Mở đầu: Mệnh Phượng Hoàng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Chồng già vợ trẻ là tiên
Vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần"
-Ca dao-
***
Năm nàng lên sáu, có một vị đạo sĩ tới nhà gieo cho nàng một quẻ phán rằng nàng có "mệnh phượng hoàng". Ngọc Dung nhớ rất rõ sau khi nghe giải quẻ hai vị phụ mẫu của mình đã cười đến thắt cả ruột. Hai người cười không phải vì vui mừng khi cô con gái chả được tích sự gì có một tương lai tươi sáng, mà đơn giản chỉ là nghe quá buồn cười mà thôi. Bởi vì khi ấy hoàng đế tuy còn khỏe mạnh thật nhưng cũng đã mấy năm không tuyển thêm tú nữ, ngôi hậu của vị quốc mẫu vẫn vững vàng chẳng hề có dấu hiệu suy chuyển, còn hoàng tử ư? Xin thứ, hoàng tử của hoàng đế hiện tại ngoài một vị phạm phải trọng tội bị đày đi biệt xứ, thì chỉ còn duy nhất một vị thái tử hiện vừa mới làm lễ thôi nôi. Nếu nói nàng có mệnh phượng hoàng, thà nói là mệnh của con gái nàng khéo còn hợp lý hơn. Vì vậy quẻ bói ấy đương nhiên là được giấu nhẹm, chỉ coi như là lời nói nhảm của một tên đạo sỹ lừa đảo, nói cho cùng làm thông gia với hoàng tộc cũng chẳng phải là một việc gì vui thú.
Ấy thế mà chẳng ai ngờ nổi cuối cùng lời ba hoa của tên đạo sỹ kia hóa ra lại thành thật. Ba năm sau hoàng đế đột ngột đổ bệnh băng hà, thái tử nhỏ nghiễm nhiên trở thành hoàng đế, còn Ngọc Dung nhận được một đạo thánh chỉ ban hôn của tiên đế, mà phu quân của nàng không ai khác ngoài tên nhãi có thân phận cao quý vừa kể trên. Chín tuổi, Ngọc Dung đột nhiên được khoác lên danh phận "Mẫu nghi thiên hạ".
Một đạo thánh chỉ ban ra, khiến cả triều đình dậy lên một đợt sóng ngầm. Nghe nói sau khi nghe thánh chỉ tuyên, Ngự sử đại nhân đã thao thức cả một đêm. Nhiệm vụ của ngài là can gián hành động sai trái của thánh thượng, mà thánh chỉ lần này Ngự sử đại nhân cảm thấy thật sự là rất không hợp lý. Đành rằng cổ nhân đã dạy "tề gia trị quốc bình thiên hạ", nhưng Hoàng đế còn nhỏ tuổi như vậy việc gì cũng chưa làm được, vừa lên ngôi đã lập hậu, mà vừa lập hậu đã chọn luôn con của ngài Thái Sư, vừa nghe đã thấy có đủ thứ âm mưu. Ấy nhưng lần này ngài có muốn đập đầu can gián, xin hoàng thượng thu hồi thánh chỉ cũng chẳng được. Người ra thánh chỉ đã cưỡi hạc về trời, chẳng lẽ ngài lại đập đầu xin thánh thượng bất tuân thánh chỉ của tiên đế. Ý chỉ này là di nguyện cuối cùng của tiên đế, không làm theo chẳng khác gì quàng cho tân đế cái danh không tuân thủ chữ hiếu. So đi so lại thì cứ để hoàng thượng lập hậu đi thì hơn. Không thể không nói tiên đế đúng là một nhân vật khiến người ta đau đầu, lúc còn sống thì khiến quần thần sợ hãi khép nép, đến tận khi chết rồi cũng chẳng để người khác được yên. Vậy là văn võ bá quan được chứng kiến một cảnh xưa nay hiếm, vị Ngự sử đại nhân thường ngày mở miệng là một điều "thánh thượng thỉnh suy xét lại", ngậm miệng ba quỳ chín lạy là "thánh thượng thỉnh thu hồi thánh chỉ", chỉ hận sao không thể bắt hết lỗi sai của hoàng đế, lần này lại lặng yên không nói một lời. Không ai biết trong lòng ngài có biết bao nhiêu là khó xử.
Ngự sử đại nhân đã thế, các quan đại thần đã luyện đến mức thành tinh sao có thể ngồi yên. Ngoài mặt thì chúc mừng Thái sư đại nhân trở thành Quốc trượng, bên trong đã ngấm ngầm tung ra đủ loại lời đồn đại, giả thuyết. Nổi bật nhất có lẽ là thuyết: Thái sư âm mưu thông đồng với Nguyên phi- hiện tại đã lên làm thái hậu- hãm hại hoàng thượng, đưa thái tử nhỏ tuổi lên ngôi. Người thì buông rèm nhiếp chính, kẻ thì trở thành phụ chính đại thần. Hoàng đế nhỏ giờ chỉ là con rối trong tay hai người họ. Than ôi mới bất hạnh làm sao! Triều đình này, xã tắc này rồi sẽ ra sao...
Ai nấy đều ngấm ngầm hiểu mấy lời này sao có thể thẳng thắn chất vấn công khai. Phỏng đoán của các vị trở thành bí mật, mà phàm những gì bí mật thì mọi người đều biết cả. Chuyện đồn đoán nhanh chóng đến tai bà Thái Sư phu nhân. Ban đầu thì bà cũng cho là mấy lời đồn đại nhảm nhí của mấy mụ đàn bà rỗi việc, còn nghiêm mặt răn dạy phận đàn bà con gái chớ nhiều chuyện kẻo không những mang vạ vào thân mà còn kéo luôn cả gia đình người thân xuống nước. Nhưng khi nghe bà phu nhân thứ hai mấy vẫn thẽ thọt tỉ tê với bà hãy cẩn thận để ý đến ngài Thái Sư một chút, rằng thì là mà nghe nói thủa còn son trẻ cả Tiên đế và Thái sư đều đem lòng yêu thương Thái hậu, cuối cùng là Tiên đế nhanh hơn một bước, rước mĩ nhân về phong phi để lại một nỗi tiếc nuối vô bờ cho ngài Thái sư. Chuyện cũ năm ấy dường như vẫn mới đây thôi, có một vị phu nhân nào đó còn kể cho bà dạo này lúc lên triều người ta hay thấy quan ông hay nhìn về phía rèm ngọc, tâm tư không rõ ra sao, mà ngồi sau rèm ngọc đương nhiên là vị Thái hậu kia rồi. Aii, trách làm sao được Thái hậu vẫn còn đẹp lắm, nhan sắc dường ấy nếu Thái hậu mà chỉ là một góa phụ nhà bình thường thì hẳn đã gặp tai họa. Nhưng Thái Hậu thì hẳn không phải là người bình thường, kẻ gặp họa khéo còn là người khác. Người nói cố tình, người nghe đương nhiên hiểu ý. Một hai người nói còn không sao, nhưng nhiều người nói mãi cũng khiến tấm lòng kiên trung tin tưởng ông Thái Sư của bà lung lay. Đến một ngày bà cũng bắt đầu bóng gió, chỉ cây dâu mắng cây hòe, lúc đầu ngài Thái sư cũng chẳng nghĩ gì, chỉ cho rằng phu nhân nhà mình tuổi già đã tới nên tính khí thất thường. Cho đến ngày cái sự thất thường của bà lên đến đỉnh điểm, bà đã chẳng kiêng nể gì mà tạt luôn chén trà sen tiến cống mà ông đứt ruột lôi ra pha cho bà uống cho định thần hạ hỏa. Đã thế lần này bà còn chẳng thèm bóng gió xa xôi gì nữa, bà ngang nhiên chỉ tay vào ông mắng ông già rồi mà còn mất nết, hàng ngày được ngắm giai nhân thầm ngưỡng mộ từ lâu, nên giờ về nhà chê bà vừa già vừa xấu vừa khó tính phỏng? Bà nói có phải ông giấu bà vì người mà làm điều gì khuất tất, thế còn chưa đủ ông còn đẩy đứa con gái bé bỏng của bà vào chốn hậu cung lạnh lẽo thâm hiểm, ông tính làm cái gì đây. Ngài Thái Sư ban đầu chẳng hiểu nổi đầu cua tai nheo, sau càng nghe càng thấy không đúng, cuối cùng khi bà ngừng lại nghỉ lấy sức thì mặt ông đã đen hơn cái đít nồi trong bếp. Ông giận ghê gớm! Có trời chứng giám từ ngày ông lấy bà về chưa một lần làm chuyện có lỗi với bà, người ta quyền cao chức trọng thì năm thê bảy thiếp, còn ông bấy nhiêu năm nay vẫn chỉ có độc một con trâu già là bà. Đừng tưởng ông không biết lúc ông bị người ta nói ông sợ vợ, bà đắc ý như thế nào nhé. Ông có sợ bà đâu, chỉ tại ông thương bà ông mới nhường. Bà đã không biết thì thôi, lại còn nghe mấy mụ rỗi việc nó ngậm máu phun ông làm chuyện mèo mả gà đồng. Mà phun ông rồi thì cũng thôi đi, chúng nó còn bới lại chuyện cũ của ông với Thái hậu, cái chuyện từ thủa ông còn là cái thằng nhãi chưa hiểu chuyện, ý chúng nó là cái gì đừng tưởng ông không biết nhé! Ông có bị điên đâu mà làm cái trò phạm thượng mất đầu ấy. Để rồi xem, ông sẽ tìm ra mấy thằng nhiều chuyện đơm đặt rồi xử từng đứa. Mà trước khi ông xử chúng nó thì ông phải uốn nắn cái tư tưởng lệch lạc của bà nhà, kẻo người tử tế thì ít, kẻ rèm pha chọc ngoáy thì nhiều, chuyện này nói trong nhà thì không sao, nhưng để lọt ra ngoài khéo lại mang vạ. Nghĩ thế ông liền nghiêm mặt, dùng hết sức già vỗ xuống bàn cái "ầm" đầy vang dội, trầm giọng quát bà.
- Láo xược! Ai cho bà nói mấy câu đại nghịch bất đạo như thế! Tôi có làm gì cũng trước vì nước, sau vì cái nhà này, không có nửa phần khuất tất. Nếu bà còn nghe mấy con mụ đơm đặt nói linh tinh thì đừng trách tôi không nể tình vợ chồng bao nhiêu năm nay mà trả bà về nhà mẹ đẻ. Đúng là cái ngữ đàn bà.
Ông quát xong, quả nhiên thấy bà im thật. Ông nào đâu có ngờ bà im thế là để chuẩn bị hẳn một cơn bão đổ xuống đầu ông. Đương rung đùi đắc ý cười thầm trong bụng, ông chợt nghe thấy tiếng bà thút thít, ban đầu tiếng còn nhỏ, chưa kịp lừ mắt thị uy ông đã thấy bà đấm ngực gào lên:
- Ôi giời ơi! Thấy chưa ông còn nói là ông không làm gì khuất tất. Không làm gì mà tôi mới nói có mấy câu, ông đã giật mình muốn đuổi tôi ra khỏi nhà! Tôi mà ra khỏi nhà chẳng đúng ý ông quá còn gì. Bao năm nay tôi vất vả vì ông, khó khăn gì cũng cắn răng chèo chống cái nhà này, chỉ để ông an tâm lo việc nước, việc thiên hạ. Giờ ông trả công tôi thế này đây. Sao tôi khổ thế này!!!
Ông chưa hết ngỡ ngàng đã thấy đứa con gái út của ông từ đâu xách váy chạy xộc vào, vứt hết cả lễ nghi quy củ, quỳ phịch xuống ôm chân ông vừa nức nở.
- Cha, con xin cha đừng đuổi mẹ. Rồi cha bảo con làm gì con cũng chịu. Cha muốn con vào cung quyến rũ tiểu hoàng đế cũng được. Con sẽ cố gắng làm cho tiểu hoàng đế răm rắp nghe lời con, không cho Người không nghe lời cha. Cha bảo tiểu hoàng đế đi hướng đông, Người tuyệt không đi hướng tây, không cho tiểu hoàng đế có cơ hội phản kháng... Dù...dù sau này có gặp phải chuyện gì con...con cũng không sợ.
Ngài Thái Sư ngay lập tức đen mặt.
- Là đứa nào? Đứa nào dám nói với con mấy lời này. Nói ngay cấm được giấu!
Ông biết đứa con gái út này của ông. Tuy thỉnh thoảng có hơi nghịch ngợm một chút, cứng đầu một chút, điêu ngoa một chút, nhưng cũng không phải là đứa ngỗ nghịch, làm càn. Mấy lời thế này không phải nó có thể tự nghĩ ra được, chắc chắn là có đứa nào nói năng bậy bạ với con bé.
- Là... Là anh Vũ Phi ạ.
Tưởng người đâu xa hóa ra người nhà. Cái thằng con thứ trời đánh của ông, văn chẳng hay được mấy chữ, võ biết vài thế mèo cào, nói cho nhanh là văn dốt võ nát, chẳng được tài cán gì ngoài việc lê la hết tửu lâu này, phường chèo nọ, dấm dúi lén lút vào kĩ viện, kết bạn xấu, học thói xấu thì nhanh. Thôi thì nó phá gia nhưng có ông che chở, thì chỉ cần nó không giết người phóng hỏa, thì ông vẫn tiếp tục mắt nhắm mắt mở cho nó bại gia. Ấy mà lần này nó không chỉ định khiến cái nhà này bại gia nữa mà thiếu điều muốn diệt gia luôn. Lần này nếu ông không đánh cho nó nằm nhà nửa tháng thì ông tự chặt đầu. Nghĩ vậy nhưng ông vẫn dịu giọng hỏi Ngọc Dung:
- Nó nói với con thế nào?
Ngọc Dung cắn môi, trông thấy cha giận thế này nàng cũng lờ mờ đoán được rằng lần nói hớ này của nàng sẽ khiến ông anh quý hóa gặp họa to. Nghĩ đến mấy ngày trước anh thứ mang khuôn mặt lo lắng đem đến một chồng sách, bảo nàng chuyên tâm nghiên cứu, kẻo sau này vào cung cứ ngây ngô mãi như ở nhà thì có mà chết mất xác. Lòng nàng chẳng nỡ khai, nhưng biết cũng chẳng giấu được, thà nói ra rồi cầu xin cha khéo còn được giảm nhẹ tội. Âm thầm tạ lỗi với Vũ Phi cả nghìn lần, nàng lí nhí đáp lời cha.
- Anh Vũ Phi nói con lên làm Hoàng Hậu thì địa vị trong triều của cha càng vững chắc, việc giữ quốc ấn hay làm phụ chính đại thần cũng thông thuận hơn, kẻ gièm pha cũng sẽ dè chừng thu nanh lại. Nhưng nhiệm vụ của con vào cung rồi phải cố gắng bám lấy tiểu hoàng đế, làm người thích con không rời được. Đừng thấy cha bây giờ là đại thần đầu triều dưới một người trên vạn người mà khinh thường người. Giờ tiểu hoàng đế còn nhỏ chưa biết gì, còn để cha và Thái hậu điều khiển. Nhưng sau này lớn rồi... Cha ức hiếp người nhiều năm như thế, Người tất sẽ muốn chống đối. Chỉ...chỉ có kẻ ngu mới muốn làm một hoàng đế hữu danh vô thực. Trông ra mà xem, có phải Càn Long cũng bị Ngao Bái đè đầu suốt bao năm, cuối cùng chẳng phải cũng lập mưu giết chết Ngao Bái để đoạt lại vương quyền sao. Anh Vũ Phi bảo...nếu con không cố gắng lại còn làm tiểu hoàng đế chán ghét, sau này cha có sơ sẩy bị hắn hạ, thì người cũng sẽ không nể mặt mũi con mà thẳng tay cho nhà ta chịu cái án tru di tam tộc. Sau đó Người sẽ vứt con vào lãnh cung, rồi ban cho ba tấc lụa trắng, vậy là xong.
Nàng nói đến đây lại nhớ tới mấy câu chuyện thương tâm trong đống sách Vũ Phi mang đến. Nào là ta yêu chàng nhưng chàng không yêu ta, chàng yêu nàng nhưng nàng lại là con gái của lão tể tướng xấu xa độc ác kẻ thù không đội trời chung của chàng... Ngẫm lại nhiều chuyện ôi thôi sao giống cuộc đời Ngọc Dung nàng thế! Nghĩ đến đây không khỏi ôm chặt mẹ, nước mắt lại thi nhau chảy xuống.
- Mẹ con nhà bà nghĩ tôi là kẻ ham quyền thế, chuộng hư vinh, là loại gian thần xấu xa độc ác vậy à?
Hai mẹ con nghe ông hỏi một câu, tiếng khóc không hẹn mà cùng im bặt, sau đó lại càng to hơn như thể chứng minh một điều, cả hai nghĩ ông là kẻ xấu thật. Ngài Thái Sư giận run. Ừ thì đúng! từ trước tới nay ông cũng không phải dạng trung thần ngay thẳng, vua bảo hướng đông tuyệt không đi hướng tây. Ông cũng có tý gian trá, nhưng gần vua như gần hổ nếu không biết khôn khéo một chút, vừa trung vừa gian thì đừng nói là thăng quan tiến chức, đến giữ cái mạng cũng là điều đáng bàn. Nhưng mà được mấy người hiểu cho ông đây. Cuối cùng ông thở dài,
- Thôi thôi mẹ con bà đã nghĩ vậy tôi cũng chẳng giải thích thêm gì nữa. Bà chỉ cần nhớ là tôi không làm gì có lỗi với bà. Nếu lần này không phải vì tiên đế lừa một vố tôi cũng chẳng bao giờ để con bé Ngọc Dung vào cung. Cửa cung sâu như bể, ngồi ở ngôi cao sẽ thấy lạnh đạo lý ấy tôi hiểu rõ. Tôi cũng chẳng có ý tham lam gì với nơi kia, bà cũng không phải là không hiểu. Chuyện của con bé Ngọc Dung giờ cũng không thay đổi được, tôi chỉ có thể hứa với bà tôi nhất định không để con bé có việc gì. Mẹ con bà cứ an lòng đi.

***

Dù bà Thái Sư phu nhân có tin tưởng lời ông nói hay không thì cuối cùng lệnh vua cũng không thể trái. Trù chừ mãi, cuối cùng khi đào còn chưa tàn, khi tiểu thư Ngọc Dung vẫn còn chưa kịp được nhận hết lì xì . Vào một buổi sáng gà còn chưa thèm gáy, nàng đã bị mấy nữ hầu dựng dậy mặc vào bộ giá y tầng tầng lớp lớp. Nàng mơ màng nghe thấy tiếng mẹ bên tai. Không phải là mấy lời cằn nhằn nàng dạo này lười biếng, có chiếc khăn tay mà thêu mãi cũng chẳng xong, hay là bữa cơm nàng nấu tệ quá, thế này ai thèm lấy. Hôm nay bà dịu dàng chải từng lọn tóc cho nàng, vừa chải vừa khe khẽ nói: "Một chải tới đuôi, hai chải tới đầu bạc răng long, ba chải con cháu đầy đàn, bốn chải trọn đời bình an".(1)
Tiếng bà nhỏ dần rồi nàng thoáng nghe thấy bà khóc. Ngọc Dung vội vàng xoay người xà vào lòng bà nũng nịu an ủi.
- Mẹ đừng buồn, Ngọc Dung đi một chút thôi, tối Ngọc Dung lại về với mẹ mà. Tối nay con sẽ thêu nốt cái khăn tay, sẽ rất đẹp rất đẹp, không làm mẹ giận nữa đâu.
Bà ôm chặt con bé vào lòng, nhẹ nhàng vỗ về. Cuối cùng con bé vẫn chỉ là một đứa trẻ ngây thơ, nó đâu ngờ rằng lần này nó đi muốn trở về gặp mẹ một lần cũng sẽ khó khăn lắm. Lòng người mẹ trăm nỗi tơ vò, bà thương con gái còn chưa tới tuổi cập kê đã phải xuất giá, người nó lấy cũng chỉ là một đứa bé con còn nhỏ hơn cả nó, chăm sóc bản thân còn chưa nổi liệu đến bao giờ mới có thể bảo bọc cho con gái bà đây. Người mẹ như bà, chỉ còn biết khấn nguyện cho con gái cả đời bình yên. Gạt nước mắt, chỉnh lại cho con gái chiếc mũ phượng lần cuối, bà nắm tay dắt con gái tới bái biệt cha, có lẽ đây là lần cuối cùng khi ông còn sống nó được phép đàng hoàng quỳ gối trước ông. Thành khẩn dập đầu ba cái trước đấng sinh thành, cuối cùng Ngọc Dung cũng chính thức xuất giá, của hồi môn mang theo không chỉ là vải vóc, ngọc ngà mà còn là một lời hứa chắc nịch của một vị Thái Sư, một vị đại tướng quân lừng lẫy một thời: "Ta nhất định sẽ bảo vệ con, hoàng thượng và cả giang sơn Vạn Lý này bình an. Vì vậy nhớ vứt mấy quyển sách Vũ Phi đưa cho con đi. Nó toàn đưa mấy thứ linh tinh, xem nhiều mới thành mấy đứa ngốc, giống y như nó ấy". Ngọc Dung xấu hổ cười cười nói "Dạ".

Lụa đỏ khẽ bay, pháo nổ rộn ràng, hôm nay nhà ai có thiếu nữ xuất giá...

***

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Ngọc Dung nhập cung. Ba năm trước vào dịp trung thu Tiên đế mở tiệc cho vời các đại thần và gia quyến vào cung thưởng nguyệt, nàng là con gái Thái sư đương triều đương nhiên không thể thiếu mặt. Hoàng cung hôm ấy cũng được trang hoàng cờ phướn, lồng đèn rực rỡ như ngày hôm nay, mái ngọc lầu tía cũng không hề thay đổi. Nhưng lần này thay vì rụt rè nép sau lưng mẹ làm một nhân vật bé nhỏ thì nay nàng phải thẳng lưng, một mình bước vào đại điện vạn người người chú mục. Trong lòng căng thẳng, nàng chậm rãi bước tới chỉ sợ sơ sẩy một chút liền xấu mặt. Nàng bước tới chính điện cũng vừa lúc nắng lên, trong ánh sáng trong trẻo của mặt trời mùa đông, Ngọc Dung trông thấy một bóng hình nho nhỏ. A đó là thiên tử của nàng, phu quân của nàng, tiểu hoàng đế của Vạn Lý, Vĩnh Định Đế - Lê Tuấn.

Rất nhiều năm sau này, khi đã đứng bên cạnh Lê Tuấn đủ lâu, trải qua biết bao lần cùng nắm tay bước vào Càn chánh điện, nhìn vẻ mặt uy nghiêm của y với triều thần nàng vẫn chẳng thể quên được hình dáng của y ngày đại hôn. Ngày đó Lê Tuấn chỉ là một đứa trẻ lên bốn, còn thấp hơn cả nàng, khuôn mặt tròn tròn cảm tưởng như có thể búng được ra sữa. Y mặc áo Long Cổn, thắt lưng kim long, tay cầm ngọc khuê (2), đôi mắt trẻ con mang mấy phần ngây thơ, vài phần sợ sệt được giấu dưới mấy tua ngọc của chiếc mũ Bình thiên. Rõ ràng một bộ y phục uy nghi là thế, khoác lên người Lê Tuấn lại có chút ngây thơ tức cười, trong phút chốc nàng thấy hình như bộ áo kia, chiếc mũ kia quá nặng so với y rồi thì phải. Trông thấy nàng, Lê Tuấn lúng túng ngước lên nhìn mẫu hậu. Thấy bà cười nhẹ gật đầu, Lê Tuấn mới tiến lại gần Ngọc Dung, bàn tay nhỏ nắm lấy cổ tay nàng.

- Hoàng Hậu tỷ tỷ đến giờ rồi, theo ta đi thôi. Tỷ đừng lo, cứ làm theo ta là được, nếu có làm gì sai cũng không cần phải sợ.
Vì thấp hơn hẳn nàng, y không còn cách nào khác đành ngước lên nhìn nàng, giọng nói non nớt nhưng lại cố gắng giả bộ nghiêm trang, nàng có chút muốn cười, cúi đầu đáp "vâng" một tiếng rồi tùy ý để hắn dắt tới Đàn Nam Xuyên.

Hết ba quỳ chín lạy đủ các thủ tục rườm rà, đến khi nàng cảm tưởng như nếu còn tiếp tục thì khéo nàng khỏi cần làm tân nương gì đó nữa trực tiếp làm vật tế luôn đi cho nhanh, thì cuối cùng viên nội quan cũng tuyên bố kết thúc nghi lễ. Lúc này nàng chỉ muốn nhanh chóng được trở về nhà gỡ hết đám cung trang mũ phượng này xuống. Đẹp thì có đẹp thật nhưng mà mệt quá! Nghĩ đến chiếc mũ phượng đính đầy châu ngọc, bộ giá y tinh xảo thướt tha nàng đang khoác trên người, nghĩ đến việc nàng đã mười tuổi rồi, mặc như thế này leo đến tám mươi mốt bậc thang của tế đàn, bái lên bái xuống còn muốn lè lưỡi ra mà thở, vậy mà y mới chỉ có bốn tuổi ấy thế mà không nhăn mày lấy một cái, nghĩ đến đây trong lòng không khỏi sinh ra chút đồng tình thương cảm "làm hoàng đế cũng chẳng dễ dàng gì".

Nhưng chút lòng thương cảm của nàng phút chốc đã bị đánh bay khi nghe thấy y thì thầm một câu với vị nhũ mẫu khi hai người đang đứng nghe Thái Hậu đọc tổ huấn:

"Nhũ mẫu từ nay về sau ta phải ở cùng với vị tỷ tỷ này thật sao? Ta không thích tỷ ấy, chẳng xinh đẹp chút nào..."

Rõ ràng y nói rất nhỏ, nhưng vào tai nàng lại như sấm dội bên tai. Không có bé gái nào thích bị nghe chê là xấu cả, Ngọc Dung nàng càng không. Nàng có một khuôn mặt mà dân gian hay nói là phúc hậu, đường nét ngũ quan rất hài hòa, đặc biệt là đôi mắt hạnh sáng ngời. Dù không được tính là xinh đẹp, nhưng cũng được coi như là dễ thương, hơn nữa nàng còn chưa đến tuổi cập kê xinh hay xấu còn chưa khẳng định được, vậy mà tiểu hoàng đế dám nói một câu như vậy khác nào ám quẻ. Nàng nhịn nhịn, nhưng tính tình trẻ con khiến nàng không khỏi buông ra một câu.
- Tiểu hoàng đế, ngài còn nhỏ tuổi đừng nói mấy lời như vậy để người khác nghe thấy lại nói người còn nhỏ mà đã háo sắc.
Lê Tuấn không phục, không để ý nhũ mẫu kéo tay, tiếp tục cãi lý.
- Ta chỉ nói sự thật thôi mà. Trông hoàng hậu tỷ tỷ y như hột mít ấy. Không xinh đẹp bằng Như Hoa.
Y không những chê nàng xấu, còn dám so sánh nàng với người khác. Ngọc Dung có bao giờ phải chịu ấm ức như thế. Nàng cảm thấy đầu mình như muốn bốc khói, nghiến răng nói:
- Người có dám nhắc lại?
Lê Tuấn không nhận ra có gì bất thường, hồn nhiên dõng dạc trả lời.
- Hoàng hậu tỷ tỷ y như hột mí....
Y còn chưa nói hết, Ngọc Dung đã quay sang nắm lấy tai y xoắn mạnh.
- Dám chê ta xấu, ta liều mạng với ngươi!
Lê Tuấn bị đau kêu lên oai oái, thái hậu hốt hoảng, quần thần nhốn nháo, không khí trang nghiêm phút chốc chẳng còn xót lại gì. Duy trong một góc, sử quan đại nhân vẫn ung dung nhàn nhã múa bút:
"Tháng giêng năm Vĩnh Định thứ hai. Thuận theo di chỉ của Chiêu Hiếu Kiên Trung Văn hoàng đế. Trưởng nữ của Thái đương triều Trần Ngọc Dung, đức hạnh vẹn toàn, công, dung đoan trang, trinh tĩnh hiền thục, sắc phong Thục Trinh Hoàng Hậu. Ngày đại hôn tân hậu nắm tay hoàng đế, thề nguyện sống chết nhau. Một lời thốt ra khiến chúa thượng rưng rưng nước mắt. Đế hậu tình thâm, khiến bách quan cảm động tung , quả thật một cảnh tượng trăm năm khó thấy..."

(14/7/2017 - 22/8/17)

~ Nguyệt Hạ Vy Lam ~

***

*Chú thích
(1) câu gốc vốn là "một chải đến đuôi (nghĩa là tình duyên không đứt đoạn), hai chải đến đầu bạc răng long, ba chải con cháu đầy nhà" mình đã tự ý thêm chải thứ 4 để kết câu cho nó vần :p. Lễ chải đầu thật ra là phong tục của Trung Quốc, nhưng bản thân mình thấy nó khá là hay ho, thêm nữa tư liệu về lễ cưới cổ đại của Việt Nam ta khá là thiếu thốn, mà gần như là không tìm được, nên mình phịa đại ra. A di đà phật xin các thí chủ lượng thứ.
(2) Trang phục mình cũng có tham khảo "Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam"
link :https://tieuthuyetmang.wordpress.com/category/l%e1%bb%8bch-s%e1%bb%ad-trang-ph%e1%bb%a5c-cac-tri%e1%bb%81u-d%e1%ba%a1i-phong-ki%e1%ba%bfn-vi%e1%bb%87t-nam/page/3/
***

Lảm nhảm cuối chương. Truyện này mình viết xưng hô hơi loạn, căn bản giờ lớn rồi biết nhiều hơn một chút mới nhận ra rằng xưng hô của nước ta nó dân giã ghê lắm. Cứ anh/em/thầy/mẹ/u... Có tầng lớp quý sờ tộc mới hay xưng hô giống kiểu bên Trung. Thôi nói chung mình cũng không phải là một tác giả có tâm, mình oải lắm. Truyện hơi bị phi logic, cũng rất dấm dở, căn bản mình chỉ muốn viết một cái gì đó nhẹ nhàng, hài hài, không phải nghĩ thôi, vậy mà vẫn mất hơn một tháng. À mà so ra với tốc độ bình thường 1 năm, 2 năm/chương của mình là max nhanh rồi. Nhảm văn vẫn còn, chắc 1,5th ra một chương. Hi vọng không bị ghét bỏ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro