Chương I. Một xáo trộn nho nhỏ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở ngoại ô thị trấn Makochi có một căn nhà cổ nằm tách biệt tại một nơi đất rộng vắng người qua. Tương truyền rằng, khi xưa có một gia đình người Việt lưu lạc đến đây, và rồi khi gia đình ấy ăn nên làm ra, đã dồn công sức và của cải để xây lên căn nhà ấy để thỏa nỗi nhớ quê hương. Thời gian dần trôi, hai người con gái thứ và út của gia đình lần lượt được gả đi, chỉ duy nhất còn người con gái cả suốt đời không xuất giá mà lại phụng dưỡng cha mẹ già. Khi cả gia đình ấy mất đi, căn nhà vẫn ở đó, nhưng không phải vô chủ. Người ta sẽ luôn thấy một bé gái xuất hiện ở căn nhà ấy vào giỗ đầu của người con gái cả. Cô bé ấy gắn bó với căn nhà ấy cả một đời mà không nên duyên với ai, và khi một kiếp sinh lão bệnh tử qua đi, người ta lại thấy một bé gái ấy vào ngày giỗ đầu của lão bà kia. Vòng lặp ấy cứ thế diễn ra suốt hàng trăm năm, và sau ngần ấy thời gian, người dân xung quanh cũng coi đó là lẽ thường, nên chẳng còn ai đến xoi mói hay bàn tán chuyện người trong căn nhà ấy là ma hay là quỷ như ban đầu nữa.

Về người con gái kia, khi cha mẹ đã về nơi đất trời đoàn tụ với tổ tiên, cô sống một mình trong căn nhà năm gian rộng lớn cho đến cuối đời. Trong những năm tháng còn ở giữa trời và đất, cô, vốn là một người trầm tính, ít nói nên thành ra không có nhiều bạn, với cả người ta họ cũng dị nghị con gái đã quá tuổi cập kê mà vẫn chưa nên duyên. Còn hai người em, cô được gặp chúng khi chúng về thăm nhà vào những dịp những giỗ chạp hay năm mới. Những ngày còn lại, chỉ có mình cô lủi thủi với cây, với hoa, với gió, ấy thế nào lại nghe được tâm tư của từng bông hoa, từng tán cây và từng cơn gió thoảng. Và những người bạn tư tâm ấy, ở bên cạnh cô đến khi cô từ giã cõi trần. Cứ ngỡ lúc mở mắt ra sẽ được gặp cha mẹ, ông bà, tổ tiên, nhưng không, những gì cô thấy đầu tiên là cái trần nhà gỗ quen thuộc, khi nhìn bản thân thì thấy mình đã ở trong hình hài của một đứa trẻ. Hoang mang thập phần, cô liền làm việc duy nhất có thể làm là đi tìm một bà đồng để sáng tỏ mọi chuyện, nhưng sự xuất hiện của cô là quá bất thường, không một ai cho phép cô gặp họ. Bất lực, cô đành thắp nhang cầu khấn tổ tiên, mong được đền đáp. Quả nhiên có hiệu nghiệm, tối đó cô được bà tổ cô về báo mộng:

"Con sống cả đời chăm lo cho người khác mà không màng đến thân mình, từ nhiều kiếp trước đã như vậy. Bọn ta đã khuyên con hãy biết sống cho bản thân, nhưng con đầu cứng như đá cuội, kiếp này đến kiếp khác đều như vậy, mọi lần thì không sao, nhưng kiếp trước con phạm tội trời, là cố ý cắt đi sợi hồng tơ của con để có thể ở lại phụng dưỡng cha mẹ. Bình thường tội này nặng, hình phạt sẽ kinh khủng hơn, nhưng bề trên hiểu được thiện ý của con, nên con chỉ bị phạt không được về với tổ tiên cho đến khi sợi tơ hồng của con được dệt lại. Từ bây giờ đến lúc đó, con sẽ tiếp tục ở căn nhà này coi như chăm lo cho đền thờ tổ tiên đã dựng. Nên nhớ, đừng bao giờ nghĩ tới chuyện cắt hồng tơ một lần nữa, không thì hậu quả khó lường."

Chuyện là thế đấy, hóa ra cái lần cô vì muốn trọn đời phụng sự cha mẹ nên đã tìm bà đồng cắt duyên lại mang lại hậu quả như này. Thôi thì chuyện đã đành, cô có làm có chịu, cũng không biết bao giờ tơ hồng của cô được dệt lại, giờ việc cô có thể làm là toàn tâm toàn ý chăm lo cho mảnh vườn căn nhà này thôi.

Cứ như vậy, hằng trăm năm đã trôi qua, đến một kiếp khi cô mang trên mình cái tên Nguyễn Hoàng Liên, thì tơ hồng đã được buộc trên ngón út, nhưng vì thiên cơ bất khả lộ, nên Liên cũng chẳng hay, cứ thế bắt đầu công việc cô đã làm suốt bao nhiêu kiếp người. Quét dọn nhà cửa, chăm sóc cây cối, lo chuyện hương khói và cúng bái tổ tiên, tuy tay còn nhỏ, chân đứng còn chưa với tới bàn thờ, nhưng trăm hay không bằng quen tay, Liên lo liệu mọi chuyện ổn thỏa, nên ngôi nhà tuy rộng lớn và đã nhuốm màu thời gian, nhưng vẫn mang hơi ấm của con người.

Thường thường, Liên khi nghỉ tay sẽ thưởng trà ngắm hoa trong vườn. Liên thích hoa lắm, nên trồng nhiều lắm, thế nên sân nhà của cô mỗi mùa đều rực rỡ sắc hoa. Liên nhìn sắc hoa bạt ngàn ấy nhiều thành quen, nhưng cái cảm giác bồi hồi, thích thú khi nhìn những búp hoa tỏa sắc thì chưa từng phai đi. Mọi năm hoa nở, Liên không bất ngờ khi qua một đêm trong sân đã một rừng hoa đẹp đến nao lòng. Nhưng năm nay, Liên được một phen bất ngờ.

Năm nay hoa nở, có một gia đình nhỏ vô tình đi ngang qua đã bị thu hút bởi những sắc hoa. Liên thấy họ ở ngoài trầm trồ giàn hoa giấy tím biếc xum xuê ở tường rào, cũng thiện ý mời họ vào nhà thưởng trà ngắm hoa. Trò chuyện một hồi, cô biết đó là gia đình Umemiya, và cậu con trai tên Hajime cũng chạc tuổi cô bây giờ.

Hajime là trẻ con đúng nghĩa, hay cười hay nói, vui vẻ hoạt bát, khác hẳn cái vẻ trầm tính ít nói của Liên. Liên nói được một, thì cậu phải nói được mười, dù cả hai mới biết nhau được hơn một tiếng. Hôm đó là lần đầu tiên trong hàng trăm năm, ngôi nhà cổ râm ran tiếng người cười nói. Liên vốn dĩ đã quen với cảnh tịch mịch vắng người, nay có sự xáo trộn đột ngột nhưng cô không phiền. Cái xúc cảm được nói chuyện với người, Liên chưa bao giờ phiền hà. Chính ngày hôm ấy, Liên phá lệ cắt hoa mà đem bó tặng gia đình ấy, với một lời chúc phúc thượng lộ bình an.

Đến xế chiều, người đã về, căn nhà lại trở về vẻ tĩnh lặng vốn có của nó. Tiếc nuối nhìn theo bóng của gia đình nhỏ xa dần, Liên quyết sẽ nhớ mãi những khoảnh khắc của ngày hôm nay, vì đây có thể là lần duy nhất căn nhà của cô nhộn nhịp đến vậy. Nhưng cô đã lầm, gia đình kia thi thoảng lại ghé qua thăm cô, đặc biệt là cậu nhóc Hajime thứ bảy nào cũng sang chơi từ sáng sớm đến xế chiều. Thế nên bây giờ, Liên lại kiêm công việc trông trẻ vào mỗi cuối tuần (dù cô cũng đang là trẻ con).

Liên nay lại có một thói quen mới, đó là đem tặng nhà Umemiya một cành đào mỗi độ Tết đến. Năm nào cũng vậy, dù người Nhật không còn ăn Tết nguyên đán, nhưng cô vẫn đem tặng một cành đào cùng vài thứ quà bánh mừng xuân cho họ. Rồi khi đến trung thu, nhà Umemiya sẽ đem mochi đến tặng Liên, cô đáp lễ bằng hoa quả, trà và bánh. Liên đặc biệt còn làm đèn trung thu tặng Hajime, năm thì đèn con cua, năm thì đèn kéo quân. Thằng bé thích mấy cái đèn đấy lắm, nhóc nói năm nào nó cũng chờ đến trung thu để được Liên tặng đèn cho. Lúc Hajime nói thế, Liên phì cười, cô có cảm giác như có thêm một đứa em trai.

Nhưng đến trung thu năm nay thì khác, tuy trăng vẫn tròn vành vạch, gió thu man mát vẫn đều đặn thổi, nhưng mâm cỗ vẫn bày vẹn nguyên chưa ai phá, chiếc đèn ông sao nhỏ xinh nằm gọn một góc vẫn chưa ai nhận. Trung thu năm nay nhà Umemiya không ai đến, chỉ có Liên một mình thưởng trà với trăng trước hiên nhà.

Hôm sau, Liên hỏi gió, gió đáp, vợ chồng Umemiya và đứa con chưa được sinh ra đã qua đời rồi, là tai nạn. Cả nhà ba người đang hồ hởi đón thêm thành viên mới, nay chỉ còn một. Liên nghe xong mà tim như bị cứa một vệt sâu. Cô sững sờ, ngồi bịch xuống mà bần thần nhìn khoảng sân trước nhà. Liên cứ như vậy đến độ giữa trưa, rồi lê những bước chân nặng trĩu đi cắt một bó cúc vàng để đem viếng người. Hương khói xong xuôi, Liên trở về nhà. Vừa vào đến cửa, Liên đã thấy chiếc đèn ông sao sặc sỡ nằm im lìm ở góc nhà. Cô nghĩ, có lẽ chiều nay cô nên ghé qua cô nhi viện một chuyến, để đem quà bánh trung thu cho những đứa trẻ kém may, và tặng cho Hajime chiếc đèn trung thu.

Tối đó, Liên ghé qua cô nhi viện. Những đứa trẻ thấy cô thì vui lắm, vì cô hay mang quà bánh và quần áo sang ủng hộ, nhưng trong đám trẻ lại không thấy Hajime đâu. Hỏi người chăm sóc thì hay tin Hajime đi ra ngoài từ chiều tới giờ vẫn chưa về. Ngoài trời đã ngả tối, nhưng Liên nhất quyết đi tìm, dù cho người lớn có can ngăn. Cầm theo chiếc đèn lồng, Liên rảo bước đi tìm. Đi một lúc, khi ra đến cầu, đập vào mắt cô là một cảnh tượng kinh hoàng: Hajime đang đứng ngoài lan can của cầu, cậu đã bước một chân ra không trung và....hụt!

"HAJIME!!!"

Liên đánh rơi chiếc đèn lông xuống đất, lập tức dùng khinh công, nhờ gió trợ lực mà nhảy ra túm lấy Hajime, tay còn lại thì bám lấy thanh chắn của lan can. Liên cắn chặt răng, dồn sức mà ném Hajime lên cầu, rồi bản thân mới lồm cồm leo lên. Quả nhiên công sức học khinh công và cái sức vạm vỡ sau bao lần mang vác tre nứa, gỗ mộc về nhà để làm đồ cũng phát huy tác dụng. Nếu Liên cứ nằm ì ở nhà không chịu làm gì, thì chắc giờ này cả hai chầu ông chầu bà rồi.

Hajime bị Liên ném lên cầu thì ho khan không ngừng, Liên vừa trèo lên đã sốt ruột ra vuốt lưng cậu bé. Lúc đó, cô nghe người thanh niên mặc đồng phục Fuurin kia nói.

"Trông nhỏ con mà khỏe phết đấy nhỉ? Mà nhóc biết không, thằng nhãi đó trước đó đã kêu một tiếng không đấy."

"Hả....?"

"Thằng nhãi đó muốn chọn cái chết, nhưng lại chọn cái cuộc sống trên này trong giây phút cuối cùng. Quả là yếu đuối, không như nhóc thấy người bị nạn bất chấp lao ra." Người thanh niên ấy nhìn Liên mà nói, rồi quay sang nhìn Hajime. "Còn mày, nếu đã chọn ở 'trên này', thì cố mà mạnh mẽ lên, để bản thân không gục ngã, vì cuộc đời có nhiều cái khốn nạn lắm. Còn nếu mày cứ lải nhải câu 'giá như', thì chả thay đổi được điều gì đâu."

Liên cau mày nhìn thanh niên dời đi sau khi nói xong, rồi giật mình khi Hajime ngất đi mà đổ gục xuống. Thở dài, Liên muốn búng trán Hajime một cái thật đau, nhưng không nỡ làm thế với người đang bất tỉnh. Thở dài thêm một lần nữa, Liên một tay bế Hajime lên dù cậu nhỉnh hơn cô một chút, một tay nhặt chiếc đèn lồng đỏ nằm sõng soài trên đất lên mà đi về cô nhi viện. Trao trả xong cái thằng nhóc giang hồ mới nhú rắc rối, Liên mới yên lòng đi về.

Mấy hôm sau, Liên thấy Hajime thập thò ngoài cổng. Hajime cứ canh lúc Liên không nhìn thì dòm vào, lúc Liên quay ra thì lại thụt đầu xuống. Chơi mãi cái trò thụt thò này cũng chán, Liên ra ngoài xách tai thằng nhóc kia vào. Cái thằng nhóc này hay lắm, không quản đường xa mà vác mặt đến cổng nhà cô mà không có gan vào. Thảy thằng nhóc vào ghế, Liên đâm một ấm trà, rồi điềm tĩnh hỏi:

"Hôm nay đến có việc gì?"

Liên nói với tông giọng không cao không thấp, cơ mặt cũng không cau có dọa người, thế mà Hajime cớ nào lại run như cầy sấy thế kia? Liên thực sự không hiểu nổi.

(Mãi sau này Hajime mới nói cho cô biết, anh chính là bị cái vẻ điềm đạm như nước hồ mùa thu kia dọa sợ, anh sợ nhỡ đâu anh nói sai một từ thôi là cô sẽ cạch mặt mà cấm cửa anh mãi mãi luôn...)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro