hoang1 ho chi minh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồ Chí Minh (19 tháng 5 năm 1890 - 2 tháng 9 năm 1969) là một nhà cách mạng, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Ông là người viết và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, là Chủ tịch nước trong thời gian 1945 - 1969, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian 1951 - 1969, kiêm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ 10/1956 đến 1960. Cuộc đời Hồ Chí Minh là một cuộc hành trình huyền thoại. Trong chuyến hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước cho dân tộc mình (từ năm 1911 cho đến năm 1941) , ông đã tới nhiều quốc gia khác nhau để trực tiếp quan sát những chuyển biến tại các nước châu Phi, châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ và Trung Đông - một việc mà không có lãnh tụ nào khác làm được trong thế kỷ 20. [1]

Là nhà lãnh đạo được nhiều người ngưỡng mộ và tôn sùng, lăng của ông được xây ở Hà Nội, nhiều tượng đài của ông được đặt ở khắp mọi miền Việt Nam, hình ảnh của ông được nhiều người dân treo trong nhà, đặt trên bàn thờ [2], và được in ở hầu hết mệnh giá đồng tiền Việt Nam. Ông được thờ cúng ở một số đền thờ và chùa Việt Nam[3]. Ông đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ và nhà báo với nhiều tác phẩm viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh.

Xuất thân và quê quán

Bài chi tiết: Gia đình Hồ Chí Minh

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn ở làng Kim Liên tại Nam Đàn, Nghệ An thì:

"Hoàng sơ tổ khảo là Nguyễn Bá Phụ, tổ đời thứ hai là Nguyễn Bá Bạc, tổ đời thứ ba là Nguyễn Bá Ban, tổ đời thứ tư là Nguyễn Văn Dân,... tổ đời thứ năm, Nguyễn Sinh Vật là giám sinh đời Lê Thánh Đức (tức Lê Thần Tông) năm thứ ba..., tổ đời thứ sáu là Nguyễn Sinh Tài đỗ hiếu sinh khi 17 tuổi, năm 34 tuổi đỗ tam trường khoa thi Hội..., tổ đời thứ 10 là Nguyễn Sinh Nhậm[4])." Cả bốn đời đầu tiên của dòng họ đều chưa lấy đệm là "Sinh" và không rõ năm sinh, năm mất[5].

Ông tên thật là Nguyễn Sinh Cung (阮生恭, giọng địa phương phát âm là Côông), tự là Tất Thành[6]. Quê nội là làng Kim Liên (tên Nôm là làng Sen). Ông được sinh ra ở quê ngoại là làng Hoàng Trù (tên Nôm là làng Chùa, nằm cách làng Sen khoảng 2 km) và sống ở đây cho đến năm 1895. Hai làng này vốn cùng nằm trong xã Chung Cự, thuộc tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn. Quê nội của ông, làng Kim Liên[7] là một làng quê nghèo khó. Phần lớn dân chúng không có ruộng, phải làm thuê cấy rẽ, mặc quần ít, đóng khố nhiều, bởi thế nên làng này còn có tên là làng Đai Khố[8]. Vào đời ông, phần lớn dòng họ của ông đều cơ hàn, kiếm sống bằng nghề làm thuê, và cũng có người tham gia các hoạt động chống Pháp[9].

Thân phụ ông là một nhà nho tên là Nguyễn Sinh Sắc, từng đỗ phó bảng[10]. Thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan. Ông có một người chị là Nguyễn Thị Thanh, một người anh là Nguyễn Sinh Khiêm (tự Tất Đạt, còn gọi là Cả Khiêm) và một người em trai mất sớm là Nguyễn Sinh Nhuận (1900-1901, tên khi mới lọt lòng là Xin).

Theo lý lịch chính thức, Nguyễn Sinh Cung sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890, tuy nhiên có những thông tin khác không đồng nhất[cần dẫn nguồn]:

* Trong đơn xin học Trường hành chính thuộc địa, năm 1911, ông tự ghi là sinh năm 1892.

* Năm 1920, ông khai với một quận cảnh sát tại Paris ngày sinh của mình là 15 tháng 1 năm 1894.

* Theo một tài liệu do Phòng nhì Pháp lập năm 1931, có sự xác nhận của một số nhân chứng làng Kim Liên, quê nội của ông, thì ông sinh tháng 4 năm 1894.

* Trong tờ khai của ông tại Đại sứ quán Liên Xô ở Berlin, vào tháng 6 năm 1923, thì ngày sinh là 15 tháng 2 năm 1895.

* Trong dân gian và theo gia phả họ Hồ, Hồ Chí Minh được cho là cháu nội của Cử nhân Hồ Sĩ Tạo người Nghệ An.[9]

Tuổi trẻ

Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung cùng cha mẹ và anh trai vào Huế lần đầu tiên. Sau khi mẹ mất (1901), ông về Nghệ An ở với bà ngoại một thời gian ngắn rồi theo cha về quê nội, từ đây ông bắt đầu dùng tên Nguyễn Tất Thành. Tất Thành theo học cử nhân Hoàng Phạm Quỳnh và một số ông giáo khác[11].

Năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế lần thứ hai và học ở trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba. Tháng 9 năm 1907, ông vào học tại trường Quốc học Huế, nhưng bị đuổi học vào cuối tháng 5 năm 1908 vì tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ[12]. Cha ông bị triều đình khiển trách vì "hành vi của hai con trai". Hai anh em Tất Đạt và Tất Thành bị giám sát chặt chẽ. Ông quyết định vào miền Nam để tránh sự kiểm soát của triều đình.

Đầu năm 1910, Nguyễn Tất Thành vào đến Phan Thiết. Ông dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp ba và tư tại trường Dục Thanh của Hội Liên Thành[13][14]. Khoảng trước tháng 2 năm 1911, ông nghỉ dạy và vào Sài Gòn cũng với sự giúp đỡ của Hội Liên Thành. Tại đây, ông theo học trường Bá Nghệ là trường đào tạo công nhân hàng hải và công nhân chuyên nghiệp cho xưởng Ba Son ( bây giờ là trường Cao Đẳng kỹ thuật Cao Thắng ). Ở đây, ông học được 3 tháng. Sau đó ông quyết định sẽ tìm một công việc trên một con tàu viễn dương để được ra nước ngoài.

Hoạt động ở nước ngoài

Bài chi tiết: Hoạt động của Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1911-1941

Thời kì 1911-1919

Mô hình chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville được trưng bày tại bến Nhà Rồng

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng, ông lấy tên Văn Ba, lên đường sang Pháp với nghề phụ bếp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville, với mong muốn học hỏi những tinh hoa và tiến bộ từ các nước phương Tây. Sau khi ở Hoa Kỳ một năm (cuối 1912-cuối 1913), ông quay trở lại nước Anh làm nghề cào tuyết, đốt lò rồi phụ bếp cho khách sạn. Cuối năm 1917, ông trở lại nước Pháp, sống và hoạt động ở đây cho đến năm 1923.

Thời kì ở Pháp

Ngày 19 tháng 6 năm 1919[cần dẫn nguồn], thay mặt Hội những người An Nam yêu nước, Nguyễn Tất Thành đã mang tới Hội nghị Hòa bình Versailles bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm để kêu gọi lãnh đạo các nước Đồng Minh áp dụng các lý tưởng của Tổng thống Wilson cho các lãnh thổ thuộc địa của Pháp ở Đông Nam Á, trao tận tay tổng thống Pháp và các đoàn đại biểu đến dự hội nghị[15]. Bản yêu sách này do một nhóm các nhà ái quốc Việt Nam sống ở Pháp, trong đó có Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành, cùng viết, và được ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc[16]. Từ đây, Nguyễn Tất Thành công khai nhận mình là Nguyễn Ái Quốc[17] và sử dụng tên này trong suốt 30 năm sau đó[18].

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin, từ đó ông đi theo chủ nghĩa cộng sản. Ông tham dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại Tours (từ 25 đến 30 tháng 12 năm 1920) với tư cách là đại biểu Đông Dương của Đảng Xã hội Pháp, ông trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp và tách khỏi đảng Xã hội. Năm 1921, ông cùng một số nhà yêu nước của các thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp Thuộc địa (Union intercoloniale - Association des indigènes de toutes les colonies) nhằm tập hợp các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa đế quốc. Năm 1922, ông cùng một số nhà cách mạng thuộc địa lập ra báo Le Paria (Người cùng khổ), làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, nhằm tố cáo chính sách đàn áp, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc nói chung và thực dân Pháp nói riêng. Tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" bằng tiếng Pháp (Procès de la colonisation française) do Nguyễn Ái Quốc viết được xuất bản năm 1925, đã tố cáo chính sách thực dân tàn bạo của Pháp và đề cập đến phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.

Thời kì ở Liên Xô lần thứ nhất

Nguyễn Ái Quốc, chụp tại Liên Xô năm 1923

Tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến Moskva học tập tại trường Đại học Phương Đông. Tại đây ông đã dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân (họp từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 10 năm 1923), ông được bầu vào Ban chấp hành và Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Tại Đại hội lần thứ 5 Đệ Tam Quốc tế (họp từ ngày 17 tháng 6 đến ngày 8 tháng 7 năm 1924), ông được cử làm ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam.

Năm 1924, tại thành phố Moskva, ông viết và nộp cho tổ chức Đệ Tam Quốc tế một bản Báo cáo về tình hình Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Nhận thấy phong trào đấu tranh giai cấp tại Việt Nam có sự khác biệt với phong trào đấu tranh giai cấp bên Tây phương đương thời, ông có nhận xét về các tầng lớp địa chủ, tăng lữ,... của Việt Nam như sau:

"

Những địa chủ ở đây chỉ là những tên lùn tịt bên cạnh những người trùng tên với họ ở châu Âu và châu Mỹ (...). Không có vốn liếng gì lớn..., đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa", "An Nam chưa bao giờ có tăng lữ...".

"

-Nguyễn Ái Quốc[19]

Thời kì ở Trung Quốc (1924-1927)

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô tới Quảng Châu, lấy tên là Lý Thụy, làm phiên dịch trong phái đoàn cố vấn của chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Dân quốc, do Mikhail Markovich Borodin làm trưởng đoàn.

Năm 1925, ông thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) để truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin (thường được phiên âm là Mác-Lê-nin) vào Việt Nam. Cuốn Đường Kách mệnh, mà ông là tác giả, tập hợp các bài giảng tại các lớp huấn luyện chính trị của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, được xuất bản năm 1927.[20]

Theo nghiên cứu của một số sử gia có tên tuổi tại Hoa Kỳ, Pháp, và Trung Quốc, trong thời gian ở Quảng Châu, ông đã kết hôn với một thiếu nữ Trung Quốc tên là Tăng Tuyết Minh (ngày 18 tháng 10 năm 1926) và sống với nhau cho đến khi ông rời Quảng Châu, vào khoảng tháng 4 hoặc 5 năm 1927. Sau khi ông đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cả hai người đã tìm nhau thông qua tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc và cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Trung Quốc nhưng không thành công.[21][22]

Cùng năm 1925, ông tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông, do Liêu Trọng Khải, một cộng sự thân tín của Tôn Dật Tiên, làm hội trưởng và ông làm bí thư. Do Tưởng Giới Thạch khủng bố các nhà cách mạng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, ông rời Quảng Châu đi Hương Cảng, rồi sang Liên Xô. Tháng 11 năm 1927, ông được cử đi Pháp, rồi từ đó đi dự cuộc họp Đại hội đồng của Liên đoàn chống đế quốc từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 12 năm 1927 tại Brussel, Bỉ.

Những năm 1928, 1929

Mùa thu 1928, ông từ châu Âu đến Xiêm La, với bí danh Thầu Chín để tuyên truyền và huấn luyện cho Việt kiều tại Xiêm.

Cuối năm 1929, ông rời khỏi Vương quốc Xiêm La và sang Trung Quốc.

Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại Cửu Long (九龍, Kowloon) thuộc Hương Cảng, ông thống nhất ba tổ chức đảng cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đó đổi tên là "Đảng Cộng sản Đông Dương", rồi đổi thành "Đảng Lao Động Việt Nam" và nay là "Đảng Cộng sản Việt Nam").

Tháng 3 năm 1930, ông trở lại Xiêm La trong một thời gian ngắn, sau đó quay lại Trung Hoa.

Những năm 1931 - 1933

Năm 1931, dưới tên giả là Tống Văn Sơ (Sung Man Ch'o), Nguyễn Ái Quốc bị nhà cầm quyền Hương Cảng bắt giam với ý định trao cho chính quyền Pháp ở Đông Dương. Tờ L'Humanité số ra ngày 9 tháng 8 năm 1932 đưa tin Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bệnh lao phổi trong trạm xá nhà tù tại Hồng Kông đồng thời tố cáo đây là âm mưu của thực dân Pháp câu kết với thực dân Anh nhằm ám sát người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương[23]. Nhưng sau đó nhờ sự biện hộ và giúp đỡ tận tình của luật sư Frank Loseby[24], Tống Văn Sơ được thả ngày 28 tháng 12 năm 1932. Ông đi Thượng Hải rồi bí mật quay trở lại Liên Xô.

Thời kì ở Liên Xô lần thứ hai

Ông đến Moskva vào mùa xuân năm 1934. Với bí danh Lin, Nguyễn Ái Quốc học ở Trường Quốc tế Lenin (1934-1935). Ông dự Đại hội lần thứ 7 Đệ Tam Quốc tế (từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8 năm 1935) với vai trò quan sát viên của ban thư ký Dalburo với tên Linov[25]. Theo tài liệu của một số nhà sử học, ông bị buộc ở Liên Xô cho đến năm 1938 và bị giam lỏng ở đó do bị nghi ngờ về lý do ông được nhà cầm quyền Hương Cảng trả tự do[26]. Trong những năm 1931-1935, ông đã bị Trần Phú và sau đó là Hà Huy Tập phê phán về đường lối cải lương "liên minh với tư sản và địa chủ vừa và nhỏ", không đúng đường lối đấu tranh giai cấp của Đệ Tam Quốc tế[27][28].

Trong, một bức thư kể cho tổ chức Đệ Tam Quốc tế hay về phong trào cách mạng vô sản tại Đông Dương được viết vào tháng 3 năm 1935, Nguyễn Ái Quốc bị phê phán nặng nề. Bức thư này có ghi nhận về "tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm của đảng của các đồng chí Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc". Trong thư này cũng có đoạn: "Những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản. Cuộc tranh đấu không nhân nhượng chống những học thuyết cơ hội này của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và của Đảng Thanh niên là rất cần thiết (...). Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin viết một cuốn sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua". [19]

Theo Giáo sư-Tiến sĩ sử học Mạch Quang Thắng, lý do Nguyễn Ái Quốc bị phê phán trong bức thư nêu trên là vì tổ chức Đệ Tam Quốc tế có những tư tưởng thiên về hướng tả, không đúng đắn, cùng lắm thì cũng thiếu thực dụng đối với hoàn cảnh của các xứ nằm dưới chế độ thực dân thời bấy giờ. Nói cách khác, Đệ Tam Quốc tế cho rằng, trong đấu tranh giai cấp thì tất cả các lực lượng không thuộc về giai cấp vô sản đều phải bị chống đối. Theo nhìn nhận của Giáo sư Nguyễn Quang Thắng thì quan điểm thiên về hướng tả của Đệ Tam Quốc tế như sau

" Chống đế quốc, chống phong kiến, chống tư sản, chống tôn giáo, chống lực lượng xã hội dân chủ. Chống tất cả, chỉ độc có công nông là cách mạng mà thôi (...). Quốc tế Cộng sản hừng hực khí thế xông lên, tưởng là cách mạng nhưng kỳ thực không phải vậy."

-Nguyễn Quang Thắng[19]

Trong khi nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc thì đề cao chủ nghĩa dân tộc, ông cho rằng: [19]

" Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người culi biết phản đối, nó làm cho những người "nhà quê" phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khóa, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm 1917.-Nguyễn Ái Quốc "

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro