Khí công tâm pháp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương IV

HUẤN LUYỆN THÂN

VÀ HUẤN LUYỆN TÂM

Xin tiếp tục tập thở đan điền, giờ đây chúng ta tìm hiểu rõ hơn về ý nghĩa và lợi ích của sự tập luyện bởi vì khi định làm một công việc gì, chúng ta cần phải biết thật rõ mục đích, phương pháp và kết quả thì việc làm ấy mới thật sự có lợi ích. Khi tập Khí Công Tâm Pháp, chúng ta cần biết rõ chúng ta muốn gì, phương pháp thực hành ra sao và những lợi ích gì chúng ta có được khi tập luyện, để chúng ta có thể đối chiếu rõ ràng kết quả có được nơi Thân và nơi Tâm, trước và sau khi tập.

Nhiều chương trình hướng dẫn thực hành Thiền hiện nay tại các viện đại học, các� trung tâm y khoa và các tổ chức phát triển sức khỏe, giảm trừ bệnh tật, chỉ nhấn mạnh đến sự buông xả Tâm, thư giản Thân hay buông thư (relaxation) qua cách thở bụng hay hoành cách mô cùng nhận biết các ý tưởng và các cảm xúc xuất hiện mà không chạy theo chúng. Họ tránh phần đề cập đến Phật Pháp trong Thiền, vì e ngại bị hiểu lầm là muốn truyền bá Phật Pháp. Tuy nhiên, những người học hỏi thêm về lời chỉ dạy của đức Phật khi thực hành Thiền buông thư hay phần huấn luyện Tâm bên cạnh huấn luyện Thân thì họ có sự phát triển tâm linh tốt đẹp hơn và dễ dàng thực hành sự buông xả. Do đó, tìm hiểu thêm về cốt tủy của Thiền là điều rất cần thiết.

1. Hạnh Phúc Có Sẵn Và Hạnh Phúc Do Tu Tập

Trong các buổi nói chuyện tại tiểu bang Arizona vào năm 1993, đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh: "Tôi tin tưởng mục đích chính yếu của đời sống chúng ta là tìm hạnh phúc." Và theo ngài, niềm vui có được từ sự mạnh khỏe thể chất, giàu có và sự liên hệ tốt đẹp với những người khác vẫn chưa phải là hạnh phúc thật sự nếu Tâm không được bình an. Một người chứa đựng nhiều sự tức giận sẽ làm cho họ sinh bệnh tật. Một người bực dọc, tinh thần tiêu cực thì dù có nhiều tiền bạc và của cải, họ cũng không thể có hạnh phúc được, chưa nói đến những loại bệnh tật phát sinh ra do lối sống và suy nghĩ tiêu cực này. Tạp chí y khoa Circulation đã phổ biến cuộc nghiên cứu về bệnh tim mạch và cho thấy người dễ tức giận thì bị nguy cơ chứng tim ngưng đập cấp tính hay chứng nhồi máu cơ tim gấp ba lần người thường.

Đạo Phật hướng đến sự phát triển sức khỏe thể chất và đời sống an vui tinh thần. Đức Phật khuyến khích người cư sĩ học hành và làm việc để phát triển sự nghiệp, có nhà cửa, tiền bạc và biết cách kinh doanh. Khi có tiền bạc thì đừng hoang phí, biết làm các việc từ thiện cùng giúp đở thân nhân. Khi đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng Kỳ Đà, thành phố Xá Vệ, có một người hỏi đức Phật làm cách nào để làm ra nhiều của cải và tạo dựng sản nghiệp bền vững, đức Phật dạy như sau:

Mới học nghề nghiệp khéo,

Phương tiện gom tài vật,

Được tài vật kia rồi,

Phải nên chia làm bốn,

Một phần để kinh doanh,

Phần còn lại để dành,

Nghĩ đến người thiếu thốn.

Người kinh doanh sự nghiệp,

Làm ruộng, đi buôn bán,

Chăn trâu dê phồn thịnh,

Nhà cửa dùng cầu lợi,

Tạo phòng ốc giường nằm,

Sáu phương cách nuôi sống,

Phương tiện tạo mọi thứ,

Để sống đời an ổn.

Khéo tu nghiệp như thế,

Dùng trí tuệ cầu tài,

Của báu theo đó có,

Như các dòng về biển,

Tài sản nhiều như thể,

Như ong gom vị ngọt,

Ngày đêm của tăng dần,

Như kiến dồn đống mối. [1]

Lời khuyên của Đức Phật đối với người cư sĩ sống trong gia đình nên cố gắng làm việc để tạo ra của cải cách đây trên hai ngàn năm rất phù hợp với đời sống người cư sĩ trong thế kỷ 21 này: Cố gắng làm việc có tiền của để sống cuộc đời tốt đẹp. Tuy nhiên, trong mọi thời đại, làm việc nhiều thì bị hao tổn nhiều về sức khỏe và an lạc tinh thần. Do đó Đức Phật dạy người cư sĩ phải gần gũi quý vị tăng ni hay những người hướng dẫn tinh thần để học hỏi những phương pháp sống đời an vui và khỏe mạnh. Đức Phật cũng thường nhắc nhở người cư sĩ tại gia, khi làm việc và sống trong gia đình có vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em, người làm việc, ở ngoài thì có bạn bè cùng những người quen biết, nên thực hành sự tu học để để sống đời an lạc của người giác ngộ mà Phật goi là bậc Chân Nhân, một con người có sự hiểu biết rõ ràng, tình thương rộng lớn và hạnh phúc bao la. Người cư sĩ sống đời giác ngộ thì họ sẽ đem đến nhiều điều tốt lành cho bản thân, gia đình và xã hội. Đức Phật dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh như sau:

"Này quý thầy, ví như một trận mưa lớn đem lại mùa gặt được chín muồi, đưa lại lợi ích an lạc cho nhiều người. Cũng vậy, này quý thầy, bậc Chân Nhân sanh ra trong gia đình, đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho cha mẹ; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho vợ con, đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho bạn bè, thân hữu; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho sa môn, bà la môn."[2]

Như vậy không phải chỉ có những người đi tu mới trở thành bậc Chân Nhân hay bậc giác ngộ, mà những người cư sĩ tại gia có chồng vợ, con cái, cha mẹ, anh em, bạn bè thân hữu chung quanh vẫn có khả năng trở thành bậc Chân Nhân, sống đời giác ngộ ngay trong cuộc đời. Đó chính là sự mầu nhiệm đặc biệt trong đạo Phật.

Đạo Phật nhấn mạnh mỗi người chúng ta đều có Phật tánh. Đó là tánh rỗng lặng, rộng lớn, không sanh cũng không diệt trong đó có mặt ba nguồn năng lượng tỏa sáng đời người, đó là (1) năng lượng của sự thấy biết rõ ràng, (2) tình thương yêu trong sáng và (3) niềm an vui kỳ diệu. Những thứ đó có sẵn nơi mỗi chúng ta, không phải do sự tu tập mới có được. Tuy nhiên, từ khi sinh ra cho đến nay, chúng ta bị những thói quen dính mắc vào những điều mình ưa thích hay ghét bỏ, đưa đến những cảm giác vui buồn, sướng khổ chuyển động không ngừng và tạo thành một bức màn bao phủ quanh ta làm cho cái thấy biết chân thật rõ ràng, tình thương yêu và hạnh phúc khó có thể bày tỏ ra được.

Do đó, để có được niềm hạnh phúc thật sự, chúng ta thực hành sự buông xả thoải mái để tâm trở về trạng thái rỗng lặng và trong sáng ban đầu cùng tập luyện hay tu tập để phát triển khả năng an trú trong niềm vắng lặng và an lạc.

Chúng ta thường nghĩ tu tập là nơi Tâm mà ít khi nghĩ đến sự tu tập cũng là nơi Thân, trong đó quan trọng nhất là bộ não. Mỗi người chúng ta sinh ra có các yếu tố di truyền như bản năng sinh tồn hướng về sự tìm kiếm che chở để được an toàn, thực phẩm, phản ứng để bảo vệ đời sống. Những điều đó biểu lộ qua sự phối hợp hàng triệu triệu các sự tương quan của những tế bào thần kinh, kết thành những chuỗi liên hệ cố định của những hoạt động của các tế bào thần kinh này. Tuy nhiên, bộ não cũng rất uyển chuyển để thích nghi hay thay đổi theo hoàn cảnh mới. Sự thay đổi này có thể tốt hay xấu, có thể đưa đến sự khỏe mạnh an vui hay bệnh tật và khổ đau. Sự lập đi lập lại một động tác hay một thái độ đưa đến sự ghi nhận và phát triển trong bộ não nơi phần liên hệ đến động tác hay thái độ đó.

Bác sĩ Avi Karni và bác sĩ Leslie Underleider thuộc Viện Quốc Gia Tâm Thần (National Institue of Mental Health) đã xác nhận điều trên qua cuộc thí nghiệm giản dị như sau: Cho những người tham dự cuộc thí nghiệm gõ ngón tay liên tục trong nhiều ngày, càng lúc càng chính xác và mau hơn. Sau bốn tuần lễ, các bác sĩ chụp hình bộ não của những người này và thấy phần não liên hệ với động tác gõ tay lớn ra. Điều này chứng tỏ sự tập luyện đều đặn đã tuyển được thêm các tế bào thần kinh khác tham dự cùng với những đường giây hay mạch thần kinh nối kết mới phát sinh phát triển khi tập luyện.[3] Bộ não và tâm liên hệ với nhau mật thiết, một bên là vật chất có thể nhìn thấy, cân đo, và một bên là phi vật chất, không có hình thù, màu sắc hay vị trí. Tuy nhiên, cái gì biểu lộ nơi bộ não thì biểu lộ nơi Tâm, cái gì biểu lộ nơi Tâm thì biểu lộ nơi bộ não. Đó là tính cách không hai hay bất nhị của bộ não và của Tâm cũng như các hiện tượng khác.

Sự tu tập trong đạo Phật gồm hai phần. Trước hết là huấn luyện người tu học phát triển khả năng chú ý và phát triển khả năng nhận biết nguyên nhân và hậu quả những kinh nghiệm sướng và khổ một cách rõ ràng. Sau đó là phát triển khả năng thấu suốt tất cả mọi hiện tượng, trong đó có cả những cảm xúc thương ghét, thân thù, ưa giận, thoải mái, sợ hãi, ham muốn, chán chường, sướng khổ, vừa biểu lộ trên bình diện sắc hay tướng, như sự giận dữ xuất hiện thì cảm thấy sự căng thẳng nơi Tâm và áp lực nơi Thân do tim đập mạnh, thở mau hơn, các bắp thịt săn lại, vừa biểu lộ trên bình diện không hay tánh. Mọi thứ có mặt bên trong ta hay bên ngoài ta dù là vật chất, như đóa hoa, hay không phải là vật chất, như một ý tưởng, một niềm vui, đều có thể nhận biết được qua mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân xúc chạm và ý hay trung khu thần kinh phát sinh các ý tưởng. Sự nhận biết về sắc hay tướng đó rất cần thiết cho đời sống của chúng ta, nhưng nếu chúng ta chỉ thấy sắc hay tướng đó mà không thấy tánh rỗng lặng hay như thị, như vậy đó, của các hình thù, màu sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và ý tưởng thì chúng ta bị trói buộc vào trong cái thấy nghe, phát sinh ra những cảm xúc tiêu cực.

Chánh kiến, mà thiền sư Lâm Tế, gọi là kiến giải chân chính, sự thấy biết chân thật, có mặt khi chúng ta thấu suốt tướng và tánh cùng biểu lộ một lúc. Từ kinh nghiệm cụ thể, rõ ràng và chân thật� đó chúng ta ứng dụng vào các sinh hoạt hàng ngày để phát triển khả năng tự tri, đó là biết thật sự những nguyên nhân và hậu quả, khi nào hạnh phúc xuất hiện cùng phẩm chất của nó. Sau khi có những hiểu biết trực tiếp và rõ ràng về niềm hạnh phúc xuất hiện qua sự tự tri, chúng ta phát triển khả năng an trú trong sự vắng lặng, thoải mái để tâm có cơ hội buông xả. Khi sự vắng lặng và buôn xả đúng mức thì tâm tự trở về với trạng thái rỗng lặng rộng lớn ban đầu, trong đó nguồn năng lượng của sự thấy biết rõ ràng chân thật, tình thương yêu và hạnh phúc rực rỡ bừng dậy, biểu lộ thành niềm an vui trong sáng, vững chãi, thảnh thơi, hiểu biết, cảm thông trong các sinh hoạt hàng ngày. Người cư sĩ tại gia sống như vậy Đức Phật gọi là bậc Chân Nhân, một con người chân thật, thường sống với tánh thấy biết rõ ràng đó, có tình thương yêu và sự hiểu biết, với tâm dũng mãnh (vô úy) làm tất cả mọi công việc cần làm cho bản thân và cho vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em, bạn bè, xóm làng mà lòng an vui, thoải mái và thảnh thơi.

2. Mục Đích Tập Khí Công Tâm Pháp

Mục đích của Khí Công Tâm Pháp là huấn huyện Thân và huấn luyện Tâm như các chương trình phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần đã trình bày trước đây để sống khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống hàng ngày. Người đi tu cũng muốn có sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong đời sống tu hành, người cư sĩ cũng muốn có sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong đời sống gia dình trong mối tương quan tốt đẹp với chồng vợ, con cái, cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè, cộng đồng và xã hội. Mỗi bên có một lối sinh hoạt riêng biệt như sự thực hành Khí Công Tâm Pháp có hai phần như nhau, đó là huấn luyện Thân và huấn luyện Tâm. Phương pháp tập luyện Thân, trong đó có bộ não, và Tâm phối hợp với nhau khi tập và trong các hoạt động để có được niềm an vui kỳ diệu và sức khỏe tốt đẹp trong đời sống hàng ngày. Mọi điều tốt hay xấu xuất hiện bên ngoài hay nơi Thân và Tâm chúng ta điều bị chi phối bởi luật nhân quả: Thực hành điều đúng và tốt thì đưa đến kết quả tốt, thực hành điều sai và xấu thì đưa đến kết quả xấu. Kết quả tốt hay xấu đó gọi là nghiệp báo. Có nhiều trường hợp luật nhân quả tác động trong một phạm vi rộng lớn hơn đời sống một cá nhân như cộ�ng đồng, quốc gia, khu vực môi sinh, kinh tế hay chính trị (không gian) hay qua sự nối tiếp của nhiều thế hệ từ ông bà đến con cháu (thời gian). Trong phạm vi cá nhân thì chúng ta dễ dàng nhận thấy tác động của luật nhân quả và gọi đó là nghiệp hay biệt nghiệp. Nghiệp là hành động trong đó có sự tập luyện và cách ăn uống, lời nói, sự suy nghĩ� cũng như lối sống của mỗi người và sự tác động của chúng đưa đến các kết quả tốt hay xấu cho mỗi cá nhân. Trong trường hợp liên hệ đến không gian rộng lớn và thời gian lâu dài hơn như một giòng họ, cộng đồng, quốc gia, chủng tộc, quả đất, thì chúng ta gọi là cọng nghiệp, như dịch cúm gia cầm là cọng nghiệp chung của loài người.

Chúng ta có thể lấy ví dụ về cảm xúc sợ hãi. Sợ hãi là một cảm xúc có nhiều cấp độ khác nhau khi chúng ta đối diện với một sự nguy hiểm thật sự như đang đi bộ trong rừng thình lình thấy xuất hiện một con gấu lớn, hoặc là chúng ta ngồi trong phòng xem truyền hình về phim kinh dị, ma quái. Vào thập niêm 1970, tâm lý gia Paul Ekman và nhiều nhà tâm lý học tìm hiểu về cảm xúc nơi các chủng tộc khác nhau để biết rõ về ý nghĩa của sự biểu lộ cảm xúc qua nét mặt như hạnh phúc, lo lắng, ghê tởm, giận dữ, khổ đau, buồn rầu hay sợ hãi. Họ kết luận: Những người thuộc các chủng tộc và văn hóa khác nhau khi nhìn vào hình bày tỏ niềm vui (nụ cười) hay sự giận dữ (mắt trợn, môi bặm) vv� để nhận biết về cảm xúc của người trong tấm hình. Nói khác đi, cảm xúc có tính cách phổ biến. Một người dân sống trong một bộ lạc tại một hải đảo cách biệt với thế giới văn minh hay một người dân sống tại thành phố New York hay Tokyo dông đúc náo nhiệt thì sự biểu lộ cảm xúc của họ trên nét mặt thường giống nhau..

Không những loài người có sự sợ hãi mà cả nơi loài vật cũng vậy. Charles Darwin, người khai sinh ra lý thuyết tiến hóa để giải thích về tiến trình phát triển các loài sinh vật qua nhiều triệu năm, là một trong những người đầu tiền cho rằng sợ hãi có cơ sở thể chất hay sinh học. Khi những con chuột, chim, sư tử, beo, gấu, khỉ hay loài người đối đầu với những hiểm nguy đe dọa mạng sống thì đều phản ứng như nhau: bị tê liệt tại chỗ, tim đập mạnh, phổi gia tăng nhịp thở, chất hóa học làm căng thẳng gia tăng trong máu,� khiếp hãi. Người ta cũng khám phá sợ hãi vừa có tính cách di truyền vừa có tính cách học hỏi. Trong Tâm chúng ta được truyền lại về sự sợ hãi loài rắn nhưng nếu không ai nói cho biết loài rắn nguy hiểm thì sự sợ hãi này không phát sinh. Trong cuộc khảo cứu về điều trên được tường thuật với hình chụp trong tập san National Geography năm 2005, các chuyên gia tâm lý đã cho một em bé mới sinh vài tháng nằm trên một con trăn khoanh tròn mà nét mặt em vẫn tươi cười, không chút sợ hãi. Có thể sau này lớn hơn, em bé mới biết sợ loài rắn khi thấy cha mẹ em biểu lộ sự sợ hãi đối với những con vật này. Như vậy, nhiều thứ sợ hãi có tính cách di truyền nhưng nếu họ không được ai nói cho biết về sự nguy hiểm các thứ này có thể mang đến (như rắn) thì sự sợ hãi này không biểu lộ.

Nghiệp là thân làm, miệng nói và ý suy nghĩ, từ đó đưa đến kết quả tốt như khỏe mạnh an vui hay xấu như bệnh tật, buồn phiền. Nghiệp không phải là định mệnh, không có tính cách cố định và chúng ta có thể làm cho biệt nghiệp và cọng nghiệp tốt đẹp hơn qua sự thực hành sống đời an vui và lành mạnh. Tùy năng lượng di truyền (Tiên Thiên Khí), năng lượng do dinh dưỡng và không khí (Hậu Thiên Khí) và năng lượng tâm linh có sẵn nơi mỗi người mà chúng ta phát triển tốt đẹp hơn theo hoàn cảnh và khả năng riêng biệt của mình. Y khoa hiện nay giúp chúng ta biết rõ về tính chất các yếu tố di truyền cùng phẩm chất dinh dưỡng và môi sinh dễ dàng. Ngoài ra, chúng ta cần hiểu rõ thêm về gốc rễ của đời sống, cội nguồn của đời sống hay chân tâm từ đó nguồn năng lượng tâm linh biểu lộ, giúp ích chúng ta rất nhiều trong việc phát triển hạnh phúc và sức khỏe.

3. Tâm Rỗng Lặng, Đại Lạc Và Tỏa Chiếu

Chúng ta mong muốn sống đời an vui hạnh phúc và khi giã từ cuộc đời này ra đi rất bình an. Đó là cứu cánh của sự thực hành trong Phật giáo cũng như trong các tôn giáo lớn hiện nay. Nếu không đạt được cứu cánh trên, chúng ta thường giải thích là do nghiệp báo hoặc mình hy sinh chịu đựng khổ đau thay cho những người khác, mình chịu khổ để cho người khác hạnh phúc, hay là sự thử thách nào đó mình phải gánh chịu để làm dịu bớt câu hỏi ray rứt không lời giải đáp trong lòng: Tại sao chính mình lại gặp phải bịnh tật, tai nạn và khổ đau? Có phải Trời, Thượng Đế, Phật, định mệnh hay thần linh nào đó bắt mình phải gánh chịu tai nạn, chết chóc, chia lìa, khổ đau?

Mỗi tôn giáo đều cố gắng giải thích về vấn đề này. Đạo Phật khích lệ chúng ta thực hành sự thấy biết chân thật hay sống đời giác ngộ để thấy tính cách duyên hợp của mọi hiện tượng hay vạn pháp. Bất cứ hiện tượng gì hay pháp có mặt như một trận động đất, ngọn núi, quả đất quay chung quanh mặt trời, một tô bún bò chay, miếng chanh chua, một niềm vui, nỗi buồn, lòng rung cảm khi nghe một bản nhạc, một cơn đau nhức đều là do nhiều yếu tố hợp lại mà thành. Nếu là thuận duyên thì hiện tượng đó hay pháp đó trở thành tốt đẹp và bền vững hơn, nếu gặp nghịch duyên, các yếu tố kết hợp với nhau để cho hiện tượng đó xuất hiện yếu đi, như� một căn nhà cũ bị hư hại là do các yếu tố kết hợp lại thành ngôi nhà đó không còn tốt nữa như gỗ bị mục, đinh ốc cũng không còn bắt dính chặt chẽ nên cột kèo rơi sập, mưa bão làm cho mái bị hư hại, nước ngấm vào khắp nơi làm cho sự mục nát gia tăng. Muốn có một căn nhà tốt để ở thì chúng ta phải lợp lại mái, thay các cây cột, đóng lại vách tường. Một tô cơm để ra ngoài với không khí ẩm thấp sẽ mau bị thiu, nếu để vào tủ lạnh thì lâu hư. Một niềm vui hay nỗi buồn chúng ta cũng vậy, do nhiều yếu tố bên ngoài cũng như trong lòng chúng ta kết hợp lại. Do đó, sự thấy biết rõ ràng về tính cách duyên hợp hay duyên khởi của mọi thứ trong đời sống tức là thực hành sự thấy biết chân thật hay giác ngộ. Điều đó được đức Phật tóm lược trong một bài kệ giản dị như thâm sâu về định luật duyên khởi này:

"Cái này có thì cái kia có

Cái này không thì cái kia không

Cái này sanh thì cái kia sanh

Cái này diệt thì cái kia diệt."

Thực hành đạo Phật là thực hành một phương pháp để chúng ta trở về với tâm rỗng rang vắng lặng và an vui tự nhiên hay tịch diệt. Tâm trong sáng, rộng lớn, tỏa chiếu, bình an, vắng lặng hay tịch, đồng thời các yếu tố tạo ra khổ đau không còn có mặt hay diệt, nên nói là tịch diệt là niềm hạnh phúc kỳ diệu (tịch diệt vi lạc) hay là Niết Bàn. Sống được như vậy gọi là sống đời giác ngộ. Dù chúng ta đang thực hành phương pháp tu tập Thiền, Tịnh hay Mật tông, chúng ta đều đang thực hành sống đời giác ngộ. Thực hành sống đời giác ngộ là trở về an trú nơi tánh rỗng lặng rộng lớn hay Phật tánh. Đức Phật xác nhận mỗi chúng sanh đều có Phật tánh. Dù chúng ta có biết hay không, Phật tánh này luôn luôn có mặt.

Thông thường chúng ta nghĩ khi tu học để tâm mình trong sạch, an vui, làm điều lành, có tình thương yêu, học hỏi Phật pháp, bố thí giúp đỡ người nghèo thì Tâm mình là tâm Phật. Lúc nào mình đi mua sắm, làm ăn, tính toán công việc, đem tiền đi bỏ ngân hàng, đi vào nhà vệ sinh, nấu ăn, giao tiếp với khách hàng, theo dõi tin tức thị trường chứng khoán, tham dự các buổi trình diễn văn nghệ hay xem chiếu bóng, đi dự tiệc mừng hay tiệc cưới, suy nghĩ, phân tích, tính toán ngân sách gia đình, v.v. thì mình xa tâm Phật. Một bên gọi là những hành vi thánh thiện hay Thánh, và một bên là những hành vi phàm trần gọi là Phàm.

4. Thánh Phàm Là Hai Mặt Của Thực Tại

Làm những hành vi Thánh thì chúng ta thấy có nhiều hạnh phúc. Khi làm những hành vi Phàm thì chúng ta ít thấy hạnh phúc, nhiều khi còn bực bội, khó chịu, khổ đau. Do đó, chúng ta ước mong làm được nhiều điều Thánh và giảm bớt những điều Phàm.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hành sự chú tâm thoải mái, trực tiếp thấy biết những thứ xuất hiện nơi Tâm của mình một cách trực tiếp không qua sự suy nghĩ hay phân tích, còn được gọi là trực thức, thì chúng ta thấy rõ các ý tưởng đối nghịch xuất hiện, những thứ tốt và xấu xen kẽ lẫn nhau, những điều muốn làm lợi cho người khác vừa lắng xuống thì những điều muốn làm lợi riêng cho mình trỗi dậy mạnh mẽ, sau tình thương thì sự giận dữ, thù hận hay ganh ghét xuất hiện. Những phản ứng trong lòng chúng ta khi thấy hình ảnh, nghe âm thanh, ngửi mùi, nếm vị, cảm giác ấm lạnh, tâm tư vui buồn, ưa ghét� không những chúng ta thấy rõ phản ứng nơi Tâm của mình mà còn thấy rõ phản ứng nơi Thân nữa. Đó là khi thấy thức ăn ngon, khi gặp người thân hay người mình ghét, khi đối diện với những người khác màu da, tôn giáo hay quan điểm chính trị qua cách chúng ta ăn uống, chào hỏi, nói chuyện hay chống đối lẫn nhau.

Chúng ta thấy rõ tính cách khác biệt của hai loại hoạt động Thánh và Phàm nói trên cùng hậu quả là sướng và khổ thay nhau xuất hiện trong tâm của mình. Nhiều người nghĩ xa lánh cuộc đời, làm nhiều việc Thánh thì hạnh phúc gia tăng. Họ có thể tham gia rất nhiều sinh hoạt tôn giáo hay cả vào các tu viện để sống theo lý tưởng Thánh và xa cách Phàm. Điều đó cũng đem lại an vui. Tuy nhiên, Thánh hay Phàm không chỉ ở bên ngoài cuộc đời hay là những tên gọi, mà nó nằm ngay nơi Tâm của mỗi chúng ta. Chúng ta đi đâu thì Tâm mình ở ngay chỗ đó. Do đó, những ray rứt, giận hờn, nhớ nhung, quằn quại, bực bội, ganh ghét, hận thù, ham muốn, giận dữ lâu nay tưởng đâu biến mất qua những sinh hoạt mới mẻ, thánh thiện, giờ đây lại xuất hiện một cách vi tế dưới những danh từ cao quý hơn, những hành vi bên ngoài biểu lộ tình thương, nhân đạo hay đạo đức. Nói khác đi, chúng ta càng ưa Thánh, thì Thánh sẽ trở nên một mối ám ảnh và bao che cho chúng ta trong rất nhiều hành vi Phàm tức là lòng nhỏ nhen, tham lam, ích kỷ, sân hận cùng nhiều tánh xấu khác. Nói khác đi, chúng ta làm nhiều hành vi bên ngoài hình như là cao quý nhưng bên trong hay thực chất của chúng là bị thúc đẩy bời năng lực của những ham muốn sai lầm (tham), sự giận dữ hay hung hăng (sân) và sự mê mờ không thấy rõ tánh chất của những hành vi này (si). Cội nguồn khổ đau như vậy vẫn còn có mặt nhưng tinh tế hơn cho nên sự bất an do sự xung đột Thánh Phàm trong lòng chúng ta trở nên sâu sắc hơn vì chúng ta không muốn nhìn sự thực thật có trong lòng mình. Nếu chúng ta có tu học, cố gắng làm lành tránh ác mà tâm si vẫn còn thì mối xung đột trở thành vi tế. Nếu không tu học thì nó trở nên dữ dội hơn. Chúng ta cứ nhìn vào những cuộc xung đột hiện nay dưới nhiều danh nghĩa công bằng, chân thật, chân lý, tôn giáo, giải phóng, thịnh vượng, thì chúng ta thấy rất rõ. Niềm xung đột bên trong lòng người càng lớn thì chúng biểu lộ thành những hành vi bạo động đưa đến sự tác hại, chết chóc, tàn pha, tạo ra khổ đau cho người khác không lường được.

Để làm dịu đi những xung đột vi tế bên trong, chúng ta thường tụng đọc kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa để giúp nhận biết tánh thực sự của tất cả mọi hiện tượng trong đó có Thánh Phàm, hạnh phúc và khổ đau, bầu trời và hạt cát vừa có mặt thực sự trong một hình thái nào đó hay Sắc, vừa là rỗng lặng hay Không. Sắc và Không cùng biểu lộ cùng một lúc và không ngăn trở cho nhau như trong lời kinh:

"Sắc chính thực là không

Không chính thực là sắc

Thọ, tưởng, hành, thức

Cũng đều như vậy cả.

Xá Lợi Tử nghe đây

Thể mọi pháp điều không

Không sanh cũng không diệt

Không dơ cũng không sạch."

Hay nói khác đi, các cảm giác, nhận thức, tâm tư và thấy biết (được phủ trong chiếc dù hai mặt Thánh/Phàm) đều xuất hiện cùng một lúc dưới hai thứ là Sắc, có một hình tướng nào đó có thể thấy biết được hay Tướng, vừa là rỗng lặng, thường được gọi là tánh không hay Tánh. Về mặt hiện tượng hay Tướng thì có thơm hôi, ngon dở, xấu tốt, đen trắng, về mặt Tánh thì rỗng lặng. Vì hai thứ cùng xuất hiện một lúc tràn đầy, rõ ràng, chân thật, không thể dùng lời lẽ, danh từ, hay bất cứ cách gì để mô tả nên gọi là Như� Thị, nó chỉ là chân thật như vậy đó qua cái thấy biết trực tiếp không dính dáng gì đến tên gọi hay kinh nghiệm quá khứ. Nếu trực tiếp nhận biết điều đó thì cõi lòng chúng ta mở rộng, mọi sự dính mắc vào Thánh Phàm, từ đó tạo ra ảo tưởng về cái tôi hay Ngã của mình, tự chúng tan biến. Một nguồn năng lượng tinh khôi, mới mẻ trong sạch tràn đầy bừng dậy và tỏa chiếu sự thấy biết chân thật, tình thương yêu rộng lớn và hạnh phúc bao la bừng dậy.

Trong ước mong tốt đẹp đó mà ba tông phái Thiền, Tịnh và Mật Tông đều đề cao và đều tụng đọc Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật, khích lệ chúng ta thấy biết cái Như Thị, trực tiếp thấy biết Tánh và Tướng tuy khác nhau nhưng cùng biểu lộ cùng một lúc tràn đầy trong nhau. Đó là tính cách Không Hai hay Bất Nhị (không phải là cùng một thứ nhưng không phải là khác nhau) cùng có mặt một lúc một cách chân thật, rõ ràng kỳ diệu nên gọi là Chân Như� Thật Tánh (tánh chân thật thực sự của mọi hiện tượng hay pháp).

5. Không Gian Không Là Sáng, Cũng Không Là Tối

Thông thường khi mặt trời lên chúng ta thấy bầu trời đầy ánh sáng. Khi mặt trời lặn thì bầu trời đầy bóng tối do đó chúng ta nói có ngày và đêm, có không gian sáng và không gian tối. Điều đó rất đúng trong nhận thức bình thường. Tuy nhiên, khi chúng ta để lòng mình lắng dịu, nhìn vào không gian khi mặt trời sắp lặn thì thấy khi ánh sáng mặt trời tỏa chiếu thì không gian sáng, khi ánh sáng mặt trời biến đi thì không gian tối. Trước rạng đông cũng vậy, không gian đang tối từ từ trở thành sáng. Như vậy, không gian không phải là sáng mà cũng chẳng phải là tối, không gian luôn luôn như vậy. Sáng và tối thay nhau xuất hiện (hay đoạt lẫn nhau) nhưng tính chất rỗng lặng của không gian không bao giờ thay đổi. Sự thật đó được thiền sư Hoàng Bá đem ví dụ cho Tâm chân thật hay Tâm Phật nơi mỗi người: Thánh và Phàm thay nhau xuất hiện nhưng tâm Phật cũng như không gian rỗng lặng chưa từng là Thánh mà cũng chưa từng là Phàm.

Chư Phật với tất cả chúng sanh chỉ là một Tâm, chẳng có pháp khác. Tâm này từ vô thủy đến nay chưa từng sanh chưa từng diệt, chẳng xanh chẳng vàng, vô hình vô tướng, chẳng thuộc hữu vô, chẳng phải mới cũ, không dài không ngắn, không lớn không nhỏ, siêu việt tất cả hạng lượng, tên gọi, dấu tích, đối đãi. Vật nào ngay bản thể vật đó là phải, động niệm liền sai. Cũng như hư không chẳng có biên giới, chẳng thể đo lường, chỉ một Tâm này tức là Phật. Phật với chúng sanh chẳng có sai biệt mà chúng sanh thì chấp tướng hướng ngoại tìm cầu. Tìm tòi trở thành lạc lối, đem Phật tìm Phật, dùng Tâm bắt Tâm, trọn đời suốt kiếp cũng chẳng đắc được, chẳng biết ngưng niệm dứt tưởng thì Phật tự hiện tiền. Tâm này tức Phật, Phật tức là chúng sanh, lúc làm chúng sanh tâm này chẳng bớt, lúc làm Phật Tâm này chẳng thêm, cho đến lục độ vạn hạnh hằng hà sa số công đức vốn tự đầy đủ, chẳng nhờ tu tập. Gặp duyên thì làm, hết duyên thì thôi. Nếu chẳng quả quyết tin tự Tâm này là Phật mà muốn chấp tướng tu hành để cầu công dụng đều là vọng tưởng, đều trái với đạo. Tâm này tức là Phật, chẳng còn Phật khác, cũng chẳng tâm khác. Tâm này sáng tỏ trong sạch như hư không, chẳng có tướng mạo.� Nếu tu lục độ vạn hạnh muốn cầu thành Phật tức là thứ lớp. Từ vô thủy đến nay chẳng có Phật thứ lớp. Hễ ngộ được Tâm này thì không có một mảy may pháp để đắc, ấy tức là chân Phật, Phật với chúng sanh tất cả không khác. Cũng giống như hư không chẳng tạp nhiễm chẳng hủy hoại, như mặt trời chiếu khắp bốn thiên hạ, khi mặt trời lên sáng khắp thiên hạ, hư không chưa từng sáng, khi mặt trời lặn tối khắp thiên hạ, hư không chưa từng tối. Cái cảnh sáng tối tự đoạt lẫn nhau mà tánh của hư không rõ ràng chẳng biến đổi. Phật và chúng sanh tâm cũng như thế.

Chấp tướng tạo ác thì uổng chịu luân hồi, chấp tướng tạo thiện thì uổng chịu lao nhọc, không bằng ngay đó tự nhận lấy bản pháp. Pháp này tức là Tâm, ngoài Tâm chẳng pháp, Tâm này tức là pháp, ngoài pháp chẳng Tâm. Tâm tự vô tâm, cũng chẳng có kẻ vô tâm, nếu đem Tâm này cho là vô tâm thì Tâm lại thành có. Kẻ ngộ dứt tuyệt tư nghì, chỉ mặc khế (âm thầm khế ngộ) mà thôi, nên nói "Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt" (đường ngôn ngữ dứt, nơi suy nghĩ diệt) [4]

Như vậy trong cái Tâm rỗng lặng, rộng lớn, trong sạch (chân không) các hiện tượng hay pháp tùy duyên xuất hiện qua sự tiếp xúc giữa sáu căn đối với sáu trần. Khi mắt nhìn đóa hoa hồng thì trong cái rỗng lặng đóa hoa hồng có mặt một cách tuyệt đối, chân thật không còn qua tên gọi về hình dáng hay màu sắc. Đó là sự có mặt kỳ diệu của các hiện tượng hay diệu hữu. Chân không lúc nào cùng đồng thời có mặt với diệu hữu. Diệu hữu lúc nào cũng đồng thời có mặt với chân không. Đó là sự kỳ diệu của thế giới chân thật hay Pháp Giới: Chân Không Diệu Hữu.

Trong Mật Tông có nói đến Đai� Thủ Ấn là tên gọi của Tâm chân thật của tất cả chúng sanh, Tâm này bình đẳng với Tâm chư Phật vốn trong sạch, rỗng lặng, thường trụ. Dù ở chúng sanh không bớt mà ở chư Phật không thêm, dù bị vô minh che khuất nhưng thể tánh Tâm chân thật này vẫn tự sáng tỏ, trong sạch, dù ở lục đạo luân hồi tâm này chẳng thêm chẳng bớt. Cổ Phái Mật Tông gọi Tâm chân thật này là Phổ Hiền Như Lai hay Bổn Giác Như� Lai với lời dạy như sau:

�Phổ Hiền Như Lai hay là Phật nguyên thỉ, chẳng cần dùng sức để tẩy trừ nghiệp chướng, ví như nước biển bị gió khơi động mà sanh khởi làn sóng, nếu còn khuấy động (dùng sức tẩy trừ) thì làn sóng không khi nào được dừng lại mà thành trong lặng. Cũng như mây mù dù trôi nổi trên không, khi mây mù tan thì sự trong sạch của hư không tự hiện; lúc mây mù che khuất hư không, tánh không vẫn là tánh không, chưa hề giảm bớt chút nào. Nếu Tâm của con người chẳng có thể tánh sáng tỏ trong sạch thì bất cứ dùng phương tiện nào cũng chẳng thể tẩy sạch, vì bản Tâm vốn trong sạch diệu minh mới có thể dùng phương tiện tẩy trừ vọng niệm cho đến thành Phật.� [5]

Phương tiện thực hành này đại sư Tilopa trong Đại Thủ Ấn giảng giải rất rõ ràng:

Trong không gian, các hình thù và màu sắc xuất hiện

Nhưng chẳng vật gì làm vẩn đục không gian.

Từ tự tánh chúng ta mọi thứ xuất hiện,

Nhưng đức hạnh và tội lỗi không làm nó ô nhiễm.

Bức màn đen tối của muôn thế kỷ

Không che nổi mặt trời tỏa chiếu;

Thời gian dài vô cùng tận của luân hồi

Không thể ngăn chặn ánh sáng chiếu diệu của Tâm.

Dù có dùng ngôn ngữ mà giải thích về Tánh Không

Thì Tánh Không ấy cũng không thể diễn tả được.

Dù nói rằng Tâm chiếu sáng một cách huyền diệu

Thì chân lý ấy vượt ra ngoài ngôn ngữ và biểu tượng.

Dù thể tánh của Tâm là trống rỗng

Nhưng nó bao trùm và chứa đựng mọi vật.

Để thâm nhập vào chân lý nhiệm mầu đó,

Đừng để tâm thực hành điều gì.

Hãy câm nín và yên lặng,

Hãy làm cho tâm trống rỗng

Và không nghĩ đến điều gì cả,

Như một cành trúc rỗng lòng,

Thân thể an nghỉ thoải mái�

Kẻ nào còn dính mắc vào tâm

Thì không thấy được chân lý vượt ngoài Tâm.

Kẻ nào nỗ lực tu tập

Thì không thấy chân lý vượt ngoài sự tu tập.

Để biết được điều vượt ngoài tâm và sự tu tập

Thì hãy cắt mọi gốc rễ của Tâm

Và nhìn mọi vật bằng con mắt trần trụi (chân thật)

Như thế ta sẽ thoát được sự dính mắc

Vào tâm Phân biệt

Và ở trong sự thoải mái tự nhiên. [6]

Tuy hai vị Đạo Sư nhắc nhở đừng làm điều gì cả, chỉ cần trở về với sự chân thật tự nhiên đang có mặt nơi đây, nhưng cũng chỉ bày cách thực hành:

"Người học đạo trước tiên bỏ các duyên tạp học, quyết định chẳng cầu, quyết định chẳng chấp, nghe pháp thâm sâu giống như gió thoảng qua lỗ tai, qua rồi thì thôi chẳng truy tầm nữa, ấy mới gọi là thâm sâu. Tức là vào Như Lai Thiền, 'lìa sanh Thiền tưởng' (sanh tâm cho là Thiền gọi là sanh Thiền tưởng). Cho nên nói 'khi tâm mong cầu thì bị ma của tâm mong cầu trói buộc, khi tâm chẳng mong cầu thì bị ma của tâm chẳng mong cầu trói buộc.' Ma chẳng từ ngoài đến, từ tự tâm ngươi ra." [7]

Nói khác đi, chúng ta sống với cái thấy biết rõ ràng chân thật, đừng có bị các danh từ giải thích về đạo hay đời trói buộc, rồi cứ suy luận, phân tích, tìm tòi mãi về ý nghĩa danh từ mà không tiếp xúc được trực tiếp với nhữnhg gì chúng ta đang thấy, nghe hay xúc cảm. Điều đó vị thầy Mật Tông Đại Sư Tilopa nhắc nhở:

"Cái thấy của bậc Nhân Vương

Là siêu lên mọi sự đối đãi

Và thực hành sự không quên lãng trong đời sống.

Con đường vô hành là con đường của chư Phật,

Những kẻ nương theo đó thực hành

Sẽ đạt được Phật quả." [8]

Như vậy, cả hai vị đạo sư đều nhắc nhở thực hành sự chú tâm thoải mái hay chánh niệm, thấy biết mọi thứ xuất hiện trong cái rỗng lặng chân thật mà đừng dính mắc vào những ý tưởng phân biệt Thánh Phàm cùng những ưa ghét từ đó khởi dậy thì chúng tự bày tỏ cái chân thật hay 'thật tánh của vô minh là tánh Phật'. Thực hành điều đó là thực hành sự buông xả tự nhiên thoải mái trong đời sống hàng ngày là điều kiện cần thiết của hạnh phúc chân thật.

6. Sống Với Tâm Bình Thường

Có một thầy hỏi thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm thế nào là đạo, ngài trả lời: "Bình thường tâm là đạo." Và thực hành sống đời sống giải thoát là thầm lặng sống với cái tâm bình thường đó vốn chẳng Thánh, chẳng Phàm, chẳng sáng chẳng tối, chẳng nóng chẳng lạnh, như không gian rỗng lặng mọi thứ thay nhau xuất hiện nhưng không gian không là thức gì cả. Trong tâm bình thường này mọi thứ xuất hiện nhưng tâm đó luôn luôn rỗng rang vắng lặng. Chỉ cần ngưng lại mọi sự giải thích, lý luận, tìm kiếm, phân tích thì thầm nhận được sự rỗng rang vắng lặng này, trong Thiền gọi là dứt niệm. Thiền sư Lâm Tế giảng dạy cho quý thầy học đạo như sau:

Chỉ vị cầu đạo quý ông tìm kiếm mãi, Tâm không dứt được niệm. Quý ông cầu chân lý! Theo chỗ thấy của sơn tăng thì dứt hết là quý ông ngồi trên đầu báo hóa thân Phật. Mười địa bồ tát chẳng qua như đứa trẻ hầu, hai phần diệu giác như gông đeo cùm khóa, la hán bích chi chỉ là bùn phẩn, bồ đề niết bàn như hàm thiết buộc ngựa lừa.

Ví nói đến chỗ thấy của sơn tăng thì không gì không sâu thẳm, không gì chẳng giải thoát. Quý ông cầu chân lý! Tâm pháp không hình tướng xâu suốt hết mười phương:

Tại mắt gọi là thấy,

Tại tai gọi là nghe,

Tại mũi ngưởi mùi,

Tại miệng nói bàn,

Tại tay nắm giữ,

Tại chân đi đứng.

Gốc là một tinh minh chia ra làm sáu phần hòa hiệp. Một Tâm đã không nên tùy chỗ mà giải thoát. Được như vậy là chốn chốn chẳng trệ, xâu suốt mười phương, ba cõi tự tại, vào tất cả các cảnh giới sai biệt; trong khoảng một búng tay, vào suốt pháp giới, gặp Phật nói Phật, gặp Tổ nói Tổ, gặp La Hán nói La Hán, gặp ngạ quỉ nói ngạ quỉ, dạo nát khắp quốc độ, giáo hóa khắp chúng sanh mà không lìa một niệm.

Nếu có người đứng bên hỏi ta về việc cầu Phật, ta liền tùy ứng đưa ra cảnh giới thanh tịnh. Ví hỏi ta về Bồ Tát, ta liền tùy ứng đưa ra cảnh giới từ bi. Ví hỏi ta về Niết Bàn, ta liền tùy ứng đưa ra cảnh giới tịch tĩnh.

Cảnh thì sai khác muôn vàn, người thì chẳng sai khác: đó là thùy theo ngoại vật mà ứng hiện hình tướng, như trăng trong lòng nước. [9]

Lời dạy của thiền sư Lâm Tế thật là kỳ diệu, chân thật và rõ ràng: Tâm chân thật, Tâm Phật mà thiền sư Triệu Châu gọi đó là Tâm bình thường có sẵn nơi mỗi chúng ta vốn rỗng rang vắng lặng không thể diễn bày (thể), nhưng Tâm đó biểu lộ qua cái thấy biết của sáu căn tai, mắt, mũi, miệng, thân và ý (tướng) và hoàn thành chức năng (dụng) tốt đẹp trong đời sống hàng ngày như đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, ngồi thiền, làm việc, đóng góp vào việc Phật sự, làm việc ở sở, nấu cơm chùi nhà, bảo vệ an ninh phố xá, du lịch, mua sắm, giúp đỡ bà con, đóng góp cho các chương trình xã hội, xây dựng hạnh phúc gia đình, dạy dỗ con cái, phát triển sự nghiệp. Tất cả các sinh hoạt hàng ngày nối tiếp trong cái Tâm rỗng rang vắng lặng nên mọi thứ điều yên ổn, thoải mái, tốt lành và thành tựu. Nói khác đi, từ Tâm chân thật đó chúng ta biểu lộ qua rất nhiều hoạt động khác nhau trong ngày.

Vậy chúng ta làm sao có đủ năng lượng chú tâm thoải mái hay chánh niệm để an trú trong cái rỗng rang vắng lặng đó cùng biểu lộ tốt đẹp và trọn vẹn trong mọi sinh hoạt bình thường? Có bốn cách mà chúng ta có thể thực hành và dần dần phối hợp trong mọi sinh hoạt hàng ngày:

1. Thực hành theo lời dạy theo Mật tông là duy trì càng lâu càng tốt sự chú tâm thoải mái (chánh niệm) nơi trạng thái giữa thức và ngủ (tâm tỏa chiếu hay quang minh, lặng lẽ, trong sáng, thấy biết êm dịu xuất hiện trong trạng thái gần như sắp ngủ nhưng tâm còn thấy biết rõ ràng và vắng lặng một cách tự nhiên). Những người ngủ trưa có thể ngồi trên ghế và thực hành điều này rất dễ vì một lúc sau ngủ quên, đầu gật xuống thì tỉnh dậy và thực hành tiếp. Ngoài ra, những lúc bị bệnh phải nằm hay ngồi một chỗ, thực hành phương pháp trên cũng rất tốt. Thực hành điều này thành thạo giúp cho chúng ta phát triển được khả năng trở về với trạng thái vắng lặng nơi Tâm (không suy nghĩ) rất dễ dàng và khi sắp lìa đời an trú trong tánh thấy biết chân thật, trở về với tâm rỗng lặng và tỏa chiếu, và ra đi rất bình an.

2. Khi tập Khí Công Thiếu Lâm, phần đầu của Khí Công Tâm Pháp, không đếm số lúc nín thở hay vận hơi, trở về với tâm vắng lặng tự nhiên, biết rõ về hơi thở, nơi vận chân khí đến cùng cảm nhận niềm an lạc gia tăng nơi phần thùy trán trước (hay đan điền thượng, vùng não phía trước trán) mỗi hơi thở ra. Từ đó chúng ta quen dần trở về trạng thái rỗng lặng rộng lớn, đại lạc và tâm tỏa chiếu. Khi tập Dưỡng Sinh Tâm Pháp, thở đan diền duyên theo lời niệm Phật, thực hành sự buông xả và an trú trong niềm an vui kỳ diệu.

3. Thực hành thở nhẹ nhàng đan điền càng lâu càng tốt với sự chú tâm thoải mái cùng an trú hay buông xả vào tâm vắng lặng. Thực hành phương pháp này trong mọi sinh hoạt trong ngày, càng lâu càng tốt, tâm tự nó sẽ trở nên lắng dịu và trở về trạng thái rỗng lặng, rộng lớn, tỉnh thức và tỏa chiếu trong mọi hoạt động thường ngày.

4. Phát triển dần khả năng thấu rõ tánh rỗng lặng hay tánh không của mọi hiện tượng nên không còn bị các cảm xúc trói buộc như trước, tâm trở nên bình an, thoải mái, tự tại, cảm thông nên hạnh phúc cùng sức khỏe gia tăng tốt đẹp. Cách thực hành giản dị: Thấy biết mà không gọi tên, như nhìn đóa hoa thấy rõ hình dạng và mầu sắc nhưng không gọi là hoa lan mầu trắng.

Tuy các vị Đạo Sư nhắc nhở chúng ta chỉ cần buông xả sự tìm kiếm và an trú tự nhiên trong tâm chân thật hay tâm Phật (thể), để Tâm chân thật đó biểu lộ qua cái thấy biết của sáu căn (tướng) và hoàn thành chức năng tốt đẹp qua mọi sinh hoạt trong ngày (dụng) nhưng vì năng lượng duy trì sự an trú trong tâm rỗng rang vắng lặng đó còn yếu nên chúng ta cũng phải thực hành dâng hương, lễ Phật, tụng kinh, ngồi thiền, thiền hành và phát triển năng lượng của chú tâm thoải mái trong các sinh hoạt hàng ngày khác.

Như vậy, sự tập luyện của chúng ta gồm có hai phần:

1. Tập luyện để phát triển sức khỏe và niềm an lạc nơi thân và bộ não.

2. Phát triển khả năng an trú trong sự vắng lặng của tâm để tánh thấy biết chân thật, còn gọi là tánh giác hay Phật tánh, biểu lộ linh hoạt qua cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm cùng mọi sinh hoạt cùng tập luyện thường ngày.

Đó là sự huấn luyện Thân và Tâm để đưa đến trạng thái Thân Tâm nhất như hay Thân Tâm là cái toàn diện mầu nhiệm. Thực hành như vậy là 'công đức vô lượng', đặt trên nền tảng của 'hành động không công đức' như các vị thiền sư thường nói: Một người suốt ngày đi ngoài đường nhưng lúc nào cũng ở trong nhà, 'đi bộ lưng trâu ngồi', hay: 'cả ngày ăn mà miệng chưa từng nhai', hoặc vị khác nói thơ mộng hơn và mầu nhiệm hơn:

Bóng trúc quét trên thềm nhà

Mà không một hạt bụi dấy lên

Ánh trăng rơi trong lòng nước

Mà không một dấu vết gì lưu lại. [10]

Còn chúng ta, những người tập Khí Công Tâm Pháp và có kinh nghiệm an trú trong niềm hạnh phúc trong sáng, vắng lặng, khi ăn cơm ở nhà hay khi đi dự tiệc tùng thì chúng ta diễn tả điều trên một cách bình dân hơn: "Một người ăn cơm không có ớt mà suốt ngày thấy cay, một người ngồi ăn cả tô ớt mà chẳng thấy cay chút nào." Và điều kỳ diệu là hai câu trên cùng một ý nghĩa.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Kinh Tạp A Hàm I, kinh 284

[2] Tăng Chi Bộ Kinh, Viện Đại Học Vạn Hạnh Xuất Bản, trang 378

[3] The Art of Happiness, The Dalai Lama and Howard Cutler, MD, Riverhead Books, Newyork, 1998

[4] Hoàng Bá Ngữ Lục, HT Thích Duy Lực dịch, Tứ Ân Thiền Đường, 1993

[5]� Cội Nguồn Truyền Thừa và Thiền Thất Khai Thị Lục, HT Thích Duy Lực dịch, 2005

[6] Diệu Pháp Và Con Đường Sống An Vui Hạnh Phúc, Phụng Sơn, 1993

[7] Hoàng Bá Ngữ Lục, HT Thích Duy Lực dịch, Tứ Ân Thiền Đường, 1993

[8] Diệu Pháp Và Con Đường Sống An Vui Hạnh Phúc, Phụng Sơn, 1993

[9] Thiền Luận, Trúc Thiên Dịch, Chùa Khánh Anh ở Pháp tái bản

[10] Thiền Luận, Trúc Thiên Dịch, Chùa Khánh Anh ở Pháp tái bản

Chương V

KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ THIỀN

Chúng ta tiếp tục tập thở đan điền và gia tăng khả năng nhận biết cảm giác nơi thành bụng khi thở vào (phồng) và khi thở ra (xẹp). Bên cạnh việc tập thở đan điền khi ngồi yên một chỗ (Thiền tĩnh lặng), chúng ta cũng thực hành tập thở đan điền khi đi bộ để phát triển dần dần khả năng thực hành Thiền hoạt động. Ngoài ra, chúng ta cũng tiếp tục tìm hiểu thêm về ý nghĩa sự thực hành Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động.

Thiền là trở về với sự vắng lặng nơi Tâm, từ sự vắng lặng đó mà niềm hạnh phúc bừng dậy. Trong đạo Phật, chúng ta thường nghe nói đến Niết Bàn hay trạng thái tịch diệt. Tịch là vắng lặng và diệt là sự chấm dứt các khổ đau. Khi các khổ đau không còn có mặt thì niềm hạnh phúc xuất hiện.

1. Bộ Não Phân Chia Ra Những Vùng Khác Biệt

Tiến sĩ tâm lý học Daniel Goleman phát biểu về hạnh phúc theo khoa thần kinh học như sau:

"Tất cả chúng ta đều mong muốn tìm kiếm hạnh phúc, chúng ta cần giảm đi những khổ đau để đạt được điều đó. Khoa thần kinh học cho chúng ta một giải thích về sinh học như sau: Vùng não bộ phía bên trái thuộc vùng vỏ não trước trán bên trái, có nhiều hoạt động khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc, nơi đó chứa đựng nhiều tế bào thần kinh có khả năng làm im lặng các cảm xúc gây xáo trộn, giúp chúng ta phục hồi lại mau chóng từ những xúc cảm khổ đau hoặc là không bị làm mất quân bình."

Bộ não có hai bán cầu mà các nhà thần kinh đã phát hiện chức năng của mỗi bên rất khác biệt. Bên trái liên hệ đến ngôn ngữ, viết lách, nói chuyện, lý luận, toán, khoa học, những cảm xúc tích cực, tự chủ và tánh tình. Bên phải có những chức năng như suy nghĩ, sáng tạo, tưởng tượng, thưởng thức nghệ thuật, âm nhạc, nhận biết khoảng cách. Còn khu vực vỏ não trước trán bên trái liên quan đến những cảm xúc tích cực, sự tự chủ (tự chế hay tự kiểm soát, có nghĩa là có những quyết định đúng và thích hợp) và tánh khí (theo nghĩa tánh khí tốt hay bình thường, và tánh khí không tốt hay bất thường).

Khi dùng máy phân hình hay họa hình (brain scanner)� bộ não của các Thiền sư Tây Tạng lúc đang ngồi Thiền thì máy ghi nhận năng lượng gia tăng đưa đến sự tỏa sáng bền vững nơi hình chụp vùng tánh khí của bộ não. Đây là một hiện tượng tốt vì nó biểu lộ sự hoạt động bình thường tốt đẹp. Vùng này chứa đựng các tế bào thần kinh có khả năng làm im lặng những cảm xúc khổ đau. Đây là một điều vô cùng quan trọng đối với người thực hành Thiền cũng như Khí Công Tâm Pháp.

Như chúng ta đã biết, Khí Công Tâm Pháp là Thiền Hoạt Động phối hợp với Thiền Tĩnh Lặng. Thiền là phương pháp thực hành chú tâm thoải mái vào hơi thở để trở về trạng thái buông xả, tỉnh thức, tự tại, linh động và an lạc. Những điều đó biểu lộ nơi Thân và cũng nơi Tâm. Thiền có thể thực hành theo hai cách: hoặc ngồi yên lặng hoặc khi đang hoạt động. Về Thiền Tĩnh Lặng, chúng ta đã biết cách thở đan điền, cách làm cho Thân, Tâm buông xả bằng sự chú tâm thoải mái vào hơi thở. Nhưng Thiền Hoạt Động lại đòi hỏi sự chú tâm thoải mái, tỉnh thức, trong sáng, bén nhạy, thấy biết rõ ràng, trong khi ta vẫn đang thực hiện một hoạt động nào đó. Muốn thế, ta phải đạt được trạng thái vắng lặng của vùng thùy trán trước, nếu được vậy thì việc làm cho êm dịu những cảm xúc khổ đau sẽ đưa đến sự phát triển những cảm giác an lạc.

2. Thiền Là Một Khoa Học Tâm Linh

Là một khoa học thì nếu ta thực hành những phương pháp rõ ràng (nhân) thì sẽ phải đạt được những kết quả rõ ràng (quả); hơn thế nữa, bất cứ người nào thực hành đúng thì đều có kết quả tốt đẹp như nhau. Tâm linh là những thứ thuộc về đời sống tinh thần, để đối lại với thể chất. Hiện nay khoa học có thể biết khá rõ về khía cạnh thể chất, như nhịp thở, số lượng tiêu thụ không khí, áp xuất huyết, mức độ thư giảm các bắp thịt, các chất thần kinh dẫn truyền (như dopamine, endorphin khi chúng xuất hiện) hay hình chụp năng lượng gia tăng ở những khu vực có chức năng làm gia tăng sức khỏe và niềm an vui. Nhưng về đời sống tinh thần, chỉ có người sống trong trạng thái hạnh phúc tuyệt vời mới thực sự cảm nhận tính cách kỳ diệu thâm sâu của trạng thái này. Do đó, khi nói đến tâm linh thì đó là sự cảm nhận về tánh cách an vui kỳ diệu của mỗi cá nhân.

Đức Phật cũng đã giảng dạy cách thức thực hành khoa học tâm linh này qua sự thấy biết rõ ràng về các cảm giác lạc thọ (vui sướng) hay khổ thọ (khổ đau) để thấu suốt tính chất chân thật của các cảm giác này. Đó là, tuy bề ngoài biểu lộ khác nhau, đưa đến những cảm giác sướng khổ khác nhau, những phản ứng ưa ghét khác nhau, nhưng bản chất của chúng vốn rỗng lặng, như thế đó (hay như thị), cũng còn gọi là tánh không hay trung dạo, thực hành điều đó gọi là 'Tâm vô phân biệt'. Nếu thực hành được điều này thì chúng ta sẽ an vui tự tại trong cuộc đời và vượt thoát những khổ đau do sanh, già, bệnh và chết gây ra.

Như chúng ta đã biết, tiến sĩ Kabat-Zinn, người đã thành lập một� trung tâm làm giảm bớt căng thẳng để chữa trị bệnh tật (Stress Reduction Clinic) tại Viện đại học Y khoa (Massachusetts Medical School) vào năm 1979, cách đây 25 năm, đã chữa trị cho trên 16,000 bệnh nhân cùng dạy cho trên 2,000 nhân viên thuộc ngành y tế, trong đó có nhiều bác sĩ và y tá, về Thiền, và nhất là ứng dụng thực hành 'Tâm Vô Phân Biệt'. Sự thực hành nói trên làm cho bệnh tật giảm đi rất nhiều. Trong các cuộc nghiên cứu về kết quả thực hành Thiền, tiến sĩ Kabat-Zinn cho thấy những người bị bệnh vảy nến (psoriasis, một chứng bệnh ngoài da mãn tính sinh ra những mảng vảy ngứa trên khuỷu tay, cánh tay trước, đầu gối cùng vài nơi khác) thực hành Thiền thì lành bệnh mau hơn gấp bốn lần, những người bi ung thư thì có đời sống thoải mái hơn, những người bị bệnh bất an hay các chứng đau nhức thì bệnh cũng giảm nhiều.

3. Một Cuộc Thực Nghiệm Tám Tuần Lễ

Để gia tăng sự hiểu biết rõ ràng hơn, tiến sĩ Kabat-Zinn hợp tác với một số chuyên gia trong đó có tiến sĩ Richard Davidson, một nhà khoa học về thần kinh học xuất thân từ đại học Harvard, thuộc viên đại học University of Wisconsin ở Madison, tuyển lựa những nhân viên làm việc cho một công ty hóa học Promega, ở ngoài vùng Madison, để nghiên cứu kết quả của Thiền Phật Giáo trên hệ thống thần kinh cũng như miễn nhiễm của những người Hoa Kỳ bình thường làm việc trong văn phòng.

Trong tám tuần lễ, cứ mỗi tuần một lần, tiến sĩ Kabat-Zinn đến hãng Promega hướng dẫn cho các nhân viên hãng này, gồm các nhà khoa học, các chuyên viên thị trường, những chuyên viên trong phòng thí nghiệm và cả những người điều hành, ngồi Thiền trên sàn của phòng họp trong vòng ba giờ. Như vậy họ thực hành Thiền tám lần trong hai tháng, mỗi lần đầu của họ được gắn các nút điện của điện não ký để đo đạc. Sau khi chương trình hoàn tất, các chuyên gia tổng kết các thử nghiệm về bộ não cũng như mức độ của hệ miễn nhiễm.

Kết quả cuộc nghiên cứu này được tường trình trên tờ báo chuyên môn về tâm lý trị liệu Psychosomatic Medecine và kết luận là Thiền đã để lại một kết quả lâu dài và rõ ràng nơi các người thực hành Thiền trong hai tháng, mỗi tuần một lần, mỗi lần ba giờ nói trên. Các chuyên gia này nhận thấy ở hệ thần kinh những người tham dự khóa Thiền, có hoạt động gia tăng tại nhiều nơi thuộc vùng vỏ não trước trán. Những hoạt động này kéo dài ít nhất là bốn tháng sau khi họ đã chấm dứt ngồi Thiền. Cũng nên nhắc lại rằng vỏ não trước trán có liên quan đến chức năng trí nhớ, học hỏi, cư xử xã hội và cảm xúc. Ngoài ra, những người đã được ghi nhận về sự gia tăng mạnh mẽ nơi vùng vỏ não trước trán của bộ não thì cơ thể họ sản xuất nhiều kháng thể chống bệnh tật khi họ được chủng ngừa bệnh cúm.

Đó là sự phát triển phẩm chất trong bộ não, xác nhận được chỉ sau hai tháng thực hành. Còn như� quý vị tăng ni Phật giáo hay các vị cư sĩ tu tập lâu ngày, thì kết quả là chắc chắn phải hơn nhiều. Điều này cũng đã được nhà khoa học phân tử sinh học Michael Slater, người có tham dự khóa nghiên cứu về kết quả tốt của Thiền, nói rõ: "Tôi là một người nghi ngờ về giáo điều, chỉ chú tâm về thực nghiệm. Tôi thấy kết quả của sự thực hành Thiền này là sự căng thẳng giảm sút, có nhiều khả năng chịu đựng áp lực hơn và vợ tôi thấy tôi dễ thân cận hơn."

4. Một Cuộc Thực Nghiệm Khác

Khi khoa học đến với Thiền, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu kết quả cụ thể về sự thực hành này trong phạm vi y tế và giáo dục. Trên 30 năm qua, bác sĩ Herbert Benson có chương trình nghiên cứu về sự thư giãn Thân và Tâm mà ông ta gọi là The Relaxation Response, đã cho biết khi thực hành chú tâm thoải mái vào hơi thở thì tâm thần lắng dịu, huyết áp giảm xuống, nhịp thở chậm lại, tim đập chậm, các bắp thịt thư giản, từ đó nhiều bệnh tật cũng bớt đi. Theo sự nghiên cứu của Viện Thân và Tâm (The Mind and Body Institute) thì có từ 60% đến 70% các bệnh tật là do Tâm hay tinh thần sinh ra.

Cuộc nghiên cứu trên cũng cho thấy rõ các trẻ em thực hành Thiền giản dị thì học giỏi hơn, làm việc và phối hợp hoạt động với các em khác tốt đẹp hơn.

Cách Thiền theo bác sĩ Benson thì rất giản dị mà người lớn hay trẻ em điều thực hành được, theo một trong ba phương pháp sau đây:

1. Ngồi thoải mái và niệm: trên ghế hay trên gối và nhắm mắt lại. Thư giản các bắp thịt từ dười chân, bắp chân, đùi, bụng, vai, cổ và đầu. Thở vào thở ra thoải mái và niệm một chữ hay một câu theo ý thích của mình lúc thở ra. Nếu có ý tưởng xuất hiện xen kẽ thì đừng quan tâm, cứ ghi nhận rồi tiếp tục Thiền.

2. Ngồi thở thoải mái và đếm số: Đếm 5 hay 10 số ở mỗi hơi thở ra. Ví dụ: Thở vào, thở ra và nói thầm 'năm', thở vào, thở ra nói thầm 'bốn', cho đến 'một' và lập lại từ đầu. Thực hành từ 10 đến 15 phút là thấy Thân và Tâm êm dịu, thư giãn. Nếu không có nhiều giờ, chỉ cần 5 phút thực hành cũng có kết quả tốt.

3. Cử động lập đi lập lại: Có thể ứng dụng Thiền, hay tạo ra trạng thái Thân Tâm nhất như, khi đi bộ, chạy bộ, vận động, chơi nhạc, hoặc bất cứ hoạt động nào lập đi lập lại các cử động như đan len, thái cực quyền, khí công, Yoga hay tụng đọc những lời cầu nguyện.

Như thế, ba cách thực hành trên bao gồm Thiền tĩnh lặng (ngồi yên), và Thiền hoạt động (vận động chân tay nhịp nhàng trong chánh niệm) để đưa đến trạng thái thư giãn của Thân và buông thư hay buông xả của Tâm. Trên phương diện thực hành cụ thể, những điều nói trên liên hệ đến các sự tập luyện của nhiều nhóm khác nhau như Thiền, Khí Công, Thái Cực Quyền và Yoga. Khí Công Tâm Pháp bao gồm cả ba cách vận động thân thể phối hợp với hơi thở và có một phần tập theo lời niệm do đó kết quả rất tốt đẹp.

Nhiều trường đại học y khoa và các trung tâm chữa trị các loại bệnh tật chú trọng đến khả năng đóng góp vào sự chữa trị bệnh tật của Thiền. Nhiều chứng bịnh có gốc rễ nơi Tâm mà bác sĩ Herbert Benson nói trên cho biết có từ 60% đến 70%, hay có thể nhiều hơn nữa, người đi đến phòng mạch bác sĩ xin khám bệnh là do Tâm sinh ra.

Ngày nay người ta còn nghiên cứu có phải các chứng bệnh béo phì, hiếm muộn, chứng bịnh đường ruột là do Tâm sinh và cách ứng dụng Thiền vào việc làm cho đời sống người phụ nữ mãn kinh được an lạc hơn. Tóm lại, đó là hàng trăm cuộc nghiên cứu ích lợi về Thiền được đem ứng dụng vào nơi làm việc, trường học, nhà thương và các trung tâm giúp gia tăng sức khỏe tinh thần và thể chất.

Những trung tâm thực hành Thiền để phát triển sức khỏe chỉ chú trọng cách thực hành Thiền theo một phương pháp dễ dàng, cụ thể vào việc giúp cho bệnh nhân chóng lành bệnh và sống đời mạnh khỏe. Như đã đề cập ở phần trên, có trung tâm khuyến khích thực hành chánh niệm để chữa trị bệnh tật như Center for Mindfulness in Medecine, Health Care and Society thuộc trường đai học y khoa Massachusetts đã áp dụng cách thực hành do đức Phật dạy trên 2500 năm trước đây để chữa trị hầu như mọi thứ bệnh tật từ áp huyết cao, các chứng đau nhức mãn tính, trầm cảm, béo phì cho đến các phản ứng phụ do sự chữa trị ung thư.

Trên 16,000 người đã ghi tên tham dự khóa thực hành Thiền trong 8 tuần lễ dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Kabat-Zin. Rất đông người khác đã tham dự chương trình tương tự tại nhiều trung tâm y khoa trên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ với chương trình tương tự.

Trong khi ngồi thiền 45 phút, các thiền sinh được hướng dẫn cách ngồi, thở, nhận biết các ý tưởng xuất hiện trong Tâm, nhận biết tính chất mỗi cảm giác mà không để Tâm chạy theo những ưa ghét. Nói khác đi: An trú trong chánh niệm và sống thoải mái trong hiện tại.

Bên cạnh những trung tâm đặc biệt nói trên, nhiều trường đại học y khoa tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, cả trường đại học nổi tiếng Stanford cũng có chương trình hướng dẫn Thiền cho sinh viên hay cho bệnh nhân.

Chúng ta nhấn mạnh đến Thiền trong Phật Giáo vì ngày nay một vài nơi có cách thực hành Thiền rất phức tạp và phải lệ thuộc quá nhiều vào người hướng dẫn nhưng không biết kết quả ra sao vì nhiều khi nhuốm quá nhiều màu sắc thần bí. Các nhà khoa học thì khác hẵn. Họ chọn lựa cách thực hành căn bản do đức Phật chỉ dạy là chú tâm thoải mái vào mỗi hơi thở vào, hơi thở ra, nhận biết các ý tưởng khi chúng xuất hiện và biến đi (đừng chạy theo chúng), các cảm giác sướng hay khổ mà không bị các phản ứng ưa hay ghét làm quên lãng hiện tại. Ngoài ra, khi đi, đứng, co tay, bước chân, mặc áo quần, nói tóm lại là mọi cử động chân tay cũng nhận biết rõ ràng qua sự chú tâm thoải mái hay chánh niệm. Đó là thực hành Tứ Niệm Xứ: Chú tâm thoải mái và thấy biết rõ ràng bốn lãnh vực là thân thể, cảm giác, tâm tư và đối tượng nhận thức. Và nhiều nơi, để tránh màu sắc tôn giáo, các nhà nghiên cứu hay hướng dẫn cũng không nhắc nhở gì đến người khai sáng lối Thiền này tức là Đức Phật. Điều này chắc cũng làm đức Phật vui lòng vì đó là sự ứng dụng một đặc tính của Thiền: Tính cách vô ngã của mọi thứ.

Thực hành nói trên không giới hạn trong ngồi Thiền mà còn cả trong mọi hoạt động thường ngày, đó là Thiền hoạt động. Thực hành Thiền tĩnh lặng hay Thiền ngồi và Thiền hoạt động đưa đến kết quả rất tốt đẹp trong việc chữa trị bệnh tật và đem lại hạnh phúc cho đời sống mỗi ngày. Đó là kết luận của các cuộc nghiên cứu của nhiều bác sĩ và chuyên viên y khoa trong đó có bác sĩ Herbert Benson, người đã làm nhiều cuộc nghiên cứu trên thân thể các thiền sư Tây Tạng tại vùng Hy Mã Lạp Sơn và mới nhất tại Pháp khi các vị thầy Tây Tạng thực hành Thiền Tam Muội Hỏa: Ngồi 8 giờ đồng hồ ngoài trời buốt giá với tấm vải quấn mong manh trong nhiệt độ làm nước đóng băng.

5. Thiền Không Chỉ Là Ngồi

Nếu chúng ta vào tham dự khóa tu học ở các Thiền viện, thời gian ngồi Thiền sẽ rất lâu. Tuy nhiên, ngoài các khóa tu này, các vị tăng ni và cư sĩ sinh hoạt tại Thiền viện được nhắc nhở thực hành thiền khi đi, đứng, ngồi, nằm, ăn cơm, uống trà, nghỉ ngơi, nói chuyện, làm việc, lái xe, mua sắm. Thực hành như vậy là thực hành nội dung Thiền. Còn ngồi hay đi Thiền hành là hình thức Thiền. Hình thức có nội dung là có phẩm chất Thiền. Còn hình thức mà không có nội dung thì thiếu vắng Thiền. Tuy nhiên, có một điều rất quan trọng chúng ta cần nhớ: nếu học Thiền mà không bắt đầu bằng hình thức, tức là ngồi Thiền và Thiền hành, thì không thể nào đi vào nội dung thiền được. Học Thiền cũng giống như học đạp xe đạp: Phải ngồi cho vững vàng trên yên xe rồi mới đạp đi xa được.

Một hôm thiền sư Lâm Tế, vị tổ dòng Lâm Tế, lúc còn học Thiền với thiền sư Hoàng Bá, đang nằm ngủ trong Tăng đường. Thiền sư Hoàng Bá vào thấy bèn gõ vào đầu giường một tiếng. Sư Lâm Tế mở mắt nhìn lên thấy thầy mình đang nhìn liền nhắm mắt ngủ tiếp. Thiền sư Hoàng Bá gõ một lần nữa rồi đi lên nhà trên gặp vị thủ tọa đang ngồi Thiền. Hoàng Bá nói: "Nhà dưới ông thầy trẻ đang hành Thiền, ông ở đây đang vọng tưởng?"

Điều này vị tổ thứ sáu của Thiền Tông, là thiền sư Huệ Năng, cũng lưu lại một câu chuyện. Khi thầy Chí Thành, học trò của ngài Thần Tú (một người chủ trương dành nhiều thì giờ để ngồi thiền), đến tham vấn ngài Huệ Năng, ngài hỏi "Thầy ông dạy tăng chúng ra sao ?" Thầy Chí Thành đáp: "Thầy tôi dạy phải chận đứng tất cả tư tưởng trong tâm (trụ tâm) và ngồi im quán tưởng (quán tịnh), ngồi hoài không nằm." Thiền sư Huệ Năng dạy:

"Trụ tâm quán tịnh là bịnh, chẳng phải Thiền. Ngồi hoài thì thân thể bị gò bó chớ có ích gì. Nghe kệ ta đây:

Sanh ra ngồi chẳng nằm

Chết đi nằm chẳng ngồi

Một bộ xương thúi nát

Có gì đâu công phu."

(Trúc Thiên dịch)

Trên thực tế, các Thiền viện rất chú trọng đến ngồi Thiền. Trong tuần lễ Nhiếp Tâm, các Thiền viện Lâm Tế bắt đầu cho thiền sinh ngồi thiền từ 3 giờ sáng đến 10 giờ tối, xen kẽ Thiền hành, thọ trai, chấp tác, nói pháp và bốn lần tham vấn riêng (tiểu tham) với vị thiền sư. Thiền đường Tào Động thì một tháng dành nguyên một tuần để tu tập, ngồi thiền từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, xen kẽ Thiền hành, thọ trai, chấp tác, nói pháp và tham vấn cho những người nào có câu hỏi riêng tư.

Như vậy, ngồi Thiền và Thiền đi hay Thiền hành là một yếu tố rất quan trọng trong việc học Thiền. Tại sao? Vì ngồi Thiền tạo cơ hội cho Thân thoải mái, Tâm lắng dịu, trong sáng, bén nhạy, tỉnh thức, thấy biết rõ ràng các hoạt động cùng cảm giác nơi Thân và Tâm.� Tuy nhiên, con người là một sinh vật năng động, nếu ngồi trong một thời gian vừa phải thì tốt, còn ngồi lâu dài thì sinh ra bệnh Thân cũng như Tâm. Do đó, các Thiền viện rất chú trọng đến sự chấp tác, làm việc mạnh mẽ bằng tay chân như chùi nhà, quét sân, làm vườn, cuốc cỏ, trồng lúa hay rau trái, có nơi dành thì giờ để tập luyện cho thân thể được mạnh khỏe. Đặc biệt tại chùa Thiếu Lâm ở Trung Hoa, tập luyện võ công phối hợp với Thiền là phương pháp tu rất mạnh mẽ và khó khăn. Tất cả mọi sinh hoạt đi, đứng, nằm, ngồi, tụng kinh, làm việc, ăn uống trong Thiền viện từ Á Châu, Mỹ Châu, Phi Châu hay Uc Châu đều được khuyến khích thực hành trong chánh niệm hay thực hành Thiền hoạt động.

6. Thân Và Tâm

Vào năm 2004, các huấn luyện viên thể thao, khí công, y tá và bác sĩ nhắc nhở phải gia tăng vận động qua qua sự tập luyện và họ đề ra hai phần quan trọng: tập luyện Thân và Tâm, cũng gọi là huấn luyện chức năng.

Trước đây người ta chỉ chú trọng đến tập cho thân thể, không nói đến tinh thần. Họ chú trọng đến tập từng bộ phận một cho mạnh như tập tạ cho mạnh tay, tập đạp cho mạnh chân, tập kéo cho mạnh bắp thịt. Giờ đây họ được nhắc nhở phải tập để cơ thể có một sức mạnh toàn diện do sự phối hợp tốt đẹp của tất cả các phần trong cơ thể như đầu, cổ, xương sống, tay, chân, gân, bắp thịt khi cử tạ, chạy bộ, vận động tay chân và thân thể, v.v.

Họ nhắc nhở đến Tâm khi tập luyện vì nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy nếu Tâm họ duy trì được sự trong sáng và chú tâm thoải mái khi tập thể thao thì kết quả gia tăng bội phần. Nói khác đi, người ta đã chú ý đến yếu tố chánh niệm, chú tâm thoải mái, và định tâm, tâm vắng lặng, trong sáng và vững vàng khi tập thể dục, thể thao, yoga hay các hình thức vận động cơ thể khác.

Thiền là trở về với sự chú tâm thoải mái, sự vắng lặng, tỉnh thức, vững vàng và linh động của tâm. Yếu tố thiền càng lúc càng được các bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên viên tâm thần, huấn luyện viên vận động, các nhà giáo dục khích lệ thực hành. Thiền được áp dụng trong sinh hoạt hàng ngày làm gia tăng phẩm chất đời sống. Bác sĩ Dean Ornish, chuyên gia tim mạch ứng dụng phương pháp chữa trị bệnh tim mạch không phụ thuộc vào thuốc men đã đem chương trình tập Thiền, Yoga, đi bộ và biểu lộ tình thương cùng sự chú tâm thoải mái về những cảm xúc của mình. Đó là huấn luyện thân và huấn luyện tâm để đi đến sự hợp nhất thân tâm.

Trong đạo Phật, chúng ta thường nghe nói đến Thân Tâm Nhất Như hay Thân và Tâm là một. Đó là một quan niệm phản ảnh lời dạy về Trung Đạo hay Bất Nhị (không hai). Thân và Tâm không phải là hai thực thể tách lìa: hai thứ có mặt tuy bề ngoài (tướng) khác nhau như Tâm thì không có hình tướng, không bị giới hạn bởi không và thời gian nhưng Thân thì có hình tướng, có màu sắc, có mùi vị hay cử động. Nhưng Thân và Tâm là một thực thể; nói khác đi, về mặt nhận thức, chúng ta thấy rõ ràng Thân và Tâm khác nhau nhưng về mặt thực thể chúng vốn không phải là hai thứ khác biệt. Không những nơi con người mới có sự dị biệt nhưng đồng nhất đó mà cả nơi các loại vô tri như sắt hay đồng cũng vậy: Người ta thấy rất rõ nơi một hạt âm điện tử của hạt nguyên tử sắt hay đồng, một thành phần rất nhỏ kết thành hạt nguyên tử, nó vừa là một hạt (có kích thước nhất định, có vị trí) mà vừa là một làn sóng (không có hai yếu tố trên).

Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu y khoa đã tán đồng quan niệm Thân và Tâm không phải là hai thứ tách biệt mà cùng lúc có mặt và cùng biểu lộ theo hai cách, cùng tác động lẫn nhau nhưng không ở ngoài nhau, không tách ra làm hai thứ Thân và Tâm riêng biệt: Chúng cùng biểu lộ dưới hai hình tướng khác nhau và đồng thời ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau. Nói một cách giản dị: niềm vui, nỗi buồn, ưa, ghét, sướng khổ, thương giận, hạnh phúc, đớn đau, đau bụng, nhức lưng vừa biểu lộ nơi Thân và vừa biểu lộ nơi Tâm. Như thế, sự chữa trị bệnh tật, sự phát triển sức khỏe có tính cách toàn diện: Tâm có thể tạo ra bệnh tật nơi Thân, Thân có thể làm cho Tâm mất quân bình. Do đó, bệnh nhân phải thực hành chánh niệm để nhìn sâu vào cội nguồn của Thân và Tâm để chữa trị tận gốc và phát triển sức khỏe vì cái này liên hệ với cái kia như lời đức Phật dạy trong thuyết Duyên Sinh chúng ta đã nói đến trước đây:

Cái này có thì cái kia có,

Cái này không thì cái kia không,

Cái này sinh thì cái kia sinh,

Cái này diệt thì cái kia diệt.

Điều này được bình luận gia Geoffrey Cowley, người đã đóng góp tài năng và kiến thức cho tuần báo Newsweek để tuần báo này được nhiều lần đề cử cho giải National Magazine Award, một giải thưởng rất giá trị đối với các tuần báo tại Hoa Kỳ, trình bày trong một cuộc thảo luận Live Talk vào ngày thứ tư 22 tháng 9 năm 2004. Khi có người hỏi: "Có phải bộ não của chúng ta tách biệt với Tâm ta hay không? Hai thứ đó khác nhau hay hai thứ đó là một?" Ông Cowlley trả lời:

"Khoa thần kinh học dạy chúng ta rằng điều mà chúng ta nghĩ có một cái Tâm tách biệt thì thực ra đó là những hoạt động của bộ não. Khi mà ông chấp nhận sự kiện này thì vấn đề 'Thân-Tâm kết hợp' sẽ bớt đi tính cách huyền bí. Vấn đề không phải là một bên tác động vào bên kia một cách siêu nhiên. Cảm xúc là các hiện tượng thân thể, và sức khỏe thân thể là một hiện tượng cảm xúc. Hai thứ là thành phần của chung một hệ thống."

Các cuộc tìm hiểu hiện nay về Thân-Tâm trong ngành Y Khoa và Tâm Thần Học, có lẽ đã giới hạn trong quan điểm trên, và đã tạo ra một sự hứng khởi khắp nơi tại Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới. Hậu quả cụ thể là hàng ngàn trung tâm huấn luyện Thân-Tâm (Mind and Body Training) dưới nhiều bảng hiệu khác nhau tại các bệnh viện, trường đại học y khoa, các trung tâm thể dục, các chương trình huấn luyện lực sĩ, các tổ chức chăm sóc sức khỏe. Đó là sự ứng dụng các khám phá mới mẻ nhất của ngành y khoa hiện đại đối với sự liên hệ mật thiết của Thân và Tâm trong vấn đề tạo ra sức khỏe và niềm an vui cùng phối hợp với thuốc men trong việc chữa trị hầu như tất cả các thứ bệnh tật. Trong sự hào hứng này, nhiều chuyên viên sức khỏe thể chất, tinh thần và tổ chức cộng đồng gồm các bác sĩ, y tá, tâm lý gia, tác viên xã hội đã nghiên cứu về sự lợi ích của Thiền, khí công, thái cực quyền và Yoga. Nhiều người không chỉ nghiên cứu mà còn chính mình thực hành và áp dụng vào việc điều trị bệnh nhân.

7. Lời Dạy Của Đức Phật

Trong bài viết Buddha Lessons, bà Claudia kể lại bà Dalia Isicoff bị chứng viêm khớp dạng thứ hai (rheumatoid arthritis, dạng này làm cho đau đớn ở các khớp ngón tay, cổ tay, bàn chân, cổ chân, hông, xương sống hay vai, nhiều khi phải uống thuốc giảm đau và chống viêm). Bà Dalia chịu cơn đau thống khổ nơi các khớp, cột sống, xương chậu và phải uống thuốc chống đau nhức. Cho đến hôm bà đi tham dự một khóa Thiền tại trung tâm chữa trị phối hợp đông tây, (University of Maryland's Center for Integrative Medecine). Bà được chỉ dạy cho phương pháp Thiền được gọi là Giảm Căng Thẳng Bằng Thực Hành Chánh Niệm (Mindfulness-Based Stress Reduction, MBRS). Bà khám phá ra một chân lý kỳ diệu: thay vì chống chỏi với sự đau đớn thì chỉ nhận diện nó, tiếp xúc với nó, biết nó rõ ràng thì cơn đau sẽ dịu lại.

Điều này đức Phật đã nói rõ là phải tiếp xúc với những cảm giác sướng, khổ hay trung tính (không sướng không khổ), cảm nhận tính chất rõ ràng của mỗi thứ. Thực hành sự chú tâm thoải mái, thấy biết rõ ràng là thực hành chánh niệm (mindfulness) thì Tâm dần dần trở nên trong sáng, linh động, bén nhạy, tỉnh thức, thấy biết rõ ràng đồng thời không bị cảm giác sướng (lạc thọ) hay khổ (khổ thọ) trói buộc. Ngoài ra, khi tiếp xúc với cảm giác không sướng không khổ (trung tính, bất khổ bất lạc thọ), còn gọi là xả thọ, thì tâm đi vào trạng thái vắng lặng nhanh chóng. Từ sự vắng lặng đó tâm mở rộng bao la. Trong không gian rộng lớn đó các nguồn năng lượng của sự thông minh, tình thương yêu trong sáng và niềm hạnh phúc bừng dậy.

Đức Phật đã nói rõ cách thực hành này cho quý Thầy trong kinh Tương Ưng Bộ như sau:

Giống như giữa hư không,

Gió nhiều loại thổi lên,

Từ phương đông, phương tây,

Từ phương bắc, phương nam.

Gió có lạnh, có nóng

Gió có bụi, không bụi,

Có gió lớn, gió nhỏ,

Gió nhiều loại thổi lên.

Cũng vậy trong thân này,

Khởi lên nhiều cảm thọ,

Lạc thọ và khổ thọ,

Bất khổ bất lạc thọ.

Khi Tỳ Kheo nhiệt tâm,

Tỉnh giác không sanh ý,

Do vậy, bậc hiền giả,

Liễu tri tất cả thọ.

Vị ấy liễu tri thọ,

Ngay hiện tại vô lậu,

Thân hoại, bậc Pháp trú,

Đại trí, vượt ước lường.

Khi tiếp xúc thoải mái với các cảm giác, trong đó có cơn đau nhức, thì thấu rõ bản chất của chúng chỉ là thuần túy năng lượng, không để sự ưa ghét ràng buộc, thì giải thoát ra mọi sự khổ đau và Tâm đi vào trạng thái tỉnh thức, trong sáng, bén nhạy, rộng lớn và an lạc như lời của thiền sư Hoàng Trí trong bài thơ:

Sương và trăng

Sao và suối

Tuyết trên rặng tùng

Và mây lững lờ trên rặng núi

Từ tăm tối chúng đều trở thành rực rỡ

Từ u ám chúng đều biến thành ánh sáng sáng lạn.

(Như Hạnh Dịch, Thiền Đạo Tu Tập)

Đó là cách mà bà Dalia Isicoff đã thực hành hàng ngày sau khi đã học Thiền để làm cho các cơn đau nhức do chứng thấp khớp tạo ra dịu bớt xuống đồng thời chuyển hóa chúng và dùng cơn đau như một trợ duyên cho sự thực hành tốt hơn. Sự thực hành Tứ Niệm Xứ này được áp dụng nhiều nơi để chữa trị rất nhiều loại bệnh tật từ Thân tới Tâm. Trường Đại Học Stanford có chương trình hướng dẫn bệnh nhân thực hành chánh niệm để thấu suốt tánh chất của các nỗi sợ hãi bất an để điều trị. Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Khỏe, Tôn Giáo và Tâm Linh (Center for the Study of Health, Religion and Spirituality) của trường đại học Indiana State University nghiên cứu về ăn uống trong chánh niệm giúp giảm chứng béo phì do ăn thấy ngon và ăn bớt đi cũng như giảm sự uống rượu.

8. Khí Công Tâm Pháp Là Một Tổng Hợp Tốt Đẹp

Trong Khí Công Tâm Pháp, chúng ta tập chú tâm thoải mái vào hơi thở, vào cảm giác, vào sự lắng dịu và trong sáng của Tâm cùng với những động tác nối tiếp. Nói khác đi, chúng ta thực hành chú tâm vào bốn lãnh vực của đời sống nơi chính mình là thân, thọ, tâm và pháp trong suốt buổi tập. Từ đó, niềm an lạc và sự tỉnh thức biểu lộ tràn đầy và kéo dài trong ngày. Đây là điều mà nhiều bác sĩ khích lệ các bệnh nhân thực hành để chóng lành bệnh.

Khí là chân khí vận chuyển trong thân thể để nuôi dưỡng các bộ phận khỏe mạnh. Công là cách thực hành, cách vận động. Tâm là tánh thấy biết. Pháp là sự chân thật. Tâm Pháp là tánh thấy biết chân thật biểu lộ qua sự thực hành chánh niệm hay sự chú tâm thoải mái, còn được gọi là tánh giác hay Phật tánh. Như� thiền sư Lâm Tế giảng cho những người tu học tại đạo tràng của ngài như sau:

Tâm pháp vô hình thông suốt khắp mười phương, ở mắt gọi là thấy, ở tai gọi là nghe, ở mũi gọi là ngửi, ở miệng gọi là nói bàn, ở tay gọi là nắm bắt, ở chân gọi là chạy nhảy, vốn là một cái tinh minh, phân thành sáu hòa hợp. Một Tâm đã không thì mọi nơi đều giải thoát.

Cái tinh minh, hay là cái tỏa sáng, là Tâm chân thật hay Tâm Phật biểu lộ rõ ràng, linh động qua sự hoạt động hòa hợp của mắt, tai, mủi, lưởi, thân và ý.

Khi nghe đến chữ Phật chúng ta thường có thói quen nghĩ đến một tôn giáo. Chữ Phật ở đây nói về một con người đã tỉnh thức, thấy biết rõ ràng qua sự thực hành chú tâm thoải mái vào bốn yếu tố: Thân (thân thể), Thọ (cảm giác), Tâm (các thứ tâm tư như vui-buồn, ưa-ghét, thương yêu-hận thù), Pháp (tánh chất của các thứ được nhận biết đó). Biết rõ được Tướng của chúng như mầu sác, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và những thứ trong Tâm đồng thời thấy được Tánh hay bản chất của chúng là như thị, như vậy đó, không bị ý tưởng hay tình cảm chủ quan của chúng ta sơn phết lên những mầu sắc theo sự ưa ghét hay là theo kinh nghiệm trong quá khứ của mình.

Thực hành quen cách nhìn như vậy thì Tâm chúng ta lắng dịu dần và tự mở lớn ra. Lúc đó chúng ta trực nhận (nếu trong thiền viện thì các thiền sư nhắc nhở) người thấy biết (như là chính mình) và đối tượng được thấy biết (như chiếc lá, vị chua của chanh) vốn không tách biệt, không đối nghịch nhau. Như một người bị đau đớn và cảm giác đau đớn không phải là hai thứ riêng biệt. Tâm vắng lặng là không gian rộng lớn trong đó cùng có mặt rõ ràng, thoải mái, chân thật chủ thể nhìn và đối tượng bị nhìn. Đó là tính cách không hai hay bất nhị và nó bao trùm mọi sinh hoạt thân thể, cảm giác và tâm tư chúng ta từ khi sinh ra cho đến lúc chết.

9. Cách Thực Hành Cụ Thể

Bên cạnh sự thực hành nói trên, về phương diện tập luyện thân thể, Khí Công Tâm Pháp gồm ba bài tập.

1. Khí Công Thiếu Lâm dựa trên Ngũ Hành Tương Sanh: Các yếu tố nương tựa vào nhau mà tạo ra sức khỏe. Phần tập gồm 8 động tác vận động tay chân và thân thể để đưa năng lượng tốt hay chân khí vào các vùng tim, gan, tỳ, phế, thận, ruột non, ruột già, bao tử, bàng quan, bao tim, tam tiêu, gọi là lục phủ và lục tạng cùng cách thở cho sạch phổi. Tiếp theo là thế đặc biệt nhằm chuyển năng lượng lên trên để nuôi dưỡng bộ não và quân bình năng lượng thân trên và thân dưới, các thế làm cho bộ não gia tăng sức khỏe cùng ba thế vận nội lực để gia tăng chân khí cùng phân tán chân khí ra toàn thân.

2. Các thế tập Yoga gồm 6 thế chính có 70 động tác làm cho gia tăng sức đàn hồi cũa gân và bắp thịt phối hợp với sự chuyển động lành mạnh của xương: Điều Chỉnh Thân Trước (15 động tác), Điều Chỉnh Thân Sau (5 động tác), Dũng Sĩ Đứng (22 động tác), Dũng Sĩ Bước Tới (16 động tác), Dũng Sĩ Quỳ (6 động tác) và Dũng Sĩ Ngồi (6 động tác).

3. Dưỡng Sinh Tâm Pháp gồm 8 thế tập rất nhịp nhàng phối hợp với lời niệm tạo ra một trạng thái thư giản Thân và Tâm để hệ thần kinh sản xuất ra các chất thần kinh dẫn truyền tốt như endorphine, serotonine và dopamine, v.v� làm cho cơ thể và tâm thần cảm thấy phấn chấn, khỏe mạnh, vui sướng, trẻ trung, tích cực và yêu đời.

Người lớn và trẻ em tập đều tốt cả. Tiến sĩ tâm lý học Phil, trong chương trình nổi tiếng của đài truyền hình ABC, Dr. Phil, Family First, trong tháng 9 năm 2004, đã trình bày một kết quả rất cụ thể là trẻ em khi biết cách thở sâu thì tâm thần lắng dịu, ít bị kích động và khi tập những động tác nhịp nhàng thì tỷ số thông minh IQ gia tăng nên học giỏi hơn. Điều này đã được bác sĩ Herbert Benson thuộc viện đại học Harvard xác nhận trong các tác phẩm nghiên cứu về tương quan giữa sự thực hành thiền, sức khỏe và học hành.

Khí Công Tâm Pháp đáp ứng những điều nói trên. Các trẻ em từ 6 tuổi đến các cụ già 80 tuổi (trên thực tế có hai ông bà cụ người Hoa Kỳ 83 tuổi đang tập Khí Công Tâm Pháp tại Vista) thực hành đúng đều có kết quả tốt đẹp: Sức khỏe gia tăng, trí óc trong sáng, thông minh gia tăng, tình thương mở rộng, hạnh phúc và đời sống phát triển.

Mục đích của Khí Công Tâm Pháp là:

1. Vận động để chân khí lưu chuyển điều hòa đến 12 bộ phận trong người (lục phủ và lục tạng) để duy trình sự� quân bình và phát triển sức khỏe cơ thể và tinh thần.

2. Vận động để 12 hệ thống thân thể gồm hệ thống bắp thịt gân, xương, da, dinh dưỡng, bài tiết, tuần hoàn, hô hấp, tuyến nội tiết,� miễn nhiễm, thần kinh, sinh sản và hệ thống ba đan điền được quân bình, điều hòa và khỏe mạnh.

3. Phối hợp Thiền hoạt động và Thiền tĩnh lặng tạo ra sự buông thư trong các hoạt động hàng ngày làm cho đời sống của chúng ta vui tươi, tích cực, mạnh mẽ, thông minh, hiểu biết và phát triển.

Đây là phương pháp thực hành toàn diện Thân và Tâm đưa đến trạng thái Thân Tâm nhất như. Từ đó chúng ta thấu rõ Thân và Tâm của mình là một thực thể mầu nhiệm biểu lộ thành các cử động thoái mái của tay chân cùng� thấy nghe, cảm xúc trong một sự vắng lặng rộng lớn, rực rỡ bao la của niềm hạnh phúc tỏa sáng kỳ diệu, nơi đó không có sự bắt đầu và tận cùng. Mỗi phút giây là thiên thu vĩnh cữu như sự cảm nhận của thi sĩ William Blake trong bài thơ Auguries of Innocence:

Thấy vũ trụ trong một hạt cát

Và thiên đàng nơi một đóa hoa dại

Cầm vô biên nơi lòng bàn tay

Và vĩnh cữu trong một giờ ngắn ngủi.

Khi đọc đến đây, chúng ta đã biết thêm về cách hướng dẫn Thiền buông thư của các bác sĩ trong các chương trình hướng dẫn phát triển sức khỏe. Chúng ta tiếp tục tập thở thoải mái khi ngồi trên gối thiền, trên ghế hoặc nằm, cảm nhận thành bụng phồng ra khi thở vào và xẹp xuống khi thở ra. Để cho sự chú tâm được dễ dàng, chúng ta thở vào - thở ra đếm 'một', thở vào - thở ra đếm hai cho đến mười thì đếm một trở lại. Những vị nào quen niệm Phật, thở vào niệm 'Nam Mô A', thở ra 'Di Đà Phật'. Các vị khác có thể chọn một câu thích hợp theo tôn giáo của mình. Nếu quên thì bắt đầu lại bằng số một.

Chúng ta đã biết khá đầy đủ về những lợi ích khi thực hành Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động. Giờ đây chúng ta chuẩn bị cho sự thực hành cụ thể, lâu dài và có kết quả chắc chắn.

1. Tập thở đan điền tăng dần từ 15 phút lên 30 phút. Sau khi thành công tăng từ 30 phút đến 1 giờ. Sau đó tăng lên 2 giờ. Tiếp tục thực hành thở đan điền thoải mái cho đến khi thở đan điền trở thành một thói quen tự nhiên.

2. Tập các thế Khí Công Thiếu Lâm cho thật đúng: Các động tác, cách đưa tay và chân đúng vào vị trí, cách hít hơi, nín đẩy hơi hay vận chân khí đến các vùng liên hệ với thế tập. Quan trong nhất là cảm nhận cảm giác khi nín thở ở mỗi vùng và quan trọng hơn nữa là cảm nhận cảm giác an lạc ở mỗi hơi thở ra. Sau khi tập quen, chỉ cần đưa tay lên, vận chân khí, thở ra vào thế đầu tiên là cảm giác an lạc xuất hiện tức khắc. Cảm giác này sẽ kéo dài qua các hoạt động khác trong ngày.

3. Khi tập các thế Quân Bình Chân Khí, Vượng Não, Vận Nội Lực thì cảm nhận năng lượng mạnh mẽ gia tăng nơi bộ não và nơi thân thể. Sau 70 động tác Yoga, tám thế Dưỡng Sinh Tâm Pháp làm cho bộ não buông thư tối đa và cảm giác an vui kỳ diệu mỗi ngày một phát triển.

4. Trong những sinh hoạt khác trong ngày thực hành chú tâm thoải mái nơi đan điền khi thở vào và thở ra làm cho cảm giác an vui nói trên xuất hiện khi đi bộ, chạy bộ, ăn cơm, uống nước, nói chuyện, làm việc, lái xe, ngồi xem các chương trình truyền hình hay âm nhạc.

5. Những buổi ăn trưa hay tối tạo dịp thực hành ăn trong yên lặng và cảm nhận cảm giác an vui sung sướng khi nhai và nuốt thực phẩm. Càng nhai lâu càng thấy ngon. Lúc tráng miệng nên ăn trái cây tươi, ngọt và lạnh để cảm giác vui sướng nơi bộ não gia tăng. Bộ não sẽ quen dần với cách thức trở về với niềm an vui đó và sau này dễ dàng cho cảm giác tốt đẹp này tái xuất hiện.

6. Sau khi ăn trưa nên thực hành Thiền Buồn Ngủ: Ngồi dựa lưng vào ghế bành cho an toàn, nhắm mắt lại để cho cảm giác buồn ngủ xuất hiện. Chú tâm thoải mái vào cảm giác buồn ngủ mỗi lúc một gia tăng cho đến khi ngủ gật thì tự nhiên tỉnh lại và thực hành tiếp. Mỗi lần chỉ độ 10 phút, như vậy là có giấc nghĩ ngơi thật thoải mái trong 20 phút. Bộ não sẽ ghi nhận cảm giác vắng lặng của tâm (khi buồn ngủ thì không có ý tưởng xuất hiện) cùng cảm giác an vui êm dịu kéo dài. Theo tác giả Martine Gay, những người nào không ngủ được nếu ngủ chợp được nhiều lần trong ngày thì cũng giúp ích rất nhiều cho cơ thể phục hồi sức khỏe.

7. Sau khi tập một thời gian đều đặn thì cảm giác thích thú an vui nơi thùy trán trước gia tăng, người thấy vui tươi, thoải mái, tích cực, dễ dàng cảm thông và ít còn bị ngoại cảnh làm cho khổ đau như trước. Trạng thái tâm thần như vậy rất tốt cho sự phát triển sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật, và theo những cuộc nghiên cứu y khoa mới nhất, rất cần thiết cho những người bị bệnh tim mạch, bị các chứng bệnh tự nhiễm (autoimmune), bệnh ung thư cùng rất nhiều thứ bệnh khác do sự căng thẳng tạo ra.

8. Những vị nào hay bị các chứng đau nhức thì ngoài các thế tập của Khí Công Tâm Pháp nên thực hành Lạy Hồng Danh theo khí công. Mỗi người tùy theo tôn giáo của mình lập một bàn thờ và lạy mỗi ngày một trăm lạy theo khí công sẽ giúp cho bớt đau đầu gối và đau xương sống cũng như các loại đau nhức khác. Ban đầu tập lạy 15 lần, sau tăng lên 30, 60 rồi 100. Lạy quen rồi sẽ thấy rất ích lợi. Mỗi tuần lạy năm ngày là vừa đủ. Lạy với sự chú tâm thoải mái làm gia tăng cảm giác an vui, sung sướng, khỏe mạnh và sau đó cầu nguyện cho bản thân và mọi người được an lành và khỏe mạnh. Mỗi người tự sắp đặt thời khóa biểu cho thích hợp như buồi sáng dậy uống trà, tập khí công, đi hay chạy bộ. Nếu thích hợp và cần thực hành Lạy Hồng Danh hơn thì lạy xong tập khí công. Buổi chiều dành cho đi bộ. Những người về hưu nên tập hai giờ hay hơn. Những người đi làm việc nếu tập được một giờ thì rất tốt. Bộ Y Tế Hoa Kỳ cũng nhắc nhở các thanh thiếu niên tập một giờ mỗi ngày.

9. Chúng ta luôn luôn nhớ các sinh hoạt tập luyện nhắm đến hai mục đích cùng lúc: Sức khỏe và niềm an vui hạnh phúc. Hai thứ cùng phát triển tốt đẹp và bổ xung cho nhau: Tập luyên an vui sung sướng nên thích tập luyện, càng ưa thích tập luyện thì càng phát triển sức khỏe.

10. Khi có sự khỏe mạnh, có niềm an vui sung sướng thì làm việc ít thấy mệt mõi vì biết an trú trong cảm giác an vui nơi thùy trán trước, tinh thần thông minh thoải mái, tánh tình hài hòa, giảm bớt sự căng thẳng rất nhiều trong những cuộc tương giao, học hành thấy thích thú vì cảm giác an vui nơi bộ não kéo dài qua sự thực hành chú tâm thoải mái và buông thư.

Điều này không phải chỉ do các nhà khoa học thế kỷ 21 này khám phá mà đã được đức Phật nói ra cách đây trên hai ngàn năm khi nhắc nhở một người đệ tử tại gia của mình là vua Pasenadi hay Ba Tư Nặc chú tâm vào sự ăn uống để ăn ít lại và gia tăng sức khỏe qua bài kệ:

"Thường thực hành chánh niệm,

Ăn uống biết vừa đủ,

Nhai lâu cảm thọ mạnh,

Trẻ lâu, tuổi thọ dài."

Cảm thọ mạnh là cảm giác an vui sung sướng khi ăn, đưa đến sự phát triển sức khoẻ, trẻ lâu và tuổi thọ dài. Lời dạy đặc biệt của Ngài rất phù hợp toàn bộ giáo lý giải phóng con người ra khỏi sự khổ đau do sự sanh nở gây ra, già cả, bệnh tật gây ra cùng với những khổ đau vì muốn mà không được, ghét mà lại xảy ra cho mình.

Vua Pasenadi thực hành theo lời dạy và thấy có kết quả rất tốt đẹp: Giảm cân, sức khỏe và niềm hạnh phúc gia tăng. Chúng ta ai cũng biết con đường vạn dặm được bắt đầu bằng một bước chân đầu tiên rồi sau đó tiếp tục bước đều đặn. Trên con đường vạn dặm chúng ta bước từng bước chân thoải mái, an vui, thảnh thơi, hạnh phúc. Niềm an vui, sung sướng, hạnh phúc nằm nơi mỗi bước chân đưa lên và để xuống, mỗi bước chân là con đường vạn dặm, mỗi hơi thở vào và thở ra thiên thu vĩnh cữu và cõi Thiên Đàng hay chốn Cực Lạc là bây giờ và nơi đây. Thực hành tập luyện hàng ngày là sự mầu nhiệm kỳ diệu của đời sống mỗi chúng ta.

Phần này được biên soạn với sự phối hợp các tài liệu:

· The New York Time, September 14, 2003

· Những bài viết của nhiều tác giả trong tuần san Newsweek, September 27, 2004

· Sách: Thiền Luận, Trúc Thiên Dịch, xuất bản tại Việt Nam, không ghi ngày tháng

· Thiền Đạo Tu Tập do tiến sĩ Như Hạnh dịch, tái xuất bản tại Hoa Kỳ

· Reversing Heart Disease do bác sĩ Dean Ornish biên soạn, Random House, New York, 1990

· The Breakout Principle do bác sĩ Herbert Benson và William Proctor biên soạn, Scribner, New York, 2003

· Bien Dormir, Source D'Energie, do Martine Gay biên soạn, Editions Dervy, Paris, 1999

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro