i

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

     Hôm sau, Trọng cứ thế vác cặp mắt có một mảng thâm quầng dày cộp đi học.

     Thanh thiếu niên mới lớn choai choai lẽ dĩ nhiên phải có chút tự trọng, nhất là với đứa tự trọng ngất trời như nó. Nên sáng nay, nó đã cố tình đánh tiếng hỏi mượn bố cặp kính đen mà bố nó đeo đợt cả nhà đi du lịch hè vừa rồi. Nhưng ông hùng hổ quát rằng ông sẽ sẵn sàng cho nó mượn nếu nó đứng im để ông múa Thái Cực Quyền và giáng vào mỗi bên mắt nó một trượng. Và thằng Trọng xách ba lô chạy vội trong tiếng cười vang vọng tới sởn da gà của bố kèm tiếng gọi thất thanh của mẹ rằng nó để quên cơm trưa rồi đây này.

     Trường nó xa nhà, bình thường vẫn phải bắt xe buýt đi học, cũng hên là chỉ cần một chuyến thôi là đủ để nó tới ngay cổng trường. Và càng may là khi nó đi học thì chuyến này lại khá vắng, nên nó lựa được luôn một ghế ngon ơ ngay cạnh cửa kính, tha hồ ngắm phố. Nhưng với cặp mắt nặng trĩu như bây giờ, nó chỉ kịp giơ tấm vé tháng ra cho ông chú thu vé liếc, rồi ngồi phịch xuống ghế, dựa đầu vào một bên cửa sổ.

     Từng căn nhà, cửa tiệm, cành cây, ánh nắng cứ lướt qua, nhòe đi trước đôi mắt thiếu ngủ của nó. Bất giác nó cảm thấy phố phường nơi đây xa lạ, dẫu chuyến xe này đã bao lần đi qua đây rồi, và cũng chẳng phải lần đầu nó ngồi ở ghế này. Thậm chí, nó đã được sinh ra và lớn lên ở nơi đây, chí ít cũng mười sáu năm hơn nó sống "công tử" - là sống trong phố - chứ ít ỏi gì. 

     Nó tự nhiên nghĩ về cái cảnh thằng Luân lớ ngớ đi nhầm cả từ khu nhà học sang tận tòa của giáo viên, rồi lúc bị mắng té tát thì lại khì khì cười quay về. Từ buổi học đó, Trọng ghét Luân ra mặt, ghét theo cái kiểu nếu như Luân ở đâu, thằng Trọng sẽ tự né đi góc khác, dù rõ ràng hai đứa chẳng cự cãi, cũng chẳng căm thù nhau lấy một chút. Tự dưng Trọng nghĩ rằng nếu nó làm thế thì cảm giác bực tức trong lòng sẽ tự tiêu tan thôi.

     Hôm qua mới là thứ Năm của tuần đi học trở lại đầu tiên sau mùa hè. Thế mà thằng Luân trông rõ là khác so với trước mùa hè. Trọng còn nhớ ngày cuối cùng của năm lớp mười, Luân đen nhẻm còn hì hục vác đống đồ của nó ra cổng trường để bắt xe về nhà, do nó ở kí túc xá. Vẻ mặt thằng Luân lúc chiếc xe phóng tới đón nó trông đến đần, và đần gấp đôi khi nó tót lên xe và vẫn cố dán mắt vào, có vẻ như đang cố bắt hết mọi cảnh vật của trường vào đầu cho tới hết hè. Thậm chí ngày nó trở về còn hơn cả chữ đần ấy: Trông thằng Luân như đang đeo cả một quả núi trên lưng, tung tăng chạy về kí túc ngay trước mắt thằng Trọng. Thề là Trọng chỉ muốn đá đít nó một cái, coi nó ngã kềnh ra đất cho bõ ghét.

     Nhưng cũng là cái mặt đáng ghét ấy, mà hôm qua trông lại đẹp đẽ đến khó hiểu. 

     Nhưng cái khó hiểu, là về mối quan hệ của Trọng với Luân bây giờ ấy.

     Mối quan hệ của Trọng và Luân trước nay thường được diễn tả bằng một khoảng cách  - distance. Bởi lẽ, distance là một khoảng cách gì đó lạnh lẽo, khô cứng và như những bài tập Vật lý dở dang dạo nọ, họ hay dùng distance để nói về khoảng cách giữa những vật thể vô tri, xa xăm đến lạ. Như cái cách Trọng tìm cách tránh xa Luân, Luân biết điều và tự tránh xa Trọng. Cái vẻ khúm núm của Luân chiều hôm qua đấy. Nếu Luân cảm thấy an toàn, thoải mái hay đơn giản là nếu nó tin Trọng, có lẽ nó đã huých vai Trọng mấy cái, bá cổ hay đại loại thế, và rủ Trọng đi về cùng nó mới đúng. Nhưng trách được ai, chẳng phải chính Trọng vẫn hay đem cặp mắt chán ghét của nó ra dán lên người thằng Luân, xưng hô trống không và săm soi dò xét Luân từng tí một đó thôi?

     Nó đã đúng khi tin vào thứ khoảng cách xa vời giữa hai đứa. Trọng tin nó đã làm một việc mà chẳng thể quay đầu, dù cho trong thâm tâm nó đang rối bời giữa cái việc-không-thể-quay-đầu ấy, và một vài câu bắt chuyện với Luân trong giờ nếu có thể. Chuyến xe khựng lại bên bến, cắt ngang dòng suy nghĩ ngổn ngang của Trọng. Nó phải xuống ngay thôi, nếu không muốn đi thẳng xuống bến tiếp theo ở bệnh viện Tỉnh, cách trường nó phải gần bốn cây số.

     Tập tễnh tới cổng trường, nó không thể nào nghĩ tới việc sẽ bắt gặp Luân đang xách trong tay một hộp xôi hẵng còn bốc hơi nóng cũng đang tới từ bên kia đường. Trọng hơi hoảng, vì giờ trông nó đến tệ dù sáng nay nó đã rất cố gắng để chuẩn bị một bộ tóc ra gì, một bộ đồng phục phẳng phiu và một đôi giày sạch bong. Nhưng che thế nào được cặp mắt dở hơi này cơ chứ?

     Biết thế chịu ăn đấm cho rồi, nó vẩn vơ.

     "Nay Trọng tới sớm thế?"

     Trong khi nó bận nghĩ ngợi vớ vẩn, Luân đã vọt sang đường, khẽ ngẩng đầu để nhìn thẳng vào cặp mắt chết nhát của nó, hoặc là do nó đang đứng trên vỉa hè, còn Luân thì không, và Luân vốn thấp hơn nó. Phải rồi, sẽ không phải là thẳng vào mắt như thế đâu chứ...

     "Tôi đi xe buýt, phải đi sớm cho đỡ tắc."

     "Ơ, mọi ngày Trọng đi xe riêng hả?"

      Luân khẽ nghiêng đầu, mái tóc cũng do vậy mà đung đưa dưới nắng mai như một mầm cây nhỏ xíu. Trọng á khẩu, chứ chẳng phải ngày nào nó cũng đi xe buýt đi học hay sao? 

      "À... nay tôi muốn đổi gió nên đi sớm. Làm sao không?"

     Tự dưng nó thẹn quá nên nhỡ mồm nhấn mạnh cuối câu tí. Vừa dứt lời, mặt nó tái mét vì tự mắc ói sự ngu người của bản thân. Đã không được chì, lại còn mất cả chài thì đúng là chán đời. Thảo nào nó thấy nó không hợp học kinh doanh tí nào.

     "Thế Trọng ăn sáng chưa? Mà mặt mày tái mét, mắt lờ đờ thế kia chắc là chưa ăn gì rồi phải không?"

     Trọng định mở mồm bảo không tớ đả hai bát cơm rang ở nhà rồi dù thực tế là làm gì có cơm mà rang, nhưng tự dưng nó thấy hình như Luân lo cho nó hay sao ấy. Mắt Luân đong đầy vẻ thương xót, tay siết chặt cái túi bóng đựng hộp xôi, hình như là xôi xéo thơm phức, cuối cùng đọng lại thành một câu kết luận ở đầu lưỡi.

     "Trọng ăn xôi với tớ nha? Dù gì cũng còn lâu mới vào lớp ấy mà."

     Nó ngậm sẵn trong miệng câu từ chối lạnh băng rồi, vì sáng nay do buồn (ngủ) quá mà nó đã đả sạch cả nước trong bát bánh đa cua mẹ nấu. Người ta vẫn bảo đói thì thèm thịt thèm xôi, còn đã no cơm tẻ thì thôi mọi đằng; nhưng thế quái nào mà Trọng vẫn rất-chi-là-vô-tình mà lẽo đẽo theo thằng Luân ra cái ghế đá trên bậc tam cấp nhìn thẳng xuống sân bóng. Luân thì vẫn thế, nó lăng xăng chạy ra trước, phủi sạch lá khô lác đác trên ghế rồi mới cười tròn xoe vẫy vẫy gọi Trọng lại ngồi cùng.

     Nắng mới ngấp nghé lên phía sau những tòa nhà cao cao ở tít xa, nhưng thằng Trọng đã phải ríu cả mắt lại vì khó chịu. Vì nắng là một mà vì cái cách thằng Luân bỏ miếng xôi bỏ miếng xôi vào má khiến bên phồng bên xẹp, rồi xòe tay đưa miếng xôi ra trước mặt nó là mười.

     "Tôi... ăn sáng rồi. Luân ăn đi."

     "Ơ thế à? Nhưng mà tớ không nỡ để Trọng ngồi nhìn ấy. Ăn một miếng thôi."

     Chữ "thôi" của thằng Luân còn chẳng tròn vạnh thành tiếng cơ. Nếu là trước đây, chắc thằng Trọng sẽ trưng ra cái mặt chán ghét vô độ rồi chẳng nói chẳng rằng lảng đi, thì giờ nó lại ngoan ngoãn cụp xuống ghế như một con mèo, nheo mắt đón nắng sớm và hương xôi thoang thoảng trong bầu không khí thanh mát.

     "Ừm... Tớ nói cái này ra Trọng đừng giận."

     "Sao thế?" Trọng thề đấy là câu "Sao thế?" ngọt ngào đầu tiên trong đời nó từng thốt ra cho thằng Luân.

     "Nhiều khi tớ... cũng muốn được như Trọng ấy. Ngầu, học giỏi, lại còn khéo ăn nói nữa, nên được bao nhiêu người quý và có bao nhiêu bạn. Như tớ... Tớ không giỏi sôi nổi, cũng không có gì đáng để mọi người để tâm..."

     "Chắc chưa thế?"

     Luân ngưng nhai, nó lặng lẽ nuốt một miếng xôi nhặng đắng xuống. 

     "Tớ nghĩ thế ấy. Tớ-"

     "Không ai để thì tôi để. Khỏi phải nghĩ nhiều."

     Tự dưng Trọng thấy má nó nóng bừng. Hình như do trời càng ngày càng sáng.

     "Ơ-Ơi?"

     Tự dưng Luân ngắc ngứ làm Trọng tắt cả văn. Ghét cái thằng cu này thật.

     "Có ai giống ai đâu. Tôi là tôi, Luân là Luân. Luân nghĩ thế là do Luân chưa nghe mấy đứa trong lớp bàn tán về những lúc Luân đi đá tiền đạo rồi."

     "Oái, tớ đá tiền đạo đần lắm!"

     "Vả lại", khi này Trọng cảm giác cơn buồn ngủ của nó đã bị đánh bay một nửa, và nó chưa bao giờ tự tin nhìn vào mắt Luân như bây giờ, "Luân đừng nghĩ rằng mình không có ai để tâm. Giá như Luân biết tôi đã khó xử như thế nào khi cứ phải quan sát Luân từ trước tới giờ trong im lặng, và Luân hiểu được một chút cảm xúc của tôi thôi thì chắc chúng ta đã chẳng cần ngồi đây rồi."

     Gió sớm tạt qua một luồng rất, rất nhẹ, khẽ lay mái tóc của hai đứa và cả túi xôi kia nữa. Trong mắt Luân, long lanh xuất hiện nhiều hơn, theo một cách rất dịu dàng và cảm xúc. Về phía Trọng, nó lại đang thầm nghĩ xem liệu mái tóc đang tung bay kia sẽ mềm mại ra sao khi được vuốt ve yêu chiều. Không gian chỉ kịp ngưng lại một nhịp trước khi lá cây rơi, vọt qua tầm nhìn của cả hai.

     "Tớ cảm ơn. Tớ còn nghĩ... Trọng không thích tớ cơ."

     Ừ NHỈ. HÌNH NHƯ NÓ KHÔNG HỀ QUÝ THẰNG LUÂN TỚI MỨC NÀY.

     Trọng đứng phắt dậy, đeo ba lô sang một bên vai, nhả đúng hai chữ "Vẫn ghét" và quay đi, bỏ lại thằng Luân vẫn ngồi đó, trên mặt vẫn còn vương chút suy tư khó nói nên lời.

     Học sinh dần tới đông hơn, tiếng trò chuyện xôn xao và đoàn học sinh ngang dọc dần che đi hình bóng cậu học sinh nọ. Trong lòng đã ướt đẫm một cảm xúc khó tả, nhưng lại chẳng thể bấu víu vào bất cứ lý do gì để lại gần người kia. Vẫn là distance, nhưng có lẽ đã nhuốm hồng.

---

     May là chiều nay trường nó có buổi họp gì gì của các thầy cô, nên chúng nó được thả tự do về với vòng tay yêu thương của gia đình. Khỏi phải nói lớp nó khoái thế nào, nên từ cuối tiết năm trước giờ tan học là chợ đã họp được một lúc rồi.

     Thằng Trọng vốn rất khoái mấy trò đi chơi kiểu này, vì đằng nào bố mẹ nó cũng không về trưa, để nó tha hồ dạo khắp phố xá, la cà quán nọ quán kia cho thích chí mới về. Thế nhưng với cái tình trạng mắt ríu đến nỗi chỉ muốn nằm kềnh ra ngủ thế này, nó chẳng thiết đi đâu cả.

     Luân hình như chuẩn bị về rồi thì phải, Trọng đoán thế bởi đồ đạc trên bàn Luân cứ vơi dần, và chuyển dần vào trong ba lô nó. Cái ba lô màu xanh đậm của Luân đã bắt đầu cũ vì bị nó tha lôi đi khắp mọi chốn, rồi lại thêm việc ngoài sách vở thì nó còn bỏ cả quần áo, đồ đạc mỗi lần về nhà hay đi đâu, đâm ra dù không muốn thì chiếc ba lô nọ cũng phải bắt đầu dở chứng để được nghỉ hưu thôi.

     Đột nhiên nó nhớ ra mớ tiền vừa được ông chú họ hàng cho dạo hè. Nó định để dành để mua đôi giày da mới, vì bố mẹ nó cũng đã rục rịch giục nó đi đo vest rồi. Con giai lớn rồi thì cũng phải có bộ đồ cho ra dáng đàn ông chứ - trong đầu Trọng văng vẳng lời mẹ.

     Tiếng xôn xao thưa dần, mãi cho đến khi yên vị trên xe rồi nó mới nhận ra mình đã nghĩ về chuyện ba lô ba lủng hết bao nhiêu thời gian. Mọi hình ảnh trước mặt nó nhoè dần, cho tới khi biến mất êm ái trong cơn mơ của nó, một cơn mơ hơi xa lạ về một cái ba lô mới tinh, hay hai cái chảo mà nó đã từng cọ đến khốn khổ vì lớp chống dính đã biến mất. Nhưng nó không nghĩ nhiều như thế. Nó chỉ muốn mua một cái ba lô mới thôi.

/cont./

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro