Khi cong

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khí Công

Khí Công Bài Một - Khái Lược Về Khí Công

GS. Ngô Gia Hy - VS. Trần Huy Phong

ÐỊNH NGHỈA

Khí là nguồn năng lực sống của con người. Khí luân lưu trong khắp cơ thể theo các đường Kinh mạch vào Lục phủ ngũ tạng. Khí biểu hiện dưới cả hai dạng vật chất và tinh thần, nhưng mắt ta không nhìn thấy được (không được lầm lẫn giữa Khí và Không Khí. Không khí là khí trời, là phương tiện để ta hô hấp trong lúc luyện Khí.)

Mỗi người sinh ra đều mang trong cơ thể một lượng khí nhất định, nhiều ít tuỳ theo từng người. Ðó là Khí trời cho, tức Khí thụ hưởng từ cha mẹ, còn gọi là Tiên Thiên Khí hay Khí Bẩm Sinh. Ngoài Tiên Thiên Khí, hàng ngày con người còn tiếp thụ một lượng Khí từ bên ngoài vào cơ thể mình xuyên qua đồ ăn thức uống, không khí, ánh sáng, vũ trụ tuyến và môi trường sống nói chung. Loại khí này gọi là Hậu Thiên Khí (tức Khí Có Sau).

Khí Công: Là công phu tập luyện để điều hòa, phát huy tích luỹ và sử dụng hai loại khí nói trên. Hai loại khí ấy phối hợp và cộng hưởng với nhau làm thành Chân Khí. Chân Khí thịnh thì người khỏe, khi suy thì người yếu, khi rối thì người bệnh, khi kiệt thì người chết. Có thể nói, Khí Công là gốc của các phái võ Nội Gia, là căn cốt của mọi phương pháp dưỡng sinh Ðông A. Hình thành từ các Phép Ðạo Dẫn của Ðạo Gia, phối hợp với Môn Phái Thiền Tông Ðạt Ma Sư Tổ, Khí Công triển khai qua dịch học đã trở nên rất phong phú và mỗi ngày một phát triển nhất là dựa vào y học hiện đại. Lấy nguyên lý Quân Bình Âm Dương, Ðiều Hòa Ngũ Hành làm căn bản trong luyện khí. Khí công làm gia tăng nội lực, một mục tiêu mà mọi võ gia đều mong muốn. Lại nữa, cũng trên căn bản này, các Võ Gia còn có thể tự trị bệnh và hơn thế, trị bệnh cho người khác, thể hiện Tinh Thần của Võ Ðạo.

Phương pháp luyện tập Khí Công không khó, nhưng muốn luyện tập Khí Công thành tựu thì phải có quyết tâm cao và tốn nhiều công phu. Cũng ví như cách học làm thơ, cách chơi các nhạc cụ thì không khó nhưng muốn trở thành một thi sĩ, một nhạc sĩ có tài thì khó hơn. Chính vì vậy có người nói muốn luyện thành Khí Công thì phải có "cơ duyên". Nhưng điều chắc chắn là bất cứ ai nếu yêu thích Khí Công và kiên trì luyện tập theo đúng phương pháp thì cũng sẽ đạt được một kết quả nhất định, đủ để giúp cho thân thể kháng kiện, kịch phát năng lực bản thân, điều trị được nhiều loại bệnh tật của chính mình và của người khác như các loại bệnh về Tim mạch - Thần Kinh - Tê Thấp - Thận Suy - Các loại bệnh về hô hấp, tiêu hóa, các loại bệnh liên quan đến cột sống v.v... Tập Khí Công còn làm gia tăng tuổi thọ. Ðối với các võ sinh luyện Khí Công còn tích lũy nội lực, tập trung tâm ý, ngõ hầu phát huy tối đa hiệu quả của đòn thế.

KỶ THUẬT LUYỆN KHÍ

Các phương pháp luyện khí thay đổi tùy theo các Trường Phái. Ðại để có năm Trường Phái chính: Ðạo Gia - Phật Gia - Y Gia - Võ Gia.

Phương pháp của Ðạo Gia chủ yếu tạo sự kháng kiện cả thể xác và tâm hồn. Phương pháp này dạy cách phát triển trau dồi Tâm Chất và sự sống. Nghĩa là nhấn mạnh cả về hai mặt: luyện tập và suy tưởng. Phương pháp của Phật Gia đặt nặng về sự điều hòa phần Tâm, tức là gạt bỏ mọi tạp niệm để đầu óc trống rỗng, tiến đến giác ngộ. Phương pháp của Khổng Gia lại nêu ra những "Nguyên Tắc Của Tâm Hồn!" Sự chân chính và sự rèn luyện các đức tính. Ðưa người tập vào trạng thái nghỉ ngơi, an bình và yên tĩnh. Phương pháp của Y Gia chủ trương dùng Khí Công để điều trị bệnh tật, bảo dưỡng sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Phương pháp của Võ Gia nhằm xây dựng sức mạnh cá nhân, biết chấn tĩnh tinh thần khi bị tấn công hoặc để công kích địch thủ. Mặc dầu phương pháp này cũng có chức năng bảo vệ sức khỏe và nâng cao tuổi thọ nhưng nó khác hẳn với các Trường Phái nói trên.

Tuy các phương pháp của các Trường Phái có sự khác biệt nhưng chúng vẫn không nằm ngoài ba nguyên tắc chính: Tĩnh Luyện, Ðộng Luyện, và Tĩnh Ðộng Luyện. Cả ba nguyên tắc này đều có 3 mặt: Luyện Tâm (tức Ðiều Tâm), Luyện Thở (tức Ðiều Tức) và Luyện Hình (tức Ðiều Thân).

Luyện Tâm (Ðiều Tâm): Bắt buộc phải gạt bỏ mọi suy nghì, ưu tư và tình cảm để đầu óc trống rỗng hoặc phải tập trung ý niệm vào một điểm để đưa trí não vào một trạng thái đặc biệt. Cách luyện này gọi là Ðịnh Thần.

Luyện Thở (Ðiều Tức): Những bài tập thở gồm: Nạp Khí - Vận Khí - Xả Khí - Bế Khí, đều phải "nhẹ và sâu" (sẽ chỉ dẫn ở phần sau).

Luyện Hình (Ðiều Thân): Gồm nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể qua nhiều tư thế, xuyên qua 6 cách: Ði - Ðứng - Ngồi - Nằm - Quỳ - Thoa Bóp.

Bất kể luyện tập theo phương pháp nào, nếu tập bền bỉ và đúng phép thì chắc chắn sẽ đạt được một công phu đáng kể. Khí Công của Việt Võ Ðạo tổng hợp các kinh nghiệm của nhiều Trường Phái khác nhau, chủ yếu để luyện Tâm & Thân theo nguyên lý "Cương Nhu Phối Triển." Cũng để tập trung sức mạnh của TÂM THÂN trong tự vệ chiến đấu, điều trị bệnh tật và gia tăng tuổi thọ.

Phương pháp khí công trong võ thuật còn gọi là: Nội Công. Nội công là phương pháp luyện tập những phần bên trong của cơ thể con người (không luyện cơ bắp như thể thao). Luyện bên trong tức là phương pháp luyện để:

- Kinh mạch điều hòa (luyện Kinh Mạch).

- Thần kinh vững mạnh (luyện Tâm).

- Lục phủ ngũ tạng được kích phát và kháng kiện (luyện Phủ Tạng).

Muốn "luyện bên trong" chủ yếu là phải vận dụng hơi thở. Thở đúng phương pháp là cơ bản của việc luyện công. Thở tự nhiên hàng ngày là thở Vô Thức. Thở Nội Công là thở Có Y¨ Thức. Thở chủ động theo phương pháp đã được nghiên cứu công phu.

CÁCH THỞ NỘI CÔNG

A. Thở Bụng: là cách thở chủ yếu, trong Nội Công gọi là "Thở Thuận". Trong khi luyện thở có thể Nằm - Ngồi - Ði - Ðứng đều được cả, nhưng bao giờ cũng phải giữ cho xương sống thật thẳng.

Nằm: Trên một mặt bằng cứng (không nệm, không gối đầu) hai tay để úp xuôi theo thân mình.

Ngồi: Ngồi xếp bằng theo lối bán già hay kiết già tùy ý. Cũng có thể ngồi trên ghế, không dựa lưng, hai chân để xuôi xuống sàn một cách ngay ngắn, hai tay buông xuôi xuống hoặc để trên hai bắp vế. Giữ lưng thẳng góc với mặt ghế.

Ðứng: Ðứng thật thẳng như thế "Nghiêm" nhưng hai chân ngang rộng khoảng 25cm cho vững. Hai tay buông xuôi thoải mái, không co cứng cơ.

Ði: Hai chân di động nhưng giữ thân người thật thẳng. Dù ở tư thế nào hai tay và hai vai đều buông lỏng thoải mái. Trước khi thở phải gạt bỏ tạp niệm. Tập trung ý vào hơi thở.

Lưu ý: chữ Khí dùng ở đây chỉ là Khí Trời, tức Hơi Thở, không phải là Chân Khí như đã định nghĩa.

B. Thực Hành

Nạp Khí: Hít khí trời thẳng vào bụng dưới, tất nhiên bụng dưới sẽ căng lên.

Vận Khí: Nín thở, dồn hơi vào Ðan Ðiền (cách vùng bụng dưới rốn khoảng 3-4cm) rồi dồn khí luân lưu theo Kinh Mạch.

Xả Khí: Thở ra hết, thót bụng lại, từ từ nhẹ nhàng cho hơi ra hết.

Bế Khí: Ngưng thở trong lúc bụng trống rỗng, nhíu cơ hậu môn lại và tưởng tượng khí của toàn cơ thể trở về Ðan Ðiền.

Một vòng thở đủ bốn nhịp như thế gọi là Phép Thở 4 Thì.

Lưu ý:

Cả 4 thì đều phải: Êm, Nhẹ, Ðều Ðặn. Kết hợp co cơ và giãn cơ, nhưng giãn cơ là chính. Tự điều hòa 4 nhịp sao cho vừa phải để cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Nếu chỉ Nạp, Vận, và Xả mà không Bế Khí thì đó là phép thở 3 thì. Nếu chỉ Nạp và Xả không thôi thì đó là phép thở 2 thì. Các Ðạo Gia thường áp dụng lối thở hai thì và lấy thư giãn là chủ yếu.

Những người bị bệnh do cao huyết áp, bệnh Tim mạch, bệnh Hen Suyễn chỉ nên thở 2 thì. Thở thật đều, nhẹ và êm.

B. Thở Ngực (Còn gọi là Thở Nghịch):

Lúc Nạp Khí, Ngực căng lên, Bụng thót lại. Lúc Xả Khí, Ngực xẹp xuống, Bụng hơi phình ra. Phép Thở Nghịch rất tốt cho Phế Nang Thượng, tạo sự cường tráng. Người mới tập thở mỗi ngày nên chia làm nhiều lần, mỗi lần khoảng 5, 10 phút và thật đúng giờ, trong tư thế Ði - Ðứng - Ngồi - Nằm đều được cả.

Khi đã thở quen, dần dần tăng thời gian tập lên. Những nhà Khí Công chuyên nghiệp họ thở hầu như suốt ngày, dĩ nhiên trừ lúc ăn no, làm việc nặng, ngủ nghỉ. Ðây mới chỉ là những cách thở căn bản trong Khí Công. Thở đúng cách theo các tư thế khác nhau là chúng ta bắt đầu bước vào con đường luyện tập Khí Công hay Nội Công vậy.

Khí Công Bài Hai - Phương Pháp Luyện Khí

VS. Trần Huy Phong

Khí là nguồn năng lực sống của con người (vital energy). Có hai loại Khí: Khí Tiên Thiên do cha mẹ truyền thụ, Khí Hậu Thiên do ta tiếp thụ qua dinh dưỡng và môi trường sống. Khí luân lưu khắp cơ thể, qua các đường Kinh Mạch vào lục phủ ngũ tạng. Khí biểu hiện dưới cả hai dạng vật chất và tinh thần (các nhà khoa học đã dùng máy móc để thí nghiệm và xác minh điều đó), nhưng với mắt thường ta không nhìn thấy được. Không bao giờ được lầm lẫn Khí và Khí Trời (tức không khí), vì không khí (air) chỉ là một trong những phương tiện, dùng để hô hấp trong khi Luyện Khí.

Võ lâm Trung Nguyên thường truyền tụng một câu nói rất nổi tiếng:

Lực bất đả quyền Quyền bất đả công Luyện vũ bất luyện công Ðáo lão nhất trường không.

Có nghĩa là "người chỉ có sức khỏe không thôi thì không thể đánh người giỏi quyền pháp, và người có quyền pháp không thắng được người có Khí Công. Tập võ mà không luyện Khí Công thì khi về già sẽ không còn gì nữa".

Những Phương Pháp Thở Thông Thường Ðể Chuẩn Bị Luyện Khí

Lưu ý: Thở đúng phương pháp là phần cơ bản của việc luyện Công. Thở hàng ngày là thở tự nhiên, thở vô thức. Thở Khí Công hay Nội Công là thở có ý thức, thở theo phương pháp. Các bài thở thông thường này, chưa cần thiết phải áp dụng những phương pháp Nhập Tĩnh, Thu Công.

Tư Thế: Trong khi luyện thở, có thể Nằm - Ngồi - Ðứng đều được cả, nhưng bao giờ cũng phải cho đầu, cổ và xương sống thật thẳng thì Khí mới có thể lưu thông được. Nằm: trên một mặt bằng và cứng (không nệm, không gối đầu), hai tay để úp, xuôi theo thân mình. Hai chân duỗi thẳng, gót chân chạm nhau, mũi bàn chân ngả ra hai bên. Tư thế nằm áp dụng cho những người sức khỏe quá yếu, hoặc những người thiếu máu, không thể ngồi lâu được.

Ngồi: ngồi xếp bằng theo lối bán già hay kiết già tùy ý, cũng có thể ngồi trên ghế, không dựa lưng, hai chân để xuôi xuống sàn một cách tự nhiên, ngay ngắn, hai tay buông xuôi xuống hoặc để trên hai bắp vế. Ðiều quan trọng là phải giữ cho đầu, cổ xương sống xuống đến hậu môn ở trên một đường thẳng. Ngồi là tư thế đúng nhất và tốt nhất cho việc Luyện Khí'.

Ðứng: Hai chân đứng song song, dang rộng khoảng 25cm, cho vững, hai tay buông xuôi theo thân người, hai đầu gối hơi chùng xuống một chút, nặng ở hai gót chân, buông lỏng hai vai. Tư thế đứng dùng để tập luyện nhiều động tác quan trọng. Dù ở tư thế nào, thân, vai, bụng đều buông lỏng, thoải mái. Trước khi thở phải gạt bỏ hết mọi ý nghĩ, tập trung tinh thần vào hơi thở. Trước khi Luyện Khí nên biết Thư Giãn. Không biết Thư Giãn thì kết quả Luyện Khí sẽ bị giới hạn rất nhiều:

Thư giãn Cơ Bắp: buông lỏng tất cả dường gân, thớ thịt: từ đầu ngón tay cho tới tứ chi, vai, bụng và toàn thể thân người, coi như toàn thân mềm nhũn ra, không còn một trương lực nào cả.

Thư giãn Tâm Thần: để bộ não từ từ tan biến đi, không còn một ý thức nào nữa, không nghe, không thấy, không biết gì nữa, cứ để tâm chìm vào hư vô... Mới đầu khó thực hiện, nhưng sau sẽ quen dần. Ðộng tác Thư Giãn sẽ giúp ta thấy nhẹ nhàng, khoan thai, dễ chịu sau những giờ làm việc căng thẳng. Thư giãn thoải mái xong mới bắt đầu tập luyện.

I. Thở Bụng (còn gọi là thở Thuận):

Phương pháp thở bụng 2 thời liên tục: ngồi bán già hay kiết già, hay ngồi trên ghế hoặc đứng, hoặc nằm trên mặt phẳng và cứng, không gối đầu, mục đích giữ cho đầu, cổ, lưng thật thẳng, hai tay buông xuôi.

Nạp Khí: Từ từ hít hơi vào thẳng bụng dưới theo phương pháp: đều, nhẹ, êm, sâu (khi đầy, bụng hơi phình ra).

Xả Khí: ngay khi đó, từ từ thở ra cũng đều- nhẹ - êm và thở ra hết.

Ghi chú quan trọng:

- Hít vào và thở ra đều bằng mũi. - Công thức: mới tập theo công thức 3-3 (nghĩa là hít vào trong 3 giây và thở ra cũng đúng 3 giây, nghĩa là thở 10 vòng trong 1 phút. Cách đếm: ba trăm lẻ một, ba trăm lẻ hai, ba trăm lẻ ba... cứ đếm đều đặn là rất đúng, nếu cần lấy đồng hồ ra căn lại cách đếm cho chính xác hơn), dù ta có thể tập dài hơn cũng đừng cố, phải tập ít nhất trong 3 tuần lễ mới có thể tăng dần.

Về sau, khi đã tập luyện vững vàng rồi, ta có thể theo công thức: 5-5 (tức 5 vòng thở ra một phút) hoặc 6-6 (tức 6 vòng thở trong một phút). Một người bình thường, thở trung bình 15 vòng trong 1 phút, nếu nay ta thở chỉ còn 10 vòng/phút là đã khá tốt rồi.

So sánh với nhịp thở của một loài động vật: gà mái 30 nhịp/phút, chó 28 nhịp/phút, mèo 24 nhịp/phút, ngựa 16 nhịp/phút, rùa 2 nhịp/phút. Nếu nhiều công phu tập luyện, sau này ta có thể thở từ 2 nhịp hay 1 nhịp trong một phút thì tuổi thọ của ta có thể tăng lên như loài rùa. Mặt khác, khi thở chậm, nhịp tim cũng sẽ đập chậm lại và đều hơn. Giả thử nhịp tim đang từ 90 giảm xuống 60 lần/phút, tức là tiết giảm được 30 lần/phút. Nếu tính trong một năm thì sẽ tiết giảm được: 30 lần x 60 x 24 x 365 ngày = 15,768,000 lần.

Tập đúng: thân thể tráng kiện, da mặt hồng hào, sáng láng, mắt sáng, tinh thần thoải mái dễ chịu.

Tập sai: Nồng độ CO2 trong máu quá cao, gây ra các triệu chứng dễ nhức đỉnh đầu và vùng gáy. Tim bị hồi hộp, ăn không tiêu... gặp trường hợp này, xả trong một tuần lễ sẽ khỏi (xem cách XẢ ở phần Thụ Công - đoạn chót bài 4).

Phương pháp thở bụng 3 thời: công thức 3-3-3 hoặc 4-4-4. Nghĩa là Nạp Khí trong 3 giây. Sau đó dồn khí xuống Ðan Ðiền (tức huyệt Khí Hải - cách lỗ rốn khoảng từ 3 tới 4 cm), ngưng tụ khí tại đó trong 3 giây, làm cho đan điền căng lên, đồng thời ta nhíu hậu môn và đường tiểu tiện lại. Sau đó, buông lỏng tất cả và từ từ Xả Khí ra trong 3 giây, cho không khí ra hết, xả xong lại tiếp tục Nạp Khí, thở cho vòng kế tiếp, liên tục không ngừng. Sự ngưng tụ khí tại Ðan Ðiền này rất quan trọng sẽ giải thích sau.

Phương pháp thở bụng 4 thời: công thức 3-3-3-3 về sau khi thở đã quen có thể áp dụng công thức 4-4-4-4 hoặc cao hơn nữa (nhưng đừng cố quá sẽ có hại!). Nạp trong 3 giây, ngưng tụ tại Ðan Ðiền trong 3 giây, nhíu hậu môn và đường tiểu tiện lại, như nói ở đoạn trên. Sau đó buông lỏng tất cả, Xả (tức thở ra nhẹ, đều, êm trong 3 giây cho hết không khí). Khi bụng đã xẹp hết hơi, ta Bế Khí, tức là ngưng thở hoàn toàn, để bụng trống rỗng trong 3 giây... rồi lại tiếp tục Nạp Khí cho vòng kế tiếp.

Ghi chú: Việc thở phải điều hòa, liên tục, nhịp nhàng và bao giờ cũng phải Êm - Nhẹ - Ðều - Dài. Thở hấp tấp, vội vàng, cốt cho đủ số là hoàn toàn vô ích! Nên khai thác triệt để hơi thở trong ngày: nếu ta chỉ tập thở trong những buổi chính thức theo đúng nghi thức, thì nhiều lắm, mỗi ngày, ta cũng chỉ tập được hai buổi (mỗi buổi khoảng nửa giờ mà thôi) và tất nhiên kết quả chỉ có giới hạn. Nhưng theo lối thở phổ thông trình bày ở trên, ta có thể thở bất cứ lúc nào, bất cứ tại đâu, tại văn phòng, trong xưởng, trong phòng khách, tại nơi đang làm việc v.v... Ta khai thác được rất nhiều dịp thở trong ngày mà những người xung quanh không hay biết, theo kiểu "tích tiểu thành đại", lâu dần thành thói quen. Càng thở nhiều càng thấy thoải mái dễ chịu không bị mệt mỏi, căng thẳng, chán nản, mất tinh thần... Tất nhiên không nên thở lúc ăn no, uống say hoặc lúc làm việc nặng.

II. Thở Ngực (còn gọi là thở nghịch):

Ðây là phương pháp thở phổ thông trong các môn thể thao, điền kinh của Tây phương. Phương Pháp

Khi Nạp Khí, ta dồn không khí lên ngực trên, bụng sẽ thót lại. Lúc Xả Khí, ngực sẽ xẹp xuống, bụng hơi phình ra. Phép thở nghịch tốt cho Phế Nang Thượng, làm cho ngực nở nang, nhưng không hữu dụng cho phương pháp tập KH' CÔNG.

Lý giải theo Y-học Tây phương:

Khi ta tập các cơ bắp như tập tay, tập chân, tập cổ, tập ngực v.v... ta thường dùng các dụng cụ như tạ, dây kéo, para fix, parallel, hoặc hít đất, nhẩy xổm, bơi lội v.v... Nhưng nếu ta muốn tập các bộ phận bên trong như Tim, Gan, Tì, Phế, Thận (ngũ tạng) hoặc Dạ Dầy, Mật, Bàng Quan, Tam Tiêu, Ruột Non, Ruột Già (lục phủ)... nhất là các Kinh Mạch và Thần Kinh, thì chúng ta tập ra sao?

Người xưa dạy ta tập bằng cách Thở Khí Công: khi ta Nạp không khí vào phần Hạ Phế (phổi dưới) - nói là thở Bụng, nhưng thực tế, không bao giờ không khí có thể vào thẳng bụng được. Không khí vào phần Phổi dưới, nó sẽ nở ra, đẩy Cơ Hoành và Cơ Bụng xuống, làm cho Lục Phủ Ngũ Tạng bị ép nhẹ xuống. Khi ta Xả Khí, Cơ Hoành và Cơ Bụng lại nâng Lục Phủ Ngũ Tạng lên. Như vậy, toàn bộ các cơ quan trong người ta cứ liên tục bị nhồi lên, ép xuống một cách nhẹ nhàng, nhu nhuyễn, như vậy các bộ phận bên trong của ta đã được "thoa bóp bằng hơi một cách vô cùng êm ái". Nói cách khác, Lục Phủ Ngũ Tạng của ta đã được tập luyện bằng những đệm hơi rất vi tế. Một khi các bộ phận trong người đã được tập có phương pháp như thế thì tất nhiên chúng sẽ trở nên linh hoạt, không bị u trệ và hoạt động tốt hơn, do đó Kinh Mạch của ta sẽ vận hành đều hòa hơn. Mặt khác, vì phải tập trung tinh thần, không suy nghĩ vẩn vơ, điều này sẽ giúp cho Thần Kinh của chúng ta vững vàng, Tâm không bị giao động, âm dương được quân bình.

Tập như thế, tức là Tập Bên Trong - Công Phu Tập Luyện Bên Trong- Tức là Tập Nội Công vậy.

Ghi chú: Nếu chịu khó tập Thở Nội Công liên tục đều dặn, sau 3 tháng sẽ có kết quả cụ thể: người khỏe mạnh, năng động, vui tươi, giảm lượng đường trong máu, giảm cholesterol, giảm huyết áp (nếu có), ăn uống, tiêu hóa tốt, sinh lý mạnh và có thể chữa khỏi những chứng bệnh thông thường.

Khí Công Bài Ba - Luyện Khí

VS. Trần Huy Phong

Khí Công của Vovinam - Việt Võ Ðạo, có những nét đặc thù riêng, mục đích để luyện Tâm Thân theo nguyên lý Cương Nhu Phối Triển. Chủ yếu luyện Khí Công để Dưỡng sinh, bảo kiện, tăng cường thể lực để tự chữa một số bệnh cho chính bản thân và nếu khá hơn, có thể phát công để trị bệnh cho người khác. Ðặc biệt là có khả năng tập trung sức mạnh của Tâm Thân, áp dụng trong tự vệ và chiến đấu.

Tôi đã dự định viết một cuốn "Nội Công Nhập Môn Việt Võ Ðạo" từ mấy năm trước, nhưng không may tôi bị lâm trọng bệnh, nên chưa thực hiện được. Do yêu cầu của một số môn sinh, đề nghị tôi viết tiếp một vài bài nữa sau bài "Khái Lược Về Khí Công" đăng trong tập san Việt Võ Ðạo - Trở Về Nguồn xuất bản năm 1993. Mặc dù đang tiếp tục điều trị bệnh tại Pháp (đợt 3), tôi cũng cố gắng đáp ứng lời yêu cầu của các bạn.

1. Môi Trường Tập

Môi trường tập rất quan trọng, để tránh những tác động của khung cảnh từ bên ngoài có thể tác động không tốt vào cơ thể.

Không gian: Yên tĩnh - Sạch sẽ - Thoáng mát (đừng để bị ngoại cảnh quấy rầy, nhất là những thứ ảnh hưởng tới Ngũ Quan và cần nơi an toàn...) Không nên ngồi tập chỗ có gió lùa. Khi trời giông bão, sấm sét, mưa to, điện trường xung quanh biến động quá nhanh. Nên ngồi tập trên một tấm chiếu hay một tấm mền mỏng.

Thời gian: Người xưa chia thời gian theo giờ sinh thái rất phức tạp, ngày nay ít ai theo được. Tốt nhất là nên tập vào lúc bình minh, hoặc vào những giờ rảnh rỗi, không bị công việc chi phối là được.

Không nên luyện công trong lúc ăn no, uống say, chỉ tập khi bụng đã nhẹ (sau bữa ăn khoảng 2 giờ).

Không tập khi đau yếu, hoặc khi làm việc quá mệt mỏi.

Không giao hợp trước và sau buổi tập.

Uống một ly nước đun sôi để nguội trước và sau buổi tập.

2. Chuẩn bị tư tưởng

Trước khi tập thở Nội Công, điều quan trọng trước hết là phải chuẩn bị Y¨ Niệm và Tư Tưởng: hãy buông bỏ tất cả... không còn hình ảnh nào vương vấn trong tâm ta nữa, không lo lắng, ưu tư, yêu ghét gì nữa... cuộc đời dù có ghê gớm đến đâu, ta cũng nên "vứt bỏ ra ngoài trong chốt lát, để Tâm được thực sự an bình, thư thái (điều Tâm).

3. Tư thế mẫu

Hướng ngồi nên theo hướng Nam Bắc (quay mặt về hướng Bắc cho hợp với Ðịa từ, nhưng cũng không cần quan trọng hóa). Ngồi kiết già hay bán già đều được cả, miễn sao thấy thoải mái. Áp dụng các nguyên tắc sau:

Lưng thẳng, cổ thẳng, đầu ngay ngắn, cằm hơi thu lại.

Bụng lỏng, hai vai và hai tay buông lỏng, toàn thân thư giãn (điều thân) cho hai mạch

Nhâm Ðốc và 12 kinh thông.

Miệng ngậm để giữ Khí, lưỡi cong đặt trên vòm ếch để thông giữa hai mạch Nhâm Ðốc, nếu có nước miếng thì nuốt đi.

Hai lòng bàn tay để ngửa, chồng lên nhau, đặt ở vị trí bụng dưới. Con Trai tay trái chồng lên trên, con Gái tay phải chồng lên trên.

Mắt nhắm để định thần, tư tưởng tập trung dùng Ý dẫn Khí, vì vậy phải thuộc vị trí của các đại huyệt (coi bảng hướng dẫn).

Ðầu tiên hơi thở phải tự nhiên, đều đặn (điều Tức).

Nhập Tĩnh: Tập trung tinh thần, ta nhẩm đọc bài Kệ, trong ý:

Lưng thẳng, vai mềm, bụng lỏng ra, Gát phăng ý nghĩ khỏi đầu ta, Ðiều hơi, vận khí theo phương pháp, Óc cố, tâm yên, tiến rất xa.

(Óc cố có nghĩa là đầu óc chỉ tập trung cố định vào một điểm như hơi thở chẳng hạn).

Nếu Tâm vẫn chưa thực sự yên tĩnh, ta nhẩm đọc bài Kệ sau đây:

Chẳng mừng giận, cũng không yêu ghét, Chẳng thương xót, cũng không lo buồn, Ðã không ham muốn, có chi sợ hãi, Ðể lòng thanh thản, an nhiên tự tại.

4. Luyện Công

Khi Tâm hồn đã thực sự đi vào yên tĩnh và thoải mái, ta bắt đầu luyện Công theo phương pháp 3 thời hoặc 4 thời, nhưng theo các nguyên tắc sau đây: 3-6-3.

Mượn hơi thở không khí bằng mũi, thở Nhẹ - Êm - Dài, nhưng thực tế dùng ý thở bằng toàn thân.

Tất nhiên vẫn thở như bài luyện thở Nội Công số 2, nhưng không quan tâm nhiều đến hơi thở (bằng khí trời) như trước mà thở gần như vô thức. Nhưng điểm chủ yếu là Thở Bằng Ý, thở bằng tất cả các huyệt đạo, bắt đầu thở từ huyệt Bách hội (đỉnh đầu), thở bằng tất cả các huyệt cao trên đầu, thở bằng lỗ tai, thở bằng các huyệt Dũng Tuyền (giữa gan bàn chân), bằng các huyệt Lao Cung (giữa gan bàn tay), thở bằng tất cả những lỗ chân lông, dưới hạ bàn, từ hậu môn, bộ phận sinh dục, từ huyệt Hội Âm, Trường Cường và các huyệt đạo khác... ta hấp thụ được Ðịa Khí v.v.. nghĩa là toàn thân đều thở. Thở như thế, có nghĩa là toàn bộ cơ thể ta đã được hấp thụ được nhiều Tinh Khí của trời đất, của Vũ Trụ, của các tia alfa, các tia điện từ của trái đất và các hành tinh khác...

Ta dồn tất cả các khí "Âm Dương" của trời đất ấy, tích tụ vào Ðan Ðiền, nén thành một trái cầu ngũ sắc, to như một quả cam. Ta vận hành cho trái cầu này quay tròn trong Ðan Ðiền, theo chiều quay của kim đồng hồ và ngược lại. Trái cầu này sẽ phát ánh sáng, soi sáng Lục Phủ Ngũ Tạng của ta, rồi soi sáng khắp các Kinh Mạch và cơ thể ta, có thể đó chỉ là do ta tưởng tượng ra mà cũng có thể là thật. A¨nh sáng đó mỗi lúc một sáng, soi toả khắp cơ quan trong người. Hiện tượng này có thể chỉ là ý niệm, nhưng cũng có thể là sự thật. Người Tây phương sẽ khó có thể cảm nhận được hiện tượng này.

Trái cầu ấy chính là Khí Hậu Thiên của Trời Ðất, kết hợp với Khí Tiên Thiên vốn đã sẵn có trong cơ thể ta để tăng cường, phối hợp, làm thành Chân Khí, mà Chân Khí là cái gốc của sự sống, nó lưu hành, cung ứng cho các Kinh Mạch và Nội Tạng của ta. Trái cầu "Chân Khí" đó, sau khi cung ứng cho các nội tạng và Kinh Mạch, nó sẽ mờ dần và nhỏ dần, chỉ còn là một điểm sáng... Nhưng sau đó ta lại tiếp tục thở, tiếp tục Nạp... trái cầu lại càng lớn và sáng trở lại... và cứ thế tiếp tục mãi cho đến hết buổi tập. Trung bình, mỗi buổi tập ít nhất cũng phải kéo dài trong 30 phút, ta sẽ tiếp thụ được thêm Chân Khí.

Khí Công Bài Bốn - Luyện Vòng Tiểu Chu Thiên

VS. Trần Huy Phong

Ghi chú: Vòng Tiểu Chu Thiên (còn gọi là Vòng Nhâm Ðốc Mạch) xưa kia được coi như một phương pháp Khí Công bí truyền vì Luyện Vòng Tiểu Chu Thiên duy trì sự quân bình Âm Dương. Khí luôn vận hành theo vòng khép kín, không bao giờ ngừng, tầm mức tác dụng rất cao vào toàn bộ Kinh Mạch và chức năng của Phủ Tạng.

Hướng đi của hai mạch Nhâm Ðốc

Mạch Nhâm thuộc Âm (thuộc phía trước thân ngực, bụng của ta).

Mạch Ðốc thuộc Dương (thuộc phía sau lưng, chạy qua đỉnh đầu của ta).

Theo luật Âm giáng (đi xuống), Dương thăng (đi lên) thì:

Mạch Nhâm sẽ đi từ huyệt Thừa Tương (huyệt nằm ở giữa cằm, cách môi dưới độ 1cm), đi xuống theo đường giữa bụng, xuống đến huyệt Hội Âm (huyệt Hội Âm nằm ở chính giữa bộ phận sinh dục và hậu môn).

Mạch Ðốc sẽ đi ngược lên, đi từ huyệt Trường Cường (huyệt này nằm ở điểm chót của đốt cột sống cuối cùng, ngay đầu hậu môn), chạy ngược lên, qua đỉnh đầu, xuống tới huyệt Ngân Giao (là huyệt nằm ở chính giữa vòm miệng, thường gọi là hàm ếch).

Vì vậy, trong tập luyện vòng Tiểu Chu Thiên, cũng như luyện các phương pháp Khí Công khác, lưỡi luôn phải uốn cong, đặt lên nóc hàm ếch, tại vùng huyệt Ngân Giao, nhằm khép kín vòng Âm Dương, để Khí không bị phân tán.

Nhập Tĩnh: Ngồi bán già hay kiết già, hoặc ngồi trên ghế, từ huyệt Bách hội (đỉnh đầu) qua sống lưng, xuống huyệt Hội Âm đều nằm trên một trục thẳng.

I. Luyện Nhâm Mạch và Ðốc Mạch Riêng (áp dụng phương pháp thở hai thời)

Luyện Nhâm Mạch

Thở vào: từ từ dẫn Khí theo Mạch Nhâm, đi từ huyệt Thừa Tương xuống huyệt Hội Âm.

Thở ra: từ từ dẫn Khí theo Mạch Nhâm, đi từ huyệt Hội Âm đi ngược lên huyệt Thừa Tương.

Luyện Mạch Ðốc

Thở vào: dẫn Khí từ huyệt Trường Cường, ngược lên theo cột sống, qua đỉnh đầu, tới huyệt Ngân Giao (vòm miệng)

Thở ra: dẫn Khí từ huyệt Nhân Trung (huyệt này nằm giữa vùng môi trên, ngay giữa sống mũi), lên đỉnh đầu, xuống gáy, chạy dọc theo cột sống, xuống huyệt Trường Cường.

II. Luyện vòng Nhâm Ðốc Chung

Thông suốt hai mạch mà không cảm thấy vướng víu, do đó cần tập trung Ý để Khí có thể chạy dễ dàng.

a. Phương pháp thứ nhất: Luyện vòng Tiểu Chu Thiên theo hai hơi thở (mỗi hơi hai thời).

** Hơi thở thứ nhất:

Thở vào: dẫn Khí từ huyệt Thừa Tương, xuống tới huyệt Khí Hải, hay Ðan Ðiền.

Thở ra: dẫn Khí từ huyệt Khí Hải xuống Hội Âm rồi theo Ðốc Mạch lên huyệt Trường Cường, đồng thời co thắt hậu môn để đẩy Khí lên.

** Hơi thở thứ hai:

Thở vào: dẫn Khí từ huyệt Trường Cường cho tới huyệt Ðại Chùy (huyệt này nằm dưới các đốt xương cổ, nhưng ngay ở đốt xương sống đầu tiên, khi ta cúi đầu xuống, ở phần giáp xương cổ và lưng có một cục xương nhô cao, sát bên dưới đốt xương đó là huyệt Ðại Chùy).

Thở ra: dẫn Khí từ huyệt Ðại Chùy cho tới huyệt Nhân Trung.

b. Phương pháp thứ hai: Luyện nguyên vòng Tiểu Chu Thiên bằng một chu kỳ thở

Thở vào: tưởng tượng Khí nhập vào huyệt Thừa tương, dẫn xuống qua huyệt Khí Hải, tới Hội Âm (trong 5 giây)

Thở ra: Co thắt hậu môn, đẩy Khí từ huyệt Hội Âm, ngược theo cột sống, chạy lên đỉnh đầu (huyệt Bách Hội), rồi tới huyệt Nhân Trung (trong 5 giây).

Cứ thế tiếp tục không ngừng nghỉ cho đến hết buổi tập. Ðến khi kết thúc buổi tập, lúc thở ra, ta sẽ dẫn Khí xuống thẳng Ðan Ðiền.

c. Phương pháp thứ ba: Luyện hai vòng Tiểu Chu Thiên bằng một chu kỳ thở:

Thở vào: dẫn Khí đi từ huyệt Thừa Tương, chạy suốt hai mạch Nhâm Ðốc đến huyệt Nhân Trung.

Thở ra: cũng dẫn Khí chạy suốt hai mạch Nhâm Ðốc, nhưng ở vòng cuối, dẫn Khí chạy thẳng xuống Ðan Ðiền.

d. Phương pháp thứ tư:Luyện nhiều vòng Tiểu Chu Thiên bằng một chu kỳ thở ba thời:

Tạm ngưng thở: dẫn Khí chạy lướt qua vòng Nhâm Ðốc mạch.

Thở vào: tụ Khí đầy ở huyệt Thừa Tương. Ngưng thở: Tập trung ý, dẫn Khí chạy theo đường Nhâm Ðốc mạch từ 3 đến 4 lần nhanh. Ở vòng cuối cùng dẫn Khí xuống Ðan Ðiền.

Thở ra: tưởng tượng Khí tỏa ra khắp vùng bụng dưới.

e. Phương pháp thứ năm:Vận Khí chạy ngược vòng Nhâm Ðốc Mạch. Sau khi đã tập thành thục, ta có thể:

1. Vận Khí chạy ngược với đường đi tự nhiên trên vòng Nhâm Ðốc:

Thở vào: Vận Khí từ huyệt Hội Âm ngược lên đường giữa bụng, lên huyệt Thừa Tương (luyện Nhâm Mạch).

Thở ra: vận Khí từ huyệt Thừa Tương, lên mặt, qua đỉnh đầu, chạy dọc xương sống xuống Hội Âm, về Ðan Ðiền.

2. Vận Khí chạy ngược xuôi, qua lại, tới lui trên suốt vòng Nhâm Ðốc: Có khi, chỉ cần dùng lưỡi, để lên vòm miệng (hàm ếch), hơi thở tự nhiên bình thường, tự động vòng Nhâm Ðốc vận hành chạy liên tục không ngừng nghỉ. Tất nhiên phải đạt tới giai đoạn nhuần nhuyền lắm thì mới có thành tựu như vậy được.

Ghi chú: Những huyệt khó vượt qua trên mạch Ðốc:

Huyệt Trường Cường (nằm ở đốt xương cùng của cột sống), từ Hội Âm lên Trường Cường phải qua hậu môn, là một đường cong... vì thế, ta phải co thắt hậu môn để giúp đẩy Khí lên.

Huyệt Mệnh Môn (nằm trong khối thận, khoảng chính giữa trục Ðan Ðiền và cột xương sống.) Khi dẫn Khí qua Mệnh Môn, ta chỉ cần tập trung Y¨, cho chạy chậm lại một chút là có thể vượt qua dễ dàng.

Huyệt Não Hộ (nằm trên vùng gáy, dưới Bách Hội, ngang với huyệt Ấn Ðường ở phía trước), vì Khí phải vượt qua đường hõm, vòng cung của gáy nên khó đi, nhưng nếu ta tập trung Y¨, cho chạy chậm lại một chút thì Khí sẽ vượt qua dễ dàng.

Người mới tập vòng Tiểu Chu Thiên, lúc đầu chưa thấy cảm giác gì. Nhưng sau thời gian tập quen, ta tập trung được Tâm Ý, dẫn Khí đi đúng hướng, không bị phân tán, lúc đó ta sẽ thấy một luồng chân Khí chạy thành vòng cung trên suốt vòng Nhâm Ðốc.

Tầm quan trọng của vòng Nhâm Ðốc: luyện vòng Nhâm Ðốc là sự giao hòa giữa Tiên Thiên (mạch Ðốc vốn là di sản của cha mẹ), và Hậu Thiên (mạch Nhâm được tiếp thụ từ đời sống bên ngoài).

Luyện Tiểu Chu Thiên làm thanh khiết và quân bình Âm Dương, tránh được sự rối loạn chức năng của Phủ Tạng. Luyện vòng Tiểu Chu Thiên là bước đầu tác động vào Tinh - Khí - Thần, tiến tới bài tập để "Tinh biến thành Khí, Khí biến thành Thần"

Khí Công Bài Năm - Luyện Tinh - Khí - Thần và Nội Lực

VS. Trần Huy Phong

A. Tinh - Khí - Thần

Tinh, Khí, Thần là tam Bảo của con người, không có chúng thì chúng ta không thể tồn tại được. Tinh - Khí - Thần cũng đều có Tiên Thiên và Hậu Thiên, do đó đều có thể luyện tập để trở nên tăng tiến, sung mãn.

Tinh Tiên Thiên: (còn gọi là Nguyên Khí) là tinh chất cốt lõi của con người, vốn là do Âm Dương của cha mẹ truyền lại, vì vậy, Tinh là nguồn mạch của sự sống, nó duy trì tính chất di truyền của gene DNA.

Tinh Hậu Thiên: (còn có tên gọi là Thiên Ðịa Khí và Thủy Cốc Khí) có chức năng duy trì và bù đắp cho sự tiêu hao của Tinh Tiên Thiên, do ta hấp thụ từ trời đất (tiết thực, dinh dưỡng, thu nạp trong những môi trường sống nói chung).

Phân biệt như vậy cho có nguồn gốc, thực ra Tinh Tiên Thiên hay Tinh Hậu Thiên cùng giao hòa làm một và ta gọi chung là Tinh Khí.

Sách Hoàng Ðế Nội Kinh cho rằng Tinh tích tụ tại Thận, điều này cũng không sai vì Thận nên hiểu là cơ quan bao hàm cả cơ quan sinh dục, trong đó có tinh hoàn và buồng trứng. Hai Khí giao hòa với nhau, bổ túc cho nhau để tạo thành một dạng chung gọi là Chân Khí, hàng ngày luân lưu trong các kinh mạch và Lục Phủ Ngũ Tạng của ta.

Chân Khí lại chia thành:

Vinh Khí: luân lưu trong các Kinh Mạch và Tạng Phủ với chức năng điều hòa và tăng cường cho sức mạnh của Kinh Mạch và Nội Tạng. Vinh Khí mạnh hay yếu tùy thuộc rất nhiều và tiết thực, vì vậy chúng ta phải rất cẩn thận trong việc ăn uống.Vệ Khí: không đi theo Kinh Mạch mà lại đi vào da thịt.

Vệ Khí khuếch tán mạnh có thể đi vào vùng rỗn của khoang ngực, bụng. Tập thở bằng Cơ Hoành (ở bài 2) có thể làm cho Vệ Khí rất có lợi trong luyện tập võ thuật, nó giúp cho gân, xương, cơ bắp của ta trở nên vững chắc và bảo vệ thân thể ta chống chọi với những thay đổi của môi trường xung quanh (như trong thiết bố sam).

Thần là chủ đạo của não. Thần có liên quan mật thiết với Tâm, nên mới nói Tâm tàng Thần. Ðan Ðiền của Thần đóng ở Ấn Ðường và phía sau là Bách Hội (đỉnh đầu). Nói tóm lại, Tinh là gốc của sự sống, được nuôi dưỡng hàng ngày bởi Khí sinh sau và chịu ảnh hưởng của Chân Khí và Nguyên Khí. Mục tiêu tối hậu của Khí Công là luyện Tinh thành Khí - Luyện Khí thành Thần (trong dịp khác, tôi sẽ trình bày bài tập này).

Tinh - Khí - Thần xét cho cùng chỉ là một Tinh và Thần chỉ là hai dạng khác nhau của Khí. Tinh là trạng thái gốc, Thần là trạng thái thăng hoa của Khí. Ba trạng thái này có liên hệ mật thiết với nhau và có tác động qua lại rất hài hòa.

B. Nội Lực

Nội lực là sức mạnh bên trong cơ thể con người, ai cũng có Nội Lực, chỉ nhiều ít khác nhau mà thôi. Nội lực cũng có hai dạng: bẩm sinh và tự tạo. Rất nhiều người, trời sinh ra đã có sẵn một nội lực phi thường và cũng không ít người, khi ra đời chỉ có một sức mạnh yếu kém, nhưng nhờ bền chí luyện tập đúng phương pháp, cũng trở nên những con người có sức mạnh siêu phàm.

Cái gốc của Nội Lực là Tinh - Khí - Thần, nên muốn luyện Nội Lực thì ta phải đi từng bước. Trước hết luyện Tinh - Khí - Thần, sau đó phải biết phương pháp luyện tập để thúc đẩy nội lực lên. Ðiều quan trọng là phải biết huy động và tập trung nội lực vào một mục tiêu để "phá vỡ" hay "bẻ gẫy" những chướng ngại cần thiết, nhất là trong võ thuật. Nội lực thường tản mát trong khắp cơ thể ta, nhưng thường thường ta không biết sử dụng chúng vào những mục tiêu mong muốn. Có rất nhiều câu chuyện thực tế được kể lại như sau: có nhiều người khi gặp cơn nguy khốn, họ đã vượt thoát được sự hiểm nghèo như nhẩy qua một hố sâu rộng nhiều mét, vượt qua một bức tường 3 mét, phóng mình lên một cành cây cao khi gặp một con gấu đuổi tấn công, vác được những vật nặng hàng trăm ký khi nhà đang bị cháy, bị trượt chân trên một tòa nhà cao 33 tầng, phải túm lấy nhau, đu bám trên một bậc cửa sổ và đã được thoát chết v.v... nhưng sau đó họ sẽ không thể nào lập lại quá trình đó được nữa, vì nội lực của họ đã bị phân tán mỏng, không có "yếu tố kích thích để tập trung vào một điểm hay một vùng" của cơ thể để có thể thực hiện được những mục tiêu mong muốn, tất nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể tập trung được nội lực trong lúc hiểm nguy như thế, vì thường thường lúc đó họ "mất tinh thần, có khuynh hướng buông xuôi !"

Thường thường những nhà quán quân trong các môn điền kinh hoặc những võ sĩ chuyên nghiệp, do công phu tập luyện hàng ngày đã quá nhuần nhuyễn, nên họ có khả năng tập trung nội lực để phát huy hết khả năng vào đôi chân hay đôi tay... do đó, họ đạt được những thành tích cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng làm được những điều mà họ mong muốn, nhiều khi họ cũng bị "phân tâm, mất tự tin" khiến thành tích của họ bị sút giảm. Chỉ khi nào chúng ta tập được tới trình độ "tâm ý tương thông", tập trung được toàn bộ nội lực vào một điểm, đột khởi xuất chiêu thì lúc đó ta mới có thể cho rằng "mình đã tự làm chủ được nội lực của mình".

Muốn phát huy được nội lực cao độ để thực hiện những mục tiêu mong muốn, ta phải thực hiện được hai yếu tố sau đây:

Luyện nội lực thật sung mãn.

Tập trung cao độ nội lực vào một bộ phận của cơ thể để đạt mục đích.

1. Luyện Tinh - Khí - Thần để nâng cao nội lực.

Muốn luyện nội lực thì trước hết phải luyện Tinh - Khí - Thần, vì đó là cái "thế chân vạc" để nâng cao nội lực. Cũng phải theo đúng quy trình, ngồi bán già hay kiết già, "Khai Công Nhập Tĩnh", thư giãn, an thần, vứt bỏ mọi tạp niệm v.v...

a. Luyện Tinh

Nạp Khí: thở vào từ tất cả các huyệt đạo, tập trung toàn bộ suống vùng bụng dưới (Quan Nguyên - Khí Hải), từ 5 đến 6 giây, tập trung cao độ ý niệm vào vùng này.

Vận Khí: ngưng thở để thu hút khí trời đất và vận hành để nén chúng thành một "Khối Tinh Chất", quán tưởng khối đó như một bông hoa sen lớn, thơm và tinh khiết, dùng cơ bụng dưới vận khí cho bông sen đó quay vòng theo chiều kim đồng hồ, rồi sau đó quay ngược lại, thời gian trong vòng khoảng 20 giây.

Xả Khí: thở ra, buông lõng tất cả cơ bắp, thở ra từ từ, bông sen sẽ tan biến và loan tỏa ra khắp vùng Quan Nguyên, vùng bụng dưới, theo vòng đôi mạch chạy sang Mệnh Môn, xuống Trường Cường và chạy ngược lên vùng thận du (Bế Thận).

Bế Khí: sau đó Bế Khí trong 3 giây để Tinh tan biến vào Phủ Tạng, tích lũy và tàng trữ Tinh trong đó.

b. Luyện Khí

Luyện Khí ở đây cũng có những điểm như luyện Khí ở bài số ba, nhưng có điểm khác biệt là tụ Khí để tăng cường trực tiếp cho Nội Lực.

Nạp Khí: qua tất cả các huyệt đạo nạp khí vào trung tâm Ðan Ðiền (Khí Hải) trong vòng 5 giây.

Vận Khí: cắn chặt hai hàm răng, hai nắm tay nắm xiết chặt đến cao độ, cơ bụng dưới căng ra như có một khối đá nặng hàng trăm ký đang đè xuống... Tất cả tư tưởng và ý niệm đặt hết vào bụng dưới, không một chút gì có thể làm ta phân tâm trong lúc này... thời gian kéo dài trong 20 giây hoặc hơn (có thể làm cho ta toát mồ hôi).

Xả Khí: buông lỏng cơ bắp thở ra từ từ, để Khí lan tỏa ra khắp vùng bụng dưới.

Thư Giãn hoàn toàn: tất cả Tâm Thần như chết đi, tất cả mọi cơ bắp như tan rã ra, mềm nhũn ra, dùng hai tay thoa nhẹ vào khắp vùng bụng dưới - thời gian khoảng 10 giây, sau đó lại tiếp tục nạp Khí để làm chu kỳ tiếp theo. Trung bình Nam làm 7 vòng, Nữ làm 9 vòng. Vì tập theo chu kỳ này rất tổn hao sức, nên nếu muốn tập nhiều thì phải chia ra làm nhiều buổi trong ngày mà tập.

Chỉ cần tập đều trong 3 tháng, các bạn có thể hít một luồng khí vào bụng dưới, trương cơ bụng lên và cho những môn sinh khoẻ mạnh tha hồ đấm cực mạnh vào bụng mà chẳng sao cả.

c. Luyện Thần

Nạp Khí: Khi đã "Óc cố - Tâm an" xong, từ huyệt Bách Hội, Nhân Trung, Phong Phủ, Não Hộ, Thái Dương, nói chung là tất cả các huyệt đạo trên đầu... ta quán tưởng, nạp Khí từ khắp không gian thu vào Bách Hội, kết lại ở đó thành một vòng hào quang - thời gian 10 giây.

Vận Khí: tập trung tư tưởng, ý niệm cao độ vào Bách Hội, vận hành cho vòng "hào quang" đó xoay nhiều vòng theo chiều kim đồng hồ và sau đó quay ngược lại - thời gian 10 giây.

Xả Khí: sau đó, dẫn một nửa Khí chạy theo Nhâm Mạch xuống Hội Âm, từ từ buông lỏng, thư giãn và để cho Khí tự bung ra lan tỏa từ Bách Hội ra khắp không gian, phần kia, lan xuống hạ bàn và đi vào lòng đất - thời gian 10 giây.

Bế Khí: sau đó bế Khí (ngưng thở) trong 5 giây và để cho Bách Hội và tất cả các huyệt đạo trên đầu như chìm đắm đi, quên hết mọi thứ... và ngay sau đó lại tiếp tục Chu Kỳ kế tiếp. Trung bình mỗi buổi tập khoảng 24 chu kỳ.

d. Luyện Nội Lực

Luyện Tinh - Khí -Thần chính là những phương pháp luyện Nội Lực cơ bản, vì chính chúng là những chất liệu để gia tăng nội lực. Nhưng sau đây có ba phương pháp mà nếu tập luyện đúng cách thì Nội Lực sẽ gia tăng nhanh chóng: Ðó là tập luyện 3 vòng xoay trên cơ thể.

Vòng xoay thứ nhất là Xoay Cổ. Vòng xoay thứ hai là Xoay Hai Vai. Vòng xoay thứ ba là Xoay Vòng Cột Sống Vùng Thắt Lưng.

Phương pháp

Ðứng trung bình tấn, tập trung hết Tâm Y¨ vào nơi tập luyện. Nạp Khí đầy bụng dưới - nín thở (Bế Khí).

Quay cổ: cắn chặt hai hàm răng, vận tối đa gân, xương cơ Cổ lên một trương lực thật cao. Từ từ quay cổ sát theo thân người (đầu lúc nào cũng sát xuống xương vai- lưng - ngực), quay nhanh dần, nhanh dần, sau đó quay ngược lại... quay cho đến khi nào hơi thể hết, cần phải thở ra thì ngưng. Thở sâu 3 hơi, để lấy sức và tiếp tục quay vòng thứ hai. Trung bình nam 7, nữ 9.

Quay vai: cắn chặt hai hàm răng, nắm chặt hai tay, vận hết xương, gân ở hai vai và hai tay... quay vòng tay theo hai vai từ phía sau ra phía trước, mỗi lúc một nhanh dần, sau đó quay ngược lại, cũng nhanh dần. Khi hơi thở đã hết thì ngưng lại. Tạm ngưng, thở sâu ba hơi để lấy lại sức và tiếp tục quay vòng thứ hai. Trung bình Nam 7, Nữ 9.

Xoay Cột Sống (đây là vòng xoay quan trọng nhất và cũng khó nhất): cắn chặt hai hàm răng, căng cứng phần bụng dưới, hai tay nắm thật chặt, dang rộng ra hai bên, cúi gục người xuống, xoay quanh vòng bụng, quanh thắt lưng, từ phải sang trái, thân người phải bẻ gập sang các phía, lúc ngửa thì lưng song song với mặt đất. Lúc nghiêng thì sườn phải gập hẳn sang một bên, quay nhanh dần, nhanh dần, sau đó quay ngược lại, cũng nhanh dần. Khi hơi thở đã hết thì ngưng lại. Tạm ngưng, thở sâu ba hơi để lấy lại sức, tiếp tục quay vòng thứ hai. Trung bình: Nam 7, Nữ 9.

Ðây là ba vòng quay quan trọng, trong lúc quay phải vận hết Khí lực trong người, tập trung Tâm Y¨ cao độ, nên việc luyện tập khá vất vả, nhưng nhờ đó mà Nội Lực sẽ được phát triển sung mãn, nhanh chóng.

Những bài tập Khí Công còn nhiều. Ngoài Ðộng Công còn có Tĩnh Công. Trong chương trình đã được phổ biến (giới hạn) còn có bài Khí Công Quyền, thuộc loại "động công", vừa ứng dụng để luyện Khí, vừa ứng dụng trong kỹ thuật chiến đấu. Một chương trình khác là "Nhị Thập Bát Tú," bao gồm 28 tư thế Ðộng Công, luyện tập để dưỡng sinh và tự chữa bệnh cho mình và cho người khác.

Lưu ý: người ta nói "Tập Khí Công rất dễ, ai cũng có thể tập được, chỉ không có duyên với nó mà thôi, nhưng muốn giỏi về Khí Công thì lại rất khó," theo tôi phần đông không chịu tập đều đặn, hoặc Tâm - Y¨ bị phân tán vì công việc (cứ lo ra vớ vẩn), không thể tập trung được, hoặc đời sống hàng ngày buông thả quá, nào hút thuốc, chơi khuya, ăn uống tự do quá độ v.v... Tuy nhiên nếu không thể nào theo đúng đươp pháp độ, thì cứ chịu khó tập thở đúng (theo bài 2) thì cùng giúp cho các bạn được rất nhiều trong khoa dưỡng sinh, bảo vệ sức khỏe, đó là cũng là một trong những mục tiêu của Môn phái ta.

THU CÔNG

Sau khi đã Nhập Tĩnh để tập luyện, sau giai đoạn kết thúc buổi tập, ta phải Thu Công để trở lại trạng thái bình thường. Trước khi Thu Công, phải có ý niệm chuẩn bị Thu Công.

Bước đầu tiên là Xả: phải buông lỏng các khớp toàn thân nhão hết ra, rời rạc ra, mắt mở nhìn ra xa. Từ từ hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng, nhưng chậm hơn, trung bình khoảng 20 lần, nhằm thải bớt khí CO2 tích tụ trong máu.

Bước hai: dùng song chưởng đẩy nhè nhẹ ra như đẩy một cái hộp (thở ra), xong lại co vào cũng nhè nhẹ như thế (trong 20 lần).

Bước ba: thoa hai bàn tay vào nhau cho thật nóng, rồi ấp vào hai mắt, tìm cảm giác có ánh sáng từ lòng bàn tay truyền vào mắt để tăng thị lực. Rồi dùng hai bàn tay vuốt mặt nhiều lần, rồi vuốt ngược lên đỉnh đầu cho đến khi thấy thoải mái.

Bước bốn: duỗi hai chân ra, dùng hai tay thoa bóp và vuốt mắt trên, rồi mắt dưới, rồi tay này vuốt tay kia, theo chiều trong rồi chiều ngoài.

Bước năm: dùng lưỡi xoay vòng trong vòng miệng nhiều lần, có nước bọt thì nuốt đi.

Bước sáu: hít hơi đầy bụng, xong từ từ cúi gập mình xuống (hai chân duỗi thẳng) thở ra chậm, lúc nâng người lên thì hít hơi vào (làm khoảng từ 5-7 lần).

Chấm dứt Thu Công

Diên hống thành chân thể, âm dương kết thái nguyên. (Diên hống làm thành cái thể chân thật, âm dương kết thành chỗ thái nguyên.) Đãn tri hành nhị bác, tiện khả luyện kim đan. (Đã biết tiến hành nhị bác, liền có thể luyện kim đan.) Hống thị thanh long tủy, diên vi bạch hổ chỉ. (Hống là tủy của rồng xanh, diên là mỡ của hổ trắng.) Xuyết lai quy đỉnh nội, thái thủy yêu tri thời. (Nhặt lấy đem về trong đỉnh, hái lấy phải biết lúc.) Sá nữ kỵ diên hổ,kim ông khoát hống long. (Xá nữ (cô gái) cưỡi diên hổ, kim ông (ông già vàng) cưỡi hống long.) Giáp canh minh chính lệnh, luyện thủ nhất lô hồng. (Giáp canh làm rõ chính lệnh, luyện nên một lò đỏ hồng.) Xà phách cầm long tủy, quy hồn chế hổ tinh. (Phách rắn bắt tủy rồng, hồn rùa nắm tinh hổ.) Hoa trì thần thủy nội, nhất đoà ngọc chi sinh. (Trong nước thần thủy của ao Hoa trì, một cành ngọc sinh ra.) Bạch tuyết phi quỳnh uyển, hoàng nha phát ngọc viên. (Tuyết trắng bay trong vườn châu, mầm vàng nhú ở vườn ngọc.) Đãn năng tri yển nguyệt, hà xứ luyện hồng diên. (Có thể biết được lò như yển nguyệt, thì luyện hồng diên ở nơi nào.) Dược tài khai hỗn độn, hỏa hậu luyện hồng mông. (Thuốc mở cõi hỗn độn, hỏa hậu luyện chỗ mơ hồ.) Thập nguyệt khai tiên hóa, phương tri cửu chuyển công. (Mười tháng thai hóa thành tiên, mới hay về công phu cửu chuyển.) Long chính tàng châu xứ, kê phương bão noãn thời. thùy tri diên hống hợp, chính khả ẩm Đao khuê. (Nơi rồng đang giấu châu, lúc gà đang ấp trứng. ai biết diên hống đã hòa hợp, chính là lúc có thể uống Đao khuê.) Mộc dục tư thần thủy, xúy hư lại tốn phong. (Tắm gội nhờ vào thần thủy, hà hơi phải nhờ gió tốn.) Anh nhi vô nhất sự, độc xử Thái vi cung. (Anh nhi không làm gì cả, riêng ở nơi cung Thái vi.) Tử phủ tầm ly nữ, Chu lăng phối khảm nam. Hoàng bà môi hợp xứ, Thái cực tự hàm tam. (Ở Tử phủ tìm ly nữ, ở Chu lăng phối cho khảm nam. Hoàng bà là nơi mối mai cho hòa hợp, Thái cực tự chứa đựng cả ba thứ.) Càn mã ngự kim hộ, khôn ngưu nhập mộc cung. (Ngựa càn chạy qua cửa vàng, trâu khôn đi vào cung mộc.) A thùy tương xá nữ, giá khứ dữ kim ông. (Ai đem xá nữ gả cho kim ông.) Xá nữ phương nhị bát, kim ông chính cửu tam. (Xá nữ đang lúc nhị bát, kim ông đang lúc cửu tam.) Động phòng sinh thụy khí, hoan hợp sản sơ nam. (Khi động phòng sinh khí tốt lành, hợp hoan sinh con trai đầu.) Tác dạ tây xuyên ngạn, thiềm quang chiếu bích đào. Thái lai quy ngọc thất, đỉnh nội nhật tiến ngao. (Đêm qua trên bờ suối phía tây, ánh sáng của cóc chiếu lên sóng biếc. Hái quay về nhà ngọc, trong đỉnh nấu mỗi ngày.) Ly khảm phi giao cấu, càn khôn tự hóa sinh. Nhân năng minh thử lý, nhất điểm lạc Hoàng đình. (Khảm ly không giao cấu, trời đất tự chuyển hóa sinh thành. Người có thể hiểu lý lẽ này, chân khí rơi vào Hoàng đình.) Đan cốc sinh thần thủy, Hoàng đình hữu thái thương. Cánh vô cơ khát tưởng, nhất trực nhập tiên hương. (Đan cốc sinh ra nước thần (thần thủy), Hoàng đình có kho lớn. Không còn nghĩ chuyện đói khát, đi thẳng vào đất tiên.) Ý mã quy thần thất, tâm viên thủ động phòng. (Ý như con ngựa chạy đã về nơi thần thất, tâm như con vượn nhảy nhót đã trấn giữ phòng hoa.) Tinh thần hồn phách ý, hóa tác tử kim sương. (Tinh, thần, hồn, phách và ý đều hóa thành giọt tử kim sương (sương màu vàng tía).) Nhất khổng tam quan khiếu, tam quan yếu lộ đầu. Hốt nhiên khinh vận động, thần thủy tự chu lưu. (Một lỗ cùng ba cửa đểu là khiếu, ba cửa là đầu đường trọng yếu. Bỗng nhiên vận động nhẹ, thần thủy tự chảy khắp nơi.) Chế phách phi tâm chế, câu hồn khởi ý câu. (Chế phục hồn không dùng tâm, câu thúc hồn không cần dùng ý.) Duy lưu thần dữ khí, phiến hưởng kết huyền châu. (Chỉ khi giữ lại thần và khí, trong phút chốc có thể kết thành huyền châu.) Khẩu quyết vô đa tử, tu đan tại phiến thời. (Khẩu quyết không nhiều lời, luyện đan chỉ trong phút chốc.) Ôn ôn hành hỏa hậu, thập nguyệt sản anh nhi. (Hỏa hậu giữ vừa vừa, mười tháng sinh ra anh nhi (đứa trẻ sơ sinh).) Phu phụ sơ hoan hợp, niên thâm ý chuyển nùng. Động phòng sinh thụy khí, vô nhật bất xuân phong. Sậu vũ chỉ hồ điệp, kim lô ngọc mẫu đan. Tam canh hồng nhật hách, lục nguyệt tố sương hàn. (Đột nhiên mưa đổ trên bướm giấy, hoa mẫu đơn ngọc rơi vào lò vàng. Canh ba mặt trời hồng cháy đỏ, tháng sáu đổ sương lạnh.) Hải để phi kim hỏa, sơn điên vận thổ tuyền. Phiến thời giao cấu tựu, ngọc đỉnh khởi thanh yên. (Tư đáy biển bay lên ngọn lửa kim, trên đỉnh núi tuôn trào dòng suối thổ. Trong phút chốc việc giao cấu thành tựu, đỉnh ngọc bốc lên làn khói xanh.) Đạc phá huyền quan khiếu, xung khai hỗn độn quan. (Đục phá lỗ huyền quan, mở toang cửa hỗn độn.) Đãn tri hanh thủy hỏa, nhất nhậm hổ long bàn. (Đã biết nung thủy hỏa, cứ mặc rồng hổ cuộn tròn.) Bà Kiệt thủy trong hỏa, Côn Luân sơn thượng ba. Thùy năng tri vận dụng, đại ý yêu Hoàng Bà. (Lửa trong nước Bà Kiệt, sóng trên núi Côn Luân. Ai có thể biết vận dụng, đại ý cần đến Hoàng Bà.) Dược thủ tiên thiên khí, hỏa tầm thái ất tinh. Năng tri dược thủ hoả, định lý kiến đan thành. (Thuốc lấy khí tiên thiên, lửa tìm tinh thái ất. Có thể biết dược lấy hỏa, thì trong định tĩnh thấy đan đã thành.) Nguyên khí như hà phục, chân tinh bất dụng di. Chân tinh dữ nguyên khí, thử thị đại đan cơ. (Nguyên khí làm thế nào uống vào được, chân tinh không cần di chuyển. Chân tinh cùng nguyên khí, đây là nền để thành đại đan.) Nho gia minh tính lý, Thích thị đả ngoan không. Bất thức thần tiên thuật,kim đan khoảnh khắc công. (Nhà nho hiểu rõ tính và lý, nhà Phật cố chấp ở chỗ không. Không biết phép thuật thần tiên, công phu trong khoảnh khắc mà thành kim đan.) Yển nguyệt lô trung hống, chu sa đỉnh nội diên. Quy xà chân nhất khí, sở sản tại tiên thiên. (Hống trong lò yển nguyệt, diên trong đỉnh chu sa, rồng rắn chính là nhất khí, sinh ra ở tiên thiên.) Sóc vọng tầm huyền hối, trừu thiêm tượng khuyết viên. Bất tri chân tạo hóa, hà vật thị chân diên. (Mồng một ngày rằm tìm ngày trăng khuyết, ba mươi, rút ra thêm vào vẻ như khuyết tròn, không biết đâu là tạo hóa chân thật, vật nào là chân diên.) Khí thị hình trong mệnh, tâm vi tính nội thần. Năng tri thần khí huyệt, tức thị đắc tiên nhân. (Khí là mệnh trong hình, tâm là thần trong tính, có thể biết được huyệt của thần và khí, ắt là thành tiên nhân.) Mộc tủy phanh kim đỉnh, tuyền lưu chú ngọc lô. (Tủy của mộc nấu trong đỉnh vàng, dòng suối chảy vào lò ngọc.) Thùy tương tam bách nhật, mạn mạn trước công phu. (Ai có thể trong ba trăm ngày, từ từ trao dồi công phu.) Ngọc đỉnh phanh diên dịch, kim lô dưỡng hống tinh. (Đỉnh ngọc nấu nước diên, lò vàng dưỡng tinh của hống.) Cửu hoàn vi cửu chuyển, ôn dưỡng tượng chu tinh. (Cửu hoàn là cửu chuyển, việc ôn dưỡng giống như sao trên trời.) Ngọc dịch tư thần thất, kim thai kết khí khu. Chỉ tầm thân nội dược, bất dụng kiểm đan thư. (Ngọc dịch tràn trong thần thất, kim thai kết thành trục khí. chỉ cần tìm thuốc trong thân, không cần kiểm tra sách luyện đan.) Hỏa táo nguyên vô hạch, giao lê khởi hữu tra. Chung triêu hành hỏa hậu, thần thủy quán kim hoa. (Táo đỏ vốn không có hạt, giao lê há có bã. Luôn chú ý vận hỏa hậu, để thần thủy tưới vào kim hoa.) Luyện khí đồ thị lực, tồn thần nhậm dụng công. Khởi tri đan quyết diệu, trấn nhật ngoạn chân không. (Luyện khí nhờ thi triển lực, tồn thần dựa vào việc dụng công. Há biết chỗ kỳ diệu của bí quyết luyện đan là suốt ngày đùa ở chốn chân không.) Dục luyện tiên thiên khí, tiên can hoạt thủy ngân. Thánh thai như kết tựu, phá đỉnh kiến lôi minh. (Muốn luyện được khí tiên thiên, trước tiên làm ra thủy ngân sống. Thai thánh nếu đã kết, tung đỉnh nghe sấm rền.) Khí sản phi quan thận, thần cư bất tại tâm. Khí thần nan tróc mạc, hóa tác nhất đoàn kim. (Khí sinh không liên quan đến thận, thần ngụ không tại tim. Thần, khí khó nắm bắt, hóa làm một khối vàng.) Nhất khiếu danh huyền tẫn, trung tàng khí dữ thần. Hữu thùy tri thử khiếu,cánh mạc ngoại tầm chân. (Nhất khiếu gọi là huyền tẫn, trong ẩn chứa khí và thần. ai biết được lỗ này, chớ ra ngoài tìm chân.) Tỳ vị phi thần thất, bàng quang nãi thận dư. Khuyến quân hưu chấp nê, thử bất thị đan thê. (Tỳ và vị không là thần thất, bàng quang chỉ là chỗ kéo dài của thận. Khuyên anh chớ trông vào chúng, chúng không phải chiếc thang giúp luyện thành đan.) Nội cảnh thi thiên thủ, trung hoàng tửu nhất tôn. Tiêu dao vô vật lụy, thân ngoại hữu càn khôn. (Cảnh bên trong chứa nghìn bài thơ, "Hoàng" bên trong có rượu một chung. Tiêu dao không vật gì ràng buộc, ngoài thân còn có đất trời.) Điểu thố tương tiến chử, quy xà tự nhiễu triền. Hóa thành đan nhất hạt, ôn dưỡng tác thai tiên. (Chim thỏ cùng nung nấu, rùa rắn tự quấn nhau. Hoá thành một hạt đan, ôn dưỡng thành thai tiên.) Vạn vật sinh giai tử, nguyên thần tử phục sinh. Dĩ thần quy khí huyệt, đan đạo tự nhiên thành. (Vạn vật sinh ra rồi đều chết đi, nguyên thần chết rồi lại sống lại. Đưa thần quay về huyệt khí, con đường luyện đan tự nhiên thành tựu.) Thần khí quy căn xứ, thân tâm phục mệnh thời. Giá ban chân khổng khiếu, liệu đắc thiểu nhân tri. (Thần khí quay về gốc, là lúc thân tâm đã phục mệnh. Lỗ chân khiếu này, e rằng ít người biết.) Thân lý hữu huyền tẫn, tâm trung vô cấu trần. bất tri thùy giải thức, nhất khiếu nội hàm chân. (Trong thân có huyền tẫn, trong tâm không có bụi bẩn. Không biết sao có thể giảng giải, trong nhất khiếu có chứa chân.) Tâm hạ thận thượng xứ, can tây phế tả trung. Phi tràng phi vị phủ, nhất khí tự lưu thông. (Chỗ dưới tim trên thận, trong nơi phía tây gan phía trái phổi. Không phải ruột cũng không phải dạ dày, nhất khí tự lưu thông.) Diệu dụng phi quan ý, chân cơ bất dụng thời. Thùy năng tri thử khiếu, thả mạc nhậm vô vi. (Diệu dụng không liên quan đến ý, chân cơ không dựa vào giờ. Ai có thể biết khiếu này thì chớ phó mặc theo sự vô vi.) Hữu vật phi vô vật, vô vi hợp hữu vi. Hóa quyền quy thủ nội, điểu thố kết kim chi. (Có vật không phải là không có vật, vô vi hợp cùng hữu vi. Quyền biến hoá quay về trong tay, chim và thỏ kết thành mỡ vàng.) Hổ khiếu tây sơn thượng, long ngâm bắc hải đông. Xúc lai tu dã chiến, ký tại Cấn Khôn cung. (Hổ hú trên núi Tây Sơn, rồng ngân nga phía đông biển Bắc Hải. Muốn bắt về phải giao chiến ngoài đồng, rồi gửi ở không Cấn và khôn Cung.) Phục cấu tư minh hối, Độn Mông trực hiểu hôn. Đan lô ngưng bạch tuyết, vô xứ mịch viên tâm. (Quẻ Phục và Cấu chủ về sáng và tối, quẻ Độn và Mông rõ là ban mai và hoàng hôn. Lò đan có ngưng tụ tuyết trắng, không tìm thấy tâm vượn ở nơi đâu.) Hắc hống sinh hoàng diệp, hồng diên điện tử hoa. Cánh tu hành hỏa hậu, đỉnh lý kết đan sa. (Hống đen sinh ra lá vàng, diên hồng nảy lên hoà tía. Càng phải vận hành hỏa hậu, trong đỉnh sẽ kết được đan sa.) Trừu thiêm đương mộc dục, chính thị nguyệt viên thời. (Rút - thêm chính là tắm gội, đúng lúc mặt trăng tròn.) Vạn lai phong sơ khởi, thiên sơn nguyệt chính viên. Cấp tu hành chính lệnh, cánh khả vận chu thiên. (Từ vạn ống sáo gió bắt đầu nổi, trên nghìn đỉnh núi trăng đang tròn. Cấp tốc tu hành chính lệnh, liền có thể vận chuyển khắp trời đất.) Dược tài phân lão nộn, hỏa hậu dụng trừu thiêm. Nhất hạt đan quang khởi, hàn thiềm xạ ngọc thiềm. (Dược liệu chia ra già và non, hỏa hậu dùng đến sự rút - thêm. Một hạt đan sáng lên, cóc lạnh chiếu hiên ngọc.) Phong phúc châu tằng phẫu, kê khoa noãn dị tầm. Vô trung sinh hữu vật, thần khí tự tương xâm. (Trong bụng con ong từng mổ ra hạt châu, trong tổ gà dễ tìm ra trứng. Trong vô sinh ra vật hữu hình, thần và khí tự xâm chiếm lẫn nhau.) Thần khí phi tử mẫu, thân tâm khởi phu phụ. Đãn yêu hợp thiên cơ, thùy thức kết đan xứ. (Thần và khí không phải là con và mẹ, thân và tâm không phải là vợ chồng. Muốn hợp với thiên cơ, ai biết về nơi kết đan.) Đan đầu sơ kết xứ, dược vật dĩ ngưng thời. Long hổ giao tương chiến, Đông Quân tổng bất tri. (Nơi đan mới kết, lúc thuốc đã ngưng. Rồng hổ giao chiến với nhau, Đông Quân không hề biết gì.) Bàng môn tính tiểu pháp, dị thuật cập nhàn ngôn. Kim dịch hoàn đan quyết, hỗn vô đệ nhị môn. (Những phái không chính tông đưa ra những phương pháp vớ vẩn, những luận thuyết lạ lùng và những lời nói vô căn cứ. Chân quyết về kim dịch hoàn đan, không có lời khác.) Quý tiện tính cao hạ, phu phụ dữ đệ huynh. Tu tiên như hữu phân, giai khả khán đan kinh. (Quý và tiện, cao và thấp, vợ chồng và anh em. Tu tiên nếu có duyên phận đều có thể xem kinh sách luyện đan.) Ốc phá tu dung dị, dược khô sinh bất nan. Đãn tri quy phục pháp, kim bảo tính như sơn. (Nhà đã bị phá sửa lại dễ dàng, thuốc đã khô làm sống lại mấy khó. Chỉ cần nắm được cách quy phục (về nguồn cội), vàng ngọc tích đầy như núi.) Hồn phách thành tam tính, tinh thần hội ngũ hành. Tựu trung phân tứ tượng, toàn thốc kết thai tinh. (Hồn phách làm thành ra ba tính, tinh thần hội tụ ngũ hành. Tập trung lại chia ra tứ tượng, gôm tụ lại kết thành thai tinh.) Định chí cầu diên hống, hôi tâm mịch thổ kim. Phương tri chân nhất khiếu, thùy thức thử u thâm. (Định chí để cầu được diên hống, che lấp tâm để tìm thổ kim. Mới biết về lỗ chân nhất, ai biết đây là nơi thâm u.) Tạo hóa vô căn đế, âm dương hữu bản nguyên. Giá ta chân quyết xứ, phụ tử bất tương truyền. (Tạo hóa không có gốc có cuống, âm dương có cội nguồn. Những chỗ kỳ diệu của chân quyết, cha còn cũng không truyền cho nhau.) Lưu hống cư kim đỉnh, tương diên nhập ngọc trì. Chủ tân vô tả hữu, chỉ yếu thức anh nhi. (Giữ lại hống trong đỉnh vàng, đưa diên vào ao Ngọc trì. Chủ khách không phân chia trái phải, chỉ cần nhận biết anh nhi.) Hoàng bà song nhũ mỹ, Đinh lão phiến tâm từ. Ôn dưỡng vô tha thuật, vô trung dưỡng tựu nhi. (Hoàng bà có bầu ngực đẹp, Đinh lão có tấm lòng nhân từ. Ôn dưỡng không có cách nào khác hơn, trong vô dưỡng lấy đứa trẻ thơ.) Giáng khuyết tường thanh phượng, đan điền dưỡng ngọc thiềm. Hồ trung thiên bất dạ, bạch tuyết lạc tiêm tiêm. (Cửa Giáng bay lượn chim phượng xanh, nơi đan điền dưỡng con cóc ngọc. Bầu trời trong quả bầu không có đêm, tuyết trắng rơi lả tả.) Cầm sắt hợp giai hậu, cơ cừu liễu đương thời. Bất tu cầu hỏa hậu, hựu khủng tổn anh nhi. (Sau khi giai điệu đàn cầm đàn sắt hòa hợp, là lúc đã nối nghiệp thành công. Không nên vận hành hỏa hậu, chỉ e tổn hại đến anh nhi.) Trưởng nam phương nhập Đoài, thiếu nữ tiện quy Càn. Tốn cung tính thổ vị, quan tỏa tự chu thiên. (Trưởng nam mới đi vào Đoài, thiếu nữ liền quay về Càn. Cung tốn và vị trí của thổ, đóng khóa khắp mọi nơi.) Huyền hậu huyền tiền xứ, nguyệt viêm nguyệt khuyết thời. Trừu thiêm tượng hình đức, mộc dục an doanh khuy. (Ở vào khoảng trăng thượng huyền và trăng hạ huyền, khi trăng tròn khi trăng khuyết. Rút và thêm tượng trưng cho hình và đức, tắm gội phải dựa vào đầy vơi.) Lão hống tam cân bạch, chân diên nhất điểm hồng. Đoạt tha thiên địa tủy, giao cấu phiến thời trung. (Lão hống ba cân trắng, chân diên một chấm hồng. Đoạt được tủy của trời đất, giao cấu trong phút chốc.) Hỏa hầu thông huyền xứ, cổ kim thùy khẳng truyền. Vị tằng tri thái thủ, thả kỳ vấn chu thiên. (Hỏa hậu thông được qua chỗ huyền bí, xưa nay ai dám truyền điều này. Chưa từng biết việc hái lấy, đã hỏi về chu thiên.) Vân tán hải đường nguyệt, xuân thâm dương liễu phong. A thùy tri thử ý, cử mục vấn hư không. (Mây tan đi trăng chiếu bóng hải đường, mùa xuân đậm đà với ngọn gió thổi qua cành liễu. Ai hiểu ra ý này, ngước mắt hỏi hư không.) Nhân gian vô vật lụy, thiên thượng hữu tiên giới. Dĩ giải thừa vân liễu, tướng tương bạch hạc lai. (Nhân gian không vật gì làm lụy đến, trên trời có cõi tiên. Đã biết cách cưỡi mây thì như sắp có hạc trắng bay lại.) Tâm điền vô thảo tuế, tính địa tuyệt trần phi. Dạ tĩnh nguyệt minh xứ, nhất thanh xuân điểu đề. (Tâm là mảnh ruộng không có loài cỏ rơm, tính là vùng đất không chút bụi bay lên. Nơi trăng chiếu sáng trong đêm thanh tĩnh, một tiếng chim mùa xuân hót lên.) Bạch kim phanh lục quái, hắc tích quá tam quan. Bán dạ tam canh lý, kim ô nhập quảng hàn. (Bạch kim nấu sáu quẻ, thiếc đen chảy qua tam quan. Đang canh ba nửa đêm, quạ vàng vào cõi lạnh.) Đan thục vô long hổ, hỏa chung thể hống diên. Thoát thai dĩ thần hóa, cánh tác Ngọc thanh tiên. (Đan đã thuần thục không còn rồng và hổ, lửa đã kết thúc thì thể là diên hống. Thoát thai là đã hóa thành thần, liền làmtiên ở cõi Ngọc thanh.) Tắc đoạn hoàng tuyền lộ, xung khai tử phủ môn. Như hà hải thiềm tử, hóa hạc xuất Nê hoàn. (Lấp con đường xuống suối vàng, mở tung cửa tử phủ. Làm sao con cóc biển, hóa thành hạc bay khỏi Nê hoàn.) Giang hải quy hà xứ, sơn nhai thuộc thậm nhân. Kim đan thành thục hậu, tổng thị ốc trung trân. (Sông biển trở về nơi nào, núi non thuộc về ai. Sau khi kim đan thành thục, chúng đều là châu báu trong nhà.) Lã thừa Chung khẩu quyết, Cát thụ Trịnh tâm truyền. Tổng một nhàn ngôn ngữ, đô lai chỉ hống diên. (Lã nhận lấy khẩu quyết của Chung, Cát được Trịnh tâm truyền. Đều không có một lời dư thừa nào, tất cả chỉ hống và diên.) Hống diên quy nhất đỉnh, nhật nguyệt yêu đồng lô. Tiến hỏa tu phòng kỵ, giáo quân kết ngọc tô. (Diên hống quay về trong một đỉnh, mặt trăng mặt trời phải cùng lò. Tiến hỏa phải đề phòng, dạy anh kết lấy bơ ngọc.) Thái dược tính giao kết, tiến hỏa dữ mộc dục. Cập chí thoát thai thời, cửu cửu dương số túc. (Hái thuốc và giao kết, tiết hỏa và tắm gội. cho đến khi thoát thai, chín lần chín tám mốt là số dương đã đủ.)

Logged

huyenquangtu Quản trị cao cấp

Offline

Bài viết: 449

Re: Hoạ bàn 'Hoàn Nguyên Thiên'. « Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2007, 07:25:55 »

'Hoàn Nguyên Thiên' do Thạch Hạnh Lâm chân nhân sáng tác, sau này có Mẫn Nhất Đắc chân nhân tiến hành chú giải gọi là 'Hoàn Nguyên Thiên Xiển Vi', tuy nhiên bản chú giải này được tiến hành khi ông còn chưa thành đạo. Do đó, HQT chỉ sử dụng bản chú giải này làm tài liệu tham khảo ngõ hầu cố gắng làm sáng tỏ thêm ý của Thạch chân nhân, cũng như làm sáng tỏ thêm những gì mà Mẫn chân nhân muốn gửi gắm cho hậu thế mà không thể nói cho rõ. Xét vì trình độ tu luyện của HQT tự biết sẽ có nhiều khiếm khuyết khi luận giảng , vì thế không dám gọi là bản chú giải mà chỉ dám xưng là họa bàn với chư vị tiên thánh vậy .

Logged

huyenquangtu Quản trị cao cấp

Offline

Bài viết: 449

Re: Hoạ bàn 'Hoàn Nguyên Thiên'. « Trả lời #2 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2007, 07:33:19 »

Diên hống thành chân thể, âm dương kết thái nguyên. Diên hống làm thành cái thể chân thật, âm dương kết thành chỗ thái nguyên Thể chân thật là cái thể của tiên thánh chư phật, cái thể này vĩnh cữu bất hoại khác xa với huyễn thể của phàm phu trăm năm ngắn ngủi. Cái thể chân thật này nhà Phật gọi là pháp thân, nhà Tiên gọi là thánh thai. Nó do diên hống là cái âm dương của tiên thiên ngưng kết ở chỗ thái nguyên, tức nơi chỗ mà hậu thiên hữu hình không thể nhòm ngó tới. Đãn tri hành nhị bát, tiện khả luyện kim đan. Đã biết tiến hành nhị bát, liền có thể luyện kim đan. Nhị bát là thời gian thượng huyền và hạ huyền, lúc này mặt trăng sáng được phân nửa có đường thẳng như dây chằng, là tượng âm dương quân bình. Đạo kim đan lấy hình tượng nhị bát làm tượng ngôn cho kim đan đại đạo, tức là nhất âm nhất dương chi vị đạo, là đạo phối hợp âm dương quân bình. Câu này thể là công lý tu chân có thể tiết lộ, dụng là công pháp hạ thủ khó thể tiết lộ truyền ra ngoài . Hống thị thanh long tủy, diên vi bạch hổ chỉ. Hống là tủy của rồng xanh, diên là mỡ của hổ trắng. Hống khi giận dữ thì dễ bay mất có thể cướp mất sinh mệnh của người trong phút chốc nên ví với sự hiểm ác của rồng. Diên khi dục vọng nổi lên thì dễ chạy mất có thể đoạt sinh mệnh của người nên ví với sự hung ác của hổ. Rồng thuộc mộc sắc xanh nên gọi thanh long, hổ thuộc kim sắc trắng nên kêu bạch hổ . Tạp đàm: thường thấy người cao tuổi khi giận giữ thì dễ bị lên máu (tăng xông)mà chết đột ngột, đó thực là sự hiểm ác của rồng cướp đoạt sinh mệnh, chứ chẳng riêng gì sắc dục mới có thể giết người không thôi . Xuyết lai quy đỉnh nội, thái thủy yêu tri thời. Nhặt lấy đem về trong đỉnh, hái lấy phải biết lúc. Nhặt tức là lấy cái diên hống sẵn có trong tâm thận của ta cho vào trong đỉnh, đỉnh là nê hoàn. Hái lấy phải biết lúc là sự phân chia thời gian tý ngọ, tý thời tiến dương hoả, đem cái diên từ khảm thủy bốc lên đỉnh. Ngọ thời thoái âm phù, đẩy lui âm khí khiến cho hống từ ly hoả bay ngược vào đỉnh. Diên hống cùng phối hợp trong đỉnh đây gọi là hoạt tý thời. Sá nữ kỵ diên hổ,kim ông khoát hống long. Xá nữ (cô gái) cưỡi diên hổ, kim ông (ông già vàng) cưỡi hống long. Hống là tính thuộc âm ví với xá nữ, diên là mệnh thuộc dương ví với kim ông. Diên hống đã quy đỉnh thì chúng tự nhiên phối hợp, rồng cưỡi hổ, hổ lại cưỡi rồng, kết thành một điểm chân ý, làm căn bản cho tu luyện bậc cao. Giáp canh minh chính lệnh, luyện thủ nhất lô hồng. Giáp canh làm rõ chính lệnh, luyện nên một lò đỏ hồng. Giáp canh chỉ đông và tây.Mặt trăng mọc lên từ phía tây kim, trong trăng có thỏ ngọc là chân diên, vì thế gọi diên là bạch hổ. Mặt trời mọc lên từ phía đông mộc, trong mặt trời có quạ đen là chân hống, vì thế gọi hống là thanh long.Chính lệnh là quỹ đạo của mặt trời mặt trăng trong đại tự nhiên, người tu đạo trông pháp tượng thiên địa mà bắt chước tu chân thì kim đan kết thành một lô hồng .Câu này là khẩu quyết đan đạo bậc cao , là hoả hậu của mộc dục giúp hoàn đan thành thai. Tạp đàm:Danh từ rồng hổ để gọi diên hống thực ra là có cơ sở thâm ảo, chứ không phải cổ nhân đặt suông. Một số học giả hiện nay không có công phu, khi tìm hiểu đan kinh chỉ dựa vào cái thông minh của thế gian trí, vì thế có người cho là đan kinh dùng nhiều khái niệm nô đùa, thực là sai lầm vậy. phụ chú: Mặt trời quay từ đông sang tây nghịch với chiều quay của trái đất từ tây sang đông nên gọi là mặt trời mọc theo đường bên trái thuộc dương là phía đông. Mặt trăng quay từ tây sang đông cùng với chiều quay của trái đất nên gọi là mặt trăng mọc theo đường bên phải thuộc âm là phía tây. Nếu đứng từ một điểm trên địa cầu quan sát thì đều thấy mặt trời và mặt trăng mọc từ đông sang tây, nhưng đây không phải là hệ toạ độ của đại tự nhiên. Xà phách cầm long tủy, quy hồn chế hổ tinh. Phách rắn bắt tủy rồng, hồn rùa nắm tinh hổ. Rắn thuộc hoả, rồng thuộc mộc, phách rắn bắt tủy rồng là trong hoả có mộc, mộc hoả chung nhà. Rùa thuộc thủy, hổ thuộc kim, hồn rùa nắm tinh hổ là trong thủy có kim, kim thủy chung nhà.Câu này nối tiếp câu trên tiết lộ hoả hậu của mộc dục, sự tắm gội là điều cần làm trước khi hoàn đan, phân biệt rõ sự tiến thoái cùng nhau của rắn và rồng, của rùa và hổ, lấy mão dậu làm gianh giới phân chia giới hạn . Tạp đàm: Đây là một câu khó hiểu, cần phải có công phu mới có thể lĩnh hội. Hoa trì thần thủy nội, nhất đoà ngọc chi sinh. Trong nước thần thủy của ao Hoa trì, một cành ngọc sinh ra. Hoa trì là huyệt dưới gốc lưỡi, chỗ đó hình dạng lõm xuống như cái ao nên gọi là hoa trì, nơi đó thuỷ dịch sinh ra tưới nhuần khắp toàn thân.Người tu chân đã hiểu rõ chính lệnh canh giáp, tiến dương thoái âm theo chuẩn tắc thì trong nước thần ở ao hoa trì sinh ra châu ngọc, đó là diên dịch và hống dịch tưới vào toàn thân, thứ dịch này khác với dịch thông thường, nuốt qua cổ họng tòan thân tâm đại tĩnh, âm thần âm khí nháo nhào bỏ chạy khỏi thân, đây gọi là sự tắm gội để đạt tới thuần dương. Bạch tuyết phi quỳnh uyển, hoàng nha phát ngọc viên. Tuyết trắng bay trong vườn châu, mầm vàng nhú ở vườn ngọc. Bạch tuyết sắc trắng thuộc kim ví với dịch của chân diên, hoàng nha sắc vàng thuộc thổ buộc kết mậu kỷ tượng cho kim đan đã thành tựu. Khi uống nước diên ở hoa trì như người say thấy tuyết trắng bay khắp thân phơi phới. Đạo kim đan khi có thể ngưng thần là đã có thể uống được hống dịch, đến khi ngũ khí triều nguyên thì diên dịch mới tràn đầy, cho nên thấy bạch tuyết bay thì hoàng nha đã kết thành . Đãn năng tri yển nguyệt, hà xứ luyện hồng diên. Có thể biết được lò như yển nguyệt, thì luyện hồng diên ở nơi nào. Yển nguyệt là mặt trăng ngày mồng 3 phần trên rất tối mà phía dưới có ánh sáng le lói, hình dáng ngửa lên như mày ngài mọc ngược, là tượng nhất dương phục sinh. Đan đạo gọi yển nguyệt là sinh môn, ở cửa đó dương khí phát sinh và lớn mạnh, các bậc chân nhân bao đời noi theo hình tượng yển nguyệt này mà đảo ngược sự vận hành của tạo hoá, từ trong chổ chết mà tìm ra con đường sống, thoát ra ngoài sự vận động thuận chuyển của âm dương ngũ hành.Cho nên đã biết được yển nguyệt lư thì có thể làm cho dương khí từ khảm thủy dần lớn mạnh, xuyên qua con đường đốc mạch mà đạo nghịch chuyển có thể thành công. Phụ chú: Trái với yển nguyệt là hình tượng mặt trăng sau hạ huyền có hình dáng úp xuống, trên sáng mà dưới tối là tượng âm khí phát triển lớn mạnh bóc dần dương khí, đây gọi là tử hộ, là cánh cửa đưa người vào chỗ chết. Tử hộ là con đường dương khí vận hành thuận chiều của phàm nhân, ly hoả bốc lên, khảm thủy chảy xuôi xuống, hoả bốc lên tới đỉnh không gặp dương khí giữ gìn thì thoát bay mất, thuỷ chảy xuôi thì vào cửa sinh dục mà tự thất thoát. Hoả mất ở trên, thủy mất ở dưới mà người phải chết vậy. Dược tài khai hỗn độn, hỏa hậu luyện hồng mông. Thuốc mở cõi hỗn độn, hỏa hậu luyện chỗ mơ hồ. Hỗn độn, hồng mông là khi càn khôn chưa phân chia. Sau khi chân diên tách thành càn và khôn thì vũ trụ mới bắt đầu tượng hình. Luyện hoả hậu là luyện diên hống cho nên nói là luyện ở chỗ hồng mông, phải dùng vô vi không thể lấy hữu vi mà cầu được. Tạp đàm: Bàng môn tả đạo cho dược ở cung khảm, hoả hậu ở cung ly nên hằng ngày lấy hạ điền và thượng điền vận luyện. Dùng tồn tưởng chuyển trái xoay phải mà cho là chấn đoài đều là dùng hữu vi của hậu thiên mà cầu vô vi của tiên thiên, đáng thương là tuổi thọ bị rút ngắn mà không hay, hãy cảnh tỉnh. Thập nguyệt khai tiên hóa, phương tri cửu chuyển công. Mười tháng thai hóa thành tiên, mới hay về công phu cửu chuyển. Đã biết luyện dược luyện hoả ỡ chỗ hồng mông, tất cả đều phó mặc cho sự vô vi thì lâu ngày tích lượng đổi thành chất, hoả dược vụt hoá thành thai tiên, thoát xác bay lên. Mười tháng chỉ là tượng ngôn, không nhất thiết phải câu nệ. Long chính tàng châu xứ, kê phương bão noãn thời. thùy tri diên hống hợp, chính khả ẩm Đao khuê.Nơi rồng đang giấu châu, lúc gà đang ấp trứng. ai biết diên hống đã hòa hợp, chính là lúc có thể uống Đao khuê. Hống thuộc hoả, rồng thuộc mộc, hoả đi vào đất mộc thì được nuôi dưỡng nên nói là rồng giấu châu. Diên thuộc thủy, gà thuộc kim, thủy đi vào đất kim thì được nuôi dưỡng nên nói là gà ấp trứng. Đây là khẩu quyết mộc dục. Phụ chú: hoả trường sinh ở dần, vượng ở ngọ, mộ ở tuất, nay hoả đi vào đất mão thì được mộc dục. Thủy trường sinh ở thân, vượng ở tí, mộ ở thìn, nay thủy đi vào đất dậu thì được mộc dục.Nếu không nắm rõ hoả hậu thì dù đắc khẩu quyết kim đan mà vận luyện hỗn loạn thì sẽ khiến hoả đi vào tử địa của đất dậu, thuỷ đi vào tử địa của đất mão, hình thần phân hai, rất là đáng thương. Cho nên kim đan đại đạo sai một li mà lệnh đi nghìn dặm, các bậc chân thánh sư đời sau nên cẩn thận . Tạp đàm: Tiên kinh ghi: ngũ hành thuận sinh pháp giới là hầm lửa, ngũ hành điên đão mặt đất là thất bảo. Ngũ hành điên đão là đạo nghịch sinh của tiên thiên, nơi đó là vị trí mộc dục ( khoa lý số coi mộc dục là vị trí tiết khí chính vì nghịch sinh ).Hoả mộc dục ở mão thì hoả sinh mộc, thuỷ mộc dục ở dậu thì thuỷ sinh kim. Ngũ hành thuận sinh là hậu thiên chi đạo, một năm có 4 mùa xuân hạ thu đông, mộc sinh hoả, hoả khắc kim, kim sinh thủy, thủy tận mà hết năm. Đời người cũng thuận hành như trời đất, sống hết tuổi thu đông thì già rồi chết đi và bắt đầu vòng luân hồi mới. Các bậc chân nhân vận dụng ngũ hành điên đão, lấy thủy hoả vô tận trong trời đất thực hành đạo nghịch sinh, hoả lại sinh mộc, thủy lại sinh kim, vì thế mà đồng xuân cùng trời đất.

Mộc dục tư thần thủy, xúy hư lại tốn phong. Tắm gội nhờ vào thần thủy, hà hơi phải nhờ gió tốn. Mộc dục nghĩa là tắm gội, lấy chân hống tẩy sạch vọng hồn phải nhờ mộc hoả, mộc chủ lông tóc nên hợp với nghĩa gội. Lấy chân diên rửa sạch vọng phách phải nhờ kim thủy, kim chủ da lông nên hợp với nghĩa tắm. Tắm gội phải dùng nước nên cần có thần thủy ở hoa trì, muốn sinh ra thần thủy phải nhờ hoả văn vũ nên cần đến gió tốn. Anh nhi vô nhất sự, độc xử Thái vi cung. Anh nhi không làm gì cả, riêng ở nơi cung Thái vi. Kim đan đại đạo lý luận huyền vi sâu xa người thường xem qua khó mà hiểu được. Người có chí tu chân được thần minh điểm cáo hốt nhiên ngộ hiểu các sách mới thấy trong sự huyền ảo phức tạp có sự giản dị vô cùng. Tất cả chỉ nhờ cậy một điểm chân ý mà có thể đão ngược sự vận hành của tạo hoá nên nói là anh nhi không làm gì cả, không làm mà thực ra lại làm tất cả. Kim đan đại đạo không cậy nhờ một điểm chân ý này thì không thể thành công . Từ chỗ này trở lên đã tóm lược đầy đủ những chỗ cốt yếu của kim đan đại đạo. Tử phủ tầm ly nữ, Chu lăng phối khảm nam. Hoàng bà môi hợp xứ, Thái cực tự hàm tam. Ở Tử phủ tìm ly nữ, ở Chu lăng phối cho khảm nam. Hoàng bà là nơi mối mai cho hòa hợp, Thái cực tự chứa đựng cả ba thứ. Tử phủ là chốn thần tiên nơi các bậc chân nhân được đề danh, ly nữ là chân hống vốn chẳng thể tìm kiếm được ở trong cảnh giới hậu thiên, vì thế mà nói ở Tử phủ mới tìm được ly nữ.Chu lăng theo Mẫn chân nhân chú giải là động đá trên đỉnh núi Nam Nhạc, trong thân người chính là nê hoàn cung trên đầu não. Khảm nam là chân diên, đưa diên tới Chu Lăng trước, tìm hống ở Tử phủ sau, hai vật này cùng phối hợp ở nê hoàn, cần dựa vào hoàng bà là nhất điểm chân ý mối mai cho hoà hợp, kết thánh một bầu thái cực bên trong hàm chứa thần , khí và ý . Càn mã ngự kim hộ, khôn ngưu nhập mộc cung. Ngựa càn chạy qua cửa vàng, trâu khôn đi vào cung mộc. Câu trên tiết lộ nơi tìm ly nữ, câu dưới tiết lộ chỗ kiếm khảm nam. Muốn kiếm khảm nam phải tìm ra dấu vết của ngựa càn, trâu khôn. Muốn đón đầu chúng thì tới mộc cung, kim hộ mà chờ trước. Đã bắt được ngựa và trâu thì hai quẻ càn khôn tiên thiên phối hợp thành nhất điểm chân diên, Khảm nam sẽ tự bay đến Chu lăng .Ai có thể biết được cách này, người ấy chính tiên nhân. A thùy tương xá nữ, giá khứ dữ kim ông. Ai đem xá nữ gả cho kim ông. Khảm nam đã về Chu Lăng trước, kế tiếp dẫn Ly nữ vào sau, nên nói là đem xá nữ gả cho kim ông. Muốn dẩn xá nữ vào phải cậy nhờ Hoàng bà làm mai mối cho hai bên hoà hợp. Phụ chú: Hống hoả tính linh hoạt dễ bay, diên thủy tính trầm trệ. Muốn phối hợp diên hống thì phải đưa thủy vào đỉnh trước, kế đó mới dẫn lửa vào sau, hoả gặp thủy níu giữ thì không bay mất. Nếu ngược lại trong đỉnh chưa có thủy mà dẫn hoả vào trước thì hoả sẽ bay mất ngay. Xá nữ phương nhị bát, kim ông chính cửu tam. Xá nữ đang lúc nhị bát, kim ông đang lúc cửu tam. Mặt trăng tròn đầy là tượng một cân, nhị bát là thời điểm mặt trăng sáng được phân nửa chính là lúc xá nữ phương nhị bát.Một quẻ có 6 hào, kim ông chính cửu tam là được ba hào dương cũng là phân nửa, nửa cân âm phối hợp với nửa cân dương là quẻ địa thiên thái. Phụ chú : nhị bát là tượng ngôn không phải chỉ thời gian để tu luyện. Qua thể nghiệm sau khi đã có khảm nam thì ly nữ tự nó điều hoà số lượng cho cân bằng. Khảm nam do một phần quẻ càn phối hợp với một phần quẻ khôn mà thành 2 phần thủy thì tự nhiên ly nữ cũng vào đúng 2 phần hoả. Động phòng sinh thụy khí, hoan hợp sản sơ nam. Khi động phòng sinh khí tốt lành, hợp hoan sinh con trai đầu. Sự phối hợp của khảm nam và ly nữ ban đầu là từ nguồn tính mệnh sẵn có trong khảm ly kết thành một điểm chân ý gọi là hoan hợp sản sơ nam. Kế tiếp, dùng chân ý này thái thủ ly nữ và khảm nam của đại tự nhiên để nuôi dưỡng sơ nam này ngày càng lớn mạnh tới mức tạo bước đột phá mới phá vỡ cấu trúc âm dương của hai quẻ càn khôn tiến tới hợp nhất càn khôn, cấu trúc hai mạch nhâm đốc đột nhiên bị phá vỡ không còn vết tích. Lúc này công việc tìm kiếm khảm nam không cần phải dựa vào hai quẻ càn khôn mà hoàn toàn dựa vào vô vi của chân ý mà thành. Tạp đàm: Qua thể nghiệm đặt ra giả thiết rất có thể hệ kinh mạch trong thân người do âm khí cấu tạo nên, giống như trong tự nhiên đất bồi lâu ngày sẽ tạo thành các lối đi ngoằn nghèo. Việc tăng nguồn tiên thiên tới một giới hạn nhất định sẽ phá vỡ cấu trúc kinh mạch do âm khí tạo nên tiến tới toàn thân trở thành một ống dương khí tiên thiên.Như vậy, sự phát sinh bệnh tật là do âm khí phát triển quá độ lấp mất lối đi của dương khí ở một bộ phận nào đó trong cơ thể. Tác dạ tây xuyên ngạn, thiềm quang chiếu bích đào. Thái lai quy ngọc thất, đỉnh nội nhật tiến ngao. Đêm qua trên bờ suối phía tây, ánh sáng của cóc chiếu lên sóng biếc. Hái quay về nhà ngọc, trong đỉnh nấu mỗi ngày. Bờ suối phía tây là nơi phát sinh diên thủy, con cóc trong mặt trăng tượng chân diên. Đại ý là bắt con cóc trong mặt trăng hoá thành chất thủy dịch nuốt vào bụng. Hái quay về nhà ngọc, trong đỉnh nấu mỗi ngày nghĩa là hái lấy chân diên trong tiên thiên quay về đỉnh nê hoàn nấu luyện hoá thành nước suối ở phía tây. Phụ chú: Phía tây trong câu này có nhiều nghĩa, có thể hiểu là phía tây kim có chân diên, có thể hiểu là huyệt bên phải gốc lưỡi nơi phát sinh diên dịch, đại ý nuốt diên dịch nên theo đường bên phải không nên theo đường bên trái thì không sai hoả hậu. Ly khảm phi giao cấu, càn khôn tự hóa sinh. Nhân năng minh thử lý, nhất điểm lạc Hoàng đình. Khảm ly không giao cấu, trời đất tự chuyển hóa sinh thành. Người có thể hiểu lý lẽ này, chân khí rơi vào Hoàng đình. Câu này nói rõ cách hái chân diên ở trên. Khảm ly không giao cấu, trời đất tự chuyển hóa sinh thành là do chân ý đã lớn mạnh tự nó kết hợp càn khôn trong hư vô không cần phải dựa vào hai quẻ càn khôn , khảm ly trong thân. Việc hái lấy chân diên lúc này chỉ là vô vi, Hái lấy chân diên, nuốt lấy thần thủy này thì tự nó trôi về hoàng đình. Phụ chú:Việc dùng hai quẻ càn khôn phối hợp thành chân diên thuộc giai đoạn nuôi lớn chân ý. Việc uống thần thủy ở hoa trì là giai đoạn vận dụng sự vô vi của chân ý. Không rỏ nguồn chân diên này có sẵn trong đại tự nhiên hay là do chân ý tự nó tổng hợp càn khôn ngoài thân ta. Đan cốc sinh thần thủy, Hoàng đình hữu thái thương. Cánh vô cơ khát tưởng, nhất trực nhập tiên hương. Đan cốc sinh ra nước thần (thần thủy), Hoàng đình có kho lớn. Không còn nghĩ chuyện đói khát, đi thẳng vào đất tiên. Thần thủy gồm hai thứ là diên dịch và hống dịch, nuốt hai thứ nước thần này lâu ngày sẽ mở được đường thông xuống Thổ phủ, đây là nơi chứa đựng diên hống sau khi hái được, dược vật từ Thổ phủ vượt qua 12 tầng trùng lâu thông suốt hoàng đạo rồi mới về hoàng đình. Nên biết Hoàng đình và Thổ phủ tuy nằm cùng chỗ mà khác về tầng lớp. Hoàng đình thuộc tì vị cho nên được ví với kho lớn.Dược quy hoàng đình lâu ngày sẽ thay thế khí của ngũ cốc vì thế mà không còn biết đến đói khát vậy. Phụ chú: Mô tả về hà xa phần lớn là giống nhau ở những điểm chung nhưng vẫn có sự khác biệt về chi tiết tùy theo căn cơ mỗi người. Do đó khi xem đan kinh thường thấy các ngài mô tả không đồng nhất. Tiểu hà xa từ vĩ lư thông tam quan nên nê hoàn thuộc hàng sơ cấp, đến khi hợp nhất càn khôn, nhâm đốc biến mất thì lại xuất hiện hà xa theo đường lối riêng, việc này do chân khí đủ thì tự vận hành không phải do ý chí chủ quan vậy.

Chào nhatnamtu 16 Tháng Sáu, 2008, 17:17:00 Xem các bài mà bạn chưa xem kể từ lần truy cập gần đây nhất. Xem các bài trả lời mới nhất cho bài viết của bạn. Tổng thời gian đăng nhập: 2 phút.

Tin tức: Nội quy của Diễn đàn mới được xây dựng. Đề nghị các thành viên vào đọc bản Nội quy này.Nội quy Trang chủ diễn đàn Trợ giúp Tìm kiếm Hồ sơ Tin nhắn Thành viên Thoát

Đạo gia Khí công > Thư viện > Phòng đọc (Các quản trị: phicanh, truongvoky) > Tiên Học Từ ĐiểnTrang: [1] Xuống « Trước Tiếp » Trả lời | Nhận thông báo | Đánh dấu chưa đọc | Gửi cho bạn bè | In

Tác giả Chủ đề: Tiên Học Từ Điển (Đọc 1201 lần) nhatnamtu và 0 Khách đang xem chủ đề. langtu Quản trị viên

Offline

Bài viết: 135

Tiên Học Từ Điển « vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2006, 09:46:30 » Trích dẫn

Quyển sách này tên xuất bản là "Từ Điển thuật ngữ Đạo giáo" do nhà xuất bản Tôn Giáo phát hành. Ở Hà Nội hiện nay hình như đã hết còn ở Sài Gòn các bạn có thể mua ở nhà sách Quang Minh 416 Nguyễn Thị Minh Khai. Sau khi được Phicanh giới thiệu, tôi đã mua quyển sách này và thấy đây là 1 quyển sách quí, nay xin phép tác giả và dịch giả cho phép tôi post lại, cũng mong bạn nào có sách và có thời gian rỗi thì đánh máy cùng với tôi. ------------------------ Lời người dịch: Trong Giới Bản Khất Sĩ Tân Du(Đạo Tràng Mai Thôn thực hiện, NXB Lá Bối), điều giới thứ 27 trong 70 giới uy nghi có đề cập đến việc một vị nam khất sĩ phải nên thường xuyên vận động để sức khỏe được tráng kiện, nên học kĩ phương pháp bảo tồn tinh khí và thần Thứ đến, người tu thiền cũng cần phân biệt những thuật ngữ đạo giáo với thuật ngữ thiền tông cùng đồng âm nhưng không đồng nghĩa, chẳng hạn như: bất nhị Pháp Môn, một huyền cầm, Vô khổng địch, Chính pháp nhãn tạng, Tham đồng khế, Kinh diệu pháp hoa, kim cương kiếm, pháp thân, pháp trung vương, tam giới, tam thừa, tam yếu, tiền tam tam hậu tam tam, Thánh Thai,.... Đối với người thế gian chưa theo Phật Giáo, muốn sống khỏe mạnh, trường thọ cũng cần biết qua một số kiến thức về bí quyết dưỡng sinh nằm rải rác trong cuốn sách này. Chính vì lý do trên, chúng tôi cảm thấy việc chuyển ngữ quyển Tiên học Từ điển của Đới Nguyên Trường(NXB CHân Thiện Mỹ, Đài Loan 1970) từ Hán sang Việt là cần thiềt, và xin được phép đổi tên là Từ Điển Thuật Ngữ Đạo Giáo Nay việc phiên dịch và hiệu đính đã hoàn tất, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu quyển Từ điển thuật ngữ Đạo giáo đến quí độc giả gần xa TẤN TÀI- PHƯỚC ĐỨC

--------------------------- Bàng môn tà đạo: Bàng môn là pháp đồng mà công không đồng, vì bàng môn đi theo con đường khác nên chưa thể thành chính quả mà chỉ thành tiểu quả, cho nên bàng môn dễ gặp mà khó thành, còn đại đạo khó gặp mà dễ thành, lại chẳng biết kim đan đại đạo rất giản dị, tuy kẻ tiểu nhân ngu muội biết đc mà thực hành theo thì cũng bước lên đất Thánh, thì làm sao thế nhân ko biết Kim Đan Đại Đạo! Ngẫu nhiên đc tiểu thuật có công pháp làm hết bệnh bèn cho rằng đó là diệu pháp duy nhất, chân truyền ko hai, rồi làm thầy lập giáo, thu đệ tử truyền pháp nhưng ko thưa hỏi, dối mình gạt người. Thiên sai vạn biệt này ko thể nói ra hết. Tà đạo với bàng môn cũng ko giống nhau, bởi bàng môn vẫn gần đại Đạo, công phu của họ chưa đc chỉ dạy nên theo đg bên mà đi, rốt ráo ko thể siêu phàm nhập thánh. Tà đạo dùng thái chiến gạt người, đem phòng thuật để dỗ dẫn dụ, hại ngừoi lợi mình, mục đích là thu gom tiền của người khác. Còn một loại thần tác quái, làm người nghe kinh hãi, lời nói yêu ma mê hoặc mọi nguời, ko sao kể siết.. THiên cốc thần ghi:"Bàng môn nhiều kĩ xảo đều ko tránh khỏi vô thường". Ngộ Chân ghi: " Ko biết chân diên chánh tổ tông, mọi loại tác dụng đểu uổng công". Ngoại đạo: Có 4 loại: " Động, tĩnh, thuật, lưu". Động như kéo cung đạp nỏ, xoa rốn chuyển khí, lắc đầu lay mình,là loại người dẫn dắt uống ăn, muốn thành đạo như mò trăng dưới nước. Tĩnh, như dừng lương thực trốn trong hang, thanh tịnh vô vi, tham thiền tĩnh tọa, ăn chay cấm khẩu, là loại ngừoi nhập định tọa quan, muốn thành đạo giống như đất trong lò chưa từng nung lửa làm sao bền đc? Thuật, như thỉnh tiên cầm chuông,vẽ bùa trị bệnh, kêu mưa gọi gió, là lọai ngừoi viên quan thỉnh thần,muốn thành đạo giống như cảnh hiện trong gương toàn hư giả. Nho gia, Thích gia, Đạo gia giảng kinh thuyết pháp, thầy bói thầy tướng đi khắp bốn phương, xem kinh niệm Phật, lên chùa lễ Phật dâng hương, đều giống như trong vách nhà đặt cây cột, há có thể đắc đạo đc ư? Liễu Mệnh Thiên ghi: " Trong thân đều là thuốc sống lâu, tức cười kẻ ngu hứong ngoại tìm"[/b] Kiên tâm lập chí: tu luyện cần phải kiên tâm khổ chí mới có thể thành tựu, như ngày xưa Khưu Tổ gặp cả trăm nạn nơi Trùng Dương Lão Tổ mà lòng không thối chuyển. Tổ Tam Phong vì đạo quên mình, áo rách giày hư mà ko bận tâm đến. Bạch Ngọc Thiềm tổ bị Hoành Nghich chửi mắng mà vẫn vui vẻ ko so đo. Đàm Trường Chân Tổ bị người đánh đập mà chẳng đánh lại. Xao Hào Ca ghi:"Kiên tâm lập chí hai ba năm. trăm ngày muôn kiếp thọ vô cương"

« Sửa lần cuối: 15 Tháng Bảy, 2007, 12:05:21 gửi bởi langtu » Than phiền Logged

Đến đỉnh Côn Luân để đẽo ngọc, còn ngồi chân núi nghịch đá chơi!!!

langtu Quản trị viên

Offline

Bài viết: 135

Tu tiên từ điển « Trả lời #1 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2006, 18:27:26 » Trích dẫn

Nhật nguyệt hữu số: Nhật là số 16, có 5760 ngày, vì mặt trời thường tròn, như Mặt trăng từ giờ Tý ngày 1 đến ngày 16, có 96 dương thời hợp với 5750 thù, ánh sáng đầy đủ, cho nên con trai tuổi 16 dương tinh đầy tràn là thời kì dương trưởng âm tiêu. Sau đấy thời kì dưong tiêu âm trưởng nhắm lúc 48 tuổi, 16 tuổi cộng với 48 tuổi là 64 tuổi. Đàn ông đến 64 tuổi là âm tột, âm tột lại có chút dương sinh bên ngoài, như quẻ cấn hậu thiên số 8, âm tiêu dương trưởng. Đàn ông 80 tuổi tuy dương tinh hậu thiên ko còn nhiều mà cũng sinh con và có thể hoàn đan. Nguyệt số là 14, có 5040 ngày, vì mặt trăng ko tròn mãi, có khi khuyết khi đầy. Cho nên con gái 14 tuổi âm huyết thịnh mà thiên quí thông là thời kì âm trưởng dương tiêu, đến lúc 35 tuổi là âm tiêu dương trưởng, 14 tuổi cộng với 35 tuổi là 49 tuổi là thời kì dương tột của phụ nữ, như quẻ đoài hậu thiên số 7 dương tiêu âm trưởng. Đàn bà 63 tuổi tuy âm huyết hậu thiên ko đủ song vẫn có thể dưỡng dục và có thể thái âm luyện hình. Âm phù ghi:"Nhật nguyệt có số, lớn nhỏ xác định" MInh nguyệt: Lúc nhật nguyệt đối nhau, ánh sáng tròn đầy âm khí mất sạch cho nên gọi là Minh nguyệt. Khưu Tổ nói: " trừ hết tà dục đc mát mẻ, thích đứng nguyêt đài thưởng thức minh nguyệt"

Than phiền Logged

Đến đỉnh Côn Luân để đẽo ngọc, còn ngồi chân núi nghịch đá chơi!!!

langtu Quản trị viên

Offline

Bài viết: 135

Re: Tu tiên từ điển « Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Một, 2007, 12:39:40 » Trích dẫn

Khẩu Quyết: Đan đạo chí quí, của báu của trời,cho nên đan kinh muôn quyển ko cho để lộ chân cơ,từ xưa thần tiên đều dùng miệng truyền nhau bí quyết, ko cho truyền trên văn tự. Từ khi Tử Dương chân nhân truyền bí quyết cho ba kẻ xấu, bị trời khiển trách thì các bậc cao nhân truyền đạo tuyển chọn đồ đệ rất khiêm khắc. Hứa Tổ nói: " Thầy ngâm kinh đạo đức để trò ngộ, đan kinh phải do khẩu truyền nhau". Ngộ Chân ghi:"Muốn biết khẩu quyết thông huyền xứ, phải cùng thân tiên chín chắn bàn" Khí Huyệt:Ở sau rốn trước lưng, trên thận dưới tim, là trung tâm của 2 mạch động tĩnh,nó chia ra 2 mạch hợp thành một ống, duới thông trung tâm của tiểu tràng do bốn lớp màng mỡ đều dính liền với tiểu tràng. Lớp đầu là huỳnh đình, lớp kế là kim đỉnh, lớp thứ ba là khí huyệt, lớp thứ tư là quan nguyên. Huyết dịch đến kim đỉnh liền biến thành màu trắng gọi là âm tinh. Từ trung tâm tĩnh mạch chia ra một ống nhỏ, gọi là nhâm mạch, còn gọi là xuân huyền, đi thẳng vào ngoại thận trong hòn dái; âm tinh đi qua hòn dái tức là chứa tinh trùng,trong tinh trùng hàm chứa khí gọi là tổ khí, laị đi vào túi tinh ở 2 bên dứoi bàng quang. Tuy nói rằng chờ thời cơ mà động, thật sự thì bị lửa trong sinh tử phát ra thúc giục vào dương quan, gọi là hỏa bức kim hành. Chỉ cần biện đc sự đục trong của nó thì sinh người hay sinh tiên hòan toàn do sự thuận nghịch lúc này. Huyệt huyền quan này chưa mở, ko thể thấy đc,chỉ có thần còn giữ nó khả dĩ cổ động nguyên dương quay trở lại trong huyệt. Nếu mất điều hòa thì dương tự hưng thịnh mà tiết ra bậy bạ. Đoạn này do Thiên Phong lão nhân thuật lại, là phát minh mới, nói pháp ko giống mọi người nên ghi lại để làm bằng chứng tham khảo Huyền tẫn: chì huyệt chính giữa cơ thể. Phùng thì cẩm nang ghi:" Một huyệt giữa thân, tên là Huyền Tẫn, thụ khí để sinh, thực là Phủ thần, là nơi tam nguyên tích tụ, tinh- thần- hồn- phách đều họp ở huyệt này. Đó chính là gốc của Kim Đan trở về, là nơi thần tiên ngưng kết thánh thai". Vị trí của nó đúng ở dứoi Càn, trên Khôn, phía Tây của Chấn, phía đông của Đoài, ở chỗ Khảm LY giao hợp, là chỗ chính giữa thân thể, chẳng dựa vào hình mà lập, suy thể đạo mà sinh, dường có dường ko, như còn như mất, ở chỗ chính trung mà thôi. Khiếu Trung Khiếu:Trong thân có 84.000 lỗ chân lông, khí quản 384 sợi đều thông 8 mạch, lại do 8 mạch tập hợp lại thành một khiếu, khiếu này ko hình ko bóng, chợt ẩn chợt hiện gọi là cơ quan huyền diệu, Vì vị trí của nó ở trong mười phương hư vô, nên gọi là khiếu của hư vô. Vì khi nó phát động có khiếu, ko phát động thì ko đc gì cả nên gọi là một khiếu huyền quan. Vì nó ở tại đan điền mà đan điền đã là một khiếu, nếu khi đan điền phát động lại hiện thêm một khiếu nữa, đây là khiếu trong khiếu. Cổ Tiên nói: " Trước khi sinh hỗn độn, hỗn độn đã có sẵn, trong ấy ko cho truyền tin tức, mở toang trong khiếu khiếu trung khiếu, giẫm nát hư không thiên ngoại thiên"

Than phiền Logged

Đến đỉnh Côn Luân để đẽo ngọc, còn ngồi chân núi nghịch đá chơi!!!

langtu Quản trị viên

Offline

Bài viết: 135

Re: Tu tiên từ điển « Trả lời #3 vào lúc: 16 Tháng Một, 2007, 12:48:41 » Trích dẫn

Đề Hồ: Lúc luyện tinh hóa khí,trong giai đoạn công phu chuyển tiểu chu thiên,tinh vẫn chưa hóa hết thành khí, khí quá trùng lâu xuống ráng cung cảm thấy ngọt ngào mát mẻ như cam lộ chảy xuống, vật này gọi là đề hồ. Thí dụ như sữa bò chế luyện thành lạc, lạc lại đc tái chế thành tô, tô lại đc tái chế thành đề hồ. Tào tiên cô nói: " Một vị đề hồ như nước cam lộ, trừ đc đói khát thấy chân tố" . Vô Căn thụ nói: "Huỳnh bà khuyên uống rượu đề hồ, mỗi ngày hớn hở say một phen" Xuất thần: mười tháng công phu viên mãn, lúc tâm tức định một lượt, một khi thấy hoa trời rơi loạn xạ , liền có thể xuất thần ra khỏi đỉnh đầu đây là siêu thoát thân phàm. Nhưng công hạnh mỗi ngừoi khác nhau thì cảnh tượng xuất thần cũng khác biệt, có người xuất thần từ bảo tháp, có người xuất thần từ hồng lâu, có người xuất thần khi xem trăng, có người xuất thần lúc đối cảnh, v.v.... Chung tổ nói: "Sấm sét thiên quan quỉ thần kinh, lật ngã vũ trụ tuyết trắng bay"

Than phiền Logged

Đến đỉnh Côn Luân để đẽo ngọc, còn ngồi chân núi nghịch đá chơi!!!

langtu Quản trị viên

Offline

Bài viết: 135

Re: Tu tiên từ điển « Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Một, 2007, 10:56:11 » Trích dẫn

Nam bất khoan y, nữ bất giải đái : "Nam chẳng cởi áo, nữ chẳng tháo dây lưng". Đây là ngưng thần nhập khí huyệt, là công phu phối hợp thần khí hòa với nhau, giống như cách thức của nam nữ, chẳng cần cởi áo, tháo dây lưng, đi đứng nằm ngồi đều có thể thi công. Huyền cơ trực giảng của Tổ Trương Tam Phong ghi: "Chỗ gọi là nam ko cởi áo, nữ chẳng tháo dây lưng đều gọi là ngưng thần tụ khí mà thôi, còn như thế gian có việc sử dụng nữ đỉnh thì tuyệt đối thể có lý này" Hoàng Đạo: Ngộ Chân Thiên ghi: "Kìa những bậc luyện Kim dịch hoàn đan, khó gặp mà dễ thành, cần phải tu sâu đạo âm dương, thông tỏ lẽ tạo hóa, thì mới có thể siêu vượt 2 khí ở chỗ Hoàng Đạo, hội họp ba Tính ở nơi Nguyên Quan". Có 3 còn đường vận hành của dược vật trong cơ thể, Hắc đạo Hồng Đạo, tuần hoàn theo 2 mạch nhâm đốc, từ Hội Âm tới thằng Nê Hòan là Hoàng Đạo, do Ý thổ trung ương làm chủ. (langtu chú: Hoàng Đạo chính là trục Tí Ngọ nằm giữa cơ thể(ko phải xương sống), trục này đi qua trung ương là Huỳnh Đình) Tính mênh song tu: "Tính" chỉ tính công, tức công pháp lấy luyện thần làm chính. "Mệnh" chỉ mệnh công, tức chỉ công pháp lấy luyện tinh khí làm chính. Tính mệnh song chỉ tính và mệnh đc tu luyện đồng thời, đó là phép tu Thượng thừa. Tính Mệnh Khuê Chỉ ghi: "Thần Khí tuy có 2 tác dụng, nhưng tính mệnh phải song tu... Tính mệnh song tu gọi là phép Thượng Thừa cao nhất, gọi là Kim Tiên" Tính mệnh Nhị Khiếu: Tính khiếu ở trong thóp trên đầu con người, trước có minh đường, sau có ngọc chẩm. Mệnh Khiếu bắt đầu từ cuống rốn nối liền với cuống rốn mẹ, đến khi xuất thai, cắt đi cuống rốn, một điểm tinh khí ghé nơi khí huyệt phía trước đối rốn, phía sau đối thận. Tính khiếu ngoài là tín môn(thóp), trong là nê hoàn. Mệnh khiếu ngoài là rốn, trong là khí huyệt. Tổ Tử Dương nói: "Dược vật sinh nơi huyền khiếu, hỏa hậu phát ở dương lô"

Than phiền Logged

Đến đỉnh Côn Luân để đẽo ngọc, còn ngồi chân núi nghịch đá chơi!!!

langtu Quản trị viên

Offline

Bài viết: 135

Re: Tu tiên từ điển « Trả lời #5 vào lúc: 20 Tháng Một, 2007, 22:33:12 » Trích dẫn

Thai viên: Ngũ chân nhân đan đạo cứu thiên ghi: "Trước mấy tháng cả 2 khí đều ko có, thực mạch lưỡng tuyệt, đã có triệu chứng rõ ràng. Vì thế cô luận trong 10 tháng hay ngoài cửa ải 10 tháng, chỉ có một ý mảy may hôn trầm còn sót lại, có một mảy may ý nghĩ tán loạn, thần chưa thuần dương, tất phải giữ cho đến sạch hết hôn trầm, ko còn tán loạn nữa mới là thai thuần dương quả mãn, đã đi vào cõi thần tiên". Tức là âm tận dương thuần, thai viên đan thành. Thánh thai: Là chân thần chân khí. Thai kết hợp mười tháng thai tròn đủ, mới xuất thai gọi là anh nhi. Ba năm bú mớm công phu hoàn mãn gọi là thiên tiên. Chín năm ngó vách hoàn hư hợp đạo gọi là kim tiên. Trần Hư Bạch nói: "Hơi thở vãng lai ko gián đoạn, thánh thai thành tựu hợp nguyên sơ"

Than phiền Logged

Đến đỉnh Côn Luân để đẽo ngọc, còn ngồi chân núi nghịch đá chơi!!!

langtu Quản trị viên

Offline

Bài viết: 135

Re: Tiên Học Từ Điển « Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2007, 12:13:48 » Trích dẫn

An lô lập đỉnh: "dựng lò đặt bếp". Thân phải thẳng, ngồi phải yên, vững như Thái Sơn là bên ngoài vững vàng như Lô Đỉnh. Lấy thần chế ngự khí được bên trong vững vàng như lò đỉnh(lò, lư hương). Thái Thanh Tu Đan quyết ghi: "thân vững vàng như lô đỉnh, âm dương khó lường gọi là thần" An Tâm: Danh từ Nội Đan đạo giáo. Tọa Vong Luận ghi " Tâm không đuổi theo cảnh bên ngoài. Tâm an nhiên mà trống rỗng(hư) thì đạo tự đến". Chỉ trạng thái thu gom tình cảm, tập trung ý nghĩ vào bên trong(nội cảnh), điềm đạm vô vi. An Thần: Thuật ngữ Nội Đan đạo giáo. Trọng Trường Thống truyện ghi: "An thần khuê phòng, tư Lão Tử chỉ truyền hư, hô hấp tinh hòa, cầu chỉ nhân chi phảng phất". Tức là thu liễm thần chí, tập trung tinh thần, vô dục vô niệm, ninh tĩnh tâm tư.

Than phiền Logged

Đến đỉnh Côn Luân để đẽo ngọc, còn ngồi chân núi nghịch đá chơi!!!

langtu Quản trị viên

Offline

Bài viết: 135

Re: Tiên Học Từ Điển « Trả lời #7 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2007, 23:29:34 » Trích dẫn

Anh Nhi: Lúc ngọc dịch hoàn đan(luyện tinh hóa khí), đan ấy mới thành hình gọi là anh nhi(trẻ sơ sinh); do vì từ nơi không mà sinh ra có, khi công phu tiểu chu thiên(luyện đan) hoàn tất mới thấy được. Tổ Hải Thiềm nói:"Sau khi luyện đan hoàn tất, sinh một anh nhi tại hạ điền". Âm dương: nơi trời là Nhật Nguyệt, nơi Đất là Thủy Hỏa, nơi người là nam nữ, nơi thân là tim thận, nơi phương hướng là đông nam tây bắc, nơi quẻ hào là càn khôn khảm ly, nơi thời gian là tí ngọ, nơi hư không là gió mây, nơi vật loài là diên hống, long hổ. Vũ trụ vạn vật đều có âm dương: luyện đan cũng thế, không có âm dương đâu thể thành đan, không thể thành đan mà muốn thành chân nhân là việc khó có! Cổ tiên nói: "Nhất âm nhất dương gọi là đạo, chẳng biết âm dương thì dù bận rộn cũng không mang lại kết quả gì" , Lữ Tổ nói: "Hai thứ âm dương ẩn trong vi, chỉ kẻ ngu si chẳng tự tri, cho rằng thật sự là nam nữ, quả quyết không nhận là khảm ly". Tổ Tam Phong nói: "Âm dương nam nữ cùng giao phối, cháu cháu con con đời đời truyền, thuận là phàm nghịch là tiên, chỉ tại nhân gian còn đảo điên". Lại nói: "Miên mật điều hòa sự hô hấp, nhất âm nhất dương nấu trong lò". Âm dương động tĩnh: Dương trong âm lấy động làm chủ, cho nên trong lúc lấy cung khảm để rình động. Âm trong dương lấy tĩnh làm chủ, cho nên sau khi bổ sung cung ly để dưỡng tĩnh. Đạo tạng nói:"Động là nền tảng của tĩnh, động chẳng là tâm ý mà là khí đan điền động". Lữ Tổ ghi:"Động tức là thi công, tĩnh tức là ngủ". Tiên Tông ghi:"Động thuộc dương, tĩnh thuộc âm, dương tột thì âm tĩnh, âm tột thì dương động"

PHÉP LUYỆN TĨNH CÔNG "HỖN ĐỘN SƠ KHAI"

Phép luyện tĩnh công "hỗn độn sơ khai" được sinh ra theo nguyên lý trời động, đất tĩnh" và "đất động trời tĩnh". Tĩnh (lặng) động là xác thịt tĩnh mà bản tính động. động tĩnh cùng gốc, cực động thì sinh tĩnh. Động tĩnh kiêm lẫn nhau, trong động có tĩnh, trong tĩnh có động để sản sinh ra "chân động chân tĩnh" (động thật sự, tĩnh thật sự) kết hợp với nhau mới có thể động và tĩnh ở cùng một thể, chẳng những có thể nối thông trong cơ thể người mà còn cùng vũ trụ hợp thành một khối, đó chính là chiếc cầu thang bằng vàng để bước chân lên công phu thượng thừa. Phép luyện khí công tĩnh " hỗn độn sơ khai" là cực nguồn của tính, mạng hóa hợp với giai đoạn cấu trúc cơ bản, căn cứ theo quy luật cực hóa của "sinh hóa trở lại" trong " nguyên cực đồ" (hình vẽ tượng trưng nguồn gốc cực sâu xa của vũ trụ và con người theo Đạo giáo) rút ra từ ba nguồn cực (là) nguồn của vũ trụ: hỗn độn sơ khai, thanh dương hóa nhật ( trời xanh trong hóa ngày), thủy phân trú dạ (bắt đầu chia ngày đêm), ý nghĩa sáng sủa của trời đất hợp với "nguyên khí" (khí nguồn ban đầu) của cơ thể người mà quy về "tính, mạng" hóa thành "chân tĩnh chí bảo" (của cực báu của tĩnh thực sự) theo "túi đựng" (nguyên văn "thác thược" một kiểu túi) rồi theo ống dẫn trứng, ống dẫn tinh mà xuất ra. Nam nữ giao hợp, đó là lý luật của sự ngưng kết hai "vật" để thành thai. Mở ba nguồn đầu của vũ trụ do các khiếu huyệt lông tóc nối thông với cơ thể, đó là điều bí mật của con người. định ra âm để niệm chân kinh không có chử (theo truyền thuyết cổ được thể hiện trong "Tây du ký" khi hành giả lấy phải kinh phật không có chữ bèn thắc mắc. Phật tổ cười bảo: "kinh không chử mới là chân kinh" (kinh thật sự). đây là phép để dung hợp điều chế nguyên khí của vũ trụ hòa với nguyên khí của con người tụ tập tích trữ lại ở hạ đan điền, ở cửa quan vĩ lư (huyệt) và Hạ hòang đình khiến cho nguyên khí của con người (chân tinh của nam, chí bảo của nữ) hóa sinh cao độ, vận hành khắp trong ngoài cơ thể, đạt đến sự hỗn độn sơ khai của vũ trụ, đó là nơi chốn hợp lại ban đầu của tính mạng con người. Phép tĩnh công "hỗn độn sơ khai" chọn cách thầm niệm chân kinh không chữ" vẫn giữ việc mở các khiếu huyệt, "nguyên âm" (các âm thanh ban đầu) thúc đẩy sự thông nối, khống chế và hít tích tụ nguyên khí của vũ trụ, điều hòa nguyên khí trong cơ thể người hóa hợp lại thành một thể, làm lại sự biến hóa trong nội bộ cơ thể căn cứ theo sự biến hóa giờ giấc của trời đất, đó là nguyên khí vận hành tương ứng với sự khai mở, nối thông tích tụ của khiếu huyệt theo các giờ Tý, Sửu, Dần là giờ giấc các khiếu huyệt hạ đan điền, vĩ lư quan, Hạ hoàng đình hoạt động để tụ hợp, sinh hóa và trên cơ sở đó thông qua khẩn quyết công phu mà vào khiếu (huyệt), kêu gọi linh tính trong khiếu (huyệt) hợp cùng khẩu quyết, hình thành nên công năng mới của khiếu huyệt, khống chế sự vận hành của khiếu huyệt trong các giờ Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi khiến cho "nguyên khí" trong cơ thể không bị phát tán ra ngoài cơ thể mà được tiếp tục dẫn đạo quay trở về nguồn đầu, về tới căn cứ để tích tụ, tiếp tục sinh sinh hóa hóa, vận hành đi lại nữa. hít tụ nguyên khí của vũ trụ, phát động nguồn khí của cơ thể để cải biến tố chất trong thân-tâm. Trong sách "Nguyên cực mật lục" (lời mật của nguồn cực) có viết: "nguyên khí cực hóa địa nhân thiên, địa chi thời vận cửu khiếu toàn, thân thiên hợp hòa vi nhất thể, phàm nhân tiện thị hóa thần tiên" ("Nuyên khí (tức khí từ nguồn đầu) cực hóa đất người trời. địa chi theo giờ vận chín khiếu xoay vần, người trời hòa hợp thành một thể, người thường bèn cũng hóa thần tiên"). Phương pháp lưyện công này căn cứ vào quy luật cực hóa "ba nguồn đầu sinh hóa trở lại", vũ trụ thông qua âm trở lại dương, có-không chuyển hóa, trời đất trong dâng lên đục hạ xuống, diễn biến sinh sinh không bao giờ dứt đoạn dẫn đến ba nguồn đầu tiên thiên với ba nguồn đầu hậu thiên hóa hợp với nhau mà thành hình hiện tượng rỏ ràng. Con người thừa hưởng ba nguồn đầu tiên thiêncủa cha mẹ mà ra đời, rồi hóa hợp ba nguồn đầu hậu thiên nước và thức ăn mà thành người, rồi hóa trở lại rò rỉ dần cho đến hết ba nguồn đầu tiên thiên lẫn hậu thiên thì chết đi. Tiên thiên chân khí con người ta cất giữ ở thận, tinh khí hậu thiên dựa vào tỳ vị (lá lách dạ dày) thu lượm ở thức ăn với nước, vào khí trong sạch dựa vào sự ít khí ở phổi từ giới tự nhiên. Chức năng của các tạng, phủ phối hợp cùng với nhau đem chân khí tiên thiên, tinh khí hậu thiên và khí (trời) trong lành ngưng hợp lại mà thành thân xác con người. "nguyên khí" (khí đầu nguồn) nạp vào huyệt mệnh môn, đồng thời vận hành phân bố khắp trong, ngoài cơ thể khiến cho con người sinh trưởng một cách thành thục, trong thận tạng có ống dẫn tinh (hoặc ống dẫn trứng) tiếp sự mệt nhọc của mạch thận (tức kinh túc thiếu dương thận) do đó con trai đến tuổi 16 vì đã có thận khí thực nên "chân tinh" mới rò rỉ ra, con gái 14 tuổi do thiên quý vận hành mà "chí bảo" (của cực báo) rò rỉ ra (tức rụng trứng hành kinh). Do "bẩy tình sáu dục vọng" thúc đẩy mà có khi rò rỉ ra ngoài. Biết tiếc mà để "chân nguyên, chí bảo" (tinh trùng và trứng) phát động nguồn "khí" tạm cắt đứt cánh cửa mở vào "địa ngục". Tu luyện bước công này là trực tiếp ra tay từ hạ đan điền cực kỳ cao xa khó hiểu, đây là nơi ống dẫn tinh (hoặc ống dẫn trứng) thông với tiền âm. "Chân tinh chí bảo qua đây chuyển hóa" thuận thì sinh người, ngược thì thành phật". tu luyện hạ đan điền, dùng khẩu quyết luyện công để luyện hóa "chân tinh chí bảo", cực hóa ra khỏi "dương trong âm", lại phối lấy cửa ải vĩ lư cực phát khỏi "âm trong dương", hội hợp ở hạ hoàng đình, xây dựng căn cứ đại của nguyên khí ban đầu ở tại đây. Người còn trẻ có thể thay đổi dung mạo, giữ mãi tuổi xuân, người già thì cải già thành trẻ. Thọ mãi không già. Xây dựng căn cứ địa của nguyên khí ở tầng thứ tư là vận luyện "tam hòang cửu chuyển". "tam hoàng cửu chuyển" là chỉ các giờ "Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân

"Mở đầu hỗn độn đạo đứng đầu Sửu đất, người dần, tý sinh trời Âm thuận dương ngược đương trường sinh Điên đảo về nguồn trở (lại) thai tòan Chín rồng lật chuyển, rượu cam lộ Ba vòng xoay vầng khỏang hư không Mầm thiêng mọc dài non sông đổi Cây khô gặp xuân xanh ngàn đời ". Nguyên văn: "hỗn độn sơ khai đạo vị tiên, Mão địa, nhân dần, tý sinh thiên, âm thuận dương nghịch trường sinh lộ, điên đảo quy nguyên phải thai toàn. Cửu long phiên chuyển cam lộ tửu, tam hoàng bàn nhiễu hư không gian. Linh miêu phát trướng, sơn hà hoán, khô mộc phùng xuân vạn niên trường." (còn tiếp mình chưa đánh máy xong)

Than phiền Logged

txuan Thành viên

Offline

Bài viết: 134

Re: phép luyện tĩnh công hỗn độn sơ khai « Trả lời #1 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2007, 15:04:18 » Trích dẫn

B.phương pháp niệm khẩu quyết Ngồi xong dựa theo yêu cầu tập luyện mà "điều thân": toàn thân thả lỏng, chót lưỡi đưa lên hàm ếch, chiếu ngược (tức nhìn ngược vào trong) các khiếu huyệt tương ứng. hít khí vào, thọat đầu hít bằng miệng, miệng hơi mở lưỡi đặt ngang, tự nhiên hít một ngụm (hơi) khí, miệng khép lại, lưỡi đưa lên vòm họng (hàm ếch) ý tưởng tượng khí vào tận các khiếu huyệt tương ứng (như chỉ dẫn ở phần lý luận đã dẫn). Sau khi đã thuần thục thì dùng mũi tự nhiên hít khí vào khiếu huyệt. khí vào khiếu huyệt thì bắt đầu niệm khẩu quyết. theo khẩu quyết mà hít khí vào tận khiếu huyệt sao cho khí từ từ dung hợp với khẩu quyết (tức là từng bước, từng câu khẩu quyết đưa khí đi theo đúng trình tự của khẩu quyết), lấy khẩu quyết tới cực hóa khí hậu thiên (tức khí hít vào) trở lại sinh thêm khí tiên thiên (có sẳn trong cơ thể). Khi ý niệm đã tưởng tượng khí hít vào hoàn toàn dung hóa (tức khí hậu thiên hóa hợp trọn vẹn với tiên thiên) và sinh hóa trở lại thì nuốt tân dịch sinh ra (nước dãi trong miệng) đưa vào tận khiếu huyệt, rồi lại tự nhiên hít một ngụm (miệng) khí vào khiếu và tiếp tục niệm khẩu quyết mà hóa khí, lại nuốt tân dịch, trở lại hóa tụ ở khiếu huyệt và cứ tiếp tục như vậy không dứt đoạn, hậu thiên phát động; khẩu quyết công phu giúp (nuôi) dưỡng, tiên thiên sinh trưởng phát triển, cho tới khi hít một ngụm khí vào trong cơ thể niệm được bao nhiêu khẩu quyết thì tùy từng người cảm giác thế nào trong luyện công mà định (tức khí hít vào dẫn đi theo khẩu quyết niệm dài ngắn bao nhiêu là tùy theo công phu hàm dưỡng có thể cảm giác được mà quyết định, tránh gò ép phản tác dụng). yếu lĩnh là: hít khí tự nhiên, tự nhiên niệm khẩu quyết, tự nhiên tụ hóa "khí -quyết", không nên miễn cưỡng ép khí và thở khí (ra), trong quá trình niệm khẩu quyết sẽ tự nhiên hình thành, còn sự không may bất ngờ thì không kể. Yêu cầu của niệm khẩu quyết là: "khẩu quyết công phu nổi trong tâm, khẩu quyết công phu xuất trong âm (thanh), khẩu quyết công phu nhập vào tai, khẩu quyết công phu qua trong mắt (tức nhìn trở vào nội chiều, tưởng tượng ra), khẩu quyết công phu rơi xuống (là) tâm". Khẩu quyết thúc đẩy hoạt động, cứ từng âm từng âm (từ ngữ trong khẩu quyết) rơi xuống từng huyệt phải giữ "khí-quyết", cũng từng âm, niệm quyết. huyền quan chiếu định, khẩu quyết luyện công tương ứng hòa hợp với khiếu huyệt. điều động nguyên khí phát nhiệt nhẩy động, tụ hợp thành châu. Người mới học không cần quá chú ý đến hàm nghĩa trong khẩu quyết luyện công để phải suy nghĩ nhiều, cứ tự trong niệm khẩu quyết luyện công mà dần dần hiểu ra và sẽ là : "cứ nổi trong mù mờ, rồi tự rỏ ràng tới!" phải ghi nhớ là: " niệm (quyết) mà không niệm, không niệm mà vẫn niệm" và tự chuyển hóa. B.yếu lĩnh để hiểu được khẩu quyết Mỗi bước luyện của công phu này đều được diễn hóa dựa theo bức tranh "nguyên cực đồ" hợp với quy luật "sinh hóa ngược" của trời đất để đạt được tới sự đồng bộ của người và trời. yếu lĩnh để hiểu thấu được khẩu quyết chỉ có thể đề ra được sự gợi ý, người học có thể học một suy ra hai ba. 1.trước hết, xét về mặt ý nghĩa từ ngữ để hiểu biết một cách dễ hiểu thì "khẩu quyết luyện công" (nguyên văn "công quyết") là phép tắc để tu luyện mà cũng là năng lượng vật chất. như câu "hám sơn điền hải bình ba lãng" nếu giảng theo phép tắc thì "sơn" (núi) tức "tâm". "hải" (biển) là thận, "hám sơn điền hải" (lay non lấp biển) tức là "tâm thận thông nhau". Khiến cho thận có "chân tinh, chí bảo" do sự khống chế của tâm mà tụ hợp lại ở hạ đan điền do đó có thể làm cho yên ý nghĩ lung tung cũng như tình dục quấy rối trong tâm, chiến thắng tình dục. xét về mặt năng lượng, niệm động câu này thì sẽ sinh ra được năng lượng "lay non lấp biển", điều động "kim tân ngọc dịch" (chất dịch vàng ngọc) tức là thứ vật chất tinh vi tích tụ sự sinh trưởng có thể tính của tâm thận, công lực đạt tới uy lực chẳng những có thể "lay non lấp biển", được ở trong cơ thể con người mà còn có thể thông suốt tới giới tự nhiên để sản sinh ra uy lực tựa như "lay non lấp biển ". 2. hiểu được do bản tính. Ý niệm có thể sản sinh ra động lực, hoạt động của ý niệm phản ánh lên phạm vi của bản tính, ý niệm là sự biểu hiện sơ cấp của "nguyên âm" (âm đầu tiên). Đây là nơi bản tính trao tay, phải thường xuyên quan sát và để tâm tới ý niệm, không ngừng tự ta phải tích cực hóa, bổ xung nguồn năng lượng mới cho khẩu quyết luyện công, nâng cao giác ngộ hóa thành hành động của bản mệnh, thể hiện ra phép tắc "tiếp liên thiên địa tức hậu thiên" (nối liền trời đất tức hậu thiên). Khôi phục năng lượng cực phát của bản mệnh để bổ xung chổ chưa đủ của bản tính, đạt tới độ tương giao. Như câu "lay non dốc biển yên sóng lớn, tân vàng ngọc dịch dài mầm thiêng", đây là phạm vi của bản tính để làm yên "bẩy tình, sáu dục vọng" (nguyên văn: "thất tình lục dục") nằm trong thân xác con ngừơi để đối phó với làn sóng cuộc đời (nguyên văn "hồng trần") trên trần thế do đó có thể sinh phát ra "tân vàng và dịch ngọc" (tức nước dãi còn được gọi là nước thần-"thần thủy") hội tụ lại trong miệng, ngon ngọt thơm hương . đấy là sự chắc lọc vật chấttinh vi trong thân xác thuộc dạng "trong âm nổi dương" của cơ thể. Uống thứ "tân vàng dịch ngọc" đó đưa xuống hạ đan điền khiến cho thứ tinh túy của bản mệnh quy tụ về hạ đan điền, rồi qua sự thăng hoa, dung hợp vào trong bản tính. 3. vận dụng các khiếu huyệt và kinh lạc trong cơ thể để phát hiện năng lượng tiềm ẩn ở trong khẩu quyết luyện công. Ý thủ hạ đan điền có thể sinh phát ra "tân vàng dịch ngọc", ý thủ vĩ lư quan có thể nối thông hai mạch nhâm, đốc để mở thành "một đường cao xa sáng rỡ" (nguyên văn "nhất tuyến huyền minh"), "ý thủ hạ hòang đình" có thể "bẩy khiếu mở ra" (tức huyệt mệnh môn, huyệt giáp tích quan, ngọc chẩm quan, thượng hòang đình, thượng đan điền, thiện cung, trung đan điền) thông với chu thiên. Tầng thứ tư của việc tu luyện là nối thông ba "căn cứ địa" đạt tới "cửu long phần thủy" (chín rồng phun nước) "cửu long" là "cửu khiếu" (chín khiếu tức bẩy khiếu vừa kể trên với hai khiếu trung hòang đình và hòang kim điện). "chín rồng phun nứơc" chỉ việc năng lượng tiềm ẩn trong chín khiếu đã được điều động, hình thành sự vận chuyển biến hóa chu thiên để phá trừ sự "hỗn độn" ban đầu trong cơ thể mà bứơc đầu thấy ánh sáng của thành công. 4.lợi dụng trong "chân kinh không chử" để hấp thu tích tụ năng lượng to lớn biến hóa của tự nhiên, để cải biến tố chất cơ thể, để mở rộng phạm vi ý thức tư duy của con ngừơi, phát triển công năng của "bản tính". Như những sự biến hóa năng lượng của tự nhiên ở trên đã nhắc: "dời non lấp biển", "sấm rung chớp giật", "chín rồng lăn lộn" v v... dung hợp vào làm một bên trong cơ thể và nối thông với quy luật biến hóa của khỏang không vũ trụ. Đó là "trời người tương hợp" đồng bộ và là một khâu trọng yếu theo thứ tự đồng bộ của việc luyện công. 5. bản tính và bản mệnh gặp nhau nối thông trời đất nên có thể ra vào có chổ hở hoặc không có khe hở, bày ra một thế giới mới tinh. Như "non sông đổi", "xanh ngàn đời", "vui tiêu dao", "khôn mới càn diệu", "dây leo vàng". Phép luyện công "hỗn độn sơ khai" có khẩu quyết luyện công chia ra làm bốn tầng: cải biến đối với bản mệnh, phát triển đối với bản tính, đối với sự tương hội với quy luật của tự nhiên v v... Phép luyện công pháp này ai ai cũng có thể luyện được cả, già trẻ đều được. người học, luyện các phép luyện công khác cũng có thể đồng thời tu luyện khí công tĩnh, cũng thu được lợi ích rỏ rệt. vì do đất này, người này, lúc này mà có khác lạ, có người chỉ sau ít ngày đã thấy hiệu quả có người phải sau mấy tháng mới thu được kết quả. Người có năng lực hiểu biết cao có thể nhân bước luyện công này mà có thể trực tiếp học để tiến bước cao hơn. D. phép luyện công Cơ sở xây dựng bước luyện công này là phát sinh tích tụ nguyên khí, cộng lại để vì bốn tầng thứ hạng mà hòan thành công pháp. Tầng thứ nhất là "quyết tụ hạ đan điền", tầng thứ hai là "quyết tụ vĩ lư quan", tầng thứ ba là "quyết về hạ hòang đình" và tầng thứ tư là "quyết về hỗn độn sơ khai". Trước tiên luyện tầng thứ nhất đạt được yêu cầu thì luyện sang tầng thứ hai và cứ tiếp tục như vậy với các tầng sau. Dưới đây là khẩu quyết, phép luyện công và hiệu ứng của từng tầng thứ được phân biệt giới thiệu với bạn đọc:

1. tầng thứ nhất: "quyết tụ ở hạ đan điền" A. khẩu quyết luyện công (công quyết) "hám sơn điền hải bình ba lãng kim tương ngọc dịch trường linh miêu liễu tử khước sinh trường sinh lộ âm dương giao hợp lạc tiêu dao."

"dời non lấp biển yên sóng cả tương vàng dịch ngọc dài mầm thiêng, chết rồi vẫn sống đường trường sinh âm dương giao hợp sướng tiêu dao"

An, Jin, Mí, Bì, Ba, Ýa, Yìn, Pì, Bĩ, Ding (âm Bắc kinh) Am, Cấm, Mê, Tật, Bát, Áp, Ẩn, Phích, Tỷ, Định (âm hán việt).

B. phương pháp luyện: tư thế. Kiểu ngồi là chuẩn nhất, ngồi thoải mái tự nhiên là hay, ngồi xếp bằng (thiên bàn thức) càng đẹp. nếu cơ thể yếu ớt, bệnh tật có thể nằm (luyện tập các tầng thứ khác cũng theo tư thế này). Thủ khiếu. điều chỉnh tư thế, hai mắt hơi nhắm, nhìn ngược vào trong huyền quan. Hít thở tập trung, ý niệm từ huyền quan, từ bên trong mạch nhâm mà xuống, phản chiếu hạ đan điền. bắt đầu ý niệm khai thông cảm giác huyền quan và hạ đan điền có một luồng sáng nối huyền quan và hạ đan điền thành một thể. (Ý) thủ hạ đan điền niệm khẩu quyết công phu động, khẩu quyết rơi đúng hạ đan điền và đồng dạng sủi lên (nổi bọt) trong huyền quan. Trong hạ đan điền có huyền quan, trong huyền quan có hạ đan điền. đó tức là huyền quan ("Tâm") và hạ đan điền ("khiếu") hợp nhau quy về một thể. Niệm quyết có thể đạt hiệu quả nhiều kiểu, khai thông hiểu bản tính mà cũng là nối thông bản tính. Nếu nhắm mắt để nhìn vào trong, chiếu trở lại, mà dễ bị mê mẫn thì có thể mở hai mắt nhìn ngang, có thể giữ chắc chót mũi, ý định khiếu huyệt. niệm khẩu quyết cũng có thể từ niệm thành tiếng dần chuyển sang niệm thầm. Niệm khẩu quyết. nhất tâm niệm quyết, tự nhiên hít khí (vào) rơi xuống tích tụ ở hạ đan điền, niệm đi niệm lại quyết và không ngừng nuốt tân dịch (nước dãi), niệm càng nhiều càng tốt, trăm lần, ngàn lần, vạn lần chưa phải là nhiều. hoặc một tầng thứ luyện công chí ít cũng phải niệm đủ mười hai vạn tám ngàn lần. tính toán số lần niệm quyết, không phải niệm bao nhiêu lần là đúng mà là khi khẩu quyết niệm phải rơi đúng "khiếu" sản sinh ra năng lượng mới là chuẩn. trong quá trình niệm quyết, nếu trong "tâm" khó giữ nguyên bản tính bị ý nghĩ lung tung quấy rối hoặc vì "thủ khiếu" không chuẩn v v... nên cũng có những lần niệm không hiệu quả, vì vậy ngừơi luyện công chỉ cần nắm được ang áng số lần là được. con đường hít khí tự nhiên và niệm quyết vận hành là con đường bên trong theo mạch nhâm vận đi xuống hạ đan điền. Thời gian luyện quyết. có thể linh họat sắp xếp, tự chủ mà định chọn giờ tập. giờ tý là đẹp nhất. Thu công. Ngừng niệm quyết, thúc đẩy tân dịch ra nhiều chia làm ba ngụm theo con đường vận hành của niệm quyết mà nuốt tống xuống hạ đan điền. khi bắt đầu luyện thì ý niệm tưởng tượng khí nạp vào đi qua tiền âm mà vào trong, theo công lực mà tiến triển rồi sẽ cảm thấy nguyên khí dạt dào từ tiền âm (đây là mạch nhâm) vận xuống vào hạ đan điền. phương pháp cụ thể là : nuốt một lần tân dịch, nạp một hơi nguyên khí. Xong ba lần, "tâm" sẽ định ở hạ đan điền. dùng ý dẫn động tân dịch ở trong "khiếu" hỗn hợp với nguyên khí thành năng lượng mà vận chuyển theo chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài, xoay tròn chín lần thành kiểu vòng tròn xóay trôn ốc từ nhỏ ra to dần (nữ thì vòng tròn xoay ngược chiều kim đồng hồ). tiếp đó lại theo ngược chiều kim đồng hồ vận hành năng lượng từ ngoài vào trong cũng theo vòng tròn xóay trôn ốc từ to nhỏ dần đủ 9 vòng (lần này nữ xoay vòng tròn ngược lại, tức thuận chiều kim đồng hồ) rồi tụ thành một điểm nằm ở tâm hạ đan điền. diện tích vòng tròn xóay trôn ốc không có đường kính quá 1 tất 3 phân ta là được (độ 4-5 cm). nhìn trước ra sau thành mặt phẳng vuông gốc. chiếu theo yêu cầu trên mà thu công, song nếu thấy ở hạ đan điền vẫn còn năng lượng từ trong tán loạn ra ngoài hoặc cảm thấy trong bụng trướng lên khó chịu, như thế tức là khi thu công đã không hòan tòan tích tụ được năng lượng lại thành một điểm thì phải làm động tác thu công lại môt lần nữa hoặc mấy lần cho đến khi thấy đan điền dễ chịu, bụng yên trở lại thì ngừng. xin chú ý là chớ có thu công qua loa hoặc không thu công mà đạ ngủ thiếp đi khiến năng lượng kích phát được không thu vào hạ đan điền nên lại theo dòng trong giấc ngủ mà thóat hết ra ngoài thì nam sẽ bị di tinh, nữ bị rụng trứng. C. công hiệu: tu luyện hạ đan điền bắt đầu cảm thấy hạ đan điền máy động, phát nóng, hai thận căng lên, huyệt hội âm máy động và thấy có khí cảm, trong miệng tân dịch (nước dãi) ứa ra nhiều từ loãng dần thành đặc, từ không mùi vị dần trở nên có hương vị ngọt ngào. Đầu óc dần trở nên trong sáng linh hoạt, tinh lực gia tăng. Sự nhìn ngược vào trong bụng từ mờ tối dần sáng sủa, từ màu ngả đen biến sang màu xanh sáng, dần dần phát sáng. Tòan thân thư thái, trong lòng khoan khoái vui tươi, theo thời gian, huyệt vĩ lư quan ngấm ngầm rung động, như căng lên. Hạ đan điền luyện ra tinh của hậu thiên. Tùy theo công phu sâu sắc, nam giới có hiện tượng dương "cương" thì phải tĩnh tâm niệm quyết đừng để hiện tượng cương cứng kéo dài mà phải hóa tinh cho trở về hạ đan điền. nữ khi luyện công phu này sẽ thấy chu kỳ kinh nguyệt sớm hơn hay muộn đi, bụng dưới căng đau kinh nguyệt ra nhiều hơn v v... đây là do bên trong cơ thể được thúc đẩy đổi mới. sự đổi mới đó đã điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt phải thay đổi, nói chung chỉ sau 3 tháng kinh nguyệt sẽ trở lại bình thừơng. Ngừơi có bệnh phụ khoa sẽ tự thiên giảm. Nguyên khí ở hạ đan điền máy động, tích tụ lại thành khối tròn, khi cảm giác thấy như vậy là đã có thể chuyển sang tầng luyện tập thứ hai tức là luyện huyệt vĩ lư quan.

Đọc đan kinh hay nhắc đến thần trụ đại la thiên tối cao hay tới tam thập lục thiên .Hôm rồi mới tìm được tên và sự phân lớp post lên cho mọi người xem Học đạo gia có lẽ phải biết cấu trúc này vậy

Dục giới : (nhất )thái hoàng hoàng tằng thiên ,(nhị )thái minh ngọc hoàn thiên ,(tam )thanh minh hà đồng thiên ,(tứ )huyền thai bình dục thiên ,(ngũ )nguyên minh văn cử thiên ,(lục )thất diệu ma di thiên .

Hữu sắc: (thất )hư vô việt hành thiên ,(bát )thái cực mông ế thiên ,(cửu )xích minh hòa dương thiên ,(thập )huyền minh cung hoa thiên ,(thập nhất )diệu minh tông phiêu thiên ,(thập nhị )trúc lạc hoàng già thiên ,(thập tam )hư minh đường diệu thiên ,(thập tứ )quan minh đoan tĩnh thiên ,(thập ngũ )huyền minh cung khánh thiên ,(thập lục )thái hoán cực dao thiên ,(thập thất )nguyên tái khổng thăng thiên ,(thập bát )thái an hoàng nhai thiên ,(thập cửu )hiển định cực phong thiên ,(nhị thập )thủy hoàng hiếu mang thiên ,(nhị thập nhất )thái hoàng ông trọng thiên ,(nhị thập nhị )vô tư giang do thiên ,(nhị thập tam )thượng thiệt nguyễn nhạc thiên ,(nhị thập tứ )vô cực đàm thệ thiên ,tổng cộng 18 tầng .

Vô sắc : (nhị thập ngũ )hạo đình tiêu độ thiên ,(nhị thập lục )uyên thông nguyên đỗng thiên ,(nhị thập thất )hàn sủng diệu thành thiên ,(nhị thập bát )tú nhạc cấm thượng thiên ,4 tầng .

Tam giới chi thượng nhân thiên hay tứ phạm thiên :(nhị thập cửu )vô thượng thường dung thiên ,(tam thập )ngọc long đằng thắng thiên ,(tam thập nhất )long biến phạm độ thiên ,(tam thập nhị )bình dục cổ dịch thiên 。

Thánh cảnh tứ thiên :thái thanh cảnh đại xích thiên ,(tam thập tứ )thượng thanh cảnh vũ dư thiên ,(tam thập ngũ )ngọc thanh cảnh thanh vi thiên ,thử tam thiên hợp xưng tam thanh thiên 。tam thập lục vi tối cao nhất tằng ,xưng đại la thiên .

Theo cấu trúc trên thì phạm thiên nằm ngoài tam giới ,cũng có nghĩa đạo gia công nhận yoga và nhiều phái khác giải thoát được ra khỏi tam giới .

CHÂU THIÊN NGHỊCH CHUYỂN CÔNG PHU (Do Sư huynh Huyền Quang Tử truyền dạy)

Mục đích:

Khai thông hệ thống kinh mạch, luyện tinh hoá khí.

Thời gian:

- 3 tháng đầu: tập 1 buổi vào trước giờ đi ngủ tối, sau đó nằm xuống ngủ ngay. - sau 3 tháng: tập 2 buổi vào trước giờ ngủ tối và ngủ trưa, sau đó nằm xuống ngủ ngay.

Không gian:

phòng hoàn toàn tối là tốt nhất.

Điều thân:

Ngồi bán già. Đối với nam: chân phải đặt trên chân trái , bàn tay trái ôm lấy bàn tay phải, bàn tay phải nắm thành nắm đấm hờ. Đối với nữ : chân trái đặt trên chân phải , bàn tay phải ôm lấy bàn tay trái, bàn tay trái nắm thành nắm đấm hờ. Không được nhắm mắt, hai mắt lim dim nhìn xuống dưới. Mới đầu công phu chỉ cần hơi khép mắt lại, sau khi đã nhập định thì tự nhiên sẽ lim dim, không cưỡng ép. miệng ngậm, lưỡi để tự nhiên ở hàm dưới, công pháp này không yêu cầu phải cong lưỡi vì ảnh hưởng tới nhập tĩnh

Điều tâm:

ngừng tạp niệm, không tập trung vào bất cứ điều gì, theo ánh mắt nhìn xuống khoảng đen tối trước mắt.

Điều tức:

yêu cầu phải thở được kiểu bụng ngược, hít vào thì phần bụng dưới rốn thót lại, thở ra thì phình ra, các bạn nào chưa rõ thì tìm các sách khí công để tham khảo cho biết chính xác cách hít thở.Hiện nay các sách khí công thường đưa thêm hướng dẫn cong lưỡi và co rút hậu môn nhằm nối thượng, hạ thước kiều, công phu này không dùng tới, yêu cầu bỏ phần đó, chỉ cần chú ý tới phép hít thở ngược thôi. Tập điều tức khi nào thuần thục thì hãy bắt đầu công phu Châu thiên nghịch chuyển

Châu thiên nghịch chuyển:

Sau khi đã điều thân , điều tâm , điều tức vài ba hơi để tập co giãn bụng dưới rồi thì bắt đầu chuyển pháp luân.

Theo phép thở bụng kiểu ngược thì khi hít vào bụng dưới từ từ co lại, đến đây thay vì thở ra hành giả tiếp tục hít vào, hít vào.. (thời gian tối thiểu phải đạt được là 1 phút), bụng dưới vẫn tiếp tục co lại đến khi cảm thấy ngộp thở không thể hít vào tiếp tục được nữa thì từ từ thở ra bằng mũi, bụng dưới từ từ phình to ra, đến khi nào thở hết không khí ra thì thôi ,đó là một hiệp. tiếp tục thực hiện hiệp hai, ba đến khoảng chín hiệp thì ngừng, có thể tự nhiên nhập vào đại định. Công phu xong thì nằm xuống ngủ luôn, lợi dụng giấc ngủ để cho nội khí tự động vận hành.

chứng nghiệm:

sau khi nằm xuống có thể thấy điện giật,bên tai có gío bão nổi lên, mắt nhìn thấy những đốm sáng như sao, đó là nội khí vận hành không có gì đáng ngại, thường người mới tập luyện do kinh mạch chưa thông thoáng dễ thấy hiện tượng trên , sau một thờ gian cơ thể được thanh lọc sẽ hết.

Những lưu ý để tập tốt Châu thiên nghịch chuyển:

-Muốn nhập định thì phải Châu Thiên Nghịch Chuyển đạt chất lượng Vậy thế nào là đạt chất lượng? đó là:

-Châu Thiên Nghịch Chuyển đạt 9 hiệp thì phải cảm thấy rất mệt, hết sức lực

-Nguyên tắc của Châu Thiên Nghịch Chuyển là khi hít vào mặc dù biết không thể hít thêm vẫn cố gắng hít thêm tối đa đến khi không thể cố gắng được nữa mới thở ra, một hiệp tối thiểu đạt 1 phút.

-Làm Châu Thiên Nghịch Chuyển đạt chất lượng, thì sau mỗi hiệp hơi thở sẽ dồn dập, phải nghỉ điều hoà hơi thở 3,5 hơi( điều hoà bằng thở thuận) rồi lại tiếp tục hiệp2, nếu có thể làm liện tục hiệp 1,2,3..9 mà không cần nghỉ là chưa đúng nguyên tắc.

- Làm Châu Thiên Nghịch Chuyển đạt chất lượng thì sẽ tự nhiên nhập định, hơi thở tự nhiên chứ không phải thở nghịch nữa, thở nghịch chỉ dùng khi làm Châu Thiên Nghịch Chuyển thôi.

- Điểm quan trọng : vì chúng ta sử dụng ''phong'' để khai thông kinh mạch, nên Châu Thiên Nghịch Chuyển quan trọng nhất là động tác hít vào, hít vào, hít vào nữa, không thể hít vào nữa vẫn tiếp tục hít vào, khi này chắc chắn một phần không khí sẽ bị đẩy ngược ra ngoài để có chỗ trống cho phần không khí mới tiếp tục vào, và cứ thế đẩy ra cứ thế hít vào , đây là yếu quyết chính để Châu Thiên Nghịch Chuyển thành công, khi đó các bạn có thể sẽ nhận thấy là phần bụng dưới bị nén chặt cũng có thể bị rung động nhào nắn mạnh, thấy như vậy là bạn đã hoàn thành Châu Thiên Nghịch Chuyển trọn vẹn.

THIỀN ĐỊNH

Sau khi tập CTNC được 6 tháng thì bắt đầu tiến hành thiền định. Đây là công pháp truy nhiếp nguyên thần về nê hoàn cung mà cổ tiên giấu kín, nay sư huynh đem ra công truyền. Người luyện thiền định này coi như đã đặt một chân vào đại đạo, cho nên khi thực hành nếu có gặp nhiều trải nghiệm huyền ảo cũng không nên lo sợ. Thiền định trong tư thế ngồi thì tiến hành sau khi CTNC, tư thế nằm thì nằm ngửa hay nghiêng cũng được miễn sao cho thoải mái. Yếu quyết: Miệng ngậm, hai mắt nhắm kín, hai tròng mắt ngước nhìn lên khoảng đen tối phía trên trán, im lìm như mèo nằm rình chuột, tuy nhiên không được quá tập trung căng thẳng, cần tự nhiên thoải mái, nếu thấy tạp niệm khởi lên thì dùng tâm tức tương ỷ mà thâu nhiếp, tuyệt đối không thủ ý vào bất kỳ huyệt đạo nào trên đầu.Thời gian thiền định tối thiểu là 30 phút. [/b]

ĐẠI THÀNH TIỆP YẾU

Chương I: Tập cổ đan kinh mục lục biện ngôn

Đạo vốn chỉ một lý, pháp chia ra tam nguyên: thiên nguyên, địa nguyên, nhân nguyên. Đan tông cửu phẩm phân đúng tam thành: sơ thành, trung thành, thượng thành. Tam nguyên này trong các đan kinh tách riêng mà nói thì thiên nguyên gọi là đại đan, địa nguyên gọi là thần đan, nhân nguyên gọi là kim đan, hợp lại mà nói thì sơ thành gọi là kim đan, trung thành gọi là thần đan, thượng thành gọi là đại đan. Cho nên tam nguyên đều có tên gọi là đại đan, thần đan và kim đan. Ở thiên nguyên thì tận tính thấu mệnh, ở địa nguyên bắt sa nắm hống, nhân nguyên có thể dời hoa ghép cành. Sơ thành trăm ngày xây nền, trung thành 10 tháng dưỡng thai, thượng thành ba năm bú mớm. Và trong đan khiếu thiên nguyên không gì khác là diên kia hống này, trộm lấy thiên bảo tàng ẩn trong nhau. Thực ra đều là nhất âm nhất dương phối hợp hỗn luyện mà thành ra tạo hóa. Nên đan đạo tam nguyên này, lý giống nhau nhưng pháp có khác, tác dụng vốn có chỗ riêng. Nhưng người tu chân trên đời đa số biết một mà không biết hai. Cuối cùng trong vạn người không có một người có thể mở toan cửa để nắm được chân tri. Tôi từng thấy có người được nghê về thiên nguyên đại đan và từ thiên nguyên mà hiểu đạo nên mới biết tới chỗ tôn quý của thiên nguyên, nhưng không biết còn có sự huyền diệu của địa nguyên và nhân nguyên. Có người được nghe về địa nguyên thần đan và từ địa nguyên phục thực để lên tiên, mới biết tới sự tôn qúy của địa nguyên, nhưng không biết còn có chỗ ảo diệu của thiên nguyên và nhân nguyên. Có người được nghe về nhân nguyên kim đan nhưng không biết còn có quy kết về thiên nguyên, địa nguyên. Còn có người sùng thượng nhân nguyên tôn nó làm kim dịch, mạo nhận thiên nguyên là ngọc dịch. Như vậy là không biết nhân nguyên là sơ thừa (bước đầu) tiếp mệnh, thiên nguyên là thượng thừa thông tới tính, địa nguyên là trung thừa phục thực (ăn đan). Buồn thay, thử xem xưa có người nghe được địa nguyên thần đan và cũng nghe cả thiên nguyên đại đan, đó là Hứa Thi Dương chân nhân. Có người nghe được địa nguyên thần đàn và nghe được cả nhân nguyên kim đan, đó là Cát Nhã Xuyên chân nhân. Có người nghe được nhân nguyên, thiên nguyên và cả địa nguyên, đó là Lã Thuần Dương, Trương Tam Phong. Đến như ngũ tổ phía nam tông cũng đều nhờ vào nhân nguyêm kim đan mà đạt đạo. Bảy vị chân nhân Bắc tông đều nhờ vào thiên nguyên đại đan mà lên tiên. Nhưng địa nguyên thần đan không nghe nói đến. Những người theo Phật chỉ tung kinh niệm Phật. Những người theo Khổng chỉ giữ lấy luân thường. Cuối cùng những ai có thể chuyên nhất thì có thể đạt đến mức chí tinh, chí thành, có thể nắm hết thiên tâm. Chỉ cần có thẻ viên tụ được sẽ có nhất điểm chân tính linh quang và đều không đi đến chỗ hủy diệt. Cho nên những người một lòng niệm Phật có thể siêu thóat sinh tới miền tịnh thổ. Người thành tâm giữ lấy luân thường có thể lưu danh trăm đời. Chỉ là các bậc tiên sư đạo tổ các đời truyền kinh, diễn pháp, lập thuyết, di huấn mỗi người có chỗ tâm đắc diệu kỳ riêng, tất không thể cùng quay về một lối. Cho nên người giỏi học, âm thầm tập luyện dùi mài, hiểu tới chỗ quy kết của chúng. Có người chuyên theo nhất nguyên mà lập ngôn, có người lập ngôn với cả tam nguyên, nên có người thiên về nhân nguyên, có người nặng về địa nguyên, không thể một lúc mà bàn hết về họ. Như các sách: "Kim đan tâm pháp", "Tính mệnh khuê chỉ", "Thiên tiên hạ lý", "Tiên Phật hợp tông", "Kim tiên chứng luận", "Tuệ mệnh kinh"... là những sách chuyên chỉ về thiên nguyên đại đan, tu thanh tĩnh. Những sách như: "Kim đan chân truyền", "Tỉnh đạo nhã ngôn", "Huyền yếu thiên", "Xao hào ca"... chuyên bàn về nhân nguyên kim đan, tu luyện âm dương. "Hòang Đế cửu đỉnh", "Thái thanh đan kinh", "Địa nguyên chân quyết", "Thừa chí lục", "Ngư trang lục"... chuyên nói về địa nguyên thần đan, tu luyện diên sa. Còn "Đạo đức kinh", "Âm phù kinh" bàn về cả tam ngôn. "Ngộ chân thiên", "Tham đồng khế" cũng bàn cả tam nguyên nhưng trọng về nhân nguyên. "Long hổ kinh", "Thạch hàm ký" cũng nói về tam nguyên nhưng nặng về địa nguyên. Những thánh chân tương lai của các đời sau, nếu có người đạt đạo, xem bài này biết đạo chia làm tam nguyên nhưng lý chỉ có một mà không đến nổi phải than vì nỗi mênh mông rối rắm. Nếu biết đan kinh sách đạo tuy trâu kéo tóat mồ hôi, chất vào nhà lút cột thì ngòai tam nguyên nhất lý này, ngòai đạo tiên thiên ra, còn lại chỉ là 96 lọai ngọai đạo, 2600 bàng môn. Tất cả chúng đều là giả ảo, không thông với đại đạo. Nhà Phật có nói: "Duy một việc này là thật còn lại đều không thật". Cái gọi việc thật là diện mạo càn nguyên của ta, là chân ngã vốn có, không vương sắc tướng, là thể tính hư linh viên minh mà không rơi vào trống rỗng. Nhà Phật gọi đó là chân không chính giác, Đạo gia gọi là cái thần không thần. Cho nên con người sở dĩ cắt được vòng luân hồi sinh tử, hòan tòan dựa vào việc nắm rõ tính mệnh. Còn nhân nguyên kim đan là gốc để tiếp mệnh, địa nguyên thần đan là bước dự bị và thiên nguyên đại đan là tòan thể đại dụng của việc song tu tính mệnh. Nay, thương người học đời sau, chỉ rõ nghĩa kinh, phân tích kinh đan, đại đạo nhị nguyên do tiên phật tổ sư truyền lại, nguyện các vị quân tử, hiền nhân trong thiên hạ có chí với đạo này, được thầy truyền thụ, thích khảo cổ chứng kim, nghiên cứu trước sau, tất phải trên dưới khớp nhau mới không sa vào bàng môn. Và tập sách này giúp người đọc vạch cổ soi kim, xem vào sẽ thấy ngay ý chính của tác giả, biết được trước thuật của nhà nào, cần phân rõ dòng Uông, Vị, phân biệt thật giả, và có phương hướng vững vàng. Theo đó mà thực hành thì không sai, vĩnh viễn không bị mê hoặc bởi những điều dị đoan, tà thuyết. Xin viết bài tự như vậy.

HQT bình : Tác giả Đại Thành Tiệp Yếu phân chia Đan đạo thành 3 bậc: thiên nguyên, địa nguyên, nhân nguyên là chính xác, cụ thể tam nguyên tương ứng với 3 cấp tu : thiên tiên, địa tiên, nhân tiên . Chính vì Đan đạo chia làm tam nguyên, người đắc nhân nguyên thì không hiểu về địa nguyên và thiên nguyên, khi sáng tác đan kinh ít dùng các khái niệm về càn khôn, diên hống, long hổ, mậu kỷ...mà chuyên dùng các thuyết tinh khí thần bàn về kết đan thoát thai. Thật sự thì nhân nguyên chuyên về ngọc dịch hoàn đan, luyện tinh hóa khí, lại dùng tam muội hỏa luyện khí hóa thần cũng kết thành đan và thoát thai thần hóa ngay khi còn sống, đa số các đan kinh phân loại nhóm 3 thuộc nhân nguyên. Về phẩm vị chứng đắc thì người đắc nhân nguyên tồn tại đến khi cõi dục giới tiêu hoại thì cũng diệt. Người đắc địa nguyên thì không hiểu về thiên nguyên, lại cũng có khi không hiểu về nhân nguyên là bởi họ vốn là bậc thượng căn sinh ra chân tâm đã có sẵn nên không cần biết về ngọc dịch hoàn đan của nhân nguyên, nhưng lại cũng mù mờ lẫn lộn khái niệm về càn khôn và diên hống long hổ, Địa nguyên đan kinh thường viết bằng văn xuôi và rất khó hiểu, thậm chí là nhiều mâu thuẫn có thể gây ra hiểu lầm cho hậu thế về Tiên đạo. Địa nguyên cho rằng có Ngọc Hoàng Thượng Đế và sau khi đắc đạo sẽ làm một bề tôi cho vị này. Họ thường truyền đạo ở thế gian dưới hình thức tôn giáo, đại diên nhóm này là Thất Tổ phái Bắc Tông. Công phu của địa nguyên là thái thủ càn khôn luyện thành nhất khí tiên thiên rồi dùng hỏa tam muội kết thành kim đan và thoát thai thần hóa. Phẩm vị chứng đắc thì địa nguyên tồn tại đến khi tam giới hoại thì họ mới diệt. Địa nguyên mà không hiểu rõ về nhân nguyên thì rất khó khăn trong việc tìm ra đệ tử để có thể chân truyền khẩu quyết, nếu không gặp đệ tử là bậc thượng căn tại thế thì họ đành ôm khẩu quyết lên trời. Người đắc thiên nguyên mà không rõ về nhân nguyên và địa nguyên thường là bậc thượng thượng căn có sẵn thánh thai. Họ không cần biết về ngọc dịch hoàn đan của nhân nguyên, cũng không cần biết về lý càn khôn giao cấu sinh nhất khí tiên thiên của địa nguyên, mà họ trực chỉ về tính mệnh, long hổ, diên hống. Bậc thượng thượng căn này mang sẵn cửa huyền tẫn khi sinh ra, chỉ cần đem diên hống nung qua hỏa tam muội mà kết thành thần đan và thoát thai thần hóa. Phẩm vị của nhân nguyên là bậc đắc đạo giải thoát viên mãn vượt ra khỏi tạo hóa, dù cho tam giới có tiêu hoại họ vẫn tồn tại. Thiên nguyên đắc đạo thường sống ẩn dật và phóng khoáng, không câu nệ vào giáo điều tôn giáo. Tuy nhiên vì họ là bậc đắc đạo viên mãn cho nên tự nhiên hiểu rõ về đan đạo tam nguyên, có thể truyền đạo cho cả ba bậc trung căn, thượng căn và thượng thượng căn. Thực tế thì bậc thượng thượng căn là cực kỳ hiếm có mặc dù về mặt lý thuyết là tồn tại. Đa số người đắc thiên nguyên đi lên từ nhân nguyên và địa nguyên, đại diện là Ngũ Tổ Nam Tông và các bậc lãnh tụ thần tiên như Chung Lữ Nhị tổ, Trương Tam Phong...

Các bài tập công truyền phụ trợ « vào lúc: 31 Tháng Ba, 2006, 08:53:22 »

(Do Sư huynh Huyền Quang Tử truyền dạy)

TIẾN DƯƠNG CÔNG

1.Đứng thẳng, hai chân rộng hơn hai vai, hai tay mở chưởng buông xuôi theo thân mình. 2.bắt đầu hít sâu vào bụng, xuống trung bình tấn, hai chưởng xoay ra sau lưng, tưởng tượng hai chưởng đang hổ trợ lưng đẩy một tảng đá lớn đang tiến tới áp sát lưng, vẫn tiếp tục hít sâu vào. 3.Vẫn tưởng tượng kết hợp hít sâu vào, đến khi nào không thể chịu đựng được nữa thì từ từ đứng thẳng dậy, hai chưởng xoay ngửa theo hai bên thân đẩy thẳng lên trời, đồng thời kết hợp thở ra từ từ bằng mũi.

THOÁI ÂM CÔNG

1.Đứng thẳng, hai chân rộng hơn hai vai, hai tay mở chưởng buông xuôi theo thân mình. 2.Bắt đầu hít sâu vào bụng, xuống trung bình tấn. Hai chưởng đẩy thẳng tới trước măt. Tưởng tượng hai chưởng đang đẩy một tảng đá lớn đang từ từ tiến đến áp sát ngực. Tưởng tượng hai chưởng không thể chống đỡ nổi tảng đá vẫn đang tiến tới áp sát vào ngực, hai chưởng bị tảng đá đẩy phải co về trước ngực, vẫn tiếp tục hít sâu vào. 3.Vẫn tưởng tượng kết hợp hít sâu vào, đến khi nào không thể chịu đựng được nữa thì bất ngờ đẩy mạnh hai chưởng về trước, tưởng tượng tảng đá bị đẩy bật văng ra xa, đồng thời kết hợp thở ra thật mạnh bằng mũi.

Thời gian: Tập hai buổi chính là sáng và chiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro