Chương 1: Gia tộc tứ thần

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 1: Gia tộc tứ thần

Năm Công Nguyên đầu tiên, "lời nguyền máu" đổ xuống, kết thúc chiến tranh trên đại lục Kỳ Tích, mở ra một thời đại mới, được gọi là lịch Ảo Ảnh.

Kéo dài hơn sáu trăm năm, đại lục Kỳ Tích đã phát triển thành một diện mạo hoàn toàn mới.

Bảy vùng lãnh thổ lớn trên đại lục, phân biệt bao gồm các nước quân chủ Vân Đoan, Lilith, Tín Cáp, Bắc Địa; liên bang Bình Quả; nước cộng hòa Hoang Nguyên; cùng với đảo Phế Tích ở xa xa ngoài khơi.

Mặc dù có chế độ quân chủ chuyên chế, nhưng Lilith, Tín Cáp, Bắc Địa đều dần nghiêng về phát triển khoa học kỹ thuật, cuộc sống sinh hoạt hiện đại hóa, không còn mang hương vị cổ hương cổ sắc như vài trăm năm trước.

Trừ Phế Tích, liên bang Bình Quả là nơi có trình độ phát triển cao cấp, hiện đại nhất.

Về phần Phế Tích, nơi này thật sự không thể coi là một quốc gia, ngay cả có "người" ở hay không cũng là một ẩn số, nhưng truyền thuyết về nơi này cũng không kém hơn bất cứ đâu, thậm chí đối với một số địa phương, Phế Tích có thể nói là thần tích.

Chỉ có Vân Đoan, dường như vĩnh viễn ngủ say trong dòng thời gian lịch sử, phóng tầm mắt nhìn lại, từ đình đài lầu các, xe cộ qua lại, đến người đến người đi, vẫn không khác gì vài trăm năm trước.

Cùng là chế độ quân chủ, nhắc đến Tín Cáp, tất cả mọi người đều nghĩ đến nữ vương Ellie, nhưng nói đến Vân Đoan, lại không mấy ai nghĩ đến hoàng đế, ngược lại, chủ đề được nói đến nhiều nhất đều là gia tộc tứ thần, bốn gia tộc lớn của Vân Đoan.

"Lớn" ở đây không chỉ nói về quy mô, mà còn bao hàm các mặt của cải, quyền bính, nhân tài... Bằng không, chỉ ngay Vân Kinh – kinh đô của Vân Đoan, cũng đã không thiếu những gia tộc lâu đời với số của cải kếch sù, hoàn toàn không đáng đặc biệt nói riêng về bốn gia tộc kia.

Bốn gia tộc, Bạch, Việt, Chúc, Minh, phân biệt nắm giữ các mặt, gần như bao quát toàn Vân Đoan.

Bạch gia tham chính, trong lịch sử, không biết bao nhiêu đời nhiếp chính vương, bao nhiêu đời đế sư đều xuất thân từ gia tộc này. Ở Vân Kinh, nói Bạch gia một tay che trời cũng không ngoa, ngay cả hoàng đế cũng phải nể Bạch gia ba phần.

Không phải chưa bao giờ có lời nói Bạch gia công cao át chủ, có mưu đồ bất chính, nhưng thứ nhất không có chứng cứ cụ thể, thứ hai lịch sử cho đến nay đã chứng minh, thời đại Bạch gia đều chỉ là phụ tá, chưa một lần có ý định tự mình đăng cơ. Có nguyên nhân bên trong hay không, không ai biết, mọi người chỉ biết, Bạch gia đời đời cố thủ phía đông Vân Kinh, thậm chí trong những năm tháng loạn lạc nhất cũng không rời đi, đồng thời ở bên cạnh nâng đỡ hoàng tộc, mới có địa vị ngày hôm nay.

Việt gia theo quân. Hầu hết các đời hộ quốc đại tướng quân của Vân Đoan đều là người Việt gia. Quân đội Việt gia đóng ở phương tây, bảo vệ biên giới Vân Đoan tiếp giáp với Bắc Địa, Bình Quả, là hộ thuẫn vững chắc ngăn cản khói lửa chiến tranh ở Bắc Địa lan vào Vân Đoan.

Chúc gia Nam Cảnh, một phần ba tiền thuế toàn quốc bắt nguồn từ nơi này. Ở Nam Cảnh, Chúc gia là thổ hoàng đế, không chỉ được lòng dân, thậm chí còn nghe đồn, Chúc gia có quan hệ không tệ với giang hồ.

Minh gia Bắc Cảnh, nhìn như thường thường không có gì lạ, lại cực thiện thuật cơ quan, sở trường chế tạo các loại mộc diên(1), phần lớn các loại máy móc gỗ được sử dụng ở Vân Đoan, đều dính dáng đến Minh gia, không phải chế tạo, thì là phát minh, cũng hoặc là hợp tác chế tạo.

Nếu chỉ như vậy, bốn gia tộc này cũng không khác gì vô số những gia tộc khác, nhiều nhất chỉ giàu có hơn, mạnh mẽ hơn một chút mà thôi.

Lý do thật sự mà bốn gia tộc được xưng "tứ thần" đã thất lạc từ lâu trong sông dài lịch sử. Phiên bản được lưu truyền rộng rãi nhất hiện tại chính là, các gia chủ đời đầu tiên của bốn gia tộc từng ký kết khế ước với tứ thần thú – thanh long phía đông, chu tước phía nam, bạch hổ phía tây, và huyền vũ phía bắc.

Cứ như vậy, vị trí của các nhà cũng phần nào làm cho đồn đãi này đáng tin hơn.

Không những thế, theo một số ghi chép để lại, trong nhiều trận đánh trong lịch sử, các tướng quân Việt gia đã từng sử dụng một loại sức mạnh vượt xa tưởng tượng, khí thế lôi đình vạn quân, cứu lại những tình thế tưởng chừng như đã rơi vào bước đường cùng, bảo vệ biên giới đất nước.

Ngoài ra, các loại mộc diên do Minh gia điều khiển đều linh hoạt thuần thục hơn xa những người khác, Chúc gia từng có người một thân một mình đốt cháy vài thuyền hải tặc, Bạch gia từng làm thủ lĩnh phản quân bị sét đánh chết,... cùng vô số những lời đồn không khác gì như trong truyền thuyết khác, tạo nên gia tộc tứ thần bí ẩn mạnh mẽ hiện tại.

Về phần thực hư ra sao, chỉ có người trong cuộc mới biết.

***

Năm Thừa Thiên thứ ba, năm 650 theo lịch Ảo Ảnh, trưởng công chúa Nguyệt Cầm được tứ hôn cho Hy vương Bạch Vân Phi.

Bốn năm sau, trưởng công chúa sinh ra một nam hài, lại là một bạch tử(2).

Bạch Vân Phi là đích tử cũng là trưởng tử Bạch gia, cuộc hôn nhân cùng trưởng công chúa tuy là hôn nhân chính trị, nhưng cả hai đều là người tài sắc song toàn, cũng đều kính trọng đối phương, cuộc sống tương kính như tân, ngược lại cũng dần sinh ra tình cảm thật.

Đứa bé đầu tiên còn chưa sinh ra đã gánh lấy không biết bao nhiêu chờ mong, của vương gia vương phi, của gia chủ Bạch gia, thậm chí của toàn Bạch gia.

Một phần bởi vì đây là đích trưởng tử, một phần khác cũng bởi vì, Hy Long văn đã trăm năm chưa xuất hiện.

Người ngoài chỉ biết gia chủ bốn nhà Bạch Chúc Việt Minh ký khế ước với tứ thần thú, năng lực cũng được truyền qua các đời, lại không rõ chi tiết bên trong.

Hy Long văn, Sí Hoàng văn, Sương Hổ văn, cùng Thương Minh văn – đại diện cho sức mạnh của bốn vị thần thú đổ xuống trên người được chọn. Mặc dù vậy, hoa văn mỗi đời lại cũng không hoàn toàn giống nhau, năng lực được thừa hưởng cũng có khác.

Từ các ghi chép của Bạch gia, Hy Long văn cũng không xuất hiện liên tục, trên đời không bao giờ đồng thời tồn tại hai người cùng sở hữu Hy Long văn, xuất hiện hầu như đều là cách đời.

Một đời trớ trêu nhất, một vị gia chủ Bạch gia, sau khi hài tử sinh ra được ba năm, vào đúng ngày sinh nhật đứa nhỏ, vị gia chủ này cũng khí tuyệt bỏ mình. Bởi vị này đã triền miên giường bệnh hơn một năm, mọi người cũng chỉ cho rằng mệnh trời như thế, bi thương một thời gian cũng thôi. Nhưng khi đứa nhỏ lớn lên, nhận biết về Hy Long văn trên người mình, mới phát hiện ra chân tướng, nhưng lúc này có oán có hối cũng không làm được gì.

Ba tuổi, trên người đứa trẻ được chọn sẽ xuất hiện đồ đằng. Tuy nói tứ thần thú là thanh long, chu tước, bạch hổ, huyền vũ, đồ đằng xuất hiện lại không nhất định sẽ là thanh long, chu tước, bạch hổ, huyền vũ giống nhau.

Chỉ có thể chắc chắn một điều, Hy Long văn là rồng, Sí Hoàng văn là chim lửa, Sương Hổ văn là bạch hổ, Thương Minh văn là huyền vũ.

Hai nhà sau cơ bản không có thay đổi, chênh lệch chỉ là cường độ và độ nắm giữ sức mạnh. Mà hai nhà trước, trên cơ sở năng lực cơ bản, sự phát triển lại khó lường hơn nhiều.

Nói đến chim lửa – loài chim bất tử, có thể là chu tước, cũng có thể là phượng hoàng, phượng hoàng lại gồm năm nhánh khác nhau, các loại năng lực cũng không giống nhau.

Mà rồng, dùng màu sắc gọi tên, không chỉ đơn thuần là phân biệt màu sắc, mỗi màu sắc khác nhau, năng lực cũng một trời một vực.

Với Bạch gia, mỗi đời Hy Long văn xuất hiện, đại biểu cho một thời gia tộc càng mạnh mẽ, càng huy hoàng. Nhất là trong thời buổi sóng ngầm mãnh liệt như hiện tại. Không phải nói không có Hy Long văn, Bạch gia sẽ không vượt qua được sóng gió, mà là Hy Long văn, nó giống như một loại tín ngưỡng, mang đến niềm tin vô hạn.

Đích trưởng tử sinh ra, được ban tên Vĩnh Hy.

Bởi vì là bạch tử, sức khỏe của tiểu Vĩnh Hy cũng không tốt, ba ngày một bệnh nhẹ, năm ngày một bệnh nặng, qua tay bao nhiêu ngự y trong thái y viện, dùng bao nhiêu dược liệu quý hiếm, cũng không thể khỏe mạnh giống như những đứa trẻ bình thường. Thậm chí theo lời thái y, nếu còn tiếp tục bệnh như vậy, sống được mấy năm còn chưa biết chừng, càng đừng nói sống đến trưởng thành.

Vương phi thương con, dù không đến mức thuốc gì cũng dám thử, lại cũng điên cuồng tìm các phương thức dân gian, hi vọng vào một kỳ tích mịt mờ. Thậm chí nghe nói nam hài nuôi như nữ hài, có thể giúp hài tử khỏe mạnh trưởng thành, bởi vì quỷ thần thiên vị nữ tử, hơn nữa nữ tử âm khí nặng, sẽ không bị quỷ thần bắt đi. Vì vậy bắt đầu cho tiểu Vĩnh Hy ăn mặc như nữ hài, từ các loại váy áo giày hài, đến búi tóc cài hoa, không khác gì một bé gái.

Ban đầu, vương gia và gia chủ Bạch gia – Thiên Trật lão nhân, Hy vương đời trước là không đồng ý. Dù gì cũng là con cháu trong một gia đình danh gia vọng tộc, làm sao có thể nam nữ không phân.

Nhưng không biết là bởi tác dụng tâm lý, hoặc là phương pháp này thật sự có tác dụng hay gì khác, tiểu Vĩnh Hy thật sự dần dần khỏe lên.

Bởi vì có khởi sắc, khi vương phi đặt nhũ danh cho tiểu Vĩnh Hy là Hỉ nhi, hai vị còn lại trong nhà cũng mở một mắt nhắm một mắt làm lơ.

Đến ba tuổi, tuy vẫn có vẻ hơi nhỏ con yếu ớt hơn bạn cùng lứa tuổi, sức khỏe của tiểu Vĩnh Hy cơ bản cũng đã ổn định, không cần cả ngày làm bạn với ấm thuốc như trước. Hơn nữa, bởi vì từ nhỏ trường kỳ ốm bệnh, tiểu Vĩnh Hy cực kỳ mẫn cảm với cảm xúc của người khác, cũng ngoan ngoãn quá đáng, hoàn toàn không khóc nháo phá phách như những đứa trẻ khác.

Từ khi bắt đầu học nói, học viết chữ đọc sách, tiếp xúc với các loại thiết kế, tiểu Vĩnh Hy đã lộ ra trí thông minh cùng thiên phú hơn người, ngay cả Thiên Trật lão nhân cũng từng cảm thán, cho dù không có Hy Long văn, tiểu Vĩnh Hy sau này cũng tất làm nên một phen sự nghiệp.

Bởi vì đồ đằng tứ thần trong trường hợp bình thường chỉ có người được chọn mới nhìn thấy, cho nên khi tiểu Vĩnh Hy ba tuổi được hỏi trên người có xuất hiện hình vẽ gì trả lời bằng một cái lắc đầu, Thiên Trật lão nhân mặc dù có chút đáng tiếc, lại cũng không quá thất vọng. Bạch gia không chỉ có một mình tiểu Vĩnh Hy, có lẽ chỉ là thời điểm chưa đến mà thôi.

Hoàn toàn không hề nghĩ đến, một đứa trẻ thường ngày đều ngoan đến quá thể trưởng bối nói gì nghe nấy lại đang nói dối.

.

(1) Mộc diên: các loại máy móc, công cụ, con rối... bằng gỗ

(2) Bạch tử: một các gọi người bị bệnh bạch tạng, biểu hiện ở màu tóc, màu mắt nhạt từ trắng đến nâu, thị lực yếu...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro