Chuyện Thứ 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuông reng. Thật là tới giờ tôi vẫn yêu tiếng trống hơn tiếng chuông, dù cả hai chúng nó cái nào cũng để báo hiệu giờ ra về, hoặc ra chơi. Nhưng nói thế không có nghĩa là tôi yêu trường cấp II hơn; trường nào chả như trường nào. Tôi chỉ không ghét việc học, còn có ghét trường học không lại là chuyện khác. Mà thường thì trường học là chốn tôi ghét cay ghét đắng. Nếu cấp II là vì tên lớp trưởng thì cấp III lại vì đứa bạn cùng bàn.

Dừng một chút để về danh từ vô cùng mĩ miều "bạn cùng bàn" này.

Khu vực bàn học là nơi xảy ra n+1 chuyện nhảm nhí ngoài học nhất: nghịch điện thoại, quay tài liệu, ăn vụn, "ký gửi" đống gỉ mũi, cả chuyện yêu đương. "Bàn cùng bàn" là mệnh đề kéo theo của "bàn học hai chỗ ngồi", mà "tình yêu" thường là mệnh đề kéo theo của mệnh đề "bạn cùng bàn" ấy. Xác suất để hai đứa ngồi cạnh nhau phát sinh tình cảm cực kỳ cao, dù thuộc giới tính nào đi nữa.

Nghe lãng mạn nhỉ?

Từ ngôn tình ra thực tế, chuyện đấy thì có, nhưng bằng chứng không phải tôi. Bạn cùng bàn của tôi là một thằng cha cực kỳ dở người tên Phú Hào. Thằng cha ấy mặt luôn lầm lì, thích ngoáy mũi, suốt ngày nếu không cắm mặt vào điện thoại thì cũng cắm mặt xuống bàn mà ngủ, ở bẩn (chắc thế, thấy ruồi muỗi hay vo ve quanh cậu ta), tính cộc cằn dị biệt thích làm cao, đã vậy còn thích sai vặt. Người như thế có vác núi vàng tới bảo tôi làm bạn tôi còn đuổi đi, chứ nói gì đến yêu đương (đùa thôi, mấy núi vàng thì tất nhiên phải đồng ý).

Quay trở lại chuyện tiếng chuông reng.

Ra chơi. Tôi ngả đầu ra lưng ghế, nhìn chòng chọc bức tường sau lưng. Bàn chúng tôi nằm trong góc, cuối hàng cuối dãy, thuận lợi cho tất cả mọi việc. Mọi hôm cứ đến ra chơi Phú Hào sẽ lượn đi đâu mất, mãi đến khi có chuông vào học mới quay trở lại. Cậu ta mà đi thì tôi lại được độc chiếm cả băng ghế dài, ngồi rộng rãi, nằm lại thỏa thuê.

Nhưng cả tuần nay, chính xác là từ một ngày mưa to ngập trời, cậu ta ngồi trong lớp ngủ miết, ra chơi không nghịch điện thoại cũng chẳng la cà đây đó, chỉ có việc sai tôi xuống căn tin mua này nọ cho cậu ta là tăng vô kể. Tôi chẳng tốt bụng gì đâu, chỉ vì có lần cậu ta nắm cổ áo nhấc tôi lên như nhấc con chuột, nguyên nhân đến tôi còn chả rõ, tôi mới phục tùng cậu ta như thế.

Cũng may tôi là con gái, cũng may có bạn bè can ngăn, không thì đã bị cậu ta quăng đến tận Mỹ Tho. Dù sao thì bây giờ cậu ta đã lọt vào tầm ngắm của hội phụ nữ của lớp, khéo chỉ cần động vào cái móng tay của tôi cũng bị gô cổ lên giám thị vì tội bạo lực học đường.

Tôi nằm ườn ra bàn. Dù hơi tức ngực nhưng tư thế này giấu được ánh mắt như dao và cái miệng đang lầm bầm rủa Phú Hào của tôi. Chẳng những không ga lăng mà còn ác độc, sớm muộn cậu ta cũng ế, ế tới già, ế tới chết khô không một ai hay biết.

"Bộp".

Đấy, tôi nói có sai đâu. Cậu ta là phường ác độc. Khi không lại vỗ bồm bộp lên lưng khiến tôi muốn vỡ phổi. Đồ điên.

- Này. - thấy cậu ta còn úp mặt xuống bàn, tôi được thể gắt - Biết đau không, miệng cậu đâu?

- Gọi nãy giờ không ai nghe.

Gọi không nghe thì được quyền đánh đấm nhau thế à? Dù tôi có giống con trai thật, nhưng tôi vẫn là con gái hàng thật giá thật nhé, huống chi bàn tay cậu ta nặng như tạ cứng như đá. Càng nói càng đau, có khi nào mật cũng vỡ theo không, kiểu hiệu ứng domino ấy?

- Gì?

Tôi tức tối kê nắm đấm trên đầu Phú Hào, cắn răng gầm gừ. Cậu ta bỗng dưng ngẩng phắt đầu dậy hại tôi suýt té ghế. Lúc tôi còn mải ổn định khí huyết thì cậu ta đã cho hai tay lần lượt lục lọi túi quần rồi tới túi áo sơ mi, túi áo khoác, cặp da.

Thứ moi ra, toàn là bụi với bụi.

- Quên mang tiền. - mặt cậu ta thản nhiên đến khốn - Cậu cho mượn vài nghìn, nhân tiện mua giúp chai nước suối.

Thằng khỉ! Bố còn chưa ăn sáng đây này.

- Hết tiền rồi.

Vừa dứt lời cậu ta đã nhìn tôi chằm chằm, ánh mắt chất chứa vô vàn điều chẳng thể thốt thành lời, ví như, mày muốn tham quan Mỹ Tho miễn phí à.

Tôi cười toe, miễn cưỡng gật đầu, lòng mắng một tràng ăn xài phung phí, tán gia bại sản, nợ nần chồng chất, cả đời túng thiếu phải vay mượn.

...

Lúc tôi xuống căn tin vẫn đông nghịt hệt mọi ngày. Cái hỗn hợp mùi dầu chiên từ đống cá viên hoành thánh, mùi nước dùng của mì, hủ tiếu, mùi giày dép, cộng thêm cả mùi cơ thể của đứa nào đó tôi vô tình đi ngang... thật kinh dị hết chỗ nói. Chẳng hiểu sao đứa bạn thân hồi cấp II ra chơi hôm nào cũng nài nỉ tôi xuống căn tin cùng nó, rồi ngồi dưới đấy vừa ăn uống vừa tán dóc, hết giờ còn chưa chịu lên lớp.

Tôi rùng mình nhớ lại, không biết nó có phải bạn thân của mình không nữa.

Chen chân mãi mới mua được một ly mì gói chẳng được thêm gì ngoài nhúm hành lá sống nhăn xanh rờn, đã thế còn phải đứng ăn vì ghế trên sân trường kín chỗ. Rẽ sang quầy bán nước uống thì đã hơi muộn, nước suối hết nhẵn. Quái nhỉ! Hôm nào tôi mua Mirinda thì chỉ có Coca hay Pepsi, tìm C2 thì chỉ còn Không độ. Chúng nó đều tạm thay thế cho nhau được, còn nước suối đóng chai thì họa may nước trong nhà vệ sinh mới thay được cho nó.

Thôi nào Mẫn, từ bao giờ mày vừa bẩn vừa thô thế.

Bây giờ mà tay không trở lên kiểu gì Phú Hào cũng sai tôi đi thêm chuyến nữa. Hết cách, tôi mua đại chai sữa dâu. Vì nếu cậu ta không nhận xem như bỏ phí, nên tốt nhất là chọn thứ mình thích uống, tiền mình phải tiêu cho mình.

Lại phải mất công chen lấn lần nữa để ra khỏi căn tin vẫn còn đông như trẩy hội dù giờ ra chơi sắp hết. Ngoài sân nắng như đổ lửa, chói chang nhất vẫn là chỗ cột bóng rổ. Thế mà bọn con trai vẫn lởn vởn ở đấy như kiến bu đường, chơi bóng chẳng biết để đốt calo hay đốt ánh mắt em trai em gái nào xung quanh. Tôi cũng vừa đi vừa nhìn. Đằng ấy có một người không quá cao nhưng chơi bóng tốt nhất nhóm. Vì xa quá nên tôi không rõ mặt mũi nhưng trông bóng lưng lại rất quen mắt. Cả cái tư thế người nọ dẫn bóng rồi cho nó vào rổ nữa...

Tiếng loa thình lình vang lên, giọng thầy giám thị ồm ồm thông báo gì đó, rồi thầy tổng phụ trách tranh micro nói, tất cả kéo tôi khỏi sự thơ thẩn.

Thôi, có khi chỉ là déjà vu (1). Chẳng phải lâu lâu tôi vẫn bị thế sao. Hơn nữa, lời giải thích này có vẻ hợp lý hơn là việc tôi có quen ai đó trong ngôi trường rộng lớn này trong khi tôi còn chưa hoàn thành học kỳ một lớp 10 ở đây.

(1) Déjà vu hay còn gọi là ký ức ảo giác, là hiện tượng ảo giác, cảm thấy quen thuộc (như đã từng thấy, từng trải qua trong trí nhớ) trong một môi trường, khung cảnh mới, chưa từng biết trước đó hoặc không nhớ rõ lúc nào. Xem thêm thông tin trên internet với từ khóa "déjà vu".

...

Lúc tôi đặt chai sữa dâu lên bàn nét mặt Phú Hào rõ ràng rất đăm chiêu, hết nhìn chai sữa lại nhìn tôi. Tôi chép miệng, nói dối một nửa:

- Hết nước suối. Hết sạch rồi. Chả còn cái gì dưới đấy đâu. Cậu mà không uống thì nhịn khát.

Cậu ta tiếp tục nhìn tôi như kiểu nhà sinh học nhìn con vi khuẩn mới vừa khám phá được, hoặc, như kiểu tôi vừa bẩn vừa xấu đến khó tin.

- Chai này đắt gấp đôi nước suối, tôi đâu có điên mà khi không mua nó. - tôi bao biện - Cậu không uống thì thôi, đỡ phải nợ nần.

Chắc vì ánh mắt và điệu bộ chân thật của tôi hoặc vì khát quá, vì sữa dâu trông có vẻ ngon hoặc vì cả ba lý do củ chuối trên mà Phú Hào từ từ đưa tay tóm lấy chai sữa lùn tịt, từ từ vặn nắp, từ từ đưa lên uống, vừa uống vừa lườm tôi.

Thật lòng mà nói thì dáng dấp thằng cha này trông cũng ra trò lắm... Cơ mà, chậm đã: trông lưng cậu ta kìa, có gì đó lạ lắm.

- Săm soi gì đấy! Vào học kìa.

Phú Hào lạnh giọng. Mắt cậu ta thoáng sẫm lại, nét mặt cũng căng cứng. Tôi không lầm chứ? Chắc lầm rồi. Dạo này bị mấy quyển ngôn tình của đứa em họ đầu độc nặng, đến nỗi chỉ cần nghe mỗi chữ "ngôn" là tôi tự động cút xa mấy trăm cây số. Để tôi đọc Doraemon hoặc Cardcaptor Sakura này nọ còn hơn!

Lan man rồi.

- Ờ.

Đáp thì đáp, nhưng những mười phút sau, khi giáo viên bộ môn đã vào rồi, tiết học cũng bắt đầu, mắt tôi vẫn còn dán chặt trên người Phú Hào như thể trên đấy có bôi keo dán sắt.

Nhìn nhìn nhìn, nhìn thế nào lại ngủ mất. Chả biết chuyện gì đã xảy ra suốt ba tiết còn lại mà không giáo viên nào phát hiện tôi ngủ gật. Cuối giờ tôi được cậu bạn bàn trên đánh thức. Tên gì ấy nhỉ? Thành hay là Thanh gì đấy, quên mất rồi. Lúc tôi thức, thằng cha bên cạnh vẫn còn ngủ quên trời quên đất.

Thôi kệ, ai làm việc nấy, ở nhà tôi còn bố mẹ đang chờ cơm.

Định mặc cậu ta chết dí trong lớp, ai ngờ cậu bạn bàn trên lại bật chế độ dạ dày tốt tiêu hóa khỏe, xin lỗi, chế độ tốt bụng, đánh thức giúp luôn. Thế quái nào mà trông nét mặt Thành (hoặc là Thanh, nghìn lần xin lỗi anh bạn) còn rất dịu dàng, trời ạ.

Chắc vì tôi nhìn quá chăm chú, hoặc trân trối, cậu bạn ấy buộc lòng phải quay sang nhìn tôi.

- Chào Mẫn nhé, Thanh về.

Rồi ai kia cứ thế thướt tha đi ra khỏi lớp.

Một tên dở hơi và một thằng cha ăn nói ỏn ẻn. Đáng sợ thật.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro