Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

“Satoru, anh đi lâu quá… Cái xứ khỉ ho cò gáy của bọn lùn da vàng đó đã kìm chân anh ư? Ôi Satoru, em nhớ anh. Hãy mau về thật sớm với em…”

Gojo Satoru thầm nghĩ, nếu tất cả những người tình cũ trên thế giới này biết điều hơn một chút và không làm phiền người ta, rồi đây nhân loại sẽ sớm được cứu rỗi.

“Lần sau đừng nhận thư cô ta gửi đến cho tôi nữa.” Gã chán nản bảo viên tùy tùng, quẳng bức thư mùi mẫn hãy còn sực nức mùi nước hoa vào sọt rác - điểm kết thúc cho hành trình vượt đại dương của nó. 

Cái gì mà xứ sở khỉ ho cò gáy, cái gì mà bọn lùn da vàng? Sai lầm tuổi trẻ của gã chính là vướng vào những ả đàn bà ngu ngốc như vậy, trong khi phụ nữ thông minh thì đâu có thiếu.

Thế nhưng sự thật trào phúng vẫn sờ sờ ra đó - cánh phụ nữ vô cùng săn đón gã. Gojo Satoru sở hữu mọi thứ mà một người đàn ông có thể thèm muốn. Trước hết phải kể đến ngoại hình - thứ đập vào mắt người ta đầu tiên. Vóc dáng gã chẳng khác nào một pho tượng thần Hy Lạp, tóc bạch kim lơ thơ mềm mại và đôi mắt xanh màu Bắc Băng Dương - tất cả những đặc điểm mà giống nòi da trắng có thể tự hào. Tuy mang quốc tịch Hoa Kì, nhưng chảy trong huyết quản gã là dòng máu của những tổ tiên quý tộc Pháp di cư sang Mĩ từ thời Cách mạng tư sản. Với trí tuệ và tài năng vượt trội, gã là học viên xuất sắc nhất tốt nghiệp trường quân sự, sau đó dành nhiều năm chinh chiến trên các chiến trường từ Đông sang Tây, nơi gã giành được vinh quang tột đỉnh và trở thành đại tá ở tuổi 28. Gã được kì vọng sẽ là một trong những người dẫn đầu đất nước và đem lại sự thịnh vượng cho Hợp chúng quốc Hoa Kì. 

Nhưng tất cả những thứ ấy, gã đều cóc quan tâm cho lắm.

Gojo Satoru là một người theo chủ nghĩa hưởng lạc. Bản chất này được ngụy trang khéo léo bởi bộ quân phục gọn gàng và những ngôi sao lấp lánh trên ngực áo. Tên bay đạn lạc trên sa trường kích thích gã. Phụ nữ mê hoặc gã, những nhiệm vụ và chuyến công tác dài ngày ở những vùng đất viễn Đông xa xôi lôi cuốn gã. Muốn gã đem lại vinh quang cho nước Mĩ ư? Được thôi, miễn là gã còn có thể tận hưởng niềm vui của thế giới này. Còn hết thảy những thứ khác, gã thực lòng chẳng quá bận tâm. 

Satoru nghĩ tới bố mẹ gã, những con người sống nhờ vào huyết thống cao quý và niềm kiêu hãnh của dòng họ có tổ tiên là hiệp sĩ từng kề vai sát cánhbên các đời quân chủ Pháp. Họ sẽ nghĩ gì khi biết đứa con trai đáng tự hào của họ thực chất lại phóng túng và bất cần đời đến thế? Dù gã có vẻ ngoài thuần châu Âu, phong thái như một nhà quý tộc châu Âu, nói nhiều ngôn ngữ châu Âu và có khả năng kiếm thuật khiến bất cứ bá tước châu Âu nào cũng phải kiêng dè, từ sâu thẳm trong gã chất châu Âu đã bị rửa trôi từ lâu lắm rồi. Ở gã hình thành một khái niệm mới gọi là "chất Mỹ". Rồi đây ta sẽ thấy đứa con sa ngã và bị ruồng bỏ của châu Âu vượt qua cả Cựu lục địa già nua và trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới.

"Sao anh còn đứng đó, Samuel?" Satoru nhắc viên tùy tùng của mình. "Tôi vừa mới bảo anh chuyển lá thư của tôi lên Kyoto đấy."

"Xin lỗi ngài đại tá. Do ngài cứ nói bằng tiếng Hà Lan nên tôi không nghe hiểu kịp."

Satoru ngớ ra một lúc rồi phá ra cười. "Phải rồi, xin lỗi anh. Tôi không nhận ra bấy lâu nay tôi toàn dùng tiếng Hà Lan."

Biết được điều đó rồi thì sao ngài không nói tiếng Anh mà vẫn dùng cái ngữ điệu Amsterdam đó làm gì, viên tùy tùng thầm nghĩ.

"Dù tôi đã dành 3 năm ở Amsterdam nhưng tiếng Hà Lan của tôi vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Tôi muốn mình phải thành thạo ngôn ngữ này như một người Hà Lan chính cống cơ."

Giọng điệu gã nghe như một đứa trẻ vòi vĩnh. Không thể tin nổi người này lại được phong hàm đại tá.

"Mà này, ở Hà Lan bây giờ đang thịnh hành mốt thời trang gì thế? Không phải vẫn nhung nhớ phong cách bảnh chọe của gã lùn đảo Corse (*) đấy chứ? Tôi sẽ đặt gấp vài bộ từ Amsterdam về đây."

(*) Ám chỉ Napoleon Bonaparte

"Thưa ngài! Ngài biết rằng với chiều cao và dáng người của ngài, may đồ cho ngài rất phức tạp mà..."

"Tôi cóc cần quan tâm, Samuel ạ. Anh đã thấy tôi ăn mặc xấu bao giờ chưa? Vài ngày tới tôi có cuộc hẹn vô cùng quan trọng, trông tôi phải sáng choang và mới coóng như vừa mới từ lò sản xuất ra."

Chắc lại đi hẹn hò với cô nàng Hà Lan nào rồi, Samuel nhẩm tính, căn cứ vào những lần trước, cuộc tình này sẽ kết thúc trong vòng 2 tháng là cùng.

"Được rồi, thưa đại tá, tôi sẽ chuyển bức thư này lên Kyoto và liên hệ các hiệu may ở Amsterdam."

Khi Samuel đóng lại cánh cửa shoji sau lưng, nụ cười trên môi Satoru nhạt dần.

Gã không phải người Hà Lan. Gã là người Mĩ. 

Thật phũ phàng làm sao. Lời khẳng định này chẳng khác nào một đứa bé ngồi lẩm nhẩm một mình, Mặt Trời mọc đằng Đông, Mặt Trời mọc đằng Đông, không phải đằng Tây… Mà đời thì chẳng phải lúc nào cũng giống như thơ Pushkin.

Gã chưa bao giờ phải hoài nghi hay hổ thẹn về quốc tịch của mình. Hợp chúng quốc Hoa Kì đã cho gã mọi thứ gã cần, chỉ trừ sự tín nhiệm của một thiếu niên người Nhật tên Fushiguro.

Thế đấy. Gojo Satoru, mạnh mẽ và đầy tự tin, chưa bao giờ phải nói dối về việc gã là một công dân Mĩ cả. Cái lệ nháy mắt đã bị phá vỡ bởi một người gã mới gặp lần đầu tiên. Điều đó không có nghĩa gã là người liêm khiết, ngay thẳng; những tính từ đó không hợp với Gojo Satoru. Với một người đã kinh qua sa trường lẫn chính trường như Satoru, gã sẵn sàng dối trá khi cần và chẳng mất thời gian hối hận vì điều đó. Nhưng không hiểu sao lần này gã lại cảm thấy mất mát sao sao đó.

Vì sao lúc đó gã lại nói dối? Sao không nói thẳng toẹt ra gã là một tên Yankee đi? Phải chăng là do niềm căm ghét mơ hồ ánh lên trong đôi mắt ấy ư? Không chỉ niềm căm ghét, gã còn cảm nhận được cả một nỗi đau kín đáo lẩn quất, lặn ngụp trong hai hồ nước sâu chẳng thấy đáy. Và cả nỗi sợ nữa. Satoru lăn lộn trên chiến trường đủ nhiều để biết khi nào con người ta sợ hãi. Vào thời điểm con nhím biển ấy xù gai nhọn về phía Satoru, gã cảm thấy việc là người Mĩ là điều tồi tệ nhất thế giới. Đó là lí do gã phải nói dối rằng mình là một người Hà Lan.

Hoặc chỉ đơn giản do gã là một tên khốn hèn nhát, thế thôi.

Satoru bĩu môi hờn dỗi, Mĩ và Hà Lan thì có gì khác nhau chứ? Đều da trắng Tây lông cả thôi mà.

Nhưng gã không còn thấy Mĩ và Hà Lan giống nhau nữa trong lần tiếp theo gã ghé thăm khu rừng nọ. Tiếng đàn du dương lại vang lên, gột rửa tâm hồn gã. Fushiguro đang tấu lên một khúc vừa lạ tai vừa quen thuộc. Lạ vì có lẽ bản nhạc này chưa từng được chơi bằng nhạc cụ cổ điển Nhật Bản, quen vì gã đã nhiều lần nghe thấy giai điệu này trong khoảng thời gian 3 năm sống ở Amsterdam. 

"Der Fluyten Lust-hof."

Phải rồi, Mĩ và Hà Lan khác nhau biết bao nhiêu… Nước Mĩ đâu hề được em ưu ái đến nhường này?

Gã lặng yên nhìn  gảy đàn, thậm chí còn ngồi xổm xuống để chiều cao ngang bằng với em. Fushiguro, Fushiguro. Cố vấn người Nhật của gã từng cắt nghĩa cái tên này có nghĩa là “Phục Hắc”. Chữ đầu tiên thì gã không hiểu lắm, nhưng gã biết chữ thứ hai có nghĩa là màu đen. Satoru nghĩ, chẳng có sắc màu nào hợp với em hơn màu đen cả, màu đen đầy cổ điển, bí ẩn, lặng lẽ, trầm lắng và thâm u. So với mấy thằng nhóc 16 tuổi trẻ trâu hỗn láo ở quê nhà gã, cậu thiếu niên này quả là một trời một vực. Em có cái vẻ trưởng thành, già dặn quá tuổi của người phải gánh trên vai nhiều trọng trách trong cái xã hội Á Đông đề cao vai trò của người nam này. 

"Anh thấy hay không?"

"Tuyệt hay." Satoru chẳng hề tiếc lời khen.

Fushiguro nhíu mày. "Tôi chưa bao giờ thấy mình chơi đàn hay cả." Ôi trời, đây đích thị là cặp lông mày của một kẻ kĩ tính đây, Satoru cười thầm. 

"Em đùa tôi sao, Fushiguro? Jacob van Eyck mà nghe thấy hẳn sẽ vô cùng hài lòng. Trên hết thảy, chính tôi cảm thấy vô cùng hài lòng.” Satoru xoáy sâu cậu bằng ánh nhìn sáng quắc phát ra từ đôi mắt xanh đá quý. “Em đã vì tôi mà học chơi một tác phẩm cổ điển Hà Lan dành cho đại phong cầm ư?"

Fushiguro bực bội quay mặt đi, lẩm bẩm bằng tiếng Nhật. "Những gã đàn ông da trắng ngạo mạn..."

"Này, tôi thừa nhận rằng tôi dốt tiếng Nhật, nhưng tôi vẫn hiểu em đang mắng tôi kiêu căng đấy nhé."

Fushiguro vẫn tiếp tục lầm bầm. "Vạn biệt thiên sai sự, giai tòng vọng tưởng sinh." (*)

"..." Lần này thì Satoru không hiểu em nói gì thật.

(*) Hai câu thơ trong bài “Đại thiên địa đáp” của Jingak Hyesim, ý rằng “Mọi sai sự trong trời đất đều do vọng tưởng mà sinh.”

"Nghe này Fushiguro, ngoài tiếng Hà Lan ra tôi còn nói thạo tiếng Anh, tiếng Pháp; tiếng Ý, tiếng Đức đủ dùng và còn biết một chút tiếng Thổ Nhĩ Kỳ nữa đấy. Em không sợ sau này tôi sẽ dùng một trong những thứ tiếng đó để nói xấu em ngay trước mặt em sao?"

Fushiguro kinh ngạc nhìn gã.

"Thôi nào, tôi sẽ không nói xấu em đâu..."

"Không, không phải thế. Một người bình thường có thể nói được nhiều ngôn ngữ đến thế ư?"

Khóe mắt Satoru cong lên, ý cười không buồn giấu diếm. “Vì người trước mặt em đây không phải người bình thường chứ sao!”

“Anh Gojo, anh có thực là đại tá quân đội không đấy? Anh chẳng đáng tin chút nào.”

“Thôi được rồi, tôi chỉ trêu em chút thôi mà. Người Nhật đúng là nghiêm túc quá thể đáng. Để tôi nói cho em hay: rất nhiều người da trắng nói được 2, 3 ngôn ngữ trở lên. Các nước châu Âu chúng tôi là láng giềng của nhau, chia sẻ khá nhiều tương đồng văn hóa, có ràng buộc chính trị với nhau qua các hiệp ước và hôn nhân hoàng tộc. Vì thế nên việc chúng tôi nói được nhiều ngôn ngữ cũng là chuyện thường tình. Còn Nhật Bản của em, chỉ các bậc trí giả mới có thể viết chữ Hán, vài người khác thì biết tiếng Triều Tiên. Đó là các nước Đông Á đã sống trong vòng tròn khép kín của nền văn minh Trung Hoa cả ngàn đời nay rồi. Người Nhật nói tiếng Hà Lan thạo như em quả thực hiếm như sao buổi sớm.”

Fushiguro cười. “Thư quán của tôi ngoài sách Nhật ngữ và Hán ngữ ra, còn lại toàn sách tiếng Hà Lan. Đó là phương tiện duy nhất giúp tôi dù ngồi yên trong cái nước Nhật đã bế quan tỏa cảng 200 năm nay mà vẫn kết nối được với thế giới bên ngoài...”

“À, lại cái lệ sakoku (tỏa quốc).” Satoru nói với vẻ mỉa mai. “Tử hình người dân nếu họ dám rời xứ sở. Ngoài công ty Đông Ấn Hà Lan ra, không một người châu Âu nào được phép giao thương với nước Nhật.”

“... Nhờ có các sách tiếng Hà Lan, tôi mới được khai mở vô vàn thứ về thế giới này.” Fushiguro tiếp tục kể với đôi mắt ngời sáng. “Khoa học kĩ thuật, nghệ thuật, thế giới Hồi giáo, châu Âu, châu Phi và Tân lục địa - những điều trước đây tôi chưa từng nghe đến và chưa từng mơ. Nhật Bản mới thực nhỏ bé biết bao nhiêu.”

Satoru nhìn em, nhìn ánh sáng trong trẻo bừng lên trong đôi mắt ấy, bị ấn tượng không thôi. Làm thế nào mà một samurai phong kiến, một cậu thiếu niên nhỏ bé như em…?

“Tôi phải mất nhiều năm trời mới thành thạo được tiếng Hà Lan. Đối với tôi, việc nói được một ngôn ngữ là một điều quý báu vô cùng, đáng giá cả gia tài. Vì ngôn ngữ mở cho ta cánh cửa của tri thức nhân loại, mà tri thức lại chính là sức mạnh.” 

Satoru cười lớn. “Thư viện của em còn có cả sách của Francis Bacon viết bằng tiếng Hà Lan ư?” (*)

(*) Francis Bacon (thế kỉ 17): triết gia, nhà lí luận người Anh, nổi tiếng với câu nói “tri thức là sức mạnh”.

Fushiguro hơi đỏ mặt. “Vâng, tôi có đọc một chút Francis Bacon.”

“Fushiguro, nếu em coi ngôn ngữ là cả một gia tài, thì tôi có vẻ giàu có ra trò đấy.” Satoru đắc ý vỗ tay lên ngực.

“Thực ra, nếu ngôn ngữ là cả một gia tài, anh là người giàu có nhất tôi từng gặp.” 

Đây là lời khen đầu tiên em dành cho gã kể từ khi hai người gặp gỡ. Satoru cảm thấy hứng chí đến nỗi đề nghị. “Em có muốn tôi dạy ngoại ngữ cho em không?”

Fushiguro không trả lời mà quơ tay với lấy cây đàn koto, gảy gảy vài giai điệu cổ phong Nhật Bản. Rõ ràng tiếng đàn dùng để khỏa lấp sự bối rối của em khi bất ngờ nhận được lời đề nghị không tưởng kia. 

“Đây là bài gì vậy?”

“Một bản utaimono có nguồn gốc từ thời Heian.”

Satoru chợt có một liên tưởng thú vị. Đứng trước lời đề nghị mở ra thế giới mới của gã, em giống như đang phải viện tới âm nhạc truyền thống để cân bằng lại vậy. Đàn koto, âm nhạc Heian - tất cả là để nhắc nhở em không vì những luồng gió mới mẻ thổi từ phương Tây mà đánh mất chính mình. Gã tưởng tượng em đang nói với cây đàn koto: “Với tư cách là một nhạc cụ dân tộc cổ xưa, ngươi nghĩ ta có nên nhận lời hắn không?”

Chắc là cây đàn đã đáp lại “Có” nên một lúc sau, em ngẩng đầu lên nhìn gã. “Theo anh tôi nên học ngôn ngữ gì tiếp theo?”

“Xem nào… Tôi dạy em tiếng Anh nhé.” Satoru búng tay. “Ngôn ngữ của nước Anh Cát Lợi.” Gã tránh không nhắc tới nước Mĩ. “Em hẳn là biết rồi đúng không, đế quốc mặt trời không bao giờ lặn…” 

Em gật đầu. “Nước thực dân khét tiếng nhất trong các nước thực dân.”

Satoru: “...”

“Sao thế?”

“Không có gì.” Gã nén cười. “Em nói chẳng hề sai chút nào đâu. Nhưng ta đều phải thừa nhận tiếng Anh giờ đã là một thứ ngôn ngữ toàn cầu. Nó phổ biến hơn tiếng Hà Lan, vì vậy lượng kiến thức được viết bằng tiếng Anh dồi dào hơn.”

“Vậy trăm sự nhờ anh.” Fushiguro ép sát hai cánh tay vào hông, cúi gập người một góc 30 độ. 

“Bù lại, em phải dạy tôi tiếng Nhật đấy nhé. Không phải vì tôi thiếu phương tiện, mà nếu em dạy tôi sẽ có hứng học hơn. Fushiguro…” Satoru cầm lấy tay người thiếu niên, đăm đăm nhìn em. “Em biết rất nhiều điều về phương Tây chúng tôi chỉ bằng một lòng cầu học thuần túy, thế mà tôi lại gần như chẳng biết gì về nước Nhật của em cả, điều đó làm tôi xấu hổ vô cùng. Hãy cho tôi một cơ hội để hiểu hơn về xứ sở Phù Tang này nhé Fushiguro.”

“Rồi, rồi, anh không cần phải khẩn khoản đến thế đâu.” Em rụt tay lại trong khi Satoru phá ra cười. “Cũng đừng có cười to thế, anh làm tôi cảm thấy tất cả chuyện này đều như một trò đùa.”

“Nào, Fushiguro, dạy tôi một từ tiếng Nhật nào đó đi chứ!” Gã vẫn tiếp tục ồn ào.

“Được thôi.” Fushiguro nhếch mép. “Giờ đọc theo tôi nào: Iwanu ga hana.”

Satoru phấn khởi đọc theo. “Iwa-noo gah hannah.”

Em nhăn mặt. “Phát âm tệ thế. Iwanu ga hana.”

“Ee-war-noo gar hannah. Mà nó có nghĩa là gì?”

“Về hỏi cố vấn người Nhật của anh rồi khắc biết.” Em nói với vẻ thần bí.

“Ơ kìa, thế là không công bằng nha Fushiguro…”

“Megumi!”

Chim chóc đang đậu trên cây bỗng bay loạn xạ. Cái giọng nữ cao chót vót kia vẫn tiếp tục la lên. “Megumi! Megumi!”

Người thiếu niên quay đầu về phía phát ra tiếng gọi, mặt đỏ bừng đầy tức giận. “Ôi, bà chị ngốc, đã bảo ra bên ngoài đừng có gọi thẳng tên ra như thế rồi mà.”

Lá cây xào xạc, lả tả bay bên hai ống tay áo kimono của người thiếu nữ. Vừa nhìn thấy Gojo, nàng đã thốt lên đầy xuýt xoa. “Xem Megumi của chúng ta vừa mới quen được người ngoại quốc này!”

“Megumi?” Satoru chớp mắt ngạc nhiên. “Fushiguro, tên thật của em là Megumi à? Sao em chưa từng nói cho tôi biết?”

“Là Fushiguro Megumi.” Em nóng mặt, nạt cô gái. “Tsumiki, chị ra đây làm gì?”

“Dĩ nhiên là kêu em về nhà rồi. 16 tuổi chứ có bé bỏng gì đâu mà cứ đi lang thang suốt.”

“Đây là bạn gái của em hả?” Gojo tò mò nhìn người thiếu nữ xinh đẹp có mái tóc đen ánh nâu. 

“Bậy! Đây là chị gái tôi.” Fushiguro Megumi lạnh lùng đáp, chắn chị gái mình khỏi ánh mắt hiếu kì của Satoru. Hiển nhiên người chị gái tên Tsumiki này không biết tiếng Hà Lan nên lễ phép cúi đầu nói với gã một tràng tiếng Nhật. “Mong anh thứ lỗi, nhưng thằng em trai tôi nó phải về nhà rồi.”

“Thưa cô, tôi không hiểu tiếng Nhật đâu.”

“Kìa Megumi, chuyển lại lời chị cho anh ta đi.”

Megumi chán nản phiên dịch sang tiếng Hà Lan. “Bây giờ tôi và chị ấy sẽ về nhà.”

“Tot ziens, Megumi!” Gojo hãy còn gọi với theo Megumi khi em cùng với chị gái khuất dạng sau những hàng cây.

Trong những ngày tiếp theo, Gojo Satoru tiếp tục đặt may những mẫu trang phục từ Amsterdam về. Phải nói là samurai trẻ tuổi nọ độc chiếm tâm trí gã nhiều hơn gã tưởng. Thậm chí ngay cả khi đang bận bù đầu trong công việc, đầu óc gã bỗng vẩn vơ đi đâu mà chợt nhớ tới Fushiguro Megumi, bèn hỏi viên cố vấn Nhật Bản đang chầu trực bên cạnh. “Này ông, Megumi có nghĩa là gì?”

Ông ta tròn mắt. “Người tình của ngài sao, thưa đại tá?”

Satoru phì cười. “Người tình gì chứ, kể từ khi rời châu Âu tôi đã không còn yêu đương nữa rồi.”

“Thế thì lạ thật, Megumi là tên con gái, mang ý nghĩa là ‘phước lành’.”

“Ông biết điều gì lạ hơn không? Người ta có cái tên đẹp thế mà chả thèm nói cho tôi. Vậy còn ‘Iwanu ga hana’?”

“Đó là một tục ngữ Nhật Bản thưa ngài, dịch ra tức ‘Sự im lặng ngát hương hơn cả những loài hoa’.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro