thể nào hạnh phúc ở hiện tại. Khi một người mà mình yêu thương không còn nữa, thứ họ để lại là những kỉ niệm đẹp. Như vậy là đủ rồi."

Tôi im lặng suy nghĩ một hồi rất lâu. Lời kia nhất thời tôi vẫn chưa thể hiểu hết được.

Kỉ niệm ư?

Còn có thứ được gọi là kỉ niệm sao?

Tiếng hát ru hời và vòng tay yêu thương của Ngọc một lần nữa đã sưởi ấm trái tim đầy tổn thương của tôi.

Yết Kiêu đã trở về từ đội thủy quân, tay xách theo một con cá chép đưa cho Cẩm Vân. Tôi có thể thấy trong ánh mặt hai người họ chứa chan nhiều tình cảm dành cho đối phương đến thế nào. Đôi khi tình cảm không cần cảm nhận qua lời nói, từng hành động giữa hai anh chị đều là yêu cả.

"Em ở lại ăn tối với chị và Hữu Thế nhé. Chị sẽ làm món cá kho, đảm bảo không bỏ hành lá đâu nè."

Tôi biết ý đứng dậy. Thời gian hiếm hoi trong ngày hai người họ được bên cạnh nhau, tôi ở lại làm gì chứ?

"Dạ thôi ạ. Em còn việc ở đô làm chưa xong, em về trước ạ."

Khi tôi đi khỏi. Yết Kiêu xắn tay áo lên nhóm lửa phụ Cẩm Vân kho cá. Hai anh chị cứ như vậy mà cùng nhau trải qua khoảng thời gian yên bình và hạnh phúc cuối ngày.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro