Độc tài - Khiêm cung- Ích kỉ- Trách nhiệm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Độc Tài
Quyền lực nếu nằm trong tay của những kẻ thiếu hiểu biết và thiếu đạo đức thì đó là mối hiểm họa cho xã hội và toàn thế giới.
Phá vỡ thế cân bằng
Vì cho rằng tài năng của mình luôn vượt trội hơn người khác, nên ta luôn giành quyền ưu tiên quyết định mọi vấn đề có ảnh hưởng đến lợi ích chung mà không cần thông qua sự tán thành ý kiến của những người khác. Đó là thái độ độc tài. Độc tài chính là sự biểu hiện trọn vẹn uy lực của bản ngã, thông qua hình thức quy phục của các cá thể khác.
Trong bản chất tự nhiên, mọi cá thể đều được làm ra từ nguồn năng lượng tổng thể của vũ trụ và liên tục chịu ảnh hưởng qua lại giữa các cá thể. Không cá thể nào sở hữu cái tôi riêng biệt do chính nó tự tạo, nên mọi cá thể đều bình đẳng với nhau trong bản thể. Cũng như những con sóng đều được sinh ra từ đại dương. Dù hình tướng có khác nhau, nhưng chúng đều có chung bản chất là nước. Sự thật, con sóng này thấp là để cho con sóng kia cao, con sóng này sinh vì con sóng kia đã diệt. Tuy chúng không ngừng xô đẩy nhau, nhưng bản chất của con sóng này cũng chính là con sóng kia. Suy cho cùng, tất cả những con sóng ấy cũng chính là đại dương, bởi vì ngoài chúng ra thì không có gì để gọi là đại dương nữa cả. Tất nhiên, đại dương còn là phần sâu thẳm bên dưới - những con sóng chưa phát sinh. Nhưng giữa chúng với những con sóng đã phát sinh cũng không có gì khác biệt và cũng chưa từng tách biệt. Thế nên, hiện tượng cũng chính là bản thể và bản thể cũng chính là hiện tượng. Nghĩa là, không có cái bản thể nào tách rời với hiện tượng, và cũng không có hiện tượng nào không nương tựa trên bản thể mà có thể biểu hiện được.
Dễ thấy nhất là hãy nhìn vào đứa con của ta. Vượt qua cái hình tướng bên ngoài, ta sẽ phát hiện ra nó chính là một phần của ta. Ta và nó có chung xuất xứ, chưa từng tách biệt hoàn toàn. Cũng như khi nhìn vào chính hình hài của mình, ta cũng thấy được mình chính là sự tiếp nối của cha mẹ và ông bà tổ tiên. Mình với họ có cùng nguồn

cội. Điều này cũng đúng trong liên hệ giữa ta và vạn sự vạn vật. Tất cả đều là con của bà mẹ vũ trụ vĩ đại. Sự khác biệt giữa các hiện tượng chỉ là kết quả tự nhiên của quá trình tương tác liên tục giữa các cá thể theo nguyên tắc nhân quả và duyên sinh. Nhưng khi đi qua lăng kính hạn hẹp của con người, nó bị phân chia cao thấp để phục vụ quyền lợi cho cái tôi sai lầm.
Đúng là có những tài năng đã phải được trui rèn rất gian nan và mất nhiều năm tháng mới thành được. Nhưng hạt giống tài năng ấy cũng được sinh ra từ hợp thể thân-tâm vay mượn. Trước khi có tài năng và sau khi có tài năng, nó đều không ngừng tiếp nhận nguồn trợ giúp của vô số yếu tố bên ngoài. Nói chung bản ngã này vốn là vô ngã thì bất cứ cái gì được tạo ra từ nó, dù là tài năng hay đức hạnh, cũng đều là vô ngã. U mê lớn nhất của con người là không thấy được bản chất vô ngã của mình, nhận thức luôn bị giới hạn bởi sự khác biệt của hiện tượng. Vì thế, ta không ngừng tích góp mọi điều kiện thuận lợi để cung phụng cho cái bản ngã mà ta ngỡ là riêng biệt này, xem đó là công việc chính của đời mình. Từ đó, thể hiện uy quyền trước mọi người đã trở thành nhu yếu rất lớn của bản ngã.
Có những sự độc tài chỉ dừng lại ở mức muốn thể hiện uy quyền khiến người khác phải khiếp phục và vâng lời mình. Có những sự độc tài lại dựa vào uy quyền để huy động lực lượng mà thực hiện mục đích khác, nhưng cũng không ngoài mục đích củng cố lợi ích cho bản thân. Ngoài ra, người ta còn sử dụng sự độc tài như một phương tiện hữu hiệu tạm thời để tạo ảnh hưởng hay dẫn dắt những đối tượng còn yếu kém. Người cha thường nghĩ rằng con mình chưa đủ khôn lớn, nên nhất nhất cần phải tuân theo quan điểm và cách thức của mình. Bởi đó là kinh nghiệm xương máu của chính mình mà cũng là kinh nghiệm quý báu từ thế hệ tổ tiên truyền lại. Người lãnh đạo một đoàn thể cũng cho rằng những thành viên này chưa đủ cơ hội để am tường mọi vấn đề ở đây như mình, hoặc họ chưa đủ thành ý để đưa ra những ý kiến có lợi cho đoàn thể, nhất là họ không phải chịu trách nhiệm chính như mình, nên tốt nhất hãy nghe theo những ý kiến của mình.
Khi ta sử dụng uy quyền của mình để lấn át quyền làm chủ quan điểm của kẻ khác một cách "trót lọt", tất nhiên, ta phải trao đổi với họ bằng một cảm xúc tốt nào đó. Người con vì hiểu được rằng tất cả những lời giáo huấn của người cha đều xuất phát từ ý muốn tốt cho nó, và nó thật sự cảm nhận được tình thương ấy nên nó có thể chấp

nhận bị la rầy hay mất quyền bày tỏ quan điểm của riêng mình. Cũng vậy, các thành viên vì hiểu được sự độc tài của vị lãnh đạo chỉ với mục đích mang lại quyền lợi cho đoàn thể, trong đó có phần của họ, nên họ cũng chấp nhận mà không đòi quyền cạnh tranh công bằng.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ người nào đóng vai độc tài cũng thành công. Đôi khi họ nhân danh chân lý hoặc tình thương mà lạm dụng sự độc tài để thể hiện uy lực của bản ngã, hoặc thao túng quyền lợi của kẻ khác. Cũng có khi ban đầu họ có thiện ý giúp đỡ kẻ khác, nhưng nửa đường thiện ý ấy bị tâm tham hay tâm sân cạnh tranh và hạ gục. Trong trường hợp ta mượn hình thức độc tài để hướng dẫn hay nâng đỡ kẻ khác một cách rất hiệu quả, mà nếu đối tượng ấy hoan hỷ chấp nhận chứ không hề có sự miễn cưỡng nào thì quy luật cân bằng cảm xúc đã được thực hiện. Còn nếu ta sử dụng uy quyền để ép buộc kẻ khác phải nghe theo mình, dù công khai lấn lướt hay ngụy trang bằng hình thức dân chủ, thì ta đã vay món nợ cảm xúc rất lớn. Nếu sự bất mãn hay phẫn uất của đại chúng càng lớn thì món nợ ấy sẽ càng lớn. Nó có thể tăng theo cấp số nhân. Bằng cách này hay cách khác, vũ trụ buộc ta phải sớm giải quyết món nợ ấy để trả lại thế cân bằng.
Đó là chưa nói đến phản ứng trực tiếp của đối phương, khi họ nhận ra sự độc tài của ta là vì không biết tôn trọng quyền lợi hay tài năng của họ. Dù họ thể hiện ra ngoài thái độ tán đồng ý kiến hay phải im lặng chấp nhận, nhưng nếu trong thâm tâm họ đã bất mãn thì nó sẽ ngầm dấy lên một năng lượng sân hận và chống đối mạnh mẽ. Năng lượng ấy có thể biến thành hành động như bất hợp tác, hoặc tìm cách trả đũa để lấy lại cảm xúc công bằng. Nếu cả đoàn thể đều mang năng lượng chống đối như thế, nó sẽ kết thành một làn sóng mạnh để chống trả hay lật đổ cơ chế độc tài lãnh đạo ấy. Dù cơ chế độc tài được xây dựng rất kiên cố và năng lượng chống trả chưa đủ mạnh, nhưng theo thời gian thì thế cân bằng cũng sẽ được thiết lập. Trước sau gì vũ trụ cũng có trách nhiệm thực hiện nguyên tắc nhân quả và duyên sinh để vạn sự vạn vật không rơi vào tình trạng hỗn loạn và chiến tranh. Mà nếu chiến tranh phải xảy ra, dù chỉ giữa cá thể với cá thể, thì đó là cách tồi tệ nhất mà vũ trụ phải chọn để sớm giải quyết vấn đề.
Cho nên, độc tài dù dưới mục đích nào thì nó cũng đã phá vỡ thế cân bằng cảm xúc giữa ta và kẻ khác. Tùy vào mục đích và thái độ mà ta phải chấp nhận luật bù trừ cân xứng.

Quyền lực hay yếu đuối?
Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã từng nhắc nhở: "Mà trong lẽ phải có người có ta". Sự thật là ai cũng có tài năng riêng, dù những tài năng ấy không thích hợp để giải quyết những vấn đề của hiện tại. Khi ta nghĩ người kia bất tài vô dụng là ta đang bị giới hạn tầm nhìn về tổng thể của một con người. Không ai có thể sống được giữa cuộc đời thăng trầm này mà chẳng có tài cán gì cả. Đó là chưa xét đến những lĩnh vực khác, có thể họ hơn hẳn ta. Họ có thể là một người rất hạnh phúc với gia đình, được bạn bè yêu mến và luôn là niềm tin vững chắc cho những người xung quanh. Còn ta thì sao? Tài năng của ta hơn người chỗ nào mà chỉ có mỗi vấn đề truyền thông để mọi người thấu hiểu và vui vẻ chấp nhận ý kiến mà ta làm cũng không xong. Để so kè tài năng, ta nên nhìn vào khả năng làm chủ những cảm xúc trong tâm kìa. Lấn lướt và chiến thắng kẻ khác để làm gì mà ta vẫn luôn đầu hàng với chính mình, vẫn làm những điều lương tâm không cho phép. Do đó, sử dụng uy quyền để buộc kẻ khác phải nghe theo mình thì đó là giải pháp thấp kém nhất.
Giả sử trong một đoàn thể có mười người cùng họp để giải quyết một vấn đề thì lý tưởng nhất là được sự thống nhất ý kiến của cả mười người. Thực tế điều này rất hiếm khi xảy ra, vì quan điểm của mỗi người luôn khác biệt. Cho nên lý do ngồi lại với nhau không chỉ để trưng cầu ý kiến mà còn là cơ hội để thấu hiểu và cảm thông nhau, để có thể thuyết phục nhau buông bỏ bớt những ý kiến chưa thích hợp. Lỡ như có một người không đồng ý thì đa số phải cử đại diện thuyết phục người ấy cho bằng được. Nếu không thì cuộc họp bắt buộc phải dừng lại và chờ dịp khác. Tại vì sự bất mãn của một người có thể phá vỡ tính chất hòa hợp của đoàn thể. Khi đoàn thể mất đi tính hòa hợp thì khó có thể làm nên việc gì hay đi xa hơn được. Hòa hợp phải như nước với sữa, không thể tách biệt.
Nhưng nếu chỉ vì một người không cùng ý kiến mà đoàn thể không thể đi tới quyết định được thì cũng không thích hợp. Và sự không đồng thuận ý kiến ấy có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi hay vận mệnh của đoàn thể thì cũng không công bằng. Cho nên, người có ý kiến trái chiều với đa số nếu thấy vấn đề không quá nghiêm trọng, cộng với đức tin vào tài năng và ý thức trách nhiệm của đoàn thể và cả tình cảm tốt đẹp đã có với nhau thì cũng nên nhường nhịn. Tạm thời thu ý kiến của mình lại để vấn đề sớm được giải quyết. Tuy vậy, khi ý

kiến của đa số được chấp nhận thì đa số phải chân thành cảm ơn thiểu số đã nâng đỡ, và đa số phải hứa sẽ cố gắng thực hiện ý kiến của mình một cách hiệu quả.
Trong trường hợp không thể thuyết phục được người ấy thì đại chúng đành phải đi tới quyết định, chứ không thể chờ mãi mà làm hỏng kế hoạch. Nhưng đại chúng phải thành thật xin lỗi người ấy và hứa trong tương lai sẽ làm tốt hơn, đạt mức đồng thuận tuyệt đối. Điều cần nói thêm là sau khi đại chúng đã đồng thanh nhất trí với nhau rồi, dù trong đó có một vài người chỉ tạm thời chấp nhận, thì không một ai được quyền bàn ra hay thể hiện sự bất mãn của mình nữa. Tất cả đều phải được giải quyết trong cuộc họp. Nếu chưa hài lòng thì phải xin có thêm một cuộc họp khác. Vì thái độ bất mãn ấy một khi truyền ra ngoài, nó sẽ vô tình tạo thêm thế lực chống đối đoàn thể. Ta sẽ mang lỗi phá hoại đoàn thể.
Với một đoàn thể không chú trọng về mặt xây dựng giá trị tinh thần thì mô thức trên sẽ bất khả thi. Thực tế, luôn có những vấn đề cấp bách mà không thể kiên nhẫn trì hoãn cuộc họp từ lần này sang lần khác mới quyết định. Và một thực tế khác, những người đóng vai trò chủ trì cuộc họp hay lãnh đạo cũng không có nhiều thời gian và thiện chí để thuyết phục ý kiến của từng người. Cho nên, phần lớn các cuộc họp đều đi theo thông lệ "đa số thắng thiểu số", "thiểu số phục tùng đa số". Chú trọng công việc hơn là "đắc nhân tâm".
Tuy nhiên, "thắng" hay "phục tùng" thường chỉ xảy ra một cách miễn cưỡng trong phiên họp mà thôi. Sự thật là khi ý kiến của người kia không được chấp nhận hay không được thuyết phục một cách thỏa đáng, dù họ thừng chống đối, nhưng năng lượng bất mãn vẫn còn đó. Nếu ta dùng quyền lãnh đạo của mình để uy hiếp họ mà không thông qua sự thương thuyết thì năng lượng bất mãn ấy lại càng lớn mạnh hơn. Vì thế, thái độ khôn ngoan của một người buộc phải thể hiện vai độc tài, là phải luôn tìm cách bù đắp cảm xúc hợp lý cho việc mình lấn lướt quyền bình đẳng của kẻ khác. Lắng nghe và ái ngữ với thái độ khiêm cung thường là giải pháp hóa giải cảm xúc hữu hiệu nhất. Nếu ta đã bỏ qua trách nhiệm bù đắp cảm xúc này, dù vô tình hay cố ý, thì liên hệ ấy sẽ mất thế cân bằng và chắc chắn sẽ rạn nứt hay đổ vỡ trong tương lai gần.
Không ai thích sống chung hay làm việc với một kẻ độc tài, bởi vì nhu cầu hàng đầu của con người vẫn là quyền bình đẳng. Có khi họ

phải chấp nhận sự độc tài của ta vì họ biết ta tài giỏi hơn họ, ta chịu trách nhiệm về vấn đề ấy nhiều hơn họ, hay vì ta đem tới lợi ích cho họ. Thế nhưng lòng kính trọng và niềm tin tưởng của họ dành cho ta luôn bị suy giảm trong mỗi lần như thế. Họ không thể duy trì mãi niềm kính trọng với ta, khi từ việc lớn đến việc nhỏ ta đều không tôn trọng ý kiến và tài năng của họ. Tức là ta đã xem thường họ. Họ ngờ rằng nếu ta thật sự bản lĩnh thì phải có khả năng làm cho họ "tâm phục khẩu phục", chứ không thể dùng uy quyền để áp đặt. Thái độ độc tài có khi chính là dạng khác của sự yếu đuối. Quả thật, bản chất của sự độc tài là thể hiện thái độ đề cao tài năng của mình, nhưng cũng đồng thời tiềm ẩn thái độ lo sợ sự vượt trội tài năng hay lấn quyền của kẻ khác. Cho nên sự độc tài có thể xuất phát từ sự yếu đuối, hoặc sẽ dẫn tới sự yếu đuối.
Quyền lực đích thực
Sự độc tài luôn đem tới sự cô đơn, bởi ai cũng tránh xa kẻ chẳng biết coi trọng mình. Trong liên hệ tình cảm, sự độc tài là điều kiêng kỵ nhất, vì bản chất của tình cảm luôn là sự tự nguyện và luôn cần được tôn trọng để thấy được giá trị đích thực của nhau. Dù ta là cha mẹ, là thầy chủ, hay là những bậc lãnh đạo tối cao thì cũng nên hạn chế tối đa việc sử dụng uy quyền trong khi muốn thu phục hay dẫn dắt kẻ khác. Người kia dù rất thương hay biết ơn ta, nhưng họ không thể đánh mất quyền tự do vốn là nguồn sống rất căn bản.
Ở xã hội phương Tây, cha mẹ luôn tạo cơ hội cho con cái phát huy khả năng tiềm ẩn và tự chủ bản thân nên họ thường thương lượng ý kiến chứ không áp đặt. Tuy nhiên, điều tai hại là có rất nhiều vấn đề cha mẹ hoàn toàn có kinh nghiệm và hiểu biết hơn, nhưng con cái cũng chỉ xem đó như là một sự tham khảo. Vì thế, chúng vẫn độc lập trong suy nghĩ và hành động. Đã có không biết bao nhiêu bậc cha mẹ vô cùng khổ tâm khi thấy con mình đang lầm đường lạc lối mà không thể ngăn cản được. Chế độ bảo hộ quyền lợi cho trẻ em rất cao ở phương Tây đã vô tình bảo hộ luôn những nông nổi dại khờ của chúng.
Vì vậy sự độc tài có khi rất cần thiết. Nhưng phải hết sức cẩn thận, vì ta rất dễ nhầm lẫn giữa thái độ muốn chứng tỏ uy quyền và tinh thần nâng đỡ. Ranh giới giữa vị kỷ và vị tha có khi chỉ cách nhau

trong một đường tơ. Người có quyền lực đích thực phải có khả năng đem tới niềm an vui, hạnh phúc, và ôm ấp được những niềm đau nỗi khổ của kẻ khác mà không thấy mình cao thượng hay vĩ đại. Người có quyền lực đích thực thì không cần dùng tới bất cứ ngôn từ hay cử chỉ nào để hô hào mà mọi người vẫn tin tưởng và quy phục.
Quyền lực ấy chắc chắn phải được sản sinh ra từ năng lực đức hạnh và tình thương rộng lớn. Xã hội nào cũng cần có những quyền lực đích thực như thế để duy trì nền hòa bình, dân chủ. Nếu ta thấy mình đang còn lạm dụng uy quyền để chứng tỏ bản ngã thì hãy sớm tìm cách buông bỏ. Đó không phải là con đường đúng đắn và an toàn để xây dựng nên giá trị chân thật. Dù ta không thể đem tới hạnh phúc hay tình thương cho kẻ khác, nhưng ít ra ta cũng không gây khổ đau hay oán thù với họ. Quyền lực nếu nằm trong tay của những kẻ thiếu hiểu biết và thiếu đạo đức thì đó là mối hiểm họa cho xã hội và toàn thế giới.
Tình thương không điều kiện Sức mạnh của tâm hồn
Về đâu con sóng nhỏ?
Giữa đại dương vô cùng. Như hoa nở trên đồng
Xấu đẹp cũng về không Nhìn nhau chung bản thể Nét văn minh tâm hồn.

Khiêm Cung
Ta chỉ có thể học tập được đức khiêm cung, nếu ta may mắn ý thức được những gì ta có hôm nay phải nhờ vào công lao của rất nhiều người đã nâng đỡ.
Gieo mình ra bão
Người xưa hay nói: "Hữu xạ tự nhiên hương" là để nhắc nhở người có tài năng thật sự thì cũng như hoa có mùi thơm, tự động sẽ được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ mà không cần phải tìm cách chứng tỏ hay khẳng định mình.
Các bậc hiền đức luôn làm việc trong âm thầm lặng lẽ. Khi xong việc, họ liền rút về nơi vắng vẻ để bảo tồn năng lượng và giữ gìn phong độ lâu dài cho đại cuộc - "chân nhân bất lộ tướng". Khi ta đón nhận năng lượng yêu mến của công chúng, tức là ta đã vay một món nợ cảm xúc khổng lồ. Nếu ta thật sự có tài có đức, những cống hiến của ta thật sự tạo nên những giá trị lợi ích hay ít nhất là niềm vui cho công chúng thì ta có thể tạo được thế cân đối. Bằng không, vũ trụ sẽ rút mòn năng lượng của ta để đền trả lại món nợ khổng lồ mà ta đã vô tình vay mượn. Trong Truyện Kiều có hai câu thơ rất lạ: "Anh hoa phát tiết ra ngoài/ Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa". Theo cụ Nguyễn Du, nếu bao nhiêu cái hay cái đẹp của ta đều tuôn hết ra ngoài thì ta sẽ không có số mệnh lâu dài, hoặc sẽ gặp lắm nẻo gian truân. Tại sao vậy? Tại vì ta không còn gì để nuôi dưỡng bản thân, lại không muốn trau dồi thêm những kỹ năng khác. Và vì ta nghĩ mình tài giỏi nên luôn coi thường những kẻ khác, hoặc ta dễ trở thành đối tượng tấn công của bao kẻ ganh tỵ xung quanh.
Thế nhưng, bây giờ người ta lại muốn mọi người phải mau chóng biết đến mình. Họ dùng đủ loại chiêu thức tinh xảo để giới thiệu về mình qua các phương tiện truyền thông như báo chí, ti-vi, internet. Họ gọi đó là công nghệ quảng cáo. Quảng cáo tức là giới thiệu một cách thật hay về mình cho mọi người đều biết. Dù không tô vẽ thêm, nhưng ta biết khai thác những điểm mạnh của mình để thu hút sự quan tâm của mọi người. Những mẫu quảng cáo khi đã đánh trúng

cảm xúc yêu thích của công chúng, nhờ nhiều lần lặp lại mà họ chấp nhận và tin tưởng một cách vô thức. Vì thế, khi phát hiện ra thực tế không hoàn hảo như những gì đã quảng cáo thì ta cũng không thể cho rằng họ đã dối gạt ta. Họ chỉ không nói ra những khuyết điểm của họ, chứ không phải là họ đã xác nhận họ vốn không có khuyết điểm. Đó là sự thiếu thành thật một cách khôn ngoan của công nghệ quảng cáo.
Giới trẻ hiện nay dễ dàng trở thành nổi tiếng còn nhờ vào các kiểu gây "sốc". Tức là họ làm cho mọi người phải giật mình thảng thốt vì sự lạ lùng của họ. Một phần cũng do tâm lý công chúng vốn hay hứng thú tò mò những điều mới lạ. Dù đó là những hành động lố bịch, những phát biểu ngông cuồng, những hình ảnh thô tục, nhưng chỉ trong tích tắc là đã có hàng nghìn đến hàng chục nghìn người biết đến và tham gia bàn tán. Với họ, thu hút được sự chú ý của số đông người đã là tài giỏi rồi. Hành động thiếu hiểu biết như thế chẳng khác nào tự gieo mình ra bão. Chẳng cống hiến được điều gì bổ ích mà dám sử dụng năng lượng quan tâm của công chúng, lại còn tạo ra năng lượng xấu từ việc quấy nhiễu tâm thức mọi người, thì đừng hỏi tại sao cuộc đời họ có quá nhiều tai bay họa gửi.
Nhân vô thập toàn
Đúng là người có tài năng chẳng khác nào hoa có nhiều mật, thế nào cũng sẽ bị ong bướm đeo bám và hủy hoại. Cho nên, để hàm dưỡng và sử dụng tài năng được lâu bền, người xưa khuyên ta phải luôn mài giũa tâm tính, đặc biệt là đức khiêm cung. Năng lượng đức hạnh sẽ giúp ta biết tự giới hạn sự tỏa chiếu tài năng của mình một cách an toàn, hợp lý.
Chữ "khiêm cung" được ghép bởi hai chữ "khiêm nhường" và "cung kính". "Khiêm nhường" là không tự đề cao bản thân để nhường nhịn kẻ khác. Còn "khiêm cung" là có thêm thái độ cung kính, dù đối tượng ấy thấp kém hơn mình. Khiêm nhường đã khó mà khiêm cung lại càng khó hơn, vì "mạnh được yếu thua" đang là xu hướng chung của xã hội ngày nay. Ta chỉ có thể học tập được đức khiêm cung, nếu ta may mắn ý thức được những gì ta có hôm nay phải nhờ vào công lao của rất nhiều người đã nâng đỡ. Ta còn may mắn được người lớn dìu dắt, nên không quá thỏa mãn về tài năng bộc lộ khá sớm của mình. Ta lại được thân cận và học hỏi với những bậc tài đức vẹn toàn.

Ta còn biết luôn nhìn lại mình và thấy rõ những cố tật mà mình vẫn chưa thay đổi được. Hoặc nhờ một biến cố lớn lao nào đó mà ta thấy rõ sự liên hệ sâu xa giữa ta với những kẻ kém may mắn khác.
Đã nhiều lần tôi không muốn nhìn nhận đứa em của mình. Tôi thấy mình vừa tài giỏi, vừa siêng năng cần mẫn, chưa từng gây ra bất cứ phiền phức nào cho gia đình, trái lại còn đem tiếng thơm về cho gia đình và cả dòng họ. Vì vậy, khi chứng kiến những chuyện tày trời do em tôi gây ra, tôi đã tuyên bố: "Từ nay về sau, ta không có đứa em nào như mi nữa". Lúc ấy, nó bàng hoàng nhìn tôi thật lâu. Nhưng rồi nó cũng hiểu, nên chỉ biết câm lặng chấp nhận sự trừng phạt ấy. Khoảng cách giữa anh em tôi ngày càng lớn dần. Tôi luôn cảm thấy xấu hổ khi có ai hỏi về em mình, trong khi nó thì lại rất hãnh diện về tôi.
Nhiều năm sau, tôi cũng cố gắng tìm hiểu tại sao cùng là anh em ruột thịt mà lại có quá nhiều sự chênh lệch như thế. Cho đến một hôm, tình cờ nghe được chị tôi nói với một người bạn rằng những cái hay cái đẹp của cha mẹ đã truyền qua tôi gần hết rồi. Câu nói ấy như một tiếng sét làm vỡ tan bao nhiêu nghi lầm về thân phận của tôi và em tôi. Thì ra, hầu hết những ưu điểm của tôi là có phần của em tôi, và hầu hết những khuyết điểm của em tôi cũng có phần của tôi. Tôi và em tôi chỉ là sự tiếp nối nhau trong một dòng huyết thống. Kể từ đó, tôi đã nhìn em tôi bằng con mắt khác. Nhờ vậy mà em tôi cũng cố gắng thay đổi bản thân rất nhiều. Rồi tôi lại phát hiện ra một sự thật khác nữa: em tôi có những điểm rất tuyệt vời mà tôi không có được, hay có những việc nó làm rất hay mà tôi không làm được. Tôi rất hối hận và bắt đầu nhìn lại thái độ tự mãn xưa nay của mình. Bây giờ hai anh em tôi đã có thể trò chuyện với nhau như hai người bạn. Tôi luôn nhủ lòng sẽ bù đắp xứng đáng cho đứa em ấy trong tôi, và tôi biết em tôi cũng đang sống cho tôi.
"Nhân vô thập toàn", quả thật trên đời này không ai là hoàn hảo cả. Ta hay dùng từ "hoàn hảo" để nói về một người được hội tụ quá nhiều điểm sáng. Nhưng xét tận cùng thì họ vẫn có những góc tối. Tiếc thay, cuộc sống luôn có những lăng kính hạn hẹp. Không ai đi so sánh một nhà bác học thiên tài với một anh nông phu. Hoặc không ai lại cho rằng một chị lao công cũng quan trọng như một nhà lãnh đạo tài ba. Nhưng sự thật là nhà bác học không thể làm ra lúa gạo như anh nông phu, và nếu không có lúa gạo thì cũng không có ai có thể trở thành thiên tài cả. Chẳng lẽ thiên tài thì không ăn sao? Cũng như sự

thật là nhà lãnh đạo không thể cầm chổi quét đường mỗi sáng, vì ông ta quá bận rộn với vô số công việc quan trọng. Nhưng nếu không ai dọn dẹp đường phố thì môi sinh sẽ bị ô nhiễm, dịch bệnh sẽ lan tràn, thì thử hỏi nhà lãnh đạo có thể yên ổn được không? Chẳng lẽ lãnh đạo thì hít thở không khí khác sao? Cho nên nhà bác học, anh nông phu, nhà lãnh đạo, chị lao công đều quan trọng và đáng kính như nhau. Dù nhà bác học và nhà lãnh đạo có tạo nên bao điều lợi ích lớn lao cho đời, chẳng qua đó là sự ưu ái của vũ trụ dành cho họ. Người này tầm thường là để dồn năng lượng cho người kia trở thành phi thường. Suy cho cùng thì thật ra không có gì là tầm thường hay phi thường cả. Tất cả đều chứa trong nhau.
Khó ai có thể chấp nhận điều này. Nhưng đó là sự thật rất sâu sắc và bí ẩn của tự nhiên. Trong bản chất tự nhiên, mọi cá thể đều được hình thành từ tổng thể vũ trụ và luôn có sự tương tác với mọi cá thể khác. Không có bất cứ cá thể nào là ngoại lệ cả. Trái lại, người nào càng có nhiều tài năng đặc biệt thì họ mắc nợ càng nhiều với vũ trụ. Vì để trở thành người đặc biệt thì họ phải có cấu trúc di truyền đặc biệt và phải nhờ môi trường lớn lên đặc biệt. Họ phải nhờ hoàn cảnh thuận lợi đặc biệt và cả nhu cầu đặc biệt của cộng đồng thích ứng với tài năng của họ. Tất cả những cái "đặc biệt" đó đều do vũ trụ tin tưởng gửi tới. Có thể nói, người có tài năng xuất chúng là người được vũ trụ giao phó sứ mệnh phục vụ mọi người. Nếu họ không ý thức được sứ mệnh của mình, dùng tài năng đặc biệt để tự hào, kiêu ngạo, hay chỉ lo xây dựng quyền lợi ích kỷ thì chắc chắn vũ trụ sẽ lấy lại.
Văn minh tâm hồn
Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, khi ngồi ăn cơm với gia đình, ta phải xác định chỗ ngồi cho đúng để cho thấy người nào lớn hơn mình. Dù ta có bằng cấp cao, làm ra nhiều tiền, được nhiều người kính trọng, nhưng khi về lại gia đình thì ta vẫn nhỏ hơn người ấy. Mỗi khi có khách của ba mẹ ghé thăm, ta phải dừng công việc đang làm, bước tới vòng tay và cúi đầu chào hỏi một cách lễ phép. Đây không chỉ là một thứ nghi lễ trong giao tế, mà còn là phép thực tập thể hiện lòng cung kính. Vì người lớn ấy có thể đã tích tụ rất nhiều tài năng và đức hạnh; họ đã từng lăn xả và có rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời; hay họ đã từng quên mình để bảo vệ non sông, góp phần xây dựng đất nước. Trong truyền thống Phật giáo,

cũng có phép thực tập chào nhau bằng cách chắp tay như búp sen. Dù đối tượng kia là người lớn hay nhỏ hơn ta, nhưng ta vẫn chắp tay và cúi đầu một cách trang trọng. Ngoài ý nghĩa thể hiện sự trân quý giây phút gặp gỡ nhau, còn nhắc nhở ta rằng người kia có thể trở thành một vị Phật trong tương lai, dù họ đang là ai và đã làm gì.
Cách đây không lâu, trong trường học nào cũng nêu cao phương châm: "Tiên học lễ, hậu học văn" - học sinh phải được ưu tiên trau dồi lễ nghi nhiều hơn đón nhận kiến thức. Tức là ngành giáo dục hứa sẽ đào tạo nhân đức hơn là nhân tài. Trau dồi lễ nghi chính là thực tập đức khiêm cung. Mỗi ngày ta phải thực tập lối hành xử khiêm nhường và cung kính với cha mẹ, thầy cô, xóm giềng và tất cả bạn bè. Ta phải ý thức rằng tất cả mọi người đều có nhu cầu hiểu biết và thương yêu, ai cũng có thể là những bậc tài năng và đức hạnh. Đừng để sự dị biệt về hình thức bên ngoài hay kiến thức đầu đời trở thành bức tường ngăn cách, khiến ta tự hào về mình và thiếu tôn trọng lẫn nhau. Nếu lúc nào cũng biết yêu quý nhau như "nhiễu điều phủ lấy giá gương" thì ta chính là tương lai của đất nước và cả nhân loại.
Nhưng tiếc thay, cùng với xu thế hướng ngoại của xã hội, trường học bây giờ chỉ lo nhồi nhét kiến thức để mong có nhiều học sinh đạt loại giỏi. Hạnh kiểm chỉ còn là thứ răn đe để đừng vi phạm luật lệ nhà trường, chứ không phải là phép rèn luyện tâm tính để học sinh có hành trang vững chãi vào đời. Tệ hại hơn nữa, lễ nghi trong chốn học đường, cũng như những nơi "văn minh" của xã hội, chỉ còn là thứ trang sức cho "cái tôi trí thức". Giả vờ tôn trọng nhau qua hình thức lịch sự chính là sự "phá sản êm ái" nhất của đạo đức.
Ý thức được tình trạng đạo đức suy thoái trầm trọng ở khắp nơi, khiến bao thảm cảnh đau lòng xảy ra, làm con người ngày càng mất niềm tin vào tình thương và hạnh phúc chân thật, ta hãy cùng nhau quay về xây dựng lại đời sống tinh thần. Ta đã nhận ra rằng chỉ có một tâm hồn bình yên, trong sáng và hiểu biết mới có thể tạo dựng một đời sống ý nghĩa thật sự. Còn gì ý nghĩa hơn khi chúng ta đến với nhau trong tình huynh đệ; sẽ không ai nhìn ai bằng ánh mắt nghi ngờ hay thù oán; sẽ không còn ai muốn được tôn vinh hay lấn lướt; sẽ không có bóng dáng của dối trá hay toan tính nhỏ nhen; sẽ không còn sự kỳ thị giữa các nền văn hóa hay sự hiểu biết; sẽ không có kẻ thiếu trách nhiệm hay vô tâm. Đây có phải là nếp sống "văn minh tâm hồn" đã có từ xa xưa của tổ tiên ta không? Đây có phải là ước mơ sâu sắc nhất hiện nay của chúng ta không? Chúng ta không muốn tiếp tục làm

"tín đồ" sùng bái hào quang vật chất mà vô tình phá sản đạo đức của giống nòi. Chúng ta không muốn chứng kiến con cháu ta cũng loay hoay hơn nửa kiếp người như ta rồi mới nhận ra giá trị chân thật của cuộc sống. Chúng ta chỉ muốn được thảnh thơi trong đời sống. Chúng ta chỉ muốn mọi người đều bình đẳng, chan hòa và yêu thương nhau.
Không thể chần chờ thêm nữa, tổ tiên đang trông đợi sự tỉnh ngộ và quay về của chúng ta. Đức khiêm cung - kính trên nhường dưới - là mẫu hình lý tưởng nhất cho sự bắt đầu.
Như hoa nở trên đồng Xấu đẹp cũng về không Nhìn nhau chung bản thể Nét văn minh tâm hồn.

Ích Kỷ
Ích kỷ là thái độ sống nông cạn và tầm thường nhất của con người.
Ta và không phải ta
Khi nhìn vào đóa hoa đào, có thể ta cho rằng nó là tinh túy của riêng cây đào. Nhưng khi quan sát sâu sắc hơn, ta sẽ thấy hoa đào còn được tạo ra từ nhiều yếu tố khác như khí hậu, mặt trời, nước, khoáng chất, côn trùng và cả rác nữa. Những thứ ấy tuy không phải là hoa đào, tạm gọi là phi hoa đào, mới nhìn vào tưởng chừng không có liên quan gì tới hoa đào, nhưng nếu không có chúng thì hoa đào sẽ không thể nào có mặt. Hoa đào tuy sinh ra từ cây đào, nhưng cây đào và cả tổ tiên của nó cũng được tạo ra từ vô số điều kiện khác trong trời đất này. Chúng không hề có sự tách biệt. Sự thật không có gì là hoa đào cả, chỉ có cái hợp thể được tạo nên từ những yếu tố phi hoa đào thôi. Đúng ra, chữ "phi" cũng không nên có, vì chính những thứ ấy đã tạo ra hợp thể hoa đào chứ đâu phải thứ nào khác.
Nếu hoa đào biết được sự thật nó cũng chính là lá, là cành, là thân, là rễ của cây đào, là vạn vật bên ngoài đã và đang không ngừng nuôi dưỡng nó thì nó sẽ không bao giờ dám tự hào, kiêu ngạo và sống ích kỷ. Hoa đào chỉ là một tướng trạng đại diện cho tất cả những gì mà tổ tiên của hoa đào và cả vũ trụ trao tặng. Tướng trạng này cũng chỉ biểu hiện một thời gian rồi lại đổi sang tướng trạng khác. Vậy nên, hoa đào không chỉ yêu bản thân mình mà còn phải yêu luôn lá, cành, thân, rễ hay vạn vật sống xung quanh nữa. Có lẽ hoa đào đã hiểu rõ điều đó nên nó luôn sống hết mình. Nó vui vẻ chịu đựng những trận giá rét thấu xương, để khi nắng ấm mùa xuân về nó tung ra những cánh hoa tươi thắm và thơm ngát. Hoa đào đã sống rất khí phách, dễ thương và làm tròn trách nhiệm của mình.
Có bao giờ ta đưa bàn tay lên và tự hỏi: bàn tay này thật ra là của ai? Tất cả những tài năng được thể hiện từ bàn tay này có phải do chính ta tạo ra hay không? Câu hỏi ấy tưởng chừng rất đơn giản nhưng có thể ta đã từng trả lời sai. Hãy nhìn kỹ lại bàn tay của mình

đi! Có phải ngoài năng lực rèn luyện của bản thân ra, nó đã từng được đón nhận những hạt giống tài năng qua sự trao truyền từ các thế hệ tổ tiên mà gần nhất là thế hệ cha mẹ không? Khi nấu được một tô canh chua, ta phải biết rằng cả tổ tiên đã cùng nấu với ta. Vì nếu không có sự khám phá và trải nghiệm của tổ tiên thì làm sao ta biết nấu canh chua. Thậm chí, ta cũng không biết thế nào là canh chua. Ngay cả danh từ "canh chua" cũng không có. Tổ tiên không chỉ có mặt trong ta qua từng tế bào mà còn trong từng nhận thức và nếp sống của ta nữa. Dù ta có muốn nhìn nhận hay không thì đó vẫn là sự thật.
Ta cũng chính là sự tiếp nối của tổ tiên huyết thống và cả tổ tiên tâm linh của ta. Ta chỉ là tướng trạng đại diện chứ không phải riêng biệt. Điều duy nhất khiến ta có chút khác biệt với họ là ta đã có công cùng với vũ trụ tổng hợp tất cả những yếu tố trao truyền ấy lại thành một chỉnh thể mới, để thể hiện một đời sống mới với một sứ mệnh mới. Ngoài ra, ta còn phải vay mượn thêm những gì mà hoa đào đã từng vay mượn từ thiên nhiên. Nghĩa là ta không ngừng giao thoa và chịu sự tác động của vạn vật. Và để trở thành một con người hiểu biết và sống an ổn như bây giờ thì ta còn phải nương tựa vào nhiều yếu tố khác nữa do loài người tạo ra như kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, tôn giáo Nhìn lại càng sâu ta sẽ càng thấy mình cũng như muôn loài, cũng được tạo ra từ những cái không-phải-ta. Sự thật ta vốn là vô ngã. Vì vậy mỗi khi xưng "ta" hay nhìn vào những tác phẩm "của ta" thì ta phải ngầm hiểu rằng nó vốn là hợp thể, là tác phẩm chung. Cách gọi đó chỉ đúng trong phạm vi tương đối, chỉ nhằm giúp ta lưu tâm đến ý thức trách nhiệm mà thôi.
Tổ tiên ta nhờ có nhiều cơ hội nhìn lại mình và ít chạy theo ngoại cảnh nên dễ dàng thấy rõ nguyên tắc tương tác tự nhiên của cuộc sống. Họ đã luôn thực tập thương yêu kẻ khác cũng như thương yêu chính bản thân mình. Đó không phải là vấn đề cao thượng hay từ bi gì cả, mà đó là thái độ sống đúng đắn và phù hợp với sự vận hành của vũ trụ. Sống như vậy là sống có hiểu biết, có bình an và hạnh phúc. Bây giờ ta luôn tự cho mình là văn minh, có đủ loại bằng cấp mà lại không thấy hoặc không chấp nhận nổi sự thật ấy. Nên ta cứ lao theo chủ nghĩa cá nhân, ra sức tích góp mọi quyền lợi phục vụ cái tôi được cho là riêng biệt của mình. Đôi khi ta còn xâm lấn của kẻ khác, vơ vét tài sản chung, gây hại đến môi sinh và bao người xung quanh. Nhưng rốt cuộc ta cũng chẳng biết thế nào là hạnh phúc.

Cái tôi chân thật
Có một hôm đức vua Pasenadi - vị vua cai trị tiểu vương quốc Kosala của Ấn Độ - hỏi hoàng hậu Malika: "Trên đời này ái khanh yêu quý ai nhất?". Hoàng hậu đáp: "Dĩ nhiên, người thiếp yêu quý nhất chính là bệ hạ". "Trẫm cũng đoán là khanh sẽ nói thế", đức vua mỉm cười sung sướng. Nhưng hoàng hậu lại nói tiếp: "Nếu bệ hạ cho phép, thần thiếp sẽ nói khác đi một tí nhưng sẽ xác thực hơn". Đức vua nóng lòng: "Ái khanh cứ nói đi!". "Tâu bệ hạ, người mà thần thiếp yêu quý nhất chính là thần thiếp đây". Đức vua ngạc nhiên: "Sao? Mình lại yêu mình? Trẫm không hiểu ý ái khanh muốn nói gì?".
Hoàng hậu dè dặt thưa: "Vậy cho phép thần thiếp hỏi ngược lại, bệ hạ yêu quý ai nhất trên đời?". Đức vua cười: "Thì ái khanh chứ còn ai!". Hoàng hậu hỏi tiếp: "Nhưng nếu thần thiếp lại yêu quý một người đàn ông khác thì bệ hạ sẽ tính sao?". Đức vua lúng túng: "À, trẫm sẽ trẫm sẽ". "Bệ hạ sẽ nổi trận lôi đình và chém đầu thần thiếp ngay phải không?", hoàng hậu tiếp lời. Đức vua giả lả: "Khanh hỏi rắc rối quá! Rắc rối thật!". Hoàng hậu lại hỏi tới: "Tâu bệ hạ, có đúng như vậy không ạ?". "Ừ, thì có lẽ khanh nói đúng!", đức vua im lặng hồi lâu rồi xác nhận. Hoàng hậu liền nhẹ nhàng giải thích: "Bệ hạ yêu quý thần thiếp chỉ vì thần thiếp đã đem tới hạnh phúc cho bệ hạ. Nên khi thần thiếp không tiếp tục đem tới hạnh phúc cho bệ hạ nữa thì bệ hạ hết yêu quý và muốn giết chết thần thiếp ngay. Như vậy, bệ hạ chỉ yêu quý mình nhất thôi".
Đúng là bản năng con người cũng như bao nhiêu sinh vật khác, vẫn luôn giành mọi quyền lợi cho cái tôi của mình. Đó là thái độ sai lầm lớn nhất đối với một cá thể đang chịu tương tác cùng vô số cá thể khác xung quanh để tồn tại. Chính sự sai lầm này đã dẫn đến thế mất cân đối trầm trọng, giữa một bên là nguồn năng lượng nuôi dưỡng quá lớn từ vạn vật trong khắp vũ trụ gửi đến và một bên là thái độ sống chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Công bằng mà nói, hoa đào vốn tiếp nhận rất ít quyền lợi từ thiên nhiên nhưng nó đã sống hết mình để dâng tặng cho đời tất cả giá trị của nó. Còn ta, tuy được nhân danh là kẻ hiểu biết nhất nhưng thử hỏi ta đã sống như thế nào và đã làm gì cho cuộc đời này?
Đừng nói chi xa xôi. Với những người thân yêu sống bên cạnh mà ta chẳng mấy khi quan tâm đến những khó khăn hay ước vọng sâu sắc

của họ. Đầu óc ta lúc nào cũng lo nghĩ đến cách kiếm được nhiều tiền, thăng tiến địa vị, thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ của nhiều người. Làm như thể mọi người phải có trách nhiệm thương yêu và giúp đỡ mình, còn mình thì được "đặc quyền" không phải có trách nhiệm với bất cứ ai. Thật ra, ta cũng đã từng cố gắng giúp đỡ vài người, nhưng chưa bao giờ nghĩa cử cao đẹp ấy lại không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Ít nhất đối tượng ấy phải dễ thương, quý mến ta, hay phải tỏ ra trân quý những gì ta mang đến cho họ. Trong tình cảm cũng vậy. Ta nghĩ mình đã hết lòng yêu thương người ấy nhưng sự thật là ta đang nghiện cảm xúc của họ mà không thể rứt ra được. Ta tưởng mình cũng rất cao thượng khi quyết định tha thứ dễ dàng cho những lầm lỡ của họ, nhưng sâu thẳm bên trong là vì ta sợ họ sẽ không còn yêu thích và thân thiện với ta nữa, hay vì ta muốn chứng tỏ tấm lòng độ lượng của mình trước mọi người.
Dường như ta chưa bao giờ làm việc gì mà không mang theo cái tôi hưởng thụ. Nó đã trở thành thứ "nhân sinh quan" của thời đại. Sự thật, ích kỷ là thái độ sống nông cạn và tầm thường nhất của con người - không những không muốn trải lòng giúp đỡ ai mà còn luôn len lỏi vào mọi ngõ ngách để rút tỉa quyền lợi. Có lẽ, đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hệ quả: con người tuy được hưởng thụ nhiều nhất nhưng lại là kẻ chịu khổ đau nhiều nhất.
Mục đích của đạo đức hay tôn giáo không gì khác hơn là giúp cho con người thấy được sự thật về thân phận của mình, để thiết lập lại đời sống sao cho đúng đắn và hài hòa với sự vận hành của vũ trụ. Nghĩa là ta phải luôn có ý thức chuyển hóa những năng lượng xấu đã lỡ phát sinh, cũng như tìm cách ngăn chặn những năng lượng xấu có thể phát sinh. Tức là phải biết tích đức. Ngoài ra, ta phải có trách nhiệm nuôi dưỡng những năng lượng tốt đã phát sinh, cũng như tìm cách khơi dậy những năng lượng tốt chưa có cơ hội phát sinh. Tức là tích phước. Đạo đức hay tôn giáo nào không thể đảm nhận được chức năng này, lại dẫn dắt con người tiếp tục tôn thờ cái tôi riêng biệt, vẫn không ngừng tạo ra ranh giới chia cách giữa những cá thể hay đoàn thể để bênh vực và tranh chấp quyền lợi, lại còn khiến con người lãng quên đời sống quý giá trong hiện tại để giam mình vào những mộng tưởng xa vời, thì đạo đức hay tôn giáo đó vẫn là một thứ ích kỷ và độc hại. Chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân và những chủ thuyết đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn xã hội cũng cần được xét kỹ lại. Ta phải có chánh kiến và thái độ dứt khoát rõ ràng để chọn ra con đường đúng đắn nhất, có thể mang lại giá trị hạnh phúc chân thật

ngay trong thực tại.
Không có con đường nào đúng đắn hơn là con đường trở về nội tâm - tức đạo tâm. Tâm chính là nguồn gốc của mọi khổ đau và hạnh phúc. Ta không cần phải tìm kiếm thêm con đường nào xa xôi, hãy trở về ngay nơi chính mình để nương tựa. Trong ta vốn có đầy đủ tất cả những điều kiện có thể thiết lập nên đời sống bình yên và hạnh phúc chân thật. Để tiếp xúc được những giá trị quý báu ấy, ta phải cố gắng thực tập buông bỏ bớt những mong cầu và chống đối không cần thiết. Càng không đòi hỏi và bám víu ở bên ngoài, ta sẽ càng có thêm sức mạnh ở bên trong. Dần dần, ta sẽ trải lòng ra một cách tự nhiên để chia sớt và nâng đỡ mọi người và mọi loài. Ta đã nhận ra những đối tượng ấy cũng chính là những hóa thân - những phần thân thể của mình. Đó là cái tôi chân thật mà mỗi chúng ta phải có bổn phận tìm thấy cho bằng được. Nó đã bị trôi lăn qua bao thăng trầm của cuộc đời, đã từng bị phủ lấp bởi những đam mê và tham vọng. Khi tìm thấy cái tôi chân thật ấy thì những tự ái và tổn thương sẽ không còn nữa. Lòng kỳ thị và hận thù cũng sẽ tan vỡ.
Đây là con đường mà ông cha ta đã từng bước đi rất thành công. Ta hãy mau mau quay về tiếp nhận và cố gắng giữ gìn để mở ra một tương lai sáng đẹp cho chính ta và con cháu ta.
Thấy hoa đào rạng rỡ Lòng thẹn với núi sông Ôi cánh hồng bay bổng Ta tìm gì trăm năm?

Trách Nhiệm
Hãy ý thức rằng ta đang gìn giữ gia tài rất quý báu của tổ tiên và phải có trách nhiệm trao truyền cho con cháu.
Có làm có chịu
Chưa bao giờ hai chữ "trách nhiệm" được nhắc nhở nhiều như bây giờ. Mặc cho báo đài cứ kêu ca mỗi ngày, nhưng dường như nó không đánh động nổi trái tim vô cảm của con người đối với những thứ được gọi là của chung.
Sự thực dụng đến mức thô thiển khiến người ta không những không muốn chịu trách nhiệm cho những gì mình đang cùng thừa hưởng, mà còn ngang nhiên góp phần tàn phá. Họ tưởng rằng chỉ có tiền bạc, quyền lực hay sắc dục mới là những thứ quan trọng. Nhưng thử ngưng sử dụng nước hay không khí thì họ có còn sống sót để đeo đuổi những thứ ấy nữa hay không? Nên nhớ kinh tế cũng chính là phi kinh tế. Kinh tế không thể có mặt và đứng vững khi những lĩnh vực khác bị suy yếu.
Tình yêu cũng vô ngã. Tình yêu cũng được tạo ra từ những thứ phi tình yêu. Nghĩa là không có cái gọi là tình yêu, nếu nó chỉ đứng riêng một mình. Vậy mà khi làm kinh tế hay yêu đương, người ta lại sẵn sàng gạt bỏ những yếu tố gắn bó mật thiết xung quanh, quên hết bổn phận trách nhiệm, chỉ sống theo cái tôi nông nổi nhất thời. Chẳng trách tại sao rốt cuộc họ vẫn khổ đau, lận đận.
Sự bùng nổ kinh tế thị trường đã đánh thức lòng tham của con người vốn được thuần phục bởi những khuôn thước đạo đức mà ông cha ta đã gầy dựng và gìn giữ suốt mấy nghìn năm qua. Bây giờ, hầu hết mọi người đều sống trong tình trạng bất an. Nhưng không phải vì thiếu ăn thiếu mặc mà vì thiếu hiểu biết. Họ nghĩ rằng nếu không có đầy đủ tiện nghi như kẻ khác thì không thể hạnh phúc được. Do đó, hễ thấy quyền lợi là họ nhảy vào chụp bắt ngay, bất chấp thủ đoạn. Họ quên rằng vũ trụ vốn rất công bằng. Nhiều khi ta cố gắng hơn thua hay chèn ép kẻ khác thì có thể vũ trụ sẽ rút lại tình cảm hay sức

khỏe của ta. Còn nếu ta bồi đắp cho những cái chung thì vũ trụ sẽ ban tặng cho ta những món quà bất ngờ. Vũ trụ không phải là một đấng quyền năng tối cao. Mà đó là tổng năng lượng của vạn vật hữu hình và vô hình, đang không ngừng vận hành theo nguyên tắc nhân quả và duyên sinh. Khi ta mở lòng để hướng tới những đối tượng khác hay hướng tới cái chung thì chắc chắn ta sẽ kết nối được với nguồn năng lượng tiềm tàng vĩ đại ấy.
Vì vậy tổ tiên ta thường khuyên: "Có đức mặc sức mà ăn". Sống có trách nhiệm thì vũ trụ sẽ nuôi ta suốt đời. Ta sẽ trở thành đứa con cưng của vũ trụ. Thật ra, trách nhiệm cũng chính là quyền lợi. Chẳng qua nó chuyển đổi từ dạng công sức hay tiền của, sang dạng năng lượng khác cao quý hơn, nhưng phải có năng lượng "không toan tính" làm tác nhân.
Hiện nay, có rất nhiều vấn đề đang trong tình trạng kêu cứu ý thức trách nhiệm của mọi người. Đó là hàng loạt công trình xây dựng bị rút ruột, tình trạng kinh doanh hóa chốn học đường, sự tham lam đến tàn nhẫn trong việc giả mạo hàng hóa và thực phẩm, cuộc tranh đua chế tạo vũ khí hạt nhân để lấn chiếm lãnh thổ, hay nhiều vụ tham nhũng dẫn đến kinh tế quốc gia kiệt quệ làm cho dân tình sống cảnh điêu đứng lầm than Những vấn đề nhức nhối ấy phải cần có sự
quan tâm đúng mức của Chính phủ hay Liên hiệp quốc mới hy vọng ngăn chặn nổi. Riêng đối với tình trạng môi sinh, tuy cũng đang ở mức báo động "hiểm họa" nhưng mỗi cá nhân có thể góp phần vào việc thay đổi tình trạng ấy một cách tích cực ngay từ bây giờ.
Tìm hướng đi lên
Môi sinh chính là bà mẹ của chúng ta, là căn nhà của chúng ta. Nếu nó có mệnh hệ gì thì chúng ta sẽ không còn chỗ trú ngụ và sống sót. Ta hãy nhìn lại môi trường mà mình đang sinh sống bằng con mắt tỉnh táo và hiểu biết để thấy rõ thực trạng.
Vấn đề túi nylon: Túi nylon được làm ra từ nhựa PVC. Khi đốt cháy nó sẽ tạo ra chất dioxin rất độc hại, gây khó thở và có thể nôn ra máu, làm giảm khả năng miễn dịch, tạo ra các triệu chứng ung thư hay dị tật bẩm sinh. Dùng túi nylon màu để đựng thực phẩm dễ khiến
thực phẩm nhiễm các kim loại như chì, cadimi(1) góp phần làm bại

não và gây ung thư phổi. Túi nylon khi bị vứt xuống cống, nó sẽ làm tắc nghẽn các hệ thống thoát nước, tạo điều kiện cho muỗi và các dịch bệnh phát sinh. Còn nếu nó lẫn trong đất thì cỏ không mọc nổi và dẫn đến sự xói mòn ở các vùng đồi núi.
Ở Wales, miền tây nam nước Anh, mỗi năm người ta vứt khoảng 480 triệu túi nylon. Loại túi này phải mất cả nghìn năm mới tự phân hủy được. Chính quyền Wales đã tuyên bố thực tập giới hạn sử dụng túi nylon vào năm 2011, họ sẽ đánh thuế 15 xu trên mỗi chiếc túi nylon được sử dụng. Số tiền thu được sẽ dành cho các dự án bảo vệ môi trường. Trong khi ở Ireland đã áp dụng từ năm 2002, cũng 15 xu cho 1 túi nylon và họ đã thu về 109 triệu bảng (khoảng 153 triệu đô la Mỹ). Số lượng túi nylon được sử dụng từ đó giảm đến 90% và chi phí xử lý rác cũng xuống thấp rõ rệt. Còn ở Sài Gòn, cứ mỗi một ngày tiêu thụ khoảng 5 triệu túi nylon, tương đương với 35 tấn, chủ yếu ở các siêu thị.
Hiện nay ở Đức, Pháp và Hà Lan đang tiến hành sử dụng túi sản xuất từ tinh bột khoai tây hay giấy có thể tự phân hủy sau 3 tháng. Trước đây ông bà ta dùng lá sen, lá chuối để gói hàng hay xách giỏ đi chợ. Hình ảnh ấy tuy thô sơ nhưng đó lại là nếp sống rất an toàn và hiểu biết. Đã đến lúc ta cần quay về học lại nếp sống "văn minh tâm hồn" của truyền thống, bớt chạy theo lối tiện nghi xa hoa nhưng luôn khiến ta mệt mỏi và bất an. Ta hãy cùng nhau thực tập chỉ sử dụng túi vải, túi mây, hoặc bất cứ loại nào không gây nhiễm độc cho môi sinh để đựng hàng hóa khi đi chợ. Đừng đợi Chính phủ lên tiếng cảnh báo, phạt tiền rồi ta mới chịu làm. Như thế sẽ quá muộn để cứu lấy hành tinh xanh này.
Vấn đề giấy: Rừng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tồn vong của chúng ta. Nhờ có tán lá xòe rộng mà nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất, nên lớp đất bề mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa và nắng cũng không đốt cháy mặt đất. Rừng không chỉ bảo vệ đất mà còn làm tăng độ màu mỡ cho đất, là nơi dự trữ nguồn nước để nước thong thả chảy về nuôi các con sông trong thời gian không mưa. Cho nên, những vùng có rừng che phủ sẽ giảm bớt hạn hán. Rừng còn có chức năng làm cho các cơn lũ giảm mức tấn công đột ngột. Điều quan trọng nhất là rừng đã hấp thụ khí thải CO2 từ khói xe và nhà máy, để nhả ra dưỡng khí O2 cung cấp cho lá phổi con người. Rừng chính là lá phổi mẹ của chúng ta.

Một trong những lý do lớn khiến hàng vạn khu rừng liên tục ngã xuống đó là việc sản xuất giấy. Cứ 1 tấn giấy thành phẩm thì phải cần có 5 m3 gỗ và 100 m3 nước. Sẽ không có gì quá đáng khi nói rằng nếu rừng ngã thì ta cũng sẽ ngã theo. Từ bây giờ trở đi, ta hãy thực tập hạn chế tối đa việc sử dụng khăn giấy, thay vào đó ta dùng trở lại khăn vải để lau miệng hay khăn lông để lau tay. Ngay cả chén hay ly giấy, ta chỉ nên dùng trong trường hợp bất khả kháng, chứ đừng tiếp tục xem đó là cách tiện lợi thích đáng. Sử dụng lại cách cũ tuy hơi mất công một chút, nhưng nó vừa đối trị thói quen dễ dãi lười biếng của ta, lại vừa giúp ta không trở thành thủ phạm gián tiếp hủy diệt vô số cánh rừng xanh tươi.
Đối với giấy sử dụng trong việc học tập hay văn phòng cũng nên tận dụng hết mức. Ít nhất là phải xài hết hai mặt rồi mới bỏ đi. Cách nay chừng vài thập niên thôi, ta đã từng biết gom lại những quyển tập niên học cũ làm "kế hoạch nhỏ" để có tiền mua tập cho niên học sau. Thời ấy, ai làm diều bằng giấy tập được xem là hạng sang. Kinh tế phát triển đã làm cho ta có đầy đủ mọi thứ, nhưng cũng chính từ ấy ta trở nên phung phí, quên đi rất nhiều nguyên tắc sống rất căn bản để giữ gìn sức khỏe và thăng hoa giá trị tâm hồn.
Vấn đề nguồn nước: Khi rừng ngã xuống hay không khí bị nhiễm độc thì nguồn nước sạch cũng sẽ dần cạn kiệt. Hiện nay có khoảng 1/6 dân số thế giới không được dùng nước sạch, và hằng năm có hơn 2 triệu người mà phần lớn là trẻ em chết vì khát hay vì các chứng bệnh liên quan tới nguồn nước. Thật ra, trong 30 năm qua nhu cầu nguồn nước sạch của con người đã vượt quá khả năng cung cấp. Trong khi một số ít quốc gia đang cố gắng lập ra những nhà máy lọc nước mặn thì đa phần còn lại tiếp tục phun thuốc trừ sâu loại độc hại, tuôn chất thải từ công nghiệp chăn nuôi vào nguồn nước hay sử dụng nước một cách lãng phí. Các hiệp hội bảo vệ môi trường trên thế giới dự báo rằng, khoảng 50 năm nữa con người của cả địa cầu này phải chịu cảnh hạn hán kinh niên và phải đi hứng từng giọt nước để uống, nếu cứ đà lãng phí hay làm ô nhiễm nguồn nước như hiện nay.
Chúng ta chắc không quên mình đã từng sống qua những giai đoạn "khát cháy". Ta phải thức hôm thức khuya để hứng từng xô nước từ giếng làng về xài cho sinh hoạt cả gia đình trong ngày. Thảm cảnh ấy bây giờ vẫn còn đang tiếp diễn ở châu Phi hay một vài khu vực ở châu Á, và trong tương lai sẽ là toàn cầu. Khi ấy, dù chúng ta có thật nhiều tiền cũng không thể nào mua được nước, bởi nước đã bị ô

nhiễm và từ giã ta đi xa rồi. Ngay cả hiện nay tại một số nơi, nước đã nằm trong quyền quản lý của một vài tập đoàn kinh doanh và nó đã trở thành mặt hàng đắt đỏ đứng sau điện và xăng dầu. Nghĩa là người nghèo sẽ không được phép dùng nước sạch. Trong khi nguồn nước vốn là tài sản của thiên nhiên, ai cũng có quyền sử dụng và không ai có tư cách làm ô nhiễm hay tranh giành làm của riêng cả. Do đó, nếu chúng ta không muốn thảm cảnh ấy lặp lại một lần nữa với mình và con cháu mình thì hãy quyết tâm tiết kiệm nước ngay từ bây giờ.
Mỗi khi đánh răng ta hãy nhớ tắt ngay vòi nước. Trong vài phút vô tâm ấy, ta đã phung phí cả chục lít nước sạch có thể cứu sống vài trẻ em đang chết khát trên thế giới. Khi rửa chén ta cũng nên rửa trong thau. Đừng vì vài cái chén mà ta xả nước ồ ạt, dù ta có tiền để trả mỗi tháng. Chỗ hao phí nước nhiều nhất trong sinh hoạt hằng ngày chính là trong nhà tắm. Kể từ bây giờ, ta nên cùng nhau thực tập giới hạn việc dùng bồn tắm hay vòi sen, thay vào đó ta hãy hứng nước vào xô để tắm. Cách này giúp ta dễ dàng tiết kiệm nước, có thể ngừng xả nước khi không thật sự cần thiết và biết rõ mình đã sử dụng bao nhiêu nước. Việc làm này tuy giản dị, nhưng hiệu quả tức thì mà không cần phải có một chính sách ban hành ta mới làm được. Con cháu mai sau không bị khuyết tật bẩm sinh, không bị cằn cỗi hay chết yểu và còn có thể nhìn thấy màu xanh của hành tinh này, sẽ rất biết ơn nếp sống có hiểu biết của ta hôm nay.
Vấn đề khói xe: Theo WHO - tổ chức y tế thế giới, mỗi năm có gần 600.000 người tại châu Á bị chết vì các bệnh thuộc đường hô hấp liên quan tới không khí. Thủ phạm hàng đầu gây ra tình trạng ô nhiễm này là khói xe. Ở Bắc Kinh mỗi ngày có 2,6 triệu xe phun khói lưu hành và nơi đây đã được mệnh danh là thành phố xe hơi. Cứ 5 người Bắc Kinh là có 1 người sở hữu xe riêng. Với số dân gần 20 triệu, nên giao thông ở Bắc Kinh không những trì trệ mà còn đến mức nghẹt thở. Ở Hong Kong, khói xe luôn giăng kín thành phố, đến nỗi 1/3 số ngày trong năm người ta không thể ngắm các dãy phố hay hải cảng. Ở Hà Nội, mỗi ngày một người phải hít vào phổi khoảng 100mg bụi PM10 (particulate matter) cực kỳ độc hại, 5.000mg CO và 50mg khí thải khác như NO2, SO2 vì khói xe phong tỏa.
Mỗi khi cầm chìa khóa xe lên, ta hãy tự hỏi mình nhiều lần là ta đang định đi đâu đây? Cần thiết thì ta cứ đi. Còn nếu thấy mục đích ấy không thật sự chính đáng thì ta hãy can đảm để chiếc chìa khóa xuống. Đừng vì chút cảm hứng mà ta lại đi hủy diệt chính mạng sống

của mình và muôn loài. Ngoài ra, ta cũng nên dùng xe đạp, những loại xe chạy bằng nhiên liệu không độc hại như điện hoặc sử dụng xe công cộng khi có thể. Cách này vừa tiết kiệm xăng, vừa không góp phần gây ô nhiễm, mà cũng vừa tiếp nhận lại tính tương tác giữa mình và mọi người trong cộng đồng đang sinh sống. Đón xe đi chung với nhau là hình ảnh rất đẹp. Nó kéo chúng ta lại gần nhau và phá vỡ phần nào chủ nghĩa cá nhân.
Vấn đề ăn thịt: Địa cầu đang bị hâm nóng dần. Ước tính có thể vài năm tới đây các tảng băng ở Iceland và Tây Nam Cực sẽ tan rã rất nhanh, sẽ khiến cho mực nước biển dâng cao đột ngột. Nó không những làm ảnh hưởng đến phân nửa dân số thế giới đang sống ven bờ biển mà còn khiến cho hàng tỉ tấn chất mêtan (CH4) trong lớp băng dày đặc kia vỡ ra. Đây là nguyên nhân chính khiến địa cầu ngày càng nóng lên dữ dội và hàng loạt thảm họa thiên tai sẽ xảy ra như hạn hán, sức nóng gia tăng, sa mạc hóa, đất lún chìm, biển chết, loài hoang dã bị tuyệt chủng và sức khỏe con người cũng bị suy sụp trầm trọng.
Thế giới đang báo động tình trạng hiệu ứng nhà kính và hết sức nỗ lực giảm khí thải trong công nghiệp hay giao thông. Nhưng phải mất thời gian khá lâu thì tình trạng mới khả quan, vì nó có liên quan tới quyền lợi của nhiều tập đoàn trục lợi hay guồng máy chính trị độc tài và tham nhũng. Trong khi ăn chay thuần chất, tức là tất cả thức ăn đều có nguồn gốc từ thực vật, là giải pháp có thể làm ngay đối với mỗi cá nhân và có hiệu quả rất cao trong việc làm nguội địa cầu. Bởi vì chăn nuôi đóng góp hơn 50% chất thải mêtan vào bầu khí quyển này. Ngoài ra, chính việc chăn nuôi gia súc lấy thịt tăng nhanh trong những năm gần đây đã khiến cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện. Phải chăng từ khi con người đắm chìm trong những món ăn cầu kỳ lấy từ mạng sống của đủ loài động vật, cũng chính là lúc con người đánh mất lòng bao dung cao cả của một bậc đàn anh?
Với tinh thần trách nhiệm của một đứa con, ta hãy hứa với bà mẹ thiên nhiên:
1- Ý thức việc vứt bỏ túi nylon gây nhiễm độc cho bà mẹ thiên nhiên vì phải mất cả nghìn năm nó mới tự phân hủy, con xin nguyện chỉ sử dụng túi vải để đựng hàng hóa khi đi chợ.
2- Ý thức nếu rừng ngã thì con không thể thở và cũng sẽ ngã theo,

con xin nguyện chỉ sử dụng chén, ly hay khăn giấy trong những trường hợp không còn cách nào khác hơn.
3- Ý thức nguồn nước thiên nhiên đang dần cạn kiệt và hàng triệu người đang chết khát trên thế giới, con xin nguyện tiết kiệm từng ngụm nước dù khi tắm rửa.
4- Ý thức khói xe gây ô nhiễm không khí, tạo ra những trận mưa axít làm chết rừng, hư hại nguồn nước, con xin nguyện chỉ lái xe vào những mục đích thực sự chính đáng, và sẽ cố gắng dùng xe công cộng khi có thể.
5- Ý thức việc chăn nuôi gia súc lấy thịt gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm, chất thải làm cho địa cầu nóng thêm dẫn đến những thảm họa thiên tai và con người ngày càng đánh mất lòng từ ái vốn rất cao cả dành cho muôn loài, con xin nguyện ăn chay thường xuyên để góp phần xoa dịu và giữ gìn sinh mạng chung.
Vì tình thương và hiểu biết, thưa bà mẹ thiên nhiên, con xin tự nguyện ký kết năm hiệp ước này. Con ý thức rằng, con đang gìn giữ gia tài rất quý báu của tổ tiên và phải có trách nhiệm trao truyền cho con cháu. Con không thể để cho tâm hồn chúng nghèo đói và lạc lõng mà đi về tương lai. Nếu bàn tay này còn tiếp tục gây ra những năng lượng độc hại có tính chất hủy diệt sinh mạng chung thì con sẽ có tội với các bậc tiền nhân và với vũ trụ. Từ nay con xin hứa sẽ cố gắng giữ bàn tay thật trong sạch để cùng đưa con cháu đi lên.

Giữ bàn tay cho khéo
Tiếp nhận nếp tổ tiên
Trao truyền cho con cháu
Cùng tìm hướng đi lên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro