Chương 5-2: Khúc nhạc bảy trăm năm.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chợ Bưởi ngày chín, ngày tư

Riêng một tháng Tám lại dư phiên rằm

Ai ơi nhớ lấy kẻo nhầm

Đi mua hoa quả chơi rằm Trung thu.

(sưu tầm)

Ngày 15 trọng thu, Vạn Kiếp- Đại Việt.

Hôm nay là Tết rằm trung thu và cũng là ngày sinh nhật tròn mười lăm tuổi của ai đó. Tuổi mười lăm lại đến với tôi thêm một lần nữa theo cách mà chẳng ai ngờ tới được. Nếu ở thời hiện đại thì tuổi này của tôi âu cũng được coi là thiếu nhi và cũng sẽ được nhận quà.

Chẳng biết là may mắn hay xui xẻo mà tôi lại có cơ duyên có được ăn mừng số lần sinh nhất gấp đôi người bình thường. Hai mươi ba năm sống ở Việt Nam cộng thêm mười năm sống ở Đại Việt đã khiến cho hai từ sinh nhật trong tôi cũng trở nên nhạt nhòa dần, chẳng còn thấy hào hứng hay muốn tổ chức gì đặc biệt cả.

Nếu bây giờ may mắn được một ngày nghỉ, tôi sẵn sàng dùng toàn bộ số thời gian đó để ngủ bù. Ngày nào tôi cũng cùng với các binh sĩ khác dượt trận cùng tướng quân Nguyễn Địa Lô từ sáng sớm đến chiều muộn. Đến đêm nằm mơ cũng thấy mình đang giết giặc, mà những giấc mơ về chết chóc đó thì chẳng lấy làm vui vẻ gì cả.

Kinh thành Thăng Long năm nay vẫn tổ chức lễ cúng trời đất và phá cỗ cho bọn trẻ dù cho có vì chiến tranh mà chẳng thể nào đông vui như những năm trước được. Vì sinh nhật tôi cũng trùng với Tết Trung thu nên thầy cho phép tôi có thể kết thúc buổi huấn luyện với binh sĩ sớm hơn mọi ngày để tới chỗ chị Cẩm Vân tổ chức chút gì đó.

Ngặt nỗi vì khoảng thời gian luyện tập bị kéo ngắn lại mà tôi lại phải chỉ huy binh sĩ gấp rút hơn mọi khi. Thành ra đến khi kết thúc buổi tập hôm nay thì cơ thể tôi đã mệt rã rời vô cùng, chẳng còn sức mà ăn với chả mừng.

Vậy là tôi quyết định sẽ tổ chức tiệc sinh nhật cho mình bằng cách dành thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi đó mà ngủ bù. Tôi vừa nằm xuống chiếc võng êm ái, cơ thể ngay lập đã mềm nhũn ra. Cơn buồn ngủ kéo đến xâm chiếm toàn bộ tâm trí. Tôi yên tâm đắp chăn đi ngủ, cảm thấy dễ chịu vô cùng.

"Happy birthday to me." Tôi tự nhủ trong đầu rồi thiếp đi.

Cùng lúc đó, Cẩm Vân đã an toàn dẫn Trần Quốc Toản vượt qua lớp canh phòng bên ngoài doanh trại để đến trước lán nghỉ ngơi của tôi. Nàng ráo riết nhìn xung quanh, đảm bảo không có ai đi theo thì mới thở phào yên tâm.

"Tôi đưa ngài đến đây được thôi. Còn lại thì phải chúc may mắn ngài rồi."

Trần Quốc Toản kéo mũ trùm đầu xuống. Chàng gật đầu với chị Cẩm Vân.

"Cảm ơn Phạm quân y."

Cẩm Vân nhún nhẹ hành lễ. Vừa rồi nàng cũng không tin mình có thể đưa người vào một cách thuận lợi đến như vậy.

"Không có gì, tôi xin phép đi trước."

Trần Quốc Toản cũng chắp tay đáp lễ lại.

Cẩm Vân rời đi trước, vừa đi vừa cười tủm tỉm. Khi nàng vừa bước vào lán của mình thì thấy Yết Kiêu đã ngồi đợi ở đó từ bao giờ. Yết Kiêu nhận ra Cẩm Vân có chuyện vui. Chàng tự rót một ly trà rồi ung dung hỏi nàng.

"Nàng dẫn Hoài Văn hầu vào doanh trại làm gì vậy?"

Cẩm Vân cũng ngồi xuống. Nàng mở to mắt, đầy ngạc nhiên nhìn Yết Kiêu.

"Sao chàng lại biết? Thiếp có thấy ai đâu?"

Yết Kiêu đưa ly trà cho nàng, chàng cười nói.

"Nàng nghĩ có thể dẫn người lạ vào doanh trại của Hưng Đạo vương dễ dàng như vậy sao?"

Cẩm Vân suy nghĩ một hồi lâu, cuối cùng cũng hiểu ra. Nếu không có Yết Kiêu phát hiện ra và sắp xếp ngay từ đầu thì nàng đã chẳng thể dẫn người vào được. Hôm nay trùng hợp Trần Quốc Tuấn cũng không ở doanh trại, ngẫm kỹ lại thì đúng là chẳng có sự ngẫu nhiên nào xảy ra cả.

Cẩm Vân dựa người lên vai Yết Kiêu, nhỏ nhẹ nói rằng.

"Hữu Thế, chàng đúng là tuyệt nhất trên đời."

Trần Quốc Toản hạ giọng nhỏ gọi tôi.

"Diệp Dung."

Trong lán vẫn im lặng, không có ai đáp lại lời chàng cả. Trần Quốc Toản gọi thêm một lần nữa

"Diệp Dung."

Người bên trong vẫn giữ yên lặng, đợi hồi lâu cũng không có chút hồi đáp lại nào.

Trần Quốc Toản do dự một hồi rồi vén lớp vải bước vào. Chàng tiến lại chỗ chiếc võng tối màu treo trong góc lán.

"Diệp Dung?"

Khi chàng kéo tấm chăn dày trên võng ra, dưới lớp chăn đó lại chẳng có ai cả. Cùng lúc đó sống lưng chàng liền cảm thấy có vật gì đó lạnh lẽo kề phía đằng sau.

Dây cung trên tay tôi đã được kéo căng hết mức, mũi tên sẵn sàng phóng ra bất cứ lúc nào.

"Thứ biến thái nhà ngươi! Đêm hôm vào chỗ đàn bà con gái làm gì?"

Trong bóng tối mờ ảo, tôi chỉ thấy thân ảnh to lớn đưa hai tay lên không trung.

Tôi lớn tiếng đe dọa, càng siết chặt dây cung hơn.

"Ngươi thử cử động đi! Bổn quân trưởng sẽ tiễn ngươi về với đất mẹ ngay lập tức."

Người đó chẳng có vẻ gì là sợ hãi mà từ từ quay lại phía tôi. Ngọn nến trên bàn dần cháy mạnh hơn. Ánh nến hắt lên dung mạo như họa trước mắt.

Ngay khi nhìn rõ người đó là ai, tôi vội vàng đặt cây cung xuống. Tên bắn bị tôi ném ra đằng sau lưng.

Vừa nãy tôi ngủ say quá. Say xưa đến lúc chàng vừa đặt bước chân đầu tiên thì tôi mới kịp nhận ra

Tôi không tin vào mắt mình. Là Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. Chàng đang ở trong lán của tôi, trong doanh trại của Hưng Đạo vương.

Tôi tập trung nghe kĩ động tĩnh, chắc chắn không có ai đang ở gần mình thì mới hỏi.

"Sao anh lại ở đây giờ này? Lỡ bị phát hiện thì sao?"

Gió lạnh lùa vào thổi tắt ngọn nến đang cháy. Mọi thứ dần chìm lại vào màn đêm khiến cho tôi không còn nhìn rõ Trần Quốc Toản được nữa.

Tôi nghe thấy giọng nói trầm ấm của chàng thiếu niên quanh tai.

"Em mặc áo ấm vào đi. Tôi sẽ dẫn em đi một nơi."

Tôi đưa tay che miệng ngáp mấy cái, giờ này còn đi đâu nữa chứ. Tôi đang buồn ngủ lắm, thật sự không có hứng đi đâu cả.

Trần Quốc Toản tưởng tôi không nghe rõ, hỏi lại.

"Diệp Dung, em có nghe thấy lời tôi không?"

Nghe thấy chàng gọi tên mình, một dòng điện như chạy qua tim tôi. Tinh thần bỗng trở nên tỉnh táo hơn bao giờ hết.

"Anh muốn đưa tôi đi đâu?" Tôi vừa mặc áo bông trắng của mình vừa hỏi

Tay tôi được một bàn tay to lớn nắm lấy. Hơi ấm từ đôi tay chàng dần sưởi ấm tay tôi. Mùi hương trần bì nhàn nhạt quấn quýt quanh tay.

Trần Quốc Toản kéo tay tôi rời khỏi lán, trong giọng nói chứa đầy niềm vui.

"Đi thôi, tôi sẽ dẫn em đi xem thứ này."

Cùng với những cơn gió mùa thu của Vạn Kiếp, hai người thiếu niên nắm tay nhau rời khỏi doanh trại. Trước mắt tôi giờ đây chỉ còn bóng lưng lớn của chàng đang che khuất cả ánh trăng.

Chúng tôi vừa đi, gió vừa thổi lay động khiến cho lớp áo choàng dày của chúng tôi phất bay trong gió. Tôi nhìn bàn tay mình đang nằm gọn trong tay chàng rồi lại nhìn lên người thiếu niên đang nắm lấy tay tôi.

Trong lòng liền dâng lên một thứ cảm xúc tham lam, giá như giây phút bình yên này có thể kéo dài cả đời thì tốt biết mấy.

Chàng dẫn tôi đến một khoảng rừng trống cách không quá xa doanh trại. Ánh trăng sáng dần bị che lấp bởi những tán cây, khiến cho tôi chỉ có thể dùng trực giác để cảm nhận vạn vật xung quanh.

Chàng thả tay tôi ra rồi nhẹ nhàng vỗ tay ba cái.

Hai bên hàng cây bỗng chốc sáng rực lên. Hàng loạt lồng đèn trung thu được thắp sáng trong đêm trăng rằm năm đó. Tôi ngây người ngắm nhìn những chiếc lồng đèn đủ sắc màu men theo chiếu sáng rực rỡ cả lối đi. Một cơn gió thoáng thổi qua, tiếng chuông gió vang rền hai bên rặng cây.

Hình ảnh của tôi phản chiếu trong ánh mắt chàng. Khóe môi Trần Quốc Toản khẽ cong lên. Chàng cười dịu dàng nói với tôi rằng.

"Chúc mừng sinh em Diệp Dung."

Rồi một lần nữa chàng đưa tay ra. Ánh mắt chàng tràn đầy mong đợi. Tôi ngẩn ngơ một hồi, cuối cùng vẫn quyết định nắm lấy tay chàng.

Trần Quốc Toản theo hướng lồng đèn mà tiếp tục dẫn tôi đi. Khi chúng tôi bước đến điểm cuối của con đường treo đầy lồng đèn, một tiếng sáo trong trẻo khẽ vang lên.

Tiếng sáo trúc lúc nhẹ nhàng mềm mại, lúc lại kéo dài thanh thoát ngân vang khắp nơi. Rồi tiếp đó là tiếng đàn tam thập lục và tiếng đàn tỳ bà, đàn nguyệt và cả tiếng đàn bầu. Một dàn nhạc cụ năm người đang chơi khúc hát ru mà mẹ tôi vẫn thường hát những ngày còn bé. Tiếng đàn như đang khiêu vũ cùng với tiếng sáo dưới những ánh nến của lồng đèn.

Một khúc nhạc vang vọng âm hưởng của bảy trăm năm, là khúc nhạc mà Trần Quốc Toản chuẩn bị dành riêng cho tôi. Là hàng chục chiếc lồng đèn được thắp sáng riêng dành cho một mình Diệp Dung.

Những dòng kí ức tưởng chẳng còn thuộc về mình nữa dần tái hiện trở lại trong bức tranh kỷ niệm quá khứ của tôi hay là tương lai của chàng. Tôi nhớ đến cái ngày mà lần đầu tiên mình được chạm vào cây kèn đồ chơi mà bố mẹ tặng, tập bi bô hát theo những bài hát được cô giáo dạy.

Nhớ đến cái cảnh thầy hiệu trưởng tóc trắng bạc phơ hiền từ xoa đầu tôi rồi nói với bố mẹ nên chuyển tôi sang trường năng khiếu âm nhạc để học. Nhớ đến cây đàn vĩ cầm đầu tiên trong cuộc đời của tôi. Rồi từ đó mà tình yêu với âm nhạc của tôi dần được nuôi lớn hơn mỗi ngày.

Tôi thông thạo hơn hai mươi loại nhạc cụ từ truyền thống dân tộc đến cả nhạc cụ phương Tây. Cảm xúc hạnh phúc về cái ngày mà tôi độc tấu đàn tam thập lục trước khán phòng hơn trăm người dần trở về. Âm thanh vỗ tay tán thưởng vang rền khắp khán phòng của hàng trăm thính giả lần nữa vang vọng lại trong tâm trí tôi.

Và cả cái ngày tôi nhận được tin mình là thủ khoa Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia hay là ngày tôi nhận được chiếc bằng tốt nghiệp loại xuất sắc.

Giọng nói của Lý Ánh Ngọc trở về từ trong những tháng năm bình yên nhất trong cuộc đời tôi. Người ân cần chỉ tôi cách chơi đàn nhị, rồi cả nét mặt ngạc nhiên của người khi nhìn thấy tôi học rất nhanh nữa.

Trần Quốc Toản nghiêng người ngắm tôi, tay chàng vẫn nắm chặt lấy tay của người con gái áo đỏ ấy.

"Ta mong nàng sẽ không bao giờ từ bỏ tình yêu với âm nhạc, nó sẽ vẫn mãi ở trong tim nàng mà thôi."

Nước mắt tôi cứ vô thức chảy thành tường hàng dài trên gò má. Chàng nói đúng tình yêu với âm nhạc của tôi chưa bao giờ biến mất cả. Nó vẫn lặng lẽ ở yên trong tim đợi một ngày trở lại.

Vậy mà tôi lại chối bỏ nó, chối bỏ cả bản thân.

À ơi...

Con cò, cò bay lả, lả, bay la

Bay từ từ cửa phủ,

Bay ra, ra cánh đồng

Tình tính tang, là tang tính tình.

Duyên tình rằng, ấy duyên tình ơi,

Rằng có nhớ, nhớ hay chăng?

Rằng có biết biết hay chăng?

"Diệp Dung à..." Trần Quốc Toản lau nước mắt cho tôi, giọng nói của chàng dần chàng hòa cùng với tiếng sáo. Dưới ánh nến ấm áp từ lồng đèn, là câu nói mà cả đời này tôi cũng không quên được.

"Ta cũng sẽ không bao giờ từ bỏ nàng đâu."

Sau khi khúc nhạc đó kết thúc, mọi người cũng dần rời đi để lại tôi và chàng một mình dưới ánh nến sáng rực của những chiếc lồng đèn. Nước mắt làm nhòa đi tầm nhìn của tôi, nhưng cảm xúc trong tim lại chưa bao giờ rõ ràng đến vậy.

Cơn gió ngang qua áo choàng đen để lộ ra lớp quân phục đỏ rực của chàng. Màu đỏ rực ấy rất giống với màu áo quân phục của tôi.

Ánh trăng tròn ngày rằm lướt trên khuôn mặt hai người thiếu niên áo đỏ. Đôi mắt đen sâu thẳm như hồ nước mùa thu của chàng khẽ chớp nhẹ. Chàng nâng tay người con gái kia lên, đặt một nụ hôn vào tay nàng.

"Diệp Dung, chiến tranh sắp đến rồi. Ta không muốn sau này phải hối hận bất cứ điều gì."

Tôi bất giác ngây người, không phải là điều tôi đang nghĩ đến chứ?

"Ý anh là..."

"Ta thương nàng, thương nàng vô ngàn. Ta đã phải lòng nàng từ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau ở kinh thành Thăng Long rồi."

Rồi chàng nói tiếp.

"Diệp Dung, dù cho nàng không nói ra. Nhưng ta biết trong lòng nàng có hàng ngàn những điều ân hận trong quá khứ. Ta không muốn nàng lúc nào cũng phải chịu đựng một mình. Để ta bên cạnh nàng đi, để ta cùng nàng vượt qua những tháng năm về sau."

Nước mắt tôi lại tiếp tục chảy ra. Chàng đang nói với tôi chàng thích tôi, rằng chàng muốn ở bên cạnh tôi.

"Chuyện ở lộ Lạng Châu ta đều đã biết cả rồi. Nàng đã rất cố gắng, đã làm rất tốt rồi. Chúng ta sẽ cùng nhau trả món nợ máu này lại cho quân thù."

Trần Quốc Toản vội lau nước mắt cho tôi, giọng chàng có vài phần lúng túng.

"Nàng đừng khóc. Ta sẽ không bắt nàng đồng ý đâu."

Nước mắt của tôi cứ chảy ra không ngừng được. Trong làn nước mắt, chàng thiếu niên kia vẫn không buông tay tôi, nhiều năm sau chàng vẫn không chọn từ bỏ tôi.

Chàng thiếu niên trước mặt tôi là Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, tương lai là phó tướng của Chiêu Văn vương. Chỉ ba năm nữa thôi, chàng sẽ vì giang sơn Đại Việt mà không còn trên cuộc đời này nữa.

Tại sao tôi cũng đã phải lòng chàng kia chứ? Tại sao khi chàng nói muốn ở bên cạnh tôi, tôi lại muốn bỏ qua tất cả để đồng ý với chàng.

Tương lai đợi chờ đoạn tình này của chúng tôi là cuộc chia ly âm dương, là nỗi đau mất đi người thân một lần nữa của tôi.

Lý Diệp Dung được định sẵn là chẳng thể ở bên cạnh Trần Quốc Toản cả đời được. Tình cảm của chúng tôi rồi sẽ cũng kết thúc trong một nỗi buồn ở sông Như Nguyệt.

Tôi nức nở. Một ngàn vạn điều muốn nói nhưng lại chẳng thể nào thốt ra. Sự hy sinh mà chàng dành cho Đại Việt này là quá lớn, là cả tuổi thanh xuân đẹp nhất của chàng và là cả tuổi mười tám tươi trẻ ấy nữa.

"Tại sao anh lại thích tôi? Tôi chẳng phải là kiểu con gái hiền dịu gì cả, hở một cái là la mắng binh sĩ. Tôi có cái gì cho anh thích chứ?"

Đáng lẽ ra câu hỏi đó phải dành cho tôi, tại sao tôi lại thích Trần Quốc Toản? Tại sao tôi lại cố chấp thích một người rồi cũng sẽ về với đất nước, quê hương, không thể ở bên cạnh tôi trọn đời trọn kiếp người này được.

Chàng vẫn nhẹ nhàng lau nước mắt cho tôi, khẽ thở dài rồi nói.

"Diệp Dung à, nàng luôn rất mạnh mẽ, nhưng những lúc yếu đuối lại chẳng muốn cho ai hay. Ta thật sự đau lòng khi chứng kiến nàng cô đơn đến nhường vậy. Tấm chân tình này của ta, ta mong nàng có thể hiểu được."

Tôi nín không khóc nữa, hít sâu rồi nói.

"Anh hãy để cho tôi thêm thời gian để tôi suy nghĩ đã."

Trần Quốc Toản mỉm cười gật đầu.

"Nghe theo nàng cả. Để ta đưa nàng về."

Lần này chàng chỉ có thể đưa tôi đến trước cửa doanh trại. Tôi ngoái lại nhìn người thiếu niên áo đỏ, thấy trên khuôn mặt anh tú vẫn là nụ cười ấm áp đấy.

"Nàng ngủ sớm đi nhé, Diệp Dung."

Rồi chàng nói thêm.

"Ta ở phủ Chiêu Văn vương chờ câu trả lời của nàng. Hoặc nàng chỉ cần cho người truyền tin, ta sẽ đến Vạn Kiếp gặp nàng."

Vậy là Chiêu Văn vương đã thu nhận chàng rồi, dòng chảy lịch sử này vẫn sẽ tiếp tục phải chảy thôi.

Dòng chảy lịch sử và tình cảm của chúng tôi, đều không thể ngăn được.

Dù cho đó có là điều tôi khao khát nhiều đến nhường nào.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro