HOAANHTUAN HNOI LS 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CUỘC ĐÁNH CHIẾM BẮC THÀNH CỦA GIA LONG

Cuối tháng 6 năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Quang Toản phải bỏ kinh đô Phú Xuân, chạy ra đến Bắc Thành, đổi lại niên hiệu là Bảo Hưng và ra sức chuẩn bị lực lượng để phản công quân Nguyễn. Đến tháng 12, Quang Toản đem 3 vạn quân vượt sông Gianh tiến đánh quân Nguyễn, nhưng bị thất bại. Nguyễn Quang Toản đem tàn quân chạy thoát ra Bắc.

Nguyễn Ánh thắng trận, đem quân trở về Phú Xuân. Trước khi tiến quân ra Bắc Hà, ngày mùng 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lập đàn Nam Giao làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Gia Long.

Ngày 21 tháng 5 năm ấy, đại quân của Gia Long bắt đầu ra đi từ Phú Xuân. Ngày 28, quân Nguyễn đánh lấy Hà Trung. Ngày 1 tháng 6, thủy quân Nguyễn đánh vào cửa Hội, tiến lên chiếm Vĩnh Dinh, bắt được con Nguyễn Nhạc là Nguyễn Lân. Sau đấy, Gia Long chiếm Nghệ An. Ngày mùng 5, tiến quân đến Thanh Hóa, chiếm Dương Xá (trấn ly Thanh Hóa, bất được Quang Bàn (em Quang Toản). Ngày mùng 7, Phó đô thống chế Vũ Văn Doãn bắt được Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và một số tướng lĩnh ở Thanh Chương (Nghệ An); Vũ Văn Dũng cũng bị bắt ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Ngày mùng 9, bộ binh Nguyễn đánh lấy Tam Điệp, rồi tiến ra Ninh Bình và lấy Châu Cầu (Phủ Lý). Thủy quân Nguyễn vào sông Hồng, ngược lên Vị Hoàng (Nam Định). Ngày 17, quân Nguyễn tiến vào Bắc Thành - Thăng Long, bắt được hơn 100 con voi.

Ngày 21 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long vào Bắc Thành - Thăng Long. Cuộc hành quân của quân Nguyễn từ Phú Xuân (Huế) ra đến Thăng Long (Bắc Thành) vừa đúng một tháng tròn.

Vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản biết thế không thể chống giữ được, liền cùng với các em là Quang Thùy, Quang Thiệu, Quang Dung và các bầy tôi là Tư mã Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Văn Tứ, Đô đốc Tú sang sông Hồng, chạy lên Xương Giang (Bắc Giang), nhưng thế cùng lực kiệt, người thì tự tử, kẻ thì bị bắt. Triều đại Tây Sơn đến đây là chấm dứt.

VIỆC SẮP ĐẶT CƠ QUAN HÀNH CHÍNH TẠI THĂNG LONG

Sau khi chiếm được Bắc Thành từ tay triều Tây Sơn, Gia Long không định đô ở đây mà chọn Phú Xuân (Huế) làm kinh đô của cả nước. Từ đấy, kinh thành Thăng Long phải chịu một sự chuyển đổi lớn: từ kinh thành trong hơn 800 năm trước trở thành trấn thành rồi dần dần trở thành tỉnh thành. Sự chuyển đổi ấy có nhiều lý do: một là các chúa Nguyễn đã từng ở Phú Xuân (Huế) trong mấy trăm năm (từ 1687), ảnh hưởng của nhà Nguyễn tại miền này có nhiều mà nền nếp tổ chức đã có sẵn, cho nên vua Gia Long nhà Nguyễn lúc này không muốn dời đi nơi khác; hai là nhân dân ngoài Bắc khi ấy không tín nhiệm nhà Nguyễn và nhất là tầng lớp sĩ phu Bắc Hà vẫn tưởng nhớ nhà Lê, cho nên việc đóng đô ở Thăng Long là không có lợi cho nhà Nguyễn. Do đấy, Gia Long đã quyết định đóng đô ở lại nơi cũ là Phú Xuân, không ra Thăng Long và cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành.

Lên ngôi năm 1802, Gia Long vẫn giữ tổ chức Bắc Thành nhưng rút lại còn có 5 nội trấn là Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương và 6 ngoại trấn là: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, An Quảng, Hưng Hóa.

Như vậy là Gia Long giải tán Thanh Hóa ngoại trấn (cho lệ vào Sơn Nam hạ) và phủ Phụng Thiên (đến năm 1805 sẽ gọi là phủ Hoài Đức), vì là ly sở của Bắc Thành nên lệ vào trấn Bắc Thành.

Tại Bắc Thành cũng vào năm 1802, ngoài việc đặt chức Tổng trấn, Gia Long cho thiết lập bốn tào: Hộ, Binh, Hình và Công chuyên phụ trách các mặt kinh tế, quân sự và pháp luật. Triều đình lấy chức Tham tri phụ trách các Tào của Bắc Thành. Những viên quan đứng đầu các Tào nói trên đều là quan lại cao cấp ở các bộ tương đương được biệt phái đến. Thí dụ như viên quan Hữu tham tri bộ Hộ tại kinh đô Huế, được cử ra phụ trách Hộ Tào; viên quan Hữu tham tri bộ Binh thì phụ trách Binh Tào v.v...

Tháng 8 năm Nhâm Tuất (1802), tại phủ Phụng Thiên, nơi đóng ly sở của Bắc Thành (Thăng Long), Gia Long cho đặt "một An phủ sứ và một Tuyên phủ sứ thống trị hai huyện" Vĩnh Xương và Quảng Đức (Đại Nam thực lục (gọi tắt là Thực lục). Nxb Giáo dục, H.2002, tập I, tr. 518). Trong đó An phủ sứ là vô quan, phẩm trật vào hàng Tòng tứ phẩm, Tuyên phủ sứ là văn quan cũng có hàm Tòng tứ phẩm. Như vậy, mặc dù Gia Long đã bỏ chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên thời Lê trước đây, nhưng vẫn đặt viên quan đứng đầu phủ này ở quan hàm gằn ngang với viên quan đứng đâu các trấn. Dưới thời Gia Long, chức Trấn thủ đứng đầu các trấn là vô quan có hàm Chánh tam phẩm, và dưới văn quan là chức Tham hiệp hàm Chánh tứ phẩm. Các viên tri phủ đứng đầu các phủ trong các trấn chỉ có hàm Chánh lục phẩm. (Nhực lục, Sđd, tập I, tr. 596, 597).

Năm 1805, Gia Long đổi gọi phủ Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức, và huyện Quảng Đức thành Vĩnh Thuận. Huyện Thọ Xương có 8 tổng, 194 phường, thôn, trại, còn huyện Vĩnh Thuận có 5 tổng, 56 phường, thôn, trại(1).

Tháng 8 năm ất Sửu (1805), lấy cớ chữ Long (Rồng) là tượng trưng cho vua, chỉ có thể dùng cho kinh sư mà thôi, Gia Long đã đổi chữ Long (trong tên Thăng Long) là Rồng thành chữ Long là Thịnh. Cũng với tinh thần đó, chữ Hoàng Thành từ nay không được dùng nữa.

SỨ THANH TỀ BỐ SÂM SANG PHONG VUƠNG CHO GIA LONG TẠI THĂNG LONG

Tháng 8 năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long sai Lê Quang Định làm Chánh sứ, Lê Chính Lộ và Nguyễn Gia Cát sung Giáp ất phó sứ sang nước Thanh cầu phong và xin đổi quốc hiệu là Nam Việt. Để chuẩn bị cho công việc bang giao quan trọng này, Gia Long, trước đó đã cho triệu Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Phan, Phan Huy Ích đến Thăng Long vì "bọn Nhậm vốn là bầy tôi cũ của triều Lê, đã quen công việc. Huy Ích lại từng làm sứ thần của giặc (tức Tây Sơn - TG) đi sang nước Thanh, bèn hạ lệnh cho ở ngoài đề phòng hỏi đến". (Nhực lục, Sđd, tập I, tr.505). Ngoài ra, Gia Long còn lệnh cho quan phụ trách Bắc Thành noi theo thể thức thụ phong dưới triều Lê, xây thêm điện vũ. Đặt điện Cần Chánh ở bên trong 5 cửa trước điện Kính Thiên, ngoài cửa điện Cần Chánh dựng một cái rạp dài, đằng trước đặt cửa Chu Tước và dựng nhà tiếp sứ Thanh ở bên sông Hồng.

Khoảng tháng 8 năm Quý Hợi (1803), nhà Thanh đưa thư nói sứ thần Việt Nam là Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức đã đến Yên Kinh. Vua Thanh sẽ sai Án sát sứ Quảng Tây là Tề Bố Sâm sang tuyên phong. Nhận được tin đó, Gia Long ngay lập tức khởi hành xa giá đi Bắc tuần. Tháng 10 năm ấy, Gia Long đến hành cung Thăng Long.

Tháng giêng năm Giáp Tý (1804), sứ Thanh là Án sát Quảng Tây Tề Bồ Sâm sang đến Thăng Long.

Trước đó, Gia Long sai Lê Quang Định sang xin phong và xin đổi quốc hiệu, trong thư đại lược nói: "Các đời trước mở mang côi viêm bang, mỗi ngày một rộng, bao gồm cả nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối 200 năm. Nay đã quét sạch miền Nam, vỗ yên được toàn côi Việt, nên khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt". Vua Thanh cho rằng chữ Nam Việt giống như Đồng Tây Việt, gợi nhớ cái thời phương Nam lớn mạnh của Triệu Đà, nên không muốn cho. Gia Long hai ba lần phục thư để biện giải, lời nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu phong. "Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước...". (Thực lục, Sđd. tập I, tr. 580).

Lễ tuyên phong được tổ chức long trọng tại thành Thăng Long. Vào sáng sớm, Gia Long sai đặt lỗ bộ đại giá ở sân điện Kính Thiên đến cửa Chu Tước, ngoài cửa đến bên sông Hồng thì bày nghi vệ binh tượng. Lại sai Tôn Thất Cương cùng mấy viên quan nữa đến công quán Gia Quất ở bến sông để nghênh tiếp Tề Bố Sâm.

Hành cung nhà Nguyễn trên nền điện Kính Thiên nhà Lê (Ảnh: tư liệu)

Gia Long đứng chực sẵn ở cửa Chu Tước, có hoàng thân và bá quan theo hầu. Sứ Thanh Tề Bố Sâm đến, vào điện Kính Thiên làm lễ tuyên phong. Nguyễn Văn Thành sung việc thụ sắc, Phạm Văn Nhân sung việc thụ ấn. Lễ xong, Gia Long mời Tẻ BỐ Sâm đến điện Cần Chánh, thong thả mời trà rồi lui.

Sau đó, Gia Long đặt yến Ở công quán Gia Quất, tặng biếu phẩm vật Tề Bố Sâm nhận lấy the, lụa, vải, sừng tê, kỳ nam, còn thừa đều trả lại Sau đó Bố Sâm tặng biếu phẩm vật, Gia Long sai thu nhận một vài thứ để lấy lòng sứ Thanh. Tê Bố Sâm lên đường về nước. Gia Long sai Tôn Thất Chương đưa đi một trạm, còn các quan hậu mệnh có trách nhiệm hộ tống Sâm ra tới tận cửa ải Mục Nam Quan (Lạng Son

Bắc thành thời Tây Sơn: Các sự kiện lịch sử chính

NGUYỄN HUỆ TIẾN RA THĂNG LONG

DIỆT HỌ TRỊNH

Tháng 6 năm 1786 , Nguyễn Huệ chỉ huy hạ thành Phú Xuân của triều đình Lê-Trịnh, liền phái quân chiếm các vùng phía Bắc cho tới tận sông Linh Giang (tức sông Gianh).

Tháng 7 năm ấy, Nguyễn Huệ quyết định tiến quân ra Bắc với danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh" liền một mặt phi báo cho Nguyễn Nhạc (vua Thái Đức) biết, mặt khác chuẩn bị binh mã lên đường.

Quân Tây Sơn chia ra làm 2 đạo: Nguyễn Hữu Chỉnh mang tiền quân đi trước đến sông Vị Hoàng (vùng Nam Định) lấy lương thực, hẹn nhau đốt lửa làm hiệu; còn Nguyễn Huệ mang quân đi sau, để Nguyễn Lữ ở lại giữ thành Phú Xuân.

Ngày 11 tháng 7 năm 1786, quân Nguyễn Hữu Chỉnh đến Vị Hoàng, quân Trịnh chống không nổi bỏ chạy. Chỉnh thu toàn bộ lương thực được hơn 100 vạn hộc thóc, rồi đốt lửa báo tin cho Nguyễn Huệ biết. Sáu ngày sau, ngày 17 tháng 7, quân Nguyễn Huệ gập gió nồm thổi mạnh cũng ồ ạt kéo ra hợp binh với Nguyễn Hữu Chỉnh.

Chiến thuyền quân Tây Sơn kéo thẳng ra Phố Hiến, rồi tiến về phía Thăng Long. Đi đến đâu quân Tây Sơn càng phát hịch tỏ nghĩa phù Lê diệt Trịnh và kêu gọi nhân dân ủng hộ. Tin thất bại liên tiếp báo về, Trịnh Khải phải gọi tướng Hoàng Phùng Cơ đang trấn thủ Sơn Tây về giữ Thăng Long. Quân Tây Sơn tập kích toán quân họ Hoàng đóng ở Thuý ái (xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì) khiến toán này tan rã, rồi tiến thẳng lên bến Tây Long (khu Bảo tàng Lịch sử ngày nay). Trịnh Khải phải đem binh ra trận. Nhưng quân Trịnh vốn suy yếu cực độ nên nhanh chóng thất bại. Trịnh Khải phải thay đổi y phục làm thường dân, chạy sang bên kia sông Hồng nhưng đến làng Hạ Lôi huyện Yên Lãng (tỉnh Vĩnh Phúc) thì bị tuần huyện là Nguyễn Trang bắt, nộp cho quân Tây Sơn. Giữa đường, Trịnh Khải tự sát.

Lực lượng nông dân do Tây Sơn lãnh đạo đã đập tan Nhà nước phong kiến họ Trịnh, xây dựng trên hai thế kỷ.

Ngày 26 tháng 6 năm Bính Tý (1786), Nguyễn Huệ kéo quân vào Thăng Long. Trong chuyến đi ra Thăng Long lần này, Nguyễn Huệ đã được vua Lê Hiển Tông (1740-1786) gả con gái yêu của mình là công chúa Ngọc Hân. Nhưng sau đó vài ngày Hiển Tông qua đời. Theo đề xuất của Ngọc Hân, Nguyễn Huệ lập cháu nội Hiển Tông là Lê Duy Kỳ lên ngôi, tức vua Chiêu Thống. Sau đó ông rút về Nam.

VŨ VĂN NHẬM RA THĂNG LONG

DIỆT NGUYỄN HỮU CHỈNH

Trước khi về Nam, Nguyễn Huệ cho Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại giữ đất Nghệ An. Nhưng lúc bấy giờ tình hình kinh thành Thăng Long không yên: Trịnh Bồng âm mưu tổ chức lại phủ liêu và đặt Lê Chiêu Thống vào địa vị bù nhìn như cũ. Lê Chiêu Thống phải viết thư cầu cứu Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân ra giúp sức.

Năm 1787, Nguyễn Hữu Chỉnh kéo quân vào Thăng Long đuổi Trịnh Bồng và được Lê Chiêu Thống phong làm Bình chương quân quốc trọng sự Đại tư đồ (Tể tướng), tước Bằng Trung công. Chỉnh đem vây cánh chiếm giữ các chức vị quan trọng trong triều đình và ngoài các trấn. Chỉnh tự lập trại quân doanh Võ thành, đóng ở phủ chúa Trịnh, tự tiện giải quyết mọi vấn đê chính trị. Địa vị của Lê Chiêu Thống lại trở thành hoàn toàn bù nhìn.

Những hành động của Nguyễn Hữu Chỉnh ở Bắc Hà đều được Nguyễn Huệ theo dõi chặt chẽ. Cuối năm 1787, Nguyễn Huệ sai Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đem quân ra Nghệ An, hợp binh với Vũ Văn Nhậm và sai Vũ Văn Nhậm làm Tiết chế quân thủy bộ, kéo ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh.

Tháng 12 năm 1787 , Vũ Văn Nhậm kẻo quân ra Thanh Hóa. Trấn thủ Thanh Hóa là Lê Duật, bộ hạ của Chỉnh bỏ chạy.

Được tin quân Tây Sơn kéo ra Thăng Long, Chỉnh vội sai thuộc tướng là Nguyễn Như Thái làm Thống lĩnh, Ninh Tốn làm Tham tán quân vụ đem 2 vạn quân vào Thanh Hóa chống cự. Nhưng Lê Duật và Nguyễn Như Thái đều bị quân Tây Sơn giết chết ở Đa Mai, gần dãy núi Tam Điệp. Chỉ còn một mình Ninh Tốn chạy thoát.

Nghe tin Lê Dưới và Nguyễn Như Thái bị chết, Chỉnh rất bối rối, Lê Chiêu Thống và triều thần cũng hoang mang cực điểm. Nguyễn Hữu Chỉnh và con là Du phải tự mình mang đại đội binh thuyền ra chống Tây Sơn. Nhưng Chỉnh và Du cũng bị Vũ Văn Nhậm đánh cho đại bại. Hai cha con vội vàng chạy về Thăng Long.

Lê Chiêu Thống cũng như Nguyễn Hữu Chỉnh biết rằng không thể chống cự lại với đội quân Tây Sơn thiện chiến nên lại bỏ Thăng Long chạy lên Kinh Bắc. Đến Kinh Bắc thì quân lính trốn đi quá nửa. Chỉnh vội vã đem số tàn quân này vượt qua sông Như Nguyệt (sông Cầu), đến núi Tam Tằng (Bắc Giang) thì gặp quân Tây Sơn đo Nguyễn Văn Hòa chỉ huy chặn đánh. Quân Chỉnh tan ra nhanh chóng, Du bị bắt và bị chặt đầu, còn Chỉnh tế ngựa chạy trốn đến Mục Sơn (thuộc vùng Yên Thế Bắc Giang) thì cũng bị bắt đem về Thăng Long. Vũ Văn Nhậm kể tội và sai xé xác Chỉnh.

NGUYÊN HUỆ RA THÁNG LONG

DIỆT VŨ VĂN NHẬM

Vũ Văn Nhậm trước là tướng của chúa Nguyễn. Tháng 6 năm 1786, bị Tây Sơn bắt được ở Gia Định, Nhậm xin hàng và được Nguyễn Nhạc mến tài gả con gái, phong chức tước cho. Vũ Văn Nhậm theo quân Tây sơn lập được nhiều công lớn, nên khi chiếm được Thăng Long sinh ra kiêu ngạo. Nhậm tự ý lập Sùng Nhượng công Lê Duy Cần làm Giám quốc thực tế là làm bù nhìn, tự mình định đoạt mọi việc ở Thăng Long.

Nguyễn Huệ vốn nghi ngờ Vũ Văn Nhậm từ trước, nên khi sai Nhậm làm Tiết chế quân thủy bộ ra Bắc diệt Chỉnh, đã dụ Ngô Văn Sở rằng: "Nhậm là tướng tài, song ta vẫn không tin hắn. Chuyến này ta cho hắn giữ ấn tiết chế, cầm trọng binh coi chư tướng, gánh vác quân quốc trọng sự, chưa chắc đã không khỏi sinh biến đâu. Ta chỉ lo hắn, chứ Bắc Hà có gì. Các ngươi nên xem xét cẩn thận, hễ có điều gì phải lập tức mật báo cho ta biết". Việc Nguyễn Huệ cho các tướng Phan Văn Lân, Ngô Văn Sở cùng đi cũng là để giám sát và chia bót quyền hạn của Nhậm.

Lúc này, Vũ Văn Nhậm đã bộc lộ các hành vi chuyên quyền và tính kiêu ngạo, Ngô Văn Sở bèn bởi mật thư đem hết những hành vi ấy của Nhậm kể cho Nguyễn Huệ biết. Đã sẵn nghi ngờ, lại được thư của Sở nên Nguyễn Huệ đem binh mã lên đường ra Bắc. Trong mươi ngày Nguyễn Huệ tới Thăng Long, vừa lúc canh tư vào thẳng tư dinh của Nhậm, sai vũ sĩ giết chết ngay tại chỗ.

Bắc thành thời Tây Sơn: Quang Trung đại phá quân Thanh giải phóng Thăng Long

Lê Chiêu Thống sau khi chạy khỏi Thăng Long bèn sai người sang Trung Quốc cầu xin quân Thanh sang cứu viện. Vua Càn Long vốn có dã tâm thôn tính nước ta, nên nhân cơ hội này bèn cử ngay Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy binh mã bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, tất cả 29 vạn quân tiến vào xâm chiếm nước ta.

Ngày 28 tháng 10 năm Mậu Thân (1788), quân Tôn Sĩ Nghị từ Quảng Châu xuất phát và 20 tháng 11 thì đến Thăng Long.

Cũng ngày hôm ấy quân Tây Sơn ở Bắc Hà, theo chủ trương của Ngô Thì Nhậm, đã tạm thời rút lui về Biện Sơn (Thanh Hóa) và Tam Điệp (Ninh Bình) để bảo toàn lực lượng và cấp báo cho Nguyễn Huệ.

Quân Thanh kéo vào chiếm thành Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị sai bắc cầu phao qua sông Nhị Hà ở Bồ Đề, rồi cho quân lính đóng đồn ở những bãi cát ven sông. Lê Chiêu Thống mời Nghị vào trong điện Kính Thiên, nhưng Nghị e ngại bị bao vây nên đóng bản doanh ở Tây Long cung. Vài ngày sau khi đến Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị theo lệnh của Càn Long phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam quốc vương.

Ngày 24 tháng 11 năm Mậu Thân (tức 21 - 12 - 1788), tướng Nguyễn Văn Tuyết hoả tốc về đến Phú Xuân cấp báo tình hình quân Thanh với Nguyễn Huệ. Ngay lập tức, Nguyễn Huệ theo lời khuyên của các tướng "định lập vị hiệu, ban lệnh ân xá buộc lấy nhân tâm rồi hãy kéo quân ra Bắc", sai người đắp đàn trên núi Bân (ở phía Nam núi Ngự Bình) làm lễ tế cáo trời đất, rồi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung.

Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân, chỉ một ngày sau khi nhận được tin cáo cấp, quân ngũ Tây Sơn đã chỉnh tề lên đường.

Ngày 29 cùng tháng (tức 26- 12- 1788) đại quân Tây Sơn ra đến Nghệ An, đóng ở đấy mươi ngày để tuyển thêm lính. Vài ngày sau, số quân của Quang Trung đã có đến hơn 10 vạn người. Sau đó, thẳng tiến ra Thanh Hóa. Ngày 20 tháng 12 Mậu Thân ( 15- 1 - 1789), đại quân đến chân đèo Tam Điệp.

Tại đây sau khi nghiên cứu rà soát lại tình hình, Quang Trung quyết định xong phương án tác chiến. Đại quân chia làm năm đạo tiến ra Bắc Hà.

Đạo chủ lực do đích thân nhà vua chỉ huy đánh thẳng vào hệ thống phòng ngự chủ yếu của giặc ở phía nam Thăng Long.

Đạo thứ hai do Đô đốc Bảo chỉ huy, đi theo đường Sơn Minh ra phục ở Đại Áng để phối hợp với đạo quân chủ lực.

Đạo thứ ba do Đô đốc Long chỉ huy đi theo đường Chương Đức, rẽ sang Nhân Mục để tiến công cánh quân Sầm Nghi Đống đóng ở vùng Khương Thượng.

Còn hai đạo sau thì tiến theo đường biển. Đạo quân thứ tư do Đô đốc Tuyết chỉ huy có nhiệm vụ tiến vào Lục Đầu Giang tìm diệt đám quân của Lê Chiêu Thống hoạt động ở vùng Hải Dương, sau đó tiến thẳng về Thăng Long tiếp ứng cho đạo quân khác.

Đạo thứ năm do Đô đốc Lộc chỉ huy cũng vào Lục Đâu Giang nhưng triển khai lên vùng Phượng Nhỡn, Lạng Giang để chặn đường rút lui của quân Thanh. Năm đạo quân giống như một bàn tay xoè ra để tóm gọn hai mươi chín vạn quân Thanh.

Vua Quang Trung cho tướng sĩ ăn Tết trước vào sáng ngày 30 rồi nửa đêm hôm đó, đúng lúc giao thừa, cả năm đạo quân lên đường vào chiến dịch.

Đạo chủ lực ngay đêm giao thừa ấy đã hạ đồn Gián Khẩu ở ngã ba sông Đáy - sông Hoàng Long sau đó nhanh chóng tiến lên liên tiếp diệt các đồn khác, bắt gọn bọn thám báo. Đêm mùng 3 tết (28 - l - 1789) bí mật vây đồn Hạ Hồi (ở huyện Thường Tín, Hà Nội, cách Thăng Long tròn 20 km) bắt giặc phải đầu hàng, không tốn một mũi tên.

Mờ sáng ngày mùng 4 tết, đại quân tiến đến Ngọc Hồi, nhưng Quang Trung chưa cho đánh. Ông ra lệnh cho các cơ đội một mặt phô trương thanh thế, uy hiếp tinh thần quân địch, một mặt phải chuẩn bị thật tốt vũ khí quân dụng như cung tên, súng đạn, thanh vượt thành, lá chắn v.v... Sáng mùng 5 nhà vua mới phát lệnh công đồn.

Đồn Ngọc Hồi cách Thăng Long chừng 14 km, nằm ở ngã tư nơi đường thiên lý cắt sông Tô Lịch. Quanh đồn có chiến lũy bảo vệ. Ngoài lũy có bãi chướng ngại dày đặc gồm chông sắt, địa lôi... Lực lượng địch ở đây có chừng 3 vạn tên. Trận đánh do đó khá ác liệt. Phải tới non trưa thì mới hạ được đồn này. Một bộ phận quân địch bị tiêu diệt ngay tại trận. Bọn sống sót tìm lối chạy về Thăng Long. Nhưng Quang Trung đã bố trí một lực lượng nghi binh ở bên đê Yên Duyên - Sở Thượng (nay là xã Yên Sở, huyện Thanh Trì) buộc chúng phải chạy tạt sang phía Đầm Mực (làng Quỳnh Đôi, huyện Thanh Trì). Tại đây đạo quan của Đô đốc Bảo với trên một trăm voi chiến đã từ Đại áng tiến sang tự lúc nào, đón đường đánh cho địch những đòn sấm sét mới. Có tới hàng vạn tên giặc bị vùi xác dưới đằm sâu, không ít đã bị đội tượng binh giăm chết trong bùn lầy. Với trận Ngọc Hồi - Đầm Mực, quân ta đã đập tan hệ thống phòng thủ của giặc và đường lên Thăng Long coi như đã mở.

Cũng vào mờ sáng ngày mùng 5 tết ấy, đạo quân của Đô đốc Long từ sau làng Kẻ Mọc - Nhân Mục bất ngờ vây đánh đồn Khương Thượng. Trước sức tấn công dũng mãnh của nghĩa quân, Sầm Nghi Đống kinh hoàng, thắt cổ tự tử. Đạo quân này tiến thẳng vào thành Thăng Long. Đường tiến quân qua các phố Tây Sơn, Nam Đồng, Ô Chợ Dừa.

Thời gian đó, Tôn Sĩ Nghị đang lo lắng về tin đồn Hạ Hồi bị hạ và đồn Ngọc Hồi đang trong nguy cơ bị tiêu diệt, thì tin đồn Khương Thượng tan tành đã khiến y sợ hãi đến tột đỉnh, đến nỗi giáp không mặc, ngựa không đóng yên, vội vàng vượt câu phao tháo chạy, quên cả ấn tín và các thứ chiếu chỉ thủ bút của vua Thanh. Quân lính Thanh thì như rắn mất đầu tranh nhau tìm lối thoát thân. Sợ bọn này quá đông gây khó khăn cản trở cho con đương rút chạy nên Tôn Sĩ Nghị nhẫn tâm ra lệnh chặt cầu phao. Thế là hàng vạn quân Thanh bị chủ tướng của chúng ném xuống lòng sâu sông Hồng.

Trưa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30 - 1 - 1789) vua Quang Trung vào Thăng Long giữa sự đón chào hân hoan nồng nhiệt của đồng bào kinh đô.

Ngô Ngọc Du, một nhà thơ đương thời, chứng kiến cảnh đại quân Tây Sơn về kinh đô đã ghi lại bằng những dòng thơ thật sự đáng quý cả về văn học cũng như về mặt sử liệu trong bài Long Thành quang phục kỷ thực (ghi chép việc khôi phục Long Thành):

Tam quân ngũ quán chỉnh đội tiến

Bách tính tước dược giá đạo nghênh.

Vân vũ bạt khai kiến thiết nhật

Mãn thành lão thiếu câu hoan nhan

Ma kiên bả tý quần tương ngữ

Cố đô hoài thị ngã hà sau.

Tạm dịch:

(Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến

Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh.

Mây quang mưa tạnh, mặt trời hiện.

Đầy thành già trẻ mặt như hoa

Chen vai thích cánh cùng nhau nói:

Cố đô trở lại núi sông ta).

Bắc thành thời Tây Sơn: Những gương mặt tiêu biểu

NGÔ VĂN SỞ ( ? - 1795)

Ngô Văn Sở quê ở thôn Bình Thành, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, là con của ông Ngô Văn Diễn giữ chức Khinh xạ Vệ úy và bà Nguyễn Thị Mỹ. Ngay từ khi còn trẻ, Ngô Văn Sở là người giỏi võ nghệ và thông hiểu binh pháp. ông kết nghĩa với Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân trước khi tham gia khởi nghĩa Tây Sơn. Sau đó cả ba người đều theo Tây Sơn và trở thành danh tướng của cuộc khởi nghĩa.

Từ ngày tham gia phong trào Tây Sơn, Ngô Văn Sở trở thành vị tướng tài ba và thân cận của Nguyễn Huệ. Năm 1773, ông tham gia đánh quân Nguyễn trong các trận ở Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận. Năm 1783, ông theo Nguyễn Huệ đánh Nguyễn Ánh ở Gia Định và tham gia đánh quân Trịnh ở phía Bắc năm 1786.

Năm 1787 , Ngô Văn Sở được cử làm Tham tán quân vụ, cùng Võ Văn Nhậm trấn thủ Thăng Long. Về sau, Võ Văn Nhậm có ý định làm phản nên bị loại trừ (5- 1788). Ngô Văn Sở được cử thay Võ Văn Nhậm làm Đại tư mã, lãnh trấn thủ Thăng Long, trông coi 11 trấn Bắc Hà. Trong thời gian này, các quan chức và tướng lĩnh được giao cai quản Bắc Hà như Nội hầu Phan Văn Lân, Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Hộ bộ Trân Thuận Ngôn, Học sĩ Ngô Thì Nhậm đều theo Ngô Văn Sở giữ Thăng Long. Bắc Bình vương Nguyễn Huệ từng tin tưởng giao phó công việc Bắc Hà cho họ và căn dặn: "Sở và Lân là nanh vuốt của ta. Dụng và Ngôn là lòng dạ của ta. Nhậm là bề tôi mới của ta. Nay ta lấy cái việc quân vụ và quốc chính của 11 trấn Bắc Hà ủy thác cho. Ta thuận cho theo tiện nghi mà làm việc, phải hội đồng thương nghị với nhau, chớ vì cũ mới mà xa cách nhau. Đó là điều mong mỏi của ta vậy..." (Đại Nam liệt truyện. Nxb Thuận Hóa - Huế, 1993, tập 2, tr. 513).

Cuối năm Mậu Thân (1788), vua Càn Long nhà Thanh cử 29 vạn quân đo Tôn Sĩ Nghị chỉ huy kéo sang xâm lược nước ta. Trước binh lực hùng hậu của giặc Thanh, Ngô Văn Sở cho đánh cầm chân đích, rồi rút quân về giữ phòng tuyến Tam Điệp (Ninh Bình), cử Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết vào Phú Xuân cấp báo cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ đã đánh giá rất cao "nước cờ Tam Điệp" của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm. Trong cuộc kháng chiến chống Thanh, Ngô Văn Sở được vua Quang Trung cử làm tướng tiên phong đã góp phần vào thắng lợi huy hoàng chống quân xâm lược, giải phóng Thăng Long vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789).

Sau chiến thắng quân Thanh, Ngô Văn Sở cùng Phan Văn Lân, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích được trao nhiệm vụ trấn giữ Bắc Hà. Năm 1790, Ngô Văn Sở được Quang Trung giao cầm đầu sứ bộ gồm có Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Võ Huy Tấn, Vô Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công đưa Phạm Công Trị (người giả làm vua Quang Trung) sang Yên Kinh mừng thọ vua Càn Long nhân dịp 80 tuổi. Vua Thanh đón tiếp hết sức nồng hậu, cũng là một thành công về hoạt động ngoại giao của Ngô Văn Sở. Về nước, Ngô Văn Sở tiếp tục được giao nhiệm vụ trấn giữ 11 trấn Bắc thành cho đến thời Cảnh Thịnh.

Năm 1795, vụ biến ở kinh đô Phú Xuân xảy ra, phe phái do Võ Văn Dũng cầm đầu buộc vua Cảnh Thịnh (tức Nguyễn Quang Toản) bắt nộp Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Sau khi dìm chết Bùi Đắc Tuyên, Võ Văn Dũng làm giả chiếu lệnh của Tiết chế Nguyễn Quang Thùy cho người bắt Ngô Văn Sở, cho là phe cánh của Bùi Đắc Tuyên, đóng gông giải về kinh, rồi trên đường đi cho dìm xuống sông.

Đó là cái chết thê thảm của Đại tư mã Ngô Văn Sở do phe cánh thanh trừ lẫn nhau dưới thời Cảnh Thịnh. Ngô Văn Sở trước sau vẫn là một tướng lĩnh tài ba phục vụ hết mình vì sự nghiệp Tây Sơn. Dù sao đối với Thăng Long thời cực kỳ loạn ly ấy, Ngô Văn Sở đã góp phân ổn định trật tự xã hội, yên lòng dân. Việc ông nghe lời Ngô Thì Nhậm rút quân vụ Tam Điệp cũng nói lên một tư cách trọng lẽ phải, không sĩ diện.

NGÔ THÌ NHẬM ( 1746- 1 803)

Ngô Thì Nhậm, tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên, khi nghiên cứu Thiền học lại có đạo hiệu là Hải Lượng, sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần (25-l0-1746). ông người làng Tả Thanh Oai (tên Nôm là làng Tó), huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.

Ngô Thì Nhậm là con trai cả của Ngô Thì Sĩ ( 1726-1780), một nhà sử học và là nhà thơ nổi tiếng lúc bấy giờ. Thuở nhỏ, Ngô Thì Nhậm được cụ nội (Ngô Trân) và ông nội (Ngô Thì Ức) dạy, sau học thân phụ.

Ông bước vào con đường trước thuật rất sớm . Năm 16 tuổi (1761), dưới sự hướng dẫn của cha, ông đã viết công trình sử học đầu tiên, cuốn Nhị thập tứ sứ toát yếu.

Năm 20 tuổi ( 1 766), ông soạn cuốn Tứ gia thuyết phả và trước đó, năm 1765, ông đỗ đầu thi Hương.

Năm 1769, Ngô Thì Nhậm đỗ khoa Sĩ vọng, được bổ chức Hiến sát phó sứ Hải Dương. Với chức quan hành chính thất phẩm này, Ngô Thì Nhậm chính thức bước vào cuộc đời hoạt động chính trị, mong muốn thực hiện hoài bão làm một hiền thần như Y Doãn!

Nhưng đến cuối năm 1771, Ngô Thì Sĩ mắc tai họa ở Nghệ An và bị cách chức, thì Ngô Thì Nhậm cũng lấy cớ đó mà cáo quan xin về. Năm 1772, ông dự khảo thí ở Quốc Tử Giám, trúng ưu hạng, và cũng năm này hoàn thành tác phẩm Hải Đông chí lược, chép "khá rõ ràng đây đủ" (lời Phan Huy Chú) về nhân vật, núi sông, số dân, thuế lệ của Hải Dương.

Khoa thi năm Ất Mùi (1775), Ngô Thì Nhậm đỗ thứ 5 hàng Tiến sĩ tam giáp. Cùng đỗ khoa này có em rể ông là Phan Huy Ích, và người cùng làng là Nguyễn Nha. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ chức Hộ khoa cấp sự trung ở bộ Hộ. Năm sau được thăng Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam, rồi lại thăng Đốc đồng trấn Kinh Bắc, kiêm Đốc đồng Thái Nguyên. Chức Đốc đồng một trấn ở dưới chức Trấn thủ một bậc, là một chức phó, có nhiệm vụ tra xét ngục tụng. Lúc này Ngô Thì Sĩ đang làm Đốc trấn Lạng Sơn, một trọng trấn biên giới, và như thế là "một nhà hai cha con thống lĩnh ba trấn và khống chế hai biên thùy". Cha Đình nguyên, con Tiến sĩ "cha con đồng triều, phụ tử thế khoa", "nổi tiếng văn chương với thiên hạ, trung thành cố kết với chúa thượng", thời bấy giờ, đó là điều hiếm có; mà cha con Ngô Thì Nhậm cũng hết sức tự hào.

Từ sau khi Trịnh Sâm lập Trịnh Cán làm thế tử, mâu thuẫn giữa các phe phái trong phủ Chúa ngày càng nghiêm trọng. Trịnh Sâm mất (1782), kiêu binh nổi loạn đưa Trịnh Tông lên làm chúa, khủng bố phe cánh đối lập Ngô Thì Nhậm bị hiềm nghi có dính líu vào vụ án năm Canh Tý (1780) nên phải bỏ về vùng Thái Bình (Sơn Nam) ẩn dật. Thời gian này, Ngô Thì Nhậm làm sách Xuân Thu quản kiến.

Năm 1786 , Tây Sơn ra Bắc dẹp tan họ Trịnh, lấy lại quyền bính cho vua Lê, Ngô Thì Nhậm được triều đình mời về phong chức Đô cấp sự trung bộ Hộ, thăng Hiệu thư kiêm Toản tu Quốc sử. Năm 1788. Tây Sơn lại ra Bắc, Lê Chiêu Thống bỏ chạy, Ngô Thì Nhậm được Trần Văn Kỷ tiến cử với Quang Trung, được Quang Trung yêu mến, trọng dụng, phong chức Công bộ Thị lang, tước Tình Phái hầu.

Cuối năm 1788, khi 29 vạn quân Thanh sang xâm chiếm nước ta, Ngô Thì Nhậm là người có công lao lớn đóng góp vào sự nghiệp đại phá quân Thanh. Sau chiến thắng oanh liệt năm 1789 , Ngô Thì Nhậm được Quang Trung giao cho giữ vai trò chủ yếu trong công tác ngoại giao với nhà Thanh.

Năm 1790, Ngô Thì Nhậm được thăng Binh bộ Thượng thư.

Ngày 29 tháng 7 (nhuận) năm Nhâm Tý (1792), Quang Trung mất sau một cơn bệnh đột ngột. Ngô Thì Nhậm được triều đình cử làm Chánh sứ đi sang Yên Kinh báo tang và cầu phong cho vua mới (1793).

Quang Trung mất, Quang Toàn lên nối ngôi lúc mới 15 tuổi. Cái chết đột ngột của Quang Trung làm cho nội bộ Tây Sơn lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Trong tình hình chính trị rối ren của những năm cuối triều đại Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm đã không phát huy được tài năng và tâm huyết của mình như trước. Mặt khác, người hiểu ông, tin cậy trọng dụng ông là Nguyễn Huệ - đã mất. Từ nay, ông cũng như người bạn đồng thời là em rể là Phan Huy Ích cảm thấy mình "như bóng nhạn cô đơn". ông tìm lối thoát trong triết học. Ông lập Thiền viện Trúc Lâm ở phường Bích Câu và nghiên cứu Thiền học. Năm 1796, Ngô Thì Nhậm hoàn thành tác phẩm lớn cuối cùng của mình: Trúc Lâm tông chí nguyên thanh.

Năm 1802 , Nguyễn Ánh, sau khi đánh lấy Phú Xuân đã chiếm được Thăng Long. Triều đại Tây Sơn sụp đổ. Gia Long lên ngôi và tiến hành một cuộc khủng bố, trả thù dã man dòng họ Tây Sơn cùng các quan lại của Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm, một nhân vật trọng yếu của Tây Sơn bị nhà Nguyễn căm ghét, bắt giam. Ít lâu sau, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích bị đem ra kể tội và đánh đòn "thị nhục" tại Văn Miếu Thăng Long. Ngô Thì Nhậm "bị đánh chết", theo chính sử (Đại Nam thực lục) của triều Nguyễn. Hôm đó là ngày 16 tháng 2 năm Quý Hợi (9-3- 1803), ngày kết thúc bi thảm cuộc đời 57 năm của một con người mà tên tuổi gắn bó với một giai đoạn lịch sử oanh liệt của dân tộc.

Ngô Thì Nhậm là một tài năng lớn trên nhiều lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, văn học, sử học, triết học, quân sự... mà lĩnh vực nào cong có những cống hiến xuất sắc, in đậm dấu ấn của một nhân cách hơn người.

NGUYÊN HUY LUỢNG ( 1750 - ?)

Giả sử như không có một chút tài liệu gì về tình hình kinh tế Thăng Long thời Tây Sơn thì Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng cũng có thể bù được phần nào chỗ khiếm khuyết đó.

Nguyễn Huy Lượng quê làng Phú Thị, nay thuộc huyện Gia Lâm, có thời gian gia đình chuyển cư vào sống ở làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ (Hà Tây). Đời Lê Mạt, ông đỗ Hương cống, ra làm một chức quan nhỏ ở Bộ Lễ. Chỉ từ sau khi Quang Trung đại phá quân Thanh, Nguyễn Huy Lượng nhận ra được con đường đúng đắn mà mình phải theo: dứt khoát đi cùng Tây Sơn. ông được triều Tây Sơn giao cho chức Hữu thị lang bộ Hộ, phong tước là Chương Lĩnh hộ, do đó người đời còn gọi ông là Hữu Hộ Lượng. Lúc Nguyễn Huy Lượng viết bài phú cũng là lúc nhà Tây Sơn đã suy vi, Quang Toản đã phải bỏ kinh đô Phú Xuân dời ra đóng đô ở Thăng Long. Vậy mà khi sáng tác, ngòi bút Nguyễn Huy Lượng còn say sưa, bay bổng, tung hoành với chế độ Tây Sơn rất giàu lòng tin yêu đối với chế độ ấy.

Bài phú Tụng Tây Hồ là một kiệt tác của Nguyễn Huy Lượng nói riêng và của văn học cổ điển Việt Nam nói chung. Có người đã đánh giá như sau: "Yêu cầu của thể loại phú nói chung là phải trang trọng, réo rắt, diễm lệ. Nguyễn Huy Lượng đạt được cả ba".

Bài phú này có nội dung chủ yếu là ca ngợi cảnh trí Hồ Tây nói riêng, Thăng Long nói chung và qua đó ca ngợi sự nghiệp hiển hách vẻ vang của triều Tây Sơn. Hồ Tây với tư cách là một phần của kinh đô Thăng Long đã hiện ra thật mỹ lệ:

Sắc rờn rợn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng leo lẻo

Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc, tưởng vầng trăng rơi xuống mảnh nhò nho.

Hồ Tây đã ấp ủ bao truyền thuyết thơ mộng và kỳ vĩ, bao dấu vết lịch sử đẹp đẽ và hào hùng: Đền Mục Lang, quán Trấn Vũ, quán Thiên Niên, ghềnh Vạn Bảo, chùa Trấn Quốc... Nhưng quan trọng hơn là tác giả đã cho thấy sức sống của Hồ Tây, của Thăng Long. Đó là cuộc sống lao động cần cù của những người dân ven hồ, cuộc sống đang độ phát triển và chính do những chính sách cởi mở khuyến khích của Tây Sơn mà có. Đó còn là sự phồn thịnh trở lại của các nghề cổ truyền như dệt gấm, ươm tơ, đúc đồng, xeo giấy... là những sinh hoạt kinh tế nhộn nhịp, thuyền buôn tấp nập, chài lưới rộn ràng:

Rập' rềnh cuối bãi Đuôi Nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm...

Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng, Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.

Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm.

Sen vũng nọ nẩy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò.

Và dù là viết về Hồ Tây thì cũng là viết về thành Thăng Long đang "hồi sinh" cùng với thắng lợi của nghĩa quân nông dân.

Tựa bóng hoa đặt quán Quan Ngư, kìa đời Gia Khánh

Đè mặt sóng đem đường Dụ Tượng, nọ thuở Càn Phù.

Thăng Long cũng có những lúc "nổi bụi tiêu tường", "góp phần tang hải". Nhưng từ khi có triều Quang Trung, Thăng Long cũng như cả nước ta như được "sống lại", kẻ thù bị đánh tan, nhân dân được yên ổn làm ăn, núi sông như rửa sạch tủi hờn, cỏ cây cũng được khoe hương khoe sắc hy vọng.

Trước sau Nguyễn Huy Lượng vẫn tán dương sự nghiệp của Tây Sơn, vẫn bày tỏ lòng trung thành đối với chế độ này vì chế độ này chính nghĩa.

Cho nên với bài Tụng tây Hồ phú ta có thể nói rằng Nguyễn Huy Lượng là người đã vận dụng thể phú để sáng tạo nên một công trình cao hơn rất nhiều tầm cỡ một bài phú cổ điển thông thường. Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi và Phương Tri đã có lý khi nhận định rằng bài phú này đã là "một bức bích họa về Hồ Tây từ trước chưa từng có, đồng thời cũng là một thiên sử ca tương đối quy mô về Thăng Long, mà cái ý nghĩa quý giá nhất, là nó đã được trực tiếp xây dựng nên dưới ánh sáng của phong trào nông dân khởi nghĩa, tiếp thu được đến chừng mực nào đó cái âm hưởng lạc quan đầy phấn khởi do một phong trào nông dân lớn nhất trong lịch sử mang lại. Với ý nghĩa là một áng sử ca, nó là những lời ca ngợi chân thành chiến công cứu nước của Nguyễn Huệ, chiến công có ý nghĩa đổi đời cho Thăng Long, và rộng ra là cả xã hội Việt Nam. Với ý nghĩa là một bức họa, phần nào đã ghi lại những khung cảnh sinh hoạt tươi đậm của Thăng Long dưới triều Tây Sơn". Minh đô sứ cũng có ghi lại một chi tiết lý thú góp phần nói lên giá trị của bài phú này: "Nguyễn Huy Lượng hiến Tây Hồ tụng, Nhân tranh truyền tả, đô hạ vị chi chỉ quý". Nghĩa là: 'Nguyễn Huy Lượng dâng phú Tụng Tây Hồ. Người ta tranh nhau truyền chép, ở kinh đô giấy quý hẳn lên".

Tới Mậu Thân từ rỡ vẻ tường vân, sông núi khắp nhớ công đắng địch

Qua Canh Tuất lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức triệm nhu.

Mậu Thân là năm 1788, năm Nguyễn Huệ lên ngôi vua. Canh Tuất là năm quân đội Tây Sơn tiêu diệt hết bọn làm loạn trong nước và bọn khiêu khích ở biên thùy.

Rõ ràng Tây Son đã làm cho đất nước "rỡ vẻ tường vân", "tưới cơn thời vụ', tức rực rỡ mây lành, thấm đượm mưa nhuần. Dưới triều đại này, khắp nơi vui vầy, thanh bình:

Bãi cỏ non trâu thả, ngựa buông, nội chu đã lắm dưới ca ngợi

Làn nước phẳng kình chìm, ngạc lặn, ao Hán nào mấy trẻ reo hò.

Thật là một niềm hồ hởi, lạc quan. Cho tới cuối bài phú, vẫn mãi một niềm vui say không giảm, vẫn hy vọng, dù tiếng súng của Nguyễn Ánh đã vang dội ra Bắc Hà.

Chỉ với bài phú này, Nguyễn Huy Lượng cũng xứng đáng là một nhà văn tiêu biểu của nền quốc văn tiến bộ thời Tây Sơn, xứng đáng cổ một vị trí trong nền văn học cổ điển Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII.

Theo Lịch sử Thăng Long- Hà Nội, Nguyễn Vinh Phúc (cb), Lê Văn Lan, Nguyễn Minh Tường, NXB Trẻ, Tp.HCM, 2005.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro